Nghiên cứu Văn tâm điêu long

Luận văn dài 53 trang,chia làm 3 chương.Dược hội đồng bảo vệ đánh giá là luận văn xuất sắc NỘI DUNG Nghiên cứu Văn tâm điêu long文心雕龍đã có lịch sử trên một nghìn năm. Những gì mà các nhà nghiên cứu trong một nghìn năm đã làm được không phải là nhỏ. Kiến thức lí giải về Văn tâm điêu long ngày càng được tích lũy và mở rộng đào sâu thì công tác hệ thống, tổng kết những thành tựu nghiên cứu càng trở nên vô cùng cấp thiết. Trên các xuất bản phẩm của Trung Quốc cuối thế kỉ xx và đầu thế kỉ XXI, người ta thấy xuất hiện rất nhiều những công trình nghiên cứu đáp ứng nhu cầu đó. Những công trình tổng kết thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long xuất hiện nhiều và chủ yếu có thể chia ra làm hai dạng tổng kết khác nhau. Dạng tổng kết thứ nhất là những cuốn sách chuyên viết về lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long. Dạng tổng kết thứ hai là những luận văn khoa học của các thạc sĩ tiến sĩ, các luận văn trên các tạp chí nghiên cứu học tập chuyên ngành và những chương đoạn của một số sách nghiên cứu. Chúng ta có thể kể ra đây một số trứ tác tiêu biểu làm ví dụ. Dạng tổng kết thứ nhất không còn nghi ngờ gì nữa về vai trò của cuốn sách do Trương Thiếu Khang张少康chủ biên: Văn tâm điêu long nghiên cứu sử文心雕龙研究史, Bắc Kinh đại học xuất bản xã北京大学出版社, tháng 9 năm 2001. Cuốn sách này xứng đáng là công trình tổng kết đầy đủ nhất mặt tư liệu mà chúng ta hiện nay có được về nghiên cứu Long học (chúng tôi sẽ giới thuyết ở đầu Chương 2) kể từ khi mới bắt có ngành nghiên cứu này cho đến hết thế kỉ XX. Thế mạnh của những tổng kết mà nhóm Trương Thiếu Khang đã tiến hành là ở hệ thống tư liệu cực kì đầy đủ của họ về nghiên cứu Văn tâm điêu long trên toàn thế giới (dĩ nhiên chỉ trừ Việt Nam vì nghiên cứu tác phẩm này ở Việt Nam mới chỉ chính thức khởi động từ sau năm 1996 và chưa làm được gì đáng kể). Nhóm của Trương Thiếu Khang bao gồm các nhà nghiên cứu, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng như Trương Thiếu Khang, Uông Xuân Hoằng汪春泓, Trần Doãn Phong陳允鋒và Đào Lễ Thiên陶禮天. Những nhà nghiên cứu này rất ý thức được rằng công trình của họ phải có tính tổng kết đánh dấu cho hàng nghìn năm nghiên cứu Long học, thế nên họ đã đem đến cho hơn bảy trăm năm mươi trang của cuốn sách một nền móng với khả năng bao quát cực lớn từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Âu Mĩ Điều này khiến cho cuốn sách trở thành một đỉnh cao, một thách thức buộc những nhà nghiên cứu sau này phải vượt qua nếu muốn được thừa nhận khi họ tiếp tục làm công tác tổng kết tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long. Một ưu điểm nữa cần phải kể đến là những cố gắng của nhóm Trương Thiếu Khang trong việc xây dựng một mục lục đầy đủ nhất hiện nay cho toàn bộ những trứ tác nghiên cứu Văn tâm điêu long xuất hiện trong thế kỉ XX. Thông qua việc phân tích thư mục này kết hợp với những trình bày theo lối biên niên sử về các sự kiện trong nghiên cứu Văn tâm điêu long, người đọc có thể theo dõi được toàn bộ những biến chuyển của nghiên cứu Văn tâm điêu long trong suốt mười mấy thế kỉ và đặc biệt rõ rệt và quan trọng là của thế kỉ XX. Trên khía cạnh tổng kết những thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì xa xưa dưới những triều đại của các hoàng đế Trung Hoa, cuốn sách Văn tâm điêu long nghiên cứu sử thực sự là một thách thức khó vượt qua với bất kì nhà nghiên cứu nào muốn lặp lại và làm “tốt” hơn công việc ấy. Cuốn sách của nhóm Trương Thiếu Khang đã hệ thống lại một khối lượng thư tịch rất đầy đủ có liên quan đến nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn này. Thành tựu này là sự tổng kết toàn bộ những tìm tòi của nhiều thế hệ học giả Trung Quốc. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, những thành tựu này sẽ càng ngày càng bổ sung thêm trong quá trình người Trung Quốc khai thác kho tư liệu đồ sộ mà cha ông họ để lại. Đối với chúng ta mà nói, việc phát hiện ra thêm một tư liệu gì mới để lật lại những gì mà những người Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỉ đã làm được là điều cực khó và hoàn toàn dựa vào may mắn. Chúng tôi quả thực không có phát kiến gì thêm về tư liệu so với cuốn Văn tâm điêu long nghiên cứu sử mà chỉ có những đóng góp trong việc lí giải lại, hệ thống lại dưới ánh sáng của lí luận mới những gì mà người ta đã biết. Song cuốn sách của nhóm Trương Thiếu Khang biên soạn dĩ nhiên không làm cho người đọc cảm thấy thỏa mãn ở nhiều điểm. Thứ nhất, nhóm Trương Thiếu Khang trong khi viết lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long trong các giai đoạn đã coi lịch sử truyền bá và ảnh hưởng của Văn tâm điêu long đối với nước ngoài là một phần có vị trí độc lập trong lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long. Nghiên cứu về quá trình truyền bá và ảnh hưởng của Văn tâm điêu long chỉ có thể làm rõ cho một số vấn đề của lịch sử nghiên cứu, song bản thân nó không thể đứng ngang hàng với những sự kiện trong nghiên cứu Văn tâm điêu long. Điều này cho thấy ý thức về đối tượng có thể chưa rõ ràng trong những trình bày của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm của Trương Thiếu Khang TÀI LIỆU: 1. Bạch Kiến Trung白建忠 - Bạch Tú Lan白秀兰, Nghiên cứu những lí luận về hoạt động cấu tứ và tưởng tượng của nhà văn trong quá trình sáng tác văn học của Văn tâm điêu long qua những lời phê của Dương Thận - Kiêm luận về ý nghĩa những vòng tròn năm màu khác nhau thể hiện qua những lời Dương Thận bình về Văn tâm điêu long文心雕龙杨批中的文思论研究-兼及杨评文心雕龙中的五色圈点, Nội Mông Cổ sư phạm đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản)内蒙古师范大学学报(哲学社会科学版), kì 5 quyển 33, tháng 9 năm 2004, trang 26-30. 2. Bạch Kiến Trung白建忠 - Tôn Tuấn Kiệt孫俊杰, Luận về việc Dương Thận phê điểm cho Văn tâm điêu long论杨慎批点文心雕龙in trên Quảng bá điện thị đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản)广播电视大学学报(哲学社会科学版), số 2 năm 2006, trang 21-24. 3. Bạch Kiến Trung白建忠 - Tôn Tuấn Kiệt孫俊杰, Khảo luận về những vòng tròn ngũ sắc - lấy những vòng tròn ngũ sắc của Dương Thận phê điểm trong Văn tâm điêu long làm ví dụ五色圈点考论------以杨慎批点文心雕龙中的“五色圈点”为例, Xã hội khoa học gia社会科学家, kì 4 năm 2006, trang 37-41. 4. Bạch Tú Lan白秀兰, Tìm hiểu hàm nghĩa của khái niệm Phong Cốt qua những lời phê của Dương Thận trong Văn tâm điêu long文心雕龙杨批中风骨含义之探讨, Ngữ văn học san语文学刊, số 6 năm 2004, trang 5-7. 5. Chiêm Anh詹鍈, Văn tâm điêu long nghĩa chứng文心雕龙义证, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã上海古籍出版社, tháng 8 năm 1989. 6. Chu Chấn Phủ周振甫chủ biên, Văn tâm điêu long từ điển文心雕龙辞典, Trung Hoa Thư Cục中华书局, năm 1996. 7. Diêu Tư Liêm姚思廉, Lương Thư梁書, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục北京:中華書局, năm 2000. 8. Dương Minh Chiếu楊明照, Tăng đính Văn tâm điêu long增訂文心雕龍, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục北京:中華書局, quyển thượng, 2000. 9. Dương Minh Chiếu楊明照, Văn tâm điêu long bản bản kinh nhãn lục文心雕龍版本經眼錄đăng ở Học thuật tập lâm學術集林, năm 1997, quyển 11. 10. Đồ Quang Xã涂光社, Tổng thuật và bình luận về tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn hiện đại现代文心雕龙研究述评, Văn học bình luận文学评论số 1 năm 1997, trang 142. 11. Hồ Hiểu Minh胡晓明, Sự chính danh cho Văn Luận Trung Quốc中国文论的正名, Tây Bắc đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản)西北大学学报(哲学社会科学版), quyển 35 kì 5 tháng 9 năm 2005, trang 5-14. 12. Hoàng Khản黃侃, Văn tâm điêu long trát kí文心雕龍札記, Trung Hoa thư cục 中華書局, 1962. 13. Hoàng Thúc Lâm黃叔琳, Văn tâm điêu long tập chú文心雕龍輯注, Trung Hoa thư cục xuất bản中華書局出版, năm 1957. 14. Lâm Kì Đàm林其錟 - Trần Phượng Kim陳鳳金, Đôn Hoàng di thư Văn tâm điêu long tàn quyển tập hiệu敦煌遺書文心雕龍殘卷集校, phần Tiền ngôn前言, Thượng Hải thư điếm上海書店, tháng 10 năm 1991, bản in đầu第一版. 15. Lí Diên Thọ李延壽, Nam Sử南史, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục北京:中華書局, năm 2000. 16. Lí Kim Thu李金秋, Luận về cái phong tổng thuật và quán xuyến Văn qua những lời bình của Tào Học Thuyên cho Văn tâm điêu long文心雕龙曹评中的贯文总术之风论, Nội Mông Cổ sư phạm đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản)内蒙古师范大学学报(哲学社会科学版), số 5 tháng 9 năm 2004, trang 21-30. 17. Lí Kim Thu李金秋, Nghiên cứu những lí luận về sáng tác của Văn tâm điêu long qua những lời bình của Tào Học Thuyên文心雕龍曹評中的創作論研究, luận văn thạc sĩ ngành văn học và ngôn ngữ Trung Quốc của trường đại học sư phạm Nội Mông Cổ內蒙古師範大學viết vào năm 2004. 18. Lý Bình李平, Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long文心雕龙研究的回顾与反思, in lần đầu tháng 2 năm 1999 trong An Huy sư phạm đại học học báo安徽师范大学学报Nhân văn xã hội khoa học bản人文社会科学版quyển 27 kì 1, tr.69 - 76 và sau được in lại trong tạp chí Phê bình và lí luận văn nghệ文艺理论与批评, Bắc Kinh北京 tháng 5 năm 1999, tr.121-131 với cái tên Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long của Trung Quốc trong thế kỉ hai mươi 20世纪中国文心雕龙研究的回顾与反思. 19. Mục Khắc Hoành穆克宏, Văn tâm điêu long nghiên cứu文心雕龍研究do Phúc Kiến giáo dục xuất bản xã福建教育出版社xuất bản năm 1991. 20. Ôn Quang Hoa溫光華, Nghiên cứu những chú thích của Hoàng Thúc Lâm và những bình luận của Kỉ Vân cho Văn tâm điêu long文心雕龍黃注紀評研究, được in trên Quốc lập Đài Loan sư phạm đại học quốc văn nghiên cứu sở tập san國立臺灣師範大學國文研究所集刊, quyển 42, tháng 6 năm 1998, trang 297-426. 21. Phạm Văn Lan范文瀾, Văn tâm điêu long chú文心雕龍注, Đài Loan: Khai Minh Thư Điếm臺灣開明書店, tháng 5 năm 1993. 22. Phan Huy Đường, Tư duy tự do, nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2006, trang 115-124. 23. Phù Dục Tĩnh符欲靜, Thuật lại và bình luận về tình hình luận bàn khái niệm Phong cốt trong Văn tâm điêu long ở thế kỉ hai mươi 20世纪文心雕龙风骨论研究述评, Hứa Xương học viện học báo许昌学院学报, quyển 24 kì 4第24卷第4期, năm 2005, trang 134 – 138. 24. Trình Dụ Trinh程裕祯chủ biên, Trung Quốc học thuật thông lãm中国学术通览, Bắc Kinh ngữ ngôn học viện xuất bản xã北京语言学院出版社, tháng 2 năm 1995. 25. Trương Dũng Tuyền张涌泉, Biện luận và tìm hiểu thời gian sao chép của Văn tâm điêu long bản Đôn Hoàng敦煌本文心雕龙抄写时间辨考, Tạp chí Văn học di sản文学遗产, số 1 năm 1997, tr105-106. 26. Trương Thiếu Khang张少康, Văn tâm điêu long nghiên cứu文心雕龙研究in trong tùng thư Hai mươi thế kỉ Trung quốc học thuật văn tồn 20世纪中国学术文存Trần Bình Nguyên陈平原chủ biên, Hồ Bắc giáo dục xuất bản xã湖北教育出版社, năm 2001. 27. Trương Thiếu Khang张少康chủ biên, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử文心雕龙研究史, Bắc Kinh北京: Bắc Kinh đại học xuất bản xã北京大学出版社, tháng 9 năm 2001. 28. Uông Xuân Hoằng汪春泓, Thuật lại những điều cốt yếu nhất trong những bình luận cho Văn tâm điêu long của Tào Học Thuyên曹学佺评文心雕龙述要, Hứa Xương sư chuyên học báo许昌师专学报, số 3 năm 2000, trang 62-67. 29. Vương Canh Sinh王更生, Nghiên cứu về mối quan hệ giữa Vương Ứng Lân và bản Văn tâm điêu long chú của Tân Xử Tín應鱗和辛處信文心雕龍注關係之研究, in trong sách Văn tâm điêu long tổng luận文心雕龍綜論, Trung Quốc cổ điển văn học nghiên cứu hội中國古典文學研究會chủ biên, Đài Loan: Học sinh thư cục ấn hành臺灣學生書局tháng 5 Dân quốc năm thứ 77(1987), từ trang 173 đến trang 196. 30. Vương Lợi Khí王利器, Văn tâm điêu long hiệu chứng文心雕龍校證, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã上海古籍出版社, tháng 8 năm 1980, trang 304.

doc39 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2747 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nghiên cứu Văn tâm điêu long, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
rất kị những diễn ngôn dài dòng. Cho nên nhà học giả cổ điển tỏ ra rất kiệm lời, không bao giờ ông nói hết, nói đến đầu đến đũa những gì ông hiểu về tác phẩm . Nói một cách ít nhiều chịu ảnh hưởng của lí luận văn học phương Tây: từ những chỉ dẫn về cách hiểu văn bản và về ý nghĩa tác phẩm ông (Dương Thận) luôn tạo một khoảng trống cho liên tưởng và tìm tòi của tự thân độc giả song lại không khuyến khích những xu hướng khác những xu hướng mà mình đề ra để tiếp cận Văn tâm điêu long .    Mặt khác, như đã nói ở trên, do truyền thống kiệm lời nên rõ ràng là Dương Thận sẽ tận dụng tối đa những vòng tròn ngũ sắc để bình luận cho tác phẩm mà sẽ hạn chế càng ít càng tốt những lời Phê. Thống kê của Bạch Kiến Trung cho biết có khoảng 180 chỗ Dương Thận sử dụng những vòng tròn nhiều màu, còn số lần ông sử dụng lời Phê là khoảng hơn 20 lần . Trong đó thiên Phong cốt風骨là nơi tập trung nhiều nhất những vòng tròn nhiều màu. Toàn thiên Phong cốt với hơn 580 "tự" 字thì có đến 380 "tự" được khuyên màu, chiếm khoảng 70% . Điều đó cho thấy sự quan tâm thưởng thức của Dương Thận với thiên này của Văn tâm điêu long. Thông qua những phê ngữ và khuyên điểm người ta có thể nhận ra quan điểm của Dương Thận về những vấn đề được thể hiện trong Văn tâm điêu long như về hoạt động cấu tứ và tưởng tượng của nhà văn trong quá trình sáng tác văn học(文思論), về mối quan hệ giữa Văn文và Chất質(文質論), về vấn đề kế thừa và sáng tạo những cái mới trong văn học(通變論). Những vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc triển khai trong luận văn và các chuyên luận trên các học báo của họ . Chúng tôi cũng sẽ có những tổng thuật về những vấn đề này.    Sau sự xuất hiện bản chú thích của Dương Thận là sự xuất hiện của văn bản chú thích và hiệu khám của Mai Khánh Sinh. Giới Long học vẫn hay gọi văn bản này là bản Văn tâm điêu long Mai Khánh Sinh âm chú bản文心雕龍梅慶生音注本. Văn bản chú thích này như trên chúng tôi đã đề cập đến có sáu dị bản khác nhau được khắc in trong khoảng từ năm Vạn Lịch萬歷thứ 37(1609) đến năm Thiên Khải天啟thứ 6(1626). Trong vòng 17 năm đã có ít nhất là sáu dị bản của không biết bao nhiêu lần in khắc văn bản của Mai Khánh Sinh, điều đó cho thấy văn bản của Mai Khánh Sinh chú thích có ảnh hưởng như thế nào đương thời .    Giá trị hiệu khám văn bản của Mai Khánh Sinh đối với lịch sử nghiên cứu Long học là ở chỗ: văn bản của ông được xây dựng trên cơ sở tham khảo rộng rãi nhiều văn bản Văn tâm điêu long khác nhau, kế thừa được những thành tựu hiệu khám văn bản các nhà đương thời; và trên cơ sở đó đề xuất ra những ý kiến cá nhân. Công việc hiệu khám của Mai Khánh Sinh giới hạn lại ở những công đoạn so sánh giữa các bản Văn tâm điêu long khác nhau chọn văn bản xuất hiện vào đời Nguyên niên hiệu Chí Chính làm bản nền; cân nhắc theo hay không theo ý kiến của các nhà và kết hợp với khảo cứu cá nhân tiến hành sửa chính những chỗ ông cho là bị mất chữ, thừa chữ, nhầm chữ,… Phương pháp của Mai Khánh Sinh là lựa chọn trong số các văn bản khác nhau những yếu tố ông cho là phù hợp để tạo ra một văn bản Văn tâm điêu long hoàn toàn mới. Công việc này đối với việc tìm ra một văn bản gần nhất với bản ý của Lưu Hiệp là không thể trái lại càng làm phức tạp thêm tình hình văn bản vốn đã rất đau đầu của Văn tâm điêu long. Giá trị còn lại trong công tác văn bản của Mai Khánh Sinh đó là qua văn bản Văn tâm điêu long mà ông sáng tạo ra, người ta nhận ra những cách nhìn nhận của riêng ông về tác phẩm này của Lưu Hiệp .    Trên phương diện chú thích văn bản Mai Khánh Sinh chủ yếu tập trung chú thích những vấn đề có liên quan đến vận dụng kinh điển trong Văn tâm điêu long. Ông chú rất rõ những yếu tố kinh điển như "Bào Hi họa kì thủy" 庖犧畫其始, "Cửu Trù" 九疇, "Cửu tự duy ca" 九字惟歌, "tịch trân" 席珍, "điểu tích đại thằng" 鳥跡代繩… mà đối với những vấn đề mà chúng ta cho rằng có liên quan trực tiếp đến việc lí giải nội dung mà Văn tâm điêu long muốn truyền đạt như "Văn chi vi Đức" 文之為德, "Thần Lí" 神理, "Từ chi sở dĩ năng cổ thiên hạ giả nãi đạo chi văn dã" 辭之所以能鼓天下者乃道之文也 … thì lại bị bỏ qua. Trương Thiếu Khang còn chỉ ra thêm nhiều chỗ rõ ràng Mai Khánh Sinh đã nhẹ nhàng bỏ qua việc tìm hiểu những tầng sâu tư tưởng của Văn tâm điêu long mà đi vào chú thích những vấn đề tương đối "phổ thông" đối với tầng lớp Nho học bậc cao trong xã hội đương thời . Điều đó cho thấy Mai Khánh Sinh chịu ảnh hưởng rất rõ của phương pháp đọc sách lấy kinh điển Nho gia làm nền tảng và coi văn học như là cái viết nhằm phục vụ cho công tác truyền tải những nội dung của Kinh điển. Trên bình diện nghiên cứu lí luận của Văn tâm điêu long thì Mai Khánh Sinh không cống hiến được gì nhiều; trên bình diện phương pháp tiếp cận nghiên cứu Văn tâm điêu long thì Mai Khánh Sinh là người tiêu biểu cho một cách đọc lí luận và đọc văn học đã từng có quyền uy trong một thời gian dài và nay đã thành một phương pháp cổ điển.    Nhân vật tiếp theo trong nghiên cứu Văn tâm điêu long đời Minh là Vương Duy Kiệm王惟儉, người mà ngày nay còn để lại cho lịch sử nghiên cứu Long học một văn bản chú thích quan trọng: Vương Duy Kiệm Văn tâm điêu long huấn cố bản王惟儉文心雕龍訓故本. Văn bản này ra đời gần với văn bản âm chú của Mai Khánh Sinh . Lúc đầu Vương Duy Kiệm gộp văn bản này với Sử thông huấn cố để thành một tập Văn tâm điêu long Sử thông huấn cố. Điều đó cho thấy ở đời Minh đã có những nhìn nhận có tính chất nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long với tác phẩm của Lưu Tri Cơ.    Trên phương diện hiệu khám cho văn bản của Văn tâm điêu long, Vương Duy Kiệm có những cống hiến quan trọng. Vương Duy Kiệm đã tiến hành hiệu chỉnh lại trên 900 "tự" ông cho là thác ngộ trong vài bản Văn tâm điêu long . Đặc biệt là ông để lại 74 kí hiệu để biểu thị 74 chỗ mà trong phạm vi tư liệu còn hạn chế, ông không thể giải quyết triệt để được. Điều này cho thấy cách làm việc cũng như tinh thần khoa học của Vương Duy Kiệm. Nếu đánh giá về kết quả hiệu khám văn bản của Vương Duy Kiệm thì chúng ta phải thừa nhận sự thua kém của ông so với Mai Khánh Sinh, bởi nếu đặt hai bản Văn tâm điêu long bên cạnh nhau, chúng ta dễ nhận thấy nhiều chỗ Vương Duy Kiệm chưa làm được mà Mai Khánh Sinh lại hiệu khám rất thành công. Song văn bản hiệu khám của Vương Duy Kiệm có giá trị cao đối với công tác tìm hiểu phương pháp hiệu khám của các học giả đời Minh khi họ tiến hành thao tác với văn bản Văn tâm điêu long của chúng ta.    Văn bản của Vương Duy Kiệm trên phương diện chú thích lại đạt được những thành tựu cao vượt trội so với các văn bản xuất hiện đương thời khác. Phương châm chú thích Văn tâm điêu long của ông được thể hiện rất rõ trong phần trình bày những nguyên tắc soạn sách của ông (phần Phàm lệ凡例ở đầu sách Văn tâm điêu long huấn cố): "khi viết chú thích và tiến hành tìm kiếm những điển cố trong cuốn sách này, gặp phải những chữ lạ, những ngôn từ bí hiểm như cái sâu xa của 'điểu tích', 'ngư võng' hoặc kì quái của 'huyền câu', 'đan điểu', người đọc (theo quan điểm của tôi) khi đọc cuốn sách này không nên tin vào những lời viển vông vu khoát ấy, cho nên tôi không phí lời giải thích gì thêm" . Ngoài ra đối với những điển cố mà Vương Duy Kiệm coi là bình thường trong trình độ tiếp nhận của những người đời Minh kiểu như "Thuấn, Vũ, Chu, Khổng chi thánh" 舜禹周孔之聖thì ông cũng không đặt ra vấn đề giải thích. Rõ ràng Vương Duy Kiệm có mong muốn thực dụng và hướng tới phổ biến đối với văn bản Văn tâm điêu long của ông. Ông dễ dàng bỏ qua những từ khó hiểu để chú thích cẩn thận những vấn đề thuộc về điển cố. Đấy là mục đích chính của Vương Duy Kiệm và cũng là lí do tại sao ông đặt tên sách là Văn tâm điêu long huấn cố. Rõ ràng rằng những chú thích như vậy cho cuốn sách của Lưu Hiệp phải được viết bởi tay của một người chịu ảnh hưởng rất nặng của cách đọc văn chương và quan niệm văn chương của Nho gia song người này là một nhà Nho "khiêm tốn" hướng tới những mục đích nhật thường và truyền bá chứ không nhằm đến một sự phô trương những hiểu biết sách vở. Với trường hợp của Vương Duy Kiệm, nhà viết lịch sử Long học Trương Thiếu Khang có chỉ ra tính chất thiếu cân đối và khách quan trong những chú thích của ông cho Văn tâm điêu long. Trương Thiếu Khang coi đây là một bản chú không hoàn bị và có vi phạm một số nguyên tắc của hoạt động chú thích văn bản .    Ngoài Dương Thận, Mai Khánh Sinh, Vương Duy Kiệm người ta thường nhắc đến những nghiên cứu của Tào Học Thuyên曹學佺  về Văn tâm điêu long, coi những nghiên cứu của ông là điểm chốt quan trọng cuối cùng trong hành trình dài nghiên cứu Văn tâm điêu long dưới triều đại nhà Minh. Các nhà nghiên cứu hiện đại đánh giá rất cao Tào Học Thuyên ở chỗ ông nhìn nhận Văn tâm điêu long như một tác phẩm có hệ thống và có những nguyên lí quán xuyến nó. Cho đến nay những lí giải sớm nhất mà chúng tôi biết được về cấu trúc của cuốn Văn tâm điêu long ngoại trừ những lí giải của chính tác giả Lưu Hiệp là lí giải của Tào Học Thuyên. Tào Học Thuyên cho rằng Văn tâm điêu long được chia ra làm hai phần: 25 thiên đầu là phần Lưu Hiệp lần lượt giải thích kĩ càng các loại thể của Văn; 25 thiên sau là phần Lưu Hiệp gắng sức dẫn dụng các thuật làm Văn . Cách chia này cực kì thiếu sót và sơ sài nếu ta đặt nó bên cạnh cách phân chia của Lưu Hiệp hay là của những nhà nghiên cứu Long học hiện đại. Sở dĩ có thái độ phân chia qua quýt này một phần cũng là vì Tào Học Thuyên cho rằng tư tưởng của Lưu Hiệp không thể hiện qua cách cấu trúc tác phẩm mà lại tập trung xung quanh duy nhất một khái niệm, đó là khái niệm phong風 . Theo định nghĩa của Tào Học Thuyên: "phong là bản nguyên của mọi sự hóa và cảm, là sự phù hợp giữa tính và tình" 風者, 化感之本原, 性情之符契. Nói đây là định nghĩa của Tào Học Thuyên vì Tào Học Thuyên đã cải biến định nghĩa của Lưu Hiệp để cho định nghĩa ấy chuyển tải một cách nhìn mới về Văn tâm điêu long. Lưu Hiệp thiên Phong cốt風骨sách Văn tâm điêu long đã từng định nghĩa: "Thi gồm có Sáu nghĩa, đứng đầu trong Sáu nghĩa là phong, phong lại là bản nguyên của mọi sự hóa và cảm, là sự phù hợp giữa chí và khí" 詩總六義, 風冠其首, 斯乃化感之本源, 志氣之符契也 . Chỉ có thay đổi cặp khái niệm chí và khí thành cặp khái niệm tính và tình là đã biến khái niệm phong của riêng Lưu Hiệp thành khái niệm chuyển tải quan niệm về chức năng văn học mang màu sắc Đạo học Tống-Minh . Như vậy với cách tiếp cận này Tào Học Thuyên đã đọc Văn tâm điêu long và chú thích cuốn sách này theo con mắt của một nhà Nho. Ông nhấn mạnh vào thiên Phong Cốt và tiến hành công việc làm biến đổi nội hàm các khái niệm của Lưu Hiệp vì ông muốn chứng minh Văn tâm điêu long là cái viết để nêu cao giá trị của Văn trong việc truyền tải Thánh đạo . Tào Học Thuyên là người đại biểu cuối cùng cho các nhà nghiên cứu Văn tâm điêu long dưới triều Minh.    Đến đời Thanh nghiên cứu Văn tâm điêu long đạt đến đỉnh cao nhất của giai đoạn cổ điển. Không còn nghi ngờ gì nữa thời kì này là thời kì đóng vai trò tổng kết toàn bộ những thành tựu nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp mà các triều đại trước đã đạt được. Người ta hay nhắc đến phong khí của một nền học thuật dưới hai triều đại Càn Long乾龍và Gia Khánh嘉慶 (khoảng từ năm 1756 đến năm 1820) đã ảnh hưởng ra sao đến những nghiên cứu Văn tâm điêu long của thời kì này. Các nhà nghiên cứu ở đời Thanh là các học giả thuần túy , họ cực giỏi tiểu học , học rộng, có nhiều kinh nghiệm trong chỉnh lí, hiệu khám và chú thích cổ tịch, và đặc biệt là ý thức tự giác trong học thuật cực cao. Những học giả nổi tiếng nhất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì này đó là: Kỉ Vân紀昀, Hách Ý Hạnh郝懿行, Lư(Lô) Văn Siêu盧文弨, Phùng Thư馮舒, Cố Quảng Kì (Ngần) 顧廣圻, Tôn Di Nhượng孫詒讓, Hà Trác何焯…Tập đại thành cho những nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn cổ điển là tác phẩm Văn tâm điêu long tập chú文心雕龍輯注của Hoàng Thúc Lâm黃叔琳 (1674-1756) cùng một hệ thống các thư tịch đóng vai trò phát triển cho cuốn sách đó .    Hoàng Thúc Lâm soạn Văn tâm điêu long tập chú vào khoảng năm Ung Chính thứ 9 (theo Tây Lịch là năm 1731). Văn bản này ra đời vào thời kì mà những chú thích từ đời nhà Minh đã trở thành không dễ dàng gì đọc được với những người sống ở đời nhà Thanh . Lúc này văn bản tập hợp các chú thích cho Văn tâm điêu long của Hoàng Thúc Lâm ứng thời mà xuất hiện như để khắc phục tình trạng nan giải trong tiếp nhận Văn tâm điêu long đó và ngay lập tức văn bản này được truyền bá rộng rãi có ảnh hưởng sâu rộng và cho đến nay nó vẫn được coi là đại biểu cho các thành tựu trên phương diện chú thích, hiệu khám văn bản của các học giả cho Văn tâm điêu long. Rõ ràng thông qua việc phân tích những giá trị của Văn tâm điêu long tập chú ta có thể có một cái nhìn không quá phiến diện về nghiên cứu Văn tâm điêu long dưới triều đại của nhà Thanh.    Những chú thích của Hoàng Thúc Lâm cho Văn tâm điêu long tập trung vào làm rõ những tương đồng giữa ngôn từ của Lưu Hiệp và ngôn từ của kinh điển Nho gia cùng bách gia chư tử trong cuốn sách này. Mục đích của chú giải trong cuốn sách không nhằm làm rõ cho quan điểm cũng như tư tưởng của Lưu Hiệp về Văn mà mục đích tối cao là để phục vụ cho cách đọc kinh học với các thể Văn khác được dễ dàng và thuận lợi. Nếu ta lấy thiên Nguyên đạo原道của sách Văn tâm điêu long làm trường hợp để nghiên cứu và khảo sát  chúng ta sẽ có được các kết quả sau: Hoàng Thúc Lâm tổng cộng đã chú thích 27 chỗ cho thiên này. Các chú thích đó là vào các từ như: "nguyên hoàng" 元黃, "phương viên" 方圓, "nhật nguyệt điệp bích" 日月疊璧, "bính úy" 炳蔚, "Bào Hi họa kì thủy" 庖犧畫其始, "Trọng Ni dực kì chung" 仲尼翼其終, "Hà Đồ" 河圖, "Lạc Thư" 洛書, "ngọc bản" 玉版, "đan văn lục điệp" 丹文綠牒, "điểu tích" 鳥跡, "đại thằng" 代繩, "tam phần" 三墳, "nguyên thủ tải ca" 元首載歌, "trần mô" 陳謨, "cửu tự duy ca" 九序惟歌, "di nhục" 彌縟, "Văn Vương ưu hoạn" 文王憂患, "diêu từ" 繇辭, "chế thi tập tụng" 剬詩緝頌, "phủ tảo" 斧藻, "dung quân"鎔鈞, "thiên lí ứng" 千里應, "tịch trân" 席珍, "Phong tính" 風姓, "nguyên thánh" 元聖, "tố vương" 素王 . Các ngôn từ này đều là các ngôn từ của kinh điển Nho gia, các sách sử phổ thông và một số sách tiểu học cũng rất thông dụng. Áp đảo trong những thống kê này là chú thích cho các ngôn từ có nguồn gốc kinh điển Nho giáo. Các thiên khác ngoài Nguyên đạo cũng tập trung chú thích cho những vấn đề tầm chương trích cú và huấn hỗ danh, vật. Nói theo lí luận hiện đại thì Hoàng Thúc Lâm làm công tác liên tưởng văn bản chứ không tập trung xiển phát闡發tư tưởng của Lưu Hiệp. Bởi vì những khái niệm có thể giúp cho tìm hiểu tư tưởng của Lưu Hiệp như Đạo道, Văn文, Đức德, Thần Lí神理,…hoàn toàn không được lưu ý và giải thích. Nguyên nhân là thời kì đó hẳn nhà chú thích chưa thể hình thành được nhãn quan lịch sử đối với các khái niệm. Các khái niệm được sử dụng một cách mặc nhận với nội hàm đương thời mà không để ý những nội hàm đó có đúng với cách hiểu của Lưu Hiệp hay không . Điều này sẽ được nói rõ hơn khi chúng ta tiến hành phân tích những bình giải của Kỉ Vân cho Văn tâm điêu long.    Văn bản của Hoàng Thúc Lâm bên cạnh những thành tựu chú thích đã làm cho Văn tâm điêu long trở nên dễ đọc hơn còn có những đóng góp nhất định trong công tác hiệu khám văn bản. Văn bản của Hoàng Thúc Lâm theo những thống kê của Trương Thiếu Khang đã hiệu khám được 53 chỗ sai lầm về văn tự trong các văn bản lưu hành đương thời . Thành tựu to lớn này của Hoàng Thúc Lâm có được là dựa trên sự thừa hưởng những thành tựu của Mai Khánh Sinh trước đó. Hoàng Thúc Lâm viết: "Mai Tử Canh  đã từng viết những lời giải thích để làm sáng ý nghĩa của cuốn sách này, nhưng mười phần thì ông mới chỉ làm được ba bốn mà thôi. Những chú thích của Tử Canh ngắn gọn và không rõ ràng vì ông phải gánh chịu cái khó của những người đi tiên phong ".  Mặc dù những thành tựu hiệu khám của Hoàng Thúc Lâm đã từng chịu sự phê phán cũng như kế thừa của hiệu khám học hiện đại, song dù thế nào chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng dựa trên cơ sở kế thừa và phê phán những học giả trước mà Hoàng Thúc Lâm có được một văn bản có tính chất tập đại thành và được lưu truyền rộng rãi đương thời. Tự tổng kết những phép tắc và cách trình bày cuốn sách của mình, Hoàng Thúc Lâm đã đưa ra một phần Lệ ngôn例言gồm sáu điều. Trong sáu điều này thì điều thứ nhất cho thấy tác giả của cuốn Văn tâm điêu long tập chú nhận thức về cấu trúc của Văn tâm điêu long không khác gì Tào Học Thuyên trước đó. Điều thứ hai cho thấy sự thận trọng của Hoàng Thúc Lâm khi tiến hành những thao tác hiệu khám văn tự của Văn tâm điêu long. Trong việc đối sánh các văn bản Văn tâm điêu long, học giả đã nhận ra được giữa chúng xuất hiện rất nhiều các sai dị. Ông tiến hành lựa chọn trong các văn bản ấy những sở trường của mỗi văn bản (đồng thời cũng là mỗi lí giải khác nhau về văn bản) và thay thế vào những chỗ ông cho là sai, bổ sung những chỗ ông cho là thiếu nhưng vẫn chú rõ văn bản trước khi tiến hành thay thế, bổ sung. Điều thứ ba dành riêng cho thiên Ẩn tú隱秀. Thiên Ẩn tú của Văn tâm điêu long bị rơi rớt quá nhiều vậy nên Hoàng Thúc Lâm đã căn cứ theo Hà Nghĩa môn hiệu chính bản bổ sung vào những chỗ khuyết văn. Điều thứ tư nói rõ Hoàng Thúc Lâm đã dựa trên những thành tựu của văn bản âm chú mà Mai Khánh Sinh đã soạn, đương thời ông đang được lưu truyền rất rộng rãi, làm văn bản tham khảo khi tiến hành những chú thích của mình. Không thỏa mãn với văn bản của Mai Khánh Sinh, nhà chú thích còn sưu tầm cả những kiến giải trong văn bản Văn tâm điêu long của một người tên là Vương Tổn Trọng王損仲  để trên cơ sở đó tiến hành biên soạn những chú giải của mình. Những chỗ Hoàng Thúc Lâm cảm thấy chưa rõ ràng thì ông có để khuyết nghi và khiêm tốn xin chờ người sau làm rõ hộ. Điều thứ năm ông nói về những kiếm khuyết của Dương Thận trong chú thích Văn tâm điêu long. Đồng thời, ông còn nói về ý nghĩa của những kí hiệu hình tròn, tam giác và dấu phẩy được ông sử dụng rất nhiều trong Văn tâm điêu long tập chú. Kiến giải của Hoàng Thúc Lâm cho biết những kí hiệu hình tròn được dùng để lưu ý những ngôn từ theo ông ẩn chứa những hàm nghĩa sâu xa của việc luận văn; kí hiệu hình tam giác để nhấn mạnh vào những từ ngữ là tinh túy của Văn tâm điêu long; còn kí hiệu dấu phẩy là để ngắt câu và đánh dấu những "từ" gồm nhiều "tự" ghép lại連字 . Điều thứ sáu là những ghi chép của Hoàng Thúc Lâm về cách trình bày của Văn tâm điêu long tập chú và tên tuổi những người mà Hoàng Thúc Lâm đã từng tham khảo qua những kiến giải của họ khi làm ra sách này.    Trương Thiếu Khang cho rằng thành tựu nghiên cứu, trình độ học thuật của Văn tâm điêu long tập chú không phải là quá cao , song có thể là do tính chất tập đại thành về mặt tư liệu mà nó được lưu truyền rộng rãi trong học giới. Có một điều rõ ràng là cách thức làm việc thận trọng của Hoàng Thúc Lâm đã khiến cho văn bản này còn chừa lại nhiều khoảng trống cho những người sau tiến hành bổ sung. Giá trị lớn lao của tác phẩm tập chú này là ở chỗ nó kéo theo một hệ thống sách vở bình luận và chú thích bổ sung cho nó . Trong đó phải kể đến những bình luận của Kỉ Vân紀昀và bổ chú của Lí Tường李祥. Hai cuốn sách này cùng với cuốn sách của Hoàng Thúc Lâm đã tạo thành đỉnh cao nhất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn cổ điển.    Kỉ Vân hay còn có một cách gọi khác là Kỉ Hiểu Lam紀曉嵐  vào năm 1771 đã tiến hành công tác bình luận Văn tâm điêu long. Thật may mắn cho chúng tôi khi có trong tay văn bản rất quý này của Kỉ Vân được in kèm vào trong sách Văn tâm điêu long tập chú của Hoàng Thúc Lâm. Văn bản này được Trung Hoa thư cục xuất bản vào năm 1957 theo dạng thức phỏng cổ và rất đáng tin cậy. Thông qua khảo sát văn bản bình luận của Kỉ Vân chúng tôi nhận ra giá trị của những bình luận này thể hiện chủ yếu ở phương diện: nó đã góp phần sửa chính nhiều điều cho chú thích của Hoàng Thúc Lâm trước đó. Kỉ Vân chỉ ra những thiếu sót của Hoàng Thúc Lâm, do hạn chế về mặt tư liệu và phương pháp và cả kiến thức cổ học, đã mắc phải như lỗi trích dẫn những nguồn thư tịch không đáng tin cậy , lỗi chú thích nhầm …Kỉ Vân đã bác bỏ nhiều chú thích, song đồng thời cũng làm rõ rất nhiều cho các chú thích khác trong cuốn sách của Hoàng Thúc Lâm. Chúng tôi nhận thấy phần bình luận của Kỉ Vân có thể coi như những bổ chú cho Văn tâm điêu long tập chú. Trong đó rõ ràng về mặt phương pháp cũng như tư liệu Kỉ Vân tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với Hoàng Thúc Lâm.    Nhờ những phương pháp và tài liệu này mà Kỉ Vân đã có những phát hiện rất quan trọng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long. Ví dụ như học giả Kỉ Vân có một khảo chứng (đến nay chúng tôi cho rằng là khảo chứng được cụ thể hóa thành văn bản đầu tiên) phát hiện ra quyển sách Văn tâm điêu long chú gồm mười quyển của Tân Xử Tín đời Tống (mà ở phần trên chúng tôi đã có dịp nhắc đến) đã từng được ghi chép trong Nghệ văn chí藝文志của Tống sử宋史 . Hay như Kỉ Vân là người đã đề xuất ra những ý kiến đầu tiên về thời gian hình thành văn bản của Văn tâm điêu long, ông còn là người đầu tiên phát hiện ra sự ngụy tạo trong văn bản của thiên Ẩn tú隱秀thiên thứ 40 sách Văn tâm điêu long. Kỉ Vân còn thông qua hệ thống tài liệu và phương pháp hiệu khám được coi là tương đối hoàn thiện ở đời Thanh tiến hành hiệu khám văn bản của Văn tâm điêu long. Ông tiến hành giải thích, theo Trương Thiếu Khang thống kê, 48 hiện tượng văn tự đáng chú ý của văn bản tác phẩm này .    Kỉ Vân trong những bình điểm của mình đã bước đầu quan tâm đến những vấn đề thuộc về lí luận của Văn tâm điêu long. Cống hiến này rất quan trọng. Nó cho thấy giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hẳn nhiên không chỉ là những vấn đề của chú thích và hiệu khám văn bản mà còn có những thành tựu giải thích lí luận của Lưu Hiệp được xác lập. Kỉ Vân giải thích về tư tưởng "nguyên đạo" của Lưu Hiệp như sau: "[Nếu như nói] Văn là để tải Đạo, đấy là muốn nói đến cái lí lẽ đương nhiên. [Còn nếu như nói] Văn bắt rễ từ Đạo thì đấy là muốn nói đến cái cái lẽ bản nhiên vốn vậy của nó. Hiều biết về cái gốc rễ của Văn thì sẽ không dễ bị những biến thái đa dạng của Văn  làm cho lóa mắt, nếu đề cao những dạng thức tôn quý của các thể Văn thì các dạng thức tiêu cực khác sẽ không có điều kiện phát triển tiếp" . Ví dụ này cho thấy những điều mà chúng ta hiện nay quan tâm tìm hiểu như khái niệm Đạo với nội hàm được Lưu Hiệp sử dụng thì ở thời của Hoàng Thúc Lâm và Kỉ Vân hoàn toàn chưa được đặt thành vấn đề. Khái niệm của Lưu Hiệp được mặc nhiên thừa nhận với nội hàm mà cá nhân độc giả đương thời xác lập ra cho nó. Những khái niệm này thời gian đấy vẫn là những khái niệm sống, được sử dụng phổ biến với nội hàm đương đại mà không ai có ý định tra vấn lại chúng . Bởi thế không tránh khỏi việc Kỉ Vân giải thích tư tưởng của Lưu Hiệp bằng cách hình dung của ông, một Nho gia thế kỉ 18, về nội hàm của các khái niệm của Lưu Hiệp. Và như vậy cũng không tránh khỏi phiến diện hóa cao độ trong những lí giải về tư tưởng Lưu Hiệp. Trong trường hợp được đưa ra làm ví dụ trên thì chắc chắn chữ Đạo sẽ mang nội hàm chịu ảnh hưởng của cách hình dung của các Nho gia về nó. Nhiều lúc do cách hình dung này mà Kỉ Vân bị Trương Thiếu Khang đánh giá là quá hà khắc trong việc phê bình Lưu Hiệp ở thiên Minh thi明詩 .    Sau những cống hiến của Kỉ Vân trong việc bổ sung, làm rõ cho chú thích của Hoàng Thúc Lâm thì sự xuất hiện của những bổ chú của Lí Tường李祥hướng tới đối tượng là Văn tâm điêu long tập chú đã hoàn thành bức tranh về ba đỉnh núi cao nhất mà nghiên cứu Văn tâm điêu long trong giai đoạn cổ điển đạt được, chuẩn bị cho bước phát triển cả về chất lẫn lượng trong giai đoạn sau này.    Ban đầu trứ tác của Lí Tường mang tên Văn tâm điêu long Hoàng chú bổ chính 文心雕龍黃注補正hoàn thành vào năm 1909 và được đăng lần lượt trên Quốc túy học báo國粹學報, để rồi vào năm 1916 được thu vào Long Khê Tinh Xá tùng thư龍溪精舍叢書với cái tên Văn tâm điêu long bổ chú文心雕龍補注. Văn tâm điêu long nghiên cứu sử của Trương Thiếu Khang đưa tác phẩm của Lí Tường vào giai đoạn nghiên cứu cận hiện đại từ năm 1840 đến năm 1949 và giải thích những lặp lại quá khứ của nó như là sự nối dài của truyền thống khó dứt bỏ trong ngày một ngày hai . Chúng tôi nhận thấy tác phẩm được xuất hiện sau thời kì Ngũ Tứ nhưng về cơ bản vẫn thuộc phạm vi của nghiên cứu Long học cổ điển cho nên vẫn xếp ông vào trong giai đoạn nghiên cứu này. Những bổ chú của Lí Tường mà chúng tôi được tiếp xúc thông qua cuốn sách của Dương Minh Chiếu  đã cho chúng tôi nhận thấy Lí Tường là một sự kéo dài của truyền thống chú thích theo nghĩa là ông so với Hoàng Thúc Lâm và Kỉ Vân không có những biến chuyển gì lớn về mặt phương pháp. Vậy thì cống hiến của Lí Tường cụ thể là như thế nào?    Những chú giải của Lí Tường trước tiên nhằm bổ sung một cách có hệ thống cho những thiếu sót của Hoàng Thúc Lâm, và ở một mức độ nhất định, là cho cả Kỉ Vân. Nếu lấy năm đầu tiên làm ví dụ  thì chúng ta nhận thấy Lí Tường bổ chú khoảng 17 điều trong đó tất cả 17 điều là những chú thích có trích dẫn ngôn từ kinh điển đề làm rõ cho văn bản tác phẩm hay để phản bác Hoàng Thúc Lâm và Kỉ Vân, không có một chú thích nào đả động đến lí giải cho tư tưởng văn học của Lưu Hiệp. Phương pháp của Lí Tường nếu so sánh với những nhà chú giải trước đó không có gì khác biệt: sử dụng những cổ chú古注của những nhà chú giải danh tiếng nằm trong các thư tịch xa xưa để giải thích tự字(chữ), ngữ nguyên語源 (nguồn gốc của các thành ngữ), cú句 (các câu) của văn bản Văn tâm điêu long nhằm cung cấp cách hiểu nghĩa của các tự, ngữ nguyên, cú trong đó và mục đích cuối cùng và đọc hiểu nghĩa văn bản của Văn tâm điêu long.    Những bổ chú của Lí Tường được đánh giá cao ở chỗ: nó đã đóng góp một phần rất lớn trong việc làm chính xác hơn văn bản chú thích có tính tập đại thành của Long học cổ điển là Văn tâm điêu long tập chú của Hoàng Thúc Lâm chú thích và Kỉ Vân bình luận xuất hiện trước đó. Nó đã hoàn chỉnh những chuẩn bị về mặt tư liệu để tạo điều kiện cho những biến đổi về chất ở giai đoạn nghiên cứu Long học về sau này. Phải thừa nhận những nhà nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại đầu tiên không ai không dựa trên những cơ sở của những chú thích, bình luận và bổ chú này để hình thành những nghiên cứu của mình về Văn tâm điêu long. 2.1.3.Những đặc trưng của giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Long học:    Bổ chú của Lí Tường đánh một dấu chấm hết cho giai đoạn cổ điển trong nghiên cứu Long học kéo dài từ khi tác phẩm này được hình thành trải qua các triều đại cho đến khi được hệ thống lại ở đời Thanh với hệ thống chú giải-bình luận-bổ chú nổi tiếng của Hoàng Thúc Lâm-Kỉ Vân-Lí Tường. Đặc điểm của Long học cổ điển là:       a)Sự chú trọng ở mức độ gần như tuyệt đối vào nghiên cứu hiệu khám văn bản, khảo chứng thật giả và chú thích tự, ngữ nguyên, cú của tác phẩm. Mục đích nhằm hình thành một văn bản khả tín, một văn bản dễ đọc và một cách hiểu đúng đắn nhất (dĩ nhiên là theo chủ quan nhà chú thích và hiệu khám văn bản) về tác phẩm. Đây là giai đoạn tích tụ những kiến thức lí giải cho văn bản Văn tâm điêu long tạo nền tảng cho mọi hiểu biết về Văn tâm điêu long.    b)Trong khi đó rất hiếm gặp những chú thích và bình luận nhằm vào lí giải những vấn đề thuộc về lãnh vực tư tưởng của Lưu Hiệp. Hoặc nếu có, như trường hợp một số đoạn văn của Tào Học Thuyên, Kỉ Vân…thì cũng là những kiến giải về tư tưởng của Lưu Hiệp bằng hệ thống thuật ngữ có cái vỏ cũ  mà không để ý đến tính lịch sử của nội hàm các khái niệm . Long học hiện đại chỉ đản sinh khi bắt đầu có những bước vượt thoát ra khỏi hệ thống khái niệm cũ để sử dụng một hệ thống khái niệm mới hoặc cách nhìn mới về khái niệm để tra vấn hệ thống khái niệm cũ này. Về cơ bản những nghiên cứu thời kì này chịu ảnh hưởng của phương pháp đọc Kinh học đối với các thể loại Văn khác .    c)Đứng về mặt phương pháp mà nói, dòng chính thống trong nghiên cứu của giai đoạn cổ điển cho Văn tâm điêu long ngày càng có xu hướng Nho giáo hóa trong đánh giá tác phẩm. Nhà nghiên cứu dựa trên các thuật ngữ Nho học hay là có nội hàm Nho học để đánh giá, lí giải Lưu Hiệp và tác phẩm của ông trên những góc nhìn nhà Nho. Đặc điểm này nhận thấy rõ hơn khi ta đọc các bài tựa cho mỗi lần "tái bản" Văn tâm điêu long của các nhà Nho trung đại. Ngoài ra nếu phân tích sâu những tác phẩm lớn nhất của giai đoạn nghiên cứu Văn tâm điêu long này, ta dễ dàng nhìn ra những tự sự nhà Nho cho tác phẩm. Chúng tôi đã có điều kiện đề cập đến vấn đề tự sự nhà Nho khi nói về Tiền Duy Thiện và Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long .    2.2.Sự ra đời của Văn tâm điêu long học hiện đại:    Long học hiện đại được hình thành khi nào? Chúng tôi đã nói nhiều về quan điểm của chúng tôi khi xác định thời điểm lịch sử này. Vấn đề ở đây là sự trình bày tường tận hơn một chút về bối cảnh cho sự hình thành này.    Không thể phủ nhận vai trò của những biến động chính trị xã hội đã có những ảnh hưởng đến đời sống văn học. Trung Quốc sau chiến tranh Nha phiến 1840 đã không còn là Trung Quốc của duy nhất các vị hoàng đế và hệ tư tưởng Nho giáo. Rồi sau cách mạng Tân Hợi辛亥1911 người ta bỏ âm lịch, bỏ cả hoàng đế và nói nhiều hơn đến Tôn Văn孫文. Phải đến sau "Ngũ Tứ vận động" 五四運動4-5-1919 thì giới trí thức Trung Hoa mới bừng tỉnh những nhận thức về trách nhiệm lịch sử của họ đối với vận mệnh của dân tộc. Lúc này là lúc cuộc cách mạng trong văn hóa nói chung và văn chương nói riêng mới ồ ạt phát triển . Nghiên cứu văn học dường như chấn động và chuyển mình cùng với bão táp của lịch sử. Nghiên cứu Văn tâm điêu long cũng vận động cùng với chiều quay của lịch sử và văn hóa.    Sự kiện đánh dấu những biến đổi về chất của nghiên cứu Văn tâm điêu long là sự kiện Văn tâm điêu long được các đại sư như Lưu Sư Bồi劉師培và Hoàng Khản黃侃nghiên cứu và giảng dạy trên giảng đường đại học Bắc Kinh北京大學 .    Lưu Sư Bồi khi đương giảng dạy ở trường đại học Bắc Kinh, đã có những bài giảng đầu tiên về Văn tâm điêu long. Về sau vào quãng độ thập niên bốn mươi của thế kỉ 20 thì học trò ông, cũng là một học giả danh tiếng là La Thường Bồi羅常培căn cứ vào những bút kí ghi chép khi nghe những bài giảng của thầy mình về hai thiên Tụng tán頌贊và Lụy bi誄碑của Văn tâm điêu long biên soạn lại và đặt một cái tên chung Tả Am văn luận左庵文論đăng trên Quốc văn nguyệt san國文月刊(một nguyệt san do khoa Trung Văn中文系của Tây Nam liên hợp đại học西南聯合大學biên soạn). Năm 1997, Liêu Ninh giáo dục xuất bản xã辽宁教育出版社 thu những bài giảng này vào bộ sách Trung cổ văn học luận trứ tam chủng中古文学论著三种 (một tuyển tập riêng dành cho Lưu Sư Bồi) và đặt tên là Văn tâm điêu long giảng lục文心雕龙讲彔.    Trong những diễn giảng này chúng tôi chưa được đọc. Song theo như những trích dẫn của nhà Long học Trương Thiếu Khang, chúng tôi đã nhận ra những biến chuyển lớn trong tư duy và ý thức phương pháp rõ ràng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long của Lưu Sư Bồi . Lưu Sư Bồi nhận ra rất rõ, lí luận của Lưu Hiệp là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài trên nền tảng là sự kế thừa và siêu việt nhiều thành tựu Văn luận khác của Trung Quốc cổ đại. Rõ ràng là một nhãn quan lịch sử đối với nghiên cứu Văn tâm điêu long đã được hình thành trong ông. Hơn nữa, Lưu Sư Bồi đã bước đầu thoát ra khỏi môi trường các thuật ngữ của Văn tâm điêu long và bắt đầu tra vấn tác phẩm này bằng một hệ thống thuật ngữ có nguồn gốc văn hóa khác. Đi kèm với quá trình tra vấn đó là đáng buồn thay lại là một quá trình phiến diện hóa trong cách nhìn nhận và đánh giá Văn tâm điêu long. Lưu Sư Bồi khi viết: "Văn tâm điêu long là một cuốn sách chuyên môn bình luận về văn học"  thì ông đã vô tình tách tác phẩm của Lưu Hiệp ra khỏi môi trường văn hóa tri thức đặc thù của nó, biến nó thành như một sở hữu riêng của chuyên ngành nghiên cứu văn học  với cách hiểu như hiện giờ ta vẫn hiểu.    Một điều rõ ràng là Lưu Sư Bồi chưa hội đủ các điều kiện để đánh một dấu mốc cho sự khai sinh của Long học hiện đại. Những gì ông viết ra không có nhiều ảnh hưởng đến nghiên cứu Văn tâm điêu long bởi thực tế việc xuất bản những trứ tác này mới được tiến hành vào khoảng thập niên 40 của thế kỉ 20. Song Lưu Sư Bồi và những bài giảng của ông chắc chắn có ảnh hưởng đến người học trò xuất sắc của ông, người mà tác phẩm của ông sau này được đa số nhà Long học khẳng định là đặt nền móng cho nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn hiện đại. Đó chính là Hoàng Khản黃侃và cuốn sách Văn tâm điêu long trát kí文心雕龍札記.    Năm 1914 khi giáo sư Hoàng Quý Cương黃季剛  đưa Văn tâm điêu long文心雕龍vào giảng dạy trong nhà trường Đại học Bắc Kinh北京大學và Cao đẳng sư phạm Võ Xương武昌高等師範學校hẳn ông cũng không ngờ rằng, một thời gian sau những nhà Long học đã ghi nhận hành động đó như báo hiệu khai sinh cho ngành nghiên cứu nay đã thành một “hiển học” 顯學 . Về sau những bài giảng của Hoàng Khản được thu thập lại và in thành cuốn Văn tâm điêu long trát kí文心雕龍札記đóng vai trò định nền tảng cho nghiên cứu Long học hiện đại .    Văn tâm điêu long trát kí đạt được những thành tựu học thuật kiệt xuất có tác dụng mở đường cho những nghiên cứu Văn tâm điêu long sau này. Ngay từ hai thiên đầu tiên được công bố vào 1919 là Khoa sức夸飾và Phụ hội附會cho đến khi chính thức xuất bản hoàn chỉnh toàn bộ tác phẩm vào năm 1962, người ta rất dễ dàng nhận ra những biến chuyển ưu việt của Văn tâm điêu long trát kí so với những trứ tác cổ điển khác. Những trát kí của Hoàng Khản đi sâu vào lí giải thế giới tư tưởng của Lưu Hiệp. Ví dụ trong những trát kí cho thiên Nguyên đạo, Hoàng Khản nhận ra sự khác biệt trong cách hình dung của Lưu Hiệp và cách hình dung của những người hậu thế qua cách ông phân biệt giữa hai thái độ, hai quan điểm: “Nguyên Đạo” và "Văn dĩ tải đạo" 文 以 載道 . Giáo sư Hoàng mong muốn thông qua những xác lập khái niệm Đạo trong các thư tịch cổ như sách Hoài Nam Tử淮南子, Hàn Phi Tử韓非子và Trang Tử莊子…để xác định nội hàm khái niệm Đạo của Lưu Hiệp bằng những liên tưởng tương đồng, song đấy đều là những suy đoán khó dẫn đến đâu ngoại trừ sự tranh cãi. Bởi một lẽ bản thân khái niệm Đạo đã là một khái niệm không có định nghĩa定義  (và chính vì vậy mà nó làm nên sự phong phú trong thế giới tư tưởng của người Trung Quốc). Mỗi nhà tư tưởng Trung Quốc thực sự có tầm ảnh hưởng đều có những cách hình dung của họ về khái niệm này và nếu ta chất vấn họ rằng họ hiểu khái niệm này như thế nào thì chẳng khác ta đặt vấn đề tìm hiểu toàn bộ thế giới quan, tư tưởng của họ. Khái niệm Đạo hình thành trong cảm nhận của những nhà tư tưởng tầm thường trong thế giới phương Đông đa phần là sự nhắc lại những ý chung cũ của Kinh điển Nho, Phật, Đạo…hay ý chung mới của xã hội đương thời. Còn trong những nhà tư tưởng kiệt xuất, khái niệm Đạo của họ là sự lí giải sáng tạo lại những ý chung cũ để hình thành ý chung mới cho xã hội. Lúc này sự xác định tư tưởng họ (những nhà tư tưởng kiệt xuất) chỉ trong mối quan hệ phụ thuộc với những nhà tư tưởng trước sẽ dẫn đến chuyện thầy bói xem voi. Chỉ còn một cách duy nhất khi tiếp cận họ đó là tiếp cận thông qua thể sát văn bản do họ viết ra, nhằm tìm ra khái niệm đó được họ cố định nghĩa như thế nào, từ đó sẽ có một hình dung đúng đắn nhất về tư tưởng của họ . Cống hiến của Hoàng Khản là to lớn. Ông đã vượt thoát ra khỏi môi trường văn hóa cổ với những khái niệm mặc nhận, chấp nhận dùng một hệ thống khái niệm của một nền văn hóa khác cùng với nó là cách tiếp cận khác để miêu tả truyền đạt lại những vấn đề của tư tưởng Lưu Hiệp.    Song dường như Hoàng Khản báo trước một sự rạn nứt trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại. Sự rạn nứt ấy bắt đầu từ chính trong những chú giải của ông cho Văn tâm điêu long. Ví dụ như khi Hoàng Khản chú giải cho thiên Phong cốt风骨thiên thứ 28 của sách Văn tâm điêu long, ông viết: “Phong cốt: hai thành phần đó đều mượn vật物để nói làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu. Văn có ý意, phải dựa vào ý để trình bày thành công cái lí理trong suy nghĩ思của mình, ý bao trùm toàn bộ cuốn sách, lấy ví dụ tương đồng ở vật thì chuyện ấy giống như làn gió (phong風). Văn có từ辭, dựa vào từ để viết ra hết những gì mình ôm ấp trong lòng, làm rõ những hệ thống lí luận, lấy ví dụ tương đồng ở vật thì đó là xương (cốt骨). Như thế thì chúng ta biết rằng phong là (hay thuộc về) ý của văn, cốt là (hay thuộc về) từ của văn, nếu hiểu được điều đó thì sau mới không dẫm phải cái tệ nạn phù phiếm, vô bổ trong làm văn” . Hoàng Khản đã đẩy những thuật ngữ của một mô hình thế giới thống nhất vào trong một thế giới biện biệt hai phần thế giới tinh thần và vật chất tức là đã đẩy những thuật ngữ ấy vào trong sự rạn nứt khoa học luận mà Descartes tạo ra trong triết học phương Tây . Chuyển những khái niệm của Lưu Hiệp vốn không thuộc về chỉ một trong hai thế giới vào một thế giới cố định. Khái niệm phong không phải là một khái niệm tương đồng với ý. Phong trong ý nghĩa của Lưu Hiệp không chỉ bao gồm trong nó nghĩa của khí tinh thần, ý tinh thần nội tại mà còn bao gồm cả những yếu tố của thế giới vật chất của sự giáo hóa của thánh nhân thành hình trong cuộc sống xã hội, của những chỉ trích và châm biếm và còn nhiều yếu tố nữa chưa cần phải nêu hết ra. Còn ý, với cách hiểu của Hoàng Khản là khái niệm tồn tại trong thế giới tinh thần. Tự thân nó chỉ là một phần của khái niệm phong. Tương tự là những lí luận về sự chênh lệch giữa khái niệm cốt và khái niệm từ. Khái niệm cốt là khái niệm của thế giới tinh thần đồng thời cũng là khái niệm có những thành phần nằm trong thế giới vật chất. Còn từ lại là khái niệm đơn thuần vật chất. Do lúc này trong nhận thức thế giới của Hoàng Khản đã có ảnh hưởng của cái nhìn thế giới phân đôi bằng cặp phạm trù cơ bản vật chất – tinh thần đã ám ảnh triết học phương Tây mấy trăm năm, cho nên trong vô thức đã có sự gán ghép không xứng đôi vừa lứa này. Cái nhìn những khái niệm của Lưu Hiệp trong thế giới phân hai dạng thức vật chất – tinh thần là một đặc điểm của nghiên cứu Long học từ sau Hoàng Khản trở đi, nó đánh dấu những thay đổi trong thế giới quan và phương pháp luận của các nhà nghiên cứu đồng thời nó cũng gây ra những mâu thuẫn giữa truyền thống, hiện đại; phương đông, phương tây và gây ra những hiểu nhầm trong nghiên cứu Văn tâm điêu long . Đến một lúc nào đó người ta sẽ thấy người Trung Quốc đang cố gắng trình bày di sản văn luận của ông cha họ theo mô hình và cách hình dung về lí luận văn học của những người sống trong lòng văn hóa châu Âu vẫn hay làm.    Trong đánh giá của chúng tôi về những nhà Long học sau Hoàng Khản thì những cống hiến về mặt tổng kết những tư liệu không quan trọng bằng việc họ có những đóng góp những gì cho việc tìm hiểu hệ thống tư tưởng của Lưu Hiệp. Công việc tổng hợp tư liệu là công việc mà mọi nhà nghiên cứu phải làm thực tốt nếu anh ta muốn đưa ra một cái gì thuyết phục. Trong nghiên cứu, tư liệu là yếu tố dễ vượt qua nhất. Quan trọng hơn là nhà nghiên cứu đã nhìn thấy cái gì sau khối tư liệu ngày càng dầy lên đến vô cùng ấy hay là chết chìm vô vọng trong cõi hỗn mang.    Hoàng Khản và tác phẩm của Hoàng Khản có một ảnh hưởng rất rộng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long thời kì sau này. Người ta nói rằng khi tác phẩm của Hoàng Khản ra đời giống như một tiếng sấm làm kinh động toàn bộ văn đàn Trung Quốc . Người ta hốt hoảng điều chỉnh rất nhiều điều mà trước đây vì giới hạn của nhận thức họ chưa nhận ra được trong nghiên cứu Văn tâm điêu long. Hoàng Khản đã kéo theo sau ông một đội ngũ học trò đông đảo cùng nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp. Lúc này tính truyền thừa trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại mới bắt đầu rõ nét. Bánh xe văn hóa không ngừng lăn từ người thầy sang người trò. Từ sau khi Hoàng Khản tạ thế, những người học trò do ông đào tạo như Phạm Văn Lan范文瀾, Lí Viết Cương李曰剛, Phan Trọng Quy潘重規đều trở thành những nhà Long học hàng đầu đứng đầu ba trường phái nghiên cứu Văn tâm điêu long ở Đại lục, Đài Loan, Hồng Kông . Và ba nhà nghiên cứu này lại tiếp tục đào tạo ra những nhà Long học mới tiếp tục kế thừa sự nghiệp nghiên cứu của thầy họ để lại, khiến những tri thức về nghiên cứu kì tác của Lưu Hiệp ngày càng tích lũy được nhiều và sâu sắc hơn.        2.3. Một số nhận định về sự ra đời của Long học hiện đại:    Sẽ là quá vội vàng để nói cặn kẽ về sự tiếp biến của Long học hiện đại. Thông qua những gì đã được trình bày phía trên chúng ta có thể nhận ra được một số vấn đề mà Long học hiện đại tỏ ra gắn chặt với truyền thống và siêu việt ra khỏi truyền thống Long học cổ điển. Long học hiện đại kế thừa toàn bộ thành quả nghiên cứu văn bản và chú thích của Long học cổ điển và phát triển sâu rộng hơn những gì mà các nhà Long học cổ điển đã làm được. Những nhà Long học hiện đại đã khảo sát được số lượng văn bản Văn tâm điêu long lớn hơn rất nhiều những gì mà các nhà Long học cổ điển có thể làm, những chú thích của họ cho Văn tâm điêu long theo thời gian càng ngày càng trở nên tường tận hơn sâu sắc và có cơ sở khoa học hơn là tiền nhân. Những nhà Long học hiện đại đã kế thừa được tinh thần làm việc trọng tư liệu, trọng văn bản, trọng thực chứng của các nhà Long học cổ điển nhưng đồng thời cũng biết sử dụng những lí thuyết văn học và phương pháp văn học có nguồn gốc phương Tây để nghiên cứu Văn tâm điêu long.    Song họ cũng còn nhiễm luôn một số những điều bất hợp lí của cả hai truyền thống đối với nghiên cứu đối tượng là Văn tâm điêu long. Với truyền thống phương Đông là sự bất hợp lí của phương pháp liên tưởng tương đồng và căn bệnh tầm chương trích cú đi kèm mà chúng tôi đã có dịp nhắc đến ở phía trên. Với truyền thống phương Tây là sự bất hợp lí của một hệ thống khái niệm lí luận văn học phương Tây được sử dụng vội vàng trong nghiên cứu một đối tượng là văn luận phương Đông dẫn đến những chênh lệch lố lăng nghịch dị. Một lúc nào đó người ta thấy Lưu Hiệp mặc cùng một bộ đồ mà người đồng nghiệp của ông bên kia bán cầu là Aristote đã mặc. Dung hòa hai hệ thống lí luận là vấn đề sống còn của nghiên cứu văn luận nói chung và Văn tâm điêu long nói riêng. PHẦN KẾT LUẬN Công việc tổng kết những thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long trong giai đoạn cổ điển đã đưa chúng tôi đến với những kết luận như sau: 1.Về những vấn đề của lí luận nghiên cứu văn học sử: Nếu như lịch sử văn học lấy tác phẩm văn học làm bản vị thì lịch sử nghiên cứu văn học nhất thiết phải lấy những trứ tác nghiên cứu văn học làm bản vị. Việc phân kì những giai đoạn trong lịch sử nghiên cứu tác phẩm văn học cần phải lấy những tác phẩm nghiên cứu đánh dấu những biến chuyển về mặt phương pháp và có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng các nhà trí thức làm mốc phân kì. Ngoài ra nghiên cứu này còn đặt ra yêu cầu phải nhìn nhận Văn tâm điêu long như một tác phẩm văn luận để thấy được tính chỉnh thể - phong phú của tác phẩm như nó vốn có. 2.Về những tổng kết cho những thành tựu của nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn cổ điển và sự ra đời của Long học hiện đại: Những thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long trong giai đoạn cổ điển của ngành nghiên cứu này được đánh dấu bằng những vận động trong phương pháp nghiên cứu tiếp cận tác phẩm này. Bắt đầu là việc tiếp cận Văn tâm điêu long từ góc độ nguyên hợp, rồi đánh giá Văn tâm điêu long như sản phẩm của Phật giáo và cuối cùng là quá trình Nho giáo hóa trong lí giải về Văn tâm điêu long. Tất cả những qua trình đó đã đánh dấu bước phát triển trong nghiên cứu tác phẩm của Lưu Hiệp. Long học hiện đại được hình thành khi nghiên cứu Văn tâm điêu long đã bắt đầu có những chuyển biến gần với cách hình dung của châu Âu về nghiên cứu lí luận văn học. Điều này được đánh dấu bằng quá trình sử dụng hệ thống thuật ngữ có nguồn gốc Âu – Mĩ để hình dung và giải thích hệ thống khái niệm cũ được Lưu Hiệp sử dụng. Tác phẩm Văn tâm điêu long trát kí của Hoàng Khản đã đánh dấu cho sự biến chuyển này của nghiên cứu Văn tâm điêu long. 3.Hướng mở của đề tài: Hướng mở lí tưởng nhất của đề tài này là việc triển khai nghiên cứu tổng kết tiếp toàn bộ những thành tựu nghiên cúu Văn tâm điêu long trong giai đoạn hiện đại sau Hoàng Khản và đặt cở sở cho một bộ lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long được viết trên một quan niệm mới. Hướng mở thứ hai là quá trình triển khai những vấn đề còn thiếu sót trong lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long mà đề tài đã nêu ra một cách cụ thể trong các chú thích ở mỗi phần có “vấn đề”. Hướng mở thứ ba của đề tài là khả năng sử dụng những thành tựu tổng kết này phục vụ cho công tác hình thành một bản dịch khả tín nhất cho Văn tâm điêu long của người Việt. 4.Những vấn đề còn hạn chế của đề tài: Trong khuôn khổ đề tài người viết không có điều kiện trình bày một cách cụ thể hơn về cơ sở lí thuyết mà người viết dựa vào để hình thành nên những thành tựu của đề tài này đạt được. Người viết cũng không có được không gian cần thiết để giới thuyết về những đặc trưng của văn luận Trung Quốc để cho người đọc có được một hình dung về sự khác biệt một trời một vực giữa văn luận và lí luận văn học phương Tây. Bởi vậy đề tài này sẽ thành rất khó đọc đối với những người chưa am hiểu về văn luận và sự biến chuyển của khái niệm văn ở Trung Quốc thời cổ đại. Mặt khác khả năng của người viết chưa cho phép đặt lại vấn đề với bản đồ khoa học đang rất ổn định với mô hình phương Tây, thế nên người viết không thể nhìn nhận Văn tâm điêu long đúng như nó là mà phải nhìn tác phẩm của Lưu Hiệp bằng phương pháp và cách thức của những ông thầy bói xem voi. Tạm thời đề tài chỉ giới hạn nhìn lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long như một tác phẩm tư tưởng về văn học theo cái nghĩa phương Tây của từ này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bạch Kiến Trung白建忠 - Bạch Tú Lan白秀兰, Nghiên cứu những lí luận về hoạt động cấu tứ và tưởng tượng của nhà văn trong quá trình sáng tác văn học của Văn tâm điêu long qua những lời phê của Dương Thận - Kiêm luận về ý nghĩa những vòng tròn năm màu khác nhau thể hiện qua những lời Dương Thận bình về Văn tâm điêu long文心雕龙杨批中的文思论研究-兼及杨评文心雕龙中的五色圈点, Nội Mông Cổ sư phạm đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản)内蒙古师范大学学报(哲学社会科学版), kì 5 quyển 33, tháng 9 năm 2004, trang 26-30. 2. Bạch Kiến Trung白建忠 - Tôn Tuấn Kiệt孫俊杰, Luận về việc Dương Thận phê điểm cho Văn tâm điêu long论杨慎批点文心雕龙in trên Quảng bá điện thị đại học học báo (triết học xã hội khoa học bản)广播电视大学学报(哲学社会科学版), số 2 năm 2006, trang 21-24. 3. Bạch Kiến Trung白建忠 - Tôn Tuấn Kiệt孫俊杰, Khảo luận về những vòng tròn ngũ sắc - lấy những vòng tròn ngũ sắc của Dương Thận phê điểm trong Văn tâm điêu long làm ví dụ五色圈点考论------以杨慎批点文心雕龙中的“五色圈点”为例, Xã hội khoa học gia社会科学家, kì 4 năm 2006, trang 37-41. 4. Bạch Tú Lan白秀兰, Tìm hiểu hàm nghĩa của khái niệm Phong Cốt qua những lời phê của Dương Thận trong Văn tâm điêu long文心雕龙杨批中风骨含义之探讨, Ngữ văn học san语文学刊, số 6 năm 2004, trang 5-7. 5. Chiêm Anh詹鍈, Văn tâm điêu long nghĩa chứng文心雕龙义证, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã上海古籍出版社, tháng 8 năm 1989. 6. Chu Chấn Phủ周振甫chủ biên, Văn tâm điêu long từ điển文心雕龙辞典, Trung Hoa Thư Cục中华书局, năm 1996. 7. Diêu Tư Liêm姚思廉, Lương Thư梁書, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục北京:中華書局, năm 2000. 8. Dương Minh Chiếu楊明照, Tăng đính Văn tâm điêu long增訂文心雕龍, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục北京:中華書局, quyển thượng, 2000. 9. Dương Minh Chiếu楊明照, Văn tâm điêu long bản bản kinh nhãn lục文心雕龍版本經眼錄đăng ở Học thuật tập lâm學術集林, năm 1997, quyển 11. 10. Đồ Quang Xã涂光社, Tổng thuật và bình luận về tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long giai đoạn hiện đại现代文心雕龙研究述评, Văn học bình luận文学评论số 1 năm 1997, trang 142. 11. Hồ Hiểu Minh胡晓明, Sự chính danh cho Văn Luận Trung Quốc中国文论的正名, Tây Bắc đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản)西北大学学报(哲学社会科学版), quyển 35 kì 5 tháng 9 năm 2005, trang 5-14. 12. Hoàng Khản黃侃, Văn tâm điêu long trát kí文心雕龍札記, Trung Hoa thư cục 中華書局, 1962. 13. Hoàng Thúc Lâm黃叔琳, Văn tâm điêu long tập chú文心雕龍輯注, Trung Hoa thư cục xuất bản中華書局出版, năm 1957. 14. Lâm Kì Đàm林其錟 - Trần Phượng Kim陳鳳金, Đôn Hoàng di thư Văn tâm điêu long tàn quyển tập hiệu敦煌遺書文心雕龍殘卷集校, phần Tiền ngôn前言, Thượng Hải thư điếm上海書店, tháng 10 năm 1991, bản in đầu第一版. 15. Lí Diên Thọ李延壽, Nam Sử南史, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục北京:中華書局, năm 2000. 16. Lí Kim Thu李金秋, Luận về cái phong tổng thuật và quán xuyến Văn qua những lời bình của Tào Học Thuyên cho Văn tâm điêu long文心雕龙曹评中的贯文总术之风论, Nội Mông Cổ sư phạm đại học học báo (Triết học xã hội khoa học bản)内蒙古师范大学学报(哲学社会科学版), số 5 tháng 9 năm 2004, trang 21-30. 17. Lí Kim Thu李金秋, Nghiên cứu những lí luận về sáng tác của Văn tâm điêu long qua những lời bình của Tào Học Thuyên文心雕龍曹評中的創作論研究, luận văn thạc sĩ ngành văn học và ngôn ngữ Trung Quốc của trường đại học sư phạm Nội Mông Cổ內蒙古師範大學viết vào năm 2004. 18. Lý Bình李平, Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long文心雕龙研究的回顾与反思, in lần đầu tháng 2 năm 1999 trong An Huy sư phạm đại học học báo安徽师范大学学报Nhân văn xã hội khoa học bản人文社会科学版quyển 27 kì 1, tr.69 - 76 và sau được in lại trong tạp chí Phê bình và lí luận văn nghệ文艺理论与批评, Bắc Kinh北京 tháng 5 năm 1999, tr.121-131 với cái tên Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long của Trung Quốc trong thế kỉ hai mươi 20世纪中国文心雕龙研究的回顾与反思. 19. Mục Khắc Hoành穆克宏, Văn tâm điêu long nghiên cứu文心雕龍研究do Phúc Kiến giáo dục xuất bản xã福建教育出版社xuất bản năm 1991. 20. Ôn Quang Hoa溫光華, Nghiên cứu những chú thích của Hoàng Thúc Lâm và những bình luận của Kỉ Vân cho Văn tâm điêu long文心雕龍黃注紀評研究, được in trên Quốc lập Đài Loan sư phạm đại học quốc văn nghiên cứu sở tập san國立臺灣師範大學國文研究所集刊, quyển 42, tháng 6 năm 1998, trang 297-426. 21. Phạm Văn Lan范文瀾, Văn tâm điêu long chú文心雕龍注, Đài Loan: Khai Minh Thư Điếm臺灣開明書店, tháng 5 năm 1993. 22. Phan Huy Đường, Tư duy tự do, nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2006, trang 115-124. 23. Phù Dục Tĩnh符欲靜, Thuật lại và bình luận về tình hình luận bàn khái niệm Phong cốt trong Văn tâm điêu long ở thế kỉ hai mươi 20世纪文心雕龙风骨论研究述评, Hứa Xương học viện học báo许昌学院学报, quyển 24 kì 4第24卷第4期, năm 2005, trang 134 – 138. 24. Trình Dụ Trinh程裕祯chủ biên, Trung Quốc học thuật thông lãm中国学术通览, Bắc Kinh ngữ ngôn học viện xuất bản xã北京语言学院出版社, tháng 2 năm 1995. 25. Trương Dũng Tuyền张涌泉, Biện luận và tìm hiểu thời gian sao chép của Văn tâm điêu long bản Đôn Hoàng敦煌本文心雕龙抄写时间辨考, Tạp chí Văn học di sản文学遗产, số 1 năm 1997, tr105-106. 26. Trương Thiếu Khang张少康, Văn tâm điêu long nghiên cứu文心雕龙研究in trong tùng thư Hai mươi thế kỉ Trung quốc học thuật văn tồn 20世纪中国学术文存Trần Bình Nguyên陈平原chủ biên, Hồ Bắc giáo dục xuất bản xã湖北教育出版社, năm 2001. 27. Trương Thiếu Khang张少康chủ biên, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử文心雕龙研究史, Bắc Kinh北京: Bắc Kinh đại học xuất bản xã北京大学出版社, tháng 9 năm 2001. 28. Uông Xuân Hoằng汪春泓, Thuật lại những điều cốt yếu nhất trong những bình luận cho Văn tâm điêu long của Tào Học Thuyên曹学佺评文心雕龙述要, Hứa Xương sư chuyên học báo许昌师专学报, số 3 năm 2000, trang 62-67. 29. Vương Canh Sinh王更生, Nghiên cứu về mối quan hệ giữa Vương Ứng Lân và bản Văn tâm điêu long chú của Tân Xử Tín應鱗和辛處信文心雕龍注關係之研究, in trong sách Văn tâm điêu long tổng luận文心雕龍綜論, Trung Quốc cổ điển văn học nghiên cứu hội中國古典文學研究會chủ biên, Đài Loan: Học sinh thư cục ấn hành臺灣學生書局tháng 5 Dân quốc năm thứ 77(1987), từ trang 173 đến trang 196. 30. Vương Lợi Khí王利器, Văn tâm điêu long hiệu chứng文心雕龍校證, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã上海古籍出版社, tháng 8 năm 1980, trang 304.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNghiên cứu Văn tâm điêu long.doc
Luận văn liên quan