Mồ mả và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

Trong những năm gần đây, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Song đi kèm với thành tựu đó là một số vấn đề bất cập trong đời sống xã hội mà một trong số đó là hiện tượng xâm phạm mồ mả. Đây là hiện tượng xã hội tiêu cực, đáng lên án, được dư luận hết sức quan tâm. Cho dù ai đó có hành vi xâm phạm mồ mả của người chết là do lỗi cố ý hay vô ý đều khiến cho dư luận xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt là ở các địa phương và các miền quê. Nhưng hành vi xâm phạm mồ mả đó có bị pháp luật xử lý hay không hoặc xử lý thì phải xử lý ra sao, trách nhiệm bồi thường như thế nào, đó là vấn đề mà tôi chọn để tìm hiểu trong đề tài này

doc20 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3906 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mồ mả và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC Trang LỜI MỞ ĐẦU 2 NỘI DUNG 3 I. Khái niệm 3 1. Mồ mả và xâm phạm mồ mả 3 2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 3 II. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 4 1. Cơ sở pháp lý 4 2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 5 3. Nội dung trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 8 III. Thực trạng của vấn đề xâm phạm mồ mả và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 12 1. Một số khó khăn khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả. 12 2. Một số vụ việc về xâm phạm mồ mả trên thực tế và tầm quan trọng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả hiện nay. 15 3. Hướng hoàn thiện pháp luật. 16 LỜI KẾT 17 LỜI MỞ ĐẦU Trong những năm gần đây, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Song đi kèm với thành tựu đó là một số vấn đề bất cập trong đời sống xã hội mà một trong số đó là hiện tượng xâm phạm mồ mả. Đây là hiện tượng xã hội tiêu cực, đáng lên án, được dư luận hết sức quan tâm. Cho dù ai đó có hành vi xâm phạm mồ mả của người chết là do lỗi cố ý hay vô ý đều khiến cho dư luận xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt là ở các địa phương và các miền quê. Nhưng hành vi xâm phạm mồ mả đó có bị pháp luật xử lý hay không hoặc xử lý thì phải xử lý ra sao, trách nhiệm bồi thường như thế nào, đó là vấn đề mà tôi chọn để tìm hiểu trong đề tài này. NỘI DUNG I. Khái niệm 1. Mồ mả và xâm phạm mồ mả. Theo vi.wikipedia.org/ Mồ mả là nơi người chết được chôn cất hay còn được hiểu theo là nơi người chết an nghỉ theo hình thức địa táng(chôn xuống đất). Đây là một phương thức táng người đã khuất phổ biến toàn thế giới theo hình thức địa táng, mộ thường nằm tập trung ở các nghĩa địa (nghĩa trang) hoặc nằm riêng lẻ, với xác người chết hoặc tro đốt xác chôn bên dưới. Còn xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến vị trí mai tang xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Chính hành vi xâm phạm mồ mả này đã làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hành vi xâm phạm mồ mả đã làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả - trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý được phát sinh dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định khi một chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện: - Có thiệt hại xảy ra. Có thể là thiệt hại về tài sản hay thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm hại; tổn thất về tinh thần. - Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. - Có lỗi của người gây ra thiệt hại. - Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. II. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 1. Cơ sở pháp lý. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả được quy định tại điều 629 BLDS 2005: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.”. Cha ông ta có câu: “sống cái nhà, già cái mồ” . Khi còn sống công dân được pháp luật bảo vệ về chỗ ở và khi chết đi cũng được pháp luật bảo vệ ở “nơi an nghỉ cuối cùng”. Cụ thể tại Điều 246 Bộ Luật Hình sự có quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Theo đó, ngưòi nào đào phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Bên cạnh đó, đối với luật dân sự, lần đầu tiên ở nước ta, BLDS 2005 đã quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả tại điều 629. Quy định này thật sự phù hợp với đời sống thực tế, khi cuộc sống luôn luôn biến động và pháp luật luôn cần bám sát với thực tiễn. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang phát triển ở nước ta, việc mở rộng những khu công nghiệp mới, khu nhà chung cư, mở rộng đô thị, mở rộng hệ thống đường giao thông, sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp…, cùng với việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh sự phát triển của kinh tế tư bản tư nhân, các công ty liên doanh, hợp doanh và kinh tế của hộ gia đình, của cá nhân cũng không ngừng phát triển theo. Nhu cầu mở rộng mặt bằng kinh doanh, làm kinh tế cá thể, tiểu chủ cũng rất phát triển ở nước ta. Từ những điều kiện sản xuất, kinh doanh và giải phóng mặt bằng xây dựng cở sở hạ tầng, có những trường hợp chủ thể đầu tư, xây dựng đã vô tình hay cố ý xâm phạm đến mồ mả của người khác. Bên cạnh đó là một số trường hợp một số cá nhân không kinh doanh, sản xuất xâm phạm mồ mả của người khác với lý do bất chính, trái đạo đức. Những trường hợp xâm phạm mồ mả của người khác thường phát sinh trong đời sống thực tế không phải là cá biệt, hữu hạn mà thậm chí ở nơi này, nơi khác đã xảy ra khá phổ. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả là trách nhiệm pháp lý đặc biệt vì hành vi xâm phạm mồ mả, đồng thời xâm phạm về nhân thân và xâm phạm về tài sản. 2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả phát sinh phải thỏa mãn các điều kiện: - Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi mục đích của việc áp dụng trách nhiệm là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó không có thiệt hại thì không đặt vấn đề bồi thường cho dù có đầy đủ các điều kiện khác. Ở đây, là những thiệt hại về tài sản và thiệt hại về tổn thất tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả. - Thứ hai, hành vi xâm phạm mồ mả luôn luôn được xác định là hành vi trái pháp luật. Hành vi xâm phạm mồ mả không những trái đạo đức mà còn trái pháp luật, nếu hành vi đó được xác định là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết, đều bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả. Việc xác định hành vi xâm phạm mồ mả là một việc rất quan trọng vì việc xác định đó là căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm dân sự của người có hành vi xâm phạm hay không bị coi là xâm phạm mồ mả của cá nhân. Việc xác định xem đó có phải là hành vi xâm phạm mồ mả hay không có thể dựa vào một số dấu hiệu: + Một người có hành vi cho dù với bất kỳ mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng thì hành vi đó là hành vi xâm phạm mồ mả. Như vậy đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt với hành vi xâm phạm đến thi thể điều 628 BLDS. Cần biết rằng, xác, hài cốt, tro hài cốt ở đây đã được mai táng, đây là những yếu tố cấu thành nên ngôi mộ. Vì thế xâm phạm xác, hài cốt nằm trong ngôi mộ là xâm phạm mồ mả chứ không phải xâm phạm thi thể. + Người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, chôn hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của người thân thích của người chết (ngoại trừ trượng hợp phải di dời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ). + Người có hành vi thay đổi tấm bia ghi tên của người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ, gây ra sự nhầm lẫn đối với người thân thích của người chết đó. + Người có hành vi sản phẳng mồ mả của người chết, làm mất dấu tích của ngôi mộ, khiến không thể phát hiện được vị trí của ngôi mộ đó. Khi hành vi của người xâm phạm mồ mả có một trong các dấu hiệu trên là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả. Căn cứ vào một trong bốn dấu hiệu trên, người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Khi xác định hành vi xâm phạm mồ mả còn cần phải hiểu theo nghĩa rộng, đó là hành vi xâm phạm đến không gian, phạm vi, hình dáng ngôi mộ. tường rào bao bọc xung quanh ngôi mộ. Bởi vì, vị trí ngôi mộ được xây dựng có mối liên hệ hữu cơ với mục địch giữ gìn, bảo vệ xác, hài cốt, tro hài cốt của người có ngôi mộ đó, do vậy mọi hành vi làm biến dạng những những vật kiến trúc liên quan đến mục đích bảo vệ bảo vệ người đã chết được nguyên vẹn, đều bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả. Ngoài ra, cần phải phân biệt với những hành vi không bị coi là xâm phạm mồ mả nhưng thuộc trách nhiệm dân sự khác. Hành vi bịa đặt những giai thoại, tin tức thất thiệt hoặc quá đáng gây tổn hại đến danh dự của người có mồ mả khi còn sống; tạo ra những dư luận không có lợi hoặc làm giảm sút uy tín, danh dự của người có mồ mả khi còn sống cũng là hành vi trái pháp luật, nhưng không thuộc hành vi xâm phạm mồ mả. - Thứ ba, yếu tố lỗi. Điều 604 BLDS quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý…mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường”. Xét về hình thức lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây ra thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý hay vô ý. Người xâm phạm mồ mả cho dù có lỗi cố ý hay vô ý đều phải chịu trách nhiệm dân sự ( xét về hậu quả của hành vi xâm phạm mồ mả). - Thứ tư, hành vi xâm phạm mồ mả có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại về tài sản của những người thân thích của cá nhân có mồ mả, đồng thời cũng là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân gắn liền với cá nhân có mồ mả. Như vậy, hành vi xâm phạm mồ mả thỏa mãn 4 điều kiện trên thì người xâm phạm có trách nhiệm dân sự về tài sản và nhân thân đối với những người thân thích của người có mồ mả. 3. Nội dung trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Theo điều 629 BLDS 2005: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại”. Việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả trước hết áp dụng theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại điều 605 BLDS 2005: “1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. 3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.” Bên cạnh đó, để hiểu sâu sắc hơn vấn đề này, ta sẽ xem xét nội dung cụ thể của việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 3.1. Người xâm phạm mồ mả chịu trách nhiệm về tài sản. Thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra là phần thiệt hại về tài sản liên quan đến những chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Tính hợp lý khi xác định thiệt hại về tài sản liên quan đến mồ mả của một người bị xâm phạm được xác định trên cơ sở những thiệt hại thực tế. Những thiệt hại về tài sản khi mồ mả bị xâm phạm là những chi phí mua vật liệu xây dựng và những chi phí hợp lí khác cho việc xây dựng mồ mả (chi phí về tiền công xây dựng mồ mả…). Những vật liệu xây dựng mồ mả thông thường gồm số gạch đất nung, đá nhân tạo, đá tự nhiên, cát, vôi, xi măng, sắt thép, sơn, bia đá, bia đồng, bia xi măng cốt thép, gỗ, tấm lợp, ngói…, đã bị người xâm phạm mồ mả gây thiệt hại, xác định được bằng một khoản tiền vào thời điểm bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại về mồ mả do phần tài sản ( vật chất ) bị xâm phạm cũng theo nguyên tắc gây thiệt hại bao nhiêu thì người gây thiệt hại phải bồi thường bấy nhiêu ( bồi thường toàn bộ thiệt hại). Như vậy, bồi thường thiệt hại về mồ mả ( phần tài sản) cũng tuân theo nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do hành vi xâm phạm mồ mả mà gây thiệt hại về tài sản. Những chi phí trả cho thầy bói, cô đồng và những chi phí khác liên quan đến điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội như gọi hồn người chết, yểm bùa, liên hoan nhân dịp khánh thành ngôi mộ được khắc phục lại…, thì người xâm phạm mồ mả không phải bồi thường. 3.2. Người xâm phạm mồ mả không những xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân người có mồ mả, mà còn xâm phạm đến tinh thần của người thân thích của cá nhân có mồ mả. Thi thể hay hài cốt của người chết không phải là tài sản, do vậy người xâm phạm mồ mả của người khác thì ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là những khoản chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại thực tế đã xảy ra theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, người xâm phạm mồ mả còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Vì hành vi xâm phạm mồ mả không những đã gây thiệt hại về phần tài sản như đã xác định trên đây, mà hành vi xâm phạm mồ mả còn xâm phạm đến quyền nhân thân của chính người có mồ mả đó. Đồng thời cũng gây ra những tổn thất về tinh thần đối với những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Nhận định này được dựa trên những căn cứ sau: a. Quyền nhân thân của người có mồ mả. Nhân thân là giá trị tinh thần gắn liền với một chủ thể, và khi được pháp luật quy định bằng cách ghi nhận hay bảo đảm thực hiện thì giá trị đó trở thành quyền nhân thân. Quyền nhân thân gắn với mồ mả của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chấm dứt khi người đó chết. Nhưng quyền nhân thân gắn liền với mồ mả của cá nhân được pháp luật bảo đảm sự toàn vẹn và cấm mọi hành vi xâm phạm đến mồ mả của cá nhân. b. Danh dự của người thân thích. Danh dự của những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm được xác định theo qui định của pháp luật dân sự là sự tổn thất về mặt tinh thần. Về người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm có được coi tương tự như trong trường hợp thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm theo qui định tại Điều 611 BLDS không ? Điều 611 BLDS chỉ qui định thiệt hại cho người còn sống mà danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó bị xâm phạm, nhưng lại không có qui định về quyền nhân thân gắn liền với cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Vấn đề đặt ra ở đây là, những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm có được hưởng khoản tiền bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất về tinh thần do mồ mả của cá nhân là người thân thích của họ bị xâm phạm không? Đặt tình huống như người xâm phạm mồ mả xâm phạm một cách nghiêm trọng làm mất mát, hủy hoại, biến dạng xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân có mồ mả, mà người này là chồng là vợ, là cha, là mẹ của những người thân thích thì hẳn những người thân thích bị tổn thất vô cùng lớn về mặt tinh thần. Thiết nghĩ, trong trường hợp này, người xâm phạm phải có trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì cũng áp dụng mức bồi thường tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do nhà nước qui định tại khoản 2 Điều 611 BLDS. Một cá nhân khi chết, được an nghỉ ở mồ mả. Mồ mả là nơi trang nghiêm, nơi mà người thân yêu của một ai đó đang yên giấc. Việc bảo vệ, trông nom mồ mả là một điều thiêng liêng, ý nghĩa. Do vậy, việc áp dụng khoản 2 điều 611 BLDS để giải quyết tranh chấp do có hành vi xâm phạm mồ mả là cần thiết và không trái với qui định chung của pháp luật dân sự về bồi thường tổn thất về tinh thần cho người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. c. Trách nhiệm của người do bị nhầm lẫn mà xâm phạm mồ mả của cá nhân. Trên thực tế, hành vi nhầm lẫn có thể xảy ra trong trường hợp người ta khai quật nhầm mồ mả của cá nhân do thiếu cẩn trọng hoặc xác định sai vị trí mồ mả. Hành vi đào nhầm mồ mả của cá nhân có phải là hành vi xâm phạm không? Theo điều 604 BLDS thì người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý mà có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu xét theo hình thức lỗi, hành vi đào nhầm mồ mả là hành vi vô ý (do thiếu cẩn trọng mà xác định sai vị trí mồ mả của người thân) mà gây thiệt hại đến mồ mả của người khác. Nếu xét theo hậu quả của hành vi đào nhầm mồ mả của cá nhân, thì hành vi đào nhầm cũng là hành vi xâm phạm mồ mả. Những thiệt hại về mồ mả cho dù xuất phát từ hành vi vô ý hay cố ý, thì cũng đều gây ra những thiệt hại nhất định về tài sản và nhân thân hoặc gây tổn thất về tinh thần của những người thân thích của cá nhân có mồ mả đó. Hành vi xâm phạm mồ mả bao giờ cũng làm phát sinh thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại cả vật chất và tinh thần của người còn sống, người thân thích của cá nhân có mồ mả. Từ những nhận định trên, người xâm phạm mồ mả luôn luôn phải chịu trách nhiệm dân sự trước những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Hành vi xâm phạm mồ mả được xác định dưới hình thức lỗi vô ý hoặc cố ý, chỉ có ý nghĩa trong việc xác định trong việc xác định có hay không có hành vi phạm tội của người xâm phạm mồ mả mà thôi. Trách nhiệm dân sự không thay đổi trong mọi trường hợp khi có hành vi xâm phạm mổ mả của cá nhân. Người gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại vật chất và tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. III. Thực trạng của vấn đề xâm phạm mồ mả và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 1. Một số khó khăn khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả. - Thứ nhất, nếu hành vi xâm lấn mồ mả của người khác không gây thiệt hại về vật chất, người có hành vi xâm lấn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không? Hiện nay pháp luật dân sự và pháp luật đất đai không quy định diện tích đất dành cho một ngôi mộ là bao nhiêu mét vuông mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Khu nghĩa trang nhân dân được quy hoạch trên diện tích đất thường là nơi xa dân cư để đảm bảo vệ sinh, còn diện tích nghĩa trang ấy rộng hay hẹp tùy thuộc vào địa hình, quỹ đất của địa phương dùng vào việc mai táng người của địa phương khi qua đời. Nhưng cũng không ít trường hợp người địa phương bán diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mình cho người khác làm địa điểm mai táng. Tại nhiều địa phương vẫn còn thực trạng không có diện tích đất cụ thể để làm nghĩa địa và còn nhiều địa phương không quan tâm đến vấn đề này. Tại các khu vực có địa hình phức tạp như trung du, miền núi thuận lợi cho việc mai táng người chết do đất đai rộng, mật độ dân cư sinh sống thấp nhưng chính quyền địa phương lại thiếu sự quy hoạch các khu nghĩa trang cụ thể cho nên tình trạng mai táng người chết tại địa phương không được tập trung vào khu vực ổn định nào. Việc mai táng người chết bên dòng suối, khe núi hay trong hang đá thường được những người thân thích của cá nhân qua đời lựa chọn. Thực trạng này đã gây không ít những khó khăn trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả. - Thứ hai, một số vấn đề liên quan đến phong tục tập quán của các dân tộc khi mai tang người chết. Ở một số đồng bào dân tộc nước ta như người Gia Rai, M’Nông, Cơ Tu… có phong tục bỏ mả. Hành vi xâm phạm mồ mả không phụ thuộc vào nghi lễ và phong tục mai táng cá nhân qua đời do vậy hành vi xâm phạm đến những ngôi mộ đã bị bỏ theo phong tục cũng được xác định là hành vi trái pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội không phụ thuộc vào lối sống và phong tục cá biệt của bất kì cộng đồng dân cư nào ở Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, ở Việt nam vẫn còn tồn tại thực trạng “lệ làng” và tín ngưỡng, tư tưởng duy tâm của nhiều người trong việc lựa chọn vị trí mai táng người chết. Vị trí mai táng được lựa chọn rất kĩ, cẩn trọng nhưng thiếu cơ sở khoa học, do vậy trong nhiều trường hợp đã có hành vi chiếm đoạt vị trí có mồ mả và diện tích đất thuộc quyền sở hữu của người khác. Những hành vi được tiến hành dựa trên tư tưởng cổ hủ, duy tâm trong việc lựa chọn vị trí chôn cất hài cốt, tro hài cốt của người thân đã không ít trường hợp xâm phạm đến mồ mả của người khác. Niềm tin nội tâm của những người còn sống đã dẫn đến hành vi xâm lấn mồ mả của người khác, để có diện tích mai táng người thân đúng vị trí và theo họ ngôi mộ được đặt đúng vị trí thì người chết sẽ phù hộ cho con cháu là ăn phát tài, phát lộc, thăng tiến trên quan trường... Hành vi xâm lấn diện tích đất mồ mả thường gây ra sự mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Những tranh chấp về diện tích đất mai táng có thể được giải quyết trên cơ sỏ thỏa thuận và khi có yêu cầu thì chính quyền địa phương có thể áp dụng biện pháp hành chính trong quyền hạn của mình để giải quyết. - Thứ ba, trong dân gian, còn có phong tục cải mả cho người đã mất sau ba năm chôn cất, tuy đó là một hành vi có tác động đến mồ mả, nhưng hành đó xuất phát từ những ý niệm tốt chủ thân nhân người đã khuất với những lý do rất sâu sắc như lo liệu một nơi an nghỉ tốt hơn cho người thân, tránh những điều kiêng kị và cầu mong sự việc tốt lành, công danh phú quý… Hành vi này không mang yếu tố thiệt hại xảy ra trên thực tế, cũng không có yếu tố “hành vi trái pháp luật” trong bốn căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Cũng có không ít trường hợp, cá nhân, tổ chức không cố ý làm phương hại đến mồ mả, nhưng thực tế là đã làm phương hại. Các trường hợp đó, có thể là người dân đào móng nhà, khoan giếng, đào ao, khai hoang … các công ty xúc tiến việc xây dựng công trình đã vô tình phạm phải các ngôi mộ dưới lòng đất. Trường hợp này, chủ thể xâm phạm có phải bồi thường thiệt hại hay không? Thiệt hại cụ thể đã xảy ra nhưng nó thuộc vào trường hợp bất khả kháng, người xâm phạm không thể dự liệu trước được khả năng có thể tồn tại những ngôi mộ nằm dưới lòng đất do không có bất kỳ dấu hiệu nào để xác định. Hơn nữa, đây là những ngôi mộ cổ, những ngôi mộ đã thất lạc nên cũng không xác định được chủ thể được bồi thường trong trường hợp này. Như vậy chủ thể xâm phạm cũng không có trách nhiệm phải bồi thường, tuy nhiên, họ có trách nhiệm cải táng lại những ngôi mộ đó theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc và bản sắc văn hóa của cộng đồng. 2. Một số vụ việc về xâm phạm mồ mả trên thực tế và tầm quan trọng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả hiện nay. Trong thời gian gần đây, các vụ án liên quan về vấn đề xâm phạm mồ mả đang có chiều hướng gia tăng. Tiêu biểu như các vụ việc đào trộm hài cốt, tài sản có trong mộ, bốc mộ trái phép hay xâm phạm mồ mả để chặt bàn tay của người bị sét đánh... Ví dụ vụ án xâm phạm mồ mả ở nghĩa trang Đồng Trưa quận Hà Đông Hà Nội. Về vụ việc nêu trên, Báo CAND đã đưa tin, đêm 21 rạng sáng 22/8 2010, Vào đầu tháng 8.2010, Phạm Hồng Kỳ (nguyên là nhân viên Công ty CP cơ giới giao thông An Thành Kỳ) được giao nhiệm vụ đi tìm chỗ đổ bùn đất thải sau thi công. Kỳ đã thỏa thuận với Sơn và Đương, là nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Tín Nghĩa (đơn vị ký hợp đồng bảo vệ tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài) với giá 140 nghìn đồng/chuyến bùn đất thải đổ vào nghĩa trang Đồng Trưa thuộc P.Dương Nội, Q.Hà Đông. Đêm 21, rạng sáng 22.8.2010, các đối tượng đã hướng dẫn 10 ô tô có tải trọng 15 - 24 tấn đổ 49 chuyến bùn thải vào nghĩa trang. Bùn thải vùi lấp 800m2, trong đó có 35 ngôi mộ.  Việc làm trên đã gây bức xúc trong dư luận, nhiều người dân lo lắng phần mộ của người thân bị thất lạc. Ngoài án phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc 3 bị cáo chi trả hơn 389 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Hay như vụ xâm phạm mồ mả để xin số đánh đề ở Tp Phan Thiết – Bình Thuận 2011. Người nào bị chết yểu hay chết “bất đắc kỳ tử” chôn ở Nghĩa trang TP Phan Thiết là đều bị một số kẻ đáng lên án đến cầu cơ, xin số. Mà cách xin mới thất đức, chúng dùng một cây sắt dài, đóng xuống giữa ngôi mộ, đóng cạn chưa xin được số, hôm sau chúng đóng sâu hơn… Một vụ xâm phạm mồ mả cũng gây chú ý năm 2011 đó là vụ án đập phá 350 ngôi mộ trong đêm giao thừa ở Đức Thọ - Hà Tĩnh. Theo kết quả điều tra, rạng sáng 3/2/2011 (mồng 1 Tết Tân Mão), Nguyễn Văn Lợi do có mâu thuẫn với đám thanh niên trong xã Đức Yên, nên đã về nhà mang búa tạ ra nghĩa trang đập phá 350 ngôi mộ để trả thù. Trong số đó có 86 ngôi mộ bị phá hỏng rất nặng phần búp sen, di ảnh, tường bao quanh và các họa tiết hoa văn trên phần mộ,…Ngoài chịu trách nhiệm hình sự, tên Lợi còn phải bồi thường thiệt hại cho các dòng họ bị hư hại mồ mả gần 160 triệu đồng. Có thể thấy, trách nhiệm bồi thường do xâm phạm mồ mả có ý nghĩa rất quan trọng một khi có hành vi xâm phạm mồ mả xảy ra. Việc bồi thường là rất cần thiết không chỉ với gia đình cá nhân có mồ mả bị xâm phạm mà còn phù hợp với đạo đức, bản tính của con người, của xã hội Việt Nam, bản thân người chết cũng sẽ “yên lòng”. Bên cạnh đó, việc xác định trách nhiệm dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác xâm phạm mồ mả của người khác là cân thiết. Chỉ khi nào xác định rõ hành vi xâm phạm mồ mả và hậu quả của hành vi đó, tòa án nhân dân mới có cơ sở pháp lý để xác định người phải bồi thường, người được bồi thường, mức độ bồi thường do có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác. Việc giải quyết triệt để những tranh chấp do hành vi xâm phạm mồ mả của người khác không những bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản của những người liên quan mà còn ngăn chặn kịp thời những hành vi cố ý xâm phạm mồ mả của người khác để đảm bảo những quy định của pháp luật về đối tượng đặc biệt này được thực hiện trong đời sống xã hội hiện đại. 3. Hướng hoàn thiện pháp luật. - Thứ nhất, theo khái niệm chung, mồ mả là nơi chôn cất người chết. Việc chôn cất được thực hiện theo phong tục tập quán. Mỗi địa phương có cách thức xây mồ mả, hoặc cất giữ hài cốt của người chết khác nhau, cho nên chi phí cũng khác nhau. Vì vậy, khi có hành vi xâm phạm mồ mả cần phải tính đến các yếu tố tập quán để giải quyết việc bồi thường thiệt do xâm phạm mồ mả trên thực tế được hợp lý. - Thứ hai, lần đầu tiên BLDS quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể. Đây là một việc làm cần thiết, phù hợp với đời sống thực tiễn. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành còn quy định chung chung về xâm phạm mồ mả và xâm phạm thi thể, nên khi có vụ việc xảy ra trên thực tế, có phần áp dụng khó khăn. Trong khi đó, để hướng dẫn áp dụng một số điều của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP cũng không có một điều khoản cụ thể nào hướng dẫn áp dụng về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Trên thực tế, nhiều khi có sự nhầm lẫn khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa xâm phạm mồ mả và xâm phạm thi thể. Thiết nghĩ, pháp luật nên quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn thế nào là xâm phạm mồ mả, thế nào là xâm phạm thi thể để giải quyết các vụ việc được chính xác hơn. - Thứ ba, theo quan điểm cá nhân pháp luật nên quy định người xâm phạm mồ mả phải người có trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì cũng áp dụng mức bồi thường tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do nhà nước qui định tại khoản 2 Điều 611 BLDS. - Thứ tư, việc phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang tiến dần hơn với đời sống thực tế của người dân, mang lại một màu sắc khác cho đời sống của họ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, xu hướng này cũng đã mang lại khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài sự ô nhiễm môi trường như chúng ta vẫn thường nhắc đến thì một ảnh hưởng tiêu cực nữa cũng không thể bỏ qua, đó là việc người dân mất đất, đồng thời ở một số nơi còn mất cả mồ mả cha ông. Có không ít nơi việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có thể xuất hiện những trường hợp chủ đầu tư do vô tình hay hữu ý xâm phạm đến mồ mả của người khác trên phạm vi đất được cấp quyền sử dụng hoặc có hành vi lấn chiếm, mở rộng diện tích đã vi phạm địa giới liền kề mà xâm phạm đến mồ mả của người khác. Chính sách phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa là một chính sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng không nên đầu tư theo hướng dàn trải mà cần thiết phải có trọng điểm, cũng cần thiết phải có sự quy hoạch hợp lý, trách tình trạng chồng chéo dẫn đến hậu quả xấu là xâm phạm đến mồ mả - chốn tâm linh của cả người đã khuất và người còn sống. LỜI KẾT Có thể thấy, đây là một vấn đề hay, có giá trị sâu sắc khi phân tích, tìm hiểu. Ta biết rằng, xâm phạm mồ mả là một hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, rất đáng lên án. Việc pháp luật dân sự đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả là cần thiết, ý nghĩa. Điều này phù hợp với đạo đức, truyền thống con người Việt Nam, khi mà cuộc sống luôn biến động, trong xã hội nảy sinh nhưng hành vi tiêu cực như xâm phạm mồ mả. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả nói riêng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, không chỉ nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009; 2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009. 3. Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe và tính mạng, Nxb Hà Nội, 2009. 4. Nghị quyết của HĐTP TANDTC số 03 ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 5. Bộ luật dân sự 2005. 6. Báo Công an nhân dân.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMồ mả và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.doc
Luận văn liên quan