Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến một kho tàng tri thức cách mạng quý báu không chỉ của Đảng ta mà nó còn là báu vật của toàn dân tộc. Quan trọng hơn, tư tưởng ấy lại là sự tổng hòa của nhiều yếu tố mà chúng ta chưa thể tìm được ở một nhà chính trị gia nổi tiếng nào của dân tộc. Và cũng chính từ sự khác biệt này mà tư tưởng Hồ Chí Minh lại có sự lan tỏa sâu sắc đến vậy. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu về con đường hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm giúp cho việc học tập và làm theo tư tưởng của Người được ý nghĩa và sâu rộng hơn. Mà trước hết đó chính là nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
8 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4302 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguồn gốc của Đảng cộng sản Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục
Trang
Nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
1. Tinh hoa văn hóa nhân loại. 1
2. Giá trị truyền thống. 3
3.Chủ nghĩa Mác - Lê nin. 4
4. Những phẩm chất cá nhân. 6
Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến một kho tàng tri thức cách mạng quý báu không chỉ của Đảng ta mà nó còn là báu vật của toàn dân tộc. Quan trọng hơn, tư tưởng ấy lại là sự tổng hòa của nhiều yếu tố mà chúng ta chưa thể tìm được ở một nhà chính trị gia nổi tiếng nào của dân tộc. Và cũng chính từ sự khác biệt này mà tư tưởng Hồ Chí Minh lại có sự lan tỏa sâu sắc đến vậy. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu về con đường hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm giúp cho việc học tập và làm theo tư tưởng của Người được ý nghĩa và sâu rộng hơn. Mà trước hết đó chính là nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Tinh hoa văn hóa nhân loại.
Bằng cách học hỏi, tiếp thu tư tưởng văn hóa phương Đông và phương Tây, Hồ Chí Minh đã làm giàu vốn văn hóa của mình, tạo nên nét đặc sắc ở Người – một con người tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây.
Những giá trị phương Đông. Trong quá trình tiếp thu, hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, những ảnh hưởng, tác động của tư tưởng, văn hóa phương Đông luôn tồn tại đồng thời những yếu tố duy tâm, lạc hậu và những yếu tố duy vật, tích cực. Điều quan trọng là Người đã nhận thấy, phê phán, gạt bỏ những yếu tố duy tâm, lạc hậu để tiếp thu và chuyển hóa những yếu tố duy vật, tích cực, phù hợp với điều kiện lịch sử - xã hội, con người và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người dẫn lời của Lênin: “Chỉ có người cách mạng chân chính mới thu hái được những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”. Những yếu tố tích cực của Nho giáo có sức sống mãnh liệt trong mấy ngàn năm là: lí tưởng về một xã hội bình trị, hòa mục, một thế giới đại đồng; đề cao văn hóa, lễ giáo, trung hiếu và tạo ra truyền thống hiếu học – điểm hơn hẳn so với các học thuyết cổ đại. Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm và để lại những dấu ấn tích cực trong tư duy, hành động, cách ứng xử của con người Việt Nam: Tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn. Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn “những điều thích hợp với điều kiện nước ta”, đó là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.
Những giá trị phương Tây. Trong ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh sống chủ yếu ở châu Âu, đặc biệt là ở Mỹ, Anh, Pháp, và hơn hết là những năm tháng sống và hoạt động ở Pháp, nên Người cũng chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của nền văn hóa dân chủ và cách mạng của phương Tây.
Người đã nhanh chóng tiếp thu được vốn tri thức của thời đại, nâng cao trình độ sử dụng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa Pháp và một số nước khác; tiếp thu được tư tưởng dân chủ và cách mạng của phương Tây, đến với quê hương của lí tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, Hồ Chí Minh được tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm của các nhà tư tưởng khai sáng: Vônte, Rútxô, Môngtétxkiơ,… Đặc biệt, Người chịu ảnh hưởng sâu sắc về tư tưởng tự do, bình đẳng của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1971 của Đại cách mạng Pháp. Cũng như giá trị về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của Tuyên ngôn độc lập năm 1776. Từ đó, Người đã dần hình thành được phong cách làm việc dân chủ trong thực tiễn cuộc sống.
2.Những giá trị truyền thống.
Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được bắt nguồn từ chính những truyền thống tư tưởng – văn hóa của dân tộc, góp phần hun đúc nên con người này. Dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những truyền thống tốt đẹp và cao quý.
Trước hết có thể kể đến tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong hoạn nạn, khó khăn. Truyền thống này cũng hình thành cùng một lúc với sự hình thành dân tộc, từ hoàn cảnh và nhu cầu đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm. Người Việt Nam quen sống gắn bó với nhau trong tình làng nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn có nhau. Bước sang thế kỷ 20, mặc dù xã hội Việt Nam đã có sự phân hóa về giai cấp, truyền thống này vẫn còn rất bền vững. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã chú ý kế thừa, phát huy sức mạnh của truyền thống nhân nghĩa, nhấn mạng bốn chữ “đồng” (đồng tình, đống sức, đồng lòng, đồng minh). Ngoài ra, những giá trị về lòng khoan dung, độ lượng, thông minh, sáng tạo…cũng là những phẩm chất đáng quý của dân tộc Việt Nam.
Nhưng trên hết, thì chủ nghĩa yêu nước vẫn là cốt lõi, là dòng chảy chính của tư tưởng văn hóa Việt. Kể đến chủ nghĩa yêu nước không thể không nói đến ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Các cuộc đấu tranh của dân tộc với những chiến thắng vẻ vang và những anh hùng cứu quốc đã đủ phản ánh chân lý đó một cách hùng hồn. Chủ nghĩa yêu nước là dòng lưu chảy xuyên suốt trường kỳ lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất, đứng đầu bảng giá trị văn hóa – tinh thần Việt Nam. Mọi học thuyết đạo đức, tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều được tiếp nhận khúc xạ qua lăng kính của tư tưởng yêu nước đó. Tình yêu đất nước không phải là tình cảm bẩm sinh, mà là sản phẩm của sự phát triển lịch sử, gắn liền với một đất nước nhất định. Chính tinh thần yêu nước nồng nàn đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thế lực xâm lược. Qua những cuộc chiến đấu trường kỳ đầy gian khổ đó, chủ nghĩa yêu nước đã trở thành dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam, trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn những người dân đất Việt.
3. Chủ nghĩa Mác- Lênin.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là nhân tố ảnh hưởng và tác động quyết định đến quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh: Đó là cơ sở hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học của Hồ Chí Minh, nhờ đó mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có bước phát triển về chất từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Chính trên cơ sở của lý luận Mác-Lênin đã giúp Người tiếp thu và chuyển hoá những nhân tố tích cực, những giá trị và tinh hoa văn hoá của dân tộc và của nhân loại để tạo nên tư tưởng của mình phù hợp với xu thế vận động của lịch sử. Vì vậy, trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh thì chủ nghĩa Mác-Lênin có vai trò to lớn, là cơ sở lý luận quan trọng nhất.
“Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đối với Người, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin cũng có nghĩa là đến với con đường cách mạng vô sản. Từ đây, Người thực sự tìm thấy con đường cứu nước chân chính, triệt để: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh có bước nhảy vọt lớn: kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, kết hợp dân tộc với giai cấp, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; nâng chủ nghĩa yêu nước lên một trình độ mới trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có sự kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là sự kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cả phương Đông và phương Tây. Hồ Chí Minh đã từng tỏ rõ thái độ của mình đối với việc học tập, tiếp thu những học thuyết của các lãnh tụ chính trị, xã hội, tôn giáo trong lịch sử. Người nói: "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, C. Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn "mưu hạnh phúc cho loài người, mưu hạnh phúc cho xã hội...". Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy".
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng Mác - Lê-nin, bắt nguồn chủ yếu từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà là sự tổng hòa, sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh hoa văn hóa nhân loại với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin. Việc tiếp thu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác Lê-nin của Hồ Chí Minh là cả quá trình gắn với hoạt động thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn, xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn. Người nhấn mạnh rằng, việc học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trước hết phải nắm vững "cái cốt lõi", "linh hồn sống" của nó là phương pháp biện chứng; học tập"tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta". Người còn chỉ rõ: "Hiểu chủ nghĩa Mác Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin".
Trên cơ sở đó Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo của riêng mình đóng góp vào cách mạng vô sản thế giới, và những quan điểm này đã được chứng minh bằng thực tế cách mạng Việt Nam. Có thể kể tới quan điểm của Hồ Chí Minh về sự ra đời của Đảng cộng sản - tổ chức chính trị quan trọng trong cách mạng vô sản. Theo Lê nin thì Đảng cộng sản các nước ra đời theo “ công thức” đó là sự kết hợp giữa phong trào công nhân phương Tây với chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, khi nghiên cứu vấn đề này trên cơ sở tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê nin thì Hồ Chí Minh đã bổ sung vào “ công thức” cho sự ra đời của đảng một yếu tố khác vô cùng quan trọng. Đó là đối với sự ra đời của Đảng cộng sản ở Việt Nam cần thiết phải có ba yếu tố: chủ nghĩa Mác- Lênin; phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Với thực tiễn cách mạng Việt Nam thì sự bổ sung này là vô cùng quan trọng bởi phong trào yêu nước có vị trí, vai trò cực kỳ to lớn trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phong trào công nhân kết hợp với phong trào yêu nước còn vì hai phong trào này đều có mục tiêu chung, yêu cầu chung: giải phóng dân tộc, làm cho Việt Nam được hoàn toàn độc lập. xây dựng đất nước hùng cường. Nếu phong trào công nhân không gắn bó chặt chẽ với phong trào yêu nước, không trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước, thì cách mạng cũng không đủ lực lượng để mở rộng được cuộc đấu tranh và đưa nó đến thắng lợi. Nếu phong trào yêu nước không được dẫn dắt bởi giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản thì cuộc đấu tranh của nó cũng không đi đến thắng lợi. Thành công của Hồ Chí Minh chính là ở chỗ đã kết hợp nhuần nhuyễn những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về xây dựng đảng kiểu mới với việc phân tích sâu sắc tình hình thực tế của cách mạng Việt Nam để hoàn thành lý luận về xây dựng Đảng của mình.
Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn có những sự sáng tạo, đóng góp những quan điểm mới mẻ của mình để làm phong phú hơn, toàn diện hơn cho chủ nghĩa Mác - Lê nin. Tất cả đã cho thấy sự tiếp thu có chọn lọc, có chủ đích của Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa Mác – Lê nin sao cho nó thật sự phù hợp, hợp lý và có hiệu quả đối với cách mạng Việt Nam.
4.Những phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố nhân cách, phẩm chất và năng lực tư duy của bản thân Người. Bởi đây là sản phẩm hoạt động tinh thần của cá nhân, do Người sáng tạo nên. Trong những phẩm chất đó phải kể tới:
Thứ nhất là khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Với đầu óc phê phán tinh tường, sáng suốt khi nghiên cứu, tìm hiểu các cuộc cách mạng tư sản hiện đại, Người đã đánh giá đúng bản chất của các cuộc cách mạng đó, không để bị đánh lừa bởi cái hào nhoáng bề ngoài của những khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái,...
Thứ hai là sự khổ công học tập và rèn luyện nhằm chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú của thời đại, vốn kinh nghiệm đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế để có thể tiếp cận được với chủ nghĩa Mác Lênin, khoa học về cách mạng của giai cấp vô sản quốc tế.
Thứ ba là tâm hồn của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng, một trái tim yêu nước thương dân, yêu thương những người cùng khổ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những phẩm chất trên đã trở thành một trong những nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh và có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển tư tưởng của Người, giúp Người hiểu rõ bản chất của những vấn đề trong thực tại, tìm và phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, có những tiên đoán chính xác về những gì sẽ diễn ra trong tương lai.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự tổng hòa và phát triển biện chứng tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc, tinh hoa tư tưởng văn hóa của phương Đông và phương Tây với chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng, cùng với thực tiễn của dân tộc và thời đại qua sự tiếp biến và phát triển của Hồ Chí Minh – một con người có tư duy sáng tạo, có phương pháp biện chứng, có nhân cách, phẩm chất cách mạng cao đẹp tạo nên. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của Việt Nam hiện đại./.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ GD – ĐT, Nxb CTQG, tr12-15.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh, một số nhận thức cơ bản, TS. Nguyễn Mạnh Tường, Nxb CTQG, tr 30 – 35;
3. Trang web: dientuvienthong.net
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nguồn gốc của Đảng cộng sản Việt Nam.doc