Luận văn Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975

Tìm hiểu về đặc điểm tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975, chúng tôi đã đi vào một vùng đất “chưa được khai phá”. Với việc làm ấy, chúng tôi chỉ mong muốn được khẳng định giá trị tiếng nói yêu nước của Nguyễn Văn Xuân trong dòng văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Đồng thời, nếu được, chúng tôi xem công trình này như một nén tâm hương mà những người hậu bối thắp lên trước hương hồn ông để kính cẩn nói rằng: “ông đã sống một cuộc đời đáng sống!” Kiến thức nông cạn, thời gian hạn hẹp, nhưng với một tấm lòng, chúng tôi hi vọng luận văn sẽ góp một phần nhỏ trong việc tìm hiểu sự nghiệp văn chương củaNguyễn Văn Xuân, một trong những cây bút tiêu biểu của văn học đô thị miền Nam, của văn hóa xứ Quảng giai đoạn 1954 - 1975.

pdf172 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1070 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
con người. Nhưng với cách kết thúc truyện độc đáo, ông đã biến những bi kịch ấy thành bi kịch lạc quan. Trở lại với tiểu thuyết Bão rừng, khi viết về cuộc phản kháng của dân phu chống ách bóc lột của lão Mẹc, của mụ La, người đọc tưởng như nhân vật Liếng không thể nào thoát khỏi sự vây ráp, lùng sục của mật thám. Nhất là khi Liếng đã hứng chịu những trận đòn hội đồng thừa chết thiếu sống. Nhưng cuối tác phẩm, người đọc thở phào nhẹ nhõm khi thấy Liếng và Trão đã lội suối băng rừng với mo cơm thừa dự trữ bên mình. Họ đã vượt khỏi nhà ngục của lão Mẹc, bây giờ “họ hồn nhiên vui vẻ. Nhưng trong ánh mắt của họ vẫn sáng lên những cương nghị lạ lùng” [63, tr.233]. Kết thúc đầy yếu tố bất ngờ còn thể hiện trong hàng loạt truyện ngắn của nhà văn: Rồi máu lên hương, Cây đa đồn cũ, Chạy đua với tử thần, Một cuộc tấn công. Trong Cây đa đồn cũ, người đọc ngỡ rằng nhân vật Cát sẽ trả thù được Hương Chỉnh vì hắn đã bị trói bỏ vào bao, bị bỏ đói khát, bị chém một nhát rựa vào vai.Cát chỉ còn kể tội xong là quẳng con người ấy xuống sông, giữa dòng nước lũ chảy xiết. Nhưng khi “hét một tiếng mạnh, Cát vung tay ném Hương Chỉnh ra giữa dòng nước chảy [] Hương Chỉnh đã nhảy chồm trên hai chân theo đà tay vung của Cát, phóng hết sức mạnh của đầu vào ngực Cát làm Cát tung bắn đi” [63, tr.392]. Trong Chạy đua với tử thần tưởng rằng chỉ có một cơ hội sống sót duy nhất cho ai chiến thắng khi chạy dưới làn đạn bắn tỉa của quan lớn. Nhưng kết thúc truyện đã có đến hai người sống sót: một người là vô địch Giàng, còn một người nữa đã nhảy qua lan can cầu xuống nước sâu, chảy mạnh của sông Cẩm Lệ. Đôi khi, người đọc thấy một số kết thúc bất ngờ trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân lại ngầm ý vị mỉa mai, châm biếm hoặc cười ra nước mắt..Một quang cảnh rùng rợn được nhân vật tôi kể trong Một cuộc tấn công : “không biết cơ man nào họng súng cắm lưỡi lê tua tủa chĩa vòng theo khu trại. Lính Anh và thuộc địa Anh thế là đã bao vây hẳn trại chúng tôi. Nét mặt họ ngùn ngụt sát khí. Càng khủng khiếp hơn là hai chiếc xe tăng đồ sộ, lù lù tiến qua hàng rào dây thép gai vào án ngữ ngay trước mặt tiền. Các miệng súng liên thanh chĩa thẳng vào trại. Trên các chòi canh cao ngất, lính gác cũng quay mũi súng về phía chúng tôi” [63, tr.419]. Cuộc bố ráp qui mô với vũ khí tối tân, các tay súng thiện chiến của quân đội Anh là để “vây bắt” giống sâu mà“Tây thì họ gọi chúng là “bu” không kể đực cái, sống trong áo quần hay trên tóc. Còn ta thì cộc lốc gọi nó là chí, rận” [63, tr.420]. Ta có thể tìm thấy cách kết thúc bi hài ấy trong các truyện ngắn: Thằng Thu, Con hiện sinh, Buổi tắm tất niên.. Đọc sáng tác của Nguyễn Văn Xuân người đọc như luôn được tiếp thêm niềm tin bởi những bi kịch trong tác phẩm của ông phần lớn là những bi kịch lạc quan. Có điều lạ, ông là nhà văn thuộc bộ phận văn học yêu nước 1945 - 1975, đôi khi còn bị xem là thờ ơ với thời cuộc, nhưng cách viết truyện của ông lại tiếp cận phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, với nhãn quan duy vật biện chứng, theo quy luật phát triển của cuộc sống. Tác phẩm của ông đã: “mô tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng và hướng về tương lai” [25, tr.606]. Những nhân vật lịch sử như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Thái Phiên, Trần Cao Vâncuối cùng đều hi sinh cho đất nước nhưng những cái chết của họ không làm nản lòng, thoái chí người đọc, mà khơi lên bao hi vọng về một ngày mai tươi sáng, sẽ có người nối tiếp lòng trung dân ái quốc của họ, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Niềm tin ấy thể hiện trong giấc mơ của nhân vật “tôi” ở cuối truyện Hương máu: Đêm ấy, tôi ngủ và chiêm bao thấy hàng trăm kỵ sĩ ruổi rong khắp xóm làng tỉnh Quảng Nam mang theo những lá đại kỳ viết bằng chữ lớn, báo tin thủ lĩnh phiến loạn đã chết. Nhưng đột nhiên những kỵ sĩ áo màu kia biến mất nhường chỗ cho những người gầy gò, xanh xao. Họ chạy qua mặt tôi, lớn tiếng gọi và vẫy tay. Tôi sửng sốt chạy lại thì thấy toàn những bộ mặt rất quen mà tôi đã gặp suốt ba năm trời ở núi rừng. Nhưng khi họ trưng thẳng lá cờ, tôi không thấy hung tin mà thấy một chữ “Tiệp” rất lớn. Rồi lại thấy đoàn kỵ sĩ áo quần rực rỡ hiện ra và tất cả cùng đua nhau chạy về phía sương mù [63, tr.278]. Giáo sư Trần Hữu Tá đã nhận xét: “Có thể nói, đó là kết thúc một bi kịch lạc quan” [49, tr.105]. Tương tự cách kết thúc ấy, những con người lao động tha phương cầu thực trong Xóm mới dù bị cuốn trôi nhà cửa, tài sản nhưng ngay ngày hôm sau họ đã nương tựa vào nhau “lần lượt từ giã địa phương để tìm kế mưu sinh”[63, tr.448]. Còn người phụ nữ trong Con hiện sinh đã sắp đặt công phu trả thù “tình địch” nhưng khi gặp nhân ngãi của chồng thì lại ôm vào lòng vỗ về, ứa nước mắt vì “nhân ngãi” ấy chỉ bằng tuổi con gái mình. Cách kết thúc ấy khiến cho người đọc tin rằng với lòng yêu thương, với bản lĩnh văn hóa mà người mẹ đã tiếp nhận từ bề dày truyền thống văn hóa của dân tộc thì dù kẻ thù có dùng những thủ đoạn xâm lăng văn hóa thâm độc như thế nào, nhân dân ta cũng sẽ vượt qua. Qua cách kết thúc tác phẩm đầy lạc quan, nhà văn gián tiếp thể hiện cảm hứng ca ngợi, lòng tin yêu đối với cuộc sống và con người nơi đầu sóng ngọn gió. Nhà văn muốn truyền niềm tin ấy cho các thế hệ người đọc, khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Giá trị thời đại trong sáng tác của nhà văn có thể là kết quả của: “những luồng gió mới” trong không khí toàn quốc kháng chiến thổi vào tâm hồn ông. 3.4. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ Ngôn ngữ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phản ánh đời sống hiện thực trong sáng tác văn học. Qua ngôn ngữ người đọc hiểu về cuộc sống, tính cách con người, tài năng, sự sáng tạo của tác giả. Ngôn ngữ trong sáng tác văn chương là ngôn từ nghệ thuật“giàu tính hình tượng nhất và giàu sức biểu hiện nhất được tổ chức một cách đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm và tác động thẩm mĩ tới người đọc” [25, tr.185]. Ngôn ngữ trong sáng tác văn chương vừa tuân thủ quy tắc chung có tính chất toàn dân vừa là những nét sáng tạo riêng của mỗi nhà văn phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, quan hệ xã hội, sự tiếp thu chiều sâu văn hóa dân tộc, nét đặc trưng riêng của từng vùng, miền.. Giọng văn của Nguyễn Văn Xuân điềm đạm, mực thước của người từng trãi, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, về dân tộc học, về đất Quảng Nam. Điều đó làm cho sáng tác của nhà văn vừa gần gũi với người đọc trên mọi miền đất nước vừa thể hiện được những nét riêng của một nhà văn được đồng nghiệp, bạn bè mến yêu gọi là “ông thầy Quảng”. Chất Quảng thể hiện rõ ở cách sử dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày: chân chất, sát thực tế, không cầu kì ước lệ mà vẫn không thô tục trong hành văn. 3.4.1. Sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày Nguyễn Văn Xuân là nhà văn của một ngôi làng. Từ lúc thiếu thời đến khi trở thành nhà văn, cái nơi chôn nhau cắn rốn ấy đã hình thành trong ông một lớp văn hóa nền, văn hóa vùng.Khi cầm bút sáng tác chiều sâu văn hóa ấy đã tràn vào sáng tác của nhà văn qua lớp ngôn ngữ của đời sống sinh hoạt hàng ngày phong phú, đa dạngĐọc truyện của Nguyễn Văn Xuân, chúng ta có dịp làm quen với lời ăn tiếng nói của người xứ Quảng qua ngôn ngữ của nhân vật và của chính người kể chuyện. 3.4.1.1. Từ ngữ xưng hô Trước hết là cách dùng từ ngữ xưng hô, gọi tên nhân vật mang đậm phong cách Nam Bộ. Người Nam Bộ thường xưng hô với nhau theo quan hệ huyết thống, dòng tộc, xóm giềng, tuổi tác: anh, bác, chú, thím, dì, dượng Cũng giống như những nhà văn Nam Bộ khác, Nguyễn Văn Xuân cũng đặt cho nhân vật những cái tên quen thuộc: bác Trùm, anh Bốn, chị Mừng, chú Từ, anh Cát, anh Phương Những cái tên gắn liền với nghề nghiệp, đặc điểm bản thân khiến người đọc dễ nhớ: Anh Năm Cụt (anh này bị cụt một cánh tay), anh bếp (làm nghề nấu bếp cho vợ chồng chủ đồn điền); anh bồi (làm việc lặt vặt, hầu hạ chủ). Ngoài ra, ta còn gặp trong tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân những cách gọi tên nhân vật đi kèm với việc bộc lộ thái độ của tác giả đối với nhân vật: “bả”, “mụ”, “con mẹ này”, “thằng” Ngoài lối xưng hô quen thuộc đậm phong cách Nam Bộ như trên, trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân còn có lối xưng hô rất đặc trưng của miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng. Hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn được gọi thẳng tên đi kèm với một từ chỉ cách xưng hô: chị Mừng, anh Phương, anh Bỉnh, chú Niên, bác Liễn, anh Cát, chị Sinh Điều này có điểm khác biệt so với lối xưng hô quen thuộc trong Nam: tên đi kèm với thứ tự trong gia đình (Ông Sáu Bộ, anh Tư Đạt, chú thiếm Tư Đinh). Đặc biệt hơn, trong cách gọi tên thì người Quảng Nam thường gọi người con thứ bốn trong gia đình bằng tên Bốn (chứ không gọi Tư như miền Nam). Có thể nói, cách xưng hô gọi thẳng tên nhân vật, không kèm theo thứ tự trong gia đình là một trong những biểu hiện của đời sống văn hóa tinh thần của người xứ Quảng. Khi giao tiếp với nhau, họ nói thẳng vấn đề, gọi ngay tên người, sự vật, sự việc không rào đón vòng vo, không màu mè tình cảm giả tạo. Đó là lối ứng xử của những người bộc trực, thích rạch ròi phân minh. Kết hợp những đặc điểm vừa nêu với lối tả sinh hoạt hàng ngày bằng lời lẽ giản dị, mực thước, tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân rất bình dị mà có sức hấp dẫn người đọc. Đây là một đoạn đối thoại trong Bão rừng: Mụ chủ nghe xong báo cáo, không cần nghĩ ngợi, mắng ngay: - Đồ ăn hại. Giữ có mấy con bò mà giữ cũng không xong. Có lẽ mụ nghĩ mình mắng cũng vô lý, nhưng trong những trường hợp ấy không mắng chửi thì mụ lại tấm tức. Mụ hằn học bỏ đi lên nhà trên. Người phu giữ bò thấy mụ đi khuất, mới dám phân trần: - Giữ với ai? Giữ với cọp à! May mà bò không ra, chớ lỡ tuôn ra nó đánh chết cả lũ mới làm sao? Anh bếp nói: - Theo ý bà thì lúc có cọp, anh phải chạy ra nói: Ăn tao đây, đừng ăn bò của bà! Như thế chắc bà không rầy la gì đâu [63, tr.63]. Hay một đoạn văn khác kể về cuộc trò chuyện của những người phu đồn điền, trong đó có bác Liễn là người bệnh sốt rét rất nặng: Bác cầm mẩu đường, run run đưa vào mồm. Bác nhai phều phào rồi đòi một cốc nước chè đậm. Bác uống một hơi cạn cốc. Những người lo ngại cho bác chớm thấy trong mắt, trên khóe miệng ánh vui mừng. Liếng giục: - Thôi, “cha” có “tẩu mã” được thì làm, không thì con đỡ “cha” “hạ mã” cho khỏe. Bác Liễn mỉm cười, hai mắt nhấp nháy một cách tinh nghịch, bảo Liếng: - Bây giờ mầy có giỏi thì đi mượn con dao về tao cạo sơ qua mấy cái râu này. Liếng tru tréo lên: - Đau liệt giường mà còn làm “điếm”. Thôi con lạy “cha”. Người bệnh kỵ nhất là soi gương, cạo râu đó “cha” à. Bác hoa năm ngón tay mỏng đét phản đối: - Mày nói dốt lắm. Đó là đàn bà, con gái mới sợ đồng căn đồng kiếp. Chứ tao đã hai thứ tóc rồi còn sợ cái quái gì [63, tr.114]. Thông qua những đoạn đối thoại trên, ta thấy từ cách xưng hô đến lời nói của nhân vật đều rất gần gũi, quen thuộc với người dân xứ Quảng: mộc mạc, bình dị. Qua đó, nhà văn đã truyền tải tâm tư tình cảm, tính cách của nhân vật từ nguyên mẫu có thực ngoài đời vào văn chương. Họ là những người hiền lành, bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống họ đều thể hiện ra ngoài. Trong lời ăn tiếng nói của họ lại pha nét hỏm hỉnh đáng yêu của những con người “hay cãi”. Bằng cách dùng từ xưng hô, dùng ngôn ngữ diễn đạt gần gũi với cuộc sống hàng ngày, nhà văn đã cho người đọc hình dung về cuộc đời đang diễn ra hết sức sinh động. 3.4.1.2. Khẩu ngữ góp phần thể hiện tính cách nhân vật Sáng tác của Nguyễn Văn Xuân dựa trên sự thực của cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân Quảng Nam nên nhà văn không ngại ngần khi đưa những lời ăn tiếng nói đậm chất khẩu ngữ đến độ “thô tục” vào trong lời nói của nhân vật (những từ khẩu ngữ bình thường chúng tôi không đề cập đến ở đây). Tiêu biểu là lời nói của nhân vật anh bồi trong Bão rừng: -“Đ.mẹ, về là ngậu sị lên” [63, tr.33]. -“Đ.mẹ nó!. Nó tưởng nó chửi mình là nó hơn à? Tao là thân trâu ngựa thì tao cũng biết chơi như thế nào như trâu ngựa chứ” [63, tr.45]. -“Đ.mẹ, bà lại có lịnh gì đấy” [63, tr.63]. Những tiếng “Đmẹ” và những lời thô tục như “kệ cha nó”, “chó”, “trâu”, “đái”, “cứt”..được nhà văn sử dụng như chất liệu của ngôn ngữ đời thường làm nên diện mạo muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Nhưng cần thấy rằng việc sử dụng loại từ “thô tục” này hoàn toàn có chủ đích, phù hợp với nội dung câu chuyện, tính cách nhân vật chứ không phải là cách dùng từ bừa bãi của những tay giang hồ anh chị mà ta thấy trong sáng tác của một số nhà văn. Anh bồi trong Bão rừng hay chửi thề nhưng chỉ chửi thề khi nói tới bà chủ đồn điền. Còn trong quan hệ, lời ăn tiếng nói hàng ngày với những người đồng cảnh ngộ thì anh chưa bao giờ sử dụng thứ ngôn ngữ này. Điều này chứng tỏ đối với anh bồi và những người yếu thế như anh thì “chửi thề” trong lời nói là một cách ngấm ngầm chống đối, phản kháng, không cam chịu của những người thấp cổ bé họng. Những từ thô tục trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân luôn xuất hiện “hợp tình, hợp cảnh”, khiến người đọc có cảm giác “phải như vậy” thì mới là chất hiện thực trong tác phẩm. Đây là đoạn văn nói về đêm cuối cùng của những người tử tù ở một trại giam : - Ê, ông già. Ông đái cùng ra đây! Tiếng người nông dân gắt lên ở phía sau, khiến Liễn quay phắt lại. Cái bộ buồn thảm thất thiểu của anh nông dân mới rồi được thay bằng một vẻ giận dữ, hằn học đối với một người mà anh biết không cần dè dặt: - Sao đái tùm lum, tèm lem ra vậy? Ông già sửng sốt, nhìn xuống nền nhà. Vội vàng, sợ hãi, ông cỡi ngay chiếc áo đang mặc lau lấy, lau để. Liễn nhìn thấy cả bộ xương sườn của ông giơ ra, nhưng anh không thương hại, vì chính ông già đái trên chỗ anh nằm. ..Anh cảm thấy ngứa lưng, như thế chính mình mới nằm trên vũng nước đái. Ông già luống cuống lau, ông lau tràn sang cả chỗ không bị nước đái [63, tr.508]. 3.4.2. Việc vận dụng phương ngôn trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân “Phương ngữ, tiếng địa phương, thổ ngữ là biến thể địa phương của ngôn ngữ toàn dân. Quan hệ giữa phương ngữ và ngôn ngữ toàn dân là quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa cái biến thể và cái bất biến thể, giữa cái cụ thể và cái trừu tượng” [43, tr.517]. Theo nhận xét của Ths. Đinh Thị Hựu về Từ ngữ địa phương Quảng Nam thì tiếng địa phương của một vùng luôn có quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ toàn dân. Có lẽ vì vậy, khi đọc sáng tác của một số nhà văn có sử dụng từ địa phương, người đọc vừa nhận ra cách nói rất riêng của địa phương đó vừa có thể đặt vào ngữ cảnh của lời nói trong hệ thống ngôn ngữ toàn dân để hiểu nghĩa của từ mà đôi khi không cần sự chú giải của nhà văn. Trong tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân có nhiều trường hợp phương ngôn đã được sử dụng như vậy. Có một số từ ngữ trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân mà ta chỉ thấy xuất hiện trong cộng đồng người Quảng: xanh nghít, ai biểu, nạm lấy, chết giá rồi, ăn nói cà xốc, rấn rốn cãi, lóc cóc chạy, đường kiệt, ai xúi xử, bày biểu, lổng chổng, lúi húi, thấu triệt, dòm dỏ Khi xem xét các từ ngữ có nét đặc trưng của xứ Quảng thì ta nhận thấy những từ ngữ này thường kết thúc bằng những vần thuộc thanh trắc. Có phải vì thế mà khi nghe người Quảng nói ta thường cảm thấy cái “thô ráp” trong lời nói, ngữ điệu. Người ta thường nói “nói ngọt thì lọt đến xương” nhưng giọng nói xứ Quảng với những phương ngữ kết thúc bằng thanh trắc không đem lại cái dư vị “ngọt dịu”, nếu có cũng không nhiều. Có lẽ cuộc sống lên rừng, xuống biển để mưu sinh, chống chọi với thiên nhiên làm cho con người ở đây không có thời gian để “làm dáng”, “pha duyên” mà họ nghĩ sao nói vậy, có sao nói vậy. Đã nói là phải diễn tả chính xác ngay tính chất, đặc điểm của sự việc, sự vật, không vòng vo, uyển chuyển. Đôi khi, trong một số trường hợp, Nguyễn Văn Xuân cũng có sự giảng giải rõ ràng về một từ ngữ nào đó. Thông thường là những từ liên quan đến một sự vật mà khi giảng giải sẽ góp phần tô đậm thêm tính cách nhân vật, đời sống của con người ở địa phương. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Tiềng Đồng, nhà văn đã gợi cho nhân vật “tôi” những thắc mắc về nhạc cụ kì lạ mà làng đúc đồng chế tạo bán cho người Thượng: Tôi chỉ cái phèng la, loại nhạc cụ giống hệt các nón thúng của phụ nữ miền Bắc hỏi: - Thưa bác, tại sao lại gọi là phèng la? Ông cầm nhạc cụ lên, lấy dùi và bảo tôi: - Cậu nghe đây! Ông đập và nó phát ra những tiếng đồng: - Cậu có nghe rõ không? “Phèng” rồi “la la la la la la a a a a a” Ông không chờ tôi hỏi thêm, giảng giải: - Cái mặt phẳng đánh vào thì kêu phèng. Khi tiếng phèng dứt ở vòng chân quì tức là cái vành thì đổi sang tiếng la. Loại này đối với đồng bào mình thì chỉ có hai giọng dùng để đánh cho kêu, cho to. Khi gọi dân, họp dân thì mấy ông làng xách ra, đánh như la làng la xóm. Nhưng đối với người Thượng, nó không chỉ thuộc về nghi lễ mà còn thuộc về âm nhạc nữa [63, tr.471]. Hoặc chủ nhà giảng giải cho nhân vật “tôi” nghe về chiêng đôi: Loại này là đồ chiêng đôi “Trà Bồng”. Gọi thế chứ nó cũng là phèng la. Giọng Trà Bồng gồm có mấy giọng: Bù rốp (cao), Bù rắp lay, lay (lớn và nhỏ). Bù rớt Bù rởn. Đây là loại lay giọng lớn. Tiếng thùng.ngao phát ra từ cái phèng la ở phía sau thì lạ lùng, tôi nghe như cũng có tiếng thùngngao phát ra ở cái trước. Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng rõ ràng là như thế. Rõ ràng không ai đánh, thế mà cái phía trước cứ kêu mà kêu y hệt như cái thứ hai. Như hai đứa trẻ song sinh, đứa này bị đánh đau xót la hét thế nào thì đứa kia cũng đau xót la hét lên như thế. Tôi buột miệng kêu lên: - Giống nhau như đúc! - Thế thì mới gọi là “đồ đôi” mà cậu. [63, tr.484 - 485]. Việc giảng giải kỹ về một danh từ như vừa nêu trên đã cho chúng ta hiểu thêm tài hoa của những người thợ ở một làng đúc đồng. Nhờ sự cần cù khéo léo của đôi tay và một tâm hồn nhạy cảm mà họ có thể tạo ra một loại nhạc cụ phức tạp như thế. Đồng thời qua đó người đọc khâm phục nhà văn Nguyễn Văn Xuân, tuy chỉ là nhà văn của một ngôi làng nhưng có tầm kiến văn rộng rãi của một ông thầy Quảng. Phương ngôn trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân còn thể hiện tính chân thực khi nhà văn sử dụng những từ ngữ trong lời ăn tiếng nói của người Radhé: “Pạ” (sải tay); “Đoa Pạ” (hai sải); “cái vợ”; “cái Ban Mê Thuộc”.Dưới đây là một đoạn đối thoại của một người Radhé với những người ở đồn điền của mụ chủ La (Bão rừng), người Đê này có một chiếc nhung to anh muốn bán cho mụ chủ La: Hôm sau, anh ta mang lại lần nữa. Chủ trả lên đến một đồng hai, anh nhất định không bán. Chủ hỏi: - Tao trả hết giá mày không bán để làm gì? Y đáp - Tôi lên cái Ban Mê Thuộc. Mụ chủ xem xét cẩn thận, giọng có vẻ đứt giá. - Một đồng ba bạc đó, chết giá rồi .Y đáp: - Mai tôi đi cái Ban Mê Thuộc Vài hôm sau người Đê trở lại - Sao không đi cái Ban Mê Thuộc? Người Đê lắc đầu, buồn rầu: - Không đi - Tại sao không đi mà bán cho cao giá? - Cái nhung nó hôi rồi [63, tr.58]. Qua những từ ngữ trong lời ăn tiếng nói của người dân tộc, người đọc có dịp hiểu được sắc thái đa dạng của nền văn hóa cộng cư ở Quảng Nam. Ngoài từ địa phương, trong một số văn cảnh nhất định, Nguyễn Văn Xuân không ngần ngại sử dụng tiếng Pháp trong lời thoại của nhân vật làm cho nhân vật hiện lên trong tác phẩm hết sức sinh động. Đây là đoạn văn tả cảnh lão Mẹc định dở trò đồi bại với chị vú, khi vợ lão đi vắng: Lão chủ chỉ bận độc một cái áo sơ mi ngủ, phía dưới lông lá tô hô, phía trên đầu tóc xốc xếch, đang tấn đến bắt chị vú. Chị vú thì bé choắt, chân chạy loăn quăn, miệng kêu ơi ới. Con Gái thì ngồi nhe đủ hai hàm răng mà cười. Chị vú kêu: - Ma đầm! Ma đầm! Lão chủ đáp - Pác - tia Chị vú tru tréo: - Tổ cha mi! ma đàm rơ tua, ma đàm cạo cái đầu. Không hiểu chị sợ cạo đầu chị hay cạo đầu lão. Lão vẫn quay hai tay như thầy bói bắt heo lừ lừ tiến tới. Chúng tôi bấm nhau để khỏi cười. Thốt nhiên, lão tấn chị vú vào một góc rồi huynh hoang như kẻ thắng trận, nâng cao cái thân thể mỏng teo của chị lên mà quay luôn một vòng; miệng chị vú cũng phát ra đúng một vòng tiếng kêu chí chóe. Chúng tôi mở rộng cánh cửa bước vào. Lão nhìn chúng tôi chòng chọc như thách đố. Anh bồi nói: - Ma đầm ! - Pác - tia. Lão có vẻ khoái chí, cóc cần. Anh bồi nhấn mạnh: - Ma đầm rơ tua, mỏa pac lê Lão ném chị vú, buông thỏng: - Măng phú! Lão “măng phú” cho đỡ bẽ mặt. Rồi lạnh lùng đi vào phòng ngủ. Tất cả chúng tôi có mặt quả thật đối với lão chủ là con số không. Mà chính cái bóng vang của mụ chủ đã làm lão bỏ chạy [63, tr.154-155]. Hay đoạn văn tả cảnh chạy đua với tử thần: Cánh tay với bàn tay to lớn, đỏ kè của lão quản đã hai lần giơ cao rồi hạ xuống đất khoan thai nổi bật trên nền trời xanh theo giọng hô dõng dạc: - A vos marques - Prêt Rồi cánh tay lại giơ lên: Lần này nó không hạ thẳng xuống mà chém mạnh vẹt về phía trước như cốt để ai cũng có thể hiểu là lệnh chạy: - Partez! .Hình như hắn không cần biết ai bị hắn bắn mà chỉ chú ý người không bị bắn, khi chạy qua mặt hắn, Liễn đột nhiên nảy ra cái ý thốt lên thật lớn “Vive la France” nhưng anh kịp giữ miệng. Thà chết chứ không làm thế” [63, tr.529]. Trong cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp của Nguyễn Văn Xuân ta thấy có sự linh động, uyển chuyển của một ngòi bút có sự hiểu biết tường tận mà không khoe khoang. Đoạn văn trong Bão rừng nói về lão Mẹc giở trò đồi bại với chị vú thì nhà văn đã dùng tiếng Pháp ở dạng “bồi” của những người Việt học nói tiếng Pháp theo cách nghe lõm và nhạy lại: ma đàm rơ tua (bà về), Ma đầm (bà), mỏa pạc lê (tôi sẽ mách lại) Cách sử dụng này làm tăng thêm tính hài hước của câu chuyện về lão chủ người Pháp dê xồm. Còn trong đoạn văn miêu tả cuộc Chạy đua với tử thần thì nhà văn tả những hành động và lời nói của tên quản Tây nên không cần pha tiếng bồi mà là tiếng Pháp chính gốc: A vos marques, Prêt!, Partez.Và nhà văn không hề chú giải về nghĩa của những từ ngữ này. Có thể vì tính thông dụng của từ ngữ, vì tôn trọng sự hiểu biết của người đọcvà vì tác giả đã đặt những từ ngữ ấy vào một ngữ cảnh nhất định mà chắc rằng người đọc sẽ hiểu. Khi viết những truyện ngắn liên quan đến lịch sử của thời “Cần Vương”, nhà văn đã dùng một số lượng lớn những từ Hán Việt trong lời kể, lời thoại của các nhân vật. Nhờ vậy không khí của thời kỳ lịch sử đã qua, lời ăn tiếng nói của những nhân vật xuất thân “cửa Khổng sân Trình” được tái hiện một cách sinh động. Đây là đoạn văn kể về lời “hiểu dụ” quân sĩ của phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, người lãnh đạo Nghĩa Hội: Vì càng kéo dài thì càng hao người tốn của, không còn lối thoát nào ngoài sự tiêu diệt con người đến cuối cùng. Vậy cần bảo toàn sinh lực, ý chí của Hội để chờ thời cơ thuận lợi sẽ hoạt động trở lại. Cuộc đấu tranh trường kỳ để thâu hồi độc lập không cốt ở một đôi nơi, một đôi lúc mà cốt ở bất kỳ nơi nào, lúc nào “trong vĩnh cữu, bằng vĩnh kiếp thực hiện theo một vĩnh đồ”. Vậy mỗi hội viên, quan lại, mỗi viên chức, quân binh phải tự nhiệm cái trách vụ đi tìm những người đồng tư tưởng, đồng chí khí kết giao với họ để hưng lại cái sự nghiệp cứu quốc gia đã bị dở lỡ, học thêm cái phương pháp mới, rèn luyện khí cụ mới để công cuộc chiến đấu có hiệu quả chắc chắn hơn trong thời buổi khoa học mới mẻ này [63, tr.261]. Như vậy, việc đa dạng hóa cách sử dụng từ ngữ trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân là điều mà tất cả chúng ta đều dễ dàng nhận thấy khi tiếp cận với tác phẩm của ông. Vấn đề là khi nào sử dụng từ ngữ địa phương, văn cảnh nào sử dụng từ ngữ người Đê, ngữ cảnh nào dùng tiếng Pháp, từ Hán Việtdường như đã có sự cân nhắc kỹ càng, không tùy tiện. Cái tài của nhà văn là tuy đã có sự tính toán cân nhắc nhưng mọi sự lại diễn ra hết sức tự nhiên như cuộc sống vốn như vậy. Nếu ngôn ngữ là biểu hiện của văn hóa thì nhà văn không chỉ hiểu văn hóa mà còn hiểu bề dày, chiều sâu của văn hóa. Và tự do bao giờ cũng thuộc về những người hiểu biết. 3.4.3. Vận dụng thành ngữ Thành ngữ, tục ngữ vốn là những đơn vị ngôn ngữ tồn tại trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân viết về cuộc sống thực của người dân Quảng Nam nên khi tìm hiểu về sáng tác của nhà văn chúng tôi không thể không nói đến một lượng thành ngữ tương đối lớn trong một số tác phẩm của ông. Một số nhà nghiên cứu về văn học đô thị miền Nam thường đề cập đến tài năng sử dụng thành ngữ trong sáng tác của Sơn Nam, nhà văn cùng thời với Nguyễn Văn Xuân. Nếu làm một so sánh nhỏ giữa hai tác phẩm của hai nhà văn, ta thấy: Tác giả Tên sách Số trang Số thành ngữ Sơn Nam Nguyễn Văn Xuân Hương rừng Cà Mau 1 Bão rừng 263 233 32 30 (Bảng thống kê chi tiết xin đính kèm ở phần phụ lục) Còn trong thế đối sánh với những sáng tác của chính Nguyễn Văn Xuân thì có sự chênh lệch trong việc vận dụng những thành ngữ giữa tiểu thuyết và các truyện ngắn. Số lượng thành ngữ được nhà văn sử dụng nhiều nhất trong tiểu thuyết Bão rừng, còn lại các truyện ngắn chỉ sử dụng số lượng ít. Một phần có thể do số trang của quyển tiểu thuyết này dày dặn hơn so với số trang của tất cả các truyện ngắn còn lại. Nhưng điều quan trọng là ở Bão rừng tác giả tập trung viết về đời sống dân phu ở một đồn điền cà phê. Ngôn ngữ trong tác phẩm là ngôn ngữ đời thường, tiết tấu chậm, đều đặn như nhịp sống. Thế nên, khi đối thoại, các nhân vật trong Bão rừng đã vận dụng những thành ngữ, những cách so sánh quen thuộc trong dân gian. Nhờ vậy, câu chuyện trở nên sinh động, dễ hiểu. Còn các truyện ngắn trong hai tập Hương máu và Dịch cát đều có tiết tấu nhanh, giàu kịch tính, lời trần thuật của tác phẩm chiếm một số lượng nhiều hơn lời thoại của nhân vật. Với vai trò người kể chuyện ở ngôi thứ ba, tác giả miêu tả, kể những điều mắt thấy tai nghe hoặc giả tương tự như vậy. Trong quá trình vận dụng thành ngữ, có khi Nguyễn Văn Xuân giữ nguyên mẫu thành ngữ những cũng có khi ông sử dụng theo cách riêng. Những thành ngữ được sử dụng nguyên mẫu như:“mèo đàng chó điếm”, “tích thiểu thành đa”, “ăn chưa no, lo chưa tới”, “còn nước còn tát”. Còn các thành ngữ được sử dụng theo cách riêng của nhà văn thì phần lớn là thêm vào các quan hệ từ cho rõ nghĩa hơn: Chờ thì được, ước thì thấy (chờ được, ước thấy); Tốt mã nhưng rã đám ( tốt mã rã đám); Phép vua còn thua lệ làng (Phép vua thua lệ làng ); Ở hiền thì gặp lành (Ở hiền gặp lành ). Việc thêm các quan hệ từ vào trong thành ngữ là thói quen khi nói chuyện của người dân Quảng Nam (theo lối tách và ghép từ). Họ thường nhấn mạnh vào điều mình đề cập để tác động trực tiếp đến người nghe. Những thành ngữ, tục ngữ, kết hợp với lối nói ví von so sánh làm cho văn phong của Nguyễn Văn Xuân giàu tính hình tượng, mang tính khái quát khá cao. Khi tả về tiếng kêu kinh hoàng, sợ hãi của mụ La vì con voi điên, tác giả viết: “mụ kêu e é như chính con voi đang hò hét” [63, tr.170]. Khi nói về bản chất gian ngoa, hiểm độc, tham lam của mụ La tác giả viết: “thối tha hơn phân chó”[63, tr.42]. Khi nhân vật chị Sáu bị cơn sốt rét rừng, run cả giường chiếu thì nhà văn so sánh: “Chiếc khăn giăng trên đó cứ như bị động kinh” [63, tr.187]. Để nói về việc đánh bạc của công nhân đồn điền như một việc tất nhiên, tác giả viết: “ở đồn điền không đánh bạc giống như ở cửa quan không ăn hối lộ” [63, tr.178]. Những thành ngữ, tục ngữ, lối nói ví von so sánh được Nguyễn Văn Xuân sử dụng có mức độ, có chủ đích trong một số sáng tác cụ thể. Nhờ vậy nhà văn phát huy được mặt tích cực của ngôn ngữ sinh hoạt đời thường trong tác phẩm của mình. Điều đó làm cho tác phẩm của ông gần gũi, dễ hiểu đối với người đọc. Đọc sáng tác của Nguyễn Văn Xuân ta thấy tuy dung lượng của mỗi truyện rất ngắn nhưng không vì thế mà ý nghĩa của nó kém phần sâu sắc. Có được như vậy một phần là do những đoạn văn trữ tình và những đoạn văn đầy tính triết lý tạo nên. Đây là một đoạn tiêu biểu: Buổi sáng, tôi dậy sớm. Tôi lấy chiếc ghế nhỏ ra ngồi dưới gốc cây xơ ri. Mặt trời chưa lên. Ánh sáng đầu tiên bôi một lớp hồng nhạt lấp lánh phía sau các khu rừng. Chim chóc ríu ra ríu rít đủ thứ giọng. Trên những cây cổ thụ cao vút như muốn vói trời, vài con chim đen, rất bé, từ ngọn sà xuống và thốt nhiên trở nên to lớn lạ thường, đập cánh sàn sạt bay qua không gian. Bỗng một tiếng mưa rào phát ra từ những đám mây xanh ngắt tiến nhanh như vũ bão che khuất mặt trời mới lên. Đó là muôn vạn con chim xanh mỏ đỏ, thi nhau bay biễu diễn với ánh sáng đầu tiên. Những tiếng kêu bí mật ban đêm tan biến. Bóng tối trong lá cây rậm không còn tỏa ra màu đen ảm đạm, và lại biến thành những nét chấm phá linh động: bóng râm thu ngắn và đậm nét tiếng chim ca [63, tr.60]. Và đây là một đoạn tả trăng trong Dịch cát : Nhưng chị chưa phải là hoàn toàn tuyệt vọng. Vì trăng đã lên. Ở chân trời trăng vùn vụt như một khối lửa lạnh lẽo, không có ánh sáng, phi nhanh vào không gian. Khi nó dừng lại dưới một hình thù bé nhỏ hơn thì ánh sáng rực rỡ, tỏa ra làm lung linh những ngọn sóng bạc đầu. Trăng chiếu qua những mảnh rách trên cửa, trên phên, làm sáng cả gian nhà bé nhỏ của chị Sinh. Ánh sáng êm đềm kia còn đủ sức gây một niềm nghị lực tiềm tàng nơi chị [63, tr.408]. Những đoạn văn tả cảnh trên là những đoạn thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ của nhà văn với một tâm hồn nhạy bén, tinh tế trước những thay đổi của cuộc sống chung quanh. Và trên hết là một tình yêu mãnh liệt đối với con người, đối với cuộc đời. Nhiều đoạn văn còn mang tính triết lý khá sâu sắc. Chẳng hạn đoạn văn nói về những suy nghĩ của nhân vật Liễn trong đêm trước khi buộc phải Chạy đua với tử thần: . Liễn nhìn ra bên ngoài, vẫn ánh sáng chập chờn lạnh ngắt của chiếc đèn bão và tiếng guốc lạch cạch rời rạc của người lính. Tiếng guốc của người còn sống! Tiếng guốc đó có những gì khác hẳn với những tiếng động trong cái phòng đầy nghẹt những người sắp chết này? Không biết bây giờ là mấy giờ rồi? Liễn cố đứng lên cho đỡ mỏi. Biết được mấy giờ là biết được bao nhiêu người còn sống? Mình sống? Thì có gì là lạ. Cũng như bây giờ mình đang sống đây. Nào có gì là quí giá? Hay có lẽ sự sống ở ngoài kia, ở trong ánh sáng, trong tiếng chim ca, trong tự do? Tất cả những cái đó mình biết quá rồi. Có một lần Liễn ngồi trên thảm cỏ đẹp giữa buổi chiều êm ái, với tiếng sáo diều và tiếng chuông chùa, nghĩa là tất cả những vẻ đẹp, nên thơ như trong sách tả. Liễn nói thật to “mình là người sung sướng” rồi lắng nghe sự sung sướng đi vào tâm hồn” [63, tr.517]. Có những đoạn văn được tác giả lý giải rất dài nhưng người đọc không thấy nhàm chán vì nó có ý vị sâu xa, kiến giải độc đáo, tầm triết lý bao quát. Chẳng hạn đoạn văn luận về sự khác nhau của dòng âm nhạc thính phòng với những nghệ sĩ được đào tạo trường lớp cùng những nhạc cụ hoàn hảo so với dòng âm nhạc dân gian với những người biểu diễn dân dã, dụng cụ đơn sơ: Anh Qúi cầm cái dùi thật lớn ban đầu dập vào cái nướm của chiêng. Âm thanh dội lên, ngân vang rồi cứ như thế. Quí đập lần lần xuống cả mặt chiêng. Trong khi đó, anh Cảo đứng xoạc chân, lùi dần, tay thọc choãi vào trong hai cái túi áo, lắng nghe như một nhà chân tu lắng nghe tiếng chuông chùa, như một tội nhân lắng nghe tiếng sinh hoạt bên ngoài lao xá, như một kẻ đói lắng nghe tiếng rao hàng. Hình như anh không chỉ nghe tiếng chiêng bên ngoài mà còn nghe vọng tiếng chiêng trong tâm hồn anh. Đôi mắt của anh mang nặng một sắc màu rừng rú rất khó tả mà đôi môi thì rung rung như đang muốn phát ra những âm thanh nào tương ứng. Tự nhiên tôi muốn so sánh anh với một số nhạc sĩ mà tôi đã đọc tiểu sử của họ. Tôi không hiểu tại sao có sự so sánh đó vì giữa hai nghề, tôi không nghĩ là đáng được so sánh: một bên là nghệ thụât cao siêu của những nghệ sĩ tài hoa, xuất thân ở các viện âm nhạc, gần như bay chập chờn trên những kinh đô ánh sáng; một bên chỉ là anh thợ làm nhạc cụ bằng đồ đồng, phần lớn cho loại khách chưa có chút kiến thức nào về nghệ thuật. Một loại thợ mà ngay dân ở sát làng tôi cũng chẳng ai chú ý bao giờ! Trước mắt tôi bày ra cái cảnh huy hoàng của những khán giả tri thức chen nhau đến các hí viện im lặng với vẻ sùng kính tôn giáo khi nghe một bản nhạc cổ điển để thấy nổi bật lên cảnh những lái buôn nghèo khổ, băng núi băng ngàn đi bán mấy nhạc cụ bằng đồng có khi không lấy được tiền mà phải đổi chác một con trâu cổ, một mớ lâm sản, một bộ da cọp, sừng nai; rồi những người Thượng đem vào một góc núi mịt mờ mà nhảy múa hò hét như điên cuồng! [63, tr.476-477]. Tóm lại, chất hiện thực trong tiểu thuyết, chất ký trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân được tô đậm nhờ kết cấu độc đáo, cách thức xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày đậm chất khẩu ngữ, thành ngữ, phương ngôn đã làm nên phong cách sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Cách kể và dẫn dắt truyện sinh động, ngôi kể linh hoạtTất cả những yếu tố nghệ thuật trên trở thành phương tiện để nhà văn bộc lộ trực tiếp cái nhìn của mình đối với cuộc sống, thể hiện những tâm tư tình cảm của mình đối với những con người rất đỗi gần gũi thân thương ở vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, những người bình thường mà rất đổi phi thường qua những trang văn của Nguyễn Văn Xuân. KẾT LUẬN 1. Nguyễn Văn Xuân là một trong những nhà văn sáng tác không nhiều nhưng mỗi trang viết của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc về vùng đất và con người xứ Quảng. Tuy số lượng tác phẩm có hạn nhưng giai đoạn văn học nào cũng có sự góp mặt của ngòi bút Nguyễn Văn Xuân. Trước 1954, Nguyễn Văn Xuân đã được biết đến với tác phẩm đầu tay Ánh sáng và bóng tối (đạt giải thưởng); hai truyện ngắn Ngày giỗ cha và Ngày cuối năm trên đảo được tuyển đăng trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33. Tiểu thuyết và truyện ngắn giai đoạn 1954 - 1975: Bão rừng; Hương máu; Dịch cát. một lần nữa khẳng định sự thành công của ông trong lĩnh vực sáng tác văn học. Cuộc sống và con người đất Quảng qua diễn trình lịch sử của dân tộc chính là nguồn cảm hứng dồi dào và mãnh liệt trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Tuy ông ít vượt khỏi biên giới “Quảng Nam quốc”, cũng không có sự đột phá về đề tài sáng tác, nhưng những sáng tác văn học của ông có cái duyên ngầm của người biết khai phá “cày xới” trên vùng đất có người canh tác. Hai đề tài bao trùm toàn bộ sáng tác của Nguyễn Văn Xuân là cuộc sống chiến đấu bảo vệ đất nước và lao động sinh tồn của con người xứ Quảng. Cái tài của các nhà văn là đưa người đọc đi qua một tiểu thuyết và gần 20 truyện ngắn thuộc hai đề tài trên nhưng người đọc không gặp sự nhàm chán, đơn điệu.Chính điều đó giúp người đọc nhận ra tài năng và tấm lòng yêu quê hương đất nước của một nhà văn xứ Quảng. Nguyễn Văn Xuân sống và viết trong những ngày miền Nam sống dưới gót giày xâm lược của Mỹ Diệm và ngay trên vùng đất “đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc trong những trận đối đầu lịch sử. Thế nên, thông qua những sáng tác văn học của mình, nhà văn đã truyền đến bạn đọc đương thời, các thế hệ mai sau tình cảm thiêng liêng đối với Tổ quốc, đồng bào. Nhà văn đã không dùng “đao to búa lớn”, không dùng sự hoành tráng của số lượng mà chủ yếu cần cái “tinh túy” của chất lượng. Chính vì thế, sáng tác của ông vừa đứng được trên văn đàn công khai ở Sài Gòn, Hà Nội.lúc bấy giờ vừa tác động sâu xa đến sự thức tỉnh ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc trong tình cảm của người đọc. Tên tuổi của Nguyễn Văn Xuân được sánh ngang hàng với Sơn Nam, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa trong văn học Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 như một sự thừa nhận những đóng góp đích thực của ông đối với sự phát triển của văn học nước nhà. 2. Sống và viết ngay trên vùng đất Quảng trong những ngày ác liệt của chiến tranh, giai đoạn nào của sự chuyển biến lịch sử xã hội, ngòi bút của Nguyễn Văn Xuân đều ghi nhận, phản ánh: kháng chiến chống Pháp, hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ xâm lược.Để những nội dung sáng tác trên xuất hiện ở văn đàn công khai, nhà văn đã khéo léo tận dụng lợi thế của văn học vượt qua sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Sài Gòn, chuyển tải được những thông điệp cần thiết đến người đọc. Có thể thấy, đọc những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân là đọc lịch sử đấu tranh, trưởng thành, đi tới của một vùng đất. Ngoài ra, đọc sáng tác của Nguyễn Văn Xuân chúng ta hiểu được quá trình lao động sinh tồn của cư dân đất Quảng. Cuộc sống lên rừng xuống biển của những người phải chịu cảnh tha phương cầu thực, bão lũ triền miên, bệnh dịch hoành hành. Những trang viết ngồn ngộn chất hiện thực mang đến cho người đọc những rung động sâu xa, vốn tri thức phong phú về thiên nhiên và cuộc sống của con người vùng “Ô Châu ác địa”. 3.Nguyễn Văn Xuân là “nhà văn của một ngôi làng” là “một con người từ một ngôi làng”. Chính vì thế, hơn ai hết, nhà văn hiểu rõ những con người từ những “ngôi làng” ấy và đã dựng lên bức chân dung về họ. Họ là những con người cần cù lao động, can trường dũng cảm kiếm sống sinh tồn trên vùng quê nghèo khó. Sinh tồn đối với những cư dân đất Quảng không chỉ là sống cho bản thân mà còn sống cho, sống vì cộng đồng, Tổ quốc. Qua những trang viết của Nguyễn Văn Xuân, chúng ta còn thấy hiển hiện những con người đất Quảng yêu nước nồng nàn, ý thức trách nhiệm chính trị của những người ở vùng đất “phên giậu” đã ngấm sâu vào máu thịt họ. Họ chẳng những tạo dựng nên những ngôi làng mà ý chí chiến đấu bảo vệ làng mạc, cộng đồng, Tổ quốc đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong dòng chảy chung của mạch ngầm tình yêu Tổ quốc. Lao động và chiến đấu đã trui rèn tính cách, khí chất của người xứ Quảng: cứng cỏi ngang tàng; cởi mở, nhạy bén với cái mới; nhân hậu, đa cảm, đa tình Nguyễn Văn Xuân đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Quảng song hành với cảm hứng tố cáo phê phán. Bộ mặt thật của thực dân, đế quốc xâm lược, bản chất gian xảo, hám lợi của tư sản, địa chủ tất cả đều bị phanh phui dưới ngòi bút của ông. Dù ca ngợi hay phê phán, tố cáo, ngòi bút của nhà văn đều vươn tới tầm khái quát những vấn đề có ý nghĩa xã hội nhân sinh sâu sắc. Từ một ngôi làng vươn tới cả cộng đồng; từ sự hiểu biết về cộng đồng soi rọi phẩm chất, lối sống của những con người ở một vùng đất. Đó chính là điểm độc đáo trong sáng tác của Nguyễn Văn Xuân, người được xưng tụng là một nhà “Quảng Nam học”. 4.Về phương diện nghệ thuật chúng ta có thể thấy Nguyễn Văn Xuân đã cho người đọc tiếp cận với lối văn giản dị mà mực thước, thâm trầm. Từ nhân vật đến sự kiện, từ không gian đến thời gian, từ ngôn ngữ đến tình tiếttất cả đều toát lên tính hiện thực của tác phẩm. Hiện thực, cụ thể mà không vụn vặt, nhàm chán, đơn điệu; tầm khái quát làm cho những chi tiết về hiện thực trở nên sinh động và mang trong nó tính hàm súc cần thiết của văn chương. Chất hiện thực đã khiến cho sáng tác của Nguyễn Văn Xuân khi viết về những cái chết của người đất Quảng mang đậm tính chất của ký - lịch sử. Nhà văn như một thư ký ghi chép trung thành những biến động lịch sử xã hội ở một vùng đất, nơi mà ông đã may mắn sớm được thụ hưởng những mạch nguồn giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của một vùng địa linh nhân kiệt. Văn của Nguyễn Văn Xuân mang đậm bản sắc của vùng đất Quảng, từ phong cảnh thiên nhiên đến tính cách con người. Nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ địa phương một cách có ý thức. Ông đã đưa vào sáng tác của mình cảnh núi rừng âm u, tiếng sóng biển gầm thét, dòng xoáy bão lũ cuồn cuộn của một vùng thiên nhiên khắc nghiệt. Đặc biệt là những địa danh như gắn liền với cuộc đời của nhà văn từ lúc ông được sinh ra đến khi cầm bút sáng tác. Chất giọng xứ Quảng trong sáng tác của nhà văn không làm người đọc khó hiểu mà chỉ góp phần tô đậm thêm khí chất con người Quảng Nam. Chất triết lý đã làm nên vẻ thâm trầm sâu sắc của một ngòi bút có nhiều trãi nghiệm. 5. Nắng, gió, bão, lũ, rừng âm u .cùng với thời gian của vùng đất mở cõi đã kết tinh thành độ bền của sáng tác Nguyễn Văn Xuân. Không ồn ào như những sự kiện vang dội mà thầm lặng, bền bỉ, giản dị như chính cuộc đời của nhà văn, những sáng tác của ông đã trãi qua sàng lọc thời gian để người đọc nhận chân giá trị của nó. Nhắc đến những tên tuổi làm nên diện mạo văn học Việt Nam 1954 - 1975 không thể không nhắc đến Nguyễn Văn Xuân.Đôi khi người ta “lướt”qua ông và những sáng tác của ông như lướt qua sự tồn tại hiển nhiên của một lớp trầm tích, mà không có nó sẽ không hình thành nên những địa tầng kiến trúc phía trên. Bão rừng, Hương máu, Dịch cát không trở thành những “kì thư” nhưng vinh dự của nó là vinh dự của những tác phẩm chứa trong lòng văn hóa của vùng đất mở cõi. Có thể nói không ngoa rằng sẽ không hiểu biết đất nước con người Việt Nam nếu không hiểu vùng đất và con người xứ Quảng. Bởi nơi ấy chính là điểm giao nhau giữa những gì thuộc về truyền thống đã hình thành trong lòng xã hội Bắc hà với những gì thuộc về sự chắt lọc thích ứng trong môi trường mới. Cội nguồn và vươn tới là tất cả những gì có thể nói về sáng tác của Nguyễn Văn Xuân. Ngày nay, trong giai đoạn hội nhập, giao lưu với kinh tế, văn hóa toàn cầu, hơn bao giờ hết chúng ta cần phải giữ gìn cội nguồn, bản sắc văn hóa của dân tộc. Đó cũng là chủ trương lớn của Đảng và nhân dân ta. Trên tinh thần ấy, những sáng tác của Nguyễn Văn Xuân càng có ý nghĩa hơn. Tìm hiểu về đặc điểm tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Xuân giai đoạn 1954 - 1975, chúng tôi đã đi vào một vùng đất “chưa được khai phá”. Với việc làm ấy, chúng tôi chỉ mong muốn được khẳng định giá trị tiếng nói yêu nước của Nguyễn Văn Xuân trong dòng văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Đồng thời, nếu được, chúng tôi xem công trình này như một nén tâm hương mà những người hậu bối thắp lên trước hương hồn ông để kính cẩn nói rằng: “ông đã sống một cuộc đời đáng sống!” Kiến thức nông cạn, thời gian hạn hẹp, nhưng với một tấm lòng, chúng tôi hi vọng luận văn sẽ góp một phần nhỏ trong việc tìm hiểu sự nghiệp văn chương của Nguyễn Văn Xuân, một trong những cây bút tiêu biểu của văn học đô thị miền Nam, của văn hóa xứ Quảng giai đoạn 1954 - 1975. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội. 3. Lại Nguyên Ân (Sưu tầm và biên soạn) (2002), Lê Thanh - nghiên cứu và phê bình văn học, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 4. Trần Hòa Bình - Lê Duy - Văn Giá (1999), Bình văn, NXB Giáo dục, Hà Nội. 5. Nguyễn Sinh Duy (1996), Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam, NXB Đà Nẵng. 6. Trần Trọng Đăng Đàn (1988), Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954 - 1975, NXB Sự thật, Hà Nội. 7. Trần Trọng Đăng Đàn (2000), Văn hoá, Văn nghệ.Nam Việt Nam 1954 - 1975, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội. 8. Trần Trọng Đăng Đàn (1981), “Văn hoá”, “Văn nghệ” thực dân mới tại miền Nam từ 1954 đến 1975 nhìn xuyên qua một số đường lối, chính sách âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ngụy”, Văn nghệ (166) 27/03, Hà Nội. 9. Trần Trọng Đăng Đàn (1981), “Văn hoá”, “Văn nghệ” thực dân mới tại miền Nam từ 1954 đến 1975 nhìn xuyên qua một số đường lối, chính sách âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ngụy”, Văn nghệ (169) 17/04, Hà Nội. 10. Trần Trọng Đăng Đàn (1981), “Văn hoá”, “Văn nghệ” thực dân mới tại miền Nam từ 1954 đến 1975 nhìn xuyên qua một số đường lối, chính sách âm mưu, thủ đoạn của Mỹ ngụy”, Văn nghệ (176) 12/6, Hà Nội. 11. Phạm Trọng Điềm (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB Thuận Hoá. 12. Hà Minh Đức (chủ biên) (2002), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 13. Bảo Định Giang (1960), “Vài nét về văn nghệ Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng”, Văn Nghệ (75) 01/01, Hà Nội. 14. Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1998), Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 2, NXB Tp HCM. 15. Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương (1995), Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, NXB Giáo dục, Hà Nội. 16. Nguyễn Văn Hạnh (2004), Chuyện văn chuyện đời, NXB Giáo dục, Hà Nội. 17. Vũ Hạnh (1975), “Mấy suy nghĩ về văn học yêu nước và tiến bộ trong lòng thành thị miền Nam trước đây”, Văn nghệ 23/08, Hà Nội. 18. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển văn học, NXB Thế Giới, Tp HCM. 19. Nguyễn Thái Hoà (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội. 20. Võ Văn Hoè (2006), Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời, NXB Đà Nẵng. 21. Phan Khang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, Hà Nội. 22. M.B Khrapchenco (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội. 23. M.B Khrapchenco (1985), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực con người, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 24. Phong Lê - Trần Hữu Tá (2000), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Những tác phẩm tiêu biểu từ 1919 - 1945, NXB Giáo dục, Hà Nội. 25. Phương lựu (chủ biên) (2003), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 26. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên) (2000), Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, NXB KHXH, Hà Nội. 27. Nguyên Ngọc (2005), Tìm hiểu con người xứ Quảng, NXB Đà Nẵng. 28. Phùng Quý Nhâm - Lâm Vinh (1994), Tiếp cận văn học, ĐHSP Tp HCM. 29. Nhiều tác giả (1982), Lí luận văn học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 30. Nhiều tác giả (1985), Lịch sử Việt Nam, Tập 2, NXB KHXH, Hà Nội. 31. Nhiều tác giả (1986), Lí luận văn học, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội. 32. Nhiều tác giả (1988), Văn học miền Trung thế kỷ XX, Tập 1, NXB Đà Nẵng. 33. Nhiều tác giả (1995), Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, NXB Hà Nội. 34. Nhiều tác giả (1998), Tuyển tập văn 1945 - 1975, Tập 1, NXB Văn hoá thông tin, Tp HCM. 35. Nhiều tác giả (1998), Tuyển tập Văn 1945 - 1975, Tập 2, NXB Văn hoá thông tin, Tp HCM. 36. Nhiều tác giả (2006), Trò chuyện với 100 nhà văn Việt Nam, NXB Văn hoá Sài Gòn. 37. Lữ Phương (1974), “Văn học nghệ thuật các thành thị miền Nam và con đường phát triển của nó”, Văn nghệ (553) 07/06, Hà Nội. 38. Lữ Phương (1974), “Văn học nghệ thuật các thành thị miền Nam và con đường phát triển của nó”, Văn nghệ (554) 14/06. 39. Lữ Phương (1974), “Văn học nghệ thuật các thành thị miền Nam và con đường phát triển của nó”, Văn nghệ (555) 14/06. 40. Thạch Phương (1972), “Văn học hiện thực và tiến bộ dưới sự thống trị tàn bạo của Mỹ - Ngụy ở miền Nam”, Tạp chí Văn học số 1, Hà Nội. 41. M.Pospelov (chủ biên) (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 42. Lê Văn Siêu (1993), Nếp sống tình cảm của người Việt Nam, NXB Mũi Cà Mau. 43. Sở văn hoá thông tin Quảng Nam (2001), Văn hoá Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng. 44. Phạm Côn Sơn (2004), Làng nghề truyền thống Việt Nam, NXB Văn hoá dân tộc. 45. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Vụ giáo viên. 46. Trần Đình Sử - Lê Bá Hán (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 47. Trần Hữu Tá (1985), Tư liệu truyện ký Việt Nam 1955 - 1975, Tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội. 48. Trần Hữu Tá (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, NXB Giáo dục, Hà Nội. 49. Trần Hữu Tá (2001), Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Tp HCM. 50. Nguyễn Q. Thắng (1996), Quảng Nam đất nước và nhân vật, NXB Văn hoá, Hà Nội. 51. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB ĐHQG, Hà Nội. 52. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 53. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tp HCM. 54. Phan Lạc Thuyên (2000), Nghiên cứu và điền dã, NXB Trẻ, Tp HCM. 55. Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên) (2004), Lịch sử Việt Nam, Tập 2, NXB KHXH. 56. Lê Ngọc Trà (1990), Lí luận và văn học, NXB Trẻ, Tp HCM. 57. Huỳnh Ngọc Trảng (2000), Đại Lộc sáng ánh đèn, NXB Đà Nẵng. 58. Huỳnh Ngọc Trảng (2007), Địa chí Đại Nghĩa, NXB Đà Nẵng. 59. Đặng Nghiêm Vạn (2001), Dân tộc- Văn hoá - Tôn giáo, NXB KHXH, Hà Nội. 60. Nguyễn Hoàng Viên (2001), Hoàng Diệu, NXB Đà Nẵng. 61. Hoàng Hương Việt (chủ biên) (2000), Ca dao, dân ca đất Quảng, Tập 1, NXB Đà Nẵng. 62. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2000), Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 63. Nguyễn Văn Xuân (2002), Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng. 64. Nguyễn Văn Xuân (2002), Kỳ nữ họ Tống, NXB Trẻ, Tp HCM. 65. www.khoahoc.net, Tưởng niệm nhà văn Nguyễn Văn Xuân. 66. www.Thanhnien.com.vn, Nhà văn Nguyễn Văn Xuân về với quê nhà. 67. www.giaodiemonline.com, Hẹn gặp lại Nguyễn Văn Xuân. 68. www.Thanhnien.com.vn, Vĩnh biệt ông thầy Quảng. 69. damau.org, Nhà văn Nguyễn Văn Xuân: một mảnh đất một đời người. 70. www.diendan.org, Tôi muốn gọi hai tiếng “thầy Xuân”. 71. www.toquoc.gov.vn, Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Văn Xuân. 72. www.diendan.org, Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007). 73. www.diendan.org, Nguyễn Văn Xuân, tối sáng một đời văn. PHỤ LỤC 1 Thành ngữ trong Bão rừng 1. Vung tay quá trán. 16. Nhập giang tuỳ khúc. 2. Chờ thì được, ước thì thấy. 17. Hổ phụ sinh hổ tử. 3. Đầu tắt mặt tối. 18. No mất ngon, giận mất khôn. 4. Mèo đàng chó điếm. 19. Có mới, nới cũ. 5. Vải thưa che mắt thánh. 20. Voi một ngà, người ta một mắt. 6. Bốn chín, năm mươi. 21. Trời đánh, thánh vật. 7. Tốt mã nhưng rã đám. 22. Ở hiền thì gặp lành. 8. Ghi lòng, tạc dạ. 23. Của thiên trả địa. 9. Tích tiểu thành đa. 24. Tai qua, nạn khỏi. 10. Thông kim quán cổ. 25. Ăn cháo đá bát. 11. Gà trống nuôi con. 26. Giơ cao đánh nhẹ. 12. Phép vua còn thua lệ làng. 27. Cô thân độc mã. 13. Ăn chưa no, lo chưa tới. 28. Thập tử nhất sinh. 14. Còn nước còn tát. 29. Coi trời bằng vung. 15. Trăm công nghìn việc. 30. Mồ yên mả đẹp. PHỤ LỤC 2 Một số hình ảnh về Nguyễn Văn Xuân Chân dung nhà văn Nguyễn Văn Xuân Nhà văn Nguyễn Văn Xuân và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (tháng 2-2003) Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (kí hoạ bút sắt của Phan Ngọc Minh) Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng với mô hình ngôi mộ của Nguyễn Văn Xuân

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdac_diem_tieu_thuyet_truyen_ngan_cua_nguyen_van_xuan_2252.pdf