Chế định về quyền và nghĩa vụ của công dân là chế định cơ bản trong hầu hết các bản hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là cơ sở để xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở cho mọi quyền và nghĩa vụ khác. Quyền về văn hóa – giáo dục là một trong số những quyền cơ bản của công dân. Nó thể hiện mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của công dân mỗi nước.
Trong lịch sử lập hiến nước ta, nội dung các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. So với Hiến pháp trước, Hiến pháp sau đã có những sửa đổi bổ sung điều khoản mới phản ánh những thay đổi cơ bản trong đời sống xã hội Việt Nam ở mỗi giai đoạn phát triển. Do đó, các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân trong Hiến pháp nước ta thể hiện tính kế thừa, phát triển cả về hình thức và nội dung. Điều đó phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, phản ánh nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và địa vị xã hội ngày càng tăng của các cá nhân con người.
Với tầm quan trọng như trên, em xin chọn đề tài “Phân tích sự kế thừa và phát triển các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân theo Hiến pháp 1992 so với Hiến pháp 1980”. Việc nghiên cứu, phân tích các quyền này giúp ta có cái nhìn tổng thể và ngày càng hoàn thiện hơn nhằm trực tiếp góp phần nâng cao đời sống của người dân, đồng thời cho phép chúng ta nhận thức rõ hơn trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật về quyền văn hóa – giáo dục của công dân trong thực tế.
8 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2798 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích sự kế thừa và phát triển các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân theo Hiến pháp 1992 so với Hiến pháp 1980, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU
***
Chế định về quyền và nghĩa vụ của công dân là chế định cơ bản trong hầu hết các bản hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là cơ sở để xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở cho mọi quyền và nghĩa vụ khác. Quyền về văn hóa – giáo dục là một trong số những quyền cơ bản của công dân. Nó thể hiện mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của công dân mỗi nước.
Trong lịch sử lập hiến nước ta, nội dung các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. So với Hiến pháp trước, Hiến pháp sau đã có những sửa đổi bổ sung điều khoản mới phản ánh những thay đổi cơ bản trong đời sống xã hội Việt Nam ở mỗi giai đoạn phát triển. Do đó, các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân trong Hiến pháp nước ta thể hiện tính kế thừa, phát triển cả về hình thức và nội dung. Điều đó phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, phản ánh nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và địa vị xã hội ngày càng tăng của các cá nhân con người.
Với tầm quan trọng như trên, em xin chọn đề tài “Phân tích sự kế thừa và phát triển các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân theo Hiến pháp 1992 so với Hiến pháp 1980”. Việc nghiên cứu, phân tích các quyền này giúp ta có cái nhìn tổng thể và ngày càng hoàn thiện hơn nhằm trực tiếp góp phần nâng cao đời sống của người dân, đồng thời cho phép chúng ta nhận thức rõ hơn trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật về quyền văn hóa – giáo dục của công dân trong thực tế.
Bài làm có thể còn nhiều thiếu sót nên em kính mong thầy cô đóng góp những ý kiến bổ sung để chúng em có thể hoàn thiện kiến thức của mình một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Em xin chân thành cảm ơn.
B. NỘI DUNG
CÁC KHÁI NIỆM.
Khái niệm kế thừa và phát triển.
Kế thừa là sự thừa hưởng, giữ gìn và tiếp tục phát huy những nhân tố phù hợp với quy luật, đồng thời loại bỏ những nhân tố trái quy luật (1).
Phát triển là quá trình vận động của sự vật theo khuynh hướng đi lên, từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ kém hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh hơn (2).
Sự kế thừa và phát triển là quá trình vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong lịch sử lập hiến của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam. Một bản hiến pháp được coi là hoàn thiện phải là bản hiến pháp dựa trên những điều mà các bản hiến pháp trước đã quy định, đồng thời các chế định, các điều luật trong đó phải có sự sửa đổi, bổ sung và mở rộng sao cho phù hợp với bối cảnh và tình hình đất nước vào những thời điểm nhất định. Do đó, các bản hiến pháp sau này của nước ta đều có sự kế thừa và phát triển so với các bản hiến pháp trước đã ra đời, đánh dấu bốn giai đoạn phát triển của Nhà nước Việt Nam.
Khái niệm quyền công dân và quyền cơ bản của công dân.
Quyền công dân là những quy định pháp luật về khả năng công dân thực hiện quyền tự do lựa chọn hành động của mình và được nhà nước bảo đảm thực hiện.
Quyền cơ bản của công dân là các quyền quan trọng nhất của công dân mà công dân được hưởng, thường xuất phát từ quyền tự nhiên thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người như quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc…
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận các quyền cơ bản của công dân, trong đó có các quyền về văn hóa – giáo dục.
−−−−−−−−−−−−−−−−−−−
(1), (2): Giáo trình triết học Mác Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 75, 102.
Khái niệm văn hóa – giáo dục.
Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần (1).
Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi và biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của cả người dạy và người học theo hướng tích cực, đáp ứng các yêu cầu tồn tại và phát triển trong xã hội (2).
SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN CÁC QUYỀN VỀ VĂN HÓA, GIÁO DỤC CỦA CÔNG DÂN THEO HIẾN PHÁP 1992 SO VỚI HIẾN PHÁP 1980.
Các quyền về văn hóa, giáo dục của công dân được quy định trong cả hai bản Hiến pháp gồm 4 điều, đó là quyền học tập của công dân (Điều 60 Hiến pháp 1980, Điều 59 Hiến pháp 1992); quyền được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, phát triển của trẻ em và thanh niên (Điều 65, Điều 66 Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992); và quyền sáng tạo của công dân (Điều 72 Hiến pháp 1980, Điều 60 Hiến pháp 1992). Các quyền này, ở Hiến pháp 1992 có nhiều điểm kế thừa và phát triển so với Hiến pháp 1980.
Sự kế thừa và phát triển quyền học tập của công dân.
Giáo dục và đào tạo là vấn đề hết sức quan trọng, thể hiện trình độ phát triển của mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Vì vậy, ngay từ khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(3). Do đó, giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng nước ta. Quyền học tập và điều kiện học tập của công dân Việt Nam càng hoàn thiện bao nhiêu thì dân tộc Việt Nam càng vững mạnh bấy nhiêu.
−−−−−−−−−−−−−−−−−−−
(1), (2): Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội – Trung Tâm từ điển học, Hà Nội, 2000, trang 1062, 325.
(3): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 554.
Hiến pháp 1992 đã ghi nhận 2 điểm trong quyền học tập của công dân mà Hiến pháp 1980 đã quy định, đó là: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân” và “Nhà nước có chính sách học bổng”. Thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình chính là điều kiện để công dân tự nâng cao trình độ về mọi mặt, hình thành và hoàn thiện nhân cách. Đó là cơ sở để phát huy quyền làm chủ, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ khác mà Hiến pháp đã ghi nhận. Từ đó, những công dân có tài năng sẽ được hưởng chính sách học bổng của Nhà nước để hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, góp phần xây dựng đất nước.
Hiến pháp 1992 tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những quy định trong Hiến pháp 1980. Không chỉ có chính sách học bổng, Nhà nước còn tạo điều kiện học tập cho những học sinh có năng khiếu phát triển tài năng. Những điều kiện đó không chỉ là học bổng mà còn là những yếu tố khách quan có tác động tích cực đến việc học (như đầu tư chất lượng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện tiếp xúc với phương pháp học tiên tiến…). Nhờ vậy, công dân luôn có điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng của mình.
Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 có sự sửa đổi quan trọng trong chế độ giáo dục bắt buộc và chế độ học phí. Việc quy định “chế độ giáo dục phổ thông bắt buộc” và “chế độ học không phải trả tiền” trong Hiến pháp 1980 không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Nhà nước ta còn nghèo, việc thực hiện chế độ giáo dục phổ thông bắt buộc không thể thực hiện được. Và nếu thực hiện chế độ học không trả tiền cho tất cả các cấp bậc, trình độ thì Nhà nước không đủ khả năng trả lương cho đội ngũ giáo viên. Chế độ lương bổng thấp khiến cho những người làm công tác giáo dục không có một cuộc sống bình thường là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho nền giáo dục của chúng ta xuống cấp nhanh chóng. Khắc phục tình trạng nói trên, Hiến pháp 1992 đã xác định chỉ có “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”, “nhà nước có chính sách học phí” và “công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức”. Quyền học tập này của công dân được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, ở các loại hình trường lớp khác nhau. Công dân có thể học ở hệ chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, học tập trung hoặc không tập trung, học ban ngày hoặc buổi tối; có thể học ở các loại hình trường lớp khác nhau: trường quốc lập, trường dân lập, trường tư thục…
Ngoài ra, Hiến pháp 1992 mở rộng thêm một điểm mới, đó là “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hóa và học nghề phổ thông”. Quyền này chưa được đề cập trong Chương V của Hiến pháp 1980. Trẻ em tàn tật là những người thiệt thòi. Việc tạo điều kiện giúp các em được hưởng quyền học tập của công dân giúp các em có lòng tin, sự phấn đấu để trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, quyền bình đẳng về cơ hội học tập của công dân ở Hiến pháp 1992 vẫn còn hạn chế vì chưa tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập.
Sự kế thừa và phát triển quyền được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, phát triển của trẻ em và thanh niên.
Về căn bản, Hiến pháp 1992 đã ghi nhận, kế thừa lại toàn bộ quyền này của Hiến pháp 1980. Đó là “trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục” (Điều 65 Hiến pháp 1992) và “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 66 Hiến pháp 1992). Trẻ em và thanh niên là hai đối tượng có vai trò quan trọng trong xã hội, là tương lai của đất nước. Tổ chức UNESCO đã nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Do đó, trẻ em và thanh niên có quyền được sống trong môi trường lành mạnh, được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện.
Ở quyền này, Hiến pháp 1992 cũng có một số sự bổ sung, sửa đổi nhỏ so với Hiến pháp 1980. Với trẻ em, Hiến pháp 1992 đã khẳng định quyền được gia đình, Nhà nước và xã hội chăm sóc, bảo vệ, giáo dục là quyền tất yếu, còn Hiến pháp 1980 chỉ nêu rằng “Nhà nước và xã hội … mở rộng dần việc nuôi dạy trẻ em, làm cho sinh hoạt, học tập và trưởng thành của trẻ em được đảm bảo”. Với thanh niên, Hiến pháp 1992 bổ sung thêm quyền được “bồi dưỡng về truyền thống dân tộc, ý thức công dân”; đồng thời nêu rõ nhiệm vụ của thanh niên là “đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Trong cuộc sống hiện đại, ngoài các hoạt động phát triển thể lực, trí tuệ, đạo đức, năng khiếu, yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc và ý thức công dân luôn cần được giáo dục với tầng lớp thanh niên, để họ biết bảo tồn giá trị truyền thống và biết chấp hành ý thức công dân, trở thành người có ích cho xã hội. Hiến pháp 1992 đã gắn quyền lợi này của thanh niên với nghĩa vụ sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với nguyên tắc “quyền công dân không tách rời với nghĩa vụ công dân”.
Sự kế thừa và phát triển quyền sáng tạo của công dân.
Văn hóa do con người sáng tạo ra để phục vụ lại con người. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân không chỉ đòi hòi cơm no, áo ấm mà còn đòi hỏi phải được thưởng thức và tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị văn hóa tinh thần mà dân tộc và loài người sáng tạo ra. Đó là một trong số những quyền cơ bản của công dân.
Hiến pháp 1992 tiếp tục kế thừa quyền sáng tạo của công dân đã được quy định ở Hiến pháp 1980, đó là “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp”. Quyền sáng tạo của công dân bao gồm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền hoạt động khoa học, công nghệ. Công dân có quyền sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; các tác phẩm báo chí; các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và tạo ra các sản phẩm mang tính sáng tạo trong hoạt động khoa học, công nghệ.
Hiến pháp nước ta, một mặt, khuyến khích tự do sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kĩ thuật và công nghệ, phổ biến các tác phẩm và công trình khoa học, văn học, nghệ thuật có lợi cho đất nước; mặt khác, luôn bảo vệ quyền sáng tạo của công dân thông qua các quy định trừng trị nghiêm khắc những hành vi xâm phạm quyền của công dân trong hoạt động sáng tạo.
Nhà nước cần phải có các chính sách khơi dậy những tiềm năng sáng tạo của công dân, phải coi nhân dân là chủ thể, là người sáng tạo ra văn hóa. Phong trào văn hóa quần chúng sẽ phát huy sự sáng tạo của nhân dân, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những hạt nhân của phong trào văn hóa quần chúng. Nhà nước phải đầu tư thỏa đáng để phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, tạo điều kiện cho nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tại văn hóa – nghệ thuật (Điều 32 Hiến pháp 1992).
C. KẾT LUẬN
Vấn đề văn hóa – giáo dục ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu. Do đó, các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân được nhiều nước quan tâm. Riêng ở Việt Nam vấn đề này trở thành một trong những vấn đề quan trọng, được ghi nhận trong Hiến pháp. Các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân luôn luôn có sự điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong mỗi thời kì. Như vậy, bên cạnh các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước và các chế định chính trị, kinh tế, xã hội, chế định về quyền công dân mà đặc biệt là các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân luôn được nhà nước ta coi trọng, thể hiện ngay từ Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp 1946. Các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân luôn phải được sửa đổi, bổ sung, mở rộng sao cho phù hợp với tình hình đất nước, phải có tính kế thừa và phát triển để luôn đảm bảo sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng đất nước một cách toàn diện.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
***
Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Đại học Mở Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sách giáo khoa văn học lớp 12 – Nâng cao, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích sự kế thừa và phát triển các quyền về văn hóa – giáo dục của công dân theo Hiến pháp 1992 so với Hiến pháp 1980.doc