Một số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay

MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU1 CHƯƠNG I. 4 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH4 1.1. Một số khái niệm cơ bản. 4 1.1.1. Khái niệm gia đình và thành viên gia đình. 4 1.1.2. Khái niệm bạo lực và bạo lực gia đình. 5 1.2. Một số yếu tố tác động đến bạo lực gia đình. 7 1.2.1. Phong tục, tập quán. 7 1.2.2. Tâm lý. 8 1.2.3. Điều kiện kinh tế xã hội9 1.2.4. Định kiến giới10 1.2.5. Trình độ dân trí11 1.3. Hậu quả của bạo lực gia đình đối với gia đình và xã hội. Ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình11 1.3.1. Hậu quả của bạo lực gia đình đối với gia đình và xã hội11 1.3.2. Ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình. 13 1.4. Pháp luật một số quốc gia đối với vấn đề bạo lực gia đình. 14 1.4.1. Phạm vi điều chỉnh. 15 1.4.2. Phòng ngừa bạo lực gia đình. 17 1.4.3. Thủ tục xác định và báo cáo về những trường hợp bạo lực gia đình. 19 1.4.4. Về các quyết định bảo vệ nạn nhân. 20 CHƯƠNG II. 22 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH22 2.1. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình. 22 2.2. Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể của bạo lực gia đình. 25 2.2.1. Quyền, nghĩa vụ của nạn nhân. 25 2.2.2. Quyền và nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình. 27 2.3. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình và các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình30 2.3.1. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình. 30 2.3.2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác. 34 2.4. Các biện pháp cơ bản ngăn chặn hành vi bạo lực và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình35 2.4.1. Buộc chấm dứt hành vi bạo lực và cấp cứu nạn nhân. 35 2.4.2. Cấm tiếp xúc. 38 2.5. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. 40 2.5.1. Xử lý kỷ luật40 2.5.2. Xử lý hành chính. 41 2.5.3. Xử lý theo pháp luật dân sự43 2.5.4. Xử lý theo pháp luật hình sự46 CHƯƠNG III. 49 THỰC TRẠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁP LÝ NHẰM NGĂN CHẶN CÓ HIỆU QUẢ HÀNH VI BẠO LỰC TRÊN THỰC TẾ49 3.1. Thực trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam những năm gần đây. 49 3.1.1. Thực trạng bạo lực giữa các thành viên trong gia đình. 49 3.1.2. Thực trạng áp dụng pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian qua52 3.2. Một số giải pháp pháp lý nhằm ngăn chặn có hiệu quả hành vi bạo lực trên thực tế55 3.2.1. Làm rõ một số khái niệm quan trọng trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình55 3.2.2. Hoàn thiện một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. 57 KẾT LUẬN63 LỜI MỞ ĐẦU 1.Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính lịch sử toàn cầu, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ. Bước sang thế kỷ XXI, phòng, chống bạo lực giới đang là một trong những mục tiêu của thiên niên kỷ. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon đã tuyên bố: "Bạo lực đối với phụ nữ là không bao giờ được chấp nhận, không bao giờ được khoan dung, tha thứ ." [16] Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp liên quan như: Hiến pháp năm 1992; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ luật Dân sự; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh về Người cao tuổi; Pháp lệnh về Người tàn tật và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu những quy định của pháp luật hiện hành và những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng những quy định này trên thực tế, từ đó tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật với vấn đề bạo lực gia đình hiện nay là rất cần thiết. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Trước khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời, sự quan tâm của các học giả tới vấn đề này thường chỉ dừng ở những nghiên cứu về mặt xã hội, những nghiên cứu về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình thường lồng trong các nghiên cứu về hôn nhân gia đình. Từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời, những nghiên cứu pháp lý về vấn đề này đã xuất hiện trên nhiều báo, tạp chí bởi tính thời sự cấp thiết của nó. Tuy nhiên, những nghiên cứu có hệ thống, có trọng tâm về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình chưa nhiều. Hiện tại có thể kể tới Luận văn thạc sĩ luật học "Luật phòng chống bạo lực gia đình với việc hạn chế ly hôn do bạo lực gia đình" của tác giả Nguyễn Thị Lệ (Hà Nội, 2010); Khóa luận tốt nghiệp "Tìm hiểu hành vi bạo lực gia đình - nguyên nhân, giải pháp hạn chế" của tác giả Nguyễn Thị Bình (Hà Nội, 2010). Những công trình này đã nghiên cứu một số khía cạnh cụ thể của việc phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và tổng quát về các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật với vấn đề bạo lực gia đình trong thời gian tới. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài “Một số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay” làm luận văn thạc sĩ của mình. 3. Tính mới của đề tài Đề tài “Một số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay” không đi vào nghiên cứu một nội dung cụ thể nào mà chỉ đánh giá chung về các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam, tham khảo quy định của một số nước trên thế giới về vấn đề này. Từ đó, xem xét thực trạng bạo lực giữa các thành viên trong gia đình và thực trạng áp dụng pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam trong thời gian qua để đưa ra kiến nghị về một số giải pháp pháp lý nhằm ngăn chặn có hiệu quả hành vi bạo lực trên thực tế. 4. Mục đích, phạm vi nghiên cứu Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là tìm hiểu các quy định của pháp luật về bạo lực gia đình hiện nay, xem xét thực trạng về bạo lực gia đình để tìm ra một số giải pháp pháp lý nhằm ngăn chặn có hiệu quả hành vi này. Phạm vi nghiên cứu của đề tài chủ yếu tập trung vào các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, có xem xét tới các quy định có liên quan trong các văn bản pháp luật khác. 5. Phương pháp nghiên cứu Các phương pháp cụ thể được tác giả sử dụng khi nghiên cứu đề tài bao gồm: quy nạp, diễn dịch, phân tích, tổng hợp. so sánh 6. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn còn gồm 3 chương: Chương I: Khái quát chung về bạo lực gia đình Chương II: Thực trạng pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình Chương III: Thực trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam trong những năm gần đây và một số giải pháp pháp lý nhằm ngăn chặn có hiệu quả hành vi bạo lực trên thực tế.

doc70 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5140 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Một số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
số 110/2009/NĐ-CP ngày 10-12-2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định 110) đã quy định mức xử phạt với hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình như sau: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với với một trong các hành vi sau: a) Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; b) Biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; c) Có hành vi cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình. Ngược lại, những người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được hưởng các chế độ quy định tại Điều 5, Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định 08) như sau: 1. Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; 2. Người có hành vi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân khi trực tiếp thực hiện việc ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, nếu bị chết thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ, nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật; 3. Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà bị thiệt hại về tài sản thì được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra bạo lực gia đình hoàn trả thiệt hại trong trường hợp người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thiệt hại; kinh phí hoàn trả được lấy từ ngân sách của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dành cho thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Như vậy, những quy định này một mặt đã đưa ra những hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp, có tác dụng động viên, khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của mỗi công dân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, mức xử phạt với hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình còn thấp, chưa có tính răn đe, giáo dục, nhất là với những trường hợp tái phạm nhiều lần. 2.4.2. Cấm tiếp xúc Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện các hành vi sau đây: Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m, trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân; Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân (Điều 8, Nghị định 08) Thẩm quyền áp dụng biện pháp này thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình và Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký. Điều kiện để áp dụng biện pháp này bao gồm: Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình; Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình; Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc (Nơi ở này bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở) Người có hành vi bạo lực gia đình chỉ được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình trong một số trường hợp sau: Gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi; Gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng; Khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc của Toà án có thẩm quyền thì người đứng đầu cộng đồng dân cư phối hợp với tổ chức có liên quan ở cơ sở để phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc. Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong các trường hợp: Có đơn đề nghị của nạn nhân bạo lực gia đình; Người vi phạm quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm. Biện pháp cấm tiếp xúc được hủy bỏ trong các trường hợp sau đây: Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình; Biện pháp này không còn cần thiết; Phát hiện những thông tin sai lệch làm căn cứ ra quyết định. Quyết định hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký. Việc quy định về việc cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa nạn nhân và người có hành vi bạo lực có thể coi là quy định mang tính đột phá để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân, nhất là trong trường hợp người có hành vi bạo lực có thái độ ngoan cố, hung bạo, cố tình tiếp tục hành vi, gây ra nhiều hoang mang, bức xúc cho nạn nhân và cả xã hội. Hơn nữa, đây là cơ hội để hai bên có thời gian cân nhắc, xem xét lại hành động của mình và cũng là để giáo dục người có hành vi bạo lực về tội lỗi của họ. Hiện nay, pháp luật quy định về vấn đề này cũng khá đầy đủ và rõ ràng, mang đến nhiều sự thuận lợi cho người áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật về vấn đề này chưa thực sự hợp lý như: quy định về việc nạn nhân phải tìm được nơi ở khác là điều kiện để thực hiện việc cấm tiếp xúc; không có cơ chế hỗ trợ nạn nhân trong thời gian cấm tiếp xúc; việc cấm tiếp xúc trường hợp phải có yêu cầu hoặc chấp nhận của nạn nhân hoặc người giám hộ. 2.5. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình Điều 42, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau: “1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục. 3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.” Như vậy, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị xử lý bằng các biện pháp khác nhau, bao gồm: 2.5.1. Xử lý kỷ luật Hình thức xử lý kỷ luật được áp dụng với những người là cán bộ, công chức theo quy định tại Điều 4, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, đã có hành vi vi phạm Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm. Các hình thức kỷ luật đối với công chức bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.           Việc áp dụng các hình thức kỷ luật với cán bộ, công chức tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn việc xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức có hành vi bạo lực gia đình; tuy nhiên các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền có thể căn cứ vào Điều 42, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 78, Điều 79, Luật Cán bộ công chức để đưa ra hình thức kỷ luật hợp lý. Cán bộ, công chức không chỉ chiếm số lượng lớn mà còn là đối tượng có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Việc pháp luật quy định về việc kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi bạo lực gia đình là cơ sở để thực thi công tác phòng, chống bạo lực gia đình một cách có hiệu quả. Quá trình triển khai công tác Kế hoạch hóa gia đình là một minh chứng rõ ràng cho thấy: trong lĩnh vực liên quan đến gia đình, chế tài xử lý kỷ luật có tác động rất tích cực tới ý thức của cán bộ, công chức, và từ đó có sức lan tỏa ra toàn xã hội. 2.5.2. Xử lý hành chính Những quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đã được ghi nhận tại Nghị định 110. Nghị định này quy định rất chi tiết về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thẩm quyền, nguyên tắc, hình thức xử phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… Theo đó: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình và các hành vi khác do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau: “1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền. Mức phạt tiền cụ thể đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Chương II Nghị định này. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 30.000.000 đồng. 2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề; b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. 3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; c) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại; d) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. 4. Người nước ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.” (Điều 4) 2.5.3. Xử lý theo pháp luật dân sự Điều 4, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình là “Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật”(Khoản 4). Điều 42 của Luật này cũng ghi nhận: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình... nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Khoản 1). Những quy định này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 604, Bộ luật Dân sự: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” Các nguyên tắc bồi thường, xác định thiệt hại… được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, người gây ra thiệt hại phải bồi thường và người được bồi thường lại là những thành viên trong cùng một gia đình với những mối liên hệ chặt chẽ về tình cảm cũng như về kinh tế, nên vấn đề bồi thường trở nên rất nhạy cảm và tế nhị, có thể đe dọa phá vỡ hạnh phúc gia đình bất cứ lúc nào. Trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh giữa cha mẹ và con: Điều 606, Bộ luật Dân sự quy định : Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Điều 40, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định: “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra” Như vậy, thiệt hại do người chưa thành niên gây ra thì cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp nếu người con này có hành vi bạo lực, gây thiệt hại cho chính cha mẹ mình thì xử lý như thế nào? Theo quy định của pháp luật thì người con nếu không có tài sản riêng thì cha mẹ phải dùng tài sản để bồi thường thay cho con. Như vậy, người trực tiếp phải bồi thường và người được bồi thường là một, người có hành vi vi phạm không phải chịu thiệt hại gì. Ngược lại, nếu quan hệ bồi thường phát sinh giữa cha mẹ đối với con: khi cha mẹ có hành vi bạo lực với con, dù họ chỉ là thực hiện việc giáo dục con mà gây ra những tổn thất về thể chất, tinh thần cho trẻ thì cha mẹ cũng phải bồi thường. Nhưng đứa trẻ sống dưới sự chăm lo, nuôi dưỡng của cha mẹ thì việc cha mẹ bồi thường cho con thực hiện như thế nào? Với những người con chưa thành niên, chưa có khả năng quản lý tài sản thì số tiền này do người giám hộ của con là cha mẹ quản lý và được phép chi tiêu vào những hoạt động vì lợi ích của con. Điều này rất dễ dẫn tới những sự không rõ ràng khi mà cha mẹ vẫn là người nuôi dưỡng con, họ hoàn toàn có thể dùng tiền phạt của mình để thực hiện nuôi dưỡng và kết quả là họ hầu như không bị ảnh hưởng gì. Ngoài ra còn có những trường hợp những bậc cha mẹ già sống trong sự phụng dưỡng của các con nhưng lại có hành vi bạo lực với con cái, phải bồi thường theo quy định của pháp luật; nhưng họ không có gì để bồi thường ngoài số tiền được con cái cho, nên việc bồi thường về căn bản không được thực hiện trên thực tế. Một trường hợp bồi thường trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cũng khá phổ biến là bồi thường thiệt hại giữa vợ và chồng. Có những trường hợp người vợ hoặc người chồng không có thu nhập, không có tài sản riêng mà lại có hành vi bạo lực gia đình và phải bồi thường cho chồng hoặc vợ mình. Về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất. Nên khi phát sinh nghĩa vụ bồi thường thì phải chia khối tài sản chung của vợ chồng, xác định phần tài sản tiền của mỗi người để thực hiện nghĩa vụ. Điều này có thể làm xáo trộn gia đình, ảnh hưởng tới kinh tế cũng như khả năng sản xuất kinh doanh của gia đình. Người được bồi thường lại phải gánh chịu những hậu quả bất lợi từ việc bồi thường gây ra, nên trong nhiều trường hợp họ cũng không muốn nhận, thậm chí còn phải thực hiện nghĩa vụ thay cho vợ, chồng mình để bảo toàn tài sản gia đình. Việc thi hành án trong những trường hợp này cũng rất lòng vòng và lãng phí. Đây là vấn đề vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Ngoài ra, một quy định khác của pháp luật hôn nhân có thể áp dụng trong phòng, chống bạo lực gia đình là hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tuỳ từng trường hợp cụ thể Toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Toà án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này (Điều 41, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000) Với quy định này, khi người cha, mẹ có hành vi bạo lực gia đình với con thì có thể bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con. Khi bị áp dụng chế tài này có thể đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ: hạn chế ảnh hưởng của người đã có hành vi bạo lực với chúng, ngăn chặn những hành vi tương tự xảy ra, bảo đảm sự an toàn, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của chúng. Tuy nhiên, việc tách đứa trẻ ra khỏi bố mẹ có thể làm phát sinh những hậu quả nhất định, tác động xấu tới sự trưởng thành của chúng, do đó cần được xem xét và cân nhắc cẩn thận. Do pháp luật chưa có quy định cụ thể về “hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” người áp dụng pháp luật cần xem xét từng trường hợp cụ thể, hành vi bạo lực đã rơi vào quy định này hay chưa để đưa ra quyết định đúng đắn. 2.5.4. Xử lý theo pháp luật hình sự Hiện nay, Bộ luật Hình sự đã có phần riêng quy định về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (Chương XV), trong đó có những tội liên quan tới bạo lực gia đình gồm: Điều 146. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Cưỡng ép kết hôn là dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác (bên nam, bên nữ hoặc cả hai bên) phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc buộc họ phải cắt đứt quan hệ hôn nhânđó. Hành vi cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999: chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Nghĩa là trước đó người này đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong Điều 146 này, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện chính hành vi đó hoặc một trong những hành vi được liệt kê trong điều luật này. Thông thường, chủ thể của tội này là bên nam hoặc bên nữ muốn kết hôn; người có ảnh hưởng nhất định trong gia đình của bên nam hay bên nữ (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị...) người có ảnh hưởng trực tiếp đến bên nam hoặc bên nữ (người vợ cũ, chồng cũ, con sau khi ly hôn, người tình cũ...); người có ảnh hưởng trong công tác (thủ trưởng đối với nhân viên) hoặc về tín ngưỡng, tôn giáo (như: các chức sắc trong tôn giáo đối với tín đồ) Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt thường ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm tới thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần. Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý. Nếu làm chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. CHƯƠNG III THỰC TRẠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁP LÝ NHẰM NGĂN CHẶN CÓ HIỆU QUẢ HÀNH VI BẠO LỰC TRÊN THỰC TẾ 3.1. Thực trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam những năm gần đây 3.1.1. Thực trạng bạo lực giữa các thành viên trong gia đình a) Bạo lực giữa vợ và chồng Bạo lực của người chồng đối với người vợ trong gia đình: đây là hình thức bạo lực được coi là phổ biến nhất trong gia đình. Không cần nhiều số liệu chứng minh chúng ta cũng có thể khẳng định bạo lực do người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất – hình thức bạo lực dễ nhận thấy nhất và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sở dĩ người đàn ông chọn cách sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ như vậy một phần do những yếu tố đã nêu ở trên, một phần khác quan trọng hơn là họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng đều là bạo lực về thể chất mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ: mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm,…; hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế… Ngược lại, trong xã hội ngày này, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực với chồng cũng không phải là hiếm. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chua ngoa, những cách xử sự thô bạo mà họ còn trực tiếp gây ra những tổn thương về thể chất cho chồng. Một ví dụ điển hình có thể nêu ra đây là vụ bà Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Lê Hoàng Hùng giết chồng đang được rất nhiều người quan tâm. Mặc dù cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận cuối cùng nhưng hung thủ đã khai nhận: có hai nguyên nhân dẫn đến việc bà sát hại chồng. Một là, ông Hùng biết chuyện tình cảm của bà ở bên ngoài, hai là vấn đề kinh tế gia đình khó khăn. Về chuyện tình cảm, gần đây ông Hùng phát hiện vợ có quan hệ tình cảm với một vài người khác nên nảy sinh ghen tuông. Bà Liễu khai ông Hùng có chửi mắng và đánh bà. Ngoài ra, cuối năm 2010, bà Liễu đã sang Campuchia đánh bạc, do thua bạc, thiếu nợ nên bà Liễu đề nghị ông Hùng bán căn nhà đang ở nhưng ông Hùng không đồng ý. Báo cáo của Công an tỉnh Long An ngày 21-2 cho biết sáng 17-1, bà Liễu đi mua một đoạn dây dù và 20.000 đồng xăng chứa trong bịch nilông đem cất vào tủ. Trưa 17-1, khi không có ai ở nhà, bà Liễu lấy dây dù cột vào lan can nhà ở tầng 1, thắt nút các dây với dụng ý làm hiện trường giả rồi giấu vào góc khuất. Khoảng 0h ngày 19-1, bà Liễu đi từ phòng ngủ ra lan can thả một đầu dây dù xuống đất, sau đó lấy bịch xăng tạt vào giường ông Hùng đang nằm ngủ và châm lửa đốt. Thấy lửa đã cháy, bà Liễu đi về phòng nằm như không có chuyện gì xảy ra. Khi ông Hùng bị phỏng tung cửa chạy ra kêu cứu, bà Liễu mới cùng hai con chạy ra dập lửa trên người ông Hùng và cùng kêu cứu. Báo cáo khẳng định lời khai của bà Liễu phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án và các tài liệu chứng cứ thu thập được. [25] Tóm lại, bạo lực gia đình từ cả hai phía vợ, chồng đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân của hiện tượng này rất nhiều, ngoài vấn đề tâm lý còn phải kể đến vấn đề đạo đức, kiến thức giải quyết mâu thuẫn gia đình… b. Bạo lực giữa cha mẹ và con cái Với những phân tích trên về tâm lý, truyền thống, thói quen của người Việt, bạo lực gia đình giữa cha mẹ với con cái là khá phổ biến và được xã hội chấp nhận. Đó thường là những hành động “dạy bảo” con cái, xuất phát từ quan niệm “yêu cho roi cho vọt” và giáo dục cần phải nghiêm khắc. Rất nhiều ông bố bà mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa; hay coi việc mạt sát, trách móc là động lực để chúng phấn đấu. Trên thực tế, cách làm này phần nào phù hợp với tâm lý người Việt và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi những chuẩn mực tiến bộ về quyền con người đã và đang được phổ biến trên thế giới thì những tư tưởng, cách làm này cần được loại bỏ. Đặc biệt là những trường hợp bạo lực với con cái vượt ra ngoài phạm vi giáo dục – một tình trạng ngày càng gia tăng – thì càng cần phải bị trừng trị nghiêm khắc. Bên cạnh những hành vi bạo lực từ phía cha mẹ, bạo lực gia đình xuất phát từ người con đối với cha mẹ mình cũng đang ngày một gia tăng. Một số trường hợp những người trẻ tuổi gây ra nhưng tổn thương về cả vật chất, tinh thần cho cha mẹ do sự bốc đồng tuổi trẻ, thiếu kiềm chế, do đua đòi hư hỏng hoặc lý do khác. Tuy nhiên, không thể bào chữa, biện hộ cho những người con cái đã khôn lớn trưởng thành nhưng lại bỏ bê, không chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, thậm chí tàn nhẫn hơn là đánh đập, chửi mắng, xỉ nhục những người đã sinh ra mình. Lý do rất đơn giản: những người già thì sức khỏe yếu, không còn sức lao động nên cần có người chăm sóc; trong khi những đứa con không đủ yêu thương nên không muốn tốn kém tiền của, thời gian, công sức của mình cho cha mẹ, đúng như câu ca dao xưa “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể; Con nuôi mẹ con kể từng ngày”. Điều này chứng tỏ một sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng, hoàn toàn ngược lại với truyền thống đề cao chữ “hiếu” của dân tộc Việt Nam. Báo Pháp luật Việt Nam số 62, ngày 03/03/2011 có đưa tin về một vụ án đã gây xôn xao dư luận ở tỉnh Kiên Giang: vì tiền, đứa con bất hiếu đã bóp cổ mẹ, treo ngược bố lên cành mít để tra hỏi. Cụ thể: đã nhiều năm, tại ấp Sơn Thành, xã Nam Hoài Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang quen với cảnh tên Đỗ Văn Hiếu (Sn 1992, con ruột bà Lê Thị Nga và ông Đỗ Văn Ái) luôn say xỉn, thường xuyên chửi bới, đánh đập cha mẹ. Nghiêm trọng nhất là chiều ngày 25/12/2010, khi Hiếu đi uống rượu về, thấy mẹ đang ngủ đã dùng dao dí vào cổ bà Nga đòi phải đưa xe máy và 22 triệu. Trong hoàn cảnh bị chính cậu quý tử đe dọa, bà Nga chỉ còn biết khóc lóc van xin. Thế nhưng tình mẫu từ không làm Hiếu xiêu lòng mà ngược lại, hắn còn kéo lê mẹ ra đường và làm bà chảy máu. Phải đến khi ông Lê Văn Tuấn (em bà Nga) nghe tin đến xin Hiếu thả bà Nga ông sẽ đưa tiền, rồi lợi dụng lúc Hiếu sơ xuất ông Tuấn xông vào giật con dao thì bà Nga mới được giả thoát. Không dừng lại ở đó, 17h chiều cùng ngày, tên Hiếu tiếp tục quay về nhà để trấn lột tiền bạc, của cải. Lần này nạn nhân là ông Ái – cha ruột của y. Thấy ông Ái đang ngủ, Hiếu xông vào bắt trói và treo chân bố mình lên cây mít, chúi ngược đầu xuống đất rồi tra hỏi chỗ cất tiền. Thấy tên Hiếu quá mất nhân tính, người dân đã báo với lực lượng Công an đến khống chế và bắt giam đứa con này. [19] c) Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình với nhau cũng đã tồn tại từ lâu nhưng chiếm tỷ lệ không lớn, vì mức độ phụ thuộc giữa các thành viên này là không cao như giữa vợ chồng hay cha mẹ với con. Nạn nhân của loại bạo lực này vẫn chủ yếu là phụ nữ và trẻ em khi mà các thành viên này muốn tham gia vào việc “giáo dục” những người làm dâu, làm con trong gia đình. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong gia đình không tìm được cách giải quyết cũng dẫn tới nạn bạo lực giữa những thành viên khác: anh em, chú cháu đánh nhau vì xích mích trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản; chị em mắng chửi, nói xấu nhau… 3.1.2. Thực trạng áp dụng pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian qua Báo Pháp luật Việt Nam số 88 (4514) ra ngày 29/3/2011 đưa tin: Luật sư Nguyễn Văn Tú, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng được mời bảo vệ cho quyền lợi của nạn nhân Lại Thị Mai (Phủ Lý, Hà Nam) bị chết vì hành vi bạo lực gia đình do chồng gây ra. Trong quá trình tiếp cận hồ sơ vụ án, các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương đều không hề biết đến Luật PCBLGĐ, nên Luật sư Tú phải photo cuốn Luật PCBLGĐ để “tặng” các cán bộ [22] Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn là dù Luật PCBLGĐ đã có hiệu lực thi hành một thời gian nhưng khi được hỏi đến, rất nhiều người, thậm chí có cả những cơ quan chủ chốt thực thi Luật vẫn không biết về Luật này. Kết quả Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình do Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố ngày 25/11/2010 cho thấy; có khoảng 60% phụ nữ từng bị bạo lực về thể xác và tình dục do chồng gây ra cho biết họ có nghe về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng không nắm được chi tiết Luật [22]. Thế nên đa số chỉ quan tâm tới quyền của nạn nhân khi xảy ra bạo lực hơn nghĩa vụ của họ; trên một phần ba tổng số phụ nữ được hỏi chưa thấy được nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi có bạo lực gia đình xảy ra, dù đây là nghĩa vụ mà pháp luật quy định để bảo vệ quyền lợi cho họ. Mặt khác, cũng do khâu tuyên truyền còn hạn chế nên quan niệm, nhìn nhận của nhiều người về hành vi bạo lực gia đình còn nhiều điểm chưa đúng. Bằng chứng là không ít người vẫn còn quan niệm chỉ khi dẫn đến hậu quả nặng nề về mặt thể chất thì mới xem đó là hành vi bạo lực. Một số hành vi như gây tổn hại về tinh thần, cô lập, xua đuổi, cưỡng ép tình dục… chưa được nhận biết rõ. Thậm chí có nhiều địa phương, thậm chí là cán bộ hội, chính quyền hẳn hoi nhưng vẫn xem những hành vi như: lấy gậy đánh, tát, đấm, chửi bới khi không đẻ được con trai, chửi mắng, dọa dẫm khi không được quan hệ tình dục… chỉ là mâu thuẫn trong gia đình; còn gọi là bạo lực gia đình thì phải là những vụ việc nghiêm trọng, có can thiệp của y tế. Báo Pháp luật Việt Nam số 85 (4511) ra ngày 26/3/2011 có nêu ví dụ: Tổ chức Gret tại Việt Nam (Tổ chức Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ) trong thời giai tiến hành cuộc khảo sát về bạo lực gia đình ở tỉnh Hòa Bình năm 2009 đã phát hiện chị S bị chồng đánh rất dã man. Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng khi chị S báo cáo với Trưởng thôn và Chi bộ thôn thì đều nhận được lời khuyên “Nó đánh một tý thôi, nhịn đi”. Đúng vào thời gian đó, tổ chức Gret tiến hành khảo sát thực trạng bạo lực gia đình ở Hòa Bình nên chị S đã được lên tiếng nói về thảm kịch của mình. Ngay lập tức, Gret liên lạc với Hội phụ nữ huyện, rồi Hội phụ nữ tỉnh để có phương án hỗ trợ cho chị. Kết quả là Hội phụ nữ huyện không những không vào cuộc mà còn gọi điện mắng mỏ Hội phụ nữ xã là “vượt cấp”, là không báo cáo với Hội phụ nữ huyện mà để nạn nhân báo cáo với Gret, Gret lại báo lên tỉnh, làm mất thành tích của huyện. Cuối cùng, chị S không những không được can thiệp hỗ trợ mà còn bị phê bình và kết tội. Trong vòng luẩn quẩn đó, chị càng bị chồng đánh nhiều hơn. [23] Nghiêm trọng hơn nữa là vụ người chồng đánh vợ suốt hơn 30 năm ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nhưng vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã khi được hỏi lại cho rằng đó là việc của gia đình họ, đã có gì đâu mà phải gọi người chồng lên răn đe, giáo dục; còn những người hành xóm thì trả lời “chuyện ông ấy đánh vợ thì như cơm bữa, ai hơi sức đâu quan tâm” [24]. Tất cả những ví dụ trên đều chỉ ra một thực tế không thể phủ nhận rằng dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, dù đã có một hệ thống văn bản liên quan tới phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng những quy định này chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa làm thay đổi cơ bản tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam trong thời gian qua. Vì vậy, theo chúng tôi, để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật với vấn đề bạo lực gia đình, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tìm ra các giải pháp nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả hành vi bạo lực. 3.2. Một số giải pháp pháp lý nhằm ngăn chặn có hiệu quả hành vi bạo lực trên thực tế 3.2.1. Làm rõ một số khái niệm quan trọng trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả như mong đợi, theo chúng tôi trước hết cần xác định rõ khái niệm “bạo lực gia đình” đang được nói tới. Ở Việt Nam, quan niệm về bạo lực gia đình của người dân còn khá mơ hồ, và dường như chỉ có bạo lực về thể chất là được lưu ý tới. Khi trong tiềm thức của mỗi công dân đều cho rằng một cái tát, một câu chửi mắng nhau lúc nóng giận là bình thường, con hư thì bố mẹ phải đánh để giáo dục, hay việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ của người vợ… thì những chuyện ấy đương nhiên sẽ không bị coi là bạo lực gia đình, là vi phạm pháp luật. Vì vậy, muốn định hướng hành vi thì trước tiên cần phải định hướng về nhận thức, phải quy định một cách rõ ràng và cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là bạo lực gia đình và cần phải phòng chống. Hiện nay, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Việt Nam chỉ đưa ra định nghĩa “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Khoản 2, Điều 1) và liệt kê các hành vi được coi là bạo lực gia đình tại Khoản 1, Điều 2. Tức là pháp luật đã thừa nhận 3 nhóm hành vi bạo lực là: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế nhưng lại không đưa ra sự phân loại hành vi của từng nhóm. Ngoài ra, những hành vi được nêu cũng khá chung chung, trong khi trình độ nhận thức của đại đa số người dân còn hạn chế nên cần có sự hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của Campuchia, Đông Timo, Indonesia đều có sự phân chia các hành vi vào từng nhóm nhất định và đi vào cụ thể hơn. Đặc biệt, pháp luật của Hàn Quốc đã tổng hợp những hành vi có liên quan đã được các văn bản pháp luật khác quy định để tổng hợp thành khái niệm “Tội bạo lực trong gia đình” của “Luật đặc biệt về trừng phạt hành vi bạo lực trong gia đình” [11, tr. 81]. Chúng tôi coi đây là một hình thức pháp điển hóa, khiến quy định của pháp luật rõ ràng và tránh được sự chồng chéo. Vì vậy, trong vấn đề này, theo chúng tôi cần quy định rõ ràng hơn những hành vi bị coi là “bạo lực gia đình” và có sự tổng hợp những quy định tại những văn bản pháp luật khác nhau về các hành vi này để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả của các quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc chỉ ra các hành vi thì việc xác định rõ các đối tượng của bạo lực gia đình cũng rất quan trọng, từ đó mới có thể xây dựng các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình thích hợp. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Khoản 2, Điều 1) và bổ sung “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng” (Khoản 2, Điều 2). Tuy nhiên, Luật lại không giải thích khái niệm "thành viên gia đình", nên gây khó hiểu trong quá trình áp dụng pháp luật. Hiện nay, đa số mọi người vẫn dựa vào khái niệm gia đình của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (Điều 8); từ đó cho rằng: thành viên gia đình là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng. Sự suy luận này tưởng như rất logic nhưng lại không hề có căn cứ gì, bởi Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là hai luật độc lập, có vị trí ngang bằng nhau trong hệ thống pháp luật, nên không thể tùy tiện áp dụng khái niệm của luật này để giải thích quy định của luật khác. Như vậy, hiện nay đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa được quy định một cách rõ ràng, có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, và do đó việc áp dụng các quy định này để bạo vệ nạn nhân trở nên khó khăn hơn. Xuất phát từ thực tiễn là nhận thức của người dân về bạo lực gia đình là chưa cao, để đảm bảo những quy định của pháp luật thực sự đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng, theo chúng tôi cần quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng điều chỉnh của Luật này. 3.2.2. Hoàn thiện một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình a) Quy định về biện pháp cấm tiếp xúc Việc quy định về việc cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa nạn nhân và người có hành vi bạo lực là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân, để hai bên có thời gian cân nhắc về hành động của mình và cũng là để giáo dục người có hành vi bạo hành về tội lỗi của họ. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này yêu cầu có sự đồng ý của nạn nhân hoặc người giám hộ (thường là một thành viên khác trong gia đình), điều này có phần chưa khả thi. Bởi vì bản chất của những mối quan hệ trong gia đình là gắn bó thân thiết và bền chặt, nếu một người có ý từ bỏ, sống ra ngoài thì mối liên hệ giữa các thành viên thường bị cho rằng sẽ trở nên lỏng lẻo và khó chấp nhận. Hơn nữa, với những nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em, do họ bị phụ thuộc nhiều vào người chồng, người cha, đặc biệt là người phụ nữ lại rất gắn bó với con cái, nên dù bị đối xử tàn nhẫn nhưng họ vẫn có thể nín nhịn, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Do đó, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải có sự đồng ý của nạn nhân mặc dù rất thỏa đáng khi để nạn nhân tự cân nhắc, quyết định theo tình cảm và ý thức của họ, nhưng mặt khác cũng là chưa thể bảo vệ họ tránh những hành vi bạo lực nguy hiểm có thể xảy ra sau này. Bên cạnh đó, quy định về một trong những điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc chưa thật hợp lý: Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc, nơi ở này bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở. Rõ ràng nạn nhân của bạo lực gia đình tiếp tục phải chịu thiệt thòi: họ bị làm tổn thương, và để tránh những tổn thương này họ bị buộc phải rời khỏi nhà của mình. Như vậy, những người khác nhìn vào có thể cho rằng đó là “hình phạt” cho những người không cam chịu mà lên tiếng đòi công bằng cho mình. Trong khi đó, kẻ có hành vi bạo hành lại đương nhiên được ở nhà của mình, việc nạn nhân không ở đó thậm chí có thể là mong muốn của những người này, nên họ có thể hoàn toàn không quan tâm. Quy định này có lẽ dựa trên quy định về tự do cư trú của cá nhân mà quên rằng nạn nhân cũng bắt buộc phải chọn nơi ở khác do những hành vi trái pháp luật của người có hành vi bạo lực; và những người thực hiện hành vi này hoàn toàn có thể bị tước bỏ quyền tự do lựa chọn nơi cư trú vì bản thân họ đã vi phạm pháp luật. Do đó, khi áp dụng biện pháp này, theo chúng tôi trong một số trường hợp không cần đến sự yêu cầu hay cho phép của nạn nhân (trường hợp hành vi bạo lực gây tổn hại hết sức nghiêm trọng tới sức khỏe, danh dự của nạn nhân; hành vi lặp lại nhiều lần; người có hành vi đã được giáo dục mà tiếp tục vi phạm…). Đồng thời nếu thực hiện cấm tiếp xúc thì người thực hiện hành vi có thể phải rời khỏi nơi cư trú (nếu nạn nhân không tìm được nơi ở khác thích hợp) và đảm bảo quyền trông nom, chăm sóc gia đình, con cái của nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân bị lệ thuộc hoàn toàn vào kinh tế thì khi cách ly có thể xem xét việc yêu cầu cấp dưỡng cho nạn nhân như quy định của một số nước và không trái với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. b) Quy định về hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình Nghị định 110 đã đưa ra những chế tài cần thiết đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định về hình thức phạt tiền của Nghị định này còn chưa thực sự hợp lý, bởi mức xử phạt nhìn chung là thấp, trong một số trường hợp là rất bất hợp lý như với hành vi thường xuyên theo dõi thành viên gia đình vì lý do ghen tuông gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của thành viên đó hoặc hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác thì mức phạt chỉ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Mức phạt như vậy là quá thấp, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Ngay cả với những mức phạt cao hơn thì đối với những người có điều kiện kinh tế thì phạt tiền cũng không có ý nghĩa giáo dục với họ. Ngược lại, trong nhiều trường hợp biện pháp này có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, khiến tình trạng bạo lực nghiêm trọng hơn: người có hành vi bạo lực vì phải nộp phạt mà trút giận lên nạn nhân bằng những hành vi bạo lực kinh khủng hơn, tinh vi hơn. Ngoài ra, có những trường hợp người phải nộp phạt không có thu nhập thì việc phạt tiền với họ dường như không có nhiều ý nghĩa. Trường hợp người chồng nát rượu, không việc làm mà đánh đạp vợ con thì ai là người phải nộp phạt? Pháp luật có quy định về cưỡng chế kê biên thi hành án, nhưng tài sản trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, nên nếu áp dụng chế tài này thì cơ quan thi hành án cũng gặp khó khăn mà quyền lợi về tài sản của người vợ cũng bị ảnh hưởng. Do đó, rất nhiều trường hợp nạn nhân phải đi nộp phạt thay người có hành vi vi phạm, và như vậy thì không thể giáo dục người vi phạm mà chỉ làm nạn nhân không muốn tố cáo lần sau. Tương tự, với trường hợp con chưa thành niên từ 16 tới 18 tuổi bị xử phạt vì hành vi bạo lực với bố mẹ, nếu họ không có tiền nộp phạt thì nạn nhân – bố mẹ họ phải nộp phạt thay. Xuất phát từ những bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng có thể bỏ chế tài phạt tiền, thay vào đó là chế tài lao động công ích trong xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình. Biện pháp này có tính khả thi cao hơn vì nó có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân. Hơn thế nữa, biện pháp này còn có giáo dục tích cực đối với những cá nhân khác: họ không muốn phải chịu hình thức xử phạt công khai, có nhiều người biết tới như vậy, nên sẽ cố gắng tránh bằng cách không thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng biện pháp này còn khá mới ở Việt Nam, nên có thể quy định một cách mềm dẻo: chỉ áp dụng bắt buộc với người có hành vi tái phạm; tính thời gian lao động công ích tương đương với số tiền phạt; tiến hành lao động công ích trong các cơ sở kinh tế nhất định. Tuy nhiên, nếu đã bị áp dụng hình thức xử phạt này thì không được cho phép thay thế bằng phạt tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. c) Quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền Với những ví dụ đã nêu ở trên, có thể thấy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình còn rất mờ nhạt, mà nguyên nhân chính là do các cơ quan này chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác này cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ đã được pháp luật quy định cho họ. Trong khi đó, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa có một quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan này Thực tiễn bạo lực gia đình ở Việt Nam cho thấy: việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình để nâng cao sự hiểu biết, từ đó thay đổi nhận thức về vấn đề là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng dường như chưa được chú ý đúng mức. Các nhà làm luật đã mất nhiều công sức để xây dựng các quy định này nhưng lại không đề ra cơ chế cho việc thực thi trên thực tế, mà chỉ quy định chung chung trong Chương 4, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thi hành Luật. Vì vậy, theo chúng tôi, cần quy định chi tiết hơn về vấn đề này. Cụ thể: cần quy định việc tuyên truyền này như là một trách nhiệm thường xuyên của một cơ quan, tổ chức cụ thể ở từng địa phương, từng cơ sở (Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em; Ủy ban Vì sự tiến bộ phụ nữ; Hội phụ nữ; Tổ dân phố…). Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình là một trong những hành vì bị cấm theo quy định tại Điều 8, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Những hành vi này của cơ quan, người có thẩm quyền chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia đình không được cải thiện: người có hành vi bạo lực không bị xử lý càng hung hăng, cho là mình đúng; nạn nhân càng sợ sệt, không dám phản ứng; những người xung quanh thấy thế càng có lý do để thờ ơ, không quan tâm, thậm chí có thể cho rằng mình cũng có thể làm như vậy. Ảnh hưởng của hành vi này là rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Tuy nhiên, khi xem xét Nghị định 110 thì không thấy bất cứ một hình thức xử phạt nào cho những hành vi này, dù tất cả những hành vi bị cấm khác đều bị xử lý theo những mức độ khác nhau. Điều này là hoàn toàn vô lý và cần phải được sửa chữa. Do đó, chúng tôi cho rằng cần phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình: hành vi vi phạm cần phải bị xử lý; nhưng sự thờ ơ, thiếu quan tâm, vô trách nhiệm cũng cần có những chế tài thích đáng. KẾT LUẬN Gia đình là tế bào của xã hội, bạo lực gia đình có tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội. Mặc dù vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của cộng đồng xã hội. Luận văn "Một số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay" đã tìm hiểu về các khái niệm gia đình, thành viên gia đình, bạo lực và bạo lực gia đình; nghiên cứu về một số yếu tố tác động và hậu quả của bạo lực gia đình, ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình cũng như tìm hiểu pháp luật một số quốc gia về vấn đề này. Bên cạnh đó, từ những nghiên cứu về thực trạng pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, thực trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam những năm gần đây và thực trạng áp dụng pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị nhằm ngăn chặn có hiệu quả hành vi bạo lực trên thực tế. Cụ thể - Cần làm rõ một số khái niệm quan trọng trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: khái niệm thành viên gia đình, các hành vi cụ thể của từng loại bạo lực trong gia đình. Đây là những khái niệm cơ bản cần phải làm rõ để phục vụ quá trình áp dụng cũng như tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả. - Hoàn thiện một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về biện pháp cấm tiếp xúc; xem xét các quy định về phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình và đưa ra những điều chỉnh hợp lý; nâng cao vai trò của các cơ quan chức năng trong phòng, chống bạo lực gia đình. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2001), Thông tư kiên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999. Chính phủ nước CHXHCNVN (2009), Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04-02-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Chính phủ nước CHXHCNVN (2009), Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10-12-2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình Quốc hội nước CHXHCNVN (2005), Bộ luật Dân sự nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Quốc hội nước CHXHCNVN (1999), Bộ luật Hình sự nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội nước CHXHCNVN (2008), Luật Cán bộ, công chức Quốc hội nước CHXHCNVN (2000), Luật Hôn nhân và gia đình Quốc hội nước CHXHCNVN (2007), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Tập 2, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội XI, Ban Soạn thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của một số nước trên thế giới, Nxb Tư pháp, Hà Nội Viện Ngôn ngữ học (2000), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng Nguyễn Thị Ngọc Bích (2009), “Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phòng chống bạo lực gia đình”, Tạp chí Luật học, (2), tr. 29 – 34 Phạm Văn Dũng – Nguyễn Đình Thơ (2009), Tìm hiểu và thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nxb Tư pháp, Hà Nội Nguyễn Ngọc Điện (2002), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình, Tập 1 – Gia đình, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Hòe (2010), “Pháp luật quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ”, Tạp chí Khoa học Chính trị, (2), tr. 48 Phan Thị Lan Hương (2009), “Tính hợp lý , khả thi của một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình”, Tạp chí Luật học, (2) tr. 41- 47 Ngô Thị Hường (2008), “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em – thực trạng và nguyên nhân”, Công đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội, Hội thảo khoa học chuyên đề “Phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em – pháp luật và thực tiễn, tr. 24 - 33 Ngọc Long (2011), “Đứa con mất nhân tính sắp ra tòa”, Báo Pháp luật Việt Nam, (62), tr. 8 Nguyễn Thị Kim Phụng (2009), “Tổng quan về bạo lực và pháp luật phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ , trẻ em”, Tạp chí Luật học, (2), tr. 3 - 10 Lê Thị Quý – Đặng Vũ Cảnh Linh (2007), Bạo lực gia đình – một sự sai lệch giá trị, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội Hoàng Yên (2011), “Khi Luật chưa trở thành chỗ dựa”, Báo Pháp luật Việt Nam, (88), tr. 6 Hoàng Yên (2011), “Thân tàn ma dại vì nín nhịn”, Báo Pháp luật Việt Nam, (85), tr. 6

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMột số vấn đề pháp lý về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay.doc