Cuộc sống đối với mỗi người có lẽ là tài sản quý giá nhất mà không ai muốn rời bỏ. Tuyên ngôn về nhân quyền của nước Mỹ viết: “Người ta sinh ra ai cũng có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, đối diện với sự sống là cái chết. Sống là quyền, vậy đối với một con người, được chết có phải là quyền hay không?
21 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5210 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luật Dân sự Việt Nam - Vấn đề quyền được chết (an tử), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU
Cuộc sống đối với mỗi người có lẽ là tài sản quý giá nhất mà không ai muốn rời bỏ. Tuyên ngôn về nhân quyền của nước Mỹ viết: “Người ta sinh ra ai cũng có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, đối diện với sự sống là cái chết. Sống là quyền, vậy đối với một con người, được chết có phải là quyền hay không?
Ra đi trong cô đơn chỉ vài ngày sau khi Tòa án Dijon (Pháp) bác bỏ thỉnh nguyện xin được “ra đi xứng đáng” bằng cách được chích thuốc độc chết (mà người ta vẫn hay gọi là “cái chết êm ái” hay “an tử’), hôm 20/3/2008, người ta đã phát hiện thi thể của bà Chanal Sebire, bị một chứng bệnh có tên esthesioneuroblastoma - một loại khối u ác tính tấn công cơ thể từ khoang mũi gây đau đớn, biến dạng hoàn toàn khuôn mặt tại một căn hộ ở miền Đông nước Pháp. Cái chết của bà Sebire đã gây chấn động toàn thế giới bởi sau nhiều tháng đấu tranh để “được chết” nhưng không thành công. Giữa tháng 3, bà Sebire làm đơn gửi Tòa án xin được chết, sau khi đã thỉnh cầu Tổng thống Sarkozy can thiệp để bác sĩ điều trị có thể kê toa độc dược “giúp” bà được chết trong tỉnh táo và trong vòng tay thân quyến, bạn bè. Sau khi tòa Dijon bác bỏ thỉnh nguyện của bà Sebire với lý do luật hiện hành không cho phép, thủ tướng Pháp đã chỉ thị lập một ủy ban xem xét có thể điều chỉnh luật hay không. Thẩm phán Tòa án nói: “Không!”. Còn bà Bộ trưởng bộ tư pháp - Rachida Dati thì phát biểu trên truyền hình rằng: “Chúng ta đã xây dựng luật pháp dựa trên những thỏa thuận chung của cả Châu Âu về quyền sống và được sống của con người. Y tế là cứu lấy sự sống chứ không phải để tiêu diệt nó”. Tuy nhiên, trong khi cả nước Pháp còn đang bàn cãi về “cái chết êm ái” dưới lăng kính đạo đức thì bà Sebire đã ra đi trong sự cô đơn. Cùng lúc với cái chết của bà Sebire, tại Bỉ - một nước không xa Pháp là bao, người ta cũng đưa tin cái chết của nhà văn Bỉ Hugo Claus, 78 tuổi. Bị mắc chứng alzheimer, ông đã sử dụng “quyền an tử” theo luật pháp Bỉ và đã “được” chết tại Bệnh viện Middelheim bên cạnh người thân, hoàn toàn thoát khỏi mọi đau đớn của bệnh tật.
Như vậy, cùng là bệnh nhân bị bệnh nan y, cùng là chết - nhưng một người thì bị từ chối và đã ra phải ra đi trong đau đớn và cô đơn, còn một người khác thì được chọn và ra đi trong trong êm ái giữa những người thân. Sự khác biệt ở đây chính là pháp luật. Đó là vấn đề: Quyền được chết.
Trên thế giới hiện nay, quyền được chết là một vấn đề còn để mở, bao hàm nhiều quan niệm khác nhau. Ở Việt Nam, vấn đề này còn xa lạ với nhiều người và luật pháp nước ta cũng chưa hề có quy định nào về quyền được chết.
Có thể thấy, quyền được chết là một vấn đề lớn và đặc biệt gây nhiều tranh cãi bởi tính phức tạp của nó trên nhiều lĩnh vực: Y học, chính trị, xã hội, tôn giáo...
Về mặt pháp lý, nếu quyền được chết được pháp luật công nhận thì những cuộc chiến pháp lý rắc rối kéo dài sẽ có lối thoát dễ dàng.
Về mặt xã hội, quyền được chết càng có ý nghĩa hơn nữa. Trong lời thỉnh cầu xin “quyền được chết” bà Sebire (Pháp), có đoạn: “Ngay cả thú vật cũng không để phải chịu đựng như tôi đang chịu đựng”. Việc từ chối cái chết nhẹ nhàng, trong sự tỉnh táo giữa những người thân chính là sự tiếp tay dung dưỡng, duy trì nỗi đau thể xác và có lẽ là cả tinh thần đối với người bệnh. Chính vì cuộc sống là quý giá nhất, nên hơn ai hết, chính những người bị bệnh muốn chết hẳn hiểu rõ vì sao mình lại muốn chết. Khi sự sống của bệnh nhân không còn được đảm bảo nữa: Mắc bệnh vô phương cứu chữa, đang phải chịu đựng đau đớn kéo dài... thì an tử theo yêu cầu là cách thức hợp lý nhất để chấm dứt đau khổ. Người bệnh được ra đi tự nguyện, thanh thản. Gia đình bệnh nhân không phải chịu những tốn kém không đáng có. Xã hội bớt những cực nhọc, lo toan và được bình yên hơn. Đó là một kết thúc đẹp, một “cái chết nhân đạo”.
Với những ý nghĩa đặc biệt như trên, bài luận xin tập trung nghiên cứu về quyền được chết với mong muốn hiểu rõ hơn về bản chất của “cái chết êm ả. Bên cạnh đó, cũng đề cập đến một số vấn đề nhằm góp phần dung hòa mối quan hệ giữa pháp luật và xã hội để quyền được chết dần được hiểu và tôn trọng như một quyền cơ bản của con người. Từ đó, đề xuất một số ý kiến trong quá trình xây dựng Luật An tử ở Việt Nam.
A. Một số vần đề lý luận cơ bản về quyền được chết
Khái niệm “Quyền được chết”
Lịch sử của thuật ngữ euthanasia (Tiếng Anh) hay euthanasie (Tiếng Pháp), an tử (Tiếng Trung) hay vẫn thường được gọi là “cái chết êm ả” bắt nguồn từ một từ Hy Lạp là euthanatos. Trong đó, eu có nghĩa là tốt, thanatos là cái chết. Nghĩa của từ này theo tiếng Hy Lạp là chấm dứt cuộc sống của ai đó một cách ít đau đớn nhất hay không đau đớn để giúp họ khỏi kéo dài cuộc sống trong những điều kiện không mong muốn.
Ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, thuật ngữ này được hiểu là ám chỉ một hành động đặc biệt của bác sỹ nhằm tạo ra cái chết của những bệnh nhân được coi là “vô phương cứu chữa”. Từ khi xuất hiện đến nay, “cái chết êm ả” đã có những thay đổi khác nhau gắn liền với những phát triển của nền y khoa và văn minh nhân loại. Và dần dần, khái niệm quyền được chết ra đời, kéo theo nhiều vấn đề liên quan một cách phức tạp. Thực ra, “cái chết êm ả” là kết quả sau cùng của “quyền được chết” của một cá nhân nào đó. Cho nên, nếu nói đến quyền được chết thì khái niệm cái chết êm ả cũng đi liền, gắn bó hữu cơ với nhau.
Hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về quyền được chết. Tuy nhiên, nếu dựa vào nội dung của quyền được chết hiện nay được đa số quan điểm đồng tình và theo các đạo luật của các nước đã thông qua “cái chết êm ả” thì có thể rút ra khái niệm quyền được chết như sau:
Quyền được chết là một quyền nhân thân của người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống y tế không lối thoát.
Các tiêu chí cần thiết để thực hiện quyền được chết
Tiêu chí về y học
1.1. Về phạm vi bệnh nhân:
Giới y học hầu hết thống nhất có 2 dạng bệnh nhân thuộc loại không thể cứu chữa được:
Những trường hợp chết não:
Khoản 9 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác Việt Nam ngày 29/11/2006 quy định chết não là “tình trạng toàn não bộ bị thương tổn nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được”.
Trường hợp này, bệnh nhân sống hoàn toàn nhờ vào các biện pháp hỗ trợ như hô hấp, tuần hoàn và nuôi dưỡng nhân tạo... nếu rút máy thì coi như sự sống chấm dứt.
Hoạt động não là điều kiện cần của sự tồn tại của một cá nhân về mặt pháp lý, và có lẽ chỉ trừ các phôi thai, nó cũng đồng thời là điều kiện đủ. “Một khi sự chết não đã được khẳng định, việc ngưng sử dụng các thiết bị hỗ trợ sự sống không cấu thành một tội dân sự hay hình sự”. (Dority, tại tòa án tối cao hạt San Bernardino, tr. 288, 291 (1983)).
1.1.2. Trường hợp người bệnh mất ý thức kéo dài và không có khả năng hồi phục:
Trường hợp này bệnh nhân có sống cũng chỉ là gánh nặng của gia đình. Đôi lúc người bệnh biểu lộ được ý chí của mình và hoàn toàn không sống nhờ các biện pháp nhân tạo. Trường hợp này bao gồm cả bệnh nhân chịu nhiều đau đớn kéo dài nhưng không mất ý thức thường xuyên. Nguyên nhân để dẫn đến các tình trạng trên có thể là sau một tai nạn hay bị mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa.
Tại Hà Lan, nước này còn quy định cái chết êm ả đối với trẻ em nhưng với những quy định này, luật quy định rất chặt chẽ và giới hạn hành vi. Nhìn chung, đa số đều chống lại an tử đối với trẻ em nên chủ yếu vẫn là hai dạng bệnh nhân ở trên.
1.2. Cách thức thực hiện:
1.2.1. Cái chết êm ả chủ động: Bác sĩ trực tiếp gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân.
Ở một bệnh viện trợ giúp an tử của Thụy Sỹ, người bệnh được uống cooktail pha một hỗn hợp độc dược được chuẩn bị sẵn hoặc được tiêm thuốc.
Hay như cách thức mà người được mệnh danh là “Bác sỹ tử thần” – Jack Kevorkian đã thực hiện: Dùng “chiếc máy giết người” (Mercitrion) do ông chế tạo để truyền các độc tố vào máu người bệnh. Ông còn dùng biện pháp khác là cho người bệnh đeo mặt nạ và để họ tự ngửi khí ga độc mà chết.
1.2.2. Cái chết êm ả thụ động: Không điều trị. Bác sỹ ngưng mọi biện pháp kéo dài sự sống đối với bệnh nhân (rút ống dẫn...).
Ngoài ra còn một hành vi là tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ. Hành vi này về mặt hình thức có điểm khác với 2 hình thức trên như: có thể chỉ là sự tư vấn, người bệnh tự rút ống dẫn... Bác sỹ không trực tiếp thực hiện hành vi mà chỉ là trợ giúp.
2. Tiêu chí về luật pháp:
2.1. Tính hợp pháp của hành vi:
Trước hết, có thể thấy, hành vi của quyền được chết có sự tự nguyện của những bệnh nhân đang ở trong những tình huống y tế không lối thoát và mong muốn thoát khỏi những đau đớn về tinh thần và thể xác kéo dài. Bác sỹ thực hiện quyền được chết hoàn toàn dựa trên yêu cầu của bệnh nhân và theo những quy trình nghiêm ngặt do luật định. Bởi vậy, hành vi của quyền được chết là hành vi hợp pháp (trừ khi luật pháp chưa công nhận hành vi của quyền được chết là hợp pháp). Vì thế, cũng cần phân biệt hành vi này với các hành vi khác có liên quan để tránh sai sót trong việc xét xử các vụ án.
2.2. Phân biệt hành vi thực hiện quyền được chết với các hành vi khác:
Một trong những lý do để có nhiều tranh cãi về quyền được chết dẫn đến việc hầu hết các quốc gia đều chưa cho phép và thông qua quyền được chết là nhận thức sai về hành vi của bác sỹ trong việc thực hiện cái chết êm ả. Bởi vậy, cần phân biệt rõ hành vi của quyền được chết với một số hành vi sau:
2.2.1. Hành vi tự sát:
Hành vi của quyền được chết có thể được thực hiện bởi chính bác sỹ và chính bệnh nhân (dưới sự trợ giúp của bác sỹ). Với hình thức do bác sỹ thực hiện thì rõ ràng nó hoàn toàn khác hành vi tự sát về chủ thể thực hiện. Với hình thức do chính tay bệnh nhân thực hiện có bác sỹ hỗ trợ thì điểm để phân biệt với hành vi tự sát là: Điều kiện sống của bệnh nhân đó không còn được đảm bảo, bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối của bệnh vô phương cứu chữa, phải chịu nhiều đau đớn thể xác và tinh thần. Với hành vi tự sát, người đó có thể do sự ức chế quá sức về tinh thần hay sai lệch về ý chí dẫn đến hành vi, còn với hành vi của quyền được chết, đó là sự tự nguyện đến với cái chết của bệnh nhân do không mong muốn kéo dài cuộc sống trong điều kiện không còn được đảm bảo.
2.2.2. Tội giúp người khác tự sát:
Điều 101 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999 có quy định Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Về hành vi xúi giục người khác tự sát rõ ràng khác hành vi trong quyền được chết bởi trong quyền được chết, bác sỹ chỉ làm theo yêu cầu của bệnh nhân chứ không xúi giục bệnh nhân. Về hành vi giúp người khác tự sát, xét về chủ thể thực hiện, đó có thể là bất cứ ai chứ không chỉ bó hẹp là bác sỹ như trong chủ thể của quyền được chết. Cách thức thực hiện hành vi giúp người khác tự sát cũng phong phú hơn nhiều so với quyền được chết. Đặc biệt, ở trường hợp quyền được chết, bệnh nhân đang ở trong điều kiện sống quá hiểm nghèo, không thể chịu đựng đau đớn kéo dài hơn được nữa, mong muốn được bác sỹ giúp chấm dứt cuộc sống một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng, khác hẳn điều kiện của người muốn tự sát và giúp tự sát.
2.2.3. Tội giết người:
Đây là vấn đề được tranh cãi nhiều nhất tại hầu hết các nước chưa quy định Luật An tử. Điển hình là trường hợp “bác sỹ tử thần” Jack Kevorkian (bang Michigan – Mỹ) bị truy tố về tội giết người do đã "giúp" tới 130 bệnh nhân được “ra đi”. Jack Kevorkian bị kết án tới 25 năm tù. Tuy nhiên, ông được giảm án, trả tự do trước thời hạn sau 8 năm ngồi tù vì lý do sức khỏe và chấp hành tốt nội quy nhà tù.
Có thể thấy, nếu trong tội giết người, nạn nhân hoàn toàn bị động về cái chết của mình thì trong hành vi của bác sỹ khi thực hiện quyền được chết thì hoàn toàn có sự chủ động đồng ý của bệnh nhân để “được chết”. Hành vi của tội giết người cũng được thực hiện hoàn toàn khác so với hành vi thực hiện quyền được chết, thậm chí, hành vi giết người nhiều trường hợp là hết sức dã man. Mục đích của hành vi thực hiện quyền được chết là nhằm hướng tới một sự “giải thoát” cho người bệnh khỏi đau đớn kéo dài, đưa tới một cái chết nhẹ nhàng, khác với hành vi giết người nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của người khác. Như vậy, hành vi giết người và hành vi thực hiện quyền được chết là hoàn toàn khác nhau.
B. Những quan điểm và Pháp luật quy định về quyền được chết trên thế giới
I. Những quan điểm xung quanh vấn đề quyền được chết 1. Quan điểm phản đối:
Đây là quan điểm đang chiếm ưu thế trong cuộc tranh cãi kéo dài về quyền được chết. Tổng hợp những quan điểm này, có thể thấy nổi bật lên là một số lý do chống lại:
- Công nhận cái chết êm ả làm mất đi tính thống nhất luật pháp trong xã hội. Quan điểm này là của Lucke Gormally – một nhà khoa học Hà Lan. Ông cho rằng, công lý trong xã hội không nhận biết con người là đối tượng của nó một cách tùy tiện và phân biệt đối xử. Cách thức duy nhất tránh sự tùy tiện đó là phải cho rằng: Tất cả con người tồn tại, được cho quyền chữa bệnh và là đối tượng của những quyền con người cơ bản. Cái chết êm ả không thể hòa hợp với pháp luật trên cơ sở luôn tin tưởng rằng giá trị của con người đang tồn tại là nguyên tắc cơ bản. Do đó, pháp luật trong xã hội không thể được thống nhất một khi yêu cầu xin được chết, từ chối quyền sống của con người vẫn tiếp diễn.
- “Việc tạo ra quyền được chết sẽ xói mòn quyền cơ bản được sống, thông qua việc hình thành danh sách những người coi cuộc sống không đáng giá.” - Paul Tully, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ Thai nhi Anh Quốc.
- Nếu thông qua cái chết êm ả thì sẽ bị lạm dụng để thực hiện tội ác vô nhân đạo. Tình trạng sẽ lớn hơn ở các nước có hệ thống pháp luật lỏng lẻo, không kiểm soát được tình hình phạm tội. Tuy nhiên, cần thấy rằng, khi Luật đã được xây dựng thì chắc chắn sẽ có dự liệu về những trường hợp xấu có thể xảy ra và như vậy, việc Luật bị lạm dụng sẽ ít nhiều bị loại trừ.
- Nếu có Luật An tử, nhiều người bệnh sẽ giảm ý chí, mất niềm tin vào cuộc sống vì cho rằng đã có Luật này thì không cần điều trị vô ích nữa.
- Cái chết êm ả làm suy yếu dần những thiên chức của bác sỹ và vì thế có thể phá hỏng những truyền thống của y khoa. Đa số bác sỹ cho rằng, thực hiện cái chết êm ả là giết người bởi chức năng của bác sỹ phải là cứu người. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ đúng khi quyền được chết chưa được pháp luật công nhận bởi nếu đã có luật, bác sỹ không thể bị coi là có tội nếu giúp người bệnh thực hiện cái chết êm ả. Bác sỹ khi được bệnh nhân yêu cầu cũng hoàn toàn có thể từ chối thực hiện an tử. Hành vi của bác sỹ là hành vi mang tính chất nhân đạo chứ hoàn toàn không mưu toan lợi ích cá nhân hay phá hỏng truyền thống y khoa bởi xét cho cùng, việc bác sỹ thực hiện một số biện pháp nhằm giúp bệnh nhân chết được dễ dàng hơn cũng chính là để chấm dứt mọi đau đớn mà họ phải chịu đựng, mang lại sự giải thoát thanh thản cho họ.
2. Quan điểm ủng hộ:
Một số lý do nên ủng hộ quyền được chết và an tử:
- Bản chất của an tử là hướng đến mục đích tốt đẹp, có tính nhân đạo là giúp những bệnh nhân ở trong tình trạng đau đớn kéo dài, bệnh nan y vô phương cứu chữa ở giai đoạn cuối được “ra đi” thanh thản. Chấm dứt nỗi đau đớn cho bệnh nhân cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt gánh nặng vật chất cũng như tinh thần cho gia đình họ, từ đó, tạo sự ổn định cho xã hội.
- Luật An tử ra đời sẽ giải tỏa nỗi bức xúc của giới bác sỹ trong hoàn cảnh: Bệnh nhân đang phải chịu đau đớn kéo dài xin được chết mà họ thì không thể “giết người”. Nếu luật cho phép, họ sẽ có định hướng tốt và có thể yên tâm giúp đỡ bệnh nhân được toại nguyện nếu muốn.
- Nếu không công nhận quyền được chết, ban hành Luật An tử thì quyền được chết sẽ mãi nằm trong bế tắc, các vụ việc liên quan sẽ không có lối thoát, thậm chí kéo dài và gây ra tranh cãi, chia rẽ trầm trọng bởi vấn đề này không chỉ còn gói gọn trong lĩnh vực y học hay luật pháp mà đã lan sang cả nhiều lĩnh vực khác như chính trị, xã hội, tôn giáo... Tiêu biểu là vụ Cuối năm 2006, ở Ý có một sự kiện làm dấy lên sự tranh cãi và ồn ào trên cả nước liên quan đến một cái chết được thực hiện theo kiểu “an tử” nhưng... trái pháp luật. Bệnh nhân 60 tuổi là nhà thơ Piergiorgio Welby, bị teo cơ làm liệt các ngón tay, đau đớn và hạn chế nhiều trong giao tiếp. Ông đã gửi thư lên Tổng thống Giorgio Napotalino xin được chết. Sau một thời gian dài tranh cãi, Tòa án không thể đưa ra phán quyết mà chuyển lại hồ sơ về Quốc hội với lý do không tìm ra luật nào giải quyết trường hợp này. Ngày 20/12/2006, bác sĩ điều trị của Welby là Mario Riccio khẳng định nguyện vọng xin được chết của Welby không bị một cản trở pháp lý nào. Và ông đã tắt máy trợ thở, “giúp” an tử. Tuy vậy, cái chết của Welby không giải quyết được vấn đề đạo đức nói trên mà thậm chí còn gây chia rẽ ngay trong nước Ý nhiều hơn. Trong khi một số người khẳng định cái chết là sự giải thoát cho Welby, thì những người khác gọi bác sĩ Riccio là kẻ sát nhân. Nhà thờ đã từ chối phục vụ các nghi thức tôn giáo cho lễ tang Welby.
II. Quy định về An tử ở một số nước trên thế giới
Trên thế giới hiện nay, đã có một số nước công nhận quyền được chết và ban hành Luật An tử. Có nhiều nước không công nhận quyền được chết là quyền nhân thân và tất nhiên không ban hành Luật An tử. Có nước công nhận nó là quyền nhân thân nhưng chưa ban hành Luật vì chưa phù hợp hay chỉ chấp nhận hành vi tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ.
Các quốc gia đã hợp pháp hóa quyền được chết và Luật An tử:
Hà Lan là Quốc gia đầu tiên áp dụng đạo luật “cái chết êm ả”. Tháng 11 năm 2000, Hạ Viện Hà Lan đã thông qua dự Luật An tử. Đến ngày 10 tháng 04 năm 2001, với tỷ lệ áp đảo 46/28, Thượng viện Hà Lan đã bỏ phiếu thông qua đạo luật. Điều tra toàn quốc cho thấy gần 90% người dân nước này ủng hộ Luật An tử vì nó đảm bảo quyền cá nhân. Năm 2006, Hà Lan còn cho phép an tử đối với trẻ em, trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng không thể cứu chữa. Những bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi cũng có quyền được chết êm ả nếu có sự đồng ý của cha mẹ. Đối với trẻ trên 16 tuổi, ý kiến gia đình là không cần thiết.
Quốc gia thứ hai hợp pháp hóa “cái chết êm ả” là Bỉ. Với 86 phiếu thuận, 51 phiếu chống và 10 phiếu trắng, tối 16/05/2002, Thượng viện Bỉ đã chấp thuận đạo luật cho phép bệnh nhân bị bệnh rất nặng có quyền được chết dưới những điều kiện nhất định. Điều tra tiến hành năm 2001 có tới 72% người dân đồng tình với cái chết êm ả.
Tại Mỹ, Luật Liên bang cấm thực hiện cái chết êm ả. Bang Oregon là bang đầu tiên từ năm 1994 cho phép bệnh nhân yêu cầu được chết nhưng tòa án bang đã chống lại việc thực thi điều luật này và đến năm 1997 thì Tòa án tối cao của bang đã chấp nhận. Năm 1999, Bang Texas cũng cho phép an tử. Và đến hết năm 2006, ở cả 50 bang của Mỹ đã có đạo luật cho phép bệnh nhân ở trong các điều kiện nhất định được xin chết.
2. Các quốc gia chưa hợp pháp hóa Luật An tử hoặc quy định một phần:
Cho đến hiện tại, một số quốc gia ở Châu Âu như Tây Ban Nha vẫn ngầm chấp nhận việc tự tử có sự hỗ trợ nhưng phần lớn không hợp pháp hóa nó.
Tại Đan Mạch, pháp luật cho phép bệnh nhân mắc các bệnh nan y tự quyết định dừng việc điều trị; từ ngày 01/10/1992, trong trường hợp bị bệnh không thể cứu chữa khỏi hoặc bị tai nạn nặng, bệnh nhân có thể làm một bản chúc thư y tế mà bác sỹ phải tôn trọng.
Tại Thụy Điển, “hỗ trợ tự tử” là một tội không bị xử phạt. Trong một số trường hợp bác sỹ có thể rút máy thở của bệnh nhân.
Tại Anh, cái chết êm ả là bất hợp pháp. Tuy nhiên, vào các năm 1993 và 1994, luật pháp đã cho phép bác sỹ rút ngắn cuộc đời của những bệnh nhân sống nhờ các phương pháp nhân tạo.
Tại Pháp, cái chết êm ả là bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò do Viện IFOP thực hiện thì có đến 88% dân Pháp tán thành việc ban hành một đạo luật cho phép bác sỹ giúp những người mắc bệnh nan y “ra đi” một cách nhẹ nhàng nhằm tránh đau đớn kéo dài nếu họ yêu cầu.
Tại Châu Mỹ La tinh, Tòa án Colombia đã chấp nhận áp dụng cái chết êm ả vào tháng 05 năm 1997 với những bệnh nhân mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối.
Như vậy, đa phần các nước đều xem hành vi của cái chết êm ả là một tội, có nước không xử phạt nó nhưng lại không thông qua hay ngấm ngầm chấp nhận mà không hợp pháp hóa hay chỉ cho phép cái chết êm ả chủ động.
III. Quy định của Việt Nam về an tử
Là một quốc gia Châu Á luôn bị chi phối bởi những phong tục, tập quán, tôn giáo phương Đông tồn tại tự ngàn đời với nội dung trân trọng và đề cao quyền sống của con người hơn bất cứ gì, quyền được chết còn rất xa lạ ở Việt Nam. Bốn bản Hiến pháp của việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992) đều không quy định cá nhân có quyền được chết. Bộ Luật Dân sự Việt Nam các năm 1995 và 2005 cũng không quy định quyền được chết là quyền nhân thân của con người. Tại kỳ họp thứ 6 và 7 Quốc hội Khóa XI (2004, 2005), Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách năm 2005, vấn đề quyền được chết đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ Luật Dân sự, được các Đại biểu Quốc hội bàn luận rất sôi nổi. Tuy hiểu nó là một việc làm nhân đạo nhưng đa số đại biểu cho rằng, đây là một vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với đạo lý người Á Đông hiện nay và không thông qua quyền được chết trong luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật - Vũ Đức Khiển khẳng định: “Theo phong tục của Việt Nam, nếu quy định vấn đề này trong điều kiện hiện nay, thì không phù hợp”.
Như vậy, các nhà lập pháp Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề mới – vấn đề quyền được chết, đồng thời đã hiểu được bản chất quyền được chết và xác định nó là quyền nhân thân. Tuy nhiên, quan điểm chung hiện nay ở Việt Nam là: Việc hợp pháp hóa quyền được chết là vấn đề quá sớm. Lý giải cho quan điểm này, có một số lý do chủ yếu:
Thứ nhất, việc chấp thuận quyền được chết và ban hành Luật An tử sẽ đi ngược lại quan niệm truyền thống Phương Đông: Coi trọng sự sống. Ở phương Tây, nơi mà truyền thống, đạo lý không quá nặng nề thì vấn đề công nhận quyền được chết không quá khó khăn về mặt thời gian. Còn ở các nước phương Đông, vấn đề coi trọng sự sống còn ảnh hưởng sâu sắc thì khó mà chấp nhận quyền được chết.
Thứ hai, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn lỏng lẻo, không đồng bộ và chồng chéo. Trong khi đó, một trong những điều kiện để có thể ban hành Luật an tử là hệ thống pháp luật của nước đó phải nghiêm minh, thống nhất, chặt chẽ và đồng bộ. Sự lỏng lẻo, chồng chéo của hệ thống pháp luật sẽ là rất nguy hiểm bởi nó không bảo vệ được Luật An tử khỏi bị lạm dụng.
Thứ ba, kỹ thuật lập pháp của Việt Nam còn thấp. Điều này thể hiện ở số lượng khá lớn các văn bản luật được ban hành nhưng không áp dụng được. Luật pháp xa rời thực tế, chồng chéo, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm. Điều này là cản trở lớn cho việc xây dựng một vấn đề mới và khó như Luật an tử trong hệ thống pháp luật.
Thứ tư, nền kinh tế Việt Nam còn chậm phát triển, kéo theo điều kiện hoạt động của các cơ sở chăm sóc, khám chữa bệnh y tế còn thấp. Nếu Luật An tử được ban hành ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại – khi mà tình hình kinh tế - xã hội còn thấp kém như vậy thì sẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng Luật vào những mục đích xấu.
Thứ năm, số lượng bệnh nhân xin được chết ở Việt Nam còn ít so với thế giới và quyền được chết cũng chưa phổ biến nên Luật An tử chưa cần thiết phải ban hành. Ở Việt Nam, do điều kiện kinh tế kém phát triển đã kéo theo vô số những hậu quả về xã hội, y tế như dịch bệnh, đói nghèo, sự bất lực trước bệnh tật... Vì thế, số lượng bệnh nhân rơi vào tình huống y tế không lối thoát là không ít. Nhưng bởi chưa biết, chưa hiểu về quyền được chết nên những trường hợp xin được chết chưa nhiều.
Qua những lý do trên, có thể nhận định rằng, Việt Nam hiện nay chưa có đủ những điều kiện cần thiết để công nhận quyền được chết và ban hành Luật An tử. Vấn đề này còn tùy thuộc vào nhưng biến chuyển về kinh tế, xã hội, nhận thức, pháp luật... theo thời gian.
C. Một số đề xuất, kiến nghị về việc xây dựng Luật An tử ở Việt Nam
I. Trong tương lai, Việt Nam sẽ có đủ điều kiện cần thiết và sẽ ban hành Luật An tử
Từ ngàn đời nay, quan niệm truyền thống Á Đông đã ăn sâu vào tâm hồn, nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người dân. Sự coi trọng, đề cao sự sống và giá trị con người luôn là một chuẩn mực trong xử sự xã hội và pháp luật. Thay đổi quan niệm này là không thể. Nhưng để truyền thống chấp nhận cái mới, chấp nhận an tử thì hoàn toàn có thể.
Coi trọng sự sống là một quan niệm hết sức tốt đẹp. Nhưng cần phải thấy rằng, chấp nhận quyền được chết không phải là không coi trọng sự sống. Bởi những người bệnh, trong đau đớn, trong điều kiện sống không còn được đảm bảo nữa, thấu hiểu hơn ai hết giá trị sự sống này. Nhưng họ tôn trọng cuộc sống của người khác, muốn ra đi để không phải trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tôn trọng ý muốn của họ cũng chính là tôn trọng chính bản thân họ vậy. Tuy nhiên, công nhận và hợp pháp hóa quyền được chết nhưng không có nghĩa cứ muốn chết là có thể chết. Quy trình này phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định chặt chẽ của pháp luật, đảm bảo không có sự lạm dụng gây nguy hại cho cá nhân và xã hội.
Ở các nước phương Tây, mặc dù không mang nặng những tư tưởng, những phong tục tập quán truyền thống nhưng cũng mới chỉ có một số ít nước công nhận quyền được chết. Vì vậy, vấn đề công nhận quyền được chết và việc ban hành Luật An tử ở Việt Nam không thể tùy tiện và nhanh chóng được. Ban hành Luật An tử trong hoàn cảnh còn có nhiều ý kiến phản đối và người dân chưa thực sự hiểu về quyền được chết sẽ rất dễ dẫn tới rạn nứt trong quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.
Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa, xã hội và sự hội nhập không ngừng với thế giới, những tư tưởng mới từ phương Tây đang xâm nhập vào hệ tư tưởng phương Đông. Bởi điều này là không thể tránh khỏi nên muốn giữ vững và phát triển nền tảng văn hóa Á Đông của mình, Việt Nam cần có sự tiếp thu, lĩnh hội một cách chọn lọc để không làm mất đi bản sắc vốn có. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để truyền thống Á Đông chấp nhận an tử. Lúc đó, quan niệm coi trọng sự sống và quyền được chết cùng hòa hợp trong một quốc gia, như thế vừa giữ gìn bản sắc và vừa tiếp thu cái mới. Muốn thế, điều đầu tiên cần làm là phải để người dân hiểu, dần chấp nhận và ủng hộ an tử. Ở đây, biện pháp quan trọng nhất cần phải thực hiện là hoàn thiện pháp luật trên cơ sở kết hợp hài hòa với các điều kiện kinh tế - xã hội quốc gia.
Tại Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 6 và 7), quyền được chết đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 và được đưa ra thảo luận công khai tại hội trường. Tuy quyền được chết chưa được thông qua tại kỳ họp này nhưng đây là sự kiện quan trọng, ghi dấu mốc đầu tiên cho hành trình xây dựng Luật An tử ở Việt Nam. Luật An tử ra đời sẽ giúp gỡ nhiều “nút thắt” đang dần xuất hiện khi đã có nhiều trường hợp bệnh nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng... bắt đầu có đơn xin được chấp nhận “cái chết ê ả” để thoát khỏi đau đớn bệnh tật. Thiết nghĩ, xây dựng Luật An tử là xu hướng chung của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Tất cả còn phụ thuộc chủ yếu về mặt thời gian có thích hợp hay chưa và sự chấp nhận của truyền thống đã đến mức độ nào mà thôi.
II. Điều kiện để quyền được chết được chấp nhận và Luật An tử được ban hành ở Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, Việt Nam còn khá nhiều lý do dẫn tới việc quyền được chết còn quá xa lạ với người dân, chưa được công nhận là một quyền nhân thân chính thức cũng như các nhà làm luật chưa thể xây dựng và ban hành Luật An tử. Để giải quyết tất cả những vấn đề này cần một quá trình lâu dài, liên tục và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả ý thức, chính trị, xã hội, kinh tế, pháp luật...
1. Thông qua sách, báo chí, truyền thông..., làm cho quyền được chết không còn là quá mới mẻ với người dân:
Nên đi sâu vào việc phản ánh thực trạng của quyền được chết hiện nay trên thế giới; phân tích những mục đích tốt đẹp, bản chất của quyền được chết. Bên cạnh đó, cần làm rõ những điều kiện để có thể ban hành Luật An tử, đặc biệt là những quốc gia phương Đông như Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho mọi người tiếp cận dần với quyền được chết, họ sẽ tìm hiểu về nó nhiều hơn. Do đó, quyền được chết sẽ không còn quá xa lạ .
2. Tiến hành thống kê tình hình số lượng bệnh nhân xin được chết nhằm đưa ra cơ sở chính xác về nhu cầu xã hội để thực hiện quyền này.
3. Tổ chức các cuộc thăm dò lấy ý kiến nhân dân về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc ban hành Luật An tử. Biện pháp này vừa tạo điều kiện để người dân biết thêm về an tử, đồng thời cũng để các nhà làm luật có thêm cơ sở về quan điểm xã hội để xây dựng Luật.
4. Quyền được chết phải được ghi nhận là một quyền nhân thân chính thức, quyền dân sự cơ bản trong Luật Dân sự. Sau khi được ghi nhận trong đạo luật gốc thì quyền được chết phải được cụ thể hóa trong một Luật chuyên ngành như Luật An tử. Bởi là một vấn đề khó nên việc quy định cụ thể thành đạo luật riêng có ý nghĩa thực tiễn rất lớn đối với việc áp dụng Luật An tử.
5. Chuẩn bị kỹ những điều kiện cần thiết để có thể xây dựng Luật An tử: Nâng cao kỹ thuật lập pháp, mời các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ...
6. Học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là ở các nước đã hợp pháp hóa an tử để tìm ra những quy định phù hợp với điều kiện đất nước.
7. Quan tâm đến các phản hồi từ nhiều hướng khác nhau trong quá trình xây dựng Luật An tử để điều chỉnh kịp thời và phù hợp như tiếp thu những ý kiến của các nhà xã hội học trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi cho dự thảo Luật...
8. Ban hành Luật An tử cần phải có sự kết hợp sửa đổi, bổ sung các luật khác cho phù hợp với quy định của An tử, đảm bảo cho sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Ví dụ: Luật Hình sự cần quy định thêm các tội danh cũng như chế tài đối với hành vi vi phạm Luật An tử...
9. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An tử nên ban hành song song với thời điểm Luật An tử có hiệu lực để tránh những hiểu lầm, áp dụng sai không đáng có.
III. Phác thảo một số nội dung cơ bản của Luật An tử Việt Nam
Giải thích rõ các khái niệm:
Giải thích khái niệm là một phần quan trọng của bất kỳ đạo luật nào. Với Luật An tử, cần giải thích một số khái niệm cơ bản sau:
- Quyền được chết
- Người đã thành niên
- Bệnh nhân
- Bác sỹ
- Bệnh vô phương cứu chữa, tình huống y tế không lối thoát
- Tình trạng giai đoạn cuối của bệnh
- Chúc thư y tế (khi người bệnh bước vào giai đoạn cuối không chữa trị được nữa thì có quyền được chết, chỉ định một người khác là đại diện nếu lúc đó người bệnh không còn biểu lộ ý chí được và người đại diện sẽ quyết định việc chăm sóc, chữa trị của bệnh nhân).
- Người giám hộ, người đại diện
- Người được ủy nhiệm bởi bệnh nhân
- Người được ủy quyền, bởi Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền
- Người làm chứng cho chúc thư y tế
2. Điều kiện của chủ thể thực hiện quyền được chết:
Quyền được chết khi đã được công nhận là một quyền nhân thân thì nó gắn với tất cả mọi cá nhân. Nhưng không phải ai cứ muốn chết là đều có thể được chết. Theo quy định của Luật An tử một số nước, đối tượng của quyền được chết bị hạn chế khá nhiều, đặc biệt là với trẻ em. Bởi vậy, cần đặt ra các điều kiện cụ thể cho cá nhân được thực hiện quyền này nhằm đảm bảo Luật không bị lạm dụng:
- Là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên).
- Đang chịu nhiều đau đớn về thể chất và tinh thần kéo dài sau một tai nạn hoặc mắc một bệnh lý không thể cứu chữa.
- Các dạng bệnh nhân xin được chết:
+ Những trường hợp chết não
+ Trường hợp người bệnh mất ý thức kéo dài và không có khả năng hồi phục
- Có ý chí cá nhân rõ ràng xin được chết. Yêu cầu được chết một cách tự nguyện, không bị ép buộc hay chịu sự chi phối từ bên ngoài.
- Cá nhân xin được chết cần có chúc thư y tế thể hiện rõ ý chí của mình. Khi lập chúc thư y tế, cá nhân phải hoàn toàn minh mẫn về trí óc.
- Nếu không thể lập chúc thư y tế khi bệnh nhân xin chết trong tình trạng bệnh đã ở giai đoạn cuối thì quyết định phải được đưa ra khi bệnh nhân không có vấn đề nào về tâm thần.
- Bệnh nhân có quyền thay đổi quyết định bất cứ lúc nào và có thể hủy chúc thư y tế.
- Nếu Luật cho phép bệnh nhân từ đủ 12 đến dưới 16 tuổi (trường hợp chưa đủ 18 tuổi) có quyền an tử như Luật của Hà Lan thì cần quy định chặt chẽ sự đồng ý của gia đình trong trường hợp này bởi đây là đối tượng đặc biệt dễ bị lạm dụng.
3. Những quy định đối với bác sỹ:
Những quy định này hết sức quan trọng và cần phải quy định chặt chẽ bởi bác sỹ chính là những người sẽ giúp an tử cho người bệnh. Hành vi của họ dễ gây hiểu nhầm cho nhiều người và dễ bị lạm dụng trong nhiều trường hợp.
- Bác sỹ có trách nhiệm áp dụng mọi phương pháp y học có thể để cứu chữa cho bệnh nhân trước khi đưa ra kết luận tình trạng bệnh không thể cứu chữa được nữa.
- Thấy rằng bệnh nhân sẽ không thể tránh khỏi cái chết và tình trạng đau đớn kéo dài không thể giảm đi được.
- Thấy rằng quyết định xin được chết của bệnh nhân là hoàn toàn tự nguyện, không bị áp chế về tinh thần.
- Trường hợp bệnh nhân xin chết khi bệnh chưa bước vào giai đoạn cuối thì cần có một bác sỹ tâm thần khám và xác nhận bệnh nhân không có vấn đề về tâm thần.
- Những hoạt động khám chữa trên đều phải được lập thành văn bản, có người làm chứng, có chữ ký của bệnh nhân và có dấu của bệnh viện.
- Bác sỹ thực hiện an tử phải là người có chứng chỉ hành nghề, có thời gian công tác nhất định trong các bệnh viên.
- Bác sỹ có quyền từ chối thực hiện an tử cho bệnh nhân.
- Tất cả những quyết định về tình trạng bệnh tật, tình trạng tâm thần của bệnh nhân phải được nghiên cứu và thẩm định rõ bởi Hội đồng bác sỹ, trong đó bao gồm cả những bác sỹ trực tiếp liên quan và những bác sỹ khác để đảm bảo tính khách quan, chính xác.
- Phải thực hiện thủ tục an tử theo một quy trình y khoa thích hợp, nghiêm ngặt.
4. Quy định cách thức thực hiện an tử:
Hai cách thức: Chủ động và bị động cần được trình bày rõ như đã nêu ở trên.
5. Quy định đối với chúc thư y tế:
Chúc thư tế được lập khi bệnh nhân còn minh mẫn, chưa bước vào giai đoạn cuối của bệnh, không chịu sức ép nào từ bên ngoài. Chúc thư cần ghi rõ:
- Quyết định và yêu cầu xin được chết của bệnh nhân.
- Người mà bệnh nhân ủy nhiệm thay mình quyết định các vấn đề khi không còn đủ năng lực ý chí.
- Người được ủy nhiệm phải ký tên thể hiện sự đồng ý vào chúc thư và phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của bệnh nhân.
- Phải có chữ ký của bệnh nhân và ít nhất 2 người làm chứng (những người này cũng phải đạt độ tuổi thành niên, không bị mất năng lực chủ thể).
6. Quy định đối với người được ủy nhiệm, được ủy quyền:
- Người được ủy nhiệm là người đã thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, được bệnh nhân chỉ định trong chúc thư y tế, có quyền quyết định việc chăm sóc, chữa trị, xem xét kết quả khám chữa của bệnh nhân khi bệnh nhân không thể biểu hiện ý chí của mình. Người được ủy nhiệm chỉ có quyền quyết định an tử cho bệnh nhân khi bệnh nhân đã bước vào giai đoạn cuối của bệnh, đã thỏa mãn các yêu cầu nêu trong chúc thư y tế và không còn năng lực ý chí nữa.
- Người được chỉ định, được ủy quyền là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực chủ thể, không được bệnh nhân chỉ định trong chúc thư y tế. Tòa án sẽ chỉ định một hoặc một vài người làm nhiệm vụ như của người được ủy nhiệm trong trường hợp người được ủy nhiệm trong chúc thư đến thời điểm đó bị mất năng lực, ý chí hoặc trong chúc thư không chỉ định một ai làm người ủy nhiệm và bệnh nhân không còn năng lực ý chí nữa. Người này có thể là bác sỹ điều trị, người thân của bệnh nhân.
Người được ủy nhiệm, ủy quyền phải làm theo đúng yêu cầu của bệnh nhân ghi trong chúc thư và phải tuân theo các quy định của pháp luật.
7. Quy định khi bệnh nhân không có chúc thư y tế:
7.1. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân mới xin được chết:
Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn cuối, chịu nhiều đau đớn, kéo dài, mới có ý định xin được chết, trước đó họ không có chúc thư y tế thì trong trường hợp này, họ có thể ký vào đơn yêu cầu theo mẫu của bệnh viện dưới sự giám sát của bác sỹ và người làm chứng để xin được chết.
7.2. Bệnh nhân bị chết não hay bị mất ý thức kéo dài, gia đình yêu cầu thực hiện an tử đối với bệnh nhân:
Đây là trường hợp an tử không tự nguyện. An tử không tự nguyện gồm các cách thức đưa bệnh nhân ra đi sớm hơn so với tự nhiên (rút ống dẫn dinh dưỡng, ống dẫn oxy hay tiêm thuốc...).
Hiện nay, có nhiều trường hợp gia đình bệnh nhân không còn khả năng kinh tế và bệnh nhân vô phương cứu chữa. Khi đó, bệnh nhân có thể được đưa về nhà theo ý nguyện của gia đình hoặc quy trình an tử có thể được quy định chặt chẽ như trên kèm theo một số điều kiện khác:
- Gia đình bệnh nhân cần xác định rõ tình trạng bệnh cũng như nguyện vọng, mong muốn thực tế của người bệnh muốn thoát khỏi đau đớn và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
- Gia đình người bệnh xác định là không còn đủ điều kiện, khả năng kinh tế để tiếp tục việc điều trị bệnh cho bệnh nhân.
8. Một số quy định khác:
- Xây dựng quy trình xin được chết và thực hiện an tử một cách nghiêm ngặt, phù hợp với điều kiện kỹ thuật và các quy định của Luật.
- Có sự giám sát chặt chẽ quy trình an tử bởi những chuyên gia có kinh nghiệm.
- Quy định thêm các biện pháp xử phạt hành chính đối với các tổ chức, các cá nhân vi phạm các quy định của luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
KẾT LUẬN
Chúng ta phải thừa nhận rằng trên thực tế, còn rất nhiều căn bệnh mà y học bất lực, không thể chữa trị. Trong những trường hợp như vậy, tác dụng của y học họa chăng chỉ là trì hoãn cái chết. Tuy nhiên, khi đã tới giai đoạn cuối của những căn bệnh nan y mà việc phát hiện hoặc chữa trị quá trễ thì hầu như các bác sỹ, dù giỏi nhất cũng đành bó tay bất lực. Tại Việt Nam, chúng ta vẫn luôn chứng kiến hàng ngày, không ít những bệnh nhân bị bệnh viện trả về vì... không thể giúp gì hơn. Đối với những trường hợp này, biết chắc là bệnh nhân sẽ chết, người thân chỉ còn biết bất lực chứng kiến người bệnh nhiều khi phải lịm đi vì sự đau đớn. Tuy nhiên, cũng tại Việt Nam có một thực tế vẫn luôn tồn tại từ lâu, mà hầu như nhiều người biết mà... không nói ra. Đó là việc thân nhân của người bệnh thường tạo ra “cái chết êm ái” cho họ khi họ quá đau đớn, quá già nua. Khi đó, cái chết sẽ đến với người bệnh – do thân nhân của họ không cho uống thêm sâm – vốn chỉ có tác dụng duy trì sự sống thêm trong vòng một vài giờ hoặc chủ động không cho uống thêm thuốc nữa. Có người đã đặt ra câu hỏi: Với cách tạo ra sự “an tử” như vậy, liệu có gì không hợp đạo đức chăng?
Cần phải thừa nhận rằng ở Việt Nam hiện nay, quyền được chết chưa có đủ điều kiện để được hiểu theo đúng nghĩa và vì thế mà Luật An tử chưa đủ điều kiện để được xây dựng và ban hành. Những cũng cần phải thừa nhận rằng, ban hành Luật An tử sẽ là một xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia bởi nhu cầu an tử đang ngày một rõ.
Hy vọng ở một đạo luật có tên Luật An tử trong tương lai của Việt Nam để cuộc sống luôn có pháp luật đồng hành.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Luật Dân sự Việt Nam - Vấn đề quyền được chết (an tử).doc