Luận án Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Nhằm bảo đảm cho những giải pháp đã được luận án đề xuất phát huy được hiệu quả trong thực tiễn thì cần phải tiếp tục nghiến cứu và làm rõ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn của những vấn đề khoa học sau: - Tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi, nội dung và kết cấu của đạo luật bảo đảm độc lập xét xử của Tòa án; - Tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi, nội dung và kết cấu của chế định tố tụng Hiến pháp; - Tiếp tục nghiên cứu pháp luật có liên quan để sửa đổi và bô sung nhằm tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất, phụ hợp phục vụ việc thay đổi quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán; - Nghiên cứu lý luận và thực tiễn để xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề Thẩm phán.

pdf166 trang | Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 4270 | Lượt tải: 8download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cho phép người bào chữa tham gia từ khi khởi tố bị can đối với những tội xâm phạm an ninh quốc gia; bổ sung nghĩa vụ phải thông báo cho người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung bị can; không giới hạn số lần tiếp xúc giữa bị can với người bào chữa. Ngoài ra cần bỏ quy định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa tại khoản 4 Điều 56. Vì những quy định của pháp luật này đều dẫn đến hạn chế quyền được có người bào chữa của bị can, bị cáo. Thứ ba, song song với việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự thì cần phải nâng cao năng lực và trách nhiệm thi hành luật trong quá trình xét xử. Trước hết cần xây dựng các giải pháp bảo đảm năng lực xét xử của Tòa án, như: Xây dựng pháp luật bảo đảm cho hoạt động xét xử độc lập, nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và hoàn thiện các cơ chế giám sát để kịp thời phát hiện hành vi trái pháp luật và xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, xây dựng đội ngũ luật sư đảm bảo yêu cầu tranh tụng và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố cũng là những giải pháp cần phải được tiến hành đồng bộ. b) Hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự 136 Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ cần phải “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại toà làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp”. Tiếp theo đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”; “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự”. Như vậy, hai yêu cầu căn bản đặt ra cần phải được giải quyết một cách hài hoà là đơn giản hoá các thủ tục nhằm đáp ứng đòi hỏi về tính mềm dẻo, linh hoạt của thủ tục tố tụng dân sự trong bối cảnh nền kinh tế thị thường và đẩy mạnh hội nhập quốc đặc biệt là nhu cầu bảo vệ quyền công dân, quyền con người bằng hoạt động xét xử ngày càng gia tăng. Theo tinh thần này, chúng tôi cho rằng cần phải giải quyết những vấn đề mang tính cốt lõi trong việc hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo vệ quyền công dân, quyền con người bằng hoạt động xét xử, bao gồm: Xác định hợp lý vai trò và trách nhiệm chứng minh của các chủ thể; đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả của các quy định về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thiết lập thủ tục tố tụng dân sự rút gọn nhằm loại bỏ sự rườm rà, đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo của thủ tục tố tụng dân sự. Thứ nhất, về các quy định liên quan tới nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự. BLTTDS Việt Nam năm 2004 (BLTTDS) về cơ bản cũng được xây dựng trên cơ sở thủ tục tố tụng xét hỏi của các nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa có kết hợp các yếu tố của thủ tục tố tụng tranh tụng của các nước theo hệ thống pháp luật án lệ. Cụ thể là BLTTDS Việt Nam hiện nay vẫn coi hồ sơ vụ án là tài liệu quan 137 trọng làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án nhưng đề cao hơn nghĩa vụ tự chứng minh của đương sự so với các quy định trước kia, trong trường hợp xét thấy chứng cứ trong hồ sơ chưa đủ cơ sở để giải quyết thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ. Toà án chỉ tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự mình thu thập được và có yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ [65]. Theo BLTTDS hiện nay, mặc dù Hội đồng xét xử giữ vai trò điều khiển phiên tòa nhưng các yếu tố của thủ tục tố tụng tranh tụng được coi trọng như trong phần xét hỏi luật sư có quyền chất vấn bên đối thủ, các đương sự có thể đặt câu hỏi đối với nhau. Ngoài ra, đương sự được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập; tất cả các tình tiết, chứng cứ, tài liệu dùng làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án đều được các bên tranh tụng công khai, trực tiếp và bằng lời nói tại phiên tòa, luật sư giữ vai trò chủ động trong quá trình tranh tụng, Toà án không được hạn chế thời gian tranh luận mà phải tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến của họ [65]. Việc tiếp nhận các yếu tố của thủ tục tố tụng tranh tụng trong BLTTDS Việt Nam cũng đặt ra những vấn đề mà chúng ta cần giải quyết. Trong thực tiễn, sau khi BLTTDS có hiệu lực pháp luật, các toà án dường như trút được một gánh nặng trong việc chứng minh làm rõ sự thật của vụ án với quan niệm các đương sự phải tự chứng minh cho quyền lợi của mình, nếu không tự chứng minh được sẽ bị toà án xử bác yêu cầu. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng Việt Nam là một đất nước mà đa phần dân số đều làm nông nghiệp, do vậy, các quy định này của BLTTDS mặc dù không gây xáo trộn đối với các doanh nghiệp, các thị dân thành phố nhưng đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì đó lại quả là một vấn đề không nhỏ. Người nông dân Việt Nam vốn xa lạ với pháp đình và càng xa lạ hơn với việc tự chứng minh, do vậy, sau khi nộp đơn kiện rồi thì thường phó mặc cho toà án giải quyết mà không biết rằng mình phải tự đi thu thập các tài liệu cần thiết để chứng minh. Trong khi đó, theo quy định của BLTTDS hiện nay thì toà án không còn được tự mình tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ để hoàn thiện hồ sơ vụ án như trước đây nữa. Như vậy, hậu quả tất yếu là thời gian giải quyết vụ án sẽ bị kéo dài 138 hơn so với các quy định trước kia. Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền nên có những quy định mang tính chuyển tiếp cho việc thực hiện. Cụ thể là cần quy định rõ khi nhận đơn khởi kiện của đương sự, toà án phải giải thích rõ cho đương sự về nghĩa vụ chứng minh của họ cũng như các chứng cứ, tài liệu cụ thể cho mỗi vụ án mà đương sự phải xuất trình và quyền yêu cầu toà án thu thập chứng cứ nếu không tự mình thu thập được. Hiện nay, Điều 7 BLTTDS và Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao ngày 17/9/2005 quy định khi có yêu cầu của đương sự thì cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ (thường là các giấy tờ về hộ tịch, nhà đất) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các chứng cứ này cho đương sự, trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ. Trong thực tiễn tố tụng tại Toà án thì văn bản này được coi là điều kiện tiên quyết để đương sự có thể yêu cầu Toà án tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ. Nhưng xem ra quy định này khó có thể được thực hiện trên thực tế khi mà nền hành chính quốc gia chưa thực sự được cải tổ và cơ quan công quyền chưa thực sự “gần dân”. Khi người có trách nhiệm quản lý hồ sơ, tài liệu trong các cơ quan công quyền đã không có thiện chí trong việc cấp cho người dân các giấy tờ, tài liệu có liên quan tới vụ kiện thì có lẽ người dân sẽ không thật dễ dàng để có trong tay bản thông báo nói trên. Do vậy, để đơn giản hoá các thủ tục tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc bảo vệ quyền lợi của mình thì cần hoàn thiện các quy định trên theo hướng nếu cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ của vụ án không cung cấp các tài liệu cần thiết và cũng không thông báo bằng văn bản cho đương sự về lý do của việc không cung cấp thì đương sự có thể ngay lập tức yêu cầu sự can thiệp của Toà án trong việc thu thập chứng cứ. Thứ hai, về các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự Theo quy định của BLTTDS hiện hành các quy định về thời điểm áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS hiện nay chủ yếu được xây dựng trên 139 cơ sở kế thừa ba pháp lệnh về thủ tục tố tụng trước đó và được bổ sung, hoàn thiện hơn trên cơ sở tham khảo các quy định tương ứng trong pháp luật tố tụng dân sự của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, sự tiếp thu quy định của các nước về thời điểm áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Theo pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới mà điển hình là pháp luật tố tụng dân sự của Mỹ, Pháp và Trung Quốc thì thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp có thể được áp dụng trước khi khởi kiện hoặc trong quá trình Toà án giải quyết một vụ kiện chính hoặc có thể được áp dụng một cách hoàn toàn độc lập. Mặc dù, BLTTDS Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời so với các quy định trước kia, cho phép đương sự có thể yêu cầu toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện vụ án hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (Điều 99 BLTTDS) nhưng không cho phép yêu cầu áp dụng biện pháp này trước khi khởi kiện vụ án. Chính vì vậy, nhằm bảo đảm cho khả năng khôi phục quyền và lợi ích bị vi phạm thì pháp luật tố tụng dân sự cần mở rộng quyền được yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay khi phát hiện được hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Thứ ba, về việc xây dựng các quy định về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Một trong những yêu cầu của hoạt động xét xử dân sự trong việc bảo vệ quyền công dân là bảo đảm tính kịp thời cho nên việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút ngọn là cần thiết trong trường hợp những vụ án dân sự đã có đầy đủ tình tiết, chứng cứ thể hiện rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp. Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ chính trị ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã củng cố cho nhận định này và chỉ rõ cần phải tiếp tục: “Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”. Qua tham khảo pháp luật tố tụng dân sự nước ngoài có thể thấy rằng pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới có quy định về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn thì việc xét xử đều giao cho một Thẩm phán đảm nhiệm. Ở Việt Nam, mặc dù tại các Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960, 1981, 1992, 2002 đều quy định rằng 140 Toà án xét xử và quyết định theo đa số nhưng không phải là không có ngoại lệ. Chẳng hạn điều 12 Luật Tổ chức Toà án năm 1960 quy định “Toà án nhân dân thực hành chế độ xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Khi sơ thẩm, Toà án nhân dân gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Toà án nhân dân có thể xử không có Hội thẩm nhân dân”. Đối với loại vụ kiện có chứng cứ rõ ràng, một bên đương sự thừa nhận nghĩa vụ thì xét về bản chất đây là loại việc không có tranh tụng cả về chứng cứ và về quyền, nghĩa vụ giữa các bên đương sự. Nếu quy định bị đơn có quyền kháng cáo đối với bản án của Toà án trong trường hợp này thì bị đơn sẽ có thể lợi dụng pháp luật kháng cáo nhằm kéo dài vụ án, trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ của mình. Vô hình chung pháp luật đã tạo điều kiện cho người không có thiện chí trong việc thực hiện nghĩa vụ có thể trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn. Thiết nghĩ, để bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn vẫn cần thiết phải quy định phán quyết của thẩm phán đối với những loại vụ kiện có những chứng cứ rõ ràng, một bên đương sự thừa nhận nghĩa vụ, sẽ có hiệu lực pháp luật ngay. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thiết lập một cơ chế chuyển hoá giữa thủ tục xét xử rút gọn và thủ tục thông thường cũng là một giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của các bị đơn “ngay tình” và “trung thực” chống lại sự lạm quyền của bên đi kiện. Cụ thể là cần quy định quyết định của Toà án buộc thanh toán nợ không bị phản kháng trong một thời hạn nhất định sẽ có hiệu lực thi hành. Ngược lại, trong trường hợp người bị kiện phản đối quyết định của Toà án buộc thanh toán nợ (kháng án) thì vụ kiện sẽ lập tức được đưa ra xét xử tại phiên toà sơ thẩm. c) Hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính Luật Tố tụng hành chính (TTHC) được QH XII thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ ngày 1.7.2011 được đánh giá là một bước tiến lớn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường quyền dân chủ của công dân và trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính, một số quy định của Luật Tố tụng hành chính khó được thực thi trong thực tiễn vì nội dung quy định 141 có tính khái quát cao và thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm của người có nghĩa vụ đặc biệt là bên bị khởi kiện. Trong tố tụng hành chính, bên bị khởi kiện là cơ quan công quyền vì thế vấn đề quy định nghĩa vụ pháp lý phải rõ ràng và cần có cơ chế xử lý nghiêm minh trong trường hợp thoái thác nghĩa vụ tố tụng hành chính trong khi đó Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ quy định nghĩa vụ mà chưa hề đề cập đến những trách nhiệm của bên bị kiện trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ vì thế trong thực tiễn đã xảy ra những tình huống người bị khởi kiện không thực hiện nghĩa vụ tố tụng khiến việc giải quyết vụ án hành chính kéo dài, phức tạp gây thiệt hại quyền lợi của công dân, cá nhân. Chính vì thế, cần bổ sung các nghĩa vụ sau đối với bên bị khởi kiện: - Thứ nhất, pháp luật cần quy định: Bên bị kiện có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện. Nếu pháp luật tố tụng hành chính không bổ sung quy định này thì khó bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên trong tố tụng hành chính vì người bị khởi kiện là bên chủ động, có quyền đơn phương ra các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trên cơ sở các quy định của pháp luật nên họ có ưu thế hơn đối với bên khởi kiện trong việc xác định tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện. Nhằm bảo đảm bên bị kiện thực hiện nghĩa vụ này, pháp luật tố tụng hành chính cần giới hạn thời gian “trong một thời hạn nhất định kể từ khi nhận được thông báo về việc bị khởi kiện, nếu bên bị kiện không cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện thì tòa án có quyền coi những điều trình bày của người khởi kiện là đúng sự thật”. - Thứ hai, cần bổ sung quy định giới hạn thời gian, nội dung của quyền “sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện” (Khoản 3 Điều 51) vì thực tiễn đã xảy ra trường hợp người bị kiện lợi dụng quyền này để kéo dài thời hạn giải quyết vụ án hành chính khiến cho quyền lợi của người khởi kiện bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhằm tăng cường việc bảo vệ quyền lợi cho công dân, Luật Tố tụng hành chính nên bổ sung giới hạn về thời điểm thực 142 hiện quyền này và nội dung sửa đổi quyết định hành chính bị khởi kiện theo hướng: Người bị kiện chỉ có quyền sửa đổi quyết định hành chính bị khiếu kiện trước khi mở phiên tòa; người bị kiện không được sửa đổi quyết định hành chính bị khiếu kiện theo hướng bất lợi cho người khởi kiện. 4.3.5. Cải cách mô hình tổ chức hệ thống Tòa án theo cấp xét xử và không phụ thuộc vào cấp hành chính của bộ máy nhà nước Tổ chức hệ thống Tòa án hiện nay được kết hợp giữa nguyên tắc cấp xét xử với cấp hành chính lãnh thổ, gồm: Tòa án tối cao tương ứng với cấp hành chính trung ương; TAND cấp tỉnh tương ứng với cấp hành chính tỉnh và TAND cấp huyện tương ứng với cấp hành chính huyện. Cơ cấu tổ chức gắn liền với cấp hành chính tạo thuận lợi cho sự phối hợp giữa hoạt động xét xử với các hoạt động điều tra, truy tố trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đặc biệt là nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn địa phương. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức hệ thống Tòa án gắn liền với cấp hành chính địa phương đã tạo ra nhiều nguy cơ hạn chế sự độc lập của Tòa án trong quá trình xét xử cũng như năng lực xét xử của các Tòa án các cấp đặc biệt là TAND cấp huyện. Những nguy cơ đe dọa đến khả năng độc lập của Tòa án, độc lập của hoạt động xét xử đã được phân tích ở mục 3.3. đã bộc lộ trong thực tiễn hoạt động xét xử và đã được chính Tòa án cũng như lãnh đạo Đảng và Nhà nước thừa nhận. Vì thế, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án thì cần phải thay đổi hệ thống tổ chức Tòa án hiện hành. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, hệ thống Tòa án sẽ được tổ chức trên cơ sở nguyên tắc cấp xét xử theo mô hình: Tòa án khu vực hay là Tòa án sơ cấp (cấp xét xử sơ thẩm); Tòa án phúc thẩm hay là Tòa án trung cấp (xét xử sơ thẩm, phúc thẩm); Tòa thượng thẩm hay là Tòa án cao cấp (xét xử phúc thẩm bản án do Tòa phúc thẩm xét xử sơ thẩm) và TAND tối cao. Chủ trương cải cách trên là giải pháp hữu hiệu hạn chế sự tác động của bộ máy hành chính địa phương vào hoạt động xét xử của Tòa án đồng thời sẽ hạn chế được xu hướng địa phương hóa hoạt động xét xử của Tòa án đang có chiều hướng gia tăng. Tổ chức hệ thống Tòa án theo cấp xét xử có tác dụng mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực, chất lượng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tổ 143 chức hệ thống theo cấp xét xử tạo điều kiện cho Tòa án linh hoạt trong việc thành lập các Tòa án cấp sơ thẩm. Việc từ bỏ sự ràng buộc bởi không gian của đơn vi hành chính địa phương tạo điều kiện quy định thẩm quyền theo không gian trên cơ sở ước lượng nhu câu xét xử của vùng miền. Điều này góp phần hạn chế tình trạng phân tán nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và con người cho những Tòa án cấp huyện có số lượng án xét xử ít, nhu cầu xét xử thấp đồng thời tăng cường việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực con người cho những vùng miền có nhu cầu xét xử cao, số lượng án phải thụ lý và giải quyết lớn bằng việc lập nhiều Tòa án cấp sơ thẩm ở những vùng miền này. 4.3.6. Cải cách cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm Thẩm phán Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng và hiệu quả xét xử của Tòa án hiện nay còn nhiều hạn chế là do đội ngũ Thẩm phán chưa đủ về số lượng và hạn chế về trình độ khoa học pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp[95]. Chính vì thế một trong những nhiệm vụ cần được thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả xét xử của Tòa án là xây dựng và phát triển đội ngũ Thẩm phán đủ về số lượng và đảm bảo trình độ pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức. Dưới đây là một số giải pháp cần được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu trên: - Thứ nhất, cải cách phương thức tuyển dụng và đạo tạo cử nhân luật. Cử nhân luật là nguồn nhân lực để tuyển dụng và phát triển Thẩm phán. Chất lượng cử nhân luật như thế nào sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến năng lực và phẩm chất đạo đức của Thẩm phán trong tương lai. Hiện nay, chương trình đạo tạo và điều kiện tuyển sinh sinh viên luật còn nhiều hạn chế khiến cho chất lượng cử nhân luật chưa đảm bảo yêu cầu hành nghề luật nói chung, nghề Thẩm phán nói riêng. Kinh nghiệm đào tạo luật ở một số nước phát triển cho thấy cần đề cao việc rèn luyện các kỹ năng thực hành nghề luật trong chương trình đào tạo cử nhân trong khi đó chương trình đạo tạo luật của Việt Nam hiện nay chưa chú trọng vấn đề này. Chình vì thế, cần phải cải cách chương trình đạo tạo luật theo hướng bổ sung các kiến thức gắn liền với hoạt động thực hành nghề luật tại các cơ sở có luật gia, luật sư và các chức danh tư pháp làm việc (bổ sung các kỳ thực tập của sinh viên tại các công ty luật, văn phòng luật sư, các cơ quan tư pháp trước khi sinh viên viết khóa luận tốt nghiệp cử nhân). Bên cạnh đó, theo chúng tôi, các cơ sở đào tạo cử nhân luật nên thay đổi môn thi 144 tuyển sinh đầu vào, theo đó, chỉ nên thi ba môn là toán, văn và ngoại ngữ. Vì kiến thức của những môn này là nên tảng quan trọng để phát triển các kỹ năng cơ bản của người thực hành nghề luật còn những môn như: Địa lý, vật lý, hóa học hầu như không cần thiết đối với sinh viên theo học chương trình cử nhân luật. - Thứ hai, cải cách phương thức tuyển dụng và quy trình bổ nhiệm Thẩm phán. Hiện nay quy trình bổ nhiệm Thẩm phán[99],[100] chưa hợp lý đặc biệt là Thẩm phán cấp huyện và Thẩm phán cấp tỉnh. Pháp luật vẫn còn đặt nặng vai trò của cấp ủy địa phương, Hội đồng nhân dân địa phương trong việc quy hoạch và tuyển chọn Thẩm phán dẫn đến khó đảm bảo được việc đánh giá chính xác năng lực của người được tuyển chọn vì những người tham gia hội đồng tuyển chọn đa số không hành nghề luật mà chủ yếu là cán bộ, công chức hành pháp. Việc cho phép đại diện của nhiều cơ quan địa phương vào Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán khiến cho nguy cơ Thẩm phán bị áp lực bởi các chủ thể này trong quá trình công tác. Ngoài ra, cơ chế tuyển chọn Thẩm phán hiện hành còn bất cập ở tâm lý kép kín nguồn nhân lực tuyển chọn. Đa số các Hội đồng tuyển chọn đều chủ yếu tuyển chọn những người đã công tác trong Tòa án đã được đào tạo nghề Thẩm phán trong khi theo thông lệ hiện hành thì chỉ có những cán bộ, công chức ngành Tòa án mới được tham gia các khóa đào tạo nghề Thẩm phán cho nên nguồn nhân lực được tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán bị hạn chế và khép kín trong nội bộ ngành Tòa án. Chính điều này dẫn đến không tuyển chọn được những người có trình độ khoa học pháp lý cao, có kinh nghiệm thực hành pháp luật đang công tác ở các lĩnh vực khác đặt biệt là đội ngũ luật sư, luật gia và những người giảng dạy pháp luật. Như vậy, một trong những giải pháp có thể khắc phục được tình trạng thiếu và yếu của đội ngũ Thẩm phán là cải cách cơ chế tuyển chọn nguồn nhân lực để bổ nhiệm Thẩm phán. Xây dựng Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán quốc gia và thay đổi trình tự đào tạo và bổ nhiệm Thẩm phán theo quy trình: TUYỂN CHỌN ỨNG VIÊN THẨM PHÁN ĐÀO TẠO NGHỀ THẨM PHÁN BỔ NHIỆM THẨM PHÁN TẬP SỰ BỔ NHIỆM THẨM PHÁN 145 Việc xây dựng quy trình bổ nhiệm Thẩm phán như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được những người có trình độ khoa học pháp lý, có kinh nghiệm thực hành nghề luật và có nguyện vọng được hành nghề Thẩm phán tham gia dự tuyển đồng thời bảo đảm được những kỹ năng hành nghề Thẩm phán cho những người được bổ nhiệm Thẩm phán chính thức[18]. Cùng với việc thay đổi quy trình tuyển chọn Thẩm phán thì việc cải cách chính sách tiền lương, phụ cấp và nguồn thu nhập cho Thẩm phán nhằm thu hút được những người có trình độ khoa học pháp lý cao, kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt vào công hiến cho hoạt động xét xử. 4.3.7. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự Điều 136 Hiến pháp 1992 đã khẳng định: "Các bản án và quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang và mọi con người tôn trọng; những người và các đơn vị vũ trang phải nghiêm chỉnh chấp hành". Nhằm bảo đảm nghĩa vụ hiến định đó cho những người có nghĩa vụ chấp hành án, hệ thống pháp luật thi hành án đặc biệt là thi hành án dân sự ngày càng được hoàn thiện. Trong những năm vừa qua, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương, bao gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự; nhiều bản án, quyết định của Toà án đã được thi hành dứt điểm, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của cơ quan, tổ chức và các cá nhân công dân, một số vụ án phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết, việc thi hành án dân sự tồn đọng giảm đáng kể, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước, tạo tiền đề cho phát triển của kinh tế - xã hội[02]. Mặc dầu vậy, hệ thống pháp luật và hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự trong những năm qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần được tiếp tục khắc phục. Theo báo cáo 6 tháng năm 2011 (từ ngày 01/10/2010 đến ngày 31/3/2011), thì số việc thi hành án dân sự tồn chuyển kỳ sau còn phải thi hành tính từ khi chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang cho Chính phủ quản lý (Tháng 7 năm 1993) là 285.482 việc với 24.186.587.393.000 đồng[02]. Tình 146 trạng án dân sự tồn đọng do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân "Nhiều việc bên phải thi hành án là các cơ quan nhà nước không tự nguyện thi hành, trong khi chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu buộc các đơn vị này phải thi hành"; "Khối lượng công việc các cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành nhiều, trong khi lực lượng mỏng, trình độ, năng lực còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn dẫn đến quá tải trong việc thực hiện nhiệm vụ"[02]. Ngoài ra, sự cứng nhắc của Tòa án trong khi ra phán quyết phải thực hiện nghĩa vụ dân sự chỉ căn cứ trên cơ sở quy định của pháp luật mà không tính đến khả năng thi hành cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bản án đó gần như là không thể thi hành được. Những hạn chế đó của hoạt động thi hành án đã khiến cho một bộ phận người dân đặc biệt là những người được thi hành án bất bình và mất niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật đặc biệt có những vụ việc thi hành án bị cơ quan thi hành án, chấp hành viên hoặc cơ quan nhà nước cố tình không chấp hành án hoặc thi hành không phù hợp với quy định của pháp luật, phán quyết của Tòa án khiến cho dư luận bất bình, đồng thời đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền của người được thi hành án. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự là một trong những vấn đề cấp bách cần được thực hiện nhằm bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án được thể hiện một cách đầy đủ trong thực tiễn xã hội. 147 KẾT LUẬN CHƯƠNG 4 Trên cơ sở các quan điểm của Đảng về cải cách hệ thống chính trị nói chung, cải cách bộ máy nhà nước nói riêng đặc biệt những quan điểm của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, luận án đã xây dựng phương hướng cơ bản nhằm bảo đảm việc đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người có tính khoa học và phù hợp với điều kiện kinh tế và chính trị - xã hội Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ việc xác định các quan điểm cụ thể cần phải được quán triệt trong quá trình xây dựng các giải pháp và những yêu cầu cấp thiết của nhu cầu nâng cao vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, các giải pháp khoa học được đề xuất đặc biệt chú trọng đến các giải pháp hạn chế những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả bảo vệ quyền con người của Tòa án trong đời sống xã hội, như: Nâng cao tính độc lập của hoạt động xét xử, chất lượng đội ngũ Thẩm phán; hoàn thiện pháp luật tố tụng tư pháp bảo đảm quyền của bị can, bị cáo và đương sự trong quá trình giải quyết vụ án; cải cách mô hình tổ chức hệ thống tòa án; mở rộng thẩm quyền bảo vệ quyền con người của Tòa án đặc biệt quyền xét xử hành vi vi hiến của cơ quan nhà nước xâm hại đến quyền con người. 148 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ NGHIÊN CỨU TIẾP THEO Bảo vệ quyền con người là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhu cầu thụ hưởng quyền con người của cá nhân. Bảo vệ quyền con người là hoạt động vừa mang tính phòng ngừa, vừa mang tính tự vệ nhằm chống lại, loại trừ những hành vi xâm hại quyền con người, đồng thời bảo đảm cho các quyền con người được tôn trọng và được thực hiện trong đời sống xã hội. Bảo vệ quyền con người được nhiều chủ thể trong xã hội thực hiện bằng nhiều hoạt động khác nhau. Trong các cơ chế bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền con người bằng Tòa án là hoạt động bảo vệ thể hiện được nhiều ưu điểm mà các chủ thể khác khó đạt được. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án không chỉ trừng phạt người thực hiện hành vi xâm hại quyền con người; khôi phục lại những quyền con người bị xâm hại mà còn hiện thực hóa chức năng bảo vệ quyền con người của pháp luật- một trong những phương thức bảo vệ quyền con người quan trọng nhất của xã hội pháp quyền vào đời sống xã hội. Bên cạnh phạm vi bảo vệ rộng, bảo vệ quyền con người bằng Tòa án thể hiện những đặc điểm ưu việt trong quá trình bảo vệ như: bảo đảm sự công bằng, công khai trong quá trình bảo vệ và đặc biệt là tính độc lập của chủ thể bảo vệ đối với các bên tranh chấp về quyền cũng như trong mối quan hệ với các chủ thể pháp luật khác. Chính vì bảo vệ quyền con người bằng Tòa án đáp ứng được những kỳ vọng của chủ thể mang quyền, những yêu cầu và mong muốn của xã hội dân chủ, văn minh nên chế độ pháp quyền yêu cầu Tòa án phải là chủ thể trung tâm và có vị trí, vai trò tối cao trong việc bảo vệ quyền con người. Nhà nước pháp quyền yêu cầu Tòa án có quyền trừng phạt tất cả các chủ thể thực hiện hành vi xâm hại quyền con người kể cả quyền lập pháp, quyền hành pháp khi thực hiện hành vi vi phạm quyền con người đặc biệt hành vi vi phạm các quyền cơ bản của cá nhân. Nhằm bảo đảm hiệu quả và niềm tin của xã hội vào chế độ pháp quyền thì pháp luật tố tụng Tòa án phải được xây dựng đầy đủ, thống nhất, chặt chẽ và khoa học; tổ chức hệ thống Tòa đáp ứng yêu cầu xét xử và quyền tiếp cận Tòa án của người dân dễ dàng, đồng thời bảo đảm hạn chế sự tác động của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước vào hoạt động của Tòa án; đội ngũ Thẩm phán đủ năng lực, trình độ và 149 phẩm chất đạo đức để xét xử vô tư, khách quan và đúng pháp luật. Ngoài ra, Nhà nước và xã hội cần đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực vật chất phục vụ cho hoạt động xét xử công minh và văn minh. Ở Việt Nam, những yếu tố hợp lý của lý thuyết nhà nước pháp quyền đã được vận dụng vào quá trình đổi mới bộ máy nhà nước. Tòa án thiết chế trung tâm của quyền lực tư pháp ngày càng được bảo đảm độc lập trong quá trình xét xử nhằm bảo vệ quyền con người tốt hơn. Trong những năm qua, Tòa án Việt Nam bằng các hoạt động xét xử hình sự, xét xử dân sự và xét xử hành chính đã ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến quyền con người, đồng thời đã khôi phục những quyền con người bị xâm hại. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của những yếu tố mang tính chất lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, thiếu sót, một bộ phận Thẩm phán năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa tương xứng, phẩm chất đạo đức hạn chế đã khiến cho hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng hoạt động xét xử chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người dân. Trong các nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng xét xử thì Thẩm phán, Hội Thẩm và Tòa án chưa thực sự độc lập là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho hiệu quả bảo vệ quyền bằng xét xử bị hạn chế. Chính vì Tòa án, Thẩm phán và Hội Thẩm chưa độc lập trong quá trình xét xử khiến cho một sô bản án, quyết định của Tòa án chưa khách quan, chưa công bằng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật tố tụng tư pháp, tổ chức hệ thống Tòa án và chất lượng đội ngũ Thẩm phán cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng hoạt động xét xử. Chính vì vậy, nhằm bảo đảm định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là cần phải xây dựng các giải pháp khoa học và thực tiễn thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng Tòa án. Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng Tòa án đồng thời xây dựng cơ sở lý luận và pháp luật đảm bảo vị trị, vai trò tối cao của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người là một trong những yêu cầu tiên quyết quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Những giải pháp nhằm 150 bảo đảm sự độc lập của Tòa án; bảo đảm hoạt động xét xử công bằng; quyền kiểm soát quyền lực nhà nước bằng hoạt động xét xử; nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng hoạt động xét xử, đồng thời đó nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong tâm lý, nhận thức của xã hội nhằm góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Nhằm bảo đảm cho những giải pháp đã được luận án đề xuất phát huy được hiệu quả trong thực tiễn thì cần phải tiếp tục nghiến cứu và làm rõ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn của những vấn đề khoa học sau: - Tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi, nội dung và kết cấu của đạo luật bảo đảm độc lập xét xử của Tòa án; - Tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi, nội dung và kết cấu của chế định tố tụng Hiến pháp; - Tiếp tục nghiên cứu pháp luật có liên quan để sửa đổi và bô sung nhằm tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất, phụ hợp phục vụ việc thay đổi quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán; - Nghiên cứu lý luận và thực tiễn để xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề Thẩm phán. 151 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐÃ CÔNG BỐ 1. Vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 01/2014, trang 6-11; 2. Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người của Tòa án ở Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và phát triển, số 01/2014, trang 46-53; 3. Bảo đảm sự độc lập của Tòa án bằng Hiến pháp, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 5+6/2013, trang 65-72; 4. Vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền công dân, Tạp chí TAND, số 22/2013, trang 7-11; 5. Hoàn thiện chế định quyền con người trong tố tụng hình sự thông qua hoạt động xét xử của Tòa án, Tạp chí Kiểm sát, số 23/2013, trang 46-51. 6. Vị trí, vai trò và chức năng của tòa án ở Thái Lan hiện nay, Thông tin pháp lý, số 13/2012, trang 2-5; 7. Mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước với các đảng phái chính trị trong nhà nước tư sản, Thông tin pháp lý, số 10/2012, trang 14-20; 152 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu bằng Tiếng Việt 1. Đào Duy Anh (2009), Từ điển Hán Việt giản yếu, Nxb. Văn Học; 2. Hoàng Thế Anh, Hiện trạng án dân sự tồn đọng, đăng trên trang web: , truy cấp lúc 23h, ngày 15/7/2013; 3. Ban chỉ đạo cải cách tư pháp (2006), Báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; 4. Nguyễn Cảnh Bình (dịch) (2013), Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào, Nxb. Thế Giới; 5. Bộ ngoại giao Việt Nam, Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, đăng trên , truy cập ngày 04/11/2013; 6. Bộ Tư pháp – Dự án Star Việt Nam (2011), Kinh nghiệm xây dựng và sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ, Tài liệu Hội thảo quốc tế, Hà Nội; 7. Chính phủ (2013), Báo cáo tổng kết tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2012; 8. Nguyễn Ngọc Chí (2012), Tổ chức Tòa án theo cấp xét xử trong hiến pháp sửa đổi, bổ sung, (Trong sách sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992- những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 1, Nxb. Hồng Đức); 9. Nguyễn Ngọc Chí (2009), Chức năng của Tòa án trong tố tụng hình sự trước yêu cầu của cải cách tư pháp, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, số 25; 10. Nguyễn Đăng Dung (2006), Nhà nước và trách nhiệm của nhà nước, Nxb Tư pháp, Hà Nội; 11. Nguyễn Đăng Dung (2010), Hạn chế sự tùy tiện của các cơ quan nhà nước, Nxb Tư pháp, Hà Nội; 12. Nguyễn Đăng Dung (2012), Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội; 153 13. Nguyễn Đăng Dung và Vũ Công Giao, Độc lập tư pháp – Lý luận và thực tiễn, đăng trên truy cập ngày 23/4/2013; 14. Lưu Tiến Dũng (2012), Độc lập xét xử trong Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp. Hà nội; 15. Trịnh Hồng Dương (1996) chủ nhiệm đề tài “Vị trí, vai trò và chức năng của Toà án nhân dân trong bộ máy nhà nước ta qua các thời kỳ cách mạng Việt Nam” MS: 95-98-048/ĐT. Quyễn 1, Toà án nhân dân tối cao, Hà Nội; 16. Đảng Cộng sản Việt Nam (1956), Chỉ thị của Bộ Chính trị số 43/CT-TW, tháng 7 năm 1956 về việc tích cực phát huy thành tích và kiên quyết sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất đợt 5; 17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới; 18. Đảng cộng sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49/NQ-TW, ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; 19. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Báo cáo tóm tắt kết quả 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/02/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới; 20. Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, IX, X, XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H; 21. Đảng cộng Sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội sửa đổi và phát triển năm 2011, H; 22. Phạm Hoàng Giang (2007), Vai trò của án lệ với sự phát triển của pháp Luật hợp đồng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 02; 23. Võ Trí Hảo (2003), Vai trò giải thích pháp luật của Tòa án, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3; 24. Nguyễn Đức Hiệp (2004), Những yêu cầu của cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đối với họat động xét xử của tòa án, Tạp chí Pháp lý, số 09; 25. Hội luật gia Việt Nam (2013), Chỉ số công lý: Thực trạng công bằng và bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012; 154 26. Nguyễn Thị Hồi (2011), Câu hỏi ôn tập môn lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội; 27. Nguyễn Thị Hồi (2005), Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức Bộ máy nhà nước ở một số nước, Nxb Tư pháp, Hà Nội; 28. Tô Văn Hoà (2007), Tính độc lập của toà án- Nghiên cứu pháp lý về khia cạnh lý luận, thực tiến ở Đức, Mỹ, Pháp, Việt Nam và các kiến nghị đối với Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội; 29. Khoa luật- Đại học quốc gia Hà Nội (2010), Quyền con người – Tập hợp những bình luận/khuyến nghị chung của Ủy ban công ước Liên hợp quốc, Nxb. Công an nhân dân; 30. Vũ Đức Khiển (2006), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN vủa dân, do dân, vì dân, MS:KX.04.05, Bộ Tư pháp, Hà Nội; 31. Hoàng Thế Liên (2006), Xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ cải cách tư pháp một nhiệm vụ trong tâm của ngành tư pháp, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 07; 32. Trần Huy Liệu (2005), Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan Tư pháp theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Luật Hà Nội; 33. Trương Đắc Linh (2009), Bàn về tài phán hiến pháp và thẩm quyền của cơ quan tài phán hiến pháp ở Việt Nam (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về bảo hiến); 34. Liên hợp quốc (1948), Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948; 35. Liên hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966; 36. Liên hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966; 37. Lê Vương Long (2006), Những vấn đề lý luận về quan hệ pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội; 38. Lê Vương Long (chủ biên) (2008), Trách nhiệm pháp lý, một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay, Nxb. CAND, Hà Nội; 155 39. Nguyễn Đình Lộc (2001), Vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp ở nước ta, Nxb Tư pháp, Hà Nội; 40. Uông Chu Lưu (2006) chủ nhiệm đề tài “Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống các thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu lực xét xử của Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân” MS: KX.04.06, Bộ Tư pháp, Hà Nội; 41. Phan Công Luận (2006), Uy tín của người Thẩm phán, Tạp chí Luật học, số 01; 42. Nguyễn Văn Luyến (2005), Vai trò của Tòa án trong việc phòng ngừa tội phạm, Tạp chí Luật học, số 06; 43. Đoàn Đức Lương (2007), Nâng cao năng lực xét xử các vụ án dân sự của Tòa án trong quá trình cải cách tư pháp, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 02; 44. Mác- Anghen toàn tập, Tập 3, tập 23; 45. Dương Thanh Mai (2011), Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong các dự thảo văn kiện trình đại hội XI, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số Chuyên đề; 46. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3; 47. Hồ Chí Minh (2005), Bàn về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; 48. Mongtesquieu (1996), Bàn về tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội; 49. Đổ Mười (1991), Sửa đổi Hiến pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; 50. Nguyễn Năng Nam (2010), Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và quản lý xã hội ở Việt Nam trên cơ sở đạo đức và pháp luật theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Luật học, số 06 51. Khuất Văn Nga (2010), Khẩn trương xây dựng BLTTHS cho những năm sau 2010, Tạp chí Kiểm sát, số 15 52. Phạm Hữu Nghị, Nguyễn Như Phát (2010), Nâng cao tính pháp quyền của nhà nước vì mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN 156 của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10; 53. Trần Nghị (2009), Nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 12; 54. Phan Đăng Nhật (2007), Tòa án phong tục- Một kiểu vận dụng luật tục có hiệu quả, Tạp chí Nhà nứơc và pháp luật, số 03; 55. Hoàng Phê (chủ biên) (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng; 56. Philippa Strum, Vai trò của tư pháp độc lập, (Trong sách về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến: Một số tiểu luận của học giả nước ngoài, Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội (2012), Nxb. Lao động – xã hội, Hà nội); 57. Nguyễn Thị Hoài Phương (2009), Mô hình Tòa án hiến pháp Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về bảo hiến; 58. Quốc hội Nước Việt nam dân chủ cộng hòa (1946), Hiến pháp 1946; 59. Quốc hội Nước Việt nam dân chủ công hòa (1959), Hiến pháp năm 1959; 60. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (1980), Hiến pháp năm 1980; 61. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2001), Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001; 62. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013), Hiến pháp năm 2013; 63. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2009), Bộ luật Hình sự năm 1999 (và đã sửa đổi, bổ sung năm 2009); 64. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2003), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; 65. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2011), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã sửa đổi bổ sung năm 2011; 66. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2005), Bộ luật dân sự năm 2005; 67. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2002), Luật Tổ chức Tòa án năm 2002; 157 68. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2008), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; 69. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2008), Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2008; 70. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2011), Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước; 71. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2011), Luật Tố tụng hành chính; 72. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014), Luật đất đai năm 2014; 73. Tào Thị Quyên (2005), Cơ sở của chế độ giám sát tư pháp Hiến pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 10; 74. Jean Jacque Rousseau (2004), Bàn về khế ước xã hội, Nxb Chính trị pháp lý, Hà nội; 75. Sandra Day O'Connor, Tầm quan trọng của độc lập tư pháp, (trích dẫn từ sách Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến, Nxb. Lao động - xã hội, năm 2012); 76. Nguyễn Ngọc Sơn (2010), Một số bình luận từ thực tiễn giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01; 77. Bùi Ngọc Sơn (2010), Một Hiến pháp hoàn hảo hơn, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11; 78. Bùi Ngọc Sơn (2004), Tố tụng hiến pháp, Tạp chí nhà nứoc và pháp luật, số 12; 79. Bùi Ngọc Sơn (2005), Triết lý chính trị Trung Hoa cổ đại và vấn đề nhà nước pháp quyền- Suy ngẫm, tham chiếu và ngợi mở. Nxb. Tư pháp, Hà Nội; 80. Bùi Ngọc Sơn (2004), Xây dựng nhà nước pháp quyền trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội; 81. Bùi Ngọc Sơn (2005), Góp phấn nghiên cứu Hiến pháp và nhà nước pháp quyền, Nxb. Tư pháp, Hà Nội; 82. Bùi Ngọc Sơn (2007), Cách nhìn truyền thống của người Việt và những hệ lụy của nó, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 01; 158 83. Bùi Ngọc Sơn (2006), Bảo hiến ở Việt Nam, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội; 84. Thanh tra Chính phủ (2013), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của ngành Thanh tra; 85. Lê Minh Tâm (2010) (chủ nhiệm), Văn hóa pháp luật ở Việt Nam: từ lý luận đến thực tiễn, Đề tài KX.03.03/06-10; 86. Thái Vĩnh Thằng (2008), Từ điển thuật ngữ lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. CAND, Hà Nội; 87. Thái Vĩnh Thắng (2008), Tổ chức Tòa án hành chính của Cộng hòa Pháp và một số kinh nghiệm có thể áp dụng cho Tòa hành chính ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 03; 88. Đặng Minh Tuấn, Nâng cao độc lập tư pháp; một trọng tâm của việc sửa đổi Hiến pháp, (Trong sách sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992- những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 1, Nxb. Hồng Đức, 2012.); 89. Lã Khánh Tùng, Quyền được xét xử công bằng trong pháp luật quốc tế, đăng tại truy cập ngày 07/12/2013; 90. TAND tối cao (2007), Báo cáo tổng kết công tác năm 2007 phương hướng và nhiệm vụ công tác năm 2008 của ngành Tòa án; 91. TAND tối cao (2008), Báo cáo tổng kết công tác năm 2008 phương hướng và nhiệm vụ công tác năm 2009 của ngành Tòa án; 92. TAND tối cao (2009), Báo cáo tổng kết công tác năm 2009 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 của ngành Tòa án; 93. TAND tối cao (2010), Báo cáo tổng kết công tác năm 2010 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 của ngành Tòa án; 94. TAND tối cao (2011), Báo cáo tổng kết công tác năm 2011 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 của ngành Tòa án; 95. TAND tối cao (2012), Báo cáo tổng kết công tác năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 của ngành Tòa án; 96. TAND tối cao (2013), Báo cáo số 11/BC-TA, ngày 20/3/2013 của TAND tối cao về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội; 97. TAND tối cao (2010), Báo cáo tổng kết 12 năm thực tiễn giải quyết vụ án hành chính; 159 98. TAND tỉnh Thừa Thiên Huế (2011), Báo cáo tổng kết công tác các năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011; 99. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2002), Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án năm 2002; 100. Ủy ban Thường vụ quốc hội (2011), Quy chế phối hợp giữa TAND tối cao với Hội đồng nhân dân địa phương trong việc quản lý Tòa án địa phương về tổ chức ban hành kèm theo Nghị quyết số 132/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 11; 101. Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2005), Từ điển luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa; 102. Viện Khoa học pháp lý- Bộ Tư pháp (2011), Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động thi hành án hiện nay, Thông tin khoc học pháp lý, số chuyên đề Thi hành án dân sự; 103. VPCULHQ về quyền công dân và Hội luật sư quốc tế (2009), Quyền công dân trong quản lý tư pháp, Nxb. Công an nhân dân; 104. Chu Thị Trang Vân (2006), Tiếp cận quyền tư pháp và việc áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án từ góc độ lịch sử, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 06; 105. Nguyễn Quốc Vinh (2010), Sự trở lại đáng lo ngại của một học thuyết đã lỗi thời, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 13; 106. Nguyễn Quang Vũ, Hà Hồng Hà (2010), Áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử án hình sự của Tòa án nhân dân các cấp – nhìn từ một địa phương, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16; 107. Phạm Hoàng Yến (2005), Đối tượng xét xủa hành chính của TAND, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 04; 108. Wolfgang Benedek (2008), Tìm hiểu về quyền con người, Nxb. Tư pháp; Tài liệu bằng Tiếng Anh 109. David Feldman (2011), Extending the Role of the Courts: The Human Rights Act 1998, Article first published online: 24 JAN 2011 (© The Parliamentary History Yearbook Trust 2011); 160 110. Eyal Benveniti (1997), The role of national courts in preventing of torture suspected terrorists, Tạp chí EJIL, số 8; 111. Harold R. Nsekela (2010), The role of national courts and regional courts in protecting human rights and developing human rights jurisprudence” A Paper for Presentation during the EAMJA Annual Conference and General Meeting, 17th-22nd May 2010, at Ngurdoto Mountain Lodge, Arusha, Tanzania; 112. Marie Eve Hudon (2011), The role of the courts in the recognition of the language rights, publication 2001-68-E; 113. Mircea Damaschin (2011), The right to an independent court of law. Theoretical aspects. The european court of human rights case-law, Tạp chi Lex et Scientia, số 18; 114. Mr Khanlar Hajiyev(2002), The role of constitutional courts and ordinary courts in protection for the human rights, Conference on “Human Rights Protection Systems”(Bishkek, 21-22 November 2002) được tổ chức bởi CDL-JU, số 43; 115. Nancy Holmes (1991), Human rights and the courts in Canada”, Tạp chí Law and Government Division, số 11 116. Oxford University (2007), Oxford student’s Dictionary for learners using English to study other subjects, Oxford University press; 117. John William Stickels (2003), Victim satisfaction: A model of the Crimminal Justice System, Luận án tiến sĩ luật học; 118. Yaser Dogan (2009), The fundamental rights jurisprudence of the european court of justice: Protection for human rights within the european uinon legal order, Tạp chí Ankara law review, số 6; 119. Young KG (Young, Katharine G.) (2010), A typology the economic and social rights adjudication: Exploring the catalytic function the judicial review” Tạp chí Icon – International journal of constitutional law, số 8; Tài liệu trên web site: 120. www.sotaythamphan.gov.vn/view_index.php?hidEvent=selectChapter& hidChapter=270; 161 121. www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=5454, truy cập lúc 15h, ngày 05/9/2013, 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW trong ngành Tòa án: Tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục là khâu đột phá; 122. www.wikipedia.org/wiki/N%E1%BB%AF_th%E1%BA%A7n_C%C3% B4ng_l%C3%BD. 123. ly-hon-724535.htm; 124. dinh-khang-an-cua-toa-toi-cao-1253313.html; 125. trai-phap-luat.html; 126. trai-phap-luat.html;

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_hoan_chinh_dangcongcuong_9517.pdf
Luận văn liên quan