ĐẶT VẤN ĐỀ
Thành phố Hải Phòng có 1, 8 triệu dân, trong đó trẻ em chiếm 26,8 % dân số (462.800 trẻ). Cả thành phố có gần 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi bố mẹ (6.457 em); bố mẹ ly hôn (1.187 em); bố mẹ đang thi hành án phạt tù (394 em), sống trong gia đình có người nghiện ma tuý (1.204 em), sống trong gia đình có người nhiễm HIV (984 em). Từ tháng 11/2005 đến tháng 11/2007, có 609 em vi phạm pháp luật.
Trong những năm qua, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố và các ban, ngành, đoàn thể rất quan tâm tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó chú trọng quan tâm tới các em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung, Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002 (được phê duyệt theo Quyết định 134/1999/QĐ-TTg ngày 31/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 (được phê duyệt theo Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ), thành phố Hải Phòng đã xây dựng chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, quan tâm tới trẻ em chưa ngoan, trẻ em vi phạm pháp luật. Song song với công tác chỉ đạo các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm và giai đoạn, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (nay là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã chỉ đạo các quận, huyện xây dựng một số mô hình điểm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: mô hình phòng ngừa trẻ em lang thang; mô hình phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật; mô hình chăm sóc, giúp đỡ phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật, tàn tật; mô hình chăm sóc giúp đỡ trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; mô hình chăm sóc giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, ma tuý; mô hình xây dựng điểm vui chơi giải trí trẻ em. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Tư pháp, dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND thành phố Hải Phòng, từ ngày 21/12/2006, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố Hải Phòng được tiếp nhận Dự án “Hỗ trợ tâm lý cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật”. Đây là dự án được triển khai thực hiện thí điểm tại Hải Phòng, đồng thời là mô hình thí điểm về tái hoà nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật của Việt Nam, nếu thực hiện có hiệu quả sẽ nhân rộng trên toàn thành phố Hải Phòng và toàn quốc.
A.MỞ ĐẦU
B.NỘI DUNG
1. Khái quát về mô hình
2. Các hoạt động đã được triển khai
3. Một số bài học kinh nghiệm
C.KẾT LUẬN
6 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3202 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu mô hình thí điểm tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Hải Phòng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mô hình thí điểm tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Hải Phòng
Thành phố Hải Phòng có 1, 8 triệu dân, trong đó trẻ em chiếm 26,8 % dân số (462.800 trẻ). Cả thành phố có gần 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi bố mẹ (6.457 em); bố mẹ ly hôn (1.187 em); bố mẹ đang thi hành án phạt tù (394 em), sống trong gia đình có người nghiện ma tuý (1.204 em), sống trong gia đình có người nhiễm HIV (984 em). Từ tháng 11/2005 đến tháng 11/2007, có 609 em vi phạm pháp luật.
Trong những năm qua, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố và các ban, ngành, đoàn thể rất quan tâm tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó chú trọng quan tâm tới các em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung, Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002 (được phê duyệt theo Quyết định 134/1999/QĐ-TTg ngày 31/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 (được phê duyệt theo Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ), thành phố Hải Phòng đã xây dựng chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, quan tâm tới trẻ em chưa ngoan, trẻ em vi phạm pháp luật. Song song với công tác chỉ đạo các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm và giai đoạn, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (nay là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã chỉ đạo các quận, huyện xây dựng một số mô hình điểm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: mô hình phòng ngừa trẻ em lang thang; mô hình phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật; mô hình chăm sóc, giúp đỡ phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật, tàn tật; mô hình chăm sóc giúp đỡ trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; mô hình chăm sóc giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, ma tuý; mô hình xây dựng điểm vui chơi giải trí trẻ em. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Tư pháp, dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND thành phố Hải Phòng, từ ngày 21/12/2006, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố Hải Phòng được tiếp nhận Dự án “Hỗ trợ tâm lý cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật”. Đây là dự án được triển khai thực hiện thí điểm tại Hải Phòng, đồng thời là mô hình thí điểm về tái hoà nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật của Việt Nam, nếu thực hiện có hiệu quả sẽ nhân rộng trên toàn thành phố Hải Phòng và toàn quốc.
1. Khái quát về mô hình
Với mục tiêu tổng quát là tăng cường giáo dục trẻ em tại cộng đồng, giảm thiểu việc đưa người chưa thành niên vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng và các cơ sở giáo dục tập trung, thực hiện tốt giáo dục tái hoà nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật sau khi hết thời hạn ở trường giáo dưỡng về với gia đình, mô hình tái hoà nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật được triển khai trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tâm lý cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật”, thực hiện tại 3 quận, huyện trọng điểm: quận Ngô Quyền, Lê Chân và huyện Thuỷ Nguyên. Đây là các quận, huyện có số người chưa thành niên vi phạm pháp luật chiếm khoảng 50% người chưa thành niên vi phạm pháp luật toàn thành phố.
Đối tượng mà mô hình này hướng tới là người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang giáo dục tại cộng đồng và Trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt: bố mẹ bất hoà, ly hôn; bố mẹ buôn bán ma tuý, mắc tệ nạn xã hội... Một số ít ở gia đình khá giả nhưng bố mẹ mải làm ăn, kinh doanh hoặc phấn đấu cho sự nghiệp nên xao nhãng, không quản lý con, thiếu phương pháp giáo dục con, để con bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Vi phạm chủ yếu của các em là: cướp tài sản, phá huỷ công trình an ninh quốc gia (đường dây điện thoại, điện lưới), gây rối trật tự công cộng (đánh nhau nhiều lần)... Tính đến tháng 8/2006, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại 3 quận, huyện thực hiện Dự án là 166 em, trong đó Ngô Quyền: 68 em; Lê Chân: 55 em; Thuỷ Nguyên: 43 em.
2. Các hoạt động đã được triển khai
Để giúp các đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại 3 quận, huyện thí điểm thực hiện việc tái hoà nhập cộng đồng, rất nhiều hoạt động đã được triển khai một cách đồng bộ, từ việc chuẩn bị tâm lý, bồi dưỡng kỹ năng sống cho các em đến việc giúp đỡ, tạo điều kiện để các em học văn hoá, học nghề, tìm việc làm phù hợp.
Trước hết phải kể đến một số hoạt động tập thể thu hút sự tham gia của rất nhiều em từng vi phạm pháp luật như diễn đàn “Hãy lắng nghe trẻ em nói" (60 em tham gia); diễn đàn giao lưu “Nối vòng tay nhân ái” dành cho 500 em ở trường giáo dưỡng và các em ở cộng đồng của Hải Phòng; hội trại " Điều em muốn nói" với sự tham gia của 1.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hoá. Thông qua các hoạt động tập thể này, các em đã cùng nhau chia sẻ suy tư về những lỗi lầm mà mình đã phạm phải và quyết tâm cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, sớm ra trường về với gia đình, đồng thời các em đã đề đạt với các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo về những nguyện vọng của mình (được học văn hoá, học nghề, có việc làm phù hợp, được tham gia, được người lớn tin yêu chăm sóc...).
Bên cạnh đó, đã tổ chức được 5 lớp học về kỹ năng sống với sự tham gia của 150 em. Qua các lớp học này, các em được cung cấp nhiều kỹ năng cần thiết để tự làm chủ bản thân, xác định cho mình động cơ tu dưỡng nghiêm túc, biết cách xử lý một số vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày.
Không chỉ hướng đến đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, một số lớp học dành cho cha mẹ các em cũng được tổ chức, qua đó cung cấp cho gia đình các em nhiều kiến thức bổ ích về phát triển kinh tế, tạo thu nhập và kỹ năng quản lý, chăm sóc, giáo dục con em mình. Trong số các gia đình người chưa thành niên vi phạm pháp luật được cộng tác viên hỗ trợ, 147 gia đình đã có những thay đổi tích cực trong phương pháp giáo dục con. Chính nhờ tác dụng của việc tích cực tuyên truyền mà nhiều người dân, nhất là các cán bộ ban, ngành, đoàn thể đã thay đổi cơ bản cách nhìn nhận về đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, coi các em là đối tượng cần sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt của cộng đồng thay vì xem các em là những trẻ em hư, cần phải trừng trị nghiêm khắc. Đây là những tiền đề rất thuận lợi để giúp các em đã mắc sai lầm có cơ hội hoà nhập trở lại với cuộc sống bình thường trong sự đùm bọc, thương yêu, chia sẻ giúp đỡ của gia đình, cộng đồng.
Biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thay vì đưa người chưa thành niên vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng được áp dụng thí điểm ở 3 quận, huyện cũng đem lại những tác dụng tích cực đối với việc tái hoà nhập cộng đồng của các em. Nếu như trước khi có mô hình thí điểm, các em thường được đưa đến trường giáo dưỡng để đặt dưới sự quản lý, giám sát trong một môi trường khá khép kín và nghiêm khắc thì sau khi mô hình thí điểm được triển khai, công an các quận, huyện thí điểm đã chuyển các trường hợp người chưa thành niên vi phạm pháp luật cho cơ quan dân số gia đình và trẻ em phân công cộng tác viên xã hội xây dựng kế hoạch quản lý, giám sát và giúp đỡ tới từng em. Các quận, huyện khi họp Hội đồng tư vấn xét đưa trẻ em vào trường giáo dưỡng đã quan tâm tới các em hơn theo hướng vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên. Nhờ vậy, tổng số người chưa thành niên được chuyển sang giáo dục tại cộng đồng ở các quận huyện thí điểm năm 2007 là 128 em, trong đó, huyện Thủy Nguyên có 39 trường hợp, quận Lê Chân có 47 trường hợp, quận Ngô Quyền 42 trường hợp. Việc được giữ lại để giáo dục tại cộng đồng đã giúp các em tránh được những biến cố về tâm lý khi phải thay đổi môi trường sinh sống và học tập, đồng thời được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng và có thêm cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với các cộng tác viên để được tham vấn, tư vấn, giúp đỡ kịp thời. Nhờ vậy mà quá trình tái hoà nhập cộng đồng của các em đã được rút ngắn lại.
Đối với những trường hợp đã được đưa vào trường giáo dưỡng, các em đều được Ban quản lý Dự án tạo điều kiện để duy trì mối liên hệ thường xuyên với gia đình, bạn bè qua thư từ, điện thoại, gửi quà hoặc thăm tại trường (trong thời gian 18 - 24 tháng được bố, mẹ hoặc người thân thăm từ 2 - 3 lần). Các em cũng được các cộng tác viên xã hội vào tận trường hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng kế hoạch tái hoà nhập. Đa phần các em đều có định hướng rõ ràng về rèn luyện đạo đức và học tập, tìm việc làm phù hợp sau khi kết thúc thời gian ở trường giáo dưỡng về với gia đình, hoà nhập cộng đồng.
Đặc biệt, xuất phát từ việc nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác tham vấn và hỗ trợ tâm lý đối với quá trình tái hoà nhập cộng đồng của người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mô hình đã chú trọng tới hoạt động tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em, trong đó có 130 em ở cộng đồng, 47 em ở trường giáo dưỡng. Tuy việc tham vấn và hỗ trợ tâm lý cho các em không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi (một số gia đình không hợp tác, khó tiếp cận các em, nhiều em có thái độ e ngại, khó chia sẻ...) nhưng nhờ sự nỗ lực, kiên trì, kỹ năng tiếp cận với các em của các cán bộ xã hội và sự phối hợp tích cực của chính quyền, công an và các đoàn thể ở địa phương, công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Trong số 130 người chưa thành niên vi phạm pháp luật được các cộng tác viên xã hội hỗ trợ giáo dục tại cộng đồng, có 61 em đã được hỗ trợ tư vấn thành công, 62 em tiếp tục được giúp đỡ, chỉ có 7 em chưa thực sự tiến bộ (không chịu đi học văn hoá, học nghề, làm việc). Trong số 47 em ở trường giáo dưỡng đã có 28 em phấn đấu rèn luyện tốt được ra trường trở về gia đình, cộng đồng trước thời hạn từ 3 đến 6 tháng. Nhờ được tham vấn và hỗ trợ tâm lý, rất nhiều khúc mắc, băn khoăn của các em đã được bày tỏ và giải toả kịp thời. Các em đã cơ bản xoá bỏ được tâm lý mặc cảm, tự ti để yên tâm hoà nhập lại với cộng đồng, có ý chí quyết tâm phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Cùng với các dịch vụ hỗ trợ nêu trên, mô hình còn vận động được 110 em đi học văn hoá, học nghề và có việc làm ổn định; hỗ trợ học phí, học nghề cho 20 em (7 em ở quận Ngô Quyền, 8 em ở huyện Thuỷ Nguyên, 5 em ở quận Lê Chân) và giới thiệu việc làm cho 2 em ở quận Lê Chân, 9 em tìm được việc làm phù hợp. Những sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực này có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp các em tái hoà nhập cộng đồng thành công và phòng tránh tái phạm.
Chuyển biến rõ nét nhất từ việc thực hiện thí điểm mô hình là tính đến hết tháng 10/2008, số trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hải Phòng giảm đáng kể, đặc biệt là xã, phường thực hiện mô hình điểm giảm rõ rệt. Số trẻ em trên địa bàn toàn thành phố bị đưa vào trường giáo dưỡng giảm nhiều (năm 2004 có 87 em; năm 2006 có 67 em). Tính đến tháng 8/2008, số trẻ em bị đưa vào trường giáo dưỡng chỉ còn 48 em, trong đó: năm 2007, quận Ngô Quyền có 20 em nay chỉ còn 4 em; Lê Chân có 7 em nay còn 4 em; Thuỷ Nguyên có 18 em nay còn 11 em. Theo ghi nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2006 đến nay chỉ có 5 trường hợp tái phạm ở 3 quận huyện thí điểm: quận Lê Chân có 2 trường hợp, huyện Thủy Nguyên có 3 trường hợp tái phạm, quận Ngô Quyền không có trường hợp nào tái phạm
3. Một số bài học kinh nghiệm
Vấn đề tái hoà nhập cộng đồng của người chưa thành niên vi phạm pháp luật được đặt ra từ lâu và đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cả về mặt nhận thức đến cách thức triển khai. Qua việc thực hiện thí điểm mô hình tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố Hải Phòng mà trước hết là ở 3 huyện, quận thí điểm, chúng tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, về công tác chỉ đạo và phối hợp, cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cơ quan chức năng như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, UBND thành phố Hải Phòng và sự phối hợp chặt chẽ của Công an, Tư pháp, Toà án, Viện kiểm sát và các ngành, đoàn thể liên quan với cơ quan dân số, gia đình và trẻ em ở các cấp để đạt được sự thống nhất cao cả về nhận thức và hành động. Thực tế cho thấy, sở dĩ mô hình thí điểm về tái hoà nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Hải Phòng bước đầu có những thành công nhất định là do UBND thành phố đã kịp thời ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban thư ký và phân công trách nhiệm tốt các thành viên; các ngành, đoàn thể phối hợp triển khai các nội dung khá đồng bộ, có hiệu quả từ thành phố tới cơ sở; UBND 3 quận, huyện thành lập Ban chỉ đạo triển khai mục tiêu và nội dung của Dự án tới các xã, phường, thị trấn. Sự phối hợp giữa gia đình, cộng tác viên và công an khu vực và vai trò chủ trì điều phối của chính quyền khu dân cư, xã, phường tới các ngành chức năng cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung tái hoà nhập cộng đồng, phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em vi phạm pháp luật và tái phạm (trách nhiệm của công an khu vực, cộng tác viên xã hội cùng gia đình giúp đỡ các em đóng vai trò chủ công, quyết định sự tiến bộ của các em).
Thứ hai, công tác cán bộ cần phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, lựa chọn và bồi dưỡng được những cán bộ và cộng tác viên có trình độ, vững về chuyên môn nghiệp vụ và tâm huyết với công việc. Trong khuôn khổ mô hình thí điểm, cơ quan chức năng của thành phố đã phối hợp với chuyên gia UNICEF chọn 32 cán bộ và cộng tác viên xã hội; căn cứ vào số người chưa thành niên vi phạm pháp luật của 3 quận, huyện để phân công mỗi cộng tác viên phụ trách giúp đỡ từ 10 - 12 trẻ em (có cộng tác viên phụ trách 18 em). Vấn đề cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ và cộng tác viên được chú trọng thông qua việc mở các lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp tiếp cận, làm việc với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và giải quyết các vấn đề liên quan đến đối tượng này. Nhờ vậy mà các hoạt động trong khuôn khổ mô hình đã từng bước được triển khai một cách nhịp nhàng, hiệu quả, tuy ban đầu đã gặp phải không ít khó khăn.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phối hợp giáo dục giúp đỡ các em, chuyển hướng giáo dục các em tại cộng đồng, hạn chế đưa các em và trường giáo dưỡng. Song song với việc hỗ trợ tâm lý cho các em, các em cần hỗ trợ một số dịch vụ xã hội (miễn giảm học phí, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp...), đồng thời khuyến khích gia đình, cộng đồng tạo môi trường thân thiện để giúp các em tái hoà nhập một cách bền vững.
Thứ tư, sự quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, giúp đỡ về kỹ thuật, ủng hộ về tinh thần... của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là Tổ chức UNICEF và UBND thành phố đối với công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng là một trong những tiền đề quan trọng tạo nên sự thành công của mô hình này trên địa bàn thành phố. Tiếp nối những thành công ban đầu ở 3 quận, huyện thực hiện thí điểm mô hình, chúng tôi mong muốn có được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ hơn nữa để mô hình được nhân rộng ra toàn thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. /.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nghiên cứu mô hình thí điểm tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Hải Phòng.doc