Phân tích đối tượng điều chỉnh của luật hành chính và cho ví dụ minh họa
Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là những nhóm quan hệ xã hội xác định, có đặc tính cơ bản giống nhau và do những quy phạm thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Do đó mỗi ngành luật khác nhau sẽ có đối tượng điều chỉnh khác nhau và đây chính là tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt các ngành luật với nhau. Để hiểu và phân biệt được Luật hành chính với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam trước hết chúng ta cần phải nắm được đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính.
4 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 46268 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích đối tượng điều chỉnh của luật hành chính và cho ví dụ minh họa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Phân tích đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính và cho ví dụ minh họa.
Bài làm
Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là những nhóm quan hệ xã hội xác định, có đặc tính cơ bản giống nhau và do những quy phạm thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Do đó mỗi ngành luật khác nhau sẽ có đối tượng điều chỉnh khác nhau và đây chính là tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt các ngành luật với nhau. Để hiểu và phân biệt được Luật hành chính với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam trước hết chúng ta cần phải nắm được đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính.
Luật hành chính Việt Nam điều chỉnh những quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Những quan hệ xã hội này có thể gọi là những quan hệ chấp hành-điều hành hoặc những quan hệ quản lý hành chính nhà nước. Nội dung của những quan hệ này thể hiện:
Việc thành lập, cải tiến cơ cấu bộ máy, cải tiến chế độ làm việc, hoàn chỉnh các quan hệ công tác của các cơ quan nhà nước.
Hoạt động quản lý kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự xã hội trên cả nước, ở từng địa phương hay từng ngành.
Trực tiếp phục vụ các nhu cầu về vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hoạt động kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện pháp luật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các tổ chức và cá nhân.
Xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trật tự quản lý hành chính.
Đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính được chia thành 3 nhóm sau:
a/Các quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành–điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Đây là nhóm quan hệ cơ bản, quan trọng và chủ đạo trong đối tượng điều chỉnh của luật hành chính vì nó được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và thông qua đó các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng cơ bản của mình. Những quan hệ thuộc nhóm đối tượng này rất phong phú, chủ yếu là những quan hệ:
Giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới theo hệ thống dọc hoặc với cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ví dụ: Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội.
Giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp hoặc với cơ quan chuyên môn trực thuộc nó. Ví dụ: Chính phủ làm việc với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về kế hoạch công tác năm 2011.
Giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung ở cấp tỉnh nhằm thực hiện chức năng theo pháp luật. Ví dụ: Bộ Tài nguyên và môi trường yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hoàn thành thống kê thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường của công ty Vedan.
Giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương. Ví dụ: mối quan hệ giữa Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội với Bộ Y tế trong việc thực hiện chính sách xã hội của nhà nước hay mối quan hệ giữa Bộ Tài chính với Bộ Xây dựng trong việc quản lý ngân sách nhà nước trong xây dựng các công trình công cộng.
Giữa cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các đơn vị trực thuộc trung ương đóng tại địa phương đó. Ví dụ: Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội làm việc với Trường đại học Luật Hà Nội về việc di dời ra ngoại thành Hà Nội.
Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị cơ sở trực thuộc. Ví dụ: Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh của bệnh viện Việt Đức.
Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Ví dụ: Mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với các công ty trong khu công nghiệp Nội Bài.
Giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức xã hội. Ví dụ: Chính phủ giao cho Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam giới thiệu các nguồn nhân sự nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Ví dụ: Cảnh sát giao thông xử lý người vi phạm trật tự an toàn giao thông hay Ủy ban nhân dân phường Láng Thượng đăng ký kết hôn cho công dân.
b/ Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố chế độ công tác nội bộ của cơ quan nhằm ổn định về tổ chức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình.
Mỗi loại cơ quan có chức năng cơ bản riêng và để hoàn thành chức năng cơ bản của mình các cơ quan nhà nước phải tiến hành những hoạt động quản lý hành chính nhất định. Đó chính là các hoạt động trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố chế độ công tác nội nội. Vậy hoạt động tổ chức nội bộ là hoạt động của những người lãnh đạo và một bộ phận công chức của các cơ quan được trao quyền tiến hành hoạt động tổ chức trong giới hạn cơ quan. Mục đích của hoạt động tổ chức nội bộ là để các cơ quan nhà nước có thể hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất bởi cơ cấu tổ chức của các cơ quan có ổn định, rõ ràng thì mới có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ví dụ: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khen thưởng các chiến sĩ công an đã đạt thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng việc xây dựng và củng cố chế độ công tác nội bộ không nên vượt quá giới hạn bình thường, dành quá nhiều thời gian và sức lực vì nếu có quá nhiều cơ quan trung gian thì hiệu quả của quản lý sẽ giảm sút.
c/Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cá nhân và tổ chức được Nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hàn chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước không phải chỉ do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước, trong nhiều trường hợp, pháp luật có thể trao quyền thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành cho các cơ quan nhà nước khác (không phải cơ quan hành chính nhà nước), các tổ chức hoặc cá nhân trên cơ sở các lý do khác nhau như chính trị, tổ chức, đảm bảo hiệu quả…
Hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân được trao quyền có tất cả những hậu quả pháp lý như hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhưng chỉ trong khi thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành cụ thể được pháp luật quy định.
Ví dụ: Đội dân phòng tự quản Phố Pháo Đài Láng được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn khu phố.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền xử phạt hành chính với những người có hành vi gây rối, cản trở phiên tòa.
Hay khi tàu biển, tàu bay đã rời sân bay, bến cảng người chỉ huy máy bay, tàu biển đó có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Điều 45 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính).
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính rất rộng, nó bao gồm toàn bộ những quan hệ quản lý hành chính nhà nước được thực hiện bởi nhà nước hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý nhà nước. Nắm được các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc phân biệt Luật hành chính với các ngành luật khác cũng như tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính.
Tài liệu tham khảo
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb.CAND, Hà Nội, 2008.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb.Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi, bổ sung 2008)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích đối tượng điều chỉnh của luật hành chính và cho ví dụ minh họa.doc