Phần mở đầu
B. Phần nội dung
I. Khái quát về nguyên tắc một vợ một chồng
1. Nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng - một trong những nền tảng của hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam
2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hình thành và phát triển nguyên tắc
2.1- Quan điểm của chủ nghĩa Mác lê-nin
2.2- Quan điểm đường lối của Đảng
2.3- Cơ sở kinh tế- xã hội của sự hình thành nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
3. Nội dung cơ bản của nguyên tắc
II. Quá trình hình thành và phát triển nguyên tắc hôn nhân một vợ , một chồng trong pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam qua các thời kỳ
1. Giai đoạn trước khi có luật hôn nhân và gia đình năm 1959
2. Giai đoạn tự khi có luật hôn nhân và gia đình năm 1959 đến nay
III. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
C. Phần kết
11 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4949 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng ở Việt Nam - Lịch sử phát triển và thực tiễn áp dụng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mở đầu
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 09/6/2000 đã lần đầu tiên ghi nhận một cách khái quát rõ rang các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, qua đó khẳng định những tư tưởng chủ đạo, quán triệt suốt quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật hôn nhân và gia đình ở Việt Nam. Những nguyên tắc cơ bản của Luật này có một ý nghĩa to lớn, là sự định hướng vững chắc của Đảng và Nhà nước cho việc thực hiện những quan hệ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế tất yếu của xã hội loài người. Những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình 2000 nhìn chung đã phát huy được vai trò, tác dụng trong thực tế cuộc sống hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, do xuất phát từ tình hình thực tế thực hiện quan hệ hôn nhân và gia đình còn bộc lộ không ít những trường hợp vi phạm các nguyên tắc của luật hôn nhân gia đình ở nhiều địa phương.
Tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức và mọi cá nhân. Đó là cơ sở vững chắc cho việc xóa bỏ tận gốc rễ những tàn dư còn lại của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến đồng thời chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của hôn nhân gia đình tư sản để củng cố chế độ hôn nhân gia đình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu, đề ra các biện pháp hữu hiệu đảm bảo các nguyên tắc đó trở thành những nguyên tắc của cuộc sống là một yêu cầu cấp thiết, trong đó có nguyên tắc “hôn nhân một vợ, một chồng”.
Nội dung
Khái quát về nguyên tắc một vợ một chồng
Nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng - một trong những nền tảng của hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam
“Nguyên tắc” là điều cơ bản, những nguyên lý phản ánh những quy luật khách quan và được coi là cái chuẩn cho một quá trình hoạt động. Trong khoa học pháp lý cũng vậy, bất cứ một hệ thống pháp luật nào cũng được xây dựng trên cơ sở những tư tưởng chỉ đạo nhất định. Pháp luật là công cụ của nhà nước , được dung để điều chỉnh những quan hệ xã hội, hướng chúng đi theo một trật tự có lợi nhất cho nhà nước và cho xã hội. Ở mỗi quốc gia, nhà nước trên cơ sở những mục tiêu trước mắt và lâu dài, định hình nên những hướng chỉ đạo cho việc điều chỉnh pháp luật trong các lĩnh vực. Trong hệ thống pháp luật, những tư tưởng chỉ đạo đó xuyên suốt quá trình lập pháp cũng như thi hành và áp dụng pháp luật. Để có một sự thống nhất trong quá trình lập pháp, thi hành và áp dụng, cần có những nguyên lý chung chỉ đạo mang tính bắt buộc. Những nguyên lý chỉ đạo này được gọi là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam , luật hôn nhân và gia đình có những nguyên tắc cơ bản riêng., trong đó nguyên tắc hôn nhân một vợ , một chồng là một trong những nguyên tắc quan trọng, gắn liền với lịch sử phát triển của gia đình Việt Nam. Nội dung nguyên tắc này thể hiện quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước ta trong việc xây dựng, thực hiện quan hệ hôn nhân và gia đình, cụ thể hóa những quy định của hiến pháp về hôn nhân và gia đình. Nguyên tắc này có những đặc điểm sau:
Là nguyên lý chỉ đạo việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng trong gia đình, được quy định trong văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình, cụ thể là tại khoản 1 điều 2 luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Nguyên tắc này thể hiện tính độc lập nhưng đồng thời cũng gắn bó với những nguyên tắc khác tạo thành thể thống nhất. Nội dung của nguyên tắc này thể hiện tạp trung chế độ hôn nhân và gia đình mà Đảng và nhà nước ta chủ trương xây dựng.
Nguyên tắc này thể hiện dưới dạng các quy phạm pháp luật, mang tính chỉ đạo, định hướng, thuộc nhóm những quy phạm chuyên biệt Do đó nó không trực tiếp điều chỉnh một quan hệ hôn nhân và gia đình cụ thể .
Với những đặc điểm đó, nguyên tắc này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành luật hôn nhân và gia đình. Điều đó được thể hiện ở những đặc điểm chủ yếu sau:
Là cơ sở đảm bảo sự nhất quán, thống nhất trong việc xây dựng những chế định, những quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình. Để điều chỉnh những quan hệ hôn nhân và gia đình, nhà nước phải xây dựng các quy phạm pháp luật cụ thể. Các quy phạm này phải thống nhất với nhau trong một chế định và ngành luật. Cơ sở cho sự thống nhất đó chính là những nguyên tắc cơ bản. Như vậy, nguyên tắc này được coi là nền tảng của hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Là cơ sở cho việc giải thích pháp luật, quy phạm pháp luật và áp dụng pháp luật trong trường hợp có tranh chấp. Thông thường, khi xây dựng những quy phạm pháp luật, nhà lập pháp luôn chú ý đảm bảo tính rõ rang đầy đủ, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp thiếu quy phạm pháp luật cụ thể để điều chỉnh quan hệ xã hội nảy sinh hoặc xảy ra tranh chấp về cách hiểu và áp dụng luật. Trong những trường hợp đó, cần phải lấy “tinh thần” pháp luật hôn nhân và gia đình để giải quyết.Tinh thần của pháp luật hôn nhân gia đình thể hiện chính trong nội dung của những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân và gia đình, trong đó có nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng.
Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hình thành và phát triển nguyên tắc
2.1- Quan điểm của chủ nghĩa Mác lê-nin
Chủ nghĩa Mác- lê nin nhìn nhận hôn nhân và gia đình là những hiện tượng xã hội có quá trình phát sinh, phát triển, do các điều kiện kinh tế- xã hội quyết định. Trong tác phẩm : “ Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, Mác và Ăng ghen đã chứng minh một cách khoa học rằng: lịch sử của gia đình là lịch sử của quá trình xuất hiện chế độ quần hôn, chuyển sang gia đình đối ngẫu, phát triển lên gia đình một vợ một chồng – là quá trình không ngừng hoàn thiện hình thức gia đình, trên cơ sở sự phát triển của các điều kiện sinh hoạt vật chất của con người.
Mác và Ăng ghen đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng hình thức hôn nhân một vợ một chồng ra đời trên cơ sở sự xuất hiện của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và những tài sản khác trong xã hội. Được củng cố bởi chính sách, pháp luật của giai cấp thống trị bóc lột, ngay từ khi mới ra đời, chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã bộc lộ tính giả dối và tiêu cực đối với số đông những người dân lao động.
Đồng hành với chế độ hôn nhân một vợ một chồng là nạn mại dâm công khai và tệ ngoại tình. Phản ánh về tình trạng này, Ăng ghen viết : “ Ngày nay trong môi trường tư sản, hôn nhân được tiến hành theo hai cách. Trong các nước theo đạo Thiên chúa, thì vẫn như trước kia , tức là cha mẹ tìm cho đứa con trai tư sản của mình một người vợ xứng đáng, và kết quả dĩ nhiên của việc làm này là làm cho mâu thuẫn chứa đựng trong chế độ một vợ, một chồng phát triển đầy đủ nhất: chế độ Hê- ta- ai về phía người chồng là chế độ hê-ta-ia bừa bãi, về phía vợ là ngoại tình lu bù. Nhà thờ Thiên chúa giáo sở dĩ bác bỏ ly hôn, có lẽ cũng chỉ vì nó đã thấy rằng không có phương thuốc nào trj được ngoại tình, cũng như không có phương thuốc nào trị được cái chết cả. Trái lại, ở các nước theo Đạo Tin lành thì thông thường người ta để cho đứa con trai tư sản được ít nhiều tự do chọn vợ trong những người cùng cấp, thành thử một mức độ nào đó có thể là cơ sở của hôn nhân, điều mà người ta thường xuyên giả định- vì thể diện- cho phù hợp với tính chất đạo đức giả của đạo này. Ở đây, chế độ hê-ta-ia của chồng được thực hành ít tích cực hơn, và tệ ngoại tinhg của vợ cũng ít thành lệ hơn.”
Chế độ một vợ một chồng ở những thời kỳ này thể hiện công khai gia trưởng của người chồng, người cha trong gia đình. Quá trình thực hiện quyền gia trưởng tuyệt đối đó đồng thời thừa nhận sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái, sự coi rẻ quyền lợi con cái.
Một điều cơ bản nữa là cơ sở của hôn nhân. Hôn nhân tư sản được xác lập trên cơ sở tiền tài, địa vị, sự tính toán thiệt hơn về kinh tế. Về hậu quả của hôn nhân tư sản, Ăng ghen viết: “ Thường thường sự biến thành sự mại dâm ti tiện nhất- có khi là của cả đôi bên, nhưng thông thường nhất là về phía người vợ…”
Như vậy ngay trong long của xã hội tư sản, hôn nhân của người vô sản hình thành trên cơ sở tình yêu chân chính của nam và nữ tồn tại vững chắc trên cơ sở đó. Vượt lên trên những ảnh hưởng kinh tế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, những ngưiờ vô sản tự do kết hôn với nhau : “ Trong giai cấp bị áp bức, những cuộc hôn nhân thật sự tự do đó lại là thông lệ”, “ vì do bản chất của nó, tình yêu nam nữ không thể chia sẻ được- cho nên hôn nhân dựa trên tình yêu nam nữ, do ngay bản chất của nó, là hôn nhân một vợ một chồng”. Cuộc cánh mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng sau sắc và triệt để nhất. Trong cuộc cách mạng đó, chắc chắn là cơ sở kinh tế trước đây của chế độ một vợ một chồng cũng như của cải bổ sung cho nó là tệ ngoại tình , nạn mại dâm, đều sẽ bị tiêu diệt. Lúc này, hôn nhân mới có điều kiện thể hiện đúng đắn bản chất của nó là hôn nhân một vợ một chồng đích thực, trên cơ sở tình yêu nam nữ, bình đẳng nhằm xây dựng gia đình để cùng nhau thỏa mãn những nhu cầu tinh thần và vật chất.
Những tư tường cơ bản về hôn nhân và gia đình trên đây của chủ nghĩa Mác- lê nin chính là cơ sở lý luận dể định hình nên nguyên lý chỉ đạo cho việc thực hiện những quan hệ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa dân chủ tiến bộ.
2.2- Quan điểm đường lối của Đảng
Ở nước ta, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra là phải xóa bỏ tận gốc rễ những tàn dư, hủ tục lạc hậu do chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến để lại, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của hôn nhân và gia đình tư sản, đồng thời xây dựng những quan hệ mới xã hội chủ nghĩa. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã khẳng định: “ Gia đình là tế bào của xã hội…các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ…”
2.3- Cơ sở kinh tế- xã hội của sự hình thành nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Quan điểm của Đảng và Nhà nước không thể là chủ quan duy ý chí mà phải xuất phát từ thực tiễn xã hội.
Sau khi giành được chính quyền năm 1945 do cần phải tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong xã hội,tiếp tục cuộc kháng chiến chống thự dân Pháp xâm lược, chúng ta chưa thể xóa bỏ ngay được quan hệ sản xuất phong kiến. Nền kinh tế còn ở trình độ thấp, mang nặng tính tự cấp tự túc, do đó trong thời kỳ đầu, quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng phong kiến.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhân dân Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cách mạng tư tưởng văn hóa cũng được tiến hành đã dần phá tan những tư tưởng lạc hậu, do chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến để lại, hình thành nên những nhận thức mới về hôn nhân và gia đình.
Từ năm 1986, Đảng và nhà nước ta chủ trương xây dựng một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở kinh tế cho nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình nói chung tồn tại, củng cố và ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, yếu tố xã hội cũng có tác động lớn tới các quan hệ hôn nhân và gia đình. Nét đặc trưng của những quan hệ hôn nhân và gia đình là mang nặng yếu tố tình cảm, đạo đức cá nhân, phong tục tập quán, văn hóa của một dân tộc.
Có thể thấy cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, khi nhận thức của con người ngày càng được nâng cao, thì nhận thức của con người về quan hệ hôn nhân và gia đình cũng đúng đắn hơn. Vị trí, vai trò của người vợ được thừa nhận một cách bình đẳng so với người chồng trong gia đình, do đó, chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã thay thế chế độ đa thê trong pháp luật phong kiến Việt Nam.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc
Trong xã hội phong kiến, chế độ hôn nhân được xây dựng trên cơ sở chế độ chiếm hữu tư nhân về ruộng đất, đời sống vật chất và tinh thần của xã hội còn ở mức độ thấp. Chế độ hôn nhân phong kiến bảo vệ một cách tuyệt đối quyền của người gia trưởng mà một trong những nội dung của nó là thừa nhận và bảo vệ quyền đa thê. Trong xu thế phát triển của xã hội, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì chế độ tư hữu, bóc lột, nhà nước tư sản phải quy định chế độ hôn nhân và gia đình một cách dân chủ hơn. Chế độ đa thê bị bãi bỏ và thay vào đó là chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Nhưng do tính chất của quan hệ kinh tế tư bản, chế độ hôn nhân một vợ một chồng chỉ được thể hiện trên văn bản, còn trong thực tế tồn tại nhiều điều giả dối. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã tạo ra được những cơ sở kinh tế cho sự phát triển ổn định của chế độ hôn nhân một vợ một chồng, tồn tại vững chắc trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ.
Để bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định : “cấm người đang có vợ, có chồng, mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng ,có vợ”- điều 4. Nguyên tắc này còn được cụ thể hóa trong các quy định về những trường hợp cấm kết hôn và được đảm bảo thực hiện trong những quy định về hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Nội dung của nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là : chỉ những người chưa có vợ, chưa có chồng hoặc tuy đã có vợ, chồng nhưng hôn nhân đó đã chấm dứt mới có quyền kết hôn. Việc kết hôn của họ phải với người đang không có vợ, không có chồng.. Nội dung của nguyên tắc này cần được hiểu như sau:
Người đang có vợ, có chồng là người đang tồn tại trong một quan hệ hôn nhân được xác định bằng Giấy chứng nhận kết hôn hoặc hôn nhân thực tế. Đó là trường hợp:
+ Nam nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng (không vi phạm điều kiện kết hôn do Luật định) trước ngày 03/01/1987 nhưng không đăng ký kết hôn
+ Nam nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2000 và đang trong thời hạn có nghĩa vụ đăng ký kết hôn.
Những người ở trong các trường hợp trên thì luật cấm kết hôn.
Người đã có vợ, chồng nhưng hôn nhân đã chấm dứt là người thuộc các trường hợp kể trên nhưng đã có bản án cho ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật; vợ chồng của họ đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.
Chung sống như vợ chồng là việc nam nữ coi nhau là vợ chồng, chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng chăm lo cho đời sống chung.
Việc kết hôn vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng phải bị xử hủy theo luật hôn nhân và gia đình, người vi phạm có thể bị xử lý về hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên do xuất phát từ tình hình xã hội nước ta, việc thực hiện nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng có ngoại lệ trong các trường hợp sau:
Một người kết hôn với nhiều người trước ngày 13/01/1959, trước ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực.
Đối với trường hợp cán bộ, bộ đội có vợ, chồng trong nam tập kết ra bắc lấy vợ, lấy chồng khác.
Quá trình hình thành và phát triển nguyên tắc hôn nhân một vợ , một chồng trong pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam qua các thời kỳ
Giai đoạn trước khi có luật hôn nhân và gia đình năm 1959
Do đặc điểm tình hình chính trị, xã hội của những năm đầu sau khi giành được chính quyền , mặc dù rất quan tâm đến hôn nhân và gia đình nhưng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa thể ban hành được những quan hệ hôn nhân và gia đình. Nhà nước non trẻ của chúng ta đã dựa vào các quy định trong các văn bản pháp luật của chế độ cũ còn phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp 1946. Thời kỳ này, pháp luật hôn nhân và gia đình vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, với một số ít quy phạm pháp luật.
Do đó, tuy chưa chính thức ghi nhận nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng tuy nhiên thời kỳ này đã thừa nhận những nguyên tắc làm cơ sở quan hệ hôn nhân một vợ một chồng, chống lại nguyên tắc đa thê trong gia đình tồn tại lâu dài trong xã hội phong kiến Việt Nam,đó là nguyên tắc “vợ chồng bình đẳng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ”.
Hiến pháp 1946 tại điều 9 có quy định : “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Đây là tư tưởng tiến bộ phù hợp với xã hội dân chủ. Khi điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, pháp luật Việt Nam đã coi sự bình đẳng giữa vợ và chồng là một nguyên tắc cơ bản.
Giai đoạn tự khi có luật hôn nhân và gia đình năm 1959 đến nay
Từ năm 1959 đến nay, ở Việt Nam đã có ba đạo luật về hôn nhân và gia đình ra đời kế tiếp nhau. Mỗi đạo luật đều có những quy định chung trong đó có ghi nhận nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi. Nhân dân Việt Nam được hưởng hòa bình chưa lâu thì đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã âm mưu phá bỏ hiệp định Giơ ne vơ và biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới phục vụ cho những mưu đồ quân sự của nước Mỹ. Đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền với ché độ chính trị xã hội khác nhau. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã đạt được những thành tựu quan trọng, tác động mạnh mẽ vào các mặt của đời sống xã hội, trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình.
Trong các phong trào cải cách ruộng đất, phụ nữ đã tích cực đấu tranh chống phong kiến, đã được chia phần ruộng ngang với nam giới,… trong việc kết hôn và trong đời sống gia đình, so với trước có nhiều chuyển biến tốt.
Trong khi đó, những tàn dư của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiên lạc hậu vẫn còn tồn tại, đè nặng lên tư tưởng của người dân, kìm hãm sự phát triển của con người. Tình hình hôn nhân và gia đình đó “không thích hợp với việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng mới là cải tạo và phát triển kinh tế văn hóa. Vì vậy, Luật hôn nhân và gia đình cần phải thực hiện mục đích là xây dựng những gia đình dân chủ, hòa thuận, hạnh phúc.
Kế thừa những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình thời kỳ trước, để đạt được mục đích trên, lần đầu tiên nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng đã được ghi nhận tại Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959. Ngay tại điều 1, Nhà nước ta đã quy định : “ Nhà nước đảm bảo việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do tiến bộ, một vợ một chồng…”
Như vậy, trước đây mặc dù đã xác định nhiệm vụ là xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu, phản dân chủ của pháp luật, nhưng nhà nước chưa có quy định về việc thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Đây là một hạn chế của luật trước đó. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng bảo đảm cho hạnh phúc gia đình bền vững, đồng thời phù hợp với đạo đức xã hội. Nguyên tắc này còn được thể hiện trong quy định về điệu kiện kết hôn : “cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác”- điều 5 luật hôn nhân và gia đình năm 1959.
Kết luận
Hôn nhân một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nguyên tắc này một mặt thể hiện tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoặc trực tiếp điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, mặt khác góp phần chứng minh rằng Luật hôn nhân và gia đình là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện bản chất chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta quyết tâm xây dựng. Do đó chúng ta cần tìm hiểu làm rõ những vấn đề lý luận về nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng đề việc áp dụng, tuyên truyền có hiệu quả và thực thi rộng rãi nguyên tắc này, vì “tế bào của xã hội” ấm no, hạnh phúc.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng ở Việt Nam- lịch sử phát triển và thực tiễn áp dụng.doc