Luận văn Phát huy vai trò của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre hiện nay

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn không có mục đích tự thân. Thực hiện sự nghiệp này là nhằm góp phần phát triển KT-XH và nhất là phải đem lại những lợi ích thiết thực cho nông dân. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải do nông dân và vì nông dân. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình này, hơn ai hết chính bản thân nông dân Bến Tre phải nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua những rào cản tâm lý, tập quán cũ kỹ và lạc hậu, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, không ngừng tự bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Điều quan trọng hơn, để phát huy được vai trò to lớn của nông dân đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ hướng về địa bàn nông thôn, lấy nông dân làm đối tượng cần được quan tâm, chia sẻ.

pdf89 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3831 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Phát huy vai trò của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VAC, RVAC,... Bồi dưỡng cho nông dân những kiến thức trong kinh doanh như kiến thức về tiếp cận thị trường và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nó; kiến thức về maketing giới thiệu sản phẩm; những kiến thức về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký cho thương hiệu nông sản hàng hoá,... Tuyên truyền và bồi dưỡng cho nông dân những hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; những kiến thức về luật pháp liên quan đến đời sống KT-XH, đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân. Về phương pháp: do đặc thù của nhóm đối tượng nông dân này là trình độ học vấn thấp, hạn chế trong nhận thức. Nên phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hỗ trợ, tư vấn,... Trong đó cần chú trọng phương pháp giáo dục bằng hình ảnh trực quan đơn giản nhưng sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Về hình thức: phải linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng, phong phú chủ yếu dựa vào cộng đồng là chính: tiếp xúc cử tri, họp tổ nhân dân tự quản, tiến hành toạ đàm, hội thảo đầu bờ, tham quan thực tế các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi,... Nhóm thứ hai, đối với đối tượng là thanh thiếu niên con em của nông dân, cần xây dựng chiến lược GD - ĐT mang tính căn cơ, đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay và nhất là trong những năm tiếp theo. Đối với nhóm này cần tập trung vào hai vấn đề lớn: Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cho tất cả các bậc học, trong đó chú trọng đến công tác xoá mù chữ và tái mù, phổ cập giáo dục nhất là cho các vùng sâu, vùng xa của tỉnh tiến tới 60% số xã, phường đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở vào năm 2005 theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Tỉnh uỷ Bến Tre trong chương trình hành động “Về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thời kỳ 2001 - 2010”. Đây là nhiệm vụ khó khăn, không đơn giản. Bởi lẽ ở các vùng sâu, vùng xa, một bộ phận nông dân vẫn còn có nhận thức không đúng khi không coi trọng việc cho con em đến trường để học tập nhất là học lên cao lại càng không cần thiết. Nguyên nhân suy cho cùng là do các hộ nông dân này đời sống quá khó khăn. Nên việc con em của họ không đi học hoặc bỏ học cũng là để giảm gánh nặng cho gia đình đồng thời phụ giúp cha mẹ trông coi việc nhà hoặc đi làm thuê phụ giúp gia đình. Để khắc phục tình trạng này, một mặt cần có hệ thống các giải pháp nhằm xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục đến các hộ nông dân cho con em đến trường lớp học tập. Chỉ có con đường học tập sẽ là cứu cánh cho tương lai của các em. Thực tế những năm qua công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đã đạt được những thành tựu quan trọng, Bến Tre đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học và xoá mù chữ từ năm 1997. Trong những năm tiếp theo, một khi trình độ dân trí trong nông dân được nâng lên đáng kể đây sẽ là cơ sở vững chắc tạo ra nhiều thuận lợi cho công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân. Hai là, nhanh chóng xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại, vừa chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho những năm tiếp theo. Trước mắt cần đào tạo các nghề ngắn hạn cho lực lượng lao động này trên các lĩnh vực như nông - ngư nghiệp, các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn: sửa chữa cơ khí, điện, điện tử,... Về lâu dài, cần có chiến lược đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, thú y, may công nghiệp và gia dụng,... nhằm chủ động nguồn nhân lực khi khu công nghiệp Giao Long, cụm công nghiệp An Hiệp chính thức đi vào hoạt động. Hiện nay với hệ thống các cơ sở đào tạo, dạy nghề ở Bến Tre hiện có là khá lớn. Đặc biệt từ khi thành lập trường Cao đẳng Bến Tre trên cơ sở hợp nhất ba trường: Cao đẳng Sư phạm, trung học chuyên nghiệp Kinh tế - Kỹ thuật và trung học chuyên nghiệp Kỹ thuật - Công nghệ đã mở rộng quy mô, đa dạng hoá ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Năm 2004 - 2005, riêng các trường trung học chuyên nghiệp đã mở được 17 ngành, nghề đào tạo với 2.215 học sinh trung học chuyên nghiệp chính quy, 1.509 học viên hệ tại chức, 453 học sinh học nghề. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở, trung tâm dạy nghề, trong đó có 2 trung tâm dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh, một trường kỹ nghệ và 7 trung tâm dạy nghề ở đều khắp các huyện trong tỉnh. Nhìn chung, số người được đào tạo nghề (kể cả dài hạn và ngắn hạn) liên tục tăng từ 5.859 người năm 2001 lên 8.772 người năm 2004. Ngoài ra, các doanh nghiệp, làng nghề, hội nghề ở các địa phương, các cơ sở dịch vụ có truyền nghề và dạy nghề tại chỗ tham gia truyền, dạy nghề từ 10.000 đến 12.000 lao động/năm, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2004 đạt 22,12% [47, tr.4]. Như vậy, với hiện trạng hệ thống GD-ĐT như hiện nay ở Bến Tre, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 25% cuối năm 2005 và 40% vào năm 2010 là có cơ sở khả thi. Vấn đề còn lại đáng quan tâm là cần phải nâng cao chất lượng đào tạo dạy nghề cho cả về phía người dạy và người học. Trong đó cần chú trọng đến đội ngũ giáo viên, bởi lẽ “Lương sư hưng quốc”. ở đây, người thầy phải thoả mãn hai yêu cầu: giỏi về chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện được điều này sẽ là nền tảng vững chắc để đào tạo ra được các thế hệ học trò giỏi. Bên cạnh đó, vấn đề thực hiện các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp, cải tiến giáo trình, nội dung giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị,... là những vấn đề cũng cần được quan tâm thực hiện. - Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân; đồng thời củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống ở nông thôn Bến Tre Trong những năm qua, kinh tế hợp tác có bước phát triển khá mạnh. Tính đến cuối năm 2004 toàn tỉnh có 74 HTX hoạt động trên tất cả các lĩnh vực khác nhau. Riêng trong nông nghiệp đã thành lập 24 HTX với 899 xã viên, tạo việc làm cho 1.130 lao động. Tuy quy mô không lớn nhưng nhìn chung các HTX đều dược chuyển đổi và thành lập mới theo đúng luật và phần đông các HTX làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện nay ở Bến Tre có gần 14.000 tổ hợp tác giản đơn nhưng hoạt động rất đa dạng với các tên gọi như: tổ nghề nghiệp, tổ tương trợ, tổ hợp tác trên các lĩnh vực làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi, nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản, vần đổi công, máy nông cụ. Tôn chỉ, mục đích hoạt động chính của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này là hợp tác, huy động vốn, mua sắm phương tiện sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đoàn kết giúp nhau vượt khó vươn lên. Ngoài ra, Bến Tre cũng có nhiều làng nghề truyền thống, trong nhiều năm qua, các làng nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn có nguy cơ bị mai một. Đến nay, các làng nghề truyền thống ở Bến Tre từng bước được phục hồi và phát triển. Trong các làng nghề truyền thống của địa phương tiêu biểu có: nghề làm bánh tráng ở Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh - Giồng Trôm); nghề làm bánh phồng ở Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng - Giồng Trôm); sản xuất than gáo dừa, chỉ xơ dừa ở An Thạnh, Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày); sản xuất kẹo dừa ở phường 7 (Thị Xã Bến Tre); sản xuất thảm lưới sơ dừa, chiếu, hàng thủ công mỹ nghệ ở xã An Hiệp và Thành Triệu (Châu Thành)... Nhìn chung, việc phải tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân, các làng nghề truyền thống là rất cần thiết, bởi theo tác giả, điều này có những cái lợi sau: Thứ nhất, thực hiện tốt các vấn đề này sẽ tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân lại với nhau theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, khắc phục dần tình trạng phân tán trong sản xuất như những năm trước đây. Thứ hai, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Quá trình này sẽ giúp cho một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp nhất là tạo điều kiện cho các hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất có cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống không nhất thiết phải lệ thuộc vào đất đai. "Chuyển một bộ phận lớn lao động nông nghiệp, nhất là bộ phận nông dân thiếu đất hoặc không có đất canh tác, sang khu vực công nghiệp tập trung và công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dịch vụ phục vụ đời sống hoặc sản xuất ở địa bàn nông thôn" [14, tr.42]. Thứ ba, một khi lao động ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định là điều kiện quan trọng để giữ gìn trật tự trị an, kéo giảm các tệ nạn xã hội và hạn chế lao động trẻ ở nông thôn tự phát rời bỏ làng quê tràn vào các đô thị gây những hậu quả xấu cho cả thành thị và nông thôn. Thứ tư, với tính chất tự nguỵên, tự giác, dân chủ, bình đẳng và cùng có lợi khi tham gia nên việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân là dịp để thắt chặt tinh thần đoàn kết, phát huy tình tương thân, tương ái luôn hỗ trợ giúp đỡ nhau không vụ lợi trong chính nội bộ nông dân. Như vậy, những hiệu quả về KT-XH từ hoạt động của các HTX, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân là rất to lớn. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, trước hết tự bản thân các HTX, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phải chủ động, sáng tạo, không ngừng tự đổi mới, kiện toàn về tổ chức bộ máy, về nội dung và phương thức hoạt động. Cố nhiên cũng không thể thiếu sự quan tâm hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách ưu tiên tạo nên hành lang pháp lý thông thoáng mở đường cho các HTX nông nghiệp có cơ hội phát triển; hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân cần có được sự đồng tình, ủng hộ sâu rộng và mạnh mẽ từ chính quyền đến các ban ngành đoàn thể nhất là Hội Nông dân các cấp, qua đó tạo được niềm tin và sự phấn khởi giúp cho hoạt động của các tổ chức này được tốt hơn. 2.2.2.2. Nhóm giải pháp về điều kiện khách quan - Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của địa phương một cách hợp lý theo hướng CNH, HĐH Khi thực hiện sự nghiệp đổi mới, tiến hành CNH, HĐH đất nước, cùng với quá trình phân công lại lao động xã hội, yêu cầu rất quan trọng luôn được đặt ra là phải từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ đến công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Cùng với xu thế chung của cả nước, liên tục trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của Bến Tre cũng chuyển dịch theo hướng tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm dần, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Nếu như năm 2003, khu vực I (nông nghiệp) từ 62,1% đến năm 2005 ước giảm còn 58,1%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) từ 14,6% ước tăng lên 17,6%; khu vực III (dịch vụ) từ 23,3% ước tăng lên 24,3%. Như vậy, tốc độ thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của Bến Tre là nhanh và đúng hướng. Nhưng đối với Bến Tre hiện nay, để sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển nhảy vọt, điều quan trọng hơn hết là tỉnh nên chú trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Bởi lẽ cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý sẽ quyết định việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tối ưu các nguồn lực về đất đai, vốn, sức lao động và cả cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, quyết định tốc độ phát triển kinh tế hàng hoá ở nông thôn, chuyển mạnh kinh tế nông thôn sang kinh tế hàng hoá. Để cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở Bến Tre đạt hiệu quả cao nhằm mục đích tạo được nhiều việc làm cho hàng vạn lao động, cải thiện cuộc sống cho nông dân, theo tác giả, cần thực hiện tốt các vấn đề sau: Trước hết, phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH cần đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ mới nhất của khoa học - kỹ thuật và công nghệ, thực hiện thuỷ lợi hoá, điện khí hoá, cơ giới hoá, sinh học hoá,... vào trong quá trình sản xuất. Song song đó cần tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, phát triển các vùng chuyên canh. Cho nên cần có quy hoạch khoa học và nhất là phải phù hợp với điều kiện sinh thái của cả ba vùng nước ngọt, nước mặn và nước lợ, qua đó tập trung đầu tư vào hai thế mạnh và là kinh tế mũi nhọn của tỉnh đó là kinh tế vườn và kinh tế thuỷ sản. Chẳng hạn, đối với vùng nước ngọt, nên khuyến khích nông dân chủ yếu trồng cây ăn trái đặc sản, nuôi tôm cá nước ngọt, sản xuất cây giống chất lượng cao, cây kiểng ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành và một phần Thị xã. Vùng nước lợ nên tập trung trồng các cây công nghiệp (dừa, mía,...), trồng cây có múi, hình thành vùng lúa tập trung, kết hợp trồng lúa với nuôi tôm (mô hình một vụ lúa một vụ tôm) và xây dựng vành đai rau thực phẩm cho toàn tỉnh tập trung ở các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thị xã. Vùng nước mặn tập trung phát triển nuôi tôm sú với các hình thức quản canh, bán công nghiệp và công nghiệp; nuôi các loại thuỷ sản khác như sò huyết, cua biển, nghêu; hình thành các vùng sản xuất muối tập trung ở ba huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi theo hướng phải phù hợp với từng vùng sinh thái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chủ động lựa chọn mô hình, phương thức để sản xuất hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất trên một đơn vị diện tích canh tác. Đây cũng là cách giúp nông dân có thể chủ động tự tạo ra việc làm cho mình. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành tiểu thủ công nghiệp với các trình độ công nghệ ở những mức độ khác nhau và được phân bố đều khắp trên khắp các huyện thị trong tỉnh. Phát triển công nghiệp ngay trên địa bàn nông thôn sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nông nghiệp. Phân công lại lao động xã hội mới ở nông thôn, chuyển tại chỗ một bộ phận lao động nông nghiệp thuần tuý sang lao động công nghiệp. Có thể nói đây chính là hướng ra để giải bài toán về áp lực, sức ép việc làm cho lao động nông thôn có hiệu quả cao nhất. Hiện nay với năng lực hoạt động của các cơ sở công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản hiện có và nhất là trong thời gian không xa, khi khu công nghiệp Giao Long, cụm công nghiệp An Hiệp,... chính thức đi vào hoạt động sẽ thu hút được một lượng lao động rất lớn mà trước mắt là tạo và giải quyết việc làm cho 30.000 lao động trong năm 2005 [46, tr.16]. Điều quan trọng ở đây là tính hiệu quả trong hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, các ngành tiểu thủ công nghiệp này như thế nào. Theo tác giả, đối với ngành công nghiệp trong điều kiện thực tế hiện nay của tỉnh chỉ nên đầu tư vào các cơ sở công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ cho phù hợp với khả năng về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, trình độ tay nghề của công nhân. Đối với các ngành tiểu thủ công nghiệp cần năng động trong việc đa dạng hoá các sản phẩm, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng,... đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay trong điều kiện của nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc tìm cho mình một hướng đi riêng là rất cần thiết. Là tỉnh có diện tích vườn dừa lớn nhất nước (35.885 ha) nên việc phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hiện nay ở Bến Tre cũng cần chú ý đến khâu sản xuất nhiều hơn nữa các sản phẩm từ dừa: nệm xơ dừa, than hoạt tính, cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, dầu dừa, gỗ ép xơ dừa, kẹo dừa,... các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa, gáo dừa, cọng dừa,... Đây là những ngành hàng mà Bến Tre có nhiều tiềm năng và thật sự là một lợi thế cạnh tranh so sánh không phải tỉnh nào cũng có được, trong khi đó dung lượng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới đối với các ngành hàng này là rất lớn. Một khi thực hiện được tốt vấn đề đa dạng hoá các sản phẩm từ dừa cũng sẽ đem lại những hiệu quả KT-XH cao như: giữ vững được diện tích vườn dừa đồng nghĩa với giữ vững được biểu tượng của Bến Tre - quê hương của xứ dừa, đặc biệt là tạo được việc làm ổn định cho hàng ngàn nông dân. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn cũng cần lưu ý đến khâu phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ trên địa bàn nông thôn. Với việc xác định hai ngành kinh tế mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế thuỷ sản nên phát triển các hoạt động dịch vụ cũng phải ưu tiên hướng vào hai ngành này đó là dịch vụ hậu cần cung ứng vật tư, dịch vụ vận tải, thu mua nông - thuỷ sản, dịch vụ khuyến nông và bảo vệ thực vật, dịch vụ thú y,... Ngoài ra việc phát triển mạng lưới các cơ sở điện tử, cơ khí, sửa chữa máy móc, thiết bị nông, ngư nghiệp cũng rất quan trọng. ở đây, nông dân không thể đứng ngoài cuộc mà có thể chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh, thương mại, dịch vụ về nông sản hàng hoá ở phạm vi hộ gia đình vừa tạo ra việc làm cho gia đình vừa thu hút thêm lao động ở địa phương. - Bến Tre cần có những định hướng chiến lược phát triển thông qua các chương trình hành động cụ thể, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách công cụ nhằm tác động, hỗ trợ cho nông dân trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre. Trong đó nông dân là người trực tiếp tham gia vào quá trình này nên luôn thể hiện được vai trò nồng cốt của mình. Tuy nhiên chỉ có nông dân không thôi thì không thể làm thay đổi được hoàn toàn và nhanh chóng từ một nền nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển thành nền nông nghiệp hiện đại. Trong nhiều vấn đề một mình nông dân không có khả năng hoặc không thể làm được nếu thiếu sự hỗ trợ đắc lực từ bên ngoài mà nhất là từ phía Nhà nước. Chính vì thế, một khi sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân được thực hiện tốt nhất là các chính sách giải quyết “đầu vào”, “đầu ra” cho nông sản hàng hoá của nông dân như vấn đề đầu tư cho vay vốn, chính sách bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu, các chính sách động viên khen thưởng, chính sách về đất đai,... đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả, đây sẽ là liệu pháp quan trọng tác động đến nông dân trên cả hai phương diện: vật chất và tinh thần. Qua đó sẽ kích thích được nông dân phát huy ngày một tốt hơn tính năng động, tích cực, sáng tạo của mình hăng hái thi đua sản xuất. ở đây, sự tác động của Nhà nước - thông qua vai trò của các cơ quan hữu quan cần tập trung vào các vấn đề chính sau: Thứ nhất, tập trung huy động nhiều nguồn vốn khác nhau cho nông dân vay. Có vốn nông dân sẽ có điều kiện đầu tư cho sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề và quy mô sản xuất. Hiện nay các kênh huy động nguồn vốn cho nông dân vay là khá đa dạng chủ yếu tập trung ở hệ thống các ngân hàng trong tỉnh, đặc biệt là Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo tác giả, với chức năng và lĩnh vực hoạt động của mình Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần mạnh dạn đầu tư cho nhiều đối tượng nông dân được vay vốn và với số vốn ngày một cao hơn. Nên chăng Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cần có hướng đầu tư, ưu tiên vốn cho các dự án có hiệu quả của các hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa; lấy địa bàn nông thôn, nông nghiệp, kinh tế hộ làm địa bàn chính để phục vụ và cũng là để phát triển kinh doanh của ngành mình. Đặc biệt là nên tập trung ưu tiên vốn vào các vùng đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vùng phát triển hàng hoá tập trung nhất là các hộ có đủ điều kiện vay vốn và làm ăn có hiệu quả như các hộ làm kinh tế trang trại. Hiện nay kinh tế trang trại ở Bến Tre có bước phát triển khá mạnh. Tính đến thời điểm ngày 01-07-2004 toàn tỉnh có 3.206 trang trại sử dụng 11.508 lao động [6, tr.1]. Các trang trại của tỉnh phát triển đa dạng về loại hình, phong phú về chủng loại sản phẩm nên đã phát huy được lợi thế của từng địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các trang trại là thiếu vốn cho đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Cho nên nếu tập trung ưu tiên vốn cho các hộ làm kinh tế trang trại sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu chính đáng đi đôi với xoá đói giảm nghèo và phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Ngoài hệ thống các ngân hàng, cần chủ động tạo ra các nguồn vốn khác cho nông dân vay như quỹ hỗ trợ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt là quỹ hỗ trợ nông dân của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh. Sẽ là rất đúng và có hiệu quả khi huy động nguồn vốn của nông dân cho nông dân vay mà đối tượng được vay là các hộ nghèo gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và cuộc sống. Hình thức vay là tín chấp với lãi suất cực thấp. Tuy số vốn được vay cho mỗi lượt không nhiều nhưng có ý nghĩa lớn tạo điều kiện cho nông dân đầu tư sản xuất, từng bước xoá đói giảm nghèo. Đồng thời qua đó củng cố, thắt chặt hơn nữa tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong nông dân. Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác xuất khẩu, xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân. Đảm bảo được đầu ra cho nông sản hàng hoá của nông dân cũng là hướng đi quan trọng giúp cho nông dân có nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thịên cuộc sống. Cũng như nông dân cả nước, ngày nay nông dân Bến Tre sản xuất ra các nông sản hàng hoá nhằm để tiêu thụ trên thị trường trong nước và đặc biệt là xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nông dân sau thu hoạch là việc tiêu thụ nông sản. Trong khi đó nông dân chỉ sản xuất ra nông sản còn việc tìm kiếm thị trường, tự đảm đương công việc xuất khẩu là vấn đề quá khó khăn và dường như không thể thực hiện được. Cho nên, ở đây nông dân rất cần đến sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và xuất khẩu, của các ngành chức năng hữu quan cùng phối hợp hoạt động trong việc bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch và xuất khẩu. Cả quá trình lao động sản xuất vất vả của nông dân thật sự chỉ có ý nghĩa khi trông chờ vào một vụ mùa bội thu bán được ngay và bán được với giá cao. Nhưng điều này thì nông dân không thể tự quyết định được mà phụ thuộc vào các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu. Nhưng đến lượt các doanh nghiệp này lại phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu. Để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản hàng hoá của nông dân, các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu cần chủ động tiến hành công tác xúc tiến thương mại, củng cố các thị trường cũ, tìm kiếm mở rộng các thị trường mới. Nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy hiện có bằng việc đầu tư chiều sâu và mở rộng như nâng cấp nhà xưởng, đổi mới công nghệ và trang thiết bị. Hiện nay với các cơ sở công nghiệp chế biến hiện có đã phần nào đáp ứng được khả năng tiêu thụ các nông sản hàng hoá của nông dân vào những dịp chính vụ. Nhưng về lâu dài tỉnh cần đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy mới tập trung vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu là dừa, thuỷ sản,... Đồng thời, nông dân cũng cần được sự hỗ trợ của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ trong việc đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn nông dân sản xuất với những giống cây, giống con đảm bảo về chất lượng xuất khẩu. Với chương trình hành động “Chương trình phát triển xuất khẩu tỉnh Bến Tre thời kỳ 2001 - 2005” [45, tr.137] đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm (2001 - 2005) ước đạt 357 triệu USD [20, tr.2] và đang tiếp tục mở ra những cơ hội mới, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. Cần tiếp tục phát triển mạnh các phong trào của nông dân và thực hiện tốt chính sách về động viên khen thưởng. Nông dân cả nước nói chung, nông dân Bến Tre nói riêng do đặc thù của tập quán sản xuất nên cuộc sống của người dân nông thôn qua bao đời vẫn giữ được nét đẹp văn hoá đó chính là tính cộng đồng làng xã. ở Bến Tre trong những năm gần đây, thông qua vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã xây dựng và phát động nhiều phong trào quần chúng trong nông dân tạo điều kiện cho nông dân được tham gia sinh hoạt cộng đồng ngày một tốt hơn. Đây là cách làm hay, nên trong những năm tiếp theo cần tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa các phong trào cách mạng trong nông dân điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và xoá đói giảm nghèo, phong trào nông dân xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phong trào nông dân tham gia phát triển văn hoá - xã hội, quốc phòng an ninh,... Với các phong trào này đây là cơ hội cho nông dân có dịp học tập, trao đổi phổ biến kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, động viên, thuyết phục nhau cùng giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hoá của địa phương, xây dựng nông thôn mới ngày một văn minh, giàu đẹp. Trong các phong trào thi đua này, việc động viên khen thưởng kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần đối với các cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến sẽ có sự tác động và sức lay chuyển rất lớn đối với nông dân. Được động viên khen thưởng sẽ giúp cho nông dân thêm nhiều phấn khởi và tự tin hơn. Từ đó ra sức phấn đấu, nổ lực nhiều hơn nữa trong lao động sản xuất để không phụ lòng tin yêu của mọi người và xã hội. Thực tế cho thấy trong tất cả các gương điển hình tiên tiến năm 2004 sau khi được khen thưởng như anh Nguyễn Văn Re (ấp Phước Hoà, xã Thạnh Phước, Bình Đại), anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp An Bình 2, xã An Hoà Tây, Ba Tri), chị Nguyễn Thị Nguyệt Thu (ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành, Chợ Lách),... là 3 trong 10 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen đã tiếp tục phát triển cơ nghiệp của mình lên rất mạnh, vừa làm giàu chính đáng cho bản thân vừa tạo ra nhiều việc làm ổn định cho các lao động ở địa phương. - Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án ưu tiên trên địa bàn nông thôn Do điều kiện địa hình tự nhiên nhiều bất lợi nhất là mạng lưới sông ngòi chằng chịt đã chia cắt manh mún địa hình Bến Tre hình thành nên ba dải cù lao và từ lâu đã làm cho Bến Tre luôn trong thế biệt lập với các tỉnh trong khu vực. Chính vì thế, nhiều năm qua, Bến Tre là một trong những tỉnh có hiện trạng kết cấu hạ tầng KT-XH thuộc loại kém phát triển nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH hiện là yêu cầu luôn được đặt ra trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhận thức được tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà, Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ Bến Tre lần thứ VII đã khẳng định: Khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh nhà nhanh và bền vững hơn; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trước nhất là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn với đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân [16, tr.47]. Như vậy, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn là điều kiện quan trọng nhằm nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện cuộc sống cho dân cư nông thôn, là nền tảng cho sự vươn lên mạnh mẽ và tạo được sức hấp dẫn của Bến Tre trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư. Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người nông dân nông thôn, trong phạm vi luận văn này tác giả chỉ xin đề cập đến các vấn đề quan trọng như sau: Thứ nhất, về vấn đề thuỷ lợi: công tác thuỷ lợi là một khâu không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống các công trình thuỷ lợi luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện về trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ ở nông thôn. Tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh và cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn. Trong những năm qua, Bến Tre đã tập trung đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi trong đó có những công trình lớn như cống đập Ba Lai; hệ thống thuỷ lợi Cầu Sập, Qưới Điền, đê biển Bình Đại,... Việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi có quy mô lớn là cần thiết và mang tính chiến lược. Nhưng đối với Bến Tre do địa hình khá phức tạp có quá nhiều sông rạch, lại giáp biển, mức độ triều cường và khả năng xâm nhập mặn là rất lớn. Cho nên chỉ với vài công trình thuỷ lợi lớn điển hình như cống đập Ba Lai không thôi thì vẫn chưa đủ sức đem lại những hiệu quả cao nhất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Muốn khắc phục được tình trạng trên đòi hỏi phải có một hệ thống các công trình thuỷ lợi lớn và đồng bộ. Nhưng để xây dựng được các công trình thuỷ lợi quy mô lớn này cần phải có thời gian và nhất là phải có vốn. Vì vậy, theo tác giả, trong điều kiện như hiện nay tỉnh và các huyện nên theo hướng đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi với quy mô vừa và nhỏ phục vụ cho từng tiểu khu, từng vùng cục bộ như hệ thống thuỷ lợi Cây Da, Vàm Hồ (Ba Tri), hệ thống thuỷ lợi Hương Mỹ (Mỏ Cày), cụm thuỷ lợi phục vụ kinh tế vườn tập trung ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm và Bắc Mỏ Cày. Thực tế cho thấy các công trình thuỷ lợi này sau khi xây dựng xong đưa vào vận hành khai thác đã phát huy tác dụng rất cao: ngăn mặn, trữ ngọt, chống lũ, cải thiện môi trường, cung cấp nước sinh hoạt đặc biệt là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực nhất là giúp thâm canh, tăng vụ từ 2 - 3 vụ/năm năng suất bình quân đạt 40,68 tạ/ha [5, tr.62]. Có những vùng trong hệ thống thuỷ lợi Cây Da làm 3 vụ lúa/năm đạt năng suất 60 tạ/ha. Ngoài việc trồng lúa, các công trình thuỷ lợi này còn tạo điều kiện tốt cho việc chăn nuôi gia súc gia cầm, tôm cá,... Qua đó, đời sống của nông dân trong vùng có các công trình thuỷ lợi này đã được cải thiện nâng lên đáng kể. Thứ hai, về vấn đề giao thông: mạng lưới giao thông ở Bến Tre bao gồm giao thông đường bộ và giao thông đường thuỷ. Trong đó mạng lưới giao thông đường thuỷ của Bến Tre là một thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi, nhưng mạng lưới giao thông đường bộ lại có nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho nông dân có nhiều thuận lợi trong sản xuất và đi lại, hiện nay và trong những năm tiếp theo, tỉnh tập trung phát triển giao thông nông thôn cần lưu ý các vấn đề sau: Một là, cần có tính đồng bộ trong đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông toàn tỉnh, vừa đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền, cầu Hàm Luông, quốc lộ 60,... vừa chú ý xây dựng các công trình giao thông nhỏ. Trong đó nên chú trọng đến hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh nhất là giao thông nông thôn; làm cho mạng lưới giao thông trở nên hoàn chỉnh, thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã. Để khi các công trình giao thông trọng điểm đặc biệt là cầu Rạch Miễu hoàn thành đi vào hoạt động, về cơ bản phá được thế biệt lập với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lúc đó sẽ kết nối với mạng lưới giao thông trong tỉnh tạo được sự hài hoà, đồng bộ, nhịp nhàng và như vậy sẽ phát huy được hiệu quả tốt hơn trong phát triển KT-XH. Hai là, hiện nay ngoài những bến phà hiện hữu như Rạch Miễu, Hàm Luông, Cầu Ván, Tân Phú, trong những năm tiếp theo để tạo sự liên kết giao thông chặt chẽ, thông suốt giữa các dải cù lao, giữa các cù lao với các cồn trên sông giúp bà con nông dân sinh sống trên các cồn phá thế “biệt lập của biệt lập”, tỉnh cần đầu tư xây dựng các bến phà như: - Bến phà Hưng Phong: vượt một nhánh sông Hàm Luông đến cồn Hưng Phong nối liền xã Phước Long với Hưng Phong, Giồng Trôm. - Bến phà Tam Hiệp: vượt một nhánh sông Tiền đến cồn Tam Hiệp nối liền xã Phú Thuận với xã Tam Hiệp, Bình Đại. - Bến phà Mỹ Hưng: vượt sông Hàm Luông nối liền xã Mỹ Hưng (Thạnh Phú) với xã Tân Hưng (Ba Tri). - Bến phà Sơn Định: vượt sông Tiền nối liền xã Sơn Định (Chợ Lách) với huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Đây là những vùng đặc biệt khó khăn. Trong điều kiện hiện nay khi tỉnh chưa có khả năng xây cầu nối liền giữa đất liền (cù lao) với các cồn trên sông thì việc xây dựng các bến phà này làm phương tiện vận tải thay thế các bến đò ngang vừa nhỏ vừa không đảm bảo an toàn là giải pháp hữu hiệu nhất. Có các bến phà, bà con sẽ đi lại được dễ dàng, thuận lợi hơn, qua đó rút ngắn sự cách biệt về mọi mặt cho nông dân ở các vùng này. Ba là, tiếp tục phát động mạnh hơn nữa phong trào toàn dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh. Phong trào này trong những năm qua đã tỏ ra rất có hiệu quả được đông đảo nhân dân mà nhất là nông dân đồng tình hưởng ứng. Cơ bản là vì qua phong trào này đã đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân. Hiện nay, xây dựng giao thông nông thôn cần hướng vào các việc sau: nhựa hoá, bê tông hoá các tuyến đường liên xã, liên ấp; xoá cầu khỉ thay bằng cầu bê tông và cầu thép không gian. Đây là phong trào của nhân dân nên địa phương có thể huy động sức dân là chính. Trước đây khi thực hiện phong trào này, Bến Tre đã áp dụng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với tỷ lệ góp vốn 50/50. Khi phong trào đã phát triển khá mạnh, tạo được sự hưởng ứng đồng tình trong nhân dân thì cần chuyển sang phương thức mới “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” với tỷ lệ góp vốn 80/20 và sắp tới khi phong trào này phát triển tốt hơn nữa thì sẽ chuyển sang phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước thưởng” tức là nhân dân chủ động đứng ra huy động vốn, tổ chức thi công, tự giám sát. Đến lúc công trình hoàn thành Nhà nước thưởng 10% giá trị công trình. Đây là hướng đi hay, bởi lẽ nhân dân tự đứng ra làm thì chất lượng công trình sẽ tốt hơn. Thực hiện tốt điều này càng chứng tỏ Đảng đã phát huy được vai trò của nhân dân nói chung, nông dân nói riêng trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thứ ba, về vấn đề cấp nước sinh hoạt nông thôn và vệ sinh môi trường: Mục đích của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của dân cư nông thôn, trong đó vấn đề cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường ở nông thôn phải được quan tâm nhiều hơn, phải thật sự được xem là chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với Bến Tre là tỉnh có nhiều sông rạch, bốn bề sông nước, nhưng một nghịch lý đang tồn tại hiện nay ở Bến Tre là tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch trong sinh hoạt khá thấp, tính đến cuối năm 2004 là 33% [46, tr.6]. Trong khi đó, nguồn nước ở các sông, rạch, ao, hồ ngày càng bị ô nhiễm do người dân vẫn còn thói quen xả chất thải trực tiếp trên sông rạch, do dư lượng thuốc trừ sâu. Để giảm thiểu các bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra, nâng tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt thì việc triển khai xây dựng các cơ sở cấp nước sinh hoạt cho địa bàn nông thôn là rất cần thiết. Xây dựng các cơ sở này cần đầu tư đa dạng cho phù hợp với điều kiện từng vùng từ tỉnh đến huyện, xã, xóm, ấp và nhà dân như nhà máy nước, trạm cấp nước, hệ nối mạng, giếng khoan, bể chứa, lu hũ. Để cho việc đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường được thực hiện tốt, theo tác giả, ngoài nguồn vốn của địa phương, tỉnh cần tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, của Trung ương và đặc biệt là nên xã hội hoá trong việc cung cấp nước sinh hoạt ở nông thôn như khuyến khích tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch, từng bước xây dựng hệ thống xử lý rác thải ở các thị trấn, thị tứ. Song song đó, chính quyền cơ sở thông qua hoạt động của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ăn sạch, ở sạch, xây dựng các hố xí hợp vệ sinh, hướng tới một môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. kết luận Bến Tre là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trải qua cả một quá trình lâu dài, qua bao biến thiên của lịch sử, vùng đất ba dải cù lao xanh thẳm vườn dừa luôn khắc sâu, in đậm công lao của những con người - nông dân Bến Tre. Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, nông dân Bến Tre cũng luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu trong các phong trào cách mạng. Từ buổi đầu khai hoang, lập ấp nơi hoang vu rừng thiêng nước độc, qua bao khó khăn, gian khổ đã tạo dựng nên một vùng đất trù phú, đó là do bàn tay của nông dân làm nên. Trong đấu tranh cách mạng và nhất là trong cuộc chống Mỹ cứu nước, gần như tay không nổi lên Đồng khởi, chuyển ngoặt tình hình, đấu tranh chính trị bằng “Đội quân tóc dài” độc nhất vô nhị xưa nay với sự hy sinh to lớn 35.000 liệt sĩ, 21.000 thương binh, 2.067 Mẹ Việt Nam anh hùng. Đau thương và anh hùng, ngang nhau. Công lao vĩ đại đó cũng thuộc về nông dân. Ngày nay, với truyền thống cách mạng, lại một lần nữa nông dân Bến Tre tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của mình là lực lượng cơ bản, chủ yếu trong phong trào “Đồng khởi mới” tiến công vào mặt trận phát triển KT-XH nhất là đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Vai trò to lớn của nông dân Bến Tre được thể hiện tập trung trên các mặt sau: Thứ nhất, nông dân Bến Tre là lực lượng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc biến các Nghị quyết, chủ trương của Đảng về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thành hiện thực đi vào cuộc sống. Thứ hai, nông dân Bến Tre với tính cách là nguồn nhân lực cơ bản nhất trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn luôn khẳng định vai trò của mình ở chỗ là người trực tiếp tiếp thu, ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; luôn gắn bó chặt chẽ, là bạn đồng hành với nhà khoa học vì sự nghiệp chung phát triển CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thứ ba, vai trò của nông dân Bến Tre còn được thể hiện ở chỗ nông dân là người gắn bó với đất đai, với nông nghiệp. Nên không ai khác hơn chính nông dân là người có kinh nghiệm trong khai thác và sử dụng tiềm năng đất đai một cách hợp lý, hữu ích nhất. Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn chỉ có thể thành công khi vai trò của nông dân được khơi dậy và phát huy đúng mức. Nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua Đảng bộ Bến Tre đã có những chủ trương,chính sách đúng đắn và kịp thời; qua đó phát huy được tính tích cực, năng động, sáng tạo của nông dân góp phần đưa sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng cũng chính trong quá trình thực hiện sự nghiệp này đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi nông dân phải đáp ứng trong một nền kinh tế nông nghiệp hàng hoá đó là sự cần thiết phải thay đổi trong nhận thức và tập quán sản xuất, là trình độ tri thức phải được nâng lên,... Hơn nữa, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường tất yếu buộc nông dân phải đối mặt với những thách thức không dễ gì tránh khỏi đó là hiện trạng nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; hiện tượng phân hoá giàu nghèo, chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong nông dân; là vấn đề lao động việc làm; là tình trạng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội như cơn đại dịch đang từng ngày từng giờ xâm hại đến làng quê nông thôn vốn rất thanh bình và giàu nét văn hoá. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn không có mục đích tự thân. Thực hiện sự nghiệp này là nhằm góp phần phát triển KT-XH và nhất là phải đem lại những lợi ích thiết thực cho nông dân. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải do nông dân và vì nông dân. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình này, hơn ai hết chính bản thân nông dân Bến Tre phải nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua những rào cản tâm lý, tập quán cũ kỹ và lạc hậu, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, không ngừng tự bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Điều quan trọng hơn, để phát huy được vai trò to lớn của nông dân đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ hướng về địa bàn nông thôn, lấy nông dân làm đối tượng cần được quan tâm, chia sẻ. Hơn lúc nào hết, tinh thần quyết tâm làm cho đời sống của nông dân Bến Tre ngày càng được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, nông thôn Bến Tre ngày càng văn minh tiến bộ phải được thể hiện bằng những chương trình hành động, bằng những việc làm cụ thể. Trong đó không ngừng nâng cao trình độ dân trí, phát triển GD - ĐT, hướng nghiệp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân là giải pháp căn bản làm nền tảng cho việc phát huy vai trò của nông dân. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn một cách hợp lý theo hướng CNH, HĐH; việc phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn; việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân cũng như những hoạt động hỗ trợ nông dân trong suốt quá trình lao động sản xuất cũng đều là những giải pháp rất cần thiết và quan trọng. Mỗi giải pháp đều có ý nghĩa, vị trí và sức tác động khác nhau đến việc phát huy vai trò của nông dân Bến Tre. ở đây, theo tác giả, Bến Tre nên tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng KT- XH. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ là cú hích quan trọng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân Bến Tre nói chung, trong đó có nông dân. Đây cũng là mơ ước ngàn đời của nhân dân Bến Tre. Vì vậy, đây là giải pháp, đồng thời cũng là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên quan tâm, coi trọng. Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre đang trên đà tăng tốc về đích. Thành công của sự nghiệp này có phần đóng góp to lớn của nông dân. Lịch sử đã cho thấy, trong mọi trường hợp biết dựa vào nông dân, biết phát huy và phát huy có hiệu quả sức mạnh của nông dân là chìa khoá của mọi thành công. Là chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình này, hơn lúc nào hết, nông dân Bến Tre với truyền thống cách mạng vốn có hãy tăng cường "Đoàn kết - Thi đua - Sáng tạo" xây dựng nông thôn Bến Tre ngày càng giàu đẹp. Danh mục tài liệu tham khảo 1. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2002), Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2. Hoàng Chí Bảo (1993), "ảnh hưởng của văn hóa đối với việc phát huy nguồn lực con người", Triết học, (1), tr.14 - 15. 3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (1996), Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cách mạng công nghệ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Thế Nghĩa, Đặng Hữu Toàn (chủ biên) (2002), Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam. Lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 5. Cục Thống kê Bến Tre (2005), Niên giám thống kê 2004. 6. Cục Thống kê Bến Tre (2004), Kết quả điều tra kinh tế trang trại năm 2004. 7. Lê Duẩn (1985), Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội. 8. Đặng Thị Phương Duyên (2001), Phát huy vai trò của nông dân Thái Bình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, Luận văn thạc sĩ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 9. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội. 10. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. 11. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Dự thảo các văn kiện trình Đại hội X của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương). 15. Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Bến Tre (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VI. 16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Bến Tre (2000), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VII. 17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Bến Tre (2002), Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15 - NQ/TW (Hội nghị Trung ương năm khóa IX) về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. 18. Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Bến Tre (2003), Báo cáo kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ (8/2003). 19. Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Bến Tre (2004), Kết luận Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 18 (khóa VII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ (khóa VI). "Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre 1996-2000-2010". 20. Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Bến Tre (2005), Đề cương tóm tắt Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2006 - 2010). 21. Ngô Đình Giao (chủ biên) (1996), Suy nghĩ về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta (một số vấn đề lý luận và thực tiễn), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 22. Phạm Minh Hạc (chủ biên) (1996), Vấn đề con người trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 23. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2004), Tâm lý xã hội trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 24. Hội Khoa học kinh tế Việt Nam. Ban Đào tạo và phổ biến kiến thức (1998), Tài liệu tập huấn phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, (tập I, II), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 25. Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Bến Tre (2003), Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ V tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VI (2003 - 2008). 26. Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Bến Tre (2004), Bản tin nông thôn Bến Tre, (số đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu tỉnh Bến Tre lần thứ VI thành công tốt đẹp). 27. Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Bến Tre (2004), Bản tin nông thôn Bến Tre, số 04. 28. Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Bến Tre (2005), Kỷ yếu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Bến Tre lần thứ III năm 2004. 29. Bùi Thị Thanh Hương (2000), Đặc điểm và xu hướng biến đổi giai cấp nông dân nước ta trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 30. Nguyễn Đình Hương (chủ biên) (1999), Sản xuất và đời sống của các hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất ở đồng bằng sông Cửu Long. Thực trạng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 31. Nguyễn Đức Hướng (1991), Sự chuyển hướng của giai cấp nông dân trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 32. C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 33. C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 34. C.Mác - Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 35. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 36. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 37. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 38. Đỗ Mười (1997), Về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 39. Thạch Phương - Đoàn Tứ (chủ biên) (2001), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 40. Nguyễn Văn Sáu, Trần Xuân Sầm, Lê Doãn Tá (đồng chủ biên), (2002), Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân trong thời kỳ đổi mới đất nước. Vấn đề và kinh nghiệm, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội. 41. Phan Xuân Sơn (chủ biên), (2002), Các đoàn thể nhân dân với việc bảo đảm dân chủ ở cơ sở hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 42. Đàm Văn Thọ - Vũ Hùng (1997), Mối quan hệ giữa Đảng và dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 43. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Viện Kinh tế học, Đỗ Hoài Nam (chủ biên) (2003), Một số vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 44. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Sở Khoa học và Công nghệ (2003), Kỷ yếu hoạt động khoa học và công nghệ, tập 1, tập 2. 45. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre (2004), Niên giám Bến Tre 2001 - 2003, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 46. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre (2004), Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 và phương hướng nhiệm vụ năm 2005. 47. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre (2005), Báo cáo tổng kết chương trình nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề - giải quyết việc làm và chăm sóc sức khỏe nhân dân - giai đoạn 2001 - 2005. 48. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre (2005), Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII tỉnh Đảng bộ về giáo dục - đào tạo. 49. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Thanh tra tỉnh (2005), Báo cáo tình hình tiếp dân, nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân (từ năm 1999 đến ngày 30/12/2004). 50. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Thanh tra tỉnh (2005), Báo cáo tình hình tiếp dân, nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân (từ năm 1999 đến 30/12/2004). 51. Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ. Trung tâm hỗ trợ khoa học và công nghệ phát triển nông thôn (1997), Vấn đề phát triển công nghiệp nông thôn ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 52. Viện Nghiên cứu con người, Hỗ Sĩ Quý (chủ biên) (2003), Con người và phát triển con người trong quan niệm của C.Mác - Ph.Ăngghen, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 53. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ban Nghiên cứu chính sách phát triển nông thôn, Chu Tiến Quang (chủ biên) (2005), Huy động và sử dụng các nguồn lực trong phát triển kinh tế nông thôn. Thực trạng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Phát huy vai trò của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre hiện nay.pdf
Luận văn liên quan