Hình ảnh Hồ Chí Minh với tấm gương đạo đức cao quý của Người luôn im đậm
trong trái tim mỗi người dân Việt Bắc nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung.
Ngày nay trở lại Việt Bắc - "thủ đô gió ngàn", thăm lại ATK xưa, con người và mọi vật
đều thay đổi cùng sự đổi mới và hội nhập quốc tế của toàn dân tộc. Song tình cảm của các
thế hệ của người Việt Bắc vẫn không hề thay đổi. Hình ảnh của Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn
trong trái tim của đồng bào và cùng đồng bào trên bước đường đổi mới quê hương. Giữa
ATK Định Hóa xưa, ngày nay nhà tưởng niệm Bác Hồ và khu di tích về cuộc sống của Bác
Hồ khi Người ở Việt Bắc là một minh chứng hùng hồn về hình ảnh. Hồ Chí Minh vẫn sống
mãi trong lòng dân tộc Việt Bắc, trong lòng dân tộc Việt Nam.
100 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3636 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà
mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn [11, tr. 213].
Quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng của Hồ Chí Minh và Đảng ta là
một quyết định hết sức sáng suốt, góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng
Tháng Tám.
Việc nắm được thời thế cách mạng là hết sức quan trọng, vì từ đó mới có được
những quyết sách đúng đắn. Hồ Chí Minh đã từng nói:
"Lạc nước hai xe đều bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công".
Đó chính là tư tưởng về thời cơ trong cách mạng, một yếu tố vô cùng quan trọng
đưa cách mạng đến thắng lợi. Trong thực tế chỉ đạo cách mạng ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh
đã từng có quyết định kịp thời sáng suốt, cứu cách mạng khỏi thất bại. Tháng 8/1945
Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng họp và quyết định phát động chiến tranh du kích trong toàn
tỉnh, tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Lúc cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc -
Lạng sắp nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi thoát khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch
và ở tại Trung Quốc hoạt động một thời gian, Người đã về đến Cao Bằng, tháng 10/1944 sau
khi nghe báo cáo nghị quyết của Liên tỉnh ủy về vấn đề khởi nghĩa, Người chỉ thị phải
hoãn ngay cuộc khởi nghĩa. Người cho rằng, nghị quyết của Liên tỉnh ủy mới chỉ căn cứ
vào tình hình địa phương mà chưa bao quát tình hình chung cả nước, mới chỉ thấy bộ
phận mà chưa thấy toàn cục.
Quyết định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tránh cho phong trào cách
mạng Cao - Bắc - Lạng những tổn thất chưa lường trước được phương hướng đúng đắn.
Phương hướng đúng đắn mà Người đề ra đã giúp cho phong trào Cao - Bắc- Lạng bảo vệ
được lực lượng và tiếp tục phát triển với những bước đi vững chắc.
Khi thời cơ đến, Hồ Chí Minh lại quyết định nhanh chóng, dứt khoát. Vào cuối
tháng 7/1945 tại lán Nà Lừa, trong lúc ốm nặng, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên
Giáp "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy
Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" [63, tr. 267]. Nhờ chuẩn bị
chu đáo và chớp thời cơ kịp thời, Cách mạng Tháng Tám đã thành công nhanh chóng,
nước ta giành được độc lập tự do.
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, bằng nỗ lực ngoại giao
của mình, Hồ Chí Minh đã hòa hoãn với Pháp để ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng
kháng chiến, Người đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và tạm ước Việt Pháp
(14/9/1946). Song với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp đã ngày càng lấn tới, Hồ Chí
Minh đã cùng Trung ương Đảng đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
Trong quá trình ta kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã có những
quyết định rất phù hợp với thời thế cách mạng. Năm 1950 ta quyết định mở chiến dịch
Biên Giới, Người đã trực tiếp ra tận mặt trận để chỉ đạo chiến dịch. Người đã phân tích
tầm quan trọng của chiến dịch này, rồi nói với các chiến sĩ: Trong trận này, các chú chỉ
được phép thắng, không được phép thua! [4, tr. 132]. Và chiến dịch Biên Giới ta đã giành
thắng lợi, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến. Đến Đông - Xuân 1953 -
1954 ta quyết định mở chiến dịch lớn, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại ATK ở
Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có những quyết định quan trọng, đưa đến
thắng lợi của cuộc kháng chiến, trong đó đặc biệt phải nói đến quyết định trong chiến
dịch Điện Biên Phủ từ kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
Có thể nói rằng, sự lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nghệ
thuật tài tình, rất linh hoạt, sáng tạo, khoa học. Nhờ vậy, mặc dù lực lượng của ta nhỏ,
yếu, hoàn cảnh kháng chiến có nhiều khó khăn song chúng ta đã chiến thắng.
3.1.2.8. Tư tưởng về Nhà nước cách mạng
Ngay từ năm 1930, trong "Chánh cương vắn tắt" Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm
vụ chính trị của cách mạng Việt Nam là "Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong
kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. Dựng ra Chính phủ công nông binh. Tổ
chức ra quân đội công nông" [82, tr. 1].
Đến tháng 5 năm 1941, Nghị quyết Trung ương tám đã khẳng định rõ về chế độ
chính trị và chính quyền Việt Nam: Sau khi đánh đuổi được Pháp, Nhật sẽ thành lập một
nước Việt Nam dân chủ mới. Chính quyền cách mạng không phải thuộc riêng một giai
cấp nào mà là của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ bọn tay sai của đế quốc Pháp, Nhật.
Khi chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh đã có một nhận thức rõ ràng về nhà
nước Việt Nam: Một chính quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân, phải là một chính
quyền hợp pháp, hợp hiến.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khi cuộc đảo chính Nhật đối với Pháp nổ ra
vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã
đề ra chủ trương: "Thành lập chính quyền Cách mạng" ở các căn cứ địa, các khu giải
phóng.
Đầu tháng 8 năm 1945, mặc dù tình hình rất khẩn trương, việc liên lạc với các
địa phương trong cả nước rất khó khăn, Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết triệu tập Đại hội
quốc dân Tân Trào. Ngày 16/8/1945 Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang).
Tham dự có hơn 60 đại biểu Bắc - Trung - Nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại
biểu của các Đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Đại
hội đã bầu ra ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm năm người: Hồ Chí Minh, Trần
Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.
Ngày 17/8/1945, trước đình Tân Trào, thay mặt ủy ban giải phóng dân tộc Việt
Nam, Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trong buổi lễ ra mắt quốc dân.
Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào ủy ban giải
phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng
liêng của Tổ Quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra
sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến
giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề [63, tr 274-275].
3.1.2.9. Tư tưởng về xây dựng chế độ mới
Từ rất sớm Hồ Chí Minh đã mang trong mình tư tưởng vì nhân dân. Người tìm
đường cứu nước, hoạt động cách mạng gian khổ cũng là vì nhân dân. Chính vì vậy, ở đâu
thời kỳ nào Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc xây dựng đời sống vật chất, văn hóa
tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt trong thời kỳ ở Việt Bắc, mặc dù điều kiện vô cùng khó
khăn gian khổ, nhưng Người đã rất chú trọng vấn đề này.
Trong căn cứ địa Việt Bắc, ngay sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã quan tâm
đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phong trào phát động tăng gia sản xuất
được đẩy mạnh trong cả sáu tỉnh (Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái). Phong trào bình
dân học vụ, xóa nạn mù chữ đã diễn ra sôi nổi. Nhiều lớp học sơ cấp được mở, con em
các dân tộc được đến học. Báo chí được phát hành khá rộng rãi trong khu giải phóng,
tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, mười chính sách lớn của Việt Minh và
hướng dẫn nhân dân trong khu giải phóng thực hiện. Hoạt động văn nghệ cũng phong
phú, góp phần đổi mới bộ mặt căn cứ địa.Việc bài trừ mê tín, các hủ tục, các nạn cờ bạc,
rượu chè, nghiện hút, trộm cắp... được tiến hành. Đồng thời việc phổ biến nội dung thực
hiện "đời sống mới" được các Hội cứu quốc và chính quyền cách mạng các cấp chú ý
hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân thực hiện.
Dưới sự lãnh đạo của ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí
Minh đứng đầu, nhân dân đã phát huy cao độ lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng,
hăng hái xây dựng căn cứ địa Việt Bắc về mọi mặt. Lúc đó căn cứ địa Việt Bắc là hình
ảnh của "Nước Việt Nam mới ra đời... Một phần Bắc Bộ đã thực tế đặt dưới chính quyền
cách mạng" [4, tr. 132].
Trong thời kỳ chống Pháp, khi sống và làm việc ở ATK, Hồ Chí Minh luôn quan
tâm đến việc xây dựng đời sống mới của nhân dân. Người luôn nhắc nhở cán bộ quan
tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục trong nhân dân.
Nói tóm lại, từ 1941 đến 1945; từ 1946 đến 1954 là thời kỳ mà tư tưởng Hồ Chí
Minh về nhiều mặt tiếp tục phát triển và đi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Với "thiên
thời, địa lợi, nhân hòa", mảnh đất Việt Bắc là cái nôi đã sản sinh và nuôi dưỡng tư tưởng Hồ
Chí Minh, tiếp tục được phát triển hoàn thiện ở các giai đoạn sau.
3.2. Một số bài học kinh nghiệm
3.2.1. Chọn địa bàn làm căn cứ cách mạng và kháng chiến là vô cùng quan
trọng
Ngày nay, xu thế chung của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển song vẫn
có những cuộc chiến tranh sắc tộc, biên giới, tôn giáo..., vì vậy việc xây dựng căn cứ địa
đề phòng khi có chiến tranh vẫn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết đối với
mỗi quốc gia, dân tộc. Vấn đề quan trọng đặt lên hàng đầu đó là chọn địa bàn làm căn cứ
cách mạng kháng chiến.
Việc chọn Việt Bắc là nơi xây dựng căn cứ địa trong Cách mạng Tháng Tám và
kháng chiến chống Pháp của Hồ Chí Minh và Đảng ta đã để lại nhiều kinh nghiệm quý
báu về vấn đề này: xây dựng căn cứ địa cần phải có đủ các điều kiện thuận lợi về thiên
thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó điều kiện nhân hòa là quyết định nhất.
Về địa thế: căn cứ địa Việt Bắc được xây dựng trên một vùng đất rộng lớn, chủ
yếu là núi rừng, có xen kẽ những cánh đồng hoặc soi bãi rải rác ven sông, suối, dọc các
thung lũng v.v... rừng rậm bạt ngàn, các dãy núi trùng điệp. Nhiều dãy núi đá vôi có
những hang động thiên nhiên rất lớn. Địa thế hiểm trở đó đã giúp cho việc bí mật gây
dựng lực lượng cách mạng lúc đầu và trở thành địa bàn thuận lợi cho lực lượng vũ trang
cách mạng đánh du kích lâu dài, tiêu hao lực lượng địch và dễ dàng phát triển, duy trì lực
lượng của ta.
Phía Bắc căn cứ địa Việt Bắc giáp Trung Quốc. Vùng biên giới Việt- Trung là
nơi cách mạng hoạt động rất thuận lợi và qua đấy có thể liên lạc được với phong trào
cộng sản quốc tế và cách mạng Trung Quốc. Lực lượng cách mạng Việt Nam và lực
lượng cách mạng Trung Quốc có thể nương tựa vào nhau hoạt động. Nhờ đó, Việt Bắc
sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu được ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười
Nga vĩ đại, nhanh chóng xây dựng các cơ sở Đảng.
Việt Bắc lại là cửa ngõ của miền xuôi, nên phong trào cách mạng Việt Bắc vừa
tranh thủ được sự lãnh đạo của Ban chỉ huy Hải ngoại, lại vừa tranh thủ được giúp đỡ và
chỉ đạo của Trung ương ở dưới xuôi.
Phía nam căn cứ địa Việt Bắc là vùng trung du, đồng bằng. Từ Thái Nguyên về
Hà Nội 80 ki-lô-mét. Do đó, gặp thời cơ thuận lợi, lực lượng vũ trang cách mạng có thể
tiến nhanh, phát huy thắng lợi, và nếu gặp khó khăn có thể lui về bảo vệ an toàn lực
lượng. Cũng do đó mà trong thời kỳ bí mật, Đảng ta đã lập được một đường dây liên lạc
giữa trung ương ở trong nước với bộ phận Hải ngoại bằng con đường quần chúng đi qua
phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai (Thái Nguyên cũ) lên Lạng Sơn.
Theo triền núi phía đông Việt Bắc có thể liên lạc được với biển Hải Phòng
Theo các triền núi phía tây, Việt Bắc liên lạc được với khu Tây Bắc và các tỉnh
miền núi Trung Bộ.
Nói chung Việt Bắc có vị trí rất cơ động "tiến có thể đánh, lui có thể giữ"
Về kinh tế: Tài nguyên ở Việt Bắc vô cùng phong phú, nhưng chưa được khai
thác. Nhân dân sinh hoạt trong điều kiện tự cấp tự túc. Tuy nhiên bằng sức lao động cần
cù của mình và dựa vào thiên nhiên phong phú, nhân dân các dân tộc Việt Bắc, ngoài
việc tự bảo đảm cuộc sống, còn có thể nuôi được lực lượng vũ trang cách mạng và đóng
góp để mua sắm trang bị cho lực lượng vũ trang.
Nếu có bị quân thù đế quốc, tay sai uy hiếp về quân sự, bao vây về kinh tế thì lực
lượng vũ trang cách mạng vẫn có thể tồn tại và phát triển bằng kinh tế sẵn có trong căn
cứ địa.
Về điều kiện nhân dân, ta thường gọi là "nhân hòa". Xây dựng căn cứ địa trên đất
Việt Bắc thật là đặc biệt thuận lợi. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc có truyền thống lâu đời
và rất vẻ vang, cùng đoàn kết chặt chẽ bên nhau để đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Xưa kia, mỗi lần quân phong kiến phương Bắc đến xâm lược, nhân dân các dân
tộc Việt Bắc lại đoàn kết cùng nhân dân cả nước chiến đấu rất oanh liệt.
Trong cuộc kháng chiến của triều đình nhà Lý chống quân Tống xâm lược, Nùng
Chí Cao đã lãnh đạo nhân dân vùng Cao Bằng ngăn quân Tống tràn sang nước ta ở mặt
này và Thân Cảnh Phúc đã tổ chức đồng bào Tày Quang Lang (Lạng Sơn) đánh du kích
quấy rối quân Tống.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn
Lĩnh (Chi Lăng, Lạng Sơn), Hà Bổng, Hào Đặc (Tuyên Quang), lãnh đạo đồng bào các
dân tộc phối hợp chiến đấu với quân triều đình nhà Trần đánh cho quân địch thua chạy
tơi bời.
Thời Lê, trong trận Chi Lăng Lịch sử chém đầu tướng Liễu Thăng của nhà Minh,
tướng Lưu Nhân Chú (người Đại Từ, Thái Nguyên) và thủ lĩnh dân binh người Tày Lý
Huề (người Chi Lăng, Lạng Sơn) đã cùng nhân dân địa phương đóng góp nhiều công lao
to lớn vào chiến thắng chung của dân tộc.
Từ khi thực dân Pháp đem quân đánh phá Bắc Kỳ, cùng với nhân dân cả nước,
nhân dân các dân tộc Việt Bắc liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa như: khởi nghĩa của Lương
Tuấn Tú ở Cao Bằng (1881-1885); khởi nghĩa của Hà Quốc Chương (1891-1896) và Sùng
Mí Chảng (1912-1913) dân tộc Mèo ở Hà Giang...
Nhân dân Việt Bắc cũng như nhân dân cả nước khát khao độc lập tự do. Khi
Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng, nhân dân các dân tộc Việt Bắc nhanh chóng tiếp thu
đường lối cách mạng của Đảng; kiên quyết đi theo con đường cách mạng mà Đảng đã
vạch ra. Trải qua các thời kỳ 1930 - 1931 và 1936 - 1939, nhân dân Việt Bắc đã đứng dậy
đấu tranh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.
Đến thời kì 1939-1945, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, với những chủ
trương chính sách mới đúng đắn, Đảng ta đã thu hút tất cả già trẻ, gái trai, các tầng lớp,
các dân tộc đoàn kết chặt chẽ trong mặt trận Việt Minh, phát huy sức mạnh chiến đấu của
đồng bào cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Căn cứ địa Việt Bắc có đầy đủ các điều kiện thuận lợi địa lý, kinh tế, nhân dân,
trong đó nhân dân là điều kiện thuận lợi, căn bản, quyết định nhất. Từ đó chúng ta thấy
rằng: Muốn xây dựng, duy trì và phát triển căn cứ địa cách mạng, phải tranh thủ được
lòng dân. ở đâu có dân, được quần chúng nhân dân ủng hộ, tổ chức được quần chúng
cách mạng, thì có thể xây dựng được căn cứ địa vững chắc. Trường hợp không có núi,
không có rừng mà có dân, được nhân dân ủng hộ và tổ chức được nhân dân tham gia thì
căn cứ địa cách mạng sẽ có "rừng người, núi người" thay cho rừng núi thiên nhiên che chở.
3.2.2 Nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, dựa vào dân, có dân là có tất cả
Từ xưa đến nay, ở bất cứ thời đại nào sức mạnh của nhân dân là lực lượng vô
địch. Dựa vào dân thì sự nghiệp dựng nước và giữ nước sẽ thành công. Trong thời kỳ phong
kiến ở nước ta, triều đại nào gần dân, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận thì đất nước
vững mạnh, triều đại hưng thịnh. Triều Trần, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông - một
đế quốc hùng mạnh ở châu á là ví dụ điển hình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến
chiến thắng vĩ đại đó là "vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức".
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa
Mác- Lênin, coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ
đầu đã xác định, cách mạng là của số đông quần chúng, chứ không phải của một hai
người. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ chí Minh ngay từ đầu đã nắm vững quan điểm
cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Ngay từ khi giảng
bài cho lớp huấn luyện cán bộ, gồm hơn 40 học viên ở Quảng tây (Trung Quốc), nhằm
chuẩn bị cho việc thành lập mặt trận dân tộc thống nhất ở nước ta, Bác đã căn dặn học
viên kĩ lưỡng năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân:
Năm điều nên làm là:
1. Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày.
2. Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng.
3. Học tiếng địa phương, dạy hát dạy chữ, gây tình cảm tốt với dân.
4. Tùy nơi, tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp.
5. Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật; do
đó dân càng tin và giúp ta.
Năm điều nên tránh là:
1. Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa ruộng vườn
của dân.
2. Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được
3. Tránh sai lời hứa.
4. Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân
5. Tránh lộ bí mật.
Từ khi Bác Hồ đặt chân về nước, nhờ có dân, Người đã có chỗ đứng chân vững
chắc. Trong những ngày đầu gian khó ấy, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đón Bác
trong tình cảm nồng ấm thân thương và đã giành cho Người sự quan tâm đặc biệt, che
chở, giúp đỡ Người hết sức tận tình. Từ Pác Bó (Cao Bằng) đến lán Là Nừa, ở Sơn
Dương (Tuyên Quang) đến ATK Định Hóa (Thái Nguyên), dựa vào dân, nhờ dân Bác đã
vượt qua bao gian khó, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến bờ vinh quang.
Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi của cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) là một thực tiễn sinh động
chứng minh chân lý có dân là có tất cả. Nhân dân là người làm nên lịch sử; mọi việc đều
do người làm ra.
Hiện nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn luôn quán
triệt tư tưởng lấy dân làm gốc. Mọi chính sách của Đảng đều được xây dựng trên cơ sở ý
nguyện chung của nhân dân, phù hợp với ý nguyện chung của quảng đại nhân dân. Trên
tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhân dân ngày càng được tham gia rộng
rãi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Sức mạnh toàn dân một lần nữa lại được phát huy
trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khối đại đoàn kết toàn dân sẽ
tạo nên sức mạnh vô bờ bến có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách. Như Bác Hồ đã nói:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu.
Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
3.2.3. Nước ta là một quốc gia đa dân tộc. Chính sách đúng đắn, hợp lý với
các dân tộc, đặc biệt với các dân tộc thiểu số và miền núi như chăm lo dân sinh, dân
trí, dân quyền, dân chủ là vô cùng cần thiết và quan trọng
Là một quốc gia đa dân tộc, Việt Nam có nền văn hóa lâu đời có cội nguồn từ
nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc, thống nhất, trong tính đa dạng với những đặc trưng
mang tính tộc người, tính khu vực và sắc thái địa phương rõ rệt. Việt Bắc là khu vực sinh
sống của nhiều tộc người thiểu số, bên cạnh đó cũng có một bộ phận dân tộc Kinh. Trước
khi có Đảng, cuộc sống của đồng bào lầm than cơ cực, cơm không đủ no. Từ khi có
Đảng, cuộc sống của đồng bào dần dần được đổi mới. Đặc biệt từ khi Bác Hồ về nước,
Người chọn nơi đây là chỗ đứng chân để lãnh đạo cách mạng, đồng bào Việt Bắc trực
tiếp được người chỉ bảo, lãnh đạo làm cách mạng.
Bác Hồ như ngọn đuốc soi đường cho đồng bào các dân tộc. Người là ngọn cờ
hiệu triệu, quy tụ, đoàn kết đồng bào. Bằng những chính sách đúng đắn, hợp lý, hợp tình,
Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức, động viên, giáo dục được đồng
bào các dân tộc Việt Bắc đứng lên làm cách mạng. ở Việt Bắc - nơi có nhiều dân tộc ít
người, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài những chính sách, đường lối chung, còn đề
ra những chính sách dân tộc đúng đắn, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, nhằm
đoàn kết tất cả các dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất.
Để tạo điều kiện cho các dân tộc Việt Bắc phát huy hết khả năng cách mạng của
mình, đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Việt Minh, hồi đó Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng
còn tổ chức ra những khu vận động cách mạng trong các dân tộc thiểu số vùng cao như:
khu Quang Trung, Thiện Thuật và tổ chức nhiều cuộc liên hoan dân tộc. Một trong những
vấn đề được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt trong chính sách dân tộc
là luôn chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc trở thành người lãnh đạo các cấp
các ngành (Đảng, Mặt trận, chính quyền, quân đội...) ở địa phương. Nhờ có sức mạnh vật
chất, tinh thần và lực lượng đồng bào đóng góp, chúng ta đã làm nên thành công của
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 -
1954).
Ngày nay, Đảng ta đã có những chính sách ưu tiên đối với đồng bào các dân tộc
thiểu số nói chung, đồng bào các dân tộc Việt Bắc- Quê hương cách mạng nói riêng.
Song đời sống của đồng bào ở nhiều nơi vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần
phải có sự quan tâm hơn nữa đối với sự phát triển và đời sống của đồng bào nơi đây. Bởi
vì, Việt Bắc là một trong những vùng phên dậu của đất nước trong mọi thời kỳ, đời sống
của đồng bào được ổn định và phát triển thì vùng biên cương phía bắc của chúng ta càng
thêm vững mạnh.
Ngày nay dân tộc ta đang sống trong hòa bình, song các thế lực thù địch thường
xuyên ngấm ngầm tìm mọi cách chống phá. Đặc biệt là chúng thường lợi dụng vùng đồng
bào các dân tộc thiểu số để tìm cách tuyên truyền phản động, chống đối chế độ và nhà
nước của ta. Trong hoàn cảnh ấy, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là vô cùng quan
trọng.
Đảng ta coi việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ
có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Sau khi thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sớm đề ra chính sách
đối với các dân tộc thiểu số. Đó là chính sách "Đoàn kết tất cả các dân tộc trên nguyên
tắc bình đẳng tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do, hạnh phúc chung" [115, tr. 177]. Đây
là sự vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân
tộc vào điều kiện cụ thể Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng: Cách mạng dân tộc dân
chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính sách đó được Đảng bổ sung và phát triển cho
phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV
(1976) của Đảng nêu rõ: Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình
đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự
chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc ít người và các dân tộc đông
người, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các
dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng
tiến bộ cùng làm chủ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa [115, tr. 177-178].
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V ghi:
"Đảng phải lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV về chính
sách dân tộc, đồng thời tiếp tục nghiên cứu giải quyết kịp thời những vấn đề mới về công
tác dân tộc của đảng. Phải tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc trên nguyên
tắc bình đẳng tương trợ cùng làm chủ tập thể".
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhấn mạnh:
Đoàn kết bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc cùng xây dựng cuộc sống
ấm no hạnh phúc, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là
chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước ta. Có chính sách phát triển kinh tế hàng hóa
ở các vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng từng dân tộc,
bảo đảm cho đồng bào khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và
đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tôn trọng tiếng nói và có chính
sách dân tộc đúng đắn về chữ viết đối với các dân tộc. Đặc biệt là chính sách khắc phục
tình trạng suy giảm dân số đối với một số dân tộc ít người.
Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách quan tâm đối với các dân tộc thiểu
số và miền núi đặc biệt là vùng căn địa Việt Bắc. Bộ mặt của Việt Bắc đã thay đổi hơn
trước rất nhiều, song cuộc sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về
kinh tế. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng Đảng và Nhà nước cần có những chính sách, biện
pháp thiết thực hơn nữa để nâng cao đời sống đồng bào về mọi mặt.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII nhấn mạnh:
Về vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược. Thực hiện "bình đẳng, đoàn kết, tương
trợ" giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xây dựng luật dân tộc. Từ nay đến năm 2000, bằng nhiều biện pháp tích cực và vững
chắc, thực hiện cho được ba mục tiêu chủ yếu: xóa được đói, giảm được nghèo, ổn định
và cải thiện được đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng
biên giới; xóa được mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt
đẹp của các dân tộc; xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các
dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch và vững mạnh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX nhấn mạnh:
Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp
cách mạng. Thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương tự, giúp nhau
cùng phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa,
chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo, mở mang dân trí, giữ gìn,
làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thực hiện
công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng
gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiến. Tích cực thực
hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số. Động viên,
phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương.
Chống kì thị, chia rẽ dân tộc; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực
đoan, khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định:
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các
dân tộc cùng sinh sống trên đất Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng
đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị chia rẽ dân tộc. Các
dân tộc có quyền dùng tiếng nói giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy phong tục tập quán
truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về
mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào thiểu số.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chính sách quan tâm tới đời sống của đồng
bào các dân tộc Việt Bắc, đặc biệt là vùng ATK trong kháng chiến, bộ mặt quê hương
Việt Bắc đã và đang có nhiều thay đổi, song cuộc sống của đồng bào vẫn còn gặp rất
nhiều khó khăn. Lên thăm Việt Bắc, đến ATK Định Hóa, Tân Trào (Sơn Dương- Tuyên
Quang), Pắc Bó (Cao Bằng)… ta còn gặp rất nhiều nhà mái lá, cuộc sống của đồng bào
còn gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần. Thiết nghĩ Đảng và
Nhà nước cần có những chính sách thiết thực hơn nữa để xóa đói giảm nghèo, cho cuộc
sống của đồng bào được nâng cao hơn cả về vật chất và tinh thần, để Việt Bắc có thể phát
huy được truyền thống cách mạng tiến kịp miền xuôi trên con đường đổi mới và phát
triển.
Kết luận
Đề tài "Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Việt Bắc (1941-1954)" là một vấn
đề mới mẻ. Qua nghiên cứu có thể rút ra một số kết luận như sau:
1. Từ sau khi về nước lấy Cao Bằng làm chỗ đứng chân, và khi cuộc kháng chiến
toàn quốc bùng nổ, lấy Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn làm ATK, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đặc biệt quan tâm tới đồng bào Việt Bắc. Sự quan tâm của Người dựa trên sự hiểu
biết, đánh giá đúng đắn về lịch sử và con người Việt Bắc.
Việt Bắc là một vùng có địa thế hiểm trở đã giúp cho việc bí mật gây dựng lực
lượng cách mạng lúc đầu và trở thành địa bàn thuận lợi cho lực lượng vũ trang cách
mạng đánh du kích lâu dài, tiêu hao lực lượng địch và dễ dàng phát triển, duy trì lực
lượng của ta. Phía bắc của Việt Bắc giáp Trung Quốc, phía nam là vùng trung du, là cửa
ngõ của miền xuôi. Theo các triền núi phía đông, Việt Bắc có thể liên lạc với biển và Hải
Phòng.
Theo các triền núi phía tây, Việt Bắc liên lạc được với khu Tây Bắc và các tỉnh
miền núi trung bộ.
Tóm lại, căn cứ địa Việt Bắc có vị trí rất cơ động, "Tiến có thể đánh, lui có thể
giữ".
Tài nguyên ở Việt Bắc vô cùng phong phú, nhưng chưa được khai thác. Nhân dân
sinh hoạt trong tình trạng tự cấp tự túc. Nếu có bị kẻ thù bao vây thì lực lượng vũ trang cách
mạng vẫn có thể tồn tại và phát triển bằng kinh tế sẵn có.
Nhân dân các dân tộc Việt Bắc cũng như nhân dân cả nước khát khao độc lập tự
do, khát khao cuộc sống hạnh phúc. Cho nên khi Đảng lãnh đạo cách mạng, thì nhân dân
các dân tộc Việt Bắc nhanh chóng tiếp thu đường lối cách mạng của Đảng, kiên quyết đi
theo con đường cách mạng mà Đảng đã vạch ra. Đặc biệt từ khi Hồ Chí Minh về nước
(1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng đã soi sáng con đường đi cho đồng bào. Với sự thay
đổi chiến lược cách mạng (từ Hội nghị Trung ương VI (1939), VII (1940), VIII (1941),
Đảng ta đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đề ra những chủ trương chính sách
mới rất đúng đắn, cho nên đã thu hút tất cả già trẻ, gái trai, các tầng lớp, các dân tộc đoàn
kết chặt chẽ trong Mặt trận Việt Minh và đã phát huy được sức mạnh chiến đấu của đồng
bào các dân tộc cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Việt Bắc có đủ điều kiện "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Trong đó điều kiện
"nhân hòa" là điều kiện thuận lợi cơ bản và quyết định nhất.
2. Bác Hồ với đồng bào Việt Bắc (1941- 1954) cũng chính là sự quan tâm của
Người tới cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược. Đó chính là sự quan tâm tới sự tồn vong của đất nước. Vì vậy Hồ Chí Minh đã chú
ý toàn diện mọi mặt.
Trước hết, xây dựng lực lượng chính trị, củng cố khối đoàn kết các dân tộc Việt
Bắc.
Cái vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã nhìn thấy ở nhân dân lực lượng quyết
định thắng lợi của cách mạng. Người nói: Nước lấy dân làm gốc.Dân chúng (công nông) là
gốc Cách mạng. Có lực lượng của dân, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Lý
tưởng cách mạng đã đi vào lòng của đông đảo nhân dân thì biến thành sức mạnh vật chất,
không máy bay, đại bác nào chống lại được.
Thời gian ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xây dựng khối đoàn kết
giữa các dân tộc. Người thường nhắc nhở và chỉ ra những phương pháp để cán bộ tạo mối
đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Tư tưởng đoàn kết lực lượng cách mạng của Hồ Chí Minh được hiện thực hóa
bằng sự ra đời của Mặt trận Việt Minh. Từ nơi thí điểm là Cao Bằng, Mặt trận Việt Minh
đã phát triển khắp Việc Bắc và cả nước. Hồ Chí Minh đã có những phương pháp hữu
hiệu để tập hợp quần chúng. Người đã sáng lập ra báo Việt Lập- Công cụ tuyên truyền
đắc lực của Mặt trận Việt Minh. Nhiều bài thơ, văn vần dễ nhớ dễ thuộc của Hồ Chí
Minh đã được ra đời, với mục đích kêu gọi nhân dân đoàn kết để giải phóng dân tộc.
Đồng bào Việt Bắc muôn triệu người như một đoàn kết xung quanh đảng và Bác Hồ để
làm cách mạng giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc.
Hai là, xây dựng lực lượng vũ trang.
Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh
không những chú trọng việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, mà còn rất chú
trọng đến xây dựng lực lượng vũ trang. Quan điểm của Người là xây dựng lực lượng vũ
trang phải trên cơ sở lực lượng chính trị của quần chúng. Và trên thực tế lực lượng vũ
trang thời kỳ đầu được xây dựng ở Việt Bắc được lựa chọn từ quần chúng và phát triển
dần dần từ nhỏ đến lớn. Song song với việc phát triển lực lượng vũ trang về số lượng, Hồ
Chí Minh rất coi trọng phát triển về chất lượng. Người rất coi trọng đào tạo cán bộ quân
sự làm nòng cốt. Để phục vụ cho việc đào tạo cán bộ quân sự Hồ Chí Minh đã trực tiếp
soạn và dịch những tác phẩm về quân sự. Khi lực lượng vũ trang đã phát triển Người đã
chỉ thị cho thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944.
Khi thời cơ cách mạng đến, để chuẩn bị lực lượng đón thời cơ Người đã chỉ thị sáp nhập
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng
quân.
Cái vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là đã sáng lập ra lực lượng vũ trang nhân
dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong chỉ đạo phát triển lực lượng vũ
trang người đã rất linh hoạt sáng tạo phù hợp với điều kiện cách mạng Việt Nam. Trên
mảnh đất Việt Bắc, tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang của Hồ Chí Minh bước đầu đi
vào thực tiễn và thành công.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề luôn được Hồ Chí Minh quan tâm. Khi chuẩn
bị về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người đã đào tạo một lớp cán bộ để làm nòng
cốt. Những hạt giống đầu tiên của cách mạng đã được gieo mầm trên đất Việt Bắc, bao
lớp cán bộ cách mạng đã được tiếp tục ra đời và phát triển ở các thời kỳ sau đó. Điều đặc
biệt ở Hồ Chí Minh là Người thường trực tiếp soạn bài và giảng bài cho các lớp cán bộ.
Cách giảng bài của Người ngắn gọn, dễ hiểu. Người rất chú trọng đến việc viết sách, dịch
sách phục vụ cho việc đào tạo cán bộ. Trong việc dịch sách, Người thường chú ý dịch
những nội dung phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Trong thời kỳ chống Pháp, nhu cầu của cuộc kháng chiến đòi hỏi phải có một đội
ngũ cán bộ đông đảo và có trình độ về chuyên môn, cho nên Hồ Chí Minh đã cho thành
lập một số trường như trường quân chính tại Việt Bắc.
Hồ Chí Minh coi công tác cán bộ là công việc quan trọng và phải làm hàng đầu
là rất phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nước ta. Trong lực lượng cách mạng nước ta,
giai cấp nông dân chiếm tới 90% mà trước Cách mạng Tháng Tám hầu như là mù chữ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào bình dân học vụ xóa mù chữ cũng phát triển,
nhưng chúng ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân pháp. Vì thế trình độ
của lực lượng cách mạng nước ta rất hạn chế, việc tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục quần
chúng là vô cùng cần thiết. Vì lẽ đó chúng ta không thể thiếu đội ngũ cán bộ cốt cán
được.
Trong thời kỳ ở Việt Bắc, chủ trương đào tạo cán bộ của Hồ Chí Minh phù hợp
với hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng. Trên thực tế, đội ngũ cách mạng được đào tạo rất
nhanh và có tác dụng rất tốt.
3. Bác Hồ với đồng bào Việt Bắc thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, thương yêu
đồng bào, quý trọng đồng bào, chăm lo vật chất tinh thần cho đồng bào. Tình cảm của Bác
Hồ dành cho đồng bào các dân tộc Việt Bắc khi Người trực tiếp sống trong lòng đồng
bào, như tình cảm ruột thịt, rất đỗi gần gũi, thân thương. Người dành cho đồng bào từ bát
cháo, miếng cơm, áo mặc..., đến chỉ bảo cho đồng bào con đường đấu tranh cách mạng
giải phóng. Tình cảm của Người đối với đồng bào không gì tả hết được, không thể đo
đếm được, rất bình thường song lại vô cùng vĩ đại. Tình cảm của Bác Hồ đã làm xúc
động muôn triệu con tim của đồng bào Việt Bắc. Đó chính là sự cảm hóa đặc biệt, tạo
niềm tin sắt đá của đồng bào với Đảng và Bác Hồ.
Tình cảm của Bác Hồ với đồng bào Việt Bắc là một sức mạnh vô hình nhưng rất
kỳ diệu đã hiệu triệu khối đại đoàn kết các dân tộc anh em đứng lên làm cách mạng.
Đồng bào vô cùng kính yêu Bác và cũng dành tình cảm đặc biệt với Bác Hồ.
Những gì quý giá nhất trong cuộc sống, đồng bào cũng sẵn sàng dành cho Bác. Thậm chí
đồng bào sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ Bác. Chính nhờ có tình cảm
yêu thương, che chở của đồng bào mà Bác đã vượt qua bao hiểm nguy trên con đường
cách mạng và đã cùng đồng bào Việt Bắc, cùng cả dân tộc đi đến cái đích vinh quang của
chiến thắng.
Khi rời Việt Bắc về thủ đô Hà Nội, Bác vẫn thường viết thư thăm hỏi, động viên và
không quên cảm ơn đồng bào đã chăm sóc khi Người đau ốm ở Việt Bắc.
Hình ảnh Hồ Chí Minh với tấm gương đạo đức cao quý của Người luôn im đậm
trong trái tim mỗi người dân Việt Bắc nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung.
Ngày nay trở lại Việt Bắc - "thủ đô gió ngàn", thăm lại ATK xưa, con người và mọi vật
đều thay đổi cùng sự đổi mới và hội nhập quốc tế của toàn dân tộc. Song tình cảm của các
thế hệ của người Việt Bắc vẫn không hề thay đổi. Hình ảnh của Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn
trong trái tim của đồng bào và cùng đồng bào trên bước đường đổi mới quê hương. Giữa
ATK Định Hóa xưa, ngày nay nhà tưởng niệm Bác Hồ và khu di tích về cuộc sống của Bác
Hồ khi Người ở Việt Bắc là một minh chứng hùng hồn về hình ảnh. Hồ Chí Minh vẫn sống
mãi trong lòng dân tộc Việt Bắc, trong lòng dân tộc Việt Nam.
4. 15 năm thời kỳ Bác Hồ ở Việt Bắc với nhiều hoạt động thực tiễn phong phú đã
góp phần hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực. Đó là tư tưởng
về xây dựng căn cứ địa cách mạng, tư tưởng về xây dựng căn cứ địa cách mạng, tư tưởng về
lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tư tưởng về đào tạo cán bộ, tư tưởng về đoàn kết,
tư tưởng về nhà nước v.v...
Đó là kho tàng lý luận quý giá về cách mạng Việt Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi
của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân. Đó cũng là di sản to lớn của nền
tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam.
danh mục Tài liệu tham khảo
1. Phan Kế An (1999), "Tôi đi vẽ chân dung Bác Hồ ở Việt Bắc", Xưa và nay, (6).
2. Lê Xuân An, Trần Trọng Thơ (1998), "Xây dựng căn cứ địa Việt Bắc theo chủ
trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946 -1954)", Xây
dựng Đảng, (6).
3. Triều Ân (1977), Thơ cách mạng Việt Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
4. Bác Hồ ở Việt Bắc, Tập II (1975), Nxb Việt Bắc.
5. "Bác Hồ với chiến khu" (2006), Báo điện tử Thái Nguyên.
6. Bác Hồ với đồng bào các dân tộc (2007), Nxb Thông tấn, Hà Nội.
7. Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
8. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Bắc Thái (1979) Bác Hồ với Bắc Thái, Tập II.
9. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng khu tự trị Việt Bắc (1972) Khu Thiện Thuật trong
cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám ở Việt Bắc, Nxb Việt Bắc.
10. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng (1978), Bác Hồ với Bắc Thái, Ty Văn hóa Thông tin
Bắc Thái xuất bản.
11. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (1977). Văn kiện Đảng 1930 - 1945, Tập
III.
12. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (2002), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và
sự nghiệp (Tái bản lần thứ 7), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Bắc Thái (1980), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc
Thái, Tập I, Bắc Thái.
14. Ban Tuyên giáo (1991), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Thái, Tập II, Ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy Bắc Thái xuất bản.
15. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên (1997), Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK
huyện Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc 1945 - 1954, Thái Nguyên.
16. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên (1997), Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK
Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc (1947 - 1954), Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
17. Nguyễn Lương Bằng (1996), "Bác Hồ với việc dự trữ muối trong kháng chiến
chống Pháp", Báo Hải Hưng, (8).
18. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (2004), Từ ATK Thái Nguyên đến chiến thắng lịch
sử Điện Biên Phủ, Công ty in Thái Nguyên.
19. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thông tin
Thái Nguyên (2004), Từ ATK Thái Nguyên đến chiến thắng lịch sử Điện Biên
Phủ, kỷ yếu Hội thảo, Sở Văn hóa - Thông tin Thái Nguyên, (tái bản lần I),
Thái Nguyên.
20. Bảo tàng Hồ Chí Minh (2003) Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ,
(Nhóm biên soạn: Thành Dũng, Trần Đình Huỳnh, Đặng Quốc Bảo, Hoàng
Chí Bảo, Phan Hữu Tích, Nguyễn Hòa), Nxb Thông tấn, Hà Nội.
21. BENOITLEtréLODE (3/2000), "Những cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam và Liên Xô
(1947 - 1948)", Xưa và Nay, (73).
22. Nguyễn Thái Bình (1996), "Gặp lại người liên lạc cho Bác Hồ năm xưa", Báo Đắc
Nông, (27).
23. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Thái (1994), 50 năm xây dựng và chiến đấu. Xí nghiệp
in Bắc Thái.
24. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên (1998), Thái Nguyên trong chiến thắng Việt
Bắc - Thu Đông 1947, Kỷ yếu hội thảo khoa học.
25. Cách mạng Tháng Tám (1990), Tập I, Nxb Sự thật, Hà Nội
26. Văn Chấn (2004), "Những người lính cận vệ", báo Nhân dân, ngày 28/8.
27. Vũ Châu (1996), "Được gần Bác ở "Thủ đô gió ngàn"", Báo Giáo dục thời đại, (4).
28. Ngọc Châu (chủ biên) (2000), Theo Bác đi chiến dịch, Nxb Quân đội nhân dân, Hà
Nội.
29. Tạ Quang Chiến (1997), "Những ngày Bác Hồ ở Định Hóa", Sách: Hồ Chí Minh với
việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ đại Việt Bắc (1947 - 1954), Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản.
30. Lý Đức Chính (2005), Chuyển biến kinh tế - xã hội huyện Định Hóa, tỉnh Thái
Nguyên trong thời kỳ đổi mới (1986 - 2004), Luận văn Thạc sĩ lịch sử, mã số
6022.54, lưu phòng Tư liệu khoa sử trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái
Nguyên.
31. Đinh Chương (1995), " Bác Hồ với Thông tấn xã Việt Nam", Báo Quảng Nam Đà
Nẵng, (9).
32. Nông Thị Cúc (2001), "Cán bộ nói hay lắm, nhưng hiểu ít thôi", Báo Yên Bái, (14).
33. Cục Thống kê Bắc Thái (1985), Bắc Thái 20 năm xây dựng và phát triển khoa học -
Văn hóa (1965 - 1984), Bắc Thái.
34. Cục Thống kê Bắc Thái (1995), Số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc
Thái 1991 - 1995, Bắc Thái.
35. Xuân Diệu (1995), Người là Hồ Chí Minh, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
36. Lê Duẩn (1986), Nắm vững đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến lên xây
dựng kinh tế địa phương vững mạnh, Nxb Sự thật, Hà Nội.
37. Nguyễn Xuân Dung - Lê Văn Thái - Nguyễn Minh Đức - Hoàng Cơ Quảng (2005) -
Hồ Chí Minh biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội
nhân dân, Hà Nội.
38. Thái Duy (1997), "Bác Hồ và Việt Bắc", Báo Đại đoàn kết, (40).
39. Đảng bộ huyện Định Hóa (1995), Định Hóa 50 năm đấu tranh xây dựng và trưởng
thành, Kho lưu trữ Huyện ủy huyện Định Hóa.
40. Đảng bộ huyện Định Hóa (1997), Lịch sử ATK Định Hóa trong kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Định Hóa.
41. Đảng bộ huyện Định Hóa (2001), Lịch sử Đảng bộ Định Hóa (1930 - 2000), Định
Hóa.
42. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (2003) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tập I (1936 -
1965), Thái Nguyên.
43. Đảng bộ xã Trung Hội (2004), Lịch sử Đảng bộ xã Trung Hội (1945 - 2000), Thái
Nguyên.
44. Đảng ủy Thị trấn Chợ Chu (2001), Lịch sử Đảng bộ Thị trấn Chợ Chu (1946 -
2000), Thái Nguyên.
45. Phan Bùi Minh Đạt (1998), "Gặp lại người hai lần đưa đường cho Bác Hồ ở Việt
Bắc - Nhớ ông cụ mắt sáng ngời", Báo Lâm Đồng, (6).
46. Trần Bá Đệ (1998), Lịch sử Việt Nam từ 1975 đến nay - Những vấn đề lý luận và
thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
47. Trần Bá Đệ (chủ biên) (2002), Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam, Nxb Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
48. Trần Bá Đệ (2002), Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến nay (in lần thứ 3), Nxb Đại học
Quốc gia, Hà Nội.
49. Hoàng Minh Giám (2006), "Đánh bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam", Xưa và
Nay, (267).
50. Võ Nguyên Giáp (1969), Từ nhân dân mà ra, Nxb quân đội nhân dân, Hà Nội.
51. Võ Nguyên Giáp (1989), "Một quyết định, quyết định Điện Biên Phủ", Lịch sử quân
sự, (41).
52. Võ Nguyên Giáp (1990), "Lời Bác dặn từ trước tổng khởi nghĩa", Lịch sử Đảng, (6).
53. Võ Nguyên Giáp (1995) Việt Nam giải phóng quân nhớ lại bước khởi đầu, Nxb
Quân đội nhân dân, Hà Nội.
54. Võ Nguyên Giáp (1998), Điện Biên Phủ. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
55. Võ Nguyên Giáp (2003), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt
Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
56. Võ Nguyên Giáp (2006), Chiến đấu trong vòng vây, (Hữu Mai ghi), Tuyển tập luận
văn, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
57. Bế Minh Hà (1990), Nhớ ơn Người, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
58. Lê Mậu Hãn (1997), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập III, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
59. Lê Mậu Hãn (2003), Sức mạnh dân tộc của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng tư
tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
60. Lê Mậu Hãn (2003), Các cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
61. Lê Minh Hiền (2001), "Làm phim về Đại hội II của Đảng và Bác Hồ ở Việt Bắc",
Báo Đại đoàn kết, (12).
62. Huỳnh Hiếu (2001), "Việt Nam, ta lại gọi tên mình", Báo Phú Yên cuối tuần, (14).
63. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Mimh, Viện Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh
Biên niên tiểu sử, Tập II (1930 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
64. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Mimh, Viện Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh
Biên niên tiểu sử, Tập III (1930 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
65. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Mimh, Viện Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh
Biên niên tiểu sử, Tập IV (1930 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
66. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh, Viện Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh
Biên niên tiểu sử, Tập V (1930 - 1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
67. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa X (2000), Chính sách và pháp luật của Đảng
và nhà nước về dân tộc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
68. Huyện ủy Định Hóa (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Định Hóa (1930 - 2000), Huyện ủy
Định Hóa xuất bản.
69. Jules Roy (2004), Trận Điện Biên phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb Thành phố Hồ
Chí Minh.
70. Hoàng Hữu Kháng (2000), "Bác dạy công tác phòng gian, giữ bí mật", báo công an
nhân dân, (74).
71. Hoàng Quang Khánh (chủ biên) (1976), Căn cứ địa Việt Bắc (trong Cách mạng
Tháng Tám 1945), Nxb Việt Bắc.
72. Vũ Kỳ (2002), "Những người giúp Bác Hồ ung dung trên yên ngựa", Thế giới mới,
(13).
73. Vũ Kỳ (2005), Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
74. Đinh Xuân Lâm, Bùi Đình Phong (2001), Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, Nxb Lao
động, Hà Nội.
75. Nguyễn Đình Lễ (1998), Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc đến nay), Nxb Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
76. Phan Ngọc Liên (2004), Sổ tay tra cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.
77. Lời kể nhân chứng của ông Nguyễn Văn Lý, sinh năm 1931, nguyên Phó văn phòng
Tỉnh ủy Bắc Thái, Bản lưu tại Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Thái
Nguyên (8-10-2005).
78. Lời kể nhân chứng của đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư tỉnh đoàn thanh niên
cứu quốc Thái Nguyên, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng
Chính phủ, Lưu tại Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Thái Nguyên.
79. Cao Thế Lữ (2001), "Thơ Bác viết từ thủ đô gió ngàn", Báo Nghệ An cuối tuần,
ngày 16/12.
80. Hồ Chí Minh, Những trang ghi chép về quân sự trong tập Nhật ký trong tù, Tài liệu
lưu trữ tại Viện lịch sử Đảng.
81. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
82. Hồ Chí Minh (1995) Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
83. Hồ Chí Minh (1995) Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
84. Hồ Chí Minh (1995) Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
85. Nguyễn Xuân Minh (1997) Lịch sử ATK Định Hóa trong kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Huyện ủy Định Hóa xuất bản.
86. Nguyễn Xuân Minh (2006), "Căn cứ địa ATK Việt Bắc - Một sáng tạo trong kháng
chiến chống thực dân Pháp", Lịch sử Quân sự, (180).
87. Thép Mới (2005) Năng động Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
88. Một lòng theo Bác (1967), Nxb Văn học, Hà Nội.
89. Nguyễn Nam (2004), "Mừng thọ Bác Hồ ở Việt Bắc", Báo Nhân dân cuối tuần, (19)
90. Nguyễn Quang Ngọc (2001), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
91. Bá Ngọc (2005), Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Lao động, Hà Nội.
92. Phạm Thị Nhật (2002), "Gặp Bác ở chiến khu Việt Bắc", Báo sự kiện và nhân
chứng, (5).
93. Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2003), Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
94. Trường Phước (2001), "Một đám cưới ở ATK", Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí
Minh chủ nhật, (14).
95. Vũ Châu Quán - Nguyễn Huy Quát (1990), Thơ ca kháng chiến của Hồ Chí Minh ở
Việt Bắc, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
96. Hoàng Việt Quân (1997), "Bác Hồ với chiến khu Vần - Hiền Lương", Báo Yên Bái,
(5).
97. Dương Trung Quốc (2004), "Rô Man Karmen người có mặt ở mọi điểm nóng". Báo
Tuổi trẻ, (7).
98. Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên (1987), Địa lý tỉnh Thái Nguyên, Xí nghiệp in
Bắc Thái.
99. Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Thái (1985), Bắc Thái 40 năm đấu tranh và xây dựng
1945 - 1985, Sở Văn hóa - Thông tin xuất bản.
100. Sở Văn hóa - Thông tin Thái Nguyên (2003), Thái Nguyên đất và người. Thái
Nguyên.
101. Trung Sơn (2002), "Làm phim về Bác Hồ ở Việt Bắc", Báo Văn nghệ (13).
102. Nguyễn Văn Tân (1998), Từ điển địa danh lịch sử - văn hóa Việt Nam, Nxb Văn
hóa Thông tin, Hà Nội.
103. Chu Văn Tấn (1960), Hồ Chủ tịch với Việt Bắc, Nxb Dân tộc khu tự trị Việt Bắc.
104. Triệu Hồng Thắng (1977), Những ngày theo Bác (Đặng Trung ghi) tập hồi ký Avóc
Hồ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
105. Triệu Hồng Thắng (2004), "Những ngày theo Bác", Xưa và Nay, (5).
106. Đồng Khắc Thọ (2003), Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Thái
Nguyên, Công ty in Thái Nguyên.
107. Đồng Khắc Thọ (2000), "Những điều ít biết về Bác ở ATK", Báo Thái Nguyên,
(17).
108. Tỉnh ủy Cao Bằng, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh (1995), Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng (1941- 1945),
Kỉ yếu hội thảo khoa học.
109. Trần Văn Toản (2002) "Đọc lại "Đời sống mới" của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Báo
Thừa Thiên Huế, (15).
110. Lê Dục Tôn (1971), Những ngày đầu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
111. Hồ Thùy Trang (2001), "Sưu tầm được chiếc áo Bác Hồ", Báo lao động, (12).
112. Hữu Tuân (2001), "Bác Hồ ở Việt Bắc", Báo Quảng Ninh hàng tháng, (Q13).
113. Nam Tuấn (2004), "Hồ Chí Minh xây dựng thành công căn cứ địa Cao Bằng", Báo
Cao Bằng, (26).
114. Ma Đình Tương (1996), "Một lần được gặp Bác", Lịch sử Đảng, (9).
115. Đàm Thị Uyên (2007) Chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam,
Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
116. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2005), Hồ Chí Minh Biên niên những sự kiện và tư
liệu về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
117. Hoàng Quốc Việt (2003), Con đường theo Bác (Đức Vượng ghi), Nxb Thanh niên, Hà
Nội.
118. Hoàng Quốc Việt (2004), "Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới", Báo Sự kiện và nhân
chứng, (nguyệt san của báo quân đội nhân dân), (9).
119. Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975) (1990), Tập I, Nxb Quân đội
nhân dân, Hà Nội.
120. Hà Xuân (2001), "Nhớ mãi lời Bác dạy", Báo Hưng Yên, (19).
121. Kim Yến (1999), "Nguyễn Thế Đoàn, người lưu giữ những hình ảnh quý giá về Bác
Hồ", Báo Sài Gòn giải phóng, (12).
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LUẬN VĂN-Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954).pdf