Ngồi miết trong quán cũng buồn, nên tôi ra đó, nói chuyện tiếu lâm chơi.
Nhưng chuyện nhiều hơn cảlà nói về lão Vương “nói lắp” ở ngõ phố Đông. Nhưng
khi thấy lão tới, là mọi người lại im re, và tản đi mỗi người một nơi: Chẳng ai
muốn lão ló mặt tới đây, vậy mà cứ vài ba ngày lão lại đảo tới một lần. Lão là một
ông lão già đã hơn sáu chục tuổi, sống ở thị trấn này có tới mấy đời rồi, người lớn,
trẻcon chẳng ai là người không biết mặt lão. Nửa năm lại đây lão béo phệra một
cách khủng khiếp, béo đến biến dạng con người lão đi. Mặt lão lúc nào cũng bóng
nhẫy, y nhưtrát một lớp mỡ lợn vậy. Lão cứ ngồi xuống một cái là đầu lão toát mồ
hôi hột, chiếc quạt lá cọ cứ phì phạch hoài không dứt. Còn miệng lão cứ liến
thoắng, hầu như không sao dừng được.
115 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2303 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tìm hiểu hình tượng nhân vật trong một số truyện ngắn Trung Quốc đương đại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cuộc sống gia đình họ rất sung
túc và nổi tiếng trong làng. Nhưng Thiên Cẩu dù là bây giờ mang chức danh mới
thì anh đã luôn tự đưa mình vào một khuôn phép, không tùy tiện và khi làm hết
công việc trong nhà anh lặng lẽ đi ra ngoài và ngủ trong một cái lều quạnh quẽ –
đó như một cách anh tự trừng phạt bản thân mình. Người đàn bà rất buồn đôi lúc
quay quắt mong mỏi khát khao nhưng nói thế nào Thiên Cẩu cũng vẫn lạnh lùng
như thế nên bà cũng đành chấp nhận xót đau. Người chồng bại liệt đã chứng kiến
tình cảnh lẻ loi của ba người từ đầu đến cuối, bác cũng đau khổ vật vã khi thấy
mình là gánh nặng cho gia đình, là chướng ngại cản trở đôi bạn tình không thể đến
với nhau. Thế là trong một đêm giá lạnh, bác thợ bại liệt ấy đã lợi dụng sợi dây
buộc vào ang bò cạp để treo cổ tự sát. Một cái chết đáng thương của một con người
đáng quí. Gia đình có bốn người, bác thợ đã dành đường cho Thiên Cẩu, giao nghề
cho Thiên Cẩu, giao nhà cho Thiên Cẩu. Bác đã tìm cách mở nút cho tất cả tấn bi
kịch tình cảm của cả ba con người. Thiên Cẩu đau lòng than khóc như chết lịm đi,
anh khóc như chưa từng được khóc, lòng thì vô cùng ăn năn. Những người trong
thành vô cùng xúc động. Gia đình anh luôn tưởng nhớ về người quá cố và luôn cố
gắng xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc. Họ phát triển nghề nuôi bọ cạp rộng
khắp cho mọi người trong thành để những người dân cũng cải thiện đời sống của
mình, làm cho cái thành đẹp mà không giàu này trở thành giàu và đẹp…
20. Hắc thị (Giả Bình Ao):
Câu chuyện kể về chuỗi ngày gian truân trong cuộc đời của Hắc Thị. Hắc Thị là
một nông dân cần mẫn, chịu thương chịu khó, chị có một nét đẹp khỏe mạnh và
chân chất rất tự nhiên. Chồng chị là một người có thân hình bé choắt và là con của
một gia đình giàu có nên khi về làm dâu, tuy chị làm lụng vất vả không quản công,
nếm đủ mọi cay đắng nhưng gia đình chồng chỉ coi chị là một người ở không hơn
không kém. Người chồng bé choắt thì cũng chỉ xem chị như thú vui để thỏa mãn
dục vọng, còn bản thân hắn thì phong lưu bên ngoài. Hắc Thị ức lắm nhưng chị chỉ
biết khóc thầm và âm thầm chịu đựng. Mộc Độc là một người hàng xóm rất tốt
bụng của Hắc Thị, anh tuy nghèo khổ, xấu xí nhưng rất thật thà chăm chỉ, anh phải
làm việc cực lực đủ mọi nghề để nuôi người cha già yếu của mình. Anh rất có thiện
cảm với Hắc Thị và luôn quan tâm đến chị nhưng anh còn rất e dè, nhút nhát.
Bố chồng của Hắc Thị là một kẻ gian thương, làm nghề tín dụng để bòn rút
tiền và đầu tư bất hợp pháp để lấy lời to, vì thế gia đình chồng của chị ngày một
phất lên và cũng kênh kiệu “học đòi làm sang” một cách lố bịch. Người chồng bé
choắt vì thế cũng ăn chơi sa đọa và ra sức hành hạ Hắc Thị. Chính trong thời gian
đau khổ này, chị quen và làm bạn với Lai Thuận, một người rất tốt bụng, nhiệt
tình. Cũng như Mộc Độc, anh rất tốt với chị, luôn quan tâm chia sẽ cũng như hết
lòng giúp đỡ chị. Gia đình chồng nổi cơn thịnh nộ vì Mộc Độc trong một lúc tức
tối đã đến gây chuyện, họ buộc Hắc Thị phải li dị và buộc chị ra khỏi nhà. Hắc Thị
tuy lòng bị tổn thương nhưng khi bên ngoài được tự do tự tại chị thấy rất ung dung
và thanh thản. Với sự chăm chỉ lao động của một người đàn bà lực điền, chị sống
rất thoải mái và tự lo cho thân mình một cách ổn định. Nhưng đêm nằm gối chiếc
lạnh lùng chị cũng khát khao một hơi ấm đàn ông, khát khao sự yêu thương. Mộc
Độc và Lai Thuận đều có tình ý với chị nên cả hai cùng nhờ người mai mối đến
cầu hôn chị. Qua những đêm dài suy nghĩ mông lung, chẳng biết phải chọn ai từ
chối ai nhưng lại rất tình cờ và cả sự trùng hợp, chị đã nhận lễ cưới từ người mai
mối cho Mộc Độc. Một cuộc sống gia đình khác lại đến với chị, chị đã có một bàn
tay chồng ủ ấm đêm đêm và yêu thương chia sẻ mọi việc với chị. Chị thấy phấn
chấn hẳn lên và cùng chồng ra sức làm việc để chăm lo xây dựng gia đình. Do
cuộc sống ngày một khó khăn, nên Mộc Độc nghe theo lời một người bạn cũ đi
làm ăn ở nơi hầm lò tối tăm xa xôi, nơi mà người ta phải “làm bạn với ma quỉ, làm
khách của Diêm vương”. Mộc Độc đi rồi, Hắc Thị một mình quán xuyến cả gia
đình, nuôi người cha đã già lại đau yếu luôn. Thời gian này, Lai Thuận rất hay đến
đỡ đần và giúp đỡ chị làm cha chồng của Hắc Thị rất bực tức, chửi bới Lai Thuận
tàn nhẫn vì nghi ngờ Lai Thuận có lòng đen tối. Hắc Thị rất buồn nhưng vẫn nghe
theo lời cha nên không tiếp xúc với Lai Thuận nữa. Lai Thuận biết rõ nhưng vẫn
luôn giúp đỡ chị hết lòng. Một hôm, Mộc Độc trở về, hình hài đã in đậm dấu vết
tàn tạ nơi mỏ than và tâm hồn đã phần nào bị chai sạn vì không tiếp xúc với con
người suốt một thời gian dài. Anh đã kiếm được một số vốn kha khá nên hai vợ
chồng đã mở một hiệu ăn nhỏ, do chí thú làm ăn lại thêm Hắc Thị đã khéo tay lại
khéo ăn nói, nên chẳng bao lâu họ đã làm ăn rất phát đạt. Cha chồng của Hắc Thị
nay đã tuổi già sức yếu lại thấy con làm ăn khá giả nên ông cũng yên tâm đi về cõi
hạc. Hai vợ chồng khóc than thảm thiết và làm đám tang rất linh đình. Thế là Mộc
Độc phải về trông nhà, còn Hắc Thị phải ở cửa hàng lo buôn bán nên hai vợ chồng
chẳng mấy khi được ở cùng nhau. Nhiều lần Hắc Thị bảo Mộc Độc ở lại cửa tiệm
với mình nhưng anh vẫn tìm cách thoái thác để được về nhà nghỉ ngơi thoải mái vì
anh cả ngày làm việc đã rất mệt. Lai Thuận lúc này vẫn là bạn thân thiết của gia
đình Mộc Độc, nên những lần Mộc Độc bỏ về nhà, Lai Thuận vẫn kiên trì ở lại để
trò chuyện và an ủi Hắc Thị. Anh đã làm lòng Hắc Thị ấm lại, nhưng Hắc Thị vẫn
luôn giữ khuôn phép đuổi khéo anh về khi trời đã khuya. Lai Thuận vốn yêu Hắc
Thị từ lâu, từ khi không lấy được Hắc Thị anh đã vô cùng tiếc nuối, nay thấy Hắc
Thị phòng không chiếc bóng, anh lại trỗi dậy tình yêu trong lòng. Anh đã đem tới
cho Hắc Thị những rung cảm yêu thương mãnh liệt và cuồng nhiệt nhất. Bẵng đi
một thời gian nữa, Hắc Thị biết được tin gia đình chồng cũ tan tác vì tù tội do vi
phạm pháp luật. Người chồng bé choắt phải đi lang thang để xin ăn và tìm đến xin
ngay ở cửa hàng Hắc Thị, anh ta cảm thấy vô cùng xấu hổ và ân hận. Hắc Thị tuy
trong lòng oán hận nhưng giờ chị lại thấy rất xót thương khi thấy người xưa gặp
cảnh không may. Chị bàn cùng Mộc Độc lấy tiền trả nợ giúp cho người chồng cũ
để cứu vớt danh dự gia đình của anh ta và còn giúp cho anh ta đi làm ăn ở hầm
than. Nhưng do không làm được việc nặng nên người chồng bé choắt ấy rất túng
quẫn, trong một lần đang làm việc ở hầm than thì hầm bị sập, anh ta đã chết không
toàn thây. Hắc Thị rất đau lòng, đưa anh về để mai táng tử tế. Chị thấy mình như
đã kết thúc một giấc mơ buồn ảm đạm.
Đất nước ngày càng đổi mới, công việc làm ăn của hai vợ chồng Hắc Thị
cũng ngày một khá giả, tuy vậy Hắc Thị vẫn thấy bị ghẻ lạnh về tâm hồn bởi vì
Mộc Độc vẫn như một khúc gỗ, anh vẫn chai sạn cảm xúc như thế. Anh yêu vợ
nhưng không thể làm cho vợ hạnh phúc thật sự. Vào một đêm Trung Thu rất đẹp
trời, Mộc Độc ra tiệm chuẩn bị bánh cùng người làm phá cỗ còn Hắc Thị về nhà
dọn dẹp. Tới lúc sắp phá cỗ rước đèn, Mộc Độc sai người làm về gọi Hắc Thị ra
họp mặt thì chẳng thấy chị đâu cả. Tưởng rằng chị đi gọi thêm Lai Thuận nhưng
đến chỗ Lai Thuận thì cũng chẳng tìm thấy ai. Cùng lúc ấy, ở một thôn nhỏ nằm
trên con đường về vùng núi sâu cách đó năm mươi dặm, người ta bắt trói một đôi
nam nữ khỏa thân trong một chiếc lều coi dưa rách nát. Họ được phủ một tấm chăn
đơn lại để người trưởng thôn đến thẩm vấn, họ khai là người thôn Tây Xuyên cách
đây năm mươi dặm, đang trên đường về sum họp gia đình, có cả giấy tờ mang
theo. Trưởng thôn thấy có lý nên thả họ ra, nhưng vẫn trừng phạt họ bằng cách dội
nước lạnh từ đầu đến chân vì họ đã mang điềm xấu đến trong đêm Trung Thu sẽ
làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của làng, họ chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi vội vã bỏ
chạy ra đường, người nữ bị vấp ngã, người nam đỡ dậy và họ cùng nhau cố sức
chạy để cho cái lạnh không vào xương cốt. Không biết con đường này còn bao xa
nơi họ cần đến và cũng không biết cuộc sống đang chờ họ là cay đắng hay ngọt
bùi, là nỗi buồn hay niềm vui…?
PHỤ LỤC 2
*
GIỚI THIỆU MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN
CỦA NHÀ VĂN GIẢ BÌNH AO
TIỂU SỬ
Giả Bình Ao sinh trong một gia đình tại Đan Phượng, Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ông đã từng học khoa văn của Trường Đại học Tổng hợp Tây Bắc Trung Quốc.
Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp viết văn vào năm 1973 với tác phẩm đầu tay là
truyện ngắn Đôi tất. Sau đó, vào năm 1978, ông đã thành danh khi truyện
ngắn Mãn nguyệt nhi (Trăng tròn) được trao giải truyện ngắn ưu tú toàn quốc. Từ
đó trở đi, suốt những năm 80 và sang những năm 90, tiểu thuyết của ông thường
được đánh giá có chất lượng cao hơn mặt bằng sáng tác nói chung. Ở Trung Quốc,
số nhà văn giữ nguyên được tầm cỡ trong một thời gian dài như vậy là rất ít.Giả
Bình Ao là một nhà văn tinh thông về văn hóa truyền thống Trung Hoa, bên cạnh
đó, ở tác phẩm của ông, người ta còn nhận ra sự hiểu biết và nắm vững hơn người
về nghệ thuật và văn minh hiện đại.
Hành trình sáng tác của Giả Bình Ao chi thành hai chặng rõ rệt: từ tác phẩm đầu
tay đến hết những năm 80 và từ đầu những năm 90 đến nay. Hầu hết các tác phẩm
của ông trước đây viết về đề tài làng quê nông thôn, xoay quanh chủ đề cải cách xã
hội nông thôn, các phong tục dân gian. Nhưng khi Giả Bình Ao ở tuổi gần ngũ
tuần, các tác phẩm của ông lại chuyển sang đề tài tình yêu trong xã hội và cuộc
sống hiện đại, đặc biệt là các tiểu thuyết. Các truyện ngắn ông viết ở giai đoạn này
mang đậm triết lý cổ, trong đó có triết lý đạo thiền.
Giả Bình Ao còn có một sở trường là viết tản văn. Trung Quốc gọi tản văn là để
phân biệt với vận văn và biên văn. Những bài viết không phải thơ, từ, ca, phú,
khúc,… thì đều gọi là tản văn. Nhưng ngày nay, tản văn mọi người ưa đọc, ưa viết
có phạm vi hẹp hơn nhiều, thông thường chỉ loại mỹ văn, tiếng Trung Quốc gọi là
“nhứ ngữ tản văn” (tản văn thủ thỉ tâm tình). Ngõ ngũ vị là một tản văn được coi là
bài mỹ văn xuất sắc tiêu biểu cho thể “tản văn Bình Ao”. Những bài tản văn của
ông mang đậm nét văn xuôi truyền thống và đầy tính triết lý phương Đông. Trong
thời kỳ văn học mới kể từ năm 1977, tản văn của Giả Bình Ao được xếp ngang
hàng với tản văn của những bậc tiền bối như Ba Kim, Tôn Lê, Tông Phác…và với
những người cùng lứa như Trương Khiết, Vương Anh Kỳ, Trương Thừa Chí, Sử
Thiết Sinh, Dư Thu Vũ.
Nhìn chung, Giả Bình Ao là nhà văn có tình cảm sâu nặng với quê hương, mọi tác
phẩm của ông đều có tình cảm bắt rễ sâu ở mảnh đất và đất nước nơi ông sinh
sống. Qua cuộc sống của các nhân vật trong tác phẩm, bao giờ người đọc cũng bắt
gặp nét đẹp truyền thống Trung Hoa cùng phương thức truyền thống biểu đạt nét
đẹp đó.
TÁC PHẨM
NGƯỜI BỆNH
Tôi bị liệt nửa người, chi dưới không cử động gì được, đến trở mình cũng rất khó
khăn. Tốt nhất là ngồi dậy, nhưng cũng chỉ là ngồi đấy mà thôi…
Cứ như vậy, ngày lại ngày, đêm đen ngày trắng, ngày trắng chờ đêm đen, đêm đen
mong ngày trắng. Tôi thật tình không còn phân biệt được rằng, chiếc giường nó đỡ
tôi, hay tôi cõng chiếc giường, để lặng lẽ nhìn lên trần nhà, nhìn ra quanh bốn bức
tường, không có thanh âm, cũng không màu sắc, trong không gian ấy chỉ có tôi, tôi
và những con vật nhỏ bé: những con kiến láo nháo trên tường, leo lên, bò xuống,
xuống xuống, lên lên. Ôi chao! Cái không gian đang thuộc về tôi này, còn kéo dài
bao lâu nữa, và tôi còn phải chìm đắm vào trong cái không gian này bao nhiêu
ngày tháng nữa.
Tôi bắt đầu mơ mộng những giấc mơ vô cùng tươi đẹp, mơ mộng trong đêm, ban
ngày vẫn tiếp tục giấc mơ đó. Người xuất hiện nhiều nhất trong những giấc mộng
của tôi, lại là người chị họ tôi…
Tôi vẫn thường nghĩ, trên cõi thế gian này, bạn học có thể không cần, tôi cần chị
họ tôi kia, thân thích có thể cũng không cần, tôi cần chị họ tôi kia, cha mẹ cũng có
thể khhông cần, tôi cần chị họ tôi kia. Tiếng nói của chị họ tôi, nó mang sắc xanh,
nó mềm mại và yếu đuối đến đáng thương. Quần áo của chị họ tôi, bay bướm như
một khúc nhạc, khiến cho trái tim tôi đắm đuối, còn như khuôn mặt ư, con mắt ư,
tôi lại không nói cho rõ ràng được nó mang màu sắc gì, tôi chỉ biết được những
màu xanh đỏ tím vàng lam, tất cả những màu sắc đó đều không dùng mà hình dung
nổi…
Tôi nhớ được hết sức rõ ràng rằng, lần đầu tiên chị đến bên tôi, tôi đang mơ mộng,
mộng thấy một ngọn núi, dưới đất có tuyết đọng, cây cối ở đó đều trụi lá, trông
chẳng khác gì những cây cọc dựng đứng trong đám tuyết, mà cũng không phải là
cắm, là dựng, mà là tuyết đã chôn vùi gốc nó, rồi lấy cưa mà cưa cắt đi. Một con
bươm bướm bay tới, đỏ thắm, đỏ rực rỡ tươi tắn như một ngọn lửa, khiến cho vùng
sơn cước chết lặng này, bỗng như sống động trở lại… Bỗng nhiên tôi nghe thấy
tiếng khóc tấm tức, tôi choàng mở mắt, trên đầu giường có một ngọn đèn nhỏ, một
người ngồi nghiêng, lưng tối đen, tóc trên đầu cũng đen, khuôn mặt chỉ sáng có
một nửa, trắng bệch. Tôi a lên một tiếng, là chị, là người chị họ tôi…
Chị thấy tôi đã tỉnh lại, nước mắt chị nhỏ xuống, nước mắt cũng một màu trắng
bệch, trong suốt, chị nói:
- Tiểu D. làm sao mà nên nông nỗi này?
Tôi cười. Tôi nghĩ tới giấc mộng của tôi. Tôi mừng vui, vì chị tôi đã chẳng quên
tôi.Tôi lại cười.
Chị cũng cùng cười với tôi.
Tôi nhìn thấy màu sắc của cái cười ấy, có màu hồng, có màu lam, và có cả màu lục
nữa, ôi cái cười xinh đẹp biết bao nhiêu, chỉ trong nháy mắt nó đã in đậm vào trái
tim tôi…
Kể từ lúc đó, tôi bắt đầu nghiên cứu cái cười này, và cuối cùng tôi đã hiểu được
rằng: Tất cả mọi thứ trên cuộc đời này vốn nguyên thủy của nó là không có màu
sắc, màu sắc chính là từ trong con mắt của người nhìn, nếu lấy màu xanh mà nhìn
cái cây, cái cây sẽ là màu xanh, dùng màu hồng mà nhìn hoa, hoa sẽ có màu hồng,
dùng màu xanh mà nhìn nước, nước sẽ là màu xanh. Anh cần màu sắc nào, sẽ có
màu sắc đó…
Còn cái cười của chị tôi, nó có đủ cả năm màu.
Chị tôi ở lại đây hai hôm, chị đề nghị với gia đình tôi mở cho tôi một cánh cửa sổ,
trên mái nhà, nhìn lên trời.
Chị tôi đi rồi, chị đi vội vàng, không để lại một lời, và cũng không để lại một bóng
hình, nhưng để lại cho tôi một cánh cửa sổ nhìn lên trời, một khoảng trời nho nhỏ,
hình vuông. Khoảng trời ấy thuộc về tôi. Ngày ngày, đêm đêm, tôi đăm đăm nhìn
vào khuôn trời ấy. Ngày ngày, đêm đêm, khuôn trời ấy đổi thay: khi thì vàng, lúc
thì đỏ, một lát sau lại đen… Tôi không thích đọc những trang tiểu thuyết nhạt
nhẽo, vô liêu ấy nữa,bỗng nhiên tôi lại thích vẽ.
Tôi đòi người nhà đi mua cho tôi đủ các loại màu. Tôi ngồi đó, tôi bôi, tôi trát lên
giấy. Tôi thích vẽ gì, tôi vẽ ngay cái đó, tôi đã vẽ tất cả những gì tôi thích vẽ ra…
Tôi đã vẽ một đêm xuân.
Đêm xuân ấy, trăng rất tỏ, tôi đi vào rừng cây ở cuối thôn. Rừng cây ấy đang nhú
ra đầy nụ hoa, cành nọ giao cành kia, trăng vằng vặc soi sáng, những nụ hoa vừa
mảnh mai vừa dày đặc. ở dưới mặt đất, những chỗ đen là cành cây, những chỗ
trắng là ánh trăng, sự đối chọi giữa đen và trắng, hình như có một âm hưởng vô
cùng mạnh mẽ. Tôi chờ đợi bạn gái của tôi. Nhưng nàng không tới. Tôi cứ bồi hồi
quanh quẩn bên doi đất cao, tôi trượt chân, đạp vỡ một tảng đá rồi ngã lao xuống…
Tôi vẽ nàng, người con gái của tôi.
Nàng không bao giờ đến nữa, và tôi chẳng làm sao hình dung, tưởng tượng ra nổi
khuôn mặt của nàng. Tôi khốn khổ lần tìm suốt ba ngày trắng, tôi lại khốn khổ lần
tìm suốt ba đêm đen. Suốt trong thời gian ấy, chỉ có con mèo chui qua khe cửa mà
vào. Con mèo đã già lắm rồi, nó không còn bắt được chuột nữa, người nhà đã
nhiều lần ôm nó vứt ra ngoài đường, nhưng nó vẫn tìm được lối quay về nhà, rồi
len lén chui vào trong bốn bức tường với tôi. Nó ngồi ở đầu giường tôi, nó rửa mặt
cho tôi xem, nếu không nó nằm khoanh bên cạnh gối, ngủ và gừ gừ thật to. Lúc nó
nhìn tôi, đôi mắt lóe lên màu ánh sáng xanh lè… Thế là tôi bật nhớ trở lại, hình
dung ra được khuôn mặt người con gái của tôi, và mắt nàng cũng có cái màu sắc
ấy…
Tôi liền vẽ ra đúng như thế. Tôi lại vẽ mũi chiếc mũi thật to, và dùng màu đen, cái
miệng vểnh lên cong cong, tôi dùng màu đỏ sẫm…
Vẽ xong, tôi thấy thật giống, viết tên nàng lên đấy. Người nhà xem, lại bảo là
không giống, tôi nói đó đúng là khuôn mặt của nàng, tôi chỉ cần sửa chữa một chút
là xong.
Tôi còn vẽ tất cả các bạn học của tôi, vẽ luôn cả những người họ hàng thân thích
cùng người trong nhà. Vẽ rất giống, mặt, tôi dùng toàn màu đen. Mọi người chê tôi
là không biết dùng màu sắc, bảo rằng, mặt là phải màu trắng, sao lại đi dùng màu
đen? Trắng ư? Trắng chỉ có mỗi một khuôn trời hình vuông bé nhỏ là trắng thôi.
Trắng ư? Trắng chỉ có mỗi một khuôn mặt chị họ tôi là trắng thôi.
Sau đó tôi cũng vẽ một bức về chị họ tôi. Tôi cũng vẫn chỉ dùng có hai màu: màu
đen và màu trắng…
Mẹ tôi bảo, chị có về qua nhà hồi mùa xuân, rồi sau đó đã đi lấy chồng. Chồng chị
là một bí thư công xã.
- Chị ấy đi lấy chồng rồi, không phải là một người vợ, mà là một người yêu, là một
người yêu, liệu có thể đến thăm con được không?
Tôi giật mình kinh hãi.
Ở vùng đồng đất tôi đây, một cô con gái, lấy chồng là một nông dân mới gọi là vợ
anh nọ anh kia, nhưng nếu đi lấy một anh cán bộ nhà nước, thì lại gọi là người yêu
của anh nọ, anh kia, nhưng sao lại là người yêu của một bí thư công xã. Tôi nghĩ,
lời mẹ tôi có thể là đúng. Nên tôi đành chỉ còn vẽ cái bầu trời hình vuông nhỏ bé
kia thôi. Tôi vẫn quanh quẩn chỉ dùng có hai màu: màu đen và màu trắng, bởi vì đó
là vẽ đêm đen. Dùng màu vàng và màu đỏ là vẽ buổi sáng, màu tím và màu lam là
vẽ lúc ban trưa. Tôi còn vẽ những ngôi sao, những con chim và những cây lá… Tất
cả những gì xuất hiện trên bầu trời của tôi, là tôi vẽ hết. Mặt trăng được tôi vẽ
nhiều nhất. Trước đây tôi cứ tưởng trăng màu trắng, bây giờ nhìn lại, mới biết rằng
sai, nó có nhiều màu lắm: màu sám, màu vàng, màu xanh, màu đỏ, và còn có cả
màu đen nữa.
Tôi cứ nằm như vậy, ngồi như vậy, vẽ như vậy, tôi, bên dưới bầu trời hình vuông
nhỏ bé của tôi, bên trên chiếc giường, cùng với bốn bức tường của tôi, tôi mơ
mộng theo giấc mơ của tôi, tôi vẽ những bức tranh của tôi.
Trời cũng bắt đầu nóng nực dần lên, tôi nghe bên ngoài nhà có tiếng ve rỉ rả. Tôi
biết bây giờ đã là mùa hạ. Con mèo vẫn lẻn vào phòng tôi, nhưng nó lại thích nằm
ở góc nhà hơn, đôi tai cụp xuống mắt, với cái vẻ nửa thức nửa ngủ. Đàn kiến ở góc
tường cũng đông hẳn lên, hơn nữa lại còn cả những con cuốn chiếu nữa. Người nhà
mang cơm vào, kinh hãi, lấy chân di di, tôi ngăn lại, tôi nói, tôi phải vẽ nó, cuối
cùng tôi cũng đã vẽ được một bức tranh về nó: quần áo thật đẹp, eo lưng mềm mại,
mấy chục đôi chân của nó rất dài, dài và to, khỏe và chắc nịch như những chiếc vó
ngựa. Tôi lại nghĩ tới người con gái tôi yêu, điều kiện để chúng tôi yêu nhau nếu
như cần đến “ba mươi hai đôi chân”, thì con cuốn chiếu đã trở thành tình địch của
tôi mất rồi. Nhưng giờ đây, tôi, hỏng rồi, nàng đáng ra phải là người tình đáng kiêu
hãnh nhất.
Trong những ngày như thế, chị họ tôi lại tới. Chị đến quá đột ngột, đúng là chị tôi,
đúng là chị đã tới đây. Chị mặc một chiếc áo cánh lụa màu nõn chuối, tôi dám nói
chắc rằng con bướm cũng không thể đẹp hơn. Mắt tôi sáng lóe lên, lấy hết sức
vùng ra khỏi giường, nhưng chị đã ấn tôi xuống, nói:
- Tiểu D, chị đến thăm cậu đây!
- Chị! Chị vẫn không quên em sao?
Tôi nói, mà tôi thấy trong trái tim tôi rung lên đủ cả bảy nốt nhạc, tràn đầy thi tứ,
tôi chẳng biết cảm ơn chị ngần nào cho đủ, mà chỉ nói đi nói lại với chị rằng:
- Em chúc phúc cho chị, chị ơi, em có còn được gọi chị là chị không?
- Thì vẫn gọi là chị chứ sao!
Chị cười, trong nụ cười của chị mang đủ năm màu sắc.
Tôi không sao ngăn nổi dòng nước mắt của mình.
Chị họ tôi ở lại với tôi một ngày.
Tôi nói hết mọi niềm mong chờ, tưởng nhớ của tôi đối với chị, luôn luôn nhớ, chị
đã để lại cho tôi khung trời vuông, bé nhỏ…
Chị lập tức đề nghị gia đình tôi đục cho tôi một khuôn cửa sổ mới ở đầu giường,
mà lại phải thật to vào, và phải lắp kính lên đấy nữa.
A! Tôi có cảm giác rằng tôi có thể nhảy ngay từ trên giường xuống đất, và sẽ reo
thật to lên: Tôi đã nhìn thấy núi hồ cây cỏ bên ngoài cửa sổ kia rồi. Hồ ở đây, nước
màu lam, từ đây nhìn ra, nước hồ như dựng đứng lên, còn cái cây thì như mọc từ
phía bên kia vươn về phía bên này. Cây phía bên này màu vàng, càng xa càng
khác, và là màu xanh lam, màu đen, ở giữa cái màu xanh và màu đen ấy là một
ngôi nhà nhỏ, tường trắng đến chói mắt: trên mặt đất là một khối trắng, dưới nước
cũng lại là một khối màu trắng.
Chị tôi lại đi rồi, chị đã mở ra cho tôi một khung trời hình vuông to hơn, tôi vô
cùng yêu thương khoảng trời ấy, tôi tham lam hưởng thụ khoảng trời ấy, suốt ngày,
suốt cả ngày, tôi mải mê vẽ bầu trời vuông vức này.
Tôi đã từng vẽ ánh sáng trên mặt nước. Nó giống như một tấm gương, tất cả đều in
vào trong ấy: nào mây, nào mặt trời, rồi núi rồi cây, tất cả đều minh bạch rõ ràng
đó là một thế giới đầy bí ẩn…
Khi có gió hiu hiu, tấm gương đó lay động, thì ra nó được dệt ra bằng muôn ngàn
sợi dọc với muôn ngàn sợi ngang, bên trên mặt nó có vô vàn những vì sao nhỏ bé
nhảy múa, có ngôi sao hình ba cánh, có ngôi sao hình năm cánh, tất cả đều tóe ra
vô vàn màu sắc. Những sợi dọc sợi ngang đó, càng dệt càng dày, sự dày dặn, mịn
màng đều đổ xô tới trình hiện trước mắt tôi, rất gần, rất gần, nhưng thực ra, nó lại
xa đi, rất xa xôi, xa xôi lắm!
Tôi đã từng vẽ cả cá nữa.
Trong những buổi hoàng hôn, dáng chiều nhuộm màu cho mặt nước, thỉnh thoảng
có một làn ánh sáng trắng bạc vọt lên lóe sáng, cái ánh sáng lóe lên như thế, chính
là cá, nhưng nó là cá nheo, cá trắm, hay cá mè? Tôi không biết nữa. Nhưng tôi
nghĩ, nước trong hồ này trong veo, trong đến nỗi hình như không tồn tại, mà chỉ là
một khoảng trắng trống rỗng, cá sống trong đó, những con chuồn chuồn ngừng đập
cánh trên cao, chết lặng, nó đang trầm tư, hay đang ngắm bóng mình vậy? Nhưng
rồi trong cái màu trắng rỗng tuếch ấy bỗng có những làn sóng nho nhỏ, dài dài,
giống như những đường vân trên một tấm gỗ dán. Những con cá ấy nó màu hồng,
màu trắng, màu đen và cái ánh sáng đầy hư ảo, nhưng nó bơi đi mất rồi, nhưng cái
ánh sáng hư ảo kia vẫn tỏa ra màu trắng, màu hồng, màu đen lấp lánh.
Trong thời gian đó, gia đình tôi được tin chồng chị họ tôi phải điều động công tác,
không còn làm bí thư ở công xã nữa, được thăng lên làm người chèo lái ở phòng
Nông Lâm huyện. Mọi người trong nhà bỗng như có nhiều hi vọng về tôi hơn,
không phải chỉ có một lần mẹ tôi đã nói với ai đó ngoài sân:
- Cô ấy thường đến chơi với chúng tôi. Cô ấy là chị họ của Tiểu D. đấy, cô ấy là
người yêu của trưởng phòng Nông Lâm huyện, không, trong xã hội cũ đã phải là
bà lớn rồi đấy!
Tôi thấy thương cho tôi, và bỗng nhiên tôi thấy hận mọi người trong gia đình: khi
chị họ tôi chưa đi lấy chồng, chị đến chơi với tôi, mọi người đã chẳng ai xem trọng
chị đến như thế, có khi còn lạnh nhạt nữa, nay thì mấy tiếng chị họ cũng không
dám dùng tới nữa. Tôi nghĩ, thảo nào mà mấy hôm trong suất cơm của tôi có phần
khá hẳn lên, họ muốn cho tôi sống thêm được vài ba năm nữa, như vậy, bà lớn
Trưởng phòng sẽ thường đến nhà tôi nhiều hơn, để cho họ được tự hào. Nhưng lại
chẳng đả động gì tới việc mời thầy thuốc chữa chạy cho tôi, cũng lại chính là vì, họ
sợ tôi bỗng nhiên khỏe khoắn hẳn lên, chị tôi sẽ không còn lai vãng nữa.
Bạn học của tôi, họ hàng nhà tôi, cũng chẳng ai có một chút ân cần nào với tôi, bởi
họ chưa bao giờ hỏi han đến tình hình bệnh tật của tôi cả, mà chỉ có mỗi một kiểu
nói:
- Tiểu D. có phúc!
Thế rồi họ hỏi luôn sang tình hình của chị họ tôi:
- Có phải nói tiếng phổ thông không?(1)
- Ăn mặc thế nào? Có phải là có một chiếc túi xách tay be bé xinh xinh không?
- Có phải đeo một cặp kính mát to bự không?
Tôi bỗng nhiên cảm thấy, bọn họ toàn là những ông câu cá, là một lũ chỉ biết chạy
theo danh vọng. Chị họ tôi chính là một con cá trong nước, con cá đỏ hồng đỏ
thắm, còn họ là một con giun, lấy tay cấu ra một khúc, móc lên lưỡi câu…
Nhưng tôi lại mong ngày mong đêm chị tôi tới, tôi tình nguyện cho người ta cấu ra
một khúc, và được chị tán thành tôi sẽ để chị nuốt thẳng tôi vào bụng. A! Chị tôi đã
đến thật rồi. Lúc đó đang là mùa thu, chị mặc một chiếc áo lên đan bó chặt lấy thân
mình, một loại len cực tốt, ngồi trên đầu giường tôi, hỏi chân tôi còn có cảm giác
gì không, nằm thế có cảm thấy quá hiu quạnh không. Tôi chỉ chảy nước mắt,
không nói lên lời.
Tôi đem tất cả những bức tranh đã vẽ cho chị xem, hình như chị thích lắm, chị bảo
tôi vẽ đẹp, và lại muốn tôi vẽ thêm thật nhiều. Chị còn đi mua cho tôi một khung
gương thật to, đặt lên trên bàn bên cửa sổ, quay mặt nó nghiêng nghiêng ra phía
ngoài, quả nhiên đó là một tấm gương tốt, ngay lập tức tôi nhìn thấy trời đất, thế
giới bên kia hồ. Đó là núi đá cheo leo, trên đó mọc lơ thơ những cây thông, cây
phong gì đấy, những cây cối ấy đã già lão cả, có cây còn trơ ra những cành khô
khẳng khiu, cứng quèo, có cây chỉ lơ thơ mấy chiếc lá cô đơn, vàng vàng, phơ phất
như những ánh sao.
Tôi vội vẽ ngay lấy chúng…
Chị tôi bảo, bức tranh thật đẹp.
Và chị mang đi theo.
Chị đi rồi, chị ra đi như thế nào? Tôi cứ nghĩ mãi về con đường đi của chị…
Có thể, chị leo lên dốc núi đá mà đi, núi ở bên đó rất nhiều. Những ngọn núi gần,
nó đông đặc lại như sắt, núi nơi xa, nhạt dần, rồi càng xa càng nhạt, nó mông lung
như một giấc mơ. Đường đi ở trong núi, mặt đường lổn nhổn những đá xanh, bước
đi làm nó vang lên lạo xạo, chị vui vẻ bước đi, vừa đi vừa nhặt những hòn đá, lơ
đãng quẳng đi, rồi nó rơi mất vào bụi cây rậm rạp ở nơi xa, những con chim rừng
hốt hoảng bay lên, trên bầu trời, giữa cái sắc màu bạc sam sám đang có vô số
những điểm đen chao đảo.
Cũng có thể là chị đi từ con đê bối ngược lên. ở đó có một khoảng rừng thu, mà
rừng hình như không phải do cây tạo thành, mà là một đống màu sắc ngổn ngang,
hồng có, thắm có, tím có, vàng có, và còn có cả những sắc do màu pha trộn vào với
nhau…
Phía trước là rừng cây hoa(2), cây mọc thành hàng thành lối, toàn một màu phấn
trắng, mặt trời đã nhô lên, khiến cho mỗi cây hoa đều có một chiếc bóng của mình,
mà những chiếc bóng ấy cũng đều mang một màu phấn trắng…
Chị đi đến ven sông thì trời đã tối, những cành đen đủi của hàng liễu, lá lơ thơ
buông mành, nó rủ xuống như mây bay nước chảy. Lá cũng rụng hết rồi, chỉ còn
lại những chiếc cọng con. Trăng xanh nhàn nhạt, vàng nhờ nhờ, mấy con quạ đen
vút bay qua, đầu đen thui, đuôi cũng đen thui, nhưng ở ngực lại trắng đến lóa mắt.
Tôi cứ suy nghĩ thế mãi, mỗi lần suy nghĩ tôi lại vẽ một bức họa, và tôi đã vẽ tất cả
tới mười mấy bức…
Tôi mong mỏi chị tôi lại tới, tôi sẽ đem tất cả những bức tranh đó ra, tặng chị.
Nhưng rồi, mùa thu đã trôi qua đi, vẫn không thấy chị tôi đến.
Người nhà tôi vẫn thường hỏi tôi:
- Tiểu D. lúc nào thì chị ấy lại trở về?
Tôi không trả lời được.
Một ngày trôi qua, rồi lại một ngày nữa trôi qua.
Có một hôm mẹ tôi nói với tôi:
- Thế là xong, chị ấy chẳng còn bao giờ trở về đây nữa.
Tôi hỏi:
- Tại sao lại thế?
Tôi hỏi, tôi hỏi to như thể chất vấn mẹ tôi.
- Dân làng đồn rằng, vị trưởng phòng ấy đã được đề bạt lên làm huyện trưởng rồi,
chị ấy bây giờ là một vị phu nhân rồi!
- Là phu nhân? Là phu nhân ư?
Tôi trầm ngâm, trầm ngâm, cả một ngày trắng, cả một đêm đen tôi không ngủ
được, và cũng chẳng mơ mộng nữa. Tôi nghĩ, chị ấy có thể chẳng bao giờ đến đây
nữa thật.
Chị không thể đến được nữa rồi, tất cả đều đã hết ánh sáng, tắt ngấm…
Người trong gia đình tôi cũng ít bước vào phòng tôi, cơm nước cũng có phần sút
kém đi. Tôi đã thấy mẹ tôi đánh đập con mèo già ngay trước mặt tôi, mắng nó rằng
“bắt chuột không hay lại hay ỉa bếp”. Thật tội nghiệp cho con mèo, mỗi khi nó lẻn
vào phòng tôi, tôi lại gọi cho nó chui vào trong chăn. Nó rét đến run lên lẩy bẩy, nó
nép vào ngực tôi, đưa cặp mắt xanh lè nhìn tôi. Tuyết bắt đầu như người ta xé
những túm bông ném xuống đậu trên khung cửa sổ, khung cửa sổ không còn bầu
trời ngoài kia nữa, băng đông trên khung cửa sổ, chẳng nhìn thấy gì nữa, cả nước,
cả núi, cả những con cuốn chiếu lắm chân cũng chẳng thấy đâu, những con kiến
cũng rất vắng vẻ, tôi chỉ có mình tôi, chỉ có con mèo tội nghiệp của tôi. Tôi sợ lắm,
lo lắng rằng có một ngày nào con mèo của tôi chết mất, thì còn ai là người bầu bạn
với tôi nữa?
Tôi phải tranh thủ thời gian vẽ nó.
Tôi vẽ đôi mắt nó, đôi phần mang sự nồng nhiệt của trái tim xuân, đôi phần mang
sự ngượng ngùng e ấp của người thiếu nữ, đôi lòng đen của cặp mắt ấy, khi tôi gắn
nó ở chân sống mũi, nó đang mang một nụ cười rất hồn nhiên, khi tôi đưa lòng đen
về góc mắt, thì đó là cái nhìn giận dữ ngọt ngào, còn khi lòng đen dừng lại ở chính
giữa, thì nó như đang đăm đắm nhìn về một nơi xa xôi nào đấy, và nó phóng ra
một vòng hào quang làm mê muội lòng người.
Tôi vẽ mặt nó, giống như mặt một bà lão hiền hậu, trên trán có những vết nhăn
thực sâu, miệng móm mém, giống như đang nhai một cái gì đó, kêu tóp tép. Tôi
cũng vẽ nó thành một ông lão, già lụ khụ, râu rất dài, ngồi dưới ánh nắng mặt trời,
đôi mi mắt cụp xuống, ngủ gà ngủ gật, vang lên những hơi thở đều đều, không
nhanh không chậm…
Tất cả những tình cảm của tôi, những màu sắc của tôi, tôi trút hết cho con mèo, gần
như đã quên mất chị tôi đi…
Nhưng chính giữa lúc đó, người bưu tá đưa đến một phong thư, người nhận, viết
tên tôi, rất rõ ràng. Tôi cảm thấy là lạ, khác thường.
Trên cái thế gian này, nào còn có ai nhớ đến tôi? Tôi nhìn lại phong thư, rõ ràng là
đề tên tôi. Tôi bóc thư, đó là thư của chị tôi. A! Chị bảo tôi, công việc của chị rất
bận, chị cho tôi biết rằng, chồng chị làm huyện trưởng, công việc tối mắt tối mũi,
nên công việc trong nhà đều do một mình tay chị lo liệu, không còn một giờ rảnh
rỗi nào…
Nhưng chị nói:
- Thế nào chị cũng sẽ đến thăm cậu!
Tôi tưởng chừng như phát điên phát rồ lên, tôi lớn tiếng gọi con mèo của tôi đến,
tôi ôm nó, tôi bế nó, thơm nó, rồi tôi bóp nó, tôi đánh nó, gào lên:
- Chị ơi! Chị ơi!
Gia đình tôi biết được tin này, đều cuống quýt cả lên. Mẹ tôi sai anh tôi, chị
tôi, đi mua cái này, sắm cái nọ. Trong bếp đầy tiếng leng keng, loảng xoảng, rõ
ràng là đang làm cơm rượu rồi… Sau đấy mẹ tôi chạy vào phòng tôi, mắng tôi:
– Chị, chị cái gì mà cứ quang quác lỗ miệng lên thế? Người ta là huyện trưởng phu
nhân rồi đấy!
Tôi chẳng coi điều mắng mỏ ấy vào đâu, tôi vẫn cứ gào thét, tôi thấy người tôi
nóng cồn cào, tôi không thể nằm trên chiếc giường này được nữa, không thể giam
mình vào trong bốn bức tường này được nữa. Tôi gào thét khóc lóc, đòi người nhà
phải khênh giường của tôi ra ngoài sân. Ngoài sân, tuyết cũng đã ngừng rơi rồi,
nhưng tuyết còn đóng lại rất dày. Tất cả đều trắng xóa. Mẹ tôi bảo quét dọn một
đám tuyết lấy chỗ đặt giường, tôi dứt khoát không chịu, đòi khênh giường ra đặt
ngay trên mặt tuyết. Tôi nằm ở đó, là tôi có thể nhìn thấy trời, trời trắng xóa, đất
cũng trắng xóa, trời là đất, đất là trời, tôi không sao phân biệt được nữa. Tôi hơi
nghiêng đầu, tôi nhìn thấy một gốc mai ở góc tường. Trên cành mai đọng những
lớp tuyết trắng dày, những cánh hoa màu hồng nổi bật trên lớp tuyết trắng ấy, càng
làm cho con người cảm thấy bất an.
Đột nhiên tôi vô cùng muốn vẽ. Tôi phải vẽ chị tôi đến đây lần này. Đúng thế, có
lẽ chị tôi đã bắt đầu lên đường rồi, lên đường đến với tôi, để kịp khi chị tôi tới đây,
tôi sẽ tặng chị mấy bức tranh “Đạp Tuyết đồ”.(3)
Tôi liền vẽ ngay. Tôi vẽ một vùng tuyết trắng, mênh mang tất cả chỉ có một màu
trắng. Chừng như tất cả màu trắng tôi có, tôi đã đem bôi lên tranh hết, sau đó tôi
bôi thêm lên đó một chút màu hồng. Màu hồng chính là chị tôi vậy, chắc chắn chị
tôi phải mặc màu hồng, nhất định chị phải mặc màu hồng…
Nhưng rồi tôi cảm thấy bức tranh ấy không đẹp. Tôi bắt đầu vẽ bức thứ hai. Bức
tranh này của tôi, vẫn là mặt đất đầy tuyết trắng, mênh mang… tất cả đều màu
xanh. Cơ hồ như tôi đã bôi hết màu xanh mà tôi có lên đó. Tôi nghĩ rằng, trời màu
xanh, vậy thì trên mặt tuyết sẽ là màu xanh, như vậy càng có vẻ lạnh lẽo hơn, và
khi chị tôi mặc màu hồng xuất hiện, sẽ như một ngọn lửa bừng bừng ấm áp.
Nhưng tôi vẫn chưa thấy vừa lòng. Tôi lại vẽ một bức tranh mới. Tôi vẫn vẽ một
vùng đất tuyết, mênh mang, tất cả đều là một màu hồng, tất cả những màu hồng mà
tôi có, tôi đều bôi lên đấy hết, tôi bôi dày đến gần một ngón tay.
Tất cả nhà đều xúm lại xem tôi vẽ. Bọn họ cười tôi, nói tôi hoang tưởng đến tức
cười. Tôi nói với con mèo già đang nằm phục bên cạnh tôi:
- Cảm xúc của tao là như vậy! Cảm xúc của tao là như vậy! Mày thử nói xem, thử
nói xem nào!
Con mèo già rùng rùng đôi tai, liếc mắt cho tôi, nó đang cười.
Nó đã hiểu được tôi, tôi được an ủi, linh hồn tôi cảm thấy yên bình, sau đó, tôi
cũng bật cười?
(1) Người nông dân Trung Quốc có quan niệm rằng, nói tiếng phổ thông mới
là người tỉnh thành, thanh lịch, còn nói tiếng địa phương là thô thiển, nhà quê.
(2) Hoa đây không mang nghĩa “hoa quả”, mà là tên cây, thân gỗ, dễ chẻ,
ngày xưa người ta chẻ gỗ hoa, tẩm dầu mỡ, làm đuốc đốt trong các đám cưới, bởi
thế mới có tên đuốc hoa (hoa chúc).Có thể ở đây tác giả cho nhân vật liên tưởng
đến một đám cưới.
(3) “Đạp tuyết đồ”: đi trên tuyết.
Lê Bầu dịch
(Tạp chí Văn học nước ngoài 4/2003)
Ở QUÁN BÁN CHIM
Ở thị trấn Thương Khang chúng tôi, xưa nay không có tập quán nuôi chim, thoạt
đầu chỉ có một vài cá nhân chơi chim, dần dà người ta bắt đầu mua bán chim, rồi
trở nên thịnh hành, một thời, tiếng đồn lan khắp xa gần. Cuối cùng nó được coi là
một nghề phụ của thị trấn. Tập thể cũng làm một cái quán bán chim. Tôi cũng thu
xếp thời gian tạm thời ra quán làm người bán chim.
Cái quán nhỏ lắm, được dựng lên ở cổng chợ phía Đông thị trấn cửa quán có một
cây hòe cổ thụ, dễ cũng được trăm năm, cành lá xum xuệ Sáng sớm mỗi ngày,
chúng tôi đem các loại lồng chim to nhỏ, treo mắc lên đầy những cành cây, xa
trông như một chợ chim thiên nhiên, đến gần lại nghe như khúc hát của cây, vì thế
mà lôi kéo được khối người tới đó, như: Có người đến bán bánh cuốn, có người
bán bánh rán, song nhiều hơn cả vẫn là những người rỗi việc ghé lại chơi, người
đánh bài, người đánh cờ tướng, và trăm thứ chuyện trên trời dưới đất.
Ngồi miết trong quán cũng buồn, nên tôi ra đó, nói chuyện tiếu lâm chơi.
Nhưng chuyện nhiều hơn cả là nói về lão Vương “nói lắp” ở ngõ phố Đông. Nhưng
khi thấy lão tới, là mọi người lại im re, và tản đi mỗi người một nơi: Chẳng ai
muốn lão ló mặt tới đây, vậy mà cứ vài ba ngày lão lại đảo tới một lần. Lão là một
ông lão già đã hơn sáu chục tuổi, sống ở thị trấn này có tới mấy đời rồi, người lớn,
trẻ con chẳng ai là người không biết mặt lão. Nửa năm lại đây lão béo phệ ra một
cách khủng khiếp, béo đến biến dạng con người lão đi. Mặt lão lúc nào cũng bóng
nhẫy, y như trát một lớp mỡ lợn vậy. Lão cứ ngồi xuống một cái là đầu lão toát mồ
hôi hột, chiếc quạt lá cọ cứ phì phạch hoài không dứt. Còn miệng lão cứ liến
thoắng, hầu như không sao dừng được.
Chưa, chưa bao giờ thấy, thấy, trời đất, lại, lại oi, oi nồng, như thế, thế này!
Mà, mà lại lại sinh ra cái, cái giống rận nữa, lắm, lắm quá!
Lão ngồi xuống, cởi ngay áo, lần theo những đường chỉ khâu bắt rận. Quả là nhiều
rận thật. Lão bắt đến nỗi không kịp giết, tiện tay lão vứt thẳng chúng xuống đất.
Những người xung quanh thấy kinh kinh, bảo lão:
- Ông chẳng chịu tắm giặt gì phải không?
Lão đáp:
- Trước, trước kia, tôi, tôi có tắm, tắm giặt gì đâu, mà sao vẫn không có rận? Bây,
bây giờ thuốc bột cũng, cũng chẳng, chẳng trị được chúng nữa, trước, trước kia cứ
rắc một ít, ít thuốc, thuốc bột, là chúng chết, chết sạch, bây giờ, giờ có rắc, rắc
cũng chẳng, chẳng ăn, ăn thua gì.
Mọi người chẳng buồn nói chuyện với lão nữa, nên đứng dậy bỏ đi. Nhưng lũ nhóc
lại quây lấy lão, vừa xem lão bắt rận ném xuống vừa đếm.
- Bảy con, tám con… mười con, mười một con…
Lão thấy ngượng nên mắng lũ trẻ:
- Cút, cút, xéo ra, ra đằng kia!…
Lũ trẻ con không cút ra đằng kia mà chúng lại lấy đó làm vui, và nhại lại lão:
- Chúng, chúng tôi, không cút, cút, xéo, xéo ra, ra đằng kia…
Lão đứng đó tức giận, nhặt lấy một hòn đá, giơ cao lên khỏi đầu, hét to:
- Cho, cho chúng mày chết.
Nhưng hòn đá đã tuột ra đằng sau lưng lão, tay lão vung ném đi chỉ là tay
không. Có đứa sợ bỏ chạy, vấp chân ngã xoài ra đất, lão chạy tới, dựng nó dậy và
bảo:
- Tao, tao là tao dọa, dọa thế, thế thôi!
Thằng bé bò dậy, nó chạy được hai thước, đã gào lên:
- Tao, tao là tao dọa, dọa thế thôi!
Tôi cũng bật cười, không thể nào nhịn được nữa. Lão đi lại phía tôi và nói:
– Lũ, lũ trẻ bây, bây giờ, mất, mất dạy! Anh, anh là người tốt, bán chim cũng cũng
hay, cái, cái đại đội sản xuất của, của tôi, bầu, bầu bán, cái quái gì, mà lại, lại bầu,
bầu một, một thằng trẻ ranh, nó, nó chả hơn, hơn anh mấy tuổi, thế, thế là, là
không, không, không được, là là hỏng…
Tôi đáp:
- Sao lại không được? Nếu không được, mọi người còn bầu anh ta làm gì?
Lão nói:
- Ôi! Non, non quá mà! Đến tôi, tôi ngần này tuổi, tuổi đầu, đến nhà, nhà mình,
còn không, không quản quản nổi. Vậy anh, anh ta, quản, quản được cả đại đội sao?
Bắt, bắt mèo kéo, kéo xe, rồi sẽ bị, bị nó, nó kéo, kéo vào, vào gầm giường ấy…
- Thế thì ông phải vạch đường cho anh ta, ông nên làm tham mưu mới phải chứ!
- Nó, nó đâu chịu, chịu tìm, tìm tôi
- Lão nói có vẻ bực bội
- Để, để rồi xem, xem nó, nó làm, làm ăn như thế, thế nào.
- Ông đừng có khinh thường lớp trẻ.
- Lớp, lớp người trẻ, chỉ, chỉ bán, bán chim là hợp, hợp thôi.
Tôi khó chịu, bật lửa châm thuốc hút.
Đám trẻ lúc nãy, đã lại vây quanh lấy lão, lại om sòm nhại lão, lão đuổi chúng đi,
rồi lắc đầu nói:
- Bây, bây giờ, lũ, lũ trẻ không, không biết ăn lời.
Lão chẳng được ai yêu mến! Mọi người đều muốn lánh mặt lão, chẳng thích trò
chuyện với lão, vậy mà lão cứ hay đảo qua đây, rồi vội vã ra về. Tôi thấy tội
nghiệp cho lão, nên đôi lúc có chuyện trò với lão một vài câu, nhưng lão lại cứ một
mực chửi bới những người trẻ tuổi mới được bầu bán, thế là lão lại làm tôi nổi cáu,
tôi cho lão một trận. Tôi cứ tưởng từ đó, lão từ mặt tôi, không thèm lai vãng tới
đây nữa, vậy mà buổi trưa hôm đó, đã thấy lão chống gậy lù lù tới…
Mắt lão đỏ ngầu, hai cục dử trắng xóa hai bên khóe mắt, lão đi thẳng tới hàng bánh
cuốn, ngồi tréo khoeo lên ghế to tiếng gọi bánh ăn. Những con ruồi bay quanh mắt
lão, đuổi nó đi cũng không bay, thế là lão lại lầu bầu:
- Ruồi, ruồi, đâu, đâu mà lắm, lắm thế?
Người bán bánh đáp:
- Ông đi thì ruồi khắc đi!
Lão ngượng, không dám đuổi ruồi nữa, chỉ lấy tay phẩy phẩy trước mắt, nói:
– Nào, nào! Cái nước chấm bánh, bánh cuốn, của, của anh, chẳng, chẳng có
mùi, mùi vị gì. Trước, trước kia tôi ăn, ăn bánh của, của lão Vương, Vương rỗ, ở, ở
phố Đông chao ôi, nước, nước chấm vừa chua, vừa, vừa cay…
Người bán hàng lườm lão, múc thêm nước chấm cho lão. Tôi nhìn mà chỉ muốn
bật cười, đảo sang đó, bảo lão, nước chấm cay chua như thế liệu lão có nuốt trôi
được không?
Tôi, tôi bị cảm gió, anh nhìn, nhìn mắt tôi, và, và cả, cả đầu lưỡi nữa…
Tôi bật cười to, rồi lại thấy tội nghiệp cho lão: Con người mập ú như thế, lại nóng
bức, ngột ngạt, đến khổ, mà lão lại sốt nữa, làm sao mà chịu đựng nổi.
- Thế là ông ốm mất rồi đấy! Đã vậy, thì ở nhà bảo con dâu nó làm cho cái gì ngon
ngon một chút mà ăn, chứ sao lại mò đến đây.
Lão đáp:
-Thì thì, chính con, con dâu, nó hại, hại tôi mà!
- Con dâu hại ông?
– Thì tôi đã, đã nói trước rằng, rằng, cái thằng, thằng đội trưởng mới ấy là,
là không, không ổn. Nó, nó thực hiện, làm, làm bao nhiêu, hưởng, hưởng bấy
nhiêu, rồi lại bình, bình bầu, người tốt, việc tốt, có, có thưởng. Thế là, là con, con
dâu tôi, lao, lao vào làm, công nó, nhiều hơn, hơn công tôi. Nó được, được thưởng,
mà, mà không không đưa tiền, cho, cho tôi, lại còn giận giận dỗi to, to mồm, cãi,
cãi nhau với tôi. Tôi, tôi bực, tôi, tôi tức. Tôi, tôi ăn phá, uống, uống phá… Chúng
nó, không, không thèm, thèm nhìn mặt tôi, tôi, tôi cũng mặc, mặc xác chúng nó.
Cái tiếng mặc xác chúng nó của lão, lão làm cho mấy con ruồi đang đậu trên mặt
lão bay vụt lên. Ăn xong, lão liền đi đến quán bán chim, ngồi ngay vào chiếc ghế
trước cửa quán. Lão tiếp tục hỏi tôi:
- Anh, anh có định lấy, lấy vợ không?
Tôi không đáp lại lời lão. Lão vẫn nói:
- Lấy, lấy vợ, nhất, nhất định phải, phải trị. Cái, cái bọn con gái, ở đại đội tôi, tôi
ấy, đừng đừng có động vào… Nó nó, mà làm gì, hưởng, hưởng nấy, đều, đều là lũ,
lũ bất tri…
Tôi chán ngán đến nẫu cả ruột, định đuổi lão cuốn xéo, nhưng ngại chẳng dám nói
ra, nên đứng dậy, đi ra chơi đùa với lũ chim.
Lão cũng cảm thấy trống trải, ngồi bần thần ra đó một lát rồi vừa lấy tay phẩy phẩy
trước mắt, vừa chậm rãi bước đi.
Có một người bảo tôi:
- Bận sau, lão ấy tới, cậu đừng trò chuyện gì với lão ta nữa.
Vậy mà ngay chiều tối hôm đó, khi chúng tôi đang dọn dẹp các lồng chim, chuẩn
bị đóng cửa hàng, bỗng có tiếng gọi.
- Này! Này anh, anh ra, ra đây một lát!
Tôi giật thót người:
- Có chuyện gì vậy?
- Cái tay, tay đội trưởng, lại, lại, này, này nói ra một, một trò mới. Hắn nói… sẽ
khoán, khoán, ruộng đất, đến, đến tận hộ. Thế, thế có, có láo lếu không, không cơ
chứ? Tôi, tôi nói cho anh biết, anh, anh cần lên, lên huyện, báo cáo đi.
Tôi, tôi, không đi được, anh, anh thay tôi, chạy, chạy đi mới được.
Tôi cười nói:
- Việc khoán sản, khoán hộ, là chính sách mới về nông thôn, mà Trung
ương Đảng đã tuyên bố cho phép, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhất là cái
vùng đất núi của ta đây, việc khoán ruộng đất đến từng hộ gia đình là tốt nhất, mấy
đại đội sản xuất quanh vùng ta đây người ta đều làm thế cả rồi.
Lão hỏi:
- Thật, thật thế chứ?
Tôi đáp:
- Chẳng thật thì giả à?
Lão kêu lên, lão lại càng nói lắp nhiều hơn:
- Thế, thế, thế, thế tôi, biết, biết làm sao, bây, bây giờ?
- Thì ông vẫn là ông chứ sao.
- Thế, thế, khoán, khoán đến hộ, tôi làm, làm sao, sao được. Tôi làm gì? Con, con
trai, con, con dâu, nó, nó, có chịu, chịu nghe tôi không chứ? Thế, thế là hỏng, hỏng
ráo cả!
Tôi chẳng còn nể nang gì lão nữa:
- Ông cứ bớt mồm bớt miệng, ít nói nhăng nói cuội đi là được!
- Tôi, tôi không quản, thì, thì còn, còn ra thế, thế nào.
- Để cho ông quản có mà hỏng bét hết!
Ông nhìn tôi chòng chọc, rồi phẩy tay nói:
- Anh, anh cũng là, một thằng, một thằng hư hỏng! Tôi, tôi quý anh, mà, mà anh,
anh còn nói, nói với tôi, như, như thế. Thì, thì ra anh, anh cùng, cùng là một giuộc,
với, chúng, chúng nó. Hừ, tôi, tôi chẳng thèm, thèm đến đây nữa.
Lão bỏ đi, tôi bỗng thấy vui vui, mong sao lão đừng có lai vãng đến đây nữa.
Quả nhiên đã mười ngày qua đi, rồi nửa tháng trôi xuôi, không thấy lão đến với tôi
thật.
Tôi hầu như sắp quên hẳn lão đi, thì lão lại mò đến.
Tôi nói:
- Ông đã chẳng thề rằng không thèm đến đây nữa sao.
Lão đáp:
– Tôi, tôi đến, đến mua chim!
Mua chim, điều đó làm tôi vô cùng kinh ngạc, xưa nay lão có bao giờ thích
thú cái trò chim chóc gì đâu. Tôi hỏi:
– Ông mua chim? Ông mua chim gì? Ông cứ bảo khoán ruộng đất đến hộ là
hỏng, sao bây giờ ông lại nhàn nhã thế, mà lại đi nuôi chim!
Ông bắt đầu nổi cáu:
- Tôi mua, con yểng, tôi sẽ chuyện, chuyện trò với, với con yểng vậy. Bây, bây giờ,
chẳng ai, ai chịu nghe tôi, tôi nói, chẳng, chẳng ai, nói, nói với tôi nữa. Tôi mua,
mua con yểng, anh, anh chọn cho tôi, con yểng khỏe, thật, thật dẻo mỏ vào.
Tôi chọn cho lão một con yểng, thu tiền xong, lão xách lồng chim ra đi.
Từ đó, tôi chẳng biết lão sống ra sao, chẳng biết lão nói với con yểng những
gì, và con yểng đã học được bao nhiêu lời của lão, để giải buồn cho lão. Rồi đột
nhiên, tôi lại thấy thương thương lão, thầm mong cho lão không còn bị trống trải
cô đơn, và cũng không còn bị ai ghét bỏ nữa. Nếu đúng là như thế, thì tôi thật cảm
ơn con yểng dẻo mỏ kia.
Nhưng mươi hôm sau, lão lại dò tới đây, một tay cầm cái lồng vẫn là con
yểng lông biêng biếc xanh đỏ. Tôi vừa định tới hỏi thăm xem lão sống ra sao, lão
đặt chiếc lồng lên bàn, nói:
– Tôi, tôi trả lại con yểng!
– Nó làm sao?
– Con yểng của anh, rất tồi. Ngày ngày xưa, tôi vào, vào thành phố, nhà ông
cậu tôi, người ta nuôi con yểng dẻo mỏ lắm, gì nó, nó cũng nói, nói được, gì nó
cũng nói được, được rõ ràng. Bây giờ, con yểng, yểng này hỏng… Tôi trả, trả lại
cho anh, tôi ghét, ghét nó, vì nó, nó nói, nói lắp!
Lê Bầu dịch
LÃNH ĐẠO
Lãnh đạo huyện đến Thái Bạch Sơn kiểm tra công tác. Uỷ ban xã chuần bị sẵn đặc
sản địa phương, gói to gói nhỏ, chất đống ở văn phòng, để bày tỏ chút ít tấm lòng
của nhân dân miền núi khi lãnh đạo ra đi. Không ngờ lại bị mất cắp. Khẩn trương
tra tìm, cuối cùng đã tóm được kẻ lấy trộm. Khi định giải lên Đồn công an, kẻ cắp
xin lập công chuộc tội. Hỏi lập công như thế nào, hắn nói có công năng đặc biệt,
cách xa ngoài mấy chục mét biết được hoạt động của người trong nhà. Nếu được
tha, từ nay về sau, có thể phối hợp với đồn công an tìm bắt tội phạm khác. Lãnh
đạo tỏ ra hứng thú, đồng ý sáng mai đến nghiệm chứng.
Ngày mai, nhận quà xong, lãnh đạo lập tức lên xe về huyện, bỗng nhớ tới kẻ cắp,
gọi đến hỏi:
- Ngươi bảo ngươi có công năng đặc biệt, vậy ta hỏi ngươi, canh một đêm qua
ta làm gì?
Kẻ cắp trả lời:
- Xin thưa lãnh đao, canh một đêm qua lãnh đạo không nghỉ, vẫn tranh thủ
thời gian bàn bạc công việc với hội trưởng phụ nữ. Lãnh đạo ngồi trên giường, sau
đó sơ ý ngã xuống đất.
Lãnh đạo nói:
- Láo toét! Người lớn như ta, sao lại có chuyện ngã xuống đất?
Kẻ cắp nói:
- Thế sao con nghe thấy Hội trưởng phụ nữ giục: “lên đi, lên đi!” Chẳng phải
lãnh đạo ngã xuống đất là gì?
Lãnh đạo nghĩ một lát, gật đầu, hỏi:
- Thế canh hai ta làm gỉ?
Kẻ cắp trả lời:
- Canh hai ăn bồi dưỡng đêm, lãnh đạo ăn cua.
Lãnh đạo bảo:
- Nói láo, xưa nay ta không bao giờ ăn đêm. Dạ dày và đường ruột của ta tồi
lắm, ăn vào không ngủ được.
Kẻ cắp nói:
- Thế sao con nghe thấy lãnh đạo bảo: “tách chân ra”. Đấy chẳng phải ăn cua
thì làm gì?
Lãnh đạo suy nghĩ, ừ một tiếng, hỏi :
- Vậy canh ba ta làm gì?
Kẻ cắp đáp:
- Để tìm hiểu thêm tình hình đời sống của dân chúng miền núi, lãnh đạo đã
mời hẳn mẹ của Hội trưởng phụ nữ đến hỏi tình hình.
Lãnh đạo nói;
- Đúng là láo toét! Ban ngày ta đã tìm hiểu tình hình. Buổi tối dứt
khoát không có chuyện mời mẹ Hội trưởng phụ nữ.
Kẻ cằp nói:
- Rõ ràng con nghe thấy Hội trưởng phụ nữ gọi một tiếng “ ối mẹ ơi”mà!
Lãnh đạo nín thinh, hỏi tiếp:
- Thế còn canh tư?
Kẻ cắp trả lời:
- Canh tư lãnh đạo bàn công việc đã mệt, lấy nước lã rửa mặt cho tỉnh táo đầu
óc.
Lãnh đạo nói:
- Lại nói bậy! Hoàn toàn không có chuyện rửa mặt rửa miếc gì hết!
Kẻ cắp nói:
- Nếu không rửa mặt, tại sao lãnh đạo bảo: “ Em rửa rồi à, rửa cho anh một
thể!”
Như chợt hiểu ra, lãnh đạo lẩm bẩm mấy câu, hỏi tiếp:
- Canh năm, canh năm ta làm gỉ?
Kẻ cắp đáp:
- Canh năm bàn xong công việc, lãnh đạo khéo biết điều tiết sinh hoạt, đã chơi
cờ với Hội trưởng phụ nữ.
Lãnh đạo nói:
- Nói láo! Nói láo! Đã mấy giờ rồi còn chơi cờ?
Kẻ cắp đáp:
- Rõ ràng con nghe thấy lãnh đạo bảo: “Chơi ván nữa, chơi ván nữa” mà lị!
Không phải đánh cờ hay sao?
Lãnh đạo phì cười, bảo:
- Cũng được, có công năng đặc biệt, ta sẽ bảo Đồn công an miễn tội cho
ngươi!
Từ đó trở đi, kẻ cắp được Đồn công an coi trọng. Nghe đâu đã phối hợp phá được
mấy vụ án.
Vũ Công Hoan dịch
Nguồn: Giả Bình Ao văn tập, tập 6.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 1. Trịnh Ân Ba, Trịnh Thu Lôi, Lê Hải Yến. Văn học Trung Quốc. NXB
Thế Giới, Hà Nội, 2002.
2. 2. Trần Xuân Đề. Lịch sử văn học Trung Quốc. NXB Giáo Dục, 2002.
3. 3. Trần Xuân Đề. Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc., NXB Giáo Dục, 2000.
4. 4. Hồ Sĩ Hiệp. Một số vấn đề văn học Trung Quốc đương đại. NXB Tổng
hợp Đồng Nai, 2007.
5. 5. Hồ Sĩ Hiệp. Một số vấn đề văn học Trung Quốc thời kì mới. NXB Đại
học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
6. 6. Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh. Văn học sử Trung Quốc, tập 3.
Người dịch: Phạm Công Đạt, NXB Phụ nữ, 2000.
7. 7. Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2. Đại Bách Khoa Toàn Thư
Trung Quốc, nhiều tác giả biên soạn. Người dịch: Bùi Hữu Hồng. NXB Thế
Giới ấn hành năm 2000.
8. 8. Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2. Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện
khoa học xã hội Trung Quốc. Nhiều người dịch. NXB Giáo dục 1997.
9. 9. Thái Nguyễn Bạch Liên. Tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc Thời đại
ảo. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
10. Truyện ngắn Trung Quốc hiện đại. Người dịch: Đào Văn Lưu, Nguyễn Thị
Hoài Thanh. NXB Văn hoá Thông tin, 2003.
11. Diêu Đại Lương (chủ biên). Đương đại Trung Quốc văn học, NXB Sư phạm
Quảng Tây, 1993. Người dịch: Nhiều người dịch.
12. Phùng Hoài Ngọc. Đề cương bài giảng “Thi pháp học hiện đại” (Tài liệu lưu
hành nội bộ), Đại học An Giang, 2005.
13. Phùng Hoài Ngọc. Giáo trình Văn học Trung Quốc (Tài liệu lưu hành nội bộ),
Đại học An Giang, 2003.
14. Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Lưu Đức Trung, Trần Lê Bảo. Lịch sử Văn
học Trung Quốc, tập 2. NXB Đại học sư phạm 2002.
15. Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ. Văn học Trung Quốc, tập 2. NXB Giáo
dục, 1998.
16. Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử, Huyền Giang, Trần Ngọc Vương, Trần
Nho Thìn, Đoàn Thị Thu Vân. Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam.
NXB Giáo dục, 1997.
17. Lỗ Tấn. Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc. Lương Duy Tâm dịch. NXB
Văn hóa, 1996.
18. Vương Thiết Tiên, Dương Kiếm Long, Vương Khắc Cường, Mã Di Lỗ,
Lưu Đĩnh Sinh. Hai mươi năm văn học thời kì mới, NXB Giáo dục Thượng Hải,
2001. Người dịch: Nhiều người dịch.
19. Tuyển tập Cao lương đỏ. Người dịch: Lê Huy Tiêu. NXB Lao động, 2007
20. Lương Duy Thứ. Bài giảng Văn học Trung Quốc. NXB Đại học Quốc Gia
Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
21. Truyện ngắn Giả Bình Ao. Nhiều người dịch. NXB Công an nhân dân, 2003.
22. Từ điển văn học (Bộ mới). NXB Thế Giới, 2004.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tim_hi_u_hinh_tu_ng_nhan_v_t_trong_m_t_s_truy_n_ng_n_trung_qu_c_uong_9107.pdf