Nếu độc thoại nội tâm là một phương tiện quan trọng đểphân tích tâm lý các nhân
vật là một ưu điểm lớn, nhưng khi ông mãi sa đà miêu tả tâm lý nhân vật, nó trở
thành nhược điểm của Stendhal. Vì suy cho cùng, Stendhal là nhà văn chứkhông
phải một nhà tâm lý học. Người đọc không tránh khỏi mệt mỏi khi phải theo dõi
suốt quá trình nhà văn mổ xẻ tâm lý nhân vật. Balzac đã khắc phục được nhược
điểm trên khi ông miêu tả hành động nhân vật kết hợp với miêu tảtâm lý và miêu
tả sinh hoạt, làm cho người đọc dễ tiếp nhận hơn.
85 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3072 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nghệ thuật xây dựng nhân vật “vỡ mộng” trong tiểu thuyết “đỏ và đen” của Stendhal, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
“là một điển hình, mà đồng thời là một cá nhân riêng biệt, con
người này”.
Stendhal đã xây dựng nhân vật này là người đầy tài năng và nghị lực, ý thức rất rõ
về mình. Trí tưởng tượng mãnh liệt nâng Julien lên cao hơn môi trường xung
quanh, hơn những gã quý tộc, tư sản chỉ có khả năng mơ ước một chuyện thăng
thưởng, một món lời, một món mua sắm mới. Là một tính cách phi thường, Julien
đối lập với bọn de Rênal, Valenod khôn ngoan, thấp kém. Anh đã muốn bật ngồi
và sửng sờ cả người khi de Rênal, trước sự giận dữ của người gia sư bị ý xúc
phạm, đau khổ xin tăng lương cho anh “kể từ ngày kia, mồng một đầu tháng”. Tất
cả niềm phẫn nộ của Julien biến mất và kinh ngạc “Mình kinh con vật này như vậy
mà chưa đủ, có lẽ đây là cách tạ lỗi lớn nhất mà một tâm hồn đớn hèn có thể thực
hiện”.
Julien khác hẳn nhân vật Charles trong Eugénie Grandet của Balzac sau này. Nếu
như ở thế hệ đó, thanh niên của đẳng cấp thứ ba không còn giữ được lòng tự trọng
của mình nữa. Từ Charles cho đến Rastignac, lớp thanh niên đó đều lần lượt “bị
cán đi dưới sức tha hóa của đồng tiền tư bản”. Chàng thanh niên nghèo Luyxiêng
de Ruybemphê (Vỡ mộng) chạy theo tình yêu và danh vọng, la lên: “vàng là thế
lực duy nhất bắt cái xã hội này phải quỳ gối”. Nói chung, đồng tiền là tấn bi kịch
trung tâm của thời đại, những xung đột bi thảm giữa con người và con người, giữa
cá nhân và xã hội, giữa thực tại và lý tưởng…; thì ở thế hệ Sorrel, đồng tiền đang
bị đặt bên dưới nhân cách. “Nếu ta muốn họ quý trọng và cả chính mình cũng tự
quý trọng nữa, thì ta phải cho họ biết rằng chính là cái nghèo của ta giao thiệp với
cái giàu của họ, chứ tấm lòng của ta cách xa sự láo xược của họ hàng nghìn dặm,
và được đặt trên một tầng quá cao, những biểu thị nhỏ nhặt của sự kinh miệt hay
sự ưu đãi của họ không thể nào bén tới được”. (Stendhal, 1998 : 162).
Các nhân vật trẻ tuổi không thuộc giới thượng lưu của Bandắc cũng tràn đầy ước
vọng muốn vươn lên các tầng lớp trên của xã hội, bước vào giới của những kẻ
được lựa chọn. Nhưng Julien là một nhân vật có tính cách độc đáo, về cơ bản khác
xa với các nhân vật của Balzac. Không phải ngẫu nhiên mà có người nhận xét
rằng: Balzac dù có viết gần một trăm truyện, song không có một Julien trong Tấn
trò đời.
Trong khi các nhân vật của Balzac coi việc bước vào giới những kẻ được lựa chọn
không tách rời việc làm giàu, kiếm tiền, không tách rời sự hưởng thụ vô độ cuộc
sống, thì Julien, khi đã được vị trí ngang với những kẻ có quyền thế ở đời, vẫn hy
vọng rằng anh sẽ có thể hiến thân cho một sự nghiệp xã hội lớn lao, tuy rằng anh
chưa thật hiểu rõ chính cái tính chất của sự nghiệp đó.
Những khác biệt quan trọng giữa họ không chỉ thể hiện ở đó. Nếu như các nhân vật
trẻ tuổi không có tước vị của Balzac, như đã nhận xét, đã nắm chắc được bộ luật
của đạo lý tư sản, trở thành những kẻ bảo vệ bộ luật đó, thì Sorrel, tuy vẫn ngả hẳn
về môi trường đặc quyền đặc lợi, vẫn giữ được sự độc lập nội tâm của mình, cách
suy nghĩ của mình. Anh đánh giá trên tinh thần phê phán mạnh mẽ các tầng lớp
khác nhau của những kẻ có quyền hành, anh thường cảm thấy vô cùng khó chịu đối
với chúng, song, anh không cho phép mình được nói thẳng điều đó ra.
Tuy nhiên, Julien cũng không phải là Mixirili (Vanina Vanini của Stendhal). Mơ
ước của chàng Cácbônarô cũng nâng anh lên cao hơn xung quanh, đối lập với
những kẻ áp bức nước Ý và bọn giàu có khôn ngoan. Nhưng sự gàn dở của Mixirili
xuất phát từ lý tưởng anh hùng của nhà cách mạng chiến đấu cho tự do của tổ
quốc. Mơ ước của Julien phục tùng tham vọng cá nhân mãnh liệt, những phẩm chất
của con người chiến sĩ chân chính vì tự do vẫn không có ở Julien, chúng chưa hình
thành ở trong anh. Ước mơ của anh về một sự nghiệp lớn lao, có ích cho toàn xã
hội đã không được thực hiện. Và điều đó chứng tỏ trước hết rằng những băn khoăn
của nhân vật về sự thành đạt cá nhân đã lấn át những khát vọng hoạt động xã hội
của anh, tuy đôi khi Julien cũng thấy rằng niềm vinh quang của mình không tách
rời tự do cho tất cả mọi người.
Nhưng Stendhal không chỉ xây dựng tính cách điển hình mà còn có hoàn cảnh điển
hình. Con người là do hoàn cảnh (1) tạo nên. Nó sống giữa sự vật và những con
người tác động đến nó và nó tác động trở lại.
Nhưng khác với Balzac, Stendhal không quan tâm đầy đủ đến hoàn cảnh tự nhiên
xung quanh con người, cụ thể là những vật chung quanh con người (thành thị,
đường phố, nhà cửa, đồ đạc…). Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là sự tác
động sâu sắc của hoàn cảnh sống tới tính cách của con người không lôi cuốn sự
chú ý của Stendhal. Ông đặt nhân vật vào hoàn cảnh xã hội. Thế giới do Stendhal
mô tả không nổi bật bởi chiều rộng và quy mô sử thi vốn tiêu biểu cho các bức
tranh về cuộc sống xã hội và riêng tư của Balzac. Nhưng thế giới đó – và đây là
điều rất quan trọng – có tính nhiều chiều kỳ lạ, có tính tương phản xã hội – tâm lý,
trong thế giới đó, cảm xúc về viễn cảnh lịch sử thể hiện rõ rệt.
Nhà văn đặt nhân vật lần lượt vào các môi trường, từ làm gia sư trong nhà ông de
Rênal, học ở chủng viện Bensancon, cho đến làm thư ký riêng cho hầu tước de La
Mole… nhân vật được tiếp xúc hầu hết với đủ các tầng lớp trong xã hội. Ngay
trong cách nhân vật khám phá cuộc sống, đã chứa đựng một sự phán xét nhất định
về nó, làm hiện lên trước mắt người đọc bối cảnh điển hình của xã hội đương thời,
thâm nhập sâu sắc vào thực chất của những xu hướng lịch sử của thời đại.
(1) Trong tác phẩm văn học, người ta thường phân biệt hoàn cảnh nhỏ và hoàn
cảnh lớn. Hoàn cảnh nhỏ có liên quan đến mặt sinh hoạt của nhân vật. Sinh hoạt
(hiểu theo nghĩa đặc biệt như là một thuật ngữ nghiên cứu văn học) được tạo ra từ
những chi tiết đời sống hàng ngày của nhân vật, bao gồm cả những cách sống riêng
tư nhất. Với sự phát triển của tiểu thuyết hiện thực, sinh hoạt trở thành đối tượng
miêu tả ngày càng có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Tuy nhiên, lạm dụng sự
miêu tả sinh hoạt sẽ có hại cho giá trị tư tưởng của tác phẩm. Bởi vì “chi tiết sinh
hoạt chỉ là đinh ốc nhờ đó mà hành động gắn với thời điểm lịch sử”
(Lêonôv).Hoàn cảnh lớn hiểu theo nghĩa rộng, là hoàn cảnh lịch sử chung, là trạng
thái nhân thế của cả xã hội, là tình thế thời đại với những quy luật, những xu thế
khái quát nhất bật ra từ những mối liên hệ cốt yếu nhất của thời đại. Mức độ điển
hình của hoàn cảnh được quy chiếu với quy luật của hoàn cảnh lớn, với xu thế lịch
sử chủ đạo, khách quan của thời đại.
Đồng thời, những quan hệ xã hội, những va chạm trong cuộc sống đó cuối cùng sẽ
thể hiện nhiều kía cạnh, nhiều hình thái của cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp trong
xã hội có giai cấp. Cho nên hoàn cảnh điển hình hay trường hợp điển hình chủ yếu
phải thể hiện cuộc đấu tranh giai cấp, mà đấu tranh giai cấp ở thời đại Stendhal nổi
bật, nhất là đấu tranh giữa tư sản và quý tộc.
Khi đặt nhân vật vào hoàn cảnh xã hội, vào trong những mối quan hệ xã hội phức
tạp, vào những va chạm của cuộc sống, cũng sẽ làm nổi bật tính cách nhân vật. Bởi
vì, như Mác đã chỉ rõ, “con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”.
Không phải ngẫu nhiên mà có người cho Đỏ và đen là “Thời sự của năm 1830”
(Đặng Anh Đào, 1997: 512). Stendhal đã bám sát sự thật lịch sử, những sự kiện
chính của xã hội Pháp thời Trung hưng – dưới triều đại Louis XVIII và Charles X,
sau những năm rực rỡ chiến công rồi nhục nhã trong thảm bại của Napoléon –
được tác giả miêu tả cụ thể, chân thực. Dòng họ Bourbon do được quân đội nước
ngoài của Liên minh thần thánh (năm nước phong kiến: Anh, Phổ, Áo, Nga, Tây
Ban Nha) đưa về, khôi phục lại nền quân chủ ở Pháp trên cái cơ sở xã hội chông
chênh mà cuộc cách mạng 1789 vừa mới dựng nên. Chính quyền tư sản tạm thời bị
dẹp, bọn quý tộc di cư theo gót Louis XVIII trở về. Một số lớn phần tử quý tộc bảo
hoàng cực đoan muốn thủ tiêu các thể chế mới, khôi phục lại những đặc quyền cũ,
và mưu toan dựa vào viện trợ nước ngoài cũng như câu kết với lực lượng tôn giáo
để hoạt động chính trị. Chúng thành lập Hội thánh, lũng đoạn và chi phối cả chính
quyền địa phương. Tuy vậy, lực lượng quý tộc đang trên đà suy tàn và xu thế xã
hội là đi vào con đường tư bản chủ nghĩa với việc giành giật thị trường và mở
mang công nghệ. Trong cuộc tranh chấp ấy giữa hai thế lực, xã hội Pháp đã phải
trải qua một thực trạng đầy mâu thuẫn, mang tính kịch gay gắt. Và giai cấp tư sản,
trong cuộc đấu sức với tầng lớp quý tộc, cũng đã sớm bộc lộ một cách trắng trợn
cái bản chất bóc lột tàn bạo của nó.
Giai cấp quý tộc với hai nhân vật tiêu biểu của nó là ông de Rênal, đại diện cho
tầng lớp quý tộc tỉnh nhỏ và ông Hầu tước de La Mole, đại diện cho tầng lớp quý
tộc trong xã hội thượng lưu ở Pari.
Ông de Rênal thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, gốc gác cổ kính, đã lập nghiệp từ lâu
đời ở xứ Prăngsơ Côngtê. Hắn vừa làm thị trưởng thị trấn Verrières vừa làm chủ
một xưởng làm đinh. Bằng hai câu, Stendhal đã lột tả được hết tính cách của de
Rênal: “Nhưng chả mấy chốc, , người du khách của Pari đã thấy khó chịu vì một
cái vẻ tự mãn tự phụ hòa lẫn với một cái gì tuồng như thiển cận và ngu đần. Nghĩa
là người ta cảm thấy tài trí của con người đó chỉ giới hạn ở chỗ có ai nợ y cái gì
thì y đòi cho thật đúng kỳ hạn, còn y nợ ai thì y trả hết sức chậm chạp lươn
khươn”. Trong khi lấy cái việc là một nhà công nghiệp làm xấu hổ, thì chính hắn
lại nhờ vào tiền lãi về xưởng chế tạo đinh mà có được ngôi nhà xinh đẹp và những
khu vườn rộng lớn có tường chắn cẩn thận. Hắn chính là một điển hình cho giai
cấp quý tộc thời Trung hưng, quý tộc đang đi vào con đường tư sản hóa. Một lần,
có con bé nhà quê đã lạm phép đi xuyên qua một góc khu vườn quả của ông de
Rênal, ông tức thì “ném đá đuổi nó đi” và “lấy những bó cành gai rấp cái lối đi
lạm phép đi xuyên qua khu vườn quả”. Hay ông rất bực mình khi bàde Rênal đã
dám làm một con đường rãi cát, chạy quanh khu vườn quả mà không hỏi ý kiến
ông, nhưng bàde Rênal đã làm việc đó bằng tiền của bà, nên ông cũng được đôi
phần an ủi! Thế là ở hắn hợp nhất cái lòng tham lam bần tiện của một gã tư sản với
tính kiêu căng ngu xuẩn của một kẻ quý tộc. Tác giả còn vạch ra cả bước đường
xuống dốc của gã quý tộc tư sản hóa đó. Nếu ở đầu cuốn tiểu thuyết, hắn xuất hiện
một cách đường bệ trên ghế thị trưởng, thì ở cuối đoạn trích, tác giả đã hé cho ta
thấy cái cảnh lu mờ bi đát của hắn sau khi bị đẩy ra ghế thị trưởng, và từ hàng ngũ
đảng bảo hoàng hắn đã chuyển thành đảng viên tự do để hoàn thành bước đường tư
sản hóa của hắn về mặt chính trị. Giai cấp tư sản đã nuốt mất giai cấp quý tộc.
Còn tầng lớp quý tộc thượng lưu ở Pari mà de La Mole là đại diện thì có phần
ngang ngạnh hơn trên con đường tư bản hóa. Chúng kiêu căng đến tột bậc, chúng
“không che giấu nỗi lòng khinh bỉ thành thực của chúng đối với tất cả những cái gì
không xuất phát từ những con người được bước lên xe song loan của nhà vua”.
Hầu tước de La Mole mưu mô vận động để làm cho nhà vua và cả quốc gia chấp
nhận một bộ nào đó, bộ này sẽ tạ ơn ông và đưa ông lên hàng công tước. Ông ta
hàng ngày, ngoài hai việc nhỏ nhặt nhưng khá quan trọng là chăm sóc cơ nghiệp và
chăm sóc thú vui chơi. Song, việc quan trọng hơn cả đối với hầu tước de La Mole,
mà cũng là của giai cấp quý tộc là việc duy trì chế độ, duy trì địa vị thống trị của
giai cấp. Hơn ai hết, ông thấy rõ số phận giai cấp mình. Trong cuộc đấu tranh với
giai cấp tư sản, bọn chúng âm mưu câu kết với thế lực ngoại bang để khôi phục đặc
quyền đặc lợi của giai cấp mình. “Thưa các ngài – ông ta nói trong một cuộc họp
kín – ngai vàng, nhà thờ, giai cấp quý tộc có thể tiêu ma ngày mai, chừng nào mà
chúng ta chưa tạo nên được ở mỗi tỉnh một lực lượng với năm trăm người tận
tụy… Mỗi chúng ta phải hy sinh một phần năm lợi tức của mình để thành lập cái
đội quân nhỏ năm trăm người tận tụy ở mỗi tỉnh. Bấy giờ thì các ngài mới có thể
trông mong được ở một sự chiếm đóng của quân nước ngoài. Không bao giờ người
lính nước ngoài vào sâu đến Đijông thôi, nếu hắn không chắc chắn được thấy có
năm trăm người lính bạn trong mỗi tỉnh. Các vua nước ngoài chỉ lắng nghe các
ngài khi các ngài báo tin cho họ là có hai vạn người quý tộc sẵn sàng cầm vũ khí
để mở cho họ các cửa ngõ của nước Pháp. Các ngài sẽ bảo công việc đó nặng
nhọc lắm, nhưng, thưa các ngài, cái đầu chúng ta là ở cái giá đó. Giữa sự tự do
báo chí và sự tồn tại của chúng ta ở địa vị quý tộc là cuộc chiến đấu sống mái.
Hoặc các ngài sẽ trở thành dân công nghệ, nhà nông, hoặc các ngài phải cầm
súng…”.
Nhưng đặc sắc là Stendhal đã làm nổi bật cái không khí lạnh lẽo, buồn thảm, “chết
ngạt về tinh thần” của giai cấp đang tàn lụi này. Phòng khách của chúng, nếu bạn
trông thấy, bạn sẽ thấy “nó huy hoàng bao nhiêu thì cũng buồn tẻ bấy nhiêu”, đó là
“xứ sở của ngáp dài và lý luận tẻ ngắt”. Ở đó ngự trị ba thứ: kiêu căng, chán
chường và lễ phép hoàn hảo. Những người mà ta thường gặp trong các phòng
khách quý tộc là “những kẻ thân danh hèm kém, nhạt nhẽo vô vị”, những người chủ
nhà thì “đã quen lăng nhục người khác để giải buồn”. Quả thực chúng rất kiêu
căng, tự phụ, nhưng chúng cũng rất lễ độ: “Hơi một chút của sự nóng giận cũng bị
coi là sự thô bỉ”. Những thanh niên đến để làm tròn phận sự lễ nghi, “sợ nhỡ nói
đến điều gì làm cho người ta có thể nghi ngờ là mình có một tư tưởng, hoặc nhỡ là
bị phát lộ là đã đọc sách báo cấm kỵ nào đó”, nghĩa là “đừng có đùa cợt về Chúa,
về các tu sĩ, về nhà vua, về những người có chức vị, về những nghệ sĩ được triều
đình che chở, về tất cả những cái gì đã được thiết lập; miễn là đừng nói tốt cho
Bêrănggiê, cho các báo đối lập, cho Vonte, cho Rutxô, cho tất cả những gì tự cho
phép nói thẳng một chút; nhất là đừng bao giờ nói chính trị”, còn thì người ta có
thể bàn luận tự do về tất cả mọi chuyện. Nên họ “đều căm lặng sau vài câu thanh
nhã về Rôxini và về thời tiết”. Mặc dù phong cách tao nhã, lễ độ hoàn toàn, mặc dù
ý muốn làm vui lòng người khác, nhưng “trên tất cả mỗi vầng trán đều đọc được
thấy rõ sự chán chường”.
Stendhal chẳng những đã phản ánh tài tình con đường tư sản hóa của giai cấp quý
tộc Pháp, mà ông còn phản ánh gã tư sản hãnh tiến chạy theo tước vị của quý tộc.
Đó là ông Valenod, giám đốc viện tế bần, đại biểu cho loại tư sản hãnh tiến. Julien
thấy hắn “có cái gì đê tiện và sặc mùi ăn cắp”, tính tình trơ tráo và thô bỉ, không
biết xấu hổ cái gì cả, “chuyện gì cũng len vào, luôn luôn xuôi ngược, viết lách, nói
năng, quên những nỗi sỉ nhục, không có một chút tự phụ cá nhân nào”. Cuối cùng,
tên tư sản chạy chọt thế nào không những đã thủ tiêu được tín nhiệm của ông thị
trưởng trong con mắt của quyền lực tăng lữ, mà còn được đề bạt lên hàng nam
tước, nhập tịch hàng ngũ quý tộc. Thật là thời đại của Valenod.
Stendhal đã vẻ ra bức tranh xã hội rộng lớn, phản ánh, trong mức độ nhất định,
cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa giai cấp quý tộc và giai cấp tư sản xâu xé xã
hội đương thời. Giữa tên giám đốc viện tế bần với thị trưởng Rênal cũng là quý tộc
luôn cạnh tranh nhau về sự oai vệ bề ngoài, về bổng lộc tiền tài, về chức tước để
“ưỡn ngực ra giữa đường mà làm oai với dân hạ đẳng”. Những bữa tiệc quý tộc
rặt là những thái độ đạo đức giả, không bao giờ dám nói thật, luôn giữ thế với nhau
về chính trị để kiếm chác lòng tin của quý tộc bề trên. Không khí các gia đình quý
tộc lạnh lẽo, ngôn ngữ giữa họ là những hoa hòe nông cạn, giả đạo đức. Thầy cả
Chélan đức độ tuyệt vời, giám mục Pirard là người tốt bụng đều bị bè lũ Valenod
tranh gạt chỉ vì họ là phái Janxênit.
Nhưng trong xã hội đó, còn có một lực lượng quan trọng làm nên bộ ba tam quyền
chi phối xã hội bấy giờ, đó chính là Giáo hội – thành trì thuộc vào hàng kiên cố
nhất của chế độ phong kiến. Với con mắt của một nhà văn hiện thực duy vật và vô
thần, Stendhal đã căm phẩn vạch trần bộ mặt thật của bọn tu sĩ. Tên phó giám đốc
chủng viện Caxtanet, thù địch với ông Pirard, là một kẻ “không coi một tội ác nào
là đen tối quá”, hắn khuyên học trò: “hãy như một cái gậy trong tay giáo hoàng”
thì sẽ được “một chức vụ bất khả bãi miễn, chính phủ trả một phần ba lương bổng
và các tín đồ sẽ trả hai phần ba kia… Những xứ đạo miền núi, bổng ngoại còn tốt
hơn rất nhiều những xứ đạo ở thành phố. Tiền bạc không kém, lại chưa kể đến gà
sống thiến béo mẫm, trứng gà, trứng vịt, bơ tươi và hàng nghìn thứ thú vị lặt vặt
nữa, và ở đó, ông cha xứ là người thủ chỉ không ai dám chối cãi, không có bữa ăn
ngon nào mà không được mời mọc, thiết đãi…”.
Và phó giám mục Frile là một con người quỷ quyệt. Hắn đứng đầu cả mạng lưới
Hội thánh ở Bensancon, có tiếng là “cất lên hạ xuống những viên tỉnh trưởng như
chơi, hắn mà gởi thông điệp về Pari thì các quan tòa, tỉnh trưởng và cho đến cả
tướng tá trong doanh trại đều phải run sợ”, nhưng lại sử dụng mưu kế bỉ ổi, nhơ
nhớp để hạ Julien – học trò cưng của ông Pirard – từ hạng nhất xuống hạng 198
trong kỳ sát hạch. Ông ta “lấy làm sung sướng được làm như thế để làm nhục kẻ
thù của ông ta, là ông Pirard theo phái Jăngxênit”. Cái tên phó giám mục đó thiếu
chút nữa là quỳ xuống chân cô gái Mathilde, khi hắn biết cô này là bạn thân của bà
cháu gái có uy thế của Đức Cha nắm trong tay quyền phân phối chức giám mục
trên toàn nước Pháp.
Những người như cha xứ Chélan và linh mục Pirard là những nhà tu sĩ tốt bụng,
thành thật thờ Chúa, không ham tiền tài, địa vị, nhưng lại bị phái Jêduyt tìm cách
bẩy đi, mặc dầu tuổi đã già. Còn lại là cả một bọn giáo sĩ giả nhân giả nghĩa, chạy
theo tiền tài, địa vị, tàn ác, quỷ quyệt không kém gì những bọn quý tộc và tư sản.
Nơi đào tạo ra họ chính là chủng viện Bensancon, một “địa ngục trần gian”. Ở
trường học tôn giáo đó, các sinh đồ coi nhau như kẻ thù, hàng giờ hàng phút phải
giả dối che đậy mọi ý nghĩ, tình cảm riêng, vì “sự dò la và tố cáo giữa bạn học với
nhau được khuyến khích”, còn học hành giỏi giang đứng đầu về các giáo lý, lịch sử
giáo hội… lại là “một tội lỗi huy hoàng”. Ở đó, chỉ có “sự phục tùng trái tim là tất
cả”. Tất cả nền giáo dục của chủng viện đóng khung ở “một tấm lòng kính trọng
mênh mông và vô biên đối với đồng tiền khô và lỏng”, nghĩa là tiền mặt và sự thần
phục giáo hoàng, vị Chúa thứ hai ở trái đất. Và đại đa số sinh đồ đó xuất thân từ
nông dân nghèo khổ, chỉ trông thấy ở nghề thầy tu cái hạnh phúc lâu dài “được ăn
uống no nê và có một bộ áo ấm về mùa đông”. Một nguyên lý ngự trị trong thế giới
tôn giáo là “ý niệm về tôn giáo gắn chặt với ý niệm giả dối và kiếm tiền”, “những ý
niệm hội viên Hội thánh có thế lực là sự tàn ác thâm hiểm và quỷ quyệt gắn bó
khăn khít với nhau”. Julien lúc bị giam trong nhà lao đã nói với bạn là Fukê: “Này,
bọn Hội thánh Bensancon quý hóa ấy cái gì chúng cũng làm tiền được cả; nếu anh
khéo thu xếp, chúng sẽ bán cho anh cái xác chết của tôi đấy…”.
Julien đứng trước hiện thực đó, anh ta cảm thấy mình là một kẻ cô độc và đối lập
với bọn quý tộc ngu dốt de Rênal, bọn tư sản Valenod hèn kém, bọn thầy tu bỉ ổi,
đê tiện. Trong những chuyện trò giữa bọn chúng, anh thấy những ý kiến của chúng
chẳng phù hợp gì với thực tế, toàn những chuyện hèn kém, rặt cái “tính thô bỉ và
sự vô tình hết sức phũ phàng đối với tất cả những gì không phải là chuyện tài lợi,
địa vị hoặc huân chương”. Đối với anh, chúng là những “Đồ quỷ quái!” hoặc
“Quân ngu xuẩn!”.
Stendhal đã vẽ ra sáng tỏ vô cùng bước đường suy sụp và đồi bại của bọn quý tộc,
và bước phát triển của bọn tư sản hãnh tiến. Đồng thời, ông cũng vạch rõ sự chi
phối của đồng tiền trong mọi quan hệ xã hội. Khi ở trong nhà lao, Julien đau xót
nghĩ về bố mình: “Nỗi lo sợ thiếu tiền, cái lối nhìn ngoa ngoắt sự độc ác của người
đời, mà ta gọi là tính keo kiệt, làm cho ông cụ cảm thấy một mối an ủi và an toàn
kì diệu trong món tiền ba bốn trăm luy mà ta có thể để lại cho ông cụ. Một ngày
chủ nhật sau bữa ăn chiều, ông cụ sẽ phô bày vàng bạc của mình cho tất cả những
kẻ ghen ghét mình ở Verrières xem. Với giá này, con mắt của ông cụ sẽ nói với họ,
có người nào trong các ông lại không lấy làm vui thích có một thằng con lên máy
chém?”. Đồng tiền đã xóa bỏ những tình cảm gia đình, nhưng tình cảm xã hội tốt
đẹp, chỉ để lại trong con người mối quan hệ “tiền trao cháo múc”, qua những phần
phân tích trên chúng ta cũng đã nhận ra được điều đó. Đặc biệt, một trong những
tác động của đồng tiền, hậu quả của chế độ tư hữu nói chung, của chế độ tư sản nói
riêng, đối với tình yêu trai gái, quan hệ vợ chồng. Engels đã từng phân tích chế độ
gia đình một vợ một chồng trong xã hội phong kiến và tư sản, và đã chỉ ra rằng
“cái chế độ hôn nhân cá thể chặt chẽ dưới quyền chi phối của đàn ông” đó, với
việc kết hôn được tiến hành như “một việc có tính toán lợi hại, do cha mẹ thu xếp”,
ngăn trở tình yêu trai gái phát triển dưới hình thức tình nghĩa vợ chồng và đưa đến
cái tình trạng “về phía chồng thì tạp hôn bừa bãi, về phía vợ thì ngoại tình lu bù”,
thậm chí tệ tạp hôn cũng như tệ ngoại tình trở thành như những “thiết chế xã hội”.
Cái nhìn sâu sắc, vào tận cơ cấu xã hội như thế, nhà văn làm cho nhân vật điển
hình hiện lên trong một hoàn cảnh điển hình – một trong những yếu tố cơ bản của
một chủ nghĩa hiện thực hoàn chỉnh. Ông đã cắm sâu nhân vật của ông vào trong
hoàn cảnh thì ông cũng đạt tới cái gọi là “sự phát triển tự thân” của tính cách,
nghĩa là tính cách hình thành trong một hoàn cảnh xã hội nhất định thì cũng tự nó
phát triển một cách hợp lý theo sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, chứ không phải
theo ý muốn chủ quan của nhà văn hay do một biến cố phi thường hoặc giả tạo
nào. Về phương diện này, nhân vật Julien Sorrel là một nhân vật điển hình hoàn
chỉnh. Stendhal cho chúng ta theo dõi từng bước phát triển tính cách của nhân vật,
từ lúc anh ta còn là một anh thanh niên nghèo ở Verrières đến khi làm thư ký cho
hầu tước de La Mole ở Pari, rồi qua bao nhiêu va chạm… Stendhal đã đặt Julien
vào các môi trường hoạt động rất khác nhau, ràng buộc anh với bao nhiêu mối
quan hệ xã hội hết sức phức tạp, mà ông còn dùng nhiều loại ống kính với mọi góc
độ khác nhau, qua con mắt nhìn của nhiều nhân vật để soi chiếu và làm nổi bật lên
mọi khía cạnh ngoắt ngoéo nhất, thầm kín nhất trong tâm hồn và tính cách của
Julien qua cả một quá trình giằng co không đơn giản.
Nếu như trong một hoàn cảnh thuận lợi, Julien có thể trở thành một một tướng soái
thời đại Napoléon hay một chiến sĩ Giacôbanh thông minh, dũng cảm, nhưng sở dĩ
Julien rốt cuộc chỉ là một kẻ chạy theo danh vị cá nhân, tính toán, giảo quyệt,
chính là vì sống trong cái xã hội tư sản – quý tộc ấy.
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật bà de Rênal:
3.2.1. Ngoại hình:
Bà de Rênal có thể nói là một trong những nhân vật chính trong Đỏ và đen. Nếu
như ngoại hình nhân vật Julien được nhà văn chú ý khắc họa, thì ở đây, ngoại hình
bà de Rénan chỉ được giới thiệu một cách khái quát qua những điểm nổi bật nhất:
là “một người đàn bà tầm vóc cao, thân hình cân đối, đã từng là hoa khôi của địa
phương… nước da lộng lẫy…Bà có vẻ giản dị, và dáng đi trẻ trung, tâm hồn đó
chưa hề nhiễm thứ duyên dáng, điệu bộ”. Julien chưa bao giờ thấy “một con người
ăn mặc sang trọng như thế và nhất là một người có nước da lộng lẫy như thế, ăn
nói dịu dàng”. Bà đẹp đến nỗi Julien lần đầu tiên gặp mặt phải “kinh ngạc vì sắc
đẹp của bà, anh quên tất cả, ngay cả chuyện đến đây làm gì, anh cũng quên phứt”,
“lúc đó có thể thề rằng bà ta chỉ mới hai mươi tuổi”. Sắc đẹp ấy là “chướng ngại
đầu tiên, suýt nữa thì chặn đứng bước đường sự nghiệp” của Julien; làm cho ông
Valenod say mê, tán tỉnh, là nguồn gốc phát sinh lòng ghen tị, thù hằn đối với
chàng gia sư trẻ được yêu mến. Và điểm nổi bật nhất của bà de Rênal mà tác giả cố
ý miêu tả chính là “đôi cánh tay trắng muốt” mà không ít lần Julien đã từng “hôn
chi chít lên bàn tay bà những cái hôn nồng cháy”. Nhưng nhìn chung, diện mạo cụ
thể của bà đẹp như thế nào thì trong tác phẩm không nêu rõ.
3.2.2. Tính cách:
Không qua những chi tiết, sự kiện cụ thể, mà bằng những lời trữ tình ngoại đề (1),
Stendhal cũng đề cập khá kỹ đến xuất thân và tính cách của bà de Rênal. Bà là
người được thừa kế một gia tài lớn của một bà cô, và là một người quyết sùng đạo
say mê, từ nhỏ đã được nuôi nấng ở bên cạnh các bà phước thờ kính say mê Hội
Thánh tâm chúa Jêxu, họ căm thù kịch liệt những người Pháp nào ghét dòng họ
Jêduýt. Một người đàn bà đức hạnh, có nếp sống hoàn toàn nội tâm, tính tình e lệ,
không thích sự ồn ào: “Bà de Rênal thuộc vào loại đàn bà tỉnh lẻ, mà người ta rất
có thể cho là ngu dại, trong mười lăm ngày đầu tiên được gặp. Bà chả có chút kinh
nghiệm gì về đời sống, và chẳng buồn nói năng gì. Bẩm sinh có một tâm hồn u nhã
và kiêu kỳ, cái bản năng hạnh phúc tự nhiên của tất cả muôn loài làm cho nhiều
khi bà không để ý một tí gì đến mọi hành động của những con người thô bỉ mà sự
tình cờ đã ném bà vào giữa đám họ”.
Với “vẻ ngoài tuyệt đối khiêm nhường và hoàn toàn theo ý muốn của chồng” làm
cho ông de Rênal rất lấy làm hãnh diện. Trong con mắt của các bà vợ của những
người có quyền thế ở Verrières, bà là người ngu dại, bởi vì, “chẳng có chút thủ
đoạn nào với chồng”, bà bỏ qua những cơ hội tốt đẹp nhất để đòi chồng sắm cho
mình những cái mũ đẹp của Pari hoặc của Bensancon. Nhân vật hiện lên là một
người vừa gợi cảm vừa cao quý, vị tha từ thiên bẩm, đồng thời biết thoả mãn cá
nhân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bà thấy chướng nhất là ông Valenod luôn luôn cử động và tiếng nói oang oang như
lệnh vỡ. Xa lánh các cuộc vui, bà thích một mình tha thẩn trong khu vườn đẹp của
mình.
Nhưng tác giả Đỏ và đen lại tập trung phân tích những vấn đề làm nhân vật xao
xuyến, tức là ông tập trung khai thác nội tâm nhân vật, nhân vật hiện lên với đời
sống nội tâm phong phú và sinh động không kém gì nhân vật Julien.
Đặt nhân vật bà de Rênal vào các mối quan hệ (bà de Rênal với chồng, với con và
với Julien), nhà văn làm nổi bật tính cách của nhân vật này: một người mẹ thương
yêu con rất mực, một người phụ nữ có tình cảm ngây thơ, trong sáng và khát khao
hạnh phúc.
Có thể nói, Julien đến làm gia sư trong gia đình bà chính là một cái mốc quan trọng
trong cuộc đời bà de Rênal. Có thể chia cuộc đời nhân vật này thành hai giai đoạn:
trước và sau khi gặp Julien. Từ khi gặp Julien, bà mới biết thế nào là tình yêu.
Stendhal đã rất tài tình khi miêu tả cuộc sống của bà trong giai đoạn sau này như
một lăng kính để nhân vật tự ý thức cuộc đời nhàm chán trước đây của mình, cảm
nhận sự chua xót của số phận mình. Qua đó nhà văn thể hiện tình cảm trân trọng
xót thương đối với người phụ nữ bất hạnh – một nạn nhân của chế độ hôn nhân
phong kiến – tư sản, không có tình yêu, mà chỉ có tính toán tiền bạc, địa vị.
Năm mười sáu tuổi kết hôn với ôngde Rênal – một nhà quý tộc lương hảo, trong
đời “chưa hề cảm thấy hoặc trông thấy cái gì có thể phảng phất giống như tình
yêu”. Bao nhiêu năm chung sống, nhưng chưa hề phê phán chồng và tự thú rằng
ông ta làm cho bà buồn chán. Bà yêu thích ông nhất ông de Rênal là khi “ông nói
với bà về những dự kiến của ông về con cái”. Đối với bà, giữa vợ với chồng chẳng
còn có những mối quan hệ nào êm đềm hơn nữa.
Những đứa con, trước khi Julien đến, là tất cả cuộc sống của bà. Trái tim bà rối
loạn, xót xa khi nghĩ đến những đứa trẻ xinh đẹp kia, được bà chăm sóc cẩn thận,
sẽ rơi vào tay một thầy tu bẩn thỉu và gắt gỏng, mắng mỏ và đòn vọt các đứa con
của bà. Những cơn đau yếu lặt vặt của chúng, những nỗi đau đớn, những niềm vui
bé nhỏ của chúng, chiếm tất cả cảm xúc của tâm hồn bà. Một thằng con của bà lên
cơn sốt làm cho bà đau khổ tuồng như nó đã chết mất rồi không bằng. Nhưng bà
chẳng thèm nói với ai. Những năm đầu của cuộc hôn nhân, do nhu cầu thổ lộ tâm
tình, bà có ngỏ với chồng những loại phiền muộn đó, thì có chăng lời tâm sự đó
“thường xuyên đón tiếp bằng một trận cười thô bỉ, kèm theo một câu cách ngôn
dung tục về tính điên cuồng của đàn bà”, như “Các bà đàn bà là như thế đấy,
những bộ máy phức tạp ấy là lúc nào cũng có một cái gì xộc xệch”, hay “tất cả các
đàn bà đều như thế cả (với một tiếng cười ha hả), những cái bộ máy đó, lúc nào
cũng có cái gì xộc xệch phải vá víu!”. Những loại bông đùa đó, nhất là khi đùa về
bệnh não của những đứa con bà, làm cho bà de Rênal đau đớn như ai ngoáy mũi
dao nhọn vào trong trái tim bà vậy. Bà hình dung rằng tất cả mọi người đàn ông
đều cũng như chồng bà, như ông Valenod và ông quận trưởng Sarcô de Môgirông.
“Tính thô bỉ, và sự vô tình hết sức phũ phàng đối với tất cả cái gì không phải là
chuyện tài lợi, địa vị hoặc huân chương, sự thù ghét mù quán đối với tất cả những
cách lập luận nào trái ý họ”, bà cho là những cái tự nhiên của nam giới, cũng như
việc đi giày ủng và đội mủ dạ vậy.
Sự thay đổi trong tâm hồn nhân vật không phải là một sự áp đặt theo một ý đồ có
sẵn, chủ quan của tác giả, mà được tác giả lý giải trên tinh thần duy lý, khách quan,
tức nhà văn đã đi vào “phép biện chứng tâm hồn” nhân vật.
Đã bao năm rồi, bà de Rênal vẫn chưa quen được với những người lý tài mà bà
phải sống giữa bọn họ. Ở cậu bé Julien, bà tìm thấy những niềm vui dịu dàng, lại
rực rỡ thêm hương vị của cái mới mẻ, trong mối tình cảm của cái tâm hồn cao
thượng và kiêu hãnh kia. Bà cảm nhận rằng anh hơn ông de Rênal – chồng bà rất
nhiều, dù là những chuyện thông thường nhất, dù chỉ là “một con chó khốn khổ,
chạy ngang qua đường, bị chẹt dưới bánh xe ngựa phóng nước kiệu của một gã
nông dân”. Thấy cảnh đau đớn ấy, chồng bà “cười ha hả”, trong khi bà thấy “đôi
hàng lông mày đẹp đen nhánh và cong vành vạnh của Julien nhíu lại”. Tính hào
sảng, tâm hồn cao thượng, lòng nhân đạo, dần dần bà thấy “như chỉ có nơi anh
chàng thầy tu trẻ tuổi kia”. Do đó mà cậu nhà quê Julien được yêu mến. Bà dành
cho riêng mình anh tất cả mối thiện cảm và cả lòng thán phục mà những đức tính
kia kích động ở tâm hồn cao quý.
Stendhal đã chứng tỏ là nhà tâm lý bậc thầy khi phân tích sự chuyển biến tâm lý,
đặc biệt là mâu thuẫn nội tâm của người nữ bất hạnh này. Sự đấu tranh giữa bổn
phận và tình yêu.
Ban đầu, bằng tình cảm hết sức ngây thơ và trong sáng, bà thương hại sự thiếu thốn
của anh chàng gia sư tội nghiệp, rồi không ngừng quan tâm Julien, mà tuyệt đối
không hề tự trách mình một tí nào. Bởi bà nghĩ đến tình yêu mê đắm như chúng ta
nghĩ đến trò chơi xổ số: “thua thiệt chắc chắn, và hạnh phúc mà những kẻ điên rồ
tìm kiếm”.
Khi Julien táo bạo hôn lên tay bà, bà rất lấy làm chướng. Khi trong vườn hoa hóng
mát, Julien nắm lấy tay bà, bà đã vội rụt ngay tay về, sau đó còn tỏ thái độ lạnh
nhạt với anh. Nhưng sau đó, khi tưởng tượng cảnh Julien sẽ lấy chị hầu phòng
Êlida, lòng bà chợt thấy đau nhói, đặc biệt là khi giúp Julien lấy lại bức ảnh của
Napoléon (mà bà tưởng là hình của một người phụ nữ) làm bà đau lòng đến cực
độ: “Những cái hôn nồng nàn, như chưa bao giờ bà được hưởng, làm cho bà bỗng
chốc quên phứt rằng có lẽ anh yêu một người đàn bà khác”. Nhưng chỉ lát sau, đối
với mắt bà anh không còn có tội nữa. “Nỗi đau đớn xót xa, con đẻ của sự ngờ vực,
bỗng tiêu tan, niềm hạnh phúc mà chưa bao giờ bà hề mơ tưởng tới, tất cả tình
trạng đó làm cho lòng bà rộn rã tình yêu thắm thiết và nỗi hoan hỉ điên cuồng”.
Một chi tiết làm nổi bật tình cảm của bà đối với Julien là “có một lần, đang ngồi
nắm tay bà de Rênal trong vườn, mãi mê với những mối suy nghĩ riêng, anh bất
giác buông rơi bàn tay bà de Rênal. Hành động đó làm tâm hồn người đàn bà tội
nghiệp kia hoảng loạn; bà thấy đó là sự biểu thị số phận của bà. Giá chắc chắn
được Julien yêu, có lẽ đức hạnh của bà đã tìm được sức chống lại anh. Nhưng run
sợ mất anh vĩnh viễn, mối si tình của bà làm cho bà loạn trí đến nỗi bà lại cầm bàn
tay Julien, mà trong lúc đãng trí, anh đã để tựa và vai ghế”.
Tác giả thường miêu tả mâu thuẫn nội tâm của nhân vật này bằng hàng loạt câu
hỏi, câu cảm thán: “Hay là ta yêu Julien chăng?”, “Lạ chưa! Ta yêu chăng, ta có
tình yêu chăng? Ta, đàn bà có chồng, ta lại đa mang tình ái chăng? Nhưng, ta
chưa hề cảm thấy đối với chồng cái thứ điên cuồng u uất nó làm cho ta không thể
nào rứt tâm trí ra khỏi chàng Julien được. Kể ra thì chàng chỉ là một đứa trẻ thơ
một niềm kính trọng ta thôi! Nỗi điên cuồng này rồi sẽ thoảng qua đi”. Và đặc biệt
là làm nổi bật nỗi khát khao của bà: “Chao ôi! Giá mà ta được biết Julien mười
năm trước đây, khi ta còn có thể được gọi là xinh đẹp!”. “Đáng lẽ ta phải lấy một
con người như thế này! Tâm hồn nồng nhiệt biết bao! Cuộc sống với anh sẽ vui
sướng biết bao!”
Nhân vật, trong thế đối mặt với hoàn cảnh, có tính tự ý thức rất cao. Bà cảm nhận
sự biến đổi trong cuộc sống của mình, nhưng trong lòng không phải không tự
giằng xé, đau khổ, tự giày vò mình. “Từ trước đến bây giờ bà chưa hề được sống.
Bà không thể nào khuây nghĩ đến niềm hạnh phúc được thấy Julien hôn chi chít lên
bàn tay bà”. Tâm hồn bà có lúc “phiêu diêu tới những miền xa lạ”, được “nếm mùi
một thứ hạnh phúc mới lạ”, nhưng “chợt bà thấy hiện lên lời nói kinh khủng: ngoại
tình. Bà thấy mình đáng khinh bỉ”. Chính mối tình chân thành và vị tha của bà
khiến cho Sorrel coi bà là một tình mẹ đáng kính, dù bà chỉ hơn anh ta bảy, tám
tuổi.
Bà lo tai tiếng cho gia đình, bà tưởng con mình đau vì bà đã bị chúa phạt về tội
ngoại tình, nên bà mới phải ăn năn thú tội. Đánh hơi được chỗ này, tên tu sĩ địa
phương đã buột bà viết thư đến De La Mole, đã làm hại cuộc đời của Julien. Đó
chính là tội ác của bọn tu sĩ mà người đàn bà ngoan đạo kia là nạn nhân, như bà
thốt ra trong buổi gặp gỡ cuối cùng với Julien trong nhà tù: “Tôn giáo đã khiến tôi
làm cái điều bỉ ổi đến thế!”.
Nhìn chung, bà de Rênal được xây dựng theo bút pháp hiện thực, nhân vật không
chống chọi nỗi với xã hội. Và sau khi Julien bị tử hình ba ngày, bà chết trong khi
ôm hôn những đứa con của bà. Cái chết bất ngờ đó thể hiện sự chán chường, tuyệt
vọng của bà đối với cái xã hội đương thời.
3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Mathilde de La Mole
3.3.1. Ngoại hình
Nhà văn không trực tiếp miêu tả ngoại hình nhân vật Mathilde de La Mole, mà qua
con mắt của những nhân vật trong truyện, nhân vật hiện lên chỉ bằng những nét nổi
bật nhất. Julien thấy cô ta có “tóc rất vàng và thân hình rất cân đối… một đôi mắt
rất đẹp. Julien đã làm nổi bật đôi mắt bằng một sự so sánh: “bà de Rênal cũng có
đôi mắt rất đẹp, anh nghĩ bụng, thiên hạ đều khen ngợi bà về điểm đó; nhưng đôi
mắt của bà chả có gì giống với đôi mắt này… chốc chốc lại ngời sáng lên, chính là
nhờ ở ngọn lửa của trí thông tuệ kiệt xuất”. Và anh đã tìm được một câu để diễn tả
cái loại vẻ đẹp của đôi mắt cô de La Mole: “đôi mắt ấy long lanh”. Không chỉ được
cảm nhận từ Julien, sắc đẹp ấy còn được cảm nhận bởi những chàng công tử trẻ
tuổi, giàu có trong một cuộc khiêu vũ: “Trông kìa, trông cái nụ cười duyên dáng
khi cô ta nhảy một mình trong bài đối vũ này. Thực tình không chê được”, “Trong
cái dáng e lệ rất quý phái kia thật đúng là có trò điệu bộ làm duyên”, “và đôi mắt
xanh to kia cụp xuống rất từ từ, cái lúc hình như sắp để lộ chân tình. Quả đáng tội,
không gì khéo bằng”, “thử trông cô Fuôcmông xinh đẹp ở bên cạnh cô ta, có vẻ
tầm thường biết mấy”… Chỉ qua vài nét chấm phá, không cần miêu tả chi tiết, sắc
đẹp của cô Mathilde đã hiện lên thật chân thực, sinh động.
3.3.2. Ngôn ngữ
Một trong những yếu tố tạo nên phong cách Stendhal là văn phong tinh gọn, không
cầu kỳ kiểu cách như văn lãng mạn mà tự nhiên, giản dị và mang hơi thở của cuộc
sống. Do đó, cũng như các nhân vật Julien, bàde Rênal, ngôn ngữ của cô Mathilde
cũng đã được cá thể hóa cao độ. Lời nói nhân vật Mathilde giản dị, đi thẳng vào
cốt lõi vấn đề, đặc biệt góp phần lộ tả tính tình của cô. Trong lần nói chuyện với
người chị em họ, Mathilde nói: “Được dự một trận đánh thật ra trò, một trận đánh
của Napoléon, trong đó người ta giết hàng vạn binh lính, cái đó chứng tỏ lòng can
đảm. Xông pha nguy hiểm, cái đó nâng cao tâm hồn lên và cứu nó khỏi sự buồn
chán, nó hay lây lắm. Có anh nào trong bọn họ có ý kiến gì làm một sự gì phi
thường? Họ cố hỏi lấy tôi cho được, công việc mới to tát làm sao! Tôi có của, và
cha tôi sẽ giúp chàng rể tiến thân. Chà! Tôi đố ông cụ tìm được trong bọn họ một
anh chàng nào thú vị một tí!”. Rõ ràng, nhân vật bộc lộ thẳng thắn, không che đậy
sự khinh bỉ của mình đối với những anh chàng đang vây quanh mình. Ngôn ngữ
của cô như ta thấy, nhiều khi làm thành vết tì ố đối với mắt các anh bạn rất lễ độ
với cô. Những lời lẽ đó không phù hợp với “thị hiếu” của xã hội thượng lưu đương
thời. Ví thử, cô không được thị hiếu đương thời ưa chuộng đến thế, thì bọn họ có lẽ
“gần như sẽ thú nhận rằng ngôn ngữ của cô có một cái gì hơi mặn mà quá đối với
sự thanh nhã của phụ nữ”.
Đi đâu cũng gặp sự buồn chán, cuộc sống của cô trôi qua một cách lạnh lẽo. Khi
đó, mài sắc một câu châm biếm, đối với cô là một trò tiêu khiển và là một sự thích
thú thật sự. Do muốn có những nạn nhân đôi chút thú vị hơn ông bà của cô, hơn
ông học sĩ và năm sáu viên hạ thuộc khác vẫn chầu ve vãn cô, nên cô đã gây mối
hy vọng cho hầu tước de Croadơnoa, cho bá tước de Cayluyx và hai chàng thanh
niên khác con nhà quý hiển bậc nhất. Đối với cô, họ chỉ là “những đối tượng mới
của sự châm biếm”. Cô đùa cợt về anh cô và hầu tước Croadơnoa về nỗi sợ gặp cái
đột xuất: “vậy là, thưa các ngài, các ngài sẽ phải sợ rất nhiều trong suốt đời mình,
rồi sau đó người ta mới bảo các ngài: Không phải là chó sói, chỉ là bóng của nó
thôi”.
Đồng thời, câu nói của cô cũng cho thấy cô có cái nhìn thật sắc sảo và tỉnh táo đối
với thời cuộc. Cô nói với anh cô, nếu như cách mạng có tái diễn, “khi đó
Croadơnoa và anh ta sẽ đóng những vai trò gì?… Họ sẽ là những con cừu dũng
cảm, để mặc người chọc tiết chẳng nói năng gì. Nỗi sợ duy nhất của họ khi chết;
vẫn còn là sợ mất vẻ tao nhã. Anh chàng Julien của ta thì sẽ bắn vỡ sọ tên
Jacôbanh nào đến bắt giữ anh, nếu anh hơi có một tý hy vọng trốn thoát. Anh, thì
anh không sợ mất vẻ tao nhã”.
Ngôn ngữ Mathilde thể hiện sự khinh bỉ không che đậy đối với những người quý
tộc và cả sự kiêu hãnh, khôn ngoan, sắc sảo trong tính cách của cô ta.
3.3.3. Tính cách
Nhà văn đã xây dựng Mathilde là một cô gái thông minh, quyến rũ nhưng kiêu kỳ.
Cô mang những quan điểm của giai cấp quý tộc, nghĩa là nhạo bán chủ nghĩa tự
do, nhưng cũng chẳng ưa gì cái xã hội chung quanh, mà theo cô, chỉ toàn những kẻ
kém cõi, không tư tưởng, không nghị lực, không nhiệt tình, sống uể oải ngáp dài,
chạy theo những thú vui tầm thường. Cô nghĩ, “số phận đã cho ta mọi ưu thế
chẳng thiếu thứ gì: vinh hiển, giàu có, trẻ trung! Than ôi! Tất cả, chỉ trừ hạnh
phúc”. Nhân vật này là “ngoại lệ của phong tục thời đại”. Tuy hằng ngày phải tiếp
xúc với những người “hoàn toàn lễ độ” cùng đẳng cấp, nhưng hễ không ai vừa ý cô
là “cô biết cách trừng phạt bằng một câu đùa cợt rất đắn đo, lựa chọn rất khéo, bề
ngoài rất hợp lễ, ném ra rất đúng lúc, đến nỗi người ta càng nghĩ đến thì vết
thương càng mỗi lúc một tăng. Dần dần nó trở thành đau đớn không chịu nổi cho
lòng tự ái bị xúc phạm. Vì có rất nhiều cái, là đối tượng ao ước nghiêm trọng của
tất cả mọi người khác trong gia đình, mà cô chẳng coi vào đâu, nên lúc nào cô
cũng có cái vẻ thản nhiên đối với mắt họ.
Trong mắt những chàng trai trẻ, Mathilde có tính tình kỳ cục, kiêu hãnh đến ngạo
mạn, nhiều khi khinh bỉ ra mặt đối với họ. Nhưng vì cô thuộc dòng dõi cao quý và
rất nhiều tiền của, đặc biệt là “nàng đem lại cho người chồng một vị thế xã hội vô
cùng tốt đẹp!” nên trong các cuộc vui, cô được hoan nghênh không thể nào hơn, cô
là bà hoàng của vũ hội, là mục tiêu săn đón của các chàng trai quý tộc.
So với bàde Rênal, cô có cái tự do, kiêu kỳ của một cô gái trẻ chưa bị ràng buộc
bởi gia đình, nhưng cũng không sung sướng gì hơn, hôn nhân của cô cũng đã được
định sẵn theo cái thông lệ của xã hội đó. Nhưng người con gái với nỗi vô hy vọng
tìm được sinh thú đó đã chú ý đến Julien. Mathilde thấy “ít ra anh này không đến
nỗi giống hệt kẻ khác”. Bao kẻ vây quanh, nịnh nọt cô, còn Julien thì không, điều
này làm cho Mathilde phải chú ý đến anh. Sự cương nghị, thông minh, chính trực
của Julien làm cô nể phục và kính trọng anh hơn, “anh này không phải bẩm sinh
quỳ gối… Anh khinh những người khác, chính vì thế mà ta không khinh anh”…
“Tất cả những người khác đều ghét anh, nhưng không ai khinh anh”…
Dưới mắt cô, Julien không phải là loại người tầm thường như bọn thanh niên quý
tộc, hơn nữa, lấy Julien là một hành động khiến cô có thể trở nên khác người. Và
từ đó mà dần dần nảy nở mối tình của cô với Julien. Nhưng ý thức giai cấp luôn
luôn trổi dậy và chi phối hành động của Mathilde, cô có khi tỏ ra thân thiết với anh
chàng nhà quê Julien thì cũng ngay sau đó, cô liền hối hận vì những hành động
nông nổi của mình. Trong lòng cô giằng xé, mâu thuẫn chọn lựa giữa danh dự gia
đình, sự kiêu hãnh của bản thân với sự thành thực của trái tim: “Một cô gái nhà gia
thế như ta… không thể xử sự như một kẻ ngu dại được”. Có lúc trong tư tưởng cô
có phần đối xử với Julien như một kẻ dưới, muốn làm cho yêu mình lúc nào là tùy
mình.
Cuối cùng, cô cũng không thể cưỡng lại được tình yêu đối với Julien. Cô thường tự
nhủ: “Dám yêu một kẻ cách xa ta về vị trí xã hội đã là cao cả và táo bạo. Để xem
anh ta có tiếp tục xứng đáng với ta hay không? Hễ ta thấy ở anh hơi có một chút
yếu đuối nào là ta bỏ rơi liền”… Thật đúng là một thứ tình yêu lý trí mà chính
Julien đã nhận thấy, “chẳng có gì khác hơn là sự hợm hĩnh khô khan và kiêu hãnh,
tất cả mọi biến dị của lòng tự phụ”, khác hẳn với “lòng thương yêu phải chăng và
hồn nhiên, khả ái” của bà de Rênal. Ấy thế nhưng, lại chính vì tính kiêu hãnh này
mà Julien cũng đâm ra phải lòng cô, và chàng muốn khuất phục cái tính kiêu hãnh,
chiếm bằng được trái tim của cô.
Nếu như trước đây, ý thức giai cấp làm cô đau khổ, nhục nhã vì đã yêu một anh
thư ký nghèo xác như Julien, nhưng lúc biết mình có thai với Julien, cô cảm thấy
rất hạnh phúc, vì thật sự được làm vợ Julien, đã nắm được chắc chắn trái tim
chàng, thậm chí nàng muốn thú thật với cha mình về chuyện này. Nếu cha nàng
không chấp nhận, nàng sẵn sàng bỏ cảnh giàu sang theo người chồng nghèo khổ. Ở
đây, nhân vật được khắc họa như một nhân vật lãng mạn.
Với bút pháp miêu tả nội tâm, tác giả khắc họa sinh động hơn hình ảnh nhân vật
Mathilde. Nhưng nhìn một cách bao quát Stendhal tập trung khai thác nội tâm
Mathilde ở đấu tranh nội tâm giữa sự kiêu hãnh giai cấp với tình yêu. Và chính
những mâu thuẫn nội tâm thúc đẩy những hành động trái ngược ở nàng. Những
hành động của Mathilde có vai trò rất quan trọng đối với suy nghĩ và hành động
của Julien, góp phần thúc đẩy cốt truyện phát triển.
Đặc biệt là tính cách nhân vật thể hiện bộc lộ rõ nhất qua những bức thư, bức thư
gởi cho Juliêng, cho hầu tước de La Mole. Đó là một con người tính tình cứng cỏi,
cương nghị.
Nhưng cuối cùng, bao nhiêu sự dày công chạy chữa của cô và bàde Rênal vẫn
không làm cho Julien thoát khỏi cái chết. Khi Mathilde dám đối diện với chính
mình, cũng như sẵn sàng đối đầu với cả xã hội để đấu tranh bảo vệ hạnh phúc của
mình thì cô lại phải đụng chạm với những thế lực đen tối trong xã hội ngăn cản,
phá hoại, người con gái này vỡ mộng trên con đường đi tìm tình yêu chân chính.
C. KẾT LUẬN
==ô==
Đỏ và đen là tác phẩm hiện thực xuất sắc khi tác giả xây dựng tính cách điển hình
Julien Sorrel hình thành và phát triển trong một hoàn cảnh điển hình là thế giới
xung quanh Juliêng, và hai người phụ nữ có cá tính độc đáo là bàde Rênal và cô
Mathilde La Mole. Những sự kiện chính của xã hội Pháp thời Trung hưng được tác
giả miêu tả cụ thể, chân thực. Tính cách của các nhân vật Julien Sorrel, bà de
Rênal, Mathilde… đều được xây dựng thật phong phú, sinh động.
Stendhal đã thể hiện đúng chủ nghĩa Beyle (1) khi xây dựng tính cách nhân vật
Julien Sorrel, đó chính là tinh thần độc lập và ý chí kiên cường luôn được phản ánh
trong cuộc đấu tranh với toàn bộ xã hội. Bi kịch của Julien chính là bi kịch của thời
đại anh đang sống, một con người nổi loạn, chiến đấu vô hy vọng cho phẩm cách,
cho quyền sống có nhân phẩm và có tình yêu say đắm không phân biệt đẳng cấp.
Bi kịch của anh là bi kịch của con người khẳng định cái “tôi” đích thực ở buổi bình
minh của một thời đại tư sản. Đó là bi kịch của một kẻ tự vệ nổi loạn của thế kỷ,
mà Alfred de Musset sẽ nói năm năm sau (1836) trong tiểu thuyết tự thuật lừng
danh của ông là Lời thú tội của đứa con thời đại.
Tác giả, suy cho cùng, vẫn còn ảnh hưởng của mỹ học phong kiến. Ông không
miêu tả ngoại hình nhân vật bà de Rênal và cô Mathilde bằng những chi tiết cụ thể,
mà chỉ chấm phá vài nét tiêu biểu nhất để làm nổi bật nhân vật, như những bức ký
họa. Thế kỷ XIX đã đặt nền móng cho sự miêu tả chi tiết chân thực, cho đến thế kỷ
XX, nghệ thuật miêu tả chi tiết mới đạt đến trình độ điêu luyện, nhân vật hiện lên
ngày càng chân thực, sinh động.
Các nhân vật giống nhau ở sự mâu thuẫn trong nội tâm. Sự mâu thuẫn đó, suy cho
cùng, xuất phát từ sự thay đổi lý tưởng thẫm mỹ của các nhân vật. Bà de Rênal yêu
thích sự, nghiêm nghị, lịch sự (chất quý tộc), với sự đề cao lý trí, chất trí tuệ (tư
tưởng tiến bộ của phong trào Ánh sáng). Do đó, khi sự ngẫu nhiên đặt Julien vào
trong cuộc sống buồn tẻ của người đàn bà tỉnh lẻ này, bà có dịp so sánh Julien với
những con người lý tài hàng ngày mà bà phải tiếp xúc. Từ đó mà bà yêu anh ta, bởi
sự cương nghị, thông minh và tâm hồn cao quý của nhân vật này. Còn tiểu thư
Mathilde cũng vậy, khi đặt Julien vào sự so sánh với những người trong các phòng
khách quý tộc, cô nhận ra ở Julien sự cương trực, thông minh, anh ta thật khác xa
với những người mà cô từng gặp. Cô yêu anh đến nỗi dám hi sinh tất cả vì anh.
Mỗi nhân vật là một thế giới riêng, có tính cách độc đáo và nội tâm độc lập, nhưng
có thể nói, cả ba nhân vật này đều là nạn nhân của xã hội dưới thời Trung hưng.
Những tiếng kêu đau thương của cử tọa vang lên trong gian phòng xử án, trở thành
một hợp âm độc thoại chung về nỗi đau của thế kỷ, về những kiếp sống thống khổ
của dám chống lại nguyên tắc của thời đại họ, là phải “sống như những người
khác”, theo tập quán của xã hội đã định.
Với sự kết hợp xây dựng ngoại hình, ngôn ngữ nhân vật, và đặc biệt, với bút pháp
độc thoại nội tâm, nhà văn đã làm cho nhân vật hiện lên thật sống động, hấp dẫn,
góp phần thể hiện thành công nội dung tư tưởng của tác phẩm Đỏ và đen. Điều này
cũng chứng minh một điều là nghệ thuật độc thoại không chỉ là một phương tiện
biểu đạt, mà hơn nữa còn là một phương tiện tìm tòi và phân tích tâm lý, giúp nhà
văn thể hiện được tâm hồn con người trong cái bối cảnh xã hội ngày càng trở nên
phức tạp và đa dạng. Một điểm đáng chú ý nữa là độc thoại nội tâm dưới hình thức
những bức thư, đã được nhà văn sử dụng rất thành công, góp
(1) Stendhal cho rằng, mục đích của con người là hạnh phúc, nhưng người nào cảm
thấy vui sướng khi mình hữu ích với đa số, người đó gần hạnh phúc hơn kẻ vị kỷ
“không bao giờ cảm thấy hạnh phúc chân chính của cuộc sống xã hội”. Gắn liền
với quan niệm này là ý nghĩ về cái đẹp, ở nghị lực sôi nổi, ở cường độ của đời sống
tinh thần, ở sức mạnh của tình cảm nồng nhiệt, đặc tính của những tâm hồn cao
quý, nhạy cảm.
phần làm nổi bật tính cách của nhân vật, một phương thức thể hiện những suy nghĩ,
tình cảm một cách khách quan, cụ thể.
Nếu độc thoại nội tâm là một phương tiện quan trọng để phân tích tâm lý các nhân
vật là một ưu điểm lớn, nhưng khi ông mãi sa đà miêu tả tâm lý nhân vật, nó trở
thành nhược điểm của Stendhal. Vì suy cho cùng, Stendhal là nhà văn chứ không
phải một nhà tâm lý học. Người đọc không tránh khỏi mệt mỏi khi phải theo dõi
suốt quá trình nhà văn mổ xẻ tâm lý nhân vật. Balzac đã khắc phục được nhược
điểm trên khi ông miêu tả hành động nhân vật kết hợp với miêu tả tâm lý và miêu
tả sinh hoạt, làm cho người đọc dễ tiếp nhận hơn.
Stendhal là người đại diện cuối cùng cho những tư tưởng cách mạng tư sản 1789
thấm đượm chủ nghĩa duy lý và học thuyết vô thần của các triết gia ở thế kỷ XVIII.
Ngòi bút thiên tài của ông đặt ông vào vị trí sáng lập ra tiểu thuyết hiện thực Pháp.
Song, với một lý tưởng thẩm mỹ mới, ông đã đề xướng việc đi sâu vào những tình
cảm và trạng thái tinh thần của các nhân vật, bổ sung cho những hình thức cổ điển
về miêu tả và tự sự trong tiểu thuyết.
Stendhal đã để lại một tấm gương trung thành về thời đại ông. Song trước hết, đó
là bức tranh sống động về những đam mê nhân loại được thể hiện trực tiếp qua số
phận của những nhân vật vỡ mộng trong tác phẩm, và được vẻ nên bởi nhà văn
nhân đạo sâu sắc, biết tôn trọng và chia sẽ đau thương với nhân vật của mình. Từ
tác phẩm của ông toát lên khát vọng chung của nhân loại: Đạt tới tự do trí tuệ và
quyền thiêng liêng được sống hạnh phúc để tận hưởng niềm vui và những rung
động thánh thiện của trái tim con người.
Stendhal xứng đáng được xem là người đi tiên phong trong các nhà văn hiện đại
biết khám phá trái tim nhân loại và bộ mặt thật của đời sống con người. “Stendhal
mãi mãi là đại biểu rực rỡ của thiên tài nước Pháp” (I.Ehrenbourg- nhà văn Nga).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân,…. 1997. Văn học phương Tây. NXB Giáo dục.
2. Đỗ Anh Thư. 2009. So sánh nghệ thuật tiểu thuyết hiện thực của Stendhal và
Banzac qua hai tác phẩm Đỏ và đen và Lão Goriot, khóa luận tốt nghiệp. Đại
học An Giang.
3. Đỗ Đức Dục. 1981. Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học phương Tây.
NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.
4. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên). 2004. Từ điển văn học (bộ mới., NXB Thế giới.
5. Hoàng Ngọc Hiến. 1997. Tập bài giảng nghiên cứu văn học. NXB Giáo dục.
1. M. B. Khraptrenkô. 1984. Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người. NXB
Khoa học xã hội. Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nhan_v_t_4939.pdf