Các quy định khi làm nhà và thờ cúng tổ tiên: Ngôi nhà của người Mường
trước đây chủ yếu là nhà sàn, đó là nơi để ở, cũng là nơi diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng,
tôn giáo trong mỗi gia đình. Số gian nhà tùy thuộc vào số lượng người sống trong nhà,
nhưng người Mường theo chế độ phụ hệ, nên muốn "đa đinh thịnh vượng", số gian nhà
thường tương ứng với số vía của người đàn ông. Do vậy, nhà của người Mường phổ
biến là 7 gian, tám hàng cột. Hai vị trí đặc biệt quan trọng trong ngôi nhà của người
Mường là "đáng thờ" (bàn thờ tổ tiên) và bếp; "đáng thờ" của người Mường được bày
biện theo tục hèm của mỗi dòng họ, nhưng thường thì thờ cúng tổ tiên trong phạm vi
bốn đời là hình thái tín ngưỡng chính trong mỗi gia đình.
16 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4276 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Luận văn Dân tộc mường ở Phú Thọ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN:
DÂN TỘC MƯỜNG Ở PHÚ THỌ
1. Đặc điểm kinh tế và đời sống vật chất
- Về nguồn gốc, lịch sử:
Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, được thành lập ngày 5/5/1903;
năm 1968 sát nhập với Vĩnh Phúc gọi là tỉnh Vĩnh Phú; đến ngày 1/1/1997 tỉnh Phú Thọ
được tái lập, dân số là 1.216.500 người, có 24 dân tộc anh em, trong đó có 171.620
người là dân tộc thiểu số, người Mường chiếm tỷ lệ đông nhất là 157.545 người (chiếm
91%).
Tộc người Mường (thổ tù họ Hà và phụ đạo họ Đinh) làm ăn sinh sống ở hai
châu Thanh Sơn và Yên Lập của Phú Thọ đã rất lâu và việc di cư từ tỉnh Hoà Bình đến
đã diễn ra từ nhiều thế kỷ trước. Sự biến đổi về môi sinh, quá trình lịch sử và dân số...
đã tác động mạnh đến nếp sống và phong tục tập quán của người Mường ở Phú Thọ,
khiến cho sắc thái văn hoá của họ vừa có những nét chung của văn hoá Mường, và
những nét riêng, độc đáo.
- Về vị trí định canh, định cư:
Người dân tộc Mường ở Phú Thọ cư trú tập trung ở vùng thung lũng chân núi,
nơi có độ cao không lớn, đặc điểm nổi bật trong phân bố dân cư của người Mường trong
tỉnh Phú Thọ là tính tập trung, cư dân Mường chiếm tới trên 90% dân số cả xã. Sự xen
kẽ giữa người Mường và người Việt trong các địa phương này cũng diễn ra theo nhiều
cấp độ khác nhau, những xã gần huyện lỵ thì người Mường và người Việt sống xen kẽ
nhưng thành từng làng hoặc chòm xóm riêng biệt, ở những nơi vùng sâu, vùng xa thì
mức độ xen kẽ là ngay trong cùng một làng nhưng tỷ lệ người Việt rất ít, có những nơi
như xã Trung Sơn, huyện Yên Lập; xã Lai Đồng, xã Tân Sơn, huyện Thanh Sơn tỷ lệ
người Việt cư trú là dưới 100 người trong một xã.
- Tính đặc thù trong kinh tế:
Người Mường sống định canh, định cư nên trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu
canh tác lúa nước, sản xuất nhỏ theo kiểu tự túc, tự cấp; ngoài việc cấy lúa nước họ còn
phát nương trồng lúa. Sau năm 1999, với dự án 135 hỗ trợ phát triển kinh tế cho các xã
miền núi đặc biệt khó khăn, đã tạo ra những bức đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản
xuất nông nghiệp của đồng bào Mường, nhờ đó mà mức sống và thu nhập của người
dân được cải thiện.
Cơ chế thị trường đã tác động rất lớn đến tập quán canh tác và chăn nuôi của cư
dân Mường, việc trao đổi, mua bán hàng hoá trong vùng Mường cũng diễn ra phong
phú và nhộn nhịp không khác gì các chợ miền xuôi, đây là điều kiện thuận lợi để người
dân thoát dần ra khỏi tập quán canh tác cũ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
đồng bào.
Nghề thủ công truyền thống của người Mường chủ yếu là nghề mộc, đan lát, dệt
vải. Trước đây, gia đình người Mường nào cũng có khung cửi, họ tự trồng bông, trồng
dâu, nuôi tằm và dệt vải, người phụ nữ làm ra những vuông vải cho mình, cho những
người trong gia đình và làm của hồi môn đem đến nhà chồng. Sự khéo léo thể hiện
trong những vuông vải trở thành một trong những tiêu chuẩn về giá trị của người phụ nữ
Mường. Hiện nay, huyện Thanh Sơn phục hồi được 3 làng nghề dệt vải ở Tân Phú, Lai
Đồng, Xuân Đài nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn (người biết dệt vải theo cách cổ
truyền không nhiều, vốn và đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn). Mặc dù rất khéo léo
nhưng nghề mộc của người Mường chỉ dừng lại ở phạm vi tương trợ, giúp nhau dựng
nhà, làm khung cửi, làm đuống, cối giã gạo hoặc phục vụ cho sản xuất vui chơi chứ
không chuyên mộc, không làm hàng hoá; việc đóng các đồ gia dụng, làm gạch, xây
nhà... chỉ phổ biến trong thời gian gần đây.
Chính những nét đặc thù trong hoàn cảnh sống và kinh tế đã góp phần làm nên
những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể độc đáo của người Mường ở Phú Thọ. Tuy
nhiên, nhìn từ góc độ bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hoá cổ truyền thì tốc độ phát
triển nhanh và mạnh của kinh tế cũng làm cho các giá trị văn hoá Mường truyền thống
bị lãng quên, đặc biệt là các giá trị văn hoá tinh thần; những câu hát ví, những điệu múa
dân gian, những lễ hội cổ truyền của người Mường đang mai một dần, trong số ít các
thể loại văn hoá còn tồn tại và được phục hồi hiện nay cũng bị Kinh hoá khá cao.
2. Đặc điểm xã hội và lịch sử
- Về thiết chế xã hội và cộng đồng:
Thiết chế xã hội của người Mường ở Phú Thọ trước đây được chia thành mường
và xóm, đây là loại hình tổ chức có từ rất lâu đời, không chỉ có ở người Mường mà
người Thái cũng có cách phân chia như vậy.
Mường là tổ chức xã hội trên xóm và là tổ chức xã hội lớn nhất của người
Mường, dùng để chỉ một địa vực cư trú, một thái ấp, một vùng dân cư, hay để chỉ địa
vực cai quản của một lang cun, lang đạo hay thổ tù nào đó. Cũng giống như các vùng
Mường khác, tổ chức Mường của người Mường tỉnh Phú Thọ không quy định phạm vi
lớn, bé và có bao nhiêu xóm hợp thành. Nhưng điểm khác biệt ở tổ chức mường của
người Mường ở Phú Thọ đó là không có mường lớn bao chùm lên các mường nhỏ hơn
như ở Thanh Hoá hay Hoà Bình mà chỉ có các mường do nhà lang quản lý trực tiếp đến
các xóm.
Xóm là tổ chức xã hội dưới mường, là tập hợp dân cư thành cộng đồng theo
một địa vực lãnh thổ nhất định. Xóm được hình thành ở các bãi, gò cao hoặc chạy
dọc theo thung lũng, sông suối, nơi diễn ra các hoạt động lao động sản xuất hàng
ngày. Mỗi xóm chỉ có khoảng vài chục nóc nhà và đều có một con đường đất chạy
thẳng qua giữa làng, nhà của người Mường đều quay lưng vào núi, quay mặt trước
nhà ra suối hoặc cánh đồng, trong xóm thường có nhiều dòng họ sinh sống, nhưng
bao giờ cũng có một dòng họ là hạt nhân, dòng họ ấy có thể chiếm tới một nửa hoặc
quá nửa số nóc nhà trong xóm.
Về tổ chức làng xóm, người Mường sống dưới chế độ dường như là tiền phong
kiến, mỗi làng có một Thổ Tù, mỗi xóm có một Thổ Lang. Những người này có thể coi
như những chúa đất địa phương. Họ được gọi là quan lang. Quyền hành của họ cha
truyền con nối.
Một số người trong tầng lớp thứ dân chuyên lo việc cúng tế và các nghi lễ tôn
giáo là các ông mo và thầy cúng cũng được nhân dân tin cậy và nể trọng. Ngoài ra,
trong xã hội Mường cổ truyền có các mối quan hệ láng giềng, dòng họ; uy tín, và vị trí
của các dòng họ trong mỗi mường phụ thuộc vào nề nếp, gia phong của dòng họ đó,
quan hệ hôn nhân cũng phụ thuộc vào yếu tố này rất nhiều.
Qua tìm hiểu và so sánh thì thấy rằng thiết chế xã hội của người Mường ở Phú
Thọ và người Mường ở những nơi khác có những điểm tương đồng, cũng là thiết chế xã
hội theo kiểu xóm, mường, nhưng mường của người Mường ở Phú Thọ không có các
mường nhỏ dưới quyền mường lớn. Quan hệ giữa tầng lớp quý tộc thống trị với tầng lớp
bị trị cũng rất rõ ràng, bộ máy cai trị của Thổ tù trong các Mường ở Phú Thọ được tổ
chức đơn giản hơn, họ không có nhiều người giúp việc (các ậu) như ở Hoà Bình và
Thanh Hoá, không trực tiếp quản lý các làng, việc phân định dòng họ nhà Lang không
khắt khe như những mường ở nơi khác.
Dưới thời phong kiến và thực dân, năm 1883 triều đình nhà Nguyễn đầu hàng và
trở thành tay sai cho thực dân. Thực dân Pháp đã tiến hành một số cải cách hành chính,
sắp đặt lại bộ máy cai trị từ Trung ương đến địa phương. Một hệ thống hành chính mới
được hình thành và bao trùm lên cơ cấu tổ chức xã hội cũ, nhưng các tổ chức việc vẫn
do các nhà lang đảm nhiệm nên hầu như các hoạt động truyền thống, đặc biệt là các lễ
hội vẫn được duy trì, các Thổ lang, Thổ tù vẫn được dân làng lo phục dịch, biếu xén
như xưa.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định xoá bỏ cơ cấu chính quyền cũ, thay vào đó là
một bộ máy hành chính mới và hệ thống các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Hệ
thống tổ chức hành chính mới được áp dụng đồng bộ trong cả nước đã làm cho tổ chức
xã hội cổ truyền của người Mường thay đổi cơ bản. Dù vậy, cơ cấu tổ chức hành chính
mới vẫn được xây dựng trên cơ sở là các làng và xóm trước đây, nên không có sự xáo
trộn về địa bàn quản lý hành chính, những mối quan hệ làng xóm, những tập tục, lễ nghi
truyền thống vẫn được duy trì, kế tục và phát huy với nhiều mức độ khác nhau.
- Về đặc điểm gia đình và hôn nhân:
Gia đình là một tế bào xã hội, là tổ chức phức tạp bao gồm nhiều yếu tố hợp
thành như: sinh học, tâm lý, kinh tế, văn hoá... Do vậy, tổ chức gia đình không giống
như bất cứ một tổ chức xã hội nào khác, nó được hình thành bởi quan hệ tình yêu và
hôn nhân. Cùng với những biến động của lịch sử, gia đình nói chung, gia đình người
Mường nói riêng cũng có những thay đổi cơ bản.
Khi tìm hiểu gia đình và hôn nhân của người Mường ở Phú Thọ, chúng tôi thấy:
Người Mường nói chung thuộc tộc người phụ hệ, gia đình Mường cổ truyền thường tồn
tại hai loại cơ bản là gia đình lớn và gia đình nhỏ.
Gia đình lớn: Đây là dạng gia đình rất phức tạp về thành phần và cách tổ chức
sinh hoạt. Thường trong các gia đình này có nhiều thế hệ như: ông bà, bố mẹ, các con
và các cháu, số lượng người trong kiểu gia đình này rất nhiều, có thể lên tới 15, 18
người, họ cùng sống, làm và ăn chung.
Trong các gia đình lớn, mọi quan hệ mang tính phụ hệ, gia trưởng. Người đàn
ông lớn tuổi nhất có vai trò chỉ đạo mọi công việc trong gia đình từ phân công nhân lực,
kế hoạch lao động sản xuất, đến nghi lễ cưới hỏi, tang ma và thay mặt gia đình trong các
quan hệ xã hội khác. Vai trò chỉ đạo này chỉ được chuyển cho người con trai cả (của thế
hệ sau) khi người đứng đầu đó già cả, ốm yếu hoặc đã chết. Khi cha, mẹ qua đời thì
người anh trai cả phải có trách nhiệm thay cha (mẹ) dựng vợ, gả chồng cho các em,
người em út cũng được coi như con nuôi của anh mình, người phụ nữ vẫn có thể được
tham gia bàn luận các công việc cùng mọi người, nhưng tính quyết định cuối cùng vẫn
thuộc về người nam giới.
Sự hình thành và tồn tại các gia đình lớn trong xã hội Mường có nhiều nguyên
nhân, trong đó rõ nhất là nguyên nhân kinh tế - xã hội. Trước đây, kinh tế của người
Mường là tự cấp, tự túc, ruộng đất và tài sản không nhiều, công cụ lao động thô sơ và
lạc hậu, năng suất lao động thấp... nên đòi hỏi tính tập trung trong từng khâu của quá
trình sản xuất. Hơn nữa, trong các gia đình người Mường, các thủ tục cúng tế, cưới hỏi,
tang ma rất nhiêu khê phức tạp, các gia đình ít thành viên khó có thể làm tròn trách
nhiệm với họ hàng, làng xóm. Các quy định khắt khe của "nề nếp gia phong" trong các
gia đình lớn được thực hiện bởi các thế hệ người trong gia đình, đây chính là điều kiện
quan trọng làm cho các đặc trưng của văn hoá Mường cổ truyền tồn tại cố kết và lâu
bền.
Gia đình nhỏ: Đây là dạng gia đình chỉ gồm có vợ, chồng và con cái của họ; họ
sống, sản xuất và chi tiêu độc lập. Tuy vậy, vị trí của người vợ trong gia đình vẫn không
được cải thiện, họ vẫn phải phụ thuộc vào người cha, người chồng, sự phân công lao
động trong gia đình vẫn theo giới tính và độ tuổi như đã nêu.
Theo luật tục cổ truyền của người Mường, người anh cả có trách nhiệm nuôi
dưỡng cha mẹ già và thờ cúng tổ tiên nên có nhiều đặc quyền hơn các em như: được
phân chia tài sản nhiều hơn, được các em và mọi người trong dòng họ hỗ trợ khi có
công việc lớn, giỗ tết v.v... Người Mường còn nặng quan niệm "trọng nam hơn trọng
nữ", "con gái là con người ta, con dâu mới là con nhà mình", nên em gái không được
chia bất cứ tài sản gì của bố mẹ để lại, khi đi lấy chồng chỉ được mang theo tư trang cá
nhân và những tài sản tự mình lao động mà có. Tư tưởng trọng nam hơn trọng nữ của
người Mường xuất phát từ những hủ tục nặng nề, tốn kém tiền của trong các khâu:
thách cưới, hỏi và tổ chức đám cưới. Do vậy, tự nhiên người phụ nữ bị biến thành một
thứ hàng hoá trao đổi. Quan niệm phổ biến của người Mường khi lấy vợ cho con là lấy
người về lao động và sinh con nối dõi tông đường... cho nên tình trạng lấy chồng, lấy vợ
sớm và sinh nhiều con trong các gia đình người Mường cổ truyền cũng bắt đầu từ
nguyên nhân này.
Trong giai đoạn hiện nay, các gia đình lớn của người Mường có xu thế tách
thành các tiểu gia đình và gia đình hạt nhân, xu thế ấy trở nên khá phổ biến trong thời
kỳ phát triển kinh tế thị trường hiện nay. Quan hệ nam - nữ trong mỗi gia đình được
bình đẳng hơn, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình được khẳng định, quan hệ
hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu được chú trọng, các tiêu chuẩn kết hôn môn đăng hộ
đối không quá khắt khe như trong quan niệm cổ truyền. Cùng với đó các chức năng của
gia đình kết hợp với nhau hài hoà hơn, và được điều chỉnh theo tiêu chí của gia đình
hiện đại. Vấn đề thực hiện kế hoạch hoá gia đình đã phần nào làm cho quan niệm "đông
con nhiều cháu mới là có phúc" trong chức năng tái sản xuất ra con người của các cư
dân Mường mờ dần (nhưng chưa hẳn đã hết). Chức năng kinh tế được chú tý phát
triển, việc làm chủ đồi rừng, phát triển diện tích trồng chè, vườn cây ăn quả và cả sự
trao đổi buôn bán hàng hoá với các vùng đã làm cho cuộc sống vốn khép kín của
người Mường xưa được mở rộng. Vấn đề nuôi dạy con, hướng dẫn con cách cư xử
và phân công công việc theo giới tính vẫn được duy trì. Việc đầu tư cho con cái học
hành, tạo mọi điều kiện cho con phát triển những năng lực cá nhân (không phân biệt
trai, gái) đã phần nào xoá bỏ quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ vốn rất nặng nề
trong xã hội Mường cổ truyền.
Có thể nói, xu thế độc lập của các tiểu gia đình đã đem lại những tiến bộ nhất
định về kinh tế, về nhận thức, về quan hệ đối xử... trong các gia đình Mường. Nhưng
cùng với đó các yếu tố văn hoá cổ truyền vốn rất được coi trọng trong các gia đình lớn
trước đây cũng mờ dần. Vì mục tiêu xây dựng một nền văn hoá mới thì sự đơn giản các
thủ tục trong nghi lễ gia đình, trong lễ hội là hết sức cần thiết. Nhưng do khả năng và
trình độ của người dân không giống nhau nên ngoài sự tinh giản các yếu tố phi văn hoá,
các hủ tục đã phần nào làm cho các giá trị văn hoá độc đáo trong cộng đồng người
Mường cũng mai một theo.
3. Nét đặc thù trong văn hoá dân gian của người Mường ở Phú Thọ
Khi nói đến sắc thái văn hoá nói chung, văn hoá của tộc người Mường nói riêng
khó có thể phân định một cách rành ròi đâu là văn hoá vật thể và đâu là văn hoá phi vật
thể, bởi đằng sau những hiện tượng, những vật thể cụ thể bao giờ cũng ẩn chứa những
yếu tố tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng. Những nét văn hoá độc đáo của người Mường
được thể hiện một cách tinh tế trong những vật dụng hàng ngày, trong lao động sản
xuất, trang phục, kiến trúc, thơ ca, lễ hội, trong sự sinh thành và các mối quan hệ của
con người. Do vậy, khi đề cập đến những sắc thái văn hoá của dân tộc Mường, chúng
tôi chỉ đề cập vấn đề ở những nét cơ bản mang tính liệt kê.
- Văn hoá văn nghệ dân gian qua các lễ hội, phong tục, tập quán:
Tỉnh Phú Thọ được người dân cả nước đều biết đến như là một mảnh đất "địa
linh nhân kiệt". Nơi hợp lưu của các con sông lớn như: sông Hồng, sông Đà, sông
Lô. Nơi truyền rằng có kinh đô Văn Lang và hiện nay còn có đền thờ các Vua Hùng
trên núi Nghĩa Lĩnh... Những di chỉ khảo cổ của nền văn hoá Sơn Vi, Phùng Nguyên,
Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, đã gắn truyền thuyết vào với hiện thực đời thường,
minh chứng cho sự xuất hiện của cư dân Việt Mường (người Việt cổ) trên đất Phú
Thọ từ hơn mười ngàn năm trước.
Văn hoá trống đồng: Việc tìm thấy trống đồng trong quá trình khảo cổ là một
trong những phát hiện rất quan trọng. Từ 4 chiếc trống đồng đầu tiên được đưa về bảo
tàng của tỉnh (năm 1961) cả 4 chiếc trống này đều được phát hiện ở vùng đồng bào
Mường sinh sống là Thu Ngạc, Lai Đồng, Khả Cửu và Sơn Hùng (huyện Thanh Sơn).
Từ đó cho đến nay, tỉnh Phú Thọ đã sưu tầm được 69 chiếc trống đồng các loại, và 6
chiếc bị thất lạc trong những hoàn cảnh khác nhau, nếu tính cả số trống đồng bị thất lạc
thì Phú Thọ có tới 75 chiếc (74 chiếc có nguồn gốc trong tỉnh, một chiếc do nước bạn
Lào tặng). Một con số minh chứng cho sự giàu có về trống đồng của tỉnh. Tuy nhiên, sự
phân bố trống đồng ở Phú Thọ không đồng đều giữa các huyện, thị, thành mà tập trung
chủ yếu ở vùng Mường. Theo thống kê của tác giả Nguyễn Anh Tuấn thì huyện Thanh
Sơn có 58 trống đồng, trong đó có 6 chiếc bị thất lạc (không rõ địa chỉ), 20 chiếc bị thất
lạc vì nhiều lý do (cháy nhà, giặc Pháp đốt, Mỹ ném bom, bán cho đồng nát...), vùng
Mường Yên Lập tìm thấy 10 trống, số còn lại rải rác ở các vùng Tam Nông, Thanh
Thủy, Việt Trì... Trong số trống đồng tìm được có 7 trống đồng loại I (trống Đông Sơn),
còn đại đa số là trống đồng loại II theo sự phân loại của Heger (học giả người áo). Khi
đề cập đến trống đồng, có người gọi loại trống này là trống Mường. Có nhiều lý do để
gọi đó là trống Mường, nhưng có lẽ thuyết phục hơn cả đó là loại trống này gắn với
trường ca "Đẻ đất Đẻ nước" của người Mường. Người Mường tổ chức đánh trống đồng
(chàm thau) vào các dịp hội xuân, lễ hội cầu mưa, cầu mùa, đám cưới, đón khách... Tại
nơi tổ chức lễ hội, người ta làm giá treo trống bằng một cây sào đặt nằm ngang trên 4
cây tre buộc chéo ở hai đầu, dưới đáy trống đào một hố nông vừa bằng đường kính đáy
trống để tạo âm thanh cộng hưởng. Quy định khi "chàm thau" là phải có người 'cái" hai
tay cầm hai dùi trống đánh vào núm trống, người "con" cầm một dùi đánh vào các hoa
văn vòng ngoài hoặc vào thân con cóc trên mặt trống. Như vậy sẽ tạo ra các âm thanh
trầm hùng (tiếng tung) và thánh thót (tiếng chinh) khác nhau, phù hợp với tiết tấu và
không khí của lễ hội đó. Khi đánh trống, các cặp "con" phải có số chẵn (có thể toàn nữ
hoặc cặp nam - nữ), điều đó thể hiện sự hoà hợp âm dương và mong muốn phồn thực,
đa đinh, thịnh vượng cho cả Mường.
Chàm đuống: hay còn gọi là đâm đuống, được tổ chức vào lễ động thổ đầu năm.
Đuống là một máng được làm bằng gỗ khoét từ một thân cây lớn (dài 1.50m, rộng
0,40m, sâu 0,30m), chày giã đuống được làm bằng gỗ dài 1.30m. Tục đâm đuống được
bắt đầu từ công việc giã lúa hàng ngày và sau đó trở thành một hình thức sinh hoạt văn
hoá, tín ngưỡng độc đáo của cư dân Mường. ở vùng mường át (Thanh Sơn), sáng 29 tết
(có nơi là 25 tết - ngày đóng cửa rừng) cả Mường úp đuống lại, chọn 4 cụm lúa (tọm ló)
tren vào 4 góc của gác bếp, sáng mùng 2 tết (có nơi là mùng 7 tết), con gái nhà Lang lật
đuống lại, cho lúa vào đó giã, Lang Đạo sẽ đánh 3 hồi chiêng để xua đi ác quỷ, ma tà...
sau đó cả Mường mới được phép giã đuống theo, lúa đã giã đem cho gà, lợn ăn để cầu
một năm mùa màng bội thu, sung túc và không ốm đau, bệnh tật. Thông thường, khi
chơi người ta sử dụng 3 đến 4 đuống xếp liền kề nhau, 3 đến 4 đôi giữ một đuống, đôi
đứng đầu tiên sẽ làm "cái", cứ 2 nhịp đâm xuống lòng cối, xen 1 nhịp vào thành cối, tạo
thành những âm thanh rộn ràng, mong muốn một năm sung túc, tươi vui.
Hội séc bùa (xách cồng): Nếu như trống đồng gắn với vị trí tôn quý của Nhà
Lang, của đình làng thì cồng và chiêng lại gắn với cuộc sống của dân cư nơi thôn dã. Bộ
cồng chiêng 12 chiếc với những kích cỡ khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong một
năm, chiếc cồng lớn nhất gọi là cồng "đàm" dùng để đánh âm trầm, cồng "khệ" (có nơi
gọi là cồng vặn) dùng để đánh trùng âm, loại trung bình được gọi là cồng "đúm", nhỏ
nhất trong bộ cồng và có âm thanh cao nhất, thánh thót nhất là cồng boòng beng. Hội
séc bùa được tổ chức vào nhiều dịp trong năm, nhưng phổ biến là trong dịp tết nguyên
đán. Đầu năm phường bùa (bao gồm cả nam và nữ) từ 15 đến 20 người, đi thành hàng
một, dẫn đầu là người mang cồng boòng beng, rồi đến cồng đúm, cồng khệ, cồng đàm.
Đầu tiên phường bùa đến những nhà có hẹn trước để hát sắc bùa, theo tục lệ thì chủ nhà
sẽ tập trung anh, em để đón nhưng cổng nhà vẫn đóng, phường bùa sẽ phải đánh cồng
và hát bài hát mở cổng:
"Xúc sắc xúc xử
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào...".
Chủ nhà mở cổng đón, phường bùa đi vào sân, vừa đi vừa đánh cồng và hát bài
hát chúc tụng, ngợi ca:
"... Chúc tết nhà ông
Vườn trước có cau, vườn sau có mít
Vựa lúa nếp còn đến tháng năm
Gạo tẻ tháng mười chưa hết..."
Sau cuộc hát, chủ nhà mang thóc gạo tặng phường bùa, nắm thóc trên tay chủ
nhà được vãi nhẹ vào chiếc cồng đàm, người cầm cồng sẽ ngửa cồng đỡ lấy; thóc, gạo
rơi vào lòng chiếc cồng giống như gieo mạ, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, tốt tươi
của mùa màng trong năm. Nhận thóc gạo từ chủ nhà, phường bùa hát bài tạ ơn rồi tiếp
tục đi sang nhà khác.
Múa trống đu: Đây là một trong những hình thức múa trống độc đáo của tất cả
các làng người Mường ở Phú Thọ, nhưng nay chỉ còn được tổ chức ở xã Tất Thắng,
huyện Thanh Sơn. Khi múa trống, người ta đặt một chiếc trống cơm lên trên mặt một
chiếc trống cái, người đánh trống là một ông già và 6 đến 8 cặp trai, gái tay cầm kèm
kẹp (hai thanh tre dài 40cm, rộng 4cm) xếp thành vòng xung quanh. Ông già tay cầm
trống cơm, tay kia gõ vào trống cái theo nhịp, mỗi lần di chuyển ông thường gõ một
tiếng vào mặt trống cái và dứ trống cơm về phía các cặp trai gái cho họ gõ cùng. Điệu
múa vui vẻ, rộn ràng, giống như người cha và đàn con đang vui đùa với nhau, mừng
mùa màng bội thu và gia đình hạnh phúc. Có người cho rằng: có thể xuất xứ của điệu
múa là "múa trống đùa" và vì một lý do nào đó được gọi chệch thành múa trống đu.
Hội đu quay (tu xe): đây là trò chơi ngày xuân, cho đến nay vẫn còn khá phổ biến
ở các vùng Mường trong tỉnh. Hình thức chiếc đu quay gần giống với chiếc cọn nước,
bốn cột gỗ lớn được chôn chắc chắn xuống đất, trên đỉnh cột bắc một trục xoay các nan
bằng gỗ, đầu mỗi đôi nan treo một ghế. Thường thì mỗi cây đu có 12 ghế ngồi (ghế
đơn) dành cho 6 cặp nam, nữ. Chiều 29 tết, ông mo của làng sẽ làm lễ "cúng đu", cỗ
cúng sẽ do một gia đình trong làng đảm nhiệm (nhiệm vụ này được các gia đình luân
phiên qua các năm). Khi chơi đu quay, người đạp đà sẽ trèo lênh đỉnh cột, dùng chân
đạp vào các nan cho đu quay tròn, các cặp chơi ngồi trên các ghế quay mặt vào nhau và
hát những câu hát xuân, ví giao duyên, kết bạn. Hội đu kéo dài suốt nhiều ngày trong
dịp tết, không chỉ thu hút các cặp trai, gái Mường đến tìm nhau trong hội đu, mà còn là
dịp vui gặp gỡ các ông, bà (ông, mế) trong ngày xuân. Đu quay là một trò chơi đòi hỏi
đôi bàn tay khéo léo và cả sức khoẻ của các chàng trai mường từ khi dựng đu đến hết
hội. Người Mường quan niệm, nếu khi cúng đu mà đổ vỡ bát đĩa, không cắt được tiết
gà, cỗ cúng xong không mời mọi người có mặt lúc đó ăn cỗ tại gốc đu. Hội đu bắt đầu
vào sáng mùng một tết, nhưng thường thì hát ví đu chỉ nhộn nhịp về đêm; hội đu quay
kéo dài đến hết tháng giêng, sau đó người ta tháo rời cây đu, đem gỗ ngâm xuống ao
làng, đợi mùa xuân năm sau.
Hát ghẹo: Đây là một hình thức ca hát điển hình thể hiện tình kết nghĩa "nước
anh, nước em" giữa cư dân mường Thục Luyện, Hùng Nhĩ (huyện Thanh Sơn) với cư
dân Kinh ở xã Nam Cường (huyện Tam Thanh). Tục truyền, một năm đình làng Nam
Cường bị cháy, nhờ có sự giúp đỡ của hai xã Thục Luyện, Hùng Nhĩ lấy gỗ, Nam
Cường mới dựng lại được đền, từ đó họ kết nghĩa anh em. Do vậy, cứ đến ngày lễ thần
Tản Viên 13/3 âm lịch và ngày hội đình Nam Cường 9/9 âm lịch họ lại gặp nhau. Hát
ghẹo là hình thức hát chay, không múa, không có nhạc đệm, âm điệu của hát ghẹo vừa
mang âm hưởng hát Ví của người Kinh, há Rang của người Mường. Không khí cuộc hát
vui vẻ, tự nhiên, không chịu ảnh hưởng của các loại nhạc lễ. Trong cuộc hát, mỗi lượt
hai nam hát đối đáp với hai nữ, vừa hát vừa nhìn nhau, đối hợp câu, hợp giọng, phản
ánh được tình kết nghĩa anh em và cảnh quan của miền trung du cũng như cuộc sống
sinh hoạt của nhân dân trong vùng.
Ngoài các hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ dân gian nêu trên, người Mường
ở Phú Thọ còn có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng khác như: ném còn, múa
mỡi, múa đâm ống...
Trong tục cưới: Cũng giống như một số các dân tộc khác, việc cưới xin là một
trong những sự kiện quan trọng của một đời người, kiếp người, đây không chỉ là dịp vui
cho riêng đôi trai gái, mà là ngày hội cho cả hai họ và cả mường. Trước khi tiến tới hôn
nhân, đôi trai gái có quyền được gặp gỡ hẹn hò trong các lễ hội, trong các phiên chợ,
trong các buổi cùng nhau đi làm đồng; họ có thể gặp gỡ, có thể tặng nhau những kỷ vật
làm tin như chằm bạc (vòng bạc), chiếc túi vải tự dệt... nhưng quan trọng hơn cả vẫn là
những quyết định của cha mẹ. Người Mường nặng quan niệm "môn đăng hộ đối", quan
niệm hôn nhân ngoại tộc (chín đời vẫn góp giỗ nên không được lấy nhau); từ đó việc
kén vợ, chọn chồng cho con rất khắt khe, nhiều khi những quy định ấy lại trở thành tai
hoạ, trở thành nguyên nhân cho sự đổ vỡ những quan hệ tình cảm của đôi trai gái. Hôn
nhân của người Mường xưa có rất nhiều thủ tục, có nơi từ lúc nhà trai đem miếng trầu
đầu tiên đến xin nhà gái cho đôi trẻ qua lại tìm hiểu đến lúc tổ chức đám cưới (thường là
3 năm) phải có đủ 12 "cái lễ", hình thức rất nhiêu khê và phức tạp, gây tốn kém tiền của
không ít; trong thời gian 3 năm đó chàng trai phải mang đến nhà gái (đôi gà, yến gạo
nếp, chục lít rượu) và các loại bánh phù hợp với các ngày lễ; đặc biệt là dịp tết nguyên
đán, rằm tháng giêng, tết nguyên tiêu (3/3), tết 5/5, lễ xá tội vong nhân (rằm tháng 7),
tết cơm mới (10/10)... là không thể thiếu. Hiện nay, ở một số vùng mường hẻo lánh ở
Phú Thọ vẫn còn những nghi thức này, tuy việc sắm lễ có nhẹ hơn so với trước. Trong
đám cưới của người Mường, thách cưới là do nhà gái đưa ra, họ quan niệm nuôi con
khôn lớn để nhà trai lấy về nên cha mẹ cô dâu cần được nhà trai trả công xứng đáng; lễ
vật thách cưới chủ yếu là đồ ăn, thức uống để tiếp đãi họ hàng (xưa còn có thêm bạc
trắng). Do vậy, có nhiều đám cưới bị biến thành các cuộc mua bán nàng dâu, nhà trai
phải chấp nhận lời thách mà không được phép nài bớt thứ gì. Vì lý do nào đó cuộc hôn
nhân không được tiếp tục; mà nhà gái chủ động thì phải hoàn trả lại mọi lễ vật và những
chi phí nhà trai đã bỏ ra trong suốt thời gian hai gia đình qua lại; nếu là nhà trai chủ
động thì phải có khoản bồi thường cho cô dâu (bằng một nửa tài sản). Trong thời gian từ
lúc dạm hỏi đến đám cưới của người Mường có một người không thể thiếu, đó là "ông
mờ" (ông mối), người đó thường là em trai, hoặc em họ của bố chú rể; người Mường
quan niệm: vía của "ông mờ" sẽ có ảnh hưởng lớn đến đời sống của đôi trẻ, nên ngoài
khả năng giao tiếp tốt, sự hiểu biết các phong tục, lễ nghi; còn phải là người có đạo đức
tốt, kinh tế gia đình khá giả, vợ chồng hoà thuận, có đủ con trai, con gái... Người
Mường có câu: "Cơm ngon vì miếng, tiếng tốt vì mờ", vì thế "ông mờ" thường được đôi
trẻ đưa lễ nhiều năm (3 năm hoặc đến khi có con), khi "ông mờ" chết, họ phải có đầu
lợn đem đến làm ma. Trong đám cưới, các nghi lễ mà "ông mờ" và chú rể phải thực
hiện khi đến nhà gái; hoặc cô dâu khi về nhà chồng là do từng họ quy định, nhưng nhất
thiết khi đón dâu (hoặc khi dâu về đến) thì mẹ chồng phải ra đón, nếu không có nghi
thức này thì quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu sau này sẽ rất xấu. Vị trí của người phụ
nữ trong các gia đình Mường thấp kém có lẽ cũng có lý do từ tục thách cưới nặng nề
này, nhưng cũng vì vậy ma các cuộc ly hôn rất ít xảy ra trong xã hội Mường cổ truyền.
- Văn hoá tâm linh:
Đối với người Mường, văn hoá tâm linh được thể hiện trong mọi khía cạnh của
cuộc sống, đặc biệt là trong các nghi lễ tang ma và thờ cúng tổ tiên.
+ Trong tang ma: Tang lễ của người Mường là một trong những nghi lễ tôn giáo
đậm đặc với nhiều tập tục cổ truyền, yếu tố tâm linh thể hiện rất rõ nét qua các nghi lễ,
những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, về cõi sống, cõi chết... Khi tìm hiểu về nghi lễ
tang ma của người Mường ở Hoà Bình, giáo sư Nguyễn Đức Từ Chi đã nói: nó "là hình
thái khá tập trung của mê tín dị đoan cổ truyền". Các nghi lễ trong tang ma của người
Mường ở Phú Thọ cũng giống như các Mường ở nơi khác. Từ lúc trong gia đình có
người qua đời, cho đến lúc đưa người về "Mường ma" yên ổn, những người trong gia
đình và dân làng tổ chức rất nhiều các nghi lễ phức tạp. Đặc biệt, là 12 đêm mo. Trong
những đêm mo ấy, thầy cúng sẽ lần lượt đưa linh hồn người chết lên trời, về âm phủ để
hỏi về việc sống, việc chết của con người, sau đó trở về Mường người để ngắm cảnh cói
trần lần cuối. Người Mường quan niệm, chết không phải là hết, là kết thúc, mà là sự
thay đổi môi trường sống của con người từ "mường người" sang "mường ma". Khi còn
sống ở "mường người", đạo lý là hành động cư xử tốt đẹp, là sự chăm sóc tận tình với
nhau; đến khi chết, đạo lý ấy biến thành trách nhiệm và bổn phận của người sống đối
với người chết "nghĩa tử là nghĩa tận", là sự đưa tiễn người đến "mường ma" một cách
long trọng và đủ đầy. Không có chữ viết, nên "tang ca" là cách mà người Mường (qua
người hành lễ - Bố mo) "ôn lại lần cuối) cho người chết, cũng là một lần nói cho người
sống về cách đối xử với nhau, về quan niệm sinh thành, về linh hồn, về cõi sống, cõi
chết, về môi trường tự nhiên... Có thể hình thức tổ chức tang ma và các "bài cúng" trong
các đêm mo của người Mường ở Phú Thọ không hoàn toàn giống như những sưu tầm
của các nhà nghiên cứu đã công bố, cũng không chi tiết như trong trường ca "Đẻ đất, đẻ
nước" đã ghi. Nhưng những tư tưởng, tình cảm của người sống đối với người chết,
những mong muốn, ước mơ của người đang sống được thể hiện trong 12 đêm mo thì có
lẽ không khác so với các nghiên cứu trước đây. Đối với người Mường, sự mất mát về
con người là nỗi mất mát chung, nên thường khi trong làng có một người qua đời, các
gia đình trong làng không phân biệt sang hèn đều mang đến cho tang gia một xuất gạo,
gà, rượu và muối để cùng lo tang lễ. Đến nay, các tiêu chí mới trong quy định xây dựng
làng, xã văn hoá đã giúp nghi lễ tang ma của người Mường tiến hành đơn giản, tiết kiệm
hơn, nhưng những nét cơ bản trong tín ngưỡng vẫn được duy trì ở một số làng Mường ở
vùng sâu, vùng xa.
Nếu tách bỏ những yếu tố mê tín, những hủ tục trong tang lễ thì chúng ta sẽ tìm
thấy trong các "đêm mo" những triết lý và quan niệm nhân sinh, những yếu tố văn hoá
dân gian truyền thống của cư dân Mường trong lịch sử.
+ Các quy định khi làm nhà và thờ cúng tổ tiên: Ngôi nhà của người Mường
trước đây chủ yếu là nhà sàn, đó là nơi để ở, cũng là nơi diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng,
tôn giáo trong mỗi gia đình. Số gian nhà tùy thuộc vào số lượng người sống trong nhà,
nhưng người Mường theo chế độ phụ hệ, nên muốn "đa đinh thịnh vượng", số gian nhà
thường tương ứng với số vía của người đàn ông. Do vậy, nhà của người Mường phổ
biến là 7 gian, tám hàng cột. Hai vị trí đặc biệt quan trọng trong ngôi nhà của người
Mường là "đáng thờ" (bàn thờ tổ tiên) và bếp; "đáng thờ" của người Mường được bày
biện theo tục hèm của mỗi dòng họ, nhưng thường thì thờ cúng tổ tiên trong phạm vi
bốn đời là hình thái tín ngưỡng chính trong mỗi gia đình. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên thì
một số dòng họ mường ở Phú Thọ còn thờ các "linh vật tổ" như một loài chim, một loài
vật... Thờ linh vật nào sẽ kiêng không bắt giết, hoặc ăn thịt loài vật đó.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Dương Bình (1974), "Một vài nét về tình hình xã hội vùng Mường Vĩnh
Phú trước cách mạng tháng 8", Tạp chí Dân tộc học, (4), tr.33-45.
2. Các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Nguyễn Xuân lâm (1974), Địa chí Vĩnh Phú, Ty Văn hoá Vĩnh Phú.
4. Hà Văn Linh (2005), Tổ chức xã hội cổ truyền và những biến đổi của nó ở người
Mường Thanh Sơn, Phú Thọ, Luận án tiến sĩ khoa học Lịch sử, Viện Dân tộc học,
Hà Nội.
5. Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà
Nội.
6. Người Mường trên đất tổ Hùng Vương (2001), Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà
Nội.
7. Nguyễn Ngọc Thanh (1991), "Phụ nữ Mường và vai trò lao động của họ", Khoa
học phụ nữ , (2), tr.16, 17.
8. Nguyễn Ngọc Thanh (2005), Gia đình và hôn nhân của dân tộc Mường ở tỉnh
Phú Thọ, Viện Khoa học xã hội nhân văn, Viện Dân tộc học, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LUẬN VĂN- DÂN TỘC MƯỜNG Ở PHÚ THỌ.pdf