Những thành tựu của sinh vật học đã góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề về bản
chất của sự sống, bản chất của di truyền; vấn đề về tính toàn vẹn của cơ thể, về mối
quan hệ gắn bó giữa cơ thể với môi trường sống. Ngày nay, khi cuộc cách mạng khoa
học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ sinh học đã và đang có những
bước đột phá mới vào tầng cấu trúc sâu hơn của bản chất, sự sống, bản chất của gien di
truyền., nhờ đó, mà đã tạo ra những thành tựu mới trong lĩnh vực vật chất sống như
những sản phẩm biến đổi gien, nhân bản vô tính động vật, lập bản đồ gien, giải mã bộ
gien của người, biến đổi và thay đổi gien trong chữa trị bệnh tật; nuôi cấy, thay ghép
các phủ tạng của con người, thụ thai trong "ống nghiệm". thì những vấn đề thuộc khía
cạnh triết học - xã hội của sinh vật học cũng đang được đặt ra hết sức gay gắt.
18 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2502 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Luận văn Vấn đề sự sống dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN:
Vấn đề sự sống dưới ánh sáng của
khoa học hiện đại
Mở đầu
Theo sự phát triển của lịch sử khoa học, các vấn đề mà khoa học nghiên cứu
ngày càng được kết luận nhiều lên và được sự nhất trí của hầu hết giới khoa học có
liên quan. Tuy vậy, trước mặt khoa học luôn luôn có vấn đề mới được đặt ra, đang chờ
câu trả lời.
Cũng như các bộ môn khoa học khác, trong vòng 30-40 năm nay sinh học phát
triển với một nhịp điệu nhanh chưa từng thấy. Số lượng các chuyên ngành sinh vật
mới ra đời, cũng như thành tựu mà chúng đạt được có thể xếp vào loại nhiều nhất.
Những thành tựu ấy đã mang lại cho chúng ta nhiều hiểu biết mới về sự hình thành và
phát triển của thế giới sống, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà mới cách đây nửa
thế kỷ đang là những giả thuyết.
Sinh học ngày càng có vai trò to lớn trong việc giải quyết những vấn đề toàn
cầu của thời đại, trong việc nghiên cứu con người và thúc đẩy tính tích cực của con
người. Những biến đổi về chất trong tất cả các lĩnh vực sinh học, sự ra đời của các bộ
môn mới, sự thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với khoa học tự nhiên và khoa học xã hội
làm cho sinh học giữ vị trí then chốt để giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của
thời đại, làm cho vai trò xã hội của sinh học ngày càng nổi bật hơn.
Các câu hỏi về nguồn gốc của sự sống, sự tiến hoá của sự sống nói chung và về
nguồn gốc sự tiến hoá của loài người nói riêng đã được khoa học thế kỷ XIX giải đáp
khá cơ bản. Khoa học thế kỷ XX đã đi sâu để làm sáng tỏ thêm, bổ sung và phát triển
câu trả lời đó.
Ngày nay, không thể có một quan niệm đúng đắn, sâu sắc và thực sự khoa học
về thế giới vật chất sống, nếu như không nhận thức được nguồn gốc của sự sống và
nếu như không coi nó là một hiện tượng tự nhiên, hiện tượng vũ trụ có tính quy luật.
Vì vậy, nghiên cứu " vấn đề sự sống dưới ánh sáng của khoa học hiện đại " có ý
nghĩa quan trọng.
Nội dung
I. Sự sống là gì
Trả lời cho câu hỏi này đã có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập
nhau.
Nếu như các nhà triết học duy tâm cho ý thức là cái có trước vật chất là cái có
sau, từ đó mới có sự sống, thì ngược lại các nhà duy vật lại cho rằng vật chất có trước
sự sống từ đó mới có ý thức. Thời kỳ cổ đại Hy Lạp tiêu biểu là nhà triết học duy tâm
Platôn (427-347 TrCN), ông đã đặt cơ sở thần học cho quan điểm về sự sống. Theo
Platôn vũ trụ có hai thế giới: Một là thế giới ý niệm. Hai là thế giới các sự vật cảm tính
(sông, núi, cây, cỏ...). Thế giới ý niệm là thế giới tinh thần, nó hoàn hảo, đúng đắn,
chân thực vĩnh viễn không đổi. Nó là cơ sở của thế giới các sự vật cảm tính. Thế giới
các sự vật cảm tính là không chân thật, không hoàn hảo, không đúng đắn vì mọi cái
trong nó luôn biến đổi có sinh và có mất đi. Ông cho rằng con người bao gồm thể xác
và linh hồn thể xác có thể mất đi vì nó được cấu tạo từ đất, nước, lửa, không khí, còn
linh hồn là bất tử. Vì nó được cấu tạo từ linh hồn vũ trụ có nguồn gốc từ thượng đế.
Các nhà triết học duy vật tiêu biểu là Hêraclít và Đêmôcrít. Các ông cho rằng
mọi sự vật hiện tượng, sự sống đều bắt nguồn từ một yếu tố vật chất nào đó. Hêraclít
cho đó là lửa, với ông mọi vật đều trao đổi với lửa và lửa trao đổi với mọi sự vật. Lửa
theo ông là vĩnh cửu và có tính chất thần thánh. Cả vũ trụ như là ngọn lửa vĩnh viễn
cháy. Đối với Hêraclít "Thế giới, một chỉnh thể gồm mọi vật, không phải do bất cứ
một thần thánh hoặc là bất cứ người nào sáng tạo ra, mà đã, đang và sẽ còn là một
ngọn lửa vĩnh viễn sống, bùng cháy và tắt đi theo những quy luật..."(1). Lửa không chỉ
là khởi nguyên của vũ trụ mà còn là cơ sở của linh hồn con người.
Đêmôcrít cho nguyên tử (tồn tại) và khoảng không trống rỗng (không tồn tại) là
nguồn gốc của thế giới. Các nguyên tử liên kết với nhau tạo nên các sự vật, các nguyên
tử tách rời khỏi nhau thì sự vật mất đi. Các nguyên tử luôn luôn vận động trong
khoảng không trống rỗng, và sự vận động của nguyên tử là cơ sở để hình thành nên vũ
trụ của chúng ta. Đêmôcrít còn cho rằng con người có thể xác và linh hồn. Cả thể xác
(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.371.
và linh hồn của con người đều không là bất tử. Linh hồn của con người do những
nguyên tử hình cầu rất nhỏ vận động với tốc độ lớn cấu tạo nên.
Có thể nói quan niệm của các nhà duy vật mới chỉ là những quan sát bước đầu
về thế giới, tuy các quan niệm này còn thô sơ, mộc mạc, song nó chứa đựng những yếu
tố có giá trị, là cơ sở cho các nhà khoa học nghiên cứu về sự sống sau này.
Đến thời trung cổ vấn đề sự sống vẫn được đặt ra, nhưng khuynh hướng duy
tâm nổi trội hơn. Vì xã hội trung cổ Tây Âu lúc này giáo hội kitô giáo là tổ chức tôn
giáo tập quyền hùng mạnh, chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Mọi quan
điểm đều nhằm phục vụ thần học, nhà thờ. Triết học duy vật và khoa học tự nhiên bị
đẩy lùi về phía sau, chính vì vậy các quan điểm về sự sống không có điều kiện phát
triển. Tiêu biểu là Ôguýtxtanh và Tômát Đacanh. Trong triết học của Ôguýtxtanh thì
thượng đế là vấn đề cơ bản trung tâm nhất. Nhưng thượng đế theo ông là một thực thể
tinh thần độc lập và đối lập với tự nhiên, đối lập với con người. Giới tự nhiên và con
người hoàn toàn phụ thuộc vào thượng đế. Thượng đế không chỉ sáng tạo ra con người
mà còn sáng tạo ra mọi sự vật, hiện tượng khác và cả thời gian. Con người theo ông,
gồm thể xác và linh hồn, linh hồn của con người có nguồn gốc từ thượng đế cho nên
nó có trí tuệ và bất tử. Thể xác có thể mất đi, nhưng linh hồn là vĩnh viễn, linh hồn có
khả năng tư duy, có ý chí, trí nhớ.
Với Tômát Đacanh thì thượng đế cũng là cơ sở cho mọi tồn tại, mọi sự vật vận
động được là do cái hích của thượng đế.
Như vậy quan niệm của triết học Tây Âu thời trung cổ đã cho rằng giới tự nhiên
và con người hoàn toàn phụ thuộc vào thượng đế, thượng đế không những sáng tạo ra
con người, mà còn sáng tạo ra mọi vật trên thế giới.
Thời kỳ cận đại tiêu biểu cho khuynh hướng triết học duy tâm là Béccơli và
Hium.
Béccơli tuyên bố cảm giác là nguồn gốc của sự vật. Mọi vật chỉ là tổ hợp cảm
giác của con người. Mọi vật đối với ông chỉ tồn tại trong chừng mực được con người
cảm giác. Con người theo ông có thể xác và linh hồn, nhưng thể xác của con người tồn
tại được là cũng nhờ cảm giác.
Đavít Hium phủ nhận thực thể vật chất, ông khẳng định: "không thể chứng
minh được sự tồn tại cũng như không tồn tại của vật chất".
Hêghen (triết học cổ điển Đức) cho rằng mọi sự vật hiện tượng trong thế giới
đều là sự "tồn tại khác", sự "tha hoá" của tinh thần thế giới. Sự sống là sự tồn tại khác
của ý niệm tuyệt đối.
Như vậy, ông đã tước mất cơ sở thực sự của sự sống, các hiện tượng trao đổi
chất là sự thống trị của tinh thần. Ông cũng đã phủ nhận sự tiến hoá hữu cơ trong thời
gian.
Có thể nói, hầu như các nhà triết học duy tâm đã phủ nhận nguồn gốc tự nhiên
của sự sống, phủ nhận tính vật chất của các hiện tượng sống. Điều quyết định các hiện
tượng sống không phải là các yếu tố vật chất, nằm ngoài khả năng nhận thức của con
người, không thể có sự sống nếu như không có sự tham gia của lý tính trừu tượng.
Cũng thời kỳ này, đối lập với các nhà triết học duy tâm, các nhà triết học duy
vật thì lại khẳng định sự sống là một phần của thế giới tự nhiên, không phải do thần
thánh sáng tạo ra. Một số nhà triết học bước đầu đã giải thích hoạt động sống, nhưng do
ảnh hưởng của quan điểm máy móc, các nhà triết học thời kỳ này mới chỉ thấy được chức
năng hoạt động tương tự của sự sống và máy móc chưa thấy được chất lượng của sự sống
và không sống.
Hốp xơ có cái nhìn hoàn toàn cơ học máy móc về con người. Chẳng hạn ông
cho tim là động cơ chính; các khớp xương như những bánh xe truyền lực. Ông đã thấy
khía cạnh sinh học của con người, bản chất của con người theo ông là tổng các nhu cầu
ham muốn khả năng và sức mạnh.
Với Đêcáctơ thì giới tự nhiên chỉ có một thực thể vật chất duy nhất hoạt động
cả ở trên trời và dưới đất. Giới tự nhiên ngày càng phát triển phức tạp và hoàn thiện
hơn. Giới sinh vật và động vật là kết quả của sự vận động của tự nhiên. Cơ thể sống
theo ông chỉ là một cỗ máy phức tạp, sự sống không cần một quy luật đặc biệt nào, sự
sống là một bộ máy đặc biệt vì vậy sự vận động của nó do sự va chạm của các bộ phận
máy móc.
Đến Phơbách (triết học cổ điển Đức) thì vấn đề con người là trung tâm trong
triết học của ông, ông đã đứng trên lập trường duy vật để giải quyết vấn đề này. Con
người trong triết học của Phơbách là một phần của giới tự nhiên, là một sinh vật có
hình thể vật chất ở trong không gian và thời gian, vì vậy con người có khả năng quan
sát, suy nghĩ.
Con người và toàn bộ sinh vật là kết quả của một quá trình tiến hoá lâu dài của
chính giới tự nhiên và giới tự nhiên không do ai sáng tạo ra, cơ sở tồn tại của giới tự
nhiên nằm ngay trong bản thân giới tự nhiên.
Để xây dựng một quan điểm đúng đắn về sự sống bản chất sự sống, chủ nghĩa
Mác đã phải đấu tranh trên hai mặt trận: chống khuynh hướng duy vật máy móc, muốn
coi sinh vật là một cái "máy sống" và chống khuynh hướng siêu hình muốn giải thích
sự sống, sự vật chỉ bằng hoạt động của từng bộ phận (tế bào) hay muốn quy tất cả các
quy luật sinh vật học vào những phản ứng lý học, hoá học, hay lý hoá học.
Ph.Ăngghen đã vạch rõ sự sống chỉ là một hình thái vận động của vật chất ở một trình
độ cao hơn, có tính chất khác so với các hình thái vận động khác, thông thường của vật
chất.
Ph.Ăngghen đặc biệt chú ý đến hình thái vận động sinh vật học, vì hình thái này
có chứa trong nó tất cả những hình thái vận động thấp hơn. "Đương nhiên sinh lý học
là vật lý học và đặc biệt là hoá học của cơ thể sống, nhưng cũng do đó mà đồng thời nó
lại không còn là thuần tuý hoá học nữa; một mặt, lĩnh vực hoạt động của nó bị hạn chế,
nhưng một mặt khác, ở đây, nó lại được nâng lên một bậc nào đó cao hơn"(1). Như vậy,
Ph.Ăngghen cho rằng trong cơ sở của các hiện tượng sinh vật học có các hiện tượng
vật lý hoá học và do đó, bản chất của sự sống có thể được nhận thức trong sự phát triển
tiếp tục của vật lý và hoá học.
Giải thích bản chất của sự sống theo Ph.Ăngghen, có nghĩa là vạch ra cơ sở lý -
hóa của nó trong sự kết hợp chặt chẽ với cơ sở sinh vật học. Trên cơ sở của phương
pháp biện chứng Ph.Ăngghen đã tiên đoán rằng sự sống nhất định xuất hiện bằng con
đường hoá học, rằng sự kết hợp giữa hoá học và sinh vật sẽ là cơ sở để giải quyết vấn
đề sự sống. Ph.Ăngghen khẳng định một cách kiên quyết: "Hoá học tiếp cận sự sống
hữu cơ và nó đã tiến khá xa khiến chúng ta có thể tin chắc rằng chỉ có nó mới có thể
giải thích được bước quá độ biện chứng sang thể hữu cơ"(2) và "chỉ còn một việc nữa
cần phải làm... là giải thích sự phát sinh ra sự sống từ giới vô cơ. ở giai đoạn hiện nay
của khoa học, điều đó chỉ có nghĩa là tạo ra những chất An-bu-min từ những chất vô
cơ"(3).
(1) (2) (3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1994, tr.754, 746, 676.
Như vậy, Ph.Ăngghen đã nhìn thấy chiếc chìa khoá cụ thể nhất và gần nhất để
giải thích sự sống chính là hoá học. Ph.Ăngghen muốn nhấn mạnh bằng cách nào từ
hình thái vận động thấp hơn chuyển lên thành hình thái vận động cao hơn, từ vô sinh
sang hữu sinh mà thôi.
Từ hình thái vận động thông thường của vật chất, từ tác động hoá học thường
đến hoá học của An-bu-min mà chúng ta gọi là sự sống, có một bước nhảy quyết định,
một bước nhảy biện chứng. Động lực của mọi sự vận động của vật chất là sự đấu tranh
giữa các mâu thuẫn bên trong. Động lực của sự vận động sinh học, nghĩa là của đời
sống sinh vật, cũng là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong nội tại của
sinh vật, làm cho sinh vật trong một lúc vừa là nó, lại vừa là một cái khác.
Ph.Ăngghen đã định nghĩa sự sống: "Sự sống là phương thức tồn tại của những
thể An-bu-min, và phương thức tồn tại này, về căn bản bao hàm ở sự thường xuyên tự
đổi mới của những thành phần hoá học của những thể ấy... Sự sống - phương thức tồn
tại của thể An-bu-min - trước hết là ở chỗ bất cứ lúc nào nó cũng vừa là chính nó đồng
thời vừa là cái khác, và như không phải do một quá trình nào tác động từ bên ngoài
vào nó, như điều thường xảy ra đối với vật thể chết. Trái lại, sự sống, sự trao đổi chất,
diễn ra thông qua sự dinh dưỡng và bài tiết, là một quá trình tự lực thực hiện, một quá
trình vốn có bên trong bẩm sinh của chất tiêu biểu của nó là An-bu-min, mà không có
nó thì chất An-bu-min không thể tồn tại được"(1).
Khẳng định giới hữu sinh xuất hiện bằng con đường hoá học từ giới vô sinh và
đưa ra định nghĩa về sự sống không phải Ph.Ăngghen đã làm một việc tuỳ tiện, tư
biện. Ông đã tổng hợp, khái quát tất cả những thành tựu của khoa học thời ông - hoá
học và sinh vật học. Sức mạnh và ý nghĩa quan trọng của định nghĩa này là ở chỗ:
Trong định nghĩa, Ph.Ăngghen đã nói đến tính vật chất của sự sống. Sự sống, đó là
phương thức tồn tại một cách đặc biệt của vật chất có tổ chức. Ph.Ăngghen nhấn
mạnh, đó chính là vật chất có tổ chức đặc biệt, và vật chất này luôn nằm trong quá
trình tự đổi mới và đặc trưng của nó là sự trao đổi chất.
Trước những quan điểm khác nhau: Duy tâm, tôn giáo, duy vật máy móc... hiểu
chưa đúng đắn, chặt chẽ về sự sống, thì Ph.Ăngghen bằng những tài liệu cụ thể của
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1994, tr.119, 120.
khoa học và những tư tưởng biện chứng, ông đã khẳng định: sự sống nhất định là tự nó
phát sinh từ giới vô cơ trong những điều kiện nhất định. Sự sống không du nhập từ một
hành tinh nào khác, không phải do một "lực sống" nào khác và không phải là nó vĩnh viễn
từ khi có vũ trụ. Vì thế phải tổng hợp được sự sống bằng cách nhân tạo, chỉ có khi đó vấn
đề mới được giải quyết.
Tuy nhiên, Ph.Ăngghen cũng đã viết: "... Định nghĩa về sự sống của chúng tôi
cố nhiên còn thiếu sót nhiều, vì nó còn xa mới có thể bao gồm được tất cả các hiện
tượng sống, mà trái lại chỉ giới hạn trong những hiện tượng chung nhất và đơn giản
nhất trong đó mà thôi. Về phương diện khoa học, tất cả mọi định nghĩa đều có ít giá
trị. Muốn hiểu sự sống là gì một cách triệt để, chúng ta phải điểm qua tất cả các hình
thức biểu hiện của sự sống, cả hình thức thấp nhất đến hình thức cao nhất. Tuy nhiên,
đối với sự vận dụng thường ngày thì những định nghĩa như vậy lại rất tiện lợi và có khi
không có nó thì không được; vả lại nó cũng không thể có hai, chỉ cần người ta không
quên những thiếu sót không thể tránh khỏi của nó"(1).
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, Ph.Ăngghen đã khẳng định: sự sống bản
chất là vật chất, sự sống có cơ sở vật chất là An-bu-min. An-bu-min là điều kiện cơ
bản của sự sống. Khi mà sự biến thái không ngừng của các nhân tố cấu thành trong
An-bu-min bị ngừng lại, sự trao đổi thường xuyên về dinh dưỡng và bài tiết thôi đi,
cũng là lúc mà chính bản thân chất An-bu-min không còn là nó nữa, thì lúc đó sự sống
chấm dứt; dấu hiệu cơ bản của vận động sống, đó là sự thường xuyên tự đổi mới của
các thành phần hoá học của các thể An-bu-min thông qua quá trình trao đổi chất giữa
cơ thể và môi trường. Ph.Ăngghen viết: "Từ sạ trao đổi các chất ấy bằng dinh dưỡng
và bài tiết coi như là chức năng chủ yếu của An-bu-min và từ tính chất mềm dẻo của
An-bu-min vốn có, đã sinh ra tất cả những nhân tố đơn giản nhất của sự sống"(2) và sự
sống là phương thức tồn tại một cách đặc biệt của vật chất có tổ chức đặc biệt. Ngày
nay sự phát triển của khoa học đã khẳng định chứng minh quan điểm của Ph.Ăngghen
hoàn toàn đúng và lẽ đương nhiên ngày nay nhiệm vụ bức thiết là phải xây dựng một
bức tranh khoa học mới hoàn thiện hơn về thế giới, sự sống so với thế kỷ XIX.
(1) Ph.Ăngghen, Chống Duy Rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr.140,143.
(2) Ph.Ăngghen, Chống Duy Rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr.143.
Với những thành tựu to lớn của khoa học ngày nay đã chứng minh trong cơ thể
sống có 60 nguyên tố và phổ biến là các nguyên tố các bon, hyđrô, Nitơ, ôxy, lưu
huỳnh.
Sinh học hiện đại đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và đã tích luỹ được nhiều tài
liệu về các hình thức biểu hiện của sự sống và những mặt, những tính chất của nó. Sự
sống thực tế là "phương thức tồn tại của những thể An-bu-min". Với nghĩa là tất cả các
chức năng quan trọng nhất của cơ thể sống đều có sự tham gia của An-bu-min. Nhưng
chỉ có An-bu-min thì không thể tự mình tổng hợp được mình. Những thành tựu của
sinh học hiện đại đã xác định chắc chắn rằng, không thể nói là Prôtêin (An-bu-min
theo cách gọi của Ph.Ăngghen) là cơ sở duy nhất của sự sống. ở trình độ khoa học
ngày nay không thể nói rằng, Prôtêin là cái trực tiếp mang sự sống. Các vật thể sống
không phải chỉ có một mình Prôtêin mà Prôtêin có đặc tính sinh học khi tác động qua
lại với các yếu tố vật chất khác của cái sống (ví dụ như AND và ARN) còn khi tách
khỏi axit nuclêíc thì Prôtêin chỉ là một chất hoá học chết mà thôi, phân tử Prôtêin
không sống được.
Dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, nếu chỉ cho rằng khi "tạo ra được những
loại chất An-bu-min" thì vấn đề sự sống được giải quyết, điều đó chưa hoàn toàn đúng.
Trên thực tế, nhiều loại An-bu-min hay Prôtêin (theo cách gọi của khoa học hiện nay)
đã được tổng hợp, nhưng vấn đề sự sống vẫn chưa được giải quyết. Năm 1963 người ta
đã tổng hợp được Inxulin, nhưng đấy chưa phải là vật thể sống. Mặc dù, Prôtêin đảm
nhận những chức năng quan trọng, nhưng nếu chỉ có một mình Prôtêin thi không thể
đủ tạo nên sự sống, mà bên cạnh Prôtêin còn có các axit nuclêíc (AND và ARN) cùng
nhiều chất khác nữa.
Với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngày nay người ta đã tìm ra 20 loại axit
amin khác nhau cấu trúc nên Prôtêin, do sự liên kết của axit amin khác nhau mà có
nhiều Prôtêin khác nhau. Cơ thể sống luôn tự đổi mới các thành phần hoá học của
riêng mình. Bằng phương pháp nguyên tử đánh dấu, người ta đã chứng minh 50%
phân tử Prôtêin trong cơ thể người hoàn toàn đổi mới trong 180 ngày và ở gan diễn ra
là 18 ngày.
Cơ sở đổi mới của các phân tử dẫn đến đổi mới của các tế bào. Nếu như một
người nặng 50 kg thì trong cơ thể có 80.000 tỉ tế bào. Trong 20 giờ có 500 tỉ tế bào
được thay thế. Trong 2 tháng 32 nghìn tỉ tế bào hồng cầu trong cơ thể đổi mới hoàn
toàn. Nếu một người sống trung bình 70 năm, lấy ở môi trường bên ngoài vào cơ thể
50 tấn nước, 10 tấn gluxit, 2,5 tấn prôtít, 2 lấn lipít, 0,2 tấn muối khoáng và cũng thải
ra bên ngoài 25.000 lít nước tiểu, 6.000 tấn phân và 500 kg tế bào chết.
Không ai có thể phủ nhận được rằng, Prôtêin được tổng hợp dưới tác động của
chương trình được ghi lại trong các đoạn của phân tử AND. Nhưng cũng không ai có
thể phủ nhận được rằng, tất cả các hoạt động di truyền nói riêng và hiện tượng sống
nói chung, đều gắn liền và đều chịu sự tác động của các men (enzim), tức là các phân
tử Prôtêin. Ngay cả các phân tử Prôtêin cũng sẽ không thể tự nhân đôi, nếu không có
sự tham gia của các enzim đặc hiệu của riêng loài. Việc di truyền học phân tử và sinh
học phân tử nói chung đã chuyển từ chỗ thừa nhận vai trò độc tôn AND sang chỗ thừa
nhận sự tác động qua lại chặt chẽ giữa ADN - ARN - Prôtêin trong hiện tượng di
truyền và trong sự sống, là một điểm rất mới, là một sự tiếp cận phương pháp luận
mới. Do đó, khi xác nhận An-bu-min (Prôtêin) chưa phải là sự sống thì khoa học hiện
đại vẫn có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng, An-bu-min (Prôtêin) dẫu sao vẫn là một
trong những cơ chất quan trọng nhất của sự sống.
Như vậy, định nghĩa của Ph.Ăngghen về sự sống sẽ được bổ sung và chúng ta
có nhiều cơ sở hy vọng rằng ngày nay, trong tương lai không xa, bí mật của sự sống sẽ
được khám phá và tiên đoán của Ph.Ăngghen về sự xuất hiện của sự sống bằng con đường
hoá học từ vô sinh sẽ được khẳng định hoàn toàn.
Với định nghĩa của Ph.Ăngghen về sự sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ông
đã phê phán những quan điểm siêu hình, duy tâm về sự sống, cho sự sống là do thượng
đế sinh ra, khắc phục được những hạn chế của chủ nghĩa duy vật trước đó về sự sống.
Định nghĩa cũng mở ra một giai đoạn mới cho khoa học nghiên cứu về sự sống đặc
biệt là khoa học của thế kỷ XX.
Với sự tiên đoán rằng, sự kết hợp giữa hoá học và sinh học là cơ sở để giải
quyết vấn đề sự sống của Ph.Ăngghen. Ngày nay, thực tế sinh học đang kết hợp hết
sức chặt chẽ với hoá học, thậm chí đã hình thành một khoa học liên ngành là sinh hoá.
Và sự kết hợp này đã mang lại những kết quả kỳ diệu, ví dụ như: năm 1967, A.Cônbe
bằng con đường hoá học đã tổng hợp được phân tử ADN có hoạt tính đặc trưng cho vi
rút X174. Tuy nhiên sự tổng hợp này, chỉ có thể diễn ra được với sự có mặt của men
(enzim) đặc hiệu, do đó nó không thể là mô hình cho các quá trình vô cơ trên trái đất
lúc mới sinh thành.
Năm 1968 G.Corama tổng hợp được gen của ARN vận chuyển alanin có 77
nuclêôtít. Năm 1972, J.Rôxơ và các cộng sự đã tổng hợp được gen hêmôglôbin dưới
dạng 1 đoạn ADN sao chép từ khuôn ARN của nó... Song, vấn đề vẫn chưa được giải
quyết một cách căn bản vì chưa tổng hợp được vật chất sống trực tiếp theo một chu
trình khép kín và liên tục từ các chất vô cơ.
Ngày nay bằng con đường thực nghiệm với những phương tiện hiện đại để
chứng minh rằng sự sống sinh ra từ vật chất không sống bằng con đường hoá học như
Ph.Ăngghen đã tiên đoán, một số nhà khoa học đã đề xuất những giả thuyết, đáng chú
ý nhất là giả thuyết của A.I.Ôparin được ông trình bày trong một loạt các công trình
nghiên cứu của mình.
Theo A.I.Ôparin, quá trình phát triển lâu dài của vật chất qua bốn giai đoạn
chính như sau:
1. Đầu tiên xuất hiện các hợp chất hữu cơ thô thiển nhất, các cácbua hyđrô (hay
hyđrat cácbon - CH), các xianua (CN) ở trong không gian vũ trụ và bên trái đất mới
hình thành. Trong giai đoạn này, từ những hợp chất hữu cơ thô thiển ấy sẽ hình thành
các hợp chất hữu cơ phức tạp hơn nhưng có trọng lượng phân tử không lớn lắm.
2. Các hợp chất hữu cơ phức tạp dần lên thành các mônôme và pôlime. Sự phức
tạp này gắn liền với sự tăng lên liên tục của các phân tử của chúng bằng con đường
trùng hợp và ngưng tụ trong nước biển và đại dương. Hình thành những "buliôn" đầu tiên,
trong đó nảy sinh các hợp chất giống nhau, các tiền axit nuclêic và các hợp chất hữu cơ
phức tạp khác. A.I.Ôparin khẳng định rằng, lúc này chưa có các An-bu-min, các axít
nuclêic theo đúng nghĩa của chúng.
3. Hình thành trong thuỷ quyển các hệ thống mở nhiều phân tử. Những hệ
thống này phát sinh bằng con đường kết hợp các chất có phân tử hữu cơ cao. Các phức
hợp trên phân tử kết hợp với nhau tạo thành những giọt côaxécva và hình thành các
prôbiôn, tức là các hệ thống mở nhiều phân tử, có khả năng tác động qua lại với môi
trường xung quanh chúng và trên cơ sở đó có khả năng phát triển và sinh sản.
4. Các prôbiôn tiếp tục tiến hoá, hoàn thiện sự trao đổi chất, cấu trúc phân tử và
trên phân tử của chúng trên cơ sở sự chọn lọc tiền sinh học; tiếp đó là sự xuất hiện các
cơ thể sống đầu tiên. A.I.Ôparin lưu ý rằng, "sự chọn lọc tiền sinh học ấy không nhằm
vào từng phân tử men riêng lẻ mà là nhằm duy trì hay tiêu diệt cả một hệ thống nói
chung. Không có và không thể có sự chọn lọc tự nhiên nào của các phân tử riêng
biệt"(1).
II. Quá trình phát sinh sự sống
Vấn đề nguồn gốc của sự sống trên trái đất, sự sống có tồn tại ở nơi nào khác
trong vũ trụ không? đã có nhiều quan điểm khác nhau. Trong quan niệm của dân gian,
từ sự quan sát tự nhiên một cách thiếu chính xác, không có phê phán họ đã cho rằng
hình như trong bùn đất sinh ra các loài sinh vật. ở Trung Quốc cổ đại, có quan niệm
cho rằng sự tự sinh của các loài côn trùng khác nhau dưới sự tác động của nhiệt và
nước. Còn ở ấn Độ một số quan niệm thần bí cho sự xuất hiện của các ký sinh trùng
ruồi sinh ra từ phân trâu, mồ hôi. ở Hy Lạp cổ đại thì quan niệm ở các đất bồi sông
Nin dưới ảnh hưởng của nhiệt, sinh ra các loài vật khác nhau. Các nhà triết học thời cổ
đại, đặc biệt ở Hy Lạp đã cho rằng sự tự sinh của các sinh vật là tất yếu. Đêmôcrít cho
nguồn gốc của vũ trụ là vật chất bao gồm nhiều phân tử nhỏ bé, vận động tản mát
trong không gian, sự sống không phải là sự sáng tạo theo thần thánh mà kết quả của
lực cơ học trong tự nhiên. Sự xuất hiện đầu tiên của sinh vật, sự tự sinh của chúng từ
nước, bùn xảy ra là do sự kết hợp ngẫu nhiên và rất xác định của các nguyên tử trong
sự vận động cơ học của chúng. Khi những phân tử rất nhỏ của đất, nước gặp và kết
hợp với các nguyên tử của lửa thì sinh ra các sinh vật.
Êpiquya cho rằng do nhiệt ẩm mặt trời gặp nước mưa, thì sâu bọ và các loại
khác được xuất hiện từ đất, phân. Điều đó xảy ra không có sự tác động của yếu tố linh
hồn nào cả. Platôn (Hy Lạp cổ đại) cho vật chất, động vật, thực vật tự nó không sống
được mà chỉ có thể hồi sinh bằng linh hồn bất diệt ở trong đó. Quan điểm này của
Platôn cũng được phản ánh một phần nhất định trong học thuyết của Arixtốt. Arixtốt
quan niệm bên cạnh sự nảy sinh của các sự vật từ những vật giống mình, thì sự tự sinh
của chúng từ những vật vô sinh đã và đang xảy ra. Những con vật côn trùng nảy sinh
ra từ xương, cây khô, phân, da, tóc. Ký sinh trùng sinh ra từ da, tóc...
(1) A.I.Ôparin, Vật chất, sự sống, trí tuệ, tiếng Nga, Nxb Khoa học,
Mátxcơva, 1977, tr.153.
Arixtốt không chỉ mô tả các trường hợp tự sinh cụ thể, mà xây dựng một học
thuyết tự sinh của mình. Và đây cũng chỉ là quan điểm duy tâm về nguồn gốc của sự
sống.
Thời trung cổ tiêu biểu Vaxili Veliki (thế kỷ IV) ông là một trong những người
có uy tín chủ yếu về thần học (nhà thờ thiên chúa giáo ở phương Đông) đã cho rằng
một sự vật sản sinh ra qua sự kế tục những cái có trước một số khác đang tiếp tục sản sinh
ra từ đất, đất không chỉ sinh ra châu chấu, mà còn nhiều vật có cánh khác. Có trường hợp
tự sinh sinh ra theo mệnh lệnh của thánh.
ở phương Tây Ôguýtxtanh thì cho rằng: tương tự như thánh thường tạo ra rượu
nho từ nước và đất, qua cành nho, dịch nho. Nhưng trong một số trường hợp thánh có
thể tạo ra rượu nho trực tiếp từ nước, đối với sự vật cũng thế thánh có thể bắt chúng
sản sinh ra từ hạt hoặc bắt nguồn từ vật chất sinh ra, mà trong đó có những hạt linh
hồn không trông thấy được. Vào nửa cuối thế kỷ XVI sang nửa thế kỷ XVII các quan
điểm về sự xuất hiện các sự vật có phần chính xác hơn. Các nhà triết học như Galilê
Côpécních, đã đưa ra một số quan điểm về các vì sao, hành tinh. Song quan điểm tự
sinh vẫn chưa được nghiên cứu kỹ càng. Năm 1668 với một loạt thí nghiệm của các
bác sĩ Rêđi đã chứng minh giòi là ấu trùng của ruồi. Ông đã đưa ra thí nghiệm, có ba
lọ đựng ba miếng thịt như nhau. Nhưng trong lọ thứ nhất không đậy nắp, lọ thứ hai
phủ một miếng vải, còn lọ thứ ba đậy kín. Qua một thời gian nhất định, ông quan sát
thấy ở lọ thứ nhất đã xuất hiện giòi, lọ thứ hai giòi xuất hiện ở trên mặt vải và ở lọ thứ
ba thì thấy không có gì. Và từ đó ông đã kết luận thịt thối không phải sinh ra giòi,
trứng của ruồi mới là điều kiện để phát sinh giòi.
Sau đó, bằng những nghiên cứu khác nhau người ta cũng đã phát hiện ra các vi
sinh vật, qua kính hiển vi, mà bằng mắt thường không nhìn thấy, do vậy lúc này quan
điểm tự sinh vẫn chưa bị đánh đổ.
Sinh vật sinh ra từ đâu, như thế nào? đến những năm 40 của thế kỷ XIX thì bức
màn bí mật này vẫn kín bưng.
Với những nghiên cứu của mình, C.Mác, Ph.Ăngghen đã đấu tranh cho quan
điểm duy vật biện chứng về nguồn gốc sự sống. Các ông đã đả phá thuyết tự sinh và
những người bảo vệ cho thuyết tự sinh. Ph.Ăngghen viết: "... nếu tưởng rằng chỉ với
một tí nước bẩn người ta cũng có thể bắt thiên nhiên làm xong trong 24 giờ cái mà nó
đã phải mất công hàng triệu năm, thì quả thật là điên rồ..." và "cho đến bây giờ, chính
các người bênh vực táo bạo cho thuyết tự sinh cũng chỉ nói rằng bằng cách tự sinh, có
thể tạo ra các vi khuẩn, các mầm nấm và những vật hữu cơ tối sơ khác, nhưng không
tạo ra được côn trùng, cá, chim hay loài có vú"(1).
Ph.Ăngghen cho rằng: một đặc tính cơ bản của sinh vật là sinh vật muốn sống
phải liên hệ khăng khít với ngoại cảnh, phải đồng hoá các điều kiện ngoại cảnh, để
biến các điều kiện này từ ngoại giới thành nội tại, từ phi sinh vật thành sinh vật, từ
không sống thành sống. Vì vậy sống chỉ là "phương thức tồn tại của An-bu-min" và
An-bu-min chỉ có thể tồn tại với sự trao đổi vật chất không ngừng với ngoại cảnh.
Chính do sự trao đổi chất này mà sinh vật thể hiện các đặc tính cơ bản của nó: có quá
trình sinh sản, có năng lượng, và có khả năng phản ứng với những kích thích bên
ngoài. Sinh vật đầu tiên ở đâu mà ra? Chống những giả thuyết hoang đường duy tâm
về nguồn gốc của sinh vật (thuyết tự sinh, quan điểm thần học). Chủ nghĩa Mác đã giải
thích nguồn gốc sinh vật trong quá trình vận động chung của giới tự nhiên, làm cho
An-bu-min đã xuất hiện trong những điều kiện nhất định. Hành tinh của chúng ta, lúc
đầu tất nhiên là chưa có vật chất có đặc tính sống, chưa có An-bu-min, chưa có sinh
vật. Sự vận động sinh vật học chỉ xuất hiện ở một giai đoạn sau. Khi sinh vật đầu tiên
đã nảy nở, do sự trao đổi chất với ngoại cảnh, nó đã có những đặc tính mà phi sinh vật
không có. Khả năng di truyền cho thế hệ sau những đặc tính mà nó có và khả năng
biến đổi tính di truyền để thích ứng với ngoại cảnh đã thay đổi. Chính sự đấu tranh
thường xuyên giữa di truyền và thích ứng này, đã làm cho sinh vật tiến hoá từ khi An-
bu-min bắt đầu xuất hiện cho đến ngày nay và sinh vật trên trái đất muôn màu muôn
vẻ.
Lịch sử tiến hoá của sinh vật chỉ là một chuỗi các quá trình "phủ định của phủ
định" kế tiếp nhau. Lý luận tiến hoá của Đácuyn đã cung cấp những tài liệu khoa học
cụ thể để chứng minh cho quan điểm mác xít này. Các nhà triết học của chủ nghĩa Mác
đã đánh giá rất cao lý luận của Đácuyn. Đồng thời các ông cũng đã chỉ ra những thiếu
sót, sai lầm của Đácuyn, từ đó bổ sung, phát triển lý luận tiến hoá mới, và để nó thật sự
trở thành một lý luận sinh vật học duy vật biện chứng, có khả năng chống lại tất cả
mọi sự phản kháng điên cuồng của các nhà tư tưởng tư sản như Đuyrinh, và chống lại
(1) Ph.Ăngghen, Chống Duy Rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr.125-126.
những xuyên tạc của các nhà sinh vật học tư sản từ giữa thế kỷ XIX đến nay như
thuyết Măng-đen, Moóc-găng trong sinh vật học và chủ nghĩa Đácuyn xã hội trong
khoa học xã hội.
Ph.Ăngghen đã khẳng định sự sống nhất định đã được hình thành theo phương
thức hoá học, ông đã khái quát sự phát sinh ra sự sống là quá trình phức tạp hoá các
hợp chất có chứa Các bon. Ông đã khẳng định: "hoá học tiếp cận sự sống hữu cơ và nó
đã tiến khá xa khiến chúng ta có thể tin chắc rằng chỉ có nó mới có thể giải thích được
bước quá độ biện chứng sang thể hữu cơ" và "chỉ còn một việc nữa cần phải làm ở đây
là giải thích sự phát sinh ra sự sống từ thế giới vô cơ. ở giai đoạn hiện nay của khoa
học, điều đó chỉ có nghĩa là tạo ra những chất An-bu-min từ những chất vô cơ"(1).
Ph.Ăngghen đã đánh giá cao vai trò của hoá học và khi dùng chữ "chỉ có nó"
ông muốn nhấn mạnh bằng cách nào từ hình thức vận động thấp hơn chuyển thành
hình thức vận động cao hơn, tức là vật chất không sống chuyển thành vật chất sống.
Ph.Ăngghen khẳng định: "Cho đến nay khoa học tự nhiên chưa thể tạo ra các
sinh vật hữu cơ mà không đi từ các sinh vật đã có, thậm chí nó cũng chưa làm lại được
chất nguyên sinh đơn giản hoặc những thể đản bạch khác bằng những nguyên tố hoá
học. Về nguồn gốc sự sống, đến bây giờ khoa học tự nhiên chỉ có thể nói được chắc
chắn một điều là: sự sống nhất định ra đời bằng con đường hoá học"(2) và "cho đến
nay, hoá học có thể sản xuất ra tất cả những chất hữu cơ nào mà đã biết được chính
xác cách cấu tạo của chúng. Khi đã biết cấu tạo của các chất An-bu-min, thì hoá học
có thể tiến hoá ngay việc chế tạo An-bu-min sống".
Như vậy, có thể khẳng định rằng có hai quan điểm chính về nguồn gốc sự sống.
- Quá trình tiến hoá hoá học hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Ph.Ăngghen.
Từ vật chất vô cơ các bon qua quá trình phức tạp hoá các hợp chất các bon,
hình thành Các bua Hyđrô (CH) hình thành gluxít, lipít (CH0) tạo thành axít amin
nuclêôtít (CHON), từ đó hình thành các chất Nitơ, axít nuclêíc, quá trình này diễn ra
hai tỷ năm với những nguồn năng lượng chính là: tia tử ngoại, sự phân rã của các
nguyên tố phóng xạ (uraniom) sự phóng điện trong khí quyển, hoạt động phun lửa của
núi lửa.
(1) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, T.20, Nxb Hà Nội, 1994, tr.676.
(2) Ph.Ăngghen, Chống Đuy Rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr.125-126.
- Tiến hoá tiền sinh học: hình thành mầm mống cơ thể đầu tiên có hai giai đoạn
nhỏ.
Giai đoạn đầu tiên: sự tập trung các chất hữu cơ có hoà tan thành các hạt
côaxécva (cơ thể tiền sinh học đầu tiên) có một số hạt thông qua trao đổi chất nó tồn
tại, còn một số hạt không có khả năng trao đổi dẫn đến nó chết.
Giai đoạn thứ hai: hình thành các hệ đại phân tử có khả năng nhân đôi, đổi mới,
kết thúc quá trình này là sự xuất hiện các cơ thể sinh vật đầu tiên mở đầu cho thời kỳ
tiến hoá sinh học với những quy luật riêng của sinh vật. Giai đoạn này kéo dài hơn 3 tỷ
năm, sinh vật đã dần dần hoàn thiện về tổ chức về dạng trước của các tế bào đơn bào,
đa bào, hình thành các thực vật, động vật phong phú ngày nay.
Kết luận
Ngày nay sinh học hiện đại đã tiến một bước dài từ giữa thế kỷ 20 đến nay.
Những thành tựu đạt được khác về chất so với đầu thế kỷ, sinh học ngày nay đã đi sâu
nghiên cứu vật chất sống từ những cấu trúc nhỏ nhất đến sự sống. Nghiên cứu trái đất,
đại dương và đang tiến tới nghiên cứu sự sống ngoài trái đất.
Những thành tựu của sinh vật học đã góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề về bản
chất của sự sống, bản chất của di truyền; vấn đề về tính toàn vẹn của cơ thể, về mối
quan hệ gắn bó giữa cơ thể với môi trường sống... Ngày nay, khi cuộc cách mạng khoa
học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ sinh học đã và đang có những
bước đột phá mới vào tầng cấu trúc sâu hơn của bản chất, sự sống, bản chất của gien di
truyền..., nhờ đó, mà đã tạo ra những thành tựu mới trong lĩnh vực vật chất sống như
những sản phẩm biến đổi gien, nhân bản vô tính động vật, lập bản đồ gien, giải mã bộ
gien của người, biến đổi và thay đổi gien trong chữa trị bệnh tật; nuôi cấy, thay ghép
các phủ tạng của con người, thụ thai trong "ống nghiệm"... thì những vấn đề thuộc khía
cạnh triết học - xã hội của sinh vật học cũng đang được đặt ra hết sức gay gắt.
Vấn đề nghiên cứu sự sống dưới ánh sáng của khoa học hiện đại có một ý nghĩa
hết sức to lớn trong giai đoạn hiện nay.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Trọng Chuẩn (chủ biên) (2001), Nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy
triết học ở Việt Nam, Kỷ yếu.
2. Nguyễn Trọng Chuẩn (2002), Tác phẩm: Biện chứng của tự nhiên và ý nghĩa
hiện thời của nó, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Lê Văn Giang (2000), Khoa học cơ bản thế kỷ XX đối với một số vấn đề lớn của
triết học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. V.I.Lênin (1981), Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
5. C.Mác - Ph.Ăngghen - Lênin (1961), Bàn về sinh vật học, Nxb Sự thật, Hà Nội.
6. C.Mác - Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. A.I.Ôparin (1971), Sự xuất hiện và sự phát triển đầu tiên của sự sống, Nxb Khoa
học kỹ thuật, Hà Nội.
8. Ph.Ăngghen (1959), Chống Đuy Rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội.
9. Trần Văn Phòng (chủ biên), Lịch sử triết học phương Tây trước Mác, Nxb Đại
học Sư phạm, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LUẬN VĂN-Vấn đề sự sống dưới ánh sáng của khoa học hiện đại.pdf