Nêu trách nhiệm của cha mẹ và của những người thân thích về tình trạng trẻ em không được đi học hoặc phải bỏ học sớm

Giáo dục trẻ em là vấn đề quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia, nó quyết định tương lai đât nước. Vì vậy Việt Nam rất coi trọng việc giáo dục trẻ em và coi đó là một vấn đề trọng điểm hàng đầu và cấp bách hiện nay bởi thế hệ tương lai có đủ đức đủ tài thì đất nước mới phát triển bền vững. Trong tình hình hiện nay nhà nước cần các chính sách phù hợp để hiện tượng trẻ em nghỉ học sớm hoặc không được đi học được giảm thiểu đến mức tối đa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nguồn nhân lực quốc gia sau này được trang bị kiến thức đầy đủ để xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

doc11 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3048 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nêu trách nhiệm của cha mẹ và của những người thân thích về tình trạng trẻ em không được đi học hoặc phải bỏ học sớm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC A. LỜI MỞ ĐẦU Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, trẻ em là tương lai của đất nước chính vì vậy ở Việt Nam rất coi trọng vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy Việt Nam đã tham gia kí kết rất nhiều công ước quốc tế và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề trẻ em. Một trong những quyền cơ bản nhất của trẻ em là quyền được học tập. Trong Công ước quốc tế về quyền của trẻ em cũng như trong pháp luật Việt Nam, học tập là một trong những quyền quan trọng không thể thiếu trong sợ phát triển của trẻ em, đồng thời cũng là bổn phận của cha mẹ và xã hội. Chính vì vậy em đã chon đề tài: “Nêu trách nhiệm của cha mẹ và của những người thân thích về tình trạng trẻ em không được đi học hoặc phải bỏ học sớm” để làm rõ nội dung trên. Do kiến thức còn hạn chế nên trong bài làm còn nhiều sai sót. Mong thầy cô thông cảm và đóng góp ý kiến để bài làm hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn! B. NỘI DUNG I/ Những quy định của pháp luật về quyền học tập của trẻ em Dưới góc độ quan hệ gia đình hay xã hội thì cha mẹ đều có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Việc giáo dục con không thể phó mặc cho một người ( cha hoặc mẹ ) mà cả hai người đều có quyền ngang nhau trong giáo dục con cái. Trẻ em là những tâm hồn trong trắng, non nớt về trí tuệ, do đó, việc giáo dục trong giai đoạn này là rất quan trọng. Các tiềm năng trí tuệ và thể lực được tạo dựng trong suốt thời kì trẻ trưởng thành và phát triển. Vì vậy, sức khỏe yếu kém và sự chăm sóc giáo dục không đầy đủ đối với trẻ em thường dẫn đến những thiệt hại không thể bù đắp được khi trẻ lớn lên. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều 59 có quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân” Trong Công ước quốc tế ghi nhận về quyền học tập của trẻ em thể hiện ở Điều 8,9 : Điều 8. Quyền được học hành Trẻ em cần nhận được sự giáo dục cần thiết, được giúp đỡ để phát triển tốt về thể chất, trí tuệ và xã hội, trở thành người công dân có trách nhiệm và biết tôn trọng những quyền của người khác. Điều 9. Quyền trẻ em trong trường học Nghĩa vụ của thầy cô giáo là lên lớp và giảng dạy tốt, khi uốn nắn trẻ em không được làm tổn hại đến các em, không được xúc phạm trẻ em. Các bậc cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giám sát để đảm bỏ điều này được thực hiện.” Khoản 1 Điều 16 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “Trẻ em có quyền được học tập”. Pháp luật nước ta đã khẳng định "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân". Mọi công dân không phân biệt điều kiện và hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập, được tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Trong luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng có quy định: Điều 10: 1- Trẻ em có quyền được học tập và có bổn phận học hết chương trình giáo dục phổ cập. Trẻ em học bậc tiểu học trong các trường, lớp quốc lập không phải trả học phí. 2- Cha mẹ, người đỡ đầu có trách nhiệm tạo điều kiện tốt cho con em học tập. 3- Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền học tập của trẻ em, khuyến khích trẻ em học tập tốt và tạo điều kiện để trẻ em phát triển năng khiếu." II/ Trách nhiệm của cha mẹ và những người thân trong việc trẻ em bỏ học sớm hoặc không được đi học 1/ Nguyên nhân a/ Nguyên nhân khách quan Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, luồng tư tưởng và lối sống ngoại nhập đã tác động tiêu cực đến quan hệ hôn nhân-gia đình. Cách suy nghĩ thực dụng, lối sinh hoạt tùy tiện, thiếu gương mẫu của cha mẹ trong cách hành xử hàng ngày đã làm giảm vai trò của họ trong việc giáo dục con cái, gây cho đứa trẻ tâm li chán nản, thất vọng về cuộc sống hoặc con cái chịu ảnh hưởng từ lối sống của cha mẹ dẫn đến những hậu quả không tốt cho cuộc sống của các em. Đối với một số trẻ, đường phố là lối thoát cho những bất hạnh và bạo hành trong gia đình. Nhóm này bao gồm những trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn như bị mồ côi, bị bỏ roi, cha mẹ ly dị hoặc qua đời hoặc những trẻ là nạn nhân của bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục và một số nguyên nhân khác… Việc số vụ ly hôn ngày càng gia tăng đang tạo ra một áp lực lớn cho xã hội mà nạn nhân của các vụ ly hôn đó không ai khác là trẻ em. Cho dù sau khi cha mẹ ly hôn trẻ vẫn nhận được sự chăm sóc của cả hai người nhưng việc đỗ vỡ hạnh phúc của cha mẹ thực sự đã trở thành cú sốc đối với các em. Những tổn thương tâm lý này dẫn đến sự chán nản, bỏ học và đường phố là điểm đến quen thuộc của các em. Bạo hành gia đình cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối. Bạo hành gia đình thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau: bạo hành về thể xác (đánh đập), bạo hành về tinh thần (chửi mắng…). Nhiều trẻ em bỏ nhà ra đi vì chúng không chịu được những tổn thương do bạo hành gia đình gây ra cho các em và phần lớn các em đều phải chịu những tổn thương về mặt tâm lý rất nặng nề. Bên cạnh đó, nhiều em phải bỏ học cũng vì gia đình quá nghèo, vì miếng cơm manh áo, ăn không đủ no thì lấy tiền đâu mà đi học. Hầu hết các em thuộc nhóm này đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, và cha mẹ các em đều không muốn các em phải lao động sớm mà các em buộc phải sống trên đường phố và lao động kiếm sống vì không còn sự lựa chọn nào khác. Ở đây nghèo đói rõ ràng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ lang thang, do gia đình nghèo các em không được sự chăm sóc vật chất từ phía gia đình mà phải sớm lao động để tự nuôi sống bản thân cũng như trợ giúp gia đình. Như một số em ở vùng núi, học sinh lớn như cấp 2 và cấp 3 thì phải vào rừng phát nương làm rẫy giúp đỡ gia đình, số học sinh tiểu học và mầm non ở nhà không ai chăm sóc, buộc các em phải theo cha, mẹ lên nương. Một nguyên nhân khác học sinh ở xa trường, lớp học trong khi giao thông ở một số vùng sâu, xa còn quá khó khăn; một số địa phương vận động học sinh tới lớp chưa thật sự quyết liệt, chưa có giải pháp thích hợp; nhận thức về việc học tập của một bộ phận phụ huynh học sinh, nhất là vùng cao, vùng dân tộc khó khăn còn hạn chế. Ví dụ như một số em ở xã Bảo Nam-Nghệ An tâm sự: Do điều kiện sống xa nhà, từ khi lên học lớp 6, các em phải rời trường bản để ra trung tâm xã theo học cấp 2. Từ bản nơi các em sống ra đến trung tâm xã Bảo Nam nếu trời nắng ráo thì đi bộ mất ngày trời, còn trời mưa gió hay gặp mùa mưa lũ thì không thể đi nổi. Sau nhiều lần hết nguồn viện trợ, các em phải bỏ trường về bản lấy "tiếp viện" ra, nhưng bố mẹ phải đi làm rẫy có khi cả tháng trời mới về nhà một bữa nên nhiều hôm các em phải ra trường với tay không. Vài ba lần như thế, các em đã quyết định bỏ học để vào rừng làm rẫy cùng bố mẹ. b/ Nguyên nhân chủ quan Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về phía gia đình hay địa lý thì việc nhận thức sai lệch của chính các em cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn các em tới cuộc sống lang thang trên đường phố. Các em thuộc nhóm này thường xuất thân từ những gia đình trung bình hoặc không mấy khó khăn về kinh tế nhưng các em vẫn muốn bỏ học lên thành phố kiếm tiền gửi về cho gia đình, hoặc muốn tách rời cuộc sống gia đình để được tự do thoải mái hơn. Tuy nhiên những sai lệch về nhận thức này xét cho cùng cũng xuất phát từ phía cha mẹ và sự giáo dục, định hướng của gia đình. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp các em bỏ học là do học kém, không theo kịp bài trên lớp, chương trình học quá nặng khiến các em nảy sinh tâm lí chán trường, ngại học. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng không có các biện pháp hay các hình thức động viên, khuyến khích các em học tập, mà còn “ trù dập” hay tỏ ra ác cảm đối với các em do các em đó làm kém đi chất lượng học tập chung của cả lớp. Dần dần, các em không còn tâm lí hứng thú cắp cặp đến trường nữa, dẫn đến trốn học rồi bỏ học đi chơi lêu lổng, trở thành những thành phần xấu của xã hội. 2/ Thực trạng Bước vào mùa khai trường năm học 2011 – 2012 , Bộ GDĐT ước tính có hơn 22.000.000 SV, HS, trong đó có 3.700.000 HS mầm non, 15.400.000 HS bậc phổ thông, còn lại là SV bậc ĐH, CĐ và TCCN. Đây là con số ước tính vì con số thực là bao nhiêu thì còn phải sơ kết từ dưới lên trên. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu HS năm học trước mà bộ đã tổng kết và công bố, thì chúng ta thấy số HS bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông tiếp tục giảm. Đó là một “góc khuất” đáng buồn mà ít người chú ý. Đây là vấn đề phải tập trung giải quyết ngay từ đầu năm học, đặc biệt là ngày 7.9.2011, Bộ GDĐT vừa tổ chức hội thảo khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng dự án phát triển giáo dục THPT giai đoạn hai theo khoản vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á ( ADB) 80.000.000USD. Cụ thể ở bậc THCS: So với năm học 2009 – 2010 (5.214.045 HS) thì số HS giảm trên 254.000 HS (năm học 2010-2011 bộ chưa công bố và năm 2011 – 2012 ước tính có 4.960.000 HS) Về số HS bậc THPT: Năm 2009 – 2010 có 2.886.090 HS. Năm 2011 – 2012 ước tính có 2.830.000 HS. Như vậy số HS giảm là 56.090 em. Nguyên nhân số HS bậc trung học giảm là do tình trạng bỏ học ở mức độ cao. Ví dụ: theo báo cáo mới nhất của Sở GDĐT Nghệ An thì sau kỳ nghỉ hè năm 2010 – 2011, toàn tỉnh có 786 HS không trở lại lớp học (bỏ học) trong đó có 22 HS tiểu học, 416 HS bậc THCS và 348 HS bậc THPT. Trong năm học 2010 – 2011, Nghệ An có gần 2.000 HS tiểu học và trung học bỏ học, trong đó bậc THPT bỏ học là 1.130 em và THCS là 600 em, như vậy là số HS bỏ học trong hè gần bằng 1/3 số HS bỏ học cả năm, năm học mới này quy mô THCS giảm 7 trường. Nguyên nhân bỏ học do học kém là 681 em, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn là 420 em, do đường đi học quá xa là 128 em, còn lại vì những lý do khác. Hơn 50% số học sinh bỏ học là do học kém. Tại tỉnh Bình Định, theo báo cáo của Sở GDĐT trong 2 tuần học của năm học mới 2011 – 2012, cả tỉnh có 1.200 HS chưa đến lớp nhiều nhất là bậc THCS 737 em và THPT 449 em. Tỉnh Khánh Hòa ngày khai giảng năm học mới huyện Khánh Vĩnh HS bậc THCS chưa đến lớp lên đến 10%. Tỉnh Quảng Nam số HS vào năm học mới giảm so với năm trước là 1.968 em, chủ yếu là học sinh THCS. Những số liệu ban đầu về tình hình HS bỏ học đầu năm học mới ở một số tỉnh cho thấy, nếu không quan tâm đúng mức thì số học sinh THCS và THPT bỏ học sẽ tiếp tục tăng. Đó là một lỗ hổng lớn của phổ cập THCS đã đạt được vào năm 2010. 3/ Trách nhiệm của gia đình Khoản 1 Điều 16 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn”. Theo quy định, trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình mà trực tiếp là cha mẹ, người giám hộ trong việc thực hiện ba nhiệm vụ cụ thể là bảo đảm điều kiện học tập, học hết chương trình giáo dục phổ cập và điều kiện học ở trình độ cao hơn đối với trẻ em. Trách nhiệm của gia đình trong việc bảo đảm điều kiện học tập của trẻ em được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như chăm sóc, nuôi dưỡng (ăn, mặc, ở, đi lại cho trẻ em); xây dựng gia đình văn hoá (tinh thần thoải mái cho trẻ em); các thành viên trong gia đình gương mẫu, giúp đỡ, hướng dẫn trẻ em học tập; tạo điều kiện trực tiếp cho trẻ em học tập về bảo đảm thời gian học tập ở lớp và tự học ở nhà, cung cấp đủ sách vở, dụng cụ học tập, bố trí góc học tập, đóng góp các khoản chi phí học tập theo quy định và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giúp đỡ việc học tập, tu dưỡng đạo đức của trẻ em. Bậc tiểu học là bắt buộc, đây là nghĩa vụ của mỗi công dân, cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em học hết chương trình giáo dục phổ cập. Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. Tri thức là vô hạn, nên nhiệm vụ học, học nữa, học mãi luôn là nghĩa vụ của công dân, đặc biệt là trẻ em để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo ra "một xã hội học tập". Vì vậy, gia đình với vai trò đặc biệt quan trọng phải có trách nhiệm với khả năng cao nhất có thể được để tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn. Việc học tập của trẻ em không chỉ học tập tri thức, kỹ năng mà cả học tập thẩm mỹ, truyền thống, đạo đức, niềm tin và pháp luật thông qua giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. 4/ Giải pháp a/ Về phía gia đình Cha mẹ phải giáo dục con bằng sự gương mẫu về mọi mặt của cha mẹ. Cha mẹ có đạo đức thì mới giáo dục được con về đạo đức. Nói cách khác, cha mẹ phải làm gương cho con về mọi mặt của đời sống. Cha và mẹ đều phải có trách nhiệm trong việc giáo dục con, không được phó mặc cho một bên để giáo dục con mà không thấy hết trách nhiệm của mình. Con hư thì cả cha và mẹ đều có trách nhiệm và có lỗi. Để tránh chuyện con mình bỏ học từ lý do trên, từng gia đình phải có trách nhiệm quản lý, nhắc nhở và thường xuyên giám sát việc học tập, nếu không làm tốt yêu cầu này thì sớm hoặc muộn cũng xảy ra điều đáng tiếc là con mình bỏ học giữa chừng. Đã có rất nhiều gia đình do tập trung làm ăn, phó mặc cho con việc học và hệ quả là con mình sa vào chuyện “chơi nhiều, học ít”. Đến khi gia đình phát hiện thì việc đã quá muộn. Do đó, nhất thiết phải thường xuyên duy trì mối liên hệ với nhà trường, để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con mình, làm cơ sở động viên, uốn nắn khi cần thiết. Quan hệ dân chủ giữa cha mẹ và con cái trong đời sống giáo dục cần được phát huy. Cha mẹ không nên dạy dỗ con cái bằng roi vọt, mắng nhiếc thậm tệ, xâm phạm đến thân thể hoặc nhân phẩm của con. Hạn chế những xích mích trong cuộc sống hôn nhân, giảm tình trạng ly hôn dẫn đến để lại những vết thương trong lòng của trẻ nhỏ làm chúng cảm thấy chán ghét cuộc sống, bỏ học ăn chơi, đàn đúm, trở thành thành phần xấu của xã hội. b/ Về phía nhà trường và xã hội Cần phải có ngay một cuộc vận động “nói không với hiện tượng học sinh bỏ học vì nghèo”. Xã hội ta không thể để cho con em vì nghèo mà thất học. Cần rà soát lại những chính sách ưu tiên, hỗ trợ học sinh nghèo, bổ sung những ưu đãi mới, có những giải pháp vận động nguồn tài chính cho học sinh nghèo, thực hành tiết kiệm để dành tiền cho học sinh nghèo, đẩy mạnh phong trào từ thiện trong các nhà trường, vận động những học sinh khá giả giúp đỡ bạn nghèo. Hiện học sinh nghèo chỉ được giảm ½ học phí, các khoản đóng góp khác thì bình đẳng như những học sinh khác; báo chí cũng đã đề cập nhiều đến hiện tượng “lạm thu, loạn thu” trong các nhà trường, một trong những nguyên nhân làm học sinh nghèo phải bỏ học. Có không ít trường học không những không có biện pháp nào để giúp đỡ học sinh nghèo mà còn luôn “sáng tạo” ra những khoản thu để “bòn rút” học sinh. Cần có chính sách cho những gia đình nghèo vay vốn cho con học phổ thông. Cần có qui định “xử phạt” những trường nào, địa phương nào để cho học sinh  bỏ học vì nghèo. Đối với những địa phương khó khăn, cần điều tra, khảo sát và lập đề án xin nhà nước hỗ trợ kinh phí. Nhà trường là một mắt xích rất quan trọng trong mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội, bởi dưới con mắt học trò, người thầy luôn là một mẫu mực về đạo đức, trình độ, kinh nghiệm sống, học tập và làm việc. Ai cũng biết, từ bao đời nay, người thầy luôn được xã hội tôn vinh và kính trọng; truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn là nghĩa cử tốt đẹp của cả cộng đồng dành cho người thầy. Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, theo đó đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư thỏa đáng cho các yêu cầu bảo đảm cho sự nghiệp trồng người phát triển cả trước mắt và lâu dài.  C. KẾT LUẬN Giáo dục trẻ em là vấn đề quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia, nó quyết định tương lai đât nước. Vì vậy Việt Nam rất coi trọng việc giáo dục trẻ em và coi đó là một vấn đề trọng điểm hàng đầu và cấp bách hiện nay bởi thế hệ tương lai có đủ đức đủ tài thì đất nước mới phát triển bền vững. Trong tình hình hiện nay nhà nước cần các chính sách phù hợp để hiện tượng trẻ em nghỉ học sớm hoặc không được đi học được giảm thiểu đến mức tối đa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nguồn nhân lực quốc gia sau này được trang bị kiến thức đầy đủ để xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNêu trách nhiệm của cha mẹ và của những người thân thích về tình trạng trẻ em không được đi học hoặc phải bỏ học sớm.doc