Mặc khác, giữa cải lương và điện ảnh cũng có những tương đồng nhất định
về mặt kịch bản. Mặc dù điện ảnh Hollywood không có cấu trúc năm giai
đoạn như cải lương nhưng cấu trúc ba hồi với đường dây phát triển nhân vật
của nó lại rất giống. Hay nói một cách khác hơn, hồi hai trong điện ảnh đã
bao gồm các giai đoạn: thắt nút, phát triển và cao trào của một kịch bản thông
thường. Thế nên, việc tìm thấy những điểm tương đồng giữa một kịch bản cải
lương và một kịch bản điện ảnh để soạn một kịch bản cải lương dựa vào loại
hình nghệ thuật khá lạ lẫm này là một sự sáng tạo và nỗ lực đáng trân trọng
của tác giả. Ngoài Nguyễn Hiền Phú, chúng tôi chưa tìm thấy được soạn giả
cải lương trước 1945 nào khác sử dụng hình thức này.
51 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2713 | Lượt tải: 6
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Những khuynh hướng sáng tác kịch bản cải lương Nam Bộ trước năm 1945, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
, kịch bản của hai vở cải lương này đều có một biến cố lớn trong
cuộc đời Thúy Kiều. Vở Hoạn Thơ tróc Kiều là biến cố Kiều và Thúc Sinh
rơi vào mưu Hoạn Thơ. Hai người gặp nhau nhưng không dám nhận nhau:
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm. Vì tính chất của cải lương là
tập trung khai thác các bi kịch nên đây là đoạn rất dễ khai thác và dễ lấy nước
mắt người xem. Đoạn Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư rất cảm
động:
Thúy Kiều ngâm: Chừ đem ca tiếu giải phiền
Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.
Ca tứ đại oán:
Thân nghĩ thân luống thẹn với lòng
Nghĩ thân rồi bắt não nùng
Thân sao mà lắm lần gian truân
Trời xanh ghét khách má hồng
Nợ phong trần trả bao giờ cho xong
Đoạn ruột tầm héo hon
Lụy tương tư doanh tròng.
Miếng tình chung
Nuốt vừa vô cớ sao nghẹn mãi
Đứt nối mối tơ lòng
Giọt thầm bững khôn ngăn.
Có thấu tình chàng chăng hỡi lương nhân.
Rõ ràng, dù không sử dụng trực tiếp những câu thơ trong Truyện Kiều nhưng
lời ca có những câu thơ được gợi hứng từ Truyện Kiều rất rõ. Chẳng hạn câu
hát: Trời xanh ghét khách má hồng tương tự với một câu thơ ở đoạn đầu
Truyện Kiều là: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Vở cải lương Kiều du thanh minh cũng có cách khai thác kịch bản tương tự.
Kịch bản này chọn khai thác bi kịch khi Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha
và trao duyên lại cho Thúy Vân. Đoạn này nằm ở màn thứ sáu.
Thúy Kiều (khóc) nói: Em ôi, mở miệng ra thì gở, để dạ vậy sao đành, cậy
cùng em chút có thương tình, ngồi cho chị lạy rồi sẽ tỏ.
CA TỨ ĐẠI OÁN
Xin cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi,
Chị sẻ bày mấy lời ruột gan
Rủi thay đứt gánh giữa đàng
Nên đã đành dứt tình chàng Kim
Tơ thừa mặc em
Chấp keo loan cho chàng
Vì đâu xui
Cuộc biển dâu đổi dời thôi rất lẹ
Nặng hiếu nhẹ tình
Nên phụ chử sơn minh
Nát ruột mà cắn răng đó em
Ngày xuân em hỡi còn xuân
Có thương tình ruột rà máu mủ
Khá thay lời nước non sanh tử
Chiếc xoa cùng tờ mây nắm giữ
Của tin khi lúc trước, ước thệ nhau cùng.
…Còn ghi lòng
Em nên vợ nên chồng
Chị như có xuống suối vàng
Ắt xót người mạng bạc chớ quên.
Có thể thấy, đoạn ca Tứ đại oán này hoàn toàn giống với đoạn trao duyên
trong Truyện Kiều:
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Chiếc thoa với bức tờ mây,
Dyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Như vậy, sự khác nhau ở đây chính là mặc dù lời ca cải lương dựa vào lời thơ
Truyện Kiều nhưng đã biến đổi đi cho phù hợp với giai điệu của một bài Tứ
đại oán.
Nếu so sánh về việc vay mượn lời thơ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du thì có
thể dễ dàng nhận ra, vở cải lương Hoạn Thơ tróc Kiều có sự phóng tác nhiều
hơn vở Kiều du thanh minh. Trương Quang Tiền đã sử dụng một số ý thơ
trong Truyện Kiều để viết lời riêng cho các nhân vật trong khi đó Phạm Đình
Khương chủ yếu chỉnh sửa lời thơ của Truyện Kiều cho khớp với lời nhạc
của nhân vật. Cả hai vở cải lương này đều ra đời vào năm 1927 nên theo
chúng tôi, sự khác nhau ở đây là do quan điểm sáng tác của mỗi tác giả.
Trương Quang Tiền là người sáng tác và chuyển thể rất nhiều vở cải lương
như: Mạnh Lệ Quân thoát hài, Phụng Nghi Đình, Triệu Khuông Dẫn đưa
Triệu Kinh Vương, Mạnh Lệ Quân chấm trường thi gặp chồng, Tây Thi gặp
Phù Ta, Mạnh Lệ Quân chẩn mạch Đông Bình Vương, Hồng y hiệp nữ,
Duyên chị tình em, Hồ Bạch Huê vĩnh biệt Tấn vương, Tâm tình xuất thế Tấn
vương du xuân, Mẫu đơn tiên xuất thế, Điên vì tình, Giọt máu chung tình,
Phụng cầu hoàng duyên, Tứ đổ tường, Mạnh Lệ Quân giả trai, Chiêu Quân
lầm kế gian thần, Chiêu Quân giáp mặt Hán Hoàng, Hỏa thiêu Hồng Liên
tự…Do đó ông đã có thể định hình phong cách viết kịch bản cho mình và có
khả năng phóng tác vững chắc. Ngược lại, số vở cải lương mà chúng tôi sưu
tầm được của Phạm Đình Khương chỉ có duy nhất một vở Kiều du thanh
minh. Dĩ nhiên không thể khẳng định Phạm Đình Khương chỉ sáng tác duy
nhất một vở cải lương nhưng có thể khẳng định số lượng kịch bản do Phạm
Đình Khương viết ít hơn Trương Quang Tiền. Cho nên vở Kiều du thanh
minh cũng có thể xem là một sự thể nghiệm của nhà xuất bản Phạm Đình
Khương trong việc chuyển thể kịch bản cải lương từ truyện Nôm.
Không chỉ có Truyện Kiều và Lục Vân Tiên được chuyển thể thành kịch bản
cải lương mà những truyện Nôm khuyết danh như: Nhị độ mai, Quan Âm Thị
Kính hay Lâm tuyền kỳ ngộ cũng được các soạn giả để ý đến.
Nhị độ mai được soạn giả Mộng Trần chuyển thể nhưng vẫn giữ nguyên tên
gọi. Tuy nhiên, tên gọi này dùng để chỉ cho đoạn trích Hoa mai nở hai lần
trong Hồi thứ tư của Nhị độ mai chứ không phải là toàn bộ câu chuyện. Cũng
giống như hai tác giả kể trên, Mộng Trần chỉ chọn một đoạn trong Nhị độ
mai để soạn thành cải lương, đó là đoạn: Lương Ngọc giả danh Vương Hĩ
Đồng vào ở nhà Trần Đông Sơ tế mai cho đến lúc Trần Đông Sơ nhận ra
được.
Ngoài ra, Mộng Trần còn chuyển thể thêm hai đoạn thơ khác để tạo một
chuỗi liên hoàn ba vở cải lương dựa vào truyện thơ Nôm Nhị độ mai, mỗi vở
ông chọn lấy một hồi đặc sắc nhất. Đó là những vở: Hạnh Nguyên cống hồ và
Mai Trần tái ngộ. Trong khi chuyển thể, Mộng Trần bám sát cốt truyện chứ
không bám sát vào ngôn từ. Mặc dù Nhị độ mai có những câu thơ lục bát rất
hay nhưng Mộng Trần không sao chép hoàn toàn những câu lục bát đó. Ông
chỉ lấy ý và để cho nhân vật nói bằng lời của mình sao cho gần lời ăn tiếng
nói hàng ngày nhất.
Chẳng hạn, đoạn Mai Sinh thú thực đã giả dạng Vương Hĩ Đồng trong Nhị
độ mai được miêu tả bằng một đoạn lục bát ngắn thì trong kịch bản cải lương,
điểm truyện này được đẩy lên cao và nâng tầm kịch tính cho kịch bản.
Trong truyện thơ Nôm Nhị độ mai, tác giả viết:
Trần-công rằng: "Sự lạ lùng,
Hỉ Đồng này thực Mai-công-tử rồi !"
Đòi thúy hoàn, mới dạy lời,
Dặn dò hãy thử ướm chơi thăm tình.
Hoàn rằng: "Hơi hỡi Mai-sinh,
Toan gieo cái vạ tày đình cho ai ?
Bây giờ Lư tướng nghe hơi,
Sai về trách cứ một hai lấy người.
Kẻo còn quanh quẩn những lời,
"Còn nay Vương thị, còn mai Hĩ Đồng ?"
Mai sinh nghe tỏ sự lòng,
Uốn lời thú thực phô sòng van lơn :
"Mai nay muôn đội ơn hoàn,
Mưu gì cứu được khỏi cơn đường cùng."
Túy hoàn mới ngỏ thực lòng
"Vâng lời tôi thử ướm lời đấy thôi.
Mới rồi nhân thấy vị bài,
Rõ tình ông dạy cho lời không sao !"
Mai sinh ren rén bước vào,
Nửa mừng nửa sợ biết bao nhiêu tình.
Ông rằng: "Sau những dấu quanh,
Nghĩ là ai, chẳng là mình đấy ư ?
Thế mà bác cứ thờ ơ,
Thứ cho lỗi ấy từ xưa đến rày."
Lạy rồi, sinh mới giãi bày
Từ ngày về quán từ ngày nghe oan.
Bao nhiêu tình tự nguồn cơn,
Sơn đông chia bước, Hầu Loan trở lòng,
Ơn Đồ Thân, nghĩa Hĩ Đồng,
Dây oan khi cởi, cửa không khi nhờ.
Bước đường xa, cái sống thừa,
Tấc riêng riêng những nào ngờ có nay !
Trong khi đó, vở cải lương Nhị độ mai viết rất rõ đoạn đối thoại giữa Túy
Hườn và Mai Lương Ngọc cũng như đoạn đối thoại giữa Mai Sinh và Trần
Công về việc giả mạo của chàng. Trong những đoạn đối thoại đó, Mai Sinh
luôn cảm thấy áy náy về tội lỗi của mình. Mai Lương Ngọc nói:
Vải che mắt thánh bấy lâu
Tội đành muôn thác, mặc dầu giết tha.
Và ở đoạn khác, chàng nhắc lại:
Cái thân lận đận lao đao
Giả Hĩ Đồng quảng bao chút phận
Miễng sống thừa dòng mai chẳng tận
Nay lộ tình lòng càng hối hận
Cam đành muôn tội dẫu giết tha dám phiền.
Như vậy, theo chúng tôi, sự khác nhau ở đây có nguyên nhân từ quan niệm
của chính tác giả. Cải lương ra đời trong thời kỳ này bên cạnh kêu gọi lòng
yêu nước còn có vai trò giáo dục, định hướng các phẩm chất đạo đức, trong
đó phẩm chất thẳng thắn, nghiêm túc nhận và sửa chữa sai lầm. Mai Sinh
phạm tội đóng giả người khác, đó chính là tội lừa dối. Tuy nhiên, bản thân
chàng đã nhận thấy sai lầm của mình và sẵn sàng nhận lấy cái chết để chuộc
tội dù cho việc giả mạo kia không phải có ý đồ xấu. Chính vì vậy, việc thẳng
thắn nhận tội của Mai Sinh được Mộng Trần khai thác triệt để định hướng
thanh niên học tập theo gương của chàng.
Bên cạnh Nhị độ mai, truyện thơ Nôm khuyết danh được lấy cảm hứng còn
có Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Lâm tuyền kỳ ngộ…Truyện
nôm Quan Âm Thị Kính được hai tác giả chuyển thể là: Nguyễn Công Mạnh
với tác phẩm cùng tên, Lê Văn Lưu với tên gọi hơi khác một chút là Thị Kính
hàm oan. Truyện Nôm Lưu Bình Dương Lễ được soạn giả Đặng Công Danh
lấy cảm hứng, còn truyện Nôm Lâm tuyền kỳ ngộ được Nguyễn Thành Long
chuyển thể với tên gọi Bạch viên xuất thế.
2.1.2. Dựa vào tiểu thuyết Việt Nam:
Vào thời điểm đầu thế kỷ XX, với sự ra đời và phát triển của báo chí, sự du
nhập tiểu thuyết phương Tây và tiểu thuyết Trung Quốc cùng sự phát triển
của văn học dịch, tiểu thuyết Việt Nam theo đó cũng có sự phát triển. Vì cải
lương ra đời ở Nam bộ nên thời kỳ đầu, những vở cải lương chủ yếu dựa vào
tiểu thuyết Nam bộ. Số lượng tiểu thuyết Việt Nam được chuyển thể không
nhiều lắm nhưng được sử dụng rất nhiều cho các kịch bản cải lương khác
nhau, nhiều nhất có lẽ là Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử, Châu về Hiệp
phố và Tiểu anh hùng Võ Kiết của Phú Đức.
Giọt máu chung tình là tiểu thuyết dã sử về Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà
được đông đảo quần chúng yêu thích. Chính vì thế, nó đã được các soạn giả
cải lương để ý và chuyển thể. Soạn giả Trương Quang Tiền đã giữ nguyên tên
gọi: Giọt máu chung tình khi chuyển thể thành cải lương. Còn soạn giả
Nguyễn Hiền Phú thì đổi thành tên: Võ Đông Sơ thám sơn động. Khi viết tiểu
thuyết Giọt máu chung tình, Tân Dân Tử đã nhấn mạnh mục đích viết tác
phẩm này bằng lời tựa: Thử hỏi Trương Lương, Hàn Tín, Hạng Võ, Tiêu Hà
thì sự tích làu thông, còn hỏi ai là anh hùng hào kiệt trong nước thì ngẩn ngơ
chẳng biết… như vậy thì người xứ ta chỉ biết khen ngợi, sùng bái người anh
hùng liệt nữ khác, mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ trong
xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp
cho lu mờ cái tinh thần của người bổn quốc. Tuy nhiên, lúc chuyển thành
kịch bản cải lương, các soạn giả đã tập trung vào hai vấn đề chính: đó là ca
ngợi lòng yêu nước của Võ Đông Sơ và tấm lòng chung thủy của Bạch Thu
Hà. Đoạn đối thoại giữa Võ Đông Sơ và Hoàng Nhứt Lang trong Võ Đông
Sơ thám sơn động của soạn giả Nguyễn Hiền Phú đã phần nào cho thấy điều
này:
Hoàng Nhứt Lang: Nếu quả nàng Bạch Thu Hà có gửi bức thơ cuối cùng cho
ta, thì hãy đưa cho ta xem (lấy bức thơ dở xem chưng hững). Cái bức thơ này
nàng gởi cho ai? Tên là Võ Đông Sơ trung úy, chinh phạt giặc Hải khấu! Có
phải mi là Võ Đông Sơ làm quan trung úy chăng?
Võ Đông Sơ: Phải! Ta đây là Võ Đông Sơ chinh phạt giặc Hải khấu, hồi quốc
triều đặng thăng chức Kinh sa đô úy, nàng Bạch Thu Hà là người chung tình
của ta vì bị anh nàng là Bạch Xuân Phương ép gả cho Vương Bích nên nàng
giữ tiết bỏ nhà trốn đi mới ra thân lưu lạc.
Hoàng Nhứt Lang: Nếu vậy quan nhơn đây chính là ân nhân của tôi, vì lúc
giặc Hải khấu cướp thuyền của khách thương hồ, lúc đó tôi cũng bị tai nạn,
nhờ có quan nhơn chinh phục vẹn bước khải hoàn, anh em tôi mới thoát thân
về đây chiêu mộ anh hùng đặng chờ khi hoạt động. Vì chẳng biết nàng Bạch
Thu Hà là người chung tình của quan nhơn nên tôi phải phạm lỗi, từ đây tôi
xin tự hối ăn năn, mong đại lượng của quan nhơn dung thứ.
Có thể nói, yêu nước và thủy chung là hai đức tính truyền thống tốt đẹp của
dân tộc Việt Nam nên các soạn giả khai thác đề tài này cũng là nằm trong ý
đồ tuyên truyền tinh thần yêu nước sâu rộng trong quần chúng. Mặt khác,
mối tình của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, tình yêu ngang trái, yêu nhau
không đến được với nhau cũng đã khiến cho người xem xúc động rất nhiều.
Chính điều này đã làm nên linh hồn của một vở cải lương.
Còn Châu về Hiệp Phố và Tiểu anh hùng Võ Kiết là hai tiểu thuyết thuộc thể
loại trinh thám, một thể loại tiểu thuyết rất thịnh hành thời bấy giờ. Mặc dù
cũng lấy đề tài về tình yêu nhưng Châu về hiệp phố có kết thúc có hậu chứ
không bi lụy như Giọt máu chung tình. Tiểu thuyết xoay quanh mối tình của
chàng trai có tên là Hoàn Ngọc Ân, chàng sinh viên trường Cao đẳng Y khoa
Hà Nội với cô gái có tên là Lệ Thủy, người Sài Gòn xinh đẹp, giàu có nhưng
hành tung rất bí ẩn. Tiểu thuyết này được kể bằng những chi tiết, tình tiết kỳ
bí cuốn hút nên rất hấp dẫn người xem. Bên cạnh đó, cách kể chuyện cũng rất
mới, nhân vật có tính cách mạnh chứ không chung chung như các tiểu thuyết
trước đây do đó nó được độc giả lẫn các nhà phê bình đánh giá cao. Chính vì
vậy, Trần Tr. Cảnh đã chuyển thể thành cải lương Nghĩa Hiệp thâu Ngọc
hoàn nơi nhà Lệ Thủy để công chúng được tận mắt chứng kiến tiểu thuyết
yêu thích của mình trên sân khấu. Vở cải lương này đã chọn khai thác đoạn
gặp gỡ giữa Lệ Thủy và Nghĩa Hiệp (tức Hoàn Ngọc Ẩn) tại nhà Lệ Thủy.
Đây là đoạn đầu của cuốn tiểu thuyết. Vì Lệ Thủy khiến cho hai anh em họ
Đặng si tình đem tặng ngọc hoàn gia truyền cho mình và rồi cả hai anh em
phải tự vẫn do bị nàng bỏ rơi nên Ngọc Ẩn đổi tên thành Nghĩa Hiệp đến nhà
Lệ Thủy đòi ngọc hoàn. Tuy nhiên sau khi lấy được ngọc hoàn, chàng lại nhờ
Năm Mạnh đóng giả mình đem nó trả lại cho Lệ Thủy và khuyên Lệ Thủy
đưa lại cho chủ cũ là Đặng Nghiêm Huấn, bố của Đặng Thất Tình và Đặng
Giao Hoang. Nàng hết sức phân vân.
Như vậy, vở cải lương Nghĩa Hiệp thâu Ngọc hoàn nơi nhà Lệ Thủy đã chọn
một vấn đề chứ không đi theo nhiều vấn đề như trong tiểu thuyết, đó là việc
Ngọc Ẩn đòi ngọc hoàn. Theo chúng tôi, sở dĩ Trần Tr. Cảnh chọn đoạn này
bởi vì đây là đoạn đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ngọc Ẩn và Lệ Thủy,
cuộc gặp của hai nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Châu về hiệp phố. Thứ
hai, đoạn này cũng thể hiện diễn biến tâm lý nhân vật rất rõ, đặc biệt là tâm lý
của nhân vật Lệ Thủy. Màn mở đầu, Lệ Thủy tâm sự về nỗi khổ trong lòng
mình sau khi gây ra cái chết của hai anh em nhà họ Đặng:
Mấy lời nguyền em chỉ thệ với nước non:
Ngày nào oan gia báo tận,
Em mới đành vịnh chử đuốc hoa
Bằng chẳng vậy thì bóng thiên nhiên ắt chịu là
Cho rảnh ân nước với nợ nhà
Cho hay! Sóng khuynh thành giợn khóe thu ba
Cỏ cây còn trộm liếc màu hoa
Bướm ong lấp ló là đà
Sơn khê mà cũng động tình mây mưa!
Vì cớ ấy cho nên em: đánh đổi lắm trận tình
Xoay sở hóa nên hữu ảnh vô hình
Tấm gương trinh em đây vẫn nguyện gìn
Cho thỏa tấm lòng mẹ cha nơi âm cung.
Quả thật, việc nàng khiến cho hai anh em họ Đặng phải tự sát không phải chủ
ý của nàng mà là do lời nguyền của người mẹ trước đây. Ngày xưa, mẹ nàng
yêu Đặng Nghiêm Huấn nhưng bị phụ bạc đành phải sang Hồng Kông lấy
một người chồng ngoại quốc. Tuy nhiên, lúc lâm chung, mối hận tình xưa bà
cũng chưa quên nên để lại lời nguyền là cô con gái yêu quý Lệ Thủy sẽ khiến
hai chàng trai nhà họ Đặng tự vẫn vì tình. Lời tâm sự của nàng cho thấy tấm
lòng của người con gái hiếu thảo nhưng cũng thấy ẩn chứa đằng sau đó sự
khát khao một tình yêu thực sự. Nguyên nhân nàng bày tỏ tâm sự trong đoạn
đầu tiên của vở cải lương này là vì nàng cảm thấy khó xử trước bức thư đòi
trả ngọc hoàn của Ngọc Ẩn ký tên Nghĩa Hiệp:
Lệ Thủy: Chẳng giấu chi liệc vị, số là: em mới tiếp bức thư nhàn, dưới trang
ký tên Nghĩa Hiệp rõ ràng, khiến em phải hườn lại ngọc điệp cho chàng. Như
ngọc điệp ấy chư quý huynh đã chẳng biết rằng họ Đặng: Lúc sanh tiền vì
tình luyến ái, tặng cho em gọi là kỷ niệm, nay người quá vản em vì chữ thủy
chung, phải gìn chút dấu tích xưa, Dẫu mà giá đáng mấy tơ hào, em đâu nỡ
đem lòng phụ bạc, huống chi là, vàng thiên kim khó sành, ai đi dại gì mà trả
lại cho ai.
Vì không biết người ký tên Nghĩa Hiệp đó là ai nên nàng hết sức phân vân,
thắc mắc. Sau khi gặp rồi có cuộc đấu với Nghĩa Hiệp, người nhà nàng bị
thương nên nàng nhờ Ngọc Ẩn cứu giúp, từ đó tâm trạng nàng lại tiếp tục
thay đổi. Nàng nghĩ đến Nghĩa Hiệp và trong lòng thực sự cảm thấy thán
phục: À, còn người Nghĩa Hiệp nào đây: Mãnh thần lực chi nhường bá vương
nước Sở, tài hùng anh nào sức thiên tử nhà Đường: vừa ra tay mấy cậu thảy
té nhào, mới bước chơn hoàn ngọc thảy đâu mất, vậy mới đáng gọi là Nghĩa
Hiệp! Thiếp thầm nghĩ nếu thật chẳng trộm đạo thừa gió bẻ măng, thì ắt là:
anh hùng vĩ đại đua sức. Rồi tâm trạng nàng lại tiếp tục rối bời khi Nghĩa
Hiệp nhờ Năm Mạnh đến trả ngọc hoàn cho mình: Chừ ta có nên trả lại cho
ông Đặng Nghiêm Huấn không? Thôi đành trả phức cho rồi, chớ để nó càng
lắm đều khổ não…!Phải, ta nên trả…mà không! Ta vì tâm sự…như không trả
thì Nghĩa Hiệp có chịu thôi đâu! Ôi mà như Nghĩa Hiệp ngày hôm nay đây:
Chim mắt lưới trông chi bay nhảy, cá lọt lờ khó tưởng lội ra, tự quyền ta sanh
sát thứ tha. Ta chẳng khừng thì va lại làm chi ta đặng kìa? À, phải rồi (trở vô)
này Nghĩa Hiệp, ta chẳng muốn khừng trả hoàn ngọc lại.
Có thể thấy, Trần Tr. Cảnh đã khai thác khá tốt tâm lý của Lệ Thủy trong vở
cải lương nêu trên. Tuy nhiên, theo chúng tôi vẫn còn một nguyên nhân nữa
khiến cho Trần Tr. Cảnh chọn khai thác đoạn trích này trong tiểu thuyết: đó
là ông muốn đưa lên sân khấu những điểm hấp dẫn, mới mẻ của một tiểu
thuyết trinh thám. Ông muốn độc giả trực tiếp chứng kiến những màn võ
thuật, những màn đấu súng trên sân khấu. Chính điều này đã làm cho vở cải
lương thêm hấp dẫn khán giả và cũng gây sự tò mò cho độc giả. Trong vở cải
lương này, Nghĩa Hiệp là một người bí ẩn, đeo mặt nạ, do đó hình tượng
nhân vật này cũng tạo được một sức hút nhất định đối với khán giả. Những
màn đấu võ, những pha xử lý “nhanh tay lẹ mắt” để lấy được viên hoàn ngọc
đã chứng tỏ được anh rất thông minh và khôn ngoan: Trần Vô Cương bị
Nghĩa Hiệp đá té nhào, Ái Sắc phóng dao vào mặt Nghĩa Hiệp, bị Nghĩa Hiệp
bắt đặng con chót phóng trả lại trúng bắp vế Ái Sắc nên chàng té quỵ bất tỉnh,
Bá Hộ vừa cầm súng bắn bị Nghĩa Hiệp phóng một con dao nhằm cườm tay
rớt súng xuống vừa nổ, viên đạn bay ra ngoài trúng Hai Dỏng, Nghĩa Hiệp lật
đật lượm cây súng lên, Lệ Thủy thấy liền đưa súng ngay mặt Nghĩa Hiệp(...).
Lệ Thủy giận quá tri bóp cò súng nổ, Nghĩa Hiệp lách đầu, viên đạn bay phớt
đứt dây mặt nạ. Liền tay Nghĩa Hiệp bắn nát bóng đèn điện, trong phòng tối
mịt bèn bước lại lấy hoàn ngọc đi mất. Lệ Thủy tỉnh lại chạy đi vặn đèn khác
lên mới hay hoàn ngọc đã mất.
Đoạn cuối vở cải lương này cũng có một màn giải vây rất thú vị, đó là: Lệ
Thủy bị Nghĩa Hiệp (tức Năm Mạnh) đá ngả ghế và bắt tay giựt súng liệng ra
sân, Hai Dỏng nhảy vào đánh võ với Mạnh, vừa cơn ấy Hồng Hoa mang mặt
nạ nhảy vào đưa súng lên. Có thể thấy, chất “trinh thám” trong vở cải lương
này đã được thể hiện bằng những màn đấu võ đẹp mắt, những pha hành động
hiện đại.
Hình 2.3: Hồng Hoa mang mặt nạ bước vào cầm súng giải vây cho Nghĩa
Hiệp (tức Năm Mạnh)
Một điều nữa để chuyển thể đoạn trích này thành kịch bản cải lương là vì
đoạn trích này về cơ bản cũng đã hoàn chỉnh về mặt cấu trúc: có thắt nút là
bức thư của Nghĩa Hiệp, có khủng hoảng là tâm trạng đầy lo lắng của Lệ
Thủy, có cao trào là Nghĩa Hiệp đánh nhau rồi lấy ngọc và có cởi nút là
Nghĩa Hiệp trả ngọc hoàn lại cho Lệ Thủy và khuyên cô tự mình đem trả lại
cho nhà họ Đặng.
Mặc dù có thể nói đây là một vở cải lương chuyển thể khá tốt nhưng nó cũng
có những hạn chế nhất định của một kịch bản. Đó là khi chuyển thể, vì tuân
thủ nội dung của tác phẩm văn học mà Trần Tr. Cảnh đã không đẩy cao xung
đột của nhân vật chính. Chẳng hạn, khi đem trả lại ngọc hoàn, thay vì để cho
Năm Mạnh đóng giả Nghĩa Hiệp, soạn giả nên để cho Ngọc Ẩn chạm mặt với
Lệ Thủy lần nữa. Và ở đoạn cuối, chính Ngọc Ẩn (trong trang phục Nghĩa
Hiệp) sẽ tự thoát thân bằng một cách nào đó thể hiện sự khôn khéo của anh ta
chứ không nên để nhân vật Hồng Hoa (vợ Năm Mạnh) “nhảy vào” làm nhiệm
vụ giải cứu. Cách nhân vật đi vào kịch bản như vậy sẽ không thuyết phục vì
trước đó Hồng Hoa chưa bao giờ xuất hiện, chỉ được nghe qua lời kể của
Năm Mạnh.
Bên cạnh Châu về hiệp phố thì Tiểu anh hùng Võ Kiết cũng là một tiểu
thuyết trinh thám gây được nhiều sự chú ý. Tiểu thuyết này ra đời năm 1929
và nằm trong dòng tiểu thuyết yêu nước Nam bộ đầu thế kỷ XX nên đã bị
thực dân Pháp cấm phát hành. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của quyển tiểu thuyết
này đối với phong trào quần chúng rất lớn nên soạn giả Quần Anh Kiệt đã
chuyển thể thành kịch bản cải lương để ngấm ngầm tác động đến phong trào
yêu nước sâu rộng.
2.2. Dựa vào lịch sử Việt Nam:
Dân tộc Việt Nam có câu tục ngữ: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Do đó
không có gì lạ khi thời kỳ này có những vở cải lương lấy đề tài về Hai Bà
Trưng như Nữ Trưng Vương của Đặng Thúc Liêng hay Nữ Trưng Vương
khởi nghĩa của Kim Chung. Hai vở cải lương này tuy cùng lấy nguồn cảm
hứng lịch sử về Hai Bà Trưng nhưng mỗi vở có một cách khai thác vấn đề
khác nhau bởi vì hai vở này là sáng tác của hai miền khác nhau. Vở Nữ
Trưng Vương khởi nghĩa của Kim Chung là vở cải lương của Bắc Bộ trước
năm 1945. Vở cải lương này gần như tuân thủ những sự kiện có thật của lịch
sử, từ lúc Thi Sách bị Tô Định bắt, giết khiến Trưng Trắc nổi giận cùng em
khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua,
đóng đô ở Mê Linh. Tuy nhiên, về sau, nhà Hán cử Mã Viện đem quân sang
đánh nhằm chiếm đoạt lại đất đai của ta. Vì lực lượng quân của Hai Bà Trưng
ít hơn quân ngoại xâm nên Hai Bà Trưng thua trận, phải nhảy xuống sông
Hát tự vẫn để bảo toàn khí tiết.
Rõ ràng, cách viết kịch bản này của bà Kim Chung có thể nói là tái hiện lại
lịch sử trên sân khấu cải lương chứ không tuân theo nguyên tắc của kịch bản.
Tuy nhiên, vở diễn này lại tạo được hiệu ứng rất tốt trong lòng công chúng
bởi ngôn ngữ của các nhân vật. Vì ra đời trong hoàn cảnh mất nước nên cuộc
đời Hai Bà Trưng là tấm gương cho nhân dân ta học tập. Hơn nữa, trong mỗi
lời nói mà nhân vật thốt lên đều ngầm thể hiện lời kêu gọi nhân dân ta đứng
lên chống giặc. Đây là thủ pháp “mượn xưa nói nay” mà nhiều soạn giả cải
lương đã sử dụng. Chẳng hạn, ngay đoạn đầu tiên, khi Cao Doãn và Trương
Quán ngồi uống rượu với nhau, họ đã đề cập đến vấn đề này:
Cao Doãn:
Quân thù. Say cho đảo lộn giang sơn
Cho nghiêng lệch đất trời, cho mờ mịt giác quan
Chớ tỉnh mà chịu sống đời túi cơm giá áo
Tai điếc mắt đuôi trước loài bạo ngược tham tàn.
Và trước khi tự vẫn, Hai Bà Trưng đã thể hiện rõ sự khảng khái của mình.
Trưng Nhị:
Quốc hồn vùng dậy với căm hờn
Xông pha yếm khăn không sờn
Ơn dân thù nước dập dồn.
Giống nòi chờ đợi cuộc sanh tồn
Lòng ta tràn ngập bao sóng cồn
Bao giờ ta giãi bày tấm sắt son
(…)
Hai Bà dắt tay nhau đồng ca:
Thà thác vinh còn hơn sống nhục.
Đời đục ngầu cõi tục lánh xa.
Trong khi đó, vở cải lương Nữ Trưng Vương của Đặng Thúc Liêng lại có
nhiều điều hư cấu và theo đúng cấu trúc kịch bản hơn. Đây là vở cải lương
của Nam Bộ trước năm 1945. Vở cải lương này đề cập đến một nhân vật
trung gian có tên là Lý Bấc Giao, kẻ gián tiếp gây ra cái chết của Thi Sách.
Lý Bấc Giao vốn là người “ghen ăn tức ở” với Thi Sách nên tìm cách hãm
hại. Hắn luôn xúi Tô Định trừ khử Thi Sách. Nhân một lần Tô Định cùng hắn
ngồi uống rượu, làm thơ, Thi Sách có việc đến gặp và được lệnh phải làm thơ
họa lại thơ Tô Định. Thi Sách làm bài thơ có ý giễu cợt. Tô Định tức giận ra
lệnh bỏ Thi Sách vào hồ Thủy ngân. Trưng Trắc hay tin về cái chết của
chồng nên đến Sơn Tây tìm gặp Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa báo thù cho
chồng. Trên đường đi, Bà được bà Lạc phu nhân của Lạc tướng Tiền trào
giúp đỡ. Sau khi gặp được Trưng Nhị, hai chị em đã tập hợp được đông đảo
quân lính, chiêu mộ được tướng sĩ cùng nhau dấy binh đánh đuổi được Tô
Định về nước và xưng Vương.
Có thể thấy, mặc dù cấu trúc của vở cải lương này chặt chẽ hơn vở cải lương
của bà Kim Chung nhưng xung đột của nhân vật chưa đủ mạnh. Lẽ ra soạn
giả nên tập trung khai thác sâu hơn mẫu thuẫn giữa Thi Sách và Tô Định mà
không cần phải thông qua nhân vật trung gian là Lý Bấc Giao. Mâu thuẫn đối
kháng giữa hai nhân vật sẽ làm cho tính cách của các nhân vật được định
hình rõ ràng hơn.
Ngoài Hai Bà Trưng, những tấm gương liệt nữ khác cũng gợi được cảm hứng
cho các soạn giả cải lương như Vương Phi Mỵ Ê, Huyền Trân công
chúa…Vương phi Mỵ Ê là vợ của chúa Jaya Sinhavarman II nước Chiêm
Thành. Năm 1044, sau khi vua Lý Thái Tông bình Chiêm Thành đã cho triệu
Mỵ Ê sang hầu. Tuy nhiên, bà đã lấy chiên trắng quấn vào cổ và nhảy xuống
sông Châu Giang tự vẫn. Nhân dân thương tiếc cho tấm lòng của người liệt
nữ nên lập đền thờ cúng. Về sau, vua Lý phong cho bà là Hiệp Chính Nương
Phu Nhân còn vua Trần Trung Hưng thì phong là: Trinh Liệt Tá Lý Phu
Nhân. Câu chuyện đầy cảm động về nàng Mỵ Ê đã được Liễu Thanh Bần tái
hiện lại trong vở cải lương Lý Thái Tông bình Chiêm thành; Vương Phi Mỵ
Ê vì nước liều mình. Trong vở cải lương này, nhân vật Mỵ Ê được xây dựng
là một người phụ nữ rất mạnh mẽ, quyết đoán. Tấm lòng vì vua vì nước của
nàng khiến cho những người sống trong thời mất nước đồng cảm và kính
phục. Nàng thẳng thắn nói với vua Lý Thái Tông:
Nặng vì ơn giang san Tổ Quốc
Nỡ đâu nỡ phụ đành sao
Ta phải toan trả phu thù, mới an thửa tấc dạ này
Ai đi khuất nhục như vầy
Ngàn kiếp để cho người mỉa mai
Kìa là gương Trưng Trắc
Đuổi binh Tàu phục quốc ngày xưa
Nào đâu mả quân bá vạn
Nay ta dầu cô độc vô thân
Thì cũng đòi những gương trung thần
Thà cam chịu tử phần
Nơi âm đài chẳng hổ với cố nhân.
Và trước khi tự vẫn, nàng vẫn thể hiện tinh thần khảng khái của mình:
Nước mất nhà tan hận chửa nguôi
Thù chồng khôn trả luống bồi hồi
Lòng này pha lẫn dòng xanh biếc
Gió bụi lao xao nợ phủi rồi.
Và cái chết của nàng đã nhận được sự thương tiếc của vua quan nhà Lý, là
tấm gương sáng cho người Việt Nam ta đời đời noi theo như lời của vua Lý
Nhân Tông:
Gương này nên nêu sử xanh
Để sau người noi dấu lưu danh
Người liệt trinh minh hiếu trung thành
Đoàn ta phải khuyên giáo hậu sanh
Bắt chước theo gương tiết liệt thơ anh.
Bên cạnh tấm gương liệt nữ Mỵ Ê, tấm lòng của Huyền Trân công chúa cũng
được các soạn giả cải lương quan tâm khai thác. Vở cải lương Huyền Trân
công chúa ca ngợi tấm lòng của nàng công chúa nhà Trần, người đã hy sinh
tình riêng (tình yêu với tướng quân Khắc Chung) để lấy Chế Mân, vua nước
Chiêm thành nhằm giữ gìn hòa khí giữa hai nước và đổi lấy hai châu Ô, Rý
cho nhà Trần. Dù không phải tự vẫn vì đất nước như Hai Bà Trưng hay
vương phi Mỵ Ê nhưng việc đánh đổi hạnh phúc cá nhân: xa quê hương đất
nước, xa hoàng phụ, hoàng mẫu và nhất là phải xa thượng tướng Trần Khắc
Chung…của Huyền Trân đã khiến cho nhân dân thương cảm. Bài dân ca
Nước non ngàn dặm ra đi viết theo điệu Nam bình chính là dành cho nàng:
Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?...
Nhìn chung, các kịch bản cải lương dựa vào lịch sử Việt Nam mà chúng tôi
sưu tầm được đều có nhân vật trung tâm là những người liệt nữ, những người
có công với đất nước của mình hoặc hy sinh vì đất nước, không bao giờ khuất
phục trước kẻ thù. Tấm gương của họ khiến cho những đấng mày râu phải
“hổ thẹn”:
Càng thẹn cho nhơ nhuốc mặt này
Chí làm trai uổng không nên tài
(Lý Thái Tông bình Chiêm Thành, Vương Phi Mỵ Ê vì nước liều mình)
Như vậy, nguyên nhân các soạn giả dựa vào những nhân vật lịch sử nêu trên
để viết kịch bản là nhằm nhắc nhở, kêu gọi lòng yêu nước bằng những người
tấm gương lịch sử “người thật việc thật”. Các vở cải lương dựa vào lịch sử
Việt Nam thường tôn trọng các sự kiện lịch sử và đi theo trật tự thời gian của
những sự kiện xảy ra trong lịch sử. Sự sáng tạo có chăng là ở lời thoại và tâm
trạng nhân vật. Tùy vào quan điểm của mỗi soạn giả trong việc lựa chọn các
sự kiện lịch sử và kết thúc ở mốc lịch sử nào. Chẳng hạn, Đặng Thúc Liêng
kết thúc câu chuyện Hai Bà Trưng lúc Trưng Trắc giành thắng lợi nhưng Kim
Chung lại kết thúc lúc Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Có thể nói,
những vở cải lương dựa vào lịch sử quan tâm nhiều đến nhân vật lịch sử còn
những vở cải lương phóng tác từ truyện kể thì quan tâm nhiều đến cấu trúc
kịch bản.
2.3. Dựa vào văn học các nước:
Các vở cải lương thời kỳ này dựa vào văn học các nước rất nhiều, đặc biệt là
văn học Trung Quốc và văn học Phương Tây. Những vở cải lương dựa vào
văn học Phương Tây là: Hiếu tình của Nguyễn Công Mạnh dựa theo Lecid
của Corneille, Sĩ Vân công chúa của Đặng Công Danh dựa theo Tristan et
Iseult, Tơ vương đến thác của Ngô Vĩnh Khang dựa vào La Dame aux
Camélias của Alexandre Dumas con, Giá trị và danh dự của Huỳnh Thủ
Trung dựa theo kịch Lecid, Mộng Hoa Vương của Trần Hữu Trang dựa theo
truyện La reine Christine…Còn riêng về văn học Trung Quốc, số lượng tiểu
thuyết gợi cảm hứng cho kịch bản cải lương là rất lớn. Đó là những tiểu
thuyết kinh điển như: Tây du ký, Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Thủy
Hử, Phong Thần diễn nghĩa, Thuyết đường…hay những tiểu thuyết được dịch
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như: Long đồ công án, Phấn trang lầu, Tống
từ vân, Quần anh kiệt, Vạn huê lầu, Tiết Đình San chinh tây, Anh hùng náo
tam môn giai…Không chỉ lấy đề tài từ tiểu thuyết mà những truyện kể dân
gian Trung Quốc như Thanh xà bạch xà, Trinh nữ sự nhị phu… hay những
điển cố văn học Trung Quốc về các giai nhân: Chiêu Quân, Tây Thi... cũng
đuợc các soạn giả cải lương lưu tâm lựa chọn.
Trong những vở cải lương mà chúng tôi sưu tầm được, đáng tiếc những vở
cải lương dựa vào văn học phương Tây đều bị thất lạc nên trong tiểu mục
này, chúng tôi chủ yếu khảo sát những vở cải lương dựa vào văn học Trung
Quốc. Trong số 80 kịch bản cải lương dựa vào văn học Trung Quốc mà
chúng tôi sưu tầm được, kịch bản cải lương dựa vào tiểu thuyết chiếm số
lượng lớn nhất, thể hiện ở biểu đồ sau:
Tỷ lệ: %
Tiểu thuyết Điển cố
Văn học dân
gian
Tổng
91.25 3.75 5 100
Hình 2.4. Biểu đồ thể hiện tỷ lệ kịch bản cải lương lấy đề tài từ văn học
Trung Quốc
2.3.1. Dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc:
Có thể thấy, số lượng kịch bản cải lương dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc rất
nhiều (73/ 137 kịch bản sưu tầm được). Trong 73 kịch bản cải lương dựa vào
tiểu thuyết Trung Quốc mà chúng tôi sưu tầm được, có khoảng 23 tiểu thuyết
Trung Quốc được các soạn giả lưu tâm lựa chọn, nhiều nhất là: tiểu thuyết
Thuyết Đường (9 kịch bản sử dụng), tiếp đến là Vạn Huê Lầu (7 kịch bản),
Tam Quốc chí (6 kịch bản)…
Dưới đây là biểu đồ thể hiện số lượng kịch bản cải lương Nam Bộ dựa vào
các loại tiểu thuyết Trung Quốc.
Đơn vị: Kịch bản
Hình 2.5. Biểu đồ thể hiện tỷ lệ kịch bản cải lương dựa vào các loại tiểu
thuyết Trung Quốc
Có thể thấy, mỗi quyển tiểu thuyết được nhiều soạn giả khác nhau chuyển thể
ở những đoạn khác nhau chứ không chỉ có mỗi một soạn giả chuyển thể một
quyển tiểu thuyết. Chẳng hạn, trong 137 kịch bản cải lương mà chúng tôi sưu
tầm được, tiểu thuyết Thuyết Đường được sáu soạn giả khác nhau chuyển
thể, đó là Nguyễn Thành Long với Vợ Ngũ Văn Thiệu bị tên, Ngô Vĩnh
Khang với Đường Thế Dân cửa cung treo ngọc đới, Huất Trì giả điên, La
Thành thọ tiễn, Nguyễn Hiền Phú với Huất Trì Cung cứu giá Đường Thế
Dân, Lý Ngươn Bá xé văn võ thành đô, Nguyễn Văn Năm với Tần Thúc Bảo
đả đồng kỳ, Lâm Hoài Nghĩa với Nam Dương thọ khổn, Lưu Quang Mùi với
Tống Tửu đơn hùng tín…Có thể thấy, tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ này
được chuyển thể nhiều. Bên cạnh nguyên nhân nhiều tiểu thuyết Trung Quốc
được chọn dịch đầu thế kỷ XX, sự phát triển rầm rộ của báo chí nên dễ phổ
biến nó đến mọi người và sự yêu thích của nhân dân đối với tiểu thuyết
chương hồi còn có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng. Vì
đây thời kỳ đầu mới ra đời đời nên kịch bản cải lương còn chịu ảnh hưởng rất
nhiều của sân khấu hát bội. Trong khi đó, các kịch bản của sân khấu hát bội
hầu hết đều dựa vào tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. Chằng hạn như:
tuồng Địch Thanh ly thợn dựa vào tiểu thuyết Vạn Huê Lầu thì cải lương
cũng có nhiều vở dựa vào tiểu thuyết này như: Địch Thanh kết duyên Thoại
Ba công chúa của Nguyễn Thành Long, Án Trầm Quốc Thanh, Cửu Nhĩ mạo
Châu Kỳ của Lê Văn Tiếng…
Tóm lại, những tiểu thuyết được dùng chuyển thể thành kịch bản cải lương có
đặc điểm:
Thứ nhất, đó phải là những tiểu thuyết có chứa những vụ án nào đó khó giải
quyết hoặc những vụ án lớn, gây chấn động. Chẳng hạn, những vụ án trong
truyện Vạn Huê Lầu như: Cửu Nhĩ mạo Châu Kỳ, Án Trầm Quấc Thanh, Án
Bàng Quý Phi, Án Quách Hòe…hay Án Bộc thọ hình trong tiểu thuyết Quần
Anh Kiệt đã được chuyển thể thành những vở cải lương cùng tên.
Thứ hai, đó phải là những tiểu thuyết về những người phụ nữ thông minh, có
tài năng xuất chúng như Mạnh Lệ Quân, Chung Vô Diệm…
Thứ ba, đó phải là những tiểu thuyết có những tình huống truyện độc đáo, có
thể độc lập làm một kịch bản hoàn chỉnh: tức là có nảy sinh vấn đề, có các
khủng hoảng và có cao trào rồi đến kết thúc vấn đề. Chẳng hạn như: Phàn Lê
Huê phá trận hồng thủy, Địch Thanh kết duyên Thoại Ba công chúa, Thái sư
Văn Trọng giáng thập điều, Triệu Khuông Dẫn đưa Triệu Kinh Vương,...
Thứ tư, đó phải là những tiểu thuyết có những tình huống cảm động, thể hiện
được tâm trạng và sự phát triển tâm lý nhân vật. Chẳng hạn như: Lưu Yến
Ngọc cứu cha đại hiếu, Vợ Ngũ Văn Thiệu bị tên, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Sát
thê cầu tướng, Nguyệt Hà Tầm Phu…
2.3.2. Dựa vào điển cố Trung Quốc:
Những vở cải lương dựa vào điển cố Trung Quốc mà chúng tôi sưu tầm được
gồm có ba vở với hai điển cố tiêu biểu: điển cố Vương Chiêu Quân và điển
cố Tây Thi của soạn giả Trương Quang Tiền. Đó là những vở cải lương:
Chiêu Quân lầm kế gian thần, Chiêu Quân giáp mặt Hán Hoàng và Tây Thi
gặp Phù Ta. Đặc điểm của những vở cải lương này là sử dụng điển tích điển
cố hết sức nổi tiếng. Tây Thi và Chiêu Quân là hai trong tứ đại mỹ nhân
Trung Quốc. Giai thoại về hai người đẹp này được hầu hết mọi người biết
đến.
Đặc điểm thứ hai, hai người đẹp này đều hy sinh hạnh phúc cá nhân của
mình, đánh đổi sắc đẹp của mình vì hòa bình, vì đất nước. Tây Thi được Việt
Vương Câu Tiễn gả cho vua Ngô Phù Sai để làm suy yếu đất nước, trả mối
nhục thù. Vương Chiêu Quân được cống sang đất Hồ để giữ hòa khí quốc
gia. Tuy nhiên, vì không chịu được cảnh ly biệt nên nàng đã nhảy xuống sông
trầm mình nhằm giữ tròn khí tiết. Câu chuyện về nàng khiến cho vua nhà
Hán lẫn nhà Hồ đều rơi lệ cảm động.
Đặc điểm thứ ba, khi sử dụng các điển cố này, soạn giả đã chọn những đoạn
gây cảm động chứ không sử dụng toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của hai
người đẹp. Điều này khác hẳn với những soạn giả viết kịch bản dựa trên lịch
sử Việt Nam. Tuy nhiên, điểm chung của những vở cải lương dựa vào lịch sử
Việt Nam và những vở cải lương sử dụng điển cố Trung Quốc (và cũng là
những giai thoại dựa trên những sự kiện có thật trong lịch sử) là đều lấy
những tích truyện về người phụ nữ.
2.3.3. Dựa vào văn học dân gian Trung Quốc:
Trong số 137 vở cải lương mà chúng tôi sưu tầm được, có 4 vở dựa vào văn
học dân gian Trung Quốc để sáng tác, đó là vở San hà xã tắc của Nguyễn
Hiền Phú dựa vào câu chuyện kể về Bạch Tiên Cô và Đông Phương Sóc, hai
vở Bạch nương túy tửu và Nặng nghiệp phong trần của Nguyễn Hữu Chẩn
dựa vào truyền thuyết về Thanh Xà Bạch Xà và vở Trinh nữ sự nhị phu của
Dương Bá Tường dựa vào truyền thuyết dân gian cùng tên.
Có thể thấy, bốn vở cải lương chuyển thể từ văn học dân gian Trung Quốc
đều dựa trên những câu chuyện kể dân gian rất nổi tiếng. Đặc điểm chung của
những vở cải lương này là trong nội dung kịch bản phải gắn với yếu tố kỳ lạ
hoặc kỳ ảo. Trong vở Trinh nữ sự nhị phu, yếu tố kỳ lạ là lấy hai chồng
nhưng vẫn được gọi là trinh nữ. Yếu tố kỳ lạ trong vở Bạch nương túy tửu và
Nặng nghiệp phong trần là câu chuyện về Bạch nương (tức Bạch xà), rắn
nhưng tu luyện thành người. Còn trong truyện San hà xã tắc, yếu tố kỳ ảo là
sự xuất hiện của các nhân vật tiên nữ: Hà Tiên cô, Ngọc nữ…Có thể thấy,
những yếu tố kỳ lạ và kỳ ảo này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc
tạo nên kịch bản. Nếu không có chúng, kịch bản sẽ không có sức hấp dẫn.
Chẳng hạn, nếu Liễu Xuân Nương trong Trinh nữ sự nhị phu chỉ có mỗi mình
người chồng là Lang Châu hoặc Lý Ân thì câu chuyện sẽ không phát triển.
Nếu Bạch nương là người bình thường chứ không phải rắn tinh thì sẽ không
gặp nhiều khó khăn trong tình yêu. Nếu Ngọc nữ là người phàm trần chứ
không phải tiên nữ bị đày xuống trần gian thì sẽ không thể có Nhân vật
Thạch Kinh Nương (tức Ngọc Nữ) báo phu cừu .
2.4. Dựa vào thực tế xã hội:
Trong những kịch bản cải lương trước 1945, mảng cải lương dựa vào thực tế
xã hội gây được nhiều sự chú ý cho các nhà nghiên cứu và đóng góp vào sự
vận động và phát triển chung của các kịch bản cải lương. Có thể xem những
vở cải lương như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt của Trần Hữu Trang là những
vở cải lương đạt được độ “chín” về mặt loại thể.
Những kịch bản cải lương dựa vào thực tế xã hội là những kịch bản mà
do chính các soạn giả sáng tác chứ không lấy ý tưởng từ những tác phẩm văn
học khác. Những kịch bản cải lương này có sức hấp dẫn đối với đông đảo
quần chúng vì những lý do sau. Thứ nhất, những kịch bản cải lương xã hội
cập nhật những vấn đề nóng hổi của xã hội đưa lên sân khấu nên rất có tính
thời sự, phản ánh được những vấn đề hiện đại. Ngay cả cách ăn mặc, thói
quen của nhân vật cũng giống với đời sống hàng ngày của người dân nên họ
rất thích xem. Chẳng hạn vở cải lương Giấc mộng cô Đào của Nguyễn Thành
Châu đề cập đến vấn đề khá nóng hổi lúc bấy giờ, đó là tâm lý của những
thanh niên xác xơ vì tình. Bối cảnh câu chuyện cũng rất hiện đại, đó là:
những hàng rượu mới, những ngôi nhà được trang bị theo phong cách châu
Âu: Nhà của Trần Khải Minh, thư ký thương mại. Trần thiết theo tân thời,
một bộ salon, vài cái gối nhung, có giá máng áo, nón…Trang phục của nhân
vật cũng không còn theo những kiểu ngày xưa nữa mà là áo dài cho nhân vật
nữ và âu phục cho nhân vật nam.
Hình 2.3: Hồng Hoa mang mặt nạ bước vào cầm súng giải vây cho Nghĩa
Hiệp (tức Năm Mạnh)
Thứ hai, những kịch bản cải lương xã hội rất gần với lời ăn tiếng nói của
nhân dân, sử dụng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu chứ không phải dựa vào
cách nói bóng bẩy như trong truyện Nôm hoặc sử dụng các điển tích điển cố
như các vở cải lương dựa vào văn học nước ngoài. Đối với những kịch bản
cải lương chuyển thể từ các tác phẩm khác, nếu không có sự hiểu biết nhất
định thì sẽ khó nắm bắt được tác phẩm cải lương khi nó được diễn trên sân
khấu. Chẳng hạn, trong vở cải lương Bên nghĩa bên tình của Trần Quang
Hiển, nhân vật đã nói những câu rất giản dị, dễ hiểu, gần với lời ăn tiếng nói
hàng ngày của nhân dân.
Liên Châu: Lệ à, mày đi lấy trầu ăn coi, sao không ở đây cho cô chú sai bảo
gì hết vậy? Cứ chạy đi chơi hoài, ngày chí tối kêu mầy như kêu đò.
(…)
Liên Châu (nói với Bửu Chơn): Chả! Đi làm rể về coi bộ chú tươi cười (còn
giấy tờ gì đó, ở nhà thiếu gì là hình là ảnh) mà chú khéo mua thêm hoài treo
cho chật.
Rõ ràng, cách nói này khác hẳn với cách nói của những nhân vật trong
những vở cải lương dựa vào một tác phẩm văn học nào đó. Chẳng hạn, trong
vở Hoạn Thơ tróc Kiều của Trương Quang Tiền, lời lẽ của Hoạn Thơ với
Kiều giàu tính văn chương hơn: Cha chả, sao mà coi qua sắc diện em buồn
bực lắm vậy em! Thôi, lại đây, lại đây hãy lựa dần ít ngón, được em rao nghe
thử vài hồi. Nếu trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, câu nói này sẽ được nói lại
giản đơn hơn: Chà, sao nhìn mặt em buồn quá vậy. Thôi lại đây, cầm lấy cây
đàn chơi cho ta nghe thử vài bài xem sao.
Thứ ba, những kịch bản cải lương dựa vào thực tế xã hội góp phần hoàn thiện
những đặc tính của sân khấu cải lương. Vì kịch bản được các soạn giả sáng
tác riêng biệt cho riêng loại hình sân khấu cải lương nên ngay từ đầu họ đã ý
thức được cấu trúc kịch bản phải phát triển như thế nào, xây dựng nhân vật ra
sao, sự phát triển tâm lý nhân vật thế nào… chứ không chịu ảnh hưởng từ
tính cách nhân vật trong văn học hoặc cấu trúc kịch bản không kể lể theo trật
tự phát triển của câu chuyện như trong văn học. Thứ hai, đề tài của những vở
cải lương dựa vào thực tế xã hội không chỉ phản ánh xã hội mà còn đề cập
đến những mâu thuẫn hiện tại và những vấn đề có tính chất cá nhân và sự giải
thoát thực tại bằng giáo lý Phật giáo. Chẳng hạn, vở cải lương Khi người điên
biết yêu của Tư Trang, Năm Châu, Năm Nở đã lấy đề tài là tình yêu đặt trong
mối quan hệ với Phật giáo. Vở cải lương này đã xây dựng những nhân vật rất
rõ ràng và là những con người trong xã hội hiện đại. Cách đặt tên nhân vật
cũng không cầu kỳ, đó là: Thi, Bê, Phê. Nhân vật gây ra xung đột trong vở
kịch này là Bê, cô gái được Thi và Phê đem lòng yêu mến. Tuy nhiên Bê chỉ
yêu mỗi mình Thi vì với cô, Phê luôn là người anh trai dù hai người không có
quan hệ ruột thịt. Tâm lý nhân vật được bộc lộ rất rõ, đặc biệt là Thi và Phê,
hai tuyến nhân vật đối nghịch. Nhân vật Thi ban đầu là người giàu cảm xúc
yêu đương và tràn đầy nghị lực, ý chí:
Nếu anh không hiểu thì dầu anh có khổ sở, chịu đau đớn phải xa em đặng tìm
cách gầy dựng sự nghiệp, vì yêu em mà anh tin ở lòng anh nên dầu gian lao
cực nhọc thế nào anh cũng chẳng quản, miễn anh ráng làm có một số tiền
đặng để đảm bảo cuộc tương lai của chúng ta và cho ông già thấy rõ anh là
người chân thật.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là sau nỗi oan giết cha người yêu,
phải chịu mười lăm năm lưu đày và sau cái chết của Bê, Thi đã chọn cách
nương nhờ cửa Phật. Tâm trạng của anh cũng có nhiều thay đổi. Anh không
còn sôi nổi, đầy nhiệt huyết như ngày xưa nữa và sau khi biết được tất cả sự
thật, biết được kẻ giết cha người yêu, anh cũng không oán, không trách:
Trời ơi, tỉnh cơn mê trong hai mươi năm trời.
Thi ôi, thôi đã nát tan cuộc đời, chỉ có mong đấng chí tôn a di đà Phật.
Cứu giải cho một linh hồn, sám hối sau những lầ ác gian.
Sự thế xui nên tôi không còn chi ân hận, tấm thân tôi trót năm năm nay đã
gửi nơi Phật đài.
Còn nhân vật Phê, tuyến nhân vật phản diện, ngay từ đầu đã bộc lộ sự gian ác
của mình trong cách nói chuyện với Thi: Mày, vẫn mày…và cứ luôn luôn
mày, mày còn nhớ…gì không? Ta đã cấm mày, cấm mày đến đây, mày đến
làm gì đây? Thằng ăn trộm, quân ăn cướp, mày ăn trộm bạc tiền ở chỗ khác
rồi mày đến đây ăn trộm bông hoa của tao hả? Vườn của tao, hoa của tao,
công tao vun trồng bơn xới, biết chưa? Em của tao…ha…ha (cười), mày
muốn ăn trộm em của tao hả, mày muốn ăn cướp em của tao hả…thằng súc
sanh (rút con dao găm ở trong người ra). Đi…đi không, tao cho một dao bỏ
mạng bây giờ. Và trong cách nói chuyện với bố, hắn cũng không tỏ thái độ lễ
phép: A ha, ba đánh tôi, ba muốn giết tôi hả? Được, tôi sẽ làm cái nhà này tan
tành rồi tôi mới nghe, ha ha ha (Cười như một người điên rồi bỏ đi…).
Tuy nhiên, khi kết thúc vở cải lương, nhân vật Phê đã thú nhận hết mọi tỗi lỗi
và chọn cái chết để đền tội: Ôi người sống đã tha tội thì người chết cũng
chẳng hẹp lượng gì, giải hết nỗi oan cho Thi, lòng ta dường đã nhẹ, sống là
để đền cho hết tội, thì nay tội đã đền xong, dẫu có sống nữa cũng thừa. Kìa
cha…kìa em…Thi, Thi sống đi, giã từ Thi ở lại với chúng sinh; còn ta…ta
theo cha…theo em ta về bên cõi đời khác.
Về cấu trúc, vở cải lương này đã bắt đầu rời xa cấu trúc của một kịch bản
kịch nói và đi theo cấu trúc riêng của kịch bản cải lương. Điều này có nghĩa
là, mặc dù vở cải lương vẫn có năm giai đoạn như một vở kịch nói thông
thường: có mở đầu, thắt nút, các khủng hoảng, cao trào và cởi nút nhưng
những điểm truyện của kịch bản nằm ở tâm lý nhân vật. Mở đầu vở cải lương
là Bê và Thi bày tỏ tình cảm với nhau. Nút thắt vở cải lương là sự xuất hiện
của Phê, người yêu Bê say đắm. Từ nút thắt này, vở cải lương nảy sinh những
khủng hoảng: Phê cãi nhau với cha Bê, Phê giết cha Bê nhưng đổ tội cho Thi,
Thi bị kết án 15 năm tù khổ sai. Cao trào của vở kịch là cái chết của Bê. Vở
kịch được kết thúc bằng cuộc đối thoại giữa Phê và Thi. Thi xa lánh trần tục,
chọn cửa Phật làm nơi nương mình nên tha thứ mọi tội lỗi của Phê. Phê thú
nhận mọi tội lỗi, giảng hòa với Thi và chọn cái chết để đền tội. Đó là cấu trúc
theo kiểu một kịch bản thông thường. Tuy nhiên, vở cải lương này có một
cấu trúc khác hơn: đó là cấu trúc tâm lý nhân vật. Mở đầu là tâm trạng của
Thi và Bê. Tiếp theo là tâm trạng của Thi, Bê sau khi gặp Phê và những
khủng hoảng do Phê gây ra. Cao trào của cấu trúc tâm lý không nằm ở việc
Bê thổ huyết ở nhà thương sau khi nghe tin Thi bị tù 15 năm khổ sai mà là
cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Phê và Thi tại chùa. Sau cuộc đối thoại này,
nhờ sự bao dung của Thi mà Phê mới ngộ ra được vấn đề và chọn cái chết để
đền tội.
Như vậy, có thể thấy những đặc tính của kịch bản cải lương dựa vào thực tế
xã hội như trên phân tích đã góp phần đưa cải lương ra khỏi các hình thức
diễn xướng dân gian và nghệ thuật truyền thống như: ngâm thơ, hát bội…để
có chỗ đứng mới cho riêng mình.
Đặc điểm thứ tư của những kịch bản cải lương xã hội là rất dễ lồng vào
đó nội dung yêu nước, kêu gọi nhân dân chống giặc, nêu cao những tấm
gương trung liệc và đưa ra những bài học đạo đức để thức tỉnh tầng lớp thanh
niên thời bấy giờ. Trong lời tựa của vở cải lương: Tối độc phụ nhơn tâm của
Triệu Văn Yên có viết về mục đích của vở cải lương này nói riêng và các vở
cải lương xã hội nói chung. Đó là: Bày gương xấu cho người thấy mà tránh,
tỏ điều tốt cho thiên hạ biết nghe theo.
Những vở cải lương xã hội thời kỳ này gồm có: Bên tình bên nghĩa, Bên tình
bên hiếu, Tình hiếu vẹn hai, Châu Trần tiết nghĩa, Nước đời cay đắng, Giấc
mộng cô Đào, Linh đình vì lượng sóng tình, Một mối tử thù…
Nhìn chung, vấn đề đưa ra trong những vở cải lương thời bấy giờ nhiều nhất
là mối quan hệ giữa chữ tình và chữ hiếu hoặc chữ tình và chữ nghĩa. Sở dĩ
những vở cải lương bấy giờ hay nhắc đến chữ tình là bởi do sự du nhập của
văn hóa phương Tây vào nước ta nên vấn đề cá nhân của con người được nói
đến nhiều hơn. Con người có nhiều điều kiện để bộc lộ mình, bộc lộ tình yêu
của mình. Nước ta cho đến thời điểm đó vẫn còn chế độ phong kiến, vẫn còn
sử dụng những lý thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử…cho nên thanh niên trong
nước vẫn còn rụt rè trong chuyện bày tỏ tình cảm. Chính vì vậy, khi văn hóa
Pháp theo chân bọn khai thác bóc lột thuộc địa vào nước ta đã khiến cho tư
tưởng nhân dân, đặc biệt là của tầng lớp thanh niên thay đổi theo. Họ có quan
niệm rộng rãi hơn về tình yêu chứ không còn theo kiểu: cha mẹ đặt đâu con
ngồi đấy. Tuy nhiên, sự rộng rãi đó nhiều khi đi quá giới hạn cho phép nên sẽ
nảy sinh nhiều vấn đề nhất là những vấn đề gia đình, giữa quan niệm cũ và
quan niệm mới, giữa chữ hiếu và chữ tình hoặc chữ tình và chữ nghĩa.
2.5. Dựa vào các loại hình nghệ thuật khác:
Những vở cải lương dựa vào các loại hình nghệ thuật khác tuy không nhiều
nhưng rất đáng chú ý. Đó là vở Nguyệt Kiều xuất gia của Trần Phong Sắc
dựa vào vở tuồng San Hậu và đặc biệt là ba vở cải lương của Nguyễn Hiền
Phú: Gái trả thù cha, Tình nặng cừu sâu và Hiệp nữ thù tính ghi là dựa theo:
Tuồng hát bóng Huê Kỳ.
Tuồng hát bóng Huê Kỳ thực chất là tên gọi của một loại hình nghệ thuật mới
được du nhập vào nước ta, đó là: điện ảnh. Trong quá trình đi xâm lược nước
ta, thực dân Pháp mang theo một số loại hình giải trí để phục vụ nhu cầu của
chúng và để tuyên truyền những tư tưởng có lợi cho việc đồng hóa và công
cuộc xâm lược của chúng. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Hòn đất của Anh Đức
có một đoạn mô tả lại hành động này. Thím và và rất nhiều người dân bị bọn
xâm lược lùa đến một hang đá tối tăm để chúng chiếu bộ phim Chiến trận ở
Cao Ly nhằm làm cho nhân dân ta khiếp sợ trước quân đội hùng mạnh và vũ
khí tối tân của chúng để nhụt ý chí chiến đấu.
Tuy nhiên, tuồng hát bóng Huê Kỳ mà những vở cải lương nói trên dựa vào
được lấy cảm hứng từ những bộ phim của tác gia điện ảnh nổi tiếng thời bấy
giờ: Chaplie Chaplines. Nguyễn Hiền Phú đã đưa vào tác phẩm của mình
nhân vật có tên là Sạc Lô (tức Chaplies) để gây sự tò mò cho công chúng.
Mặc khác, giữa cải lương và điện ảnh cũng có những tương đồng nhất định
về mặt kịch bản. Mặc dù điện ảnh Hollywood không có cấu trúc năm giai
đoạn như cải lương nhưng cấu trúc ba hồi với đường dây phát triển nhân vật
của nó lại rất giống. Hay nói một cách khác hơn, hồi hai trong điện ảnh đã
bao gồm các giai đoạn: thắt nút, phát triển và cao trào của một kịch bản thông
thường. Thế nên, việc tìm thấy những điểm tương đồng giữa một kịch bản cải
lương và một kịch bản điện ảnh để soạn một kịch bản cải lương dựa vào loại
hình nghệ thuật khá lạ lẫm này là một sự sáng tạo và nỗ lực đáng trân trọng
của tác giả. Ngoài Nguyễn Hiền Phú, chúng tôi chưa tìm thấy được soạn giả
cải lương trước 1945 nào khác sử dụng hình thức này.
TIỂU KẾT
Trong chương 2, chúng tôi đã nêu và phân tích năm khuynh hướng sáng tác
của sân khấu cải lương, đó là: dựa vào văn học Việt Nam, dựa vào văn học
các nước, dựa vào lịch sử Việt Nam, dựa vào các loại hình nghệ thuật khác và
dựa vào thực tế xã hội.
Trong các khuynh hướng nêu trên, khuynh hướng sáng tác dựa vào văn học
các nước chiếm tỷ lệ nhiều nhất, đặc biệt là dựa vào tiểu thuyết Trung Quốc.
Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất cho sân khấu cải lương, góp phần hoàn thiện
sân khấu cải lương là những vở có khuynh hướng sáng tác dựa vào thực tế xã
hội vì nhờ đặc điểm này mà cải lương được đông đảo công chúng yêu thích.
Khuynh hướng sáng tác dựa vào các loại hình nghệ thuật khác, nhất là điện
ảnh là một phát hiện thú vị của đề tài.
ThS. Đào Lê Na
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- lv_ngon_ngu_hoc_21__1336.pdf