Tóm lại, việc phân tích các đặc điểm của QPPLHC, qua đó phân biệt QPPLHC với QPPL hiến pháp là rất cần thiết. Chúng ta có thể thấy, quy phạm pháp luật hành chính là phương tiện chủ yếu và là cơ sở của quản lý hành chính nhà nước. Thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật hành chính, Nhà nước không chỉ tác động đến ý thức của đối tượng quản lý nhằm đạt được những xử sự cần thiết mà còn xác định phạm vi thẩm quyền, cách thức quản lý của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước và xác định các trật tự quản lý hành chính nhà nước. Chính vì vậy, quy phạm pháp luật hành chính là một bộ phận không thể thiếu được trong luật hành chính. Nó điều chỉnh các quan hệ pháp luật hành chính, góp phần giúp cho những chủ thể mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hành chính.
10 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 9663 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính qua đó phân biệt quy phạm pháp luật hành chính và quy phạm pháp luật hiến pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN MỞ ĐẦU
Trong xã hội hiện đại mỗi công dân trong đời sống hàng ngày đều thường xuyên va chạm với những vấn đề cở bản về nhà nước và pháp luật. Chính vì vậy, các chủ thể quản lý hàng chính nhà nước cần đến quy phạm pháp luật để định ra các khuôn mẫu xử sự chung cho nhiều cá nhân, tổ chức (đối tượng quản lý) trong những tình huống được dự liệu trước và có thể lặp lại nhiều lần trong thực tiễn. QPPLHC là công cụ được sử dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật hành chính, hay cụ thể nó là điều kiện tiên quyết đầu tiên trong việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính. Sau đây là bài viết của nhóm chúng em về đề tài:”Phân tích đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính qua đó phân biệt quy phạm pháp luật hành chính và quy phạm pháp luật hiến pháp”. Việc nghiên cứu về đề tài này sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu rõ hơn về những nội dung xoay quanh QPPLHC bao gồm khái niệm, đặc điểm, phân loại... để từ đó có thể thấy rõ được sự khác biệt giữa quy phạm pháp luật hành chính với các quy phạm pháp luật khác, đặc biệt là quy phạm luật hiến pháp.
PHẦN NỘI DUNG
Khái niệm quy phạm pháp luật và QPPLHC.
Quy phạm là quy tắc xử sự( quy định hành vi được làm, hành vi bị cấm, thực hiện hành vi đó như thế nào). Đã là quy tắc là mang tính bắt buộc. Các quy phạm xã hội khác( quy phạm tập quán, tôn giáo, đạo đức…) thường chỉ có hiệu lực bắt buộc trong một phạm vi hẹp nhất định như: một hoặc một số cộng đồng của làng xã hay một vùng nhất định, các tín đồ của một tôn giáo, một cộng đồng dân tộc. Còn quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc chung( bắt buộc đối với moị công dân, mọi cơ quan, tổ chức thuộc quyền tài phán của nhà nước) vì nó do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận. Mỗi QPPL điều chỉnh một quan hệ xã hội. Vậy QPPL là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của nhà nước và được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trước nhà nước.
Luật Hành chính với tư cách là một ngành luật đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính nhà nước, và cũng xuất phát từ đặc trưng của quan hệ quản lí hành chính nhà nước là quan hệ “quyền lực – phục tùng”, quan hệ có sự bất bình đẳng về ý chí giữa các bên nên việc điều chỉnh bằng pháp luật có đặc điểm riêng biệt cả về phương pháp điều chỉnh và loại quy phạm pháp luật. Các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính nhà nước là QPPLHC.
Như vậy, Quy phạm pháp luật hành chính là các quy tắc xử sự chung do cơ quan Nhà nước, các cán bộ nhà nước có thẩm quyền ban hành, chủ yếu điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước (hay còn gọi là hoạt động chấp hành – điều hành của Nhà nước) theo phương pháp mệnh lệnh – đơn phương, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với những đối tượng có liên quan.
Ví dụ: Điều 1 (Nghị định của Chính phủ số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khiếu nại, tố cáo) quy định về các hình thức thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và các cơ quan là một quy phạm pháp luật hành chínhu có thể hiểu quy phạm pháp luật là một loại của quy phạm xã hội ( bởi nó là những quy tặc xử sự chung).
II. Đặc điểm của Quy phạm pháp luật hành chính.
1. Đặc điểm chung
QPPLHC là một trong những dạng quy phạm pháp luật nên cũng có đầy đủ những đặc điểm chung của quy phạm pháp luật như: Là quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của nhà nước; được nhà nước đảm bảo thực hiện; là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người về tính hợp pháp.
Trước hết, các QPPLHC là các quy tắc xử sự chung, do cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành, thể hiện ý chí của nhà nước. QPPL là quy tắc xử sự chung, với tư cách là quy tắc xử sự chung QPPL luôn là khuôn mẫu cho hành vi con người, nó chỉ dẫn con người làm như thế nào trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định. QPPLHC cũng vậy, nó là cơ sở, tiền đề cho quan hệ pháp luật hành chính và yêu cầu tất cả các chủ thể quản lý hành chính nhà nước và chủ thể chịu sự quản lý phải tuân theo, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các đối tượng có liên quan và được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước. Do đó, các chủ thể được nêu trong QPPL trên phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Các quy tắc xử sự được ban hành theo thủ tục, trình tự chặt chẽ theo pháp luật. Khi có một quan hệ pháp luật hành chính cụ thể tương ứng phát sinh, quy tắc xử sự chung trên sẽ là căn cứ để ra văn bản áp dụng. Ví dụ: theo quy định của khoản 1 Nghị định của CP 37/2005 NĐ – CP 14/11/2006 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.:” Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (gọi tắt là cưỡng chế hành chính) đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành các quyết định nêu trên mà không tự nguyện chấp hành”.
Thứ hai, Quy phạm pháp luật hành chính được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các phương pháp quản lí hành chính hành chính sau đây: Phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế. Trong đời sống thực tế, có rất nhiều trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Xử phạt hành chính là một biện pháp của Nhà nước nhằm bảo đảm QPPLHC được thực hiện. Ví dụ: ta có thể tìm thấy biện pháp bảo đảm của Nhà nước ngay trong một QPPLHC. Điểm l, Khoản 1 Điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với trường hợp:” Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn ảnh hưởng đên sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định”. Việc quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt đó thể hiện sự trừng phạt nghiêm khắc của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.Việc xử phạt vi phạm hành chính còn hướng tới mục đích giáo dục cho mọi người ý thức tuân thủ pháp luật.
Thứ ba, QPPLHC là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người về tính hợp pháp. QPPL là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi con người,thông qua QPPL, ta biết hoạt động nào của chủ thể có ý nghĩa pháp lý, hoạt động nào không có ý nghĩa pháp lý, hoạt động nào phù hợp với pháp luật, hoạt động nào trái pháp luật. Do hoạt động quản lí hành chính Nhà nước nhằm duy trì trật tự xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hành chính nên QPPLHC cũng là định hướng xử sự của con người. Như ví dụ: quy định tại điểm l, Khoản 1 Điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP trên thì hàng vi của con người : Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn ảnh hưởng đên sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau là hành vi trái pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.
2. Đặc điểm riêng.
Thứ nhất, các QPPLHC chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
Ở nước ta, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền ban hành QPPLHC có thể là chủ thể lập pháp hoặc chủ thể quản lí hành chính nhà nước. Chính vì vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết do Quốc hội, UBTVQH ban hành; Lệnh, Quyết định do Chủ tịch nước ban hành; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… đều có thể chứa đựng QPPLHC. Tuy nhiên, các QPPLHC chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước ban hành trên cơ sở cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định của hiến pháp, luật và pháp lệnh trong lĩnh vực quản lí hành chính nhà nước.
Việc quy định thẩm quyền ban hành QPPLHC cho một số chủ thể quản lí hành chính nhà nước mà trước hết và chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước còn phù hợp với yêu cầu về tính chủ động, sáng tạo trong quản lý hành chính nhà nước.
Trong tổng số các QPPLHC thì số lượng quy phạm do cơ quan hành chính nhà nước ban hành chiếm nhiều nhất. Số lượng chủ thể ban hành nằm trong cơ quan hành chính nhà nước cũng nhiều nhất gồm: Chính phủ, Bộ, Cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp. Mật độ ban hành các QPPLHC của cơ quan nhà nước dày đặc, thường xuyên. Cơ quan hành chính nhà nước có chức năng quản lý hành chính nhà nước và được thực hiện thông qua nhiều hình thức trong đó quan trọng nhất là ban hành văn bản QPPLHC.
Ví dụ: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được UBTVQH thông qua ngày 02/07/2002 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2002 và được sửa đổi, bổ sung ngày 02/04/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2008 quy định một cách chung nhất về vấn đề xử lý vi phạm hành chính. Dựa trên những quy định chung này, CP ban hành một loạt các văn bản QPPLHC cụ thể như: Nghị định 128/2008/NĐ – CP ngày 16/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của PLXLVPHC năm 2002, sửa đổi, bổ sung năm 2008; NĐ 41/2009/NĐ – CP ngày 5/5/2009 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; NĐ 47/2009/NĐ – CP ngày 13/05/2009 quy định xử phạt VPHC về quyền tác giả, quyền liên quan...
Thứ hai, các QPPLHC có số lượng lớn và hiệu lực pháp lý khác nhau.
Do phạm vi điều chỉnh của các QPPLHC rất rộng và tính chất đa dạng về chủ thể ban hành nên các QPPLHC có số lượng lớn. Hoạt động quản lí hành chính nhà nước quản lí mọi mặt của đời sống xã hội nên cần có những quy phạm có khả năng điều chỉnh mọi mặt của đời sống xã hội nhưng cũng cần có những quy phạm chỉ điều chỉnh một ngành, một lĩnh vực để có thể đảm bảo sự phát triển bình thường của xã hội. Chính vì đời sống xã hội rất đa dạng và luôn biến đổi không ngừng, nên để quản lí tốt xã hội, các cơ quan quản lí hành chính Nhà nước cần ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh kịp thời những quan hệ vốn có và những quan hệ mới phát sinh.
Trong đó có những quy phạm có hiệu lực pháp lí trên phạm vi cả nước và chung cho các ngành, lĩnh vực quản lí (ví dụ: Một số điều trong Nghị định của Chính phủ) nhưng cũng có những qui phạm chỉ có hiệu lực trong phạm vi một ngành, một lĩnh vực quản lí hay một địa phương nhất định (ví dụ: Một số điều trong quyết định, chỉ thị, thông tư của các Bộ). QPPLHC có hiệu lực cao nhất là quy phạm nằm trong Hiến pháp và hiệu lực thấp nhất là quy phạm trong các Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp xã. Những quy phạm có hiệu lực trên cả nước là những quy phạm do cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương ban hành, ngược lại những QPPLHC do cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương ban hành sẽ có hiệu lực trong phạm vi địa phương. Tuy nhiên, cũng có những quy phạm do cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương ban hành nhưng lại chỉ có hiệu lực trong một địa phương nhất định. Ví dụ: những quy phạm liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương. Điều 1 Nghị định số 11/2009/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã; thành lập thị trấn huyện lỵ tại các huyện Đồng Văn, Bắc Mê và Xín Mần thuộc tỉnh Hà Giang. Đây là một quy phạm do CP ban hành nhưng nó lại chỉ hiệu lực đối với các địa phương có liên quan của tỉnh Hà Giang. Song thông thường các QPPLHC do Chính phủ (cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất) ban hành sẽ có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Ví dụ: như quy phạm hành chính được quy định tại Điều 22 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản: “Người có tài sản bán đấu giá có quyền lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, hình thức bán đấu giá quy định tại Nghị định này để bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. QPPLHC này sẽ được áp dụng chung, thống nhất trong phạm vi cả nước đối với những người có tài sản bán đấu giá.
Thứ ba, các QPPLHC hợp thành một hệ thống trên cơ sở các nguyên tắc pháp lí nhất định.
Do yêu cầu điều chỉnh thống nhất pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước, các QPPLHC tuy có số lượng lớn và hiệu lực pháp lý khác nhau song chúng cần phải hợp thành một hệ thống.
Mặc dù QPPLHC được ban hành bởi những cơ quan khác nhau, có hiệu lực pháp lý cũng như phạm vi thi hành khác nhau nhưng về cơ bản chúng hợp thành một hệ thống thống nhất. Tính thống nhất của các QPPLHC được bảo đảm bởi các nguyên tắc sau đây.
+ Một là: Các QPPLHC do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của QPPL do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành.
+ Hai là: Các QPPLHC do cơ quan hành chính nhà nước, chủ tịch nước, TAND, VKSND ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của QPPL do cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp ban hành. Cơ quan hành chính Nhà nước với tư cách là các cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước, khi ban hành QPPLHC cần phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực Nhà nước cùng cấp. Các cơ quan quyền lực nhà nước có trách nhiệm và thẩm quyền trong việc giám sát, phát hiện và xử lý các VBQPPL trái pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước hay những cơ quan khác do mình quyết định thành lập và những người giữ chức vụ do mình bầu. Ví dụ: Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng CP, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội.
+ Ba là: Các QPPLHC do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của QPPLHC do cơ quan có thẩm quyền cùng cấp chung ban hành. Thủ tướng CP có trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra, phát hiện và xử lí các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ví dụ: “Thủ tướng CP xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trái Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên” (Khoản 2 – Điều 90 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008).
+ Bốn là: Các QPPLHC do người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của QPPLHC do tập thể cơ quan đó ban hành.
+ Năm là: Bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các QPPLHC do các chủ thể có thẩm quyền ngang nhau, cùng địa vị pháp lí ban hành. Để bảo đảm yêu cầu này thì thứ nhất, các chủ thể có thẩm quyền ban hành QPPLHC có trách nhiệm kiểm tra và bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các QPPLHC hiện hành do mình ban hành. Thứ hai là tôn trọng thẩm quyền ban hành pháp luật của các chủ thể khác cùng cấp. Ví dụ: Bộ trưởng không được ban hành những văn bản trái với quy định của bộ trưởng khác. Thứ ba là các chủ thể cùng cấp, cùng địa vị pháp lí có trách nhiệm chủ động bàn bạc, phối hợp trong hoạt động ban hành pháp luật, phát hiện và xử lí những sai trái.
+ Sáu là: Các QPPLHC phải được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục và dưới hình thức nhất định do pháp luật qui định, để đảm bảo sự nhất quán, đầy đủ và chặt chẽ trong công tác ban hành các QPPLHC.
Những đặc điểm riêng ở trên giúp chúng ta có cách nhận biết QPPLHC và phân biệt nó với các quy phạm pháp luật khác.
Phân biệt QPPLHC với quy phạm pháp luật hiến pháp.
Quy phạm pháp luật hành chính và quy phạm pháp luật Hiến pháp mặc dù đều là những quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và đều điều chỉnh các quan hệ xã hội theo ý chí của Nhà nước nhưng vẫn có nhiều điểm khác nhau.
Thứ nhất, về chủ thể ban hành: Các QPPLHC do nhiều chủ thể ban hành (Cơ quan quyền lực nhà nước: Quốc hội, UBTVQH, HĐND các cấp; Chủ tịch nước; Cơ quan hành chính: CP, Thủ tướng CP, Bộ trưởng Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND các cấp; TANDTC; VKSNDTC...) nhưng chủ yếu vẫn do các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước ban hành; vì cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan có chức năng quản lý hành chính nhà nước. Còn các quy phạm luật hiến pháp chỉ có Quốc hội mới có quyền ban hành. Theo khoản 1 Điều 84 Hiến pháp 1992 quy định thẩm quyền của Quốc hội là “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp”, khoản 1 Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng nhấn mạnh nội dung này: “Quốc hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Việc soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp do Quốc hội quy định”
Thứ hai, về nội dung và đối tượng diều chỉnh: QHPLHP điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lí hành chính. Còn đối tượng điều chỉnh của QPPL hiến pháp là những quan hệ xã hội cơ bản và quan trọng nhất gắn liền với việc xác định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính sách văn hóa-xã hội, quốc phòng- an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Như vậy QPPL hiến pháp có phạm vi đối tượng điều chỉnh rất rộng so với QPPLHC, nó liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối tượng điều chỉnh của QPPLHC chỉ là một trong những lĩnh vực cụ thể mà QPPL hiến pháp điều chỉnh
QPPLHC có nội dung chủ yếu là quy định địa vị pháp lý của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước tức là xác định quyền và nghĩa vụ cũng như mối liên hệ chủ yếu giữa các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước; quy định cơ cấu, tổ chức, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện quản lí hành chính Nhà nước; xác định những thủ tục, trình tự cần thiết cho việc thưc hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính và một số quan hệ pháp luật khác như quan hệ pháp luật lao động, tài chính, đất đai...; xác định các biện pháp khen thưởng và các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với các đối tượng quản lý.
Còn nội dung cơ bản của quy phạm pháp luật Hiến pháp quy định về: Chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ, chính sách quốc phòng an ninh. Những quy phạm quy định hệ thống, tính chất, vị trí cũng như nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước, những quy định về quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan quyền lực nhà nước với cử tri. Quy phạm Luật Hiến pháp được chia thành những quy phạm trong đó hành vi (quyền và nghĩa vụ của các bên) được xác định một cách rõ ràng cụ thể và những quy phạm không quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể, chỉ xác định một nguyên tắc chung nào đó cho các chủ thể. Ví dụ: Điều 2 Hiến pháp 1992 có quy định: “Tất cả quyền lực trong nước thuộc về nhân dân”. Những quy phạm khác có thể gọi là những quy phạm riêng, trong đó chỉ áp dụng đối với một loại quan hệ nhất định. Ví dụ: Những quy phạm điều chỉnh những quan hệ xảy ra trong quá trình bầu cử, hoặc những quy phạm điều chỉnh những quan hệ xảy ra trong việc cho nhập, cho thôi quốc tịch Việt Nam. Tất cả các ngành luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội đều phải bắt nguồn từ những nguyên tắc mà những quy phạm Luật Hiến pháp đã quy định.
Thứ ba, về cấu trúc quy phạm: Phần lớn các quy phạm Luật Hiến pháp không có đủ cơ cấu ba thành phần (giả định, quy định và chế tài). Các quy phạm Luật Hiến pháp chủ yếu chỉ có phần quy định. Rất ít các quy phạm Luật Hiến pháp có cơ cấu ba thành phần như các quy phạm pháp luật khác. Ví dụ: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, vì nhân dân...” (Điều 2 Hiến pháp 1992) chỉ chứa phần quy định xác định bản chất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Không chứa đựng phần giả định, và chế tài. Sở dĩ các quy phạm Luật Hiến pháp không có đầy đủ 3 bộ phận là vì đối tượng điều chỉnh đặc thù của luật hiến pháp- những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng.
Còn đối với QPPLHC thì có đầy đủ ba phần: giả định, quy định, chế tài. Ví dụ: Khoản 1, điều 12 Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 quy định: “Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền”. Ở ví dụ này, phần giả định là đoạn”đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức”; Phần quy định là đoạn” vi phạm” ; còn phần chế tai là “ phải chiu…phạt tiền”.
Thứ tư, về trình tự, thủ tục ban hành: Quy phạm pháp luật Hiến pháp cần tuân theo những thủ tục đặc biệt, thủ tục lập hiến vì do tính chất cũng như vị trí đặc biệt quan trọng của mình. Điều 147 Hiến pháp 1992 quy định rằng: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”. Điều này đã phần nào cho thấy trình tự đặc biệt trong việc ban hành, sửa đổi các quy phạm pháp luật Hiến pháp. Còn QPPLHC không yêu cầu thủ tục ban hành đặc biệt như vậy, thông thường chỉ cần có quá nửa số thành viên biểu quyết tán thành (với những văn bản QPPLHC do tập thể ban hành như Nghị định của Chính phủ) là văn bản QPPLHC đó đã được thông qua. Việc xây dựng các QPPLHC cần tuân theo các quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008. Những QPPLHC do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành phải được ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức pháp luật đã quy định và phải phù hợp với Hiến pháp, Nghị quyết và Pháp lệnh của các cơ quan quyền lực nhà nước...
Thứ năm, về hiệu lực pháp lý và số lượng: Vì Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một nước quy định những vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước và đặt ra những nguyên tắc nền tảng để xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ nên các quy phạm pháp luật hiến pháp có số lượng không lớn nhưng hiệu lực pháp lý thì lại rất cao. Như đã nói ở trên, các quy phạm pháp luật Hiến pháp chủ yếu được quy định trong Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước. Tất cả các quy phạm pháp luật khác đều phải phù hợp với hiến pháp, không được trái hiến pháp nên quy phạm pháp luật hiến pháp mang tính ổn định và thống nhất cao. Trong khi đó, các QPPLHC thì có số lượng rất lớn và hiệu lực pháp lý rất khác nhau. Các QPPLHC có tính ổn định không cao vì đại đa số các trường hợp, các QPPLHC điều chỉnh các quan hệ xã hội của đời sống xã hội. Mặt khác, các QPPLHC cũng phải phù hợp với các quy phạm pháp luật hiến pháp, ví dụ như: các QPPLHC trong Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ đã có sự phù hợp với quy phạm pháp luật tại Điểm 1 Điều 112 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 về thẩm quyền của Chính phủ: “Lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống thống nhất bộ máy hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở...”; đồng thời cũng phù hợp với Điều 116 quy định về chức năng của Bộ trưởng: “Bộ trưởng và các thành viên khác của CP chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ ra quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở”...
Sự khác nhau như đã phân tích ở trên xuất phát chủ yếu từ đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của hai ngành luật Hiến pháp và luật Hành chính là khác nhau. Các quy phạm luật hiến pháp là cơ sở cho việc ban hành các quy phạm luật hành chính. Do vậy, có nhiều quan hệ xã hội đồng thời được điều chỉnh bởi các quy phạm luật hiến pháp và các QPPLHC. Các quy phạm luật hiến pháp quy định những vấn đề chung và cơ bản, còn QPPLHC cụ thể hóa quy phạm luật hiến pháp để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động chấp hành- điều hành của nhà nước. Nói cách khác các quy phạm luật hiến pháp quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong trạng thái tĩnh, còn các QPPLHC quy định tổ chức và hoạt động cuả bộ máy nhà nước trọng trạng thái động.
PHẦN KẾT BÀI
Tóm lại, việc phân tích các đặc điểm của QPPLHC, qua đó phân biệt QPPLHC với QPPL hiến pháp là rất cần thiết. Chúng ta có thể thấy, quy phạm pháp luật hành chính là phương tiện chủ yếu và là cơ sở của quản lý hành chính nhà nước. Thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật hành chính, Nhà nước không chỉ tác động đến ý thức của đối tượng quản lý nhằm đạt được những xử sự cần thiết mà còn xác định phạm vi thẩm quyền, cách thức quản lý của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước và xác định các trật tự quản lý hành chính nhà nước. Chính vì vậy, quy phạm pháp luật hành chính là một bộ phận không thể thiếu được trong luật hành chính. Nó điều chỉnh các quan hệ pháp luật hành chính, góp phần giúp cho những chủ thể mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hành chính.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
2. Học viện hành chính quốc gia, Giáo trình luật hành chính và tài phán hành chính, Nxb. Hà Nội, 2005.
3. Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005.
4. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
5. Nghị định của Chính phủ số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
6. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
7. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
8. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lí luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010.
9.
10.
11.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính qua đó phân biệt quy phạm pháp luật hành chính và quy phạm pháp luật hiến pháp.doc