Hiến pháp 1992 cùng với một số văn bản quy phạm pháp luật khác (luật tổ chức Quốc hội 2001, luật tổ chức Chính phủ 2001, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008) đã chỉ ra mối quan hệ giữa hai cơ quan quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam, mối quan hệ này có ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các cơ quan nhà nước khác, vì vậy cần phải tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Chính phủ trong bộ máy nhà nước, đảm bảo phát huy vai trò, tác dụng đối với việc quản lý nhà nước và xã hội. Quốc hội và Chính phủ với mối khăng khít đó sẽ ngày càng giúp cho bộ máy nhà nước ta hoàn thiện hơn, thống nhất hơn. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tất cả thành viên trong các tổ chức thiết chế ở trung ương và địa phương, và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân góp phần tổ chức bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn thiện hơn.
8 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 20923 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ theo pháp luật hiện hành, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Nhà nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức theo chế độ tập quyền xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta, chế độ tập quyền được thực hiện khi có Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1980 và 1992, chế độ tập quyền được tăng cường và phát triển hơn nữa trong việc quy định cơ cấu tổ chức nhà nước CHXHCN Việt Nam, nhất là trong việc quy định vị trí, tính chất, chức năng và nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan quyền lực nhà nước, trong đó có cơ quan quyền lực nhà nước, cấp Trung Ương như Chính phủ, Quốc hội. Nếu Quốc hội là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” thì Chính phủ là “cơ quan chấp hành Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nhà nước CHXHCN Việt Nam” (theo điều 109, Hiến pháp 1992). Hai cơ quan này đều đóng vại trò hết sức quan trọng trong bộ máy nhà nước ta. Giữa chúng có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau nhằm phát huy chức năng đặc biệt của chúng đối với cả nước, góp phần củng cố hoàn thiện hơn nhà nước ta. Nghiên cứu mối quan hệ giữa các thiết chế còn thấy được cách thức tổ chức và trật tự hình thành của bộ máy nhà nước. vì vậy em xin chọn đề tài: phân tích mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ theo pháp luật hiện hành”.
NỘI DUNG
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ
1. Vị trí, tính chất, chức năng của Quốc hội
Trong bộ máy nhà nước Việt Nam, Quốc hội chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Vị trí đó được xác định trên cơ sở quy định của Hiến pháp. Ở nước CHXHCN Việt Nam tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân (Điều 2 Hiến pháp 1992). Nhưng nhân dân không thể trực tiếp, thường xuyên sử dụng quyền lực nhà nước cho nên phải bầu ra các cơ quan đại biểu để thay mặt mình sử dụng quyền lực nhà nước. Vì vậy, các cơ quan này được gọi là các cơ quan quyền lực nhà nước. Ở nước ta, các cơ quan này bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Hiến pháp 1992 đã nêu rõ vị trí và tính chât của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhà nước CHXHCN Việt Nam (Điều 83).
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao hoạt động của nhà nước. Vì vậy Quốc hội thể hiện tính đại diện nhân dân và tính quyền lực nhà nước cao nhất trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Với vị trí tính chất như trên, Quốc hội mang chủ quyền nhà nước và chủ quyền nhân dân. Mọi quyền lưc nhà nước tâp trung thống nhất vào Quốc hội. Mọi công việc quan trong của đất nước và của nhân dân có ý nghĩa toàn quốc do Quốc hội quyết định.
Với tinh thần nói trên, Điều 83 Hiến pháp năm 1992 đã quy định chức năng của Quốc hội: Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội đối ngoai, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và họat động của công dân. Quốc hội thực hiên quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước nhằm đảm bảo cho quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để và thống nhất, bộ máy nhà nước hoạt động đồng bộ, có hiệu lực và hiệu quả.
2. Vị trí, tính chất, chức năng của chính phủ
Hiện nay vị trí, tính chất chức năng của chính phủ được quy định tại Điều 109 Hiến pháp 1992: “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan nành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nhà nước; bảo đảm ổn định nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Về tính chất, chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch ngân sách, các loại thuế, ban hành hiến pháp và pháp luật,…Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa hiến pháp các luật và nghị quyết của Quốc hội thành những văn bản dưới luật, đồng thời bàn biện pháp phân công chỉ đạo thưc hiện, biến những quy định trong hiến pháp, các nghị quyết của Quốc hội thành hiện thực.
Vì phải đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, luật nghị quyết của quốc hội đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân, nên chính phủ phải điều hành và quản lý nhà nước. Chính phủ phải nắm được nhân lực, vật lực cũng như những tiềm năng khác của đát nước thống nhát quản lý nhà nước để sử dụng tốt nguồn nhân lực đó. Vì vậy tính chất chấp hành gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ là hoat động chủ yếu, là chức năng quan trọng của Chính phủ.
Chính phủ phải chịu sự giám sát của Quốc hội, phải báo cáo công tác và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiên công tác cả mình.
II. Cơ sở của mối quan hệ giữa Quốc hội và chính phủ
1. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý được quy định trong Hiến pháp và luật của Quốc hội. Quốc hội có mối quan hệ gì với Chính phủ? Chính phủ với Quốc hội có mối quan hệ như thế nào? Các điều này được quy định trong Hiến pháp “đạo luật cơ bản của hầu hết các nhà nước đương đại” và cụ thể hóa trong luật tổ chức Quốc hội năm 2001, luật tổ chức Chính phủ năm 2001. Dựa trên cơ sở dó ta có thể thấy được sự ràng buộc nhất định giữa hai cơ quan này, tạo nền tảng cho việc hình thành bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương nói chung và hệ thống các cơ quan quyền lực nói riêng.
2. Cơ sở lý luận
Quốc hội không thể tự mình thực hiện hết chức năng quản lý nhà nước và xã hội nên công việc này được giao cho cơ quan nhà nước khác là Chính phủ, cơ quan được Quốc hội thành lập nên nhưng lại có sự độc lập tương đối, để Quốc hội thực hiện tốt hơn phần việc của mình là lập pháp, tránh tình trạng lan man không chuyên sâu, không sát thực tế. Nhưng Quốc hội vẫn có quyền giám sát tối cao với Chính phủ. Cho nên mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ về mặt nguyên tắc là một mối quan hệ hai chiều nhưng chiều chủ yếu vẫn là chiều ảnh hưởng của Quốc hội đối với Chính phủ. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thành lập ra các cơ quan nhà nước khác ở trung ương nên vai trò của Quốc hội là rất lớn (về mặt lý luận). Nhưng trên thực tế thì người thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội và mang quyền lực thực tế là Chính phủ. Nhưng cho dù quyền lực nhà nước có thế nào đi nữa thì mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ cũng vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
III. Phân tích mối quan hệ giữa quốc hội với chính phủ
1. Quốc hội thành lập ra chính phủ
Chính phủ là cơ quan chấp hành của quốc hội và quy trình thành lập của Chính phủ có sự chỉ đạo, phối hợp một cách nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ. Điều 3 luật tổ chức Chính phủ 2001 quy định: “Thủ tướng do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của chủ tịch nước. Thủ tướng chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và từ chức đối với Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức, chấp nhận việc từ chức đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Ngoài ra còn có quy định về tiêu chuẩn thành viên Chính phủ như sau: Thành viên Chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội (trừ Thủ tướng), thành viên Chính phủ không đồng thời là thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thực chất việc quy định như vậy là để đảm bảo cho các thành viên Chính phủ tập trung vào một công việc chính theo nguyên tắc “ bất khả kiêm nhiệm”. Để các thành viên Chính phủ tập trung vào công việc chính của họ mà không kiêm nhiệm thêm bất cứ công việc của ngành, tổ chức cơ quan nào khác, đảm bảo cho công việc của Chính phủ được thực hiện đầy đủ và đúng nguyên tắc.
Hiến pháp 1992 có quy định khá cụ thể về việc thành lập Chính phủ, đây là quy định kế thừa có chọn lọc quy định của các Hiến pháp Việt Nam trước đó. Đồng thời cũng thay đổi những quy định không phù hợp với thực tế để Chính phủ hoạt động tốt hơn, đáp ứng yêu cầu và tình hình mới của đất nước, nhằm thực hiện đúng quan điểm về tổ chức bộ máy nhà nước tập trung vào hệ thống cơ quan dân cử. Điều này không đồng nghĩa với việc hạ thấp vai trò vị trí của Chính phủ, mà Hiến pháp vẫn quy định vị trí của Chính phủ là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất” trong bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam.
2. Về mặt tổ chức
Theo quy định của Hiến pháp 1992 và luật tổ chức Chính phủ năm 2001, Quốc hội thành lập ra Chính phủ. Cơ cấu của Chính phủ bao gồm: Các Bộ, các cơ quan ngang bộ (điều 2 luật tổ chức Chính phủ năm 2001). Số lượng các bộ trưởng các Bộ, việc thành lập giải tán các Bộ do Quốc hội quyết định. Các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội (trừ Thủ tướng), do chủ tịch nước bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng và được Quốc hội phê chuẩn (Điều 84 Hiến pháp 1992 và điều 2 luật tổ chức chính phủ năm 2001). Tuy Chính phủ do Quốc hội lập ra nhưng với việc lựa chọn danh sách thành viên, Chính phủ đã khẳng định vị trí tương đối độc lập của mình. Hơn nữa, Thành viên Chính phủ ngoài thủ tướng ra không nhất thiết là đại biểu Quốc hội đây là điều khác so với hiến pháp 1980. Theo Hiến pháp năm 1980 thì Quốc hội bầu và bãi nhiệm các thành viên của Hội đồng bộ trưởng và các thành viên của Hội đồng dân tộc chủ yếu là đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên việc quy định mới này không làm thay đổi về bản chất mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ.
Ở nước ta Quốc hội vừa có quyền lập hiến vừa có quyền lập pháp, nên Quốc hội không những chỉ có quyền lập ra Chính phủ mà còn có quyền quyết định ra cơ cấu và những nguyên tắc hoạt động của cơ quan này cũng như chế độ làm việc của Chính phủ.
Cùng với thẩm quyền thành lập ra Chính phủ thì Quốc hội cũng có quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên của Chính phủ. Tại khoản 7 điều 2 luật tổ chức Quốc hội và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao ; Phê chuẩn đề nghị thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ: Phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Rõ ràng là trong việc bầu, bãi, miễn thành viên Chính phủ có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ,đây là điểm khác biệt của Hiến pháp 1992 ( sửa đổi bổ sung 2001) so với các Hiến pháp trước đó.
3. Về mặt hoặt động
Trong hoạt động xây dựng pháp luật
Hoạt động lập pháp của quốc hội ngày càng có chất lượng hơn bởi sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ xuất phát từ chức năng của Quốc hội và Chính phủ trong bộ máy nhà nước. Trong bộ máy nhà nước thông qua mối quan hệ giữa hai hoạt động lập pháp và hành pháp ở Việt Nam, Chính phủ xem như chủ thể chính trong việc soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hay nói các khác sáng kiến lập pháp chủ yếu hiện nay là từ Chính phủ (hơn 90% các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất). Điều đó khẳng định một thực tế là: Trong điều kiện một Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay việc xây dựng chính sách cũng như xây dựng ban hành các dự án luật, pháp lệnh không phải chỉ có một cơ quan duy nhất mà là sản phẩm của mối quan hệ mang tính chất “cộng đồng trách nhiệm” giữa các chủ thể chính trong đó có Chính phủ và chủ thể ban hành là Quốc hội , Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Chính phủ ngoài sáng quyền lập pháp đối với các đạo luật thường còn có thể sử dụng sáng quyền lập pháp đối với các đạo luật về ngân sách bởi Chính phủ thống nhất quản lý việc xây dựng phát triển nền kinh tế quốc dân, thực hiện chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Tuy trong Hiến pháp 1992 không định rõ cơ quan nào có thẩm quyền sáng quyền lập pháp về ngân sách nhưng trong luật ngân sách nhà nước lại khẳng định Chính phủ có quyền lập và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước, dự toán điều chỉnh ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết, sáng quyền về các đạo luật nói chung và luật ngân sách nói riêng biểu hiện của sự tương quan giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Như vậy thông qua hoạt động trên có thể thấy được vai trò của Chính phủ quan trọng như thế nào trong bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Trong hoạt động giám sát:
Việc kiểm tra giám sát đối với hoạt động của Chính phủ là một hoạt động đặc thù của Quốc Hội. Ở Hiến pháp năm 1946 quyền giám sát Chính phủ thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đều đã chính thức ghi nhận quyền này do Quốc hội trực tiếp thực thi. Thực hiện hoạt động giám sát, Quốc hội mong muốn Hiến pháp cùng các đạo luật khác được tuân thủ một cách triệt để nhằm đảm bảo nguyên tắc pháp quyền XHCN.
Theo Hiến pháp 1992 hình thức giám sát quan trọng nhất của quốc hội là trong các kỳ họp. Quốc hội xem xét thảo luận, báo cáo công tác của Chính phủ và của cơ quan nhà nước khác hàng năm. chính phủ phải báo cáo công tác của mình trước Quốc hội ít nhất một lần/năm. Quốc hội xem xét thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ tại kỳ họp cuối năm để Quốc hội có cơ sở vững chắc khi xem xét báo cáo theo quy định của chủ tịch Quốc hội hoặc người điều khiển phiên họp. Báo cáo của Chính phủ có thể được chuyển cho các Ủy ban hữu quan của quốc hội để thẩm tra, nghiên cứu trước khi thấy những vấn đề cần thiết phải có điều tra để kết luận. Quốc hội có thể thành lập Ủy ban điều tra đặc biệt (gồm các đại biểu Quốc hội, các chuyên viên thuộc lĩnh vực điều tra) Sau khi làm việc Ủy ban sẽ báo cáo kết quả trước Quốc hội.
Hình thức giám sát thứ hai của Quốc hội đối với Chính phủ là thông qua vai trò của các đại biểu Quốc hội, chất vấn là một hình thức giám sát có thể nói là hữu hiệu nhất. Do vậy cả 4 bản Hiến pháp đều quy định hình thức làm việc này. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn bất cứ vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội không phụ thuộc vào vấn đề đó nêu ra trong nội dung chương trình kỳ họp hay không.
Hình thức giám sát thứ ba của Quốc hội là giám sát đối với các văn bản của Chính phủ. Khoản 9 Điều 84 hiến pháp 1992 quy định “Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp luật, nghị quyết của Quốc hội”. Trước đây thẩm quyền này thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Hội đồng nhà nước (Điều 53 Hiến pháp 1959 và điều 100 Hiến pháp 1980). Nhưng đến Hiến pháp 1992 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ có quyền đình chỉ các văn bản của Chính phủ trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội hủy bỏ các văn bản đó. Điều này nhấn mạnh tính quyền lực cao nhất của Quốc hội.
Ngoài các hình thức giám sát trên thì hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ còn do các cơ quan của Quốc hội đảm nhiệm đó là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội.
Trong hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước:
Tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước như kinh tế xã hội, những vấn đề quốc kế dân sinh những vấn đề đối nội đối ngoại và quốc phòng an ninh của đất nước. đều đã dược các bản Hiến pháp quy định là thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội. Hiến pháp năm 1992 cũng đã kế thừa những quy định ấy và đưa vào nội dung Hiến Pháp (Điều 83 và điều 84) cũng như đưa vào luật tổ chức Quốc hội năm 2001 cụ thể:
Trong hoạt động đối nội của Quốc hội vấn đề then chốt hiện nay là hoạt động kinh tế xã hội trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân sách. Đây là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia, mặt khác việc thông qua ngân sách là một trong những chức năng quan trọng nhất, thể hiện rõ nét và trực tiếp nhất quyền lực nhà nước của Quốc hội. Quyền thông qua ngân sách còn là cơ chế kiểm soát quyền lực quan trọng của Quốc hội với các cơ quan hành pháp. Theo quy định Khoản 4 điều 84 Hiến pháp năm 1992, Quốc hội có thẩm quyền quy định dự toán ngân sách nhà nước còn Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Đây cũng là điểm mới của Hiến pháp 1992 so với các Hiến pháp trước đó.
Việc quyết định cụ thể quyền về ngân sách nhà nước giúp Quốc hội thực hiện hoạt động quản lý giám sát việc chi tiêu của Chính phủ cũng như việc chi tiêu của chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng là một nguy cơ lớn mà Đảng ta luôn nhấn mạnh.
Về hoat động đối ngoại. Khoản 12 điều 84 Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội quyết định những vấn đề chiến tranh, hòa bình tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nhà nước bị xâm lược. Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế đã kí kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước trên cơ sở đó chính phủ thống nhất quản lý công tác đối ngoại của nhà nước, kí kết tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam đã kí kết và tham gia (khoản 8 điều 112 Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001)
Về tính chịu trách nhiệm của chính phủ trước Quốc hội:
Với Hiến pháp hiện hành và luật tổ chức Chính phủ 2001, có thể nói mối quan hệ trách nhiệm giữa Chính phủ với Cuốc hội đã quy định tương đối cụ thể; Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (Điều 110 Hiến pháp 1992) Phó thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Quốc hội về nhiệm vụ được Thủ tướng phân công (luật tổ chức Chính phủ 2001) Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Quốc hội về ngành và lĩnh vực mà mình phụ trách (Điều 117 Hiến pháp 1992). Như vậy vấn đề đổi mới ở đây so với Hiến pháp trước là mối quan hệ trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Như vậy có thể thấy hiến pháp năm 1992 đã xác lập cơ chế phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp hành pháp và tư pháp.
4. Một số giải pháp tăng cường hoàn thiện mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ.
Trong mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ cần phải có sự tăng cường tính chủ động của chính phủ trong quá trình xây dựng luật và pháp lệnh; tăng cường hoạt động thông tin giữa các cơ quan của Quốc hội với các Bộ, các ban ngành của Chính phủ, đây là cầu nối để chúng ta xây dựng có chất lượng các dư án luật, pháp lệnh. Tăng cường mối quan hệ giữa UBTV Quốc hội, các ban của Quốc hội, Bộ tư pháp với các ban của Chính phủ trong giai đoạn thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng luật và pháp lệnh. Nâng cao trách nhiệm đội ngũ tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ trong quá trình lập pháp. Tăng cường kinh phí cho hoạt động xây dựng pháp luật, pháp lệnh; các dự án luật, pháp lệnh phải được xem như là những công trình khoa học lớn cần có sự đầu tư thích đáng về mặt tài chính để thu hút trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia phục vụ công tác xây dựng luật của Quốc hội và hoạt động quản lý hành chính của Chính phủ, góp phần tăng cường tính thống nhất giữa Quôc hội và Chính phủ trong hoạt động riêng của mình cũng như hoạt động chung của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
KẾT LUẬN
Hiến pháp 1992 cùng với một số văn bản quy phạm pháp luật khác (luật tổ chức Quốc hội 2001, luật tổ chức Chính phủ 2001, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008) đã chỉ ra mối quan hệ giữa hai cơ quan quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam, mối quan hệ này có ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các cơ quan nhà nước khác, vì vậy cần phải tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Chính phủ trong bộ máy nhà nước, đảm bảo phát huy vai trò, tác dụng đối với việc quản lý nhà nước và xã hội. Quốc hội và Chính phủ với mối khăng khít đó sẽ ngày càng giúp cho bộ máy nhà nước ta hoàn thiện hơn, thống nhất hơn. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tất cả thành viên trong các tổ chức thiết chế ở trung ương và địa phương, và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân góp phần tổ chức bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn thiện hơn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ theo pháp luật hiện hành.doc