Trong hệ thống chính sách xã hội chung của cả nước, chính sách xã hội nông thôn có vị trí quan trọng và có đặc trưng riêng về tính chất, mức độ, cơ chế vận hành. Thời gian qua, chính sách này đã và đang đi vào thực tiễn, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn nước ta.
I/Tác động của chính sách xã hội đối với phát triển nông thôn
1.1Những tác động tích cực
1.2Những hạn chế
II.Phương hướng hoàn thiện chính sách xã hội nông thôn
9 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3241 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề về chính sách xã hội nông thôn nước ta hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trường Đại học Nông Lâm Huế
Khoa Khuyến nông & Phát triển nông thôn
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
NÔNG THÔN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Huế, tháng 01 năm 2011
Trong hệ thống chính sách xã hội chung của cả nước, chính sách xã hội nông thôn có vị trí quan trọng và có đặc trưng riêng về tính chất, mức độ, cơ chế vận hành. Thời gian qua, chính sách này đã và đang đi vào thực tiễn, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó nó cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải được khẩn trương hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển nông thôn trong tình hình mới.
I/Tác động của chính sách xã hội đối với phát triển nông thôn
1.1Những tác động tích cực
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân nông thôn. Trong những năm qua, dân số và lực lượng lao động nông thôn về mặt tỷ trọng tuy có giảm, nhưng vẫn chiếm số lượng khá lớn trong tổng dân số và lực lượng lao động xã hội và là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nông thôn. Tính đến năm 2005, dân số nông thôn chiếm 73,25% tổng dân số và 75,06% tổng lực lượng lao động của cả nước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn công nghiệp và dịch vụ, nhưng yếu tố lao động tham gia vào tăng trưởng rất lớn, nhất là khu vực nông thôn.
Giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt bình quân 7,5%/năm, trong đó, nông, lâm, ngư đạt 3,66%/năm; đặc biệt, sản lượng lương thực có hạt từ 34,27 triệu tấn (năm 2001) đã tăng lên 39,55 triệu tấn (năm 2005), bình quân mỗi năm tăng 1,32 triệu tấn, là thành tựu rất to lớn, chẳng những đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn phục vụ tốt cho xuất khẩu (đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo).
Yếu tố lao động tham gia vào tăng trưởng nói chung, theo các nhà kinh tế, chiếm khoảng 20%, yếu tố vốn chiếm 57,5% và các yếu tố tổng hợp chiếm khoảng 22,5%. Tuy nhiên, trong nông nghiệp, yếu tố lao động tham gia vào tăng trưởng rất lớn vì đầu tư cho nông nghiệp thấp hơn cho công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất lương thực, yếu tố lao động đóng góp khoảng 50%. Tăng trưởng kinh tế góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân nông thôn. Theo kết quả điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của khu vực nông thôn năm 2001-2002 là 275,13 nghìn đồng, đến năm 2003-2004 tăng lên 378,09 nghìn đồng, tăng 37,42% (cao hơn mức tăng của khu vực thành thị - 31,09%).
Mức chi tiêu cũng tăng từ 232,1 nghìn đồng/tháng năm 2001-2002 lên 314,3 nghìn đồng/tháng năm 2003- 2004, tăng 35,42% (cao hơn mức tăng của thành thị - 31,06%). Một bộ phận người dân nông thôn bước đầu có tích luỹ (nhất là nhóm 4, 5), trên 2 triệu hộ dân nông thôn đạt mức thu nhập 30 triệu đồng/hộ/năm.
Đối với nhóm nghèo nhất, mức thu nhập bình quân 1 khẩu/tháng năm 2003-2004 so với năm 2001-2002 cũng tăng (31,65% ở nhóm 1 và 35% ở nhóm 2 trong 5 nhóm dân cư).
Tạo việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) và hội nhập. Trong 5 năm (2001-2005), chúng ta đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, đầu tư toàn xã hội bình quân đạt trên 35,1% GDP (năm 2005 đạt 36,5%), xuất khẩu được mở rộng và nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới được mở mang, đã tạo thêm được nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động, từng bước khắc phục tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả và chất lượng việc làm.
Trong 5 năm này, bình quân mỗi năm khu vực nông thôn tạo việc làm mới cho 938.555 người, chiếm 62% tổng số vị trí làm việc mới được tạo ra. Tỷ lệ thời gian sử dụng lao động của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn tăng liên tục từ 74,37% (năm 2001) lên 80,65% (năm 2005), cũng có nghĩa là tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng ở nông thôn đã từng bước được cải thiện. Cơ cấu lao động được chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động nông nghiệp liên tục giảm từ 62,76% năm 2001 xuống 56,8% năm 2005, tương ứng lao động công nghiệp và xây dựng tăng lên 17,9% và dịch vụ 25,3%. Trong nông thôn, lao động làm nông nghiệp cũng đang giảm, đồng thời lao động làm ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ tăng; làng nghề phát triển với tốc độ 11%/năm, hiện có khoảng 2.017 làng nghề với 1,4 triệu hộ, cả nước có khoảng 1,35 triệu cơ sở ngành nghề nông thôn thu hút khoảng 10 triệu lao động (kể cả kiêm nghề), chiếm 29% lực lượng lao động nông thôn.
Xoá đói giảm nghèo nhanh hơn, hạn chế tốc độ gia tăng chênh lệch giàu nghèo, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nông thôn. Chính sách xoá đói giảm nghèo ở nước ta được triển khai từ năm 1992 và đến năm 2005 đã đạt được kết quả cao (từ 58,1% hộ nghèo giảm xuống còn dưới 22% - tính theo chuẩn nghèo của WB), được cộng đồng quốc tế đánh giá là nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất thế giới (so với mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo, chúng ta đã về đích trước 10 năm). Chênh lệch thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn năm 1993 là 1,96 lần, đến năm 1998 tăng lên 3,66 lần, năm 2002 lại giảm xuống còn 2,26 lần và đến năm 2004 giảm còn 2,16 lần. Đó là một sự chênh lệch tất yếu được người dân chấp nhận, đồng thuận; chưa trở thành vấn đề xã hội bức xúc, gây mất ổn định xã hội.Người dân nông thôn được tiếp cận tốt hơn với hệ thống chính sách an sinh xã hội. Trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, ngoại trừ chính sách bảo hiểm xã hội người dân nông thôn đến nay chưa được tham gia, còn lại các chính sách khác liên quan đến bảo trợ xã hội chủ yếu đều đã đến với các đối tượng xã hội ở nông thôn. Với sự quan tâm của Nhà nước, của cộng đồng trong chủ động dự phòng cứu trợ khẩn cấp với phương châm 4 tại chỗ, hàng năm đã cứu trợ đột xuất cho 1-1,5 triệu người ổn định cuộc sống do thiên tai, bão lụt, mất mùa, giảm thiểu thiệt hại về người và của. Số đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngày một tăng, từ 205.314 người (năm 2001) lên 300.000 (năm 2004) và 360.000 người (2005). Trong 5 năm qua, đã cai nghiện cho 184.277 lượt người, giáo dục chữa trị, phục hồi chức năng cho 25.420 đối tượng mại dâm; dạy nghề cho 10.000 đối tượng và 3.468 đối tượng được tạo việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Trong tổng số đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, 80% là ở nông thôn. Dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là giáo dục, y tế, nước sạch sinh hoạt đã chú ý hơn đến khu vực nông thôn.Năm 2000, nước ta đã công bố xoá xong nạn mù chữ và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, bắt đầu phổ cập bậc trung học cơ sở. Đặc biệt, con em các hộ gia đình nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ để có điều kiện đến rường. Hàng năm, có trên 3 triệu lượt học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường.Người dân nông thôn đã được chăm sóc tốt hơn về sức khoẻ nhờ củng cố và phát triển được mạng lưới y tế rộng khắp trong cả nước, đến nay hầu hết các xã đã có trạm y tế, cả nước có 96.604/116.359 thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động (đạt 83%), 61,4% số xã có bác sỹ. Bảo hiểm y tế không ngừng mở rộng, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo trong khám chữa bệnh, nhất là cấp thẻ, sổ khám chữa bệnh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đến nay, 14 triệu lượt người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí (3,5 triệu lượt người/năm).
Dịch vụ cấp nước sạch sinh hoạt đã hướng mạnh về nông thôn. Năm 2005, trong tổng số công trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở ở nông thôn ở các xã đặc biệt khó khăn có 12% số công trình về cấp nước sạch sinh hoạt.
1.2Những hạn chế
Mặc dù đã có những đóng góp tích cực nhưng tác động của hệ thống chính sách xã hội đến phát triển nông thôn vẫn chưa tương xứng và ngang tầm với yêu cầu, nhiều vấn đề bức xúc về xã hội nông thôn có xu hướng gia tăng, biểu hiện trên các mặt sau:
Một là, chính sách xã hội nông thôn mặc dù đem lại kết quả rất tích cực, nhất là xoá đói giảm nghèo nhưng còn thiếu bền vững và chưa gắn chặt với phát triển. Lao động tham gia vào tăng trưởng chủ yếu vẫn là do số lượng mà chưa phải là do chất lượng lao động. Cụ thể là, lao động nông thôn đóng góp làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tới 50%, nhưng chủ yếu là lao động cơ bắp, hầu hết chưa qua đào tạo nghề; năng suất nông nghiệp còn thấp: Bình quân 1 lao động nông nghiệp tạo ra giá trị chỉ bằng 22,7% so với dịch vụ và 16,3% so với công nghiệp (năm 2004). 1 héc ta đất nông nghiệp tạo ra giá trị chỉ khoảng 22,5 triệu đồng (năm 2005). Công tác xoá đói giảm nghèo chủ yếu mới giải quyết được vấn đề nghèo lương thực, thực phẩm (thực chất là xoá đói); phần lớn người thoát nghèo nằm sát chuẩn nghèo (cận nghèo) và tỷ lệ tái nghèo còn cao (7-10%). Chúng ta cũng chưa có chính sách khuyến khích thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân nông thôn. Hai là, sức lao động nông thôn chưa được giải phóng triệt để và chưa tạo ra được động lực mới trong việc sử dụng có hiệu quả lao động nông thôn, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn còn xảy ra nghiêm trọng.Lao động nông thôn chủ yếu vẫn là tự làm trong kinh tế hộ gia đình (90%). Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại tuy đã phát triển song còn chiếm tỷ lệ thấp (hiện nay cả nước có khoảng 80 nghìn trang trại, bình cquân 1 trang trại sử dụng 6,04 lao động, trong khi có tới 14 triệu hộ nông thôn). Các ngành nghề ở nông thôn còn phát triển hậm, đến nay cả nước có khoảng 2.017 làng nghề, thu hút khoảng 27% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp kiêm nghề, 13% hộ chuyên nghề.
Thị trường lao động nông thôn còn rất sơ khai, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa hầu như chưa phát triển quan hệ lao động. Giá tiền công trong khu vực nông thôn thường thấp hơn khu vực thành thị 15-20%. Khả năng cạnh tranh của lao động nông thôn rất yếu, lực lượng lao động này di chuyển đến các khu công nghiệp, đô thị, các thành phố lớn tìm việc làm ngày càng tăng, nhưng chỉ tham gia được thị trường lao động có trình độ thấp hay những khu vực phi kết cấu với việc làm không ổn định, thu nhập thấp và có nhiều rủi ro. Cũng vì vậy, nhiều vấn đề xã hội của lao động nhập cư từ nông thôn nổi lên gay gắt như: Vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Quá trình CNH, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở nước ta, kéo theo đó là tình trạng mất việc làm trong nông nghiệp của một bộ phận lớn nông dân cũng gia tăng. Trong giai đoạn 2000-2004, cả nước có số diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng sang công nghiệp, đô thị là 157.000 ha và cứ mỗi héc ta đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng có 13 lao động nông thôn mất việc làm. Do vậy, tạoviệc làm cho người lao động nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một trong những vấn đề lớn nhưng chưa được giải quyết.
Ba là, vấn đề công bằng xã hội đối với nông thôn còn nhiều bất cập. Chất lượng và giá trị việc làm của lao động nông thôn thấp và cơ hội tiếp cận các nguồn lực sản xuất (tín dụng, công nghệ, thị trường...) rất hạn
chế nên hiệu quả việc làm không cao, còn phổ biến tình trạng lấy công làm lãi. Lao động nông thôn chủ yếu là tự làm trong hộ gia đình, tham gia thị trường lao động rất ít và thường ở thị trường lao động bậc thấp; còn khu vực thành thị có tỷ lệ lao động làm công ăn lương cao (30-40%) và tham gia thị trường lao động trình độ cao, do đó, tiền công bình quân cao hơn lao động nông thôn.
ở nông thôn, trong khu vực nông nghiệp, tình hình mất an toàn vệ sinh lao động rất nghiêm trọng: Khoảng 30% số người trực tiếp phun thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu nhiễm độc. Năm 2004, cả nước có 4.009 vụ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, làm cho 10.355 người bị nhiễm độc và 154 người bị tử vong; tần suất tai nạn trong sử dụng điện là 7,99%, trong sử dụng máy nông nghiệp là 8,56%. Theo điều tra của Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ước tính hàng năm có khoảng 20.000 lượt người bị tai nạn lao động trong nông nghiệp, trong đó có 1.500 trường hợp tử vong; trên 5.000 trường hợp bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện, trong đó 300 trường hợp tử vong. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở nông thôn còn gặp khó khăn và chưa được đầu tư, người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có chế độ bồi thường tai nạn lao động, mọi chi phí đều do người lao động phải tự trang trải.
Tình trạng phân hoá giàu nghèo vẫn đang có xu hướng gia tăng, chỉ số GINI phản ánh chênh lệch thu nhập và phân hoá giàu nghèo trong dân cư từ 0,357 (năm 1993) tăng lên 0,39 (năm 1999), 0,42 (năm 2002) và 0,423 (năm 2004). Người nghèo chủ yếu vẫn tập trung ở nông thôn, chiếm tới 90%. Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ xã hội chất lượng cao có sự khác biệt rất rõ giữa nông thôn và thành thị. Năm 2004, tỷ lệ người biết chữ từ 10 tuổi trở lên ở nông thôn là 91,85%, thấp hơn
so với thành thị (96,34%); mức chi tiêu cho giáo dục - đào tạo bình quân trên một người đi học ở khu vực thành thị là 1.537 nghìn đồng, gấp gần 2,6 lần so với nông thôn. Việc sử dụng các cơ sở y tế cũng có sự khác biệt lớn, trong khi có 85,63% lượt người ốm ở thành thị được điều trị nội trú tại bệnh viện nhà nước, thì con số này ở nông thôn chỉ là 77,46%; giá trị đồ dùng lâu bền bình quân 1 hộ ở thành thị đạt 22,5 triệu đồng, trong khi đó, hộ nông thôn chỉ đạt 8,2 triệu đồng; người dân thành thị cơ bản đã tiếp cận được nguồn nước sạch sinh hoạt, còn ở nông thôn mới đạt 62%. Nhìn tổng thể, mức sống vẫn có sự cách biệt xa giữa thành thị và nông thôn.
Bốn là, việc mở rộng xã hội hoá trong huy động nguồn lực để thực hiện chính sách xã hội nói chung, chính sách xã hội nông thôn nói riêng là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách xã hội nông thôn nên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các chính sách xã hội chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra và chưa đáp ứng yêu cầu của đối tượng. Đầu tư cho dạy nghề, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội... đều thấp xa so với mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra (năm 2005, đầu tư cho giáo dục, đào tạo chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng đầu tư cho dạy nghề chỉ chiếm 6,5% tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo; vốn vay cho tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu...). Từ đó, độ bao phủ của chính sách xã hội cho đối tượng còn rất hạn chế, lao động nông thôn hầu như chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ một bộ phận nhỏ, chủ yếu là người rất nghèo mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế; việc hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai mới đáp ứng được 17,63% tổng thiệt hại; tỷ lệ đối tượng được trợ cấp xã hội còn thấp (năm 2005 khoảng 53%); các cơ sở cai nghiện tập trung mới đảm bảo 30% nhu cầu của đối tượng...
II.Phương hướng hoàn thiện chính sách xã hội nông thôn
Để khắc phục những mặt còn tồn tại và đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách xã hội nông thôn theo hướng:
- Ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực nông thôn, nhất là phổ cập nghề cho nông thôn, dạy nghề cho lao động nông nghiệp vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chuyển đổi nghề nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH, HĐH và hội nhập.
- Hỗ trợ việc làm, việc làm có chất lượng và thu nhập cao cho lao động nông thôn thông qua chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ, kinh tế trang trại, làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; hỗ trợ phát triển thị trường lao động nông thôn, trước hết là cung cấp lao động nông thôn đáp ứng đủ nhu cầu về lao động tại chỗ; phát triển thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, đưa hội chợ việc làm về nông thôn; giải quyết các vấn đề xã hội của lao động nhập cư từ nông thôn vào các thành phố, khu công nghiệp tập trung để tìm việc làm (về y tế, giáo dục, nhà ở, phúc lợi xã hội).- Đảm bảo người lao động nông thôn làm việc trong môi trường an toàn và vệ sinh, giảm thiểu tai nạn lao động trong khu vực nông thôn (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng điện, máy nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa... trên cơ sở thực hiện chương trình quốc gia về bảo hộ lao động giai đoạn 2006-2010.
- Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đối với lao động nông thôn trên cơ sở đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế toàn dân.
- Chính sách xoá đói giảm nghèo tập trung vào khu vực nông thôn theo hướng vững chắc và gắn với phát triển trên cơ sở có chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, nhất là năng lực thị trường của người nghèo và tạo cơ hội cho hộ nghèo, xã nghèo phát triển kinh tế hàng hóa, tạo việc làm có giá trị cao, tăng thu nhập thông qua chính sách khuyến khích hộ nghèo vươn lên làm giàu (đầu tư hạ tầng cơ sở, chính sách đất đai, tín dụng, khuyến nông, dạy nghề, chính sách khoa học và công nghệ, chính sách thị trường tiêu thụ sản phẩm); mở rộng cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, kế hoạch hoá gia đình, nước sạch sinh hoạt), hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận dịch vụ xã hội chất lượng cao; giảm nguy cơ rủi ro xã hội cho người nghèo do tác động của thiên tai, của cải cách thể chế kinh tế.
- ổn định đời sống và tạo điều kiện cho nhóm xã hội yếu thế ở nông thôn, nhất là đối với người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tàn tật, giúp họ hoà nhập tốt hơn vào cộng đồng bằng việc sửa đổi, bổ sung chế độ trợ cấp thường xuyên, phù hợp với mức sống tối thiểu của xã hội; nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội và chia sẻ trách nhiệm xã hội đối với việc trợ giúp, chăm sóc các đối tượng xã hội; phát triển các hình thức tổ chức tự nguyện, nhân đạo, chăm sóc đối tượng chính sách xã hội tại cộng đồng theo hướng xã hội hoá.
- Thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng xã, thôn, bản lành mạnh, không có tệ nạn xã hội. Đẩy lùi, tiến tới xoá bỏ tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý, mại dâm ở nông thôn; đặc biệt nhân rộng các mô hình chữa trị, cai nghiện và tái hoà nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện ma tuý, mại dâm; áp dụng các giải pháp kinh tế xã hội sau cai nghiện (quản lý đối tượng cách ly môi trường ma tuý, dạy nghề, lao động trị liệu, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo).
Muốn vậy, phương pháp tiếp cận, xây dựng chính sách xã hội nông thôn phải được đổi mới theo hướng: Đổi mới tư duy về chính sách xã hội nông thôn trên cơ sở nhận thức đúng về vị trí chiến lược của phát triển xã hội nông thôn trong kinh tế thị trường và tính cấp bách, bức xúc về thực hiện công bằng xã hội đối với khu vực nông thôn so với thành thị trong quá trình phát triển. Từ đó, xây dựng một chiến lược phát triển xã hội nông thôn và chương trình quốc gia phát triển xã hội nông thôn đến năm 2010 và 2011-2020 hướng vào mục tiêu phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trong chiến lược đó, hình thành chiến lược và chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho nông thôn về dạy nghề, việc làm, khuyến khích làm giàu và xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
- Xây dựng một chương trình điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về chính sách xã hội nông thôn trong giai đoạn 2006-2010 nhằm cung cấp các cơ sở dữ liệu, các luận cứ khoa học cho xây dựng chiến lược phát triển xã hội nông thôn và hoạch định các chính sách xã hội cụ thể cho nông thôn. Tổ chức hệ thống dự báo và hệ thống các chỉ tiêu giám sát về phát triển xã hội nói chung và cho nông thôn nói riêng phù hợp với hệ thống dự báo và giám sát về phát triển xã hội của quốc tế (có khả năng so sánh và nối mạng quốc tế).
- Tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển xã hội nông thôn, nhất là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề, dịch vụ việc làm, y tế, bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện nông thôn và đáp ứng yêu cầu phục vụ đối tượng ngày càng tăng ở nông thôn.
- Từng bước hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ xã hội cơ bản cho nông thôn trong quá trình phát triển xã hội dân sự ở nước ta, trên cơ sở phân rõ trách nhiệm của Nhà nước làm cái gì và làm đến đâu, chuyển giao hoặc uỷ thác cho các đối tác xã hội (các tổ chức quần chúng, phi chính phủ) cung cấp đến đâu và dịch vụ nào có thể giao cho khu vực tư nhân cung cấp với sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Một số vấn đề về chính sách xã hội nông thôn nước ta hiện nay.doc