Luận văn Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay

Đối với Phú Thọ là một tỉnh miền núi phía Bắc, do điều kiện tự nhiên và do những yếu tố về lịch sử để lại Phú Thọ là một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, có tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao hơn bình quân trong cả nước. Trong tiến trình đua tranh và phát triển kinh tế vươn lên xây dựng quê hương đất Tổ giàu đẹp, XĐGN luôn được coi là một nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ.

pdf101 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4471 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ần tập trung vào các giải pháp để: - Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho XĐGN Muốn vậy, Nhà nước và địa phương cần tổ chức động viên tối đa sự ủng hộ của nhân dân, các tổ chức trên địa bàn tỉnh, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào việc XĐGN. Địa phương có kế hoạch xây dựng quỹ vốn và các cơ cấu tài chính chuyên thực hiện việc XĐGN để hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghèo vay với lãi suất ưu đãi ở mức độ hợp lý, thủ tục cho vay đơn giản, thuận tiện, vay bằng tín chấp, và cần phải có một chế độ kiểm soát nghiêm ngặt với vốn vay. Tín dụng cho người nghèo có độ rủi ro cao nên cần một kỷ luật chặt chẽ nhằm đảm bảo không vay quá mức cần thiết, sử dụng vốn nhanh theo đúng mục đích đã duyệt. Nhiều nước đã rất thành công trong việc cấp tín dụng cho người nghèo thông qua tổ điển hình như mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Grameen Bank tại Bangladesh, Giáo sư Yunus, giám đốc ngân hàng Grameen nói: "Tín dụng không có kỷ luật chặt chẽ thì không phải cái gì hơn là sự cứu tế. Sự cứu tế dưới cái tên tín dụng sẽ làm hại người nghèo chứ không phải là giúp đỡ họ" [34, 18]. Việc cho hộ nghèo vay vốn thông qua mô hình tổ tín chấp cần được triển khai và phát triển trên địa bàn tỉnh để thực hiện tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn. Cần tập trung vốn cho những hộ nghèo biết làm ăn, nhưng thiếu đầu tư sản xuất kinh doanh, không nên cho vay dàn trải, không có hiệu quả. - Địa phương có chính sách về đất đai và tư liệu sản xuất phù hợp và kịp thời Tiếp tục thực hiện tốt giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, nhất là hộ nghèo, các địa phương cần bãi bỏ việc thu hồi đất của hộ nghèo trong trường hợp họ không trả được thuế. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ và tập trung ruộng đất là hiện tượng sẽ diễn ra trong quá trình nông nghiệp đi lên sản xuất hàng hóa lớn. Tuy nhiên việc tích tụ và tập trung ruộng đất phải được tiến hành song song cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, tránh để qúa trình diễn ra tự phát làm cho người nông dân mất ruộng đất mà không tìm được việc làm trở thành bần cùng hóa. Đối với hộ nông dân không có đất cần tạo cơ hội cho họ vay tín dụng để chuyển đổi ngành nghề sang tiểu thủ công nghiệp hoặc dịch vụ. Đối với những hộ nghèo ở các thị trấn, thị tứ, thành phố cần có chính sách trợ giúp tư liệu sản xuất để tự tạo việc làm. - Ngoài ra Nhà nước, địa phương cần đầu tư có hiệu quả cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất ở nông thôn Hạ tầng cơ sở như đường sá, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ, điện, nước sạch... là những điều kiện cực kỳ cần thiết cho sự phát triển kinh tế ở nông thôn, ở những vùng nghèo. Có thể nói nó làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn và góp phần tạo nên sự bứt phá của các xã nghèo trong cuộc đua tranh phát triển kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường. Nhưng để cho các xã nghèo bằng sự đóng góp của sức dân và nguồn ngân sách hạn hẹp của tỉnh thì khó có thể thực hiện được và người duy nhất có thể thực hiện vai trò này chính là nhà nước. Trong những năm tới, nhà nước cần tập trung đầu tư xây dựng đường sá, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, điện... cho các xã nghèo không có điều kiện huy động sức dân. Các hộ đói nghèo cần được miễn giảm các khoản đóng góp xã hội xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc để lập các loại quỹ khác do địa phương qui định. 3.2.2. Hỗ trợ vốn cho người nghèo sản xuất tăng thu nhập Vốn là nhu cầu không thể thiếu được cho sản xuất, kinh doanh, và đối với người nghèo thì nhu cầu vốn còn thiết yếu hơn nữa, đó là cơ hội để họ vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, là cứu cánh để giúp họ thoát đói, vượt nghèo. Trong giai đoạn một, vốn tạo ra việc làm cho người nghèo và cho gia đình họ, từ đó tạo ra thu nhập, giúp họ giải quyết được những nhu cầu cơ bản từng bước thoát ra khỏi đói nghèo lạc hậu. Trong giai đoạn hai, vốn được tiếp tục đầu tư vào sản xuất để nâng cao hiệu quả của sản xuất, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm để tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo có tích lũy. Tuy nhiên, đối với người nghèo, đáp ứng được nhu cầu vốn đã là thiết yếu nhưng sử dụng nguồn vốn có hiệu quả còn cấp thiết hơn nhiều. Người nghèo thường ít học, trình độ khoa học công nghệ hầu như không có, kinh nghiệm làm ăn, các mối quan hệ xã hội đều hạn chế, do đó hầu như họ không biết cách sử dụng vốn, không biết đầu tư vào đâu và không biết cả cách hạch toán làm ăn sao cho có lãi. Nhiều trường hợp người nghèo vay vốn mua bò, mua lợn về nuôi, khi đến thời hạn trả tiền thì bán bò, lợn đi chỉ đủ trả số vốn vay ban đầu. Đây là chưa kể đến những trường hợp người nghèo vay vốn không phải để đầu tư làm ăn mà vì họ quá nghèo nên đồng vốn họ vay được còn bị lạm dụng để giải quyết nhu cầu ăn và một phần nhỏ cho nhu cầu ở, chữa bệnh, học hành của con cái. Một bộ phận rất nhỏ còn sử dụng đồng vốn vay ít ỏi và khó nhọc vào các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc... Vì thế tín dụng cấp cho người nghèo có mức rủi ro rất lớn, lớn hơn bất kỳ chương trình tín dụng nào khác, bởi vậy, nó phải được kiểm soát nghiêm ngặt. ở đây cần phải nêu lên mấy bài học dẫn đến thành công của Ngân hàng Grameen Bank của Bangladesh: Thứ nhất, phải có điều kiện cho vay thích hợp. Khi đã cho người nghèo vay không được đòi hỏi tài sản thế chấp, vì nếu đã có tài sản thế chấp thì không còn là người nghèo nữa. Cần bác bỏ quan niệm sai lầm cho rằng tài sản thế chấp là thiết yếu cho mọi hoạt động tín dụng. Quan điểm đó sẽ loại trừ người nghèo khỏi danh sách những người được vay. Hơn nữa cũng không cần đe dọa bằng hành vi pháp lý nếu như người rất nghèo không trả được nợ, vì điều đó sẽ làm nản lòng những người thận trọng trong số những người nghèo muốn vay vốn. Thứ hai, tín dụng phải được đưa tới tận tay người nghèo Người nghèo thường e ngại khi bước vào nhà ngân hàng, vì họ ít có cơ hội được vay ở đó. Hơn nữa người rất nghèo còn lo kiếm sống, không có thời gian rảnh rỗi dành cho sự nỗ lực mà họ nghĩ rằng không có hiệu quả. Vì vậy tín dụng phải được mang tới tận tay người nghèo. Thứ ba, thủ tục cho vay đơn giản, hướng dẫn chu đáo. Thứ tư, khả năng cho vay liên tiếp. Một khoản nợ nhỏ không đủ để những người nghèo thoát khỏi cảnh bần hàn và sẽ không có hiệu lực kích thích nếu không có các khoản vay tiếp tục. Theo kinh nghiệm của Grameen, một khi đã trả được nợ đầy đủ theo đúng tiến độ đặt ra thì các thành viên sẽ được vay nợ liên tục. Thứ năm, tín dụng kiểu Grameen cho người nghèo đòi hỏi một kỷ luật rất chặt chẽ. Kỷ luật chỉ được duy trì thông qua sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên ngân hàng bám sát cơ sở [34, 16-17-18]. Đối với Phú Thọ trong những năm qua, để thực hiện chủ trương XĐGN, tỉnh đã có rất nhiều cố gắng để tạo điều kiện cho người nghèo được vay vốn, mở mang ngành nghề, phát triển sản xuất kinh doanh. Bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác, kết quả cho đến nay (tính đến tháng 6 năm 2000) đã có 134.255 lượt hộ được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng nguồn là 127.534 triệu đồng. Trong đó: Nguồn vốn ngân hàng phục vụ người nghèo: 110 tỷ đồng; nguồn từ các tổ chức đoàn thể: 15.056 triệu đồng; nguồn tín dụng hợp tác quốc tế: 2.478 triệu đồng. Các huyện có số dư nợ cao như: Thanh Ba: 13.205 triệu, Thanh Sơn: 13.025 triệu, Việt Trì: 11.522 triệu... Bằng các nguồn vốn vay đã giúp cho nhiều hộ đầu tư phát triển sản xuất thoát đói nghèo, trả được nợ vốn vay, tỷ lệ nợ quá hạn và lãi tồn đọng thấp (gần 0,2%) [4, 6]. Tuy nhiên, trong những năm tới, để giảm nhanh số hộ nghèo đói, nâng cao số hộ giàu và số hộ trung bình, dự kiến phải bảo đảm cho các hộ nghèo được vay từ 5 đến 7 triệu đồng 1 hộ, một số trường hợp có thể cho vay đến 10 triệu đồng với thời hạn từ 3-5 năm với lãi suất ưu đãi, để mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế hộ, phát triển kinh tế trang trại. Có như vậy một số hộ mới có thể từ nghèo vươn lên khá và có khả năng vươn lên làm giàu do có điều kiện tập trung vốn, đất đai để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Cũng cần ưu tiên bố trí vốn cho các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (Thanh Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Thuỷ). Đặc biệt là vùng có tiềm năng phát triển kinh tế theo chương trình mục tiêu mũi nhọn của tỉnh, đầu tư có trọng điểm tập trung không dàn trải. 3.2.3. Hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến công nghệ kỹ thuật mới cho người nghèo, nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông Như trong phần nguyên nhân đói nghèo đã trình bày ở trên, gần 30% số hộ đói nghèo là do không biết cách làm ăn, chưa hiểu biết kỹ thuật công nghệ mới trong sản xuất, do đó để đảm bảo đồng vốn cho người nghèo vay có hiệu quả, thực sự hữu ích giúp người nghèo vươn lên thoát đói nghèo, làm giàu cho bản thân và cộng đồng, thì việc hướng dẫn cho họ cách làm ăn, giúp họ có những kiến thức về khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất là rất cần thiết. - Về nội dung hướng dẫn và đào tạo nghề Trước hết, các cơ quan chức năng của địa phương cần tổ chức rộng rãi việc dạy nghề cho thanh niên đến độ tuổi lao động, hướng vào những ngành nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường trong khu vực và địa phương. Đồng thời, địa phương cần có các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm tại chỗ. Hiện nay toàn tỉnh có trên 50 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tuy nhiên ngành nghề mới phát triển ở phạm vi "làng có nghề" chứ chưa hình thành "làng nghề". Đặc biệt những hộ đói nghèo, vùng khó khăn lại không có hoặc rất ít ngành nghề. Do vậy cần định hướng hỗ trợ phát triển ngành nghề theo các vùng để khuyến khích hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống, đồng thời phát triển các ngành nghề mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong cơ chế thị trường, các cấp chính quyền cần khôi phục một số ngành nghề bị mai một như gốm sứ, làn cọ, thảm bẹ ngô, thảm đay, dệt thủ công, đồng thời tìm kiếm và phát triển những nghề mới như mành trúc, mành cọ, mành gỗ xuất khẩu, bao bì, để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần XĐGN một cách thiết thực. - Về cách thức dạy nghề và chuyển giao công nghệ Để thực hiện việc kết hợp hướng nghiệp dạy nghề, chuyển giao kiến thức công nghệ phù hợp, các trung tâm dạy nghề thuộc các huyện, thị và cơ sở cần mở các lớp tập huấn tại chỗ ở xã phường, giúp người nghèo có điều kiện tham gia. Chú ý phát triển hình thức học nghề từ xa, khuyến khích các hộ làm ăn giỏi đỡ đầu hộ nghèo, dìu dắt và giúp đỡ các hộ nghèo không chỉ về bí quyết công nghệ, mà còn dạy cách tổ chức sản xuất tại nhà. Hiện nay ở Phú Thọ đã có những hình thức khuyến khích rất tích cực như hỗ trợ cho các hộ nghèo vay vốn làm nghề phụ, mức vay bình quân 1 triệu đồng 1 hộ; hỗ trợ cho các chủ kinh doanh tuyển dụng lao động đói nghèo vào làm hợp đồng tại cơ sở sản xuất, đồng thời được vay vốn mua sắm thiết bị sản xuất, mức vay từ 10 - 50 triệu đồng/ cơ sở doanh nghiệp. Hình thức hỗ trợ này của địa phương đã tạo tiền đề vật chất để các hộ nghèo học được nghề có điều kiện tổ chức triển khai ngay nghề nghiệp đó. - Phú Thọ là một tỉnh nông nghiệp miền núi, do đó việc nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông là giải pháp thiết thực nhất để xóa đói giảm nghèo Khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm (gọi chung là khuyến nông) là tổ chức dịch vụ hỗ trợ hạ tầng công nghệ cho nông dân làm ăn. Người nông dân địa phương có câu: "nhất nước nhì phân, tam cần, tứ giống". Vậy khuyến nông là lĩnh vực cực kỳ quan trọng bởi ba trong bốn thứ đó đều gắn liền với khuyến nông. Thiếu nó, người nông dân sẽ bị lệ thuộc nhiều vào tự nhiên và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Đặc biệt với các vùng sâu, vùng cao, vùng có dân trí thấp thì hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, mở ngành nghề gì để nâng cao thu nhập, thực chất đó là công việc cứu nông dân khỏi cảnh nghèo đói. Nhận rõ vai trò to lớn của công tác khuyến nông đối với nông dân nghèo trong phát triển kinh tế, trong những năm qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Phú Thọ, Hội nông dân tỉnh và hệ thống khuyến nông đã chủ trì phối hợp mở các lớp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế... cho nông dân, bình quân mỗi năm mở 300 lớp với 31.000 lượt hội viên tham gia. Đặc biệt các cấp hội đã vận động nông dân tăng cường ứng dụng lúa lai vào sản xuất, đến nay triển khai đạt 30% diện tích gieo trồng, từ đó thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa năng suất lên cao. Các chương trình cấp I hóa giống lúa, đưa giống lúa lai, giống lợn có tỷ lệ nạc cao, đàn bò lai, chiết ghép, lai tạo giống, sử dụng phân vi sinh NPK, các loại thuốc bảo vệ thực vật được triển khai đồng bộ, rộng rãi. Hơn nữa, các phương pháp ngăn ngừa dịch bệnh cho gia súc gia cầm và công tác bảo vệ môi trường... đã giúp nông dân nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, từng bước thoát đói vượt nghèo. Để huy động các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất của Trung ương và địa phương tham gia vào công tác XĐGN, tỉnh đã thực hiện việc ký hợp đồng với Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao ứng phân NPK trả chậm với khối lượng 2.000 tấn, trị giá trên 2 tỷ đồng cho 15 ngàn hộ ở các huyện nghèo như Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn. Thông qua phương thức này góp phần đầu tư vào trên 1.100 ha lúa cho năng suất tăng từ 15- 30%. Hình thức này vừa là sự hỗ trợ của nhân dân trong tỉnh với vùng nghèo, hộ nghèo vừa là sự củng cố và phát huy khối liên minh công nông bền vững. Các học viên tham gia vào các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo được bồi dưỡng những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật và kiến thức pháp luật, kiến thức kinh nghiệm sử dụng vốn, quỹ vay để phát triển sản xuất, chi tiêu trong gia đình... Từ kiến thức thu được, các học viên, hội viên về cơ sở tuyên truyền và phổ biến trao đổi kinh nghiệm nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân nghèo. Trong thời gian tới, để khuyến nông thực sự là người thầy, người bạn tốt của nông dân nghèo, thì tổ chức này cần được tăng cường hơn nữa cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cụ thể là: - Khuyến nông không chỉ đảm bảo chuyển giao đến hộ nông dân các thông tin và kỹ thuật sản xuất, mà còn bao hàm các thông tin cần thiết khác, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận trực tiếp với thị trường. Ví dụ, khuyến nông hướng dẫn cho nông dân đổi mới cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng không dự báo thị trường cho họ thì việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. - Thành công của tổ chức khuyến nông còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính và công nghệ của nhà nước. Nguồn tài chính cho khuyến nông một phần được thu từ phí thông qua thương mại hóa dịch vụ. Song nguồn ngân sách nhà nước là yêu cầu thường xuyên, vì đây là dịch vụ hỗ trợ nông dân không phải là dịch vụ trao đổi ngang giá và đối với nông dân nghèo phải được miễn phí. - Cần có một sự liên kết thường xuyên giữa chương trình khuyến nông và các chương trình hỗ trợ nông nghiệp nông thôn nói chung và với nông dân nghèo nói riêng. Đặc biệt giữa chương trình hỗ trợ vốn với chương trình khuyến nông để hỗ trợ nông dân nghèo sản xuất tăng thu nhập cần phải phối hợp với nhau để định hướng chung vào một mục tiêu XĐGN. - Riêng ở 31 xã đặc biệt khó khăn, dựa vào các cán bộ tỉnh, huyện có kiến thức kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để dạy bà con nông dân cách làm ăn. ở những vùng còn quá lạc hậu, cần có sự giúp đỡ trực tiếp, cụ thể của một lực lượng tình nguyện, lực lượng này chủ yếu là ở các đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, liên đoàn lao động. Toàn bộ các biện pháp cụ thể này sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông một hệ thống giải pháp tích cực và thiết thực đối với Phú Thọ. 3.2.4. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa Người nghèo đa phần tập trung ở nông thôn, như phần đặc trưng đã phân tích, đói nghèo ở Phú Thọ chủ yếu tập trung ở nông thôn và miền núi. Vì vậy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần giải quyết công tác XĐGN. Hơn nữa nền kinh tế thuần nông không thể đem lại sự giàu có, ổn định và phồn vinh cho các hộ làm nghề nông nói riêng và nền nông nghiệp nói chung. Với một nền kinh tế nông nghiệp trong điều kiện canh tác lạc hậu, ruộng đất bình quân thấp, lại bị lệ thuộc vào thiên nhiên lớn như Phú Thọ hiện nay, nếu chỉ sản xuất thuần nông khi gặp rủi ro sẽ khó vượt qua và dễ bị rơi vào nghèo đói. Để chuyển nền kinh tế nông nghiệp từ một nền kinh tế thuần nông sang nền kinh tế nông nghiệp hiện đại gắn với công nghiệp và dịch vụ, hiện nay tỉnh Phú Thọ cần tập trung theo các hướng chính sau đây: Thứ nhất, phát triển kinh tế hộ nông dân theo mô hình kết hợp chuyên môn hóa với đa dạng hóa sản xuất kinh doanh nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao năng lực tích lũy, thực hiện việc xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần ở nông thôn. Là tỉnh thiếu lương thực nên Phú Thọ có chủ trương tăng sản lượng lương thực trên cơ sở khuyến khích các hộ nông dân đầu tư thâm canh đi đôi với ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất và chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhằm bảo đảm an toàn lương thực, trên cơ sở đó mà phát triển chăn nuôi, ngành nghề và phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng. Tuy nhiên, nếu chỉ chuyên canh cây lương thực thì các hộ nông dân khó thoát khỏi đói nghèo mà vươn lên làm giàu được, do đó muốn đứng vững trong cơ chế thị trường và nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn các hộ nông dân phải tiến hành đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, cụ thể như: - Khuyến khích các hộ nông dân tăng nhanh diện tích và năng suất các loại cây trồng ngoài lúa như: ngô lai, khoai lang lim, sắn cao sản và các loại đậu đỗ. - Vận động các hộ nông dân phát triển nghề làm vườn, chuyển 19.000 ha vườn tạp sang phát triển vườn cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao như: chuối Lâm Thao, hồng Hạc Trì, xoài Vân Du, nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà... hình thành tập đoàn cây ăn quả đa dạng phong phú. - Tăng cường đầu tư cho nông dân phát triển cây công nghiệp và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập và Sông Thao, cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu, chủ yếu là cây chè và cây mía. - Phát triển nghề làm vườn kết hợp với chăn nuôi, hoặc kết hợp làm trang trại với chăn nuôi và đào ao nuôi cá tạo thành mô hình lồng ghép kiểu VAC, RVAC. - Kết hợp phát triển lâm nghiệp với chăn nuôi, tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ chăm sóc và trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Chăm sóc và có kế hoạch khai thác rừng sản xuất hiện có, đồng thời phát triển trồng rừng, trong đó chú trọng đầu tư trồng rừng nguyên liệu. Thứ hai, cải biến cơ cấu kinh tế trong nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ để giải quyết lao động dư thừa trong nông nghiệp, nâng cao hiệu suất sử dụng thời gian lao động của các hộ nông dân, cải thiện một bước đời sống các hộ nông dân thực hiện XĐGN. Cụ thể là: - Khuyến khích các hộ nông dân mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tại chỗ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ngay tại địa phương nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, khắc phục tình trạng thuần nông còn khá phổ biến hiện nay. Nét nổi bật của tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn Phú Thọ là tính đa dạng về ngành nghề và sản phẩm như: sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, cát sỏi, đá xây dựng, chế biến lương thực gồm: xay sát, làm mỳ miến, làm đậu phụ,... mây tre đan gồm: làm nón và đan lát các loại, nghề mộc, nghề cơ khí và một số nghề khác. - Khuyến khích phát triển các làng nghề tập trung nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng có chất lượng cao, góp phần tạo ra mối quan hệ liên kết giữa cung ứng dịch vụ với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ngay tại nông thôn và giữa nông thôn với miền núi và thành thị. Thứ ba, Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại. Kinh tế trang trại là hình thức phát triển tất yếu của nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi có quỹ đất đồi, rừng, điều kiện tự nhiên phong phú thì phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn không chỉ trước mắt, mà còn cho lâu dài. Phát triển kinh tế trang trại làm cho bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của dân cư được cải thiện, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình XĐGN của tỉnh. Những năm qua, kinh tế trang trại Phú Thọ đã có bước phát triển đáng kể, nhiều hộ nông dân đã trở thành triệu phú trên mô hình trang trại chuyên canh hoặc trang trại kinh doanh tổng hợp. Tính đến tháng 8/1998 toàn tỉnh có 1.747 hộ làm kinh tế trang trại với qui mô từ 1 ha trở lên. Tổng diện tích của các trang trại là 8.522 ha, bình quân khoảng 5ha/1 trang trại. Các huyện có nhiều trang trại như: Thanh Sơn: 401, Đoan Hùng: 398, Tam Thanh: 225, Yên Lập: 274. Thu nhập của các trang trại đạt khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Đó là những hộ nông dân sản xuất giỏi, có tâm huyết làm giàu trên mảnh đất được giao quyền sử dụng, rất cần được khuyến khích phát triển. Có thể nói, kinh tế trang trại là mô hình kinh tế thích hợp với sự phát triển của nông nghiệp Phú Thọ hiện nay, nó có vai trò thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đất đai, lao động, vốn trong nhân dân. Nó là động lực quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện XĐGN và làm giàu, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. 3.2.5. Tích cực giải quyết việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo Như trên đã phân tích, nghèo đói quan hệ trực tiếp đến việc làm và thu nhập, cho nên giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập là một giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề đói nghèo hiện nay. Trước hết ta hãy xem xét kết quả giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn (1995 - 1998) và dự báo năm 2000. Nhìn vào kết quả giải quyết việc làm giai đoạn 1995 - 1998 chúng ta thấy: Trong 4 năm, toàn tỉnh đã tạo thêm việc làm cho gần 80 ngàn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4,85% (năm 1995) xuống 4,58% (năm 1998), tăng hiệu suất sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 72,5% (1995) lên 74,14% (1998). Thành tích đó đã góp phần không nhỏ vào kết quả XĐGN của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, lao động của Phú Thọ còn tập trung quá nhiều trong nông, lâm nghiệp (chiếm gần 80% lượng lao động toàn tỉnh), 30% lao động ở nông thôn không có việc làm và 4,58% lao động ở thành thị bị thất nghiệp, nên vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao hiệu suất sử dụng thời gian lao động, tăng số việc làm có thu nhập cao... hiện đang là những vấn đề bức xúc đặt ra cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội và vấn đề XĐGN của tỉnh. Để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện XĐGN, hiện nay tỉnh cần tiếp tục giải quyết theo những hướng sau đây: Thứ nhất: Phát huy thế mạnh của nông lâm nghiệp để giải quyết việc làm thông qua việc giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân theo Luật đất đai để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất trên mảnh đất được giao. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã được giao tính đến tháng 6 năm 1998 là 77.590 ha cho 39.500 hộ nông dân, 60% diện tích trên đã được các hộ kinh doanh trồng rừng, bảo vệ khoanh rừng. Đã có hàng vạn hộ phát triển kinh tế đồi rừng, vườn rừng trên diện tích được giao có hiệu quả, đặc biệt có hàng ngàn hộ phát triển sản xuất với qui mô lớn, hình thành các trang trại. Đời sống nông dân khá lên rõ rệt, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ đói nghèo ở khu vực này. Do lợi thế về khí hậu, đất đai nên các xã vùng đồi núi cần tiếp tục phát huy thế mạnh của cây chè. Cây chè là cây công nghiệp lâu năm được trồng đã lâu đời trên đất Phú Thọ. Cây chè ở Phú Thọ được xác định là cây kinh tế mũi nhọn vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị xuất khẩu và còn là cây XĐGN cho kinh tế hộ nông dân vùng đồi. Đến năm 1999, diện tích chè của Phú Thọ lên đến 7.885 ha, chiếm 94,1% diện tích cây công nghiệp toàn tỉnh. Cây chè Phú Thọ có qui mô diện tích đứng thứ 3 và về sản lượng đứng thứ 4 so với các tỉnh sản xuất chè trong nước. Chè Phú Thọ đã tham gia xuất khẩu, hàng năm Phú Thọ đã xuất khẩu từ 3-4 ngàn tấn chè khô, chủ yếu là chè đen. Trong những năm tới, hướng phát triển cây chè mũi nhọn là đầu tư thâm canh cải tạo cây chè hiện có, kết hợp phát triển mở rộng trồng mới, chú trọng đầu tư thay thế giống chè năng suất thấp bằng giống mới có năng suất cao, tiến hành kiểm tra đề xuất việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở chế biến chè mini nhằm đảm bảo lợi ích người trồng chè và cung ứng đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trên địa bàn. Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi để cải thiện đời sống cho gia đình, giải quyết việc làm cho các hộ nông dân, thực hiện XĐGN cũng là một giải pháp đem lại nhiều hiệu quả và phù hợp với điều kiện của tỉnh. Những năm gần đây giá trị sản phẩm chăn nuôi của tỉnh chiếm khoảng 26% so với giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Kết hợp chăn nuôi với trồng trọt và các hộ nông dân chuyên chăn nuôi đã làm cho tổng sản phẩm chăn nuôi của Phú Thọ đạt 32,5 ngàn tấn thịt hơi xuất chuồng, cung cấp cho thị trường xã hội 22-23 ngàn tấn thịt lợn, tham gia xuất khẩu năm 1999 được 500 tấn. Việc tiếp tục hình thành vùng trồng nguyên liệu giấy đang được thúc đẩy hiện nay ở Phú Thọ tỏ ra là một giải pháp tích cực phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo số liệu điều tra, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 17.286 ha rừng nguyên liệu giấy, hàng năm cung cấp từ 4 đến 5 ngàn tấn nguyên liệu giấy. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp giấy cần qui hoạch đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu giấy, gắn kết hữu cơ giữa khâu chế biến với vùng nguyên liệu của tỉnh. Hình thành vùng trồng cây nguyên liệu giấy ổn định vừa phát huy được thế mạnh của tiềm năng đất đồi rừng vừa tận dụng được lực lượng lao động dôi dư trong nông thôn không chỉ góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn Phú Thọ ngày càng giàu đẹp, mà còn giúp nhiều hộ nghèo đói ở vùng đồi rừng tăng thu nhập, thoát khỏi cảnh nghèo, đói. Thứ hai: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong mối quan hệ với giải quyết việc làm. Đây là giải pháp phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của cả nước. Để thực hiện giải pháp này chủ trương của tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo để tập trung nguồn lực vào những ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh. Trong một loạt các kế hoạch phát triển kinh tế gắn với sự nghiệp XĐGN, tỉnh đã ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp: chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, phân bón, dệt may mặc, da giày, ngành sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu và những ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ, nhờ đó mà thu hút được hàng ngàn lao động từ nông thôn ra làm việc trong các xí nghiệp công nghiệp, ở đô thị tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,58% xuống 3,36% (vào năm 2000) đồng thời nâng cao giá trị nông lâm sản của khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, thực hiện XĐGN. Thứ ba: Phát triển ngành dịch vụ để giải quyết việc làm không chỉ làm tăng thu nhập để XĐGN, mà còn phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giải pháp này cần phát triển mạnh các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng chính đáng của nhân dân, do đó tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ, tập trung vào những ngành dịch vụ quan trọng như: bưu điện, vận tải, ngân hàng, thương mại, du lịch. Đối với dịch vụ thương mại: tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới thương nghiệp, hình thành trung tâm thương mại Phong Châu, Phú Thọ và một số huyện lỵ. Riêng Việt Trì tập trung đầu tư để trở thành trung tâm thương mại của tỉnh và cả vùng bằng cách hình thành trung tâm bán buôn gần các điểm thương mại lớn: các cửa hàng trung tâm, xây dựng hệ thống chợ và các khu phố, đường phố chuyên kinh doanh một số mặt hàng. Tổ chức củng cố mạng lưới thương nghiệp bán lẻ, chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn kết thành một hệ thống thông qua buôn bán hàng hóa tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa phát triển. Đối với dịch vụ du lịch: Phú Thọ đang có tiềm năng lớn chưa khai thác. Để khơi dậy một ngành có tiềm năng lớn cần tuyên tryền để cả nước tham gia giữ gìn, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền Hùng đúng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Đồng thời có chính sách đầu tư biến các địa danh, các di tích liên quan đến lịch sử Hùng Vương thành các điểm du lịch gắn với các khu Ao Châu - Xuân Sơn - Thành phố Việt Trì tạo ra một vòng du lịch hoàn chỉnh. Như vậy, dịch vụ trong điều kiện hiện nay đang chiếm tỷ trọng rất lớn về lao động, tỷ trọng này sẽ còn tiếp tục gia tăng cùng với sự phát triển của xã hội, vì vậy coi trọng đúng mức phát triển dịch vụ sẽ có ý nghĩa to lớn về giải quyết việc làm để tích cực XĐGN. 3.2.6. Thực hiện những sự ưu tiên xã hội cần thiết cho việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn đặc biệt và các đối tượng đặc biệt Giải pháp này xuất hiện từ thực tế của sự phát triển không đều giữa các huyện, các vùng dân cư trong tỉnh. Do những sự khác biệt về hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên, môi trường, truyền thống, tập quán, trình độ dân trí nên xuất hiện một số vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế xã hội chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu và rất yếu. Để không tạo ra khoảng cách quá xa giữa các vùng trong tỉnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng là: "Thu hẹp dần khoảng cách và trình độ phát triển về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư, đặc biệt quan tâm đến vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ, các gia đình chính sách, làm cho mọi người, mọi nhà đều tiến tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc" [19, 31]. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có những ưu tiên đặc biệt về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn, góp phần XĐGN. Trước hết, phát triển kinh tế - xã hội nâng cao mức sống của dân cư tạo tiền đề cho XĐGN ở 31 xã đặc biệt khó khăn. Theo chương trình phát triển kinh tế xã hội 31 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ hiện nay các hướng chính đã được tập trung giải quyết tại các xã đó: - Về sản xuất nông nghiệp: Tổ chức điều tra, quy hoạch phát triển sản xuất gắn với bố trí lại dân cư ở các xã, xóm bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện để đồng bào ở những vùng này nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, chấm dứt tình trạng du canh, du cư. Đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực, trên cơ sở giữ vững ổn định diện tích đất ruộng, tăng cường các biện pháp thủy lợi để mở rộng diện tích cấp I hóa giống lúa, tăng nhanh diện tích lúa lai và ngô lai vụ đông. Thông tin phổ biến rộng rãi, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm sản xuất về các loại giống cây trồng mới cho nông dân. Tích cực thâm canh tăng vụ và áp dụng những tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp. - Về lâm nghiệp: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho hộ nông dân, thực hiện tốt các dự án định canh, định cư, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình giải quyết việc làm và các chương trình mục tiêu nông lâm nghiệp. Đảm bảo vốn rừng hiện có, tăng nhanh diện tích rừng sản xuất kinh doanh. Bình quân mỗi năm trồng rừng mới từ 2,1 - 2,5 ngàn ha, trong đó có từ 150 - 200 ha quế [14]. - Về dịch vụ: Từng bước xây dựng chợ nông thôn, các cơ sở dịch vụ thương mại, các điểm đại lý bán buôn, bán lẻ hàng hóa nhất là tại các trung tâm cụm xã, tạo điều kiện để những xã này có đủ điều kiện đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận và cung ứng các mặt hàng phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Về ưu tiên nguồn lực cho hộ nghèo, vùng nghèo cho các xã đặc biệt khó khăn tập trung vào các mục tiêu như: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, thủy lợi, giáo dục, y tế. Các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được áp dụng một số chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư, tín dụng, chính sách thuế (thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Thông tư 60 TC/TCT ngày 14/7/1994 và văn bản số 1111 TC-TCT ngày 12/3/1999 của Bộ Tài chính), chính sách xã hội (giáo dục, y tế, học nghề...) Đối với những hộ, những người có công với cách mạng, hộ thân nhân liệt sĩ, những hộ khó khăn có chủ gia đình là phụ nữ, hộ dân tộc ít người cũng cần có sự ưu tiên nguồn lực. Điều đó vừa thể hiện chính sách kinh tế để XĐGN vừa thể hiện chính sách xã hội "đền ơn đáp nghĩa" và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đổi mới. 3.2.7. Một số những giải pháp về xã hội Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghèo đói là do không biết cách làm ăn thiếu kiến thức khoa học và công nghệ. Tuy nhiên để có được những kiến thức đó cần phải bắt nguồn một cách vững chắc từ một trình độ dân trí nhất định và phải từ một nền giáo dục phổ thông cơ bản. Cho nên đối với người nghèo ngoài việc hỗ trợ về vốn, về các ưu đãi khác thì hỗ trợ họ về giáo dục là một trong những giải pháp tích cực giúp người nghèo từng bước thoát ra khỏi cảnh nghèo đói dai dẳng. Chính vì vậy, hướng hỗ trợ người nghèo về giáo dục ở tỉnh Phú Thọ được thực hiện theo những giải pháp sau đây: - Miễn học phí và các khoản đóng góp bằng tiền để xây dựng trường lớp đối với học sinh thuộc diện đói. Hộ nghèo được giảm từ 50 - 70%. - Học sinh bậc tiểu học là con em thuộc diện đói, nghèo được mượn sách giáo khoa và cấp vở viết. - Xét cấp học bổng cho các cháu học sinh giỏi, xây dựng quỹ khuyến học, hàng năm có xét cấp học bổng hoặc tặng thưởng cho những em nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập. - Học sinh phổ thông trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn đến trường được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm và miễn học phí. Tuy nhiên, hiện nay để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn cần phải tiếp tục chính sách hướng vào đào tạo giáo viên theo địa chỉ, và về lâu dài phải hướng vào "địa phương hóa" nguồn giáo viên. Có chế độ trợ cấp cao hơn với giáo viên phục vụ ở miền núi, ở những vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích lực lượng giáo viên trẻ mới ra trường có nhiệt tình tâm huyết nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế Có nhiều mối liên hệ móc xích giữa sức khỏe và đói nghèo. Sự đau yếu của một thành viên trong gia đình thường được xem là cái ngòi nổ hay yếu tố khởi đầu đẩy một gia đình rơi vào chu kỳ nợ nần nghèo kiệt. Cái giá của đau yếu trong một gia đình bao gồm sự hao tổn chi phí lao động không chỉ của người bệnh, mà còn của người trực tiếp trông nom vì mất thu nhập do lỡ mùa, do không đi bán được sản phẩm, không đi làm được do phải trông nom người ốm v.v...; chi phí đi lại, ăn uống khi đi tìm thầy thuốc và cả chi phí thực tế để chữa bệnh... Do đó, đối với người nghèo thì sự hỗ trợ của cộng đồng, làng xóm, xã hội về các dịch vụ y tế cho người nghèo đói là rất cần thiết. Về các giải pháp hỗ trợ người nghèo về y tế, hiện nay tỉnh Phú Thọ đang hướng tới các biện pháp cụ thể sau: - Củng cố xây dựng trạm xá ở các phường, xã và nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế ở vùng nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. - Tập trung giải quyết cho được vấn đề nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân, vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch bệnh, thực hiện phòng bệnh tại nhà... Miễn hoặc giảm một phần kinh phí chữa bệnh cho người nghèo. Người nghèo khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước được miễn giảm một phần viện phí theo thẻ khám bệnh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp. Đồng bào trong vùng các xã đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh trong các cơ sở y tế của Nhà nước không mất tiền theo qui định tại Nghị định số 95/CP ngày 27/8/1994 của Chính phủ. Khuyến khích người nghèo tham gia tích cực vào chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình là chương trình của toàn xã hội, song đối với người nghèo, vùng nghèo thì đây là vấn đề trực tiếp liên quan đến việc nâng cao đời sống của họ. Thông thường nghèo đói gắn liền với lạc hậu, dân trí thấp, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, đông con. Đến lượt nó, đông con, nhiều người ăn theo trước hết là một gánh nặng cho gia đình và sau đó là toàn xã hội. Do đó làm cho người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rằng: Hạn chế sinh đẻ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thực hiện mô hình gia đình có từ 1 đến 2 con là cách khôn ngoan để người nghèo tự cứu mình và cứu con cháu họ thoát khỏi trạng thái và cảnh ngộ đói, nghèo. Nhà nước, các cơ quan chức năng và các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ... cần giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo để họ có đủ hiểu biết và cuối cùng là khả năng tiếp cận được với chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ đó mà thúc đẩy sự nghiệp XĐGN đến thắng lợi. 3.2.8. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong công tác xóa đói giảm nghèo Trong thời gian qua và đặc biệt là trong 3 năm thực hiện chương trình quốc gia XĐGN, các đoàn thể nhân dân và Mặt trận tỉnh Phú Thọ đã góp phần không nhỏ vào chiến dịch chống nghèo đói, cụ thể là: Nguồn vốn mà các đoàn thể huy động được cho dự án tín dụng của người nghèo là 15.056 triệu đồng, chiếm khoảng 12% tổng số vốn tín dụng. Các đoàn thể đã cùng với các cơ quan chức năng làm tốt công tác khuyến nông, tuyên truyền cho mọi người dân về chủ trương XĐGN. Công tác tuyên truyền giáo dục đã được các ngành, hội đoàn thể, đặc biệt là Hội nông dân, tỉnh Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh phối kết hợp bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng trong nông dân về chủ trương chính sách, thông tin về khoa học kỹ thuật, gương người tốt việc tốt, làm kinh tế giỏi trong công tác XĐGN. Với gần 300 tin bài đăng tải trên báo đài Trung ương và địa phương, gần 4.000 cuốn sách giới thiệu điển hình sản xuất giỏi và gần 50 cuốn thông tin công tác hội, các tổ chức này đã giúp cho hội viên nông dân ở cơ sở làm tư liệu sinh hoạt, học tập kinh nghiệm hăng hái thi đua làm giàu. Trong thời gian tới, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tiếp tục làm tốt hơn các nhiệm vụ cụ thể sau đây: - Vận động thuyết phục đoàn viên, hội viên tự nguyện tham gia phong trào XĐGN bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền cho mọi người dân thấy rõ XĐGN là trách nhiệm của cả cộng đồng, giáo dục cho hội viên tinh thần tích cực lao động sản xuất; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phát triển ngành nghề. Hơn nữa, họ còn phát động trong toàn thể hội viên thực hiện tiết kiệm để tạo tích lũy vốn phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống thực hiện gia đình văn hóa mới, xây dựng nếp sống mới ở khu vực dân cư, chăm lo phát triển sự nghiệp y tế và giáo dục. - Phát động phong trào xây dựng quỹ tín dụng, hỗ trợ người nghèo. - Động viên những người làm ăn giỏi có kinh nghiệm hướng dẫn giúp đỡ bồi dưỡng đoàn viên, hội viên nghèo đói. Đoàn thanh niên là lực lượng trẻ, có trình độ, giàu lòng nhiệt huyết, có thể kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm tập hợp đoàn viên, mở các lớp tập huấn ngắn ngày về nuôi trồng cây con, bảo vệ thực vật (IPM)... Số đoàn viên làm ăn khá giỏi, sau khi được tập huấn trở về thôn xóm đã trở thành lực lượng nòng cốt hướng dẫn cho người nghèo làm ăn. Hội nông dân sử dụng giải pháp hướng dẫn "đầu bờ", mời những chủ hộ nông dân nghèo đến tại thửa ruộng, chuồng trại của các hộ làm ăn khá xem xét thực tế, cùng nhau bàn bạc, trao đổi. Từ đó để họ tiếp thu kinh nghiệm làm ăn, học tập kỹ thuật mới, vì đối với người nghèo không chỉ là vấn đề tri thức, mà còn là vấn đề tâm lý, nên nếu được những người cùng cảnh thực sự thông cảm thì người nghèo đỡ mặc cảm, dễ gần, dễ học. - Động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương đất Tổ vươn lên XĐGN. - Đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội. Không ít những người lao động trở thành những người nghèo đói bần hàn là do các tệ nạn mang lại, do đó bên cạnh vấn đề nâng cao dân trí, thực hiện ưu đãi cho người nghèo cần tích cực đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, số đề, ma túy, mại dâm. Đồng thời, ở các làng quê, các đoàn thể đã tuyên truyền vận động bà con bài trừ các hủ tục nặng nề trong ma chay, cưới xin, giỗ chạp..., đó cũng là một biện pháp gián tiếp để giúp người nghèo yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống từng bước thoát đói, vượt nghèo. Kết luận Thế kỷ thứ XX đã khép lại, nhân loại đang bước vào một thiên niên kỷ mới, gắn với những tiến bộ to lớn và vượt bậc của con người, song nhân loại vẫn đang phải đối đầu với nghèo khổ, một nỗi đau dai dẳng và trầm trọng trên con đường phát triển. XĐGN là một chủ trương to lớn và hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nó vừa thể hiện định hướng phát triển của đất nước, vừa thể hiện ý chí và nguyện vọng của cả một dân tộc là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, có vị thế ngày càng to lớn trên trường quốc tế. Đối với Phú Thọ là một tỉnh miền núi phía Bắc, do điều kiện tự nhiên và do những yếu tố về lịch sử để lại Phú Thọ là một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, có tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao hơn bình quân trong cả nước. Trong tiến trình đua tranh và phát triển kinh tế vươn lên xây dựng quê hương đất Tổ giàu đẹp, XĐGN luôn được coi là một nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ. Với sự hỗ trợ to lớn của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình quốc gia XĐGN đến nay Phú Thọ đã thu được những kết quả rất đáng tự hào trong chiến dịch tấn công vào nghèo đói. Công cuộc XĐGN đã được nhân dân trong tỉnh hết lòng ủng hộ và tích cực tham gia. Các hộ nghèo, vùng nghèo cũng đã tự mình vươn lên tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng để ổn định nâng cao đời sống và dần dần vươn tới khá giả. Những thành tích đó đã góp phần đáng kể vào việc giữ vững sự ổn định và tạo những tiền đề vững chắc cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh. Trong những năm tới cùng với công cuộc công nghiệp hóa nông thôn, chuyển dịch một nền kinh tế từ sản xuất thuần nông là chủ yếu, sang sản xuất hàng hóa đa dạng phong phú; phát huy thế mạnh của rừng, đồi kết hợp với thế mạnh của công nghiệp và dịch vụ để xây dựng và phát triển kinh tế thực hiện đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện tượng nghèo đói sẽ có những biến đổi phức tạp. Khoảng cách giàu nghèo có thể sẽ tiếp tục cách xa nhau. Điều đó đòi hỏi công cuộc XĐGN phải tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là một sự nghiệp to lớn, lâu dài không thể nóng vội, mà cũng không được lơi lỏng, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn dân, của các tổ chức Đảng, đoàn thể của chính quyền, đòi hỏi sự cố gắng của chính những người nghèo, hộ nghèo. Đồng thời để nâng cao hiệu quả và sự thiết thực của công cuộc XĐGN phải có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa các chương trình kinh tế với các chương trình xã hội. Phải tiếp tục nghiên cứu các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các kinh nghiệm XĐGN của các tỉnh trong cả nước để đề ra được những giải pháp có tính khả thi hơn nữa cho công cuộc thoát đói vượt nghèo của Phú Thọ trong thời gian tới. Quyết tâm đưa mảnh đất địa linh nhân kiệt ấy ngày càng giàu về kinh tế, đẹp về truyền thống "con Lạc cháu Rồng" từ ngàn xưa để lại. Danh mục Tài liệu tham khảo [1]. Vũ Tuấn Anh, Những tiêu chuẩn đánh giá mức nghèo ở nông thôn, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 227, tháng 4/1997. [2]. Vũ Đình Bách, Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. [3]. Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1999, phương hướng nhiệm vụ năm 2000 của tỉnh Phú Thọ. [4]. Báo cáo tổng kết 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo tỉnh Phú Thọ (1998 - 2000) [5]. Hoàng Chí Bảo, Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam - Nhìn nhận từ phương diện xã hội văn hóa của phát triển. Tạp chí Lao động và xã hội, số chuyên đề II, 1998. [6]. Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập nghị quyết Hội nghị lần thứ tư - Ban chấp hành Trung ương Đảng - Khóa VIII. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. [7]. Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, Xóa đói giảm nghèo với tăng trưởng kinh tế - Nxb Lao động, Hà Nội, 1996. [8]. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Triển khai nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII. Tích cực giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo. [9]. Bức tranh nghèo đói và thất nghiệp ở châu  u. Báo Nhân Dân, ngày 15-3-2000. [10]. Công ty ADUKI, Vấn đề nghèo ở Việt Nam - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. [11]. Trần Minh Châu, Kinh tế thị trường và vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 258, tháng 11/1999. [12]. Chương trình giải quyết việc làm đến năm 2000 tỉnh Phú Thọ. UBND tỉnh Phú Thọ, Việt Trì, tháng 7/1999. [13]. Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN giai đoạn 1998 - 2000. [14]. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội 31 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 1999 - 2005 của tỉnh Phú Thọ. UBND tỉnh Phú Thọ, Việt Trì, tháng 8/1999. [15]. Chương trình xóa đói giảm nghèo tỉnh Phú Thọ giai đoạn 1999 - 2005. UBND tỉnh Phú Thọ, Việt Trì, tháng 12/1999. [16]. Lê Đăng Doanh - Nguyễn Minh Tú, Tác động xã hội của cải cách kinh tế đối với sự phát triển vùng. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. [17]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991. [18]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Tháng 1/1994. [19]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. [20]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XIV. Việt Trì, 1997. [21]. Nguyễn Thị Hằng, Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở nông thôn nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. [22]. Nguyễn Thị Hằng, Xóa đói giảm nghèo, một điểm sáng của thời kỳ đổi mới đất nước, Báo Nhân Dân, ngày 30-3-2000. [23]. C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 2, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. [24]. CMác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, NXb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993. [25]. Rơnê Đuy Mông, Một thế giới không thể chấp nhận được, Hà Nội, 1990. [26]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. [27]. Ngô Quang Minh, Tác động kinh tế của nhà nước góp phần xóa đói giảm nghèo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999. [28]. Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ, 1997. [29]. Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ, 1998. [30]. Lê Du Phong - Hoàng Văn Hoa, Kinh tế thị trường và sự phân hóa giàu nghèo ở vùng dân tộc và miền núi phía Bắc nước ta hiện nay - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999. [31]. Vũ Thị Ngọc Phùng, Tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999. [32]. Bùi Ngọc Thanh - Nguyễn Hữu Dũng - Phạm Đỗ Nhật Tân, Nghiên cứu chính sách xã hội nông thôn Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996. [33]. Hà Huy Thành (chủ biên), Những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000. [34]. Đỗ Thế Tùng, Tín dụng cho người nghèo ở nông thôn - Tạp chí Ngân hàng, số 6/1991. [35]. Trần văn Tùng, Nạn nghèo khổ trên thế giới, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 257, tháng 10/1999. Mục lục Trang Mở đầu 1 Chương 1: quan niệm về đói nghèo và sự cần thiết phải xóa đói giảm nghèo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội 5 1.1. Quan niệm về đói nghèo và xóa đói giảm nghèo 5 1.2. Sự cần thiết khách quan phải xóa đói giảm nghèo trong tiến trình 23 phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta Chương 2: thực trạng đói nghèo và xóa đói giảm nghèo ở tỉnh phú thọ hiện nay 36 2.1. Thực trạng và nguyên nhân gây đói nghèo ở Phú Thọ 36 2.2. Nhìn lại sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra 56 Chương 3: phương hướng và những giải pháp chủ yếu xóa đói giảm nghèo ở Phú thọ hiện nay 64 3.1. Mục tiêu phương hướng xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay 64 3.2. Các giải pháp chủ yếu để xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay 73 3.2.1. Nâng cao vai trò của Nhà nước trong công tác xóa đói giảm nghèo 73 3.2.2. Hỗ trợ vốn cho người nghèo sản xuất tăng thu nhập 75 3.2.3. Hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến công nghệ kỹ thuật mới cho người nghèo, nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông 78 3.2.4. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa 82 3.2.5. Tích cực giải quyết việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo 85 3.2.6. Thực hiện những sự ưu tiên xã hội cần thiết cho việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn đặc biệt và các đối tượng đặc biệt 90 3.2.7. Một số những giải pháp về xã hội 92 3.2.8. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong công tác xóa đói giảm nghèo 95 Kết luận 97 Danh mục tài liệu tham khảo 99

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN-Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Phú Thọ hiện nay.pdf
Luận văn liên quan