Một số vấn đề về cơ quan điều tra

+ Nếu tranh chấp thẩm quyền điều tra giữa CQĐT thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân và lực lượng an ninh nhân dân, ở Trung ương do Bộ trưởng bộ Công an quyết định, ở cấp tỉnh do Giám đốc công an cấp tỉnh quyết định. + Nếu tranh chấp thẩm quyền điều tra giữa CQĐT trong công an và quân đội do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định.

pdf29 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2805 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Một số vấn đề về cơ quan điều tra, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CƠ QUAN ĐIỀU TRA LÊ TIẾN CHÂU ThS. Giảng viên Khoa luật Hình sự - Đại học Luật TP.HCM Điều tra là khâu đột phá, là giai đoạn đầu giữ vai trò rất quan trọng trong tiến trình tố tụng hình sự (TTHS). “Có thể nói những kết quả khả quan cũng như những sai lầm tư pháp nghiêm trọng nhất như bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội ... thường bắt nguồn từ giai đoạn điều tra”(1). Vì vậy, vấn đề tổ chức và thẩm quyền của cơ quan điều tra (CQĐT) là một trong những vấn đề được đề cập nhiều trong sách báo pháp lý nước ta với các mức độ khác nhau. Mặc dù vậy, vấn đề tổ chức và thẩm quyền của CQĐT vẫn đang là vấn đề rất phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đòi hỏi phải được tiếp tục bàn luận. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tiếp tục đề cập hai vấn đề trên đây. I. TỔ CHỨC CQĐT Mô hình tổ chức của CQĐT ở nước ta đã được xây dựng vào những năm đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nó được hoàn thiện dần trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm. Đến năm 1989, trên cơ sở quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (PLTCĐTHS) đã xây dựng mô hình tổ chức CQĐT tương đối hoàn chỉnh và phù hợp. Theo quy định của BLTTHS và PLTCĐTHS thì hệ thống CQĐT bao gồm: - Trong ngành công an: + CQĐT thuộc Lực lượng Cảnh sát nhân dân, hệ thống này được tổ chức ở 3 cấp là Bộ, tỉnh, huyện. Ở Bộ Công an có Cục cảnh sát điều tra; ở công an cấp tỉnh có Phòng cảnh sát điều tra và ở công an cấp huyện có Đội cảnh sát điều tra. + CQĐT thuộc Lực lượng An ninh nhân dân được tổ chức ở cấp bộ và tỉnh. Ở Bộ công an có Cục điều tra an ninh và ở công an cấp tỉnh có Phòng điều tra an ninh. - Trong quân đội nhân dân: + CQĐT hình sự quân đội được tổ chức ở 3 cấp theo tổ chức của quân đội là Cục điều tra hình sự ở Bộ quốc phòng; Phòng điều tra hình sự ở Bộ tổng tham mưu các tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng và Ban điều tra hình sự ở binh chủng, bộ chỉ huy quân sự tỉnh và cấp tương đương. + CQĐT an ninh quân đội được tổ chức ở 2 cấp: ở Bộ quốc phòng có Cục điều tra an ninh và ở cấp quân khu có Phòng điều tra an ninh. - Trong hệ thống Viện kiểm sát: + Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Cục điều tra hình sự, ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Phòng điều tra hình sự. + CQĐT của Viện kiểm sát quân sự: được tổ chức ở 2 cấp: ở Viện kiểm sát quân sự Trung ương có Phòng điều tra, ở Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có Ban điều tra (không thành lập ban điều tra ở tất cả Viện kiểm sát cấp quân khu). Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta có 6 tiểu hệ thống CQĐT đang tồn tại và hoạt động độc lập với nhau, được tổ chức trong lực lượng cảnh sát, an ninh, trong quân đội và hệ thống Viện kiểm sát, có nhiều đầu mối quản lý khác nhau. Bên cạnh các CQĐT mang tính chuyên trách, pháp luật tố tụng hình sự còn cho phép một số cơ quan hành chính cũng được quyền tham gia vào một số hoạt động điều tra: Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm và các cơ quan khác thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân (Cảnh sát kinh tế, hình sự, cảnh sát phòng chống ma túy, v…v…); thuộc lực lượng an ninh nhân dân (chống gián điệp, phản động ….) và các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân Việt Nam… Sau hơn 10 năm áp dụng, mô hình tổ chức CQĐT đã thu được những kết quả quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, với những phương thức và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt… đòi hỏi CQĐT tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 8), Đảng ta đã chỉ rõ là: “Sắp xếp lại CQĐT theo hướng gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát, điều tra ban đầu với hoạt động của CQĐT nhằm đảm bảo sự thống nhất trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm quyền dân chủ và sự an toàn của công dân”(2). Khi bàn về mô hình tổ chức của CQĐT đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng mô hình tổ chức CQĐT hiện tại vẫn còn phù hợp và phát huy tác dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nên vấn đề đổi mới chưa cần thiết phải đặt ra. Ý kiến khác lại cho rằng bộ máy CQĐT hiện tại là quá cồng kềnh, nhiều đầu mối, không đảm bảo tính hệ thống, chặt chẽ và không thể phản ứng nhanh nhạy và kịp thời trước những diễn biến phức tạp của tình hình phạm tội, vì vậy cần sắp xếp lại CQĐT theo hướng tổ chức một hệ thống CQĐT thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, đã có nhiều phương án được đề xuất, mỗi phương án đều dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn để thuyết phục. Nghiên cứu về mô hình tổ chức của CQĐT hiện nay, chúng tôi cho rằng việc tổ chức CQĐT như hiện nay có một số ưu điểm là phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời tội phạm trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như trình độ cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và CQĐT nói riêng còn nhiều hạn chế, việc tổ chức CQĐT đều khắp là một ưu điểm, đặc biệt là hầu hết CQĐT được tổ chức trong công an, quân đội (trừ Viện kiểm sát) là phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của lực lượng vũ trang: đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc tổ chức CQĐT như hiện nay còn tồn tại một số vấn đề cần trao đổi: Thứ nhất: CQĐT được tổ chức như hiện nay là chưa đảm bảo tính hệ thống về mặt tổ chức và quản lý cũng như hoạt động. Hiện tại, CQĐT được tổ chức gồm 6 tiểu hệ thống, với nhiều đầu mối quản lý (công an, quân đội, Viện kiểm sát…) và tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi hệ thống mà tổ chức nhiều cấp. Trung bình mỗi tỉnh có 3 CQĐT cấp tỉnh, cả nước 61 tỉnh, thành thì chỉ riêng CQĐT cấp tỉnh ở cả nước ta có đến gần 200 CQĐT, chưa kể đến CQĐT cấp huyện và hàng chục CQĐT trong quân đội. Mối quan hệ giữa các CQĐT thuộc hệ thống đều có sự độc lập và khép kín về phương diện, điều hành và lãnh đạo chuyên môn. Hiện tại, ngoài BLTTHS và PLTCĐTHS chưa có một văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chung cho hoạt động của cả bộ máy điều tra tố tụng, xác định rõ mối quan hệ giữa các CQĐT trong cùng ngạch cũng như khác ngạch, chỉ có những văn bản hướng dẫn riêng của cơ quan hành chính quản lý ngành đối với CQĐT thuộc ngành mình. Vì vậy chưa tổng hợp và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống. Thứ hai: Cách thức tổ chức CQĐT như hiện nay vừa tạo ra sự phức tạp trong quản lý hành chính, vừa làm nảy sinh hậu quả có sự tranh chấp về thẩm quyền điều tra và có khi lại xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mà chưa có cơ chế khắc phục, hoặc đã có nhưng chưa rõ ràng là quan hệ hành chính hay tố tụng. Chẳng hạn, việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa CQĐT trong cùng hệ thống do thủ trưởng CQĐT cấp trên trực tiếp giải quyết. Trong khi thủ trưởng CQĐT không phải là người tiến hành tố tụng (trừ trường hợp đặc biệt). Vì vậy không thể giao cho họ giải quyết những vấn đề liên quan đến tố tụng mà chưa có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm kèm theo. Thứ ba: Việc tổ chức CQĐT trong Viện kiểm sát với mục đích là điều tra nhanh chóng các vụ án được phát hiện trong khi tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật; điều tra một cách khách quan các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và điều tra các vụ án kinh tế, phức tạp khi thấy cần thiết. Tuy nhiên, về mặt lý luận, việc tổ chức CQĐT trong Viện kiểm sát là chưa hợp với Hiến pháp, với chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát, thậm chí mâu thuẫn ngay trong mục đích khi tổ chức CQĐT của Viện kiểm sát. Chẳng hạn điều tra viên của CQĐT có vi phạm trong quá trình điều tra (bức cung, dùng nhục hình...) vụ án sẽ được giao cho CQĐT của Viện kiểm sát điều tra, nếu điều tra viên của Viện kiểm sát cũng có những vi phạm tương tự thì cơ quan nào sẽ tiến hành điều tra? Về mặt thực tiễn, việc tổ chức CQĐT trong Viện kiểm sát sau hơn 10 năm áp dụng cho thấy kết quả điều tra do CQĐT này mang lại chưa đạt được mục đích đặt ra. Nhưng lại quá tốn kém, thậm chí làm giảm hiệu quả của các hoạt động điều tra … Vì vậy có nhiều ý kiến đề nghị không tổ chức CQĐT ở Viện kiểm sát. Với những vướng mắc trên đây, yêu cầu đặt ra là phải tìm kiếm mô hình tổ chức thích hợp, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Đặc biệt là trong điều kiện Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới các cơ quan tư pháp. Chúng ta biết rằng việc sắp xếp lại CQĐT sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của một số cơ quan khác, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề cán bộ và nhiều vấn đề quan trọng khác của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Cho nên việc đổi mới CQĐT cần phải nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, có tổng kết và đánh giá thực tiễn để đưa ra mô hình tổ chức CQĐT phù hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, theo chúng tôi việc đổi mới tổ chức CQĐT phải quán triệt các quan điểm sau đây: - Phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới, quán triệt chủ trương của Đảng là: “Sắp xếp lại CQĐT theo hướng gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát, điều tra ban đầu với hoạt động của CQĐT nhằm đảm bảo sự thống nhất trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đảm bảo quyền dân chủ và sự an toàn của công dân. Hoàn thiện tổ chức phải đặt trong quá trình cải cách các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, phải đảm bảo tổng thể và đồng bộ …”(3). - Đổi mới phải tích cực, khẩn trương, nhưng cần phải có bước đi thích hợp, đảm bảo an ninh chính trị, phù hợp với tình hình, có tính đến khả năng phẩm chất và trình độ của đội ngũ cán bộ hiện có và sẽ có, đảm bảo tính kế thừa, chỉ sửa đổi bổ sung những vấn đề nào thật sự cần thiết và cấp bách, những quy định đang còn phù hợp và phát huy tác dụng thì không cần sửa đổi. - Đổi mới phải đảm bảo phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác điều tra tội phạm đang đòi hỏi, đồng thời phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta trong thời điểm hiện tại và dự báo cho những năm tiếp theo. - Đổi mới phải trên cơ sở phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo trên đây chúng tôi đề nghị: * Giữ nguyên mô hình tổ chức CQĐT trong công an và quân đội Trước năm 1982 ở Bộ Nội vụ chỉ có một hệ thống CQĐT đó là Cục chấp pháp, có quyền điều tra tất cả các tội phạm, nhưng thực chất trong Cục chấp pháp, chức năng điều tra cũng được phân định điều tra đối với các tội phạm hình sự thường và các tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện mới, năm 1982 Cục chấp pháp được tách ra thành 2 lực lượng: cảnh sát điều tra và điều tra an ninh. Qua thực tiễn áp dụng, mô hình này đã phát huy tác dụng. Vì vậy, BLTTHS năm 1988 tiếp tục xây dựng và củng cố mô hình này. Qua hơn 10 năm áp dụng vào thực tiễn, mô hình CQĐT trong công an và CQĐT trong quân đội vẫn phát huy tác dụng. Vì vậy, đặt vấn đề đổi mới tổ chức CQĐT, đặc biệt là CQĐT trong công an và quân đội trong thời điểm hiện nay và trong những năm tiếp theo là chưa thật cần thiết. Hơn nữa tổ chức CQĐT ở hai cơ quan này rất thuận lợi trong việc “phối, kết hợp chặt chẽ giữa CQĐT và cơ quan trinh sát” – phù hợp với chủ trương của Đảng ta về đổi mới CQĐT, đồng thời phát huy hiệu quả trong hoạt động chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm. Có ý kiến cho rằng việc xây dựng mô hình tổ chức CQĐT thống nhất từ trung ương đến địa phương, trên cơ sở sáp nhập các hệ thống CQĐT hiện tại để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và đôc lập trong quá trình điều tra. Tuy nhiên theo chúng tôi phương án này khó thuyết phục, bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề lớn và phức tạp mà trong thời điểm hiện tại chưa thể giải quyết được và đã có ý kiến cho rằng phương án này thực chất là phình thêm đầu mối chứ không phải là tinh gọn đầu mối. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức CQĐT trong công an và quân đội. * Không tổ chức CQĐT trong Viện kiểm sát Đề nghị trên xuất phát từ những lý do sau đây: Thứ nhất: Về lý luận, việc tổ chức CQĐT ở Viện kiểm sát là không phù hợp với quan điểm đổi mới của Đảng ta về việc thu gọn đầu mối CQĐT. Mặt khác, việc tổ chức CQĐT ở Viện kiểm sát thành một hệ thống thì không thể: “Kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát với hoạt động của CQĐT” và như vậy khó có thể phát huy được hiệu quả trong hoạt động điều tra. Hơn nữa, theo Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát 1992 (sửa đổi năm 1993) thì kiểm tra, giám sát việc tuân theo Pháp luật và thực hành quyền công tố là chức năng cơ bản của Viện kiểm sát. Vì vậy nên tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát tập trung sức để thực hiện tốt hai chức năng cơ bản này. Việc tổ chức CQĐT của Viện kiểm sát đã phá vỡ quan hệ tố tụng và không đảm bảo tính khách quan trong hoạt động kiểm sát các hoạt động điều tra. Sẽ là không hợp lý nếu CQĐT và cơ quan kiểm sát hoạt động điều tra là ngang quyền nhau dưới sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát; cũng sẽ không hợp lý nếu cho rằng Điều tra viên của CQĐT (thuộc công an, quân đội) vi phạm pháp luật còn điều tra viên của CQĐT của Viện kiểm sát không bao giờ vi phạm trong quá trình điều tra. Nếu vi phạm thì cơ quan nào sẽ phát hiện và cơ quan nào sẽ tiến hành điều tra và nếu để CQĐT của Viện kiểm sát điều tra liệu có khách quan không khi mục đích xây dựng CQĐT của Viện kiểm sát để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động điều tra. Thứ hai: Về thực tiễn, khi xây dựng CQĐT trong Viện kiểm sát chúng ta quá kỳ vọng là CQĐT này sẽ đem lại những kết quả khách quan trong hoạt động kiểm sát và điều tra. Tuy nhiên qua hơn 10 năm thực hiện, kết quả lại rất khiêm tốn. Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì từ 1992 đến 2000 CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân chỉ khởi tố và điều tra được 536 vụ án/ 1021 bị can(4), trong khi có cả một bộ máy CQĐT từ Trung ương đến địa phương. Trong số đó, năm 1992 có 5/27 CQĐT, năm 1995 có 7/35 CQĐT, năm 1996 có 6/42 CQĐT của Viện kiểm sát cấp tỉnh cả năm không điều tra được vụ án nào(5). Kết quả đó rõ ràng là không tương xứng với quy mô tổ chức, làm lãng phí một đội ngũ cán bộ hùng hậu, cả về chất xám cũng như tiền bạc của nhân dân, lại vừa gây khó khăn trong việc kiểm tra giám sát cũng như việc phân định thẩm quyền điều tra. Một nghịch lý khác từ thực tiễn là: tình hình tội phạm những năm gần đây có xu hướng gia tăng, trong đó có những tội thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT của Viện kiểm sát nhưng kết quả hoạt động điều tra của cơ quan này lại có xu hướng giảm. Mặt khác, từ khi PLTCĐTHS được ban hành và xác định mô hình CQĐT của Viện kiểm sát cho đến năm 1998 đã hơn 10 năm nhưng chúng ta chỉ mới thành lập được khoảng 42(6) CQĐT của Viện kiểm sát cấp tỉnh. Thực tế này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là không có nhu cầu về bộ máy của CQĐT này. Tuy nhiên, ở đây cần chú ý là một trong hai chức năng cơ bản của Viện kiểm sát là thực hành quyền công tố. Để thực hiện tốt chức năng cơ bản này, Viện kiểm sát phải có quyền chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ các hoạt động điều tra. Bởi lẽ, quá trình điều tra không hiệu quả, có nhiều vi phạm thì Viện kiểm sát không đủ cơ sở và điều kiện để công tố được, vì vậy nội dung các quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, BLTTHS cần quy định theo hướng khẳng định Viện kiểm sát có quyền giám sát và chỉ đạo các hoạt động điều tra, mà không chỉ dừng lại ở việc giám sát các hoạt động điều tra như hiện nay. II. THẨM QUYỀN CỦA CQĐT Theo nội dung Điều 92 BLTTHS thì việc phân định thẩm quyền điều tra của CQĐT dựa vào hai căn cứ: - Thứ nhất là, thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân hoặc toà án quân sự. - Thứ hai là, tính chất của tội phạm. + Căn cứ vào thẩm quyền xét xử của Tòa án các tội phạm được chia thành hai nhóm. Nhóm tội thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc Bộ công an; nhóm tội còn lại thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT trong quân đội. Điều 3 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự quy định: “Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công nhân, nhân viên quốc phòng, nhân viên dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý và những người không thuộc các đối tượng nêu trên phạm tội liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội”. Như vậy, những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cũng chính là những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT trong quân đội nhân dân. + Căn cứ tính chất của tội phạm mà xác định thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân, CQĐT hình sự quân đội; những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc Lực lượng An ninh nhân dân và CQĐT an ninh quân đội: Theo quy định tại Điều 92 – BLTTHS và PLTCĐTHS thì: - CQĐT của Lực lượng An ninh nhân dân điều tra các tội phạm quy định tại Chương XI và Chương XXIV Bộ luật hình sự (BLHS) và các tội khác mà người thực hiện là cán bộ chiến sĩ an ninh nhân dân. - CQĐT an ninh quân đội điều tra các tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội quy định tại Điều 322, 323, 327,328,334 BLHS. - CQĐT thuộc Lực lượng Cảnh sát nhân dân điều tra tất cả các tội phạm quy định tại các Chương từ Chương XII đến Chương XXII BLHS, trừ các tội thuộc thẩm quyền của CQĐT khác (như CQĐT an ninh, CQĐT Viện kiểm sát …) - CQĐT hình sự quân đội điều tra các tội quy định tại các Chương từ chương XII đến Chương XXIII BLHS trừ những trường hợp do CQĐT của Viện kiểm sát quân sự điều tra. - Đối với các tội phạm quy định tại các Điều 94 đến 97 BLHS (1985) thì việc phân công trách nhiệm điều tra giữa CQĐT của Lực lượng Cảnh sát nhân dân và Lực lượng An ninh nhân dân do Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an) quyết định. Còn trong quân đội các tội phạm này do CQĐT an ninh quân đội điều tra. Từ những nội dung quy định trên chúng tôi có một số nhận xét sau đây: Thứ nhất: Việc xác định thẩm quyền điều tra như hiện nay là chưa rõ ràng, nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể, trong một số trường hợp chưa phù hợp với thực tiễn điều tra. Chẳng hạn: - Việc phân định thẩm quyền điều tra giữa các cấp với nhau trong cùng hệ thống chỉ căn cứ vào thẩm quyền xét xử của Tòa án. Tại Điều 9 đến Điều 12 PLTCĐTHS quy định: Cục điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân và cục điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân chỉ tiến hành điều tra khi xét thấy cần thiết trực tiếp điều tra. Nhưng thế nào là “thấy cần thiết”, thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể… - Đối với Đội cảnh sát điều tra của công an cấp huyện cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tại Điều 9 PLTCĐTHS quy định: “Đội điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân cấp huyện điều tra các tội phạm quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện”. Như vậy, Đội cảnh sát điều tra cấp huyện phải điều tra các tội phạm mà BLHS quy định hình phạt từ 7 năm tù trở xuống, trừ các tội phạm quy định tại điểm a, b Điều 145 BLTTHS. Trong khi đó Đội cảnh sát điều tra cấp huyện chỉ có điều tra viên sơ cấp và chỉ có quyền điều tra các vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng (là những tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ 3 năm tù trở xuống hoặc các tội phạm khác nhẹ hơn). Điều này là mâu thuẫn nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Mặt khác, có nhiều vụ án đơn giản, rõ ràng nếu để đội điều tra cấp huyện điều tra (và thực tế họ có khả năng điều tra các loại án này) thì sẽ thuận tiện, nhanh chóng kết thúc nhưng Viện kiểm sát vẫn ra quyết định chuyển cho CQĐT cấp trên (tỉnh, thành phố) với lý do: bị can có tiền án (tái phạm nguy hiểm), tài sản có giá trị lớn (trộm cắp một chiếc xe máy) thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh dẫn đến số lượng án CQĐT cấp trên quá tải. Thứ hai: Chúng ta tổ chức nhiều CQĐT nhưng chưa có sự phân định thẩm quyền điều tra một cách rõ ràng nên việc tranh chấp về thẩm quyền điều tra là việc có khả năng xảy ra. Trong khi đó BLTTHS cũng như PLTCĐTHS lại chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa thật cụ thể hoặc không phù hợp. Thực tế điều tra cho thấy có những vụ án vừa thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc Viện kiểm sát, vừa thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT khác. Hoặc có vụ án có nhiều bị can, có bị can thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT trong quân đội, có bị can thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc Lực lượng Cảnh sát hay Lực lượng An ninh nhân dân. Về nguyên tắc, nếu bị can thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT trong quân đội thì phải chuyển nhưng khi chuyển thì vụ án lại rất khó khăn cho công tác điều tra và xử lý. Còn nếu chuyển toàn bộ vụ án thì lại không thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT trong quân đội… Ngay cả trong Lực lượng Cảnh sát nhân dân, việc phân công giữa CQĐT và các cơ quan khác cũng chưa cụ thể, có nhiều cơ quan khác của lực lượng cảnh sát nhân dân “lấn sân” của CQĐT. Trường hợp trên nếu có tranh chấp thì cơ quan nào sẽ giải quyết? Ngay cả việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa CQĐT thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân và lực lượng an ninh nhân dân khi điều tra các tội quy định từ Điều 94 đến 97 BLHS (1985) do Bộ trưởng Bộ công an giải quyết nhưng căn cứ vào quy định nào để giải quyết thì luật chưa quy định một cách cụ thể. Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị: Một là, Cần phải xác định rõ thẩm quyền điều tra giữa các cấp điều tra trong cùng một hệ thống, đặc biệt là trong hệ thống CQĐT thuộc Lực lượng Cảnh sát nhân dân và Lực lượng An ninh nhân dân. Vụ án nào thuộc thẩm quyền điều tra của cục, của phòng và của đội điều tra. Để xác định thẩm quyền này cần căn cứ vào hai tiêu chí: + Thứ nhất là, thẩm quyền xét xử của Tòa án. + Thứ hai là, tính chất của vụ án. Trên cơ sở đó, CQĐT cấp huyện điều tra tất cả các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện (ở cấp huyện phải có điều tra viên trung cấp) và những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT cấp tỉnh ủy quyền (đó là những vụ án đơn giản, rõ ràng… nhưng bị can đã có tiền án). - CQĐT cấp tỉnh điều tra tất cả những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT cấp dưới, khi thủ trưởng CQĐT cấp dưới bị thay đổi (theo tinh thần của Điều 30 BLTTHS). - CQĐT ở Bộ công an điều tra các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khi các tội phạm đó có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương… mà CQĐT cấp tỉnh không có đủ điều kiện và khả năng để điều tra. Thẩm quyền điều tra của CQĐT này phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn một cách cụ thể. Hai là, BLTTHS phải quy định rõ thẩm quyền và căn cứ để giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra. Theo chúng tôi thẩm quyền này nên quy định theo hướng: + Nếu tranh chấp thẩm quyền điều tra giữa CQĐT thuộc lực lượng cảnh sát nhân dân và lực lượng an ninh nhân dân, ở Trung ương do Bộ trưởng bộ Công an quyết định, ở cấp tỉnh do Giám đốc công an cấp tỉnh quyết định. + Nếu tranh chấp thẩm quyền điều tra giữa CQĐT trong công an và quân đội do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định. Đổi mới về tổ chức và thẩm quyền của CQĐT là một vấn đề lớn và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của một số cơ quan có liên quan, đến vấn đề cán bộ và nhiều vấn đề quan trọng khác trong đó có những vấn đề vượt ra khỏi phạm vi đổi mới của CQĐT... Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu một cách tổng hợp, đồng bộ và toàn diện. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ nêu ra một số vướng mắc từ lý luận cũng như thực tiễn, và bước đầu có một số kiến nghị góp phần hoàn thiện hơn về tổ chức và thẩm quyền của CQĐT.· (1) TS. Trần Đình Nhã, Về tổ chức cơ quan điều tra, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp Bộ – VKSNDTC, 1995. (2) (3) Văn kiện Hội nghị Trung ương III, Khóa VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia. (4) (5) (6) Báo cáo tổng kết ngành kiểm sát từ năm 1992 đến năm 2000

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf49_4873.pdf
Luận văn liên quan