Khái niệm về cơ cấu xã hội. Cho đến hiện nay, vấn đề cơ cấu xã hội được nhiều bộ môn khoa học xã hội nhân văn khác nhau nghiên cứu như: Triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử và xã hội học. Mỗi bộ môn khoa học khác nhau vì những mục đích nghiên cứu khác nhau nên tiếp cận cơ cấu xã hội dưới những góc độ khác nhau.
Trong nghiên cứu xã hội học, cơ cấu xã hội là một khái niệm cơ bản, then chốt, làm cơ sở cho việc nghiên cứu sự vận động, phát triển của các quá trình, hiện tượng xã hội của một hệ thống xã hội. Tuy nhiên cho đến hiện nay, quan niệm về cơ cấu xã hội trong xã hội học vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chẳng hạn như: - Jo Jep Fischer, xã hội học Mỹ cho rằng: Cơ cấu xã hội của một xã hội là sự sắp đặt các thành phần xã hội hoặc các đơn vị xã hội. - Đôbơrianôp, nhà xã hội học Bun ga ri lại cho rằng: Cơ cấu xã hội là lát cắt ngang để chỉ cho ta thấy các bộ phận của hệ thống xã hội và sự tác động qua lại giữa các bộ phận đó. - Ô xi Pôv, nhà xã hội học Nga cho rằng: Cơ cấu xã hội là mối liên hệ vững chắc của các thành tố trong hệ thống xã hội. Trong đó các cộng đồng xã hội như dân tộc, giai cấp, nhóm nghề nghiệp là những thành tố cơ bản. Về phần mình mỗi thành tố lại có cơ cấu riêng, phức tạp với những tầng lớp bên trong và những mối liên hệ giữa chúng. - Quan niệm của Rôbortsons, nhà xã hội học Mỹ lại cho rằng: Cơ cấu xã hội là mô hình của các mối quan hệ của các thành phần cơ bản trong một hệ thống xã hội, những thành phần này tạo ra bộ khung cho tất cả các xã hội.Những thành phần quan trọng nhất của cơ cấu xã hội là vị thế, vai trò, nhóm và thiết chế xã hội. - Quan niệm của giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: Cơ cấu xã hội là tổng thể những bộ phận, những thành tố tạo nên một xã hội nhất định. Cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội gắn bó mật thiết với nhau, những không thể quy cơ cấu xã hội vào quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội là hình thức vận động của cơ cấu xã hội. Từ những quan niệm trên đây, chúng ta có thể đi đến một quan niệm chung về cơ cấu xã hội như sau: Cơ cấu xã hội là kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội nhất định, biểu hiện như là sự thống nhất tương đối bền vững của các nhân tố, các mối liên hệ, các thành phần cơ bản nhất của hệ thống xã hội. Những thành phần này tạo ra bộ khung cho xã hội., những thành tố cơ bản nhất của cơ cấu xã hội là nhóm xã hội với vai trò, vị thế của nó và các thiết chế xã hội. Như vậy theo quan niệm trên, cơ cấu xã hội có những đặc trưng cơ bản sau: - Cơ cấu xã hội là kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội nhất định. Nghiên cứu cơ cấu xã hội cho ta biết được xã hội được cấu thành từ những bộ phận nào; cách thức tổ chức xã hội ra sao, mối liên hệ giữa các bộ phận, các thành tố thế nào; xã hội được cấu thành như thế nào, sắp xếp ra sao. - Cơ cấu xã hội là sự thống nhất tương đối bền vững của các nhân tố, các mối liên hệ, các thành phần cơ bản của một hệ thống xã hội nhất định. Thành phần xã hội và liên hệ xã hội là 2 mặt cơ bản của cơ cấu xã hội, hai mặt này gắn bó chặt chẽ vói nhau tạo thành cơ cấu xã hội. Muốn hiểu cơ cấu xã hội phải hiểu các thành phần xã hội và mối liên hệ của chúng. - Cơ cấu xã hội là “bộ khung” để xem xét xã hội cho phép chúng ta hiểu được một xã hội cụ thể nào đó được cấu thành từ những nhóm xã hội nào. Việc coi nhóm xã hội là thành tố cơ bản, là đơn vị phân tích để hiểu được cơ cấu xã hội, là nét đặc trưng của tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội. Cũng thông qua sự phân tích này mà chúng ta biết được vị thế, vai trò của từng cá nhân, từng nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội. Cũng thông qua sự phân tích này cho ta biết về các thiết chế xã hội bảo đảm cho hoạt động, hành vi của cá nhân phù hợp với giá trị, chuẩn mực xã hội mà các thiết chế xã hội đặt ra .
22 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 43220 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài số 04
NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC
VỀ CƠ CẤU XÃ HỘI VÀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI
( Dùng cho đối tượng cử nhân hậu cần cấp phân đội- bậc đại học)
I. CƠ CẤU XÃ HỘI.
Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội là những nội dung cơ bản trong nghiên cứu xã hội học. Việc nghiên cứu cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quản lý, kiểm soát xã hội nói chung và trong lãnh đạo, quản lý bộ đội nói riêng.
1. Khái niệm về cơ cấu xã hội.
Cho đến hiện nay, vấn đề cơ cấu xã hội được nhiều bộ môn khoa học xã hội nhân văn khác nhau nghiên cứu như: Triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử và xã hội học. Mỗi bộ môn khoa học khác nhau vì những mục đích nghiên cứu khác nhau nên tiếp cận cơ cấu xã hội dưới những góc độ khác nhau.
Trong nghiên cứu xã hội học, cơ cấu xã hội là một khái niệm cơ bản, then chốt, làm cơ sở cho việc nghiên cứu sự vận động, phát triển của các quá trình, hiện tượng xã hội của một hệ thống xã hội. Tuy nhiên cho đến hiện nay, quan niệm về cơ cấu xã hội trong xã hội học vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chẳng hạn như:
- Jo Jep Fischer, xã hội học Mỹ cho rằng: Cơ cấu xã hội của một xã hội là sự sắp đặt các thành phần xã hội hoặc các đơn vị xã hội.
- Đôbơrianôp, nhà xã hội học Bun ga ri lại cho rằng: Cơ cấu xã hội là lát cắt ngang để chỉ cho ta thấy các bộ phận của hệ thống xã hội và sự tác động qua lại giữa các bộ phận đó.
- Ô xi Pôv, nhà xã hội học Nga cho rằng: Cơ cấu xã hội là mối liên hệ vững chắc của các thành tố trong hệ thống xã hội. Trong đó các cộng đồng xã hội như dân tộc, giai cấp, nhóm nghề nghiệp… là những thành tố cơ bản. Về phần mình mỗi thành tố lại có cơ cấu riêng, phức tạp với những tầng lớp bên trong và những mối liên hệ giữa chúng.
- Quan niệm của Rôbortsons, nhà xã hội học Mỹ lại cho rằng: Cơ cấu xã hội là mô hình của các mối quan hệ của các thành phần cơ bản trong một hệ thống xã hội, những thành phần này tạo ra bộ khung cho tất cả các xã hội.Những thành phần quan trọng nhất của cơ cấu xã hội là vị thế, vai trò, nhóm và thiết chế xã hội.
- Quan niệm của giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: Cơ cấu xã hội là tổng thể những bộ phận, những thành tố tạo nên một xã hội nhất định. Cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội gắn bó mật thiết với nhau, những không thể quy cơ cấu xã hội vào quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội là hình thức vận động của cơ cấu xã hội.
Từ những quan niệm trên đây, chúng ta có thể đi đến một quan niệm chung về cơ cấu xã hội như sau:
Cơ cấu xã hội là kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội nhất định, biểu hiện như là sự thống nhất tương đối bền vững của các nhân tố, các mối liên hệ, các thành phần cơ bản nhất của hệ thống xã hội. Những thành phần này tạo ra bộ khung cho xã hội., những thành tố cơ bản nhất của cơ cấu xã hội là nhóm xã hội với vai trò, vị thế của nó và các thiết chế xã hội.
Như vậy theo quan niệm trên, cơ cấu xã hội có những đặc trưng cơ bản sau:
- Cơ cấu xã hội là kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội nhất định.
Nghiên cứu cơ cấu xã hội cho ta biết được xã hội được cấu thành từ những bộ phận nào; cách thức tổ chức xã hội ra sao, mối liên hệ giữa các bộ phận, các thành tố thế nào; xã hội được cấu thành như thế nào, sắp xếp ra sao.
- Cơ cấu xã hội là sự thống nhất tương đối bền vững của các nhân tố, các mối liên hệ, các thành phần cơ bản của một hệ thống xã hội nhất định.
Thành phần xã hội và liên hệ xã hội là 2 mặt cơ bản của cơ cấu xã hội, hai mặt này gắn bó chặt chẽ vói nhau tạo thành cơ cấu xã hội. Muốn hiểu cơ cấu xã hội phải hiểu các thành phần xã hội và mối liên hệ của chúng.
- Cơ cấu xã hội là “bộ khung” để xem xét xã hội cho phép chúng ta hiểu được một xã hội cụ thể nào đó được cấu thành từ những nhóm xã hội nào.
Việc coi nhóm xã hội là thành tố cơ bản, là đơn vị phân tích để hiểu được cơ cấu xã hội, là nét đặc trưng của tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội. Cũng thông qua sự phân tích này mà chúng ta biết được vị thế, vai trò của từng cá nhân, từng nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội. Cũng thông qua sự phân tích này cho ta biết về các thiết chế xã hội bảo đảm cho hoạt động, hành vi của cá nhân phù hợp với giá trị, chuẩn mực xã hội mà các thiết chế xã hội đặt ra.
* Nhóm xã hội:
- Nhóm xã hội là một tập hợp người trong xã hội có liên quan với nhau về vị trí, vị thế, vai trò, nhu cầu, lợi ích và tính định hướng giá trị xã hội.
- Trong xã hội tồn tại rất nhiều loại nhóm khác nhau như: nhóm lớn, nhóm nhỏ; nhóm chính thức, nhóm không chính thức; nhóm trực tiếp, nhóm không trực tiếp…
- Sự đa dạng và phức tạp của việc hình thành các loại nhóm trong xã hội phản ánh tính đa dạng và phức tạp trong cơ cấu xã hội của một xã hội cụ thể.
- Nhóm xã hội là một khái niệm cơ bản của xã hội học. Trong nghiên cứu xã hội học tuỳ vào mục đích, phạm vi nghiên cứu mà xác định các chỉ báo để xem xét, phân tích các loại nhóm.
* Thiết chế xã hội.
- Thiết chế xã hội là một tổ chức nhất định của hoạt động xã hội và của các quan hệ xã hội được thực thi bằng hệ thống đã phối hợp của những quy chuẩn về hành vi, chuẩn mực và giá trị được định hướng một cách hợp lý.
- Thiết chế xã hội đươc hình thành từ nhu cầu hoạt động sống của con người và được thực hiện thông qua hành vi xã hội của con người.
- Thiết chế xã hội có chức năng điều tiết các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau cua hệ thống xã hội, tạo nên sự vận hành, ăn khớp nhịp nhàng của các hoạt động xã hội và tổ chức xã hội; thiết chế xã hội là phương tiện để kiểm soát và quản lý xã hội.
- Trong xã hội có nhiều thiết chế xã hội khác nhau như: Chính trị, kinh tế, pháp luật, gia đình, tôn giáo, giáo dục, quân sự… mỗi loại thiết chế có đặc điểm, chức năng riêng, nhưng giữa chúng có quan hệ khăng khít với nhau.
2. Phương pháp tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội.
Từ quan niệm về cơ cấu xã hội như đã trình bày ở trên, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu xã hội học dựa trên cơ sở phương pháp luận chung của xã hội học với những nội dung cơ bản sau:
- Cơ cấu xã hội là hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội nhất định, là sự thống nhất của 2 mặt: các thành phần xã hội và các liên hệ xã hội.
- Nghiên cứu cơ cấu xã hội của bất kỳ hệ thống xã hội nào cũng phải đi từ việc phân tích nhóm xã hội với vai trò, vị thế, thiết chế của nó và phân tích mối quan hệ giữa các nhóm xã hội.
- Phân tích cơ cấu xã hội phải đồng thời phân tích mô hình văn hoá có liên quan; làm rõ giá trị, định hướng giá trị, thang giá trị là những yếu tố tạo nên sự thống nhất, ổn định của hệ thống xã hội.
- Phân tích cơ cấu xã hội phải xem xét nó ở cả trạng thái tĩnh và trạng thái động để vừa chỉ ra được bức tranh tổng quát về xã hội và sự vận động biến đổi của xã hội thông qua nghiên cứu cơ động (di động) xã hội của các nhóm người và của từng con người.
Cơ động xã hội là một hiện tượng xã hội phổ biến, phản ánh sự dịch chuyển vị trí xã hội của một cá nhân hay một nhóm xã hội trong cơ cấu của một hệ thống xã hội. Cơ cấu xã hội có: cơ động theo chiều dọc và cơ động theo chiều ngang.
- Nghiên cứu cơ cấu xã hội phải tiến hành phân tích phân hoá giàu nghèo và phân tầng xã hội.
Phân hoá giàu nghèo và phân tầng xã hội là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử xã hội loài người. Đây là lát cắt dọc trong phân tích cơ cấu xã hội để ta hiểu được một cách sâu sắc cơ cấu xã hội, sự đa dạng phức tạp của nó; để làm rõ hơn tính cơ động xã hội.
- Xã hội là một hệ thống đa cấu trúc, chứa đựng trong đó nhiều phân hệ cơ cấu khác nhau, cho nên phân tích cơ cấu xã hội phải đi sâu vào các phân hệ của nó, trong đó trọng tâm là phân hệ cơ cấu giai cấp.
- Phân tích cơ cấu xã hội của một hệ thống xã hội nhằm phát hiện những khuyết tật trong cấu trúc của nó, phát hiện những vấn đề xã hội cần giải quyết, phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát xã hội một cách có hiệu quả.
3. Các phân hệ cơ bản của cơ cấu xã hội
* Cơ cấu xã hội - giai cấp.
- Cơ cấu xã hội giai cấp là cơ cấu xã hội được xem xét dưới góc độ giai cấp, tầng lớp; là hệ thống các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và những mối liên hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đó.
- Nghiên cứu, tiếp cân xã hội học về cơ cấu giai cấp được xem xét ở 2 phương diện:
+ Thứ nhất, nó đòi hỏi phải được nghiên cứu, xem xét không chỉ các giai cấp mà còn phải xem xét tất cả các tầng lớp, các tập đoàn xã hội khác. Đây là quan niệm phân tích cơ cấu xã hội giai cấp theo nghĩa rộng, để chỉ ra:
+ Vị thế, vai trò, tương quan của các giai cấp trong xã hội,
+ Vị trí trung tâm của một giai cấp nhất định nào đó trong xã hội,
+ Sự liên minh của giai cấp trung tâm với các giai cấp, tập đoàn xã hội khác,
+ Sự thay đổi trong cơ cấu lợi ích và xu hướng biến đổi về vị thế, vai trò của các giai cấp, tầng lớp, tập đoàn… trong xã hội.
+ Tỷ trọng cơ cấu giai cấp, tầng lớp, tính cơ động xã hội của các giai cấp, giai tầng xã hội.
+ Thứ hai, nghiên cứu cơ cấu xã hội giai cấp còn hướng vào việc nghiên cứu những giá trị, chuẩn mực trong từng giai cấp, tầng lớp xã hội, nhằm chỉ ra:
+ Sự khác biệt với những ảnh hưởng qua lại về mặt văn hoá, lối sống và những khuôn mẫu hành vi giữa các giai cấp, giai tầng xã hội
+ Sự chuyển dịch vị trí của một số thành viên của giai cấp, giai tầng xã hội này sang giai cấp giai tầng xã hội khác.
+ Mức độ của sự liên minh giữa các giai cấp và quan hệ nội bộ của các giai cấp tập đoàn xã hội.
- Nghiên cứu cơ cấu xã hội giai cấp nhằm cung cấp những thông tin về các giai cấp, giai tầng trong xã hội, dự báo xu thế biến đổi của nó và đưa ra các kiến nghị nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt nam có đủ sức mạnh lãnh đạo dân tộc Việt nam tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng XHCN.
* Cơ cấu xã hội - lãnh thổ.
Cơ cấu xã hội lãnh thổ được nhận diện theo đường phân ranh giới về lãnh thổ. Các vùng lãnh thổ có sự khác biệt nhất định về điều kiện sống, trình độ sản xuất, đặc trưng văn hoá, mật độ dân cư, thiết chế xã hội cũng như sự khác biệt về mức sống, thị hiếu tiêu dùng, phong tục tập quán…
- Cơ cấu xã hội lãnh thổ thường được chia thành 2 loại là cơ cấu xã hội đo thị và cơ cấu xã hội nông thôn. Ngoài ra người ta cũng có thể chia theo cơ cấu vùng, miền, như: Đồng bằng sông hồng, đồng bằng nam bộ…
- Nghiên cứu cơ cấu xã hội- lãnh thổ nhằm thấy được:
+ Sự khác biệt giữa các vùng, miền về trình độ phát triển sản xuất, Kinh tế, văn hoá,
+ Sự khác biệt về lối sống, mức sống giữa các vùng miền.
- Nghiên cứu cơ cấu xã hội lãnh thổ để dự báo và kiến nghị các giải pháp kinh tế, xã hội phù hợp cho từng vùng, miền để phát huy lợi thế, khắc phục mặt hạn chế của từng vùng miền tạo động lực cho sự phát triển đồng đều kinh tế xã hội của đất nước.
c. Cơ cấu xã hội- nghề nghiệp.
Cơ cấu xã hội nghề nghiệp là sự phân chia dân số trong độ tuổi lao động theo các nghề nghiệp khác nhau,
- Cơ cấu xã hội nghề nghiệp được hình thành trước hết phụ thuộc vào trình độ phát triển của sản xuất và sự phân công lao động xã hội.
- Nội dung nghiên cứu cơ cấu xã hội nghề nghiệp bao gồm:
+ Phân tích thực trạng về nghề nghiệp, đặc trưng, xu hướng và sự ảnh hưởng qua lại của các loại nghề nghiệp và sự tương tác giữa những biến đổi trong cơ cấu nghề nghiệp với các quá trình xã hội khác.
+ Phân tích tình hình lực lượng lao động trong các nghành nghề, lao động theo giới tính, độ tuổi, học vấn, trình độ dào tạo.
+ Phân tích lực lượng lao động theo vùng, miền, lãnh thổ, khu vực kinh tế xã hội, tập thể, nhà nước, tư nhân.
+ Phân tích độ tuổi lao động có việc làm và thất nghiệp, bán thất nghiệp .
- Những nghiên cứu trên để dự báo về xu hướng phát triển của cơ cấu nghề nghiệp nói riêng và cơ cấu xã hội nói chung đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục sự mất cân đối trong cơ cấu nghề nghiệp và các chính sách tạo việc làm, giảm thất nghiệp, chính sách xoá đói giảm nghèo…
d. Cơ cấu xã hội - dân số (cơ cấu xã hội nhân khẩu).
Cơ cấu xã hội dân số là một phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản của xã hội nói lên quá trình phát sinh, phát triển, kết cấu và di biến động của dân số của một quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ.
- Nội dung nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội dân số tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
+ Mức sinh, mức tử,
+ Quá trình biến động dân số tự nhiên, biến động dân số cơ học,
+ Tỷ lệ giới tính,
+ Tỷ lệ và cơ cấu của tháp tuổi,
+ Cơ cấu xã hhọi thế hệ…
- Thông qua nghiên cứu đưa ra những dự báo về xu hướng vậ động phát triển về vấn đề dân số và các vấn đề có liên quan đến dân số, kiến nghị các giải pháp để điều tiết trạng thái dân số hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
e. Cơ cấu xã hội - dân tộc.
- Cơ cấu xã hội - dân tộc được nhận diện trên cơ sở sự khác biệt của những dấu hiệu dân tộc.
- Nội dung nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội - dân tộc tập trung vào những vân đề cơ bản sau:
+ Quy mô, tỷ trọng phân bổ và sự biến đổi số lượng, chất lượng các nhóm cư dân của dân tộc.
+ Xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội trong nội bộ mỗi dân tộc và mối tương quan giữa chúng với cộng đồng, sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau trong sự biến đổi về cơ cấu giữa các dân tộc.
+ Mối quan hệ tác động qua lại giữa cơ cấu xã hội dân tộc và các phân hệ cơ cấu xã hội khác và các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
- Nghiên cứu cơ cấu xã hội dân tộc góp phần tạo ra những cơ sở khoa học giúp cho Đảng, nhà nước hoạch định các chính sách trong việc phân bổ, điều tiết lại dân cư, tổ chức lại lực lượng lao động, việc làm cho phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc; Tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc…
Tóm lại xã hội là một tổ chức đa cơ cấu, ngoài các phân hệ đã nghiên cứu ở trên còn có những phân hệ khác như: tôn giáo, an ninh quốc phòng… mỗi phân hệ cơ cấu có những đặc điểm, vị trí, vai trò và yêu cầu riêng khác nhau. Việc nghiên cứu các phân hệ của cơ cấu xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quản lý và kiểm soát xã hội.
4. Cơ cấu xã hội và quản lý xã hội.
a. Vai trò của phân tích cơ cấu xã hội với công tác quản lý xã hội.
- Là cơ sở giúp cho Đảng hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách nhằm tác động vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng,, tôn giáo, dân tộc…một cách chính xác và có hiệu quả, để phát huy mọi tiềm năng của con ngườivà các nhóm xã hội hướng vào mục tiêu của công cuộc đổi mới và công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Trong giai đoạn hiện nay việc nghiên cứu cơ cấu xã hội lại càng có ý nghĩa hết sức quan trọng để nhận thức đúng:
+ Sự biến động của xã hội,
+ Sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần,
+ Sự gia tăng dân số và sự dịch chuyển dân cư,
+ Sự phát triển phức tạp của tôn giáo,
+ Sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội đang diễn ra,
+ Sự khủng hoảng giá trị trong một bộ phận cư dân…
Là cơ sở cho Đảng, nhà nước có các chủ trương, chính sách trong quản lý điều tiết và phát triển xã hội một cách chủ động, tích cực.
b. Vai trò của phân tích cơ cấu xã hội trong công tác lãnh đạo, quản lý, giáo dục bộ đội.
- Những thông tin thu được từ nghiên cứu cơ cấu xã hội quân nhân như:
+ Nguồn gốc xuất thân,
+ Nghề nghiệp sỹ quan,
+ Mối quan hệ của các nhóm trong hoạt động quân sự,
+ Khả năng chuyển dịch cơ cấu tổ chức trong sự tác động của cơ chế kinh tế thị trường,
+ Trình độ học vấn, quân hàm, thâm niên công tác, thu nhập, tôn giáo, dân tộc…
Giúp cho lãnh đạo chỷ huy các cấp đánh giá đúng thực trạng của các tổ chức quân sự…làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng coa hiệu quả lãnh đạo, quản lý và giáo dục
- Góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với quân đội và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong sự nghiệp củng cố an ninh quốc phòng và xây dựng quân đội.
- Góp phần phát huy tính sáng tạo của cán bộ chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng được giao.
II. PHÂN TẦNG XÃ HỘI.
1. Khái niệm về phân tầng xã hội.
a. Tầng xã hội:
Tầng xã hội là tập hợp các cá nhân, nhóm có cùng hoàn cảnh xã hội, họ giống nhau hay bằng nhau về địa vị kinh tế (tài sản), dịa vị chính trị (quyền lực), địa vị xã hội (uy tín) về khả năng thăng tiến cũng giành được những ân huệ hay thứ bậc như nhau trong xã hội.
- Tầng xã hội được cấu thành bởi 3 yếu tố: Địa vị kinh tế; địa vị chính trị; địa vị xã hội.
- Tài sản, quyền lực, uy tín có quan hệ mật thiết với nhau, song cũng có thể độc lập với nhau trong việc tạo ra tầng xã hội.
- Người có tài sản có thể dễ dàng giành được quyền lực và uy tín; ngược lại người có quyền lực và uy tín có thể sử dụng nó để nhận được bổng lộc và quyền lợi kinh tế.
b. Phân tầng xã hội.
Phân tầng xã hội là khái niệm cơ bản của xã hội học để chỉ trạng thái phân chia xã hội thành các nhóm xã hội với các thứ bậc khác nhau trong nấc thang của cơ cấu xã hội, là kết quả vận động tổng hợp của các yếu tố về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá. Trong đó địa vị kinh tế trong sản xuất vật chất của đời sống xã hội giữ vai trò quyết định.
- Đặc trưng của phân tầng xã hội:
Thứ nhất, phân tầng xã hội là sự phân hoá, sắp xếp các cá nhân thành những tầng lớp, thang bậc khác nhau trong cơ cấu xã hội, là sự phân chia xã hội thành những lớp người ở tầng lớp cao, tầng trung bình và tầng đáy của xã hội.
Thứ hai, Phân tầng xã hội luôn gắn liền với bất bình đẳng xã hội và sự phân công lao động xã hội.
- Bất bình đẳng xã hội mang tính tự nhiên trong cơ cấu xã hội của tất cả các chế độ xã hội, nó không phải là bất công xã hội.
+ Mọi nguời sinh ra không ai ngang bằng ai về nhiều mặt như: thể chất, trí tuệ, năng lực, cơ may xã hội, điều kiện hoàn cảnh xuất thân… đây là sự bất bình đẳng xã hội. Sự khác biệt tự nhiên này là khách quan không ai có thể tự lựa chọn cho mình. Chính sự khác biệt tự nhiên này cùng với thời gian sẽ tạo cho mỗi người những khả năng khác nhau để chiêms giữ vị trí cao thấp khác nhau trong xã hội.
+ Bất công xã hội, được hiểu là: một người nào đó có phẩm chất, năng lực cao hơn, có cống hiến cho xã hội nhiều hơn người kia, nhưng lại không được xã hội nhìn nhận, đánh giá và cho ân huệ; còn người kia phẩm chất, năng lực thấp hơn, cống hiến cho xã hội ít hơn, nhưng lại được xã hội nhìn nhận, đánh giá cao hơn, xã hội giành cho nhiều ân huệ và đặc quyền hơn, nhận được ở xã hội nhiều lợi ích hơn.
- Cùng với bất bình đẳng xã hội thì phân công lao động xã hội góp phần quan trọng tạo ra sự phân tầng xã hội, biểu hiên là:
+ Sự phân công lao động nghề nghiệp, tạo ra những nghành, những ngưòi có thu nhập cao, dân dần họ tham gia vào tầng lớp trên của xã hội, có địa vị cao trong hệ thống cơ cấu xã hội; trong khi đó có những ngưòi vì những lý do khác nhau phải làm việc ở những nghành, những nghề có điều kiện và thu nhập thấp, nhưng họ không có khả năng hoặc điều kiện để thay đổi, dần dần họ tụt xuống tầng thấp của xã hội, họ trở thành người có địa vị thấp trong hệ thống cơ cấu xã hội
+ Biểu hiên thứ 2 của sự khác nhau trong phân công lao động xã hội là sự phân công về mặt vị thế có ưu thế trong xã hội. Thực tế trong xã hội luôn có một số rất ít những vị thế ( chỗ đứng) ở vị trí cao, có nhiều ưu thế về mặt quyền lực, lợi ích kinh tế, uy tín xã hội, nhưng không phải ai cũng có cơ may giành được, mà nó chỉ giành cho một số ít người nào đó có năng lực, có cơ may và như vậy họ đã tham gia vào tầng trên của xã hội, họ có địa vị, quyền lực cao hơn ngừời khác.
Thứ ba, Phân tầng xã hội thường được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng không phải là bất biến mà có thể có sự thay đổi nhất định, đó là sự di chuyển từ tầng lớp này sang tầng lớp khác trong cơ cấu xã hội hoặc trong cùng một tầng xã hội nào đó.
- Trong xã hội truyền thống ( chiếm hữu nô lệ, phong kiến) thì sự phân tầng xã hội được xác định một cách rõ ràng, các thành viên trong xã hội ở các tầng khác nhau của xã hội hầu như không thể thay đổi:
Chẳng hạn như: chế độ đẳng cấp ở ấn Độ trước đây, xã hội được phân chia và ấn định thành các tầng - đẳng cấp không thay đổi
Hoặc trong xã hội phong kiến sự phân chia xã hội thành các tầng lớp, giai cấp cũng khá chặt chẽ và hầu như không thay đổi trong suốt một thời gian dài.
- Trong xã hội hiện đại, với nền sản xuất đại công nghiệp thì sự phân tầng xã hội mang tính chất cơ động hơn, các thành viên trong xã hội có thể dịch chuyển từ tầng này sang tầng khác hoặc trong nội bộ tầng của mình một cách khá dễ dàng nếu họ biết làm ăn và có cơ may xã hội.
2. Phân biệt tầng xã hội với một số khái niệm khác
a. Phân tầng xã hội với phân chia xã hội thành giai cấp.
- Về mặt khái niệm:
+ Khái niệm phân tầng xã hội không đồng nghĩa với khái niệm phân chia xã hội thành giai cấp. Theo các nhà xã hội học thì phân tầng xã hội có ý nghĩa và phạm vi rộng hơn phân chia xã hội thành gai cấp. Phân tầng xã hội dựa vào các tiêu chí như:
Quyền sở hữu về tư liệu sản xuất,
Sở hữu tài sản,
Thu nhập,
Mức sống,
Quyền lực chính trị,
Uy tín xã hội.
+ Khái niệm giai cấp gắn liền với quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, tiêu chí quyền sở hữu về tư liệu sản xuất là đặc trưng chủ yếu, hàng đầu để phân biệt hoặc phân chia xã hội thành giai cấp này hay giai cấp khác.
+ Do đó trong cùng một giai cấp có thể có nhiều tầng xã hội khác nhau, có người ở tầng trên, có người ở tầng giữa, có người ở tầng đáy. Đặc biệt trong xã hội có tính năng động cao với nền kinh tế thị trường.
- Về mặt thế giới quan, phương pháp luận:
Về phương diện thế giới quan, phương pháp luận, khi nghiên cứu về xã hội không được thay thế khái niệm giai cấp và khái niệm phân chia xã hội thành giai cấp bằng khái niệm tầng xã hội và khái niệm phân tầng xã hội.
Không chỉ tập trung phân tích phân tầng xã hội mà lãng quên vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác lênin là cơ sở phương pháp luận để phân tích, giải thích về bất bình đẳng xã hội và phân tầng xã hội của xã hội học.
b. Phân tầng xã hội và phân hoá giàu nghèo:
- Phân hoá giàu nghèo và phân tầng xã hội có đặc điểm chung là: cùng phản ánh quá trình phân chia thứ bậc của các nhóm xã hội trong hệ thống xã hội thành nhóm giàu, nhóm nghèo, nhóm ở tầng trên và nhóm ở tầng đáy của xã hội, song:
+ Phân hoá giàu nghèo chỉ tập trung phản ánh quá trình phân chia xã hội về mặt kinh tế, mà chủ yếu là: sở hữu tài sản, thu nhập, mức sống.
+ Phân tầng xã hội phản ánh quá trình phân chia xã hội trên các phương diện: Chính trị, kinh tế, xã hội, uy tín, quyền lực. Phân tầng xã hội là kết quả vận động tổng hợp của tất cả các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội.
+ Từ phân tích trên có thể khẳng định phân hoá giàu nghèo là sự phân tầng xã hội về mặt kinh tế, là biểu hiện của phân tầng xã hội về mặt kinh tế.
- Nghiên cứu về phân tầng xã hội được bắt đầu và dựa trên nghiên cứu về địa vị kinh tế, đời sống kinh tế của các nhóm xã hội trong hệ thống xã hội, nghĩa là muốn hiểu rõ về phân tầng xã hội phải nghiên cứu về phân hoá giàu nghèo. Mặt khác nghiên cứu về phân hoá giàu nghèo phải được đặt trong nghiên cứu về phân tầng xã hội. Tách rời phân hoá giàu nghèo và phân tầng xã hội sẽ không thấy được những biểu hiện của nó về mặt xã hội, hậu quả xã hội của các hiện tượng đó.
3. Các kiểu phân tầng xã hội trong lịch sử.
Theo các nhà xã hội học, trong lịch sử đã tồn tại 4 kiểu phân tầng xã hội chủ yếu:
-Kiểu phân tầng nô lệ: Xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội được chia thành 3 tầng chủ yếu là:
Kiểu phân tầng chủ nô, nô lệ, dân tự do (đây là kiểu phấn tầng ít tính cơ động dọc)
- Kiểu phân tầng đẳng cấp:
+ Đẳng cấp là những vị trí xã hội mà trong đó con người sinh ra và cuộc đời của họ tồn tại, gắn chặt với nó không thay đổi. Những thành viên trong cùng một đẳng cấp có một địa vị được gán cho chứ không phải địa vị đạt được( Nam tước, bá tước…)
+ Phân chia xã hội thành đẳng cấp là một dạng phân tầng xã hội đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, chẳng hạn:
Ở Trung Quốc cổ đại có quân tử, tiểu nhân, thứ dân ( Sĩ, nông, công, thương)
Ở Hi Lạp cổ đại có: Chủ nô, nô lệ và dân tự do
Ở Ấn độ cổ đại có 4 đẳng cấp: Tăng lữ, chiến binh, thợ thủ công và nông dân, đầy tớ
Kiểu phân tầng xã hội đẳng cấp là kiểu phân tầng xã hội đóng kín. Giữa các tầng có sự khác biệt rất lớn, khả năng cơ động từ tầng này sang tầng khác là không thể thực hiện vì sự khác biệt về địa vị xã hội, quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế
- Kiểu phân tầng địa chủ
+ Là kiểu phân tầng xã hội gắn liền với quyền sở hữu đất đai do cha truyền con nối hoặc do chế độ phong hầu kiến ấp gắn với chế độ phong kiến
+ Trong xã hội phong kiến được chia thành các tầng như: Quý tộc, địa chủ, nông dân
- Kiểu phân tầng xã hội theo giai cấp
* Các lý thuyết về phân tầng giai cấp xã hội
- Lý thuyết giai cấp của Warner(Va nơ). Va nơ chia xã hội ra thành 6 nhóm giai cấp khác nhau. Dựa chủ yếu vào địa vị kinh tế của cá nhân:
+ Thượng lưu lớp trên
+ Thượng lưu lớp dưới
+ Trung lưu lớp trên
+ Trung lưu lớp dưới
+ Hạ lưu lớp trên
+ Hạ lưu lớp dưới
- Lý thuyết của Weber
Theo Weber các yếu tố vật chất không phải là những đặc điểm cơ bản duy nhất của các hệ thống phân tầng xã hội trong xã hội hiện đại. Theo Weber việc phân tầng xã hội phải dựa vào 3 yếu tố chính là: Của cải, uy tín- địa vị, Quyền lực- Đảng phái
Quan niệm của Weber về giai cấp là một quan niệm hẹp, nó chỉ nói lên một loại hình tầng lớp trong một hệ thống xã hội
- Lý thuyết về giai cấp của Mác
Quan niệm của Mác về giai cấp lại chủ yếu dựa vào vai trò quyết định của yếu tố kinh tế- sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất quyết định việc phân chia xã hội thành giai cấp. Ngoài ra còn có các yếu tố quan trọng khác như: Tư tưởng, tâm lý, ý thức trong việc hình thành giai cấp.
* Các kiểu phân loại giai cấp trong phân tầng xã hội trong lịch sử
- Xã hội cổ đại: Quý tộc( chủ nô); hiệp sĩ; bình dân; nô lệ
- XH phong kiến: Địa chủ, nông nô
- XH tư bản: Tư sản, vô sản
- XHCN : Công nhân, nông dân, trugn gian
4. Tiêu chí và phương pháp nghiên cứu về phân tầng xã hội
a. Tiêu chí về phân tầng xã hội
Để xác định các tầng xã hội trong phân tầng xã hội, việc nghiên cứu phải căn cứ vào những tiêu chí sau:
- Dựa vào vị trí kinh tế: Sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải
- Dựa vào chính trị, quyền lực: Địa vị xã hội, Đảng phái, giai cấp
- Dựa vào uy tín, địa vị xã hội: Danh tiếng, ảnh hưởng trong xã hội
- Học vấn: Học vị, học hàm
- Ứng xử giao tiếp, thị hiếu, nghệ thuật
- Tôn giáo
- Dân tộc
3 yếu tố đầu là 3 yếu tố cơ bản, 4 yếu tố sau có tính chất bổ sung, điều kiện cho phân tầng xã hội
b. Phương pháp nghiên cứu về phân tầng xã hội
việc nghiên cứu về phân tầng xã hội có thể sử dụng 1 số phương phpá sau:
- Phương pháp đồng nhất giai cấp: Là phương pháp để mọi người, mọi nhóm xã hội, tự mô tả phân tầng xã hội như thế nào: Có hay không có phân tầng xã hội? Nếu có thì có những phân tầng xã hội nào?
- Phương pháp chủ quan: Là phương pháp để mọi người tự xếp mình vào một tầng nào dó trong xã hội
- Phương pháp điều tra: Là phương pháp thông qua các tiêu chí nghiên cứu để xác định tầng xã hội
+ Thu nhập
+ Nhà ở
+ Sinh hoạt vật chất
+ Sinh hoạt văn hoá
+ Tư liệu sản xuất
+ Tư liệu sinh hoạt
Đây là phương pháp khách quan.
c. Quan niệm về phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Hiện nay ở nước ta có ý kiến không chấp nhận sự phân tầng xã hội mà chỉ chấp nhận sự phân hoá giàu nghèo. Có những ý kiến khác cho rằng xã hội ta có sự phân tầng xã hội và sự phân tầng xã hội có cả yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực
- Về lịch sử xã hội đã có sự phân tầng xã hội( XH phong kiến)
Từ khi xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất là thời kỳ bao cấp khi chúng ta thựkc hiện chế độ tưm phiếu tuy chưa công khai sự phân tầng nhưng chính tem phiếu đã chứa đựng tiềm ẩn những yếu tố kinh tế, quyền lực, địa vị của sự phân tầng xã hội
- Phân tầng xã hội vừa mang yếu tố tiêu cực, vừa mang yếu tố tích cực
+ Tiêu cực: Là mầm mống tạo yếu tố xung đột xã hội, là mảnh sđất để kẻ thù chống phá ta
+ Tích cực: Là yếu tố kích thích mọi người, mọi nhóm xã hội phát huy tính năng động vươn lên, thúc đẩy xã hội phát triển
- Phân hoá và phân tầng ở nước ta hiện nay:
+ CÓ mầm mống từ trước, đến khi chúng ta thực hiện cơ chế kinh tế thị trường thì nổi trội hơn và bung ra 1 cách rõ rệt và ngày càng có xu hướng gia tăng mạnh mẽ
Hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm
Các nhóm giàu và nhóm nghèo thu nhập bình quân tăng
+ Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo có xu hướng ngày càng lớn, bình quân khoảng 40 lần, cá biệt hàng trăm lần
+ Sự phân hoá và phân tầng ở ta mang tính khu vực và tính lịch sử: Ở thành thị phân hoá rõ hơn nông thôn, đồng bằng rõ hơn miền núi
Ở các vùng địa lý khác nhau, sự phân hoá khác nhau.
Mức tăng thu nhập nhanh nếu dừng lại thì nay giàu sang năm trở lên nghèo
-Chú ý trong nghiên cứu:
+ Phân hoá xã hội ở ta hiện nay có dẫn đến phân tầng xã hội không?
+ Trong sỹ quan và gia đìnhg của họ có phân hoá giàu nghèo không và nếu có có dẫn đến phân tầng không?
5. Phân tầng xã hội và phân chia xã hội thành giai cấp.
a, Phân tầng xã hội
- Phân tầng xã hội là khái niệm của xã hội học nói tới trạng thái xã hội được phân chia thành các tầng lớp khác nhau trong điều kiện không gian và thời gian nhất định.
- Phân tầng xã hội gắn liền với các nguyên nhân như:
+ Bất bình đẳng xã hội;
+ Tính chất của xã hội;
+ Sự phân phối không đồng đều các lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.
- Phân tầng xã hội là một khái niệm rộng mà phân chia xã hội thành giai cấp là một bộ phận ở trong đó. Trong tầng xã hội có giai cấp và trong từng giai cấp có các tầng xã hội khác nhau, Chẳng hạn: cùng là giai cấp công nhân nhưng có người giàu, kẻ nghèo; cùng tầng đáy của xã hội nhưng có thể có cả giai cấp công nhân, nông dân, trí thức,…
b, Phân chia giai cấp xã hội:
- Phân chia giai cấp xã hội là một khái niệm nói lên trạng thái xã hội được phân chia thành các giai cấp khác nhau, có địa vị xã hội và lợi ích khác nhau.
- Phân chia xã hội thành giai cấp gắn liền với địa vị kinh tế, tức là gắn liền với quyền sở hữu về tư liệu sản xuất giữa các thành viên trong xã hội và các nhóm người trong xã hội, Giai cấp nào, người nào nắm tư liệu sản xuất thì nắm quyền chi phối xã hội, thống trị xã hội.
c, Phân tầng xã hội và phân chia xã hội thành giai cấp:
- Trên bình diện lý luận, phân tầng xã hội có quan hệ nhân quả với việc phân chia xã hội thành giai cấp.
- Phân tầng xã hội là điều kiện để dẫn đến sự phân hoá xã hội thành giai cấp.
- Trong quá trình phân hoá xã hội thành giai cấp lại hình thành nên các tầng xã hội khác nhau.
Chẳng hạn việc thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đã hình thành nên các giai tầng xã hội mới, mà trước đây trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung không có.
6. Vai trò của nghiên cứu phân tầng xã hội với công tác quản lý xã hội.
- Việc nghiên cứu về phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay cung cấp cho Đảng, Nhà nước và các nhà lãnh đạo, quản lý một bức tranh tổng quát và cụ thể về trạng thái vận động của xã hội ta hiện nay và chiều hướng phát triển của nó trong tương lai, đồng thời giúp nhìn thấy tương lai sẽ diễn ra của các lĩnh vực đời sống xã hội.
- Thấy rõ tính bức xúc của phân hoá giàu nghèo và phân tầng xã hội hiện nay ở nước ta, khi biên độ giàu, nghèo giữa các tầng xã hội ngày càng doãng ra nhanh trong cùng một cộng đồng dân cư, trong một giai cấp.
- Sự phân hoá giàu nghèo và phân tầng xã hội ngoài mặt tích cực là kính thích sự phát triển, kích thích tính năng động của từng cá nhân và của cả xã hội thì đồng thời cũng xuất hiện mặt trái của nó như:
+ Nẩy sinh các tệ nạn xã hội;
+ Thái độ kỳ thị đẳng cấp;
+ Sự gắn kết xã hội hạn chế;
+ Nguy cơ xung đột xã hội có thể xuất hiện nếu không được kiểm soạt.
- Từ thực tiễn nghiên cứu về phân hoá giàu nghèo và phân tầng xã hội giúp cho Đảng và Nhà nước đề ra các chính sách kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội phù hợp vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước vừa điều tiết thu nhập xã hội tạo sự công bằng, bình đẳng về lợi ích giữa các giai tầng xã hội, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng chậm phát triển và các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Đồng thời cũng qua đó giúp Đảng, Nhà nước đề ra các chính sách, giải pháp ngăn chặn, khắc phục các tệ nạn xã hội hiện nay.
KẾT LUẬN:
Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội là những khái niệm cơ bản của xã hội học. Nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội là nhằm làm rõ cấu trúc xã hội, nguyên nhân, tiến trình phát triển của xã hội và hành động xã hội của các nhóm xã hội và con người xã hội trong sự tương tác xã hội đa dạng, phức tạp. Đồng thời cung cấp cho Đảng, Nhà nước những cơ sở khoa học trong việc họach định chiến lược, sách lược quản lý xã hội và kiểm soát xã hội một cách có hiệu quả, đồng thời đây cũng là cơ sở cho việc đề ra các chủ trương và giải pháp nhằm ổn định xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội./.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bai 4. Co cau xa hoi va phan tang xa hoi.doc