Luận văn Nghệ thuật viết tạp văn qua một số cây bút tiêu biểu

Là một thể loại không gò bó trong cách viết, tạp văn vì thế đã trở thành một thể loại linh hoạt được nhiều người lựa chọn trong thời gian qua. Có thể nói, có bao nhiêu người sáng tác tạp văn thì cũng có bấy nhiêu cách viết, bấy nhiêu cách chiếm lĩnh thế giới tự do của những con chữ này, tùy thuộc vào sở trường của mỗi người. Và theo cảm nhận, đánh giá của chúng tôi, thì Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư là những cây bút có những nét độc đáo riêng, tạo nên dấu ấn thuyết phục trong lòng người đọc. Họ là những người biết cách chuyển hóa những điều mình muốn nói bằng chất liệu riêng, phong cách riêng rất đặc sắc.

pdf47 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2508 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nghệ thuật viết tạp văn qua một số cây bút tiêu biểu, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ong tay, và đối với họ, các nhà văn chỉ có quả chuông nhỏ của lương tâm để xin cho nhân loại mẩu bánh mì của sự sống” [91, 73]... Bên cạnh đó, ông cũng luôn trăn trở với vấn đề văn hóa dân tộc thời mở cửa, với nền giáo dục nước nhà, cũng như nhiều vấn đề thời sự nóng hổi khác… Sự uyên bác trong các bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện rất rõ ở vốn hiểu biết vô cùng phong phú về nhiều lĩnh vực như triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,… khiến cho các bài viết của ông luôn hàm chứa một lượng thông tin đầy đặn, những kiến giải sâu sắc, và thường toát lên những triết lý sâu xa về cuộc đời, về số phận con người. Đơn giản như khi ông viết cảm nghĩ về một trận đá bóng, thì đằng sau đó cũng ẩn chứa những suy tư về cuộc đời, về cõi nhân sinh: (…) nếu cuộc tiệc trên đời này có thể chơi thêm một lần theo kiểu “đá lại”, thì thế giới sẽ khác, lịch sử nhân loại sẽ khác, mà bạn trăm năm của đời người… cũng khác (…) Nhưng Euro 96 đã khép lại sau lưng đội Ý, và cuộc chơi không bao giờ tái diễn để cho phép anh làm lại từ đầu. Chỉ một lần thôi là bàn chân lơ đãng của con người dẫm lên những đổ vỡ của chính linh hồn mình. Và chính vì thế, tôi cảm nhận Bóng Đá không chỉ như một môn thể thao hào hoa mã thượng, mà còn là một Trò Chơi Lớn của cuộc đời (Nước Ý nếu được “đá lại”) [91, 128-129]. Hay câu chuyện thâm thúy qua bài học vỡ lòng của ông về lòng nhân ái cũng khiến người ta phải suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người với con người ngày nay: Bài học đầu tiên của chúng tôi không bắt đầu bằng mấy chữ cái abc như thường lệ, mà là một bài thơ thầy đã chép sẵn lên bảng, và bảo chúng tôi đọc theo thầy từng câu một (…) Cuối buổi học tôi đã thuộc làu, và cũng tạm gọi là “thông suốt” nghĩa lý của bài thơ bằng trực giác mộc mạc của tuổi thơ. Trong kỷ niệm ngày tựu trường, Thanh Tịnh có viết rằng: “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi bỗng nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi: hôm nay tôi đi học”. Quả đúng với tâm trạng của tôi ngày hôm đó. Tôi cảm thấy thằng bé trong tôi đã khác ngày hôm qua, vì trên trang giấy trắng của tâm hồn tôi, thầy tôi đã viết lên bài học về lòng Nhân Ái (Bài học vỡ lòng của tôi) [91, 86- 87]. Bên cạnh đó, sự uyên thâm của Hoàng Phủ Ngọc Tường còn thể hiện trong việc ông hay dùng những chuyện cổ, tích cổ để nói về cái hôm nay, khiến cho các bài viết của ông có một sự cô đọng cần thiết và mang một không khí vừa trầm mặc vừa hiện đại. Đó là việc ông mượn câu chuyện về nhân vật Đường Tăng (trong Tây Du ký của Ngô Thừa Ân) đạo cao đức trọng làm vậy mà cũng quên lời hứa với con rùa đã “lặn lội một kiếp trầm luân, đã độ thầy trò ông tới bờ bến cuối cùng của cuộc hành trình thiên nan vạn khổ” để nói về đạo lý đền ơn đáp nghĩa các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng thời nay. Đó là việc ông mượn tích Trang Tử kể chuyện mổ rồng để nói về chuyện đào tạo đại học tràn lan ở ta: đào tạo ra rất nhiều cử nhân, bác sĩ, kỹ sư,… nhưng rốt cuộc lại không có việc làm để phân bổ, cũng như chuyện xưa kể về việc Chu Bình Man luyện được tuyệt kỹ mổ rồng vô cùng điêu luyện, nhưng khi trở về thì hỡi ơi, làm gì có rồng đâu mà mổ! Đó còn là việc Hoàng Phủ mượn những câu chuyện cổ về địa ngục qua chuyện Phạm Công Cúc Hoa, Bồ Tát Mục Kiền Liên, cảnh giới Thập Điện Diêm Vương, sự tích Thủ Huồng để răn mình và răn người sống sao cho phải đạo: Tôi không biết mẹ tôi có tin như vậy không, nhưng chính bà đã xây dựng được cho tôi niềm tin rằng địa ngục có thật, và tôi rất sợ địa ngục. Lớn lên, những ý tưởng về địa ngục dần dần chuyển biến trong tôi thành niềm tin vào thiên lý, giúp tôi tránh được những điều ác; mà nếu chỉ sợ tòa án hoặc công an thì có thể tôi vẫn cứ làm, bởi chắc chắn rằng ngoài tôi ra không ai bắt quả tang được việc làm kín nhẹm của tôi (như ăn hối lộ chẳng hạn). Thế nghĩa là nỗi sợ địa ngục đã ẩn sâu vào bản ngã, sẽ tạo được điều kỳ diệu gọi là “lương tâm” (Nỗi sợ địa ngục) [91, 44]. Có thể nói, những trang viết chiêm nghiệm về thế thái nhân tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những trang viết lôi cuốn nhất, đọng lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm nhất. “Quẻ Vị Tế” là một trong số những bài viết như thế. Từ việc cắt nghĩa quẻ cuối cùng trong 64 thời kỳ của Dịch trong Ngũ Hành, ông đã có một bài viết thật sâu sắc, như một thông điệp vĩnh hằng về số phận con người, gắn liền với hành trình vượt sông định mệnh của mỗi kiếp người. Bài viết không rơi vào cái khuôn diễn giải chữ nghĩa sách vở, mà chỉ nhẹ nhàng như một lời bộc bạch, “một bài thơ cuộc đời” ông ngẫm cho riêng phận mình: “Hỡi người, người sinh ra không phải để yên nghỉ mà lên đường, lên đường bằng tất cả lo âu của kẻ vượt sông”. Đấy cũng là bài học lớn cho những ai đang sống và đang ngộ nhận về một cuộc dừng chân ngơi nghỉ giữa cuộc đời này: Nên chi, trong cuộc dấn thân giữa cõi đời, dù đường dài chỉ còn một bước nữa thôi, con người không được quên lời dạy minh triết của quẻ Vị Tế, rằng đời người vẫn còn đầy những bất trắc khôn lường, phải biết nghiêm cẩn giữ mình, đừng bao giờ tự buông thả trong một ảo tưởng về một cuộc “hạ cánh an toàn”. Sự thâm thúy của Kinh Dịch hàm chứa trong chính ký hiệu sau cùng của nó là trên lửa – dưới nước (quẻ Ly/quẻ Khảm). Hèn chi, đến bậc Thánh đã san định Kinh Dịch như Khổng Tử mà vẫn hằng run sợ: “Cho ta sống thêm ít năm nữa, để học Kinh Dịch, hầu không mắc lầm lỗi lớn” [91, 141]. Và tất cả những sự uyên thâm, minh triết ấy của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại được thể hiện qua một lối hành văn đầy tài hoa, mê đắm – kết quả của một cái tôi trữ tình nồng nàn và đầy chất nghệ sĩ. Lật giở từng trang sách, thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường bao giờ cũng như trải hết lòng mình với câu chữ, cộng thêm chất Huế nên thơ, chất triết luận huyền hoặc, những câu chữ ấy của Hoàng Phủ Ngọc Tường bỗng trở nên quyến rũ lạ thường. Hãy lắng nghe ông miêu tả những hạt bụi vũ trụ đã tạo nên cảnh sắc của cõi vô cùng – cõi Cát Bụi này, từ những kiến thức vật lý khô cứng, dưới bàn tay tài hoa, ông đã nhào nặn chúng thành một cảnh tượng quá đỗi diệu kỳ: Có bao giờ bạn nghĩ rằng bầu trời thu xanh ngắt đến nao lòng của thi sĩ Yên Đổ kia lại được tạo nên bởi toàn là… bụi? Sự thực lại đúng như vậy. Vâng, chỉ toàn là bụi thôi; thậm chí nếu không có bụi thì bầu trời trên đầu ta chỉ còn là một khoảng trống đen ngòm. Không phải là những nguyên tử và phân tử khí, bụi vũ trụ là những hạt “rắn” nhìn thấy được bằng kính hiển vi, tràn ngập không gian do từ trăm nghìn dạng ô nhiễm trên trái đất hoặc giữa các ngôi sao. Tùy theo đặc tính của từng loại, và tùy theo độ nghiêng của từng hạt bụi so với phương chiếu của tia sáng mặt trời, bụi vũ trụ sẽ dâng tặng cho chúng ta những màu sắc đẹp mê hồn của bầu trời. Từ cổ sơ của nền văn minh, sự minh triết của người Ấn Độ đã gọi tên toàn bộ cảnh sắc huyền ảo ấy của thế giới là Trò Chơi Maya, tức là Ảo Hóa (Cát bụi lộng lẫy) [91, 32]. Cái chất nghệ sĩ tài hoa trong con người Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ cũng giống như chất “ngẫu hứng” ông nhìn thấy trong con người nhà văn Phùng Quán – một người bạn vong niên của ông. Nó khiến cho những bước chân của ông trên cõi đời này trở thành một cuộc ngao du bất tận, nhưng lại tiềm ẩn trong đó những ý tưởng, những sáng tạo bất ngờ. Trên trang giấy, những phút ngẫu hứng, những phút thăng hoa của cảm xúc như thế sẽ cho ra đời những trang viết đầy ma lực, bởi: “đó là khả năng phát kiến thế giới bằng sự trinh bạch của ý thức, giống như hoa perce-neige chọc thủng giá lạnh để nở trong màu trắng của tuyết” (Ngẫu hứng) [91, 58]. Những bài viết của ông về những người bạn, về tình bạn và tình người cũng là những trang viết để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Đấy là những cảm xúc chân thành, không cần điểm xuyết, tô vẽ, chỉ mộc mạc, “trinh bạch” thôi mà sâu sắc biết nhường nào: Năm ngoái tôi trải qua một mùa đông xứ Huế rất dài, suốt ngày lặng lẽ trước bàn viết, với vầng sáng đèn vàng trên trang giấy, bên ngoài triền miên mưa dầm gió bấc. Mùa đông ở Huế, tôi thấy dường như mình không còn tương quan gì với thế giới. Tám giờ tối… bỗng nhiên chuông điện thoại reo, và tôi nhận được thông báo của đại ca Phan Đắc Lập: - Tất cả nhóm Lồ Ồ mười lăm người đang có mặt sẽ lần lượt nói chuyện với Hoàng Phủ. (…) Bạn bè lần lượt nói với tôi, mỗi người một chuyện (…) Toàn những chuyện trên đời này chẳng ai thèm quan tâm, nhưng giữa chúng tôi, lại chính là chất liệu cố kết con người trong nỗi buồn vui cuộc sống. Riêng với tôi, buổi tối ấm áp ấy của tình bạn đã tạo ra cho tôi nội lực đủ sống ung dung cả một năm (Điện thoại) [91, 165-166]. Thậm chí, tình bạn chân thành giữa những người bạn còn được ông đúc kết trong một câu nói hệt như một châm ngôn: “Bạn của ta! Ta cần ngươi như Giêsu cần thập tự. Nếu Giêsu vứt bỏ cây thập tự thì nhẹ nhàng biết bao, nhưng nhân loại sẽ không nhận ra Người được nữa” (Cám ơn tình bạn) [91, 52]. Tạp văn của ông, như một nét đặc trưng riêng, đều ít nhiều hàm chứa những ý hướng triết luận sâu sắc như thế. Có thể nói, những bài tạp văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường quả thực là những bài “bút ký cực ngắn” như có lần ông bộc bạch. Với ông, bút ký là một thể loại vừa để viết về những điều mắt thấy tai nghe, về những sự thực, nhưng không chỉ đơn giản là biên chép lại mà ông muốn viết cho thật sâu, thật kỹ càng qua những trải nghiệm mình có được. Tạp văn của ông, nhờ chứa đựng chất trí tuệ uyên bác và một giọng văn tài hoa đã chuyển tải đến người đọc những bài học nhân sinh sâu sắc, những chiêm nghiệm về cuộc đời qua những câu chuyện ngụ ý thâm thúy. Đó là những bài viết đã góp phần làm nên phong cách của tờ Thanh niên có uy tín trong lòng bạn đọc. 3.3 Cái nhìn sắc lẻm và sức mạnh biện giải trong tạp văn Nhân trường hợp chị thỏ bông của Phan Thị Vàng Anh Không chỉ được biết đến như một cây bút truyện ngắn đặc sắc, với các tập Khi người ta trẻ (1993) và Hội chợ (1995), Phan Thị Vàng Anh còn là tác giả gây được tiếng vang ở nhiều lĩnh vực khác như thơ (Gửi VB, 2006), tạp văn (Nhân trường hợp chị thỏ bông), và thậm chí còn “lấn sân” sang cả lĩnh vực phim tài liệu (với bộ phim Trong phường Thành Công, có làng Thành Công). Nhân trường hợp chị thỏ bông là cuốn tạp văn nhỏ tập hợp 34 bài viết chọn lọc trong số những bài viết của Phan Thị Vàng Anh, dưới bút danh Thảo Hảo, trong khoảng thời gian tác giả phụ trách mục Tôi nghe đọc thấy xem trên báo Thể thao - Văn hóa (từ năm 2002 đến 2004), do nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản vào năm 2004. Và dù chỉ là tập hợp một số bài viết đã đăng trên báo trước đó, song Nhân trường hợp chị thỏ bông ra đời vẫn thu hút được sự chú ý của bạn đọc và trở thành cuốn sách rất “đắt hàng” lúc bấy giờ. Cũng như trong truyện ngắn, tạp văn của Phan Thị Vàng Anh luôn thể hiện một cái nhìn sắc sảo, mới lạ, với giọng văn ngắn gọn, súc tích mà mạnh mẽ, thâm thúy. Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ, đồng thời cũng là người viết nhiều tạp văn đã từng nhận xét về Nhân trường hợp chị thỏ bông của Phan Thị Vàng Anh như sau: “Đến hôm nay tôi vẫn thấy tiếc là lĩnh vực báo chí - xuất bản nước ta chưa có một giải thưởng nào cho thể loại tạp văn, để trao tặng “Nhân trường hợp chị Thỏ Bông”. Tôi phục Phan Thị Vàng Anh viết tạp văn rất khéo, biết cách đưa đẩy tình huống và biết chọn văn cảnh thích hợp để tung ra những bình luận xác đáng” [116]. Khác với các tác giả tạp văn khác, tạp văn Phan Thị Vàng Anh không có những bài nhớ cảnh cũ người xưa, những tâm tình lan man, hay những ưu tư nặng trĩu chất trữ tình. Đúng như tên gọi chuyên mục mình phụ trách, 34 bài viết của Phan Thị Vàng Anh là 34 cách quan sát, 34 câu chuyện nhỏ về những vấn đề thời sự đang diễn ra trong cuộc sống quanh mình, nhưng lại ẩn chứa một sức nặng ghê gớm. Và theo chúng tôi, điểm thành công lớn nhất của Nhân trường hợp chị thỏ bông nằm ở sức mạnh biện giải vấn đề một cách sắc bén của tác giả. Sức mạnh biện giải này được thể hiện qua hai yếu tố: thứ nhất là con mắt quan sát tinh tường, khả năng lật lại vấn đề, thứ hai là khả năng liên tưởng và dẫn dắt vấn đề của tác giả. Tất cả đã tạo nên sự logic thuyết phục cho các bài viết. Mạch ngầm của những bài viết ấy thường cho người đọc cảm giác như người viết đang chơi trò tung hứng, đưa đẩy câu chữ, với một nụ cười hóm hỉnh luôn thấp thoáng đằng sau trang giấy. Là một thể loại nằm giữa văn học vào báo chí, tạp văn nói chung và Nhân trường hợp chị thỏ bông của Phan Thị Vàng Anh nói riêng đã góp phần lia ống kính quan sát của mình tới những ngõ ngách, những mặt trái đang tồn tại trong xã hội, mà nhiều khi những người bình thường chúng ta, với tâm lý “sống chung với lũ”, đã cố tình lờ đi và buông xuôi. Trong hầu hết các câu chuyện, Phan Thị Vàng Anh luôn cố soi rọi vấn đề từ nhiều góc độ, mà mục đích sau nhất là đi đến tận cùng bản chất sự việc. Trong bài viết “Tôi cũng muốn ăn cắp”, sau khi kể lại chuyện một nhân viên thư viện tuồn sách quý bán ra cho các hiệu sách cũ, tác giả kết luận rằng: “tôi thấy thế… cũng được”. Có lẽ đọc đến đây, ai cũng cảm thấy bất ngờ với tuyên bố ấy, nhưng ngay lập tức vấn đề được tác giả lật qua: “ăn cắp đành rằng là xấu, tôi biết chứ”, rồi lật lại: “Nhưng dẹp cái chuyện anh nhân viên bỏ tiền bán sách vào túi riêng kia qua một bên, thì cái hành động của anh này tôi lại nghĩ có thể là... đáng khích lệ, nếu chỉ xét trên phương diện chuyển một vật từ-vô-dụng-sang-hữu-dụng”. Là bởi vì theo tác giả, khi sách được sống trong môi trường mới là các hiệu sách cũ, chúng sẽ có cơ hội được hít thở khí trời, được tiếp xúc với nhiều người hơn, và do vậy sẽ giúp ích cho đời hơn; còn sách để trong thư viện thì chẳng khác nào những mụ “gái già trong nhà đá”, chẳng ai buồn xớ rớ đến. Không ai xớ rớ đến không phải là do họ không muốn, mà là vì để cầm được một trong số những quyển sách ấy trên tay, người đọc sẽ phải đi qua ba cửa ải vô cùng khó khăn. Ba cửa ải ấy được Phan Thị Vàng Anh hình tượng hóa rất thú vị thế này: “Hệt như những truyện thần thoại luôn luôn có ba cửa ải ngăn hiệp sĩ đi tìm công chúa, gần như thư viện nào cũng có sự bất hợp lý của nội quy là con rồng phun lửa thứ nhất, thủ thư khó tính là bầy rồng khạc lửa thứ hai, sự lề mề của thủ thư khi đi tìm sách là cú quật đuôi của con rồng thứ ba” [108]. Từ một câu chuyện mà ai cũng biết mười mươi là tay nhân viên kia đã sai, đã phạm pháp, Phan Thị Vàng Anh lại lựa chọn một cách nhìn mới để chỉ ra những bất cập, những tồn tại cần phải thay đổi trong cách làm việc của hầu hết các thư viện. Với cách nhìn ấy, quả thực tác giả đã khiến người đọc phải thốt lên thán phục. Rồi đến bài viết “Giao trứng cho ác” hay “Sự nan giải của Tí”, “Cuối cùng là lè lưỡi”, thoạt tiên, khi đọc qua những cái tựa, người đọc có thể không mấy hứng thú, bởi tưởng rằng đó là chuyện con trẻ, nhưng ẩn sâu phía sau đó lại là những vấn đề nhức nhối của cả hệ thống giáo dục nước nhà. Trong “Giao trứng cho ác”, từ thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết Sở Giáo dục Đào tạo Cần Thơ ngày 21/05/2002 đã ra đề thi tốt nghiệp Tiểu học, trong đó có một câu yêu cầu học sinh tìm từ trái nghĩa với từ “bà ngoại”. Từ câu chuyện “lẩn thẩn” ấy, Phan Thị Vàng Anh đã có những phân tích rất sát sao, để cuối cùng chỉ ra một thực tế vô cùng phũ phàng rằng: Cứ tưởng tượng chừng đó con người, hàng ngày sẽ là người đưa con cái chúng ta vào khu vườn tri thức mênh mông và mới lạ, một hôm có thể tụ tập lại (theo lệnh triệu tập), để bàn bạc một cách nghiêm túc, xem từ trái nghĩa với bà ngoại là gì, mà kinh. Trong số những người dự cuộc họp như vậy, có mấy người coi chuyện đó là điên rồ, là ngớ ngẩn? Để đến nỗi sau cả một cuộc họp như thế, cái đề thi ấy vẫn giữ nguyên. Và hôm sau, thí sinh tiểu học vào phòng, ngơ ngác khi lần đầu trong đời biết được (bằng văn bản) là bà ngoại cũng có đối thủ [108]. Còn sau khi đọc bài báo đưa tin về việc một cô giáo bắt học trò liếm ghế của mình, hầu hết mọi người đều lên án gay gắt hành vi của cô giáo nọ, còn Phan Thị Vàng Anh trái lại: “Phần tôi, đọc xong, thấy giận cái “con” cô giáo kia 1, thì giận đám học trò kia 47 (bởi có 47 trò mà !)”. Cái nhìn của tác giả lúc này hướng vào 47 cô cậu học trò lớp 7, và từ đó, đi sâu vào vấn đề giáo dục và xây dựng lòng tự trọng, lòng kiêu hãnh về những giá trị của bản thân cho trẻ. Bởi theo tác giả: “cái nỗi xấu hổ có con mất dạy đánh thầy, làm sao bằng nỗi nhục có con ngoan ngoãn liếm ghế cô!”. Vấn đề không chỉ được xem xét trong trường hợp duy nhất ấy, mà còn được tác giả đi vào phân tích rất sâu sắc qua cả một quá trình giáo dục của trẻ từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành. Và theo thời gian, lòng tự trọng của trẻ đã dần bị mai một - mà nguyên nhân xuất phát từ chính sự giáo dục trong nhà trường đối với trẻ. “Rồi lòng kiêu hãnh ấy mất dần. Chẳng ai khuyến khích nữa. Thế rồi một ngày kia, cái đứa trẻ cách đây mới có bảy năm, bướng bỉnh nhưng đầy tự trọng khi bước vào lớp 1, qua bao nhiêu lửa luyện của một lối giáo dục, đã sẵn sàng cúi đầu liếm cái ghế sạch như lau” (Cuối cùng là lè lưỡi) [108]. Đặc biệt là trong “Nếu tao là nhà nước”, câu chuyện được tác giả xây dựng hết sức thú vị. Dưới hình thức là một bức thư gửi cho người bạn, Phan Thị Vàng Anh đã đặt ra một trường hợp giả định, rằng nếu mình là… nhà nước, thì mình sẽ làm những gì để phát triển, thu hút khách du lịch tới Cúc Phương mà vẫn bảo vệ được khu rừng quốc gia này. Từ thực tế quan sát, tác giả đã đưa ra biết bao ý tưởng khả thi. Và nếu câu chuyện kết thúc ở đấy, thì bản thân “Nếu tao là nhà nước” cũng đã có đủ sức nặng để cho thấy một thực tế đáng buồn cho cách người ta quản lý và khai thác tiềm năng rừng Cúc Phương rồi. Nhưng không, tác giả đã đẩy tiếp một cú đấm đầy uy lực khác, bằng bức thư trả lời của người bạn nọ, cũng với ý tưởng nếu người bạn ấy là nhà nước. Và cái kết thực sự của câu chuyện đã diễn ra bất ngờ như thế này: Nếu tao là nhà nước, tao cho mày đấu thầu ngay cái khu dịch vụ trong rừng Cúc Phương mà mày nói. Nhưng xác suất xảy ra việc đó rất thấp, bởi vì, nếu tao là nhà nước, thì giờ tao đã không trả lời thư cho mày. Hoặc là tao không đọc thư mày, hoặc là cấp dưới của tao đã đọc trước và vứt đi. Như vậy, không biết là may hay rủi cho mày, là tao chưa thành nhà nước [108]. Sau biết bao viễn cảnh tốt đẹp được hình thành, cái kết về thực tế khi được làm “nhà nước” ấy chẳng khác nào một gáo nước lạnh làm trôi tuột đi những ý tưởng hay ho kia. Câu chuyện xảy ra như một màn kịch, một câu chuyện tếu táo, nó vừa khiến người đọc bật cười, nhưng lại thấy ngậm ngùi và có phần cay đắng. Có thể nói, những mặt trái của vấn đề, những nhức nhối của xã hội luôn được tác giả chạm đến ở bề sâu, tức đi tìm căn cơ để mà chữa trị. Trong tạp văn của Phan Thị Vàng Anh, không có chỗ cho những thứ nửa vời, nhợt nhạt, mọi chuyện luôn phải được phơi bày như chính nó vốn thế, dẫu cho sự thật ấy có nhếch nhác, có khiến người ta đau lòng đến đâu. Và do vậy, giọng văn của tác giả đôi khi tỏ ra đáo để, cứa sâu, nhưng vẫn có nét gì đó rất nữ tính. Nó khiến ta, một khi đã thấy, đã đọc, đã biết thì không thể thờ ơ, không thể bàng quan được nữa. Bên cạnh việc luôn cố nhìn sự vật từ nhiều góc độ khác nhau, không đi theo lối mòn tư duy như một người bình thường, tạp văn của Phan Thị Vàng Anh còn cuốn hút người đọc ở khả năng nêu và dẫn dắt vấn đề. Những vấn đề tác giả nêu ra tưởng chừng rất nhỏ bé, song lại hàm chứa những điều rất lớn lao, và mỗi vấn đề lại được tác giả khoác lên một lối viết rất đặc biệt, linh hoạt, không hề lặp lại. Đấy là từ chuyện về cụ Rùa sống ở Hồ Gươm, để đi đến cái cốt lõi là vấn đề bảo tồn và trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc bảo tồn các biểu tượng văn hóa. “Xét cho cùng, tất cả chỉ tại cụ Rùa. Cụ không thuộc một biên chế bộ nào rõ ràng để người ta quy trách nhiệm. Cụ là một niềm tự hào chung nên bắt buộc phải có những thiệt thòi riêng. Điều này, khi cho mượn kiếm, tổ tiên cụ đã không ngờ tới” (Cụ Rùa thuộc biên chế bộ nào?) [108]. Và từ cái gương cụ Rùa ấy, tác giả còn cho ta thấy đằng sau nó là biết bao vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, triệt để, là cái bệnh trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau của các cơ quan chủ quản khi có sự việc không hay xảy ra. Đấy là từ chuyện không rõ ràng trong việc xác định “tư cách con cá” của loài cá chim trắng nước ngọt, làm liên lụy đến “uy tín” của loài cá chim trắng nước mặn, gây hoang mang trong giới nuôi cá và ăn cá, tác giả đã chỉ ra cái bệnh “chung chung”, không minh bạch của các nhà quản lý nước ta: Cái gì làm các ngài không dám nói “Có” hay “Không” một cách rõ ràng? Khoa học chứ có phải văn chương đâu mà có vùng xam xám cho chúng ta núp vào trốn trách nhiệm? (…) Và vì sao cái Viện ăn lương của các ngài không thể như hai vị sinh viên năm nào, dùng mọi nỗ lực để xếp loại nhanh con ốc bươu vàng vào hàng ngũ “địch” hay “ta” mà cứu lúa? Suốt năm năm trời các ngài uống nước chè ở đâu? (Tư cách con cá) [108]. Bao giờ cũng thế, giọng văn Phan Thị Vàng Anh có chỗ tưởng như tếu táo, bông lơn, nhưng nó lại là những phản ứng gay gắt, là cái nhìn sắc lạnh, buộc người “đối diện” không thể còn đường mà thoái lui nữa. Dí dỏm mà sắc bén trong cách nêu vấn đề của Phan Thị Vàng Anh phải kể đến bài viết “Học phí trả bằng máu”. Ban đầu, khi đọc cái tựa, người đọc hẳn sẽ hình dung rằng bài viết này nói đến chuyện học phí đang ngày càng tăng, và phụ huynh học sinh - đa phần là những người nông dân tần tảo một nắng hai sương - sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn để tiếp bước con em đến trường, thậm chí có người đã phải… bán máu để lấy tiền cho con đóng học phí. Nhưng đọc rồi mới biết là không phải. Tác giả đang nói đến chuyện học luật giao thông! Bài viết mở đầu rất vu vơ, nhưng lại rất sinh động và cuốn hút, khiến không ít người đọc phải bật cười: Mấy bạn trẻ có dùng email chắc hẳn đã có lần được bạn bè gởi cho cái file này, đại khái như sau: Tôi đang đạp xe vòng vòng Thì thấy một cô nằm trên đường (Hai người tán tỉnh, linh tinh…. Khoảng 12 hình.) …Chín tháng sau, cô ta từ nhà thương gọi điện về. Tôi lên chức bố Công việc tôi tiêu tùng Bây giờ tôi đi bộ Hỏi như ngôn ngữ quảng cáo, thì: “Lần cuối cùng bạn quan tâm đến biển báo giao thông là khi nào?” Chắc hẳn là nhiều người không nhớ nữa, vì lâu quá rồi, từ cái thời học quáng quàng lấy cho xong cái bằng lái, rồi thôi. Hay như tôi, là từ cái lần nhận được file trên. Sau đó thì không có dịp nào để nghĩ ngợi về ý nghĩa của biển báo giao thông cũng như luật giao thông nữa [108]. Từ cái mở đầu tưởng như không ăn nhập vào đâu ấy, tác giả đã chỉ ra cho người đọc thấy được thực trạng của việc học luật giao thông rất sơ sài, qua quýt, cốt để lấy được cái giấy phép, rồi thì chả ai thèm quan tâm đến nó nữa. Trong khi, hầu như ngày nào, hễ bước ra đường là người ta phải thực thi, áp dụng ngay cái bộ luật giao thông ấy. Vậy trách nhiệm thuộc về ai, và cần làm gì để thay đổi được thực trạng ấy: Và như cái nhà nước châu Phi nói ở trên kia, họ biết cái tâm lý không thể nào thay đổi được đó của số đông, cũng như biết rằng có những môn học chỉ cần tự nguyện, trong khi có những môn đòi hỏi phải nhồi sọ mỗi ngày, và có tốn bao nhiêu tiền thì cũng phải cố gắng mà trả học phí. Làm sao cho bớt đổ máu thì làm. Ðó là phương châm của chính phủ nước ấy. Máu trong chiến tranh hay máu trong thời bình thì cũng là máu. Lúc nào cũng quý hơn tiền [108]. Trong những bài viết của Nhân trường hợp chị thỏ bông, người đọc sẽ rất nhiều khi có cảm giác như Phan Thị Vàng Anh bị “lạc đề”, bị lan man sang những chuyện tưởng chừng như không gắn kết với bối cảnh câu chuyện mà tác giả đang kể. Thế nhưng, ngay khi những cuộc dạo chơi lang thang như thế diễn ra, lại cũng chính là lúc tác giả đưa người đọc đến một khúc cua, khúc “tăng cấp” của vấn đề. Tất cả đều nằm trong dụng ý nghệ thuật của tác giả để dẫn dắt người đọc đến với cốt lõi vấn đề. Đấy cũng chính là cái đã góp phần tạo nên sức mạnh biện giải trong tạp văn Phan Thị Vàng Anh. Trong bài “Không bao giờ là hoàn hảo”, người đọc đang lâng lâng, bay bổng theo chân tác giả ngắm nghía những nét đẹp của Hội An: nào là tường rêu, nào là phố cổ, nào là không khí trầm mặc, nào là cái yên bình khiến người ta không tài nào nghĩ ác được, rồi nào là “không có hơi tiền lởn vởn trong không khí”,… bỗng nhiên bị sững lại, khi tác giả “thế nhưng” - hệt như đang đi trên một con đường thơ mộng, thẳng tắp, ta bỗng gặp phải khúc quanh éo le. Ấy là bởi vì tự nhiên tác giả lại nhắc đến phong trào nhân điển hình tiên tiến, về việc hàng ngàn nữ công nhân sẽ noi gương chị Bé Bảy “bàn tay vàng” mà dệt cho giỏi. Nhân vật chị Bé Bảy và phong trào thi đua dệt giỏi ấy vốn chẳng có can hệ gì đến cái phố cổ Hội An ngày nay, thế mà tác giả vẫn tìm ra cách gắn kết chúng lại rất tài tình, thú vị, mà mục đích hướng đến là để “nhân rộng” nét đẹp của phố cổ lên trong việc quy hoạch thị xã Hội An. Ấy là chuyện đang từ mẩu quảng cáo hút mật gấu sống, tác giả miên man sang mãi chuyện hai con bò chấp nhận hy sinh để cảnh tỉnh về việc thú rừng đang bị săn bắt vô tội vạ; rồi từ chuyện hai con bò ấy, tác giả lại nhảy phắt sang chuyện dấn thân của giới văn nghệ sĩ trong bài “Ai sẽ làm chuyện này đây”. Ấy là chuyện từ trường hợp đi lạc của chị thỏ bông, Phan Thị Vàng Anh đã có một bài viết thật thâm thúy và ý nghĩa về vấn đề bình đẳng giới trong một xã hội thuộc nền văn hóa Á Đông như Việt Nam. Đây cũng chính là bài viết được đánh giá là duyên dáng, là nữ tính, là độc đáo nhất trong tập tạp văn, được tác giả chọn làm tựa đề chung cho cả cuốn sách: “Nhân trường hợp chị thỏ bông”. Quả thực, khả năng liên tưởng và liên kết các sự việc với nhau của Phan Thị Vàng Anh rất tài tình, nhuần nhuyễn. Từ đó, các bài viết của tác giả luôn nằm trong một dòng chảy xuyên suốt, nhất quán về chủ đề, về tư tưởng. Không nhằm đưa đến những triết lý cao xa, tạp văn Phan Thị Vàng Anh luôn sống động những câu chuyện diễn ra ngoài đời thực và thể hiện một cái nhìn thẳng thắng. Nó cho người ta thấy được bản chất của vấn đề, nó thôi thúc người ta phải nhìn thẳng vào sự thật, không bao che, không nhân nhượng. Với một lối viết sinh động, cụ thể, giọng văn linh hoạt, có lúc dí dỏm, có lúc mạnh mẽ gay gắt, có lúc lại đầy suy tư, trăn trở, một kết cấu ngắn gọn, logic, tranh biện thuyết phục, tạp văn Phan Thị Vàng Anh đã đem đến cho người đọc những góc nhìn mới mẻ về nhiều vấn đề thời sự, những bất cập tồn tại trong xã hội. Ở Phan Thị Vàng Anh, tạp văn thực sự đã phát huy được tác dụng của nó trong việc thể hiện những suy nghĩ, chủ kiến của tác giả, vừa thể hiện được những đặc trưng thông tin, vừa góp phần xây dựng được những hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Đấy chính là lý do vì sao, dù không đi đường dài với tạp văn, nhưng sự ra đời của Nhân trường hợp chị thỏ bông đã góp phần đánh dấu sự có mặt đầy thuyết phục của Phan Thị Vàng Anh trong thể loại này. Đặc biệt, sau một thời gian vắng bóng, gần đây, Phan Thị Vàng Anh, cũng với bút danh Thảo Hảo, đã bắt đầu xuất hiện trở lại bằng những tạp văn ngắn gọn mà đầy chất thời sự trên một trang web chuyên về nghệ thuật đương đại ( Hy vọng rằng, không lâu sau nữa, chúng ta sẽ lại được cầm trên tay một tập sách thú vị như Nhân trường hợp chị thỏ bông trước đây. 3.4 Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư: mộc mạc, tự nhiên mà sâu lắng Trong số các tác giả viết tạp văn hiện nay, có thể nói Nguyễn Ngọc Tư là người sáng tác bền nhất, được nhắc đến nhiều nhất trong thể loại này. Đa số các bài tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư đã được đăng rải rác trên một số báo trước đó như: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Phụ nữ Chủ nhật, Sài Gòn tiếp thị, Tuổi trẻ, Người lao động,… Và tính đến nay, chị đã có 5 đầu sách tạp văn được xuất bản: Tạp văn (Nhà xuất bản Trẻ - Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 2005), Sống chậm thời @ (in chung với Lê Thiếu Nhơn, Nhà xuất bản Thanh niên, 2006), Ngày mai của những ngày mai (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2007), Biển của mỗi người (Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008), Yêu người ngóng núi (Nhà xuất bản Trẻ, 2009). Cùng với nhiều tập truyện ngắn và truyện vừa khác đã xuất bản, số lượng đầu sách ấy chính là thành quả của sự lao động miệt mài nhằm nuôi dưỡng cảm xúc văn chương, và cũng là một thành quả đáng mơ ước của nhiều nhà văn hiện nay. Nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư, người đọc thường nhớ ngay đến những truyện ngắn, truyện vừa nổi tiếng, với giọng văn phóng khoáng, trữ tình, đậm chất Nam bộ của chị. Tuy nhiên, trên mảnh đất tạp văn, chúng ta vẫn bắt gặp một Nguyễn Ngọc Tư hồn hậu, đằm thắm, với những câu chuyện da diết, chất chứa nhiều ưu tư của một con người luôn “tựa vào quê nhà” để sống, để lấy cảm hứng và để viết. Nếu như tạp văn của Phan Thị Vàng Anh thiên về tính thời sự, tính tranh biện mạnh mẽ, thẳng thắn với những dẫn chứng, số liệu cụ thể, khoa học, thì tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư lại là những lời giãi bày tâm sự hết sức chân thành, mộc mạc, chất chứa nhiều day dứt. Văn chị luôn thể hiện một sự chừng mực, nhưng sự chừng mực ấy không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận, bởi tự bản thân những câu chữ chất chứa niềm ưu tư ấy đã hàm chứa một sức mạnh, một sự rung cảm, một sự ám ảnh đối với người đọc khi đã khép trang sách lại. Nếu nói về tính đa dạng, linh hoạt của thể tài thì tạp văn Nguyễn Ngọc Tư chính là một ví dụ điển hình. Trong tạp văn của chị, người đọc có thể bắt gặp từ những chuyện nhỏ nhặt, như một kỷ niệm nào đó xưa lắc xưa lơ, về một người bạn, một người quen, một cái quán ven đường hay một buổi chợ họp sớm mai; những vấn đề thời sự như chuyện cuộc sống khó khăn mà người nông dân đang gánh chịu, những đổi thay mà nền kinh tế thị trường đang hàng ngày tác động đến cuộc sống của chúng ta; cho đến những trăn trở về nghề văn nghề báo;… Nhưng dù là viết về vấn đề gì, ta cũng luôn thấy ở Nguyễn Ngọc Tư một ngòi bút tinh tế, sâu sắc, và nổi lên trên hết đó là sự nồng nhiệt đối với cuộc sống, được thể hiện qua những câu văn hết sức tự nhiên, giản dị. Đọc văn chị, người ta có cảm giác như câu chữ cứ thế tuôn ra theo mạch cảm xúc chứ không hề phải dụng công uốn nắn, không cần phải sắp xếp ý tứ hay chi tiết. Chị viết tạp văn như thể để giãi bày, để những tâm tư trong lòng phần nào vơi bớt đi. Và vì thế, những bài viết ấy cũng tự nhiên cắm rễ vào lòng người đọc. Cũng như trong những truyện ngắn, truyện vừa của mình, hầu hết các tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư đều thấp thoáng nỗi đau của thân phận con người, nhất là những người nông dân chịu thương chịu khó mà suốt đời vẫn không sao thoát được cái nghèo đeo bám. Đó là những câu chuyện về vùng đất Nam bộ bình dị, về Cà Mau thân thương – là quê hương, và cũng là cái nôi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tác cho Nguyễn Ngọc Tư, về những dì Hai, cô Ba, thím Chín,… những thân phận nhỏ bé nhưng chan chứa tình yêu thương, toát lên vẻ đẹp của sự chân thành, của sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều nhất trong tạp văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn là hình ảnh những người nông dân chân lấm tay bùn với cái khổ và cái nghèo quanh năm đeo bám: “Những con người có một trảng trời mênh mông mà cả đời chẳng mấy khi thảnh thơi ngước mặt ngó trời. Những con người có một mùa gió tơi bời nhưng không một lần hít lấy cái hương xuân của trời đất. Ai cũng có nhà nhưng quanh năm phải dầm dãi ngoài đồng đất” (Tháng Chạp ở rạch Bộ Tời) [79, 28]. Hay không ít khi chị đã phải thốt lên, thương cho thân phận những người nông dân, trong đó có cả ba má mình: “Chị Ngờ ơi, tôi có cảm giác cái nghèo giăng ra sẵn những cái bẫy mà bà con nông dân mình đi lẩn quẩn thế nào vẫn quay về ngay trân chỗ ấy. Những người tốt, những người lam lũ cả đời chẳng được (hay chưa được) đền đáp” (Ngậm ngùi Hưng Mỹ) [79, 50]. Rồi có khi, thấp thoáng trong tạp văn chị lại là nỗi chao chát của những mùa tôm thất bát, hậu quả của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn không phù hợp: Ba tôi đọc báo cho mấy ông bạn chòi nghe, nhà nước thừa nhận, chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa sang nuôi tôm, cho đến nay thống kê chỉ 30% có lãi còn lại là hòa và lỗ, ai cũng vỗ đùi khen, sao mấy ổng chịu thiệt vậy không biết, chớ mấy chuyện thất bát rồi, nghe im re, như cảng cá nè, nhà máy đường nè… Rồi ai nấy rờ rờ cái cằm, ngậm ngùi, vậy là bà con thất đều chớ đâu riêng gì rạch Bộ Tời mình (Tháng Chạp ở rạch Bộ Tời) [79, 31]. Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Tư cũng đã đụng chạm đến nhiều vấn đề, kể cả vấn đề chính trị mà trong truyện ngắn ít khi thấy chị nhắc tới, như chuyện cán bộ nhũng nhiễu, hạch sách người dân trong “Làm cho biết”, “Tản mạn quanh cái cổng”, “Kính thưa anh nhà báo”... Người đọc hẳn sẽ không khỏi day dứt trước câu hỏi của một anh thanh niên: “Nhà nước hay nói đảng viên, cán bộ là đầy tớ của nhân dân, sao tui thấy “đầy tớ” bây giờ sống ngon hơn “chủ” quá trời đất, nhậu chỗ sang, ở nhà lầu? Tui hỏng hiểu gì hết”, và bùi ngùi với câu nói của một ông già: “Tui thấy mấy ông nhà nước lúc rày xa tụi tui quá, lạnh lùng với tụi tui quá. Cậu văn thư ở xã mình râu còn chưa có mà lần nào tui lại làm giấy tờ nầy nọ cậu cũng lớn tiếng rầy rà, nạt nộ” (Làm cho biết) [79, 89-90]. Có thể dễ dàng nhận thấy, sức mạnh của tạp văn Nguyễn Ngọc Tư toát lên từ chính câu văn đầy tình cảm, nặng trĩu tâm tư của chị - đấy cũng chính là tình cảm mà chị gửi gắm cho quê hương, cho mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Tạp văn của chị không gọn, không sắc, không đanh, mà chứa đựng một nét mượt mà, duyên dáng như chính những người phụ nữ Nam bộ mộc mạc, giản dị. Những câu văn của chị luôn trải ra trước mắt người đọc những hình ảnh vô cùng sinh động, thấm đẫm tình yêu chan chứa. Đó là thứ tình yêu rất đỗi chân thành mà đã có lần chị tâm sự rằng chị muốn chạm vào nó chỉ bằng những gì mộc mạc nhất, tự nhiên nhất: Nhưng sự trải nghiệm của tuổi tác, của thời gian đã làm tôi nhận ra, những gì tôi viết là không gian của riêng tôi, của sự tưởng tượng và sáng tạo. Những đất ấy, người ấy, tôi chỉ mượn cái hồn cốt, giai điệu của Nam bộ để chuyển tải. Thổ ngữ địa phương chỉ là phương tiện thể hiện ý tưởng và câu chuyện của người viết. Chúng được mọi người xem là phong cách riêng của văn tôi. Nhưng thực chất đó chỉ là lớp vỏ, tôi muốn bỏ qua cả lớp vỏ đó, để tận mắt thấy trên mảnh đất này, người đời đang lạnh hay ấm, vui hay đau qua làn da, qua từng vết tím, từng cái se lại của lỗ chân lông, thấu thị tận tâm hồn, như một người hành hương về chốn tâm linh không cần bất cứ phương tiện hiện đại nào, chỉ bằng đôi chân trần. Những gì tôi viết, tình yêu, sự dối trá, thù hận, sự tha thứ, hay trả thù, tôi tin rằng chúng xảy ra ở bất cứ vùng miền nào trên trái đất này. Bởi đâu đâu cũng những thân phận, những số phận con người (Lớn lên từ những ngộ nhận) [81, 13-14]. Tôi đã từng rất ấn tượng về bài viết “Cửa sau” của Nguyễn Ngọc Tư. Với chị, cái cửa sau vốn chứa đựng biết bao kỷ niệm êm đềm, nhưng giờ đây, cái “cửa sau” ấy đã được người ta hiểu khác đi rất nhiều, khiến chị không khỏi bần thần, tiếc nuối. Đấy là những câu văn đẹp từ hình ảnh cho đến ngôn từ, chân thật một cách dung dị mà lại ám ảnh đến vô cùng: Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh. Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân hình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văn trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ (…) Đêm đầy sao, mở cửa sau, chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu chợt sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo (…) Ra giữa đời, về phố chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây, cửa sau mang ý nghĩa khác mất rồi. Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, cửa sau làm nhà nước thất thoát hàng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). Cửa sau làm người ta không trọng nhau, không thương nhau, không tin nhau [79, 97-98]. Theo dõi tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư, có thể thấy đề tài mà chị hướng tới được mở rộng dần về không gian. Những tạp văn ban đầu của chị thường chỉ tập trung vào những người nông dân, phong cảnh và nếp sống của người dân quê hương chị. Nhưng ở những tạp văn sau này, ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư đã hướng đến những miền đất xa hơn, nơi chị có dịp ghé thăm, hay những vấn đề thời sự nổi cộm mà thường ngày báo chí vẫn không ngớt nhắc đến. Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư nhiều khi chỉ như lời thủ thỉ tâm tình, nhưng lại chứa đựng cái nhìn tinh tế. Rất nhiều khi, những bài viết của chị chỉ đề cập đến những chuyện vụn vặt, nhưng kỳ lạ thay, chúng luôn chạm đến được những cảm giác xốn xang vốn được nén chặt đâu đó trong một góc khuất của tâm hồn con người. Đấy có thể là chuyện về mớ tép, bó rau, về cọng rơm cuống rạ, về ngọn gió mùa, về ụn khói đồng gợi nhiều kỷ niệm. Đấy có thể là một nhánh lục bình liu riu, thiu thỉu trên mặt sông, nhưng lại gợi đến một vẻ đẹp rợn ngợp, thông thống, mênh mông, vẻ đẹp của nỗi cô đơn – với chị, cô đơn là thế giới không thể thiếu, là thế giới để chị trở về đối diện với chính mình, để bày ra một cuộc chơi cùng những con chữ. Đấy có thể là chuyện về người phụ nữ tần ngần giữa chợ, mà tâm trí đang rối bời bởi cuộc tính toán thầm lặng mà không kém phần gay go, quyết liệt – đấy là cuộc đấu tranh, giằng xé giữa “yêu thương nặng oằn” và “mớ tiền nhẹ hẫng trên tay”. Và đấy cũng có thể là một cảm giác rất mới, rất lạ, rất diệu kỳ mà chỉ những người đàn bà ở cữ theo phương pháp của các bà già quê mới cảm thấu được. Cũng có lúc, tạp văn Nguyễn Ngọc Tư lại là một tiếng thở dài trước những đổi thay của các thang giá trị trong cuộc sống. Đấy là một nỗi buồn man mác với cái “Tin sáng và những Vân Tiên đã mất”…; là sự ngậm ngùi khi nhận ra một sự thật, rằng “không phải lúc nào người ta cũng đối diện với cuộc đời, để chiến đấu bảo vệ cái đẹp”; là sự hoang mang khi người khác cứ cố đội lên đầu mình một thứ nón mà mình không muốn đội - thứ nón ấy cũng chính là một cái “mác”, cái “nhãn” của một trào lưu, một tổ chức hay một hiệp hội nào đó, mà nó khiến người ta một khi đã đội lên đầu rồi thì không còn cái tự do được là chính mình nữa, nhất là nón chụp lên đầu các nhà văn, khiến cho họ đánh mất luôn cả tiếng nói riêng của mình, và thành ra cũng chẳng còn cái gọi là cá tính sáng tạo nữa (“Nón và người”). Rồi cuộc sống hiện đại và những phát sinh, những hệ lụy đi kèm cũng khiến chị không thôi trăn trở. Đấy là chuyện về “Những dấu hỏi phai” – khi cả một cộng đồng ngày qua tháng lại, chẳng hiểu vì lý do gì, cứ dần trở thành một đám người câm lặng, ngại hỏi và sợ những câu hỏi, chỉ thấy cuộc đời còn lại dăng dăng những dấu chấm, dấu phẩy, chấm than, và những cái chấm lửng thẩn thơ, nửa vời. Đấy là câu chuyện của chính bản thân chị về chiếc máy tính và người mẹ già, hai biểu tượng đại diện cho hai đối trọng mới - cũ trong cuộc sống ngày nay: Tôi quên, má không biết nơi lạnh nhất vũ trụ, nhưng má có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con lớn mau. Má không biết cách diệt virus máy tính nhưng bẫy chuột là số một. Má không biết viết blog nhưng nấu ăn rất ngon. Nhưng tôi quên. Má, như những người già khác, đôi lúc nào buồn tênh trong ý nghĩ mình đang sống thừa, tàn lụi không tăm tích (…) Nhưng giờ tôi biết má cũng buồn, bởi nhiều lúc tôi bỏ bà một mình ở nơi cũ, thời gian cũ để một mình tôi đi vào thế giới ảo đầy quyến rũ (Má, con và…) [83, 38]. Đấy là sự tuyệt vọng khi chị nhận ra, bản thân mình, cũng như bao bà mẹ, ông bố khác, đã tham gia hủy hoại thiên đường tuổi thơ của những đứa con mình: Tôi toan tính đẩy bạn đến một lớp khác, và học những thứ mà tôi không chắc là có ích cho đứa trẻ bảy tuổi. Những đứa trẻ luôn học vì sự tự hào của cha mẹ, nhưng bạn học vì tôi thấy tất cả trẻ con đều… học (…) Tôi sợ bạn sẽ bị bỏ lại đằng sau. Rẽ trái dường như là ngược chiều, nhưng người ta đi nhiều, đi mãi thành ra quen, thành ra đúng, thành một dòng chảy không sao ngăn được. Nó khiến người ta phải trôi theo. Nhưng cái ngã ba chiều nắng nhạt đã cho tôi thêm ba mươi giây để nghĩ. Bỗng dưng tôi cảm giác, cuộc lựa chọn này không cho riêng bạn, mà còn cho chính tôi. Giữa một bà mẹ và một bà mẹ hãnh tiến. Giữa bà mẹ và bà mẹ yếu đuối. Và sự yếu đuối này sẽ trả giá bằng tuổi thơ bị vắt kiệt của bạn, với tấm giấy khen và năm ba cuốn sổ trắng bạn mang về, những thứ bạn đánh đổi cả thời thơ ấu… (Lựa chọn) [83, 51-53]. Tất cả những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy, qua cách quan sát của Nguyễn Ngọc Tư, đều toát lên tinh thần nhân văn, thể hiện rõ một cái nhìn tinh tế, cái nhìn của một người phụ nữ có vẻ thô vụng, chân chất nhưng lại vô cùng nhạy cảm. Nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư, người ta thường hay nói đến tác phẩm Cánh đồng bất tận, bởi đấy được xem là thành công lớn nhất của chị. Thế nhưng, như nhiều lần đã trả lời trên báo chí, Nguyễn Ngọc Tư tâm sự rằng chị không muốn người đọc cứ giữ mãi chị ở cái cánh đồng ấy, không muốn mình sống mãi trong cái bóng của chính mình, chị muốn vượt thoát khỏi nó, khỏi bản thân, tìm kiếm những chân trời mới, với những điều thú vị mới, để có được những trải nghiệm mới. Điều đó có lẽ không chỉ đúng với con đường sáng tác truyện ngắn, mà Nguyễn Ngọc Tư còn đang thể hiện trong chính thể loại tạp văn – một thể loại đòi hỏi người ta phải luôn sống thật với những cảm xúc, nhưng lại phải luôn biết làm mới mình, không lặp lại mình, và tìm được sự rung cảm trong tâm hồn người đọc. Điều ấy quả thực rất khó. Gần đây, người đọc còn được biết đến một Nguyễn Ngọc Tư của thơ, và chị cho rằng, điều ấy chẳng có gì bất ngờ cả. Bản thân văn chương Nguyễn Ngọc Tư trước nay vốn đã là những trang viết mang đậm chất thơ, giàu hình ảnh, nhất là trong tạp văn. Có nhiều khi, tạp văn của chị “thơ” từ cái tựa thơ đi, nào là “Rơm rạ xốn xang”, nào là “Đi giữa đôi bờ”, nào là “Yêu người ngóng núi”, rồi thì “Chập chờn lau sậy”, “Nước vẫn vờn quanh thắt lưng”, “Nhớ ơi nguội bớt cho nhờ với”, “Mong manh của người”, “Một thế gian thênh thang”… Và không chỉ thơ, chúng còn rất gợi, khiến người đọc cũng nôn nao những cảm xúc. Nhìn một cách tổng thể, tạp văn Nguyễn Ngọc Tư là những trang viết hồn hậu, dung dị, dung dị từ hình ảnh, ngôn từ cho tới giọng điệu (một giọng điệu “đặc sản” miền Nam như nhiều người đã nhận xét). Thế nhưng, vượt lên trên lớp vỏ bề ngoài ấy, tạp văn Nguyễn Ngọc tư đọng lại trong lòng người đọc là những trang viết dạt dào cảm xúc, là những thương thương nhớ nhớ, xốn xốn xang xang, thậm chí quay quắt đến thắt lòng. Chính những cảm xúc chân thành, da diết ấy đã khiến cho tạp văn chị bắt rễ được vào tâm hồn người đọc. Và một khi đã bắt rễ được, nó cũng khiến người ta phải lắng mình, phải suy tư và chiêm nghiệm, bởi thấp thoáng đâu đó trong những lời thủ thỉ của Nguyễn Ngọc Tư, người ta không ít lần phải thảng thốt khi bắt gặp bóng dáng mình trong ấy. TIỂU KẾT: Là một thể loại không gò bó trong cách viết, tạp văn vì thế đã trở thành một thể loại linh hoạt được nhiều người lựa chọn trong thời gian qua. Có thể nói, có bao nhiêu người sáng tác tạp văn thì cũng có bấy nhiêu cách viết, bấy nhiêu cách chiếm lĩnh thế giới tự do của những con chữ này, tùy thuộc vào sở trường của mỗi người. Và theo cảm nhận, đánh giá của chúng tôi, thì Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư là những cây bút có những nét độc đáo riêng, tạo nên dấu ấn thuyết phục trong lòng người đọc. Họ là những người biết cách chuyển hóa những điều mình muốn nói bằng chất liệu riêng, phong cách riêng rất đặc sắc. Đó là một Nguyên Ngọc với giọng văn thâm trầm của một người từng trải, luôn biết tự vấn, biết bình tâm để nhìn nhận vấn đề một cách cẩn trọng; một Hoàng Phủ Ngọc Tường với giọng văn trữ tình tài hoa, đậm chất trí tuệ đã đem đến cho những bài tạp văn một cái nhìn có chiều sâu lồng ghép trong những yếu tố triết luận thâm thúy về cuộc đời, về cõi nhân sinh và thân phận con người; một Phan Thị Vàng Anh sắc sảo trong cách nhìn nhận vấn đề và thông minh với những biện giải đầy thuyết phục; và cuối cùng là một Nguyễn Ngọc Tư với giọng văn mộc mạc, tự nhiên mà luôn dạt dào cảm xúc. Có thể họ không đại diện được cho toàn bộ những người đã đang và sẽ viết tạp văn, nhưng trên con đường sáng tạo của mình, họ đã để lại được những “đôi dép Empédocle”, tức là “sự nghiệp cống hiến, và cũng là dấu chân để lại của một con người đã đi qua trần thế”, bằng chính đôi chân của mình, không hề mượn dép của người khác – một điều tối cần thiết đối với các nhà văn mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nói đến trong bài tạp văn “Đôi dép Empédocle” rất sâu sắc của mình. Và thế giới tạp văn, cũng như tất cả các thể loại văn học - nghệ thuật khác, luôn cần những con người biết vươn lên để chiếm lĩnh những đỉnh cao sáng tạo như thế. MỤC LỤC DẪN LUẬN................................................................................................................. ..... 1 I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI......................................................................................... 1 II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU............................................................ 2 III. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ............................................................................................. 5 IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU....................................................................... 7 V. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI.................................... 8 VI. KẾT CẤU LUẬN VĂN...................................................................................... 8 CHƯƠNG 1: TẠP VĂN – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ THỂ LOẠI........................................................................................ 10 1.1 Về khái niệm và vấn đề phân loại tạp văn trong hệ thống thể loại văn học Việt Nam hiện đại 10 1.1.1 Về khái niệm tạp văn.................................................................................... 10 1.1.1.1 Tạp văn - theo cách hiểu thông thường........................................... 11 1.1.1.2 Quan niệm về tạp văn trong hệ thống lý luận văn học...................... 12 1.1.2 Về vấn đề phân loại tạp văn trong hệ thống thể loại văn học Việt Nam hiện đại. 23 1.2 Sơ lược về cơ sở xuất hiện và lịch sử phát triển của thể loại tạp văn............................ 27 1.2.1 Trong văn học phương Tây........................................................................... 27 1.2.2 Trong văn học Trung Quốc........................................................................... 29 1.2.3 Trong văn học Việt Nam.............................................................................. 32 Tiểu kết ........................................................................................................................... 42 CHƯƠNG 2: TẠP VĂN ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM: TỔNG QUAN......................... 43 2.1 Những nhân tố tác động đến sự phát triển mạnh mẽ của tạp văn đương đại................................................................................................................... 43 2.1.1 Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân trong văn học sau công cuộc Đổi mới........................................................................................................... 43 2.1.2 Những thay đổi về tư duy, thị hiếu tiếp nhận trong thời đại mới.......................... 46 2.2 Những đặc trưng cơ bản của tạp văn........................................................................ 48 2.2.1 Tính chất nhập cuộc và yếu tố nghị luận trong tạp văn....................................... 49 2.2.2 Linh hoạt trong kết cấu, cô đọng, súc tích trong diễn đạt................................... 51 2.2.3 Cái “tôi” trong tạp văn..................................................................................... 54 2.3 Những chủ đề chính của tạp văn đương đại.................................................................. 57 2.3.1 Tạp văn viết về những kỷ niệm đã qua (tạp văn hồi ức)..................................... 57 2.3.2 Tạp văn viết về những vấn đề xã hội................................................................. 66 2.3.3 Tạp văn viết về vấn đề văn hóa – lịch sử ......................................................... 77 2.3.4 Tạp văn chân dung nhân vật và miêu tả thiên nhiên............................................ 82 Tiểu kết....................................................................................................................... ..... 95 CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT VIẾT TẠP VĂN QUA MỘT SỐ CÂY BÚT TIÊU BIỂU 97 3.1 Tạp văn Nguyên Ngọc – một giọng điệu thâm trầm, sâu sắc......................................... 98 3.2 Hoàng Phủ Ngọc Tường: cây bút tạp văn tài hoa, uyên bác........................................ 103 3.3 Cái nhìn sắc lẻm và sức mạnh biện giải trong tạp văn Nhân trường hợp chị thỏ bông của Phan Thị Vàng Anh 109 3.4 Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư: mộc mạc, tự nhiên mà sâu lắng......................................... 118 Tiểu kết....................................................................................................................... .... 126 KẾT LUẬN................................................................................................................. .. 128 THƯ MỤC THAM KHẢO.......................................................................................... 132

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_17__8102.pdf
Luận văn liên quan