Luận văn Nghệ thuật trần thuật, kết cấu và ngôn ngữ trong Hoàng Lê nhất thống chí

Sáng tạo của nhà văn là đã biết chọn lựa những sự kiện tiêu biểu và miêu tả nó một cách sinh động, hấp dẫn, chứ không phải nhằm xây dựng những nhân vật để qua đó phản ánh bản chất lịch sử.Sự kiện lịch sử mà các nhà văn đưa vào trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí được xâu chuỗi với nhau, trải từ đầu đến cuối tác phẩm làm nổi bật hành động và thái độ của nhân vật. Thông qua mỗi sự kiện cặp mắt của tác giả lại dõi theo hành động của các phe phái, làm rõ các mâu thuẫn giữa họ và trong họ từ đó khám phá tư tưởng và lí giải cho hành động của họ. Có thể nói, nhà văn mượn sự kiện để giúp người đọc hiểu rõ lịch sử hơn mà thôi. Tính chấtvăn học của tác phẩm vì thế cũng được gia tăng.

pdf25 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4604 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nghệ thuật trần thuật, kết cấu và ngôn ngữ trong Hoàng Lê nhất thống chí, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn Nghệ thuật trần thuật, kết cấu và ngôn ngữ trong Hoàng Lê nhất thống chí mặt nội dung. MỤC LỤC Mở đầu........................................................................................................... 1 Chương 1: Vấn đề văn bản và thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí 1.1. Tác giả và văn bản............................................................................... 17 1.1.1. Tác giả................................................................................................ 17 1.1.2. Văn bản............................................................................................... 20 1.2. Thể loại............................................................................................... 22 1.2.1. Lí luận về thể loại................................................................................. 23 1.2.2. Các quan niệm về thể loại Hoàng Lê nhất thống chí............................. 34 1.2.3. Hoàng Lê nhất thống chí:Tiểu thuyết lịch sử........................................ 39 Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Hoàng Lê nhất thống chí 2.1. Nhân vật Nguyễn Huệ ........................................................................... 49 2.2. Nhân vật Lê Chiêu Thống...................................................................... 63 2.3. Nhân vật Trịnh Sâm .............................................................................. 68 2.4. Nhân vậtĐặng Thị Huệ........................................................................... 72 2.5. Nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh.................................................................. 74 2.6. Nhân vật binh lính.................................................................................. 78 Chương 3: Nghệ thuật trần thuật, kết cấu và ngôn ngữ của Hoàng Lê nhất thống chí 3.1. Kết cấu.............................................................................................. 85 3.1.1. Kết cấu bên ngoài ............................................................................. 86 3.1.2. Kết cấu bên trong.............................................................................. 90 3.1.2.1. Cốt truyện 90 3.1.2.2. Xâu chuỗi sự kiện trong kết cấu 93 3.1.2.3. Kết cấu đa tuyến 96 3.2. Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ......................................................... 100 3.2.1. Ngôn ngữ nhân vật........................................................................... 100 3.2.2. Ngôn ngữ tác giả.............................................................................. 105 3.3. Nghệ thuật trần thuật........................................................................ 109 Kết luận...................................................................................................... 117 Tài liệu tham khảo....................................................................................... 120 3.1. Nghệ thuật kết cấu. Kết cấu được hiểu là “toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm(…) không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa những bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm (…) bao gồm: tổ chức hệ thống tính cách; tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật; nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể các thành phần của cốt truyện; nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện… sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật”[47, tr.106]. Như vậy, kết cấu tác phẩm là toàn bộ quá trình tổ chức tác phẩm để đạt được mục đích phản ánh sáng tạo của mỗi nhà văn. Kết cấu trong tác phẩm không bao giờ tách rời nội dung cuộc sống, tư tưởng, tình cảm. Kết cấu là một thành tố mang tính tổng hợp. Mặt khác, kết cấu còn là phương tiện khái quát nghệ thuật. Một vấn đề quan trọng ta đã gặp trong nhiều tác phẩm: nhà văn không chỉ xây dựng các hình tượng nghệ thuật mà thông qua hình tượng để gửi gắm những bức thông điệp với cuộc đời. Nhà văn có thể không được lưu tâm, tên tuổi của anh ta mờ nhạt dần nhưng hình tượng tiêu biểu, những vấn đề then chốt thì luôn có sức sống và giá trị thẩm mĩ. Chính vì tính khái quát của tác phẩm mà mỗi nhà văn đều đầu tư chăm chút để làm sao vấn đề chính yếu trong bức thông điệp tư tưởng của mình được nổi lên hàng đầu. Nói như vậy nghĩa là mỗi kết cấu là một quá trình vật lộn của nhà văn trước cuộc đời. Quá trình này in vào đó sự thao thức, nghĩ suy, tìm tòi và sáng tạo. Như vậy, thứ tự trước sau của các chi tiết không phải là ngẫu nhiên mà đòi hỏi nhà văn phải tư duy, lựa chọn, sắp xếp. Do vậy, kết cấu phản ánh quá trình tư duy của nhà văn, sự suy nghĩ của nhà văn: Tư tưởng của mỗi tác giả bao giờ cũng được thể hiện trong kết cấu và qua kết cấu. Kết cấu xử lí mối quan hệ giữa tuyến sự kiện và tuyến nhân vật, tổ chức các yếu tố tự sự, tổ chức các hình thức bên ngoài của tác phẩm… để tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất và hoàn chỉnh. Cái tài của tác giả Trung đại không phải ở một cốt truyện hay, bởi cốt truyện đó đã có sẵn trong lịch sử và được lưu truyền rộng rãi. Mà cái làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm chính là khả năng kết cấu tác phẩm, tài tổ chức và sắp xếp các biến cố, sự kiện và đặc biệt là một phương thức kể chuyện độc đáo. Trong phạm vi của luận văn này, người viết không có tham vọng làm rõ toàn bộ các mặt của kết cấu trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí mà chỉ tìm hiểu sâu ở hai mặt kết cấu bên trong và bên ngoài của tác phẩm với tính chất của một tiểu thuyết được viết theo lối chương hồi. Nghĩa là đi vào tìm hiểu cách thức kết cấu chương hồi và vai trò của kết cấu này trong việc xâu chuỗi các sự kiện, tạo cốt truyện như thế nào. 3.1.1. Kết cấu bên ngoài Về hình thức kết cấu bên ngoài, sở dĩ Hoàng Lê nhất thống chíđược đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam chính là vì các tác giả của Ngô gia đã xây dựng tác phẩm theo lối chương hồi. Mặc dù được hoàn thành bởi một nhóm tác giả, nhưng sự tuân thủ mô hình của các hồi là thống nhất. Khái niệm hồi không chỉ có ý nghĩa chia đoạn tác phẩm, mà nó còn là cách để chứng tỏ đây là hình thức của lối diễn sử của tác phẩm văn chương là hình thức đặc trưng của thể loại tiểu thuyết chương hồi trong văn học Việt Nam trung đại. Nguyên nhân của nó chúng tôi đã nói rõ ở chương một, đặc điểm này không phải do ý muốn của các tác giả tiểu thuyết chương hồi, mà là bởi lịch sử của vấn đề này xuất phát từ truyền thống kể chuyện của Trung Quốc xưa kia.Truyện được chia thành nhiều hồi, mỗi hồi thường có độ dài xấp xỉ như nhau kể một câu chuyện tương đối hoàn chỉnh. Mở đầu mỗi hồi là hai câu đối ngẫu, mỗi câu có độ dài từ bảy đến mười chữ vừa dùng để khái quát nội dung, vừa làm đầu đề cho hồi. Kết thúc mỗi hồi lại có hai câu đối ngẫu nữa, mỗi câu bảy chữ nhằm để thông báo nội dung của hồi tiếp theo và kích thích sự tò mò của người đọc. Các hồi thường được dừng ở những sự kiện đang phát triển đến cao trào, người đọc muốn “biết sự việc thế nào xem hồi sau sẽ rõ”. Trong mỗi hồi, tác giả làm nổi bật lên một vài sự kiện lớn và thông qua những sự kiện nối tiếp từ hồi này sang hồi khác mà hình thành nên sợi dây phát triển của lịch sử. Hoàng Lê nhất thống chí được chia làm 17 hồi, tất cả các hồi đều có hai câu thất ngôncó tính đối ngẫu đặt ở đầu mỗi hồi,khái quát nội dung và hai câu thơ thất ngôn đặt ở cuối mỗi hồi cùng với lời hẹn như: “Chưa biết việc ấy ra sao? Chờ xem hồi sau phân giải” hoặc cũng có những hồi mà phần kết nói rõ nội dung sự kiện chưa được giải quyết của hồi đó như ở hồi 2 “Chưa biết Chỉnh tính liệu như thế nào? Hãy xem hồi sau phân giải”, hồi 5 “Chưa biết vua Tây Sơn đến vì việc gì? …”, hồi 6 “Chưa biết quận Thạc đến kinh sư làm gì? …”,… Riêng hồi hồi thứ 17 vì là hồi cuối nên không có hai câu thơ thất ngôn ở cuối hồi, thay vào đó là bài “Tiêu cung tuẫn tiết hành” dài 128 câu. Ngoài ra, hai câu thơ kết ở cuối mỗi hồi trong tác phẩm không chỉ có tác dụng chuyển ý- khép lại hồi trước, mở ra hồi sau, mà còn lồng vào thái độ, cảm xúc của tác giả. Chẳng hạn như ở hồi bảy để kết lại sự việc vua Lê do bị Nguyễn Hữu Chỉnh hiếp chế nên mưu tính việc diệt Chỉnh bằng cách cho uống thuốc độc, tác giả viết “Âu quen trên biển chừng không lạ, Thỏ mắc trong vòng hẳn khó ra”. Câu trên thì chỉ có nghĩa biểu tượng ám chỉ sự việc nhưng câu dưới rõ ràng hàm ý mong chờ, đồng tình của người viết. Hay kết hồi 8, do Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền khiến triều đình chán ghét, dân chúng oán thán, tác giả viết “Quạ cáo tranh nhau, không đáng ngại. Cọp, rồng đánh lộn, mới ghê thay!” thể hiện rất rõ quan điểm người viết. Việc dùng lối chương hồi để kết cấu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí không phải là không có lí do. Bởi tác phẩm viết trong một thời gian dài, từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, với biết bao biến cố lịch sử như vậy lẽ dĩ nhiên không thể kể hết nội dung tác phẩm một lần. Mỗi hồi phải dừng lại khi câu chuyện lên đến cao trào cũng là cách đánh vào sự hiếu kỳ của người nghe, người đọc buộc phải theo dõi tiếp câu chuyện. Các hồi trong tác phẩm dù là một thành phần hữu cơ trong cuốn truyện, có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với với các hồi khác, nhưng mỗi hồi tự bản thân nó lại mang tính chỉnh thể tương đối độc lập. Trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, mỗi hồi thường chứa một hoặc một số sự kiện, nội dung của hồi đã được tóm tắt ở trong hai câu đối đặt ở đầu mỗi hồi. Cũng có khi tác giả quay lại sự kiện này ở một hồi khác nhằm làm rõ nội dung và liên kết các sự kiện lại với nhau, song mục đích cuối cùng là làm nổi bật nội dung của các sự kiện và nêu bật tính cách của nhân vật trong tác phẩm. Kết cấu chương hồi với cách mở đầu mỗi chương thường dùng cách dẫn chuyện như: “lại nói”, “nói về”, “từ lúc này”,…tạo nên sự mạch lạc, giúp người đọc dễ tiếp nhận. Hoàng Lê nhất thống chí cũng vậy, trừ hồi đầu tiên ra, mười sáu hồi còn lại của tác phẩm này sau hai câu thơ mào đầu đều bắt đầu bằng lời chuyển tiếp “Lại nói…”. Nó tạo nên sự diễn tiến liên tiếp của các sự việc. Ngoài ra, từ “lại nói” còn xuất hiện rải rác trong toàn hồi với ý nghĩa câu chuyện được chuyển sang nhân vật khác hoặc địa điểm khác. Phương thức dẫn chuyện này đơn giản nhưng hiệu quả đối với loại tiểu thuyết thiên về miêu tả sự kiện, hành động và có khối lượng nhân vật đông đúc. Hoàng Lê nhất thống chí không phải là tác phẩm sử học nên các sự kiện lịch sử được những tác giả họ Ngô chọn lọc với cách phân bố không đồng đều. Nếu tính từ khi Trịnh Cán được sinh ra (1777) cho đến khi di hài vua Lê được đem về nước (1804) là chỉ có 27 năm được trực tiếp miêu tả trong truyện. Trong 27 năm ấy, độ dài được miêu tả cũng khác nhau, sự kiện chính chỉ đóng khung trong vòng 14 năm, trong đó có 3 năm được dành cho số trang nhiều nhất: 5 năm đầu- hồi 1; 1 năm tiếp- hồi 2; 1 năm tiếp- hồi 3;1 năm tiếp- hồi 4; năm 1786- 3 hồi 5, 6, 7; năm 1787: 3 hồi 8, 9, 10; 1 năm tiếp- hồi 14; 1 năm tiếp- hồi 15; 1 năm tiếp- hồi 16; 11 năm cuối- hồi 17. Như vậy việc phân bố chương, đoạn, hồi hoàn toàn không theo cái khung biên niên sử năm tháng đều đặn, mà phục vụ miêu tả sự kiện. Rõ ràng những năm Ngọ, Mùi, Thân, Dậu gắn với hoạt động của vua Quang Trung đã được dành một số hồi áp đảo: 9 hồi. Điều này cho thấy mặc dù trục thời gian trong tác phẩm được đánh dấu bằng các sự kiện lịch sử, thậm chí còn ghi cả năm tháng rõ ràng nhưng không hẳn là biên niên. Bởi đây là thời gian tuần hoàn theo chu trình của các thời đại, sự kiện được lựa chọn và miêu tả dài hay ngắn là do ý đồ của tác giả. Vì vậy, cách kết cấu chương hồi trở thành một thao tác nghệ thuật của người sáng tác. Trong Hoàng Lê nhất thống chí có những đoạn chêm nhưng không nhiều như trong tiểu thuyết chương hồi thông thường. Từ hồi một đến hồi bảy những đoạn chêm chủ yếu ghi chép lời bình luận của người dân đối với các nhân vật và các sự kiện lịch sử. Đây cũng là cách tác giả bộc lộ thái độ chủ quan nhưng dưới hình thức đánh giá khách quan. Có một số đoạn chêm bộc lộ cái nhìn hài hước của tác giả có tác dụng giải toả những căng thẳng của sự kiện. Như một đoạn ở hồi năm kể chuyện dân chúng truy bắt kiêu binh, bắt nhầm một ông quan huyện bụng phệ cởi trần chạy từ trong thành ra. Từ hồi mười một đến hồi mười bảy xuất hiện những đoạn chêm bằng thơ đánh giá sự kiện và nhân vật. Đó là hai câu thơ của Danh Án tả tình cảnh thảm hại của quan quân nhà Lê đi sứ cầu xin viện binh nhà Thanh cuối hồi mười một, hai câu thơ trong bài viếng Lê Duy Chi, bài thơ tự thuật của nguyễn Đình Giản, bài thơ trả lời Ngô Thì Nhậm của Trần Danh Án hồi mười lăm, hai đoạn thơ của Trần Phương Bính ca ngợi chí khí của mình, bài “tán” của Nguyễn Huy Túc ca ngợi Văn Quyên hồi mười sáu, cuối cùng là bài “Tiêu cung tuẫn tiết hành” được tác giả chép trọn cả bài ca ngợi một hoàng phi tuẫn tiết theo Lê Chiêu Thống. Những đoạn chêm bằng thơ bộc lộ rõ nét tư tưởng tôn phò chính thống của tác giả, xét về mặt tư tưởng đây là một trong những điểm còn hạn chế trong thế giới quan của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí. 3.1.2. Kết cấu bên trong 3.1.2.1. Cốt truyện Theo quan điểm truyền thống, cốt truyện đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm tự sự. Cốt truyện là một đơn vị nghệ thuật trong tiểu thuyết, gắn bó chặt chẽ với các đơn vị nghệ thuật khác. Khi bàn về tiểu thuyết không thể không nhắc đến yếu tố này. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, cốt truyện được hiểu là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch… có thể tìm thấy qua một cốt truyện hai phương diện gắn bó hữu cơ: một mặt, cốt truyện là phương diện bộc lộ nhân vật, nhờ cốt truyện, nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật; mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Cốt truyện vừa góp phần bộc lộ có hiệu quả đặc điểm mỗi tính cách, tổ chức tốt hệ thống tính cách, lại vừa trình bày một hệ thống sự kiện phản ánh trung thực xung đột xã hội, có sức lôi cuốn và hấp dẫn người đọc” [8, tr.100]. Cũng theo cách hiểu này, cốt truyện đa tuyến là cốt truyện trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp, nhằm tái hiện nhiều bình diện của đời sống ở một thời kỳ lịch sử, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật, do có một dung lượng lớn. Hệ thống sự kiện trong cốt truyện đa tuyến được chia thành nhiều dòng, nhiều tuyến gắn liền với số phận của các nhân vật. Tuy nhiên khác với các tiểu thuyết lịch sử sau này,Hoàng Lê nhất thống chí không xây dựng chuỗi sự kiện xung quanh một hoặc vài nhân vật chính mà các nhân vật đều có những vai trò nhất định trong các sự kiện của tác phẩm và trong toàn hệ thống. Các tác giả của tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chíđã xây dựng thành công cốt truyện của tác phẩm, diễn tả được những vấn đề nổi bật của lịch sử đất nước, với một hệ thống sự kiện và nhân vật trong những quan hệ phức tạp. So với một số tiểu thuyết viết theo lối chương hồi khác trong văn học Việt Nam trung đại, Hoàng Lê nhất thống chí tuy cũng có miêu tả hoạt động quân sự, nhưng thiên về miêu tả cục diện chính trị và nhiều mặt khác của đời sống xã hội, nhất là đời sống tinh thần của các tầng lớp xã hội. Có thể nói, bức tranh lịch sử trong Hoàng Lê nhất thống chí được dệt nên bởi rất nhiều giai thoại bi hài. Xét về mặt nội dung, tiểu thuyết này miêu tả vận mệnh của toàn xã hội, của cả đất nước. Từ việc triều đại phong kiến trong buổi suy tàn, xã hội phân hóa, triều đình và vua chúa bất lực, kiêu binh nổi loạn, nhân tài và trí thức lúng túng trong cách hành xử với đời, đi tìm chủ mới, vua chúa tham quyền sẵn sàng bán nước cho ngoại bang. Bên cạnh đó là sự lớn mạnh của phong trào nông dân khởi nghĩa với cuộc nổi dậy của anh em nhà Nguyễn Huệ và cuộc chiến tranh thần thánh quét sạch thù trong, giặc ngoài, làm nên bản anh hùng ca của dân tộc trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Tất cả được xây dựng trong một bố cục tác phẩm hợp lý, chặt chẽ, có tính toán theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn, chứ không đơn thuần là liệt kê những sự kiện có sẵn. Về điểm này, Hoàng Lê nhất thống chí đã đạt đến trình độ điển hình cho nghệ thuật kể chuyện lịch sử của tiểu thuyết trong văn học Việt Nam trung đại. Việc tổ chức cốt truyện theo lối xâu chuỗi các sự kiện theo trình tự thời gian là việc làm thường thấy trong văn xuôi Cổ đại và Trung đại. Lối kết cấu xâu chuỗi đó được phản ánh rất rõ nét trong bộ sử thi Iliat và Ôđixê, các tiểu thuyết bợm nghịch phương Tây, tiểu thuyết Đông Kisốt và đặc biệt là trong tiểu thuyết Minh Thanh của Trung Quốc và tiểu thuyết Việt Nam trung đại. Sự kiện được sắp đặt vào một số hồi, đoạn và các đoạn được xâu chuỗi với nhau thành một kết cấu hoàn chỉnh. Cốt truyện được phát triển theo trình tự trước sau của thời gian. Sự vận động của các nhân vật chỉ là những hành động trên phông lịch sử có sẵn chứ chưa phải là sự phát triển mạch ngầm tâm lí. Đối với cốt truyện, nhiệm vụ chủ yếu của kết cấu là tổ chức bố cục của cốt truyện thành các phần, chương, đoạn, lớp, cảnh một cách hợp lý. Đồng thời nó bố trí, sắp xếp các chi tiết, các sự kiện thành những bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển biện chứng và cái đích cuối cùng của quá trình đó vẫn là tác phẩm. Ngoài ra kết cấu còn bố trí, sắp xếp sự xuất hiện và lời nói của tác giả, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề, những đoạn phụ đề v.v… Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử thuộc loại đầu tiên và thành công của văn học Việt Nam nên các tác giả thực sự không có những bậc tiền bối trực tiếp và những tiêu chuẩn có sẵn về mặt thể loại. Sự ảnh hưởng trực tiếp của lịch sử đối với văn học không phải là hiện tượng dễ thấy ở văn học phương Tây nhưng lại là truyền thống của văn học Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên, những nước có đặc điểm văn sử bất phân trong sự hình thành văn xuôi tự sự. Một mặt các tác giả Trung đại phải cân nhắc, chọn lọc những sự kiện lịch sử, mặt khác lại phải quan tâm chắt lọc, tham khảo những nguồn tư liệu phụ như dã sử, truyền thuyết dân gian… phi chính sử để bổ sung cho cốt truyện, làm cho câu chuyện đậm đà hơi thở của cuộc sống. Thông qua việc tái hiện những sự kiện, những nhân vật lịch sử, nhà văn Trung đại có nhiệm vụ mang lại cho người đọc những khơi gợi bổ ích và mĩ cảm văn học. Sự thành công của tác giả Trung đại chính là việc làm cho chân thực lịch sử được thăng hoa thành chân thực nghệ thuật. Điểm đặc biệt của tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí là các nhà văn họ Ngô đã xây dựng một tác phẩm văn học về chính thời đại mà họ đang sống. B.L Riftin đã đánh giá công lao của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí: “Các nhà văn Việt Nam đã biểu hiện là những nhà sáng tạo không những trong phạm vi văn học của dân tộc mà trong phạm vi văn học của toàn vùng Viễn đông”[147]. Những sự kiện bão táp của lịch sử gần một thế kỉ trong Hoàng Lê nhất thống chí được ghi lại một cách trung thực bằng cảm nhận của người trong cuộc. Giáo sư Nguyễn Lộc nhận xét về tính chân thực lịch sử của tác phẩm: “Tất cả, con người, sự kiện, năm tháng ở đây đều có thực, chính xác, tác giả cố ý ghi chép một cách trung thành mà không bịa đặt điều gì… Trật tự thời gian ở đây được tuân thủ một cách chặt chẽ”[89, tr.241]. Nhưng điều đó không có nghĩa là tác phẩm trùng khít với sự thực lịch sử. Theo thống kê của Giáo sư Lê Huy Tiêu thì ở Hoàng Lê nhất thống chí có “25 trường hợp khác với Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí và Lê triều dã sử. Trong đó có 10 trường hợp ghi sai tên người và khác sự kiện, còn lại thì hoặc là Hoàng Lê hoặc là các trước tác lịch sử kể trên được miêu tả cụ thể hơn”[144]. Hoàng Lê nhất thống chí không phải là một tập sử liệu mà thực sự là một tác phẩm văn chương có tính nghệ thuật cao. Do đó việc lựa chọn hình thức kết cấu chương hồi phù hợp với việc các tác giả đã có dụng công xây dựng một tác phẩm văn xuôi nghệ thuật chứ không phải là ghi chép thông thường như những nhà viết sử vẫn làm. 3.1.2.2. Xâu chuỗi sự kiện trong kết cấu Hoàng Lê nhất thống chí tuân thủ lối kết cấu chương hồi cho nên các sự kiện trong kết cấu được xâu chuỗi với nhau theo kiểu móc xích liên hoàn. Điểm qua các sự kiện lịch sử được miêu tả trong mười bảy hồi của tác phẩm này ta thấy rất rõ sự kết nối ấy:Hồi 1, hồi 2 tác giả miêu tả việc Trịnh Sâm bỏ con trưởng lập con thứ dẫn đến bè cánh trong phủ Chúa. Hồi 3 là chuyện kiêu binh tôn phò Trịnh Tông phế bỏ Trịnh Cán, tiêu diệt bè đảng của Đặng Thị Huệ. Hồi 4, 5 kể chuyện Hữu Chỉnh theo Tây Sơn rồi cùng Nguyễn Huệ đánh Thuận Hoá, tiến quân ra Bắc tiêu diệt kiêu binh, tôn phò nhà Lê,… Cứ như vậy, sự kiện nối tiếp sự kiện, tác giả Hoàng Lê nhất thống chí dẫn dắt người đọc đi hết một giai đoạn đen tối nhưng cũng vô cùng oanh liệt của lịch sử Việt Nam. Các sự kiện được móc xích liên hoàn với nhau cho nên kết thúc của một hồi thường là điểm nút để mở ra một sự kiện chứ không phải là điểm dừng của sự kiện đó. Mượn hình thức chương hồi để miêu tả những sự kiện bắt nguồn từ hiện thực đời sống phong phú, mới mẻ của người đương thời, Hoàng Lê nhất thống chí cho người đọc thấy được không khí đau thương phẫn nộ nhưng không phải không có những lúc tưng bừng của một thời đại cách đây gần hai thế kỉ. Những tác phẩm văn chương phản ánh trung thực lịch sử gắn liền với những hư cấu nghệ thuật vốn là truyền thống của văn chương Việt Nam từ Lam Sơn thực lục (thế kỉ XV), Hoan châu kí (thế kỉ XVII), Thượng kinh kí sự (thế kỉ XVIII),… Chính vì vậy, xây dựng tác phẩm trên truyền thống văn xuôi tự sự của dân tộc là biểu hiện sáng tạo của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí. Mặt mạnh của tính kí sự được phát huy trong việc thâu tóm, diễn tả những sự kiện từ hiện thực nóng bỏng của đời sống nhưng xét về cốt truyện của một tác phẩm văn học thì Hoàng Lê nhất thống chí cũng vì thế mà thiếu sự chặt chẽ. Trong tác phẩm, mười hồi đầu cốt truyện được tổ chức tương đối chặt chẽ, sự kiện nhiều nhưng tác giả đã chú ý đến những sự kiện có tính chất trọng tâm để liên kết cốt truyện như: sự kiện bỏ trưởng lập thứ; phe cánh trong phủ Chúa; kiêu binh nổi loạn; Nguyễn Huệ cùng Hữu Chỉnh ra Bắc tiêu diệt nhà Chúa; Hữu Chỉnh phản lại Tây Sơn, mưu đồ cho riêng mình; Vũ Văn Nhậm ra Bắc tiêu diệt Hữu Chỉnh… Việc chú trọng hoạt động của những nhân vật như Trịnh Sâm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ trong dòng sự kiện có tác dụng thống nhất một loạt các tình tiết tạo nên sự thống nhất trong cốt truyện từ hồi một đến hồi mười. Nhưng từ hồi mười một đến hồi mười bảy ít có sự đan cài tình tiết, dồn nén sự kiện như mười hồi trước. Mặc dù hồi mười bốn là một hồi hay, tác giả đã diễn tả được khí thế mạnh mẽ long trời lở đất của nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng quân cướp nước Tôn Sĩ Nghị, nhưng các hồi sau dường như chỉ có sự kiện nối tiếp sự kiện. Cốt truyện đạt được cái qui mô to lớn, nhưng ở những hồi cuối lại thiếu đi sự sắp đặt, dồn nén một cách có tổ chứcđể có một cốt truyện liên hoàn từ đầu đến cuối. Hồi thứ mười bảy, lời văn rất giản lược, trong hơn mười năm từ khi Quang Toản lên ngôi cho đến khi Gia Long lấy được Bắc Hà có rất nhiều sự kiện nhưng tác giả chỉ chép lại một cách qua loa để nhanh chóng kết thúc tác phẩm bằng việc đưa di hài Lê Chiêu Thống về nước. Có những nhân vật tác giả lặp đi lặp lại nhiều lầnnhưng sự đánh giá không thống nhất như trường hợp thị thần Lê Quýnh. Tác giả giới thiệu Lê Quýnh ở cuối hồi mười trong hoàn cảnh y cùng tôn thất nhà vua theo Thái hậu lên Cao Bằng. Hồi mười ba, Quýnh xuất hiện với những hành động đê hèn: thông báo tình hình trong nước với Tôn Sĩ Nghị, khuyên Lê Chiêu Thống quy thuận Tôn Sĩ Nghị, mượn oai Tôn Sĩ Nghị để trả thù riêng “ân oán riêng dù bằng cái tơ, sợi tóc cũng không thể sót” [hồi 13], ham mê tửu sắc, ngang nhiên cướp hai chục lạng vàng của nguyễn Quí Nha nhưng vẫn được dung túng,… Đến đầu hồi mười bốn, tác giả nhắc lại những hành động của Lê Quýnh theo lối lên hồ sơ, tức là kể chuyện quê quán, cha mẹ, năng lực, thói quen và một số hành động đã nêu ở trên với lời nhận xét: “…Quýnh chỉ cốt cho mình không phải ra trận; còn việc chinh chiến được thua, nước nhà còn hay mất, Quýnh cần biết đến làm gì”[hồi14]. Cuối tác phẩm, Lê Quýnh lại được nhắc đến trong vị trí đứng đầu ba mươi ba người “Cố Lê tiết nghĩa thần” được lập đền thờ để nêu lên ý nghĩa giáo huấn của triều đình, “lưu truyền muôn thuở” như những người có công vì nước. Sự trùng lặp cũng như thiếu nhất quán trong việc đánh giá nhân vật phản ánh tình trạng tác phẩm có nhiều tác giả và được viết dưới các triều đại khác nhau. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tính thống nhất của cốt truyện. 3.1.2.3. Kết cấu đa tuyến Kết cấu đa tuyến của Hoàng Lê nhất thống chí được thể hiện ở sự đan xen giữa tuyến chính và các tuyến phụ, giữa tuyến sự kiện và tuyến nhân vật trong tác phẩm. Trong lịch sử văn học Trung đại Việt Nam, chưa có một giai đoạn lịch sử nào tập trung được sự chú ý của nhiều văn nhân như thời kì Lê mạt. Trước Hoàng Lê nhất thống chí có Hoan Châu kí, Nam triều công nghiệp diễn chí, sau Hoàng Lê nhất thống chí có Hoàng Việt long hưng chí. Do hoàn cảnh đặc thù Hoan châu kí thoát thai từ một bản tộc phả, Nam triều công nghiệp diễn trí, Hoàng Việt long hưng chí bó hẹp trong phạm vi hoạt động của chúa Nguyễn ở Nam Hà nên ảnh hưởng không rộng rãi bằng Hoàng Lê nhất thống chí. Đóng góp lớn của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí là đã dựng lại một giai đoạn lịch sử đầy sóng gió của lịch sử dân tộc một cách đầy đủ, cụ thể, sinh động và chân thực với khách quan lịch sử. Dòng chảy lịch sử được tái hiện trong kết cấu đa tuyến thống nhất, xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Có thể nói sự thống nhất giữa tuyến chính và những tuyến phụ trong kết cấu tác phẩm phản ánh tài năng của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật về lịch sử. Tuyến chính của Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả quá trình suy vi không gì cưỡng lại được của triều đình Lê – Trịnh trước sự tấn công mạnh mẽ của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và quá trình “trung hưng” của nhà Nguyễn, thống nhấtđất nước. Tuyến chính phản ánh rõ nét nội dung, chủ đề tác phẩm và tư tưởng tôn phò chính thống của tác giả. Ba tuyến phụ của Hoàng Lê nhất thống chí là : phản ánh mâu thuẫn vua Lê - chúa Trịnh, mâu thuẫn giữa triều đình Lê - Trịnh và khởi nghĩa nông dân và phản ánh mâu thuẫn dân tộc song hành với tuyến chính, đan cài với tuyến chính vừa làm nên một kết cấu thống nhất vừa tạo ra những dòng mạch trong bộn bề những chi tiết, những sự kiện, nhân vật đã đi vào một giai đoạn lịch sử phức tạp, hào hùng của dân tộc. Tác phẩm được mở đầu bằng sự kiện Trịnh Kiểm phò tá vua Lê Trang Tông trung hưng cơ nghiệp nhà Lê và dần dần chiếm đoạt quyền bính trong tay nhà vua lập nên cơ nghiệp nhà chúa. Sự tồn tại của phủ chúa bên cạnh nhà vua đã phản ánh những điều bất ổn trong đời sống chính trị xã hội. Không phải ngẫu nhiên những chi tiết đầu tiên của tác phẩm là những chi tiết về sự rối loạn trong nội bộ phủ chúa. Đó là tiếng sấm báo hiệu cơn dông bão dữ dội xoá tan sự tồn tại hai trăm năm của cơ nghiệp nhà chúa. Mâu thuẫn giữa vua Lê và tập đoàn chúa Trịnh là những mâu thuẫn nội tại, song triều đình suy yếu, nhà vua quá nhu nhược đớn hèn, việc giải quyết mâu thuẫn này lại phải nhờ vào sức mạnh của một lực lượng khác, đó chính là khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do Nguyễn Huệ đứng đầu. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, sức mạnh quật khởi của khởi nghĩa nông dân được miêu tả như một lực lượng có vai trò giải quyết những ung nhọt trong xã hội. Nội bộ triều đình thối nát, quan lại chỉ biết toan tính mưu lợi cho bản thân, nhà chúa suy yếu vì tranh giành quyền lực trong nội cung, kiêu binh nổi loạn khống chế triều đình, nhiễu sách dân lành. Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” dẹp yên loạn kiêu binh, củng cố chính quyền nhà Lê rồi trở vào Nam. Quá trình phát triển của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nhạc, sau là Nguyễn Huệ được miêu tả một cách khá chi tiết trong tác phẩm. Mâu thuẫn giữa triều đình Lê- Trịnh và quần chúng nhân dân được giải quyết một cách triệt để bằng việc Nguyễn Huệ đánh tan hai mươi vạn quân Thanh xâm lược, lập nên một triều đại mới. Thật đáng tiếc, Nguyễn Huệ mất sớm, Quang Toản lên ngôi không nối được chí cha, nội bộ gia đình lục đục nên không giữ được thành quả mà Nguyễn Huệ mất bao công lao mới giành được. Hoàng Lê nhất thống chí không chỉ phản ánh mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến lớn, mâu thuẫn giữa triều đình phong kiến và khởi nghĩa nông dân mà còn phản ánh mâu thuẫn dân tộc. Việc Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh rước hai mươi vạn quân ngoại viện về giày xéo mả tổ là một điều sỉ nhục đối với đất nước, với lịch sử. Tiếp bước Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ… Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn đã cho quan quân nhà Thanh một bài học về quyền độc lập tự chủ của dân tộc và khẳng định bản chất chính nghĩa của khởi nghĩa nông dân. Nếu căn cứ vào thái độ và tư tưởng của tác giả và những biểu hiện trong tác phẩm, việc xác định giữa tuyến chính và tuyến phụ trong Hoàng Lê nhất thống chí có nhiều mâu thuẫn, bởi nếu căn cứ vào chủ đề của tác phẩm thì tuyến chính là sự suy vi của triều đình Lê-Trịnh và công cuộc thống nhất Nam bắc của chúa Nguyễn, nhưng khi xét bố cục thì phần lớn số hồi trong tác phẩm (11/17) nói về những hoạt động của Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn. Hoàng Lê nhất thống chí có mười bảy hồi, ba hồi đầu kể chuyện nhà Chúa Trịnh suy tàn, kiêu binh nổi loạn. Từ hồi bốn đến hồi mười bốn chủ yếu miêu tả hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn. Các hồi 4, 5, 6, 7 viết về năm 1785; các hồi 8, 9, 10 viết về năm 1786; các hồi 11, 12, 17 viết về năm 1788 và hồi mười bốn miêu tả sự kiện đại thắng quân Thanh dẹp yên bờ cõi. Xét về bố cục như vậy, có thể nói Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm viết về hoạt động của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn phò Lê, diệt Trịnh, sau đó đánh quân xâm lược thống nhất bờ cõi. Là một tác phẩm của nhiều tác giả viết dưới những triều đại khác nhau nên việc đánh giá những tuyến sự kiện và tuyến nhân vật trong Hoàng Lê nhất thống chí đôi khi không thuần nhất. Việc làm nổi bật vai trò lịch sử và tài năng xuất chúng của Nguyễn Huệ cùng khí thế hùng mạnh của đoàn quân Tây Sơn là một sự thật lịch sử khiến tác giả không thể bỏ qua. Điều này cũng giống như trường hợp Banzắc khi miêu tả hình ảnh những người lính cộng hoà, sự thật của lịch sử khách quan đã vượt ra ngoài ý muốn của tác giả.Tuy nhiên, trong bộn bề các sự kiện, chi tiết lịch sử cái tài của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí là vẫn bố trí được sự kiện theo một dòng chảy hoà cùng dòng chảy của lịch sử làm nên sự thống nhất trong kết cấu tác phẩm. Trong những loại tiểu thuyết khác, sự kiện lịch sử dù có lớn đến đâu cũng chỉ là đường viền mờ nhạt. Thậm chí nhà văn cũng không cần quá chú tâm đến sự kiện vì chất liệu để xây dựng một cuốn tiểu thuyết là những cái đang diễn ra trong cuộc sống. Còn trong cuốn tiểu thuyết lịch sử, xương cốt của tác phẩm là sự kiện lịch sử. Vì thế Hoàng Lê nhất thống chí dù phản ánh những sự kiện của hiện tại nhưng là sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử cho nên tác giả của nó đã phải xây dựng các sự kiện và nhân vật trong sự tôn trọng chân thực lịch sử. Chọn sự kiện lịch sử làm đề tài phản ánh nghĩa là phải đảm bảo “sự thực” lịch sử bởi điều này đã có sẵn trong tâm thức độc giả. Đó chính là lí do vì sao tên tác phẩm là Hoàng Lê nhất thống chí nhưng cảm hứng ca ngợi lại dành cho người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, còn những ông vua cuối cùng của nhà Lê, nhân vật đáng ra phải ca ngợi thì lại bị phê phán, lên án, dù không phải không có những lúc tác giả ngậm ngùi bênh vực. Sáng tạo của nhà văn là đã biết chọn lựa những sự kiện tiêu biểu và miêu tả nó một cách sinh động, hấp dẫn, chứ không phải nhằm xây dựng những nhân vật để qua đó phản ánh bản chất lịch sử.Sự kiện lịch sử mà các nhà văn đưa vào trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí được xâu chuỗi với nhau, trải từ đầu đến cuối tác phẩm làm nổi bật hành động và thái độ của nhân vật. Thông qua mỗi sự kiện cặp mắt của tác giả lại dõi theo hành động của các phe phái, làm rõ các mâu thuẫn giữa họ và trong họ từ đó khám phá tư tưởng và lí giải cho hành động của họ. Có thể nói, nhà văn mượn sự kiện để giúp người đọc hiểu rõ lịch sử hơn mà thôi. Tính chấtvăn học của tác phẩm vì thế cũng được gia tăng. Để khắc họa một vấn đề, một nhân vật, tác giả họ Ngô đã nhiều lần đảo lộn tuyến thời gian của các chi tiết, sự kiện. Chẳng hạn, tác giả kể về Trịnh Cán (ra đời năm 1777) trước, rồi mới nói đến Trịnh Tông (ra đời năm 1763); hay đưa sự kiện năm 1782 Nguyễn Hữu Chỉnh vào Nam theo Tây Sơn trước sau đó mới quay lại kể về việc Chỉnh đã từng theo quận Việp năm 1774. Việc tổ chức, sắp xếp sự kiện trong tác phẩm, từ sự kiện nhỏ cho đến sự kiến lớn, từ nhân vật chính cho đến nhân vật phụ đã tạo nên dòng mạch cho tác phẩm. Đó cũng là biểu hiện tài năng của Ngô gia văn phái ở phương diện kết cấu tác phẩm. Có thể thấy chính yếu tố này đã góp phần rất lớn để Hoàng Lê nhất thống chí trở thành một tác phẩm sáng tạo về kết cấu và nhất quán về mặt nội dung. MỤC LỤC Mở đầu........................................................................................................... 1 Chương 1: Vấn đề văn bản và thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí 1.1. Tác giả và văn bản............................................................................... 17 1.1.1. Tác giả................................................................................................ 17 1.1.2. Văn bản............................................................................................... 20 1.2. Thể loại............................................................................................... 22 1.2.1. Lí luận về thể loại................................................................................. 23 1.2.2. Các quan niệm về thể loại Hoàng Lê nhất thống chí............................. 34 1.2.3. Hoàng Lê nhất thống chí:Tiểu thuyết lịch sử........................................ 39 Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Hoàng Lê nhất thống chí 2.1. Nhân vật Nguyễn Huệ ........................................................................... 49 2.2. Nhân vật Lê Chiêu Thống...................................................................... 63 2.3. Nhân vật Trịnh Sâm .............................................................................. 68 2.4. Nhân vậtĐặng Thị Huệ........................................................................... 72 2.5. Nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh.................................................................. 74 2.6. Nhân vật binh lính.................................................................................. 78 Chương 3: Nghệ thuật trần thuật, kết cấu và ngôn ngữ của Hoàng Lê nhất thống chí 3.1. Kết cấu.............................................................................................. 85 3.1.1. Kết cấu bên ngoài ............................................................................. 86 3.1.2. Kết cấu bên trong.............................................................................. 90 3.1.2.1. Cốt truyện 90 3.1.2.2. Xâu chuỗi sự kiện trong kết cấu 93 3.1.2.3. Kết cấu đa tuyến 96 3.2. Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ......................................................... 100 3.2.1. Ngôn ngữ nhân vật........................................................................... 100 3.2.2. Ngôn ngữ tác giả.............................................................................. 105 3.3. Nghệ thuật trần thuật........................................................................ 109 Kết luận...................................................................................................... 117 Tài liệu tham khảo....................................................................................... 120

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_16__4644.pdf