Lý luận về trách nhiệm sản phẩm và vai trò đối với bảo vệ Người tiêu dùng

1. Lịch sử hình thành chế định trách nhiệm sản phẩm 2. Khái niệm và bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm 2.1. Khái niệm và đặc điểm trách nhiệm sản phẩm 2.2. Bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm 2.3. Phân biệt các chế định đặc thù về bảo vệ người tiêu dùng và chế định trách nhiệm sản phẩm 3. Các cơ sở và chức năng của chế định trách nhiệm sản phẩm 1. Lịch sử hình thành chế định trách nhiệm sản phẩm Trong quá trình hoàn thiện các công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, chế định trách nhiệm sản phẩm đã ra đời như một sự tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng một cách đầy đủ và hữu hiệu hơn. Chế định pháp luật này được áp dụng đầu tiên ở Hoa Kỳ và sau đó được tiếp nhận bởi các quốc gia ở Châu Âu (ở cấp độ Liên minh Châu Âu và quốc gia thuộc Liên minh), ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia ASEAN). Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đã được phát triển để thúc đẩy sự an toàn và bồi thường thích đáng trong các trường hợp một bên bị thương tích hoặc tổn thất từ việc sử dụng sản phẩm. Các nguyên tắc được áp dụng để đạt được mục tiêu này được sử dụng khá linh hoạt, được phát triển để cân bằng lợi ích của người sản xuất và người cung ứng với việc bảo vệ quyền lợi cho những người có thể bị ảnh hưởng từ việc sử dụng sản phẩm của họ. Từ một quan điểm và chính sách, pháp luật trách nhiệm sản phẩm đề cao trách nhiệm đưa ra những lợi ích để tích luỹ cho sự phát triển của xã hội, sản xuất, mua bán và sử dụng các sản phẩm bằng cách tạo ra các ưu đãi để sản xuất những sản phẩm không có khuyết tật hoặc đưa ra những cảnh báo phù hợp về bất kỳ sự nguy hiểm liên quan đến việc sử dụng sản phẩm. Nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến việc tăng nguy cơ và mức độ trách nhiệm tiểm ẩn của những sản phẩm trên thị trường đó là việc tăng tính phức tạp của sản phẩm, các quy định của chính phủ can thiệp rộng hơn với những thủ tục được ban hành mới Ở góc độ lịch sử, quá trình hình thành của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm về căn bản được đánh đồng với quá trình suy vong của học thuyết về tính tất yếu của hợp đồng (The doctrine of Privity)[1]. Theo học thuyết về tính tất yếu của hợp đồng, không thể trao quyền hay áp đặt nghĩa vụ theo hợp đồng cho bất kỳ chủ thể nào không phải là một bên của hợp đồng đó. Tính tất yếu của hợp đồng đưa đến một cách hiểu là chỉ có các bên trong quan hệ hợp đồng mới có thể kiện để yêu cầu thực thi quyền hay đòi bồi thường thiệt hại cho mình. Với quan niệm của học thuyết tính tất yếu của hợp đồng thì một người bị thiệt hại chỉ có thể kiện một người có hành vi bất cẩn nếu người đó mà một bên trong giao dịch với người bị thiệt hại. Như vậy, nghĩa vụ của một người phải có sự cẩn trọng hợp lý chỉ xuất phát từ hợp đồng và chỉ người nào cùng tham gia quan hệ hợp đồng đó mới có thể kiện vì sự vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng này. Điều đó cũng có nghĩa là khi một nhà sản xuất bất cẩn bán một sản phẩm cho một người kinh doanh bán lẻ và người kinh doanh bán lẻ đó lại bán sản phẩm cho khách hàng thì người sản xuất không phải chịu trách nhiệm gì cả. Khách hàng khi đó không có bất kỳ biện pháp nào để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại vì không phải người bán lẻ mà chính nhà sản xuất mới là người gây ra thiệt hại.

doc15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4181 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lý luận về trách nhiệm sản phẩm và vai trò đối với bảo vệ Người tiêu dùng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CHẾ ĐỊNH TNSP VÀ VAI TRÒ CỦA CHẾ ĐỊNH NÀY DƯỚI GÓC ĐỘ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG 1. Lịch sử hình thành chế định trách nhiệm sản phẩm Trong quá trình hoàn thiện các công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, chế định trách nhiệm sản phẩm đã ra đời như một sự tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng một cách đầy đủ và hữu hiệu hơn. Chế định pháp luật này được áp dụng đầu tiên ở Hoa Kỳ và sau đó được tiếp nhận bởi các quốc gia ở Châu Âu (ở cấp độ Liên minh Châu Âu và quốc gia thuộc Liên minh), ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia ASEAN). Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đã được phát triển để thúc đẩy sự an toàn và bồi thường thích đáng trong các trường hợp một bên bị thương tích hoặc tổn thất từ việc sử dụng sản phẩm. Các nguyên tắc được áp dụng để đạt được mục tiêu này được sử dụng khá linh hoạt, được phát triển để cân bằng lợi ích của người sản xuất và người cung ứng với việc bảo vệ quyền lợi cho những người có thể bị ảnh hưởng từ việc sử dụng sản phẩm của họ. Từ một quan điểm và chính sách, pháp luật trách nhiệm sản phẩm đề cao trách nhiệm đưa ra những lợi ích để tích luỹ cho sự phát triển của xã hội, sản xuất, mua bán và sử dụng các sản phẩm bằng cách tạo ra các ưu đãi để sản xuất những sản phẩm không có khuyết tật hoặc đưa ra những cảnh báo phù hợp về bất kỳ sự nguy hiểm liên quan đến việc sử dụng sản phẩm. Nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến việc tăng nguy cơ và mức độ trách nhiệm tiểm ẩn của những sản phẩm trên thị trường đó là việc tăng tính phức tạp của sản phẩm, các quy định của chính phủ can thiệp rộng hơn với những thủ tục được ban hành mới… Ở góc độ lịch sử, quá trình hình thành của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm về căn bản được đánh đồng với quá trình suy vong của học thuyết về tính tất yếu của hợp đồng (The doctrine of Privity)[1]. Theo học thuyết về tính tất yếu của hợp đồng, không thể trao quyền hay áp đặt nghĩa vụ theo hợp đồng cho bất kỳ chủ thể nào không phải là một bên của hợp đồng đó. Tính tất yếu của hợp đồng đưa đến một cách hiểu là chỉ có các bên trong quan hệ hợp đồng mới có thể kiện để yêu cầu thực thi quyền hay đòi bồi thường thiệt hại cho mình. Với quan niệm của học thuyết tính tất yếu của hợp đồng thì một người bị thiệt hại chỉ có thể kiện một người có hành vi bất cẩn nếu người đó mà một bên trong giao dịch với người bị thiệt hại. Như vậy, nghĩa vụ của một người phải có sự cẩn trọng hợp lý chỉ xuất phát từ hợp đồng và chỉ người nào cùng tham gia quan hệ hợp đồng đó mới có thể kiện vì sự vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng này. Điều đó cũng có nghĩa là khi một nhà sản xuất bất cẩn bán một sản phẩm cho một người kinh doanh bán lẻ và người kinh doanh bán lẻ đó lại bán sản phẩm cho khách hàng thì người sản xuất không phải chịu trách nhiệm gì cả. Khách hàng khi đó không có bất kỳ biện pháp nào để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại vì không phải người bán lẻ mà chính nhà sản xuất mới là người gây ra thiệt hại. Học thuyết về tính tất yếu của hợp đồng đã thống trị đời sống pháp luật thế kỷ XIX, mặc dù các toà án cũng tạo ra một số ngoại lệ trong việc tránh để không phủ định việc đòi khôi phục quyền lợi cho những nguyên đơn bị thiệt hại dưới hình thức thương tích. Tính tất yếu của hợp đồng đã không được sử dụng trong trường hợp người bán đã lừa dối trong việc che giấu khuyết tật của sản phẩm hay sản phẩm tự nó đã có thể gây nguy hiểm hoặc có nguy hiểm nhãn tiền đối với sức khoẻ hoặc tính mạng, chẳng hạn như thuốc độc hay súng. Đối với một số toà án, việc một sản phẩm có khuyết tật kết hợp với thực tế là bị đơn có mời nguyên đơn sử dụng sản phẩm theo một cách nào đó là đủ để xác định trách nhiệm. Trong một số trường hợp, thuật ngữ nguy hiểm nhãn tiền được giải thích theo nghĩa là đặc biệt nguy hiểm với lý do xuất phát từ chính khuyết tật chứ không phải giải thích bằng chính sự nguy hiểm. Chẳng hạn như cái giàn đỡ bị lỗi, hay một lọ cà phê gây nổ có thể được xem như là nguy hiểm nhãn tiền. Vụ việc đã trở thành án lệ là Macpherson kiện công ty Motor Buick (N.Y. 1916) đã mở rộng phạm vi của sản phẩm nguy hiểm tự thân hay nguy hiểm nhãn tiền và sự mở rộng này thực tế đã loại bỏ yêu cầu phải có quan hệ hợp đồng trong các trường hợp có sự bất cẩn. Vụ việc này đã xác định rằng việc không có quan hệ hợp đồng không phải là cơ sở để loại trừ trách nhiệm, nếu như với một sản phẩm được sản xuất một cách bất cẩn và người ta có khả năng nhìn thấy trước được rằng nó có thể gây thương tích cho người khác, bao gồm cả nguyên đơn. Với việc công nhận lý thuyết về sự bất cẩn, vụ việc có tính ngoại lệ này được xem như là đã phá bỏ quy tắc về tính tất yếu của hợp đồng. Án lệ MacPherson nhanh chóng trở thành một quy định có tính dẫn dắt, và trong các vụ việc có xem xét về sự bất cẩn, thì quy tắc phải có quan hệ hợp đồng đã không còn được áp dụng. Sự đồng cảm ngày càng tăng của công chúng đối với các nạn nhân của sự bất cẩn trong các ngành sản xuất cũng đóng góp vào sự suy vong của quy tắc này. Từ những năm 1930 đến những năm 1960 tại Mỹ, các nhà luật gia và các luật sư đưa ra những quan điểm về việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm mà không cần lỗi của nhà sản xuất[2] hay còn gọi là trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt (strict liability)[3]. Phán quyết của tòa án tối cao bang California (Hoa Kỳ) về vụ Escola v. Coca Cola Bottling Co. of Fresno, 24 Cal. 2d 453, 150 P.2d 436 (1944)[4] là phán quyết đầu tiên cho loại trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt của nhà sản xuất. Trong vụ kiện này, nguyên đơn là một nữ bồi bàn, trong quá trình phục vụ thì vỏ chai Cocacola phát nổ làm nguyên đơn bị thương ở tay. Trong quá trình tranh tụng, mặc dù nguyên đơn không chứng minh được lỗi của công ty sản xuất vỏ chai trên, nhưng thẩm phán Roger John Traynor cho rằng, bị đơn là người chịu trách nhiệm sản xuất và đưa ra thị trường các loại vỏ chai đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm đối với các khuyết tật xảy ra trong điều kiện thông thường mà bị đơn không thể lường trước được. Đối với trách nhiệm bảo đảm, một sự giới hạn tương tự về việc phải có quan hệ hợp đồng cũng được áp dụng, một phẩn bởi vì bảo đảm được xem là một phần không tách rời của các hợp đồng bán hàng. Bắt đầu vào đầu thế kỷ 20, một ngoại lệ của quy tắc phải có quan hệ hợp đồng cũng đã hình thành với các vụ việc liên quan đến sản phẩm tiêu dùng (thức ăn, đồ uống, thuốc) và cuối cùng là các sản phẩm sử dụng trực tiếp cho cơ sở (ví dụ mỹ phẩm), và bảo đảm trong các vụ việc này được mở rộng đến người sử dụng cuối cùng. Trong các trường hợp mà có sự bảo đảm rõ ràng, chẳng hạn như sự bảo đảm được tuyên bố đối với công chúng nói chung, thì yêu cầu phải có quan hệ hợp đồng đã được loại bỏ trong những năm 30 thế kỷ 20. Chẳng hạn như một tuyên bố trong tài liệu kèm theo sản phẩm ô tô rằng kính chắn gió chống vỡ sẽ tạo thành một sự bảo đảm rõ ràng đối với người mua về việc kính chắn gió không thể vỡ (Xem án lệ Baxter kiện Công ty Ford Motor [Wash. 1932]). Đối với sự bảo đảm ngầm định, việc mở rộng các ngoại lệ đối với quy tắc phải có quan hệ hợp đồng không áp dụng đối với các sản phẩm không phải là thức ăn, đồ uống hay các sản phẩm tương tự cho tới khi có vụ việc Henningsen kiện Công ty ô tô Bloomfield (32 N.J. 358, 161 A.2d 69 (1960)). Trong vụ việc này, Toà án Tối cao New Jersey đã bác bỏ ngoại lệ về sự hạn chế của yêu cầu phải có quan hệ hợp đồng và xác định rằng sự đảm bảo ngầm định sẽ là đảm bảo với người sử dụng hoặc tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm. Quyết định Henningsen, với tác dụng làm vô hiệu các miễn trách đối với đảm bảo ngầm định của nhà sản xuất, đã được học tập trong phần lớn các phán quyết toà án khác sau này. Từ năm 1930 đến 1960, các nhà nghiên cứu về pháp lý và một số thẩm phán đã thảo luận về việc tạo ra trách nhiệm nghiêm ngặt trong các vụ việc về bồi thương thiệt hại ngoài hợp đồng đối với các sản phẩm khuyết tật. Sự vận dụng trong ngành tư pháp được biết đến nhiều nhất là thẩm phán Toà án tối cao California Roger John Traynor trong vụ việc Escola kiện Công ty sản xuất chai Coca Cola của Fresno, 24 Cal. 2d 453, 150 P.2d 436 (1944). Một loạt các lý giải đã được đưa ra cho trách nhiệm nghiêm ngặt: sự bất cẩn thường rất khó để chứng minh; trách nhiệm nghiêm ngặt có thể được hình thành do một loạt các hành động vi phạm nghĩa vụ đảm bảo; trách nhiệm nghiêm ngặt khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra sự an toàn cần thiết đối với sản phẩm; các nhà sản xuất ở vị trí tốt nhất để hoặc là loại trừ tính gây hại, hoặc là bảo hiểm hoặc phân bổ chi phí rủi ro; nhà sản xuất một sản phẩm tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng rằng sản phẩm là an toàn và cần được gắn với sản phẩm. Cuối cùng, vào năm 1963, trong vụ việc Greenman kiện Yuba Power Products, Inc., 59 Cal. 2d 57, 377 P.2d 897, Toà án tối cao California đã khẳng định quy tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt đối với các sản phẩm có khuyết tật. Trong một thời gian ngắn, quy tắc về trách nhiệm nghiêm ngặt đã lan ra khắp nước Mỹ và vào năm 2003, nó đã trở thành luật của phần lớn các bang của Hoa Kỳ và được hình thành tại các quốc gia khác trên thế giới. 2. Khái niệm và bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm 2.1. Khái niệm và đặc điểm trách nhiệm sản phẩm  Ở góc độ khái quát, trách nhiệm sản phẩm (product liability) được giải thích là trách nhiệm của người sản xuất hoặc người bán hàng trong việc bồi thường cho các thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của hàng hoá mà họ đã cung cấp cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh[5]. Với cách hiểu này, trách nhiệm sản phẩm có những đặc điểm sau: - Trách nhiệm sản phẩm là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tức là một loại trách nhiệm dân sự đòi hỏi người có trách nhiệm phải bù đắp bằng một cách thức phù hợp đối với thiệt hại mà người khác phải gánh chịu, dựa trên những cơ sở nhất định làm phát sinh trách nhiệm theo quy định của pháp luật. - Chủ thể của trách nhiệm là người sản xuất hoặc người bán hàng, tức là phải là một chủ thể nhất định tham gia vào quy trình đưa một sản phẩm hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Chủ thể đó có thể có mối liên hệ trực tiếp với người tiêu dùng hoặc không có mối liên hệ trực tiếp. Điều kiện cần để xác định một chủ thể có thuộc diện phải chịu trách nhiệm chỉ phụ thuộc vào việc người đó trực tiếp có mối liên hệ đối với sản phẩm mà người tiêu dùng đã sử dụng hay không. Và mối liên hệ trực tiếp đối với sản phẩm có thể là một trong các hình thức sau: (i) là người sản xuất ra sản phẩm: người sản xuất ra sản phẩm bao gồm cả người sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc là người sản xuất ra một phần, một bộ phận trong sản phẩm hoàn chỉnh đó; (ii) là người thực hiện vai trò phân phối trung gian đối với sản phẩm hoặc (iii) là người cung cấp sản phẩm đến tay của người tiêu dùng. Như vậy, về mặt nguyên tắc, trong bất kỳ trường hợp nào, đối với một sản phẩm xuất hiện trên thị trường luôn tồn tại chủ thể chịu trách nhiệm đối với sản phẩm này. - Cơ sở để xác định trách nhiệm phát sinh trên thực tế là việc sản phẩm có khuyết tật và khuyết tật đó gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng nó: khuyết tật của sản phẩm là đặc điểm nhất định về thiết kế, chất liệu sử dụng, sự kết hợp giữa các bộ phận, thành phần hay cách thức sử dụng, vận hành… mà có khả năng gây ra thiệt hại cho người sử dụng nó trong điều kiện thông thường. Có thể nói một cách khác là một sản phẩm được coi là có khuyết tật khi sản phẩm đó không đảm bảo an toàn. Tất nhiên, yêu cầu về tính an toàn đối với sản phẩm không phải là không có giới hạn và thường được xác định ở mức độ mà công chúng có thể trông đợi một cách hợp lý: có nghĩa là không có khả năng gây ra thiệt hại khi được tiêu dùng bởi một người tiêu dùng có nhận thức thông thường, trong điều kiện thông thường. Đối với một số sản phẩm nhất định, khả năng gây thiệt hại trong điều kiện thông thường có thể không bị coi là khuyết tật của sản phẩm nếu nhà sản xuất hay cung ứng đã có cảnh báo về khả năng gây nguy hiểm cũng như đưa ra phương pháp mà người tiêu dùng có thể phòng tránh mà không ảnh hưởng đến sự tiêu dùng bình thường cũng như là tính năng của sản phẩm. Ngoài ra, tính an toàn cũng được giới hạn ở phạm vi mà điều kiện phát triển khoa học, kỹ thuật… tại mỗi giai đoạn cho phép nhận biết. Nếu khả năng nhận biết về tính không an toàn vượt quá mức độ mà sự phát triển khoa học, kỹ thuật tại thời điểm đó cho phép nhận biết thì sự không an toàn vượt quá khả năng nhận biết đó không bị coi là khuyết tật. Tuy nhiên, giống như bất kỳ chế định bồi thường thiệt hại nào, sự tồn tại thực tế của khuyết tật có thể sẽ không phát sinh trách nhiệm nếu như không có thiệt hại thực tế xảy ra. Chỉ khi có một thiệt hại thực tế xảy ra và thiệt hại đó thực sự là do khuyết tật của sản phẩm gây ra thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạm vi trách nhiệm cũng sẽ nằm trong phạm vi, mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế gây ra bởi khuyết tật của sản phẩm đó. Như vậy, cơ sở xác định trách nhiệm phải bao gồm sự tồn tại của khuyết tật của sản phẩm, có thiệt hại thực tế xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra với khuyết tật của sản phẩm. - Trách nhiệm sản phẩm là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Việc xác định trách nhiệm đối với sản phẩm không có bất kỳ đòi hỏi nào về việc giữa người bị thiệt hại và nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm phải tồn tại một quan hệ hợp đồng. Như đã phân tích, mối liên hệ giữa người phải chịu trách nhiệm và người được xác định thông qua một sản phẩm mà người phải chịu trách nhiệm là người sản xuất hoặc cung ứng và người được bồi thường thiệt hại là người tiêu dùng nó, giữa họ có thể có quan hệ hợp đồng, giao dịch trực tiếp hoặc không có quan hệ hợp đồng[6]. 2.2. Bản chất của chế định trách nhiệm sản phẩm Về bản chất, trách nhiệm sản phẩm chính là sự ràng buộc về mặt pháp luật trách nhiệm của các nhà sản xuất, phân phối cũng như người bán lẻ đối với công chúng khi cung ứng sản phẩm trên thị trường. Trách nhiệm đó thể hiện ở việc khi một sản phẩm được nhà cung cấp đưa ra thị trường, sản phẩm đó đương nhiên phải được coi là an toàn, không phụ thuộc vào việc người sản xuất hay cung ứng có công bố là sản phẩm đó có an toàn hay không. Với sự ràng buộc trách nhiệm này, để tránh những hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi mà sản phẩm có khuyết tật gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ phải nỗ lực để loại trừ khuyết tật của sản phẩm, từ đó đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo an toàn. Trong trường hợp sự an toàn không được đảm bảo và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại thì họ sẽ được bồi thường, do vậy lợi ích của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo ở mức độ cao nhất. Với hệ thống quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng đương nhiên được bảo vệ và không đòi hỏi phải có bất kỳ khả năng đàm phán, thuyết phục nào và không một nhà sản xuất hay cung ứng nào có thể sử dụng ưu thế của mình trong quan hệ với người tiêu dùng để loại trừ trách nhiệm này. 2.3. Phân biệt các chế định đặc thù về bảo vệ người tiêu dùng và chế định trách nhiệm sản phẩm Bản Hướng dẫn thứ năm về Bảo vệ người tiêu dùng của Liên Hợp Quốc được thông qua năm 1985 đã thấy trước được giá trị đối với người tiêu dùng về những đền bù hiệu quả cho tổn thất họ phải gánh chịu[7]. Bản Hướng dẫn này đã nêu rõ: “Các chính phủ phải xây dựng hoặc duy trì các biện pháp pháp lý và/hoặc hành chính nhằm cho phép người tiêu dùng, hoặc trong trường hợp thích hợp, các tổ chức liên quan được yêu cầu bồi thường, thông qua các thủ tục chính thức hoặc không chính thức, một cách nhanh chóng, công bằng, ít tốn kém và dễ tiếp cận. Các thủ tục này cần đặc biệt lưu ý đến các nhu cầu của những người tiêu dùng có thu nhập thấp. Thông tin về các thủ tục giải quyết đền bù và tranh chấp khác cần phải tiếp cận được với người tiêu dùng”. Như vậy, có thể nhận thấy rằng vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã được đặt ra từ khá sớm và có sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia, đặc biệt là tổ chức Liên Hợp quốc. Nguyên tắc quan trọng nhất trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng đó là người tiêu dùng phải tự bảo vệ được mình. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các nhà sản xuất, những người phân phối, cung ứng dịch vụ, người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế và cần được pháp luật bảo vệ. Quá trình phát triển của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đã hình thành từ trong mối quan hệ được xem là bất bình đẳng này, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đã hình thành các chế định đặc thù sau bên cạnh chế định về trách nhiệm sản phẩm: - Chế định về quyền của người tiêu dùng: Các quy định về quyền của người tiêu dùng chính là nền tảng của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng bởi các chế định pháp luật khác về bảo vệ người tiêu dùng sẽ hình thành trên cơ sở các chế định này với tư cách là những biện pháp pháp lý đảm bảo thực thi các quyền của người tiêu dùng. Hiện nay, 8 quyền của người tiêu dùng đã được ghi nhận trong Hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng (năm 1985), theo đó người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản là (i) Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản; (ii) Quyền được an toàn; (iii) Quyền được thông tin; (iv) Quyền được lựa chọn; (v) Quyền được lắng nghe; (vi) Quyền được khiếu nại và bồi thường; (vii) Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng; (viii) Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững[8]. - Chế định về hành vi thương mại không lành mạnh: chế định về hành vi thương mại không lành mạnh là một chế định hết sức cơ bản trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Chế định này xác định những dạng hành vi mà thông qua đó, người kinh doanh được coi là lạm dụng vị thế của mình để làm hạn chế khả năng định đoạt một cách hợp lý của người tiêu dùng, từ đó người kinh doanh có thể thu lợi từ thiệt hại của người tiêu dùng. Từ việc xác định các hành vi được coi là hành vi thương mại không lành mạnh, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng đưa ra những cơ chế nhất định để ngăn ngừa hoặc giúp người tiêu dùng không phục quyền lợi khi bị thiệt hại bởi các hành vi thương mại không lành mạnh từ phía những nhà kinh doanh. - Chế định về hợp đồng tiêu dùng: chế định hợp đồng tiêu dùng không nằm ngoài các quy định chung của pháp luật về hợp đồng, tuy nhiên, xuất phát từ mối quan hệ đặc thù giữa những người kinh doanh và người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng có thể ở những vị thế nhất định cản trở họ thực hiện các quyền tự do thoả thuận, tự do định đoạt, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đưa ra những quy định nhất định để trong trường hợp người tiêu dùng không có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền thoả thuận và định đoạt của mình thì các nội dung của hợp đồng tiêu dùng vẫn sẽ được giải thích theo hướng đảm bảo một cách hợp lý lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. - Chế định bảo hành cũng là một chế định tương đối đặc trưng trong hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Chế định này đòi hỏi người sản xuất, cung ứng sản phẩm là hàng hoá trong một thời gian nhất định kể từ khi cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng phải có trách nhiệm đổi hàng mới hoặc sửa chữa nếu hàng hoá được mua không vận hành đúng theo yêu cầu mà sản phẩm phải đáp ứng. Để đảm bảo người kinh doanh tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ này, các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng sẽ đưa ra những ràng buộc để hạn chế nhà kinh doanh đưa ra những biện pháp nhất định nhằm giảm thiểu hoặc lảng tránh trách nhiệm bảo hành đối với hàng hoá đã cung cấp cho người tiêu dùng. Các chế định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nêu trên đều bảo vệ người tiêu dùng trong mối quan hệ trực tiếp với người cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa các chế định về bảo vệ người tiêu dùng này với chế định về trách nhiệm sản phẩm, theo đó người tiêu dùng được bảo vệ không phụ thuộc vào việc họ có quan hệ hợp đồng với người cung cấp sản phẩm đó hay không. Nếu một người tiêu dùng bị thiệt hại bởi một khuyết tật trong sản phẩm và có thể xác định được nhà cung cấp sản phẩm đó thì người tiêu dùng sẽ có khả năng đòi bồi thường cho thiệt hại mà mình phải gánh chịu. Nói cách khác, chế định trách nhiệm sản phẩm bảo vệ người tiêu dùng trong tất cả các trường hợp có tiêu dùng sản phẩm chỉ với điều kiện sản phẩm đó có nguồn gốc xác định 3. Các cơ sở và chức năng của chế định trách nhiệm sản phẩm Việc phát triển chế định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm không chỉ về mặt đạo đức, xã hội mà còn có cơ sở về mặt kinh tế. - Về mặt kinh tế: Sự phân công lao động xã hội trong một nền kinh tế phát triển là cơ sở quan trọng của chế định trách nhiệm sản phẩm. Trong một xã hội chuyên môn hoá, không một người nào có thể tồn tại độc lập và tự mình cung cấp các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của bản thân mà luôn phải sử dụng sản phẩm của người khác và đồng thời lại cung ứng cho người khác sản phẩm của chính mình. Điều này đặc biệt phát triển trong nền kinh tế thị trường, với sự phát triển mạnh mẽ của các kênh phân phối và sản phẩm từ một nhà sản xuất có thể được tiêu dùng bởi bất kỳ một người tiêu dùng nào trên phạm vi toàn cầu. Sự phụ thuộc lẫn nhau trong khi không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào đòi hỏi pháp luật phải có cơ chế nhất định ràng buộc trách nhiệm giữa những người mà mối liên hệ duy nhất giữa họ là sản phẩm đang được tiêu dùng. Bên cạnh đó, người sản xuất, cung ứng là người chủ động đưa sản phẩm ra thị trường và họ ở vị thế tốt hơn rất nhiều so với người tiêu dùng trong việc đánh giá khả năng gây hại của sản phẩm với các thế mạnh về kỹ thuật, phương tiện, cán bộ chuyên môn, khả năng tài chính… Do vậy, yêu cầu nhận biết khả năng có thể gây thiệt hại này và đưa ra các biện pháp chuyên môn nhằm ngăn ngừa khả năng này đối với nhà sản xuất, cung ứng là phù hợp. Hơn nữa, người sản xuất, cung ứng là người được thu lợi từ việc đưa sản phẩm ra thị trường, do vậy, họ có thể và có trách nhiệm phải bù đắp các thiệt hại mà sản phẩm của họ gây ra cho người tiêu dùng. Các nhà sản xuất, cung ứng cũng ở vị trí chủ động trong việc giảm thiểu các rủi ro về kinh tế do các thiệt hại mà sản phẩm gây ra bằng việc chia sẻ rủi ro giữa những người tiêu dùng: họ có thể mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và chi phí bảo hiểm được đưa vào giá thành. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra, nhà bảo hiểm sẽ thực hiện trách nhiệm thay cho nhà sản xuất. Cũng ở góc độ kinh tế, khi cung cấp các sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ không phải bỏ ra chi phí để xử lý các trường hợp thiệt hại phát sinh, đồng thời củng cố lòng tin và sự tín nhiệm của người tiêu dùng và đó là cơ sở cho sự phát triển của doanh nghiệp. - Về mặt đạo đức: có được lợi ích nhưng không làm tổn hại đến lợi ích của những người xung quanh là một nguyên tắc đạo đức tồn tại trong bất kỳ xã hội nào. Nguyên tắc này đặc biệt đòi hỏi cao đối với các doanh nghiệp bởi họ rõ ràng là đã thu lợi từ việc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của họ, đồng thời khi sử dụng một sản phẩm, người tiêu dùng không thể có đủ thời gian cũng như khả năng chuyên môn, phương tiện… để kiểm tra về độ an toàn của sản phẩm, vì vậy họ gần như lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp. Nhà cung cấp không thể lạm dụng sự lệ thuộc này mà đưa ra những sản phẩm với chi phí rẻ, thu lợi cao do không phải đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu cũng như kiểm định về mức độ an toàn của sản phẩm. Do vậy, trong phạm vi mà họ có thể biết và cần phải biết, nhà cung cấp cần loại trừ các mối nguy hiểm tồn tại trong sản phẩm của mình gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Nói một cách khác, đảm bảo an toàn của các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng chính là yêu cầu về mặt đạo đức mà bất kỳ một nhà kinh doanh nào cũng phải tuân thủ. - Về mặt xã hội: mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng là một trong những quan hệ phổ biến nhất trong xã hội và tất cả các thành viên trong xã hội, hàng ngày đều tham gia vào mối quan hệ này. Khi tham gia vào các mối quan hệ này, người tiêu dùng luôn mang một niềm tin rằng sản phẩm mà họ tiêu dùng là an toàn, trừ khi có những cảnh báo từ chính nhà sản xuất, cung ứng. Có nghĩa là luôn tồn tại một sự uỷ nhiệm chung của xã hội đối với nhà cung cấp về việc đảm bảo tính an toàn khi cung cấp các sản phẩm ra cho xã hội. Thực hiện tốt sự uỷ nhiệm này cũng là trách nhiệm của các nhà cung cấp, và đó cũng là yêu cầu tất yếu để đảm bảo trật tự xã hội và sự ổn định của các mối quan hệ xã hội. Khi yêu cầu nhà sản xuất, cung ứng phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại mà sản phẩm của họ gây ra cho người tiêu dùng, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm sẽ thực hiện được các chức năng sau đây: - Bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng: đây là mục đích đầu tiên và là mục đích cao nhất của chế định trách nhiệm sản phẩm. Với chế định trách nhiệm này, quyền được an toàn của người tiêu dùng được bảo vệ ở mức độ cao nhất. Khi trách nhiệm của nhà cung ứng được xác định gắn với sản phẩm của họ, cho dù sản phẩm đó được cung cấp cho người tiêu dùng bằng bất kỳ phương thức nào và cho bất kỳ ai, họ đương nhiên sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo sản phẩm được đưa ra thị trường là sản phẩm an toàn[9]. Trong trường hợp người cung cấp sản phẩm không thực hiện đầy đủ trách nhiệm này, hay vì một lý do nào đó mà sản phẩm của họ không an toàn và gây thiệt hại cho người tiêu dùng, họ sẽ có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng. - Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội: bất kỳ thành viên nào trong xã hội cũng đều là người tiêu dùng và vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng là đảm bảo an toàn cho các thành viên trong xã hội nói chung. Khi đặt ra yêu cầu về tính an toàn của sản phẩm, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đồng thời cũng đóng vai trò ngăn ngừa các sự cố về mất an toàn sản phẩm, ngăn ngừa các hậu quả xã hội do các sự cố này gây ra như mất niềm tin của người tiêu dùng, sự phản ứng của xã hội, các hoạt động khác trong xã hội bị đình trệ… - Bảo vệ nền kinh tế nói chung: cùng với việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm bảo vệ những nhà sản xuất chân chính và có lương tâm trong cuộc cạnh tranh không lành mạnh với những nhà cung cấp không muốn bỏ chi phí để áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; đồng thời khi ngăn ngừa các sự cố mất an toàn do sản phẩm gây ra, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm đã đóng vai trò giảm thiểu các chi phí phải bỏ ra để khắc phục các sự cố. Và khi trong một nền kinh tế có sự ràng buộc rất lớn giữa các doanh nghiệp và sự tồn tại, vận hành bình thường của một doanh nghiệp này là cơ sở cho sự tồn tại và vận hành bình thường của một doanh nghiệp khác thì việc ngăn ngừa các sự cố đối với mỗi doanh nghiệp cũng sẽ giúp bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế nói chung. 4. Vai trò của chế định trách nhiệm sản phẩm trong việc bảo vệ người tiêu dùng Qua việc phân biệt ở trên đã cho thấy tính đặc thù của chế định trách nhiệm sản phẩm. Do đó, có thể đưa ra một số vai trò của chế định trách nhiệm sản phẩm đối với việc bảo vệ người tiêu dùng như sau: Thứ nhất, Có thể thấy, trách nhiệm sản phẩm là một bước để hoàn chỉnh cơ chế bảo vệ đối với người tiêu dùng khi mở rộng diện bảo vệ người tiêu dùng không phụ thuộc vào việc có quan hệ hợp đồng hay không. Với chế định này, nhà kinh doanh khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng cho sản phẩm đó, cho dù giao dịch đã được hoàn tất. Chế định này không chỉ giúp khôi phục quyền lợi của người tiêu dùng khi bị thiệt hại bởi sản phẩm mà còn có ý nghĩa răn đe đối với bất kỳ nhà kinh doanh nào, để tránh phát sinh trách nhiệm bồi thường, tránh bị thiệt hại về mặt kinh tế và uy tín, nhà kinh doanh sẽ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để loại bỏ ở mức cao nhất các khuyết tật trong sản phẩm. Bằng các phương thức này, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn. Thứ hai, Trách nhiệm sản phẩm quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng khi sản phẩm có khuyết tật. Người tiêu dùng sẽ được bồi thường để khắc phục và bù đắp một phần thiệt hại mà mình phải gánh chịu. Trong quan hệ với nhà sản xuất, người tiêu dùng luôn có vị trí yếu thế hơn nhà sản xuất về tiềm năng kinh tế và khả năng gánh chịu rủi ro. Vì vậy, chế định trách nhiệm sản phẩm ra đời là công cụ pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Dựa vào các quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng có thể khởi kiện hoặc khiếu nại đối với các bên cung ứng sản phẩm để yêu cầu bồi thường thiệt hại[10]. Thứ ba, Trách nhiệm sản phẩm đồng thời cũng có tác động lớn đến nhà sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng. Hiện nay, bản thân áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng như ý thức về trách nhiệm sản phẩm đã khiến nhiều nhà sản xuất/cung ứng tự đưa ra những cam kết của mình trong việc giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, ở Việt Nam đã từng có nhà kinh doanh gas hứa sẽ bồi thường cho người bị tai nạn do nổ bình gas với số tiền được bảo hiểm lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi vụ tai nạn[11]. Không ít nhà sản xuất đưa ra cam kết bảo hành sản phẩm tùy theo đặc tính của hàng hóa trong thời hạn 1 năm, 2 năm,… Một ví dụ khác: Với mục tiêu định vị thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, Công ty cổ phần Khải Toàn (KTG) đã có một cam kết về chất lượng với khách hàng qua chương trình “15 tỷ đồng cho tâm nguyện của một thương hiệu”, theo đó, KTG đã chung tay cùng Tập đoàn Bảo Việt bảo hiểm cho tất cả các sản phẩm thiết bị điện mang nhãn hiệu AC và Comet, đó chính là sự cam kết tối đa của KTG đối với khách hàng. Khi mua sản phẩm mang nhãn hiệu AC và Comet, khách hàng sẽ được bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm với mức bồi thường tối đa là 15 tỷ đồng nếu có tổn hại về người và tài sản do sản phẩm gây ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trách nhiệm sản phẩm buộc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho việc lưu hành các sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Các nhà sản xuất sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật từ khâu thiết kế, sản xuất đến việc cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng. Qua đó, chất lượng sản phẩm, uy tín và thương hiệu sản phẩm của nhà sản xuất sẽ được nâng cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Quy định về trách nhiệm sản phẩm, đặc biệt là chế độ trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt không cần chứng minh lỗi của nhà sản xuất cũng sẽ giúp thanh lọc khỏi thị trường các nhà cung ứng sản phẩm kém chất lượng, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng[12]. Quy định về trách nhiệm sản phẩm đồng thời tác động đến quá trình cạnh tranh nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm giữa các nhà sản xuất. Trong quá trình cạnh tranh đó, các nhà sản xuất các sản phẩm có khuyết tật hoặc kém chất lượng sẽ bị quy luật cạnh tranh loại bỏ khỏi thị trường; các nhà sản xuất làm ăn chân chính, biết quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng sẽ đứng vững và phát triển. Thứ tư, Bên cạnh việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và quy kết trách nhiệm của nhà sản xuất thì các quy định về trách nhiệm sản phẩm sẽ đảm bảo sự vận hành bình thường của nền kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm phục vụ tiêu dung. Quy định trách nhiệm sản phẩm tạo cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng yêu cầu bồi thường để khắc phục hoặc bù đắp các tổn thất của mình, thực hiện nguyên tắc phân bổ thiệt hại, rủi ro và cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Các quy định trách nhiệm sản phẩm cũng đảm bảo sự cân bằng hài hòa giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và quyền lợi người tiêu dùng. Các quy định về trách nhiệm sản phẩm không phải là quy định về trách nhiệm tuyệt đối của nhà sản xuất mà còn quy định phạm vi chịu trách nhiệm sản phẩm, thời hạn chịu trách nhiệm sản phẩm, trong đó có các quy định về miễn trách nhiệm sản phẩm cho nhà sản xuất, nhà phân phối. Như vậy, các quy định về trách nhiệm sản phẩm cũng có ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế[13]. 5. Kết luận Trong chế định trách nhiệm sản phẩm thì trách nhiệm nghiêm ngặt là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất, quyết định đến các nội dung khác của chế định này. Có một thực tế là hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lựa chọn nguyên tắc này làm nền tảng và do đó càng làm tăng thêm tính nghiêm khắc của chế định trách nhiệm sản phẩm. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và cùng với nó là sự gia tăng yêu cầu về bảo vệ người tiêu dùng bằng những công cụ pháp lý hữu hiệu hơn, trong những năm qua, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam đã và đang dành được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, những người làm chính sách, các cơ quan truyền thông và toàn xã hội. Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng đang được tích cực soạn thảo để trình Quốc hội và việc đưa các nguyên tắc của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm vào vào Dự thảo Luật này là tất yếu để đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam./. -------------------------------------------------------------------------------- *, ** Nghiên cứu viên, Ban NCPL Dân sự – Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp. [1] Xem  [2] Nguyễn Thị Tường Vi, (2009) Pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, ĐH Luật Tp. HCM, trang 9, 10. [3]   [4] Xem chi tiết tại   [5] Xem tại :  [6] Một số ví dụ về các tình huống làm phát sinh trách nhiệm này có thể kể đến như phanh xe bị lỗi khiến người điều khiển không điều khiển được xe và bị tai nạn; thức ăn cho trẻ em bị nhiễm bẩn gây ngộ độc; bia chai gây nổ gây ra thương tích cho người mở bia; ổn áp không hoạt động được làm hỏng thiết bị điện; không có cảnh báo cần thiết về tác dụng tương tác của thuốc khiến người uống thuốc bị phản ứng phụ… [7] Jannick Desforges, Kinh nghiệm của Canada về khiếu kiện tập thể liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng: Cơ sở pháp lý và thực tiễn, Hội thảo về cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hà Nội, tháng 08/2007, tr. 1, Người dịch: Trương Hồng Quang. [8] Cục quản lý cạnh tranh, Sổ tay công tác bảo vệ người tiêu dùng, NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 33. [9] Ở khía cạnh này, Vargo, John F so sánh công việc của những người sản xuất sản phẩm cũng giống như công việc của những người áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Nếu như khi áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, người ta sẽ xem xét liệu khả năng gây ra thiệt hại trong sản phẩm có thể nhìn thấy trước được không, nhà sản xuất đã áp dụng các biện pháp cần thiết để loại trừ khả năng này chưa (bao gồm việc đưa ra thiết kế phù hợp, có cách khắc phục trong chính bản thân sản phẩm hoặc đưa ra cảnh báo) thì nhà sản xuất, khi chế tạo sản phẩm cũng phải xem xét liệu sản phẩm có khả năng gây ra thiệt hại hay không, có thể áp dụng biện pháp nào để loại trừ khả năng này (bằng việc sửa đổi để đưa ra thiết kế phù hợp, đưa cách thức ngăn ngừa khả năng gây hại vào sản phẩm hoặc nếu không thể thì đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng). Sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai quá trình xem xét này chỉ là ở chỗ thời điểm thực hiện khác nhau: nhà sản xuất thì thực hiện những xem xét mang tính dự báo (nhìn trước vấn đề) trong khi người áp dụng pháp luật thì chỉ thực hiện các phân tích này khi thiệt hại đã xảy ra, với mục đích xem xét liệu có phát sinh trách nhiệm trên thực tế hay không. Xem: Vargo, John F.; Understanding product liability; Mechanical Engineering-CIME ; October 1, 1995 [10] Nguyễn Thị Tường Vi, (2009) Pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, ĐH Luật Tp. HCM, trang 24. [11] TS. Đinh Thị Mỹ Loan (2008), Những khía cạnh xã hội, đạo đức và kinh tế của trách nhiệm sản phẩm với tư cách là công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, Chuyên đề đề tài NCKH cấp Bộ năm 2008 “Trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp – công cụ pháp lý bảo vệ Người tiêu dùng”. [12] Nguyễn Thị Tường Vi, (2009) Pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, ĐH Luật Tp. HCM, trang 25. [13] Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm sản phẩm cũng có ý nghĩa to lớn đối với vấn đề quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các quy định trách nhiệm sản phẩm được áp dụng có hiệu quả trên thực tế và phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội khác để bảo vệ người tiêu dùng. Các biện pháp để đảm bảo thực hiện có thể là ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết, tổ chức tuyên truyền pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, giải quyết triệt để các khiếu kiện về trách nhiệm sản phẩm

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLý luận về trách nhiệm sản phẩm và vai trò đối với bảo vệ Người tiêu dùng.doc
Luận văn liên quan