Những điểm mới của các quy định về thừa kế trong BLDS 2005

So với Bộ luật Dân sự (BLDS) 1995, các qui định về thừa kế trong BLDS 2005 đã có nhiều điểm mới. Về cơ cấu, bố cục của các chương mục và số lượng các điều luật không có sự thay đổi lớn, ngoài việc tăng thêm một điều luật mới (Điều 687). Về nội dung, có một số điểm mới sau đây: 1. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG: Phần này có tất cả 14 điều, nhưng có 7 điểm mới được sửa đổi, bổ sung. Ngoài sửa đổi mang tính kỹ thuật tại Điều 635 thì việc sửa đổi, bổ sung trong 6 trường hợp còn lại đã làm thay đổi cơ bản về nội dung của các điều luật. 1.1. Thứ nhất, sửa đổi qui định về di sản Khoản 2 Điều 637 BLDS 1995 qui định quyền sử dụng đất là một loại di sản thừa kế. Điều 634 BLDS 2005 bỏ qui định tại khoản 2 của Điều luật tương ứng và chỉ qui định thành 1 đoạn: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Điều này không có nghĩa là từ nay, pháp luật không thừa nhận quyền sử dụng đất là một loại di sản. Quyền sử dụng đất vẫn là một loại di sản thừa kế vì theo BLDS 2005 và Luật Đất đai 2003 thì quyền sử dụng đất là một loại tài sản và được để lại thừa kê1. Khi soạn thảo BLDS 1995, trong giới luật học có nhiều tranh cãi về việc thừa nhận “quyền sử dụng đất” là tài sản, vì nhiều người cho rằng, quyền sử dụng đất chỉ là nội dung của quyền sở hữu đất đai. Để làm rõ việc công nhận khả năng thừa kế của quyền sử dụng đất, khoản 2 Điều 637 BLDS 1995 qui định quyền sử dụng là một loại di sản đặc biệt. Cho đến nay, việc thừa kế quyền sử dụng đất dần dần đã được xã hội chấp nhận. Vì thế, BLDS 2005 không cần thiết phải qui định thêm về di sản là quyền sử dụng đất. Sự sửa đổi này là tích cực và tiến bộ hơn về kỹ thuật lập pháp so với Luật cũ vì nó làm cho điều luật trở nên tinh gọn hơn nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật. 1.2. Bổ sung qui định về thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại BLDS 1995 qui định người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại trong “phạm vi di sản” mà họ được hưởng. BLDS 2005 đã bổ sung cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” vào cuối khoản 1 và cuối khoản 3. Đây chỉ là sự thay đổi nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn về pháp lý. Về nguyên tắc, nghĩa vụ của người thừa kế đối với khoản nợ do người chết để lại vẫn nằm trong giới hạn và theo tỷ lệ di sản mà họ nhận được từ người chết, nhưng phạm vi này có thể không tương ứng với tỷ lệ di sản, thậm chí có thể lớn hơn phần di sản mà người thừa kế thực tế được hưởng, nếu các bên có thỏa thuận khác. Đây là một qui định mềm dẻo, vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của những người thừa kế và quyền lợi chính đáng của chủ nợ, vừa đề cao nguyên tắc tự định đoạt trong quan hệ dân sự, khuyến khích con cháu của người chết thực hiện thay toàn bộ nghĩa vụ mà người chết để lại, nhưng vẫn giữ được nguyên tắc “trả nợ không làm xấu đi tình trạng của người thừa kế và món nợ mà người thừa kế phải gánh chịu không được vượt quá di sản”. Mặt khác, nội dung điều luật trở nên mềm dẻo hơn, mở ra một không gian tự do nhiều hơn để giữa nội bộ những người thừa kế với nhau và với chủ nợ có thể tự thỏa thuận để thực hiện nghĩa vụ dân sự do người chết để lại, mà không bị gò bó, cứng nhắc như qui định tương ứng của Luật cũ. Qui định này thể hiện tư tưởng tiến bộ, phù hợp với xu thế chung của pháp luật dân sự trên thế giới, tôn trọng và đề cao nguyên tắc tự do, tự nguyện trong các quan hệ dân sự. 1.3. Sửa đổi qui định về việc thừa kế của những người chết cùng một thời điểm

doc13 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2871 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những điểm mới của các quy định về thừa kế trong BLDS 2005, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những điểm mới của các quy định về thừa kế trong BLDS 2005 So với Bộ luật Dân sự (BLDS) 1995, các qui định về thừa kế trong BLDS 2005 đã có nhiều điểm mới. Về cơ cấu, bố cục của các chương mục và số lượng các điều luật không có sự thay đổi lớn, ngoài việc tăng thêm một điều luật mới (Điều 687). Về nội dung, có một số điểm mới sau đây: 1. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG: Phần này có tất cả 14 điều, nhưng có 7 điểm mới được sửa đổi, bổ sung. Ngoài sửa đổi mang tính kỹ thuật tại Điều 635 thì việc sửa đổi, bổ sung trong 6 trường hợp còn lại đã làm thay đổi cơ bản về nội dung của các điều luật. 1.1. Thứ nhất, sửa đổi qui định về di sản Khoản 2 Điều 637 BLDS 1995 qui định quyền sử dụng đất là một loại di sản thừa kế. Điều 634 BLDS 2005 bỏ qui định tại khoản 2 của Điều luật tương ứng và chỉ qui định thành 1 đoạn: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Điều này không có nghĩa là từ nay, pháp luật không thừa nhận quyền sử dụng đất là một loại di sản. Quyền sử dụng đất vẫn là một loại di sản thừa kế vì theo BLDS 2005 và Luật Đất đai 2003 thì quyền sử dụng đất là một loại tài sản và được để lại thừa kê1. Khi soạn thảo BLDS 1995, trong giới luật học có nhiều tranh cãi về việc thừa nhận “quyền sử dụng đất” là tài sản, vì nhiều người cho rằng, quyền sử dụng đất chỉ là nội dung của quyền sở hữu đất đai. Để làm rõ việc công nhận khả năng thừa kế của quyền sử dụng đất, khoản 2 Điều 637 BLDS 1995 qui định quyền sử dụng là một loại di sản đặc biệt. Cho đến nay, việc thừa kế quyền sử dụng đất dần dần đã được xã hội chấp nhận. Vì thế, BLDS 2005 không cần thiết phải qui định thêm về di sản là quyền sử dụng đất. Sự sửa đổi này là tích cực và tiến bộ hơn về kỹ thuật lập pháp so với Luật cũ vì nó làm cho điều luật trở nên tinh gọn hơn nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật. 1.2. Bổ sung qui định về thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại BLDS 1995 qui định người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại trong “phạm vi di sản” mà họ được hưởng. BLDS 2005 đã bổ sung cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” vào cuối khoản 1 và cuối khoản 3. Đây chỉ là sự thay đổi nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn về pháp lý. Về nguyên tắc, nghĩa vụ của người thừa kế đối với khoản nợ do người chết để lại vẫn nằm trong giới hạn và theo tỷ lệ di sản mà họ nhận được từ người chết, nhưng phạm vi này có thể không tương ứng với tỷ lệ di sản, thậm chí có thể lớn hơn phần di sản mà người thừa kế thực tế được hưởng, nếu các bên có thỏa thuận khác. Đây là một qui định mềm dẻo, vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của những người thừa kế và quyền lợi chính đáng của chủ nợ, vừa đề cao nguyên tắc tự định đoạt trong quan hệ dân sự, khuyến khích con cháu của người chết thực hiện thay toàn bộ nghĩa vụ mà người chết để lại, nhưng vẫn giữ được nguyên tắc “trả nợ không làm xấu đi tình trạng của người thừa kế và món nợ mà người thừa kế phải gánh chịu không được vượt quá di sản”. Mặt khác, nội dung điều luật trở nên mềm dẻo hơn, mở ra một không gian tự do nhiều hơn để giữa nội bộ những người thừa kế với nhau và với chủ nợ có thể tự thỏa thuận để thực hiện nghĩa vụ dân sự do người chết để lại, mà không bị gò bó, cứng nhắc như qui định tương ứng của Luật cũ. Qui định này thể hiện tư tưởng tiến bộ, phù hợp với xu thế chung của pháp luật dân sự trên thế giới, tôn trọng và đề cao nguyên tắc tự do, tự nguyện trong các quan hệ dân sự. 1.3. Sửa đổi qui định về việc thừa kế của những người chết cùng một thời điểm Điều 644 BLDS 1995 qui định: những người thừa kế của nhau mà chết cùng một thời điểm thì không được thừa kế của nhau. Theo Ban soạn thảo BLDS 1995, thì qui định như là để bảo đảm sự công bằng giữa những người thừa kế của nhau. Hơn nữa, nếu thừa nhận họ có quyền thừa kế của nhau, thì di sản của mỗi người có thể phải chia mãi cho nhau mà không bao giờ chấm dứt. Thực tế cho thấy, qui định này không phù hợp với nguyên tắc xác định hàng thừa kế và tập tục chia thừa kế của các cộng đồng người Việt Nam. Tập quán “nước mắt chảy xuôi” thể hiện ở chỗ, khi ông bà, cha mẹ qua đời thì di sản của họ được truyền lại cho con cháu. Nếu con cháu của người thừa kế chết trước được thừa kế thế vị, mà con cháu của người thừa kế chết cùng thời điểm với người để lại di sản lại không được thừa kế thế vị, thì thật là vô lý và bất công. Do đó, Điều 641 BLDS 2005 đã sửa đổi theo hướng vẫn không thừa nhận quyền thừa kế của những người thừa kế của nhau mà chết cùng một thời điểm, nhưng ghi nhận trường hợp ngoại lệ là nếu con, cháu được thừa kế của cha mẹ hoặc của ông bà mà chết cùng thời điểm với người để lại di sản, thì cháu hoặc trực hệ sẽ được thừa kế thế vị theo qui định chung. Qui định này chấm dứt sự tranh cãi bấy lâu nay về việc thừa kế thế vị của cháu hay chắt khi người thừa kế là con chết cùng thời điểm với người để lại di sản; đồng thời cũng bảo đảm sự rõ ràng, nhất quán trong việc áp dụng pháp luật. 1.4. Bổ sung qui định về quyền từ chối nhận di sản thừa kế Khoản 3 Điều 642 BLDS 2005 bổ sung qui định: “Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế”. Bổ sung này không làm thay đổi tinh thần Điều luật, nhưng làm rõ hơn tính chất “mặc nhiên” và “tự động” của quyền thừa kế; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xác định những vấn đề có liên quan trong việc giải quyết nợ của người chết, xác định kỷ phần thừa kế bắt buộc, tiến hành các thủ tục phân chia di sản, xác định tư cách tố tụng trong việc kiện chia di sản… Nhưng theo chúng tôi, qui định này vẫn không làm “vô hiệu hóa” quyền từ chối nhận di sản. Trên thực tế, người thừa kế vẫn có quyền không nhận di sản cho đến khi di sản được phân chia mà không ai có thể buộc họ phải nhận, kể cả tòa án. Bởi vì khi di sản được chia theo thủ tục thỏa thuận hoặc thủ tục tư pháp, thì người thừa kế vẫn có quyền từ chối nhận di sản. Như vậy, nếu vận dụng các thủ tục này, thì việc ràng buộc người thừa kế “không được quyền từ chối thừa kế sau 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế” như tinh thần của Điều luật chỉ còn có ý nghĩa hạn chế. 1.5. Bổ sung qui định về di sản không có người thừa kế thì thuộc về Nhà nước Điều 647 BLDS 1995 qui định Nhà nước hưởng di sản không có người thừa kế nhưng Nhà nước không phải là người thừa kế sau cùng. Tuy nhiên, Điều luật đã không qui định rõ là Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, nên đã dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng không nhất quán. Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng không quan tâm đến nghĩa vụ của người chết đối với người khác, nên đã làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan. Khắc phục điểm yếu này, Điều 644 BLDS 2005 bổ sung như sau: “Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước.” Qui định này vẫn không làm thay đổi nguyên tắc Nhà nước được hưởng di sản không người thừa kế, nhưng xác định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi nhận di sản không người thừa kế: phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, qua đó thể hiện sự tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến di sản. 1.8. Bổ sung qui định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại Điều 648 BLDS 1995 không qui định về thời hiệu khởi kiện đòi nợ do người chết để lại. Thông tư liên ngành số 03/1996 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao dựa vào Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội để hướng dẫn thời hiệu khởi kiện đòi nợ do người chết để lại là “không hạn chế thời gian”. Qui định này đã gây ra một hậu quả tiêu cực về mặt tố tụng: bất cứ lúc nào, chủ nợ cũng có thể khởi kiện đòi nợ do người chết để lại. Thực tế đó không chỉ gây khó khăn cho tòa án trong việc điều tra, xác minh tìm chứng cứ và gây ra sự bất ổn trong các quan hệ dân sự, mà còn đe dọa xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng của người thừa kế, những người đã thực hiện nghĩa vụ từ rất lâu, nhưng không lưu giữ được chứng từ… Khắc phục nhược điểm này, BLDS 2005 đã bổ sung qui định về thời hiệu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại là 3 năm, tính từ ngày mở thừa kế. Có nghĩa, sau 3 năm kể từ ngày mở thừa kế, các chủ nợ không mẫn cán đòi nợ người thừa kế thì quyền đòi nợ chấm dứt2. Thế nhưng qui định này vẫn còn những bất cập, như: Trên thực tế, có những món nợ đã đến ngày hết thời hiệu khởi kiện theo qui định chung, nhưng khi người có nghĩa vụ chết thì được cộng thêm 3 năm nữa, làm cho thời hiệu khởi kiện thực tế kéo dài thêm rất lâu so với qui định chung; mặt khác, có những nghĩa vụ chưa tới hạn mà người có nghĩa vụ chết, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm nào: bắt đầu từ ngày đáo hạn hay bắt đầu khi người có nghĩa vụ chết, là điều còn nhiều tranh cãi. Hơn nữa, qui định thời hiệu chung cho các loại nghĩa vụ của người sống chỉ có hai năm3, nhưng đòi nợ của người đã chết thì đến những 3 năm, chưa kể khoảng thời gian trước khi con nợ chết chưa được luật cho trừ ra, là điều khó lý giải. Thiết nghĩ qui định này cần có sự giải thích và hướng dẫn của các cơ quan liên ngành để việc áp dụng pháp luật được thống nhất. 2. THỪA KẾ THEO DI CHÚC Chương XXIII gồm 28 điều luật, trong đó có 7 điều luật được sửa đổi, bổ sung. Ngoài những sửa đổi mang tính kỹ thuật tại khoản 3 Điều 650 và Điều 657, thì 5 điểm mới còn lại đều có những thay đổi cơ bản về mặt nội dung. 2.1. Sửa đổi qui định về quyền của người lập di chúc Khoản 4 Điều 648 BLDS 2005 qui định về quyền của người lập di chúc cơ bản vẫn giữ nội dung gần giống như Luật cũ, nhưng bỏ đi cụm từ “trong phạm vi di sản”. Qui định này sẽ có tác động tiêu cực đến việc người lập di chúc định đoạt di sản có kèm theo món nợ. Nếu người thừa kế tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nhiều hơn phần di sản mà mình được hưởng thì không có gì đáng nói, nhưng để cho người lập di chúc toàn quyền ấn định nghĩa vụ tài sản cho những người thừa kế để buộc họ phải thực hiện tất cả các món nợ do người chết để lại, thì thật là bất công, trong khi Điều 642 BLDS 2005 lại không cho phép người thừa kế được quyền từ chối nhận di sản sau 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Chẳng may người thừa kế không có điều kiện để biết nội dung di chúc hoặc không thể thực hiện quyền từ chối đúng thủ tục và trong thời hạn qui định, thì chắc chắn họ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ do người chết để lại, cho dù nghĩa vụ đó có thể lớn hơn di sản mà người chết để lại rất nhiều, hoặc ngay cả khi họ không được hưởng di sản. Qui định này tạo ra sự bất công và xâm phạm quyền lợi chính đáng của người thừa kế, nhất là với con, cháu chưa thành niên hoặc những người thừa kế không có khả năng kinh tế. Pháp lệnh Thừa kế và BLDS 1995 đã rất thành công trong việc xóa bỏ tục lệ lạc hậu phong kiến “phụ trái, tử hoàn”4(4). Thiết nghĩ luật không nên buộc người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại vượt quá phần di sản mà họ được nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận. 2.2. Sửa đổi và bổ sung qui định về di chúc miệng Khoản 1 Điều 651 BLDS 2005 bỏ đoạn cuối trong khoản 1 của Điều 654 và nội dung này được chuyển thành khoản 5 của Điều 652 BLDS 2005. Sự sửa đổi này không làm thay đổi nội dung mà chỉ có tác dụng làm cho Điều luật tinh gọn. Khoản 2 của Điều 651 bổ sung thêm hai từ “mặc nhiên”, làm cho Điều luật trở nên rõ nghĩa hơn. Theo Luật cũ, di chúc miệng cũng được coi là bị hủy bỏ sau 6 tháng kể từ ngày lập mà người di chúc vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, sáng suốt, nhưng không qui định thủ tục để hủy bỏ và ai có quyền tuyên bố hủy bỏ di chúc miệng. Bổ sung thêm hai từ “mặc nhiên” nhằm xác định rõ phạm vi áp dụng của Điều luật, tránh làm cho Điều luật được hiểu theo nhiều nghĩa và áp dụng không thống nhất.. 2.3. Bổ sung qui định về điều kiện để công nhận di chúc hợp pháp Điều 652 BLDS 2005 có một bổ sung rất quan trọng: “Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”. Theo đó, nhà làm luật đã qui định thêm về thời hạn xác định và thủ tục để lập bản ghi chép nội dung di chúc miệng. Pháp lệnh Thừa kế 1990 thừa nhận giá trị của di chúc miệng nhưng không qui định thủ tục ghi chép lại di chúc miệng. Khi tranh tụng tại tòa án, hầu hết các di chúc miệng đều bị tòa án bác bỏ vì không có cơ sở để tin cậy nếu chỉ dựa vào lời khai đơn phương của một bên nhân chứng hoặc khi các nhân chứng có lời khai mâu thuẫn. Khắc phục bất cập này, BLDS 1995 qui định về thủ tục lập nội dung di chúc miệng là: những người làm chứng “phải ghi chép lại bằng văn bản ngay sau đó”. Nhưng “ngay sau đó” là bao lâu thì không thể xác định được, nên thực tế có nhiều người làm chứng đã để rất lâu sau mới chịu lập văn bản ghi nội dung di chúc miệng. Điều này đã gây ra khó khăn cho tòa án trong việc thẩm định giá trị của di chúc miệng và muốn bác bỏ nó thì cũng thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng. Luật mới xác định chính xác khoảng thời gian mà người làm chứng phải viết lại nội dung di chúc miệng là “5 ngày, sau khi người di chúc miệng thể ý chí sau cùng”. Với thủ tục chặt chẽ này, hy vọng việc lập di chúc miệng sẽ đi vào qui củ hơn, bảo đảm độ chính xác và tin cậy cao hơn, ngăn ngừa sự thể hiện ý chí chủ quan của người làm chứng, tăng cường trách nhiệm của người làm chứng di chúc. Qui định này cũng thể hiện quyết tâm của nhà lập pháp nhằm loại bỏ khả năng người làm chứng có thể tự ý sửa chữa, viết lại nhiều lần hay đánh tráo văn bản ghi nội dung di chúc miệng. 2.4. Sửa đổi qui định về hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng Điều 671 BLDS 1995 qui định: “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thỏa thuận trong di chúc chung về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”. Qui định này tỏ ra phiền toái vì vấn đề thỏa thuận như vậy rất ít gặp trên thực tế và nếu các bên không thỏa thuận thì sẽ dẫn tới một điều bất hợp lý là tuy là di chúc được lập chung, nhưng di sản của từng người để lại sẽ được chia riêng. Điều đó gây khó khăn cho việc thi hành di chúc vì chỉ có một giao dịch, nhưng có đến hai thời điểm có hiệu lực khác nhau. Cũng vì thế mà nguyên tắc “củng cố tình thương yêu và đoàn kết trong gia đình” sẽ không thể thực hiện được. Khắc phục nhược điểm này, Điều 668 BLDS 2005 qui định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Qui định này tỏ ra hợp lý hơn so với qui định tương ứng trong BLDS 1995, vì một di chúc chỉ có thể có một thời điểm có hiệu lực. Tuy vậy, qui định này, tự thân nó, cũng còn vẫn chứa đựng nhiều bất cập. Liệu một di chúc chung của vợ, chồng có còn duy trì hiệu lực hay không, nếu vợ chồng được tòa án cho ly hôn hoặc được tòa án cho phép chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, sau thời điểm di chúc chung được lập?. Mặt khác, qui định này đã xâm phạm đến quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế theo pháp luật và người thừa kế bắt buộc của người vợ hoặc chồng chết trước và làm ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Theo đó, nhiều câu hỏi phức tạp đặt ra mà không dễ tìm lời giải đáp: người thừa kế hợp pháp của người vợ hay chồng chết trước có được khởi kiện để chia thừa kế của người chết hay không? Nếu thời hiệu khởi kiện thừa kế (10 năm) đã hết, nhưng di chúc vẫn chưa có hiệu lực pháp luật (vì người vợ hay người chồng còn lại vẫn còn sống) thì người thừa kế của người chết trước có được quyền khởi kiện nữa không? Nếu di sản hư hỏng hay giảm sút giá trị thì ai chịu trách nhiệm?… Thiết nghĩ nhà làm luật nên giải thích rõ thêm vấn đề này để việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất. 2.5. Sửa đổi qui định về công bố di chúc Khoản 3 Điều 672 BLDS 2005 bỏ đoạn “bản sao di chúc phải có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mở thừa kế”. Phù hợp với thực trạng pháp luật công chứng, chứng thực hiện nay (do quá tải trong hoạt động công chứng và pháp luật không bắt buộc mọi bản sao đều phải có công chứng), luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực bản sao tờ di chúc. Qui định này tỏ ra thông thoáng, thể hiện tính thực tiễn cao, làm cho Điều luật mang tính khả thi hơn, tạo điều thuận lợi hơn cho việc công bố di chúc mà vẫn bảo đảm sự minh bạch vì tại khoản 4 của Điều luật đã qui định quyền được đối chiếu bản sao di chúc với bản gốc của nó. 3. THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Phần này gồm có 7 điều luật qui định về việc thừa kế theo pháp luật, nhưng có 3 điều khoản được sửa đổi, bổ sung. Tuy số nội dung bị sửa đổi, bổ sung không nhiều, nhưng đây là những điểm mới làm thay đổi cơ bản nội dung của điều luật: 3.1. Bổ sung qui định hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba Điểm b khoản 1 Điều 679 BLDS 1995 qui định hàng thừa kế thứ hai không có cháu nội, cháu ngoại của người chết. BLDS 2005 bổ sung người thừa kế là “cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại”. Tương tự, điểm c khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 cũng bổ sung thêm người thừa kế là “chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”. Như vậy, theo qui định mới, thì ông, bà và cháu là “hàng thừa kế thứ hai của nhau”; các cụ và chắt là “thừa kế hàng thứ ba của nhau”. Việc bổ sung này đã gây ra nhiều tranh cãi trên thực tế. Có ý kiến cho rằng, diện thừa kế theo pháp luật được đặt trên 3 mối quan hệ cơ bản về gia đình: quan hệ huyết thống (trực hệ và bàng hệ), quan hệ hôn nhân (vợ - chồng hợp pháp) và quan hệ nuôi dưỡng (con nuôi và con riêng của vợ hoặc của chồng…). Thật bất hợp lý và không công bằng, nếu con hoặc cháu trực hệ (cháu nội, cháu ngoại) hoặc chắt trực hệ (chắt nội, chắt ngoại) không được đưa vào hàng thừa kế, trong khi những người khác có quan hệ huyết thống bàng hệ lại được thừa kế của người chết. Cũng không công bằng khi để cho ông, bà được thừa kế hàng thứ hai của cháu, nhưng cháu không được thừa kế ở hàng thứ hai của ông bà; tương tự, chắt không được thừa kế ở hàng thứ ba của cụ. Có ý kiến ngược lại cho rằng, qui định của luật mới thừa nhận cháu vào hàng thừa kế thứ hai và chắt vào hàng thừa kế thứ ba của người để lại di sản sẽ tạo ra sự bất cập, mâu thuẫn và chồng chéo giữa các điều luật. Vì ngoài việc được xếp vào hàng thừa kế thứ hai (đối với cháu nội, cháu ngoại) hoặc hàng thừa kế thứ ba (đối với chắt nội, chắt ngoại) thì các đối tượng này còn được xếp vào diện được thừa kế thế vị. Nếu cho cháu hoặc chắt được thừa kế thế vị thì qui định cháu thừa kế theo hàng thứ hai và chắt ở hàng thứ ba sẽ trở nên vô nghĩa, vì lúc đó việc thừa kế của hàng thứ hai và của hàng thứ ba sẽ không xảy ra. Nếu cho họ vừa được thừa kế theo hàng, vừa thừa kế thế vị thì lại vi phạm nguyên tắc chia thừa kế ưu tiên cho hàng thừa kế trước. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng qui định như trên là tiến bộ và phần nào khắc phục được những bất cập của BLDS 1995 về thừa kế thế vị; đồng thời, qui định này cũng không mâu thuẫn với qui định khác về hàng thừa kế vì những cơ sở sau đây: Thứ nhất, qui định của luật hiện hành về hàng thừa kế và thừa kế thế vị đã không bảo vệ hữu hiện quyền lợi chính đáng của cháu, chắt trong quan hệ thừa kế. Thực tế cho thấy không phải lúc nào con chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu cũng được thừa kế thế vị. Tương tự, không phải lúc nào cha, mẹ của chắt chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt đương nhiên được thừa kế thế vị. Quyền được thừa kế thế vị của cháu, chắt trong thực tế thường gặp nhiều rủi ro khiến cho họ không được thế vị, vì cha mẹ của họ không đủ điều kiện để hưởng thừa kế của người để lại di sản. Không đủ điều kiện để được hưởng di sản là rất đa dạng, bao gồm những trường người thừa kế bị tước quyền hưởng di sản; hoặc bị truất quyền hưởng di sản; hoặc từ chối di sản. Nếu cha mẹ của cháu hoặc cha mẹ của chắt thuộc 1 trong 3 trường hợp vừa nêu thì tất nhiên là cháu, chắt sẽ không thể được hưởng thế vị. Khi hàng thừa kế thứ nhất không còn bất kỳ ai đủ điều kiện để được thừa kế, thì di sản sẽ được chia cho hàng thứ hai; hàng thừa kế thứ hai không ai đủ điều kiện thì di sản sẽ chuyển xuống cho hàng thứ ba. Do đó, nếu chỉ áp dụng qui định về thừa kế thế vị thì sẽ không bảo đảm quyền được thừa kế của cháu, chắt trực hệ và cũng không bảo đảm sự công bằng trong mối quan hệ thừa kế qua - lại giữa cháu với ông bà hoặc giữa chắt với các cụ. BLDS 2005 qui định bổ sung điểm này là cần thiết, vừa khắc phục bất cập trong quan hệ thừa kế giữa cháu với ông, bà và giữa chắt với các cụ, vừa tạo điều kiện tối đa để cháu hoặc chắt có cơ hội được hưởng thừa kế. Thứ hai, qui định này và qui định về thừa kế thế vị chẳng những không chồng chéo, mâu thuẫn mà còn bổ sung cho nhau. Nếu cháu hoặc chắt được thừa kế thế vị, có nghĩa di sản sẽ không được chuyển xuống cho các hàng thứ hai và hàng thứ ba, nên sẽ không có chuyện một người vừa được thừa kế thế vị vừa được hưởng thừa kế theo hàng. Nhưng nếu chẳng may cháu hoặc chắt không được thừa kế thế vị thì vẫn có thể được hưởng thừa kế theo hàng. Tuy vậy, qui định này cũng không bảo đảm triệt để quyền thừa kế của cháu, chắt trực hệ vì trong nhiều trường hợp các cháu hoặc chắt vừa không được thừa kế thế vị vừa không được thừa kế theo hàng. Nếu cha, mẹ của cháu hoặc cha mẹ chắt đều không đủ điều kiện để được hưởng di sản; đồng thời ở hàng thừa kế thứ nhất vẫn còn người thừa kế khác đủ điều kiện để hưởng thừa kế; hoặc tương tự, nếu ở hàng thừa kế thứ hai vẫn còn người thừa kế khác đủ điều kiện hưởng thừa kế, thì cháu hoặc chắt sẽ không được hưởng thừa kế của người để lại di sản, vì họ không được chia thừa kế theo hàng và cũng không được thừa kế thế vị. Qui định này cũng tỏ ra không công bằng giữa người thừa kế đồng vị với nhau, đó là giữa cháu hoặc chắt có cha, mẹ không đủ điều kiện thừa kế so với cháu hoặc chắt có cha, mẹ đủ điều kiện hưởng thừa kế. Cháu hoặc chắt nói đến trong trường hợp thứ nhất không được thừa kế thế vị và cũng không được thừa kế theo hàng nếu hàng trước còn người khác đủ điều kiện thừa kế; còn cháu hoặc chắt nói đến trong trường hợp sau sẽ được hưởng thừa kế thế vị, tức là thay vào vị trí của cha, mẹ hoặc ông bà để hưởng thừa kế ở hàng thứ nhất. Do đó, qui định mới vẫn chưa khắc phục được bất cập trong BLDS 1995 mà chúng ta muốn sửa. Thiết nghĩ, để bảo đảm quyền được thừa kế của cháu, chắt đối với di sản do ông, bà hoặc các cụ để lại, không nên chỉ bổ sung họ vào hàng thừa kế, mà nên bổ sung luôn cả vào diện thừa kế thế vị, mới có thể bảo đảm triệt để quyền thừa kế của con cháu trực hệ. 3.2. Bổ sung qui định về thừa kế thế vị Nhằm bảo đảm sự nhất quán trong việc hưởng thừa kế thế vị của cháu trực hệ, chắt trực hệ trong trường hợp người thừa kế là con hoặc cháu nội, cháu ngoại chết cùng thời điểm với người để lại di sản so với trường hợp chết trước người để lại di sản, Điều 677 BLDS 2005 đã bổ sung như sau: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha, mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha, mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Sự bổ sung này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho cháu hoặc chắt trực hệ được hưởng thừa kế của người để lại di sản. Không có lý do nào mà người con của người thừa kế là con “chết trước” được hưởng thế vị, mà người con của người thừa kế là con “chết cùng thời điểm” lại không được thế vị. Suy cho cùng, “người con chết trước” người để lại di sản hay “người con chết cùng thời điểm” với người để lại di sản hoàn toàn giống nhau về bản chất: thứ nhất, cả hai trường hợp người thừa kế đều là con, cháu trực hệ của người để lại di sản; thứ hai, họ đều đã không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Sự bổ sung này của Luật mới làm chấm dứt tình trạng tranh cãi trong việc áp dụng qui định về thừa kế thế vị, chấm dứt việc “phân biệt đối xử” một cách bất hợp lý trong luật thực định bấy lâu nay và đảm bảo sự công bằng trong việc thừa kế thế vị giữa các cháu, chắt. Sự sửa đổi này cũng cho chúng ta thấy một điểm rất thú vị của pháp luật là, mặc dù cả hai trường hợp người thừa kế là con hoặc cháu chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản đều làm phát sinh quyền được thừa kế thế vị đối với các cháu hoặc chắt trực hệ của người để lại di sản. Nhưng giữa hai trường hợp này trên thực tế vẫn có điểm khác nhau. Vì đối với người con hay người cháu được thừa kế mà chết trước người để lại di sản, thì người để lại di sản cũng được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất (cha thừa kế của con) hoặc thứ hai (ông, bà thừa kế của cháu), hoặc được hưởng thừa kế bắt buộc phần di sản do người này để lại. Ngược lại, nếu con hoặc cháu chết cùng thời điểm với người để lại di sản, thì họ không được thừa kế của nhau. Người để lại di sản không được hưởng thêm phần di sản từ người con, cháu chết cùng thời điểm với mình, nhưng vẫn dành phần di sản để chia thừa kế thế vị cho cháu hoặc chắt theo qui định chung. Ví dụ: A có con là B và C. B có vợ là H, có con là K. A có tài sản riêng là 100 triệu. B có tài sản riêng là 90 triệu. Nếu B chết trước A thì A được thừa kế của B 30 triệu, nên khi A chết, di sản của A là 130 triệu, và khi A chết thì K (thế vị cho B) và C được hưởng thừa kế của A, mỗi người 65 triệu. Nhưng nếu A và B chết cùng thời điểm, thì A và B không được thừa kế của nhau. Do đó, B chết, H và K được mỗi người 45 triệu từ B. A chết, C và K (thế vị cho B) mỗi người chỉ được 50 triệu mà thôi. Phần di sản của A truyền lại cho những người thừa kế của mình giảm đi rõ rệt. Mặc dù vậy, qui định như trên trong Luật mới là hoàn toàn hợp lý. 4. THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN Phần này trong BLDS 1995 có 6 điều luật và được sửa đổi, bổ sung 2 điều khoản trong BLDS 2005. Cụ thể: 4.1. Bổ sung qui định về các trường hợp hạn chế phân chia di sản Ngoài hai căn cứ hạn chế phân chia di sản được qui định tại Điều 689 BLDS 1995, Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 cũng đưa điều khoản hạn chế phân chia di sản khi một bên vợ hoặc chồng chết trước mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ chồng còn sống và gia đình5… Qui định này đã được thực tế chấp nhận và phát huy tính tích cực trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan. Kế thừa qui định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, nhà làm luật đã bổ sung vào Điều luật tương ứng trong BLDS 2005 nội dung: “Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của một bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế”. Đây là qui định tiến bộ, thể hiện rõ nguyên tắc củng cố tình thương yêu đoàn kết trong gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiến bộ của Điều luật, chúng ta thấy vẫn còn những vấn đề bất cập chưa được giải quyết rốt ráo trong Điều 689 BLDS 1995 cũng như Điều 686 BLDS 2005. Cụ thể: - Đoạn 1 vẫn chưa qui định một khoảng thời gian tối đa cho việc hạn chế phân chia di sản hay căn cứ chấm dứt việc hạn chế phân chia. Điều này gây ra những bất cập mới là, sẽ có những trường hợp đáng lẽ phải chấm dứt tình trạng hạn chế phân chia di sản để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người thừa kế khác, thì lại không có căn cứ pháp lý để công nhận sự chấm dứt đó. - Qui định mới cũng đã không dự liệu được khả năng di sản bị sụt giảm nghiêm trọng do lỗi cố ý hoặc vô ý của người hưởng dụng, của người thứ ba hay do nguyên nhân bất khả kháng; luật cũng không qui định quyền được giám sát hay quyền yêu cầu của những người thừa kế để đòi chấm dứt sự hạn chế phân chia di sản đối với người hưởng dụng, cũng như quyền yêu cầu được thanh toán giá trị phần di sản bị tổn thất khi xảy ra tình huống trên. - Cả hai khoản trong Điều luật đều cho phép hạn chế phân chia di sản trong một thời hạn. Sự hạn chế này trên thực tế sẽ làm cho thời hiệu khởi kiện 10 năm bị ảnh hưởng (ngắn đi so với qui định của pháp luật). Vậy thì pháp luật có cho phép thời hiệu khởi kiện được kéo dài tương ứng với thời hạn bị hạn chế phân chia di sản hay không? Nếu có thì cơ sở pháp lý là ở đâu? Đây là những điểm bất cập mà nhất thiết phải được bổ khuyết hoặc phải được giải thích, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm tránh sự tranh cãi và sự tùy tiện, thiếu nhất quán khi áp dụng pháp luật. 4.2. Bổ sung Điều luật mới về phân chia di sản khi có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế Điều 687 BLDS 2005 qui định: “1. Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Điều luật này khắc phục tình trạng bỏ sót người thừa kế khi chia thừa kế; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để yêu cầu người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế phải hoàn trả phần di sản mà họ được chia trước khi quyền thừa kế của họ bị bác bỏ. Điều luật qui định rõ thời điểm qui đổi giá trị kỷ phần di sản là thời điểm di sản được phân chia trên thực tế, nhằm xác định rõ ràng về cách tính giá trị phần di sản mà mỗi người thừa kế được hưởng khi có tranh chấp. Tóm lại, mặc dù những qui định về thừa kế trong BLDS 2005 không được hoàn mỹ như mong đợi của nhiều người, nhưng trên thực tế nó đã có một bước tiến rất đáng kể cả về kỹ thuật lập pháp cũng như về nội dung. Nhiều bất cập trong BLDS 1995 đã được luật mới sửa đổi, hoàn thiện. Nói như vậy không phải là sau khi Bộ luật mới được thông qua, mọi sự bàn cãi, nghiên cứu thêm về các bất cập khác và các bất cập mới sẽ phát sinh, đều được xếp lại. Đòi hỏi thực tế cuộc sống luôn buộc chúng ta không ngừng phải hoàn thiện những hạn chế trong luật thực định mà chúng ta chưa kịp hoàn thiện lần này, cũng như những vướng mắc sẽ phát sinh khi áp dụng những qui định mới của luật trong thời gian tới. Chú thích: 1 BLDS 2005 dành một phần riêng để qui định về thừa kế quyền sử dụng đất (từ Điều 688 đến Điều 735) và Luật Đất đai 2003 cũng qui định về thừa kế quyền sử dụng đất rất cụ thể tại các Điều 106, Điều 113 khoản 5, Điều 114 khoản 1, Điều 121 khoản 2 điểm d, Điều 129. 2 Xem thêm khoản 7 Điều 374 và Điều 383 BLDS 2005. 3 Xem thêm các Điều 427 BLDS về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự, Điều 607 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 2 năm. 4 “Phụ trái, tử hoàn” nghĩa là cha, mẹ mắc nợ thì khi cha, mẹ qua đời, con cháu phải hoàn trả. Đây là tục lệ cũ, ràng buộc con cháu trả nợ thay cho người quá cố, dù họ không được hưởng di sản của người đó. 5 Xem thêm qui định tại khoản 1 Điều 31 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000; mục 4 Nghị quyết số 02/2000/ NQ – HĐTP của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân Tối cao ngày 23/12/2000..

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNhững điểm mới của các quy định về thừa kế trong BLDS 2005.doc
Luận văn liên quan