Luận văn Ý thức pháp luật với việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Ý thức pháp luật ở nước ta hiện nay được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật XHCN là công cụ hữu hiệu nhất cho quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN. Nó là công cụ quan trọng nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như điều chỉnh mọi hành vi của con người. Làm cho mọi người vừa được tự do, bình đẳng, đồng thời không xâm phạm đến quyền tự do bình đẳng của người khác. Trên thực tế cho thấy, những năm qua có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng tới dân chủ do đó trong xã hội ta hiện nay đang phải giải quyết những vấn đề nhức nhối đó.

pdf98 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4151 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Ý thức pháp luật với việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
án cân công lý và tính nghiêm minh của pháp luật, làm ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương xã hội, do đó tác động tiêu cực đến hiệu quả nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật. Đất nước ta chưa có truyền thống sống theo pháp luật mà quen sống theo đạo lý, một thời gian khá dài sự quản lý điều hành đất nước bằng đạo lý, pháp luật không được coi trọng. Khi đất nước chuyển sang giai đoạn mới, yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật thì quán tính của thói quen cũ vẫn còn. Trong xét xử có không ít cán bộ vẫn bên ngoài thì lý bên trong thì tình hay nặng tình nhẹ lý, thực chất là uốn cong pháp luật. Tình và lý là phương châm xử thế của người Việt Nam. Song, thực thi pháp luật, ổn định trật tự kỷ cương xã hội thì không thể kết hợp một cách vô nguyên tắc giữa tình và lý. Trong thực tế, thực thi pháp luật không nghiêm minh biểu hiện ở tất cả các cấp, các ngành, mọi đối tượng, các cơ quan nhà nước ở Trung ương, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật như: Tòa án, Viện kiểm sát, Hải quan… đó là điều không bình thường, là vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam hiện nay. Vẫn còn trường hợp bắt, tạm giam, tạm giữ, khởi tố, truy tố không đúng quy định của pháp luật dẫn đến oan trái cho người vô tội. Hàng năm hệ thống tòa án xét xử một số vụ án khá lớn, nhưng việc xét xử công minh đúng người, đúng tội vẫn còn không ít vấn đề phức tạp, trong xét xử còn nhiều trường hợp oan, sai ở các cấp tòa án, hoặc có hiện tượng nhận hối lộ làm sai lệch tính chất vụ án, bao che tội phạm xét xử chưa kịp thời, thiếu chính xác. Những hành vi tiêu cực,vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật đang là lực cản của sự nghiệp đổi mới và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, xử lý không nghiêm minh bằng các hình phạt kinh tế, dẫn đến vi phạm pháp luật, nếu có sử dụng "công cụ" kinh tế thì lại sa vào tiêu cực như: đút lót, hối lộ, tham nhũng… Đây là mâu thuẫn giữa việc thực thi pháp luật với các nguyên tắc pháp lý trong hệ thống pháp luật ở nước ta. Mặc dù việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập như vậy, nhưng chúng ta không thể không kể đến những mặt tích cực của nó. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như: Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công an, cơ quan thi hành án… được tăng cường và hoạt động ngày càng có hiệu quả, các vụ vi phạm pháp luật ngày càng được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh hơn. Tòa án tăng cường thực hiện nhiệm vụ và chức năng xét xử của mình, trước đây tòa án chủ yếu xét xử các vụ án về hình sự, dân sự, thì nay mở rộng xét xử các vụ án hành chính, kinh tế, lao động… Đội ngũ thẩm phán tăng cả về số lượng và chất lượng, trước chỉ có vài trăm người đến nay có khoảng trên 3000 người. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, đến năm 2002 có khoảng 70% tổng số thẩm phán trong cả nước có trình độ đại học luật. Hơn nữa, cũng phải kể đến hệ thống Viện kiểm sát đã từng bước đổi mới cơ cấu tổ chức, nâng cao hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật… góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ta hiện nay. Cho dù trong quá trình thực hiện pháp luật, mặt ưu điểm của nó đang được phát huy, song mặt hạn chế vẫn chưa có chiều hướng giảm, do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật. Pháp luật không nghiêm làm cho lòng tin của nhân dân đối với pháp luật cũng bị giảm sút. Trên thực tế, nhiều văn bản pháp luật khó thực hiện, để thực hiện luật phải chờ đợi quá lâu, chờ văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện luật. Chính vì thế làm cho việc thực thi pháp luật cũng có nhiều hạn chế. Một nguyên nhân nữa là các nhà làm luật chưa nhận thức, dự đoán và phản ánh đầy đủ các quy luật khách quan sự vận hành của nền kinh tế thị trường để mô hình hóa kịp thời thành các quy phạm pháp luật, nên các văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở, dẫn đến việc thực thi pháp luật đôi khi cũng gặp khó khăn. Như vậy, thực thi pháp luật cùng với tính hiện thực của pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân. Bởi vì, tính hiện thực của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật nhiều khi lại không bảo đảm tính thống nhất, hoặc mâu thuẫn và chồng chéo giữa chúng. Điều này đã làm quá trình thực thi pháp luật thiếu nghiêm minh. Hơn thế nữa, trong quá trình thực hiện pháp luật còn nhiều bất cập, nhiều cán bộ nhà nước đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để luồn lách, làm ăn phi pháp, một số người đã lợi dụng chính quyền để ăn hối lộ, tham nhũng… chính những hạn chế trên đã làm cho nhân dân mất lòng tin vào pháp luật. Do đó, yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật trong điều kiện hiện nay chưa đáp ứng được, bởi vì việc thực thi pháp luật trong thực tế không tương xứng. Muốn đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi phải có hệ giải pháp thích hợp khắc phục mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao tôn trọng pháp luật với việc thực hiện pháp luật trong thực tế hiện nay. 2.2. Một số giải pháp nâng cao ý thức pháp luật đáp ứng việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay Để giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn trên đây, theo chúng tôi trước hết cần phải tiến hành đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây. 2.2.1. Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật Giáo dục pháp luật chính là sự tác động chủ động của chủ thể giáo dục lên khách thể (đối tượng giáo dục). Đây là biện pháp trực tiếp làm giàu tri thức pháp luật cho mọi người. Từ đó hình thành tình cảm, thái độ tích cực đối với pháp luật, tạo dựng thói quen tuân thủ pháp luật. "Bản chất của giáo dục pháp luật đó là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành" [22, tr. 20]. Để Nhà nước quản lý xã hội có hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân thì pháp luật phải là phương tiện hàng đầu. Do vậy giáo dục pháp luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Từ đó thúc đẩy nền dân chủ phát triển và mở rộng quyền tự do của mỗi người. Điều quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân, thường xuyên giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân [80, tr. 91-92]. Nội dung công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ một ngành nào nhận trách nhiệm mà phải phối hợp các ngành cũng đảm nhiệm thì hiệu quả mới cao. Đại hội Đảng VIII chỉ rõ: Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật, huy động các lực lượng đoàn thể chính trị - xã hội nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự kỷ cương và các hoạt động thường xuyên, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong các cơ quan nhà nước và xã hội [16, tr. 241]. Công việc này thực chất cần phải có nhiều hình thức khác nhau sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực trong mỗi giai đoạn nhất định. Do đặc thù của nước ta, phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức, nền giáo dục pháp luật càng phải được chú trọng. Đại hội IX của Đảng cũng hết sức quan tâm tới việc "tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật". Khối lượng tri thức pháp luật hiện nay là rất lớn, không thể lấy hết những tri thức pháp luật này truyền thụ cho tất cả mọi người. Bởi vì, đối tượng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có trình độ văn hóa, nghề nghiệp, lứa tuổi, dân tộc… khác nhau, do vậy phương pháp và cách thức phổ biến giáo dục pháp luật cũng cần lựa chọn sao cho phù hợp. Đồng thời, nội dung tri thức pháp luật truyền tải phải tương xứng với khả năng tiếp thu của đối tượng, khi đó tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mới có hiệu quả cao. Để việc giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau: Một là: Đưa việc giáo dục pháp luật vào trong hệ thống các trường học. Nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện biện pháp này, với mục đích trang bị một lượng kiến thức pháp lý nhất định trong thời gian học trên ghế nhà trường, giúp họ nắm được những kiến thức pháp lý cần thiết để vận vào cuộc sống hiện tại và công tác trong tương lai, góp phần từng bước xây dựng nâng cao ý thức pháp luật. Song do nhiều nguyên nhân như đội ngũ giáo viên dạy môn này hầu như kiến thức pháp luật không vững vàng, nội dung khô khan, hình thức giảng dạy nghèo nàn, nên học sinh, sinh viên chán học. Hơn nữa chương trình giáo dục pháp luật cũng chưa trở thành môn học chính thức và chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công việc này nên hiệu quả mang lại không cao. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có những đổi mới nội dung và hình thức giáo dục cho phù hợp cụ thể: - Phải có chương trình, giáo trình cụ thể tương ứng với các cấp học khác nhau. Chẳng hạn, bậc tiểu học, nên lồng ghép chương trình giáo dục pháp luật vào môn học đạo đức với việc phổ cập những kiến thức phổ thông sơ đẳng nhất, mục đích chủ yếu để hình thành trong các em thái độ, tình cảm và ý thức tôn trọng pháp luật. Bậc trung học cơ sở, nên đưa giáo dục pháp luật vào chương trình chính thức của cấp học với kiến thức pháp lý phổ thông cơ bản gắn với lẽ phải, quyền và nghĩa vụ công dân. Từ đó từng bước nâng cao sự hiểu biết, tình cảm pháp luật, tôn trọng pháp luật. Đến bậc trung học phổ thông cần có kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật, từ đó hình thành ý thức pháp luật. Cao hơn là ở bậc Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đưa vào chương trình giáo dục pháp luật những kiến thức đại cương về Nhà nước và pháp luật, những kiến thức cơ bản về ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhưng đối với những ngành học khác ngành luật thì chương trình giáo dục pháp luật đưa vào học cần giảm nhẹ hơn. - Quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, từng bước bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho họ. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân hầu như chưa được đào tạo cơ bản về pháp luật, chủ yếu là kiêm nhiệm do đó kiến thức pháp luật rất hạn chế, chỉ nói những gì đã in trong sách giáo khoa, nên khó có thể nói tới những hứng thú của học sinh khi học môn này. - Ngoài việc sử dụng các biện pháp giảng dạy hiện đại với chương trình giáo dục pháp luật chính khóa, cần phối hợp những biện pháp ngoại khóa vào các trường học (như thi tìm hiểu pháp luật, câu lạc bộ pháp luật…) nhằm thu hút và tạo sự hấp dẫn của môn học với học sinh, sinh viên. Hai là: Tăng cường việc phổ biến, giải thích, giải đáp pháp luật, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dần dần ý thức pháp luật của các tầng lớp dân cư được nâng lên. Các kênh chuyển tải thông tin phổ biến như đài, vô tuyến, những tạp chí, báo hàng ngày có số liệu phát hành nhiều… đều có tác dụng rất lớn trong việc phổ biến, giải thích, cổ vũ, động viên tập hợp các lực lượng quần chúng và định hướng dư luận xã hội. Thông qua các hoạt động này người dân nắm bắt được những tri thức pháp luật cần thiết, từ đó dùng làm công cụ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hiện nay thông tin pháp luật ở nước ta có hiện tượng vừa thừa lại vừa thiếu, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hầu như không được biết đến pháp luật, họ không quan tâm và rất thờ ơ với pháp luật. Do vậy, trong thời gian tới cần phải khắc phục thực trạng trên, đồng thời mở rộng chuyên mục về phổ biến và giải đáp pháp luật với lượng thông tin phong phú hơn. Nhà nước cần thực hiện chế độ miễn hoặc giảm giá, cung cấp miễn phí đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, các loại sách, báo, tạp chí, văn bản pháp luật cho các cơ quan, tổ chức xã hội và nhân dân. Nếu đánh giá về mặt số lượng, các phương tiện và hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật hiện nay ở nước ta rất đa dạng, phong phú. Chỉ tính ở trung ương có hàng chục báo ra hàng ngày, hàng tuần, nguyệt san và bán nguyệt san, hàng chục loại tạp chí khác nhau của các ngành tham gia đăng tải các tri thức pháp luật. ở các tỉnh, thành phố đều có báo ra hàng ngày. Các báo, tạp chí chuyên ngành luật mấy năm gần đây phát triển rất nhanh; Báo Pháp luật, Pháp luật và Đời sống, Báo Công an, các Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Thông tin Pháp lý, Kinh doanh và Pháp luật. Bên cạnh đó, tạp chí có tính chất nghiên cứu pháp luật như Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Thanh tra, Tòa án… cũng ra rất đều đặn. Ngoài các loại báo và tạp chí kể trên Đài tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài truyền hình trung ương và truyền hình địa phương thường xuyên thông tin về vấn đề Nhà nước và pháp luật. Song song với các loại hình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như đã nêu, còn có hoạt động tư vấn pháp luật và băng biểu, khẩu hiệu, loa đài lưu động với nội dung nhắc nhở cảnh tỉnh mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Như vậy phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua rất phong phú, góp phần quan trọng trong việc giáo dục nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân. Thứ ba: Thường xuyên duy trì phát triển các hình thức bồi dưỡng đào tạo cán bộ pháp luật. Đào tạo các cán bộ pháp luật chuyên ngành phải được tổ chức một cách có hệ thống, có tổ chức và đảm bảo chất lượng, sao cho các cán bộ pháp luật từ Trung ương đến cơ sở phải hiểu biết sâu sắc về pháp luật. Đối với cán bộ không được đào tạo chính quy, hàng năm cũng cần có những đợt tập huấn ngắn ngày để truyền tải thêm những kiến thức pháp luật. Do mô hình đào tạo luật ở nước ta có nhiều hình thức khác nhau, như hệ đào tạo tập trung chính quy, hệ chuyên tu, hệ tại chức, công lập, dân lập… chính vì thế ở mỗi hệ đào tạo kiến thức pháp luật cũng có sự chênh lệch, nên việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ là cần thiết. Để biện pháp này được thực hiện một cách có hiệu quả góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân và cán bộ trong ngành luật thì chúng ta phải khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ pháp luật có chất lượng cao. Nếu khắc phục được tình trạng này thì pháp luật sẽ dễ đi vào cuộc sống. Bởi vì, ý thức pháp luật cao giúp cho sự phản ánh và nhận thức những vấn đề pháp luật được đúng đắn, toàn diện, bản chất hơn. ý thức pháp luật cao của cán bộ pháp luật sẽ giúp cho việc ban hành pháp luật, thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật đúng với các quy phạm pháp luật. Như vậy trong điều kiện chung của đất nước ta, đội ngũ cán bộ pháp luật còn nhiều hạn chế, nên việc thường xuyên duy trì phát triển các hình thức bồi dưỡng đào tạo cán bộ pháp luật là việc cần làm ngay và phải được coi trọng. ở mỗi lĩnh vực, mỗi cấp khác nhau thì việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ pháp luật cũng khác nhau. Nói cách khác tùy từng đối tượng mà nội dung pháp luật đưa vào bồi dưỡng đào tạo cho thích hợp, thu được hiệu quả cao. Bốn là: Hoạt động xét xử công khai của tòa án cũng trở thành khía cạnh tuyên truyền và giáo dục pháp luật. Hàng năm tòa án xét xử nhiều vụ việc, xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội sẽ cổ vũ, khích lệ những hành vi tích cực, hành vi tuân thủ pháp luật, góp phần giáo dục mọi người sống và làm việc theo đúng pháp luật. Bên cạnh đó nó còn giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật, góp phần ngăn chặn các hành vi có ý thức làm trái pháp luật. Như vậy, nếu các biện pháp trên được tiến hành một cách đồng bộ, phù hợp thì đương nhiên sự hiểu biết, tôn trọng pháp luật sẽ được tăng lên, ý thức pháp luật sẽ được nâng cao và khẩu hiệu sống và làm việc theo pháp luật sẽ được thực hiện đầy đủ. Do đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân để họ hiểu biết pháp luật và làm theo pháp luật là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tri thức pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và dần dần tạo dựng văn bản pháp lý cho nhân dân. Song, trên thực tế ý thức pháp luật ấy vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu của nền dân chủ XHCN đặt ra, do vậy vẫn cần phải đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân. 2.2.2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Nền dân chủ XHCN mà chúng ta đang xây dựng đó là nền dân chủ thực hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng… đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, thực trạng hệ thống pháp luật hiện nay còn quá nhiều bất cập số lượng các văn bản pháp luật đồ sộ, tồn tại một cách tản mạn, thậm chí còn mâu thuẫn. Hệ thống pháp luật như vậy làm cho ngay cả người thi hành pháp luật cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các thông tin pháp luật chứ chưa nói gì tới những đối tượng phải thi hành luật. Do vậy, đòi hỏi pháp luật phải là hệ thống lôgíc chặt chẽ, không tự mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Đây là yêu cầu chung đối với tất cả các hệ thống pháp luật trên toàn quốc. Tuy nhiên ở nước ta hệ thống pháp luật vẫn chưa đáp ứng được tính quy luật này, đang gây rất nhiều khó khăn, chẳng những đối với các doanh nghiệp của chúng ta mà còn đối với cả các nước ngoài. Bởi vậy, pháp luật cần sớm được khắc phục bằng việc quốc tế hóa luật nội địa và luật nội địa cũng phải được xây dựng, hoàn thiện mang tính đồng bộ, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là cơ sở để nâng cao ý thức pháp luật, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, đây là một trong những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI chỉ rõ: "Điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân" [14, tr. 90-91]. Điều đó đến nay vẫn chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ, nên cần phải xúc tiến nhanh việc xây dựng pháp luật và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với sự phát triển khách quan của nền kinh tế - xã hội. Hiện tại nước ta còn thiếu rất nhiều luật, chẳng hạn Luật Thương mại còn thiếu quá nhiều và việc làm luật cũng quá chậm. Xây dựng pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu: hoàn chỉnh, đồng bộ và phù hợp của hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là hệ thống pháp luật bao quát, điều chỉnh các quan hệ chủ yếu trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội nhất là quan hệ kinh tế. Hay hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là phải có luật để điều chỉnh trên các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật phù hợp là hệ thống pháp luật phù hợp với quy luật khách quan của đời sống xã hội, phản ánh khách quan các quan hệ kinh tế - xã hội và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống pháp luật đồng bộ là hệ thống pháp luật không có mâu thuẫn, chồng chéo giữa Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật. Ngược lại, nó phải mang tính thống nhất cao. Muốn đáp ứng được yêu cầu trên chúng ta phải tiến hành đồng thời các biện pháp sau: - Tăng cường chức năng lập pháp của Quốc hội. Hoạt động lập pháp tập trung xây dựng và ban hành các đạo luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong cơ chế thị trường, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế phát triển đồng thời làm công cụ quản lý vĩ mô, bảo vệ cho nền kinh tế đó. Công việc này phải thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong quá trình xây dựng và ban hành các đạo luật chúng ta cũng cần cải tiến cơ chế làm luật, đó là giải quyết mâu thuẫn giữa nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, tập trung vào Quốc hội với cơ chế lập pháp chưa phù hợp. Trước mắt, Quốc hội vẫn phải đảm nhiệm việc thảo luận và thông qua các dự án luật do Chính phủ và các cơ quan khác chuẩn bị và trình dự thảo. Nhưng về lâu dài, việc chuẩn bị các dự án luật tiến tới phải giao trách nhiệm cho một cơ quan chuyên trách có đủ điều kiện và trình độ đảm nhận, người tham gia vào cơ quan này không thể đồng thời tham gia vào cơ quan hành pháp hoặc tư pháp. Trên thực tế cho thấy, đã có nhiều dự án dự thảo luật nghiêng về phía bộ ngành này hay bộ ngành khác… Bộ ngành trình dự thảo luật luôn bảo vệ lợi ích của ngành mình, do đó Quốc hội phải ban hành một cách khách quan. Hiện nay ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn ban hành Pháp lệnh và Chính phủ ban hành Nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Do vậy mới có hiện tượng vừa đá bóng vừa thổi còi trong công tác làm luật và thực thi pháp luật, tức là các cơ quan thực thi pháp luật cũng thực hiện quyền lập pháp, điều này trái với quy định của Hiến pháp. Theo Hiến pháp Việt Nam thì Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Chính vì thế cần phải có nhiều chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm và trình độ pháp luật tham gia vào công việc lập pháp. - Nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật. Chúng ta phải khắc phục tình trạng luật chỉ dừng ở những quy định chung, muốn thực hiện được phải chờ đợi quá lâu các văn bản hướng dẫn thực hiện. Hơn nữa các văn bản luật cũng phải rõ ràng, cụ thể, giản đơn dễ hiểu để tất cả các đối tượng nhân dân đọc luật có thể hiểu được nội dung. Bên cạnh đó các văn bản dưới luật không được trái với Hiến pháp và pháp luật, nếu có văn bản nào như vậy thì cần phải hủy bỏ ngay. - Nhân dân tham gia đông đảo vào hoạt động lập pháp, đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật và hoạt động này luôn được Đảng tăng cường lãnh đạo. Các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thường xuyên tiếp xúc với cử tri, lắng nghe ý kiến kiến nghị của cử tri về những vấn đề bức xúc phát sinh trong cuộc sống, từ đó đưa ý chí nguyện vọng của nhân dân vào trong các văn bản luật. Chính vì thế các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tạo điều kiện để đông đảo nhân dân thực sự tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật. Trong lĩnh vực lập pháp, Đảng đề ra mục tiêu phương hướng cho công tác xây dựng luật để Nhà nước thể chế hóa thành văn bản luật. Bên cạnh đó Đảng tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật. - Quốc hội ban hành luật và giám sát việc thực hiện pháp luật sao cho phù hợp với điều kiện hợp tác, hội nhập quốc tế và khu vực. Để làm được điều này, hoạt động lập pháp phải bảo đảm sự phù hợp giữa pháp luật trong nước với quốc tế và khu vực. Trong thời đại ngày nay muốn phát triển kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, khoa học công nghệ và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì phải hội nhập, hợp tác quốc tế và khu vực. Do đó, việc am hiểu pháp luật quốc tế và khu vực, xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế là cần thiết và cấp bách đối với Việt Nam hiện nay. Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nền kinh tế này cả mặt tích cực và tiêu cực đều tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống mọi mặt của nhân dân làm phát sinh những mâu thuẫn mới, cần giải quyết bằng pháp luật và ý thức pháp luật. Do vậy trong quá trình hội nhập, Việt Nam ra thế giới, thế giới vào Việt Nam, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nếu ý thức tự giác thực thi pháp luật của cán bộ công chức Nhà nước và nhân dân không nghiêm minh, không nhất quán không đồng bộ, mỗi nơi một kiểu... thì giao lưu hội nhập cũng không mang lại hiệu quả. Thực tế những năm qua cho thấy, do hệ thống pháp luật chưa mang tính khoa học, hoàn chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, do ý thức pháp luật của toàn xã hội thấp kém cho nên nhiều cửa chúng ta đã mở nhưng thế giới chưa vào được, hoặc vào được nhưng đầu tư thấp... Nguyên nhân trên là do chúng ta chưa mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế và khu vực trên lĩnh vực pháp lý. Cho nên chúng muốn mở cửa - hội nhập được thuận lợi, Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Tránh hiện tượng đưa pháp luật nước ngoài vào Việt Nam một cách tùy tiện, chắp vá... Trên thực tế, Việt Nam muốn được nước ngoài đầu tư nhiều thì hệ thống pháp luật phải thông thoáng, nhất quán, phải cải cách một bước nền hành chính quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ hành chính vững mạnh về mọi mặt. Như vậy, việc xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật không được gây ra những cú sốc, bất ngờ cho đối tượng áp dụng. Quá trình sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng kịp với đòi hỏi của nền dân chủ XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế là tất yếu và cấp bách. Song, để thực hiện được yêu cầu này Đảng ta đã chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Về thực chất, Nhà nước pháp quyền là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực công cộng theo nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân, phục tùng tính tối cao của pháp luật, phân công quyền năng, bảo vệ nhân quyền, dân chủ công bằng. Tóm lại, đó là phương thức tổ chức nhà nước và pháp luật sao cho những quyền lực công cộng ấy thể hiện ra là của dân, do dân và vì dân. Để có một xã hội được quản lý bởi Nhà nước pháp quyền cần từng bước trả lại cho pháp luật những giá trị đích thực của nó. Đó là những quy luật sống được đông đảo quần chúng chấp nhận, đại diện cho công bằng, lẽ phải. Muốn vậy, trước hết phải minh bạch hóa pháp luật, từ khâu xây dựng, công bố, thực thi sửa đổi. Minh bạch hóa sẽ góp phần ngăn chặn được nguy cơ pháp luật trở thành công cụ phục vụ lợi ích của những nhóm người thiểu số và chỉ khi đó, pháp luật mới trở thành đức tin, chỗ dựa vững chắc, cần thiết cho mọi người. 2.2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật Trong quá trình đổi mới đất nước, xây dựng nền dân chủ XHCN, nhất là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thiết lập một trật tự kỷ cương xã hội, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh. Những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trên lĩnh vực này, song kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, trật tự kỷ cương trong xã hội vẫn còn là một thách thức. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức pháp luật của toàn xã hội còn ở trình độ thấp, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ tạo kẽ hở cho một số đối tượng luồn lách pháp luật, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của các tập thể, cá nhân cũng còn nhiều điều bất cập. Chính vì thế những năm vừa qua có không ít cán bộ và nhân dân chấp hành pháp luật không nghiêm, đặc biệt tình trạng quan liêu, tham nhũng, ăn hối lộ, thất thoát tài sản nhà nước... gia tăng. Khi đất nước chuyển sang thực hiện kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế, thì mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến hành vi vi phạm pháp luật kinh tế. Các tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, tội phạm đưa người đi xuất khẩu lao động không hợp pháp đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội ta. Những vi phạm trên không thể không kể đến trách nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đảm nhiệm. Do vậy, muốn đảm bảo trật tự kỷ cương của xã hội, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát của Nhà nước và giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước - một hướng quan trọng để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Thông qua hoạt động thực tiễn đó mà ý thức pháp luật được hình thành và phát triển sự hiểu biết pháp luật của nhân dân tăng lên, tình trạng quan liêu, tham nhũng từng bước bị đẩy lùi. Đương nhiên sự kiểm tra, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật do nhiều cơ quan nhà nước thực hiện. Tùy theo chức năng, phạm vi nhiệm vụ của từng cơ quan. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, ủy ban nhân dân... Song quyền giám sát tối cao nhất thuộc về Quốc hội, quyền này được thực hiện đối với tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được thi hành trong toàn xã hội [31, tr. 258]. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát của nhân dân trên lĩnh vực lập pháp và thực thi pháp luật chúng ta cần thực hiện những yêu cầu sau: - Giám sát phải được tiến hành theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay cần đổi mới và hoàn thiện thể chế, tổ chức và phương thức giám sát. Quốc hội lập một kế hoạch để lựa chọn những vấn đề cần tập trung giám sát, nội dung kế hoạch cần có những điểm cơ bản: vấn đề cần phải giám sát, thời gian cần thực hiện việc giám sát, hình thức, phương pháp giám sát, ngân sách kinh phí cho hoạt động giám sát trong năm... Kết hợp kiểm tra của Đảng, giám sát kiểm tra của Nhà nước và giám sát của nhân dân, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan thông tin đại chúng, của dư luận xã hội. - Tăng cường và nâng cao hiệu quả sự giám sát tối cao của Quốc hội đối với các hoạt động hành pháp và tư pháp. Hoạt động giám sát của Quốc hội là hoạt động có định hướng, có mục đích. Hiệu quả thực tế của hoạt động giám sát Quốc hội được đánh giá bằng các văn bản pháp quy đều phải hợp pháp mang tính thống nhất nội tại cao. Tất cả các văn bản pháp quy dưới luật của các cơ quan nhà nước trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội đều phải được hủy bỏ, bổ sung hoặc sửa đổi. Để đảm bảo cho Hiến pháp, Luật và Nghị định của Quốc hội được tôn trọng và chấp hành trong toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội, ngoài quyền giám sát tối cao của Quốc hội, các cơ quan nhà nước khác cũng có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện Hiến pháp và Luật. Đó là quyền thanh tra của Chính phủ, quyền kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyền giám đốc hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân tối cao. Quốc hội có quyền xét các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, khi cần thiết Quốc hội có thể ra nghị quyết về công tác của Tòa án. Khi phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, qua việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật của các Tòa án do các ủy ban của Quốc hội thực hiện, Quốc hội không trực tiếp thay đổi các quyết định trong bản án đã tuyên nhưng Quốc hội có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác xét xử của Tòa án hoặc ra nghị quyết đề nghị Toà án nhân dân tối cao phải xem xét lại các bản án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và báo cáo với Quốc hội. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội đối với các hoạt động hành pháp và tư pháp, cần cải cách tổ chức và hoạt động Thanh tra của Chính phủ, chú trọng các lĩnh vực tài chính, ngân hàng... Để quyết định một cách có căn cứ những vấn đề về tài chính và ngân sách nhà nước, Quốc hội phải căn cứ vào những kết quả của hoạt động giám sát của Quốc hội nhất là giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước của Chính phủ và những cơ quan nhà nước chịu sự giám sát của Quốc hội, chứ không thể chỉ căn cứ vào báo cáo của cơ quan nhà nước kể trên. - Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức Nhà nước trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý, những người giữ các chức vụ cao cấp của Nhà nước do Quốc hội bầu ra nếu vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội phải xử lý theo pháp luật. Phát huy hoạt động tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đề cao trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cấp trên đối với cấp dưới, các cấp chính quyền đối với mọi cơ quan, tổ chức trên địa bàn lãnh thổ. - Bảo đảm các quyền khiếu nại, tố cáo của các công dân, các khiếu kiện vượt cấp cần phải được xem xét giải quyết kịp thời đúng người đúng tội, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hợp. Bên cạnh đó xây dựng các quy định hướng dẫn để mọi công dân có điều kiện phát hiện, đề xuất, kiến nghị giúp cho hoạt động kiểm tra, giám sát có hiệu quả. Từ đó mới vạch trần được bộ mặt của các đối tượng vi phạm pháp luật như tham nhũng, ăn hối lộ, buôn bán hàng quốc cấm... làm rối loạn kỷ cương trật tự xã hội. Nhà nước phải có cơ chế kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Như vậy thực hiện được các yêu cầu trên thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tập thể cá nhân sẽ đạt hiệu quả cao. Những năm qua chúng ta đã và đang làm việc này, song kết quả không như mong muốn, bởi vì hệ thống pháp luật của nước ta chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hơn nữa ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân còn ở trình độ thấp kém, nhận thức được điều này Đảng và Nhà nước ta đã tìm cách khắc phục nâng cao ý thức pháp luật cho mọi người và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Trên thực tế những năm qua Nhà nước pháp quyền này đã đáp ứng được phần nào yêu cầu trên, nó đang đi đúng hướng góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển đúng quỹ đạo, nền dân chủ XHCN từng bước được hoàn chỉnh. Kết luận Từ việc làm rõ vai trò của ý thức pháp luật trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam, tìm ra một số mâu thuẫn cơ bản và giải pháp cho quá trình nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội ta hiện nay, chúng tôi rút ra một số kết luận sau: 1. ý thức pháp luật là một bộ phận của ý thức xã hội, do tồn tại xã hội quy định, phản ánh đời sống pháp luật vào tư duy con người. Song, ý thức pháp luật nó tác động trở lại tồn tại xã hội thể hiện rõ nét ở vai trò của nó. ý thức pháp luật có vai trò quan trọng về nhiều mặt trong đời sống xã hội, đời sống pháp luật, đặc biệt là vai trò của nó trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay. Nó góp phần đảm bảo quyền tự do dân chủ cho nhân dân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Tính độc lập tương đối của ý thức pháp luật góp phần thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội tương ứng. Trong quá trình xây dựng nền dân chủ, ý thức pháp luật đóng một vai trò quan trọng, điều chỉnh mọi quan hệ xã hội. Hệ tư tưởng pháp luật của giai cấp thống trị giữ vai trò định hướng cho nền dân chủ phát triển, còn tâm lý pháp luật ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hành vi của con người trong quá trình dân chủ hóa. Bên cạnh đó ý thức pháp luật còn tác động qua lại đối với các hình thái ý thức xã hội khác như ý thức chính trị, ý thức đạo đức. 2. Việt Nam trải qua nhiều biến đổi to lớn trong lịch sử dân tộc và bản thân lại từ một nước nông nghiệp lạc hậu, cho nên quá trình hình thành ý thức pháp luật ngoài quy luật phổ biến nó còn bị quy định bởi tính đặc thù của Việt Nam. Đó là sự đan xen giữa các hình thái ý thức xã hội của các chế độ xã hội khác nhau trong nước và ngoài nước. Quá trình hình thành và phát triển ý thức pháp luật Việt Nam chịu ảnh hưởng của "lệ làng" phong tục tập quán truyền thống văn hóa dân tộc, tư tưởng pháp luật phong kiến Trung Quốc "Đức trị" và "Pháp trị", tư tưởng thực dân, ảnh hưởng của chiến tranh, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Song ở Việt Nam hiện nay ý thức pháp luật hình thành và phát triển trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản cùng sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường… 3. ý thức pháp luật ở nước ta hiện nay được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật XHCN là công cụ hữu hiệu nhất cho quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN. Nó là công cụ quan trọng nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như điều chỉnh mọi hành vi của con người. Làm cho mọi người vừa được tự do, bình đẳng, đồng thời không xâm phạm đến quyền tự do bình đẳng của người khác. Trên thực tế cho thấy, những năm qua có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng tới dân chủ do đó trong xã hội ta hiện nay đang phải giải quyết những vấn đề nhức nhối đó. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa Đảng và Nhà nước cũng đều khẳng định dân chủ luôn đi đôi với pháp luật, dân chủ không có pháp luật thì không thể có dân chủ thực sự. Do đó xây dựng, hoàn thiện và thực hiện pháp luật phù hợp với quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN là một việc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Làm được điều này tất nhiên phải kể đến vai trò của ý thức pháp luật XHCN. Trong đó hệ tư tưởng pháp luật là quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã dẫn đường chỉ lối cho nền dân chủ XHCN phát triển. Đồng thời, tâm lý pháp luật cụ thể là tình cảm pháp luật, thái độ đối với pháp luật của cán bộ và nhân dân sẽ tác động mạnh mẽ tới việc thực thi pháp luật trong quá trình phát triển nền dân chủ. 4. Trên cơ sở phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành ý thức pháp luật nước ta, chúng ta thấy ý thức pháp luật toàn xã hội hiện nay còn ở trình độ thấp kém, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, và có nhiều hiện tượng chắp vá trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Do đó trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN, nhiều mâu thuẫn nảy sinh, đòi hỏi cần giải quyết. 5. Khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN, các mâu thuẫn nảy sinh đã được phát hiện kịp thời, giải quyết các mâu thuẫn này chúng ta đưa ra một số giải pháp phù hợp. Để thực hiện tốt các hệ giải pháp trên Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Theo tinh thần các văn kiện của Đảng, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần quán triệt các nguyên tắc cơ bản sau đây: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, pháp luật giữ vị trí điều chỉnh chủ đạo trong toàn xã hội; tuân thủ pháp luật; quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tính độc lập của các cơ quan xét xử, bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. danh mục Tài liệu tham khảo 1. Phạm Ngọc Anh (1990) "Bàn thêm về bản chất của nền dân chủ XHCN", Nghiên cứu lý luận, (1) 2. Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 16 (bản tiếng Nga). 3. Phạm Văn Bính (2002), "Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh đến nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay", Lý luận chính trị, (2). 4. Bộ Tư pháp (1998), Nghiệp vụ phổ thông, giáo dục pháp luật, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 5. Bộ Tư pháp (1999), Báo cáo tình hình thực hiện pháp luật năm 1997, 1998. 6. Tân Chi (1975) "ý thức pháp luật với công cuộc xây dựng nền pháp chế XHCN của chúng ta", Luật học, (1). 7. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 (1991), Nxb Sự thật, Hà Nội. 8. Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX.07 đề tài KX-07-17 (1995), Xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật, Hà Nội. 9. Dui-ri-a ghim I Iav (1986), Pháp luật, chính trị đạo đức và ý thức pháp luật xã hội", những vấn đề cơ bản về Nhà nước pháp quyền XHCN, Nxb Sự thật, Hà Nội. 10. Nguyễn Đăng Dung, Ngô Đức Tuấn, Nguyễn Thị Khế (1996), Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 11. Thành Duy (1995), "Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và mối quan hệ đạo đức và pháp luật, đạo đức và lợi ích công dân", Nhà nước và pháp luật, (3). 12. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội. 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Điều lệ Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 14. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội. 15. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. 16. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 18. Bùi Xuân Đính (1985), Lệ làng phép nước, Nxb pháp lý, Hà Nội 19. Bùi Xuân Đính (1985), "Việc giải quyết mối quan hệ giữa tập quán và pháp luật ở nước ta hiện nay", Luật học, (3). 20. Nguyễn Văn Động (1996), "Học thuyết về Nhà nước và pháp quyền - lịch sử và hiện đại", Tạp chí Cộng sản, (4). 21. Trần Ngọc Đường (1990) "Đổi mới nhận thức và tổ chức thực hiện công tác giáo dục", Nhà nước và pháp luật, (4). 22. Trần Ngọc Đường, Dương Thanh Mai (1996), Bàn về giáo dục pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 23. Vũ Minh Giang (1993), "Xây dựng lối sống pháp luật nhìn từ góc độ truyền thống", Nhà nước và pháp luật, (3). 24. Giáo dục pháp luật và quá trình hình thành nhân cách (1990), Nxb Pháp lý, Hà Nội. 25. Trần Văn Giàu (1996), "Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng 8", trong sách: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 26. Hoàng Văn Hảo (1992), "Vấn đề giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân chủ và pháp chế trong quá trình đổi mới ở nước ta", Nhà nước và pháp luật, (2). 27. Hoàng Văn Hảo (1995), "Nhà nước ta nơi thể hiện và phát huy quyền lực của nhân dân", Báo Nhân dân, ngày 30-8. 28. Hoàng Văn Hảo (1996), "Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam", Luật học, (3). 29. Hoàng Văn Hảo (2003), "Vấn đề dân chủ và các đặc trưng của mô hình tổng thể Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam", Nhà nước và pháp luật, (2). 30. Hồ Viết Hiệp (2000), Sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện đổi mới ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 31. Đàm Văn Hiếu (1985), Bình luận Hiến pháp, tập II phần VI, Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 32. Đỗ Trung Hiếu (2002), "Một số khía cạnh của khái niệm dân chủ", Khoa học xã hội, (3). 33. Đỗ Trung Hiếu (2002), Nhà nước XHCN với việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 34. Hiến pháp nước cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992 (1993), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 35. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Khoa Nhà nước và Pháp luật (1998), Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 36. Hội thảo khoa học "Những vấn đề dân chủ ở nước ta - thực trạng và kiến nghị" (1990), Tạp chí cộng sản, (2). 37. Dương Đăng Huệ (1999), "Tại sao pháp luật của ta kém hiệu lực trong cuộc sống" Nhà nước và Pháp luật, (3). 38. Lê Quốc Hùng (1999), "Giáo dục cho công dân - cơ sở để nâng cao hiệu quả của quá trình điều chỉnh pháp luật", Tạp chí Cộng sản, (2). 39. Lê Đình Khiêm (1996), "Một số biện pháp chủ yếu nhằm nâng cao ý thứ pháp luật của cán bộ quản lý hành chính hiện nay", Nhà nước và pháp luật, (3). 40. Lê Đình Khiêm (1996), Nâng cao ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính ở nước ta hiện nay, Luận án phó tiến sĩ luật học, Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, Hà Nội. 41. Vũ Khiêu (1995), Đức trị và Pháp trị trong Nho giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 42. V.I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Matxcơva. 43. Nguyễn Duy Lãm (chủ biên 1997), Một số vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Nxb Thanh niên, Hà Nội.. 44. Nguyễn Đình Lộc (1998), Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 45. Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật (1996), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 46. Đinh Văn Mậu, Phạm Hồng Hải (1977), Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 47. Hồ Chí Minh (1971), Nhà nước và Pháp luật, tập 3, Nxb Lao động Hà Nội. 48. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 49. Nguyễn Ngọc Minh (1978), "Sự phát triển của Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam từ khi Đảng cộng sản lãnh đạo", Luật học, (1). 50. Một số vấn đề về giáo dục pháp luật ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số (1996), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 51. Nho giáo Việt Nam (1994), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 52. Nguyễn Như Phát (1993), "Chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật cơ sở của việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật", Nhà nước và pháp luật, (4). 53. Nguyễn Quốc Phẩm (2000), "Luật tục và ý thức pháp luật trong quản lý xã hội các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta", Nghiên cứu lý luận, (5). 54. Nguyễn Tiến Phồn (1994), "Pháp luật với kinh tế thị trường", Nhà nước và pháp luật, (6). 55. Phạm Nguyên Phùng (2000), "Nâng cao nhận thức pháp luật của nông dân", Báo Nhân dân, ngày 13-1. 56. Đỗ Nguyên Phương, Trần Ngọc Đường (1992), Xây dựng nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền, Nxb Sự thật, Hà Nội. 57. Hoàng Thị Kim Quế (2003), "Bàn về ý thức pháp luật", Luật học, (1). 58. Sống và làm việc theo pháp luật - một số vấn đề giáo dục pháp luật trong thanh niên (1997), Nxb Thanh niên, Hà Nội. 59. Nguyễn Thanh Sơn (2003), "Bàn thêm về vấn đề dân chủ", Lý luận chính trị, (3). 60. Phạm Xuân Sơn (2002), "Dân chủ và dân chủ cơ sở một số vấn đề lý luận và thực tiễn", Thông tin khoa học xã hội, (2). 61. Đào Duy Tấn (2000), Những đặc điểm của quá trình hình thành ý thức pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 62. Song Thành (1999), Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 63. Lê Minh Thông (1983), Vài ý kiến về xây dựng và nâng cao ý thức pháp luật XHCN của cán bộ trong bộ máy nhà nước, Tăng cường hiệu lực nhà nước XHCN của ta, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 64. Lê Minh Thông (1996), "Mấy vấn đề lý luận chung về pháp luật trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam", Nhà nước và pháp luật. 65. Lê Minh Thông (1997) "Để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân", Triết học, (6). 66. Phạm Văn Thuần (2002), "Chế độ dân chủ - một số vấn đề đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta", Kiểm tra, (4). 67. Lê Quang Thưởng (1993), "Thực trạng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở Việt Nam hiện nay", Nhà nước và Pháp luật, (4). 68. Thủ tướng Chính phủ (1998), Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Chỉ thị 02/1998 CT-TTg. 69. Thủ tướng Chính phủ (1998), Kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ 1998 đến 2000, Ban hành kèm theo Quyết định 03/1998/QĐ- TTg. 70. Từ điển tiếng Việt (2000), Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học. 71. Tìm hiểu về Nhà nước pháp quyền (1990), Nxb Pháp lý, Hà Nội. 72. Hà Xuân Trường (1990), "Vấn đề dân chủ", Tạp chí cộng sản, (2). 73. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1993), Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội. 74. Đỗ Tư (1997), "Dân chủ và dân chủ hóa XHCN", Nghiên cứu lý luận. 75. Trần Thị Tuyết (1994), Tác động của chiến tranh đến việc hình thành ý thức và lối sống theo pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 76. Đào Trí úc (1997), Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 77. Nguyễn Thị Thúy Vân (2000), "Một số đặc điểm của ý thức pháp luật Việt Nam", Triết học, (5). 78. Nguyễn Thị Thúy Vân (2001), Lôgíc khách quan của quá trình hình thành và phát triển ý thức pháp luật ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân vân, Hà Nội. 79. Viện Hàn Lâm khoa học xã hội trực thuộc ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô biên soạn (1986), Những nguyên lý xây dựng Nhà nước Xô viết và pháp quyền, Nxb Sách giáo khoa, Hà Nội. 80. Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (1994), xã hội và pháp luật (nhiều tác giả), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 81. Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật (1995), Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội. 82. Viện Nghiên cứu khoa học và pháp lý (2000) "Mối quan hệ giữa tập tục và pháp luật", Thông tin khoa học pháp lý, (10). 83. Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp (1997), Một số vấn đề phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 84. Mục lục 85. Trang Mở đầu 1 Chương 1 : Vai trò của ý thức pháp luật trong xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay 6 1.1. ý thức pháp luật và vai trò của nó trong sự phát triển đời sống xã hội 6 1.1.1. ý thức pháp luật - quan niệm và kết cấu 6 1.1.2. Vai trò của ý thức pháp luật trong sự phát triển đời sống xã hội 14 1.2. Vai trò của ý thức pháp luật trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa 18 1.2.1. Nội dung cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa 18 1.2.2. Vai trò của ý thức pháp luật trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa 33 Chương 2 : ý thức pháp luật trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta - những nhân tố ảnh hưởng và giải pháp nâng cao 49 2.1. ý thức pháp luật ở nước ta - những nhân tố ảnh hưởng và những vấn đề đặt ra 49 2.1.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến ý thức pháp luật ở nước ta 49 2.1.2. Những vấn đề đặt ra về ý thức pháp luật trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 68 2.2. Một số giải pháp nâng cao ý thức pháp luật đáp ứng việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 79 2.2.1. Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật 79 2.2.2. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật 85 2.2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật 89 Kết luận 94 Danh mục Tài liệu tham khảo 97 Phụ lục 104

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Ý thức pháp luật với việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.pdf
Luận văn liên quan