Một số vấn đề về diện và hàng thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành - Luật Dân sự Việt Nam
LỜI NÓI ĐẦU
Trong giai đoạn phát triển của quá trình lập pháp, các quan hệ thừa kế luôn là một trong những mối quan hệ quan trọng. Với bản chất là một quan hệ tài sản, quan hệ thừa kế dưới tác động của nền kinh tế thị trường cũng trở nên phong phú và phổ biến trong giao lưu dân sự. Chính vì vậy, chế định thừa kế có vị trí quan trọng và thực sự cần thiết trong hệ thống các quy phạm pháp luật dân sự Việt Nam. Vấn đề quan trọng luôn được đặt ra hàng đầu trong việc giải quyết tranh chấp thừa kế là việc xác định ai là người thừa kế di sản. Để xác định được những người có quyền hưởng thừa kế phải dựa vào mối quan hệ của họ với người để lại di sản. Nếu thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản thì việc xác định những người thuộc diện hưởng thừa kế chỉ xảy ra khi di sản được chia theo pháp luật. Vậy sau đây, em xin làm sáng tỏ bản chất và các quy định về quyền thừa kế với mục đích giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về diện và hàng thừa kế theo pháp luật để thực hiện quyền mà Nhà nước trao cho họ. Đây là vấn đề đòi hỏi kiến thức sâu rộng, do sự am hiểu vấn đề này còn hạn chế nên bài viết chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Em rất mong nhận được những ý kiến đánh giá của thầy cô để bài viết này được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
24 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4491 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Một số vấn đề về diện và hàng thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành - Luật Dân sự Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
BẢNG TỪ VIẾT TẮT
BLDS
Bộ Luật dân sự
HN & GĐ
Hôn nhân và gia đình
VNDCCH
Việt Nam dân chủ cộng hòa
TAND
Tòa án nhân dân
LỜI NÓI ĐẦU
Trong giai đoạn phát triển của quá trình lập pháp, các quan hệ thừa kế luôn là một trong những mối quan hệ quan trọng. Với bản chất là một quan hệ tài sản, quan hệ thừa kế dưới tác động của nền kinh tế thị trường cũng trở nên phong phú và phổ biến trong giao lưu dân sự. Chính vì vậy, chế định thừa kế có vị trí quan trọng và thực sự cần thiết trong hệ thống các quy phạm pháp luật dân sự Việt Nam.
Vấn đề quan trọng luôn được đặt ra hàng đầu trong việc giải quyết tranh chấp thừa kế là việc xác định ai là người thừa kế di sản. Để xác định được những người có quyền hưởng thừa kế phải dựa vào mối quan hệ của họ với người để lại di sản.
Nếu thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản thì việc xác định những người thuộc diện hưởng thừa kế chỉ xảy ra khi di sản được chia theo pháp luật. Vậy sau đây, em xin làm sáng tỏ bản chất và các quy định về quyền thừa kế với mục đích giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về diện và hàng thừa kế theo pháp luật để thực hiện quyền mà Nhà nước trao cho họ.
Đây là vấn đề đòi hỏi kiến thức sâu rộng, do sự am hiểu vấn đề này còn hạn chế nên bài viết chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Em rất mong nhận được những ý kiến đánh giá của thầy cô để bài viết này được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
PHẦN I : QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM
VỀ DIỆN VÀ HÀNG THỪA KẾ
DIỆN THỪA KẾ
Khái niệm diện thừa kế
Một trong những vấn đề chính yếu của chế định thừa kế theo pháp luật là việc xác định diện thừa kế. Pháp luật Việt Nam quy định một cá nhân có thể được hưởng di sản do người chết để lại nếu họ một trong ba mối quan hệ với người để lại di sản : hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, không phải ai trong ba mối quan hệ này cũng được hưởng di sản mà đó chỉ là khả năng có thể được hưởng.
Như vậy, diện thừa kế theo pháp luật là phạm vi những người được pháp luật xác định nằm trong diện có thể được hưởng di sản của người theo quy định của pháp luật. Diện những người thừa kế được xác định trên ba mối quan hệ với người để lại di sản :quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng.
2. Căn cứ xác định diện thừa kế
1.1 Diện thừa kế theo pháp luật dựa trên quan hệ hôn nhân
Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật HN & GĐ năm 2000 thì“hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn”. Như vậy mối quan hệ giữa nam và nữ chỉ được pháp luật xem là vợ chồng sau khi đã kết hôn. Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ hôn nhân. Điều đó cũng có nghĩa là khi một bên vợ hoặc chồng chết đi, quyền thừa kế của vợ, chồng được pháp luật bảo vệ.
Pháp luật thực định quy định vợ, chồng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau, khi quan hệ hôn nhân của họ tính đến thời điểm mở thừa kế của người vợ hoặc người chồng được xác định là hôn nhân hợp pháp. Căn cứ vào hôn nhân hợp pháp, quyền thừa kế của vợ, chồng trong việc nhận di sản của nhau được bảo vệ bằng pháp luật. Việc thừa nhận quyền thừa kế của vợ chồng là hoàn toàn chính đáng. Khoản 1 Điều 31 Luật HN & GĐ năm 2000 cũng quy định: “Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Tuy nhiên, để được pháp luật bảo vệ thì hôn nhân đó phải hợp pháp cả về nội dung lẫn hình thức, phải tuân thủ các điều kiện và thủ tục do pháp luật quy định.
Ngoài việc xác định một quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật, thì trong những giai đoạn lịch sử nhất định vẫn cần thiết phải đánh giá đúng mức những quan hệ hôn nhân mặc dù không tiến bộ, trái với pháp luật hiện hành nhưng vẫn tồn tại và được thừa nhận ở nước ta.
- Ở miền Bắc, những người có nhiều vợ trước ngày ban hành Luật HN & GĐ năm 1959, do Sắc lệnh số 02-SL ngày 13/01/1960 của Chủ tịch nước VNDCCH thì không đặt vấn đề vi phạm luật. Do vậy, quan hệ hôn nhân của vợ chồng xác lập trước ngày 13/01/1960 tuy có vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng vẫn tồn tại và được coi là không trái pháp luật. Theo quy định trên, khi chồng chết các người vợ được thừa kế của chồng hoặc khi các vợ chết trước thì chồng được thừa kế của các người vợ.
Xét về quan hệ hôn nhân của vợ chồng còn diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt do chiến tranh kéo dài, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam – Bắc (1954-1975). Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc đã có vợ ở miền Nam, sau lại kết hôn với người khác ở miền Bắc, sau ngày thống nhất đất nước quan hệ hôn nhân với người ở miền Bắc vẫn được thừa nhận. Khi chồng chết, các vợ được thừa kế của chồng hoặc khi vợ chết trước, chồng vẫn được thừa kế của các vợ.
- Ở miền Nam, một người có nhiều vợ trước ngày 25/03/1977 (ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước), mà việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì tất cả những người vợ đều được coi là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, khi các vợ chết trước, chồng được thừa kế của các vợ.
Nhằm giải quyết dứt điểm những quan hệ vợ chồng không tuân thủ những quy định của Luật HN & GĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN & GĐ năm 2000, tại Điều 2 quy định : Quan hệ vợ chồng chưa đăng ký mà được xác lập trước ngày 03/01/1987 thì việc đăng ký kết hôn không bị hạn chế về thời gian. Nhưng nếu nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HN & GĐ năm 2000 thì phải đăng ký kết hôn. Pháp luật quy định trong thời hạn 2 năm từ 01/01/2001 đến 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì quan hệ của họ không phải là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Về vấn đề hôn nhân thực tế không những đã có Nghị định số 35/2000/QH10 quy định thời hạn giải quyết cho đến ngày 01/01/2003 mà tại khoản 1 Điều 11 Luật HN & GĐ đã quy định không thừa nhận hôn nhân thực tế: “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”. uamn
1.2. Diện thừa kế theo pháp luật dựa trên quan hệ huyết thống
Pháp luật quy định quan hệ huyết thống là cơ sở để xác định diện thừa kế theo pháp luật. Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người có cùng đời máu về trực hệ, bao gồm những người có quan hệ huyết thống bề trên (các cụ, ông, bà, cha, mẹ đẻ), quan hệ huyết thống trực hệ bề dưới (cháu, chắt), quan hệ huyết thống bàng hệ (không trực tiếp sinh ra nhau nhưng có cùng một nguồn gốc chung, như quan hệ giữa anh chị em ruột; quan hệ giữa bác, chú, cô, cậu, dì ruột với cháu ruột và ngược lại)
1.3. Diện thừa kế theo pháp luật dựa trên quan hệ nuôi dưỡng
Quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ mà trong đó, những người thân thuộc thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng nhau. Quan hệ nuôi dưỡng là cơ sở xác định diện thừa kế theo pháp luật.
- Trong gia đình, cha mẹ đẻ, con đẻ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau. Các Điều 50, Điều 56 đến Điều 59 Luật HN & GĐ năm 2000 theo nguyên tắc : “Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con đã thành niên mà không có khả năng lao động để tự nuôi mình, và con có nghĩa vụ kính trọng, nuôi dưỡng cha mẹ”. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bao bọc nhau là căn cứ để phát sinh quan hệ thừa kế giữa họ với nhau. Mối quan hệ giữa cha mẹ và các con không tách rời nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau mà còn là đại diện đương nhiên của nhau khi cha mẹ không có năng lực hành vi dân sự. Nghĩa vụ đại diện cho nhau trước pháp luật.
- Quan hệ nuôi dưỡng giữa ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và các cháu nội, ngoại : Điều 27 Luật HN & GĐ năm 2000 quy định: “Ông bà có nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục cháu chưa thành niên trong trường hợp cháu không còn cha mẹ. Cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng ông bà trong trường hợp ông bà không còn con”. Ngoài nghĩa vụ nuôi dưỡng, cháu và ông bà còn là người giám hộ đương nhiên của nhau và là đại diện theo pháp luật cho nhau. Với lý do này, ngoài mối quan hệ huyết thống, dựa trên quan hệ nuôi dưỡng thì ông bà và các cháu thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau.
- Đối với cha mẹ nuôi với con nuôi, mối quan hệ của họ không phải là quan hệ huyết thống, quan hệ thừa kế của họ được xác định trên cơ sở quan hệ nuôi dưỡng. Và quyền lợi, nghĩa vụ giữa con nuôi và con đẻ như nhau. Khi mối quan hệ nuôi dưỡng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi được thiết lập thì sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi, ngược lại người con nuôi phải biết yêu thương, kính trọng, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ nuôi. (Việc nhận con nuôi phải tuân thủ trình tự, thủ tục, điều kiện nhận nuôi).
- Về quan hệ giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế : Cha kế, mẹ kế với con riêng của vợ, của chồng luật không quy định có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau và giám hộ, đại diện đương nhiên của nhau. Nhưng trong thực tế cha kế, mẹ kế với con riêng của vợ của chồng đã thể hiện được nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con, theo điều 679 BLDS năm 2005, họ được thừa kế của nhau. Nếu con riêng của vợ, của chồng mà chết trước cha kế, mẹ kế, con của họ được thừa kế thế vị nhận di sản của ông bà kế khi qua đời : Con riêng và cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 BLDS. Tuy nhiên, con riêng không thuộc diện thừa kế của những người khác trong họ hàng thân thuộc của bố dượng, mẹ kế.
- Quan hệ nuôi dưỡng còn được thể hiện giữa anh chị em ruột đối với nhau trong hoàn cảnh mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ còn nhưng không có khả năng lao động hoặc đều không có năng lực hành vi dân sự.
HÀNG THỪA KẾ
Khái niệm hàng thừa kế
Sau khi đã xác định phạm vi những người có quyền thừa kế theo pháp luật dựa trên ba mối quan hệ giữa người thuộc diện thừa kế với người để lại di sản. Nhưng theo quy định của pháp luật không phải tất cả những người trong diện những người thừa kế theo pháp luật đều được thừa kế cùng một lúc. Để những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật hưởng di sản theo trình tự trước, sau căn cứ vào mức độ gần gũi giữa họ với người chết, pháp luật về thừa kế đã xếp những người đó theo từng nhóm khác nhau. Mỗi một nhóm đó được gọi là một hàng thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, hàng thừa kế là nhóm những người có cùng mức độ gần gũi với người chết và theo đó họ cùng được hưởng ngang nhau đối với di sản thừa kế mà người chết để lại.(2)
Việc chia hàng thừa kế có ý nghĩa thiết thực đảm bảo cho những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết hoặc bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản một cách hợp pháp. Theo pháp luật thực định của nước ta thì số lượng hàng thừa kế được chia thành ba hàng và cơ sở để ghi nhận những người trong cùng một hàng thừa kế là tùy thuộc vào mức độ gần gũi, thân thích với người chết để lại di sản.
2. Bản chất pháp luật về hàng thừa kế của BLDS năm 2005
2.1 Bản chất pháp luật của hàng thừa kế thứ nhất
Điểm a Khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005 quy định hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mệ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Cơ sở xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất dựa trên cả ba mối quan hệ là quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng. Trong đó, những người thuộc bề trên gồm: ông, bà; ngang bậc gồm: vợ, chồng và bề dưới gồm: các con. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất này có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau và là đại diện đương nhiên của nhau theo BLDS năm 2005 và Luật HN & GĐ năm 2000. Nếu họ vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật HN & GĐ và BLDS thì họ bị tước quyền thừa kế theo khoản 1 Điều 643 BLDS năm 2005.
Quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng
Quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng là một quan hệ thừa kế mang tính hai chiều hay còn gọi là “thừa kế đối nhau”, “thừa kế của nhau”, nghĩa là trong đó, khi bên này chết thì bên kia là người thừa kế ở hàng thứ nhất và ngược lại, khi bên kia chết thì bên này là người thừa kế ở hàng thứ nhất. Căn cứ để xác định quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng là quan hệ hôn nhân. Theo quy định tại điều 8 lhngd thì “hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn”. Mặt khác, cũng tại điều 8 của luật trên còn quy định “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Vì thế, vợ - chồng được thừa kế di sản của nhau khi một bên chết, nếu vào thời điểm mở thừa kế mà quan hệ hôn nhân giữa họ về mặt pháp lý vẫn còn tồn tại.
Tuy nhiên, khi xác định quan hệ thừa kế theo pháp luật giữa vợ và chồng cần lưu ý các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, vợ chồng đã chia tài sản chung nhưng không ly hôn, sau đó một bên chết thì về mặt pháp lý, quan hệ hôn nhân của họ vẫn con tồn tại. Do đó, người còn sống vẫn được thừa kế di sản của người đã chết.
Trường hợp thứ hai, vợ chồng đã sống ly thân và về mặt tình cảm hầu như tình yêu giữa họ đã chết, nhưng vì một lý do tế nhị nào đó nên họ không ly hôn thì dù về mặt tình cảm, hôn nhân giữa họ “đã chết” nhưng về mặt pháp lý, hôn nhân giữa họ vẫn đang tồn tại. Vì vậy, người còn sống vẫn được hưởng di sản của người đã chết.
Trường hợp thứ ba, khi một bên chết, dù người còn sống đang sống chung với người khác như vợ chồng một cách bất hợp pháp thì người đó vẫn được hưởng di sản của người đã chết.
Trường hợp thứ tư, vợ chồng đang xin ly hôn mà chưa được Tòa án cho ly hôn hoặc đã được Tòa án cho ly hôn nhưng quyết định hoặc bản án cho ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật mà một bên chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản của người đã chết.
Trường hợp thứ năm, đối với các trường hợp hôn nhân không đăng ký kết hôn nhưng được thừa nhận là hôn nhân thực tế (gồm các cuộc hôn nhân được tiến hành trước ngày Luật HN & GĐ 1986 có hiệu lực pháp luật có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn) thì quan hệ vợ chồng giữa họ vẫn được thừa nhận do vậy họ là người thừa kế theo pháp luật của nhau ở hàng thừa kế thứ nhất.
Trường hợp thứ sáu, hai vợ chồng đã ly hôn nhưng sau đó quay lại sống chung với nhau trước ngày Luật HN & GĐ 1986 có hiệu lực pháp luật mà cuộc sống chung đó không bị hủy bỏ bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, thì họ vẫn được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng theo hôn nhân nên vẫn là người thừa kế theo pháp luật của nhau ở hàng thừa kế thứ nhất.
b. Quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ và con
Quan hệ thừa kế giữa một bên là cha, mẹ với một bên là con cũng là quan hệ thừa kế mang tính hai chiều. Quan hệ này được xác định theo một trong hai căn cứ.
- Nếu căn cứ vào quan hệ huyết thống thì đó là những người có cùng một dòng máu trực hệ phạm vi hai đời liền kề nhau. Trong đó, cha đẻ, mẹ đẻ của 1ng là ng đã sinh ra người đó và được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, cha, mẹ của người do mình sinh ra dù trong hay ngoài giá thú nhưng được pháp luật thừa nhận đều là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản theo pháp luật khi người con chết. Và ngược lại, người con trong hay ngoài giá thú đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất để hưởng di sản do cha, mẹ mình để lại.
- Nếu căn cứ vào quan hệ nuôi dưỡng thì đó là quan hệ giữa những người nuôi dưỡng lẫn nhau theo cha – con, mẹ - con hoặc theo cha, mẹ - con. Cha nuôi, mẹ nuôi của một người là người đã nhận ng đó làm con nuôi của mình theo quy đinh của pháp luật. Cha nuôi, mẹ nuôi là những ng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của con nuôi khi ng con nuôi đó chết và ngược lại, con nuôi là người thừa kế thứ nhất của cha, mẹ nuôi khi cha, mẹ nuôi chết.
** Trong trường hợp một người vừa có con nuôi vừa có con đẻ thì họ vừa là người ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của người con nuôi khi người con nuôi đó chết, vừa là người ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của con đẻ khi người con đẻ đó chết. Ngược lại, một người đang là con nuôi của người khác thì họ vừa là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của cha, mẹ nuôi khi cha, mẹ nuôi chết; vừa là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của cha, mẹ đẻ khi cha, mẹ đẻ chết.
- “Cha,mẹ và con” còn được dùng để chỉ quan hệ giữa cha, mẹ chồng với con dâu và quan hệ giữa cha, mẹ vợ với con rể. Con dâu không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ chồng; con rể không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ vợ. Tuy nhiên, nếu người con dâu tham gia lao động chung trong gia đình cha, mẹ chồng, góp công sức trong việc xây dựng khối tài sản của gia đình cha, mẹ chồng thì người con dâu đó có quyền hưởng phần tài sản tương xứng với công sức đóng góp của mình trong khối tài sản chung hiện có với tư cách là một đồng chủ sở hữu. Vì vậy, trước khi chia di sản của cha, mẹ chồng cho những người thừa kế cần phải tách từ khối tài sản đó phần tài sản thuộc quyền của người con dâu. Người con rể trong trường hợp tương tự trên cũng được đảm bảo quyền lợi như người con dâu.
- Ngoài ra, còn có quan hệ giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế. Quan hệ giữa con riêng với bố dượng : là quan hệ giữa người chồng với con riêng của người vợ. Quan hệ giữa con riêng với mẹ kế là quan hệ giữa ng vợ với con riêng của ng chồng. Các bên trong 2 mối quan hệ nói trên ko có quan hệ huyết thông nên về nguyên tắc thì họ ko phải là người thừa kế theo pháp luật của nhau. Tuy nhiên, nêu giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau thì họ được xác định tương tự như cha mẹ nuôi với con nuôi và vì thế họ sẽ là người thừa kế ở hàng thứ nhất của nhau, nhưng không đương nhiên mang tính hai chiều như quan hệ thừa kế giữa cha mẹ nuôi với con nuôi. Cụ thể là : nếu bố dượng chăm sóc, nuôi dưỡng và coi con riêng của vợ như con của mình thì khi người con đó chết, bố dượng sẽ là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của người con đó. Nếu con riêng của người vợ chăm sóc, nuôi dưỡng và coi bố dượng như cha của mình thì khi bố dượng chết, con riêng của người vợ mới được coi là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của bố dượng. Quan hệ thừa kế giữa con riêng của chồng với mẹ kế cũng được xem xét tương tự như trên.
Như vậy, quy định về hàng thừa kế thứ nhất của pháp luật nước ta rất phù hợp với gia đình truyền thống Việt Nam. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có mối quan hệ thân thuộc gần gũi nhất với người chết được xác định trên nền tảng gia đình. Họ được quyền hưởng di sản ngang nhau và là những người được hưởng thừa kế đầu tiên theo pháp luật khi mở thừa kế. Chỉ khi nào không có ai trong số họ hoặc có nhưng thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 643 BLDS năm 2005 hoặc bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản thì pháp luật mới xét đến những người thuộc hàng thừa kế thứ hai.
2.2 Bản chất pháp luật của hàng thừa kế thứ hai
Điểm b Khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005 quy định những người thuộc hàng thừa kế thứ hai bao gồm: “Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại”. Trong đó, những người thuộc bề trên gồm: ông bà nội, ông bà ngoại; ngang bậc gồm: anh, chị,em ruột và bề dưới: các cháu. Những người thuộc hàng thừa kế thứ hai được xét trên mối quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ huyết thống và là đại diện đương nhiên của nhau. Những người này sẽ được ưu tiên hưởng di sản theo pháp luật khi không ai nhận thừa kế theo thứ tự ở hàng thừa kế thứ nhất.
- Quan hệ thừa kế giữa ông nội, bà nội với cháu nội, giữa ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại và ngược lại:
Theo điểm b, Khoản 1, Điều 676 BLDS 2005 thì căn cứ để xác định mối quan hệ thừa kế này là hoàn toàn dựa vào quan hệ huyết thống mà không dựa vào quan hệ nuôi dưỡng. Ông bà nội là người sinh ra cha của cháu, ông bà ngoại là người đã sinh ra mẹ của cháu. Nếu ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại còn sống vào thời điểm người cháu của mình chết sẽ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ hai của người cháu đó. Ngược lại, khi ông bà nội, ông bà ngoại chết thì cháu của người chết sẽ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ hai của người đó. Cũng theo quy định của điểm b nói trên thì khi ông, bà chết chỉ có cháu ruột mới được thừa kế di sản của ông, bà ở hàng thừa kế thứ hai.
Tuy nhiên, điểm b, Khoản 1, Điều 676 BLDS 2005 chưa quy định cụ thể khi cháu chết thì ông, bà nuôi (cha, mẹ nuôi của cha, mẹ đẻ người chết hoặc cha, mẹ của cha, mẹ nuôi người chết) có được hưởng di sản của người cháu đó theo hàng thừa kế thứ hai không. Nếu theo tinh thần của Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19 tháng 10 năm 1991 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha mẹ của người nuôi dưỡng” thì con nuôi của một người muốn được xác định có quan hệ ông cháu, bà cháu với cha, mẹ của cha, mẹ nuôi của mình phải được sự thừa nhận của người đó. Vì vậy, khi giải quyết thừa kế theo mối quan hệ này, cần xác định thành hai trường hợp:
Thứ nhất, nếu ông, bà là cha, mẹ nuôi của cha, mẹ đẻ người chết thì cần xác định ông, bà là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai của người đó.
Thứ hai, nếu người chết là con nuôi của con đẻ hay con nuôi của ông, bà thì ông, bà không đương nhiên là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai của người chết.
- Quan hệ thừa kế giữa anh ruột, chị ruột với em ruột:
Đây là quan hệ thừa kế giữa hai bên, trong đó một bên hoặc là anh ruột hoặc là chị ruột hoặc là cả anh ruột, chị ruột và một bên là em ruột. Quan hệ thừa kế này được hình thành theo một căn cứ duy nhất là quan hệ huyết thống, bao gồm những người có quan hệ huyết thống trực hệ cùng một đời.
Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể nhưng có thể hiểu anh, chị, em ruột bao gồm : những người có cùng cha, cùng mẹ ; những người có cùng mẹ nhưng khác cha và những người có cùng cha nhưng khác mẹ. Trong quan hệ này, nếu anh hoặc chị hoặc cả anh, chị chết thì em ruột sẽ là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai để hưởng di sản của anh, chị đã chết. Ngược lại nếu em chết thì anh, chị sẽ là những người ở hàng thừa kế thứ hai để hưởng di sản của người em đã chết.
Quan hệ thừa kế giữa anh, chị, em không hình thành từ quan hệ nuôi dưỡng, vì vậy, trong trường hợp một người vừa có con nuôi, vừa có con đẻ thì giữa con nuôi và con đẻ của người đó không phải là anh, chị, em ruột của nhau nên họ không phải là người thừa kế theo pháp luật của nhau.
2.3 Bản chất pháp luật của hàng thừa kế thứ ba
Điểm c Khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005 quy định người thừa kế ở hàng thứ ba gồm: “Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, câụ ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.
Quan hệ thừa kế giữa cụ với chắt:
Nếu xét đơn thuần về huyết thống thì cụ nội của một người là người đã sinh ra ông nội hoặc bà nội của người đó. Cụ ngoại của một người là người đã sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại của người đó. Như vậy, các cụ của một người là những người đã sinh ra ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của những người đó, người đó là chắt của các cụ.
Theo quy định của điểm c, Khoản 1, Điều 767 BLDS 2005 thì quan hệ thừa kế giữa các cụ và chắt được xác định như sau: Khi chắt chết, các cụ là người thừa kế ở hàng thứ ba của chắt và ngược lại, khi cụ chết, chắt ruột là người thừa kế ở hàng thứ ba để hưởng di sản thừa kế của người cụ đã chết để lại.
- Quan hệ thừa kế giữa bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột với cháu ruột:
Bác ruột, chú ruột, cô ruột,cậu ruột, dì ruột của một người là anh ruột, chị ruột, em ruột của cha đẻ hoặc của mẹ đẻ người đó. Cơ sở hình thành mối quan hệ thừa kế giữa những người này là quan hệ huyết thống bàng hệ giữa hai đời liền kề nhau. Đây là những người có quyền hưởng di sản của nhau theo hàng thừa kế thứ ba, nghĩa là khi cháu chết trước thì chú, bác, cô, dì, cậu ruột nếu còn sống là những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba của cháu. Ngược lại, nếu cô, dì, chú, bác, cậu ruột chết thì cháu là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba của người chết.
Như vậy, khi chia thừa kế theo hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần bằng nhau, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (nguyên tắc hàng trước được ưu tiên). Khi tất cả các hàng thừa kế không còn người thừa kế thì di sản thuộc về Nhà nước.
3. Hưởng di sản thừa kế theo trình tự hàng
Trình tự ưu tiên hưởng di sản phải theo quy luật sắp xếp thứ tự các hàng. Trước hết những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên hàng đầu bởi giữa họ có mối quan hệ thân thuộc, thiêng liêng và gần gũi nhất. Hàng thừa kế thứ nhất được xác định trên cả ba mối quan hệ: quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, những người này sẽ không được hưởng di sản nếu vi phạm khoản 1 Điều 643 BLDS năm 2005 hoặc bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Và lúc này, ngoài những người trên, không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất thì những người ở hàng thừa kế thứ hai sẽ được ưu tiên hưởng di sản. Hàng thừa kế thứ ba cũng vậy, sẽ được nhận di sản nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ hai.
Về nguyên tắc, những cá nhân thuộc hàng thừa kế được hưởng phần di sản ngang nhau (Khoản 2 Điều 676 BLDS năm 2005). Thứ tự ưu tiên hưởng di sản theo hàng là thứ tự tuyệt đối. Không bao giờ có trường hợp hai cá nhân thuộc hai thừa kế khác nhau cùng hưởng di sản theo quy định của pháp luật, những cá nhân từ chối nhận di sản một cách hợp pháp thì không được hưởng thừa kế theo hàng.
Như vậy, thứ tự ưu tiên ở ba hàng thừa kế là tuyệt đối. Cách chỉ định những người thuộc các hàng thừa kế là do pháp luật quy định.
III. THỪA KẾ THẾ VỊ THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
1.Khái niệm thừa kế thế vị
Thừa kế thế vị là việc một người thừa kế được hưởng di sản với tư cách thay vị trí của một người đã chết để nhận phần di sản mà người đó được hưởng nếu còn sống.
Theo Điều 677 BLDS năm 2005: “ Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”
Theo quy định thì thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi thỏa mãn năm điều kiện:
Thứ nhất, những người thế vị nhau phải là những người thuộc mối quan hệ thừa kế thứ hai trong hàng thừa kế thứ nhất (quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ và con), trong đó người thế vị phải là những người ở đời sau (con thế vị cha, mẹ nhưng cha mẹ không được thế vị con). Như vậy, việc thế vị là mối liên hệ giữa hai bên, một bên được gọi là người được thế vị (gồm cha hoặc mẹ đẻ), một bên được gọi là người thế vị (gồm các con đẻ).
Thứ hai, giữa họ phải có quan hệ huyết thống trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha mẹ đẻ).
Thứ ba, thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi người được thừa kế thế vị chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc các cụ).
Thứ tư, trong mối liên hệ giữa người để lại di sản với người được thế vị thì người để lại di sản phải là người ở đời trước, người được thế vị là người ở đời sau.
Thứ năm, người thế vị phải còn sống vào thời điểm người được thế vị chết hoặc nếu sinh ra và còn sống sau thời điểm người được thế vị chết thì phải thành thai trước thời điểm người được thế vị chết.
Từ sự phân tích trên có thể đi đến định nghĩa sau: Thừa kế thế vị là việc con đẻ hay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nếu còn sống nhưng cha đã chết trước ông nội, bà nội hoặc mẹ đã chết trước ông ngoại, bà ngoại, đồng thời cũng là việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của cụ đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nhưng cha, mẹ đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với cụ
2. Các trường hợp thừa kế thế vị
Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông bà
Chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của cụ
Như vậy, thừa kế thế vị chỉ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc. Người thừa kế theo di chúc đã chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với người để lại di sản theo di chúc, phần di chúc đó vô hiệu.
Quan hệ thừa kế theo hàng nói chung và quan hệ thừa kế thế vị nói riêng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Quan hệ thừa kế thế vị không phải là quan hệ thừa kế theo trình tự hàng nhưng hàng thừa kế là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị trong trường hợp con của người để lại di sản là người được hưởng thừa kế theo hàng nhưng đã chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với người để lại di sản. Những người thừa kế thế vị chỉ được hưởng chung một suất thừa kế được chia theo pháp luật mà người được thừa kế theo hàng được hưởng nếu còn sống nhưng đã chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với người để lại di sản.
Thừa kế thế vị theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của những người thân thuộc nhất của người để lại di sản. Nhằm bảo vệ quyền hưởng di sản của các cháu của người để lại di sản một cách trực tiếp nhất. Tránh tình trạng di sản của ông bà mà các cháu không được hưởng, lại để cho người khác hưởng.
3. Người không được quyền hưởng di sản, người từ chối quyền hưởng di sản, người bị truất quyền thừa kế theo quy định trong BLDS 2005
Những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật và thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản, nhưng họ không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản hoặc bị truất quyền thừa kế được thể hiện trong những trường hợp sau:
Người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS năm 2005
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó (Điểm a, Khoản 1 Điều 643 BLDS 2005).
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
b. Trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản theo Điều 642 BLDS 2005
Quyền từ chối hưởng di sản của người thừa kế được pháp luật thừa nhận với điều kiện việc từ chối nhận di sản không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Ngoài ra, việc từ chối hưởng di sản thừa kế còn phải thỏa mãn các điều kiện về thời gian và hình thức. Tại khoản 2 Điều 642 BLDS quy định về từ chối nhận di sản như sau: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản” ; “Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận di sản”.
Người thừa kế có quyền nhận di sản, có quyền từ chối nhận di sản và quyền của người thừa kế bị hạn chế theo quy định tại khoản 1 Điều 642 BLDS. Tuy nhiên, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản theo các mức độ khác nhau và sự từ chối đó đều hợp pháp. Người thừa kế có quyền từ chối toàn bộ quyền hưởng di sản. Người thừa kế cũng có quyền lựa chọn hoặc chỉ từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc mà không từ chối quyền hưởng di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Người thừa kế chỉ từ chối quyền hưởng di sản thừa kế được chia theo pháp luật mà không từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc.
b.Trường hợp người thừa kế bị truất quyền hưởng di sản
Nếu người không có quyền hưởng di sản là những người do pháp luật quy định và dự liệu thì người bị truất quyền là người không được hưởng di sản do ý chí của người để lại di sản quyết định. Pháp luật luôn tôn trọng quyền tự định đoạt của người để lại di sản nên việc người để lại di sản truất quyền hưởng di sản của một người nào đó sẽ được pháp luật bảo hộ.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của một số người, đặc biệt là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động : Điều 669 BLDS 2005 quy định những người này sẽ được hưởng 2/3 của một suất và được gọi là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Quy định này vừa đảm bảo bổn phận, trách nhiệm của người để lại di sản, vừa phù hợp với đạo đức, truyền thông gia đình Việt Nam.
PHẦN II: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN
DIỆN VÀ HÀNG THỪA KẾ
I. Thực trạng giải quyết tranh chấp về việc xác định diện và hàng thừa kế tại TAND
Trong những năm qua, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường các tranh chấp dân sự ngày càng có chiều hướng gia tăng.Trong số đó các tranh chấp về thừa kế chiếm một tỷ lệ đáng kể và chủ yếu xoay quanh việc chia di sản thừa kế. Đây là nhưng tranh chấp chủ yếu đòi hỏi công bằng về quyền lợi nên phải cần phải xác định một cách thấu tình đạt lý, vì thế đòi hỏi các cấp Tòa án có thẩm quyền phải xác định đúng những người được quyền hưởng thừa kế và theo thứ tự ưu tiên nhất định, tránh trường hợp nhầm lẫn để đảm bảo quyền lợi của đương sự.
Một vấn đề luôn đặt lên hàng đầu khi giải quyết tranh chấp thừa kế là việc xác định diện và hàng thừa kế. Nếu xác định sai về những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật sẽ không giải quyết dứt điểm vụ án mà còn dây dưa kéo dài. Ngoài việc xác định đúng người thừa kế theo pháp luật, Tòa án nhân dân các cấp còn phải kết hợp hài hòa giữa thực tiễn và lý luận để có sự linh hoạt, mềm dẻo nhằm ổn định đời sống trật tự xã hội.
Những năm gần đây, hiệu quả xét xử của Tòa án nhân dân các cấp ngày càng đươc nâng cao. Thực tế xét xử của Tòa án nhân dân các cấp đa cố gắng trong việc nâng cao trình độ, bám sát các quy định của BLDS và các văn bản pháp luật của các ngành có liên quan để xác định đúng đắn trong việc giải quyết các tranh chấp thừa kế đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, còn nhiều quy định trong BLDS chưa thực sự phù hợp với thực tế và chưa rõ ràng khiến các Tòa án gặp khó khăn khi áp dụng. Đôi khi do cách hiểu của những người áp dụng pháp luật nên dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một vụ án. Nhưng, với cách hiểu nào cũng phải dưạ trên tinh thần của điều luật và xác định bản chất điều luật quy định như thế nào để tránh bị sai sót, nhầm lẫn.
II. MỘT VÀI Ý KIẾN HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ DIỆN VÀ HÀNG THỪA KẾ THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
Trên cơ sở phân tích diện và hàng thừa kế cho thấy những quy định của pháp luật về thừa kế của nước ta tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, có một vài quy định của pháp luật về diện và hàng thừa kế còn chưa cụ thể, rõ ràng nên khi áp dụng vào thực tế sẽ xảy ra tình trạng không nhất quán trong cách hiểu cũng như giải quyết tranh chấp.
- Về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế (Điều 679 BLDS năm 2005)
Trên tinh thần điều 679 BLDS 2005 thì tiêu chí để xác định con riêng với bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế của nhau hay không là dựa trên quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau. Nếu hai phía không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau thì không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên, “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” là một phạm trù rất trừu tượng, không thể xác định một cách cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt hiểu như thế nào là chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Quy định này rất chung chung nên trong thực tiễn áp dụng, nhiều khi rất khác nhau và do cách hiểu của các nhà áp dụng pháp luật. Tình trạng này tồn tại là do không có cơ sở, tiêu chí để xác định thế nào là quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế. Điều đó cũng do không thống nhất về căn cứ đánh giá, thời gian nuôi dưỡng, mức độ nuôi dưỡng, chăm sóc như thế nào.
Trên thực tế có trường hợp, khi người để laị di sản chết, vì không muốn cho con riêng hưởng di sản mà người thừa kế khác không thừa nhận quan hệ nuôi dưỡng đã có. Trong trường hợp này thì quyền lợi của người là cha kế, mẹ kế, con riêng sẽ được đảm bảo bằng biện pháp nào? Pháp luật đã không quy định cụ thể và đây là đây là điều cần bổ sung để tránh gây ra tình trạng điều luật được hiểu không nhất quán và để đảm bảo quyền lợi cho người được hưởng di sản thừa kế.
- Về thừa kế thế vị (Điều 677 BLDS 2005)
Khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 quy đinh về hành vi của người không có quyền hưởng thừa kế của người để lại di sản. Vấn đề đặt ra, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản nhưng người đó khi còn sống đã bị kết án về một trong nhưng hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 643 blds2005 thì cháu có được thừa kế thế vị không? Xét theo quan hệ thân thuộc, cháu không có lỗi và không chịu trách nhiệm về hành vi độc lập của cha, mẹ. Do vậy, để đảm bảo quyền, lợi ích của các cháu của người để lại di sản, cần phải bổ sung trường hợp những người bị tước quyền thừa kế theo Điều 643 BLDS năm 2005 thì con cháu họ vẫn được hưởng thừa kế thế vị, trừ khi chính con, cháu họ cũng vi phạm Khoản 1 Điều 643 BLDS 2005.
- Về nhường quyền hưởng di sản thừa kế
BLDS Việt Nam chưa quy định về người nhường quyền thừa kế mà chỉ quy định người từ chối quyền hưởng di sản do người chết để lại. Trong trường hợp người thừa kế nhường kỷ phần thừa kế của mình cho người thừa kế khác, Tòa án vẫn chấp nhận, bởi trong quan hệ dân sự, quyền tự định đoạt của đương sự là quyền luôn được tôn trọng và là nguyên tắc được quy định tại Điều 4 BLDS năm 2005. Khi người thừa kế nhường kỷ phần thừa kế của mình cho người thừa kế khác thì về mặt pháp lý, họ đã nhận phần di sản của mình và đã nhường cho người khác (với tư cách là tặng, cho người khác). Việc nhường quyền hưởng di sản phải được lập thành văn bản. Và người được nhường quyền hưởng di sản phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong pham vi di sản mà mình được nhường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Những người thừa kế được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại
Pháp luật thừa kế hiện hành của nước ta chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Trong xã hội phát triển, ngày càng có nhiều người mong muốn được sinh con theo phương pháp khoa học hiện đại. Do vậy, vấn đề công nhận cha cho những đứa trẻ sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm hết sức quan trọng. Vì vậy, cần phải bổ sung vấn đề những người thuộc diện thừa kế được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại một cách cụ thể rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho những đứa trẻ. Có như vậy khi phát sinh tranh chấp về thừa kế liên quan đến những người này, thì những nhà áp dụng pháp luật mới có cơ sở để giải quyết một cách thấu tình đạt lý, nâng cao công tác xét xử và tạo niềm tin vào pháp luật trong lòng người dân.
KẾT LUẬN
Phạm vi những người thừa kế theo pháp luật ngày càng được mở rộng dựa trên quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Với quy định tương đối hoàn thiện, pháp luật thừa kế hiện hành đã góp phần củng cố và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp thừa kế trên thực tế. Tuy nhiên, pháp luật thừa kế vẫn không dự liệu được tất cả các trường hợp xảy ra trên thực tiễn bởi khoa học không có điểm dừng và thay đổi cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Quan hệ thừa kế về bản chất là quan hệ sở hữu nên việc giải quyết các tranh chấp trên thực tế không thỏa đáng hoặc không đảm bảo quyền, lợi ích của các đương sự sẽ gây ra nhiều hậu quả và gây bất bình trong lòng dân. Do vậy, cần phải xác định đúng, chính xác diện và hàng thừa kế sẽ giúp cho việc giải quyết tranh chấp trên thực tế được dễ dàng, nâng cao hiệu quả công tác xét xử, tạo niềm tin vào Nhà nước và Pháp luật.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1
Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1
Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
BLDS năm 2005 và các văn bản hướng dẫn
Phạm Văn Tuyết, Thừa kế - Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng
Nxb. CTQG, Hà Nội, 2007 (trang 239-265).
Phùng Trung Tập, Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội, 2008.
Nguyễn Minh Tuấn, Pháp luật thừa kế của Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Lao động – xã hội, Hà Nội, 2009 (trang 115-118).
Phan Thị Kim Chi, Diện và hàng thừa kế theo quy định của BLDS 2005, Luận văn thạc sỹ luật học.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Một số vấn đề về diện và hàng thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành - Luật Dân sự Việt Nam.doc