Vào thời đại Nguyễn Trãi khi văn học chữ Nôm hãy còn thô sơ về nghệ thuật, ít ỏi về số lượng và ít được các tác gia thời đó quan tâm. Nhưng với thơ nôm Nguyễn Trãi, ông đã sang tác một khối lượng rất lớn khoảng 254 bài. Bằng hành động đó, nhà thơ đx đảm nhận vai trò khai phá, đem hết tâm lực gọt giũa thứ đá quý còn ở dạng thô sơ ấy thành những viên ngọc tuyệt bích để lại cho đời
70 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 23061 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nét đặc sắc về nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ian xưa: “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”, Nguyễn Trãi đã khuyên mọi người ra đến làng mạc, đối xử với những người xung quanh, hãy lấy chữ hoà, chữ nhẫn làm tôn chỉ. Chớ có đôi co, dùng dằng dẫn đến làm mất lòng người. Đọc những câu thơ trên, chúng ta như nghe thấy tiếng nói ân tình, ân nghĩa của Nguyễn Trãi. Với Ức Trai, sống ở trên đời tình người là rất quan trọng. Nguyễn Trãi khuyên:
Làm người mựa cậy khi quyền thế,
Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe.
(Trần tình, bài 9)
Chỉ qua hai hình tượng hai con cờ là con “tốt” và con “xe”, Nguyễn Trãi đã nêu lên một chân lý: ở trên đường đời đừng cậy thế, cậy quyền khi mạnh mà chèn ép, mà bắt nạt kẻ khác. Bởi lẽ, “sông có khúc, người có lúc”. Nó giống như trong một bàn cờ, mặc dù thực lực của con tốt thua con xe nhưng khi có thế rồi, khi gặp nước rồi tốt sẽ đuổi xe. Và như vậy là sẽ mất tất cả. Sau này, Hồ Chí Minh cũng đã có hai câu tương tự bàn về vấn đề này:
Lạc nước hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời một tốt cũng thành công.
(Học đánh cờ)
Khuyên răn bản thân mình, khuyên răn con cái, Nguyễn Trãi cũng nhằm mục đích khuyên răn người đời:
Làm người thì giữ đạo “trung dung”
Khăn khắn dặn dò thửa lòng.
(Tự giới)
Nguyễn Trãi nhắc nhở mình phải luôn ngay thẳng, trung thực trong cuộc sống. Chớ tham vinh hoa, phú quý, chớ bị những lời siễm nịnh mua chuộc mà làm nhơ bẩn lương tâm. Và làm người nếu giữ được khí tiết ấy mới đáng là anh hùng.
Như vậy, về ở ẩn ở Côn Sơn, ông già Ức Trai lại có dịp “làm cái phận sự thông thường của những bậc làm cha làm mẹ” [12, tr.461]. Ông gợi ý cho mình mà cũng gợi ý cho con cháu, cho hàng xóm láng giềng những phương châm sống tích cực, những bài học làm người thật quý báu. Sống sao cho đúng, đó không phải là điều đơn giản. Hành trình để đi tìm được phương châm sống tốt, sống hay, sống đẹp là rất khó khăn. Nó là cả một quá trình tìm tòi, rèn luyện công phu và phải đạt đến trình độ nghệ thuật – “nghệ thuật sống”. Cái bí quyết quan trọng trong “nghệ thuật sống” đó được truyền từ đời này sang đời khác, từ cha sang con cũng chỉ nhằm mục đích đạt tới sự “hoà hảo”, “thân ái”, “một sự nhịn, chín sự lành”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Thơ của Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Có người nói thơ của Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn, vì lẽ gì chúng ta đều biết, nhưng cả tập thơ của Nguyễn Trãi là thơ của một con người yêu đời, yêu người, tâm hồn Nguyễn Trãi sống một nhịp sống với non sông đất nước tươi vui”. Qua những vần thơ Nôm viết về nhân tình, thế cuộc; Nguyễn Trãi đã bộc lộ những suy nghĩ, những tâm sự sâu kín của mình. Hiện lên sau những câu thơ, bài thơ là tấm lòng trăn trở, luôn “Tiền thiên hạ chi ưu nhi ưu” và “Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” của Nguyễn Trãi.
* Những vần thơ viết về cảnh sắc thiên nhiên
Thơ viết về thiên nhiên chiếm cái phần phong phú nhất và cũng là thành công nhất trong di sản thơ của Nguyễn Trãi nói chung, thơ Nôm của ông nói riêng. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Non nước cùng ta đà có duyên”. Chính mối lương duyên ấy làm cho nhà thơ và thiên nhiên đất nước như dính kết lại với nhau, hòa quyện vào nhau làm một. Do đó, trước một cảnh tượng của thiên nhiên, một biểu hiện của tạo vật, Nguyễn Trãi có một xúc cảm, một năng lực rung cảm dào dạt lạ thường. Dưới ngòi bút của Ức Trai, thiên nhiên trở nên sinh động hơn, có hồn hơn. Thiên nhiên được miêu tả với đầy đủ những đường nét, âm thanh, màu sắc, hương hoa và cả những cá tính, tâm tư, tình cảm giống như con người.
Xuân Diệu đã từng nói: “Lòng yêu thiên nhiên, tạo vật là kích thước để đo tâm hồn”. Ở Nguyễn Trãi, lòng yêu thiên nhiên không chỉ phản ánh nhu cầu thẩm mĩ mà còn là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống, thể hiện cái nhìn tiến bộ của ông. Điều này hoàn toàn khác xa với quan niệm thẩm mĩ phong kiến. Thẫm mĩ phong kiến nhìn nhận thiên nhiên ở trạng thái lớn lao, kỳ vĩ, hoành tráng, mỹ lệ. Với tầm nhìn cao cả, với cảm xúc hào hùng, Nguyễn Trãi đã phác họa vẻ đẹp đó của thiên nhiên trong những vần thơ viết bằng chữ Hán. Song ở thơ Nôm, thiên nhiên được khoác lên mình một bộ áo mới thực hơn, bình dị hơn, góp phần quan trọng trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm, những suy ngẫm của Ức Trai về nhân tình, thế sự. Trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã dành riêng một đề mục Hoa mộc môn để nói về cỏ cây, hoa lá. Trong đề mục này, các hình tượng Tùng – Trúc – Cúc – Mai được Nguyễn Trãi tập trung chú ý và khắc họa rất đẹp. Cũng giống như thi pháp cổ phương Đông, Nguyễn Trãi đã khai thác các hình ảnh thiên nhiên trên để thể hiện phẩm chất thanh tao, cao nhã, trong sáng của người quân tử. Thiên nhiên ở những đề mục khác còn phảng phất phong vị Đường thi. Đây là bức lụa xinh xắn:
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu
(Bảo kính cảnh giới, bài 26)
Khung cảnh bức tranh hiện lên thật thanh bình, yên ổn. Có thế thì nước mới biếc, non mới xanh và đây là điểm tựa cho thuyền gối bãi. Từ cái nền yên bình, thơ mộng ấy, ánh trăng đã xuất hiện. Nó cũng hiện lên giữa “đêm thanh”, ánh trăng bàng bạc soi rõ những du khách ngao du, thưởng ngoạn trên lầu. Quả là lung linh, huyền ảo. Cũng nói về ánh trăng như thế, trong Tự thuật, bài 31, Nguyễn Trãi viết:
Hương cách gác vân thu lạnh lạnh
Thuyền kê bãi tuyết nguyệt chênh chênh.
Đó lại là một cái lạnh khẽ khàng của mùa thu – mùa gợi ra biết bao cảm hứng sáng tác cho các thi nhân. Con thuyền ấy vẫn kề trên bãi tuyết, ánh nguyệt thì lại như một nàng thiếu nữ với dáng vẻ yểu điệu – “nguyệt chênh chênh”.
Có thể nói, trăng xuất hiện rất nhiều trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Trong 254 bài thơ đã có tới 70 bài Nguyễn Trãi nhắc tới trăng. Trăng hiện lên trong nhiều trạng huống khác nhau: là người bạn tri âm, tri kỷ; là nơi gửi gắm niềm vui, nỗi buồn; là bến đỗ cho Ức Trai khi trống vắng, cô đơn:
Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam.
(Thuật hứng, bài 19)
Từ giã chốn quan trường, Nguyễn Trãi quay trở về sống chan hòa, làm bạn với mây núi, trăng sao. Cuộc sống dân giã nơi thôn quê đã giúp Nguyễn Trãi phát hiện ra biết bao cảnh đẹp. Đó là bức ký họa tự nhiên, mộc mạc của cảnh xóm chài:
Tằm ươm lúc nhúc thuyền gối bãi
Hào chất so le khóm cuối làng.
(Ngôn chí, bài 8)
Đó là cảnh làng quê thanh bình, đầy sức sống:
Cây rợp bóng am che mát
Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn.
(Ngôn chí, bài 20)
Để rồi nhà thơ nhận ra giữa nhà thơ và thiên nhiên như không còn khoảng cách: “Nhà thơ và cảnh vật tự nguyện hòa lẫn với nhau như bầu bạn, như anh em, tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” (Xuân Diệu – Báo văn nghệ số 3, tháng 8/ 1957).
Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con.
(Ngôn chí, bài 20)
Có lẽ chỉ có thiên nhiên mới có thể làm cho nhà thơ tạm nguôi ngoai nỗi đau về thế thái nhân tình, để yên lòng trong cuộc sống nhàn cư, ẩn dật. Và vì thiên nhiên có vai trò quan trọng như thế, cho nên trong mắt Nguyễn Trãi bao giờ nhà thơ cũng chiều chuộng chúng, trân trọng chúng. Nhà thơ sợ cá sẽ làm biến dạng bóng trăng, sợ chim sẽ không về khi cánh rừng thưa thớt, nên ông căn dặn lòng mình:
Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây.
(Mạn thuật, bài 6)
Trong trường hợp khác, nhà thơ không đóng cửa vì sợ nó sẽ che mất ngọn núi trước mặt, chiều tối dạo chơi sông xong rồi mà vẫn để thuyền ở bến, không cất vì phòng khi chở ánh trăng:
Chăng cài cửa tiếc non che khuất
Sá để thuyền cho nguyệt chở nhờ.
Những ý nghĩ đó có vẻ như kỳ lạ nhưng lại rất thực và rất mộng ở một tâm hồn rộng mở, một “túi thơ chứa hết mọi giang san”. Thực và mộng hòa đồng, thâm nhập trong trạng thái thăng hoa của tâm hồn Nguyễn Trãi. Đó chính là một trong những chất liệu góp phần tạo nên cái hay, cái đẹp trong tâm hồn thơ Ức Trai.
Yêu thiên nhiên, gắn bó hết mình với cảnh sắc thiên nhiên đất nước, Nguyễn Trãi cũng rất am hiểu về chúng. Ông phát hiện ra mối quan hệ giữa thiên nhiên và thời gian: Thiên nhiên đã khoác những chiếc áo màu khác nhau tùy theo từng thời gian. Cỏ cây, hoa lá, núi rừng, sông hồ, bầu trời… đã thay đổi theo từng mùa, từng tháng. Những sự thay đổi đó đã làm cho lòng người đổi thay và lòng thi nhân thêm cảm xúc [12, tr. 675]. Sắc đào nở thắm tươi, báo hiệu một mùa xuân mới:
Một đóa đào hoa khéo tốt tươi
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
(Đào hoa, bài 1)
Chỉ “một đóa đào hoa” thôi mà Nguyễn Trãi liên tưởng đến cả “cánh xuân mơn mởn”. Và nhìn thấy sắc đào tràn đầy nhựa sống như vậy, nhà thơ liên tưởng đến một niềm vui mới đang sắp tràn về. Phải là một con người tinh tế, nhạy cảm, có tâm hồn yêu đời, nhà thơ mới có những phát hiện và cảm nhận tích cực như vậy.
Mùa xuân đi qua, mùa hạ tràn về. Nguyễn Trãi lại tiếp tục tiếp nhận, bắt nhịp với một bức tranh thiên nhiên mới:
Hòe lục đùn đùn tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tịn mùi hương.
(Bảo kính cảnh giới, số 43)
Cái đẹp ở đây hiện lên thật bình dị, không cầu kỳ, phô trương. Các động từ “đùn đùn”, “phun” kết hợp với các tính từ chỉ sắc đỏ (hoa lựu), và mùi hương (hoa sen) đã tạo nên cho cảnh ngày hè thêm sức sống.
Như vậy, đối với Nguyễn Trãi, thiên nhiên là tài sản vật chất, cung cấp cho đời sống tinh thần, làm thỏa mãn thế giới tâm hồn của con người. Trong Quốc âm thi tập, thiên nhiên luôn là thiên nhiên tâm trạng, ít khi là thiên nhiên khách quan thuần túy. Thiên nhiên đã đi vào giải tỏa tâm sự, làm lắng lại nỗi buồn quy sơn, trở thành đối tượng thẩm mĩ của Ức Trai. Với sự xuất hiện của những hình ảnh dân giã, thân thuộc: trăng, núi, mây, tằm, hòe, lựu, cò, hạc,…, Nguyễn Trãi đã cho ta thấy một sự thay đổi trong cảm hứng sáng tạo, cảm hứng thẩm mĩ một cách dân chủ, tiến bộ. Những hình ảnh thiên nhiên đó dù được thể hiện dưới góc độ nào đi chăng nữa thì nó cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện tình yêu sâu sắc, tâm hồn đồng điệu, sự gắn bó sâu nặng của nhà thơ đối với cảnh sắc quê hương.
2.2.2. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị
Nếu nhà điêu tư khắc tư duy bằng khối, mảng, đường nét; nhạc sĩ tư duy bằng giai điệu và âm sắc của các nhạc cụ; tư duy của nhà viết kịch không thể thoát li không gian (giới hạn của sân khấu) và thời gian diễn xuất thì nhà văn không thể tư duy nghệ thuật bên ngoài các khả năng nghệ thuật của ngôn từ. Với một tác phẩm đồ sộ như Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã ghi dấu ấn trong văn học Việt Nam bởi một nghệ thuật ngôn từ trong sáng, giản dị.
Thực tế khảo sát cho thấy, ở Quốc âm thi tập chứa đựng một số lượng từ vựng rất phong phú và đa dạng. Bao gồm một vạn một ngàn lượt từ (11.067) với 2.235 từ khác nhau. Trong đó hệ thống từ thuần Việt chiếm ưu thế hơn so với từ Hán Việt, từ đơn âm và hư từ cũng được sử dụng rộng rãi. Với số lượng từ phong phú, có giá trị nghệ thuật, tác giả Quốc âm thi tập không chỉ thành công trong việc diễn tả những trạng huống tình cảm của bản thân, mà còn góp phần thúc đẩy ngôn ngữ văn học tiếng Việt phát triển.
Với ý thức dân tộc sâu sắc: Người nước ta không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Nguyễn Trãi đã vận dụng một khối lượng lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, tạo nên bức tranh ngôn ngữ đậm đà tính dân tộc. Cụ thể là lớp từ vựng khẩu ngữ. Mặc dù sử dụng khẩu ngữ thế nhưng đọc Quốc âm thi tập ta không hề thấy khô khan. Bằng tài năng và cái tâm của một con người suốt đời vì dân, vì nước, gắn bó mật thiết với nhân dân, Nguyễn Trãi đã vận dụng linh hoạt khẩu ngữ, tạo nên những sáng tạo độc đáo. Vì thế, lời thơ trở nên dung dị, uyển chuyển, trong sáng, gần gũi với nếp cảm, nếp nghĩ của người dân, góp phần biểu hiện sâu sắc tâm hồn Ức Trai – tâm hồn dân tộc rộng lớn.
Lớp từ vựng khẩu ngữ trong Quốc âm thi tập chủ yếu là những từ để hỏi:
Được thua phú quý dầu thiên mệnh,
Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn.
(Mạn thuật, bài 5)
Sang cùng khó bởi chưng trời,
Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi.
(Ngôn chí, bài 9)
Có khi đó là những từ nhân xưng:
Ít nhiều tiêu sái lòng ngoài thế,
Năng một ông này, đẹp thú này.
(Ngôn chí, bài 10)
- Dù bụt, dù tiên ai kẻ hỏi
Ông này đã có thú ông này
(Mạn thuật, bài 6)
Có khi đó là những phó từ gây khiến, tác động đến đối tượng:
Chớ cậy sang mà ép nề,
Lời chẳng phải vuỗn không nghe.
(Trần tình, bài 8)
- Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy chớÁo người vô nghĩa, mặc, chăng thà…
(Trần tình, bài 3)
Có thể nói, trước Nguyễn Trãi, chưa có một nhà thơ nào sử dụng nhiều khẩu ngữ vào trong sáng tác nhiều như ông. Ở lĩnh vực thơ viết bằng chữ Hán, Nguyễn Trãi không có điều kiện vận dụng lớp từ vựng này nhưng khi làm thơ Nôm, ông đã tận dụng khả năng của khẩu ngữ ấy để tả cảnh, tả lòng, tả người, tả vật. Tất nhiên, những khẩu ngữ ấy là chất liệu của văn học dân gian. Đến lượt Nguyễn Trãi bằng vốn am hiểu đời sống của nhân dân, bằng cái tài vận dụng ngôn ngữ, ông đã gọt giũa, cách điệu hoá ngôn ngữ dân gian để biểu đạt một cách rất nhuần nhị.
Bên cạnh việc sử dụng lớp từ vựng khẩu ngữ trên, trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi còn sử dụng một số lượng lớn thành ngữ, tục ngữ và ca dao. Trong tổng số 1908 câu trơ của Quốc âm thi tập có 37 câu thơ được sử dụng dưới hình thức lấy ý từ kho tàng vô giá đó. Các yếu tố thành ngữ, tục ngữ và ca dao ấy khi được thể hiện nguyên dạng, khi được ông cải biến và sử dụng một cách biến hoá dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, khả năng biểu hiện của thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong Quốc âm dường như vốn phong phú lại càng trở nên giàu có hơn, đa dạng hơn, góp phần bộc lộ tâm trạng của chủ thể trữ tình.
Trước hết, chúng ta bàn về việc sử dụng nguyên vẹn cả từ lẫn ý. So với tục ngữ và ca dao thì thành ngữ được sử dụng ở dạng nguyên vẹn nhiều hơn cả. Trong bài Mạn thuật, số 7 ông viết:
Ở chớ nề hay học cố nhân,
Lánh mình cho khỏi áng phong trần.
Chim kêu cá lội yên đòi phận,
Câu quạnh cày nhà dưỡng mỗ thân.
Từ câu thành ngữ “chim kêu cá lội” nói về hiện tượng tự nhiên, Nguyễn Trãi đã trích nguyên vẹn để đưa vào nửa vế câu đầu trong phần thực. Qua đó, ông muốn gửi gắm những suy nghĩ, những mong muốn thoát khỏi áng phong trần của cuộc đời bình dị như quy lụât của tạo hoá: con cá thì lội, con chim thì kêu.
Trong bài Bảo kính cảnh giới, số 46 các thành ngữ “hai thớ ba dòng”, “một cơm hai việc” được Nguyễn Trãi sử dụng nguyên dạng, dồn dập nhưng không gây cảm giác nặng nề, ôm đồm, chồng chất mà ngược lại rất tự nhiên, giàu hình ảnh và không kém phần cụ thể sinh động:
Một cơm hai việc nhiều người muốn,
Hai thớ ba dòng hoạ kẻ tham.
Trong dân gian, thành ngữ “một cơm hai việc” chỉ đức tính ăn ít làm nhiều, có hiệu quả cao, còn thành ngữ “hai thớ ba dòng” chỉ người không nguyên nhất, không tập trung vào một công việc gì, một nghề gì. Hai thành ngữ đứng liền nhau trong hai câu thơ như đối lập nhau ở hai đức tính con người. Một đức tính thì được người đời quý trọng, ngợi khen, còn đức tính kia bị phê phán, cần phải thay đổi để hoàn thiện mình hơn.
Thực tế cho thấy, thành ngữ là một đơn vị có sẵn, có kết cấu bền vững “chặt chẽ như nắm đấm” và nó quy định cách sử dụng trong tác phẩm thường là dùng liền một khối. Điều này nó gây nên sự trở ngại, không phải ai cũng có thể sử dụng thành ngữ nguyên vẹn trong sáng tác của mình. Thế nhưng khi vào ngôn ngữ Quốc âm thi tập ta lại thấy hoàn toàn khác. Không những không gây trở ngại gì cho Nguyễn Trãi trong việc thể hịên nội dung tư tưởng và tình cảm của mình, trái lại thành ngữ nguyên thể góp phần rất lớn vào việc thể hiện chủ đề của tác phẩm cũng như tài năng của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi là người hết sức giỏi về khả năng xử lí ngôn từ để có thể ghép những thành ngữ vốn là một “khối từ ngữ đúc sẵn” với những từ ngữ theo ý chủ quan của mình tạo nên câu thơ hoàn chỉnh mà không bị cứng nhắc, gượng ép về vần điệu.
Tả cảnh thiên nhiên thi vị, trữ tình, Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ “Nước biếc non xanh”:
Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu.
(Bảo kính cảnh giới, bài 26)
Câu thơ phảng phất hương vị Đường thi. Non nước Việt Nam thơ mộng là thế, dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi lại càng thơ mộng đẹp đẽ hơn. Và dù phảng phất phong vị Đường thi nhưng nó cũng không lấn át đi bản sắc dân tộc đậm đà. Làm nên được sự kì diệu ấy, chính là nhờ vào việc sử dụng thành ngữ tài tình, đúng lúc, đúng chỗ của Nguyễn Trãi.
Bên cạnh việc sử dụng thành ngữ nguyên thể, Nguyễn Trãi cũng sử dụng tục ngữ ở dạng thức này. Từ câu tục ngữ: “Giàu người họp, khó người tan” thể hiện một triết lý, trở thành lẽ thường, là “hằng lề’ của thế gian: giàu họp, khó tan, Nguyễn Trãi đã trích nguyên vẹn câu tục ngữ trên đưa vào dùng làm câu phá đề trong bài Bảo kính cảnh giới, số 12:
Giàu người họp khó người tan,
Hai ấy hằng lề sự thế gian.
Như vậy, trường hợp đầu tiên về sự ảnh hưởng của thành ngữ, tục ngữ và ca dao trong Quốc âm thi tập là hình thức sử dụng nguyên vẹn cả từ lẫn ý. Có thể nổi rõ lên một số nét: Nguyễn Trãi trung thành với nguyên bản, học hỏi lại cách sử dụng ngôn ngữ dân gian để đạt ý tưởng lời ít mà ý nhiều. Ý nghĩa nội dung trong câu thơ chứa đựng các yếu tố thành ngữ, tục ngữ của Nguyễn Trãi nếu có được mở rộng cảm nhận để tìm hiểu thì nó hoàn toàn không vượt ra khỏi tầm nghĩa gốc đã biểu đạt. Điều này chứng tỏ Nguyễn Trãi đã học tập cách diễn đạt của quần chúng và truyền đạt bài học kinh nghiệm cuộc sống mà ông đã đúc rút từ nhân dân. Không những thế, trong khi truyền đạt lại, kế thừa lại, Nguyễn Trãi đã tận dụng những “khoảng trống” trong tính cố định và bền vững của thành ngữ, tục ngữ và ca dao để làm nền tảng cho những sáng tạo độc đáo. Nguyễn Trãi thể hiện ngòi bút linh hoạt, sáng tạo bậc thầy: vừa giữ được bản sắc, tinh hoa của ngôn ngữ và tiếng nói của dân tộc vừa không ngừng nâng cao, cải tiến nó. Đây là đóng góp lớn của Nguyễn Trãi trong việc hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc.
Song song với việc vận dụng nguyên vẹn thì Nguyễn Trãi còn lấy ý và thay đổi hình thức ngôn ngữ. Chúng ta đều biết thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường chứa đựng những ý nghĩa, những triết lý nhân sinh sâu sắc: sống - chết, được – thua, giàu – nghèo, tốt - xấu, đặc biệt là những lời răn dạy về đạo làm người. Tất cả những điều đó được Nguyễn Trãi tiếp thu, chiêm nghiệm và đưa vào tập thơ bằng cách lấy ý từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao và thay đổi hình thức ngôn ngữ.
Nhân dân ta có rất nhiều câu tục ngữ, ca dao nói về sự thay đổi của lòng dạ con người, chỉ biết hám danh, hám lợi, chạy theo công danh, phú quý:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ trạng chín nghìn nhân duyên.
Giàu sơn lam, lắm kẻ tìm đến,
Khó giữa chợ, chẳng ma nào nhìn.
Những câu thơ trên muốn nói lên thói xấu ở đời: khi giàu có thì dù có xa xôi mấy cũng có người tìm đến nhưng khi thất thế rồi, lòng người phụ bạc xa lánh mình đi.
Nhìn vào thực tế cuộc sống và những lúc thăng trầm biến đổi của chính bản thân mình, Nguyễn Trãi đau đớn nhận ra bản chất của con người. Sự đối lập giữa giàu và nghèo, giữa hữu danh và vô danh đã làm thay đổi những mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống đúng như nội dung những câu tục ngữ đã phản ánh. Nguyễn Trãi trên cơ sở đó, ông lấy ý và thay đổi hình thức ngôn ngữ bằng cách chuyển từ dạng lục bát ở những câu thơ trên thành những câu thơ thất ngôn trong một số bài thơ:
Của nhiều sơn dã, đem nhau đến,
Khó ở kinh thành, thiếu kẻ han.
(Bảo kính cảnh giới, bài 6)
Đắc thời thân thích chen nhau đến,
Thất sở, láng giềng ngoảnh mặt đi.
Chỉ qua một số câu thơ sử dụng đắc địa tục ngữ, ca dao, Nguyễn Trãi đã lật trái bản chất của con người trong xã hội lúc bấy giờ. Qua đó, nhà thơ thể hiện thái độ phê phán, lên án lối sống thực dụng chỉ biết chạy theo phú quý mà quên đi cả nghĩa tình.
Người đời lắm kẻ ưa công danh, phú quý, ưa nịnh nọt, những mong có địa vị cao trong xã hội nhưng Nguyễn Trãi lại khác, lấy ý từ những câu thành ngữ “công danh phú quý”, Nguyễn Trãi đã tách ra làm hai vế đưa vào hai câu thơ thất ngôn:
Phú quý treo sương ngọn cỏ,
Công danh gửi kiến cành hoè.
(Tự thán, bài 3)
“Phú quý” là nhằm để chỉ cảnh giàu sang của một con người, còn công danh nói đến danh tước, chức vụ của một người. Đây là điều có thể nói trong cuộc sống ai cũng muốn. Nhưng để có công danh, phú quý một cách chân chính không phải là dễ. Theo Nguyễn Trãi, cảnh giàu sang như giọt sương treo tren ngọn cỏ, phút chốc là tan biến. Còn công danh nó giống như một giấc mộng, mà trong giấc mộng ấy, Nguyễn Trãi xuất hiện là một vị quan tài ba nhưng lại bị nghi kị là gian thần. Hai từ “công danh” và “phú quý” đi kèm với hai động từ “treo”, gửi” lại đặt bên cạnh “ngọn cỏ”, “cành hoè” đã bộc lộ thái độ rõ ràng, dứt khoát và quan niệm của Nguyễn Trãi đối với “danh” và “của” trong cuộc đời – thái độ coi khinh không bén mảng tới của tâm hồn thanh liêm Nguyễn Trãi.
Sống trong xã hội có nhiều biến động to lớn, khi mà mọi sự trắng đen luôn lẫn lộn, lòng người nham hiểm khôn lường. Đúc rút từ các câu tục ngữ, ca dao trong dân gian:
Sông sâu còn có kẻ dò,
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
Dò sông, dò biển dễ dò,
Nào ai bẻ thước mà đo lòng người.
Nguyễn Trãi viết:
- Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui một lòng người, cực hiểm thay.
Chẳng say, chẳng đắm là quân tử,
Người hiểm lòng thay, hãy sá ngờ.
(Bảo kính cảnh giới, bài 52)
Trong bất cứ xã hội nào đi nữa thì sự tác động của hoàn cảnh, của môi trường sống đối với con người là rất lớn. Bài thơ Bảo kính cảnh giới, số 21, Nguyễn Trãi đã vận dụng thành công tục ngữ:
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn,
Xấu tốt, đều thì rập khuôn.
Lân cận nhà giàu no bữa cốm,
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn.
Chơi cùng đứa dại nên bầy dại,
Kết với người khôn học nết khôn.
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp,
Đen gần mực, đỏ gần son.
Đây là bài thơ mà Nguyễn Trãi sử dụng một cách thành công các ý lấy từ tục ngữ:
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Ở gần nhà giàu, đau răng ăn cốm,
Ở gần kẻ trộm, ốm lưng chịu đòn.
Gần mực thì đen, gần đền thì rạng.
Việc vận dụng nội dung trong tục ngữ để làm nên ý thơ cho mình, Nguyễn Trãi đã nói lên những bài học giáo dục sâu sắc. Ông khuyên mọi người dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ được tấm lòng của mình, đừng để mùi danh lợi làm choáng ngợp, làm nguy hại đến phẩm chất của mình. Nó giống như câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Điều này được Nguyễn Trãi vận dụng sáng tạo trong Thuật hứng, số 25:
Thế sự, dầu ai hay buộc bện,
Sen nào có bén cùng lầm.
Nói về tính chất, giáo dục, giáo huấn, như lúc đầu bài viết đã chỉ ra, đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi người đọc có thể tiếp nhận được những bài học luân lý đạo đức. Ở việc sử dụng ý chính, thay đổi hình thức của thành ngữ, tục ngữ, ca dao, Nguyễn Trãi cũng góp phần vào việc thể hiện tiếng nói răn dạy nhân dân. Câu ca dao đề cao công ơn của cha mẹ:
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy.
Được Nguyễn Trãi rút gọn và đưa vào trong câu đầu cặp luận bài Bảo kính cảnh giới, số 37:
Có con mới biết ơn cha nặng.
Hoặc câu đầu cặp luận bài Bảo kính cảnh giới 8:
Nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
Tất cả điều đó nhằm giáo dục con người hãy nhớ đến công lao sinh thành, giáo dục to lớn của cha mẹ mình. Phải là một người con có hiếu, Nguyễn Trãi mới nói được những câu đầy nhiệt thành, ẩn dấu trong sâu thẳm trái tim mình như vậy. Và thực tế nghe lời cha, Nguyễn Trãi quay trở về, lập kế sách giết giặc Minh trả thù cho cha, cho nước. Đó là biểu hiện cao nhất về chữ hiếu cuả Nguyễn Trãi.
Ngoài việc rút ý từ những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao ngắn gọn sẵn có, Nguyễn Trãi còn thử nghiệm ngòi bút của mình trong những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao rất dài. Và ông đã thành công. Tục ngữ có câu:
Khôn cho người ta dạy, dại cho người ta thương,
Dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta ghét.
được Nguyễn Trãi rút gọn, cắt ra làm thành hai câu phá đề trong bài Bảo kính cảnh giới, số 30:
Chẳng khôn chẳng dại, luống ương ương,
Chẳng dại người hoà lại chẳng thương…
Qua việc khảo sát một số ví dụ trên, tiêu biểu cho việc dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong Quốc âm thi tập, ta thấy Nguyễn Trãi hiểu ngôn ngữ dân tộc như thế nào. Bằng việc sử dụng sáng tạo vốn ngôn ngữ phong phú của văn học dân gian, Nguyễn Trãi đã làm một cuộc cách mạng trong tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện của thơ ca. Ngày này, việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao không phải là một hiện tượng lạ, bởi lẽ sau Nguyễn Trãi ta còn bắt gặp Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hươn, gần đây hơn là có Hồ Chí Minh và Tố Hữu… Song mỗi thời điểm có những cách đánh giá riêng. Với Nguyễn Trãi, vốn là một nhà nho thành đạt qua con đường Hán học, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hán học mà đã làm được điều đó quả thật là điều đáng ghi nhận. Nguyễn Trãi đã mạnh dạn vượt ra khỏi sự ràng buộc về tư tưởng của Hán học, ông không chỉ có ý thức xây dựng nước ta thành một nước độc lập, tự do và tự chủ về mặt lãnh thổ mà ông còn muốn nước ta có một nền văn hoá, văn học đậm đà tính dân tộc, tính dân gian. Sự thành công trong việc vận dụng linh hoạt, uyển chuyển vốn thành ngữ, tục ngữ, ca dao vừa góp phần làm giàu cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam, vừa góp phần làm nên đặc sắc riêng trong phong cách ngôn ngữ của Nguyễn Trãi – phong cách ngôn ngữ mang tính đại chúng, tính nhân dân.
2.2.3. Hình ảnh thơ mang hơi thở của cuộc sống đời thường
Trong thơ ca, ngoài cái đẹp của tự thân đề tài, ngôn ngữ còn có cái đẹp của những hình ảnh mà tác giả tạo nên trong trí tưởng tượng của người đọc. Thông qua ngôn ngữ, những hình ảnh tưởng tượng được xác nhận rất hiện thực, rất cụ thể vào trong thơ. Tất nhiên không thể thiếu hình ảnh của phong, hoa, tuyết, nguyệt; của tùng, trúc, cúc, mai – là những biểu tượng muôn đời của thơ ca cổ điển. Nhưng đến với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thì không chỉ có thế. Hình ảnh của thiên nhiên đất nước, con người hiện lên trong những bài thơ được miêu tả với cái nhìn thực hơn, đời hơn.
Với niềm tự hào “Quê cũ nhà ta thiếu của nào” (Mạn thuật, bài 13), Nguyễn Trãi đã miêu tả phong vị quê hương bằng những hình ảnh đậm đà tính dân tộc. Đó là hình ảnh rau muống, dọc mùng:
Ao quan thả gửi hai bè muống,
Đất Bụt ương nhờ một luống mùng.
(Thuật hứng 23)
Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.
(Thuật hứng, bài 24)
Hình ảnh rau muống trong hai câu thơ trên của Nguyễn Trãi gợi nhắc cho chúng ta nhớ tới hai câu ca dao quen thuộc:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Chỉ là những thứ rau có hằng ngày thôi, ấy vậy mà bước vào thơ ca, nó trở nên thi vị, ý nghĩa biết nhường nào. Phải là một con người thực sự yêu cuộc sống, gắn bó với cuộc sống, với những người lao động cần lao, Nguyễn Trãi mới nhận ra giá trị của những vật nhỏ bé, bình dị đến như vậy.
Vốn là một đất nước nông nghiệp, chịu sự tác động của địch hoạ, thiên tai, cuộc sống của người dân rất cơ cực. Thế nhưng họ không chịu phó mặc. Ta thấy ở họ là nghị lực sống phi thường, họ vẫn cần cù lao động, làm ra những hạt lúa, củ khoai nuôi nấng bản thân, gia đình và góp phần xây dựng đất nước. Cho nên khó khăn là vậy nhưng họ luôn có ý thức về những sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra:
Đi đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở kẻ Láng, vốn nhà trồng rau.
Rau thơm, rau húng, rau mùi,
Thìa là, cải cúc ,đủ mùi hành hoa.
Mồng tơi, mướp đắng, ớt, cà,
Bí đao, đậu ván vốn nhà trồng nên.
Tiếp thu hệ thống hình ảnh ca dao, đồng thời trên cơ sở của ý thức trân trọng, nâng niu thành quả lao động của bản thân và của mọi người, nhằm tôn vinh những sản vật hằng ngày đó, Nguyễn Trãi cũng đã hơn một lần nhắc tới từ “rau”: “Rau trong nội, cá trong ao”. Chúng ta thấy xuất hiện trong Quốc âm thi tập, bên cạnh rau muống, dọc mùng, còn có mồng tơi, kê khoai, núc nác….là những sản vật dân giã hằng ngày, gần gũi với đời sống của người dân Việt, đặc biệt là ở vùng nông thôn Việt Nam:
Ngày tháng ngô, khoai những sản hằng,
Tường đào, ngõ mận ngại thung thăng.
(Mạn thuật, bài 1)
Tả lòng thanh, vị núc nác,
Vun đất ải, lảnh mùng tơi.
(Ngôn chí, bài 9)
Cây rậm chồi cành chim kết tổ,
Ao quang mấu ấu cá nên bầy.
(Ngôn Chí, bài 10)
Nguyễn Trãi còn viết những bài thơ vịnh con vật, chẳng hạn như con mèo:
Hơn chó được ngồi khi giỡn bếp,
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây.
Đi, nào kẻ cấm buồng the kín,
Ăn, đợi ai làm bàn soạn đầy.
Khó lẫn sang ,chăng nỡ phụ,
Nhân chưng hận chuột phải nuôi mày.
(Miêu)
Vịnh con Lợn - một con vật tưởng như là “tầm thường” ấy vậy nhưng lại xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi một cách tự nhiên và rất có ý nghĩa trong việc cúng tế:
Dài hàm, nhọn mũi, cứng lông,
Được dưỡng vì chưng có thuở dùng.
…Tiện, chẳng hay bề tiến hoá,,
Giương hai con mắt lại xem rồng.
(Trư)
Khắc họa cuộc sống đạm bạc, bình dị, cực khổ của mình, Nguyễn Trãi đã sử dụng rất nhiều hình ảnh “dưa muối”, “bát cơm xoa”:
Cơm ăn chẳng quản dưa muối,
Áo mặc nài chi gấm thêu.
(Thuật hứng, bài 22)
Nước mấy dưa, dầu đủ bữa,
Nhiễu cùng gấm, mặc chưng trời.
(Tự thánh, bài 34)
Cơm ăn miễn có dầu xoa bạc,
Áo mặc âu chi quản củ đen.
(Bảo kính cảnh giới, bài 13)
- Bữa ăn dầu có dưa muối,
Áo mặc nài chi gấm là.
(Ngôn chí, bài 3)
Nhắc đến cuộc sống thiếu thốn của mình, không phải là nhằm than vãn, Nguyễn Trãi muốn nói lên dù khó khăn mấy cũng phải giữ được cái đạo làm người, đừng vì thiếu thốn mà nảy sinh những thói hư, tật xấu, hám lợi, hám danh làm huỷ hại thanh danh, nhân phẩm của mình. Và dù như thế nào đi chăng nữa, cơm canh có không ngon, cũng phải nhớ đến công ơn những người làm ra nó.
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc,
Gian lều cỏ, đội đức Đường Ngu.
(Ngôn chí, bài 14)
Điều đặc biệt, ta nhận ra ở con người Nguyễn Trãi, cùng với việc thưởng thức thú tiêu dao thưởng ngoạn, những món ăn dân giã hay quấn quýt bên những con vật hằng ngày, ông không bao giờ quên bàn đến việc cày cấy. Có thể nói, công việc cày cấy vốn là việc của những người nông dân chân lấm tay bùn. Nó có phần xa lạ với những nhà trí thức tinh thông, với văn chương bác học nhưng đến Nguyễn Trãi, công việc cày cấy được nhắc vào thơ với một niềm hăng say lao động. Gần gũi với nhân dân, hiểu được những giá trị đích thực của những sản vật trên, Nguyễn Trãi nhắc nhở:
Nước dưỡng cho thanh trì thưởng nguyệt,
Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa.
(Ngôn chí, bài 3)
Chúng ta không yêu cầu Nguyễn Trãi cày quốc thực sự như một lực điền. Ta rất quý mến cái thái độ của nhà tri thức lớn dưới xã hội phong kiến ấy hoà mình trong cái cao quý của lao động. Với Nguyễn Trãi, cuốc cày ấy là thú vui, mà thú vui này hoàn toàn khác với thú chầu chực nơi cửa quyền:
- Ác thợ tựa thoi xem lặn mọc,
Cuốc cày là thú những chồn chân.
Một cày, một cuốc thú nhà quê
Áng cúc lan xen vãi đậu kê.
(Thuật hứng, bài 3)
Mặc dù được Nguyễn Trãi xem là cái thú, song không phải với ý bỡn cợt, coi thường. Nguyễn Trãi hiểu được rằng chính cái thú ấy đã nuôi sống con người, duy trì sự tồn tại của xã hội. Ông nhắc nhở:
Nước: đào giếng, cơm: cày ruộng,
Thay thảy dường bằng nguyệt Cửu Giang.
(Bảo kính cảnh giới, bài 2)
Ruộng đôi ba khảm đất con ong,
Đầy tớ hay cày kẻo muộn màng.
(Thuật hứng, bài 11)
Có lẽ từ trước đến Nguyễn Trãi, chưa có một nhà thơ bác học nào lại viết về công việc cày cấy - vốn gắn bó với nhân dân, với văn học dân gian đầy nhiệt huyết như ông. Những hình ảnh “đất cày ngõ ải”, “đào giếng”, “cày ruộng”, “đầy tớ hay cày”… như đã phác họa được phần nào tinh thần hăng say lao động; phẩm chất cần cù, lúc nào cũng “âu việc nước” của Nguyễn Trãi.
Đi vào khảo sát những hình ảnh trong Quốc âm thi tập, chúng tôi đặc biệt chú ý tới hình ảnh “cây chuối”. Vậy cây chuối có những nét đặc trưng gì?
Chuối là một cây rất quen thuộc, trồng gần nhà, hình như bất cứ lúc nào từ nhà trông ra cũng thấy, nhưng ít ai để ý tới nó, người ta chỉ chú ý kỹ tới nó nhiều nhất có lẽ vào những lúc có tâm trạng buồn đau. Câu ca dao xưa có nói:
Trông ra bụi chuối lá tre,s
Em nghe ai dụ, đánh què duyên anh.
Bây giờ “bụi chuối” theo “lá tre” khẽ rung động chuyển mình theo chiều gió với vẻ thoả thích, hoặc nếu là đêm tối, chúng luôn biến dạng tạo nên những hình thù thiếu minh chính của chúng.
Riêng về chuối, đã có một số bài ca dao đề cập đến:
Hạt tiêu không lâu năm, răng kêu bằng tiêu thọ
Chuối không tư tình, răng chuối nọ có con
Em rằng quyết giữ lòng son
Chừ xem qua liếc lại, má em mỏng, gót em mòn vì ai?
Ngó lên đám bắp trổ cờ
Chuối kia đứng vóc, anh chờ duyên em.
Ở bài ca dao đầu cây chuối bị nghi là có tư tình vụng trộm. Hai câu ca dao sau, ngọn gió làm lay động tàu chuối, được dùng như một sự mơn trớn, đùa cợt của chàng trai với người thiếu nữ. Có vẻ như cao dao muốn xây dựng cây chuối thành một biểu tượng của người phụ nữ không đoan chính, nói đúng hơn là nhạy cảm, đa tình.
Cũng bắt nguồn từ câu chuyện tình trong ca dao xưa, nhưng đến Nguyễn Trãi, hình ảnh cây chuối được xây dựng với nhiều sáng tạo mới. Cây chuối trở thành “một bức tình thư” cuộn tròn, e ấp. Nhưng cũng không kém phần rạo rực sôi nổi:
Tự bén hơi xuân lại tốt thêm,
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem..
Có người nói các loại cây khác vào mùa xuân đều tươi tốt thêm, riêng cây chuối thì ngược lại, chuối lụi tàn vào mùa xuân và chỉ thích hợp với mùa hè. Tuy nhiên Nguyễn Trãi lại viết “Tự bén hơi xuân lại tốt thêm”. Ở Nguyễn Trãi, hình ảnh cây chuối được mùa xuân bồi đắp cho sức xuân, tình xuân. Do vậy, khi bắt gặp hơi hướng tốt lành đó, chuối đã tốt “lại tốt thêm”. Động từ “bén” và phó từ “lại” góp phần thể hiện diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp của cây chuối. Từ hệ quả đó đã nảy sinh “buồng lạ” và “mầu thâu đêm”. Cây chuối gặp “hơi xuân” cho “buồng lạ” – “lạ” là lạ lùng và thú vị, chứ không phải là lạ hiểu theo cách hiểu thông thường. Cùng với sự thú vị ấy, chuối đã toả ra những hương thơm ngào ngạt suốt đêm.
Nếu như hai câu thơ đầu, Nguyễn Trãi tả vẻ đẹp, sức sống của cây chuối thì hai câu thơ sau, cũng nói về cây chuối nhưng tứ thơ có những cái bất ngờ, mới lạ. Mượn hình ảnh cây chuối, Nguyễn Trãi thể hiện một cảm xúc sâu sắc, kín đáo. Chúng ta đã từng biết, thuật ngữ “phong thư” hay “bao thư” từ lâu đã là biệt danh của cây chuối rồi. Thế nhưng chưa ai ví tàu lá chuối non như một bức tình thư “phong còn kín”. Sự liên tưởng này là một sáng tạo độc đáo chỉ đến Nguyễn Trãi mới có và cũng vì nó tình tứ, e ấp, cuộn tròn, kín đáo như vậy cho nên ngay cả ngọn gió đến với nó cũng không phải là ngọn gió vô tình. Gió đến với phong thư với một cử chỉ nhẹ nhàng, một thái độ lịch sự, nâng niu chỉ “gượng mở xem” thôi. Đến đây ta mới vỡ oà ra, bài thơ cây chuối không chỉ nhằm để miêu tả cây chuối theo nghĩa tự thân của nó – đầy đặn và đầy sức sống – mà hấp dẫn hơn, lạ lẫm hơn, nó là hình ảnh ẩn dụ chỉ vẻ đẹp của tình yêu dịu dàng, tế nhị ( chứ không phải thứ tình yêu vụng trộm trong ca dao). Cũng nhằm biểu hiện tình yêu nhưng đến Nguyễn Trãi, hình ảnh cây chuối đã có những cách tân vượt bậc, mang giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn sâu sắc.
Tóm lại, qua sự khảo sát thế giới hình ảnh trong Quốc âm thi tập, chúng tôi thấy hầu hết đó là những hình ảnh có phần xa lạ với văn chương bác học đương thời. Sở dĩ có hiện tượng đó vì Nguyễn Trãi trên cơ sở gắn bó hết mình với cuộc sống nhân dân và bằng tình yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ, yêu cảnh vật hằng ngày, ông đã đưa những sản vật của nhân dân, của thơ ca dân gian vào thơ mình một cách tự nhiên, trở thành đối tượng của cái đẹp. Điều này thể hiện sự thay đổi trong cảm hứng sáng tạo, cảm hứng thẩm mỹ theo chiều huớng dân chủ, tiến bộ của Nguyễn Trãi.
2.2.4. Sự cách tân trong thể thơ, vần thơ và nhịp điệu thơ
Trong quá trình sáng tác thơ của mình, Nguyễn Trãi đã vận dụng thi pháp thơ Đường một cách thành thạo. Thi sĩ đã thử nghiệm ngòi bút của mình theo hai thứ tiếng Hán và tiếng Nôm. Ở thứ tiếng nào, Nguyễn Trãi cũng thu được những thành công nhất định. Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi được làm theo thể thơ năm chữ và bảy chữ. Theo thể thức thơ Đường thì đó thuộc thể loại cổ thể và cận thể. Thơ Nôm của Nguyễn Trãi không hẳn thế. Căn cứ vào hình thức loại biệt trong tổ chức chất liệu ngôn ngữ, tác giả Phạm Luận đã chỉ ra ba thể loại khác nhau mà Nguyễn Trãi đã sử dụng trong thơ Nôm là thể luật Đường, thể thất ngôn, và thể câu sáu chữ dùng xen với câu bảy chữ. Chúng tôi không bàn về thể luật Đường, bởi lẽ đây là thể thơ của Trung Quốc. Các nhà thơ Việt Nam bấy giờ chịu ảnh hưởng của thể thơ này trong sáng tác chữ Hán rất nhiều. Giống như tập thơ Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập cũng tuân thủ theo quy cách thơ luật Đường một cách chặt chẽ: “niêm, luật, vần rất là nghiêm chỉnh; câu chữ đối nhau rất là cân xứng”. Thể thất ngôn cũng là thể thơ bắt nguồn từ Trung Quốc, cũng được sử dụng phổ biến trong sáng tác thơ ca ở nước ta. Điều đáng chú ý ở đây là Nguyễn Trãi đã “tiếp nối hoặc sáng tạo một âm điệu mới cho thể thơ tám câu bảy chữ là âm điệu câu thơ sáu chữ xen vào từng lúc” (Lê Trí Viễn) . Cho đến thời điểm này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác Nguyễn Trãi là người “tiếp nối” hay “sáng tạo” ra thể thơ sáu chữ này. Chỉ biết rằng từ khi Nguyễn Trãi sử dụng thể câu sáu chữ xen với câu bảy chữ thì đã tạo nên sự “bứt phá” trong dòng thơ Nôm Việt Nam. Sau Nguyễn Trãi, các tác giả như Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trịnh Căn đã sử dụng thể thơ này để diễn tả tư tưởng, ý niệm nghệ thuật của mình, tạo nên phong cách thời đại của thơ Nôm Đường luật.
Qua khảo sát toàn bộ 254 bài thơ trong Quốc âm thi tập, chúng tôi thấy có tới 186 bài thơ được sáng tác theo hình thức thất ngôn xen lục ngôn (chiếm 73,2%). Trong đó thể tứ tuyệt có 25 bài (chiếm 13,44%) và thể thất ngôn bát cú 161 bài (chiếm 86,56%). Nhìn chung câu lục ngôn trong các bài thơ cũng không nhất định. Phần lớn các bài chỉ có một đến hai câu sáu tiếng nhưng cũng có một số ít bài dùng tới bảy câu sáu tiếng xen một câu bảy tiếng. Vị trí câu sáu tiếng cũng có sự khác nhau. Có khi ở dòng đầu:
- Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm
Giơ tay áo, đến tùng lâm.
(Ngôn chí, bài 4)
- Vầu làm chèo, trúc làm nhà
Được thú vui, ngày tháng qua.
(Trần tình, bài 3)
Có khi được bố trí ở giữa hay cuối bài:
Giàu mấy kiếp, tham lam bấy
Sống bao lâu, đáo để màng.
(Thuật hứng, bài 10)
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương.
(Bảo kính cảnh giới, bài 43)
Lại có khi được bố trí ở cả dòng đầu và dòng cuối trong cùng một bài:
Góc thành Nam, lều một căn
No nước uống, thiếu cơm ăn
…
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một căn.
(Vô đề)
Việc sử dụng thể thơ sáu chữ xen bảy chữ với tần số cao cùng với số câu và vị trí câu sáu chữ không ổn định thể hiện sự thử nghiệm, tìm tòi của Nguyễn Trãi trong việc sáng tác thơ Nôm của mình. Rõ ràng, Nguyễn Trãi đã có ý thức khi vận dụng thể thơ này với mong muốn tìm ra một thể thơ mới cho dân tộc, giải tỏa những gò bó của thể thơ ngoại lai Trung Quốc.
Song song với việc phá cách trong thể thơ, Nguyễn Trãi còn có những cách tân độc đáo trong việc gieo vần. Như đã biết, vần được xem là một trong những đặc trưng nghệ thuật rất quan trọng. Vần giúp cho các phần trong câu, các câu trong bài gắn kết với nhau, làm cho tổ chức tác phẩm thêm vững chắc, dễ nhớ, dễ thuộc. Vần còn là yếu tố tạo nhịp điệu và góp phần làm tăng sự cộng hưởng giữa các yếu tố, tạo nên tính nhạc trong thơ. Đọc Quốc âm thi tập chúng tôi nhận thấy có sự ảnh hưởng qua lại từ văn học dân gian về mặt vần trong những câu thơ sáu chữ và bảy chữ. Tục ngữ có cách cách bắt vần chữ cuối nhịp đầu bắt vần với chữ đầu nhịp sau. Đây được gọi là cách bắt vần theo kiểu vần liền (vần lưng sát).
Chẳng hạn:
- Bút sa, gà chết.
- Của một đồng, công một nén.
- Trẻ cậy cha, già cậy con
- Ếch tháng ba, gà tháng bảy.
Thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi, có rất nhiều bài có cách bắt vần tương tự:
- Của thết người là của còn
Khó khăn phải đạo, cháo càng ngon
(Bảo kính cảnh giới, bài 22)
- Làm quan đã dại, tài chưa đủ
Về ở thanh nhàn, hạn đã hồng.
(Thuật hứng, bài 16)
- Chí cũ ta liều, nhiều sự hoá
Người xưa sử chép thấy ai còn ?
(Thuật hứng, bài 4).
Đó là những câu thơ bảy chữ. Những câu thơ sáu chữ cũng được phối hợp nhịp nhàng theo kiểu vần liền. Trong bài Điệp trận, Nguyễn Trãi viết:
Thục Đế, để thành leo lét,
Hay trong bài Tự thán, ông cũng viết:
Nhật nguyệt soi, đòi chốn hiện…
Ngoài cách bắt vần theo kiểu vần lưng sát, Quốc âm thi tập cũng có rất nhiều bài bắt vần theo kiểu lưng cách. Câu thơ sáu chữ và bảy chữ đều có cách bắt vần như thế này. Đây là cách bắt vần chữ cuối nhịp đầu bắt vần với chữ cuối nhịp sau.
Tục ngữ có câu:
- Sông có khúc, người có lúc.
- Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Thơ Nguyễn Trãi lại viết:
- Đìa cỏ, được câu ngâm gió.
(Mạn thuật, bài 1)
- Chứa thủa khô khao có thủa dào.
(Thuật hứng, bài 21)
Điều đặc biệt khi so sánh vần trong câu thơ thất ngôn hay lục ngôn của Nguyễn Trãi với thơ lục bát và song thất lục bát, chúng tôi thấy ở Quốc âm thi tập, tác giả đã sử dụng rất nhiều vần lưng ở những vị trí khác nhau. Vần được gieo vào hầu hết các chữ của câu dưới từ chữ thứ hai đến chữ thứ sáu; chữ thứ hai, thứ ba là ít; chữ thứ sáu nhiều hơn một chút. Chiếm ưu thế hơn vẫn là trường hợp vần được gieo vào chữ thứ tư hoặc chữ thứ năm. Có nghĩa là vần ở cuối câu thơ trên hiệp với vần ở chữ thứ tư hoặc thứ năm trong câu thơ dưới:
- Lận cận nhà giàu no bữa cốm,
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn,
(Bảo kính cảnh giới, bài 21)
- Gạch quẳng nào bày mấy ngọc,
Sừng hằng những mọc qua tai.
(Tự thán, bài 22)
Trường hợp vần lưng gieo ở chữ thứ năm:
- Ai hay đều có hai con mắt,
Xanh ngọc dầu chưng mặt chúng người.
(Tự thuật, bài 19)
Những hiện tượng bắt vần trong thơ Nguyễn Trãi cho thấy vần lưng trong thơ Nguyễn Trãi chưa ổn định. Trong thơ lục bát, vần lưng được gieo một cách cố định ở chữ thứ sáu (câu lục) và chữ thứ sáu (câu bát) tạo nên sự cân đối hài hòa. Cách gieo vần ở chữ cuối của câu thơ trên với chữ thứ hai, ba, bốn, năm, sáu ở câu dưới như vậy đã thể hiện mạnh mẽ xu hướng phá cách trong sáng tác Đường luật Nôm của Nguyễn Trãi. Dường như với Nguyễn Trãi, xu hướng dân tộc hóa trước hết biểu hiện ở chỗ tìm cho mình một cái riêng, cố gắng khác nước ngoài mà cuộc vận động tạo vần lưng là một đặc sắc.
Cùng với vần thì nhịp điệu là một trong những yếu tố thứ nhất tạo nên chất thơ, tạo nên âm vang, điều tiết cảm nhận của người đọc và tạo nghĩa. Nếu tuân thủ theo tính quy phạm chặt chẽ của thơ Đường thì các bài thơ từ đầu đến cuối chỉ có một lối ngắt nhịp 4/3 (chẵn trước, lẻ sau). Và như vậy, nó sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán, đơn điệu. Dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi, ông đã có những kiến tạo độc đáo trong nhịp điệu thơ của mình. Bằng cách thêm những câu thơ sáu chữ xen vào những câu bảy chữ, tiết điệu của bài thơ trở nên phong phú hơn. Câu lục ngôn trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi có rất nhiều cách ngắt nhịp.
Nhịp 3/3:
Bẻ cái trúc / hòng phân suối
Quét con am / để chứa mây.
(Mạn thuật, bài 6)
Nhịp 1/3/2:
Lá / chưa ai quét / cửa thông.
(Thuật hứng, bài 6)
Nhịp 4 /2:
Âu còn nhớ chúa / cùng cha.
(Thuật hứng, bài 9)
Nhịp 1/2/3/:
Nẻo / xưa nay / cũng một đường
Đây / xóe xóe / nẻo tam cương.
(Tự thán, bài 23)
Nhịp 2/2/2:
Thân nhàn / dầu tới / dầu lui.
(Ngôn chí, bài 12)
Sự đa dạng trong nhịp điệu của câu thơ lục ngôn cũng tác động rất lớn, làm thay đổi nhịp trong câu thơ thất ngôn và nhịp toàn bài. Câu thơ thất ngôn trong thơ Nôm Nguyễn Trãi không còn giữ nguyên vẹn nhịp 4/3 nữa mà có sự chuyển biến rõ rệt. Theo tác giả Phạm Luận thì “Quốc âm thi tập có 26 bài thất ngôn, trong đó câu có kiểu tiết tấu 3/4 dùng xen với câu có kiểu tiết tấu thất ngôn luật Đường. Tỉ lệ trung bình giữa chúng là 1/5” [12, tr. 863].
Tục ngữ và ca dao xưa thường được sáng tác theo kiểu ngắt nhịp như trên. Tục ngữ: + nhịp 3/4 đơn:
- Xem trong bếp / biết nết đàn bà.
- Lửa thử vàng / gian nan thử sức.
- Có mẹ già / bằng ba sào ruộng.
Tục ngữ: + nhịp 3/4 đôi:
- Gái thương chồng / đang đông buổi chợ.
Trai thương vợ / nắng quái chiều hôm.
- Gần nhà giàu / đau răng ăn cốm
Gần kẻ trộm / ốm lưng chịu đòn.
Ca dao:
- Trầu không vôi / ắt là trầu già
- Áo vá vai / vợ ai không biết
Áo vá quàng / chí quyết vợ anh.
Đọc Quốc âm thi tập, chúng tôi thấy hiện tượng hai cây bảy chữ đi liền nhau theo kiểu ngắt nhịp của thơ song thất lục bát là khá phổ biến:
- Miệng thế nhọn / hơn chông mác nhọn,
Lòng người quanh / nửa nước non quanh.
(Bảo kính cảnh giới, bài 9)
- Trà thuở tiên / thời mình kín nước,
Cầm khi đàn / khiến thiếp thiêu hương.
(Tự thán, bài 1)
- Thơ đái tục / hiếm câu đái tục
Chủ vô tâm / ý khách vô tâm.
(Ngôn chí, bài 4)
Nhịp điệu không những tạo nên tính nhạc trong thơ mà còn có khả năng tạo nghĩa rất lớn. Chỉ cần ngắt nhịp chệch đi một chữ, câu thơ đó sẽ mang lại những cách hiểu nghĩa khác nhau. Ở Quốc âm thi tập việc sử dụng cách ngắt nhịp theo kiểu song thất lục bát khác với kiểu ngắt nhịp trong thơ Đường đã góp phần “tâm trạng hoá” tâm hồn Nguyễn Trãi. Trong việc ý thức xây dựng ngôn ngữ dân tộc, thể thơ dân tộc…, Nguyễn Trãi cũng chú ý đến nhịp điệu, điều này thể hiện sự quan tâm tỉ mỉ của Ức Trai tới những bước đi đầu tiên của nền văn học thành văn nước ta.
Như vậy, với việc sử dụng thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, cách gieo vần lưng ở những vị trí không cố định, kết hợp với lối kiến tạo nhịp điệu thơ Nôm, Nguyễn Trãi đã thể hiện khát khao đổi mới thơ ca theo hướng dân tộc hóa. Trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa truyền thống của dân tộc và những thành tựu đặc sắc của Trung Hoa, Nguyễn Trãi đã phá vỡ những quy định nghiêm ngặt của thơ Đường luật, làm cho câu thơ, bài thơ trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Đồng thời, nó cũng góp phần chuyển tải tiếng nói yêu nước thương dân, niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc của Nguyễn Trãi tới công chúng bạn đọc sau này. Ở vào một thời đại mà nền văn học đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của thơ Đường, sự bứt phá đi tìm cho mình một lối thơ riêng như Nguyễn Trãi là một hiện tượng hiếm có, thể hiện tài năng vượt bậc của nhà thơ. Có thể nói, với Quốc âm thi tập Nguyễn Trãi đã khẳng định được vị thế thơ Nôm của ông nói riêng, thơ Nôm của dân tộc nói chung trong tiến trình phát triển của văn học nước nhà.
PHẦN KẾT LUẬN
Xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ XV, thiên tài văn học Nguyễn Trãi trở thành một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống, thành tựu của văn học Lý - Trần, đồng thời là một hiện tượng văn học mở đường cho một giai đoạn phát triển mới. Cuộc cách mạng về thơ mà Nguyễn Trãi tiến hành viết thi phẩm nổi tiếng Quốc âm thi tập bắt nguồn sâu xa từ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tự hào dân tộc, nỗi niềm mong muốn xây dựng một nền văn hoá dân tộc ngày càng rực rỡ.
Có thể nói, Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm cổ nhất nhưng lại biểu hiện cho một quan niệm thẩm mĩ mới nhất của thơ ca Việt Nam thời bấy giờ. Đó là quan niệm cái bình thường chính là đối tượng của cái đẹp, cái bình thường nhưng đem lại rung động thẩm mĩ rất cao. Điều đó thể hiện trước hết ở việc Nguyễn Trãi đã mạnh dạn sử dụng một hệ thống đề tài bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống xung quanh nhưng đã được thanh lọc thông qua lăng kính nghệ thuật của nhà thơ, tạo nên sự đa dạng, độc đáo. Nguyễn Trãi cũng đã sử dụng một cách linh hoat, uyển chuyển vốn thành ngữ, tục ngữ, ca dao làm cho văn học dân gian và thơ ca bác học xích lại gần nhau hơn tạo nên tính dân tộc, tính đại chúng đậm đà. Nguyễn Trãi cũng đã đưa vào thơ Nôm của mình những hình ảnh rất dung dị, quen thuộc với nếp cảm, nếp nghĩ của người dân, góp phần chuyển tải tâm hồn của cha ông đến gần với thế hệ con cháu chúng ta. Sau cùng Nguyễn Trãi đã có những cách tân táo bạo trong việc chêm xen thể thơ sáu chữ vào những câu bảy chữ, vận dụng cách gieo vần ở những vị trí khác nhau, vận dụng nhịp điệu 3/4 khác cách ngắt nhịp 4/3 của thơ Đường. Với những việc làm đó, Nguyễn Trãi đã từng bước phá vỡ những “khuôn vàng thước ngọc” của thơ ca cổ trung đại, giải tỏa những gò bó của thơ Đường luật Trung Hoa, xây dựng một lối thơ Việt Nam theo xu hướng dân chủ, tiến bộ. Đó chính là toàn bộ nét đặc sắc về nghệ thụât trong thơ Nôm mà Nguyễn Trãi đã đóng góp cho nền thơ ca nước nhà.
Mặc dù Nguyễn Trãi đã rời xa chúng ta về mặt thời gian nhưng không gian thì không bao giờ ngăn cách. Chúng ta sẽ mãi nhớ đến tên tuổi của Ức Trai – ngôi sao Khuê rực sáng trên bầu trời tinh tú của dân tộc: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Lê Thánh Tông). Chúng ta cũng sẽ mãi nhớ đến Quốc âm thi tập bởi đây không chỉ là “tác phẩm mở đầu cho nền thơ cổ điển Việt Nam” (Xuân Diệu) mà còn là tác phẩm thể hiện đường gươm thử thách, đường gươm bậc thầy của Nguyễn Trãi. Với những thành công về nghệ thuật như trên, Quốc âm thi tập xứng đáng là “cái thước để ta đo sự tiến hóa của văn hóa Việt Nam về mặt tâm lý dân tộc, tư tưởng quốc gia, tâm tình con người, về mặt ngôn ngữ của thời xa xưa cách đây năm thế kỷ, về mặt nghệ thuật, trình độ thẩm mĩ. Nỗ lực xây dựng một nền văn hóa dân tộc được bộc lộ rõ nét, thái độ lạc quan, yêu đời được nghi nhận với những nét đậm đà” [12, tr.805].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Xuân Diệu (1981), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập 1), NXB văn học.
Xuân Diệu (2000), Ba thi hào dân tộc, NXB Thanh niên.
Thành Duy (1982), Về tính dân tộc trong văn học, NXB khoa học xã hội.
Đinh Gia Khánh (chủ biên), (1979), Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII (tập 2), NXB ĐH và THCN.
Đinh Gia Khánh (chủ biên), (2005), Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, NXB Giáo dục.
Đặng Thai Mai (2001), Trên đường nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn chương, NXB Giáo dục.
Nguyễn Đăng Na (2007), Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam (tập 1), NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bùi Văn Nguyên (2000), Văn chương Nguyễn Trãi rực rỡ ánh sao Khuê, NXB khoa học xã hội.
Bùi Văn Nguyên (biên khảo, chú giải, giới thiệu) ,(2003), Thơ Quốc âm Nguyễn Trãi, NXB Giáo dục.
Vũ Nguyên (chủ biên), (2007), Tác giả trong nhà trường Nguyễn Trãi, NXB văn học.
Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Hữu Sơn (2005), Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.
Chương Thâu (1980), Trên đường tìm hiểu sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi, NXB văn học.
Bùi Duy Tân (2005), Theo dòng khảo luận văn học trung đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, NXB khoa học xã hội.
Lê Trí Viễn, (2005), Tổng quan văn chương Việt Nam, NXB Giáo dục.
Viện Sử học (1976), Nguyễn Trãi toàn tập, NXB khoa học xã hội.
Viện văn học (1980), Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa dân tộc, NXB khoa học xã hội.
Hội nhà văn Việt Nam (1980), Sáu trăm năm Nguyễn Trãi, NXB tác phẩm mới.
Uỷ ban khoa học xã hội Vệt Nam (1982), Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, NXB khoa học xã hội.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nét đặc sắc về nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.doc