Pháp luật là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng được hình thành trên cơ sở hạ tầng tương ứng, muốn pháp luật phát huy được vai trò tích cực của mình trong việc định hướng sự vận động của xã hội, phục vụ được mục tiêu của nhà nước thì đòi hỏi nó phải thực tế, phù hợp với những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần xây dựng được hệ thống những nguyên tắc mang tính chuẩn mực và quan trọng là ứng dụng nó vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả. Để làm được điều đó, pháp luật nói chung và pháp luật Tố tụng dân sự nói riêng cần có sự điều chỉnh theo phương hướng mang tính khả thi nhất. Trong khuôn khổ, bài viết đề cập đến nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự và việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này.
10 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5429 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự và việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI: Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự và việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này.
Bài làm
A – MỞ ĐẦU
Pháp luật là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng được hình thành trên cơ sở hạ tầng tương ứng, muốn pháp luật phát huy được vai trò tích cực của mình trong việc định hướng sự vận động của xã hội, phục vụ được mục tiêu của nhà nước thì đòi hỏi nó phải thực tế, phù hợp với những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần xây dựng được hệ thống những nguyên tắc mang tính chuẩn mực và quan trọng là ứng dụng nó vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả. Để làm được điều đó, pháp luật nói chung và pháp luật Tố tụng dân sự nói riêng cần có sự điều chỉnh theo phương hướng mang tính khả thi nhất. Trong khuôn khổ, bài viết đề cập đến nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự và việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này.
B – NỘI DUNG
I/ Khái quát về nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự
Các nguyên tắc của Luật tố tụng dân sự được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Đó là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tố tụng dân sự và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật tố tụng dân sự. Trong tố tụng dân sự, việc thực hiện đúng các nguyên tắc này tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự được thuận lợi, ngăn chặn được những tiêu cực nảy sinh trong quá trình tố tụng, bảo đảm cho các đương sự có thể bảo vệ được quyền, lợi ích của họ trước Tòa án.
Tố tụng dân sự là một quá trình phức tạp. Đương sự chỉ có thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ. Vì vậy, bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự được pháp luật tố tụng dân sự quy định là một nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng dân sự.
II/ Nội dung nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự
1, Cơ sở pháp lý
“Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” ( Khoản 1 Điều 56 BLTTDS)
Ngay từ những văn bản pháp luật đầu tiên của nhà nước ta như Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949, Luật TCTAND, nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự đã được ghi nhận như một nguyên tắc “then chốt” trong việc thực hiện quy trình tố tụng. Hiện nay, nguyên tắc này được kế thừa và được quy định tại Điều 9 BLTTDS. Điều luật này quy định những vấn đề cơ bản của nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự: “Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ.”
Bên cạnh đó, Điều 58 BLTTDS cũng quy định rất cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia tố tụng.
2, Đảm bảo cho các đương sự tự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ
Quyền tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án là quyền tố tụng dân sự của đương sự. Đó cũng là một nội dung quan trọng của việc bảo đảm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Thông qua việc thực hiện quyền này, đương sự đưa ra được yêu cầu, chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền lợi của mình trước Tòa án.
2.1 Quyền khởi kiện, thay đổi yêu cầu, phản đối yêu cầu của đương sự
Trước tiên, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện ở quyền khởi kiện vụ án dân sự - một phương thức pháp luật cho phép mỗi người được thực hiện để đưa ra yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc khởi kiện này là sự khởi đầu cho các hoạt động tố tụng dân sự và là cơ sở để các đương sự thực hiện các quyền tố tụng dân sự tiếp theo. Quyền khởi kiện vụ án dân sự chính là đặc quyền pháp luật quy định cho mọi người trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích đã được thừa nhận. Nó đã được ghi nhận một cách cụ thể tại Điều 161 BLTTDS “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”
Tuy nhiên, để thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự cũng như các quyền tố tụng khác, đương sự phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Đó là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. (Theo Khoản 2 Điều 57 BLTTDS).
Đối với người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự (chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất hoặc mắc bệnh tâm thần) thì cha, mẹ, người giám hộ, người đỡ đầu sẽ đại diện tham gia tố tụng. Để bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này, pháp luật quy định quyền khởi kiện vụ án dân sự của họ do người đại diện thực hiện.
Tùy thuộc vào yêu cầu khởi kiện, để thực hiện được quyền năng này, đương sự còn phải thỏa mãn một số điều kiện khác như: không khởi kiện những việc đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, việc khởi kiện phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện…
Tòa án xem xét đơn khởi kiện trong một thời hạn luật định, nếu thấy việc khởi kiện thỏa mãn các điều kiện thì Tòa thụ lý vụ án dân sự để giải quyết. Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện trong những trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.
Sau khi khởi kiện vụ án, đương sự có quyền: “ Rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện” (điểm b Khoản 1 Điều 59 BLTTDS). Quyền thay đổi yêu cầu khởi kiện của đương sự xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự nhưng đây cũng là biện pháp pháp lý cần thiết để đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ bởi trong nhiều trường hợp các đương sự có thể đưa ra yêu cầu không đầy đủ, không chính xác do họ không dự liệu được hết các tình huống của vụ án.
Đối với đương sự là bị đơn, để bảo đảm quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, BLTTDS quy định, họ được “ b,Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
c) Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu”. ( Theo Điều 60 BLTTDS). Bởi đưa ra yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình là của mọi người có quyền và lợi ích bị xâm phạm.
Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, họ cũng được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Họ có thể tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn. Họ cũng có quyền đưa ra các yêu cầu và phản đối yêu cầu của các đương sự khác và được Tòa án xem xét.
2.2 Quyền bình đẳng trong việc cung cấp chứng cứ, được biết chứng cứ do đương sự bên kia cung cấp, yêu cầu Tòa án tiến hành những biện pháp điều tra cần thiết
Theo quy định của BLTTDS, thì chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật mà đương sự giao nộp cho Toà án hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục mà BLTTDS quy định để xác định yêu cầu của đương sự là có căn cứ, có hợp pháp hay không, giúp cho việc giải quyết vụ việc dân sự được đúng đắn.
Điều 82 BLTTDS quy định về các nguồn của chứng cứ .Việc quy định chứng cứ chặt chẽ, rõ ràng như vậy là để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đương sự, bảo đảm cho việc giải quyết của Toà án được đúng đắn khách quan và để khắc phục tình trạng tài liệu giả; chứng cứ giả. Trong vụ việc dân sự mà đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, là hợp pháp. Và quyền cung cấp chứng cứ của các đương sự là bình đẳng. Đây chính là điều kiện tốt nhất để thông qua đó, các đương sự có thể khai thác hiệu quả các chứng cứ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Pháp luật TTDS không quy định cụ thể về thời hạn cung cấp chứng cứ. Vì vậy, trong mọi giai đoạn của quá trình TTDS, đương sự có thể cung cấp cho Tòa án. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, tạo điều kiện cho Tòa án nghiên cứu, đánh giá đúng giá trị chứng minh của chứng cứ, đương sự cần cung cấp chứng cứ trước khi mở phiên tòa xét xử vụ án. Tòa án có trách nhiệm ghi nhận, đưa chứng cứ vào hồ sơ vụ án và nghiên cứu, sử dụng một cách khách quan, toàn diện.
Bên cạnh đó, BLTTDS còn quy định các đương sự có quyền “Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập” ( điểm d khoản 2 Điều 58 BLTTDS). Quy định này sẽ giúp cho các đương sự chuẩn bị được chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thêm một cách thức để bảo đảm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ đó là Tòa án phải áp dụng biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ. Bao gồm:
a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
b) Trưng cầu giám định;
c) Quyết định định giá tài sản;
d) Xem xét, thẩm định tại chỗ;
đ) Uỷ thác thu thập chứng cứ;
e) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự
( Theo Điều 85 BLTTDS)
2.3 Quyền yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch là những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có vai trò quyết định trong việc giải quyết vụ án dân sự. Chính vì vậy mà việc họ có khách quan trong quá trình tố tụng dân sự hay không sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Những trường hợp có nguy cơ dẫn đến việc không khách quan trong việc giải quyết vụ án, pháp luật quy định họ phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. Những căn cứ để thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch được quy định tại các Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 70 BLTTDS.
Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch cũng được ghi nhận là quyền của đương sự để đảm bảo quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Quyền này được thực hiện trước hoặc trong phiên tòa. Do vậy, Tòa án phải có trách nhiệm thông báo cho đương sự biết những người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án trước khi quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2.4 Quyền tham gia hòa giải
Hòa giải luôn được coi là phương thức giải quyết tranh chấp tốt nhất. Đó là sự thương lượng, thỏa thuận giữa các bên tranh chấp nhằm đưa ra phương án giải quyết mâu thuẫn tốt nhất cho các bên. Vì vậy, việc bảo đảm quyền bảo vệ của các đương sự trong tố tụng dân sự cũng có nghĩa là đảm bảo cho các đương sự được tham gia tham gia hòa giải. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải chủ động việc hòa giải để giúp các đương sự thỏa thuận hướng giải quyết vụ án để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. BLTTDS quy định Tòa án hòa giải tất cả các vụ án dân sự trừ một số trường hợp đặc biệt. Khi hòa giải, các đương sự có quyền có mặt tham gia hòa giải. Trong trường hợp đương sự vắng mặt,Tòa án hoãn việc hòa giải. Bên cạnh đó, khi hòa giải, Tòa án hướng dẫn, giúp đỡ đương sự trong việc nhận thực quyền lợi, nghĩa vụ của họ để thỏa thuận giải quyết vụ án theo đúng pháp luật. Ngoài việc hòa giải dưới sự hướng dẫn của Tòa án, đương sự còn có quyền tự hòa giải trong suốt quá trình tố tụng dân sự.
2.5 Quyền tham gia phiên tòa
Phiên tòa là nơi xem xét và giải quyết các vấn đề của vụ án dân sự. Kết thúc phiên tòa, quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự được Tòa quyết định ghi trong bản án và được đảm bảo thi hành. Bởi vậy, việc tham gia tố tụng tại phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm bảo quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ. Quyền tham gia phiên tòa của đương sự cũng được ghi nhận tại điểm I khoản 2 Điều 59 BLTTDS.
Ngoài ra pháp luật còn trao cho đương sự một quyền rất quan trọng nữa đó là quyền được tham gia tranh luận tại phiên tòa. Đây là điều kiện cần thiết để Hội đồng xét xử nắm bắt được tất cả các tình tiết vụ án. Đồng thời, đây cũng là biện pháp tốt để các đương sự đưa ra những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục trên cơ sở pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án.
2.6 Quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án
Các đương sự có quyền “Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Toà án theo quy định của Bộ luật này” ( điểm o khoản 2 Điều 59 BLTTDS). Đó là vệc đương sự bày tỏ sự chống đối bản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp trên phúc thẩm lại. Đây là một phương tiện pháp lý pháp luật quy định cho các đương sự được thực hiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
3, Đảm bảo cho đương sự thực hiện được việc ủy quyền hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ
Việc bảo đảm quyền của đương sự được ủy quyền cho người khác đại diện, được đại diện, hỗ trợ pháp lý trong tố tụng dân sự là một nội dung cơ bản của nguyên tắc đảm bảo quyền bảo vệ của đương sự bởi không phải đương sự nào cũng hiểu biết pháp lý, có kinh nghiệm tố tụng để dễ dàng thực hiện tốt được quyền tố tụng dân sự của mình. Vì vậy, quyền được ủy quyền ủy quyền hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ là một điều cần thiết.
3.1 Quyền ủy quyền cho luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác đại diện trong tố tụng dân sự của đương sự
Quyền ủy quyền cho luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác đại diện trong tố tụng dân sự của đương sự là một bảo đảm cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Thông qua hoạt động tố tụng của những người này, đương sự có thể thực hiện tốt nhất các quyền tố tụng dân sự để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
3.2 Quyền của đương sự được đại diện trong tố tụng dân sự
Đương sự là người có năng lực hành vi tố tụng dân sự được tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự được lựa chọn luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác đại diện trong tố tụng dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Đương sự là người không có năng lực hành vi dân sự, phải có người đại diện tham gia tố tụng. Thông qua hoạt động tố tụng của người đại diện, những hạn chế của đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được khắc phục.
3.3 Quyền nhờ người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự
Việc đương sự cần sự hỗ trợ pháp lý của các luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác là một yêu cầu khách quan của hoạt động tố tụng dân sự. Thông qua sự hỗ trợ pháp lý này, đương sự nhận thức đúng được quyền, lợi ích của mình, đề ra yêu cầu đúng, đưa ra lý lẽ thuyết phục để bảo vệ một cách hiệu quả nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong tố tụng dân sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có vị trí pháp lý độc lập với đương sự. Họ là người cố vấn pháp lý cho đương sự tham gia tố tụng và biện hộ cho họ trước Tòa án.
4, Tòa án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tạo điều kiện cho các đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ
Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để giải quyết lợi ích cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc đảm bảo việc thi hành án tạo điều kiện cho các đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Theo quy định của BLTTDS, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, đương sự áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời sau:
Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.
Kê biên tài sản đang tranh chấp.
Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
Và một số biện pháp khác…( Theo Điều 102 BLTTDS)
III/ Trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Trong tố tụng dân sự, Tòa án có trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Cụ thể hơn, đó là việc bảo đảm cho đương sự thực hiện được các quyền tố tụng dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Đó là việc xác định đầy đủ đương sự là những ai để triệu tập họ đến tham gia tố tụng. Đó là việc giải thích cho các đương sự biết và giúp đỡ họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hay việc áp dụng các biện pháp cần thiết để tạo điều kiện cho các đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ… Trách nhiệm của Tòa án thực hiện đến đâu, Tòa án thực hiện trách nhiệm đó của mình như thế nào có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong quá trình tố tụng.
IV/ Đánh giá
Đương sự có vai trò quan trọng hàng đầu, họ phải tự bảo vệ lấy quyền và lợi ích của mình khi có tranh chấp xảy ra phù hợp với nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, điều này khác hẳn so với trong tố tụng hình sự khi mà bị can bị cáo có quyền chứ không có nghĩa vụ chứng minh. Và quyền năng này được pháp luật bảo đảm thực hiện. Khi đương sự không có đủ khả năng về kiến thức pháp lý cũng như kinh nghiệm tố tụng trước tòa án thì họ có thể nhờ những người đáp ứng được yêu cầu này tham gia tố tụng, thay mặt mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đây chính là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự Trong điều kiện hạn chế về nhận thức thì đây là giải pháp quan trọng để đương sự có thể tự bảo vệ mình. Một trong các biện pháp để tăng cường sự tự bảo vệ của đương sự là khuyến khích sự tham gia từ phía luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Điểm mới của BLTTDS so với các pháp lệnh trước kia là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thay mặt các đương sự trình bày yêu cầu và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, sau đó đương sự bổ sung ý kiến. Khi đến phần các đương sự được hỏi tại phiên toà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể trình bày thay đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm tham gia tố tụng nên quy định này sẽ giúp cho chất lượng phiên toà và việc bảo vệ quyền lợi của đương sự được thực hiện tốt hơn đồng thời phát huy tối đa khả năng và vai trò của người bảo vệ quyền lợi của đương sự nói chung, luật sư nói riêng trong hoạt động tố tụng.
C – KẾT LUẬN
Gần đây dự thảo luật bổ sung một nguyên tắc đặc biệt quan trọng làm bảo đảm quyền tranh luận. Dự thảo luật bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận. “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, toà án tạo điều kiện để các bên tranh chấp thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”. Nguyên tắc này còn được thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng tại toà án, từ giai đoạn thụ lý vụ án dân sự đến giai đoạn thu thập chứng cứ và xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận sẽ góp phần bổ trợ cho nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự tạo điều kiện cho các đương sự bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
MỤC LỤC
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam – Đại học Luật Hà Nội
2, Bộ luật tố tụng dân sự
3, website : thongtinphapluatdansu.wordpress.com
4,
5,
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong Tố tụng dân sự và việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này.doc