Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình cũng là vẻ đẹp riêng của thơ tình yêu Xuân Quỳnh. Nó tạo nên cái da diết, lắng sâu ám ảnh lòng người: Em sẽ kể anh nghe/ Chuyện con thuyền và biển (Thuyền và biển); Thôi đừng buồn nữa anh/ Trang thơ còn viết dở/ Tách nước nóng trên bàn/ và lòng em mong nhớ (Anh). Làm nên cái chất giọng tâm tình, thủ thỉ ấy trong thơ Xuân Quỳnh chính là lối hát ru. Tiếng ru của chị bắt nguồn từ truyền thống hát ru ngàn đời của dân tộc. Nó dịu dàng, tha thiết, lắng đọng tình yêu thương con vô bờ bến của một người mẹ. không chỉ hát ru con , Xuân Quỳnh còn hát ru chồng, hát ru người đàn ông của đời mình bằng tiếng hát của một tâm hồn say mê, sôi nổi, bạo dạn và rất chủ động trong tình yêu: Ngủ đi, người của em yêu (Hát ru); Ngủ đi anh! Cứ ngủ/ Đã có em thức canh/ Cho đẹp giấc mơ anh (Ru); Khuya rồi anh hãy ngủ đi/ Để em trở dậy em che bớt đèn (Hát ru chồng những đêm khó ngủ). Người phụ nữ nhân hậu, bản lĩnh ấy đã luôn cố “nén lại tiếng thở dài, vất vả và gian truân để làm dịu lòng người thân, bè bạn bằng tiếng hát ru trong suốt cuộc đời mình”( Mã Giang Lân, 1989, Nhớ XQ, nhớ một giọng thơ in trong Thơ XQ, Nxb tác phẩm mới – Hội nhà văn VN, tr157). Để rồi “Cảm hứng tiếng ru không bao giờ thiếu vắng trong các tập thơ của chị, là hình thức và phương tiện thơ ca thích hợp để biểu hiện cái phần sâu lắng và đằm thắm của hồn thơ Xuân Quỳnh ” (Vũ Kim Xuyến, tiếng hát ru trong thơ Xuân Quỳnh, tr304).
107 trang |
Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 3186 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thơ tình của Xuân Quỳnh từ góc nhìn văn hoá, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thế nào cũng sẽ bị méo mó nếu điều muốn nói được thể hiện trong một hình thức không phù hợp. Để diễn tả sự phong phú, mãnh liệt trong tâm hồn người con gái khi yêu, Xuân Quỳnh đã rất thành công khi lựa chọn hình thức tự truyện cho sáng tác thơ tình yêu của mình.
Theo Từ điển văn học do tác giả Đỗ Đức Hiểu chủ biên, Nxb Thế Giới, 2004: Tự truyện (Tiếng Pháp: Autobiographie). Một thể loại văn học trong đó tác giả kể chuyện về cuộc đời mình. Nhân vật chính của chuyện chính là tác giả. Tự truyện ở phương Tây đặc biệt phát triển với sự phát triển của nội quan (Tiếng Pháp: introspection), con người quan sát lương tâm mình. Tự truyện thường là những câu chuyện viết bằng văn xuôi, kể lại dĩ vãng của chính tác giả. Người kể chuyện trùng với tác giả và với nhân vật chính. Tự truyện khác với nhật kí: nhật kí ghi những sự việc hiện tại, từng ngày một, còn tự truyện kể về quá khứ, với con mắt nội quan.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), NXBGD VN, 2011: Tự truyện (Tiếng Anh: autobiography) là tác phẩm văn học thuộc loại tự sự do tác giả tự viết về cuộc đời mình. Tự truyện yêu cầu nhà văn tái hiện đoạn đời đã qua của mình trong tính toàn vẹn, cụ thể - cảm tính, phù hợp với một lí tưởng xã hội – thẩm mỹ nhất định. Nếu tự thuật là sự thông báo về quá khứ thì tự truyện lại là tác phẩm nghệ thuật làm cho quá khứ tái sinh. Nhà văn viết tự truyện như được sống lại một lần nữa đoạn đời đã qua của mình. Tự thuật đòi hỏi người viết phải hết sức tôn trọng tính xác thực của các sự kiện, trong tự truyện, các sự kiện tiểu sử của nhà văn chỉ đóng vai trò cơ sở của sáng tạo nghệ thuật. Đời tư của nhà văn chỉ là chất liệu hiện thực được tác giả sử dụng với nhiều mục đích nghệ thuật khác nhau.
Như vậy, căn cứ vào những tri thức về tự truyện từ hai cuốn từ điển trên có thể khẳng định: thơ tình yêu của Xuân Quỳnh là những sáng tác có tính tự truyện hay mang khuynh hướng tự truyện. Sự độc đáo này của thơ Xuân Quỳnh được thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung và hình thức nghệ thuật.
Về phương diện nội dung, tính tự truyện của thơ tình Xuân Quỳnh biểu hiện ở đặc điểm: Cái Tôi trữ tình đồng nhất với tác giả, chị gần như trở thành nhân vật của chính thơ mình. Chị trực tiếp viết về câu chuyện tình yêu cũng như hành trình tạo dựng và gìn giữ hạnh phúc của bản thân. Cuộc đời chị trở thành chất liệu cho thơ, vì vậy nó hiện lên sinh động, chân thực dưới từng nét bút. Mỗi trang thơ như mỗi trang đời còn phập phồng hơi thở cuộc sống, chứa đựng những vui buồn, hằn in kí ức tình yêu của chính người cầm bút. Đặt thơ tình của Xuân Quỳnh trong bối cảnh thơ ca trước và cùng thời với chị, chúng ta mới thấy hết bản lĩnh nghệ thuật của một nữ tác giả cũng đầy bản lĩnh sống, dám nghĩ, dám làm, dám khẳng định mình trên một lĩnh vực nghệ thuật mà sở trường và sức mạnh vẫn thuộc về những cây bút nam. Chị đã mở cách cửa thơ ca cho người phụ nữ bước vào “lãnh địa cấm” – tình yêu đôi lứa trong văn chương chính thống trên cả hai tư cách – chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ. Do đó Xuân Quỳnh không chỉ mới với văn học quá khứ mà chị còn tự vẽ khuôn mặt mình trong thơ hoàn toàn khác biệt với các tác giả nữ cùng thời. Điều này đã được chúng tôi trình bày trong mục 2.4 của chương 2 (Thơ tình Xuân Quỳnh – nhật kí bằng thơ về câu chuyện tình yêu của chính tác giả.)
Về phương diện nghệ thuật, tính tự truyện của thơ tình Xuân Quỳnh thể hiện ở lối xưng hô, ở cách kết cấu tác phẩm và lựa chọn kiểu câu để kí thác tâm trạng của mình. Khảo sát thơ tình yêu của Xuân Quỳnh, chúng tôi nhận thấy tác giả đã lựa chọn hai lối xưng hô là Tôi hoặc Em, thậm chí ở một số bài thơ, chị sử dụng đan xen cả hai lối xưng hô ấy.(Có một thời như thế, Thơ viết tặng anh, Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Sức hấp dẫn cũng như linh hồn của một tác phẩm thơ trước hết thể hiện ở hình tượng cái Tôi trữ tình. Đó “là hình tượng cái tôi, cá nhân cụ thể; cái tôi – tác giả - tiểu sử với những nét rất riêng tư; là loại nhân vật trữ tình đặc biệt khi tác giả miêu tả, kể chuyện, biểu hiện về chính mình” ( lê Lưu Oanh, Cái tôi trữ tình trong thơ – qua một số hình tượng thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990) đồng thời “là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo, mang tính thẩm mỹ nhằm truyền đạt năng lượng tinh thần ấy đến với người đọc”( Vũ Tuấn Anh, Sự vận động của cái tôi trữ tình và tiến trình thơ ca). Như vậy, cái Tôi trữ tình trong thơ tuy không trùng khớp làm một với cái Tôi tác giả ngoài đời bằng xương bằng thịt nhưng nó là sự thể hiện toàn bộ đời sống tinh thần và tư duy sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Và với riêng Xuân Quỳnh – một nữ nhà thơ lấy chuyện đời mình, lấy những trải nghiệm buồn vui trên hành trình số phận mình làm chất liệu sáng tác thì khi đó, nhân vật trữ tình trong thơ thường đồng nhất với tác giả:
Nên vui buồn mà em vẫn có
Bao nhọc nhằn em đã từng qua
Chỉ bạn bè em biết và thơ
Em đã viết những điều em đã sống
(Chị )
Với quan niệm làm thơ là một hành động tự thể hiện và khẳng định mình, hơn một phần tư thế kỉ lao động nghệ thuật, Xuân Quỳnh thực sự “đã viết” từ những gì chị “đã sống”. Phải chăng, sự tự ý thức sâu sắc về cái Tôi cá nhân, khát vọng muốn được sống là mình, sống trọn vẹn và đi đến tận cùng của bản thể là nguyên nhân tạo nên khuynh hướng tự truyện trong thơ chị nói chung và thơ tình yêu của chị nói riêng. Bởi vậy, trong thơ Xuân Quỳnh, chúng ta thường xuyên thấy chị xuất hiện trực tiếp qua đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất – tôi (trong đối thoại, giao tiếp với đối tượng cùng giới hoặc cùng thế hệ để thể hiện cá tính, bản lĩnh của riêng mình) hoặc qua cách xưng em vừa dịu dàng, đằm thắm, lại vừa mạnh mẽ, bạo dạn (trong đối thoại, giao tiếp với người yêu nhằm thổ lộ, giãi bày khát vọng yêu và được yêu).
Các cô gái cùng thời với tôi
Tôi giống các cô và lại khác các cô
Trán tôi dô ra bướng bỉnh hơn, bàn tay thô lại còn vụng nữa
Vụng đến nỗi không chỉ mó tới đâu là đổ vỡ
Mà khi nói chuyện với ai, tôi thấy tay thừa không biết giấu vào đâu.
Như các cô tôi có một tình yêu rất sâu
Rất dữ dội nhưng không bao giờ yêu hết được
Ở các cô, các cô âm thầm chịu đựng
Cho đến ngày tình yêu ấy tắt đi
Còn ở tôi, tôi mang nó nặng nề
Muốn nguôi quên, nó lại ngày càng lớn
Luôn xao động, tôi không sao ngủ được.
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Cùng với đại từ xưng hô Tôi là kiểu câu kể - câu trần thuật đã tạo nên dấu ấn tự truyện trong sáng tác của Xuân Quỳnh. Có lẽ chưa bao giờ trong thơ Việt Nam trước Xuân Quỳnh xuất hiện một nữ tác giả đủ bản lĩnh tự họa bức chân dung của mình trong thơ. Hơn nữa lại tự tin nói to cho người khác thấy những nét chưa hoàn thiện của nhan sắc (điều mà bất cứ người con gái nào cũng muốn kín đáo giấu che) với trán dô, bàn tay chai sần thô vụng. Thậm chí, nó trở đi trở lại nhiêu lần trong thơ chị, khi thì như một mặc cảm của tuổi thơ bất hạnh, thiếu thốn tình yêu thương và sự chở che của mẹ:
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
(Bàn tay em)
Khi thì như một ánh ảnh của số phận gắn với những bất an, những âu lo, dự cảm về chia li, đổ vỡ của tình yêu và hạnh phúc:
Đọc bài thơ yêu em thấy sự chia xa
Và bỗng nhiên em lại bơ vơ
Tay vẫn vụng, trán dô ra như trước
Biết bao giờ em trở nên tốt được
Vì khi già tay còn vụng về hơn!
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Khuynh hướng tự truyện hướng về vùng hiện thực có tính đặc thù, đó là hiện thực trong tâm hồn người hơn là hiện thực sự kiện. Vì vậy trong thơ mình, Xuân Quỳnh đã tự vẽ nên một khuôn mặt tinh thần không chỉ khác với những người đi trước mà còn lạ với cả những thi sĩ cùng thời. Khuôn mặt đó là cả một thế giới tâm hồn phong phú, đam mê sống, đam mê yêu và khát khao mãnh liệt được đi đến tận cùng mọi khát vọng và trải nghiệm đến cùng mọi cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Vậy nên, cô gái nào đó có thể lặng lẽ chờ mong tình yêu đến hay âm thầm chịu đựng sức thiêu đốt của khát vọng yêu đương cho đến một ngày nó nguội tắt: “Em là con chim khuyên/ nép mình trên cỏ rối/ mà tiếng hót đã ở lại trong bài ca của anh/ Em là que diêm/ nằm lặng/ trong chiếc gạt tàn bằng sứ/ mà ngọn lửa đã cháy sáng nơi đầu ngón tay anh”(Trong ánh chớp số phận – Ý Nhi) thì Xuân Quỳnh lại luôn “mang nó nặng nề”, khi thì táo bạo bộc lộ tình yêu với đối phương:
Em yêu anh, yêu anh như điên
Em viết những bài thơ tình yêu tưởng anh là ý tứ
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Khi thì sẵn sàng chủ động tìm kiếm tình yêu dẫu có phải vượt qua “Núi cao biển rộng sông dài”, “đi đến tận cùng xứ sở”, nếm trải “ngàn lần cay đắng”. Khi lại thao thức không yên khiến con tim yêu bật thốt thành câu hỏi: “Yêu em nhiều không anh?”. Cứ thế, khát vọng và âu lo, tin tưởng với hoài nghi, hi vọng và thất vọng, hạnh phúc và đau khổcứ đồng thời hiện diện vừa như một quy luật phổ quát của đời sống tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, lần đầu tiên được khám phá và phơi mở dưới ngòi bút Xuân Quỳnh. Lại vừa như một sự trả giá cho niềm đam mê sống, đam mê yêu mãnh liệt hơn người và khác người ở nữ sĩ. Và cứ thế, mỗi bài thơ của chị chào đời trong cả niềm vui và nỗi buồn, hân hoan và thất vọng “và nếu chắp các bài thơ đó lại, người ta có thể có cả cuộc đời Quỳnh” (Vương Trí Nhàn, cuộc đời để lại, tr189).
Biểu hiện khác của khuynh hướng tự truyện trong thơ tình yêu Xuân Quỳnh là sự lựa chọn điểm nhìn của người trong cuộc và kiểu câu đối thoại, liệt kê để kí thác những thông điệp tình yêu của mình. Phương thức nghệ thuật này khiến Xuân Quỳnh trực tiếp trở thành “người kể chuyện” trong nhiều bài thơ tình của mình mà chị lại là nhân vật của những câu chuyện tình yêu “ không bao giờ hết chuyện” ấy:
- Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:
“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố”
(Thuyền và biển)
- Em sẽ kể anh nghe về chuyện cỏ
Em sẽ kể anh nghe về ngọn gió
Trên đỉnh cao thành bão những đêm hè
Em kể về những miền đất em đi
Những cửa biển thơ anh thường hướng tới
Những rừng hoa thơ anh từng đến hái
Trái bàng vàng rụng vội con đường quen
(Không đề II).
Đồng thời, nó giúp người phụ nữ trong chị thỏa mãn niềm thích thú được nói về mình, khát vọng được tự do phô bày bản thể, nhu cầu được sẻ chia và hơn hết, để chị được sống là mình với tất cả những gì mà một người phụ nữ cần có, nên có và muốn có. Điều mà trước đây, người phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ dám lên tiếng vì chưa bao giờ được xã hội nhìn nhận và trân trọng. Trên ý nghĩa đó, thơ tình của Xuân Quỳnh có thể coi như một sự đối thoại với văn học quá khứ về vấn đề nhân bản của con người, mang đến cho người phụ nữ một “tấm vé” để bước vào cánh cửa của thời đại sau.
3.2. Các biểu tượng tình yêu trong thơ tình Xuân Quỳnh.
3.2.1. Khái niệm biểu tượng.
Biểu tượng được hiểu là “khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt.Theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời” (Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Nxb GDVN, 2011, tr23,24).
Như vậy, là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ và hoán dụ. Nó cũng được hình thành trên cơ sở đối chiếu, so sánh các hiện tượng, đối tượng có những phương diện, khía cạnh, những đặc điểm gần gũi, tương đồng, nhằm làm nổi bật bản chất, tạo ra một ý niệm cụ thể, sáng tỏ về hiện tượng hay đối tượng đó. Tuy nhiên, biểu tượng không phải bao giờ cũng là những ẩn dụ, hoán dụ, nó không loại bỏ ý nghĩa cụ thể, cảm tính của vật tượng trưng hoặc của hình tượng nghệ thuật. Ý nghĩa biểu tượng tồn tại cả ở ngoài văn bản mà chúng ta đang tiếp xúc bởi vì quá trình tạo nghĩa của mỗi biểu tượng thường có lịch sử lâu đời và ý nghĩa của biểu tượng cũng không ngừng được bổ sung theo thời gian.
Là hiện tượng lịch sử, biểu tượng chịu sự chi phối của ngôn ngữ, tâm lí, quan niệm của dân tộc và thời đại. Đồng thời, trong văn học cũng có rất nhiều biểu tượng in dậm dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Loại biểu tượng này thường chứa đựng nhiều ý tứ kín đáo, thâm trầm.
Đối với thơ ca, biểu tượng là yếu tố thẩm mỹ quan trọng, là phương tiện để nhà thơ thể hiện cảm xúc, tư tưởng cũng như tài năng nghệ thuật của mình. Đồng thời, việc giải mã các biểu tượng sẽ giúp người đọc thâm nhập được những tầng ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, chiếm lĩnh trọn vẹn mọi thông điệp mà nhà thơ kí thác. Thậm chí trong quá trình tiếp nhận, từ việc cắt nghĩa, lí giải các biểu tượng, người đọc có thể rút ra được những điều vượt xa cả chủ ý sáng tạo của nhà thơ.
Những tri thức khái lược trên về biểu tượng và biểu tượng trong thơ là cơ sở khoa học để chúng tôi tìm hiểu các biểu tượng trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh. Kết quả khảo sát cho thấy thơ tình Xuân Quỳnh có cả một hệ thống biểu tượng vô cùng đa dạng và phong phú, tạo nên sức hấp dẫn riêng của mảng sáng tác mà chị đã trút vào đó gần như toàn bộ tâm huyết của mình. Tuy nhiên, trong khả năng và thời gian có hạn, chúng tôi chỉ tiến hành tìm hiểu những biểu tượng xuất hiện với tỉ lệ cao và có ý nghĩa tạo nên bản sắc riêng của hồn thơ Xuân Quỳnh cũng như nét khác biệt của chị so với các cây bút khác ở đề tài tình yêu.
3.2.2 Các biểu tượng tình yêu trong thơ tình Xuân Quỳnh.
3.2.2.1. Cặp hình ảnh: Thuyền/ biển, sóng/ bờ - Biểu tượng của khát vọng tình yêu.
Thơ ca muôn đời vẫn tìm đến thiên nhiên để bật lên tiếng đàn nghệ thuật mang thanh âm trong trẻo, cao khiết của cuộc sống. Với tài năng thiên bẩm cùng tấm lòng và ý thức trách nhiệm của một người nghệ sĩ chân chính, Xuân Quỳnh đã rất chú trọng đến việc sáng tạo biểu tượng trong thơ. Tuy nhiên, người nghệ sĩ ấy cũng không qúa cầu kì để khoác lên thơ mình tấm áo hình thức kiểu cách. Với quan niệm “cái hay bao giờ cũng mới” nên trau chuốt nghệ thuật thơ không phải là mục đích hay thói quen của chị trong sáng tạo. Bởi vậy, những biểu tượng mà chị lựa chọn, tạo dựng trong thơ mình cũng mang vẻ đẹp bình dị của cuộc sống đời thường nhưng đó là cái bình dị đã được chắt lọc, chưng cất qua tâm hồn của một người phụ nữ thông minh, sắc sảo và vô cùng tinh tế, nhạy cảm. Do đó, bước vào thế giới nghệ thuật của thơ chị, chúng bỗng mang một vóc dáng mới, một sức sống mới đầy cuốn hút.
Bất cứ người nghệ sĩ nào tìm đến thơ cũng là để giải tỏa những ẩn ức , những chất chứa sục sôi dâng lên trong lòng, “không nói ra không chịu được” (Tố Hữu). Là một người phụ nữ mạnh mẽ, mang trong mình một trái tim luôn cuồng nhiệt trong khát vọng yêu và được yêu, Xuân Quỳnh cũng không đứng ngoài quy luật sáng tạo đó. Chị cầm bút viết như một sự trải lòng và tiếng lòng rạo rực yêu đương trong chị đã tìm được một hình thức biểu đạt của riêng mình. Nó đã chọn sự kí thác vào các cặp hình ảnh thuyền và biển, sóng và bờ. Đây là những biểu tượng thơ xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác về đề tài tình yêu của Xuân Quỳnh. Chúng không chỉ mang chở những thông điệp tình yêu mà còn thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của một nữ tác giả trong một địa hạt thơ vốn được coi là “mảnh đất dụng võ”chỉ của các cây bút nam. Hãy nghe sự “lên tiếng” của sóng, biển, thuyền, bờ trong thơ chị:
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)
(Thuyền và biển)
Trước đại dương bao la ẩn chứa muôn vàn bí ẩn, con người thường không giữ được sự yên định trong lòng. Người thì suy ngẫm về lẽ sinh tử, còn mất của cuộc đời. Ai đó thì chạnh lòng trước quy luật “Thương hải vi tang điền”còn Xuân Quỳnh, cô gái trẻ lại rạo rực trong lòng những khát vọng yêu đương. Các hình ảnh thuyền, biển, bến bờ từ xưa đã đi vào văn học và trở thành những biểu tượng quen thuộc về tình yêu nam nữ. Dân gian vẫn hát lên những câu ca đằm thắm yêu thương : “Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh/ Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”; vẫn còn đó lời nhắn nhủ: “Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Những chàng trai, cô gái thời hiện đại đều say lòng trước tiếng thơ cháy bỏng khát vọng tình yêu của ông hoàng thơ tình – Xuân Diệu: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không hết” (Biển – Xuân Diệu). Trong quan niệm văn hóa của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, hình ảnh cái bến tĩnh tại, cố định, bất động thường được ví với tình cảm thủy chung của người con gái trong tình yêu. Con thuyền với đặc tính luôn vận động nay đây mai đó giống với sự bất thường, dễ thay đổi trong tình cảm của người con trai. Hình ảnh biển khơi, đại dương cũng đi vào tiềm thức văn hóa người Việt như một biểu tượng cho sức mạnh, sự lớn lao, hùng vĩ, bất diệt vẫn được ví với phái mạnh. Từ văn hóa bước vào văn học, các hình ảnh trên đã trở thành một mô típ đầy tính ước lệ. Trong tình yêu, cứ nói đến thuyền, biển, sóng, bất cứ ai cũng liên tưởng tới tình cảm của người con trai. Riêng với Xuân Quỳnh, chị đã cấp cho các hình ảnh biểu tượng kia một ý nghĩa khác, một đời sống khác. Sóng và biển đi vào thơ chị trở thành biểu tượng cho tâm hồn, khát vọng cũng như những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu. Bến bờ lại là hình ảnh ẩn dụ cho người con trai:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Sóng)
Đặt lòng mình trên từng con sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả và khám phá đến tận cùng mọi cung bậc cảm xúc của tình yêu. Chị đã lấy đặc tính muôn thuở của sóng trong quan hệ với bờ để diễn tả nỗi nhớ sâu sắc và lòng thủy chung vô hạn của trái tim người phụ nữ đang rạo rực yêu thương. Lấy sự vĩnh hằng của tự nhiên để biểu đạt quy luật tất yếu của tình cảm con người khiến những tiếng thơ của chị tuy giản dị mà vẫn đủ sức mê hoặc lòng người. Sóng mãi tồn tại bất diệt nơi biển khơi đi vào thơ chị đã trở thành biểu tượng bất diệt của tình yêu người con gái.
Bằng sự tinh tế, sắc sảo của một người phụ nữ, bằng sự táo bạo của một nhà thơ đầy bản lĩnh, Xuân Quỳnh đã tạo một cuộc hoán đổi vị trí ngoạn mục trong thơ, đưa người phụ nữ lên ngôi trong vương quốc của tình yêu. Không còn bị động, rụt rè; không còn an phận, cam chịu; không còn âm thầm lặng lẽ, người phụ nữ hiện đại sẵn sàng chủ động tìm kiếm tình yêu, vượt lên mọi ràng buộc, định kiến của đời để tự tin, công khai bày tỏ những khát vọng yêu đương mãnh liệt. Họ dám sống hết mình và dâng hiến quên mình cho tình yêu. Đây là một khám phá về nữ tính của Xuân Quỳnh. Những thông điệp giàu tính nhân văn trên được biểu đạt bằng các hình ảnh biểu tượng thuyền, sóng, biển – một sự kí thác chỉ có ở Xuân Quỳnh. Cách thể hiện nữ tính có chất hiện đại phi truyền thống này ngay cả các tác giả cùng thời với chị cũng chưa ai có được. Như vậy, có thể nói việc sử dụng các hình ảnh biểu tượng trên là một sáng tạo có tính đột phá, tính “cách mạng” của Xuân Quỳnh đối với văn học truyền thống ở đề tài tình yêu nam nữ. Chị đã làm mới những thi liệu đã cũ, đã thổi vào những biểu tượng có ý nghĩa truyền thống một linh hồn mới, một sức sống mới bằng chính sức sống khỏe khoắn, cứng cỏi của tâm hồn người phụ nữ hiện đại.
Trái tim, bàn tay – biểu tượng của yêu thương và hạnh phúc.
Nếu đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn thì trái tim được coi là biểu tượng cho thế giới tâm hồn ấy - một thế giới đầy phức tạp và bí ẩn của con người mà không ai có thể biết được “chiều sâu và bến bờ của nó”. Văn học Đông, Tây, kim cổ đều viết về hình ảnh trái tim như một đối tượng khám phá và cũng là biểu tượng đẹp nhất của đời sống tinh thần con người. Riêng trong lĩnh vực thơ tình, có lẽ chưa có một thi sĩ tình yêu nào lại chưa từng viết về hình ảnh trái tim. Trong thơ Xuân Quỳnh, hình ảnh này trở đi trở lại nhiều lần như một biểu tượng của niềm khát khao hạnh phúc, khát khao dâng hiến và chở che, hi sinh cho người mình yêu – một phẩm chất dường như vừa là bản năng, vừa là thiên bẩm của giới nữ.
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của tin yêu
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
(Tự hát)
Dưới góc nhìn của khoa học, con người bao gồm hai phương diện quan trọng là Thân (thân thể gắn với đời sống bản năng) và Tâm (tâm lí, cảm xúc, tâm tưtoàn bộ thế giới tâm hồn của con người). Khi nào con người được nhìn nhận, trân trọng và được sống đúng là mình, sống cho mình ở cả hai phương diện trên, khi đó con người mới thật sự được sống một cuộc sống theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày ở chương 1, trong xã hội và văn hóa nam quyền, hàng loạt những quan niệm, quy định cổ hủ, khắc nghiệt của nho giáo về đạo đức, sắc đẹp, tình yêu, tình dụcđối với người phụ nữ đã khiến cho họ bị đối xử bất công, chịu rất nhiều thiệt thòi trong gia đình và ngoài xã hội. Suốt cả một thời gian dài, trải qua biết bao nhiêu thế hệ, người phụ nữ chưa bao giờ được xã hội nhìn nhận và trân trọng ở cả hai phương diện Thân và Tâm. Họ luôn phải khắc chế bản thân cũng như kìm nén, giấu kín trong lòng những tâm tư, cảm xúc của cá nhân mình.Với những xúc cảm trong tình yêu thì lại càng phải câm lặng. Thực trạng này còn hiện diện ở cả những người phụ nữ sống trong xã hội hiện đại. Với riêng Xuân Quỳnh – người phụ nữ giàu bản năng và ý thức phái tính, chị đã xác lập được vị thế cao hơn của người phụ nữ ngày nay so với người phụ nữ xưa. Chị không ngần ngại căng lọc mình trên trang giấy, đặt cả trái tim mình vào giữa trang thơ làm đối tượng để cảm nhận, khám phá, để giãi bày và tìm sự đồng điệu, đồng cảm. “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” – câu thơ được láy lại nhiều lần, vang lên như một điệp khúc diễn tả niềm kiêu hãnh của nữ sĩ khi được sống và đã sống đúng là mình, trở về với bản thể, sống với những gì thật nhất của con tim. Đó là trái tim biết thực hiện đúng chức năng sinh học là duy trì sự sống (bảo vệ phương diện Thân của con người); một trái tim không biết dối lừa, sống đúng nghĩa, sống trọn vẹn và hết lòng cho tình yêu của mình; một trái tim biết khước từ những cám dỗ của giàu sang, hào nhoáng để một lòng vun đắp cho tình yêu, sẵn sàng hi sinh vì tình yêu và người mình yêu. Một trái tim đa cảm, đa mang và rất đỗi đàn bà. Có lẽ chưa bao giờ trong thơ Việt Nam, hình ảnh trái tim người phụ nữ lại hiện lên như một biểu tượng tròn đầy của khát vọng yêu thương đến thế. Để rồi chỉ cần nhận được một chút ít ỏi của yêu thương, hạnh phúc, trái tim ấy cũng rung lên những nhịp đập bồi hồi:
Khi anh nói yêu em, trái tim em đập chừng mạnh quá.
Mạnh đến nỗi em tưởng là nghe rõ
Tiếng tim anh đang đập vì em
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Dịu dàng, kín đáo, bị động, rụt rè không còn là thước đo duy nhất cho vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại. Trong thơ mình, Xuân Quỳnh đã mang đến một khám phá mới về nữ tính cho giới mình, đó là cái đẹp còn thể hiện ở sự tự tin, chủ động, sự mạnh mẽ dám sống là mình với tất cả những nỗi niềm, khao khát của bản thân.
Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim chẳng đập vì anh
(Chỉ có sóng và em)
Hình tượng trái tim trong thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một phương tiện linh diệu nhất để chị trang trải lòng mình và kiếm tìm sự tri âm. Có phải dại khờ không khi mà trái tim ấy chưa lúc nào thanh thản, lúc nào cũng bận bịu với những lo toan, chăm sóc cho người yêu ngay cả khi nó đã mệt nhoài giữa dòng đời nhiều thác lũ:
Trái tim buồn sau lần áo mỏng
Từng đập vì anh vì những trang thơ
Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho mình em đau đớn
Trái tim này chẳng còn có ích
Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè.
(Thời gian trắng)
Trái tim người phụ nữ khi yêu thường bao dung và dũng cảm hơn. Với Xuân Quỳnh, sự bao dung lại càng không giới hạn. Trái tim ấy đã trở thành “chất keo”( Chu văn Sơn) để gắn kết yêu thương và hạnh phúc. Vậy nên lúc nào nó cũng muốn vượt thoát khỏi cái chu vi bé nhỏ của mình để vươn lên rộng lớn mà che chở, sưởi ấm cho người mình yêu dấu. Thậm chí nó còn muốn vượt ra ngoài cái giới hạn của lẽ tử sinh, cái hữu hạn của cuộc đời để được sống mãi trong một tình yêu vĩnh cửu:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
(Tự hát)
Dù đã ngừng đập về mặt sinh học nhưng trái tim yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh vẫn mãi mãi cất lên lời “Tự hát” – khúc tình ca bất tử cho một tình yêu chân chính. Lấy trái tim làm biểu tượng thiêng liêng nhất cho tình yêu và khát khao hạnh phúc, thơ tình Xuân Quỳnh đã chạm đến phần sâu thẳm nhất của trái tim người đọc. Có thể nói, hơn hai mươi năm lao động nghệ thuật, “chị đã đi trên con đường lớn của thơ, con đường đi từ trái tim và ở lại giữa những trái tim người đời. Đó là con đường khó nhất vì không phải hình ảnh, từ ngữ nào cứu được thơ mà chỉ có máu của trái tim, chỉ có bằng những rung cảm nhân bản mới mãi mãi là nguồn gốc của thơ và Xuân Quỳnh đã có được điều quý giá, đáng trân trọng nhất ấy của người nghệ sĩ” (Nguyễn Hòa Bình, Những tình cảm trắc ẩn trong thơ Xuân Quỳnh, sách Xuân Quỳnh tác phẩm và lời bình, Thùy Trang sưu tầm, tuyển chọn, NXB Văn học, 2013, tr241).
Trong thơ Xuân Quỳnh, nếu trái tim thể hiện khát vọng yêu thương và hạnh phúc của cuộc đời người phụ nữ thì bàn tay “sinh ra là để tuân theo ý nguyện của trái tim ấy” (Chu Văn Sơn, cánh chuồn trong giông bão). Nghĩa là nó mang sứ mệnh chở che, chăm sóc, bao bọc tình yêu bằng sức mạnh bản năng của người phụ nữ:
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả
(Bàn tay em)
Đoạn thơ trên có thể coi là một định nghĩa về hạnh phúc của Xuân Quỳnh. Đâu cần mộng tưởng xa xôi, đâu cần giành giật cho máu tứa gai cào, người phụ nữ trong thơ chị cứ tận tụy, cần mẫn chắt chiu, gom nhặt từ niềm vui trong tổ ấm của mình. Hạnh phúc là được chăm sóc, chở che cho người mình yêu bằng chính đôi bàn tay của mình. Giản dị, đời thường thôi nhưng đó là niềm hạnh phúc có thật, nó giúp chị vượt qua những giông tố cuộc đời. Vậy nên chị đã coi đôi bàn tay mặc dù thô vụng, gầy guộc, chai sần của mình như một thứ báu vật để dâng tặng cho người yêu:
Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
(Bàn tay em)
Chăm chút cho người yêu, vun vén giữ gìn tình yêu, đôi bàn tay chị trở thành biểu tượng của sự gắn bó và khát khao dâng hiến. Để rồi, nó trở đi trở lại như một ám ảnh nghệ thuật trong thơ Xuân Quỳnh. Trong tình yêu, thi sĩ này có thể tập trung bút lực miêu tả những cuồng nhiệt hưởng thụ ái tình của tuổi trẻ, thi sĩ kia có thể lấy cảm hứng cho thơ từ một ánh nhìn đắm đuốiriêng Xuân Quỳnh, “chỉ chọn cho mình một cử chỉ tay trong tayđể mà trụ vững trong cõi đời đầy bất trắc” ( Chu văn Sơn, cánh chuồn trong giông bão):
Tay ta nắm lấy tay người
Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua
( Hát ru)
Dưới hai hàng cây
Tay ấm cùng tay
Cùng anh sóng bước
(Chồi biếc)
Đường tít tắp không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
(Bàn tay em)
“Tay trong tay” hay “Vịn bàn tay” đều gói gém trong nó bao ân tình và mong ước thiết tha của người phụ nữ, đó là mong ước được đồng cảm, được sẻ chia, được tiếp sức, được tin tưởng và trên hết để người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh cảm nhận được hơi ấm, sức nóng của tình yêu thương từ người bạn sẽ cùng chị đồng hành trên suốt hành trình của cuộc đời vốn nhiều phong ba, lốc tố. Tuy nhiên, nữ tình nhân trong thơ chị không lặng lẽ đợi chờ một bàn tay trao cho mình sức nóng. Hãy đọc lại những câu thơ: Trong tay anh, tay của em đây/ Tay ta nắm lấy tay người/ Thấy anh về cuống quýt nắm bàn tay/ Tay ấm cùng tay/ Anh chờ em cho em vịn bàn tay, để thấy được người phụ nữ trong thơ chị ở mọi hoàn cảnh luôn chủ động tìm kiếm, nâng niu, bảo vệ và vun đắp cho tình yêu. Đó là cá tính, là bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại và cũng là bản sắc của tiếng thơ tình yêu Xuân Quỳnh không dễ gì tìm thấy ở những cây bút thơ tình khác.
3.3.Thời gian – không gian nghệ thuật.
Không – thời gian nghệ thuật là một phạm trù thuộc về thi pháp tác phẩm. “Là hình thức để con người cảm thụ thế giới và con người. Bởi vì người ta không thể cảm thụ bất cứ cái gì ngoài thời gian và không gian”(Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử - “Về thi pháp thơ Đường”- 1997, NXB Đà Nẵng. trang 6) Như vậy tìm hiểu thời gian, không gian nghệ thuật trong thơ tình của Xuân Quỳnh sẽ giúp chúng ta hiểu được cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn cuộc sống của chị qua lăng kính tình yêu.
3.3.1. Thời gian nghệ thuật
Thời gian vừa là hình thức hiện hữu của con người, vừa là kí hiệu nghệ thuật thuộc về thế giới sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó bộc lộ cái nhìn của nhà thơ trước đời người và người đời. “Tìm hiểu thời gian của một hiện tượng văn học chính là tìm hiểu cách cảm nhận cuộc sống một cách nghệ thuật và thẩm mĩ ở trong đó”( Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử - “Về thi pháp thơ Đường”- 1997, NXB Đà Nẵng. trang 6..)
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”. Bàn về thời gian, giáo sư Trần Đình Sử nhận đinh: “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể chiêm nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều dài thời gian là hiện tại, quá khứ hay tương lai”
Như vậy, thời gian nghệ thuật trong thơ trữ tình là thời gian mang màu sắc chủ quan, gắn với thế giới nội cảm của nhà thơ và chứa thông điệp riêng mà nhà thơ muốn gửi gắm. Bước vào thế giới thơ tình yêu của Xuân Quỳnh, chúng ta dễ nhận thấy cái tôi trữ tình luôn có một cảm thức sâu sắc về sự trôi chảy của thời gian. Vì vậy, thời gian trở đi trở lại trong thơ chị như một ám ảnh nghệ thuật cùng với dự cảm về sự mất mát, hao mòn của tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Để rồi, người phụ nữ trong thơ chị luôn trân trọng từng khoản khắc thời gian: Chi chút thời gian từng phút từng giờ/ Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt/ Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết/ Hôm nay non, mai cỏ sẽ già (Có một thời như thế).
Đặt thời gian sinh mệnh cá thể trong tương quan với thời gian vũ trụ mới thấy hết cái ngắn ngủi, nổi trôi của kiếp người. Vì vậy, triết lí về thời gian, về cuộc đời thường ít nhiều đều hiện diện trong mọi sáng tác văn chương. Với những tâm hồn khát sống, khát yêu, khát khao cống hiến và khẳng định bản ngã như Xuân Quỳnh thì thời gian lại trở thành nỗi ám ảnh không dễ vượt qua: Này anh, em biết/ Rồi sẽ có ngày/ Đươi hàng cây đây/ Ta không còn bước (Chồi biếc). Dự cảm, lo lắng cho mất mát trong tương lai, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh quay về quá khứ, nâng niu những kỉ niệm một thời: Tôi đã qua biết mấy buổi chiều/ Bao hồi hộp, lo âu và hạnh phúc/ tôi trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc/ Đợi tiếng gà đánh thức sự bình yên (Thơ tình cho bạn trẻ); Về đâu rồi cô bé ngày xưa/ Mười sáu tuổi đâu rồi năm tháng cũ/ dòng nhật ký còn nguyên trong cuốn sổ/ Về những làng những phố những tình yêu (Sẽ có mãi cô bé mười sáu tuổi). Tuy nhiên, hướng về quá khứ không phải để nuối tiếc, dự cảm mất mát trong tương lai không phải để buông bỏ, người phụ nữ thông minh, giàu nghị lực và bản lĩnh Xuân Quỳnh đã lựa chọn cho nhân vật của mình một cách ứng xử rất nhân văn. Đó là sống hết mình, sống trọn vẹn với hiện tại, gạt bỏ mọi âu lo và những đớn đau đã trải để bắt đầu một hành trình mới: Như chưa hề có nỗi đau xưa/ Lòng thanh thản trong tình yêu ngày mới/ Một quá khứ ra đi cùng gió thổi/ Thời gian trôi kí ức sẽ phai nhòa (Lại bắt đầu).
Điều đáng trân trọng hơn nữa ở Xuân Quỳnh là chị đã tìm ra được một cách thức để chiến thắng thời gian bằng cách bất tử hóa tình yêu của mình. Thân xác con người có thể nát cùng cây cỏ dưới cỗ xe khắc nghiệt của thời gian nhưng những giá trị tinh thần mà con người bỏ cả đời để kiếm tìm và tạo dựng thì không dễ gì hư nát. Và còn giá trị tinh thần nào thiêng liêng hơn tình yêu – nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng , của sức mạnh, của niềm tin. Vậy nên, thời gian từ đối tượng hủy diệt, trong thơ chị lại trở thành một phương tiện để vun đắp, lưu giữ tình yêu: Lấy thời gian đan thành áo mong chờ/ Lấy thời gian em viết những dòng thơ/ Để thấy được chúng mình không cách trở (bàn tay em). Để rồi, khi tất cả ra đi thì tình yêu sẽ đứng lại: Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại (Thơ tình cuối mùa thu). Vượt lên trên tất cả mọi giới hạn của không gian và thời gian, tình yêu luôn bất tử: Chẳng có thời gian, chẳng có không gian/ Chỉ tuổi trẻ, chỉ tình yêu vĩnh viễn (thơ tình cho bạn trẻ ). Phải chăng danh hiệu “Nữ hoàng thơ tình” được trao cho Xuân Quỳnh không phải chỉ vì chị đã cất lên tiếng nói tình yêu mãnh liệt với những khát khao cháy bỏng của người con gái mà còn vì chị (có lẽ là người phụ nữ duy nhất) đã đưa tình yêu vượt lên sức hủy diệt của thời gian, băng qua cả giới hạn của lẽ sinh tử ở đời.
3.3.2 Không gian nghệ thuật.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, NXBGD Việt Nam, 2011): “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học’
Bàn về không gian nghệ thuật trong tác phẩm thơ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử viết: “Nếu như mọi vật trong thế giới đều tồn tại trong không gian ba chiều: cao, rộng, xa và chiều thời gian, thì không có hiện tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó. Nhưng không gian nghệ thuật có một đặc điểm đặc biệt. Bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật bằng một khoảng cách, góc nhìn nhất định, tức là trong không gian. Không gian nghệ thuật là mô hình thế giới độc lập có tính chủ quan và mang ý nghĩ tượng trưng của tác giả”
Như vậy không gian nghệ thuật là một sáng tạo nghệ thuật, một phương thức nghệ thuật nhằm thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời. Trong tác phẩm văn học thường tồn tại hai loại không gian là không gian vật lí và không gian tâm lí. Song sự phân loại đó cũng chỉ là tương đối vì không gian vật lí đi vào thơ ca đã được chọn lọc qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ.
Trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh, không gian nghệ thuật giúp nhà thơ bộc lộ quan niệm tình yêu cũng như những khát vọng, nỗi niềm của người con gái trong hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc. Đó là một không gian không thuần nhất, nó vận động, biến đổi theo dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Trước hết người đọc bị ám ảnh trong thơ chị về một vùng không gian kì diệu- không gian của trái tim. Nơi mang chứa và nuôi dưỡng tâm hồn cũng như mọi khát vọng, xúc cảm của con người. Một không gian với chu vi bé nhỏ nhưng lại có sức ôm chứa mọi điều lớn lao nhất của đời sống tinh thần con người. Qua không gian ấy, người phụ nữ trong thơ chị đã tỏ bày được tận cùng những suy tư, nỗi niềm, ước vọng của mình đối với người yêu: Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết khao khát những điều anh mơ ước/ Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu.(Tự hát).
Cùng với thời gian hoài niệm, thơ Xuân Quỳnh còn hiện diện vùng không gian hoài niệm. Kiểu không gian này được tạo ra do dòng ý thức bên trong của nhân vật trữ tình thường gắn liền với những hồi ức, tưởng tượng đây là không gian đặc biệt mang cảm quan đời sống của tác giả: Tôi đã đi mấy chặng đường xa/ Vượt mấy núi, mấy rừng qua mấy biển/ Niềm mơ ước gửi vào trang viết/ Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư ( Có một thời như thế).
Lòng mang nhiều khát vọng, những xúc cảm yêu đương luôn rạo rực, nồng nàn, nữ tình nhân trong thơ Xuân Quỳnh đã tìm đến không gian bao la, rộng lớn để thỏa sức vẫy vùng. Đó là không gian của biển khơi bao la, hùng vĩ: Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la/ Biển như cô gái nhỏ/ Thầm thì gửi tâm tư (Thuyền và biển); Biển hay tình anh đó/ Gọi lòng em bay xa/ Ôi vũ trụ bao la/ Khi nào ta đi hết? (Ru). Không cam lòng đón nhận tình yêu trong thế bị động như nhiều cô gái khác, chủ động và táo bạo, người con gái trong thơ Xuân Quỳnh tự tin tìm kiếm tình yêu và cất lên tiếng nói yêu đương sôi nổi của mình. Để rồi hóa thân vào sóng biển, nữ tình nhân ấy đã khiến cả một nửa nhân loại không khỏi ngỡ ngàng trước sự mạnh mẽ, dữ dội mà vẫn không làm mất đi sự dịu dàng đằm thắm của tâm hồn người con gái khi yêu: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể. (Sóng).
Khi để phô diễn lòng mình với những khát vọng yêu đương cháy bỏng, người con gái trong thơ Xuân Quỳnh tìm đến khoảng không gian rộng lớn, bao la. Nhưng khi muốn giãi bày khát vọng hạnh phúc với người mình yêu, nữ tình nhân ấy lại tìm về khoảng không gian nhỏ hẹp và gần gũi hơn. Đó là không gian của tổ ấm gia đình mà hiện thân của nó trong thơ chị chính là “căn phòng nhỏ” và những biến thể khác như “mái phố”, “vòm cây”: Căn phòng con riêng của chúng mình/ Nước trong phích, hoa trên bình gốm cũ/ Sách trong giá và thơ trong trí nhớ/ Viết ra rồi, anh đọc em nghe (Nghe rét đến, nhớ về Hà Nội); Yêu thương là lòng anh/ Bao dung là mái phố/ Tôi về trong mái phố/ Sau mỗi lần gian nan/ Như tìm đến bên anh/ Sau mỗi niềm cay đắng (mái phố). Không gian tổ ấm là không gian đặc trưng trong thơ của Xuân Quỳnh. Dù đi đâu về đâu, trong hoàn cảnh nào, hình ảnh căn phòng nhỏ bé của gia đình chị luôn hiện diện trong tâm trí để rồi nó trở thành một cảm thức trong thơ chị: Đã xa rồi căn phòng nhỏ của em/ Nơi che chở những người thương mến nhất (Chỉ có sóng và em) . Đây cũng là vẻ đẹp riêng của thơ tình Xuân Quỳnh không chỉ so với văn học quá khứ mà ngay cả với thơ tình yêu cùng thời với chị.
Cất cánh và thăng hoa từ mảnh đất cuộc đời còn dọc ngang những vết đạn bom của cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng thơ tình Xuân Quỳnh vẫn giữ được vẻ đẹp riêng tư thuần khiết của tình yêu đôi lứa. Do vậy không gian thơ tình của chị không có những xe tăng, súng ống, không nồng nặc mùi đạn bom, không mịt mù bụi Trường Sơn khói lửa : “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” (Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi). Chị nâng niu trong thơ mình cái không gian bé nhỏ - nơi chở che và đón chị sau những nhọc nhằn, nơi gắn kết những con người chị thương yêu nhất. Với chị, hạnh phúc tình yêu phải kết đọng thành hạnh phúc gia đình. Khát vọng thiết tha và cháy bỏng này chị kí thác vào vùng không gian bình dị và bé nhỏ ấy.
3.4. Ngôn ngữ và giọng điệu.
3.4.1 Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ là yếu tố đặc thù, là chất liệu tạo nên văn bản văn học. Bất cứ một người nghệ sĩ nào khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu muốn đối thoại với người đọc về một vấn đề nhân sinh nào đó. Tuy nhiên đối thoại của nhà văn không trực diện, không phải như hội thoại mà giao lưu, trao đổi qua tác phẩm văn học. Tư tưởng người nghệ sĩ gửi gắm đều được mã hóa bởi những kí hiệu ngôn ngữ. Thơ là một loại hình nghệ thuật của ngôn từ. Nó hấp dẫn, xâm chiếm lòng người trước hết bởi cái đẹp của ngôn ngữ.Vì vậy, tìm hiểu, cắt nghĩa hệ thống ngôn ngữ là công việc quan trọng khi muốn tiếp nhận một tác phẩm thơ ca.
Trong thơ mình, Xuân Quỳnh thường có xu hướng lựa chọn ngôn ngữ tự nhiên, giản dị. Công phu của thơ chị không ở chỗ tác giả của nó phải gò câu đẽo chữ, cái làm nên sức nặng thơ Xuân Quỳnh thuộc về tiếng nói yêu thương chị dành cho con người, cho cuộc đời. Với quan điểm “Đừng lo đi tìm ngôn ngữ. Cảm xúc sẽ lựa chọn được ngôn ngữ của mình”, chị đã mang đến cho bạn đọc những thi phẩm tình yêu nồng đượm vẻ đẹp của cuộc sống đời thường, gần gũi, bình dị mà không đơn giản, tầm thường.
Ta đến rồi ta đi
Bao lần anh có nhớ
Dưới vòm cây lặng lẽ
Dưới vòm cây chờ mong
(Mùa hoa roi)
Ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, câu thơ cất lên như lời nói tự nhiên mà đầy ám ảnh. Cái đẹp ở đây là nỗi da diết trong tình cảm, trong khát vọng yêu thương mà cái tôi trữ tình muốn gửi gắm tới người mình yêu. Mà đã là tình cảm thì quý nhất ở sự chân thành, đâu cần tô son điểm phấn, đẽo gọt cầu kì, câu thơ như lời nói buột miệng mà thành của thi sĩ. Nghệ thuật hay tiếng lòng bật thốt thành thơ?
Đốt lòng em câu hỏi:
“Yêu em nhiều không anh?”
(Mùa hoa roi)
Phải chăng với Xuân Quỳnh, thơ quý ở sự hồn nhiên, để rồi thơ chị phần lớn tựa như những lời tâm sự rất chân thành. Đôi lúc dường như chị nghĩ sao nói vậy và chính cái phần giản dị này đã làm nên chất thơ cao khiết nhất trong sáng tác của thi sĩ – chất thơ của tâm hồn và tỏa ra từ tâm hồn luôn cháy bỏng yêu thương:
Không sĩ diện đâu, nếu tôi yêu được một người.
Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm
Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Cái tự nhiên, chân thật của cõi lòng nhà thơ như tràn thấm vào cảnh vật, tỏa lan vào ngôn ngữ. Tác phẩm nghệ thuật cũng cần phải tự nhiên như cuộc sống. Cái hồn nhiên trong thơ phải chăng là cái hồn nhiên của cuộc sống thăng hoa.Vì vậy mà cảnh vật dường như tự nó đã thành thơ:
Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Mây trắng bay đi cùng với gió
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
( Hoa cỏ may)
Trong lao động nghệ thuật, Xuân Quỳnh ít có những cách tân, tìm tòi, phá cách phóng túng. Chị kế thừa ngôn ngữ của dân gian, của đời thường một cách tự nhiên. Đấy là thứ ngôn ngữ của quần chúng hết sức mộc mạc mà không hề thô nhám vụng về, mang đậm sắc thái dân gian và đời thường giản dị. Không cầu kì, kiểu cách, ngôn ngữ được chắt lọc từ các bài ca dao, nó được thốt lên tự nhiên như đã ăn sâu vào trong tiềm thức,chỉ cần xúc cảm chạm đến là có thể thành thơ”
Mấy năm rồi thơ em buồn hơn
Áo em rộng ra, lòng em tan nát
Những bài hát ngày xưa em vẫn hát
“Cây trúc xinh, quán dốcgốc đa làng
Câu thơ anh em vẫn đọc thầm
Cả lúc nghĩ: “biết bao giờ trở lại”.”
(Không đề II)
Chùm sim chín ở ven đồi
Lặng nghe tiếng hát đưa nôi dặt dìu
Đã thương mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
(Tình ca trong lòng vịnh)
Cầm bút viết như một sự trải lòng nên thơ Xuân Quỳnh nghiêng nhiều về tâm sự , sẻ chia. Đôi khi đọc thơ chị , chúng ta có cảm giác người nghệ sĩ này không phải đang làm nghệ thuật mà chị đang viết cho mình như một sự thôi thúc của nội tâm. Vậy cần gì phải trang sức cho thơ khi mà cái để thơ “sống lâu dài” với con người là “đức hạnh” mà “đức hạnh” của thơ lại chính là tấm lòng.
Em tiễn anh ra ga
Giữa mù mịt bụi vôi, gạch vỡ
Em chẳng biết nói lời thương nhớ
Tàu chạy rồi bỡ ngỡ vẫy bàn tay
Anh đi, và trời trở gió may
Đêm giá lạnh thương con tàu lầm lụi
(Hát với con tàu)
Sức lay động của thơ tình Xuân Quỳnh là ở đó - ở sự mạnh mẽ sâu sắc, sự lớn lao của tình yêu, ở khát vọng được sẻ chia, nâng đỡ, bao bọc người mình yêu:
Tóc anh thì ướt đẫm
Lòng anh thì cô đơn
Anh cần chi nơi em
Sao mà anh chẳng nói
Mà em người đời thường
Biết là anh có ở!
(Anh)
Bốn lần lặp lại những “thì”, “mà” nhưng thơ Xuân Quỳnh vẫn không hề gây cảm giác lủng củng , nhàm chán, đơn điệu trong người đọc. Ngược lại, thơ chị như có “duyên thầm” – thứ duyên lặn sâu vào trong câu chữ ấy chính là sự chân thật và mãnh liệt của tình cảm. Thiếu nó, mọi ngôn từ kiểu cách, hoa mỹ đều trở nên vô nghĩa. Nhưng có nó, dù ngôn từ trong thơ giản dị tới không thể giản dị hơn, thậm chí cả lối nói đậm chất khẩu ngữ cũng khiến thơ tình yêu của Xuân Quỳnh có một “ma lực” hấp dẫn đặc biệt : Em biết đấy là điều đã cũ/Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/Chẳng có gì quan trọng lắm đâu/ Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh (Nói cùng anh). Cứ thế, thơ chị đứng vững với thời gian và trụ vững trong lòng người đọc bằng chính sự hồn nhiên, giản dị ấy!
3.4.2 Giọng điệu
Nhà văn I.X Tuocghenhev từng nói: “Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác” Như vậy giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo cũng như phong cách của người cầm bút. Với Xuân Quỳnh, lựa chọn giọng điệu cho thơ chính là lựa chọn hình thức, phương tiện nghệ thuật để chị gửi gắm lòng mình.
Thơ tình thời chống Mỹ lấy tình yêu quê hương, yêu đất nước làm điểm tựa, nghiêng nhiều về cái ta, nhẹ về cái tôi cá nhân nên giọng điệu trong thơ thường mang âm hưởng hào hùng, tràn đầy hứng khởi trên những chặng đường hành quân ra trận: “Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mối tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn.(Nhớ - Nguyễn Đình Thi).Thơ tình Xuân Quỳnh là tiếng nói tình yêu của chính cá nhân tác giả nên tính hướng nội, tính tự truyện của thơ đã chi phối tới đặc trưng giọng điệu của thơ chị. Trước hết đó là giọng điệu mạnh mẽ, tự tin của người con gái khi thể hiện những khát vọng tình yêu nồng nàn, sôi nổi:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Sóng)
Trong quan niệm truyền thống, vẻ đẹp nữ tính của người con gái thể hiện ở sự dịu dàng, kín đáo. Vậy nên, trong tình yêu, dẫu tình cảm có mãnh liệt bao nhiêu, khát vọng yêu đương có lớn nhường nào thì người con gái cũng không dám lên tiếng. Có chăng lại phải bóng gió xa xôi hoặc kín đáo gửi gắm vào một đối tượng khác bằng một giọng ngập ngừng có phần e lệ: “Em nghe họ nói mong manh/ Hình như họ biết chúng mình với nhau” (Chờ nhau – Nguyễn Bính)/ “ Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nó hộ tình yêu”.Là người có ý thức sâu sắc về bản thể, lại dám yêu và dám sống hết mình cho tình yêu, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã dũng cảm vượt qua lễ giáo khắc nghiệt để cất lên tiếng lòng mình một cách đường hoàng, không mặc cảm, không ngập ngừng, thậm chí còn đầy kiêu hãnh:
Như các cô tôi có một tình yêu rất sâu
Rất dữ dội nhưng không bao giờ yêu hết được
Không sĩ diện đâu, nếu tôi yêu được một người
Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm
( Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Nhà văn nữ Y Ban coi hoạt động viết văn là “trung thành với chính cái tôi, một cái tôi không chỉ giàu bản năng mà còn đầy ý thức nữ”. Chia sẻ này cũng thật đúng với Xuân Quỳnh, “trung thành với cái tôi” nghĩa là được sống là chính mình, được làm những điều mình ao ước. được nói những điều mình nghĩ. Bởi vậy, người phụ nữ trong thơ chị không cần nhờ ai lên tiếng hộ mà đã chủ động tự thể hiện mình. Điều này đã tạo nên “một giọng thơ ưng phô bày, kể lể, nhắn nhe, tự tình, ví von, một giọng thơ dù biến hóa đến mức văn hoa kiểu sức vẫn còn lại cái phần gắn bó với lối nói, lối nghĩ, lối cảm thông thường có thể là xa xưa nữa của người Việt, của tiếng Việt” (Lại Nguyên Ân, con người và nhà thơ, tr135): Tôi không có một căn phòng/ Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ/ Gia tài là mấy bài thơ/Dẫu bao người đọc vẫn chờ đợi ai. (Thơ viết tặng anh); Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố (Thuyền và biển).
Tâm hồn nhạy cảm, giàu yêu thương, khát vọng nhưng cũng sẵn lo âu còn tạo nên trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh một giọng điệu bàng bạc âu lo, khắc khoải: Luôn hi vọng để rồi luôn thất vọng/ Tôi đã cười đã khóc những không đâu// Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc/ Nỗi vui buồn cũng khác những ngày (Có một thời như thế); Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay? (Hoa cỏ may); Lời tình tự trăm lần trên ghế đá/ Biết lời nào giả dối với lời yêu (Thơ tình cho bạn trẻ)
Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình cũng là vẻ đẹp riêng của thơ tình yêu Xuân Quỳnh. Nó tạo nên cái da diết, lắng sâu ám ảnh lòng người: Em sẽ kể anh nghe/ Chuyện con thuyền và biển (Thuyền và biển); Thôi đừng buồn nữa anh/ Trang thơ còn viết dở/ Tách nước nóng trên bàn/ và lòng em mong nhớ (Anh). Làm nên cái chất giọng tâm tình, thủ thỉ ấy trong thơ Xuân Quỳnh chính là lối hát ru. Tiếng ru của chị bắt nguồn từ truyền thống hát ru ngàn đời của dân tộc. Nó dịu dàng, tha thiết, lắng đọng tình yêu thương con vô bờ bến của một người mẹ. không chỉ hát ru con , Xuân Quỳnh còn hát ru chồng, hát ru người đàn ông của đời mình bằng tiếng hát của một tâm hồn say mê, sôi nổi, bạo dạn và rất chủ động trong tình yêu: Ngủ đi, người của em yêu (Hát ru); Ngủ đi anh! Cứ ngủ/ Đã có em thức canh/ Cho đẹp giấc mơ anh (Ru); Khuya rồi anh hãy ngủ đi/ Để em trở dậy em che bớt đèn (Hát ru chồng những đêm khó ngủ). Người phụ nữ nhân hậu, bản lĩnh ấy đã luôn cố “nén lại tiếng thở dài, vất vả và gian truân để làm dịu lòng người thân, bè bạn bằng tiếng hát ru trong suốt cuộc đời mình”( Mã Giang Lân, 1989, Nhớ XQ, nhớ một giọng thơ in trong Thơ XQ, Nxb tác phẩm mới – Hội nhà văn VN, tr157). Để rồi “Cảm hứng tiếng ru không bao giờ thiếu vắng trong các tập thơ của chị, là hình thức và phương tiện thơ ca thích hợp để biểu hiện cái phần sâu lắng và đằm thắm của hồn thơ Xuân Quỳnh ” (Vũ Kim Xuyến, tiếng hát ru trong thơ Xuân Quỳnh, tr304).
PHẦN KẾT LUẬN
1. Tóm tắt các luận điểm.
2. Đóng góp của thơ tình Xuân Quỳnh (dưới góc nhìn văn hoá ) đối với thơ tình Việt Nam nói riêng và nền văn học hiện đại Việt Nam nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tho_tinh_cua_xuan_quynh_tu_goc_nhin_van_hoa_1744.doc