Phân tích các yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính và nhận xét về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính do cơ quan hành chính nhà nước ban hành
Quyết định hành chính là loại quyết định được nhiều chủ thể thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống cơ quan Nhà nước thực hiện trên cơ sở luật và để thi hành luật. Một quyết định hành chính khi ban hành có khả thi hay không hay nói cách khác có đảm bảo được tính hiệu quả cũng như hiệu lực của nó hay không thì bản thân quyết định đó phải đáp ứng được các yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý. Những yêu cầu này không chỉ là những đòi hỏi khách quan của thực tiễn mà còn là đòi hỏi mang tính nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Chính vì nhận biết được vai trò quan trọng của tính hợp lý và hợp pháp đối với quyết định hành chính mà nhóm em xin trọn đề tài “Phân tích các yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính và nhận xét về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính do cơ quan hành chính nhà nước ban hành”
7 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 13947 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích các yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính và nhận xét về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính do cơ quan hành chính nhà nước ban hành, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Quyết định hành chính là loại quyết định được nhiều chủ thể thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống cơ quan Nhà nước thực hiện trên cơ sở luật và để thi hành luật. Một quyết định hành chính khi ban hành có khả thi hay không hay nói cách khác có đảm bảo được tính hiệu quả cũng như hiệu lực của nó hay không thì bản thân quyết định đó phải đáp ứng được các yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý. Những yêu cầu này không chỉ là những đòi hỏi khách quan của thực tiễn mà còn là đòi hỏi mang tính nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Chính vì nhận biết được vai trò quan trọng của tính hợp lý và hợp pháp đối với quyết định hành chính mà nhóm em xin trọn đề tài “Phân tích các yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính và nhận xét về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính do cơ quan hành chính nhà nước ban hành”
NỘI DUNG
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
Khái niệm về quyết định hành chính
Khái niệm quyết định hành chính
Quyết định hành chính là một dạng quyết định pháp luật, là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực Nhà nước thông qua những hành vi của chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước, tiến hành theo trình tự dưới hình thức nhất định theo quy định pháp luật nhằm đưa ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó để giải quyết côgn việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính của Nhà nước.
Đặc điểm của quyết định hành chính
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật. Do đó nó có những đặc điểm chung và đặc điểm riêng
Đặc điểm chung
Về tính quyền lực nhà nước: Tính quyền lực nhà nước được thể hiện ở việc quyết định hành chính được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, được ban hành theo trình tự thủ tục luật định; ở nội dung và mục đích của quyết định hành chính. Về nguyên tắc, mọi quyết định hành chính đều phải được thi hành và được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế.
Về tính pháp lý: Tính pháp lý thể hiện ở việc thông qua cơ chế ttác động, điều chỉnh của pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mặt khác, quyết định hành chính còn làm xuất hiện quy phạm pháp luật, thay thể hoặc hủy bỏ quy phạm pháp luật, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể.
Đặc điểm riêng:
Quyết định hành chính có ba đặc điểm riêng:
Thứ nhất: quyết định hành chính mang tính dưới luật, nhằm cụ thể hóa luật.
Thứ hai: chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính rất phong phú, đa dạng, bao gồm nhiều chủ thể trong các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương, chủ thể có chuyên môn….
Thứ ba: nội dung và mục đích của quyết định hành chính rất phong phú, có nhiều tên gọi khác nhau theo quy định của pháp luật.
Vai trò của quyết định hành chính
Các quyết định hành chính đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Với tính chất là các mệnh lệnh điều hành, quyết định hành chính (hay gọi là quyết định quản lý Nhà nước) trực tiếp phản ánh ý chí của Nhà nước. Thông qua các quyết định được ban hành theo luật định, các cơ quan Nhà nước thực hiện thẩm quyền của mình trong việc điều hành, quản lý xã hội.
II. YÊU CẦU VỀ TÍNH HỢP PHÁP, HỢP LÝ CỦA QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH.
Yêu cầu về tính hợp pháp của quyết định hành chính
Theo yêu cầu đặt ra trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, một quyết định quản lý Nhà nước chỉ có hiệu lực thi hành khi nó hợp pháp, tức là thoả mãn tất cả các yêu cầu sau:
Thứ nhất, quyết định hành chính phải được ban hành bởi những chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thực hiện quyền hành pháp. Đó là những chủ thể (cá nhân, tổ chức) ở trung ương, địa phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như các chủ thể có quyền chuyên môn…Cụ thể là Chính phủ, Thủ Tướng chính phủ (ra quyết định dưới hình thức nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị); các Bộ và cơ quan ngang bộ (ra quyết định, chỉ thị, thông tư); Ủy ban nhân dân (được quyền ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó); các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân( bao gồm sở, phòng, ban) ra các quyết định hành chính dưới hình thức quyết định và chỉ thị (quyết định cá biệt).
Khi quyết định hành chính do chính các chủ thể này ban hành thì nó mới có hiệu lực và có giá tri về mặt pháp lý bởi vì đó là kết quả của sự thể hiện ý chí nhà nước.
Thứ hai, quyết định hành chính phải phù hợp với luật về nội dung cũng như mục đích bởi lẽ đây là những quyết định dưới luật. Điều đó có nghĩa là các quyết định hành chính không được trái với các quyết định của Quốc hội cũng như quyết định của Hội đồng nhân dân và các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Trên cơ sở luật và pháp lệnh, các chủ thể trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành những quyết định để quản lí xã hội trên từng lĩnh vực. Quyết định hành chính có những mục đích và nội dung rất phong phú, xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Ngoài ra quyết định hành chính là những quyết định mà về mặt hình thức có những tên gọi khác nhau theo quy định của pháp luật như nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư…
Thứ ba, quyết định hành chính phải được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục và hình thức do pháp luật quy định. Quyết định hành chính được nhiều chủ thể ban hành với những mục đích và nội dung khác nhau vậy nên trình tự xây dựng và ban hành các loại quyết định cũng không giống nhau. Chính vì lẽ đó mà pháp luật quy định về nguyên tắc, thủ tục rất chặt chẽ, rõ ràng. Việc xây dựng và ban hành một quyết định hành chính thường phải trải qua các bước sau: sáng kiến ban hành quyết định, dự thảo quyết định, trình dự thảo và truyền đạt dự thảo.
2. Yêu cầu về tính hợp lý của quyết định hành chính
Để bảo đảm tính hiệu quả, quyết định hành chính phải đáp ứng các yêu cầu về tính hợp lý vì có hợp lý thì mới có khả năng thực thi cao. Một quyết định hành chính được coi là có tính hợp lý khi nó đáp ứng được yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, quyết định hành chính phải tính đến yêu cầu tổng thể bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Yêu cầu này đòi hỏi sự cân đối hợp lý giữa lợi ích Nhà nước và xã hội, coi lợi ích Nhà nước và lợi ích chung của công dân là tiêu chí để đánh giá sự hợp lý của quyết định hành chính.
Thứ hai, quyết định hành chính phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, tuyết đối không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của chủ thể ra quyết định. Theo đó, quyết định cần định cụ thể các nhiệm vụ, thời hạn, chủ thể, phương tiện để thực hiện.
Thứ ba, quyết định hành chính phải xem xét hiệu quả không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị - xã hội, cả mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa hậu quả trực tiếp và gián tiếp, kết quả trước mắt và kết quả cuối cùng. Phải gắn mục tiêu, nhiệm vụ cần đạt với điều kiện thực hiện. Các biện pháp được đề ra trong quyết định phải phù hợp đồng bộ với biện pháp trong quyết định có liên quan.
Thứ tư, quyết định hành chính phải bảo đảm kỹ thuật lập quy, tức là ngôn ngữ, văn phong, cách trình bày phải rõ ràng, dể hiểu, ngắn ngọn, chính xác, không đa nghĩa. Nói một cách khác, ngôn ngữ trong quyết định hành chính cần chính xác. Và để có được ngôn ngữ chính xác như vậy thì phải kết hợp nhuần nhuyễn các quy tắc ngôn ngữ với các quy tắc xây dựng pháp luật và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của người viết phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Thứ năm, quyết định hành chính phải có tính dự báo. Người cán bộ quản lý giỏi, có nhiều kinh nghiệm không chỉ ra quyết định khi có đủ thông tin mà còn dự báo được những nét phát triển chính, những mặt tích cực cũng như các mặt tiêu cực có thể diễn ra khi quyết định được thi hành. Từ đó sẵn sàng bổ sung các biện pháp, phát huy mặt tích cực và hạn chế, ngăn chặn mặt tiêu cực nếu có để nâng cao tính hiệu quả của quyết định hành chính.
Cuối cùng, quyết định hành chính phải có tính khả thi. “Khả thi” theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là khả năng thực hiện. Như vậy, một quyết định hành chính có tính khả thi là một quyết định có khả năng thực hiện trên thực tế hay nói một cách khác là những quy định của quyết định đó có khả năng đi vào cuộc sống mà không chỉ dừng lại trên giấy. Cụ thể là ta cần phải bảo đảm tính khách quan, không được chủ quan, duy ý chí, thoát ly thực tiễn kinh tế – xã hội, coi thường quy luật của xã hội, áp đặt lên xã hội những quy định mà nó không cần, không muốn, không thể thực hiện được. Muốn làm được như vậy, thì đòi hỏi các cơ quan xây dựng quyết định hành chính phải bám sát thực tiễn xã hội và đánh giá được thực trạng đang diễn ra.
III. NHẬN XÉT VỀ TÍNH HỢP PHÁP, HỢP LÝ CỦA QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
1. Mối quan hệ giữa tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính
Tính hợp pháp và hợp lý là những đòi hỏi không thể thiếu được đối với bất kỳ quyết định hành chính nào. Chúng gắn bó với nhau cả về nội dung lẫn hình thức như là một chỉnh thể thống nhất mà nếu thiếu một trong những yêu cầu đó thì việc ban hành quyết định hành chính sẽ không đạt được mục đích. Do vậy khi ban hành quyết định hành chính, các chủ thể quản lý Nhà nước phải đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý, nhờ đó quyết định đưa ra mới có tính thực thi, được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta không nên đồng nhất tính hợp pháp và tính hợp lý của quyết định hành chính với nhau và trong mọi trường hợp, tính hợp pháp luôn có ưu thế hơn so với tính hợp lý nên không thể vì lý do hợp lý mà coi thường quyết định của cấp trên, tự ban hành những quy định riêng trái với quy định của pháp luật
2. Một số vấn đề bất cập về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính
Mặc dù có những thay đổi tích cực, nhưng việc ban hành quyết định hành chính do cơ quan hành chính Nhà nước ban hành trên thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như:.
Thứ nhất: Quyết định ban hành không đúng với thẩm quyền.
Nhiều quyết định hành chính không đúng thẩm quyền, đúng chủ thể, phù hợp với pháp luật, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Thậm chí, một số quyết định hành chính được ban hành trái với thẩm quyền của chủ thể ban hành, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nội dung chưa phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội. (1)
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, qua kiểm tra 1.506 văn bản pháp luật đã ban hành của cấp bộ và địa phương trong năm 2007, phát hiện 320 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Năm 2008, kiểm tra 1.968 văn bản thì phát hiện 490 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (trong đó có 93 văn bản cấp bộ và 397 văn bản của địa phương). Như vậy, khoảng từ 20-25% số văn bản được kiểm tra có dấu hiệu vi phạm.
Thứ hai, nhiều quyết định QLNN được xây dựng không có tính khả thi cao, hay là việc ra quyết định quá chậm chạp, gây khó khăn cho hoạt động quản lý. (2)
Thứ ba, Quyết định QLNN được các chủ thể ban hành không tính đến đối tượng chịu sự tác động của quyết định. (3)
Thứ tư, Có nhiều trường hợp quyết định hành chính được ban hành không đúng hình thức pháp luật quy định, phổ biến là trường hợp dùng văn bản hành chính thông dụng như công văn, thông báo thay cho quyết định hành chính.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quyết định hành chính
Thứ nhất, tiến hành rà soát lại hệ thống quyết định hành chính, từ đó đình chỉ, sửa đổi và bãi bỏ quyết định không hợp pháp, không còn phù hợp với thực tiễn, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khi ban hành quyết định hành chính thì các chủ thể ban hành cần tiếp thu ý kiến của nhân dân, nhất là ý kiến đóng góp của đối tượng bị tác động trực tiếp của quyết định đó.
Thứ hai, cần truy cứu trách nhiệm người có lỗi (người có trách nhiệm trong việc ban hành quyết định và người có trách nhiệm trong việc thi hành quyết định). Việc truy cứu trách nhiệm cần căn cứ vào mức độ lỗi. Tuy nhiên, trước tiên, phải truy cứu người có trách nhiệm ban hành quyết định không hợp pháp, không hợp lý. Xử lý các quyết định hành chính được thực hiện theo cơ chế tài phán, tức là đưa ra tòa án để xét xử chứ không phải là kiểm điểm, rút kinh nghiệm nội bộ.
Thứ ba, thực hiện các biện pháp khôi phục lại tình trạng cũ do việc thực hiện quyết định trái pháp luật gây ra. Nếu quyết định quản lý không hợp pháp đã được thi hành, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân xâm phạm thì công dân được bồi thường thiệt hại.
Thứ tư, tăng cường công tác giám sát kiểm tra hoạt động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định quản lý Nhà nước. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội trong hoạt động này.
KẾT LUẬN
Tính hợp lý và hợp pháp là những yêu cầu mang tính nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền và là những đòi hỏi không thể thiếu của mọi quyết định hành chính. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy có nhiều quyết định không đem lại hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao một phần cũng chính vì các quyết định đó chưa đáp ứng được những yêu cầu về tính hợp lý và hợp pháp này. Do vậy, việc đảm bảo thực hiện nó là cơ sở cho các quyết định hành chính có tính khả thi
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích các yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính và nhận xét về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính do cơ quan hàn.doc