Những vấn đề cần sửa đổi về thẩm quyền giải
quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Cùng với việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, cần sớm sửa
đổi Điều 38 Luật đất đai và các văn bản pháp luật có
liên quan theo hướng tất cả các tranh chấp thừa kế
quyền sử dụng đất do Tòa án giải quyết và nếu quyền
sử dụng đất đó được coi là quyền tài sản hợp pháp
của người chết để lại thì nên coi là di sản và được
chia thừa kế (không phân biệt đất đó được cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa )
30 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2213 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Những vướng mắc và kiến nghị về chương thừa kế quyền sử dụng đất bộ luật dân sự, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những vướng mắc và kiến nghị về chương
THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT BỘ LUẬT
DÂN SỰ
TƯỞNG BẰNG LƯỢNG
Tòa dân sự TANDTC
I. Những vướng mắc:
Điều 637 Bộ luật Dân sự đã quy định:
“1. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần
tài sản của người chết trong tài sản chung với người
khác.
2. Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và
được để lại thừa kế theo quy định tại phần thứ 5 của
Bộ luật này”.
Do đó quyền sử dụng đất đã trở thành một “loại tài
sản” của công dân, công dân có quyền để lại thừa kế.
Như vậy thừa kế là một hình thức để công dân
chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp từ người này
sang người khác. Việc chuyển quyền sử dụng đất
dưới hình thức thừa kế được coi là hoàn thành khi đã
làm xong thủ tục và được cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhưng khi chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức
thừa kế, thì còn đòi hỏi điều kiện nào nữa không?
Vấn đề này hiện nay đang có những ý kiến khác
nhau.
Có ý kiến cho rằng Điều 693 đã quy định hộ gia đình,
cá nhân có quyền chuyển quyền sử dụng đất cho
người khác khi có đủ điều kiện dưới đây:
1. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của
pháp luật về đất đai;
2. Trong thời hạn còn được sử dụng đất;
3. Được phép chuyển quyền sử dụng đất theo quy
định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai;
4. Đất không có tranh chấp.
Việc thừa kế quyền sử dụng đất cũng là một hình
thức chuyển quyền sử dụng đất, nên phải tuân theo
quy định ở Điều 693. Vì vậy yếu tố đầu tiên một
người muốn có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng
đất là người đó phải được cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất. Do đó, dù một người đang sử dụng đất
hợp pháp, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng theo Luật đất đai năm 1993, thì diện
tích đất đó không được coi là di sản, không được áp
dụng pháp luật thừa kế để phân chia. Trong trường
hợp này, quyền sử dụng đất mà người chết để lại sẽ
được giải quyết theo chính sách đất đai. Ủy ban nhân
dân sẽ cấp đất đó cho hộ chưa có đất… chứ không
được căn cứ vào pháp luật thừa kế để chia.
Ý kiến thứ hai cho rằng thừa kế quyền sử dụng đất
cũng là một hình thức chuyển quyền sử dụng đất;
song theo lời văn và cách quy định ở đoạn 3 Điều
691 và các Điều 738 đến Điều 744 Bộ luật Dân sự thì
việc để thừa kế quyền sử dụng đất không phải tuân
theo Điều 693.
Điều 693 chỉ áp dụng cho các trường hợp chuyển đổi,
chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng
đất, còn nếu áp dụng điều kiện ở Điều 693 cho việc
để thừa kế quyền sử dụng đất như ý kiến trên là
không đúng, sẽ dẫn đến sự bất hợp lý sau:
- Các vụ thừa kế quyền sử dụng đất, có vụ mở thừa
kế trước khi có Luật đất đai năm 1993 tức là người có
quyền sử dụng đất hợp pháp chết trước khi Luật đất
đai năm 1993 ban hành thì làm sao họ có thể có giấy
chứng nhận theo Luật đất đai 1993.
- Có trường hợp chết sau khi có Luật đất đai năm
1993, nhưng vì Nhà nước chưa cấp kịp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất cho họ, thì họ cũng không
thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật
đất đai năm 1993. Việc đòi hỏi công dân phải có giấy
chứng nhận theo Luật đất đai năm 1993, thì mới được
để quyền thừa kế quyền sử dụng đất là điều vô lý.
- Các vụ thừa kế có tranh chấp mới đưa đến Ủy ban
nhân dân hoặc đến Tòa án giải quyết, mà điều kiện
thứ 4 của Điều 693 lại đòi hỏi “đất không có tranh
chấp” thì mới được chuyển quyền sử dụng thì sẽ dẫn
đến dù đã đủ 3 điều kiện ở các khoản 1, 2, 3 Điều 693
cũng sẽ không có việc chia thừa kế quyền sử dụng
đất ở bất kỳ lúc nào. Mặt khác, về bản chất “cái”
được coi là di sản có giá trị tài sản là quyền sử dụng
đất hợp pháp, chứ không phải là giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất thực ra chỉ là một hình thức pháp lý, Nhà nước
công nhận một ai đó có quyền sử dụng đất hợp pháp,
chứ nó không phải là căn cứ xác lập quyền sử dụng
đất và theo quy định ở Điều 38 Luật đất đai thì giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất có ý nghĩa để phân
biệt thẩm quyền giải quyết giữa Tòa án nhân dân và
Ủy ban nhân dân. Vì vậy, theo chúng tôi luật chỉ đòi
hỏi một người muốn để thừa kế quyền sử dụng đất
phải là người có quyền sử dụng đất hợp pháp. Tức là
người đang sử dụng đất hoàn toàn có thể chứng minh
được họ đã xác lập quyền sử dụng đất như quy định ở
Điều 690, đồng thời thời hạn sử dụng đất của họ vẫn
còn. Vì vậy chỉ cần thỏa mãn 1 trong 3 trường hợp
quy định ở Điều 739 là họ được để thừa kế quyền sử
dụng đất cho người khác.
Nếu cách hiểu này là đúng, thì các vụ tranh chấp thừa
kế quyền sử dụng đất dù thuộc thẩm quyền của Ủy
ban nhân dân thì Ủy ban nhân dân cũng phải căn cứ
vào Chương VI, phần thứ 5 Bộ luật Dân sự để giải
quyết. Song thực tế, các Ủy ban nhân dân khi giải
quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, đã
căn cứ vào chính sách đất đai để giải quyết, tức là
xem bên nào có ít đất hoặc đã quản lý, sử dụng đất
thổ cư, đất thổ canh đó từ lâu, thì giao đất cho họ,
chứ không căn cứ vào pháp luật thừa kế để chia, đó là
điều không hợp lý, dẫn đến có sự không công bằng,
không thống nhất trong đường lối giải quyết các tranh
chấp thừa kế liên quan đến quyền sử dụng đất.
Từ phân tích trên cho thấy để có nhận thức thống
nhất khi áp dụng pháp luật cần có sự giải thích rõ
Điều 691, Điều 693 với các quy định trong Chương
thừa kế quyền sử dụng đất.
Điều 793 quy định 3 trường hợp được để thừa kế
quyền sử dụng đất, nhưng ở khoản 1 Điều 739 thì có
ghi “được Nhà nước giao đất”; song ở khoản 2 Điều
739 chỉ ghi “được giao đất”, vậy thì ai giao? Tại sao
không ghi rõ như ở khoản 1 là “được Nhà nước giao
đất”? phải chăng do sơ suất trong kỹ thuật lập pháp
hay khoản 2 Điều 739 quy định như vậy là nhằm đề
cập đến đối tượng giao đất là chủ thể bất kỳ? Như
vậy thuật ngữ “được Nhà nước giao đất” ở khoản 1
Điều 739 hiểu theo nghĩa nào? Nghĩa hẹp là trường
hợp Nhà nước Việt Nam giao đất, còn hiểu theo
nghĩa rộng là các cơ quan có thẩm quyền của chế độ
ta và cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ, các tổ
chức tôn giáo… đã giao đất cho họ sử dụng. Vậy đối
với trường hợp đất nông nghiệp để trồng cây hàng
năm, nuôi trồng thủy sản do cơ quan, cá nhân không
có thẩm quyền giao đất nhưng trên thực tế họ đã giao
“đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng
thủy sản” và hiện nay người được giao đất đã kê khai,
đăng ký được đứng tên trong sổ địa chính hoặc đã
được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo
Luật đất đai năm 1987 có được coi là “được Nhà
nước giao đất” không? Có được để thừa kế không?
Thực tế có những trường hợp người sử dụng đất được
Nhà nước ta, hoặc Nhà nước cũ hoặc đạo thánh giao
đất; có trường hợp khai khẩn, lấn chiếm “đất công”
từ lâu; có trường hợp thuê đất của Nhà nước cũ; có
trường hợp thuê đất của tư nhân dưới thời ngụy (mà
hiện nay vẫn xảy ra những vụ tranh chấp đòi lại đất);
có trường hợp cơ quan không có thẩm quyền giao
đất, nhưng đã giao đất; có trường hợp công dân mượn
đất của nhau sử dụng từ thời ngụy, hoặc sau ngày giải
phóng miền Nam; có trường hợp đất nông nghiệp của
cha ông truyền lại v.v… có khi người đang sử dụng
đất đã kê khai trong sổ địa chính; có trường hợp chưa
kê khai lần nào, hoặc người cho thuê đất thì kê khai,
người đang sử dụng từ lâu không kê khai v.v… Vậy
trường hợp nào được coi là Nhà nước giao đất,
trường hợp nào không được coi là được Nhà nước
giao đất, không được để thừa kế? Phần “đất công” thì
giải quyết thế nào? Theo chúng tôi người sử dụng đất
“công” được nói ở trên, đều là những trường hợp
chưa được cơ quan có thẩm quyền chính thức công
nhận cho họ được sử dụng với tư cách là người “chủ”
hợp pháp của đất đó, họ thuộc trường hợp không có
hoặc không có đủ giấy tờ hợp lệ về đất ở. Vì vậy,
trước khi Nghị định 60/CP, Nghị định số 45/CP được
ban hành thì, về pháp lý sẽ không phát sinh quyền để
lại thừa kế quyền sử dụng đất như các trường hợp
được Nhà nước cấp đất hợp pháp khác. Tuy nhiên sau
khi Nghị định 60/CP ngày 5-7-1994 và Nghị định số
45/CP ngày 13-8-1996 của Chính phủ ra đời thì Nhà
nước đã công nhận quyền sử dụng hợp pháp về đất ở
cho các trường hợp không có hoặc không đủ giấy tờ
hợp lệ về đất ở tại đô thị.
Từ quy định nói trên chúng tôi đề nghị đối với các
loại đất ở thuộc các địa bàn khác (như thị xã, thị trấn,
vùng nông thôn) cũng sẽ phải được Nhà nước công
nhận quyền sử dụng hợp pháp cho công dân, để tạo ra
sự thống nhất về đường lối giải quyết loại đất này…
- Tại khoản 3 Điều 739 quy định “cá nhân có quyền
sử dụng đất do người khác chuyển quyền sử dụng đất
phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về
đất đai”. Vậy hiểu thế nào cho đúng về cụm từ
“chuyển quyền sử dụng đất phù hợp”?… Có những
trường hợp mua bán đất (thổ cư, đất vườn, đất
ruộng…) từ những năm 80, việc mua bán vào thời
điểm đó là bất hợp pháp, đến nay họ cũng mới chỉ kê
khai trong sổ địa chính. Có trường hợp đã được chính
quyền cấp giấy chứng nhận theo Luật đất đai năm
1987 hoặc theo Luật đất đai năm 1993, có trường hợp
họ đã xây nhà trên đất đó nhưng vẫn chưa được cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vậy họ có được
để thừa kế quyền sử dụng đất hay không?
Những vấn đề trên rất cần có sự giải thích, hướng dẫn
của cơ quan có thẩm quyền, mới có thể đi đến nhận
thức thống nhất và mới áp dụng đúng pháp luật.
II. Những kiến nghị cụ thể:
Thừa kế quyền sử dụng đất chỉ là một trong 6 chương
của Phần thứ 5: “Những quy định về chuyển quyền
sử dụng đất”. Có những quy định ở chương thừa kế
quyền sử dụng đất liên quan rất chặt chẽ với các quy
định khác trong Phần thứ 5 này. Để có sự thống nhất,
không mâu thuẫn, chồng chéo thì phải sửa đổi, bổ
sung các chương khác của Phần thứ 5 Bộ luật Dân sự.
Song phạm vi nghiên cứu là những vấn đề thừa kế, vì
vậy chúng tôi chỉ đề cập đến những vấn đề cần sửa
đổi, bổ sung trong Chương 6: thừa kế quyền sử dụng
đất.
Qua nghiên cứu chương này chúng tôi thấy cần có sự
sửa đổi căn bản. Một khi pháp luật đã thừa nhận
quyền sử dụng đất là một quyền tài sản, được để lại
thừa kế thì không nên quy định có loại đất không
được thừa kế, ví dụ như đất chuyên dùng, đất nông
nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản
cấp cho hộ gia đình không được thừa kế (Điều 744),
hoặc có người được hưởng thừa kế, có người không
thỏa mãn các điều kiện sử dụng đất lại không được
hưởng thừa kế quyền sử dụng đất (Điều 740) dẫn đến
sự không công bằng, vì vậy chúng tôi đề nghị:
1. Về người được để thừa kế quyền sử dụng đất (Điều
739):
Theo quy định tại Điều 730 Bộ luật Dân sự, chỉ có
các loại đất sau đây mới có thể là đối tượng của quan
hệ thừa kế quyền sử dụng đất:
“1. Cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để
trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản;
2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình được giao đất
nông nghiệp để trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để
trồng rừng, đất ở;
3. Cá nhân có quyền sử dụng đất do được người khác
chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của
Bộ luật này và pháp luật về đất đai”.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 22 Nghị định 17/1999/NĐ-
CP ngày 29-3-1999 lại quy định: “những người sau
đây được để thừa kế quyền sử dụng đất:
a. Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây
hàng năm, trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, đất
lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở, đất chuyên dùng;
b. Thành viên của hộ gia đình sử dụng đất nông
nghiệp để trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng
rừng, đất ở, đất chuyên dùng;
c. Cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà đã trả tiền
thuế đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền
thuê đất cho nhiều năm”.
Như vậy, Nghị định 17 của Chính phủ đã bổ sung
thêm “hai loại đất” có thể để thừa kế, đó là “đất
chuyên dùng” và “đất được Nhà nước cho thuê…”.
Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy việc mở rộng
phạm vi loại đất được để lại thừa kế như Nghị định
17/1999/NĐ-CP kể trên là hoàn toàn hợp lý, phù hợp
với yêu cầu của cuộc sống và nguyện vọng của nhân
dân. Chính vì vậy quy định về phạm vi loại đất được
để lại thừa kế trong Điều 739 cần được sửa đổi, bổ
sung theo hướng giống như quy định trong Điều 22
Nghị định 17/1999/NĐ-CP và Điều 739 có hai
phương án sửa đổi:
- Phương án 1: Về Điều 739 được sửa lại như sau:
“Điều 739. Người được để thừa kế quyền sử dụng
đất.
Những người sau đây được để thừa kế quyền sử dụng
đất:
1. Cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để
trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, nuôi trồng
thủy sản, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở, đất
chuyên dùng;
2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình được Nhà nước
giao đất nông nghiệp để trồng lâu năm, đất lâm
nghiệp để trồng rừng, đất ở, đất chuyên dùng;
3. Cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà đã trả
tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã tiền thuê
đất cho nhiều năm;
4. Cá nhân có quyền sử dụng đất do được người khác
chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của
Bộ luật này và pháp luật về đất đai”.
- Phương án 2: Nếu sửa đổi theo hướng tất cả các loại
đất mà cá nhân, hộ gia đình có được một cách hợp
pháp đều được để thừa kế thì Điều 739 Bộ luật Dân
sự có thể sửa đổi như sau:
“Điều 739. Người được để thừa kế quyền sử dụng
đất.
Khi có quyền sử dụng đất hợp pháp, những người sau
đây được để thừa kế quyền sử dụng đất:
1. Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp để
trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, nuôi trồng
thủy sản, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở, đất
chuyên dùng;
2. Cá nhân, hộ gia đình thuê đất mà đã trả tiền thuê
đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê
đất cho nhiều năm”.
Nếu chúng ta vẫn tiếp tục công nhận hộ gia đình là
chủ thể trong một số quan hệ dân sự, thì chỉ quy định
như điều luật trên là đủ. Chủ thể cá nhân có thể là
người độc thân, nhưng cũng có thể là thành viên hộ
gia đình, họ tham gia giao dịch, tham gia quan hệ
pháp luật hành chính (được Nhà nước giao đất) với tư
cách là chủ thể độc lập, một cá nhân trong quan hệ
đó. Còn nếu thành viên trong hộ gia đình tham gia
các quan hệ pháp luật dân sự, hành chính vì lợi ích
của hộ gia đình, thì chủ thể của quan hệ đó phải là hộ
gia đình, còn thành viên đó chỉ là người đại diện cho
hộ gia đình khi tham gia quan hệ pháp luật. Với lý do
đó, chúng tôi không đưa thành viên hộ gia đình vào
điều luật. Chúng tôi cũng không đưa khoản 3 Điều
739 Bộ luật Dân sự vào phương án 2 nói trên, bởi vì
nếu đã quy định “khi có quyền sử dụng đất hợp
pháp…” thì câu này đã có ý nghĩa khái quát là dù họ
có được quyền sử dụng các loại đất nói trên bằng
cách tham gia các giao dịch như chuyển nhượng, tặng
cho, thừa kế… hay được Nhà nước giao đất phù hợp
với quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về đất
đai thì các giao dịch đó mới có giá trị pháp lý, quyền
sử dụng mà họ có được mới được công nhận là hợp
pháp.
Nếu chúng ta sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng
không coi hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp
luật dân sự, thì Điều 739 Bộ luật Dân sự sẽ phải thiết
kế theo hướng khác.
2. Về điều kiện hưởng thừa kế quyền sử dụng đất
nông nghiệp để trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy
sản:
- Điều 740 về điều kiện hưởng thừa kế quyền sử dụng
đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng
thủy sản. Hiện nay có hai quan điểm khác nhau. Loại
ý kiến thứ nhất cho rằng đối với những người thuộc
diện được hưởng thừa kế, nhưng không đủ điều kiện
để được giao đất sử dụng thì họ phải được hưởng giá
trị tương ứng với phần thừa kế của họ. Vì vậy, khi
chia thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng
cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, Tòa án phải định
giá diện tích đất tranh chấp để buộc những người
được sử dụng đất trả lại cho thừa kế bên kia một số
tiền thì mới đảm bảo sự công bằng.
Loại ý kiến thứ 2: Theo lời văn của Điều 740, 741,
742 thì loại đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm,
nuôi trồng thủy sản bị hạn chế so với các loại đất
khác. Nếu một người không đủ điều kiện quy định ở
Điều 740 thì không “được thừa kế quyền sử dụng đất
theo di chúc hoặc theo pháp luật” và ngược lại nếu đủ
điều kiện thì “được thừa kế’… Vì vậy nếu họ không
đủ điều kiện theo quy định ở Điều 740, thì họ không
những không được giao đất, mà pháp luật cũng
không đặt ra việc chia giá trị cho họ. Ví dụ ông A
chết để lại 5.000m2 đất nông nghiệp để trồng cây
hàng năm, nuôi trồng thủy sản. Ông A có 3 con là B,
C, D. Hai anh B, C đều là sĩ quan quân đội đóng quân
ở xa, anh D làm nông nghiệp ở quê đang sử dụng đất
dưới hạn mức, nên anh D được thừa kế toàn bộ
5.000m2 đất, anh D cũng không phải trả giá trị cho B
và C.
Chúng tôi cho rằng cách hiểu này là đúng với lời văn
của các điều luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng
tôi thấy có những điểm chưa thật hợp lý. Quyền sử
dụng đất là một quyền tài sản. Sau khi được giao
quyền sử dụng đất, người này có quyền chuyển
nhượng cho người khác để lấy tiền, vì pháp luật
không cấm họ làm điều đó, mà chỉ quy định điều kiện
được chuyển nhượng…, pháp luật đã tạo cho họ được
hưởng lợi toàn vẹn, còn người thừa kế khác không
được gì, trong khi chính vợ con của người không
được hưởng thừa kế lại đang làm nông nghiệp ở tỉnh
khác, nhưng không có đất hoặc có quá ít đất nông
nghiệp nên phải đi làm thuê kiếm sống. Do tính chất
kinh tế, xã hội của loại đất nông nghiệp để trồng cây
hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nên không được để
đất hoang và bảo đảm cho người nông dân có đất để
sản xuất, nên chỉ giao đất cho người có nhu cầu, có
điều kiện trực tiếp sử dụng… Song vẫn nên tính đến
sự công bằng, mà vẫn thực hiện được chính sách đất
đai. Vì vậy, theo chúng tôi điều luật này cần sửa đổi
theo hướng cho người không được sử dụng đất thừa
kế, thì được hưởng giá trị quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 740 thì đối với đất nông
nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản,
thì chỉ những người có đủ các điều kiện theo quy
định của điều luật mới có quyền hưởng thừa kế quyền
sử dụng đất.
Vậy cần hiểu thế nào về cụm từ “có điều kiện trực
tiếp sử dụng đất…” được quy định ở Điều 740?
Có ý kiến cho rằng phải là người có điều kiện trực
tiếp cày cuốc trên thửa đất đó mới được coi là “có
điều kiện trực tiếp sử dụng”. Tuy nhiên có ý kiến lại
cho rằng không bắt buộc họ phải là người trực tiếp
cày, cuốc mà chỉ cần họ là người tổ chức, quản lý để
thực hiện việc canh tác diện tích đó đúng mục đích,
cũng được coi là “có điều kiện trực tiếp sử dụng
đất…”, vì hiện nay Nhà nước khuyến khích phát triển
trang trại, nên vai trò người tổ chức, quản lý sản xuất
là rất quan trọng. Họ là người thuê nhân công cày
cuốc, chăm sóc, tưới bón, nhưng đồng thời họ là
người quyết định trồng cây gì, con gì, vào lúc nào,
chăm bón ra sao. Vì vậy, loại người lao động bằng
“đầu” là chủ yếu này cũng phải được coi là người
“trực tiếp sử dụng đất”.
Tuy nhiên, nếu họ lại đi thuê toàn bộ, thuê cả người
quản lý sản xuất hoặc khoán theo kiểu phát canh thu
tô thì có coi họ là người trực tiếp sử dụng không?
Nếu người để lại di sản đã di chúc cho một người
chưa có đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi
trồng thủy sản, nhưng người được hưởng di sản theo
di chúc lại không có nhu cầu sử dụng đất (họ đang là
cán bộ Nhà nước), hoặc không có đủ điều kiện trực
tiếp sử dụng đất đúng mục đích thì họ có được hưởng
thừa kế quyền sử dụng đất không?
- Khoảng cách về không gian giữa nơi có đất thừa kế
và người hưởng thừa kế đang cư trú có bị chi phối
bởi điều kiện “có điều kiện trực tiếp sử dụng đất”
không? Nếu bị chi phối bởi điều kiện đó, thì khoảng
cách xa bao nhiêu sẽ bị coi là không “có điều kiện
trực tiếp sử dụng đất”. Ví dụ: ông A di chúc cho con
là B được hưởng thừa kế 1.000m2 đất nông nghiệp để
trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản và anh B
đang có nhu cầu sử dụng đất, nhưng hiện nay anh có
rất ít đất để sản xuất. Song đất của ông A ở tỉnh H mà
anh B lại đang sinh sống ở tỉnh Y, vậy anh B có được
hưởng thừa kế đất theo di chúc của ông A không?
Trường hợp di sản thừa kế phải chia theo pháp luật
thì có chia đất nông nghiệp đó cho anh B không? Nếu
quy định về người thừa kế ở quá xa, không chia đất
thừa kế, nhưng anh B có đơn và có lời khai xin chia
đất với lý do anh sẽ chuyển về nơi đang có đất thừa
kế của bố anh, sau khi bản án có hiệu lực, anh B liền
bán số đất được chia thì giải quyết thế nào?
- Nếu người được hưởng thừa kế đang sử dụng đất
vừa đúng hạn mức quy định tại địa phương hoặc cao
hơn hạn mức, có được hưởng thừa kế quyền sử dụng
đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng
thủy sản không? Sử dụng vượt hạn mức bao nhiêu thì
không được hưởng thừa kế? Cần hướng dẫn để có
nhận thức thống nhất.
Đối với đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi
trồng thủy sản mà Nhà nước giao cho hộ gia đình để
sản xuất khi một thành viên chết có coi phần đất của
họ là di sản thừa kế để chia và họ có quyền viết di
chúc định đoạt phần quyền sử dụng đất đó không?
Hình thức giao đất như thế nào thì được coi là giao
cho hộ gia đình, trường hợp nào được coi là giao cho
cá nhân, thành viên của hộ gia đình? Chúng tôi thấy
trường hợp trong một gia đình có nhiều thế hệ, có gia
đình cho một người con đứng tên, cũng có khi là chỉ
ông bố hoặc cả bố và mẹ đứng tên trong giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất; có trường hợp để mỗi cặp
vợ – chồng – con đứng tên một phần diện tích, còn
ông bà đứng tên một phần diện tích, nhưng trên thực
tế vẫn canh tác chung, ăn chung.
Có trường hợp đã tách hộ, nhưng các hộ đều đồng ý
để cho một người đứng tên toàn bộ diện tích đất nông
nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản
(đứng tên trên diện tích của cả hộ bố, mẹ, hộ gia đình
người anh, em…) thì giải quyết chia thừa kế như thế
nào? Đối với những loại đất mà pháp luật cho phép
được thừa kế thì những ai có quyền hưởng thừa kế
quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật,
những vấn đề nêu trên còn có ý kiến khác nhau.
Mặt khác, luật pháp có sự phân biệt: đất cấp cho hộ
gia đình và đất cấp cho cá nhân với chế độ pháp lý
khác nhau. Nhưng trên thực tế, Ủy ban nhân dân là
cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại
không chú ý ghi rõ trên giấy chứng nhận là cấp cho
hộ gia đình hay cấp cho cá nhân, do đó Tòa án gặp
rất nhiều khó khăn khi giải quyết.
Hiện nay việc giải quyết tranh chấp đất gặp nhiều
vướng mắc, hoặc chưa thống nhất vì do mỗi người,
mỗi ngành hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau. Vì
vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm giải thích,
hướng dẫn.
Tuy đất đai là một loại tài nguyên đặc biệt của quốc
gia. Nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý
nghĩa chính trị, xã hội nên phải chú ý đến việc không
được để đất hoang, và bảo đảm cho người nông dân
có đất để sản xuất. Do đó chế độ pháp lý về đất đai
nói chung và thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng sẽ
có những nét đặc thù so với các loại tài sản khác,
nhằm giảm thiểu sự tích tụ đất nói chung đặc biệt là
đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng
thủy sản vào tay một số người, dẫn đến người lao
động không có đất để sản xuất. Song xử lý vấn đề
này trong quan hệ thừa kề cần phải tính đến sự công
bằng, bình đẳng (tương đối) giữa các thừa kế, mà vẫn
thực hiện được chính sách đất đai. Vì vậy, theo chúng
tôi Luật nên quy định theo hướng người không có
nhu cầu, không có điều kiện… sử dụng đất nông
nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản
thì không chia hiện vật cho họ, nhưng họ vẫn có
quyền được hưởng giá trị. Vì vậy, Điều 740 cần thiết
kế lại như sau:
“Điều 740: Điều kiện để được giao quyền sử dụng
đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng
thủy sản.
Người có đủ các điều kiện sau đây thì được giao
quyền sử dụng đất thừa kế theo di chúc hoặc theo
pháp luật đối với đất nông nghiệp để trồng cây hàng
năm, nuôi trồng thủy sản:
1- Có nhu cầu sử dụng đất, có điều kiện trực tiếp sử
dụng đất đúng mục đích;
2- Chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức
theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Với cách quy định như trên, khi có tranh chấp, Tòa
án thấy người thừa kế nào không có đủ điều kiện để
được chia hiện vật (tức giao quyền sử dụng đất thừa
kế) thì sẽ chia cho họ phần giá trị tương ứng với
quyền lợi của họ. Như vậy sẽ công bằng và không
vướng mắc trong thực tiễn giải quyết như đã phân
tích ở trên.
Nếu sửa Điều 740 theo hướng này, thì Điều 741, 742
cũng cần phải có sự sửa đổi tương ứng.
Đối với đất cấp cho hộ gia đình, tuy là cấp chung cho
cả hộ song tùy theo từng địa phương mà diện tích
được cấp khác nhau nhưng đều có một điểm chung là
đất của các hộ được cấp theo đầu nhân khẩu trong hộ.
Tức là mỗi khẩu sẽ được cấp một sào hay năm sào là
phụ thuộc vào quỹ đất của địa phương. Như vậy dù
đất cấp cho hộ gia đình nhưng mỗi thành viên trong
hộ đều được biết là phần quyền lợi của mình có bao
nhiêu trong số đất được cấp chung cho hộ đó. Vì vậy,
khi một thành viên trong hộ chết, thì phần đất của họ
được cấp chung trong hộ, nên coi là di sản thừa kế để
chia. Muốn giữ ổn định diện tích canh tác cho hộ gia
đình thì Luật chỉ cần quy định người thừa kế trong hộ
được chia hiện vật, còn người thừa kế không nằm
chung trong hộ sẽ được chia giá trị. Đó là sự ưu tiên
đối với người trong hộ.
3. Những vấn đề cần sửa đổi về thẩm quyền giải
quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Cùng với việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, cần sớm sửa
đổi Điều 38 Luật đất đai và các văn bản pháp luật có
liên quan theo hướng tất cả các tranh chấp thừa kế
quyền sử dụng đất do Tòa án giải quyết và nếu quyền
sử dụng đất đó được coi là quyền tài sản hợp pháp
của người chết để lại thì nên coi là di sản và được
chia thừa kế (không phân biệt đất đó được cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa…)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 69_4034.pdf