Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn

Như bất kỳ những lĩnh vực hoạt động khác của con người, hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) cũng chịu sự tác động của những quy luật khách quan nhất định. Những quy luật khách quan này là gì và tác động, ảnh hưởng chi phối của chúng như thế nào đến tổ chức hoạt động của TTHS trong lịch sử thế giới và lịch sử của mỗi quốc gia là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các nhà lập pháp. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động TTHS không thể là công việc chủ quan duy ý chí. Chỉ khi nào mà pháp luật TTHS được xây dựng trên nền tảng nhận thức của nhà lập pháp về những quy luật khách quan và những điều kiện tác động, chi phối của nó trong TTHS thì hoạt động của TTHS mới có thể đem lại những kết quả mong đợi. Chính vì nhu cầu thực tế này của cuộc sống mà từ cuối thế kỷ XIX khoa học TTHS đã có những nghiên cứu về sự đa dạng phong phú trong cách thức tổ chức hoạt động TTHS trên thế giới nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng trong tiến trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm của TTHS để tìm ra những quy luật chung, những sự khác biệt và xu hướng vận động của hoạt động TTHS. Hướng nghiên cứu này trong khoa học TTHS được gọi là nghiên cứu về kiểu, mô hình TTHS hay còn gọi là mô hình hóa TTHS. Tri thức về mô hình TTHS là nền tảng giúp chúng ta có được phương pháp luận phù hợp khi đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật TTHS của mình. A.MỞ ĐẦU B.NỘI DUNG 1. Đặt vấn đề 2. Khoa học TTHS Xô Viết về kiểu và mô hình TTHS 3. Thực trạng và hướng hoàn thiện mô hình TTHS ở nước ta C. KẾT LUẬN TÀI LIỆU [1] Donald Chiasson, So sánh pháp luật Tố tụng Hình sự, Kỷ yếu Hội thảo về Tố tụng Hình sự, Đà Lạt 9-11/9/2003. [2] Donald Chiasson, tlđ.d [3] Phạm Hồng Hải, Mô hình lý luận Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà nội 2003. [4] Tòa có buộc tội thay Viện? Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh, 21/3/2007. [5] Xét hỏi bị cáo: tòa không được “cột” bị cáo, Báo Pháp luật Tp.Hồ Chí Minh, ngày 23/3//2007. [6] Báo Sài Gòn giải phóng, số thứ tư 28/3/2007. [7] Nguyễn Thái Phúc, Dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và nguyên tắc tranh tụng, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2003. TẠP CHÍ KHPL SỐ 5(42)/2007

doc11 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2952 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN NGUYỄN THÁI PHÚC* *PGS.TS Luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh 1. Đặt vấn đề Như bất kỳ những lĩnh vực hoạt động khác của con người, hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) cũng chịu sự tác động của những quy luật khách quan nhất định. Những quy luật khách quan này là gì và tác động, ảnh hưởng chi phối của chúng như thế nào đến tổ chức hoạt động của TTHS trong lịch sử thế giới và lịch sử của mỗi quốc gia là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các nhà lập pháp. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động TTHS không thể là công việc chủ quan duy ý chí. Chỉ khi nào mà pháp luật TTHS được xây dựng trên nền tảng nhận thức của nhà lập pháp về những quy luật khách quan và những điều kiện tác động, chi phối của nó trong TTHS thì hoạt động của TTHS mới có thể đem lại những kết quả mong đợi. Chính vì nhu cầu thực tế này của cuộc sống mà từ cuối thế kỷ XIX khoa học TTHS đã có những nghiên cứu về sự đa dạng phong phú trong cách thức tổ chức hoạt động TTHS trên thế giới nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng trong tiến trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm của TTHS để tìm ra những quy luật chung, những sự khác biệt và xu hướng vận động của hoạt động TTHS. Hướng nghiên cứu này trong khoa học TTHS được gọi là nghiên cứu về kiểu, mô hình TTHS hay còn gọi là mô hình hóa TTHS. Tri thức về mô hình TTHS là nền tảng giúp chúng ta có được phương pháp luận phù hợp khi đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật TTHS của mình. 2. Khoa học TTHS Xô Viết về kiểu và mô hình TTHS Theo quan điểm của khoa học TTHS Xô Viết, TTHS cũng như các chế định pháp lý khác gắn liền với nhà nước, chịu tác động của quy luật tiến hóa, cùng vận động và phát triển với nhà nước. Tương ứng với mỗi kiểu nhà nước là mỗi kiểu TTHS nhất định. Cũng như kiểu nhà nước, kiểu TTHS là tổng hợp toàn bộ các dấu hiệu của nó đặc trưng cho một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Lịch sử phát triển tự nhiên của xã hội loài người đã biết đến 4 kiểu TTHS khác nhau, thay thế lẫn nhau: TTHS kiểu chiếm hữu nô lệ, TTHS kiểu phong kiến, TTHS kiểu tư sản, TTHS kiểu XHCN. Cách tiếp cận này cho chúng ta thấy mối quan hệ có tính phụ thuộc, bị chi phối về bản chất của TTHS trong quan hệ với chế độ xã hội nhà nước mà nó tồn tại, trong đó vai trò của TTHS như là một chế định công bảo vệ các quan hệ xã hội thống trị trong nhà nước. Trong cùng một kiểu TTHS có thể có những hình thức (mô hình) TTHS khác nhau (cũng giống như trong một kiểu nhà nước có thể có nhiều hình thức nhà nước khác nhau). Các điều kiện lịch sử cùng nhiều yếu tố khác như dân tộc, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, truyền thống pháp lý… trong từng quốc gia cụ thể đã hình thành cách thức giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu của TTHS khác nhau. Đó chính là lời giải thích sự hình thành các mô hình TTHS khác nhau ở các quốc gia có cùng một kiểu nhà nước hoặc các quốc gia có kiểu nhà nước khác nhau nhưng có thể có mô hình TTHS giống nhau. Lịch sử đã biết đến 4 mô hình TTHS tồn tại ở các kiểu TTHS trong những thời kỳ khác nhau: Mô hình TTHS buộc tội (tố cáo); Mô hình TTHS xét hỏi (inquisitio); Mô hình TTHS tranh tụng; Mô hình TTHS pha trộn (hỗn hợp). Khoa học TTHS Xô Viết phân biệt khái niệm “kiểu TTHS” với khái niệm “mô hình TTHS” hay “hình thức TTHS”. Nếu như khái niệm kiểu TTHS được xác định bởi quá trình lịch sử thống nhất thì khái niệm mô hình TTHS bị chi phối bởi nhiều yếu tố như đặc thù văn hóa, lịch sử, truyền thống pháp lý, tôn giáo… Mô hình TTHS phản ánh những tính chất, đặc điểm của hoạt động TTHS – những yếu tố có thể thay đổi trong phạm vi của một kiểu TTHS do tác động của những điều kiện lịch sử cụ thể tồn tại ở mỗi quốc gia. Mô hình TTHS lịch sử là cách thức tổ chức hoạt động TTHS và cách thức tổ chức này quyết định địa vị tố tụng của các chủ thể tham gia hoạt động TTHS như thế nào và nguồn động lực của hoạt động TTHS là gì: là hoạt động tích cực của các bên tranh tụng hay là hoạt động tích cực của các cơ quan nhà nước mà trước hết là cơ quan Tòa án hay là sự kết hợp cả hai. Trường phái về mô hình TTHS của khoa học TTHS Xô Viết được thừa nhận là có những hạt nhân hợp lý, có tính logic nội tại cao, làm rõ mối quan hệ giữa hoạt động TTHS với bản chất nhà nước, với các điều kiện lịch sử cụ thể… Bên cạnh đó trường phái này cũng bị phê phán là đã không phản ánh đúng trình tự hoạt động TTHS và quá trình tiến hóa của nó. Khoa học TTHS ở Liên Bang Nga hiện nay không phân biệt các khái niệm “kiểu TTHS” và “hình thức TTHS” hay “mô hình TTHS”. Các khái niệm này được sử dụng như là đồng nghĩa với nhau. Có ba trường phái hay ba phương pháp tiếp cận về mô hình TTHS. Trường phái thứ nhất là trường phái mô hình TTHS lý thuyết. Những người theo quan điểm này đã không hoàn toàn lệ thuộc vào tiến trình lịch sử của TTHS mà ngược lại, từ chính tiến trình lịch sử đó họ đã khái quát về mặt lý thuyết, xây dựng những đặc điểm lý luận của các mô hình TTHS cụ thể. Cơ sở phân loại các mô hình TTHS là tiêu chí: có hay không có tranh chấp – xung đột pháp lý giữa các bên tranh tụng bình đẳng với nhau trước Tòa án (TA) độc lập. Có – đó là TTHS tranh tụng. Không có – đó là TTHS thẩm vấn. Nếu như tranh chấp giữa các bên chỉ có ở một số giai đoạn của TTHS thì TTHS là mô hình pha trộn. Các mô hình TTHS này gọi là mô hình TTHS lý thuyết vì chúng chỉ tồn tại trong lý luận khoa học chứ không tồn tại ở hình thức nguyên mẫu trong lịch sử của TTHS. Có ba mô hình TTHS lý thuyết là mô hình tranh tụng, mô hình xét hỏi và mô hình pha trộn. Mô hình tranh tụng có những đặc điểm sau đây: + Có hai bên tranh tụng đối trọng nhau là bên buộc tội và bên bào chữa. + Hai bên này hoàn toàn bình đẳng với nhau về địa vị tố tụng. + TA hoàn toàn độc lập đối với các bên. Mô hình tranh tụng đòi hỏi áp dụng phương pháp điều chỉnh pháp luật là phương pháp trọng tài dựa trên tự do và độc lập ý chí của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng. Phương pháp điều chỉnh này dựa trên yếu tố tự định đoạt và mệnh lệnh: thừa nhận quyền tự định đoạt của các bên và quyết định có tính bắt buộc thi hành của TA (Trọng tài). Bản thân các bên không thể tự mình tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến bên tranh tụng kia. TA chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở yêu cầu của các bên chứ không tự ý giải quyết những gì ngoài yêu cầu của các bên. TA không thể thực hiện bất kỳ hành vi nào thuộc chức năng buộc tội hay chức năng bào chữa. TA tiến hành hoạt động của mình trên cơ sở có sự buộc tội của bên buộc tội đưa ra và chỉ giới hạn hoạt động trong phạm vi buộc tội. Điều này dẫn đến hệ quả: sự tranh tụng của các bên xung quanh sự buộc tội chính là động lực làm cho hoạt động TTHS tiến triển, vận động lên phía trước. Không có buộc tội – không có tố tụng. Đây là một trong những quy tắc quan trọng của tranh tụng trên cơ sở thừa nhận vai trò độc lập của TA. Mô hình TTHS thẩm vấn là mô hình TTHS mà trong đó các chức năng cơ bản như chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử tập trung vào một cơ quan nhà nước. Mô hình này có các dấu hiệu đặc trưng như sau: + Không có các bên độc lập vì hoạt động tích cực của các bên bị thay thế bởi hoạt động của cơ quan nhà nước trong TTHS – cơ quan tiến hành tố tụng. + Bị cáo hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng và là đối tượng xem xét của những cơ quan này. + Không có tranh chấp pháp lý của các bên, thay vào đó là ý chí của nhà nước, của pháp luật và ý chí của nhà nước là động lực của TTHS. Ở góc độ pháp lý, mô hình TTHS thẩm vấn chính là sự vận dụng phương pháp điều chỉnh mệnh lệnh hành chính vào hoạt động TTHS. Như vậy phương pháp tiếp cận này không gắn vấn đề nghiên cứu hoạt động TTHS với tiến trình lịch sử của nó, chỉ khái quát, rút tỉa những đặc trưng, thuộc tính của TTHS tồn tại trong những quốc gia khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau để thấy được những gì chung nhất, điển hình nhất của mỗi mô hình TTHS. Theo cách tiếp cận này thì không có vấn đề thay thế nối tiếp nhau của các mô hình TTHS. Mô hình TTHS tranh tụng và mô hình TTHS thẩm vấn là đối lập nhau và mô hình TTHS pha trộn là sự quá độ chuyển tiếp giữa chúng. Bất kỳ hoạt động TTHS nào trong thực tế cũng là mô hình TTHS pha trộn với những biến đổi theo một trong hai hướng: pha trộn thiên về thẩm vấn hoặc pha trộn thiên về tranh tụng. Phương pháp tiếp cận này có ưu điểm đã lấy vấn đề cốt lõi nhất – thuộc tính của TTHS – làm căn cứ phân loại. Đấy chính là tiêu chí nguyên tắc tổ chức hoạt động TTHS. TTHS cần được tổ chức theo cách nào? Theo cách của quan hệ hành chính hay theo cách của tố tụng TA? Nguyên tắc này xét cho cùng lại phụ thuộc vào việc thừa nhận vụ án hình sự có phải là một tranh chấp pháp lý giữa các bên bình đẳng với nhau hay không. Cách tiếp cận này có tính lôgic cao và đưa ra được hệ thống các mô hình TTHS hoàn chỉnh. Mô hình TTHS tranh tụng hay thẩm vấn được xem như là chuẩn mực khi nghiên cứu để tự đánh giá về TTHS của mỗi quốc gia cụ thể. Bên cạnh đó phương pháp tiếp cận này có một số hạn chế nhất định như không phản ánh được quy luật phát triển của TTHS, không thấy được sự thay thế nối tiếp nhau giữa các mô hình TTHS theo một trình tự lịch sử nhất định. Từ đó có thể dẫn đến kết luận sai lầm là người làm luật có thể lựa chọn theo ý thích chủ quan của mình mô hình TTHS tranh tụng hay thẩm vấn khi xây dựng pháp luật TTHS ở quốc gia mình. Phương pháp này chỉ nhìn thấy mối quan hệ giữa các yêu tố bên trong của TTHS, không nhìn thấy lý do, nguyên nhân hình thành hoặc thay thế các mô hình TTHS – tức là mối liên hệ bên ngoài giữa TTHS với các điều kiện lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội, nhà nước, dân tộc… Phương pháp này chưa cho thấy sự khác nhau giữa tranh tụng TTHS với tranh tụng TTDS. Trường phái thứ hai là trường phái mô hình TTHS quốc gia truyền thống. Mô hình TTHS quốc gia truyền thống là cách thức tổ chức hoạt động TTHS bị chi phối bởi những đặc thù văn hóa – xã hội, tôn giáo, truyền thống pháp lý… của quốc gia và của khu vực. Trường phái này tiếp cận mô hình TTHS theo đặc thù quốc gia bằng cách nghiên cứu các mô hình TTHS đã hoặc đang tồn tại thực tế ở các quốc gia nhất định. Tiêu chí phân loại các mô hình TTHS là những dấu hiệu đặc thù của TTHS trong một số quốc gia cụ thể ở một số khu vực địa lý nhất định có đặc điểm riêng về dân tộc, tôn giáo, địa lý, truyền thống pháp lý… Phương pháp tiếp cận này phủ nhận quá trình lịch sử thống nhất đối với các mô hình TTHS bởi lẽ các mô hình TTHS quốc gia phụ thuộc vào các điều kiện xã hội, văn hóa, lịch sử của các nền văn minh khác nhau. Các mô hình TTHS không chuyển tiếp, thâm nhập nhau mà tự thân tồn tại và phát triển. Phương pháp này phân biệt: + Mô hình TTHS Rôman – Đức hay còn gọi là mô hình TTHS lục địa với đặc trưng về luật thành văn điều chỉnh hoạt động TTHS (Một số tác giả phân biệt mô hình TTHS của Đức với mô hình TTHS của Pháp như là hai mô hình TTHS độc lập). + Mô hình TTHS Anh – Mỹ hay TTHS của các quốc gia theo thông luật với đặc thù là coi trọng yếu tố thực tiễn xét xử thể hiện trong các bản án của TA (án lệ). + Mô hình TTHS tập quán pháp với đặc thù hoạt động TTHS chủ yếu dựa vào tư tưởng pháp luật (ý thức pháp luật) với sự ảnh hưởng của tôn giáo thí dụ như các hệ thống TTHS của các quốc gia hồi giáo. Phương pháp này cho thấy mối quan hệ giữa các yếu tố quốc gia đặc thù với cách thức tổ chức TTHS, giữa đặc thù văn hóa – xã hội với đặc thù mô hình TTHS nhưng lại có hạn chế là không thấy được quy luật chung giữa các mô hình TTHS, không thấy được sự kế thừa giữa chúng. Trường phái thứ ba là trường phái mô hình TTHS lịch sử. Trường phái này đưa ra khái niệm về mô hình TTHS lịch sử. Đó là cách thức tổ chức hoạt động TTHS điển hình trong từng giai đoạn phát triển lịch sử của xã hội loài người và chịu sự chi phối bởi mối quan hệ giữa tự do cá nhân và nhà nước, giữa lợi ích riêng của cá nhân và lợi ích chung của nhà nước, của xã hội. Những người theo trường phái này đã khái quát toàn bộ quá trình phát triển lịch sử TTHS để chỉ ra quy luật chung và xu hướng vận động của tiến trình lịch sử đó vì họ cho rằng chỉ có một tiến trình phát triển lịch sử của TTHS, một xu thế chung trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Giống như trường phái khoa học TTHS Xô Viết trước đây, những người theo trường phái này lấy tiêu chí thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội làm cơ sở phân loại các mô hình TTHS nhưng không nhấn mạnh yếu tố bản chất giai cấp của chúng. Phương pháp tiếp cận này chú trọng nghiên cứu các quy luật khách quan thay thế các mô hình TTHS. Các mô hình TTHS đều có quy luật chung trong quá trình phát triển của mình. Trường phái này phân biệt ba mô hình TTHS lịch sử: + TTHS buộc tội sơ khai. Mô hình này hình thành ở thời kỳ nhà nước chiếm hữu nô lệ và tồn tại đến thời kỳ đầu của nhà nước phong kiến. Đặc trưng của mô hình này là địa vị tố tụng hết sức đặc biệt của người buộc tội. Thông thường người bị hại đồng thời là người buộc tội. Người buộc tội quyết định sự khởi đầu của vụ án – khởi tố vụ án hay không khởi tố – cũng như tiến trình của vụ án – đình chỉ hay không đình chỉ. Hệ thống chứng cứ được thừa nhận như là căn cứ giải quyết vụ án nhưng chịu sự ảnh hưởng nặng nề của các quan điểm tôn giáo, tập quán thời đó. Chân lý khách quan của vụ án được xác định bằng hình thức thách đấu, thử thách bằng lửa, bằng nước. Các bên tranh chấp phải tuân thủ những thủ tục và phải vượt qua những thách đấu thử thách như vậy trước sự chứng kiến của TA (trọng tài) để chứng minh lẽ phải thuộc về mình. + TTHS thẩm vấn trung cổ. Mô hình TTHS này xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ nhưng phát triển mạnh nhất, phổ biến nhất trong xã hội phong kiến thời kỳ quân chủ – chuyên chế. Đầu tiên mô hình này tồn tại trong các luật lệ của giáo hội với hoạt động của TA dị giáo – TA xét xử những người có quan điểm khác với quan điểm chính thống của giáo hội. Về sau mô hình này được mở rộng ra xã hội dân sự thành mô hình hoạt động của TA nhà nước. Vụ án hình sự có thể được bắt đầu từ những tin đồn, mật báo. Có sự phân biệt hoạt động điều tra sơ bộ và hoạt động này không mang tính công khai đối với bị can. Các giáo chủ là người tiến hành hoạt động điều tra thu thập chứng cứ để làm rõ tin đồn về sự kiện tội phạm và chuyển vụ án ra Tòa để xét xử. Bị can luôn được suy đoán là có tội và luật lệ cho phép áp dụng tra tấn, nhục hình với bị can như là cách thức thu thập chứng cứ. Ở Đức thời kỳ đó ước tính có từ 60 đến 70 hình thức tra tấn khác nhau. Bị can hầu như bị tước đoạt khả năng bào chữa, không được thừa nhận là chủ thể tham gia hoạt động TTHS mà ngược lại, là đối tượng của hoạt động TTHS. TA có vai trò tích cực trong hoạt động tố tụng, thâu tóm vào tay mình cả ba chức năng cơ bản của TTHS: vừa buộc tội, vừa bào chữa, vừa xét xử. Hệ thống chứng cứ được xây dựng trên cơ sở những quy định chặt chẽ về cách đánh giá chứng cứ theo những chuẩn mực giá trị nhất định (đánh giá chứng cứ hình thức). Thí dụ như lời nhận tội của bị cáo là “chứng cứ vua”, lời khai của phụ nữ có giá trị chứng minh ít hơn so với lời khai của nam giới, lời khai của người giàu trung thực, đáng tin cậy hơn lời khai của người nghèo… Hệ thống chứng cứ này dù sao cũng được nhìn nhận là một sự tiến bộ vì ý chí của pháp luật cũng đã thay thế cho sự tùy tiện của thẩm phán. Mô hình TTHS này tuyệt đối hóa lợi ích nhà nước, đặt lợi ích nhà nước lên trên hết và xem thân phận của bị can như là phương tiện để đạt tới mục đích có ý nghĩa xã hội là chân lý của vụ án. Nhưng lịch sử đã cho thấy chính sự chà đạp lên quyền con người của bị can lại là yếu tố cản trở việc thực hiện mục đích đó và là nguyên nhân phổ biến của những sai lầm tư pháp. + Mô hình TTHS tranh tụng. Mô hình này phổ biến ở những quốc gia có truyền thống thông luật. Nó ra đời đầu tiên ở Anh, sau đó được phổ biến ở các nước vốn là thuộc địa của Anh. Mô hình này thừa nhận hoạt động TTHS là quá trình giải quyết tranh chấp pháp lý giữa một bên là đại diện nhà nước và một bên là công dân bị cáo buộc là đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trước một TA – trọng tài vô tư. Đoàn bồi thẩm – đại diện cho dân chúng cũng tham gia vào việc xét xử. Trong cuộc đấu pháp lý này, hai bên tranh chấp đều có những khả năng pháp lý như nhau để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Tranh tụng giữa hai bên bắt đầu ngay từ giai đoạn trước xét xử. TA đánh giá chứng cứ theo nguyên tắc tự do, theo niềm tin nội tâm của mình. So sánh hai mô hình TTHS này – theo tài liệu của Law Society of Upper Canada[1] – thì hai mô hình này đều có những bước tố tụng giống nhau (điều tra, truy tố chuyển sang tòa án để xét xử và mở phiên tòa xét xử), đều hướng đến việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án nhưng cách thức tìm sự thật khách quan đó lại rất khác nhau. Khác nhau về cách thức tiến hành từng bước, về vai trò của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng, về sự kết nối giữa các bước với nhau. Thí dụ như mô hình TTHS thẩm vấn coi trọng bước điều tra. Viện công tố tham gia tích cực trong bước này, là người chỉ đạo và giám sát hoạt động điều tra của cảnh sát. Kết quả điều tra được lưu giữ và phản ánh trong hồ sơ vụ án. Viện công tố là người quyết định truy tố ra trước tòa để xét xử. Trong khi đó trong mô hình TTHS tranh tụng thì vai trò của Viện công tố rất mờ nhạt vì không có trách nhiệm trong hoạt động điều tra. Toàn bộ hoạt động điều tra do cảnh sát tiến hành. Kết quả điều tra được tổng hợp bằng nhiều phương thức khác nhau và không có hồ sơ chính thức của vụ án và không được chuyển trước cho thẩm phán trước khi mở phiên tòa xét xử. Làm như vậy là không hợp lệ. Một điểm khác biệt nữa là TA trong mô hình TTHS thẩm vấn có vai trò tích cực, trực tiếp thẩm vấn và đóng vai trò chính trong thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Còn TA trong mô hình TTHS tranh tụng có vai trò thụ động, rất ít khi hoặc không tham gia thẩm vấn mà chỉ là người điều khiển phần thẩm vấn cũng như phần tranh luận của các bên. Do TA không biết trước hồ sơ vụ án nên sự tranh tụng giữa hai bên là nội dung chủ yếu của phiên tòa và nhiệm vụ của các bên trong quá trình tranh tụng là thuyết phục TA chấp nhận yêu cầu của mình. Trên thế giới có 48% quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng mô hình thẩm vấn trong khi mô hình tranh tụng chỉ chiếm 19%[2]. Ba mô hình TTHS này thay thế lẫn nhau như tất yếu lịch sử. Vậy thì yếu tố nào quyết định sự thay thế các mô hình TTHS này? Sự phát triển của pháp luật nói chung và của TTHS nói riêng phụ thuộc vào mối quan hệ giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích nhà nước. Mối quan hệ này thể hiện mâu thuẫn cơ bản giữa cá nhân và tập thể trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mức độ tự do của con người là một tiêu chí cơ bản phản ánh sự phát triển của pháp luật nói chung và của pháp luật TTHS nói riêng. Tự do cá nhân được phản ánh trong địa vị tố tụng của các chủ thể tham gia TTHS. Mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân là yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động TTHS. Đây là căn cứ phân loại của trường phái mô hình TTHS lịch sử. Nền tảng tiến hóa các mô hình TTHS trong lịch sử chính là sự phát triển của tự do cá nhân. Mức độ quan hệ giữa tự do cá nhân và lợi ích của nhà nước khác nhau trong từng thời kỳ lịch sử và tương ứng với từng thời kỳ lịch sử đó là các mô hình TTHS khác nhau. Toàn bộ lịch sử phát triển của TTHS phân chia thành ba giai đoạn cơ bản: + Giai đoạn mà lợi ích nhà nước nhượng bộ trước lợi ích cá nhân. Tương ứng là mô hình TTHS tư – tranh tụng (TTHS buộc tội sơ khai). + Giai đoạn mà lợi ích nhà nước bao trùm toàn bộ lợi ích cá nhân, bao trùm cá nhân. TTHS là hoạt động không có lợi ích cá nhân. Tương ứng là mô hình TTHS thẩm vấn trung cổ (inquisitio). + Giai đoạn bảo đảm quyền và sự tham gia của cá nhân trong TTHS với sự thừa nhận lợi ích nhà nước là yếu tố tiên quyết trong TTHS. Tương ứng là mô hình TTHS công – tranh tụng. Như vậy mô hình TTHS lịch sử được xác định bởi quan hệ giữa tự do cá nhân và nhà nước, giữa lợi ích tư và lợi ích công. Nếu tổ chức hoạt động TTHS nghiêng về lợi ích tư thì đó là mô hình TTHS tư – tranh tụng. Nếu nghiêng về lợi ích công: mô hình TTHS thẩm vấn. Nếu có sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích tư và lợi ích công: mô hình TTHS công – tranh tụng. Ưu điểm của phương pháp tiếp cận này thể hiện ở chỗ: bất kỳ mô hình TTHS lịch sử nào cũng có thể được xem xét như là sự thể hiện quy luật thay thế các mô hình TTHS và trên cơ sở đó có thể xác định mô hình TTHS tiếp theo cần phải có là mô hình nào và cần phải sửa BLTTHS như thế nào để hoàn thiện hoạt động TTHS. Phương pháp tiếp cận này phù hợp với xu hướng chung hiện nay là thừa nhận quan hệ giữa cá nhân và nhà nước là cốt lõi của mọi hoạt động trong đó có hoạt động TTHS. Nó cho phép thấy được sự khác biệt giữa tranh tụng trong TTHS với tranh tụng trong TTDS. Tuy vậy các mô hình TTHS lịch sử này vẫn còn quá trừu tượng và dù trường phái này không muốn nhấn mạnh về bản chất giai cấp khi phân loại mô hình TTHS nhưng chính tiêu chí phân loại – mối quan hệ giữa lợi ích tư và lợi ích nhà nước – đã cho thấy sự phụ thuộc của mô hình TTHS với bản chất nhà nước ở chừng mực nhất định. Nghiên cứu mô hình TTHS có ý nghĩa to lớn về nhận thức. Kết quả của nó cho chúng ta tri thức có tính hệ thống về các mô hình TTHS, về sự đa dạng của nó và về các quy luật chi phối sự đa dạng đó. Nó cũng cho chúng ta thấy rõ vai trò của TTHS trong đời sống xã hội, mối quan hệ của TTHS với nhà nước và pháp luật. Nghiên cứu về mô hình TTHS còn có ý nghĩa về phương pháp luận. Kết quả nghiên cứu của nó là cơ sở khoa học cho việc xác định hướng giải quyết những nội dung cụ thể của TTHS, hướng hoàn thiện BLTTHS trong mỗi nhà nước ở từng giai đoạn phát triển của mình và chính điều này là nhân tố bảo đảm hiệu quả của chúng trong thực tiễn. Nghiên cứu vấn đề mô hình TTHS cho chúng ta một số kết luận đáng chú ý sau đây: - Mỗi trường phái mô hình hóa TTHS đều có những hạt nhân hợp lý của nó và đều có những hạn chế không tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta phải biết gắn nhiệm vụ cụ thể của chúng ta với hạt nhân hợp lý của từng phương pháp tiếp cận để có thể có giải pháp thuyết phục và tối ưu. Thí dụ như chúng ta muốn hoàn thiện TTHS của mình thì trước khi giải bài toán hoàn thiện TTHS Việt Nam như thế nào chúng ta phải trả lời TTHS Việt Nam có những dấu hiệu đặc trưng của mô hình TTHS nào? Mô hình TTHS thẩm vấn? Mô hình TTHS tranh tụng hay mô hình TTHS pha trộn? Quá trình hình thành và tồn tại của TTHS Việt Nam chịu sự ảnh hưởng và tác động của những yếu tố bên ngoài đặc trưng nào? Những yếu tố bên trong nào cũng có tác động chi phối hoạt động TTHS mà chúng ta không thể bỏ qua được, chẳng hạn như yếu tố bản chất nhà nước CHXHCN Việt Nam có thể có ảnh hưởng đến cách thức tổ chức và hoạt động của TTHS nước ta hay không? Bằng cách tiếp cận của trường phái mô hình TTHS lý thuyết tôi cho rằng mô hình TTHS của chúng ta hiện nay là mô hình TTHS pha trộn vì nó vừa có những đặc điểm của mô hình TTHS thẩm vấn, vừa có đặc điểm của mô hình TTHS tranh tụng. Cụ thể là sự hạn chế tranh tụng trong giai đoạn điều tra do có cách biệt về sự bình đẳng trong địa vị tố tụng của các bên, do hạn chế tính công khai của kết quả điều tra, kết quả điều tra được phản ánh trong hồ sơ chính thức và là cơ sở cho hoạt động xét xử của TA. TA nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên toà xét xử và có vai trò tích cực trong quá trình xét hỏi (dấu hiệu của mô hình TTHS thẩm vấn). Bên cạnh đó không thể phủ nhận là quá trình tranh tụng đã bắt đầu từ giai đoạn điều tra mặc dù lúc này tranh tụng vẫn là tranh tụng giữa các bên chưa thật sự bình đẳng về địa vị tố tụng. Nhưng đến phiên tòa sơ thẩm thì tranh tụng đã là tranh tụng công khai giữa các bên hoàn toàn bình đẳng về địa vị tố tụng trong hoạt động chứng minh trước TA. Bên buộc tội có quyền gì thì bên bào chữa cũng có quyền tương tự. Các chức năng cơ bản trong TTHS do các chủ thể khác nhau thực hiện, sự tách bạch về chức năng này tương đối rõ ràng mặc dù chưa thật triệt để (dấu hiệu của mô hình TTHS tranh tụng). Lịch sử hình thành và phát triển TTHS ở nước ta cũng cho thấy quá trình này chịu sự ảnh hưởng to lớn của mô hình TTHS của Pháp và Xô viết mà hai mô hình này là hai mô hình TTHS lục địa đã tiếp thu nhân tố tích cực của mô hình tranh tụng nên được thừa nhận là mô hình pha trộn. - Mỗi mô hình TTHS đều có những thế mạnh và đồng thời đều có những hạn chế của nó. Không có mô hình TTHS nào là tuyệt đối hoàn hảo. Thí dụ như mô hình tranh tụng có mặt mạnh là hoạt động tố tụng có tính tranh tụng tích cực của các bên đã tạo điều kiện cần thiết, khách quan cho hoạt động xét xử của TA, hạn chế oan sai nhưng cũng có hạn chế là thủ tục, trình tự tố tụng thường kéo dài về thời gian, phức tạp và tốn kém. Đoàn bồi thẩm với 12 thành viên tham gia xét xử làm cho nhiệm vụ bảo vệ cáo trạng của bên buộc tội khó khăn hơn nhiều so với xét xử không có đoàn bồi thẩm, chỉ có 2 hội thẩm tham gia trong Hội đồng xét xử. Điều này có lợi cho bị cáo, cho công lý. Nhưng ở khía cạnh tài chính thì đương nhiên là chi phí cho 12 thành viên đoàn bồi thẩm tốn kém nhiều hơn so với chi phí cho hai hội thẩm nhân dân. 3. Thực trạng và hướng hoàn thiện mô hình TTHS ở nước ta Trên cơ sở xác định mô hình TTHS hiện nay của nước ta là mô hình pha trộn, chịu sự ảnh hưởng lớn của mô hình TTHS lục địa, vấn đề tiếp theo là chúng ta hoàn thiện mô hình TTHS này theo hướng nào? Có quan điểm đề xuất là tiến tới xây dựng TTHS ở Việt Nam theo kiểu tranh tụng.[3] Theo ý kiến của chúng tôi thì quan điểm này quá dễ dãi và không thuyết phục ở góc độ thực tiễn cũng như lý luận. Trên thế giới đã có tiền lệ chuyển đổi một cách máy móc từ mô hình TTHS này sang mô hình TTHS khác. Đó là trường hợp của Italy chuyển đổi từ mô hình TTHS thẩm vấn sang mô hình TTHS tranh tụng vào năm 1989 (bỏ không sử dụng hồ sơ vụ án, mọi chứng cứ chỉ được xuất trình đầu tiên tại phiên tòa…). Nhưng kết quả không khả quan, có nhiều trục trặc, nên năm 1992 Italy lại quyết định quay trở lại mô hình TTHS truyền thống của mình. Ở khía cạnh khoa học thì quan điểm về mô hình TTHS pha trộn là cơ sở lý luận về khả năng tiếp nhận và giao thoa giữa các mô hình TTHS khác nhau mà không cần phải chuyển đổi làm mất đi đặc thù vốn có của mình. Thực tiễn lịch sử TTHS thế giới cũng cho thấy xu hướng tiếp nhận, giao thoa những yếu tố tích cực giữa mô hình TTHS thẩm vấn và mô hình TTHS tranh tụng. Bản thân các mô hình TTHS này trong thực tế không còn tồn tại ở dạng nguyên mẫu mà đã có nhiều thay đổi, chỉ giữ lại những nội dung cơ bản nhất mà thôi. Thí dụ như mô hình TTHS tranh tụng đã tiếp thu chế định xét xử phúc thẩm của mô hình TTHS thẩm vấn, còn mô hình TTHS thẩm vấn đã tiếp thu và mở rộng hơn tranh tụng giữa các bên trong giai đoạn điều tra. Như vậy giải pháp đúng trong việc hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam là phải xuất phát từ đặc thù lịch sử, đặc thù về chế độ nhà nước – những đặc thù mà chúng ta không thể thoát ly được – như sự ảnh hưởng lớn của mô hình TTHS Pháp và Xô Viết, nhà nước pháp quyền XHCN… tiếp tục mở rộng những yếu tố tranh tụng ở phiên tòa sơ thẩm cũng như ở giai đoạn điều tra với mức độ có khác nhau. Nói một cách khác là tiếp tục hoàn thiện mô hình pha trộn theo hướng thiên về tranh tụng hơn nữa. Cần mở rộng tối đa tính tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm và điều này được xem là khâu đột phá. Phiên tòa sơ thẩm tranh tụng không chỉ thay đổi hoạt động của những người tham gia phiên tòa, tạo tiền đề khách quan nhất, cần thiết nhất cho bản án công minh mà còn tác động lan tỏa tích cực đến các chủ thể tố tụng khác, đến các giai đoạn tố tụng khác. Người hưởng lợi ở đây là ai? Người hưởng lợi đầu tiên ở đây là bị cáo. Tiếp theo là uy tín của các cơ quan tố tụng, của nền tư pháp nước nhà. Phiên tòa sơ thẩm tranh tụng chính là con đường duy nhất để lấy lại niềm tin của người dân về công lý, về cơ quan TA. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu của cải cách tư pháp đang được tiến hành ở nước ta hiện nay. Tuy cải cách tư pháp đã triển khai được nhiều năm nhưng dường như chưa tạo được những thay đổi cần thiết trong hoạt động TTHS. Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh cách đây không lâu đăng tải nhiều bài viết về những chuyện lạ xoay quanh việc xét xử các vụ án hình sự[4]. Không là chuyện lạ sao được khi mà Hội đồng xét xử thay vì phải là trọng tài vô tư khách quan tại phiên tòa thì lại là người “dồn ép” bị cáo theo hướng kết tội như một công tố viên thứ hai. Tòa xét hỏi bị cáo mà không khác gì đang buộc tội bị cáo. Tòa “quay” bị cáo cho ra đầu ra đũa. Còn vị công tố đích thực – người đại diện cho nhà nước buộc tội bị cáo trước tòa – lại thụ động trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình vì đã có Tòa “giúp”, không tranh tụng, lấy “im lặng là vàng”. Trong khi luật sư “hăng như gà chọi” thì Viện lại lạnh tanh… Một phiên tòa như vậy có đáp ứng được yêu cầu về tranh tụng mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 đã đặt ra hay không? Tại phiên họp sáng 27/3/2007 của Quốc hội khóa XI thảo luận về các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đã đặt câu hỏi “Xét xử ở TA ở ta đã thực sự là tranh tụng chưa? Có bao nhiêu phần trăm các vụ án đã diễn ra theo đúng tinh thần tranh tụng hay vẫn là nửa tranh tụng, nửa “bỏ túi”? Một nửa tranh tụng vẫn là chưa tranh tụng. Điều này giống như người ta thường nói “một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ nhưng một nửa chân lý thì chưa phải là chân lý”. Từ thời cổ đại các nhà triết học đã nói chân lý nảy sinh trong tranh luận và tranh luận lại là hình thức chủ đạo của tranh tụng. Chân lý là khách quan – tức là những gì mà chúng ta nhận thức được phù hợp với thực tại khách quan. Bản án – quyết định phán xử của TA – về nguyên tắc phải là chân lý. Chính vì lẽ đó mà chúng ta mới cần đến TA. Nếu không có nhu cầu và khát vọng về chân lý – sự thật khách quan trong các tranh chấp pháp lý như ai đúng ai sai, có tội hay không có tội – thì đã không có sự ra đời của một cơ quan có chức năng đặc thù là cơ quan TA trong bộ máy nhà nước. Nói đến TA là nói đến chức năng xét xử. Tranh tụng là một yêu cầu khách quan, cần thiết để TA thực hiện chức năng xét xử của mình một cách tốt nhất. Điều này có nghĩa khi chưa có tranh tụng tại các phiên tòa thì chưa thể nói đến chân lý, chưa thể nói đến các bản án công minh, đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục được. Cuối cùng thì ai sẽ phải trả giá cho những phiên tòa như vậy? Người phải trả giá đầu tiên đó là bị cáo. Những trả giá tiếp theo là uy tín của TA, là niềm tin của người dân về công lý trong xã hội… Vấn đề đặt ra là vì sao lại có thực trạng đó và giải pháp khắc phục nó như thế nào? Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên là “thói quen do lịch sử để lại” và giải pháp khắc phục là phải bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho thẩm phán và kiểm sát viên. Có ý kiến khác cho rằng nguyên nhân chính là do luật. Luật chưa quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của TA, của Viện kiểm sát (VKS) khiến cho vai trò của hai bên còn nhập nhằng, trộn lẫn vào nhau. Trách nhiệm tìm sự thật của vụ án đã đặt lên vai TA và khi VKS chỉ buộc tội mà không thèm chứng minh thì TA phải thay VKS. TA cũng phải hỏi, phải xử nếu không thì vụ án sẽ bế tắc. Luật quy định chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cả TA. Vì quy định đó mà TA đã cùng với VKS buộc tội bị cáo. Giải pháp khắc phục ở đây là phải sửa luật.[5] Chúng tôi đồng tình với nhóm ý kiến thứ hai. Nguyên nhân đích thực của thực trạng trên là do BLTTHS nước ta chưa có đầy đủ những quy định đáp ứng yêu cầu tranh tụng. Hoạt động xét xử của TA, VKS và của những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa sơ thẩm được điều chỉnh chặt chẽ bởi các quy định của BLTTHS. Do vậy khi mà bản thân BLTTHS thiếu vắng những quy định về tranh tụng hoặc quy định không rõ ràng, mập mờ thì làm sao có thể đòi hỏi phiên tòa có tính tranh tụng. Sự yếu kém nghiệp vụ của thẩm phán, kiểm sát viên khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Chừng nào mà chúng ta chưa sửa BLTTHS hiện hành về vấn đề tranh tụng thì chừng đó thực trạng vẫn không thể khả quan hơn dù chúng ta có các thẩm phán, kiểm sát viên giỏi nghiệp vụ đến mấy đi nữa. Theo đánh giá của Ban soạn thảo thì BLTTHS 2003 được sửa đổi cơ bản và toàn diện. Không thể phủ nhận một thực tế là gần 2/3 các điều luật được sửa đổi và bổ sung 36 điều mới trong BLTTHS 2003. Chúng ta có cơ sở để tin rằng khi BLTTHS 2003 có hiệu lực thì sẽ tạo ra những thay đổi có tính đột phá hay những chuyển biến đáng kể trong hoạt động TTHS. Nhưng sau hơn 3 năm, kể từ ngày Bộ luật có hiệu lực đến nay, điều đó chưa xảy ra. Tình hình thậm chí còn có chiều hướng xấu hơn. Đoàn luật sư Hà nội phải có công văn gửi ban Nội chính TW phản ánh những khó khăn của luật sư khi tham gia tố tụng nhất là ở giai đoạn điều tra. Mới đây Bộ Công an cũng phải có chỉ thị yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh phải tạo điều kiện cho luật sư làm việc. Còn tình hình tại các phiên tòa thì như báo chí đã phản ánh. Thực tế này buộc chúng ta phải nhìn lại sự đánh giá về BLTTHS 2003. Theo chúng tôi, BLTTHS 2003 được sửa đổi toàn diện nhưng không cơ bản. Chính vì không sửa cơ bản nên không có những thay đổi có tính đột phá hay ít nhất là những thay đổi lớn như chúng ta mong đợi trong hoạt động TTHS. Vậy phải sửa đổi như thế nào để có tính đột phá? Tại diễn đàn Quốc hội phiên họp sáng ngày 27/3/2007 vừa qua đại biểu Hoàng Văn Minh đã chỉ rõ một trong những bước đột phá quan trọng trong hoạt động xét xử là tranh tụng. Tranh tụng để bảo đảm cho việc xét xử tốt hơn, làm cho nền tư pháp thực sự dân chủ, công khai và minh bạch[6]. Đúng như vậy, nhưng điều đáng tiếc là ý kiến của những đại biểu như đại biểu Minh lại là thiểu số trong Quốc hội khóa XI vì chính Quốc hội khóa XI đã thông qua BLTTHS 2003. Trong quá trình thảo luận, góp ý cho Dự thảo BLTTHS 2003 đã có nhiều ý kiến ở nhiều diễn đàn, nhiều bài viết của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về sự cần thiết phải ghi nhận nguyên tắc tranh tụng như là nguyên tắc cơ bản của BLTTHS 2003 và phải hoàn thiện các nội dung của nguyên tắc này[7]. Nhưng những ý kiến đó đã không được tiếp thu và kết quả như chúng ta đã thấy: trong số những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS 2003 không có nguyên tắc tranh tụng. Nguyên tắc cơ bản của BLTTHS chính là những quy luật khách quan có vai trò chủ đạo trong hoạt động tố tụng mà chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ. Hoạt động tố tụng tự thân nó đã mang tính tranh tụng. Từ cổ xưa cho đến hiện nay và mãi về sau, hoạt động tố tụng luôn là hoạt động có tính tranh tụng. Vì sao vậy? Hoạt động tố tụng trong bất kỳ lĩnh vực nào (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng trọng tài…) xuất hiện khi có xung đột lợi ích giữa hai chủ thể trong quan hệ pháp lý nhất định mà bản thân họ không thể tự giải quyết được phải cần đến người thứ ba là trọng tài. Cuộc đấu tranh pháp lý giữa hai bên chủ thể có cơ hội ngang nhau trong việc bảo vệ lợi ích của mình (quyền và nghĩa vụ như nhau) trước trọng tài vô tư không thiên vị chính là yếu tố làm cho hoạt động tố tụng có tính tranh tụng. Lẽ tự nhiên là vậy. Chỉ có tranh tụng mới có cơ hội đạt đến chân lý. Trách nhiệm của nhà làm luật là phải nhận thức được quy luật khách quan đó, thừa nhận quy luật khách quan và thiết kế các hoạt động tố tụng phù hợp với yêu cầu của quy luật khách quan. Khi chúng ta chưa thừa nhận tranh tụng là nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tụng thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi các quy định cụ thể của hoạt động tố tụng phải thể hiện tính tranh tụng? Có thể nói một cách thẳng thắn rằng BLTTHS 2003 không thể chế hóa được yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Hãy thử phân tích và so sánh các quy định về phiên tòa sơ thẩm trong BLTTHS 1988 và trong BLTTHS 2003 ta sẽ thấy, hầu như không có thay đổi gì đáng kể nếu không muốn nói là mọi quy định vẫn như cũ. Trước kia Tòa là người xét hỏi đầu tiên và là người đóng vai trò chủ đạo trong thủ tục xét hỏi. Bây giờ vẫn vậy. Thủ tục tranh luận chỉ có bổ sung thêm ở Điều 218 quy định nghĩa vụ của VKS phải đưa ra lập luận của mình và quyền của TA đề nghị VKS phải đáp lại ý kiến chưa được tranh luận. Với những sửa đổi như vậy làm sao có thể có được phiên tòa tranh tụng như tinh thần của Nghị quyết 08 được. Giải pháp đầu tiên có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động TTHS của nước ta là phải làm cho hoạt động đó phù hợp với quy luật khách quan vốn có của nó. Có nghĩa là phải thừa nhận tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS và phải cụ thể hóa các nội dung của nó trong toàn bộ tiến trình tố tụng. Tranh tụng không chỉ diễn ra ở phiên tòa sơ thẩm, nhưng cần xác định tranh tụng ở phiên tòa sơ thẩm là khâu đột phá vì xét xử sơ thẩm là giai đoạn trung tâm trong tiến trình tố tụng. Do vậy cần sửa đổi bổ sung các quy định cụ thể của BLTTHS để cho phiên tòa sơ thẩm có tính tranh tụng. Muốn có tranh tụng thì cần có sự tách bạch về chức năng của các chủ thể tố tụng. Do vậy cần sửa Điều 10 BLTTHS 2003 theo hướng xác định TA – cơ quan thực hiện chức năng xét xử – không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. TA cũng có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật nhưng TA thực hiện nhiệm vụ đó thông qua chức năng xét xử của mình. TA không phải là người truy tố bị cáo nên TA không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng buộc tội (Cơ quan điều tra, VKS). TA chỉ có nghĩa vụ chứng minh trong bản án của mình lý do vì sao TA chấp nhận cáo trạng của VKS mà không chấp nhận lời bào chữa của luật sư (khi tuyên bản án kết tội bị cáo) hoặc ngược lại, vì sao TA không chấp nhận cáo trạng của VKS mà lại chấp nhận lời bào chữa của luật sư (khi tuyên bản án vô tội với bị cáo). Cụ thể cần sửa đổi một số quy định của BLTTHS 2003 theo hướng sau: - Bỏ những thẩm quyền không phù hợp với chức năng xét xử của TA như thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự (khoản 1 Điều104 BLTTHS 2003), thẩm quyền được xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật theo hướng nặng hơn, làm bất lợi cho bị cáo hơn (khoản 2 Điều 196 BLTTHS 2003). - Sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa để đảm bảo tính tranh tụng theo hướng nên quy định chỉ các bên tranh tụng (Bên buộc tội là VKS và người bị hại; bên bào chữa là người bào chữa và bị cáo) mới tham gia vào thủ tục xét hỏi. Xét hỏi chính là cách thức chứng minh bằng các chứng cứ sự tồn tại (hoặc không tồn tại) của những sự kiện, tình tiết cụ thể của vụ án. Chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của bên buộc tội và chứng minh không phải tội phạm là quyền của bên bào chữa. TA không phải là bên tranh tụng nên không tham gia xét hỏi mà là người điều khiển quá trình xét hỏi. Những câu hỏi của TA trong phần này chỉ có thể là những câu hỏi mang tính thủ tục. Bất kỳ câu hỏi nào của TA về tình tiết cụ thể của vụ án đều không đúng chức năng và đều có thể làm nghi ngờ sự vô tư khách quan của TA. - Bỏ quy định về việc thẩm phán trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 179 và Điều 199 BLTTHS 2003). Những quy định này được xem như là “đường cứu nạn” cho VKS. Tại khoản1 Điều 179 quy định những trường hợp thẩm phán có thể trả hồ sơ để điểu tra bổ sung, nhưng khoản 2 Điều 179 lại quy định trong trường hợp VKS không bổ sung được những vấn đề mà TA yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì TA vẫn tiến hành xét xử. Luật đã quy định như vậy thì Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm gì? Rõ ràng là chỉ làm mất thời gian. Chỉ nên quy định trường hợp duy nhất mà thẩm phán có quyền trả hồ sơ yêu cầu bổ sung là khi phát hiện có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và những vi phạm đó cản trở việc xét xử của TA (Thí dụ như VKS chưa tống đạt cáo trạng cho bị cáo). Còn vấn đề chứng cứ đã đủ hay chưa, có thể xét xử được hay không, chứng cứ nào là chứng cứ quan trọng của vụ án không phải là sự quan tâm của TA vì người phải quan tâm về việc này là VKS. TA chỉ cần quan tâm là VKS có chứng minh được cáo trạng của mình hay không. Ví dụ trường hợp VKS cho rằng đã đủ chứng cứ để chứng minh bị cáo nhận hối lộ là 6.000 đô la Mỹ, trong khi đó TA lại cho rằng VKS không chứng minh được (do không đủ chứng cứ) thì TA không cần phải trả hồ sơ cho VKS để thu thập thêm chứng cứ bổ vì TA không có nghĩa vụ phải chứng minh bị cáo có tội hay vô tội. Trong trường hợp này TA không có lựa chọn nào khác là phải tuyên bị cáo vô tội vì VKS không chứng minh được tội của bị cáo. Không chứng minh được tội có nghĩa là sự vô tội đã được chứng minh. Tương tự, khi TA thấy VKS chỉ chứng minh được bị cáo nhận hối lộ có 2.000 đôla chứ không phải 6.000 như cáo trạng thì TA có thể tuyên bản án kết tội bị cáo về nhận hối lộ 2.000 đôla mà không cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Chỉ có thể có phiên tòa sơ thẩm tranh tụng khi TA trở về vai trò đích thực của nó là trọng tài vô tư khách quan, chỉ xét xử chứ không buộc tội thay cho VKS hay cùng VKS buộc tội bị cáo. Và nếu như vậy thì đương nhiên VKS không còn chỗ dựa nữa, VKS sẽ không thể không tranh tụng. Khi VKS đã sẵn sàng tranh tụng có nghĩa là việc truy tố bị cáo đã được cân nhắc, xem xét thận trọng từ chứng cứ cho đến tội danh. Chứng cứ thì lại do cơ quan điều tra thu thập. Do vậy, để có thể tự tin tranh tụng bình đẳng sòng phẳng với bên bào chữa thì VKS không thể dễ dãi với cơ quan điều tra và với kết quả của hoạt động điều tra. Bất kỳ sự dễ dãi nào của VKS với cơ quan điều tra về việc tuân thủ các yêu cầu của BLTTHS trong quá trình điều tra thì sau này tại phiên tòa sơ thẩm VKS sẽ phải trả giá về sự dễ dãi đó bằng chính uy tín của ngành mình. Như đã nói ở trên, phiên tòa sơ thẩm tranh tụng còn tác động lan tỏa tích cực đến giai đoạn điều tra. Ngoài tác động có tính dây chuyền này vẫn cần thiết mở rộng phạm vi tranh tụng trong giai đoạn điều tra. Mở rộng tính tranh tụng trong giai đoạn này chính là mở rộng phạm vi quyền bào chữa của bị can, của người bị tạm giữ và mở rộng những bảo đảm tố tụng cho quyền bào chữa. BLTTHS 2003 đã ghi nhận sự tham gia của người bào chữa ở thời điểm khi có quyết định tạm giữ và bổ sung một số quyền của người bào chữa tại Điều 58. Mặc dù có những bước tiến bộ về quy định của luật nhưng trong thực tiễn hoạt động TTHS vẫn chưa tạo được sự thay đổi như mong đợi mà thậm chí còn có dấu hiệu xấu hơn như báo chí đã phản ánh. Sự tham gia của người bào chữa theo quy định của luật trong giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ý kiến của chúng tôi nguyên nhân chính là những quy định tiến bộ này không được cụ thể hóa, không có những bảo đảm tố tụng kèm theo nên tính hiện thực của chúng rất hạn chế. Thí dụ như quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTHS có nhiều điểm không chặt chẽ, không rõ ràng: luật không quy định “giấy tờ liên quan đến việc bào chữa” là những giấy tờ nào nên trong thực tiễn đã có những quy định khác nhau từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Luật không quy định những trường hợp nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng khi nhận được đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa có quyền được từ chối. Luật chỉ quy định nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Quy định này không có ý nghĩa gì hết vì vấn đề mà người bào chữa quan tâm không phải là khi từ chối có nêu lý do hay không nêu lý do mà là vấn đề lý do từ chối nào là hợp pháp và lý do từ chối nào là không hợp pháp để còn khiếu nại. Quyền bào chữa – quyền hiến định của bị can (Điều 132 Hiến pháp 1992 sửa đổi) trên thực tế có thể bị vô hiệu hóa bởi sự tùy tiện của cơ quan tiến hành tố tụng mà họ không thể khiếu nại được hoặc có khiếu nại thì cũng không giải quyết được. Theo luật thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can (Điều 58 BLTTHS 2003), nhưng quy định về thời hạn 3 ngày để nhận được giấy chứng nhận người bào chữa (Điều 56 BLTTHS 2003) đã phủ định thời điểm tham gia đó của người bào chữa. Nói một cách khác là trong mọi trường hợp, tối ưu nhất thì người bào chữa cũng chỉ có thể tham gia vào trong vụ án chậm 3 ngày so với thời điểm khởi tố bị can. Điều đáng chú ý là trong thời hạn 3 ngày này thân chủ của họ có thể đã bị hỏi cung mà không có sự tham gia của người bào chữa vì Điều 131 yêu cầu cơ quan điều tra phải tiến hành ngay việc hỏi cung bị can ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Và ai cũng biết rằng những lời khai ban đầu có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với bị can và đối với cơ quan điều tra. Để bảo đảm hơn nữa quyền con người của bị can, mở rộng tính tranh tụng, tạo ra sự đột phá trong giai đoạn điều tra chúng ta có thể chỉ cần bổ sung sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong hai thời điểm quan trọng sau đây của bị can: thời điểm tiến hành lấy lời khai đầu tiên sau khi có quyết định khởi tố bị can và thời điểm bị can nhận tội. Mọi lời khai của bị can trong hai thời điểm nói trên mà không có sự hiện diện của người bào chữa không được thừa nhận là chứng cứ. Theo quan điểm của chúng tôi, sự bổ sung này hoàn toàn có tính khả thi trong điều kiện thực tế của nước ta. Hoặc quy định người bào chữa có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa (điểm d khoản 2 Điều 58 BLTTHS) nhưng luật không quy định thu thập bằng cách nào và hình thức ghi nhận kết quả thu thập tài liệu đồ vật này như thế nào thì giá trị pháp lý của chúng đến đâu? Do vậy điểm tiến bộ này của BLTTHS 2003 không có tính hiện thực vì không đi vào cuộc sống được. BLTTHS cần có những quy định cụ thể hơn về quyền quan trọng này của người bào chữa. Thừa nhận mô hình TTHS Việt Nam hiện nay là mô hình pha trộn và định hướng hoàn thiện là xây dựng mô hình pha trộn thiên về tranh tụng là giải pháp cần thiết và đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay và phù hợp với trào lưu chung của lịch sử TTHS trên thế giới. [1] Donald Chiasson, So sánh pháp luật Tố tụng Hình sự, Kỷ yếu Hội thảo về Tố tụng Hình sự, Đà Lạt 9-11/9/2003. [2] Donald Chiasson, tlđ.d [3] Phạm Hồng Hải, Mô hình lý luận Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà nội 2003. [4] Tòa có buộc tội thay Viện? Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh, 21/3/2007. [5] Xét hỏi bị cáo: tòa không được “cột” bị cáo, Báo Pháp luật Tp.Hồ Chí Minh, ngày 23/3//2007. [6] Báo Sài Gòn giải phóng, số thứ tư 28/3/2007. [7] Nguyễn Thái Phúc, Dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và nguyên tắc tranh tụng, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2003. TẠP CHÍ KHPL SỐ 5(42)/2007

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMô hình tố tụng hình sự việt nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn.doc
Luận văn liên quan