Pháp luật thừa kế ở Việt Nam từ thế kỷ XV đến nay

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Thừa kế là quan hệ về tài sản có tính chất phổ biến trong đời sống xã hội. Theo cách hiểu phổ thông nhất, thừa kế di sản là sự chuyển dịch di sản của cá nhân đã chết cho những người còn sống. Quan hệ sở hữu tài sản và quan hệ thừa kế di sản tồn tại một cách khách quan không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Có thể thấy rằng sở hữu tài sản và thừa kế xuất hiện rất sớm trong lịch sử xã hội loài người. Ở nước ta, pháp luật về thừa kế có quá trình phát triển khá sớm trong tiến trình lịch sử thể hiện rõ nhất từ Bộ luật Hồng Đức ban hành năm 1483 và có thể thấy quan hệ thừa kế không những chịu ảnh hưởng bởi chế độ chính trị xã hội, chế độ sở hữu mà còn chịu ảnh hưởng bởi chế độ hôn nhân gia đình, phong tục tập quán ở mỗi thời kỳ lịch sử trong một mức độ nhất định. Mục tiêu trước mắt và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp là xây dựng chế độ nhà nước pháp quyền - một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong chế độ pháp quyền đó, quyền thừa kế của công dân là một trong những quyền cơ bản được Nhà nước công nhận và bảo hộ. Công dân có quyền để lại tài sản cho cá nhân hoặc tổ chức theo di chúc hoặc theo pháp luật, nhưng cũng có quyền hưởng di sản của người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong chế độ Nhà nước pháp quyền đó các quyền, lợi ích hợp pháp của mọi chủ thể trong xã hội, trong đó có quyền lợi hợp pháp của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Các quyền dân sự cơ bản của công dân ngày càng được củng cố trong đó có quyền thừa kế di sản. Khi khối lượng tài sản của công dân ngày càng đa dạng về chủng loại, lớn về giá trị tài sản, thì quyền thừa kế di sản của cá nhân ngày càng được coi trọng và được ghi nhận cụ thể trong hệ thống pháp luật. Từ thực tế cuộc sống này, pháp luật về thừa kế phải được xây dựng và không ngừng được hoàn thiện cho phù hợp với quá trình xây dựng và phát triển toàn diện của đất nước. Hiện nay những quy định về quyền thừa kế đã chiếm một vị trí quan trọng với số lượng điều luật đáng kể có tính khái quát cao và quy định tương đối đầy đủ, toàn diện về thừa kế trong Bộ luật dân sự. Nhưng kể từ khi Nhà nước ban hành Bộ luật dân sự đầu tiên năm 1995 và Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2005, thì những quy định của Bộ luật dân sự về quyền thừa kế khi được Toà án các cấp áp dụng để giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế, nhưng vẫn tồn tại không ít khó khăn, lúng túng. Vì trong Bộ luật dân sự vẫn còn có những quy định trong chế định thừa kế chưa thật sự phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập nền kinh tế thế giới. Hiện nay, hàng năm ngành Tòa án nhân dân vẫn phải thụ lý và giải quyết hàng ngàn vụ án tranh chấp về thừa kế. Nhưng quy định của pháp luật thừa kế hiện nay cùng các ngành luật liên quan như pháp luật đất đai và những quy định pháp luật khác có liên quan đến thừa kế vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Thực tiễn xét xử tại ngành Tòa án nhân dân cho thấy: có nhiều vụ tranh chấp về quyền thừa kế đã phải xét xử nhiều lần mà tính thuyết phục vẫn không cao. Có thể thấy rằng, khi áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp về thừa kế, ngành Toà án nhân dân đã gặp rất nhiều khó khăn. Đó là những quy định chưa thật sự ổn định của pháp luật về đất đai, các chính sách có những nội dung chưa nhất quán. Thực tế này đã gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giải quyết các tranh chấp về quyền thừa kế liên quan đến nhà, đất. Ngoài ra cũng cần thấy rằng, do tính chất và sự đa dạng về chủng loại tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân không thuần nhất, không ngừng biến động, biến đổi cũng làm ảnh hưởng đến việc xác định khối di sản và quyền thừa kế của cá nhân công dân. Nhận thức được tầm quan trọng và rất phức tạp của pháp luật thừa kế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo, nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài nghiên cứu: PHÁP LUẬT THỪA KẾ Ở VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ XV ĐẾN NAY. Thông qua việc nghiên cứu đề tài, nhóm tác giả hy vọng rằng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật thừa kế được quy định trong Bộ luật dân sự của nước ta 2. Tình hình nghiên cứu Do thừa kế là một chế định phổ biến của đời sống xã hội nên từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, pháp luật thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc cũng có những quy định về thừa kế. Trong các bộ luật được ban hành vào thời kỳ phong kiến và các bộ dân luật cũ thời kỳ Pháp thuộc, thừa kế cũng luôn là một chế định chiếm vị trí quan trọng trong các bộ luật. Trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long, Bộ dân luật giản yếu (năm 1883), Bộ dân luật Bắc Kỳ (năm 1931), Bộ dân luật Trung Kỳ (năm 1936), các quy định về thừa kế đều chiếm một số lượng điều luật đáng kể. Ngay sau khi giành được độc lập, cùng với lễ tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Nhà nước ta đã ban hành những văn bản có những quy định về quyền thừa kế như trong đó có những văn bản quy định về thừa kế như: Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950, Thông tư số 1742 - BNC ngày 18/9/1956 của Bộ Tư pháp, Thông tư số 594-NCPL ngày 27/8/1968 của Toà án nhân dân tối cao, Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981, Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990. Trong tiến trình đổi mới, Nhà nước ta đã ban hành Bộ luật dân sự đầu tiên vào năm 1995 và có hiệu lực ngày 01/7/1996. Đây là là kết quả của quá trình pháp điển hóa luật dân sự Việt Nam trong suốt hơn 50 năm. Lần đầu tiên chế định thừa kế được quy định trong Bộ luật dân sự năm 1995 khá đầy đủ và hoàn thiện nhất mà những văn bản pháp luật trước đó chưa quy định. Tuy nhiên, sau 10 năm áp dụng, có những quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 đã không còn thích hợp, một số điều khoản đã không phát huy được tác dụng tích cực trong việc điều chỉnh các quan hệ về tài sản, trong đó có những quy định về thừa kế. Năm 2005, nhà nước lại ban hành Bộ luật dân sự bổ sung, sửa đổi thay thế Bộ luật dân sự năm 1995. Các công trình nghiên cứu về thừa kế nói chung theo pháp luật ở nước ta còn dàn trải và mới chỉ tập trung vào một số khía cạnh cụ thể trong chế định về quyền thừa kế như: thời điểm mở thừa kế; điều kiện của những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc; quyền thừa kế di sản của con nuôi. Một số bài viết chỉ tập trung phân tích, bình luận một tranh chấp cụ thể như tranh chấp về xác định chủ thể hưởng di sản theo pháp luật, người thừa kế thế vị hoặc chủ thể không được thừa kế theo pháp luật . Những bài viết có tính chất nghiên cứu này được đăng trong các tạp chí chuyên ngành luật như: Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí luật học, Tạp chí dân chủ và pháp luật. Trước đây, vấn đề thừa kế đã được nghiên cứu khái quát ở một số sách có tính chất như là một dạng kiến thức phổ thông như: "Câu hỏi và giải đáp pháp luật về thừa kế" của luật sư Lê Kim Quế, "Hỏi đáp về pháp luật thừa kế" của tiến sĩ Đinh Văn Thanh và luật sư Trần Hữu Biền . với nội dung giải đáp các vấn đề cơ bản nhất về thừa kế trong đời sống xã hội. Ngoài ra, trong thời gian qua đã có một số công trình nghiên cứu ở bậc sau đại học, cấp luận án thạc sĩ và tiến sỹ của một số tác giả. Những công trình nghiên cứu về thừa kế là những luận văn hoặc luận án tiến sãy của các tác giả nói trên chỉ dừng lại trong phạm vi chế định thừa kế được qui định trong Bộ luật dân sự và giải quyết những vấn đề thừa kế theo pháp luật mà Bộ luật dân sự hiện hành của nước ta qui định. Việc nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện chế định thừa kế thì chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu ở cấp thạc sĩ và tiến sĩ. 3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu Đề tài được nghiên cứu với mục đích làm sáng tỏ những quy định của pháp luật về thừa kế từ đó rút ra những kết luận: - Nghiên cứu có tính chất tổng quát các khái niệm liên quan đến quyền thừa kế của công dân; quy định của pháp luật thực định về quyền thừa kế của công dân qua hai hình thức: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. - Quá trình hình thành và phát triển pháp luật thừa kế ở nước ta qua các giai đoạn lịch sử; nêu những cơ sở và luận điểm có tính chất tổng quát về tiến trình phát triển pháp luật thừa kế ở nước ta qua các thời kỳ lịch sử và phân tích để thấy rõ những nội dung kế thừa, phát triển qua mỗi thời kỳ lịch sử. - Đề tài không nghiên cứu tất cả các nội dung của chế định thừa kế mà các chuyên đề chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản nhất, nhưng hiện có những cách hiểu rất khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật như: xác định chính xác di sản thừa kế, quan hệ pháp luật về thừa kế, thừa kế trong di chúc chung của vợ chồng, vấn đề thừa kế thế vị . - Kết quả nghiên cứu đề tài sẽ là cơ sở để tiếp tục có những kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự. Mục tiêu của việc nghiên cứu đề tài là, nêu những kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định thừa kế cho phù hợp với tổng thể các quy định trong Bộ luật dân sự và đồng bộ với các quy định của các nghành luật khác. 4. Phương pháp nghiên cứu Khi nghiên cứu đề tài thừa kế, tập thể Chủ nhiệm đề tài và các cộng tác viên đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống để tiếp cận đề tài như: Phương pháp lịch sử; Phương pháp lôgic; Phương pháp duy vật biện chứng; Phương pháp so sánh; Phương pháp tổng hợp. Thông qua các phương pháp lịch sử, phương pháp duy vật biện chứng để tổng hợp và so sánh làm nổi bật quyền thừa kế theo pháp luật của công dân ngày càng được coi trọng và bảo đảm thực hiện theo trình độ phát triển mọi mặt của đất nước. 5. Những đóng góp mới của đề tài Quyền thừa kế của cá nhân công dân là một trong những quyền dân sự cơ bản và là một căn cứ phổ biến xác lập quyền sở hữu tài sản của công dân. Qua nghiên cứu đề tài, một hệ thống các khái niệm về thừa kế, về quyền thừa kế đã được phân tích, làm sáng tỏ để minh chứng tính đặc thù của quan hệ thừa kế trong các quan hệ pháp luật dân sự. Thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự được đặt trong mối liên hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định để phân tích, làm sáng tỏ quyền đó dưới góc độ quyền khách quan và quyền chủ quan, được củng cố, ghi nhận được bảo vệ ngày một hiệu quả hơn. Qua đó làm sáng tỏ quyền dân sự cơ bản của công dân, góp phần hoàn thiện về mặt lý luận trong việc nâng cao trình độ ý thức pháp luật của cá nhân trong chế định thừa kế. Từ đó sẽ góp phần khắc phục và loại bỏ những quy định pháp luật thừa kế thiếu tính khái quát, không đồng bộ, không toàn diện trong Bộ luật dân sự. Từ thực trạng giải quyết các tranh chấp về quyền thừa kế tại ngành Toà án nhân dân sẽ rút ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật thừa kế tại Việt Nam. Trước hết là việc cần phải sửa đổi bổ sung chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự phù hợp và có hiệu lực cao trong đời sống xã hội hiện tại và lâu dài. 6. Kết cấu của đề tài. Đề tài gồm có 8 chuyên đề, nghiên cứu về những mảng riêng khác nhau. Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo, phần các chuyên đề, đề tài còn có phần Báo cáo tổng quan được kết cấu thành 3 chương với các mục tương ứng nội dung các chuyên đề độc lập.

doc104 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3319 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Pháp luật thừa kế ở Việt Nam từ thế kỷ XV đến nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ản thừa kế của người hưởng thừa kế còn có ý nghĩa trong việc xem xét tính hợp pháp của các giao dịch liên quan đến di sản thừa kế của người hưởng di sản. Nếu có tranh chấp, cơ quan xét xử sẽ có cơ sở để công nhận hay tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Vì chủ sở hữu tài sản mới có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Khi di sản thừa kế chưa chia thì không ai có quyền thực hiện các hành vi để quyết định số phận thực tế hay số phận pháp lý của di sản. Theo đó, khối di sản sẽ được bảo toàn, tránh được chuyển dịch bất hợp pháp hoặc tẩu tán tài sản... Với những lý do này chúng tôi thấy rằng Bộ luật dân sự cần phải qui định thời điểm xác lập quyền sở hữu của người hưởng di sản đối với phần tài sản mà họ được hưởng trong khối di sản thừa kế của người chết để lại sẽ thuộc quyền sở hữu của người có quyền hưởng di sản từ khi họ nhận được di sản (đối với di sản mà pháp luật không yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu) hoặc từ khi hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với di sản thừa kế (nếu pháp luật có yêu cầu). 3.3. Về vấn đề quyền và nghĩa vụ của người được di tặng và thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với phần được hưởng di tặng. Điều 636 Bộ luật dân sự quy định về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế. Đối với người được di tặng thì không có điều luật nào qui định về thời điểm phát sinh quyền được hưởng di sản của họ từ di sản của người chết (người di tặng) để lại. Mặc dù Điều 671 Bộ luật dân sự quy định người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng nhưng nếu toàn bộ di sản không đủ để thanh toán thì phần di tặng được dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại. Vậy, quyền và nghĩa vụ của người được di tặng có phát sinh từ thời điểm mở thừa kế? Người được di tặng và người được hưởng thừa kế đều chỉ được hưởng di sản sau khi đã thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Phần di sản của người thừa kế sẽ được lấy ra để thanh toán trước. Nếu không đủ thì mới lấy phần di sản của người được di tặng để thanh toán nghĩa vụ của người chết để lại. Tuy vậy, việc thực hiện nghĩa vụ đều phải được chấp hành trong một thời hạn nhất định. Việc di tặng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết (thời điểm mở thừa kế) và cố nhiên là người được di tặng phải còn sống vào thời điểm đó. Mặt khác, người được di tặng không phải là người thừa kế, nhưng về bản chất người được di tặng là người được hưởng một phần di sản đã được xác định theo sự định đoạt của người lập di chúc, họ được xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản đó. Vì vậy, người được hưởng di tặng cũng có quyền và nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại từ thời điểm mở thừa kế. Họ được xác lập quyền sở hữu khi họ thực hiện được quyền hưởng di sản của mình. Hay nói cách khác, họ được xác lập quyền sở hữu khi họ nhận được di sản từ khối di sản của người chết để lại. Người được di tặng cũng có quyền nhận hoặc từ chối quyền được hưởng di sản như người thừa kế. Chúng tôi cho rằng, Bộ luật dân sự cần có những quy định các vấn đề mà chúng tôi đề cập ở trên để có cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế liên quan đến người được di tặng, theo hướng bổ sung thêm các nội dung về: Thời điểm phát sinh quyền tài sản của người được di tặng, về việc từ chối nhận di sản, về phần di sản mà người được di tặng từ chối nhận hoặc không được quyền hưởng di sản. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người được di tặng có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Người được di tặng có quyền từ chối nhận di sản, trừ khi việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Phần di sản liên quan đến người được di tặng nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc sẽ được áp dụng chia theo quy định của pháp luật. 3.4. Về di sản thờ cúng. Di sản thờ cúng nằm trong mối liên hệ với di sản thừa kế, là một phần của khối di sản mà người chết để lại. Nó vừa mang giá trị kinh tế vừa mang giá trị truyền thống phản ánh đời sống tâm linh của người Việt Nam. Pháp luật Dân sự hiện nay vẫn chưa dành sự quan tâm thích đáng cho loại di sản có tính chất đặc biệt và có tính độc lập so với các loại di sản khác. Cụ thể là quy định còn sơ lược trong một điều luật nên không thể bao quát hết được những nội dung cần được điều chỉnh. Hoàn toàn có thể “luật hoá” được các nội dung này, theo hướng: - Cần quy định hai loại di sản thờ cúng: Di sản thờ cúng được lập lần đầu (sơ lập) và di sản thừa kế đã được truyền lại qua nhiều đời. - Quy định quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng (trong đó, đặc biệt chú trọng đến nghĩa vụ và quyền hưởng hoa lợi, lợi tức của người quản lý di sản thờ cúng). - Quy định về căn cứ và điều kiện chấm dứt việc quản lý di sản thờ cúng. - Quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với di sản thờ cúng của người quản lý và sử dụng di sản đó cho việc thờ cúng, khi loại di sản này đã tồn tại sau một thời gian nhất định. 3.5. Về vấn đề thời hiệu liên quan đến việc xác định di sản thừa kế của vợ, chồng khi có một bên chết trước. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc, thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Theo quy định này thì khi thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đã hết, đương sự không có quyền khởi kiện để chia thừa kế. Nhưng trong trường hợp thời hiệu khởi kiện để chia di sản của người vợ hoặc người chồng chết trước đã hết, mà thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế của người chết sau vẫn còn, vấn đề xác định di sản của người đã chết trong khối tài sản chung của vợ chồng trường hợp này vẫn còn nhiều lúng túng và vướng mắc, thực tế có bốn cách xác định di sản thừa kế khác nhau như sau: Một là: Xác định toàn bộ tài sản chung của vợ chồng là di sản thừa kế để chia di sản thừa kế cho người thừa kế của cả hai vợ chồng. Hai là: Chỉ xác định di sản của người chết sau (có nghĩa tách phần di sản của người chết trước và không chia với lý do là hết thời hiệu khởi kiện). Ba là: Tài sản chung của vợ chồng là di sản của người chết sau, nếu tại thời điểm người vợ hoặc chồng chết trước chỉ có một người ở hàng thừa kế thứ nhất chính là người vợ hoặc người chồng còn sống và chia cho người thừa kế của người chết sau. Bốn là: Người thừa kế có quyền kiện đòi tài sản với tư cách là chủ sở hữu đối với phần di sản hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế. Thực trạng này, đòi hỏi pháp luật dân sự cần có qui định cụ thể trong việc xác định di sản của vợ hoặc chồng trong trường hợp thời hiệu khởi kiện của người chết trước đã hết, theo hướng: - Tách phần di sản của người chết trước, với nguyên tắc xác định theo khoản 2 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000. - Sau khi tách, phần di sản của người vợ hoặc người chồng chết trước không còn thời hiệu khởi kiện thì các thừa kế mất quyền khởi kiện (Toà án không thụ lý giải quyết). Phần di sản của người vợ hoặc chồng chết sau được xác định để chia thừa kế. 3.6. Về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sử dụng đất. Theo quy định của Điều 693 Bộ luật dân sự và điểm a khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai năm 2003 thì một trong những điều kiện để người sử dụng đất có quyền chuyển quyền sử dụng đất cho người khác là phải có GCNQSDĐ hoặc có giấy tờ khác... Vì thế, điều kiện đầu tiên để một người để lại thừa kế quyền sử dụng đất là người đó phải có GCNQSDĐ. Vậy nên, một người có quyền sử dụng đất hợp pháp mà chưa được cấp GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 1993 hoặc Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đối với diện tích đó không được coi là di sản thừa kế. Và tất nhiên không được áp dụng những quy định về thừa kế quyền sử dụng để chia thừa kế, mà được UBND dựa vào chính sách đất đai để cấp đất hoặc thu hồi đất. Trong cộng đồng dân cư, một số người có quyền sử dụng đất hợp pháp còn chưa được cấp giấy quyền sử dụng đất, do những nguyên nhân khác nhau. Có nhiều trường hợp người có quyền sử dụng đất hợp pháp (đất do cha ông để lại) chết trước khi ban hành Luật Đất đai năm 1993 hoặc Luật Đất đai năm 2003, thì họ không thể có GCNQSDĐ theo Luật Đất đai. Mặc dù năm 2004, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 nhằm đảm bảo hơn quyền lợi cho người có quyền sử dụng đất trong việc để lại thừa kế, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định tại tiểu mục 1.1 mục II là: Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó có GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản. Ngoài ra, Nghị quyết này còn qui định: Người sử dụng đất có các giấy tờ được qui định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì kể từ ngày 1/7/2004 thì quyền sử dụng đất đó cùng là di sản không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế. Nếu không có các giấy tờ đó thì phải có giấy xác nhận của UBND có thẩm quyền về tính hợp pháp nhưng chưa kịp cấp GCNQSDĐ thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế các tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất. Nếu không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận về tính hợp pháp nhưng lại xác nhận không vi phạm quy hoạch thì có thể xem xét để giao quyền sử dụng đất thì Toà án chỉ giải quyết chia di sản là tài sản gắn liền với đất, đồng thời phải xác định ranh giới để tạm giao quyền sử dụng đất. Những hướng dẫn này của Nghị quyết số 02 phần nào đã đảm bảo hơn quyền của người sử dụng đất trong việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều trường hợp người “có đất” hợp pháp chết trước ngày ban hành Luật Đất đai thì cũng còn nhiều trường hợp người có đất chết sau khi Luật Đất đai ban hành; nhưng Nhà nước chưa kịp cấp GCNQSDĐ cho họ thì họ cũng không thể có GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 1993 hoặc Luật Đất đai năm 2003. Vì vậy, pháp luật yêu cầu người sử dụng đất phải có GCNQSDĐ hoặc các giấy tờ theo qui định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 là điều phi thực tế và bất hợp lý. Theo chúng tôi, khi Nhà nước chưa cấp được giấy chứng nhận cho tất cả những người có quyền sử dụng đất hợp pháp thì không nên quy định điều kiện để lại thừa kế quyền sử dụng đất là người “có đất” phải có GCNQSDĐ. Mà nên quy định (yêu cầu) người để thừa kế quyền sử dụng đất là người có quyền sử dụng đất hợp pháp. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Theo Điều 38 Luật Đất đai năm 1993 (sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2001), Thông tư liên tịch số 02/1997/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- TCĐC ngày 28/7/1997, Thông tư liên tịch số 02/2002/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-TCĐC ngày 3/1/2002; Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP- TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, cho đến Luật Đất đai năm 2003 đều phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, đặc biệt các tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất thấy rằng việc quy định tranh chấp quyền sử dụng đất mà các đương sự không có GCNQSDĐ do UBND giải quyết; tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có GCNQSDĐ hoặc có các giấy tờ khác theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì do TAND giải quyết là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải quyết vụ án vòng vo, kéo dài không đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Về phương diện lý luận, thực tiễn và căn cứ pháp luật thì sự bất cập trong việc quy định về thẩm quyền này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc để có quy định mới phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và căn cứ pháp luật. Chúng tôi cho rằng, UBND các cấp là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước có nhiệm vụ trong việc phối hợp với Toà án để xác minh nguồn gốc, tính chất và thực trạng của đất đang có tranh chấp. Còn thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng thuộc về TAND không kể đất đó đã có GCNQSDĐ hay chưa. Lý do: - GCNQSDĐ không phải là căn cứ xác lập quyền sử dụng đất mà chỉ là một chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa Nhà nước với người sử dụng đất. Qua đó Nhà nước công nhận người nào đó có quyền sử dụng đất hợp pháp chứ không phải là căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của người có đất. - Nếu căn cứ vào các đương sự có GCNQSDĐ hay không để Toà án thụ lý giải quyết hay không thụ lý giải quyết là một qui định thiếu căn cứ. Vì có nhiều trường hợp GCNQSDĐ cấp không đúng đối tượng do xác minh sai nguồn gốc đất, do việc cố ý làm trái của một số cán bộ, do hành vi chiếm hữu trái pháp luật của một số người tự ý kê khai và làm thủ tục được cấp GCNQSDĐ... khi Bộ luật Tố tụng dân sự chưa có hiệu lực pháp luật thì Toà án có thẩm quyền huỷ GCNQSDĐ này. Ngược lại, Toà án lại căn cứ vào chính giấy tờ đó để thụ lý hay không thụ lý. - UBND các cấp là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước nhưng lại thực hiện chức năng “xét xử” là hoàn toàn trái với nguyên tắc hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Một cơ quan giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự thiếu nghiệp vụ, chuyên môn cũng như kỹ năng thực hiện thì vấn đề áp dụng qui định của pháp luật là rất khó khăn, dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình giải quyết. 3.7. Cần thiết phải công nhận hình thức án lệ. Việt Nam là một nước mang truyền thống pháp luật dân sự (Civil Law), có nghĩa là án lệ không phải là nguồn luật áp dụng ở Việt Nam, do đó nó không mang tính ràng buộc đối với Toà án. Tuy nhiên, trên thực tế, án lệ có vai trò hỗ trợ cho việc áp dụng luật một cách thống nhất, đồng bộ trên toàn lãnh thổ. Đặc biệt là đối với những quan hệ phát sinh nhưng chưa có qui định pháp luật điều chỉnh, hoặc đã có qui định của pháp luật nhưng hoặc không đầy đủ hoặc thiếu cụ thể, hoặc không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, về vấn đề di sản thờ cúng, do Luật Dân sự không quy định về các loại di sản thờ cúng (di sản thờ cúng lập lần đầu tiên, di sản thờ cúng đã được truyền qua nhiều đời) cũng như không quy định về quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng... Vì thế, khi có tranh chấp, chưa có cơ sở để đưa ra phán quyết hoặc cơ sở để đưa ra phán quyết không rõ ràng. Từ thực trạng trên mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp từ nay cho đến năm 2020 đã định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của TANDTC, trong đó có việc phát triển án lệ. Thực chất án lệ là bản án, quyết định do Toà án xây dựng nên, bao hàm cả phong tục, tập quán áp dụng chung. Với tinh thần này, TANDTC cần ban hành các tập án lệ điển hình để đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật của Toà án. Cùng một sự kiện, cùng một vụ án giống nhau thì phải được xét xử như nhau, đây cũng là việc làm phù hợp với xu hướng áp dụng án lệ ngày nay của các nước mang truyền thống pháp luật dân sự (Civil Law), ví dụ ở Pháp, Tây Ban Nha, Liên bang Đức, Mêxicô, Nhật Bản. Bên cạnh yêu cầu hoàn thiện các qui định của pháp luật về di sản thừa kế để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật thì việc tuyên truyền, phổ cập, giáo dục pháp luật trong nhân dân, nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ xét xử cũng là một trong những đòi hỏi bức thiết nhằm hạn chế tranh chấp và nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp về thừa kế tại Toà án đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước hiện nay. 3.8. Mét sè quy ®Þnh ®­îc söa ®æi trong Bé luËt d©n sù n¨m 2005. Bộ luật dân sự năm 2005 đã hoàn thiện thêm những quy định về thừa kế. Chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 2005 đã có những quy định cụ thể và phù hợp hơn với đời sống thực tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Về những quy định chung: Tại Điều 641 quy định về việc thừa kế của những người có quyền thừa kế của nhau mà chết cùng thời điểm. Qui định này đã nhằm mở ra cách giải quyết thoả đáng và rõ ràng loại tranh chấp về thừa kế thế vị trong trường hợp cha con, mẹ con cùng chết vào một thời điểm mà có cháu. Trước đây do không được qui định cụ thể, nên xung quanh sự kiện cha con, mẹ con cùng chết vào một thời điểm mà có cháu, đã tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu và xét xử về việc cháu có được thừa kế thế vị trong trường hợp này hay không. Quy định tại Điều 641 Bộ luật dân sự năm 2005 đã thật cụ thể và rõ ràng, thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp trong trường hợp rất đặc biệt này. Về việc từ chối nhận di sản, Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005 đã qui định tương tự như đã được qui định tại Điều 645 Bộ luật dân sự năm 1995, trong trường hợp người có quyền thừa kế từ chối quyền hưởng di sản trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Tại Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005 đã được bổ sung quy định: “Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế”. Quy định mới này đã tạo ra khả năng áp dụng pháp luật để giải quyết một tranh chấp cụ thể được rõ ràng và triệt để hơn. Về thừa kế theo di chúc, những quy định về thừa kế theo di chúc trong Bộ luật dân sự năm 2005 đã khắc phục được những hạn chế và bất cập của những qui định trong Bộ luật dân sự năm 1995 về quyền của người lập di chúc (Điều 648), về di chúc bằng văn bản (Điều 650), về di chúc hợp pháp (Điều 652), về nội dung của di chúc bằng văn bản (Điều 653), về công bố di chúc (Điều 672)…Những quy định tại các điều luật nói trên thật cụ thể, thuận tiện cho việc áp dụng và đảm bảo triệt để hơn nữa quyền của người lập di chúc và quyền của người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc. Về thừa kế theo pháp luật, một trong những thay đổi lớn so với những quy định về thừa kế theo pháp luật ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay là những quy định tại hai điều luật 676 và 677 Bộ luật dân sự năm 2005 về người thừa kế theo pháp luật và thừa kế thế vị. Tại hàng thừa kế thứ hai được quy định bổ sung thêm các cháu nội, ngoại của người để lại di sản. Như vậy, cháu nội, cháu ngoại của người để lại di sản và ông bà nội, ngoại của cháu thuộc hàng thừa kế thứ hai theo pháp luật của nhau, đồng thời cháu nội, cháu ngoại mà người để lại di sản là ông bà nội, ngoại còn được thừa kế thế vị trong trường hợp bố hoặc mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông bà nội, ngoại. Xét trong chế định về quyền thừa kế, thì đây là những qui định rất mới và cũng là những qui định mà lần đầu tiên chế định về quyền thừa kế ở Việt Nam có được kể từ năm 1945 đến nay. Những quy định tại Điều 676 và 677 Bộ luật dân sự năm 2005 đã đánh dấu một bước phát triển của quan điểm lập pháp và trình độ lập pháp ở nước ta trong suốt 60 năm qua, nhằm tạo ra những chuẩn mực pháp lý cụ thể, rõ ràng để đảm bảo quyền thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam được thực hiện một cách triệt để nhất. Quyền thừa kế của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay không ngừng được củng cố, mở rộng và được bảo vệ theo các nguyên tắc nhất quán là tôn trọng ý chí của công dân trong việc định đoạt tài sản cho người thừa kế. Tính nhất quán trong các quy định của pháp luật và các nguyên tắc pháp luật thừa kế ở Việt Nam theo tiến trình phát triển của pháp luật dân sự nói chung và những qui định về quyền thừa kế của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay nói riêng qua các thời kỳ phát triển đã và đang là động lực thúc đẩy sản xuất tạo ra nhiều nhất của cải vật chất cho xã hội, mà ở đó quyền thừa kế của công dân được đảm bảo thực hiện cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra điều kiện phát triển các quan hệ xã hội. Điểm mới của thừa kế thế vị được quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 đã giải quyết thoả đáng quyền thừa kế thế vị của các cháu nội, ngoại hoặc các chắt nội, ngoại trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết trước hoặc cùng một thời điểm với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc các cụ nội, ngoại. Qui định về thừa kế thế vị tại Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 là phù hợp không những về mặt thực tế, mà còn phù hợp với bản chất của thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị được hiểu là việc cháu hoặc chắt thế chân người bố hoặc người mẹ hoặc ông nội hoặc bà nội, ngoại đã chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà hoặc các cụ để hưởng di sản của người là ông, bà nội, ngoại hoặc các cụ nội, ngoại chết sau hoặc chết cùng vào một thời điểm với bố hoặc mẹ hoặc ông, bà nội, ngoại của cháu. 3.9. Kiến nghị hoàn thiện di chúc chung của vợ chồng. Việc công nhận quyền lập di chúc chung của vợ, chồng và cách thức quy định về các nội dung pháp lý liên quan đến việc lập, công nhận hiệu lực, thực thi di chúc chung của vợ, chồng trong pháp luật hiện hành có nhiều bất cập. Xuất phát từ những vấn đề tồn tại nêu trên, chúng tôi xin nêu một số suy nghĩ và kiến nghị sau đây, làm cơ sở tham khảo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xem xét để sửa đổi, bổ sung các qui định pháp luật có liên quan. Trước hết là việc Bộ luật dân sự có nên tiếp tục thừa nhận di chúc chung của vợ, chồng? Có thể thấy, pháp luật hiện hành vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết tốt các vấn đề pháp lý phức tạp được đặt ra đối việc lập, sửa đổi, huỷ bỏ di chúc chung và xác định hiêu lực thực thi của di chúc chung. Bản chất của di chúc vốn là giao dịch pháp lý đơn phương của cá nhân. Không thể có sự tham dự ý chí của nhiều cá nhân trong việc lập di chúc. Nếu thừa nhận di chúc chung, pháp luật có thể đạt được mục đích tốt đẹp là hướng các bên trong quan hệ thừa kế cần quan tâm hơn việc tăng cường tình thương yêu và đoàn kết trong gia đình. Nhưng không nên nhầm lẫn việc tăng cường đoàn kết trong gia đình với việc phải cùng nhau lập di chúc chung. Chưa kể việc lập di chúc chung xong rồi lại bất đồng trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung; hay sau khi một bên vợ hoặc chồng chết trước, nhưng người thừa kế hợp pháp không thể xin phân chia di sản thừa kế hoặc chia thừa kế bắt buộc… thì có thể còn tạo hiệu ứng ngược. Nhưng dường như kiến nghị bãi bỏ quy định di chúc chung của vợ, chồng là không khả thi, vì đây là một thực tiễn pháp lý và tục lệ, đã tồn tại từ lâu trong xã hội Việt Nam. Hơn nữa, pháp luật cần phải thừa nhận và điều chỉnh vấn đề lập di chúc chung của vợ, chồng, để bảo đảm các quan hệ này phát triển đúng hướng. Bởi thế, một mặt chúng tôi kiến nghị pháp luật chỉ công nhận trường hợp di chúc chung của vợ, chồng. Mặc dù thừa nhận di chúc chung của vợ, chồng có thể dẫn đến nhiều vấn đề bất cập, nhưng không nên vì thế mà cấm đoán việc lập di chúc chung của vợ, chồng. Vấn đề cần thiết hiện nay là, làm sao vẫn duy trì các qui định cho phép lập di chúc chung của vợ, chồng, nhưng phải hạn chế tối đa những rắc rối, phức tạp do việc thừa loại di chúc này mang lại bằng cách đưa ra những qui định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. 3.9.1. Cần có những thay đổi toàn diện trong các quy định trong Bộ luật dân sự 2005 về vấn đề di chúc chung của vợ, chồng. Trên cơ sở những bất cập đã phân tích, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị chung nhất về vấn đề này như sau: - Thứ nhất, cần phải tách và thiết kế thành một mục riêng trong chương thừa kế theo di chúc. Vì rằng, tuy di chúc chung của vợ chồng cũng là một loại di chúc được lập, sửa đổi, bổ sung và phát sinh hiệu lực gần giống như một di chúc thông thường. Nhưng di chúc chung còn có những đặc thù: (i) do hai ý chí cá nhân cùng tham gia định đoạt dựa trên mối quan hệ hôn nhân đang còn hiệu lực; (ii) dùng để định đoạt khối tài sản chung của vợ chồng; (iii) có hiệu lực không đồng thời với thời điểm mở thừa kế của bên chết trước… do đó, cần phải được qui định thành một mục riêng. - Thứ hai, quy định về vấn đề di chúc chung phải mềm dẻo, không nên quá cứng nhắc. Nghĩa là cần phải dự liệu nhiều khả năng khác nhau có thể xảy ra khi vợ chồng lập di chúc chung. Nếu vợ chồng thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung hoặc thỏa thuận về thời điểm phân chia di sản thì cần phải tôn trọng thỏa thuận đó… Sự kết hợp mềm dẻo giữa qui định về di chúc cá nhân, quyền thừa kế của cá nhân với việc lập di chúc, hiệu lực và thực thi di chúc chung có một số đặc thù, sẽ làm cho qui định về di chúc không mâu thuẫn với qui định chung về thừa kế, nhưng vẫn bảo đảm được các nội dung cần thiết và những dấu hiệu riêng biệt của loại di chúc đặc thù này. Để đạt được yêu cầu đó, nhà làm luật cần quán triệt quan điểm xem di chúc chung vợ, chồng như là trường hợp đặc biệt của di chúc cá nhân như là sự cộng lại của hai di chúc cá nhân, có tính đến sự đặc thù về hiệu lực của quan hệ hôn nhân giữa những người lập di chúc chung cũng như đối tượng của di chúc ở đây là tài sản chung của vợ chồng. - Thứ ba, ngoài việc quy định rõ ràng về các trường hợp cụ thể đặc thù của di chúc chung, pháp luật cần làm giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh từ việc thừa nhận các đặc thù đó. Khi luật thừa nhận những tính chất, dấu hiệu đặc thù của di chúc chung sẽ dẫn đến một số điểm khác biệt trong việc áp dung pháp luật và hậu quả pháp lý của của việc áp dụng các qui định khác biệt đó. Chẳng hạn, việc xác định hiệu lực của phần di chúc riêng này dẫn đế hậu quả như thế nào, nếu như vợ, chồng thỏa thuận với nhau về thời điểm di chúc chung có hiệu là thời điểm người sau cùng chết; hoặc nếu vợ chồng không thỏa thuận được về việc sửa đổi, bổ sung di chúc chung và một bên đã tự ý sửa đổi, bổ sung di chúc chung thì phần sửa đổi đổi, bổ sung đó có giá trị không? Nếu có giá trị thì thời điểm có hiệu lực như thề nào khi các bên thỏa thuận di chúc có hiệu lực vào thời điểm bên sau cùng chết; hoặc nếu một người để lại nhiều tờ di chúc chung với nhiều người vợ, chồng hợp pháp khác nhau của họ mà trong đó thỏa thuận nhiều thời điểm có hiệu lực khác nhau, đồng thời họ còn lập cả di chúc riêng để định đoạt tòi sản riêng, thì các di chúc này được thực hiện như thế nào… cũng phải được dự liệu. - Thứ tư, việc qui định di chúc chung thành một mục riêng như đã nói ở trên cần phải quán triệt các nội dung sau đây: Quy định quyền lập di chúc chung của vợ chồng, khi hôn nhân đang còn tồn tại, phải tuân thủ các qui định chung về năng lực lập di chúc, các yêu cầu để di chúc có hiệu lực cũng tương tự như di chúc của cá nhân; Qui định về hình thức bắt buộc mà di chúc chung phải tuân thủ. Chỉ nên lập di chúc chung bằng thể thức văn bản có người làm chứng (nếu cả hai đủ điều kiện minh mẫn, sáng suốt, không thuộc trường hợp mù chữ hoặc bị khiếm khuyết thể chất liên quan tới chức năng lập, kiểm tra nội dung di chúc); hoặc văn bản công chứng, chứng thực. Quy định quyền được sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của một bên, khi vợ chồng còn sống, vẫn phải có sự đồng ý của vợ, chồng. Nhưng nếu một bên cần sửa đổi mà bên kia nhất quyết không đồng ý hoặc không thể biểu lộ ý chí một cách tự nguyện, thì người kia có quyền tự lập di chúc cá nhân hoặc có quyền sửa đổi, bổ sung một phần di chúc chung trong phạm vi phần tài sản của mình. Cũng cần nói thêm rằng, khi các bên còn sống, di chúc chung vẫn chưa có hiệu lực, và người ta vẫn có nhiều cách để làm mất hiệu lực của di chúc chung, mà không cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hay huỷ bỏ di chúc chung đó. Ngoài ra, luật cần dự liệu các căn cứ cụ thể làm chấm dứt di chúc chung của vợ chồng một cách đương nhiên, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để giải quyết các trường hợp tương ứng, tránh gây ra sự lúng túng, thiếu nhất quán hoặc những tranh cãi không cần thiết, khi các bên liên quan tiến hành phân chia di sản dựa trên di chúc chung của vợ-chồng. Cần phải dung hoà giữa quyền của vợ, chồng trong việc lập di chúc chung với lợi ích chính đáng của những người thừa kế của vợ hay chồng. Có thể qui định thời điểm có hiệu lực của di chúc chung giống như đã từng qui định trong Bộ luật dân sự 1995 trước đây hoặc cũng có thể thừa nhận thời điểm phát sinh hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng là thời điểm bên sau cùng chết, nhưng cũng cho phép những người thừa kế hợp pháp của người vợ hay chồng chết trước có quyền xin chia thừa kế đối với phần di sản của vợ, chồng không được định đoạt trong di chúc chung. Việc kéo dài thời điểm phát sinh hiệu lực của di chúc chung sẽ chấm dứt, nếu người còn sống kết hôn với người khác hoặc họ đã lập di chúc khác để thay thế, huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung di chúc chung liên quan tới phần tài sản của họ trong tài sản chung, mà việc đó ảnh hưởng tới sự tồn tại của di chúc chung hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản chung của vợ chồng. 3.9.2. Các kiến nghị cụ thể liên quan đến di chúc chung của vợ chồng. Để phục vụ cho việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các qui định pháp luật có liên quan tới di chúc chung của vợ, chồng, chúng tôi xin đưa ra các kiến nghị tham khảo sau đây: * Kiến nghị về quyền lập di chúc chung của vợ, chồng: Điều 663 (sửa đổi): “Nhiều người không được cùng nhau lập di chúc chung, trừ trường hợp di chúc chung của vợ chồng được lập để định đoạt tài sản chung của vợ, chồng. Trường hợp di chúc chung của vợ, chồng có nội dung định đoạt tài sản riêng của một bên thì phần nội dung đó được coi như di chúc riêng và áp dụng các qui định của pháp luật giống như một di chúc của cá nhân lập ra. Vợ, chồng không được cùng nhau lập di chúc chung để cho nhau hưởng thừa kế hoặc để hưởng thừa kế lẫn nhau. Di chúc chung của vợ chồng lập ra để cho nhau hưởng thừa kế hoặc để thừa kế lẫn nhau thì không có giá trị pháp lý”. Qui định này nhằm cấm đoán việc nhiều người lập di chúc chung, trừ trường hợp ngoại lệ là di chúc của vợ chồng. Mặt khác, vợ chồng chỉ được lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung, nhưng nếu di chúc chung có đề cập đến tài sản riêng, thì không vì thế mà phần di chúc này vô hiệu. Hệ quả của qui định này là nội dung di chúc chung liên quan đến tài sản riêng có giá trị như là di chúc riêng và di sản là tài sản riêng được định đoạt trong di chúc chung vẫn được chia thừa kế theo đúng nguyện vọng của người lập di chúc. Vợ, chồng cũng không được lập di chúc chung nhằm mục đích “lưỡng tương đắc lợi”, nhằm loại trừ nguy cơ lẫn tránh pháp luật hoặc sát hại lẫn nhau để trục lợi. * Kiến nghị về công nhận quyền tự do lập di chúc chung, nhưng cũng phải thừa nhận quyền tự định đoạt cá nhân trong việc sửa đổi, bổ sung di chúc chung khi vợ, chồng còn sống. Điều 664: “1. (Nội dung Khoản 1 giữ nguyên). 2. (Sửa đổi, bổ sung – đoạn in nghiêng): Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia. Một bên cũng có quyền tự mình sửa đổi, bổ sung di chúc chung trong phạm vi phần di sản của mình. Việc sửa đổi, bổ sung di chúc chung theo ý chí của một bên chỉ có giá trị trong phạm vi phần sửa đổi, bổ sung nhưng không vượt quá phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung. 3. (Bổ sung bằng cách tách đoạn 2 khoản 2 và thiết kế thành khoản 3): Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. 4. (Bổ sung) Phần di chúc chung không bị sửa đổi, bổ sung vẫn có giá trị. Phần di chúc chung bị sửa đổi, bổ sung bởi quyết định của một bênvợ hoặc chồng mà không được sự đồng ý của bên kia thì được giải quyết giống như di chúc của cá nhân”. Nhằm đảm bảo quyền tự do định đoạt cá nhân trong việc để lại thừa kế, đảm bảo tính thống nhất của các qui định pháp luật, thiết nghĩ cần phải thừa nhận cho một bên vợ hoặc chồng có quyền được sửa đổi, bổ sung di chúc chung mà không cần có sự đồng ý của bên kia trong phạm vi tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Qui định này chẳng những thể hiện sự tôn trọng quyền tự do cá nhân, mà còn mở ra cơ hội cần thiết để một bên có thể sửa chữa những quyết định sai lầm của mình, mặc dù không được bên kia đồng ý. Chỉ khi nào sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc chung liên quan đến tài sản chung, thì mới cần có sự đồng ý của cả hai vợ, chồng. * Kiến nghị về hình thức của di chúc chung: Cần phải có những quy định chặt chẽ về hình thức, thủ tục nhằm bảo đảm tối đa sự thể hiện ý chí đích thực của vợ chồng, xóa bỏ nguy cơ một bên có thể dễ dàng dùng thủ đoạn đe dọa, lừa dối, hoặc “gây áp lực” hoặc lợi dụng sự ảnh hưởng trong gia đình, ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu “chồng chúa, vợ tôi” để cưỡng ép bên kia ký tên vào di chúc chung, mà không thể phản kháng hoặc tự quyết định theo ý chí riêng của mình. Điều 664 a (bổ sung): “Di chúc chung của vợ, chồng phải được lập thành văn bản trước mặt ít nhất hai người làm chứng đủ điều kiện hoặc di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực”. Qui định này không thừa nhận di chúc chung của vợ, chồng bằng hình thức di chúc miệng. Lý do không thừa nhận di chúc chung bằng hình thức di chúc miệng là vì, di chúc chung chỉ được lập trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa, nên vợ, chồng khó có cơ hội để bàn bạc, trao đổi, tính toán cẩn thận khi lập di chúc chung. Điều này dễ dẫn đến khả năng một bên vợ hoặc chồng đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, bị lợi dụng; hoặc do tính chất gấp rút của sự việc nên một bên không có nhiều cơ hội thể hiện đầy đủ, xác thực ý chí cuối cùng của mình. Mặt khác, sau khi lập di chúc chung bằng miệng mà một bên suy nghĩ lại muốn thay đổi, bổ sung nội dung di chúc chung, nhưng không được sự đồng ý của người kia thì họ không thể tự ý sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung. Bên cạnh đó, giá trị pháp lý của di chúc miệng không thể áp dụng cho di chúc chung như quy định hiện hành, vì đối với di chúc cá nhân, sau 3 tháng kể từ ngày di chúc miệng mà người lập di chúc chết, thì di chúc miệng đương nhiên vô hiệu. Nhưng với trường hợp vợ, chồng cùng lập di chúc chung bằng miệng, sau đó một bên vẫn còn sống thì di chúc miệng có vô hiệu hay không? Vô hiệu toàn bộ hay một phần liên quan tới phần tài sản của người còn sống…vẫn chưa được luật dự liệu. Mặc dù biết rằng, có thể cho phép vợ chồng lập di chúc chung bằng miệng nhằm bảo đảm quyền để lại thừa kế bằng di chúc cũng như bảo đảm quyền tự do cá nhân trong việc chọn lựa hình thức di chúc. Nhưng pháp luật không nên quy định về di chúc chung bằng miệng vì điều đó sẽ dẫn đến nhiều bất cập mà pháp luật không dự liệu hết được và cũng không đảm bảo an toàn pháp lý cho quyền lợi của các bên liên quan. Nếu trong đời sống, vợ chồng có di chúc chung bằng miệng, được con cháu công nhận và đồng thuận thi hành, thì họ có thể thỏa thuận phân chia di sản theo nội dung của “di chúc miệng” đó mà pháp luật không cần can thiệp tới. * Kiến nghị về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung, cần duy trì như qui định tại Điều 671 Bộ luật dân sự 1995. Điều 668 (Sửa đổi, bổ sung): “Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng. 1. Nếu không có sự thỏa thuận mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc chung về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản được định đoạt trong di chúc chung của vợ, chồng chỉ được phân chia từ thời điểm đó. Việc thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của di chúc chung không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của những người thừa kế hợp pháp khác của các bên vợ, chồng trong việc yêu cầu tòa án bảo vệ quyền thừa kế hợp pháp của mình khi một bên vợ hoặc chồng chết trước. 2. (Bổ sung quy định mới) Việc xác định hiệu của nhiều di chúc chung trong trường hợp vợ chồng cùng lập nhiều tờ di chúc chung khác nhau thì áp dụng qui định tại Điều 662 và khoản 5 Điều 667 của Bộ luật này. 3. (Bổ sung mới) Nếu một người vừa lập di chúc chung, vừa lập di chúc riêng hoặc lập nhiều di chúc chung với nhiều người khác nhau, thì mỗi tờ di chúc được coi như một tờ di chúc riêng độc lập và cùng được xem xét tại thời điểm người đó chết, theo các qui định tương ứng tại Điều 662, khoản 5 Điều 667 và Điều 664 (vừa kiến nghị sửa đổi, bổ sung ở trên) của Bộ luật này”. Qui định này nhằm đảm bảo tính thống nhất trong các qui định của pháp luật về thừa kế: thời điểm mở thừa kế, thời điểm phát sinh quyền thừa kế, thời hiệu khởi kiện, quyền từ chối hưởng di sản, quyền yêu cầu chia thừa kế, hưởng thừa kế bắt buộc… Qua đó, tạo cơ hội để những người thừa kế hợp pháp của mỗi bên được quyền khởi kiện để chia thừa kế bắt buộc, yêu cầu tòa án tuyên bố di chuc chung vô hiệu hoặc yêu cầu tòa án tước quyền thừa kế của người được chỉ định thừa kế theo di chúc chung trong trường hợp người đó có hành vi vi phạm pháp luật được qui định tại Điều 643 Bộ luật dân sự 2005… * Kiến nghị về thừa kế không phụ thuộc nội dung của di chúc chung. Đây là một trong những vấn đề rất phức tạp của việc lập di chúc chung vì có liên quan đến nhiều người thừa kế bắt buộc mỗi bên vợ hoặc chồng và bản thân vợ hoặc chồng cũng là người trong những người thuộc diện thừa kế bắt buộc. Vấn đề này liên quan đến việc xác định hiệu lực của di chúc chung, ý định thống nhất của vợ chồng về việc định đoạt tài sản chung, ý định sử dụng tài sản chung vào một mục đích cụ thể nào đó … Bởi vậy, quyền lợi của những người thừa kế bắt buộc, trừ trường hợp người đó là vợ hoặc chồng đã cùng lập di chúc chung, phải được xác định là ưu tiên hơn hiệu lực của di chúc chung. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần phải bổ sung thêm một điều khoản riêng qui định về quyền thừa kế của những người thừa kế khác không phụ thuộc nội dung di chúc, cụ thể: Điều 668 a Bộ luật dân sự: Việc thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc chung: “1. Trong trường hợp những người thân thích sau đây của mỗi bên vợ hoặc chồng không được hưởng di sản hoặc thực tế được hưởng ít hơn hai phần ba một suất thừa kế theo pháp luật của mỗi bên vợ hoặc chồng, nếu di sản của người đó được chia theo pháp luật, thì những người sau đây vẫn được hưởng một suất thừa kế bằng hai phần ba một suất thừa kế theo pháp luật của mỗi bên vợ hoặc chồng: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mỗi bên vợ hoặc chồng; Con chưa thành niên của vợ, con chưa thành niên của chồng hoặc con chưa thành niên của vợ, chồng. Con đã thành niên của vợ, hoặc của chồng hoặc của vợ, chồng mà không có khả năng lao động. 2. Những trường hợp nói ở khoản 1 Điều này không được hưởng thừa kế nếu họ thuộc các trường hợp qui định tại khoản 1 Điều 641, 642, 643 của Bộ luật này”. Qua nghiên cứu vấn đề trên cũng cho thấy, di chúc chung của vợ, chồng hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản. Luật thực định chỉ dùng một hai điều luật ngắn để điều chỉnh vấn đề này, rõ ràng là chưa tương xứng và không đủ liều lượng cần thiết. nội dung của các điều luật còn nhiều bất cập, thiếu sự nhất quán với các qui định khác, tạo ra nhận thức khác nhau trong việc vận dụng pháp luật của các chủ thể liên quan. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bất cập và thiếu nhất quán trong việc thực thi pháp luật về vấn đề liên quan. Để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của pháp luật thừa kế về di chúc chung của vợ chồng, chúng ta cần suy nghĩ đến việc sửa đổi, bổ sung các qui định về di chúc chung của vợ, chồng cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và đảm bảo các qui định tương thích với các quy định khác trong hệ thống pháp luật nói chung, luật thừa kế nói riêng. 3.10. Hướng hoàn thiện qui định của pháp luật về thanh toán và phân chia di sản thừa kế. Khoản 1 Điều 637 Bộ luật dân sự qui định người quản lý di sản có quyền được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế và tại Điều 680 Bộ luật dân sự cũng qui định về “chi phí cho người bảo quản di sản” là nội dung ưu tiên thanh toán thứ 9. Đây là cơ sở pháp lý để khi giải quyết tranh chấp, Toà án trích từ khối di sản một khoản tiền hoặc một vật trả công (thù lao) cho người quản lý di sản. Tuy nhiên, nếu người quản lý di sản và những người thừa kế không thoả thuận được việc trả thù lao, thì vấn đề này được giải quyết như thế nào lại không được Bộ luật dân sự dự liệu. Chính vì thế, khi giải quyết tranh chấp về vấn đề này trong từng vụ việc cụ thể, người quản lý di sản được hưởng ở mức nào là phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử, có nghĩa là Toà án các cấp tính mức thù lao không theo một “lượng” thống nhất. Thậm chí có Toà không xác định, không trích khoản để trả thù lao cho người quản lý. Thực tế đó, một mặt xuất phát từ việc Bộ luật dân sự không dự liệu, do đó còn có quan điểm khác nhau về việc trả thù lao cho người quản lý di sản. Đó là: - Nếu không có thoả thuận trước về việc trả thù lao cho người quản lý di sản thì người quản lý không được hưởng một khoản thù lao trích từ khối di sản. - Mặc dù không thoả thuận trước về khoản tiền thù lao nhưng nếu người quản lý di sản chỉ trông giữ, bảo quản mà không khai thác lợi ích, thì các thừa kế buộc phải trả thù lao cho họ. Trong trường hợp người quản lý di sản đồng thời là người chiếm hữu sử dụng và được hưởng hoa lợi hay lợi tức từ di sản (hoa trái trong vườn, dùng nhà để ở hoặc cho thuê...) thì tuyệt nhiên không được trả thù lao. - Trong mọi trường hợp phải trả thù lao cho người quản lý di sản. Chúng tôi cho rằng, khi người quản lý di sản đã bỏ công sức để duy trì, bảo quản di sản và thực hiện tốt những nghĩa vụ mà pháp luật qui định theo Điều 636, 637 Bộ luật dân sự thì phải trích phần di sản để thanh toán công duy trì, bảo quản di sản bất kể có thoả thuận trước hay không, việc quản lý diễn ra dài hay ngắn và người quản lý di sản có được hưởng hoa lợi hay lợi tức từ việc quản lý di sản đó hay không vì: Căn cứ vào Điều 636, 637 Bộ luật dân sự thì cùng với việc thực hiện nghĩa vụ quản lý di sản thì người quản lý di sản phải được hưởng những quyền nhất định, trong đó có quyền được hưởng thù lao. Thực tế cho thấy, nếu người quản lý di sản thực hiện tốt các nghĩa vụ thì phải coi đó là những nghĩa vụ pháp lý, một loại nghĩa vụ từ lao động có ích để duy trì và bảo tồn di sản, tránh được sự mất mát, hư hỏng, mai một. Công sức họ bỏ ra đó là cơ sở cho việc người thừa kế phải trả thù lao cho việc quản lý di sản của họ. Để việc trích một phần di sản trả thù lao cho người quản lý di sản được thống nhất và công bằng, theo chúng tôi nên căn cứ vào thời gian quản lý di sản dài hay ngắn để ấn định một tỷ lệ hợp lý. Hiện nay, có Toà thường ấn định bằng một suất thừa kế theo luật, có Toà chỉ ấn định bằng 1/2 suất thừa kế theo luật định mà không tính đến thời gian quản lý là bao nhiêu. ấn định theo cách này là không hợp lý vì có những trường hợp chỉ quản lý di sản trong vòng một vài năm, có những trường hợp lại quản lý hơn 40 năm. Từ những thực tế đó, theo chúng tôi nên sửa đổi, bổ sung qui định về khoản thù lao cho người quản lý di sản theo hướng sau: - Sửa lại điểm b khoản 1 Điều 637 Bộ luật dân sự :“Được hưởng thù lao theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật”. - Trả công để bù đắp vào công sức lao động bỏ ra theo thời gian, thời gian càng dài thì thù lao càng lớn. - Khoản thù lao nhiều hay ít phải tính đến giá trị di sản được quản lý. 3.11. Hoàn thiện về việc xác định di sản của người vợ hoặc chồng trong trường hợp một bên chết trước. Trước đây, Luật HN&GĐ năm 1986 cũng như PLTK năm 1990 đều quy định rất rõ về chia tài sản của vợ chồng khi một bên chết trước theo nguyên tắc chia đôi. Hiện nay, BLDS tại Điều 219 và Luật HN&GĐ năm 2000 tại Điều 27 đều quy định tài sản chung của vợ chồng nhưng lại không qui định chia tài sản chung khi một bên chết trước. Như vậy, khi có một bên vợ hoặc chồng chết trước mà có yêu cầu chia di sản thừa kế sẽ không có cơ sở pháp lý để xác định phần di sản của người đã chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Vấn đề áp dụng tương tự pháp luật phải được đặt ra, đó là phải căn cứ vào khoản 2 Điều 95 Luật HN&GĐ để phân chia (áp dụng chia tài sản chung của vợ chồng như ly hôn). Nếu như vậy lại không hợp lý, vì mặc dù sự kiện ly hôn và sự kiện một bên vợ hoặc chồng chết trước đều làm chấm dứt quan hệ hôn nhân, nhưng ý chí của các chủ thể là hoàn toàn khác nhau, cái chết thường nằm ngoài mong muốn của con người. Xuất phát từ vị trí đặc thù của Bộ luật dân sự trong hệ thống pháp luật nước nhà (là một văn bản pháp luật làm cơ sở cho nhiều văn bản pháp luật khác), Bộ luật dân sự phải là một văn bản pháp luật mang tính pháp điển hoá cao để khắc phục tình trạng tản mạn, trùng lặp, thiếu đồng bộ, những nội dung chi phối nhiều đến các vấn đề khác cần được qui định trong văn bản pháp luật có tính bao quát, một lĩnh vực rộng lớn của sinh hoạt xã hội này. 3.12. Về thứ tự ưu tiên thanh toán. Điều 683 BLDS qui định việc thanh toán về nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và các khoản chi phí liên quan đến di sản phải theo thứ tự ưu tiên thanh toán từ khoản 1 đến khoản 10. Quy định này có thể làm cho một số cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác bị thiệt thòi quyền lợi về những khoản nợ của người thừa kế phải có trách nhiệm thanh toán. Để đảm bảo tính công bằng trong việc thanh toán, theo chúng tôi nên qui định các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại cho những người thừa kế ở các khoản 6, 7, 8, 9 vào chung một khoản (khoản 6) Điều 686 Bộ luật dân sự. Vì sau khi đã thanh toán được 5 khoản trên, phần di sản còn lại không đủ để thanh toán cho các khoản nợ ở khoản 6, 7, 8, 9 thì phần đó sẽ được chia đều theo khoản nợ. 3.13. Về vấn đề kiểm kê và đánh giá di sản thừa kế. Khi một người để lại di sản chết ít khi di sản được chia ngay cho những người thừa kế. Vì thế, di sản nếu không được kiểm kê đánh giá xem là bao nhiêu, bao gồm những tài sản nào, ở đâu để giao cho người quản lý và bảo quản di sản thì rất dễ bị mất mát, hư hỏng. Thậm chí còn bị biển thủ, giấu diếm làm mất đi tính toàn cục của khối di sản. Bởi vậy, pháp luật cần quy định cho người quản lý di sản phải bắt đầu kiểm kê tài sản trong vòng 30 ngày kể từ ngày người để lại di sản chết. 3.14. Về vấn đề hợp đồng tặng cho liên quan đến di sản thừa kế. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp khi còn sống người để lại di sản muốn tạo lập cho một người thừa kế nào đó bằng cách tặng cho một phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, phần còn lại dành cho những người thừa kế khác khi người đó chết. Với dụng ý đó, nếu khi người này chết đã không lập di chúc và di sản đó phải chia theo quy định của pháp luật, như vậy sẽ trái với ý nguyện của người để lại di sản và là sự thiệt thòi đáng kể cho những người thừa kế khác. Để khắc phục được tình trạng này, chúng tôi đề xuất: Pháp luật cần quy định rõ người thừa kế đã nhận tài sản từ hợp đồng tặng cho hay bằng hành vi khác từ người để lại di sản không phải thực hiện việc giao hoàn lại tài sản khi người để lại thừa kế chết. Tuy nhiên, nếu tặng cho để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của người để lại di sản thì hợp đồng tặng cho đó cần được coi là vô hiệu. Nếu pháp luật quy định chi tiết sẽ giúp người có tài sản hiều chính xác về quy định của pháp luật, từ đó định đoạt tài sản đúng với mong muốn trước khi chết. Khi một người thừa kế đã nhận tài sản từ việc tặng cho trước khi người để lại di sản chết, nếu tài sản đó bằng hoặc lớn hơn một suất thừa kế chia theo luật (khi người để lại di sản không lập di chúc) thì nên quy định cho người này chỉ hưởng ½ suất thừa kế đối với suất thừa kế của những người thừa kế cùng hàng, tránh được việc hưởng di sản chênh lệch nhau quá lớn của những người thừa kế. Trên đây là tổng hợp các kiến nghị từ các chuyên đề nghiên cứu. Ban chủ nhiệm đề tài hy vọng rằng, phần các kiến nghị sẽ có giá trị hữu ích và và hy vọng sẽ được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham khảo trong quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật về thừa kế. Kính trình Hội đồng nghiệm thu xem xét và đánh giá. Trân trọng. Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7 năm 2009 BAN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI danh môc Tµi liÖu tham kh¶o Ph. ¡ngghen (1961), Nguån gèc cña gia ®×nh, cña chÕ ®é t­ h÷u vµ cña Nhµ n­íc, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Ph. ¡ngghen, TuyÓn tËp, tËp 16. Bé d©n luËt B¾c Kú 1931. Bé d©n luËt Trung Kú 1936 (Hoµng ViÖt Trung Kú Hé luËt). Bé luËt d©n sù cña n­íc Céng hßa x· héi chñ nghÜa ViÖt Nam n¨m 1995. Bé d©n luËt gi¶n yÕu 1983. Bé d©n luËt Sµi Gßn n¨m 1972. Bé luËt d©n sù NhËt B¶n. C¶i c¸ch ruéng ®Êt ë ViÖt Nam (1968), Nxb Khoa häc, Hµ Néi. ChÝnh quyÒn thuéc ®Þa ë ViÖt Nam, Nxb Sö häc, 1968. Di s¶n ph¸p luËt d©n sù ViÖt Nam (c«ng tr×nh nghiªn cøu cña c¸c chuyªn gia luËt Bé T­ ph¸p). Gi¸o tr×nh luËt h«n nh©n vµ gia ®×nh ViÖt Nam (2005), Nxb C«ng an nh©n d©n, Hµ Néi. HiÕn ph¸p 1946. HiÕn ph¸p 1959. HiÕn ph¸p 1980. HiÕn ph¸p 1992. LÞch sö chÕ ®é phong kiÕn ViÖt Nam (1980), tËp 1, Nxb Gi¸o dôc, Hµ Néi. LÞch sö ViÖt Nam, tËp I. LÞch sö ViÖt Nam, tËp II. LÞch sö ViÖt Nam 1954 - 1965 (1995), Nxb Khoa häc x· héi, Hµ Néi,. LuËt H«n nh©n vµ gia ®×nh 1959. LuËt H«n nh©n vµ gia ®×nh 1986. LuËt H«n nh©n vµ gia ®×nh 2000. LuËt §Êt ®ai. LuËt La M· (1999), Tr­êng §¹i häc LuËt thµnh phè Hå ChÝ Minh. C.M¸c - Ph.¡ngghen (1986), Tuyªn ng«n §¶ng céng s¶n, Nxb Sù thËt, Hµ Néi. Ph¸p lÖnh Thõa kÕ, 30/8/1990. Quèc héi (2000), NghÞ quyÕt sè 35/2000/QH10, ngµy 9/6/2000 vÒ viÖc thi hµnh LuËt H«n nh©n vµ gia ®×nh. LuËt s­ Lª Kim QuÕ (1994), 90 c©u hái - ®¸p ph¸p luËt vÒ thõa kÕ, Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi. LuËt s­ TrÇn H÷u BiÒn vµ TiÕn sÜ §inh V¨n Thanh (1995), Hái ®¸p vÒ Ph¸p luËt thõa kÕ, Nxb C«ng an nh©n d©n, Hµ Néi. S¾c lÖnh sè 97/SL, ngµy 22/5/1950 söa ®æi mét sè quy lÖ vµ chÕ ®Þnh trong d©n luËt. Tõ ®iÓn gi¶i thÝch luËt ng÷ luËt häc (1999), Tr­êng §¹i häc LuËt Hµ Néi, Nxb C«ng an nh©n d©n, Hµ Néi. Tßa ¸n nh©n d©n tèi cao (1972), Th«ng t­ sè 02-TATC, ngµy 2/8/1972 vÒ thõa kÕ di s¶n cña liÖt sÜ. Tßa ¸n nh©n d©n tèi cao (1972), Th«ng t­ sè 112-NCPL, ngµy 19/8/1972 h­íng dÉn xö lý vÒ d©n sù nh÷ng h«n nh©n vi ph¹m ®iÒu kiÖn kÕt h«n. Tßa ¸n nh©n d©n tèi cao (1978), Th«ng t­ sè 60-TATC, ngµy 22/2/1978 h­íng dÉn gi¶i quyÕt c¸c tranh chÊp vÒ h«n nh©n vµ gia ®×nh. Tßa ¸n nh©n d©n tèi cao (1968), Th«ng t­ sè 594-NCPL, ngµy 27/8/1968 h­íng dÉn gi¶i quyÕt tranh chÊp vÒ quyÒn thõa kÕ. Tßa ¸n nh©n d©n tèi cao (1981), Th«ng t­ sè 81-TANDTC, ngµy 24/7/1981 h­íng dÉn gi¶i quyÕt c¸c tranh chÊp vÒ thõa kÕ. Tßa ¸n nh©n d©n tèi cao (1959), ChØ thÞ sè 772-CT/TATC, n¨m 1959 vÒ viÖc ®×nh chØ ¸p dông luËt lÖ cña ®Õ quèc vµ phong kiÕn. Tßa ¸n nh©n d©n tèi cao B¸o c¸o tæng kÕt c«ng t¸c n¨m cña ngµnh Tßa ¸n mét sè n¨m. Th«ng t­ liªn tÞch sè 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngµy 25/1/1999, H­íng dÉn mét sè quy ®Þnh t¹i NghÞ quyÕt sè 58/1998/NQ-UBTVQH10. ñy ban th­êng vô Quèc héi (1998), NghÞ quyÕt vÒ giao dÞch d©n sù vÒ nhµ ë ®­îc x¸c lËp tr­íc ngµy 1/7/1991, sè 58/1998/NQ-UBTVQH10. V¨n kiÖn §¹i héi §¶ng toµn quèc lÇn thø X (2007), Nxb ChÝnh trÞ quèc gia, Hµ Néi.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPháp luật thừa kế ở việt nam từ thế kỷ xv đến nay.doc
Luận văn liên quan