ĐỀ BÀI SỐ 8: Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm vấn đề bình đẳng giới trong gia đình.
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
1, Khái quát chung về Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 và vấn đề bình đẳng giới trong gia đình.
2, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm vấn đề bình đẳng giới trong gia đình
3, Việc bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình hiện nay
KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
13 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5542 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI SỐ 8: Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm vấn đề bình đẳng giới trong gia đình.
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU.............................................................................................1
NỘI DUNG.................................................................................................2
1, Khái quát chung về Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 và vấn đề bình đẳng giới trong gia đình..................................................................2
2, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm vấn đề bình đẳng giới trong gia đình.........................................................................3
2.1, Quyền bình đẳng trong việc kết hôn của nam và nữ.......................4
2.2, Bình đẳng trong quan hệ vợ chồng......................................................6
2.3, Quyền bình đẳng giữa cha và mẹ trong việc thực hiện quyền cha mẹ đối với con..........................................................................................................9
3, Việc bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình hiện nay...........................11
KẾT LUẬN...............................................................................................12
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..................................................13
LỜI MỞ ĐẦU
Thực chất của cụm từ "bình đẳng giới" chính là bình đẳng nam nữ và là một trong những vấn đề cơ bản của quyền con người. Xã hội ngày càng phát triển và văn minh thì bình đẳng giới càng được chú trọng và thể hiện ở mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội, trong đó có hôn nhân và gia đình. Trong chế độ thực dân phong kiến, phụ nữ cùng nhân dân lao động cả nước sống trong tăm tối bị áp bức bất công, chịu nhiều thiệt thòi, không được bảo vệ dưới bất kỳ hình thức nào. Cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm thực hiện vấn đề bình đẳng nam nữ. Điều này đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 (Luật HN&GĐ năm 1959) cơ bản đã bảo đảm vấn đề này. Trước những ghi nhận tiến bộ về bình đẳng giới ngay từ những ngày đầu độc lập, chúng em xin trình bày đề bài:"Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm vấn đề bình đẳng giới trong gia đình".
Cuối cùng chúng em xin cảm ơn thầy cô đã ra đề tài và hướng dẫn chúng em nghiên cứu đề tài này một cách khoa học và nghiêm túc. Trong quá trình làm bài, với hiểu biết còn hạn chế, chúng em không tránh khỏi những thiếu sót mong nhận được những ý kiến của thầy cô và các bạn để bài làm được hoàn thiện hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
1, Khái quát chung về Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 và bình đẳng giới trong gia đình
Trong quá trình cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Ngay từ những năm đầu thành lập Đảng, trong Án Nghị quyết Trung ương toàn thể hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) về công tác phụ nữ vận động đã nhận định “Phải làm cho quần chúng phụ nữ lao khổ tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng của công nông, đó là điều cốt yếu nhất, nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì sẽ không bao giờ đạt mục đích phụ nữ giải phóng được”.
Thấm nhuần quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, vì thế ngay từ những buổi đầu thành lập, Đảng đã khẳng định: trong một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam, người phụ nữ chịu nhiều tầng áp bức (áp bức của thực dân, áp bức của phong kiến), lại thêm sự phân biệt đối xử “trọng nam khinh nữ”. Do vậy, con đường giải phóng phụ nữ không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1946) quan điểm bình đẳng nam nữ đã được ghi trong điều 9 “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về quan điểm bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam - nữ. Với bối cảnh lúc đó, Nhà nước thấy cần thiết ban hành Luật HN&GĐ, nhằm điều chỉnh những quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình. Quyền bình đẳng giới trong gia đình cũng được quy định rõ ràng, chi tiết.
Bình đẳng giới trong gia đình là việc vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị thế, vai trò ngang nhau, có quyền được tạo điều kiện cơ hội phát huy năng lực trong sự phát của gia đình như nhau và có quyền tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và gia đình ngang nhau.
2, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình
Lịch sử phát triển xã hội loài người đã chứng minh những biến đổi về cơ cấu và chức năng của gia đình luôn gắn liền với sự thay đổi về kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, đánh dấu một thời kỳ mới trong quá trình phát triển xã hội của dân tộc ta. Quyền bình đẳng nam, nữ và chế độ hôn nhân một vợ một chồng được Nhà nước công nhận và quy định tại Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 và trong Luật HN&GĐ năm 1959, thể hiện sự tiến bộ xã hội, góp phần thúc đẩy việc hình thành và từng bước hoàn thiện quyền dân chủ trong quan hệ gia đình Việt Nam. Điều 1 Luật HN&GĐ năm 1959 quy định: "Nhà nước đảm bảo việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ".
Hôn nhân tự nguyện tiến bộ, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác bao hàm cả hai khía cạnh, đảm bảo quyền tự do kết hôn và tự do ly hôn. Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam nói chung và Luật HN&GĐ năm 1959 nói riêng, trên cơ sở nam nữ được bình đẳng trong việc thực hiện quyền kết hôn cũng như ly hôn theo quy định của pháp luật.
2.1, Quyền bình đẳng trong việc kết hôn của nam và nữ
Theo quy định Luật HN&GĐ năm 1959, kết hôn được hiểu là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn. Theo quy định tại Điều 2 Luật HN&GĐ năm 1959: “ Xóa bỏ những tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến cưỡng ép, trọng nam khinh nữ, coi rẻ quyền lợi của con cái”, đồng thời theo quy định tại Điều 3 luật này: “ Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ”. Quyền kết hôn là quyền gắn với nhân thân của mỗi bên nam nữ, quyền này được ghi nhận và bảo vệ. Theo quy định tại Điều 4 Luật HN&GĐ năm 1959: “Con trai và con gái đến tuổi, được hoàn toàn tự nguyện quyết định việc kết hôn của mình; không bên nào được ép buộc bên nào, không một ai được cưỡng ép hoặc cản trở”. Sự tự nguyện của hai bên là điều kiện kết hôn luật định; nếu thiếu sự tự nguyện của một trong hai bên nam nữ thì các bên không đủ điều kiện để kết hôn, trường hợp đã xác lập quan hệ hôn nhân ấy sẽ không được thừa nhận.
Đảm bảo cho các bên nam nữ được tự do kết hôn cho nên việc tự nguyện quyết định chuyện hôn nhân của mỗi bên nam nữ là yêu cầu quan trọng được nhà làm luật ghi nhận và bảo vệ. Theo đó, mỗi bên nam nữ đều bình đẳng trong việc bày tỏ ý chí của mình về việc đồng ý hay không đồng ý xác lập quan hệ hôn nhân với người kia. Luật Hôn nhân và gia đình cũng ghi nhận quyền tự do của hai bên nam nữ khi xác lập quan hệ hôn nhân, đồng thời nghiêm cấm tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ, tục nối dây, ép người khác kết hôn trái với ý muốn của họ hoặc các hành vi lợi dụng việc xem tướng số hay các hình thức mê tín di đoan khác để cản trở việc thực hiện quyền tự do kết hôn của các bên nam nữ. Khi vợ hoặc chồng chết, Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/05/1950 quy định vẫn được tái giá nhưng đối với người vợ góa thì phải sau mười tháng chồng chết mới được lấy chồng khác, người vợ goá vẫn có thể tái giá nếu chưng rõ được rằng mình không có thai, hoặc là đã có thai với chồng trước để tránh sự lẫn lộn về con cái. Luật HN&GĐ năm 1959 đã không quy định về thời gian này, cụ thể ghi nhận tại Điều 8 như sau: "Đàn bà góa có quyền tái giá; khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà góa về con cái và tài sản được bảo đảm". Theo quan niệm xưa, người vợ phải "tam tòng", nay với quan niệm đổi mới cùng với nhu cầu "tìm người bầu bạn", Luật quy định có phần "nới lỏng" hơn. Tái giá được coi là "quyền" của người phụ nữ, họ cũng được hưởng quyền sống đầy đủ về tinh thần.
Đồng thời, Điều 11 Luật HN&GĐ năm 1959 quy định rõ "Việc kết hôn phải được Uỷ ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc bên người con gái công nhận và ghi vào sổ kết hôn. Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp luật". Quy định như vậy nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cả hai bên. Chứng nhận cho người con trai và cả người con gái việc đi đến kết hôn của họ là tự nguyện, bình đẳng và hợp pháp.
Như vậy, không chỉ ghi nhận sự bình đẳng giữa nam và nữ về quyền tự do kết hôn, pháp luật còn đảm bảo cho quyền đó được thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế. Để bảo vệ một cách có hiệu quả sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện quyền tự do kết hôn cần phải tạo ra cho người phụ nữ những "cơ hội" để họ có thể thực hiện được quyền này.
2.2, Bình đẳng trong quan hệ vợ chồng
Mở đầu chương III – Nghĩa vụ và quyền lợi của vợ chồng, Luật HN&GĐ năm 1959 quy định rõ "Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt". "Mọi mặt" có thể hiều quan hệ giữa vợ và chồng được xác lập trên cơ sở bình đẳng về nhân thân và về tài sản trong thời gian hôn nhân cũng như khi chấm dứt hôn nhân, bình đẳng trong vai trò làm cha mẹ, bất kể tình trạng hôn nhân ra sao. Trên cơ sở đó, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng được xem xét theo các khía cạnh sau:
2.2.1, Bình đẳng trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng
Tình nghĩa vợ chồng là tình cảm phù hợp với đạo lý. Làm vợ, chồng của nhau phải hiểu rõ và hành động theo tình cảm, bổn phận và nghĩa vụ của mình, và lợi ích của vợ, chồng và lợi ích của các con, lợi ích của gia đình. Luật HN&GĐ năm 1959 có quy định cụ thể về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, quý trọng, săn sóc nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ, nuôi dạy con cái, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc (Điều 13), Vợ và chồng đều có quyền tự do chọn nghề nghiệp, tự do hoạt động chính trị, văn hóa và xã hội (Điều 14). Việc xác lập quan hệ vợ chồng không làm ảnh hưởng tới nghề nghiệp của mỗi bên. Ngược lại vợ chồng có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển về chuyên môn, nghề nghiệp, năng khiếu, tư chất của bản thân theo nguyện vọng và khả năng của mỗi bên. Những quy định này nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trên thực tế giữa vợ và chồng. Trên quan điểm bình đẳng giới, những hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau giữa vợ và chồng phải được nhìn nhận từ cả hai phía: hành vi của chồng đối với vợ và hành vi của vợ đối với chồng. Những dạng hành vi đó dưới góc độ giới được gọi là bạo lực trên cơ sở giới. Việc xoá bỏ bạo lực trong gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ là một yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia.
2.2.2, Bình đẳng trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng
Công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng bằng pháp luật là điều kiện tiên quyết để xác lập quyền bình đẳng về kinh tế giữa vợ và chồng trong thực tiễn. Tài sản là nguồn lực kinh tế trong đời sống vợ chồng. Theo quan điểm giới, nguồn lực là những thứ mà con người cần để thực hiện có hiệu quả một hoạt động nào đó (4). Có thể nói công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng về sở hữu tài sản giữa vợ và chồng là cơ sở để phụ nữ có thể tiếp cận và kiểm soát nguồn lực, trên cơ sở đó mới có khả năng tham gia và ra quyết định. Trong cuộc sống chung của vợ chồng, do sự gắn bó mật thiết về tình cảm, sự cùng chung công sức, ý chí để tạo dựng tài sản chung, xây dựng đời sống chung nên không có sự phân biệt mức đóng góp của mỗi bên vợ chồng đối với tài sản. Vì vậy, vợ chồng có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới. Nghĩa là tài sản bố mẹ cho trước khi kết hôn, tài sản lao động mà có được trước khi kết hôn, cũng như tài sản có được sau khi đã đăng ký kết hôn với chính quyền nhà nước được vợ và chồng cùng chiếm hữu, quản lí, sử dụng, định đoạt và quan trọng nhất các quyền đó giữa vợ và chồng là bình đẳng như nhau. Khi một bên chết trước, vợ và chồng đều có quyền thừa kế tài sản của nhau. Khi còn sống, cả hai người cùng chung sở hữu tài sản, đến khi một trong hai bên chết thì người vợ hoặc người chồng, đã có tình nghĩa trăm năm, sẽ là người thừa kế tài sản của người chết. Luật quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người còn sống không phân biệt nam hay nữ , với nhu cầu sinh hoạt, nuôi nấng con cái.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ năm 1959 đã xác lập khái quát chung nhất sự bình đẳng giữa vợ và chồng về tài sản trong gia đình. Tuy nhiên, sự bình đẳng về pháp lí chưa phải là sự bình đẳng trong thực tế. Vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ các trường hợp mọi vấn đề trong gia đình do người chồng tự quyết định mà không cần đến ý kiến của người vợ. Càng ở những nơi kém phát triển thì vai trò gia trưởng của nam giới càng thể hiện đậm nét.
2.2.3, Quyền ly hôn của vợ chồng
Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ chồng hay cả hai vợ chồng. Luật Hôn nhân và gia đình dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ nên ghi nhận quyền tự do ly hôn cho cả hai phía vợ chồng. Theo đó, vợ chồng bình đẳng trong việc yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ hôn nhân. Tại Điều 25 Luật HN&GĐ năm 1959 quy định: “ Khi hai bên vợ chồng xin thuận tình ly hôn, thì sau khi điều tra, nếu xét đúng là hai bên tự nguyện xin ly hôn, Tòa án nhân dân sẽ công nhận việc thuận tình ly hôn”.
Quyền ly hôn là quyền nhân thân của vợ chồng, chỉ có vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng quyết định mà không ai có quyền ép buộc, cưỡng ép hoặc cản trở. Vợ chồng có quyền bình đẳng như nhau trong việc yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, pháp luật quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong trường hợp người vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh đẻ được một năm nhưng điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ. Luật pháp muốn đảm bảo cho bà mẹ đang mang thai có sự chăm sóc về tinh thần lẫn như kinh tế của người chồng, cũng như đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh. Ly hôn là mặt trái của hôn nhân nhưng là mặt không thể thiếu được bởi vì khi quan hệ vợ chồng trở lên mâu thuẫn thì việc kéo dài tình trạng hôn nhân đó chính là sự hành hạ về mặt tinh thần đối với mỗi người; đặc biệt với người phụ nữ, sự mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân là một gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của họ. Vì thế, bảo đảm quyền tự do ly hôn của người vợ, thực chất là góp phần giải phóng phụ nữ. Đảm bảo quyền tự do ly hôn nhưng không phải đó là sự tự do tùy tiện mà chỉ khi hôn nhân thực sự tan vỡ không thể cứu vãn nổi thì tòa án mới dựa trên căn cứ ly hôn luật định để giải quyết cho các bên được ly hôn.
Pháp luật quy định khá đầy đủ và toàn diện về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản và quan hệ đối với con chung giữa vợ và chồng sau khi ly hôn trên cơ sở bảo đảm như nhau quyền, lợi ích của cả hai bên, đặc biệt là quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ và con cái. "Khi ly hôn, việc chia tài sản sẽ căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình. Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất" (Điều 29 Luật HN&GĐ năm 1959), phần lớn người vợ thường đóng vai trò tái sản xuất. Công việc lao động trong gia đình của người phụ nữ cũng tiêu hao sức lực, thời gian giống như công việc "kiếm ra tiền" khác của người đàn ông. Công việc lao động trong gia đình có ý nghĩa quan trọng liên quan đến việc thực hiện các vai trò giới khác (vai trò sản xuất, vai trò cộng đồng). Vì vậy, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người phụ nữ, pháp luật quy định người vợ dù có lao động trong gia đình như nội trợ, nuôi con nhỏ, không đi làm thì vẫn được hưởng số tài sản phù hợp với công sức đóng góp của mình khi ly hôn.
2.3, Quyền bình đẳng giữa cha và mẹ trong việc thực hiện quyền cha mẹ đối với con
2.3.1, Quyền được làm cha mẹ
Quyền được làm cha mẹ là một quyền nhân thân quan trọng của con người, gắn liền với từng người, bình đẳng như nhau giữa nam và nữ, được pháp luật tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để cá nhân thực hiện quyền đó. Quyền làm cha mẹ gắn liền với những thiên chức tự nhiên của người đàn ông và phụ nữ, đặc biệt là quyền mang thai, sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ là một chức năng không thể thay thế được của người phụ nữ. Thiên chức đó của người mẹ được luôn pháp luật thừa nhận và bảo vệ vì nó ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống của dân tộc, của nhân loại. Luật HN&GĐ năm 1959 có quy định cha hoặc mẹ đều được nhận con ngoài giá thú nhưng phải khai trước Uỷ ban hành chính cơ sở. Con ngoài giá thú được cha, mẹ nhận hoặc được Tòa án nhân dân cho nhận cha, mẹ, có quyền lợi và nghĩa vụ như con chính thức. Con nào cũng vậy, đối với mỗi người cha, người mẹ, chúng là những "giọt máu đào hơn ao nước lã". Bên cạnh đó, những gia đình hiếm muộn hoặc gia đình neo người, muốn nhận nuôi con nuôi thì việc nhận nuôi con nuôi phải được Uỷ ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch. Con nuôi có quyền lợi và nghĩa vụ như con đẻ. Như vậy, thiên chức làm cha, mẹ của người đàn ông cũng như của người phụ nữ đều bình đẳng như nhau và được pháp luật ghi nhận, bảo đảm thực hiện.
2.3.2, Quyền sinh con
Quyền sinh con được pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện đối với vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp và đối với cả người phụ nữ độc thân. Con được sinh ra trên cơ sở hôn nhân hợp pháp hoặc ngoài quan hệ hôn nhân đều có quyền lợi như nhau. Để bảo vệ quyền của trẻ em, quyền làm cha, làm mẹ, pháp luật HN&GĐ quy địnhchế định xác định cha, mẹ, con. Chế định này hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cả người cha người mẹ, nhưng trước hết là lợi ích của đứa trẻ.
2.3.3, Trách nhiệm như nhau của cha mẹ đối với con
Công ước CEDAW đã khẳng định: “Thừa nhận trách nhiệm chung của cả vợ lẫn chồng trong việc nuôi dạy và phát triển con cái, lợi ích của con cái phải được nhận thức rõ là ưu tiên hàng đầu trong mọi trường hợp” (điểm b Điều 5). Điều đặc biệt quan trọng là Công ước đã chỉ rõ: “Quyền và trách nhiệm như nhau với vai trò làm cha mẹ trong mọi vấn đề liên quan đến con cái, bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào” (điểm d Điều 16). Như vậy trách nhiệm của cha mẹ đối với con là như nhau trong mọi trường hợp: khi hôn nhân đang tồn tại, sau khi li hôn, khi không có quan hệ hôn nhân hoặc trong hôn nhân trái pháp luật. Điều 17 Luật HN&GĐ năm 1959 quy định: "Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi nấng, giáo dục con cái. Con cái có nghĩa vụ kính yêu, săn sóc, nuôi dưỡng cha mẹ". Nam và nữ gắn bó với nhau trong hôn nhân, cùng được làm cha, mẹ nên việc nuôi nấng, giáo dục con cái do mình sinh ra hay nhận nuôi là trách nhiệm và nghĩa vụ. Vợ chồng bình đẳng như nhau trong quá trình yêu thương, giúp đỡ chúng trưởng thành. Bên cạnh đó, Điều 18 cũng quy định rằng: Cha mẹ không được hành hạ con cái, cũng không được đối xử tàn tệ với con dâu, con nuôi, con riêng. Nghiêm cấm việc vứt bỏ hoặc giết hại trẻ con mới đẻ. Người vứt bỏ hoặc giết hại trẻ con mới đẻ và người gây ra những việc ấy phải chịu trách nhiệm về hình sự. Luật HN&GĐ năm 1959 đã quy định có tính răn đe cao, dù là con trai hay con gái cũng không nên vứt bỏ hay làm hại chúng.
3, Việc bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình hiện nay
Với quan điểm kế thừa và phát triển, những quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 đã góp phần tạo điều kiện để chị em phụ nữ trong giai đoạn này có những cơ hội nhất định tham gia vào các hoạt động lao động, sáng tạo, vượt ra khỏi những trói buộc của gia đình phong kiến và từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc trong hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Đồng thời, cũng đã xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo tính khả thi đối với quyền bình đẳng của phụ nữ trong thực tiễn cuộc sống.
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam đang có những tiềm năng to lớn và là động lực quan trọng của công cuộc đổi mới. Sự tiến bộ của phụ nữ mang lại lợi ích cho cả phụ nữ lẫn nam giới, cho gia đình cũng như toàn xã hội. Chính vì vậy mà Nhà nước chủ trương đầu tư những nguồn lực thích đáng và hỗ trợ bằng nhiều cách để nâng cao vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực, đặc biệt là hôn nhân và gia đình. Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia vào tất cả các chương trình hành động về phụ nữ của Liên hợp quốc. Điều này không chỉ thể hiện sự thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế mà còn là định hướng quan trọng cho việc cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch và chính sách về bình đẳng giới ở cấp quốc gia. Ngay sau khi phê chuẩn Công ước CEDAW, Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000”, thể hiện sự thực thi đầy đủ cam kết quốc tế. Tại Hội nghị “Bắc Kinh +5”, khoá họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2000, với chủ đề: “Phụ nữ năm 2000: Bình đẳng giới - Phát triển và hoà bình cho thế kỷ XXI”, một lần nữa, Việt Nam đã cam kết trước cộng đồng quốc tế nỗ lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới mà Hội nghị đã đề ra. Hiện nay, yếu tố giới đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong hoạch định chính sách, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển ở nước ta.
Bên cạnh những thành tựu, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, để bảo đảm quyền bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ, chúng ta còn phải làm nhiều việc, trong đó việc xoá bỏ những phong tục, tập quán phân biệt đối xử với phụ nữ đòi hỏi những nỗ lực lâu dài. Đồng thời bản thân phụ nữ cũng phải cố gắng vươn lên trong mọi lĩnh vực, tham gia phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Với nền tảng pháp luật và xã hội vững chắc về bình đẳng nam - nữ mà chúng ta đã tạo lập được trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định trong thời gian tới, đất nước ta sẽ tiếp tục thu được những thành tựu to lớn hơn.
KẾT LUẬN
Bảo đảm bình đẳng giới là trách nhiệm của gia đình, của Nhà nước và của toàn xã hội. Do đó, bảo vệ quyền tự do kết hôn, li hôn của người phụ nữ nói riêng và các quyền hôn nhân và gia đình khác nói chung cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các tổ chức xã hội và mọi công dân. Đặc biệt, những cơ quan, tổ chức đoàn thể đại diện cho phụ nữ như: Hội liên hiệp phụ nữ, Uỷ ban vì sự tiến bộ của phụ nữ phải phát huy tốt vai trò của mình trong việc lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.
2, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xừ với phụ nữ (Công ước CEDAW).
3, Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/05/1950 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
4, Th.S Nguyễn Phương Lan, CEDAW và vấn đề quyền bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân và gia định Việt Nam, Tạp chí Luật học số 03/2006.
5, Th.S Bùi Thị Mừng, Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ nhìn từ góc độ bình đẳng giới, Tạp chí Luật học số 03/2006.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959 với việc bảo đảm vấn đề bình đẳng giới trong gia đình.doc