Luận văn Giọng điệu nghệ thuật của nhà văn Balzac trong ba tiểu thuyết tiêu biểu

Qua tác phẩm của ông nói chung, giọng điệu nghệ thuật nói riêng, ông đưa ra những nhận định khái quát và chân xác về xã hội Pháp đầu thế kỉ XIX. Ông mỉa mai lề thói hám tiền hơn mạng sống của con người tư sản đang lên, nhưng ông cũng nhận ra sự đau khổ và bế tắc của những nạn nhân trong xã hội thối nát đó để rồi dành cho họ những lời cảm thông tha thiết. Sự nghiệp vĩ đại mà ông để lại đã nói lên rằng ông đã sử dụng những năm tháng trong cuộc đời ngắn ngủi của mình với mức tối đa với hiệu suất phi thường. Chính ông đã từng nói: “Vấn đề cuộc sống chẳng phải là ởthời gian dài hay ngắn của nó mà là ởtính chất lượng, tính đa dạng, ở số lượng những cảm xúc của nó”. Có thểnói ông đã thực hiện được cái chí hướng làm nên một Napoleong trong văn học. Điều chủ yếu là cần khách quan xem xét trong sự nghiệp của ông, ông để lại đã có những gì có ích cho đời.

pdf151 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3937 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Giọng điệu nghệ thuật của nhà văn Balzac trong ba tiểu thuyết tiêu biểu, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thành một nhóm nghiên cứu, trong đó lòng tôn trọng lẫn nhau và tình bạn khiến họ sống hòa thuận mặc dầu họ có những ý kiến và những chủ nghĩa trái ngược nhất”. Thành viên của nhóm thuộc nhiều tầng lớp, nhiều chính kiến, có người dòng dõi quý tộc, có người xuất thân bình dân, có nhà bảo hoàng, có chiến sĩ cộng hòa, có người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng. Người này tin ở thuyết linh hồn bất tử, người khác vô thần. Sự không đồng nhất ấy không hề ngăn trở tình bạn, những cuộc tranh luận biến thành cuộc trao đổi ý kiến, học hỏi lẫn nhau. “Họ chẳng hiếu danh vì chính họ lại làm thính giả của họ. Họ cho nhau biết công trình của họ và hỏi ý kiến nhau với lòng chân thành đáng quý của tuổi trẻ” Thế giới nội tâm phong phú và trong trẻo tách biệt họ với xung quanh, với những văn nghệ sĩ, bọn tư sản, quý tộc lớn hay nhỏ, ở tỉnh lẻ cũng như ở Pari. “Hầu hết họ có tinh thần hồn hậu và khoan dung, hai đức tính chứng tỏ tính ưu việt của họ. Ở họ không có lòng đố kị, sản phẩm ghê gớm của những hi vọng hụt, của những tài năng đẻ non, của những thất bại, của những tham vọng bị tổn thương” Ở họ nổi bật những đức tính cao thượng, đáng quý trọng “chia sẻ lẫn nhau niềm vui và nỗi buồn”, “sẵn sàng vì bạn mà hi sinh những lợi ích cần thiết của mình”. Lối sống cao đẹp đó khiến họ không hiểu vì sao Lucien trả lại tiền cho họ khi họ muốn giúp hắn, Brido nhắc nhở “người ta không cho vay mà chỉ cho nhau”. Radan phê phán Lucien đã đem thói háo danh và lòng tự ái vào tình bạn “đó là thuốc độc đối với tình bạn”. Các thành viên trong nhóm là những con người lao động chân chính. Lần đầu xuất hiện, D’Arthez “người lạ mặt cần mẫn” thường xuyên làm việc trong thư viện. Anh đã chỉ cho Lucien con đường lao động cao quý. Lối sống giản đơn của anh tiêu biểu cho cuộc đời trong sạch, thuần khiết và khắc khổ. Qua D’Arthez, Balzac muốn xây dựng một mẫu nhà văn lí tưởng có “tư chất tráng kiện và toàn diện” dũng cảm vượt mọi thủ thách, đạt tới mục đích bằng con đường lao động kiên trì. “Tài năng chân chính bao giờ cũng hồn nhiên và trong trắng, cởi mở, chẳng đạo mạo, ở nó lời phúng thích mơn trớn trí tuệ chứ không bao giờ nhè lòng tự ái” Tất cả, bẩm sinh có một tâm hồn cao quý, nó ánh lên những bộ mặt trẻ trung những khí sắc thần thánh, họ đều mang những nét có phần khắc khổ mà cuộc đời trong trắng và tư tưởng nồng nhiệt làm đều đặn thuần khiết lại. “Vầng trán rộng nên thơ của họ nổi bật lên. Mắt họ linh hoạt và trong sáng làm chứng cho một cuộc sống không vết nhơ”. Khi nào bị những đau khổ của cảnh sống nghèo khổ giày vò, “họ chịu đựng một cách vui vẻ, họ thích ứng một cách hăng hái đến mức không làm gì biết được vẻ thanh thản đặc biệt trên mặt của những thanh niên chưa có lầm lỗi nghiêm trọng, họ chẳng hạ mình bằng những hàng động thỏa hiệp hèn nhát vì không chịu được nghèo khổ, vì thèm khát được giàu sang chẳng kể thủ đoạn nào và vì tính dễ dãi của con nhà văn trong việc dung túng những sự phản bội”. Balzac rất nhiều lần ca ngợi những con người ấy. “Trong gác xếp lạnh lẽo kia đã thực hiện ước mơ về tình cảm đẹp đẽ nhất. Ở đó, những người anh em, ai nấy đều giỏi về các lĩnh vực khoa học khác nhau, thành tâm soi sáng nhau, nói hết vói nhau, kể cả những ý nghĩ xấu xa, ai nấy đều có một học thuyết uyên bác, ai nấy đều được tôi luyện trong nghèo khổ”. Và những người bạn ấy đã cho Lucien một điểm tựa. “Thế là giữa sa mạc Pari, Lucien tìm ra một ốc đảo”. Thành viên đặc biệt nhất của nhóm nghiên cứu là Michel, một trong những nhân vật tích cực của “Tấn trò đời”, “con người chân chính của tương lai”. Về quan điểm chính trị Misen đối lập với Balzac, anh theo chủ nghĩa xã hội không tưởng. Balzac đã nói đến kẻ thù chính trị quyết liệt nhất của mình với niềm ngưỡng mộ không che dấu. Ông gọi Michel là “nhà cộng hòa cỡ lớn”,“nhà chính trị lỗi lạc”, “có khả năng thay đổi bộ mặt Châu Âu”. Ở anh hài hòa nhiều nét đẹp “nhà chính trị có tầm vóc Xanh Giut và Dangton nhưng diụ dàng và ngây thơ như một thiếu nữ, đầy thơ mộng và yêu thương, với giọng hát du dương có thể làm mê hồn Mozart, Ebo hay Roxtini, anh ca những ca khúc của Berangie khiến lòng người nao nức vì tình yêu, chất thơ và hi vọng” Misen giống các bạn ở tâm hồn cao thượng và phẩm chất ưu tú. Nhưng anh cứng rắn và quyết liệt hơn họ. Trong quan hệ với Lucien, anh thường mở đầu những cuộc đối thoại mang tính giáo dục. Chính anh thách đấu với Lucien để trừng phạt tội phản bội của y. Balzac rất yêu thương và trân trọng Michel, thương tiếc khi người anh hùng ngã xuống. “Một trong những con người cao quý nhất đã từng sinh ra trên đất Pháp”. Sự sáng tạo hình tượng Michel cũng là một trong những thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực của Balzac. Nhưng bóng dáng đẹp đẽ của anh chỉ thấp thoáng sau vài trang sách, phảng phất chút mơ hồ bí ẩn, như một phác thảo hơn là một nhân vật hoàn chỉnh. Có thể giải thích điều này, những người như Michel còn ở ngòai kinh nghiệp sống và tầm tư tưởng của Balzac, chưa được nhà văn am hiểu tường tận. “Tấn trò đời” của ông là một hài kịch, bởi thế nhân vật chính của nó phải là những con người như Grandet, Nucingen, Cointe, đại diện cho xã hội mà Balzac ngửi thấy tử khí ngay khi đang phồn thịnh. Nếu tập trung thể hiện những anh hùng bất tử bị tiêu vong, nó sẽ thành bi kịch. Nhóm bạn thường khuyên can việc gia nhập nghề báo của Lucien, bởi họ biết quá rõ cái xấu xa, bẩn thỉu của bọn nhà báo, họ luôn khuyên nhủ Lucien. “Đó sẽ là nấm mồ của Lucien trác tuyệt, thanh nhã mà chúng tôi hiểu biết và yêu mến đấy”. Họ phân tích tỉ mỉ cho Lucien hiểu. “Anh không cưỡng lại sự đối lập thường xuyên giữa thú ăn chơi và lao động trong đời người viết báo đâu”, “anh sẽ say sưa vì sử dụng quyền lực, vì có quyền sinh sát đối với những tác phẩm của tư tưởng”. Họ dẫn chứng cụ thể hơn để Lucien thấy rõ cái đen tối, những móng vuốt của làng báo tư sản “nghề làm báo là một địa ngục, một vực sâu chứa những bất công, xảo trá, phản bội, người ta chỉ vượt qua và bước chân ở đó ra còn trong trắng nếu được che chở bằng cành nguyệt quế thiêng liêng”. Và họ khẳng định dứt khoát “tình bạn tha thứ sự lầm lỡ, bồng bột thiếu suy nghĩ vì dục vọng, nó phải nghiêm khắc trước việc cố ý bán linh hồn, bán trí tuệ và tư tưởng”. Nhấn mạnh điều đó bởi họ không muốn mất đi một người bạn, không muốn Lucien thiên tài phải chôn mình trong nấm mồ báo chí. Những người bạn chân chính giúp nhau không vì sự tị nạnh, lòng háo danh hay ích kỉ, họ chân thật, khoan dung, nhưng rất nghiêm khắc. Thật hiếm có một tình bạn như thế. Vậy mà Lucien chẳng biết trân trọng, xa rời họ đến với giới báo tư sản với sự chỉ dẫn của tên Lousteau gian xảo. 6. Coralie- tình yêu chân thành dành cho Lucien Dẫu không sánh được với tình cảm của David và Eve nhưng mối tình chân thật, không toan tính mà Coralie dành cho Lucien cũng đủ để cô nhận được tình cảm trìu mến của Balzac. Khi Lucien mê đánh bài, Coralie không ngăn cản còn khuyến khích hắn miệt mài với “sự mù quáng đặc biệt ở những mối tình trọn vẹn thường chỉ nhìn thấy hiện tại, hi sinh tất thảy, cả tương lai cho sự hưởng thụ trước mắt. Tính chất của tình yêu chân chính có những điểm thường xuyên giống với tuổi thơ; cũng như tuổi thơ, nó có cái thiếu suy nghĩ, cái dại dột, cái đắm say, tiếng cười và tiếng khóc” Khi Coralie nằm xuống, người đau đớn nhất chắn hẳn là Lucien. Qua lời văn miêu tả ta như nhận thấy giọng thương tiếc mà Balzac dành cho nàng. Nàng rất chung thủy với Lucien, tình yêu của nàng đáng được trân trọng. Mối tình như vậy quả cũng rất hiếm thấy trong xã hội kim tiền kia. “Trên mặt Coralie sáng ngời cái vẻ đẹp như hoa nó nói hùng hồn với người sống bằng sự biểu thị một mối điềm tĩnh tuyệt đối”, “chốc chốc đôi môi tím nhạt của nàng muốn hé mở và nói thầm tên của Lucien, cái tên đó xen với tên Chúa đã được nàng nhắc tới trước khi tắt thở”. Lucien cũng thừa nhận sự quan trọng của nàng trong đời mình. Con người ấy đau đớn, xót xa cho sự ra đi của người phụ nữ đáng thương, người cho anh niềm hạnh phúc, cho anh tình yêu chân thật. “Em đã đón nhận hơi thở cuối cùng của một trong những nhân vật kiều diễm nhất do thượng đế sáng tạo, người đàn bà duy nhất vừa biết yêu em như chị, như David và mẹ vừa gắn với những tình cảm rất vô tư, cái đó một người mẹ, một người chị không thể đem lại được: mọi hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu! Sau khi đã hi sinh tất cả cho em có lẽ nàng Coralie tội nghiệp vì em mà chết!”. Chàng ngẹn ngào thương xót cho người tình xấu số “Người con gái trong trắng đó, em tin rằng nàng đã được thượng đế tha thứ, vì nàng chết như người ngoan đạo. Chao ôi! Pari! …. Chị ơi Pari vừa là tất cả sự vinh quang vừa là tất cả sự ô nhục của nước Pháp, bao nhiêu mộng tưởng của em đã tan vỡ ở đó, và còn bao nhiêu nữa sắp tan vỡ khiến em ngửa tay xin tiền cần thiết để chôn cất thể xác một thiên thần nơi đất thánh!” 7. Bà Bargeton- nỗi đau thầm kín của người phụ nữ quý tộc Người phụ nữ quý tộc này đáng lẽ nhận được nhiều lời chế giễu của Balzac hơn là là lời văn nhẹ nhàng. Nhưng đọc kĩ ta vẫn thấy dường Balzac thấu hiểu và cố giải thích cho những đau khổ thầm kín của bà. Bà cũng là một nạn nhân của xã hội, tuy không trực tiếp chịu sự chi phối của đồng tiền nhưng nỗi đau của bà cũng không kém phần thê thảm. Bà chịu nỗi đau về tinh thần, chịu sự thiếu thốn về tình cảm, những tình cảm chân thật, tha thiết. “Đau đớn đã phủ lên mặt người đàn bà đó một tấm màn sầu thảm. Bóng mây đó chỉ tan đi vào cái tuổi kinh khủng mà người đàn bà bắt đầu luyến tiếc những năm đẹp đã qua mà mình không tận hưởng, mà họ nhìn thấy nhan sắc của mình tàn tạ, mà những khát khao cả tình yêu tái sinh với ước nguyện kéo dài những nụ cười cuối cùng của tuổi thanh xuân. Tất cả mọi điểm ưu việt của bà để lại vết thương trong lòng khi bà bị ốm rét trong hơi lạnh tỉnh nhỏ. Như loài chồn trắng, bà sẽ chết vì ưu phiền nếu ngẫu nhiên bà bị uế tạp vì chung đụng với những kẻ đàn ông chỉ biết đánh ván bài xu vào buổi tối sau bữa ăn ngon. Tính kêu hãnh làm bà tránh được những mối tình chán ngắt ở tỉnh nhỏ. Giữa bọn đàn ông bất tài ở chung bà và cõi hư vô. Một người đàn bà ưu tú như bà tất chọn cõi hư vô. Cho nên hôn nhân và xã hội đối với bà là một tu viện. Bà sống bằng thơ như người tu khổ hạnh sống bằng tôn giáo”. Người phụ nữ ấy cũng chịu áp lực. Sống trong xã hội thượng lưu không hẳn là hạnh phúc đôi khi con người cũng bị chúng tra tấn bởi những lề thói của xã hội ấy. Cuộc sống ở tỉnh nhỏ đặc biệt không thuận lợi cho những sự thỏa mãn về tình yêu, nó thường đẩy những tâm hồn sôi nổi tới những biện pháp cực đoan. Bởi vì “cuộc sống đó dựa vào một sự do thám rất tỉ mỉ vào tình trạng mọi việc trong nhà hở ra ngoài, nó rất ít cho phép sự gần gũi thân mật để an ủi, những quan hệ trong sạch nhất bị kết tội rất vô lí, đến nỗi nhiều người đàn bà bị sỉ nhục mặc dầu họ vô tội”. Ban đầu bà chẳng làm gì nên tội nhưng xã hội thượng lưu chẳng cho con người sống an phận. Bởi thế “một số trong họ đâm ra giận mình đã không tận hưởng lạc thú của một lỗi lầm đã gây ra cho họ bao nhiêu điều khốn khổ. Xã hội chê trách hay phê phán mà không xét kĩ những sự kiện hiển nhiên kết thúc bao nhiêu đấu tranh ngấm ngầm, dai dẳng, là đồng lõa một cách thô thiển với những chuyện tai tiếng kia. Nhưng phần nhiều những kẻ phỉ báng những chuyện gọi là tai tiếng của những người đàn bà bị vu cáo một cách vô lý, họ không hề nghĩ tới những nguyên nhân đã đưa những người này tới một giải pháp công khai. Bà Bargeton sắp rơi vào một cái cảnh kì khôi mà nhiều phụ nữ mắc phải, họ chỉ hư hỏng sau khi bị kết án một cách bất công”. Balzac cảm thông cho người phụ nữ ấy, lỗi lầm của bà một phần do xã hội gây nên. ******* Tiểu thuyết “Vỡ mộng” có không ít những nhân vật ưu tú, lương thiện. Bên cạnh Michel còn có nhiều nhân vật khác. Tuy không ở cái cỡ của anh nhưng cũng là những con người chân thật, ngay thẳng, căm ghét những tệ lậu của xã hội tư sản, không a dua với nó, không bị đồng tiền khuất phục, giữ được phẩm chất cao quý của con người. Đó là D’Arthez cùng những người khác trong nhóm của anh, hay như David, vợ David… Bên cạnh bao nhiêu chuyện xảo trá, lật lọng, phản bội, ăn cướp đầy rẫy trong xã hội tư sản- quý tộc đó, vẫn còn có chỗ cho những mối tình cao đẹp, chung thủy, những lí tưởng trong sáng như tình bạn giữa nhóm nghiên cứu, tình yêu giữa Lucien-Corelie, tình vợ chồng David và Eve tỏa sáng. Chính vì vậy mà đối với sáng tác của Balzac, tiểu thuyết “Vỡ mộng” nói riêng cũng như nền văn học hiện thực phê phán nói chung không phải hoàn toàn vắng bóng những nhân vật tích cực, nhân vật chính diện. Những nhân vật như thế với tư tưởng và tình cảm của họ, với tấm lòng và lý tưởng của họ đã mang lại cho tiểu thuyết của Balzac nói chung một viễn tưởng nào đó về tương lai, một tinh thần lạc quan nhất định. Chỉ tiếc rằng họ chưa thể trở thành nhân vật trung tâm trong “Tấn trò đời” của ông! Tất cả tạo thành yếu tố lãng mạn trong chủ nghĩa hiện thực của Balzac. 4. Kết luận về giọng lãng mạn Balzac không những nhìn thấy bước tận cùng không tránh khỏi của giai cấp quý tộc mà còn nhìn thấy những con người chân chính của tương lai. Đó là những người như chiến sĩ cộng hoà oanh liệt Misen, nhà chính trị lớn có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới. Cũng phải nói tới sự có mặt trong tác phẩm cuả Balzac không ít hình tượng những con người bình thường mà trong sạch, cao quý kiểu như David, nàng Eve….Chính sự có mặt trong tiểu thuyết Balzac hình tượng những con người chân chính của tương lai và những con người bình thường cao quý như vậy đã đem lại cho “Tấn trò đời” một viễn tưởng lịch sử đúng đắn và bác bỏ luận điệu của một số nhà tư sản cho là Balzac bi quan. Chính điều này lại chứng tỏ rằng nhà văn hiện thực lớn Balzac không hề gạt bỏ những yếu tố trữ tình, yếu tố lãng mạn. Sự thật, Balzac đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp của chủ nghĩa lãng mạn tích cực và ông nâng lên một trình độ cao hơn. Tác phẩm của ông chứng minh một cách đầy đủ rằng chủ nghĩa hiện thực chân chính bao giờ cũng kết hợp tả chân với trữ tình, hiện thực với lãng mạn, vì đó là bản chất của đời sống, của con người. D’Arther, Misen hay Eugnie Grandet, David, Eve, Coralie….như những ngôi sao loé lên, dù trong khoảng khăc của bóng đêm, họ đem lại niềm tin, hay đúng hơn họ giữ vững niềm tin ở con người, ở cuộc đời. Rõ ràng Balzac đã nắm được vấn đề tả chân với trũ tình, hiện thực với lãng mạn, chính trong tác phẩm của mình ông chứng minh điều đó. Mối tình trong sáng của Eugenie Grandet, tình yêu thắm thiết của Coralie dành cho Lucien, tình yêu con quá quắt của lão Goriot, tình bạn chân thành của nhóm D’Arthez…..tất cả đều là trữ tình, là lãng mạn và có biểu hiện lãng mạn nào bằng sự tin tưởng ở con người và dõi tới tương lai, cho dù tương lai đó ở Balzac cũng như ở thời đại ông nó chỉ là mường tượng mơ hồ. Nhà văn XôViết A.Fadêv viết về Balzac như sau: “Balzac vĩ đại vì trong các nhà nghệ thuật tư bản Tây Âu, ông thể hiện trong tác phẩm của mình sự mãnh liệt hơn cả sự tổng hợp chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Chính vì thế mà ông là nhà văn hiện thực lớn nhất Tây Âu thế kỉ XIX” Mặc dầu nhìn thấy xã hội đương thời xấu xa, ghê tởm và không ngần ngại vạch trần bộ mặt xấu xa thảm hại của nó nhưng nhà văn vẫn không rơi vào chủ nghĩa bi quan. Ông vẫn còn giữ được lòng tin ở cuộc đời và con người. Giữa cái xã hội lang sói đó, giữa cảnh vật lộn điên cuồng tàn khốc đó, vẫn có những bông sen toả hương thơm, vẫn còn những con người chân chính nhất là trong dân nghèo, vẫn còn những mối tình thắm thiết chẳng bị hoan ố, hôi tanh vì đồng tiền. Là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực nhưng ta vẫn bắt gặp trong văn Balzac không ít câu văn trữ tình thắm thiết. Chính ở chỗ đó chủ nghĩa hiện thực của Balzac đạt tới chỗ bao gồm tả chân lẫn trữ tình, và nó mang trong nó yếu tố lãng mạn như một bộ phận hữu cơ của bản thân hiện thực xã hội. CHƯƠNG VI: ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHÁP ĐẾN CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHÊ PHÁN TRONG NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM 1. Đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực Chủ nghĩa hiện thực rất quan tâm đến hiện thực đời sống xã hội. Nó có nhu cầu phản ánh, miêu tả chân thật sự thật khách quan của bức tranh đời sống. Nó có tham vọng đi tìm chân lí, đi tìm bản chất và quy luật của cuộc sống nằm ở bề sâu của các hiện tượng. Nó phân tích, lí giải để mong muốn soi sáng chân lý ấy. Do đó những tác phẩm hiện thực thường đem đến cho người đọc hiểu biết đa dạng, phong phú về cuộc sống. Khát vọng của chủ nghĩa hiện thực là muốn nói lên sự thật. Khi phản ánh cuộc sống, các nhà văn thường đặt chúng trong khung cảnh của một thời đại nhất định để thể hiện cuộc sống một cách chân thật- lịch sử- cụ thể và nhận thức cuộc sống trên quan điểm xã hội lịch sử nhất định. Các nhà văn hiện thực rất ý thức về thời đại mình đang sống và thể hiện thời đại ấy vào trong tác phẩm. Nhưng khác với nhà sử học, nhà văn biết lựa chọn vấn đề, sự kiện quan trọng để thể hiện thời đại mình. Những gì được phản ánh trong tác phẩm của họ không hoàn toàn chính xác như sử học mà quan trọng là khi phản ánh hiện thực phải phù hợp với tinh thần và bản chất của thời đại. Chủ nghĩa hiện thực yêu cầu phải theo nguyên tắc điển hình hóa, nghĩa là phải xây dựng các điển hình: tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình, vì đó là công cụ để phản ánh, nhận thức, khám phá bản chất và quy luật khách quan của cuộc sống. Tinh thần của chủ nghĩa hiện thực là phân tích xã hội và phân tích thế giới nội tâm của con người. Để đạt được khát vọng đi tìm chân lí, khám phá ra bản chất, quy luật của cuộc sống, các nhà văn hiện thực thường đi sâu phân tích nhiều vấn đề, nhiều xung đột phức tạp của xã hội. Từ việc phân tích họ lí giải nguyên nhân dẫn đến những cái xấu trong xã hội. Khuynh hướng tư tưởng của các nhà văn hiện thực phê phán là đấu tranh cho nền dân chủ và chủ nghĩa nhân đạo. Chủ nghĩa hiện thực với những đặc điểm của nó thường tìm đến với các thể loại thích hợp như truyện ngắn, tiểu thuyết và phóng sự. 2. Văn học hiện thực phê phán Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 2.1. Sự hình thành khuynh hướng văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam Một khuynh hướng văn học bao giờ cũng xuất hiện trên cơ sở những tiền đề nhất định. Những mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam thời kì 1930-1945, những ảnh hưởng qua lại trên lĩnh vực ý thức hệ, những tác phẩm hiện thực chủ nghĩa trong các thế kỉ trước và thời kì cận đại. Đó là các tiền đề khách quan giúp cho khuynh hướng văn học hiện thực phê phán hình thành và phát triển. Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học xuất hiện ở các nước phương Tây vào thế kỉ XIX và phát triển với nhiều thành tựu rực rỡ ở Anh, Pháp, Nga. Ở Việt Nam khuynh hướng văn học này thực sự ra đời vào những năm 1920 và phát triển mạnh mẽ từ khoảng 1936 đến 1945. Chủ nghĩa hiện thực chỉ thể hiện đầy đủ đặc trưng của có trong văn xuôi, đặc biệt là trong thể văn tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự. Nền văn xuôi tiếng Việt của ta chỉ thật sự ra đời vào thế kỉ XX. Bởi thế văn học hiện thực phê phán chỉ thật sự phát triển vào những năm hai mươi của thế kỉ. Trước 1930 đã có một số nhà văn sáng tác theo khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực phê phán như: Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Phú Đức, Trọng Khiêm…. Nhìn chung tác phẩm của họ cũng chưa thật sự hiện đại, vẫn ảnh hưởng nhiều từ lối viết cũ. Nhưng đây là những dấu hiệu cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945. Có thể xem Hồ Biểu Chánh là người đặt dấu mốc mở đầu cho trào lưu văn học hiện thực phê phán, là nhà tiểu thuyết hiện thực phê phán đầu tiên ở nước ta. Ông có sức viết khá dồi dào, những tác phẩm quen thuộc của ông như: Cay đắng mùi đời, Tiền bạc bạc tiền, Tỉnh mộng, Ngọn cỏ gió đùa, Cha con nghĩa nặng, Vì nghĩa vì tình, Con nhà nghèo….và nhiều tác phẩm khác. 2.2. Quá trình vận động và phát triển của văn học hiện thực phê phán Việt Nam Từ đầu những năn 1930, văn học hiện thực đã phát triển mạnh mẽ hơn theo tiến trình hiện đại hóa chung của nền văn học dân tộc. Người ta thấy xuất hiện truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan, những thiên phóng sự đặc sắc của Vũ Trọng Phụng, phóng sự của Tam Lang…. Tuy nhiên, giai đoạn 1930-1935, văn học lãng mạn vẫn nổi trội hơn với những thành tựu của Thơ Mới, của nhóm Tự lực văn đoàn. Và văn học hiện thực giai đoạn này chưa có những tác phẩm thật sự xuất sắc, tác phẩm chưa bao quát được một hiện thực rộng lớn, đầy đủ các mặt của đời sống và cũng chưa nêu được những vấn đề thuộc bản chất xã hội. Văn học hiện thực ở Việt Nam chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ và chiếm ưu thế trên văn đàn văn học công khai từ 1936 trở đi. Vì lúc này Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển, thực dân Pháp nới rộng tự do dân chủ. Nhiều tác phẩm văn học hiện thực có giá trị ra đời. Vũ Trọng Phụng vốn được biết đến như cây bút viết phóng sự sắc sảo thì bây giờ tài năng của ông càng nở rộ với những tiểu thuyết thật sự có thể xem là kiệt tác: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê. Nguyễn Công Hoan thời kì này thể hiện sức sáng tạo dồi dào với hằng trăm truyện ngắn và những tiểu thuyết hiện thực như: Bước đường cùng, Cái thủ lợn. Đây cũng là thời kì Ngô Tất Tố cho ra đời Tắt đèn, Lều chõng. Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu…..Nhiều truyện ngắn hiện thực của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếch. Văn học hiện thực phê phán không chỉ đáp ứng những yêu cầu của cuộc đấu tranh xã hội trong một thời kì lịch sử sôi động mà còn phản ánh qúa trình vận động của các hệ tư tưởng. So với trước 1930, ảnh hưởng của hệ tư tưởng phong kiến đối với tầng lớp tri thức, văn nghệ sĩ có yếu đi, trong khi đó tư tưởng dân chủ tư sản với chủ nghĩa xã hội khoa học ngày càng ảnh hưởng sâu đậm đến các nhà văn hiện thực. Luồng tư tưởng tư sản tác động đến các nhà văn theo hai chiều hướng: tiến bộ và phản động. Bọn thực dân thì khuyến khích khuynh hướng duy tâm tư sản như tư tưởng Hồ Thích, triết học Kant, Bergson, học thuyết Freud, Nietzsche và những tác phẩm văn học của Marcel Proust, Andre Gide. Tuy nhiên, luồng tư tưởng tư sản tiến bộ vẫn tác động đến các nhà văn hiện thực Việt Nam qua các tác phẩm của Diderot, Voltaire, Rouseu và đặc biệt là Balzac, Stendhal,…Tinh thần khoa học và triết học duy vật đã giúp các nhà văn hiện thực xác định phương pháp miêu tả theo chủ nghĩa khách quan lịch sử, phương pháp miêu tả tâm lí, xây dựng các tính cách điển hình và các hoàn cảnh điển hình, xây dựng các kết cấu tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện đại. Một số nhà văn đã tránh được lối lý tưởng hóa nhân vật, biến nhân vật thành loa phát ngôn đạo đức, mặc khác đã bắt đầu hình thành lối cá thể hóa nhân vật, tôn trọng đời sống khách quan của nó. Các nhà văn hiện thực Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất rõ ràng từ phương Tây như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao với lối viết mới hơn so với các nhà văn đi theo con đường truyền thống quen thuộc. Ngoài ra thời kì này các nhà văn tiến bộ còn được tiếp xúc với sách nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Đặc biệt là những tác phẩm của nền văn học xã hội chủ nghĩa của Liên Xô: Người mẹcủa Groki, Thép đã tôi thế đấy của Oxtrotxki…..Ảnh hưởng từ các phong trào đấu tranh cách mạng và ánh sáng của chủ nghĩa xã hội khoa học đã giúp các nhà văn hiện thực phê phán thấy rõ hơn vấn đề giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội. Văn học hiện thực phê phán Việt Nam xuất hiện sau chủ nghĩa hiện thực phương Tây gần một thế kỉ. Khi chủ nghĩa hiện thực phê phán Pháp đã nhường chỗ cho chủ nghĩa tự nhiên cuối thế kỉ XIX và tác phẩm của Macxim Gorki đã khai sinh phương pháp sáng tác mới của thời đại. Bên cạnh đó chủ nghĩa hiện thực Việt Nam còn phát triển song song với dòng văn học lãng mạn và văn học cách mạng. Do đó, văn học hiện thực phê phán của Việt Nam mang nhiều phức tạp và mâu thuẫn. Năm 1939, thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương chấm dứt, văn học hiện thực phát triển theo hướng khác. Các nhà văn không có điều kiện đề cập những vấn đề nóng bỏng trong xã hội như trước, họ phải viết khéo léo và kín đáo hơn. Phần lớn tác phẩm đi vào chuyện đời tư, đời thường, chuyện phong tục, đặc biệt là những suy ngẫm về cuộc đời, ý nghĩa cuộc sống của nhà văn. Tuy vậy các tác phẩm cũng đạt đến chiều sâu tư tưởng mới, sâu sắc về cuộc đời, về thân phận con người, nhất là ở các tác phẩm của Nam Cao. Tuy vẫn còn hạn chế về tư tưởng, về thế giới quan nhưng các nhà văn hiện thực cũng đã mang đến cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị hiện thực, góp phần phản ánh một thời kì lịch sử phức tạp của dân tộc, tái hiện được những xung đột xã hội gay gắt trước Cách mạng tháng Tám và nỗi khổ của con người trong xã hội cũ. Tác phẩm hiện thực còn thấm một tinh thần nhân đạo sâu sắc khi thể hiện sự cảm thông đối với thân phận con người, tố cáo cái xã hội tàn bạo đã áp bức con người đến cùng cực. Nhưng vì chưa tìm ra lối thoát cho con người nên kết thúc tác phẩm thường là bế tắc. Dẫu sao thì các nhà văn cũng thể hiện rõ sự trân trọng và niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Những đóng góp quan trọng của chủ nghĩa hiện thực phê phán việt Nam 1930-1945 đã góp phần hoàn thành quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam ở chặng đường đầu tiên. Thành tựu của văn học hiện thực đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của văn chương dân tộc. 3. Những tác giả tiếp thu ảnh hưởng phong cách “đa giọng điệu” của Balzac Nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại nhận xét: một trong những đặc điểm của trào lưu văn học hiện thực Việt Nam thời kì 1930-1945 là tính chất trào phúng. Có thể nói tiếng cười trong văn xuôi thời kì này đã đạt được những thành tựu phong phú, đa dạng chưa từng có. Đầu những năm 30, đặc biệt là từ 1935 trở đi, văn xuôi trào phúng đã phát triển thành phong trào, với những bước tiến rực rỡ về số lượng lẫn chất lượng. Và được kết tinh ở những đỉnh cao như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao….. Những đóng góp của họ cho nền văn học trào phúng Việt Nam hiện đại quả thật đáng kể, thể hiện ở hai phương diện: Thứ nhất: các ông đã sáng tạo hàng loạt tác phẩm trào phúng độc đáo, thể hiện khuynh hướng tư tưởng tiến bộ và đạt chất lượng nghệ thuật cao Thứ hai: Mỗi nhà văn tự tạo cho mình một giọng cười riêng không thể trộn lẫn. Vũ Trọng Phụng sáng tạo mô hình giễu nhại ở quy mô toàn xã hội với hàng loạt tình huống vô nghĩa lí, hàng loạt chân dung nhân vật vô nghĩa lí được khắc họa bằng những nét hí họa hết sức phóng túng và có giá trị điển hình sâu sắc. Hơn thế nữa, khả năng sử dụng ngôn ngữ đối thoại, nhất là việc sáng tạo những giọng điệu giễu nhại phong phú và những cung bậc tiếng cười đa dạng đồng thời kết hợp hài hòa hai yếu tố truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây càng làm cho tiếng cười Vũ Trọng Phụng thêm sức mạnh và sức hấp dẫn. Nam Cao thì luôn nhìn đời bằng con mắt của tình thương, nên tiếng cười, giọng văn của ông vì thế cũng mang âm hưởng của tình thương. Ông dùng tiếng cười để giúp con người nhận ra và biết xấu hổ với những gì phàm tục, tầm thường của bản thân trong cái môi trường xã hội tù hãm, u ám đang vây quanh họ. Một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực như Balzac chắc hẳn sẽ có nhiều người theo học tập. Sự ảnh hưởng của Balzac đối với một nền văn học của một nước, đối với các tác giả của nền văn học ấy cũng là điều dễ hiểu. Trong sự hạn hẹp của luận văn, chúng tôi chỉ nêu ra đây 2 tác giả trong dòng văn hiện thực của Việt Nam có sự ảnh hưởng phong cách đa giọng điệu của Balzac: Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. 3.1. Vũ Trọng Phụng Ở thời kì cận đại, văn xuôi chủ yếu sử dụng độc thoại, mang tính ước lệ (lời kể của tác giả hay người kể chuyện, lời độc thoại của nhân vật). Đến thời hiện đại, văn xuôi phát triển theo hướng đa thanh, đa âm, đa giọng điệu. Ở đây giọng tác giả trở thành yếu tố quan trọng trong việc liên kết các giọng điệu của một cuộc hội thoại mang tính chất xã hội rộng lớn. Vũ Trọng Phụng là một trong số không nhiều nhà văn tạo ra được những tác phẩm như thế và “Số đỏ” là một ví dụ tiêu biểu. Đọc tác phẩm này ta thấy trong mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi trang, mỗi chương và trong toàn bộ tác phẩm luôn ăm ắp tiếng cười lớn nhỏ. Tiếng cười ấy được dệt nên, được kết thành bởi những giọng điệu trào phúng phong phú, đa dạng. Giọng điệu trào phúng chính ở “Số đỏ” là giọng giễu nhại. Và có thể xem giọng giễu nhại như một trong những nét nổi trội trong phong cách trào phúng của Vũ Trọng Phụng. “Số đỏ” giễu nhại ai, giễu nhại sự việc gì? Khó mà nêu ra đầy đủ bởi xã hội trong “Số đỏ” không có thứ gì là không đáng nhại, đáng cười. Tuy nhiên có thể thấy nét chính trong giọng điệu trào phúng của tác giả, ông nhại những phong trào tư tưởng văn hóa lai căng đang lên cơn sốt ở xã hội thành thị thời bấy giờ, những phong trào đã trở thành mốt của thời đại. Phong trào Âu hóa về phương diện nào đó cũng có những nét tính cực. Nhưng với Vũ Trọng Phụng, Âu hóa chỉ là trụy lạc hóa. Có thể nói “Số đỏ” giễu nhại cả xã hội vô nghĩa lí và điểm tập trung nhất là giễu nhại cái xã hội thành thị Việt Nam với hàng loạt những cải cách rất lố bịch, rất nực cười. Nào là mốt bình dân, mốt tín ngưỡng theo lối cải cách Phật giáo cho hợp thời trang. Mốt phụ nữ phải có “hai cái tình”, nghĩa là “có chồng thôi mà không có nhân tình gì hết là hèn, là xấu, không đức hạnh gì cả, không có thông minh nhan sắc gì cả, nên chẳng có ma nào nó theo. Nếu tôi không có nhân tình thì bạn hữu tôi sẽ khinh bỉ tôi, tôi còn sống với đời sao được?” (lời Hoàng Hôn, vợ Phán dây thép). Mốt khai trí tức là đưa những từ như “nước mẹ gì”, “mẹ kiếp”vào ngôn ngữ giao tiếp. Nào là mốt lịch thiệp, mốt nói tiếng Tây làm sang…..Tất cả những cái rởm đời, nhố nhăng ấy đều nhận lấy sự chế giễu qua giọng điệu hết sức trào phúng của Vũ Trọng Phụng. Tiếp đến là giễu nhại phong trào thể dục thể thao. Bản thân hoạt động này không đáng bị giễu nhại, ngược lại đáng ca ngợi. Song lợi dụng hoạt động này để làm điều không lạnh mạnh thì thật đáng phê phán. Vũ Trọng Phụng dành nhiều trang để giễu nhại phong trào thể dục thể thao do thực dân phát động, nhất là việc phụ nữ tập thể thao. Bà Văn Minh được xem là một mẫu mực của phong trào này, bà hành động thực tế, với trang phục rất “hợp thời trang”. Thầy dạy là Xuân Tóc Đỏ, người đã từng đánh hỏng máy quả banh trong khi dạy vì nhìn thấy cặp đùi của cô học trò này. Ông “ giáo sư quần vợt” này nguyên là thằng nhặt banh quần, nay trở thành “gia sư” cho bà Phó Đoan. Người đàn bà luôn lo lắng “dễ tôi cũng phải tập thể thao mới được, khéo mà già đi mất”, nghĩ thế bà bỏ tiền ra xây sân quần để “giăng phơi những đồ lót của phụ nữ” ngay trong ngày khánh thành. Đối với bà việc“chinh phục” trái tim chàng Xuân “trẻ trung” quan trọng hơn là việc rèn luyện sức khỏe cho bản thân mình. Vũ Trọng Phụng chế giễu không thương tiếc người đàn bà nạ dòng này “tín đồ của chủ nghĩa khỏa thân”, một người chính chuyên đến nỗi chồng bà kiệt sức, cạn sức, “phải chốn xuống suối vàng”, một mệnh phụ “quyết tâm thủ tiết với hai đời chồng”. Bà “lẳng lơ theo đúng nghĩa lí của sách vở thánh hiền”, “ trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học”, cuối cùng nhận được “ bằng tiết hạnh khả phong”. Trong “Số đỏ”, rõ ràng phong trào thể dục thể thao, một chính sách mà thực dân phong kiến làm rùm beng, trở thành trò cười dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng. Văn chương lãng mạn Việt Nam cũng có những điểm tích cực và không ít nhược điểm. Bằng giọng trào phúng, Vũ Trọng Phụng xoáy vào nét tiêu cực của phong trào văn chương lãng mạn, nhất là tiểu thuyết lãng mạn. Như cô Tuyết, người từng tuyên bố với Xuân “anh biết cho rằng em lãng mạn lắm”. Như một số nhân vật nữ lãng mạn, Tuyết rất lãng mạn “một trang bán xử nữ, nghĩa là demi vierge, nghĩa là còn tân một nữa”. Người phụ nữ này chỉ muốn “cách mệnh cái gia đình hủ lậu và khốn nạn để được tự do”, để được sung sướng “viết ngay một cuốn tiểu thuyết của đời mình”. Hay những khi cao hứng của lãng mạn, nàng nói với Xuân “em sung sướng quá! Em muốn chết anh ạ! Em muốn tự tử….Nếu cả hai ta cùng nhảy xuống lớp sóng bạc kia thì có phải cả nước sẽ bàn tán mãi về cuộc tình duyên ghê gớm của chúng ta không!” Bên cạnh đó, thơ lãng mạn cũng là đối tượng trào phúng của Vũ Trọng Phụng. Tác giả xây dựng lên một thi sĩ lãng mạn- hôn phu của Tuyết. Với dáng người nhỏ bé, mặt hốc hác, đôi mắt lờ đờ, thân thể ốm o trong bộ âu phục, thi sĩ đọc những bài thơ xúc cảm, ướt át nhưng chẳng ăn nhằm gì với vài câu thơ cảm cúm nhức đầu của Xuân thời bán thuốc dạo. Bài thơ khi đọc lên Tuyết phải trầm trồ “giời ơi anh là bậc kì tài”. Còn chàng thi sĩ kia “thán phục”, “cúi đầu” chào rồi chuồn mất với cái mặt đỏ vì hổ thẹn. Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng là chuỗi cười dài nhiều giọng điệu, sắc thái, cung bậc. Ngoài giọng chủ đạo là giễu nhại ta còn nhận ra nhiều giọng trào phúng khác: _ Giọng vui đùa cười cợt ( đoạn Xuân ghẹo chị hàng mía). _ Giọng bông phèng thoải mái ( “Trong lúc gia đình đang nhốn nháo, thằng bồi tiêm đếm được 1872 câu “Biết rồi khổ lắm nói mãi” của cụ Cố Hồng”) _Giọng châm biếm (chân dung nhà sư “ông này cũng tân thời âu hóa theo văn minh vì ông có ba cái răng vàng trong mồn, cái áo lụa Thượng Hải nhuộm nâu, đi đôi dep láng đế cao su, và nhất là đẹp giai lắm, trông phong tình lắm”) _ Giọng mỉa mai ( cái chết của cụ tổ đã “làm cho nhiều người sung sướng lắm”, “một bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng lòng đem chôn cho chóng cái xác chết”, “tưng bừng đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê đám ma”, “một đám to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài mỉm cười sung sướng” ) Giọng điệu trào phúng ở Vũ Trọng Phụng rất đặc sắc, rất thâm thúy. Chỉ xét trong “Số đỏ” và với một thời lượng ngắn thì chưa đủ thấy hết cái hay và đặc sắc trong giọng điệu trào phúng của ông. Nhưng qua phần trên giúp ta nhận thấy rằng ông đã học tập phong cách đa giọng điệu từ Balzac. Ở Vũ Trọng Phụng cũng có những hạn chế nhất định. Nhiều điều ông chưa thể sánh kịp Balzac. Như về quy mô hiện thực và nhất là quá trình hình thành và phát triển tính cách của nhân vật điển hình, nhân vật của ông còn thiếu độ dày, độ sâu. Đặc biệt, nghệ thuật trào phúng của ông thiên về khoa trương, cường điệu, tượng trưng, điều này làm “Số đỏ” bị giảm tính chân thật khách quan, nặng tính chủ quan và định kiến. Nhưng với những đóng góp to lớn của ông vào nền văn học hiện thực phê phán nước nhà, ông vẫn được đánh giá “nhà văn của thời đại”, “người chiến sĩ tranh đấu đến phút cuối cùng”, “một nhà văn mà cái thiên tài không còn nghi ngại được”, “được đặt vào vị trí vinh quang của những người bất tử”(Nguyễn Hoàng Khung trong “Vũ Trọng Phụng- Tài năng và sự thật). 3.2. Nam Cao Từ điển thuật ngữ văn học xác định : “Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của mỗi nhà văn. Mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là một tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trao dồi ngôn ngữ trong quá trình sáng tác”. Nam Cao là một nhà văn lớn bởi ông là một nghệ sĩ ngôn ngữ đầy tài năng. Với năng lực đặc biệt trong việc “vận dụng tiếng nói của đời sống một cách chủ động với một trình độ nghệ thuật cao”, Nam Cao đã tạo ra trong tác phẩm của mình hầu như đủ mọi giọng điệu. Xét trong phạm vi những sáng tác có tính trào phúng, giọng hài hước Nam Cao được thể hiện một cách phong phú, đa dạng. Có thể nói, tiếng cười Nam Cao là một tiếng cười nhiều giọng điệu. Tiếng cười cuả ông là tiếng cười hướng nội rất sâu. Tiếng cười Nam Cao chủ yếu hướng vào đối tượng tiểu tư sản, những con người có đời sống tinh thần không đơn giản, một chiều, luôn có đời sống nội tâm sôi sục bởi cuộc đấu tranh âm thầm và quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái phàm tục, cái nhân ái và cái ích kỉ, cái chân thực và cái giả dối…. Tiếng cười Nam Cao vì thế đa dạng hơn, sâu sắc hơn, phức tạp hơn. Về ngôn ngữ, người ta thấy Nam Cao thiên về tạo nên những giọng điệu khác nhau làm cho tiếng cười trở nên đậm đà, thấm thía, đau xót vì đó là tiếng cười ra nước mắt. Trong tác phẩm văn học, câu văn phải có hồn, tức là câu văn có giọng, có ngữ điệu. Dù bài văn được chọn có thông báo nhiều điều quan trọng nhưng nếu bài văn không có giọng thì đọc lên vẫn nhạt nhẽo, vô vị. Sự phong phú, tính đa nghĩa ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở giọng. Như vậy giọng điệu có vai trò hết sức quan trọng trong tác phẩm văn học. Nó là thái độ, tình cảm, lập trường đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc độ tình cảm …. Giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Với ý nghĩa như vậy chúng tôi tin rằng việc tìm hiểu giọng điệu trào phúng Nam Cao sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nhận ra nét đặc sắc, độc đáo của tiếng cười của nhà văn, đồng thời góp phần chứng minh rằng Nam Cao là một nhà văn đa giọng điệu. Đã có rất nhiều người nói về sự phong phú của giọng điệu Nam Cao. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh và khẳng định rằng tuy không chuyên về trào phúng nhưng giọng cười Nam Cao lại rất phong phú, đa dạng: có vui đùa thoải mái (Rình trộm), có cười cợt giễu nhại (Giăng sáng, Chuyện tình), có mỉa mai nhẹ nhàng (Cười, Sống mòn), có mỉa mai cay độc (Cái mặt không chơi được, Chí Phèo), có mỉa mai triết lí (Một bữa no, Sống mòn, Chí Phèo), có tự trào …. Trong những giọng cười này, tự trào bao giờ cũng nổi lên như một âm chủ. Tự trào là một hình thức châm biếm thú vị. Nam Cao luôn tỉnh táo để phân biệt một cách mẫn cảm, rõ rệt ranh giới giữ cái nghiêm túc và khôi hài, hay và dở, đúng và sai trong bản thân mình. Nam Cao cũng rất thẳng thắn và mạnh dạng để nói ra những nhược điểm, những ý nghĩ buồn cười của bản thân mà châm biếm. Giọng tự trào của Nam Cao được thể hiện trong những tác phẩm có tính trào phúng của ông dưới nhiều dạng thức khác nhau: khi thì tự trào lạnh lùng, lúc lại tự trào hờn dỗi, phổ biến nhất là tự trào cay đắng, chua chát, ngậm ngùi. Nói thể để thấy sắc thái tự trào ở tiếng cười Nam Cao rất phong phú, đa dạng. Những sắc thái cười ấy thường đan xen, trộn lẫn, khó phân biệt rành mạch. Chẳng hạn: “Hỡi thượng đế mà người ta đồn là rất công bình và chỉ làm toàn điều nhân, sao người lại cho tôi một cái mặt tai hại thế này? Một cái mặt.. nó thế nào! Ai chỉ gặp tôi có một lần cũng có cảm tưởng khó chịu về tôi, mặc dù tôi gặp ai cũng cố làm mình không đến nỗi là thằng đáng ghét. Tôi lễ phép, tôi nhã nhặn, hay thân mật tùy trường hợp. Tôi lưu ý mỗi người để chiều người. Thật công toi! Bởi rồi người ta cứ phải ghét tôi, tuy tôi không có cớ để ghét mới khổ cho tôi chứ. Tôi khinh khỉnh ư, tôi ngạo nghễ ư? Tôi lèo lá quá ư? Hay trái lại tôi khúm núm, tôi đê tiện quá. Hay là tôi thô tục. Không, không họ không nói thế. Họ biết tôi không có một tí gì như thế. Nhưng cái mặt tôi trông làm sao ấy. Chao ôi, chao ôi thế thì tôi còn biết làm sao bây giờ! Sinh ra cái mặt tôi là giời”( Cái mặt không chơi được). Ta nhận ra tiếng cười tự trào ở đây có gì là mỉa mai chua chát, pha buồn tủi, những bao trùm vẫn là giọng tự trào lạnh lùng của con người vốn luôn biết yêu thương, nhưng lặng quá, kín đáo quá. Nam Cao là một người nhũn nhặn, khiếm nhường nhiều khi e dè , ít nói. Ông tự phê phán nét tâm lí tính cách này bằng những lời tự trào hờn dỗi: “Y nhớ đến hai tiếng hãi người mà ngày xưa bà y, bố mẹ y vẫn dùng để mắng y, bởi vì y chỉ ru rú ở nhà, chẳng dám đi đâu, chẳng dám đến nhà ai, mà giá có dám đến chơi nhà ai cũng tìm cách lãng đi, bởi chẳng biết nói năng với người ta thế nào. Y đã ngấm ngầm khổ sở rất nhiều vì cái tật hãi người. Y cố sửa nó từ lâu. Mấy năm ở Sài Gòn y đã cố tạo cho y một cá tính khác hẳn cá tính của y. Y ra ngòai thật nhiều, tìm những cuộc họp hội, những chỗ đông người, cố ý bẻn mép, ầm ĩ, trâng tráo, nghênh ngang và luôn luôn tự bảo mình không bao giờ sợ lố. Y cũng chữa mình được ít nhiều. Những y nghiệm ra rằng y chỉ có thể bạo dạn ở những nơi chẳng có người nào biết y thôi, hay là những khi y thuộc vào một bọn đông. Lẻ loi và những chỗ người ta nhẵn mặt mình, vụng về, ngượng ngịu, y vẫn hãi người như xưa. Khổ cho y là y biết rõ hơn ai hết đó là một cái kém cõi, một sự đớn hèn. Và y luôn cáu kỉnh với mình, mạt sát mình “ăn không nên đọi, nói không nên lời thì còn làm được trò trống gì ở trên đời này?” (Sống mòn) Tiếng cười tự trào của Nam Cao chủ yếu hướng vào những người thuộc tầng lớp nình, những con người luôn ý thức một cuộc sống có ý nghĩa nhưng cứ phải sống mòn bởi cảnh “áo cơm ghì sát đất”. Cũng có khi tiếng cười tự trào của ông đậm vị đắng cay của người ước muốn làm điều ngoài tầm với mình.“Y nhớ đến một vài thiếu nữ quen mặt khác, sáng sáng cắp rổ hay xách làn mây đi qua trước cửa trường, y vẫn làm ra vẻ bạo dạng, ra đứng hiên gác để được nhìn thấy họ, trông họ rất tự nhiên. Những lúc ấy chắc mặt y phái vênh váo lắm đấy chứ chẳng chơi đâu! Rõ thật dơ! Giáo khổ trường tư mà cũng đòi nhìn mặt gái tân thời! Liệu lương có đủ tiền cho người ta mua phấn đánh không: bụng toàn rau muống luộc đấy, ai mà còn chẳng biết! Thứ tưởng ra những lời nói chanh chua ấy. Y thấy mình “lố vô cùng” (Sống mòn) Đọc Nam Cao ta thấy giọng văn của ông hết sức phong phú đa dạng. Chỉ ở tự trào giọng văn cũng đã được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Trong “Những chuyện không muốn viết” tiếng cười tự trào của tác giả có gì thật cay đắng, đồng thời cũng là sự hờn dỗi tủi thân “Tôi đã hứa với tôi, chẳng bao giờ viết chuyện mình. Tôi sẽ chẳng bao giờ thèm đả động đến cái tôi-mà cái tôi là đáng ghét. Vẫn biết nhiều bạn đồng nghiệp khả kính của tôi không nghĩ thế. Suốt đời họ, họ chỉ toàn nói về họ. Họ phân tích tâm hồn họ mà họ làm thế chẳng phải là vô ích. Nhưng họ khác mà tôi khác. Cái nghề văn kị nhất cái lối thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Khi người ta nói đến mình là nhận ra mình có một cái gì đáng nói. Còn tôi chẳng có gì. Tâm hồn tôi nó hơi nông. Mà đời tôi thì không có chuyện. Cái tôi của tôi rất xoàng. Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo nghĩ đến cái to tác sao được. Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ con có tiền đong gạo, mua nước mắm và mua ba xu thuốc trốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy có hơn quá quăt. Thật ra tôi có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi…khi khỉ. Tôi cũng muốn vừa có thể phụng sự nghệ thuật lại vừa có thể kiếm tiền về nuôi cả nhà. Nghĩa là tôi ham viết lắm. Những giá thử viết mà không được đồng xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng làm vừa vừa thôi. Cái tôi của tôi thật sự thì nó bỉ ổi như thế đấy. Tôi còn nói đến tôi làm gì. Tôi tìm những cái khác để nói vậy ?” Trên đây là những giọng cười tiêu biểu của Nam Cao, tuy chưa phải là một thống kê đầy đủ nhưng hi vọng phần nào chứng tỏ một phong cách trào phúng đa giọng điệu, nhiều sắc thái. Có được điều này một phần là ảnh hưởng chủ nghĩa hiện thực của Balzac nói chung, phong cách đa giọng điệu Balzac nói riêng. 3.3. Kết luận Vũ Trọng Phụng và Nam Cao là hai nhà văn xuất sắc trong trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam. Trong chương này chúng tôi chỉ xét về giọng điệu của hai tác giả trên và cố gắng chứng minh rằng họ ảnh hưởng phong cách đa gịong điệu của Balzac. Nhưng vì luận văn có giới hạn nên chưa thể đi sâu phần này. Mà chỉ mới khai thác chuỗi cười nhiều giọng điệu của Vũ Trọng Phụng và tiếng cười đa sắc thái của Nam Cao. Qua sự phân tích, có thể nhận thấy Nam Cao gần với Balzac hơn khi tạo cho mình khá nhiều giọng điệu. Nếu Vũ Trọng Phụng nổi trội với giọng giễu nhại thì trong sáng tác của Nam Cao, ngoài giọng cười nhiều sắc thái còn nhiều giọng nổi bật khác như giọng xót xa thương cảm, giọng triết lí….. KẾT LUẬN 1. Tổng kết những luận điểm cơ bản Balzac là một nhà văn có tài. Tài năng của ông không chỉ ở việc ông sáng tác nên một công trình văn học đồ sộ mà hơn thế nữa ông đã phát triển rực rỡ những giá trị nội dung, tư tưởng nghệ thuật của dòng văn học hiện thực Tây Âu thế kỉ XIX. Balzac đã treo một tấm gương sáng về lao động nghệ thuật cần cù, bền bỉ, dũng cảm. Mặc dầu, nhất thời ông có lúc chạy theo cuộc sống xa hoa, kiểu cách quý tộc như những chàng công tử phong lưu Pari mà ông đã vẽ lên trong nhiều tác phẩm của mình. Về căn bản ông vẫn là một người lao động không mệt mỏi như những nhân vật yêu mến nhất trong tác phẩm của ông là D’Arthez, là nhà phát minh David….Ông đã từng nói “Tôi sống một cuộc đời lao động say mê. Lao động là tất cả đối với tôi”. Qua tác phẩm của ông nói chung, giọng điệu nghệ thuật nói riêng, ông đưa ra những nhận định khái quát và chân xác về xã hội Pháp đầu thế kỉ XIX. Ông mỉa mai lề thói hám tiền hơn mạng sống của con người tư sản đang lên, nhưng ông cũng nhận ra sự đau khổ và bế tắc của những nạn nhân trong xã hội thối nát đó để rồi dành cho họ những lời cảm thông tha thiết. Sự nghiệp vĩ đại mà ông để lại đã nói lên rằng ông đã sử dụng những năm tháng trong cuộc đời ngắn ngủi của mình với mức tối đa với hiệu suất phi thường. Chính ông đã từng nói: “Vấn đề cuộc sống chẳng phải là ở thời gian dài hay ngắn của nó mà là ở tính chất lượng, tính đa dạng, ở số lượng những cảm xúc của nó”. Có thể nói ông đã thực hiện được cái chí hướng làm nên một Napoleong trong văn học. Điều chủ yếu là cần khách quan xem xét trong sự nghiệp của ông, ông để lại đã có những gì có ích cho đời. Rõ ràng sự nghiệp sáng tác vĩ đại của Balzac và cả cuộc đời lao động bền bỉ của ông là phần đóng góp tích cực và lớn lao vào nền văn học Pháp và văn học thế giới. Ta cũng không quên rằng sự nghiệp vĩ đại đó đã được tạo nên trong một cuộc đời vẻn vẹn 51 tuổi, với bao nhiêu khó khăn trở lực, qua bao nhiêu đau đớn khổ cực do cái xã hội tư sản đẻ ra để vùi dập tài năng. Balzac là một trong những nhà văn lớn không được đánh giá đúng mức khi còn sống. Cả đội quân báo chí tư sản đương thời, cả giới phê bình tư sản đương thời đã vây quanh để chửi bới, vu khống, mạt sát, rẻ rúng ông bởi chính ngay cái tội đã làm ông trở nên vĩ đại. Đó là bóc trần bộ mặt xấu xa ghê tởm của chính giai cấp ông, giai cấp tư sản. Có lần ông viết cho bà Hanska: “Ở nước Pháp người ta sẽ bị khốn đốn một khi người ta tự ghi cho mình tiếng tăm và được hoan nghênh lúc sinh thời. Chửi rủa, vu cáo, mạt sát, tất cả những cái đó giày vò tôi. Một ngày kia, người ta sẽ biết rằng, nếu tôi đã sống bằng ngòi bút của tôi thì chẳng hề có đồng chinh nào lọt qua túi của tôi mà không phải do khó nhọc và cần cù mới kiếm được. Tôi thật dửng dưng với mọi lời chê khen. Tôi đã xây dựng sự nghiệp của tôi giữa những tiếng la căm hờn, những làn đạn văn học. Tôi tiến lên với bàn tay vững vàng và không nao núng”. Muốn trở thành một nhà văn hiện thực ở thời đại cũ thì phải có can đảm, dũng khí. Cái tinh thần dũng cảm đó, chính là một đặc điểm gắn chặt với chủ nghĩa hiện thực phê phán. Ta không quên rằng, chính Max và Enghen đã phát hiện một cách đúng mức và sâu sắc giá trị xã hội của sự nghiệp văn học của Balzac. 2. Kết quả nghiên cứu đạt được Tìm ra 3 giọng điệu nghệ thuật thường được nhà văn Balzac sử dụng: giọng lạnh lùng khách quan, giọng trào phúng chế giễu, giọng trữ tình lãng mạn. Mỗi giọng điệu phản ánh một cách nhìn, cách đánh giá của tác giả với thực tại xã hội. Tự nhận mình là thư kí của thời đại, Balzac đã đứng ra kể lại một cách chân thực khách quan về những gì ông mắt thấy tai nghe. Trước thời đại đảo điên vì sức mạnh của kim tiền ông buộc phải đánh vào nó những lời phán xét chua cay, những câu mỉa mai trào phúng. Trong văn Balzac ta còn bắt gặp những lời nói thân tình của một trái tim yêu thương dành tặng cho những cuộc đời bi kịch, nhưng vì chọn chỗ đứng trong hàng ngũ của nhà văn hiện thực nên ông phải nhiều lần cố nén lại cảm xúc của chính mình. Đến đây chúng ta đã có một vài ý niệm về nền văn học Pháp thế kỉ XIX. Đây là một thế kỉ chứng kiến và thể hiện sự phát triển của đồng tiền tư bản. Những đồng tiền tư bản có mặt trái ghê gớm của nó. Nó có thể đảo lộn nhân cách và số phận con người. Bởi thế nhà lao động và những nhà văn có lương tâm tất yếu phải đối lập với thế lực của đồng tiền. Chủ nghĩa lãng mạn và hiện thực hiện thực phê phán đều xuất phát từ thái độ chung: phủ định xã hội tư sản đó. Chủ nghĩa lãng mạn chán cái thực trạng đen tối của xã hội và không muốn nhìn thấy nó nữa, nên tìm đến những ước vọng tốt đẹp của tâm hồn, hồi tưởng những cảnh êm đềm quá khứ, hoặc vươn lên cải cách tương lai. Trong khi đó chủ nghĩa hiện thực phê phán phủ định cái ác của xã hội tư sản bằng cách bóc trần nó ra như Balzac đã làm. 3. Hạn chế của luận văn Sự nghiệp văn học mà Balzac để lại thật lớn lao, bộ “Tấn trò đời” đã có 97 tiểu thuyết, nhưng luận văn này chỉ khai thác được 3 tiểu thuyết tiêu biểu, quen thuôc nhất, đây là sự hạn chế về số lượng của luận văn. Tinh thần của luận văn là “cảm nhận” vì vậy nó mang nhiều ý kiến chủ quan của người viết, điều này cũng là hạn chế của luận văn. Luận văn được hoàn thành bởi một sinh viên còn nhiều hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm nên không tránh khỏi những thiếu sót về tri thức, những yếu kém về năng lực. Vì vậy chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quí thầy cô, quý bạn đọc để luận văn ngày càng hoàn thiện hơn. 4. Hướng phát triển của đề tài Thời gian sau, khi đã hoàn thiện hơn về tri thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời được tạo điều kiện nghiên cứu tôi sẽ phát triển đề tài này thành: “CẢM NHẬN GIỌNG ĐIỆU NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN BALZAC TRONG BỘ TẤN TRÒ ĐỜI”. Hết

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfsv_tr_n_th_thu_linh_1685.pdf
Luận văn liên quan