Bên cạnh đó, từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Luật
thương mại cũng có những quy định nhằm chống lại
cạnh tranh không lành mạnh. Điều 9 khoản 3 quy
định: cấm thương nhân nâng giá, ép giá gây thiệt hại
cho nền sản xuất, người tiêu dùng; gây nhầm lẫn cho
người tiêu dùng; quảng cáo dối trá; khuyến mại bất
hợp pháp
Để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp
trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Bộ
luật dân sự còn quy định: “Cá nhân, pháp nhân và các
chủ thể khác có hành vi xâmphạm đến danh dự, uy
tín của người sản xuất, kinh doanh mà gây thiệt hại
cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người đó thì
phải bồi thường” (Điều 633).
51 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2383 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luật kinh tế –mấy kinh nghiệm và bài học từ nước ngoài, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬT KINH TẾ – MẤY KINH NGHIỆM VÀ
BÀI HỌC TỪ NƯỚC NGOÀI
NGUYỄN NHƯ PHÁT
PTS. Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật
I. Quan niệm về luật kinh tế
Khái niệm luật kinh tế, lĩnh vực luật kinh tế ( mà ta
quen gọi sau này là ngành luật kinh tế) đã ra đời
trước khi có sự hiện diện của chủ nghĩa xã hội hiện
thực.
Trước khi nhân loại bước vào thế kỷ XX, với sự
thống trị của tư tưởng tự do hóa kinh tế, người ta
chưa biết đến khái niệm luật kinh tế và “ bàn tay vô
hình” của Adam Smith là công cụ duy nhất để điều
tiết sự vận động và phát triển của nền kinh tế. Theo
đó Nhà nước (công quyền) là “kẻ thù” của cơ chế
kinh tế; Nhà nước không được và không thể gây ảnh
hưởng tới nền kinh tế.
Vì vậy, cơ chế kinh tế của thời đại đó là cơ chế mà
theo C.Mác là “ từ đầu đến ngón chân đều vấy máu”.
Những khuyết tật, mặt trái ( hiểu theo nghĩa xã hội)
và thiếu định hướng tổng thể là căn bệnh cố hữu của
quy luật giá trị. Nói khác đi, bản thân cơ chế thị
trường, hiểu theo nghĩa văn minh và nhân đạo, có
nhu cầu cần được điều tiết.
Theo tinh thần đó, đã đến lúc Nhà nước không thể
đứng trên và đứng ngoài đời sống kinh tế – xã hội.
Quyền lực Nhà nước đã xuất hiện để khắc phục
những khuyết tật của cơ chế thị trường, để bảo vệ tư
do cạnh tranh – động lực phát triển kinh tế, để thực
hiện mục tiêu kinh tế của bản thân Nhà nước và giai
cấp thống trị. Quyền lực đó được thể hiện trong pháp
luật: Pháp luật kinh tế. Như vậy, khi thể hiện yêu cầu
của công quyền, luật kinh tế khởi sinh trong khu vực
luật công, thể hiện thái độ của công quyền ( Nhà
nước) trước những diễn biến và vận động của đời
sống kinh tế.
Mặc dù vậy, cho đến nay, các học giả tư sản vẫn chưa
có quan niệm thống nhất về luật kinh tế khi đi tìm
biên giới về đối tượng điều chỉnh của lĩnh vực pháp
luật này.
Sự phá sản của mô hình kinh tế kế hoạch trên phạm
vi toàn cầu[1] đã kéo theo sự cáo chung của nhiều
quan điểm và hệ thống lý luận về quản lý kinh tế, về
luật kinh tế truyền thống theo cách hiểu của khoa học
pháp lý XHCN.
Không có con đường thứ ba, tất cả các mô hình kinh
tế kế hoạch đều phải chuyển thành kinh tế thị trường.
Khác hẳn với mô hình kinh tế kế hoạch, kinh tế thị
trường đòi hỏi phải xóa bỏ chế độ độc tôn của một
hình thức sở hữu, đòi hỏi phải khuyến khích và phát
triển một cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với sự bình
đẳng của chúng trước pháp luật. Kinh tế thị trường
đòi hỏi phải có một môi trường pháp lý đảm bảo tự
do kinh doanh của tất cả các chủ thể sản xuất – kinh
doanh. Đặc biệt kinh tế thị trường đòi hỏi sự lùi bước
và nhường bước của quyền lực công cộng trước
nguyên tắc tự do kinh doanh của các loại hình doanh
nghiệp.
Theo kinh nghiệm từ nước ngoài thì điều đó không
có nghĩa rằng, nếu như luật kinh tế của nền kinh tế kế
hoạch hóa được điều chỉnh bằng công thức của luật
công( tức là các chủ thể chỉ được làm những gì mà
pháp luật ghi nhận). Còn ở kinh tế thị trường luật
kinh tế chỉ điều chỉnh theo phương pháp của luật tư (
tức là các chủ thể được làm tất cả những gì mà pháp
luật không cấm). Vì vậy, nếu quan niệm rằng, luật
kinh tế chỉ là luật tư thì sẽ không phân biệt được luật
kinh tế với luật dân sự, thương mại và đặt biệt không
phản ánh được trong pháp luật vai trò của công quyền
( Nhà nước) trong đời sống kinh tế, trong quản lý
kinh tế. Ngược lại, nếu cho rằng luật kinh tế là luật
công thì cũng khó phân biệt được luật kinh tế với luật
Nhà nước, luật hành chính.thực ra, luật kinh tế hay
luật kinh doanh là những khái niệm rất rộng mà khó
có thể định lượng chính xác về nội dung. Hiểu theo
cách chung nhất thì luật kinh tế là tổng thể các quy
phạm pháp luật mà với các quy phạm đó, Nhà nước
tác động vào các tác nhân tham gia đời sống kinh tế
và các quy phạm liên quan đến mối tương quan giữa
sự tự do của từng cá nhân và sự điều chỉnh của Nhà
nước. Nếu hiểu theo cách đó thì luật kinh tế tồn tại cả
ở pháp luật công và pháp luật tư. Nó điều chỉnh một
mặt khả năng và cách thức sự can thiệp của Nhà nước
vào đời sống kinh tế, bảo vệ lợi ích công và mặt khác
nó thể hiện nguyên tắc bình đẳng và bảo vệ lợi ích tư
của các thành viên tham gia thương trường[2]. Cần
nhấn mạnh thêm rằng, pháp luật công hay tư không
phải là hai ngành luật, hai môn học pháp luật, mà đây
là những khái niệm thể hiện cách thức và nguyên tắc
xem xét những hành vi pháp lý và khả năng xử sự
của các chủ thể pháp luật[3]. Theo đó, pháp luật công
là lĩnh vực pháp luật mà trong sự điều chỉnh của nó
thể hiện nguyên tắc quyền lực Nhà nước, tòng thuộc
hay lệ thuộc của các chủ thể trong một quan hệ pháp
luật và nhằm bảo vệ lợi ích của trật tự công cộng
(Public order). Trong khi đó pháp luật tư là lĩnh vực
pháp luật thể hiện sự bình đẳng và ngang quyền, tự
do ý chí và thỏa thuận của các chủ thể và nhằm bảo
vệ lợi ích riêng, cá biệt của các chủ thể[4].
Theo cách hiểu rộng về pháp luật kinh tế như trên thì
nội dung của hệ thống pháp luật kinh tế có thể bao
gồm những chế định pháp luật sau đây:
1. Lĩnh vực pháp luật kinh tế công:
- Thể chế Hiến định về kinh tế.
- Pháp luật khuyến khích kinh tế.
- Pháp luật điều tiết kinh tế.
- Pháp luật cạnh tranh.
- Pháp luật về tổ chức kinh tế.
- Pháp luật về các ngành kinh tế.
2. Lĩnh vực pháp luật kinh tế tư:
- Pháp luật dân sự.
- Pháp luật lao động.
- Pháp luật công ty, thương mại, chứng khoán với
tính cách là lĩnh vực pháp luật riêng của giới thương
gia và hàng hóa đặc biệt.
- Pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Như đã trình bày ở trên, việc xác định nội hàm của
khái niệm kinh tế trên “trường quốc tế” đang là vấn
đề nan giải và đến nay không có quan niệm thống
nhất. Tuy nhiên, dù còn quan niệm khác nhau về luật
kinh tế nhưng vấn đề về luật kinh tế, tư duy về luật
kinh tế đang tồn tại ở nhiều nước khác nhau trên thế
giới.
Nếu ở đâu đó các nhà khoa học không hiểu luật kinh
tế theo nghĩa rộng trên đây thì khi nói đến luật kinh
tế, cảm nhận đầu tiên của họ đều là lĩnh vực pháp luật
thể hiện thái độ và khả năng can thiệp (bằng pháp
luật, theo pháp luật) của công quyền vào đời sống
kinh tế.
Ở Việt Nam trong mấy năm gần đây một số nhà khoa
học pháp lý đã đề xướng một cuộc tranh luận khoa
học xung quanh khái niệm luật kinh tế với mục đích
nhằm khẳng định và sử dụng trong khoa học pháp lý
khái niệm luật kinh tế, luật kinh doanh hay luật
thương mại. Các cuộc tranh luận đó thường liên quan
đến hai vấn đề chính là: xác định lại nội dung của hệ
thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế và xem xét luật
kinh tế, kinh doanh hay thương mại có phải là một
ngành luật độc lập hay không?
Chúng tôi cho rằng, nếu chỉ xuất phát từ vấn đề tên
gọi, chúng ta còn phải tiếp tục thảo luận và khó có
thể đi đến một kết luận thỏa đáng và thống nhất. Bởi
lẽ:
Thứ nhất: Việc đặt tên cho một ngành luật để xác
định biên giới của nó với các ngành luật khác hoàn
toàn chỉ có tính tương đối và ước lệ.
Thứ hai: Việc ấn định lại đối tượng cho một ngành
luật với tính cách là một bộ phận thuộc cơ cấu nội tại
của một hệ thống pháp luật sẽ không vì thế mà thay
đổi được chất lượng và ý nghĩa cũng như giá trị xã
hội của hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ ba: Nếu như ứng với mỗi tên gọi ở dạng khái
niệm kể trên có thể là một nội hàm riêng biệt thì dù
sao vẫn không có khái niệm nào mang tính đặc trưng,
tiêu biểu và hơn hẳn. Nếu như người Nhật gọi cái đó
là luật thương mại, người Mỹ gọi là luật kinh doanh
và người Đức gọi là luật kinh tế thì điều đó không có
nghĩa đơn giản là pháp luật của một trong các nước
Nhật, nước Mỹ, nước Đức kém hiệu quả hay thậm
chí lạc hậu.
Quả thực, khi nghiên cứu so sánh, người ta tìm thấy
những khái niệm khác nhau đó và thậm chí những
khái niệm (tên gọi) đó không nhất thiết luôn luôn có
nội dung giống nhau. Song, một số vấn đề có tính
phương pháp luận khi tìm hiểu kinh nghiệm điều
chỉnh pháp luật của nước ngoài là phải xem xét bản
thân sự điều chỉnh đó trong khung cảnh của những
điều kiện lịch sử, dân tộc, truyền thống, kinh tế, xã
hội và triết học cụ thể và có thể riêng có ở từng quốc
gia. Mặc khác, cũng cần xem xét cơ cấu hay cách sắp
xếp cơ cấu của những hệ thống pháp luật mang tính
cá biệt khác nhau mà trong đó luật kinh tế, kinh
doanh hay thương mại tồn tại. Chúng ta đã biết đến
sự tồn tại của những hệ thống pháp luật khác nhau
trên thế giới như hệ Common Law, hệ Civil Law, hệ
Hồi giáo, hệ Nhật Bản, và hệ Xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta cũng đã làm quen với những hệ thống pháp
luật mà ở đó cơ cấu của nó được phân thành luật
công và luật tư và ngược lại.
Tóm lại, không hề tồn tại một mô hình duy nhất tối
ưu về xác định cơ cấu và tên gọi của các bộ phận cấu
thành của mọi hệ thống pháp luật và cũng chưa có
một hệ thống pháp luật cá biệt nào bị coi là phá sản.
Tuy nhiên, khi mọi sự vật, hiện tượng, đều tồn tại
trong quá trình vận động và phát triển, khi mà điều
đó cũng diễn ra trong cơ cấu của hệ thống pháp luật
nước ta, khi mà luật công tách ra khỏi luật tư hay
ngược lại, khi mà luật thương mại trở thành một
ngành luật riêng với tính cách là phát sinh, chuyên
biệt so với luật dân sự và kinh doanh, thuộc về chủ
quyền của các doanh nghiệp, thương gia thì lúc đó,
rất có thể, luật kinh tế sẽ không còn được hiểu như
ngày hôm nay và tính chất công quyền của nó như
khi nó ra đời sẽ là nội hàm chủ yếu của lĩnh vực pháp
luật này.
***
Cùng với quan niệm về luật kinh tế, nguồn của pháp
luật nói chung và của luật kinh tế nói riêng cũng là
vấn đề mà ở đó, khoa học pháp lý XHCN truyền
thống cũng có sự khác biệt với phần còn lại của thế
giới.
Theo lý luận chung về Nhà nước và pháp luật XHCN
thì nguồn của luật kinh tế là những văn bản pháp luật,
chứa đựng những quy phạm pháp luật do các cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Hệ thống pháp
luật nước ta là hệ thống pháp luật theo trường phái
luật quy phạm[5]. Vì vậy, các án lệ không được coi là
nguồn luật, là khuôn mẫu xử sự chung cho các hành
vi của các chủ thể pháp luật. Các quyết định hành
chính, các quyết định của trọng tài kinh tế, các bản án
của Tòa án thương mại (khi chúng ta thành lập)
không phải là nguồn của luật kinh tế. Theo truyền
thống, nguồn của luật kinh tế ở nước ta bao gồm các
văn bản luật và những văn bản dưới luật.
Tuy nhiên, xét từ thực tiễn, chúng tôi cho rằng, ta
đang có những dấu hiệu thực tế của sự thừa nhận sơ
khai giá trị pháp lý của những “án lệ”. Bởi lý do,
chúng tôi cho rằng, những hướng dẫn nghiệp vụ công
tác xét xử của các Tòa án cấp trên cũng như những
báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án không phải là
những văn bản quy phạm hiểu theo nghĩa truyền
thống song lại có giá trị nhất định nào đó trong hoạt
động áp dụng pháp luật. Mặc khác, những vụ án
trọng điểm, thí điểm cũng nhiều khi được coi là
“khuôn mẫu” nào đó trong công tác của Tòa án. Vì
vậy, có thể kết luận rằng, “án lệ” có thể sẽ hình thành
trong đời sống pháp lý ở nước ta, và nếu vậy, điều đó
cũng không phải là không cần thiết hoặc “phi khoa
học”.
Trong đời sống kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh
tế đối ngoại, tập quán thương mại ngày càng có giá
trị quan trọng. Mọi người đều biết rằng, khi chưa có
luật thương mại (cổ điển), các thương gia đã sử dụng
những tập quán, thói quen, thông lệ trong buôn bán –
những “quy tắc xử sự” không thể hiện trong văn bản
pháp luật nhưng rất có ý nghĩa thực tế trong việc ràng
buộc các quyền và nghĩa vụ của các bên. Hơn thế
nữa, kể cả trong điều kiện ngày nay, cách thức tổ
chức và thực hiện các hoạt động kinh doanh, thương
mại là hết sức năng động. Vả lại, tự do ý chí là
nguyên tắc tối thượng của việc xác lập và thực hiện
các quan hệ pháp lý tư.
Vì vậy, tập quán thương mại có vị trí rất quan trọng
trong việc bổ sung cho các quy phạm pháp luật và vì
được các thương gia thừa nhận nên chúng có giá trị
điều chỉnh hành vi gần như các quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, với tính cách là có khả năng điều chỉnh
hành vi kinh doanh – thương mại, có thể và cần phải
xem xét đến cả những bản điều kiện giao dịch chung
hay điều lệ riêng của các doanh nghiệp. Những điều
kiện chung giao hàng đó thể hiện tương đối đa dạng
như: quy chế bán hàng, mẫu hợp đồng và thậm chí là
trong cả điều lệ riêng của từng doanh nghiệp. Ngày
nay, trong điều kiện của tự do kinh doanh, tự do ý
chí, cần phải coi các điều lệ riêng của các doanh
nghiệp cũng có giá trị pháp lý trong một chừng mực
nào đó với các bên tham gia giao dịch pháp lý với
doanh nghiệp vì đó là thành quả của sự tự do ý chí –
những ý chí hình thành nên doanh nghiệp và được coi
là “Hiến pháp” của doanh nghiệp. Để có thể có được
giá trị pháp lý như vậy, những điều lệ cần phải có sự
chuẩn thuận của các cơ quan đăng ký kinh doanh và
nói chung các điều kiện chung giao hàng cần có sự
chuẩn thuận của cơ quan Tòa án – những cơ quan mà
thực ra có chức năng phát triển pháp luật theo cách
thức riêng biệt.
Liên quan đến vấn đề nguồn của luật kinh tế còn có
vấn đề đang đặt ra trong thực tế mà cũng có ý nghĩa
lý luận quan trọng là liệu Bộ luật dân sự và luật
thương mại có được coi là nguồn của luật kinh tế hay
không?
Nếu hiểu luật kinh tế là lĩnh vực pháp luật rất rộng
bao gồm cả luật công và luật tư thì ở phương diện
luật tư của luật kinh tế có thể áp dụng những nguyên
tắc chung được ghi nhận trong Bộ luật dân sự (thí dụ
như về phần hợp đồng). Trong trường hợp này và ở
lĩnh vực này có thể coi Bộ luật dân sự là lex general
còn Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế được coi là lex
special. Đây cũng là cách thức để xem xét về mối
quan hệ giữa chế định pháp lý về hợp đồng kinh tế và
hợp đồng thương mại liên quan đến việc áp dụng
pháp luật. Chỉ có điều là đến nay, về phương diện tố
tụng (lĩnh vực pháp luật công) vẫn thiếu vắng sự
khẳng định đó nên từ phương diện pháp luật thực
định chưa thể coi những tranh chấp từ hợp đồng
thương mại là tranh chấp kinh tế ( theo Điều 12, Pháp
lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, ngày
16/3/1994) và để có được tài phán ở các Tòa kinh tế
hay các Trung tâm trọng tài kinh tế.
II. Mấy kinh nghiệm từ nước ngoài
1. Về chủ thể kinh doanh
1.1. Pháp nhân và thể nhân
Ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển và
hệ thống pháp luật lâu đời không có sự phân biệt và
cách biệt giữa khái niệm thương gia và doanh nghiệp
với tính cách là những thành viên hợp pháp của
thương trường. Khi giao lưu trong thương trường, các
thành viên thường quan tâm đến tính chất và đặc tính
pháp lý của nhau mà trước hết đó là một pháp nhân
hay thể nhân.
Thực ra, đây là cặp phạm trù cơ bản và kinh điển
trong pháp luật dân sự, thuộc lĩnh vực pháp luật và
chủ thể. Song vì ở nước ta hiện nay việc nhận thức về
chúng trong nhiều giới hạn còn lẫn lộn nên chúng tôi
xin được bàn thêm.
Vào những buổi ban đầu của nước Việt Nam mới,
pháp luật đã sử dụng khái niệm pháp nhân để ám chỉ
một loại chủ thể pháp luật được phân biệt với con
người. Sau nhiều năm bị lãng quên thì gần đây, khái
niệm pháp nhân lại được sử dụng trở lại trong cặp
phạm trù pháp nhân và cá nhân. Tại Bộ luật dân sự
chương II có sử dụng khái niệm cá nhân trong sự
phân lập với pháp nhân và sau khi có ý kiến đóng góp
để chỉnh lý thì dự kiến của nhà làm luật vẫn không hề
thay đổi.
Theo truyền thống khoa học pháp lý dân sự nói riêng
và khoa học pháp lý nói chung chia các chủ thể của
luật dân sự thành hai loại: pháp nhân và thể nhân.
Mặc dù pháp nhân là một loại chủ thể không phải là
con người, một loại chủ thể trừu tượng, không có
hình hài song điều đó không có nghĩa là co người
đồng nghĩa với “cá nhân”. Chẳng hạn, trong Bộ luật
dân sự, tổ hợp tác và hộ gia đình không hưởng quy
chế của một pháp nhân mà chúng cũng không phải là
cá nhân. Chúng tôi cho rằng, với phương pháp tiếp
cận như trong Bộ luật thì còn nhiều khó khăn trong
việc hoạch định cơ cấu chủ thể của luật dân sự.
Bộ luật dân sự phân biệt các loại chủ thể theo dấu
hiệu pháp nhân và cá nhân nên đương nhiên phải đi
tìm thêm những chủ thể pháp luật khác để liệt kê
trong bộ luật mà điển hình là hộ gia đình và tổ hợp
tác – những chủ thể pháp lý không phải là cá nhân mà
cũng không hưởng quy chế của một pháp nhân. Nếu
cứ theo cách như vậy thì chưa cần phải dự tính đến sự
phát triển của kinh tế – xã hội mà ngay hiện nay bộ
luật đã không thể liệt kê hết. Đó là những cộng đồng
người phải sinh ra một chủ thể pháp luật mới nhưng
không có tư cách pháp nhân thông qua sự liên kết
trên cơ sở của những sự kiện pháp lý. Ngay trong đời
sống kinh tế pháp luật của ta đã không chỉ đề cập đến
hộ gia đình hoặc tổ hợp tác. Các tổ chức liên kết kinh
tế không nằm trong khái niệm tổ hợp tác “ nhóm kinh
doanh” theo nghị định 66 – HĐBT ngày 23/3/1992
không phải là cá nhân mà cũng chẳng là pháp nhân.
Mặc khác, hiện nay trong xã hội đã có không ít các tổ
chức được thành lập theo nguyên tắc hiệp hội mà
không đủ điều kiện trở thành pháp nhân. Thậm chí,
những doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích có
hưởng quy chế đầy đủ của một pháp nhân hay không:
vấn đề này vẫn còn phải được giải quyết cụ thể thông
qua hoạt động hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp
Nhà nước.
Trong lịch sử, đã có thời kỳ pháp luật chưa hề biết
đến khái niệm pháp nhân. Từ thời cổ đại đến thời
phong kiến đã xuất hiện những phường hội, những tổ
chức hình thành trên cơ sở hợp tác, liên kết. Khi tham
gia các quan hệ pháp luậ (mà ngày nay ta gọi là quan
hệ dân sự) các tổ chức này không nhân danh chính
mình mà nhân danh các thành viên, nhân danh các
chủ sở hữu của các tài sản được đưa vào sử dụng.
Như vậy, các tổ chức này không có tư cách pháp
nhân độc lập trong việc sử dụng và định đoạt những
tài sản khi nó buộc phải thành phương tiện để thực
hiện các quan hệ dân sự, thương mại. Điều đó có
nghĩa rằng, về mặt pháp lý, không có sự phân biệt và
tách bạch giữa tài sản được đưa vào tổ chức và phần
tài sản còn lại mà cả hai đều thuộc sở hữu của cùng
một chủ. Vì hoạt động nhân danh chủ hữu nên khi tổ
chức này vỡ nợ, các quan toàn cùng với chủ nợ được
phép đến gõ cửa nhà riêng từng con nợ.
Song, khi sản xuất hàng hóa phát triển trong điều
kiện của chủ nghĩa tư bản, vấn đề cũng cố địa vị của
các tổ chức kinh tế bằng phương tiện pháp lý để các
tổ chức này tham gia độc lập vào các quan hệ dân sự
– thương mại là nhu cầu cấp thiết đối với các lọai
hình tổ chức khác nhau và cũng là phương tiện, điều
kiện để các nhà tư bản cạnh tranh với nhau trong cơ
chế thị trường. Để xác định tư cách pháp lý độc lập
cho các tổ chức này, và tránh rủi ro trong kinh doanh
cũng như giới hạn những hậu quả khủng khiếp của sự
đổ vở trong các tổ chức; thực tiễn của hoạt động dân
sự – thương mại đòi hỏi phải tạo ra một khả năng về
sự tách bạch về tài sản giữa phần đưa vào lưu thông
và phần còn lại mà chủ sở hữu có nhu cầu sử dụng
vào những mục đích khác.
Khi thực hiện nguyên tắc tách bạch về tài sản cũng là
khi xuất hiện một nhân cách pháp lý mới, tách bạch
với nhân cách pháp lý của chủ sở hữu hoặc công
đồng sở hữu. Để đặt tên cho nhân cách pháp lý mới
đó, khái niệm pháp nhân đã ra đời[6].
Như vậy với mục đích như trên, khái niệm pháp nhân
không liên quan đến vấn đề cá nhân hay tập thể; số ít
hay số nhiều của những con người. Nói như vậy là vì
đã có lúc khoa học pháp lý của ta nhầm tưởng rằng
“tổ chức” hay “tập thể” là dấu hiệu của pháp nhân
cũng như cho rằng các đơn vị kinh tế quốc doanh
dưới thời kế hoạch hóa cũng có tư cách pháp nhân.
Đành rằng, pháp nhân “không phải” là người, song
không phải mọi tổ chức đều là pháp nhân. Như đã
trình bày ở trên, mục đích của việc xác lập tư cách
pháp nhân là việc tách biệt tài sản. Cho nên chỉ có
những tổ chức thực hiện nguyên tắc tách bạch về mặt
tài sản mới có được điều kiện quan trọng đầu tiên để
trở thành pháp nhân.
Ý tưởng về tách bạch tài sản nhằm xác định tư cách
độc lập về mặt pháp lý cho một tổ chức được gọi là
pháp nhân còn dẫn đến một hậu quả pháp lý dân sự
nữa là khẳng định tính chất trách nhiệm hữu hạn của
loại tổ chức này khi tham gia các quan hệ tài sản.
Chính vì lẽ đó mà các xí nghiệp công nghiệp quốc
doanh thời kế hoạch hóa trên thực tế chưa hề tồn tại
thực sự như một pháp nhân, vì chúng không có tài
sản riêng, tồn tại độc lập với toàn bộ phần còn lại
thuộc sở hữu Nhà nước và chúng không thực hiện
chế độ trách nhiệm hữu hạn. Điều này là dễ hiểu bởi
vì, kinh tế chính trị học thời đó dạy rằng tài sản thuộc
sở hữu toàn dân (Nhà nước) là một thể thống nhất,
không thể phân chia. Cho nên để các doanh nghiệp
Nhà nước có thể tồn tại như một pháp nhân trong cơ
chế mới, Nhà nước đã thực hiện việc trao vốn và
trách nhiệm bảo toàn vốn và xác lập tính độc lập về
mắt pháp lý và kinh tế cho loại chủ thể này.
Cũng vì thế mà gần đây khoa học pháp lý nói chung
và pháp lý dân sự nói riêng vẫn chưa có một định
nghĩa thống nhất về khái niệm hay dấu hiệu của pháp
nhân; song ngày càng thấy có nhiều tiêu chí để xác
định pháp nhân đã được xác định trước đây, nay
không còn giá trị và ngay Điều 94 của Bộ luật Dân sự
cũng còn tỏ ra mơ hồ khi xác định các dấu hiệu của
pháp nhân.
Đã có thời kỳ khoa học pháp lý ấn định dấu hiệu của
pháp nhân là tài khoản ở ngân hàng và con dấu. Điều
này có thể hiểu được trong điều kiện của cơ chế cũ
bởi lẽ khi đó chỉ có các đơn vị kinh tế xã hội chủ
nghĩa và các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước mới
được phép có tài khoản và con dấu riêng. Ngày nay
các cá nhân cũng có thể có tài khoản tại ngân hàng và
không ít các đơn vị, tổ chức không có tư cách pháp
nhân cũng có con dấu.
Điều 94 của Bộ luật dân sự lại đi tìm dấu hiệu “có cơ
cấu tổ chức” để xác định pháp nhân. Chúng tôi cho
rằng, dấu hiệu này không đặc trưng vì đã là đơn vị, tổ
chức đều có thể có cơ cấu tổ chức riêng, song như
trên đã trình bày, không phải mọi tổ chức, đơn vị đều
là pháp nhân.
Tuy nhiên, Bộ luật dân sự đã đề cập đến bốn lọai chủ
thể các quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: cá nhân,
pháp nhân, tổ hợp tác và hộ gia đình.
Pháp nhân là một khái niệm được sử dụng để ám chỉ
một loại chủ thể pháp lý độc lập, để phân biệt với các
chủ thể là con người (bao gồm cá nhân và tập thể
người). Như vậy, pháp nhân là một thực thể trừu
tượng, được hư cấu, thể hiện tình trạng tách bạch về
mặt tài sản của nó với tài sản còn lại của chủ sở hữu,
người đã sáng tạo ra nó. Trong kinh doanh, người
sáng tạo ra pháp nhân, hiểu theo nghĩa này, là chủ sở
hữu doanh nghiệp – người đầu tư vốn để thành lập
doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Nếu coi doanh
nghiệp Nhà nước là pháp nhân (hay có tư cách pháp
nhân) nghĩa là toàn bộ vốn tài sản mà Nhà nước đã
giao cho doanh nghiệp, là của doanh nghiệp. Chúng
tồn tại tách bạch và độc lập về mặt pháp lý với toàn
bộ tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân. Vì lẽ đó, khi
thành lập các doanh nghiệp (theo nghị định 388 –
HĐBT ngày 20/1/1991) và khi thành lập mới doanh
nghiệp Nhà nước (theo luật doanh nghiệp Nhà nước
ngày 20/4/1996) đều có thủ tục giao và nhận vốn.
Cũng vì không có tài sản tách bạch nên trước đây các
xí nghiệp công nghiệp quốc doanh của ta chưa bao
giờ tồn tại thực sự là những pháp nhân.
Trong trường hợp của công ty, điều này cũng có bản
chất pháp lý như vậy. Cụ thể, khi thành lập công ty,
các thành viên góp đủ số vốn đăng ký vào công ty thì
phần vốn này thuộc công ty và tồn tại tách bạch với
toàn bộ tài sản còn lại thuộc sở hữu của thành viên
công ty.
Với tư cách thiết kế về pháp lý như vậy, suy cho cùng
chỉ nhằm mục đích là để các tổ chức kinh tế có tư
cách pháp nhân hưởng quy chế trách nhiệm hữu hạn
mà thôi. Nói khác đi, pháp nhân không phải là khái
niệm nhằm khẳng định tính độc lập về pháp lý của
mọi loại chủ thể kinh doanh hay thương gia. Theo lẽ
đó, pháp luật nước ta (mà trước hết là pháp luật kinh
tế – dân sự) cũng như pháp luật của mọi quốc gia trên
thế giới đều coi pháp nhân là một thực thể pháp lý:
1) Được thành lập hay thừa nhận một cách hợp pháp.
2) Có tài sản riêng.
3) Tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình
bằng số tài sản riêng đó.
4) Là nguyên đơn hay bị đơn trước các cơ quan tài
phán.
Trong đó dấu hiệu hai và ba là thuộc tính riêng của
pháp nhân.
Bên cạnh pháp nhân còn một chủ thể pháp luật nữa,
cũng là một thực thể pháp lý độc lập về tư cách chủ
thể. Song ở đó, không có sự tách bạch về tài sản giữa
phần của thực thể đó và của chủ sở của nó. Vì vậy, ở
dây khi xem xét tính chất về chế độ trách nhiệm về
mặt tài sản trong kinh doanh thì chính thực thể pháp
lý đó và cùng với chủ sở hữu của nó (các cá nhân và
tổ chức góp vốn) cùng liên đới chịu trách nhiệm vô
hạn về các khoản nợ của thực thể pháp lý đó.
Như vậy, “đứng ra chịu trách nhiệm về mặt tài sản ở
đây trên thực tế có thể là cá nhân, là tập thể các cá
nhân hay thậm chí là tổ chức. Những tập thể pháp lý
đó được khoa học pháp lý truyền thống gọi chung là
thể nhân mà không nhất thiết là cá nhân.
Vì hệ thống pháp luật của ta hiện nay sử dụng hai
phạm trù (chứ không hẳn là cặp phạm trù) cá nhân và
pháp nhân nên rất lúng túng khi phải đề cập đến
những thực thể pháp lý không phải là pháp nhân và
cũng không phải là cá nhân như: Tổ hợp tác, hộ gia
đình, nhóm kinh doanh (theo Nghị định 66 HĐBT
ngày 2/3/1992). Chúng ta sẽ ngày càng trở nên lúng
túng hơn khi đến lúc pháp luật cần phải thừa nhận
nhiều hơn nữa những chủ thể pháp lý không phải là
pháp nhân và cũng chẳng phải là cá nhân.
1.2 Trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn
Như đã trình bày trên đây, khoa học pháp lý nước ta
trong một số năm gần đây đã sử dụng cặp phạm trù
“trách nhiệm vô hạn” và “trách nhiệm hữu hạn”. Tuy
nhiên cho đến nay, theo nhận biết của chúng tôi,
trong giới pháp lý và giới kinh doanh chưa thực sự có
sự thấu hiểu thống nhất về hai dạng “trách nhiệm”
này.
Trước hết cần nhấn mạnh rằng vô hạn hay hữu hạn là
tính chất của chế độ đảm bảo tài sản khi tham gia các
quan hệ tài sản. Điều này không liên quan gì đến chế
độ trách nhiệm pháp lý phát sinh từ sự vi phạm pháp
luật mà hậu quả của nó là việc thực hiện các chế tài.
Trách nhiệm vô hạn được hiểu là sự tận cùng hay đến
cùng của việc trả nợ. Điều đó có nghĩa rằng, một chủ
thể pháp luật nào đó khi không thực hiện nguyên tắc
tách bạch về mặt tài sản (đó là những con người cụ
thể hoặc các tổ chức không có tư cách pháp nhân)
trong mọi trường hợp vẫn phải trả hết số nợ mà nó có
khi chủ thể đó bị vở nợ. Như vậy, khi tham gia các
quan hệ tài sản, đối với bên thiết lập quan hệ với
pháp nhân luôn luôn có nguy cơ không được trả nợ
khi pháp nhân đó bị tuyên bố phá sản.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng đặc tính trách nhiệm vô hạn
chỉ xuất hiện và chỉ được đề cập tới khi một chủ thể
của luật dân sự – kinh tế bị vỡ nợ mà đối với các
doanh nghiệp được gọi là phá sản.
Như vậy mọi cá nhân và những tổ chức không phải là
pháp nhân, tư cách pháp lý của chúng được thể hiện
và được thực hiện bởi chính những thành viên của tổ
chức đó. Trong khi đó, những pháp nhân khi tham gia
các quan hệ tài sản luôn hưởng quy chế trách nhiệm
hữu hạn. Chính vì vậy, pháp nhân có những dấu hiệu
được phân biệt với thể nhân như sau:
1) Có tài sản riêng, tồn tại độc lập về mặt pháp lý với
phần tài sản còn lại của chủ sở hữu.
2) Hoạt động nhân danh mình và tự chịu trách nhiệm
về mọi hành vi của mình với số tài sản riêng có (tức
là hưởng quy chế trách nhiệm hữu hạn).
3) Có tư cách pháp lý độc lập và có thể là nguyên đơn
hoặc bị đơn trước các cơ quan tài phán.
Vì sự nghèo nàn của ngôn ngữ pháp lý tiếng Việt nên
phải nhấn mạnh rằng khái niệm trách nhiệm được
dùng ở đây hoàn toàn không đồng nghĩa và liên quan
gì đến chế độ trách nhiệm pháp lý – loại trách nhiệm
phát sinh do hành vi vi phạm pháp luật có lỗi.
Ở đây, trách nhiệm vô hạn được hiểu là tính vô hạn
(và thậm chí là vĩnh cửu) của nghĩa vụ trả nợ, còn
trách nhiệm hữu hạn là tính có giới hạn về khả năng
trả nợ của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là giới hạn đó
được xác định như thế nào?
Theo lý thuyết chung và thông lệ quốc tế, một doanh
nghiệp có chế độ trách nhiệm hữu hạn chỉ có khả
năng trả nợ đến mức giá trị vốn tài sản của nó. Đó là
vốn điều lệ.
Nếu chỉ hiểu đơn giản như vậy thì phải chăng một
doanh nghiệp với quy chế trách nhiệm hữu hạn không
bao giờ thực hiện được một trái vụ có giá trị lớn hơn
mức vốn điều lệ của nó? Vấn đề không phải là như
vậy, mà vẫn là ở chỗ chế độ trách nhiệm vô hạn hay
hữu hạn chỉ được đưa ra áp dụng khi doanh nghiệp
đó bị tuyên bố phá sản và toàn bộ tài sản của nó được
đưa ra phát mại để thanh toán các khoản nợ.
Đến lúc này, khi doanh nghiệp thuộc loại trách nhiệm
vô hạn sẽ có số tài sản để trả nợ bao gồm cả toàn bộ
tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp mà không
tham gia vào kinh doanh. Trong trường hợp này, nếu
toàn bộ tài sản phá sản đó không đảm bảo để thanh
toán hết các khoản nợ thì chủ doanh nghiệp phải tiếp
tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đó chính là tính vô hạn
hay “vĩnh cửu” của nghĩa vụ trả nợ. Vì ở những
doanh nghiệp này không có sự tách bạch về tài sản
như đã nêu ở trên nên chúng cũng không phải là
những pháp nhân (mà là thể nhân). Theo pháp luật
nước ta thì đó là những trường hợp của doanh nghiệp
tư nhân.
Trong khi đó, doanh nghiệp có quy chế trách nhiệm
hữu hạn khi bị tuyên bố phá sản, chỉ trả nợ đến mức
giá trị toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của nó vào thời
điểm đó. Vì ở những doanh nghiệp này có sự tách
bạch về mặt tài sản giữa nó và chủ sở hữu của nó và
chúng đều được thừa nhận là pháp nhân. bởi lẽ, thuộc
tính của pháp nhân là có sự tách bạch về tài sản và tự
“chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình bằng
sở hữu tài sản đó” (trách nhiệm hữu hạn). Nói khác
đi, tất cả các pháp nhân (theo đúng nghĩa của nó) đều
hưởng quy chế trách nhiệm hữu hạn.
Toàn bộ tinh thần trên đây đã được thể hiện trực tiếp
hay gián tiếp trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc
biệt trong pháp luật về phá sản, ở những quy định về
tài sản phá sản và thứ tự ưu tiên thanh toán.
Cần nói thêm rằng, tài sản phá sản của pháp nhân vào
thời điểm bị tuyên bố phá sản là số tài sản hiểu theo
nghĩa pháp lý. Điều đó có nghĩa rằng, vào thời điểm
phá sản mà chủ sở hữu pháp nhân ( chủ doanh
nghiệp) chưa thực hiện song cam kết về việc góp vốn
vào điều lệ thì phần chưa thực hiện đó vẫn được coi
là tài sản của pháp nhân được đưa ra để thực hiện chế
độ trách nhiệm hữu hạn. Trong trường hợp này, mối
quan hệ giữa doanh nghiệp là pháp nhân và chủ sở
hữu doanh nghiệp là mối quan hệ giữa chủ nợ và con
nợ.
Tóm lại, mô hình pháp lý về doanh nghiệp theo kiểu
pháp nhân hay thể nhân hiểu theo nghĩa này, suy cho
cùng là để ấn định tính chất của chế độ trách nhiệm
về mặt tài sản trong kinh doanh (hữu hạn hay vô
hạn). Song vì trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn chỉ thể
hiện sự khác biệt và được áp dụng trên thực tế khi
doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Chứng tỏ rằng, khi
tồn tại và hoạt động trên thương trường giữa pháp
nhân và thể nhân không vì thế mà có sự bất bình
đẳng. Tuy nhiên xét từ góc độ về khả năng rủi ro của
các nhà đầu tư hoặc do doanh nghiệp gây ra cho bạn
hàng thì ở hai doanh nghiệp này cũng có những đặc
tính khác nhau, nhà làm luật mới có thể thừa nhận
những mô hình pháp lý về tổ chức doanh nghiệp khác
nhau, tạo cho các nhà đầu tư lựa chọn phù hợp với
khả năng và sở thích của họ.
Điểm mạnh của các doanh nghiệp chịu trách nhiệm
vô hạn chính là ở chỗ nó ít có khả năng gây rủi ro cho
bạn hàng vì tất cả tài sản của chủ doanh nghiệp có
trong hiện tại và tương lai, bất luận là chúng có tham
gia vào kinh doanh hay không, đều được sử dụng để
thanh toán nợ. Song, nhìn từ lợi ích của các chủ
doanh nghiệp thì họ luôn bị đe dọa bởi khả năng
“được ăn cả, ngã về không” nên họ không mạnh dạn
đầu tư vào những lĩnh vực của nền kinh tế mà có hệ
số rủi ro cao, và khi họ liên kết góp vốn để thành lập
công ty loại này họ luôn phải đi tìm những người rất
gần gũi bởi vì những phần tài sản “để dành” (không
tham gia vào kinh doanh) của tất cả các thành viên
công ty đều có chung một số phận. Vì lẽ đó, các
doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn không bao giờ
trở thành những doanh nghiệp lớn trong cơ cấu kinh
tế.
Trong khi đó các doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu
hạn lại khắc phục được “điểm yếu” đó, dễ dàng tồn
tại trong mọi lĩnh vực của cơ cấu kinh tế và có thể trở
thành những đơn vị kinh tế mạnh. Thế nhưng, loại
doanh nghiệp này chỉ trả nợ trong phạm vi có giới
hạn (khi nó bị phá sản), nên nó dễ gây rủi ro cho bạn
hàng. Kinh nghiệm cho thấy, khi một pháp nhân bị
phá sản, thì thông thường lợi ích của nhiều bạn hàng
không được đảm bảo. Vì lẽ đó, khi giao dịch trên
thương trường, những doanh nghiệp loại này sẽ bị
bạn hàng “thẩm định” rất cẩn thận, nhất là khi vay
vốn.
“Không có nguyên tắc nào không ngoại lệ”. Điều đó
cũng đúng khi áp dụng chế độ trách nhiệm hữu hạn
của pháp nhân.
Theo nhận thức chung, pháp nhân chỉ có thể hoạt
động thông qua cơ quan đại diện. Tuy nhiên, không
phải lúc nào đại diện pháp nhân cũng xử sự nhân
danh pháp nhân và về nguyên tắc, pháp nhân và đại
diện pháp nhân không phải là một thực thể thống
nhất. Bên cạnh đó, thành viên của pháp nhân cũng
không đồng thời là pháp nhân (tách bạch). Thế nhưng
trên thực tế, nhìn từ bề ngoài ta thấy rằng cả thành
viên pháp nhân và cơ quan pháp nhân trong nhiều
trường hợp cùng đều tham dự thực hiện những hành
vi liên quan đến pháp nhân[7]. Vì vậy, pháp luật của
nhiều quốc gia đều ghi nhận một hiện tượng mà theo
đó, pháp nhân không độc lập chịu trách nhiệm hữu
hạn về các khoản nợ mà ở đây có sự liên đới hay
trách nhiệm riêng của thành viên pháp nhân và / hoặc
của chính bản thân cơ quan pháp nhân. Hiện tượng
này được một số tài liệu pháp lý gần đây gọi là “phá
hạn” hay “vén màng trách nhiệm” mà theo tiếng La
tinh là “ultra veris” và tiếng Đức là
“Haftungsdurchsgriff”. Theo đó, “phá hạn” sẽ xuất
hiện khi:
- Thành viên pháp nhân hay cơ quan pháp nhân
không đảm bảo điều kiện vật chất để thực hiện chế độ
trách nhiệm hữu hạn.
- Thành viên hay cơ quan pháp nhân thực hiện hành
vi không nhân danh pháp nhân.
2. Pháp luật về cạnh tranh
Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin đều có
dạy rằng: “Đấu tranh là động lực thúc đẩy sự vận
động và phát triển của mọi hiện tượng và sự vật”. Vì
vậy, muốn tạo ra sự vận động và phát triển của hiện
tượng kinh tế phải tìm cho được và gìn giữ cái động
lực đó. Nếu trong thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp
người ta đi tìm những động lực ở nơi quyền làm chủ
tập thể, ở hoạt động kế hoạch hóa[8], ở thi đua
XHCN… thì ngày nay, trong bối cảnh của một hiện
tượng mới (kinh tế thị trường), động lực đó chính là
cạnh tranh.
Từ điển kinh doanh, xuất bản ở Anh năm 1922 đã
định nghĩa “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự kình địch
giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh
dành một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại
khách hàng về phía mình”. Như vậy, cạnh tranh chỉ
có thể xuất hiện trong điều kiện của cơ chế thị
trường, nơi mà nhu cầu là cốt vật chất, giá cả là diện
mạo và cạnh tranh là linh hồn sống của thị trường.
Cạnh tranh là cuộc đấu tranh giữa những nhà kinh
doanh nhằm dành các điều kiện có lợi nhất về sản
xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ…trong nền kinh tế
thị trường. Cạnh tranh là áp lực cưỡng bức bên ngoài
buộc các nhà doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để
nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp đưa
ra thị trường sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý…
mở rộng kinh doanh. Vì vậy, khi đã tự xác định trách
nhiệm điều tiết và khuyến khích sự lớn mạnh của
kinh tế thị trường, Nhà nước không thể không khuyến
khích và bảo vệ cạnh tranh.
Dưới góc độ pháp lý, pháp luật nói chung và kinh tế
nói riêng – lĩnh vực pháp luật mà ở chế độ nào cũng
quan tâm đến hai vấn đề chính là quyền tự do kinh
doanh và khả năng, hình thức can thiệp của công
quyền vào đời sống kinh tế mà cuối cùng cũng chỉ là
bảo đảm tự do kinh doanh trong khuôn khổ của lợi
ích cộng đồng, đã nhìn thấy nguồn gốc và bản chất
pháp lý của pháp luật cạnh tranh.
Tiền đề pháp lý của sự hình thành và phát triển của
kinh tế thị trường là tự do sở hữu, tự do kinh doanh,
tự do lập hội và tự do khế ước…cũng vì những quyền
tự do đó được thừa nhận và đảm bảo và cùng với sự
giục giã của quy luật giá trị và bản tính cá nhân của
con người nên các hoạt động cạnh tranh tự phát luôn
có thiên hướng thái quá, cực đoan mà vô tình hay cố
ý nhằm gây rối, ngăn cản hoặc thủ tiêu khả năng cạnh
tranh của các đối thủ. Những hành vi mang tính chất
cạnh tranh đó, đến lượt nó quay lại phá hủy động lực
phát triển kinh tế. Những hành vi đó, xuất phát từ tiền
đề tự do, đến lúc này đã lâm vào tình trạng vượt quá
biên giới của “sự nhận thức được quy luật” và vì vậy
đây chính là cơ hội để công quyền phải can thiệp
bằng pháp luật. Như thế, pháp luật cạnh tranh đã tất
yếu ra đời.
Có lẽ vì người phương Tây, những người tiên phong
trong việc phát triển cơ chế thị trường, cũng cảm
nhận được điều đó và tuân theo sự cảnh tỉnh của Mác
nên từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đều nhất loạt cho
ban hành những văn bản pháp luật về cạnh tranh.
Ngay cả các quốc gia chuyển đổi, những quốc gia đã
cùng ta tìm cách xây dựng nền kinh tế kế hoạch nay
cũng đã thiết lập trong hệ thống pháp luật của mình
lĩnh vực pháp luật về cạnh tranh[9], chống độc
quyền.
Theo thông lệ, pháp luật về chống độc quyền bao
gồm 3 nội dung:
1) Cấm các – ten,
2) Kiểm soát sáp nhập,
3) Kiểm soát các doanh nghiệp có vị thế độc quyền tự
nhiên.
Nhưng, có thể khẳng định rằng, vấn đề cấm các – ten
và giám sát về sự lạm dụng vị thế độc quyền của
những doanh nghiệp đang chiếm thị phần khống chế
thị trường hầu như chưa được đặt ra kể cả từ phương
diện chính sách kinh tế lẫn từ phương diện điều chỉnh
pháp lý. Trong khi đó, khó mà có thể khẳng định
rằng, trong cơ cấu của hệ thống các doanh nghiệp đã
và đang không thể xuất hiện những thỏa thuận ngầm
mang tính chất của những các – ten. Bên cạnh đó, sự
lạm dụng tình trạng độc quyền để thủ tiêu cạnh tranh
và chèn ép người tiêu dùng đã tồn tại từ lâu mà vụ
“bê bối” ở Tổng công ty xi măng cách đây mấy năm
là một điển hình.
Tư tưởng về chống cạnh tranh không lành mạnh và
chống hạn chế cạnh tranh cũng đã bắt đầu xuất hiện
rải rác ở một số văn bản pháp luật kinh tế. Cụ thể là,
Nghị định 48/1998/NĐ – CP (ngày 11/7/1998) đã
công khai việc kiểm soát hành vi thâu tóm và sát
nhập doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán
cũng như chống hành vi lũng đoạn thị trường trong
khi mua hoặc bán chứng khoán. Đây cũng là những
hành vi tuy không điển hình nhưng cũng được điều
chỉnh bởi pháp luật chống độc quyền.
Trong khi pháp luật về chống độc quyền mà còn rất
xa lạ trong đời sống pháp lý thì pháp luật về chống
cạnh tranh không lành mạnh, một lĩnh vực pháp luật
đồng hành với chống độc quyền và cùng có chung
mục đích là khuyến khích và bảo vệ cạnh tranh, lại
được quan tâm hơn và có sự khởi xướng tương đối rõ
rệt.
Trong lĩnh vực quảng cáo, một lĩnh vực thường được
lạm dụng để cạnh tranh không lành mạnh, Nhà nước
đã ban hành Nghị định 194/CP ngày 31/12/1994
trong đó có quy định cấm quảng cáo sai chất lượng
hàng hóa đã đăng ký, nói xấu người khác và hàng hóa
của người khác.
Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh mới chỉ được chính
thức ghi nhận khi Quốc hội ban hành Luật thương
mại ngày 10/5/1997. tại Điều 8 của Luật, những hành
vi cạnh tranh không lành mạnh thông thường đã được
liệt kê và bị nghiêm cấm thực hiện, như:
- Đầu cơ để lũng đoạn thị trường;
- Bán phá giá để cạnh tranh;
- Dèm pha thương nhân khác;
- Ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên
hoặc khách hàng của thương nhân khác.
Bên cạnh đó, từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Luật
thương mại cũng có những quy định nhằm chống lại
cạnh tranh không lành mạnh. Điều 9 khoản 3 quy
định: cấm thương nhân nâng giá, ép giá gây thiệt hại
cho nền sản xuất, người tiêu dùng; gây nhầm lẫn cho
người tiêu dùng; quảng cáo dối trá; khuyến mại bất
hợp pháp…
Để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp
trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Bộ
luật dân sự còn quy định: “Cá nhân, pháp nhân và các
chủ thể khác có hành vi xâm phạm đến danh dự, uy
tín của người sản xuất, kinh doanh mà gây thiệt hại
cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người đó thì
phải bồi thường” (Điều 633).
Tóm lại, mặc dù chống độc quyền còn đang là vấn đề
nhạy cảm trong đời sống chính trị pháp lý của đất
nước. Song, Dự thảo về luật cạnh tranh nếu được
Quốc hội thông qua sẽ tạo thành cơ sở pháp lý vững
chắc cho cơ chế thị trường – một cơ chế mà sự tồn
tại, vận động và phát triển của nó bị chi phối căn bản
bởi những quy luật và nguyên lý của cạnh tranh. Bởi
lẽ, trong cơ chế thị trường, Nhà nước tiến bộ phải là
Nhà nước có chức năng đầu tiên là khuyến khích và
bảo hộ cạnh tranh – động lực của phát triển kinh tế.
[1] Mô hình kinh tế kế hoạch không chỉ đã tồn tại ở
Việt nam mà ở cả hệ thống các nước XHCN trước
đây. Hơn thế nữa, trong lịch sử các mô hình kinh tế
của nhân loại, kinh tế kế hoạch cũng đã từng tồn tại ở
các nước không xây dựng chủ nghĩa xã hội.
[2] Bài giảng của GS.TS Depenheuer, Đại học Tổng
hợp Mahnheim, CHLB Đức, tại Bộ Tư pháp, tháng
3/1997.
[3] Ở các quốc gia thuộc hệ Civil Law thì sự phân
biệt này được thể hiện khá rõ mà theo đó, việc nghiên
cứu, giảng dạy, xem xét, đánh giá về hệ thống pháp
luật cũng như tổ chức, hoạt động, thẩm quyền và các
nguyên tắc tố tụng ở Tòa án cũng thể hiện sự phân
biệt giữa luật công và luật tư. Trong khi đó ở các
quốc gia thuộc hệ Common Law thì sự phân biệt này
không rõ rệt nhưng khi xem xét từng văn bản pháp
luật, từng hành vi pháp lý cụ thể đều cho thấy có sự
khác biệt.
[4] Những từ “công” hay “tư” ở đây không liên quan
đến khái niệm tư nhân hay Nhà nước hoặc cơ quan
hay ngành tư pháp.
[5] Ngay cả ở các quốc gia thuộc hệ Châu Au lục địa
(Civil Law), nơi mà nguồn luật chủ yếu là các văn
bản quy phạm pháp luật – Điều cơ bản để phân biệt
với hệ thống thông luật (Common Law), các án lệ
của Tòa án cũng được coi là những quy tắc xử sự
chung cho các hoạt động áp dụng pháp luật và đây
cũng là một dạng thể hiện của pháp luật.
[6] Thực ra, khi thiết kế chế định pháp nhân, các nhà
luật học đã xuất phát từ các học thuyến như:
- Học thuyết hư cấu (fiktion) mà theo đó có thể hình
thành một loại chủ thể pháp luật trừu tượng không
phải là người để phân biệt với con người ( thể nhân).
- Học thuyết tách bạch mà theo đó tài sản của pháp
nhân là một thực thể tài sản được phân biệt (tách
bạch) với tài sản của các thành viên.
- Học thuyết về khối tài sản thống nhất mà theo đó,
tài sản của pháp nhân là một khối thống nhất không
thể chia được, được coi như thuộc sở hữu của pháp
nhân và vì vậy, khi các thành viên góp vốn phải làm
thủ tục chuyển quyền sở hữu và áp dụng nguyên tắc
cấm rút vốn trực tiếp khi các thành viên có nhu cầu
rút ra khỏi tư cách thành viên của pháp nhân.
(Xem: Karl Larenz, Luật Dân sự , phần chung, NXB
C.H.Beck, CHLB Đức, 1977, tr.111 – 112).
[7] Xem thêm: Nguyễn Như Phát, An toàn pháp lý
trong doanh nghiệp Nhà nước, Tạp chí Nhà nước và
pháp luật, số 6/1997; Quyền tự chủ về vốn và tài sản
của doanh nghiệp Nhà nước, Tạp chí Nhà nước và
pháp luật, số 3/ 1999.
[8] Nếu xét về tính kế hoạch thì kinh tế thị trường và
kinh tế kế hoạch khác nhau chỉ ở chỗ: Thế nào là kế
hoạch, ai là người làm kế hoạch và kế hoạch được
thiết lập và thực hiện theo những nguyên tắc nào?
[9] Cho đến nay, ở nhiều quốc gia như Hungari,
Bungari, Nga, C.H Séc, Ba Lan…đã ban hành pháp
luật về cạnh tranh. Ngay cả Trung Quốc, ngày
2/9/1993, Luật chống cạnh tranh không lành mạnh đã
được ban hành và đang xúc tiến việc ban hành Luật
chống độc quyền.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 16_516.pdf