Bài tập môn luật chứng khoán
A. LỜI MỞ ĐẦU
CTCK là loại hình công ty được nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Đây là một loại hình hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới thị trường trong nước và thị trường thế giới. CTCK là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và kinh doanh một loại hàng hóa đặc biệt và được điều chỉnh bởi luật chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan. Nhà nước đã quy định rất chi tiết từ điều kiện thành lập và trình tự, thủ tục cũng như hoạt động của các CTCK. Đồng thời, ta có thể thấy được hoạt động của CTCK từ khi ra đời, đi vào hoạt động cũng như kết thúc đều phải thông qua sự kiểm soát của một cơ quan đó là ủy ban chứng khoán nhà nước. Như vậy, để kiểm soát được hoạt động của CTCK thì luật chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) đã quy định rất chi tiết nhằm điều chỉnh việc thành lập, cấp giấy phép hoạt động đối với loại hình doanh nghiệp đặc biệt này. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế mở của thì hoạt động liên quan đến công ty chứng khoán còn nhiều vấn đề nan giải và việc giải quyết, xử lý các biến tướng của hoạt động này là một điểm đáng lưu ý.
MỤC LỤC
A. LỜI MỞ ĐẦU 0
B. NỘI DUNG 1
I. Khái quát về công ty chứng khoán. 1
1. Khái niệm công ty chứng khoán. 1
2. Đặc điểm công ty chứng khoán. 1
II. Pháp luật về việc thành lập, cấp giấy phép hoạt động công ty chứng khoán 3
1. Điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh. 3
2. Trình tự thủ tục thành lập và cấp giấy phép hoạt động. 6
III. Thực trạng pháp luật về công ty chứng khoán và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về công ty chứng khoán. 7
1. Thực trạng pháp luật 7
2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về công ty chứng khoán. 9
C. KẾT LUẠN 12
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 12
14 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4355 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Pháp luật về công ty chứng khoán và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về công ty chứng khoán, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
A. LỜI MỞ ĐẦU
CTCK là loại hình công ty được nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Đây là một loại hình hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới thị trường trong nước và thị trường thế giới. CTCK là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và kinh doanh một loại hàng hóa đặc biệt và được điều chỉnh bởi luật chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan. Nhà nước đã quy định rất chi tiết từ điều kiện thành lập và trình tự, thủ tục cũng như hoạt động của các CTCK. Đồng thời, ta có thể thấy được hoạt động của CTCK từ khi ra đời, đi vào hoạt động cũng như kết thúc đều phải thông qua sự kiểm soát của một cơ quan đó là ủy ban chứng khoán nhà nước. Như vậy, để kiểm soát được hoạt động của CTCK thì luật chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) đã quy định rất chi tiết nhằm điều chỉnh việc thành lập, cấp giấy phép hoạt động đối với loại hình doanh nghiệp đặc biệt này. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế mở của thì hoạt động liên quan đến công ty chứng khoán còn nhiều vấn đề nan giải và việc giải quyết, xử lý các biến tướng của hoạt động này là một điểm đáng lưu ý.
B. NỘI DUNG
I. Khái quát về công ty chứng khoán
1. Khái niệm công ty chứng khoán
Hầu hết các quốc gia đều đưa ra định nghĩa về CTCK nhưng tùy vào điều kiện và thực tế mỗi nước nhưng nội hàm của khái niệm này có những điểm khác biệt nhau. Hiểu theo nghĩa chung nhất thì CTCK là một loại hình chủ thể kinh doanh được Nhà nước cấp phép hoạt động kinh doanh chứng khoán. Dưới góc độ pháp lý khi đưa ra định nghĩa các quốc gia đều dựa trên hình thức pháp lý và hoạt động kinh doanh. Vận dụng kinh nghiệm các nước tại Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK (ban hành kèm theo Quyết định số 27/22007/QĐ- BTC của Bộ tài chính ngày 24 tháng 4 năm 2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK) đưa ra định nghĩa: “CTCK là tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh chứng khoán; bao gồm, một số hoặc toàn bộ các hoạt động; môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán”.
2. Đặc điểm công ty chứng khoán
2.1. Đặc điểm về luật điều chỉnh
Chứng khoán là một bộ phận của lĩnh vực tài chính ngân hàng- một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện (quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư 2005 và được cụ thể hóa trong Điểm 2 Phụ lục C của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện), vì vậy nó cũng là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. CTCK là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán nên phải chịu sự điều chỉnh của Luật chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan
2.2. Đặc điểm về hình thức pháp lý
Tương tự pháp luật các nước, pháp luật Việt Nam cũng quy định CTCK chỉ được phép tồn tại dưới một trong hai hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Quy định này xuất phát từ những cơ sở nhất định:
Một là: đối tượng kinh doanh của CTCK là chứng khoán- một loại hàng hóa “đặc biệt” mang lại khả năng lợi nhuận cao nhưng mức độ rủi ro lớn.
Hai là: yêu cầu về vốn dành cho loại hình kinh doanh này rất lớn so với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác. Mô hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh có cơ cấu tổ chức lỏng lẻo, chịu trách nhiệm vô hạn trước phần vốn góp, không tách bạch tài sản doanh nghiệp và tải sản của chủ doanh nghiệp. Ngược lại mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần lại có những đặc tính ưu việt: khả năng huy động vốn lớn nhưng lại khá đơn giản và linh hoạt, chủ sở hữu và công ty là hai chủ thể độc lập về pháp lý và tài sản, chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn tối đa bằng phần vốn cam kết góp của mình. Hơn nữa cơ cấu tổ chức quản lý và kiểm soát hoạt động khá chặt chẽ, tập trung và chuyên biệt. Nghĩa vụ công bố thông tin đầy đủ, kịp thời hơn.
2.3. Đặc điểm về lĩnh vực kinh doanh
Theo quy định tại Khoản 19 Điều 6 Luật chứng khoán quy định: “kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán”.
Điều 60 quy định cụ thể: “CTCK được phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau đây: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán”.
Kinh doanh chứng khoán là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định. Để tham gia kinh doanh chứng khoán trên TTCK có rất nhiều chủ thể khác nhau bao gồm: công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, ngân hàng thương mại và CTCK. Nhưng chủ thể cơ bản nhất đặc trưng nhất là CTCK. Điểm phân biệt rõ nhất giữa các chủ thể kinh doanh chứng khoán trên thị trường là nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán mà họ được phép thực hiện
Các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán mang lại lợi ích khác nhau thậm chí là đối lập mâu thuẫn giữa các chủ thể tham gia trên TTCK và CTCK lẫn nhà đầu tư. Dựa trên tình hình thực tiễn và quan điểm của nhà làm luật mà pháp luật quốc gia cũng quy định khác nhau về nghiệp vụ kinh doanh nào mà CTCK được phép thực hiện, nghiệp vụ kinh doanh nào CTCK không được thực hiện. Có một số nước thì CTCK chỉ được phép thực hiện một hoạt động kinh doanh chứng khoán, nhưng cũng có những nước khác thì CTCK lại được phép tất cả các hoạt động kinh doanh chứng khoán đi kèm với đó là phải tách biệt các hoạt động với nhau
2.4. Quản lý công ty chứng khoán: ủy ban chứng khoán nhà nước
Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) là cơ quan do Nhà nước thành lập trực thuộc Bộ tài chính chuyên trách quản lý giám sát hoạt động của TTCK, thành viên của TTCK trong đó có CTCK. UBCKNN quản lý bằng các hoạt động ban hành quy chế, thanh tra giám sát, xử lý vi phạm
II. Pháp luật về việc thành lập, cấp giấy phép hoạt động công ty chứng khoán
1. Điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh
Điều kiện thành lập CTCK là tổng thể các quy định do pháp luật đặt ra đối với các chủ thể muốn thành lập công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Lĩnh vực kinh doanh chứng khoán là một lĩnh vực kinh doanh có độ rủi ro lớn nên phải tuân thủ các điều kiện pháp lý chặt chẽ. Đó là các điều kiện về hình thức pháp lý, về vốn, về nhân sự cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật.
1.1. Điều kiện về hình thức pháp lý
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật chứng khoán 2006 thì: “công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiện hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp”. Việc quy định về hình thức tổ chức CTCK trong Luật chứng khoán 2006 tương tự Luật chứng khoán của các quốc gia. Sở dĩ Luật chứng khoán quy định CTCK chỉ được tổ chức dưới hai hình thức này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Luật chứng khoán 2006 đã hướng tới sự bình đẳng trong kinh doanh chứng khoán giữa CTCK trong nước và CTCK có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện cụ thể trong các quy định cụ thể có liên quan tới CTCK có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước đây các nhà đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam chỉ có thể thành lập theo hình thức công ty liên doanh giữa tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài với đối tác Việt Nam. Đối với CTCK liên doanh, bên nước ngoài dự định tham gia liên doanh phải là tổ chức kinh doanh hoạt động hợp pháp tại nước mà tổ chức này đóng trụ sở chính. Tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ của CTCK liên doanh.
Hiện nay, ngoài hình thức liên doanh pháp luật còn mở rộng thêm hình thức “góp vốn cổ phần, công ty 100% vốn nước ngoài” (Điều 7 Luật chứng khoán 2006). Bên cạnh đó, Luật còn quy định cho phép các CTCK nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam (Điều 77), văn phòng đại diện tại Việt Nam sau khi đăng ký hoạt động với UBCKNN (Điều 78). Những quy định mang tính đột phá này tạo nên sân chơi bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và CTCK trong nước, thực hiện đúng lộ trình cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua UBCKNN đã cấp phép cho một số CTCK theo hình thức góp vốn cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như sự ra đời của công ty cổ phần chứng khoán Kim Eng (tháng 02/2008) với 49% vốn góp của tập đoàn tài chính Kim Eng- tập đoàn tài chính lớn thứ hai của Singapore... Điều này càng làm cho TTCK Việt Nam thêm rộng hơn.
1.2. Điều kiện về vốn
Trong môi trường kinh doanh chứng khoán luôn chứa đựng rủi ro lớn nên các CTCK phải đảm bảo sự hoạt động của ổn định lâu dài và có tiềm lực tài chính mạnh. Vì vậy pháp luật của các nước cũng như pháp luật Việt Nam đã quy định chủ thể muốn kinh doanh chứng khoán phải thỏa mãn yêu cầu về vốn pháp định.
Vốn pháp định là mức vốn tổi thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Ở những thị trường chứng khoán có mức độ phát triển khác nhau thì pháp luật quy định vốn pháp định tương ứng khác nhau.
Cơ sở để xác định mức vốn pháp định là dựa vào mức độ rủi ro tương ứng của từng loại hoạt động kinh doanh, hoạt động nào rủi ro cao thì đòi hỏi vốn lớn và ngược lại. Luật chứng khoán Việt Nam cũng theo xu thế nói trên. Tinh thần đó được cụ thể hóa trong Điều 18 Nghị định số 14/2007/NĐ- CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán 2006: “Vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của CTCK, CTCK có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh CTCK nước ngoài tại Việt Nam là:
Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng Việt Nam
Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng Việt Nam
Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng Việt Nam
Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng Việt Nam
Trường hợp tổ chức đề nghị cấp giấy phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh, vốn pháp định là tổng số vốn pháp định tương ứng với từng nghiệp vụ xin cấp phép.”
Như vậy so với Nghị định số 144/2003/NĐ- CP trước đây quy định về vốn pháp định đối với CTCK thì số vốn đã tăng rất nhiều. Điều này có thể lý giải được là do sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền tài chính nói riêng dẫn tới yêu cầu năng lực tài chính của CTCK phải được nâng lên. Quy định mới này sẽ gây khó khăn ban đầu cho các CTCK thành lập trước khi Luật chứng khoán 2006 có hiệu lực, nhưng UBCKNN cũng đưa ra một khoảng thời gian hợp lý để các CTCK này tăng mức vốn lên phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để CTCK trong nước có thể cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay.
1.3. Điều kiện về nhân sự
Nhân tố con người là một trong những điều kiện tiên quyết quyết định đến sự thành công của TTCK nói chung và đặc biệt là đối với các CTCK thì điều này càng trở nên vô cùng quan trọng. Xác định được ý nghĩa của vấn đề, Luật chứng khoán 2006 quy định: “Giám đốc hoặc tổng giám đốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán” (Điều 62). UBCKNN sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân khi hội đủ các yếu tố năng lực pháp luật, năng lực hành vi, có sự hiểu biết về chứng khoán và TTCK và vượt qua kỳ sát hạch do UBCKNN tổ chức. Tuy nhiên để đảm bảo sự quản lý, phòng tránh trường hợp các cá nhân có chứng chỉ lợi dụng để lừa đảo gây thiệt hại cho nhà đầu tư các khoản 5, khoản 6 Điều 79 Luật chứng khoán quy định rõ: “Chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ có giá trị khi người được cấp chứng chỉ làm việc tại CTCK và được công ty đó thông báo với UBCKNN. CTCK có trách nhiệm thông báo với UBCKNN trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán không còn làm việc trong công ty của mình.”
Ngoài ra pháp luật cũng quy định đối với cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh; trường hợp là pháp nhân phải đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn.
1.4. Điều kiện về cơ sở vật chất
Theo quy định hiện hành muốn thành lập CTCK phải “có trụ sở, có trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán” (Điểm a Khoản 1 Điều 62 Luật chứng khoán 2006). Quy định này đã được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 3 Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK: “Có trụ sở đảm bảo các yêu cầu sau:
a. Quyền sử dụng trụ sở làm việc tối thiểu một năm, trong đó diện tích làm sàn giao dịch phục vụ nhà đầu tư tối thiểu 150 m2;
b. Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động kinh doanh, bao gồm: sàn giao dịch phục vụ khách hàng; thiết bị văn phòng, hệ thống máy tính cùng các phần mềm thực hiện hoạt động giao dịch chứng khoán, trang thông tin điện tử, bản tin để công bố thông tin cho khách hàng; hệ thống kho, két bảo quản chứng khoán, tiền mặt, tài sản có giá trị khác và lưu giữ tài liệu, chứng từ giao dịch đối với công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán;
c. Hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
d. Có hệ thống an ninh, bảo vệ an toàn trụ sở làm việc.”
Cơ sở quy định này xuất phát từ việc CTCK là trung gian nhận lệnh, truyền lệnh theo yêu cầu của khách hàng, thông báo diễn biến giao dịch của thị trường, công bố thông tin kịp thời và lưu giữ các chứng từ, thông tin giao dịch. Một sàn giao dịch hiện đại đang là mục tiêu mà các CTCK hướng tới để có thể thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh với các CTCK khác, có thể ngang tầm với sàn giao dịch trong khu vực và trên thế giới.
2. Trình tự thủ tục thành lập và cấp giấy phép hoạt động
Sau khi dáp ứng đủ các điều kiện theo luật định, các tổ chức có nhu cầu thành lập công ty chứng khoán hoàn thiện hồ sơ và gửi lên ủy ban chứng khoán nhà nước. Theo quy định tại điều 63 luật chứng khoán năm 2006 thì hồ sơ bao gồm: “giấy đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán; bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kĩ thuật đảm bảo thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; xác nhận của ngân hàng về mức vốn pháp định gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng; danh sách dự kiến giám đốc và tổng giám dốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán kèm theo bản chứng chỉ hành nghề chứng khoán; danh sách thành viên sáng lập và cổ đông sáng lập; bản sao báo cáo tài chính của năm gần nhất có xác nhạn của tổ chức kiểm toán độc lập của cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là pháp nhân tham gia góp vốn từ 10% trở lên; dự thảo điều lệ công ty, dự kiến hoạt động pháp nhân trong 3 năm đầu thành lập.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ sau khi xem xét hồ sơ, ủy ban chứng khoán nhà nước cấp giấy phép thành lập cho công ty chứng khoán. Trong trường hợp từ chối thì ủy ban chứng khoán nhà nước phải nêu rõ lí dó từ chối (quy định tại điều 65 luật chứng khoán). Giấy phép thành lập đồng thời là giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Như vậy, với thời hạn ngắn và thủ tục đăng kí đăng kí được đơn giản hóa tối đa đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để các tổ chức có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào thị trường chứng khoán.
Trong thời hạn 7 ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, thì công ty chứng khoán phải công bố giấy phép thành lập và hoạt động trên trang thông tin điện tử của ủy ban chứng khoán nhà nước và một tran web khác trong ba số liên tiếp. Công ty chứng khoán phải thực hiện hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Quy định này nhằm đảm bảo hoạt động của công ty chứng khoán trên thực tế và sự quản lú của ủy ban chứng khoán nhà nước.
Như vậy, thông qua sự tác dộng của nhà nước đã dẫn tới sự hình thành của công ty chứng khoán. Ngược lại, sự ra đời của công ty chứng khoán góp phần huy động vốn hiệu quả cao hơn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và góp phần hoàn thiện hơn thị trường chứng khoán.
III. Thực trạng pháp luật về công ty chứng khoán và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về công ty chứng khoán.
1. Thực trạng pháp luật
1.1. Các quy định về điều kiện thành lập.
Thứ nhất, tìm hiểu các quy định pháp luật về hình thức pháp lý của CTCK.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành, một công ty khi xin phép thành lập có thể lựa chọn nhiều hình thức khác nhau như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh…Tuy nhiên, các chủ thể muốn thành lập công ty kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán nhất định phải lựa chọn một trong hai loại hình công ty đó là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Điều 65 Nghị định 144/2003/NĐ-CP năm 2003 về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định: “Giấy phép kinh doanh chứng khoán được Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cấp cho công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập để hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán…”.Có thể coi đây là một quy định hợp lý, có cơ sở lý luận và đáp ứng được đòi hỏi thực tế do lĩnh vực kinh doanh chứng khoán đặt ra. Bởi lẽ phụ thuộc vào những ưu điểm nổi trội của công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn so với các loại hình công ty khác. Đặc biệt, trên thực tế hiện nay thì công ty chứng khoán được thành lập theo hình thức công ty cổ phần bởi lẽ công ty cổ phần là chủ thể tồn tại liên tục không phụ thuộc vào việc thay đổi cổ đông và quyền sở hữu được chuyển đổi một cách dễ dàng thông qua việc mua bán cổ phiếu…Tuy nhiên xét trên phương diện hoạt động thực tế của các công ty chứng khoán thì cần bổ sung một số điểm về hình thức pháp lý của công ty để việc hoạt động kinh doanh của công ty được thực hiện toàn diện và đầy đủ hơn.
Thứ hai, các quy định về vốn pháp định.
Công ty chứng khoán hoạt động “kinh doanh trên vốn” đã đầu tư vào nền kinh tế, hoạt động này đòi hỏi công ty phải có một lượng vốn lớn.
Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 144/2003/NĐ-CP đưa ra mức vốn tối thiểu cho từng hoạt động kinh doanh của CTCK như sau: tự doanh chứng khoán 12 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành 22 tỷ đồng, các hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư, môi giới có mức vốn là 3 tỷ. Tuy nhiên những quy định của pháp luật về vốn pháp định này hiện nay không còn phù hợp khi mà nền kinh tế ngày càng phát triển. Trên thực tế, trong số các công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường có nhiều công ty có mức vốn đủ để hoạt động theo quy định của pháp luật, nhưng có nhiều công ty thì số vốn này lại không thể đáp ứng đủ, thậm chí mức vốn đó còn vượt gấp ba, bốn lần theo số vốn quy định ví dụ: Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam 200 tỷ đồng…Trong năm 2005, các công ty chứng khoán cũng không ngừng thực hiện nâng vốn điều lệ như các công ty chứng khoán SSI, MSC, ACBs…Chính vì vậy mà việc thay đổi mức vốn pháp định trong quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện thực tế là rất cần thiết.
Thứ ba, các quy định về nhân sự.
Pháp luật quy định nhân viên công ty chứng khoán phải được cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán của UBCKNN. Cụ thể, họ phải có đủ các loại chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán: chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ phân tích và đầu tư chứng khoán, chứng chỉ luật áp dụng trong ngành chứng khoán. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng thực trạng nhiều người có đủ trình độ, năng lực để tham gia vào hoạt động chứng khoán nhưng họ lại không có đủ tất cả các loại chứng chỉ vừa nêu trên nên không được tham gia. Chính vì những quy định thiếu tính hợp lý này mà hiện chỉ có 43% trong số 560 nhân viên đang làm việc tại công ty chứng khoán có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán…Đây có thể coi là một bất cập trong quy định pháp luật về vấn đề này cần được bổ sung.
Ngoài ra, vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng là một tiêu chí rất quan trọng trong việc hoạt động của CTCK. Khi mà trên thực tế pháp luật mới chỉ đưa ra các quy định chung chung và so lược về vấn đề này thì cần phải hoàn thiện hơn.
Thứ tư, một số các quy định về điều kiện khác.
Pháp luật quy định các ngân hàng Thương mại, các công ty bảo hiểm muốn tham gia kinh doanh chứng khoán thì cần phải thành lập CTCK độc lập nhằm tránh tình trạng cạnh tranh lãi suất và gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Trên đây là những quy định pháp luật về điều kiện thành lập CTCK. Trên thực tế nhũng quy định này đã đáp ứng phần nào yêu cầu của hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTCK, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần thay đổi và hoàn thiện.
1.2. Quy định về trình tự thành lập và cấp giấy phép hoạt động.
Theo như quy định của pháp luật thì CTCK, sau khi xin phép thành lập thì phải hoàn thành thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán. Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán là sự đòi hỏi cao hơn so với các thủ tục đăng ký kinh doanh. Quy chế ban hành kèm theo QĐ 55/2004/QĐ-BTC dành hẳn chương II quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh cho các CTCK. Xoay quanh thủ tục đăng ký kinh doanh và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy thế, cần nhận định trên thực tế là việc đồng thời áp dụng cả hai chế định cấp giấy phép thành lập và cấp giấy phép kinh doanh không có gì mâu thuẫn bởi vì nó không cản trở các doanh nghiệp có đủ điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh mà còn tạo điều kiện đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực phức tạp này. Chính vì thế mà việc quy định chế độ cấp giấy phép thành lập và cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán là hợp lý.
2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về công ty chứng khoán
Trước thực trạng pháp luật về CTCK còn đầy những bất cập cần phải thực hiện một số giải pháp sau nhằm hoàn thiện khung pháp lý đối với công ty chứng khoán.
2.1. Sửa đổi một số điều kiện cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán
Nhằm đạt được mục tiêu thúc đẩy thị trường chứng khoán thành kênh huy động vốn đầu tư hiệu quả và góp phần nâng cao tính minh bạch của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập cần phải tiến hành mở rộng quy mô, phạm vi và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhân viên CTCK. Do đó, việc sửa đổi quy định về điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán cần đáp ứng những yêu cầu này. Thực hiện nội dung này đòi hỏi cần phải sửa đổi những quy định của pháp luật tại Điều 66 NĐ 144/NĐ-CP ngày 28/11/2009 của Chính Phủ về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh. Cụ thể:
- Sửa đổi Khoản 3 về mức vốn pháp định theo hướng nâng mức vốn cao hơn so với quy định hiện nay, đồng thời xem xét việc cho phép CTCK có thể được thành lập dưới hình thức pháp lý là công ty hợp danh chuyên thực hiện hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán.
- Sửa đổi Điều 31 Quy chế ban hành kèo theo Quyết Định số 55 về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán. Theo đó, sẽ tiến hành phân loại đối tượng hành nghề căn cứ vào vị trí chuyên môn mà họ làm tại CTCK để cấp chứng chỉ hành nghề thay vì cấp chứng chỉ hành nghề theo một tiêu chí chung như hiện nay. Cùng với sự thay đổi này cũng cần phải ban hành một bọ quy tắc nghề nghiệp trong đó nêu rõ những việc làm mà nhân viên CTCK được phép làm, phải làm và các hình thức xử lý đối với các vi phạm xảy ra.
- Ban hành quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ đối với các điều kiện thành lập các văn phòng đại diện các CTCK Việt Nam tại nước ngoài để các CTCK có cơ sở cho việc thành lập, mở rộng quy mô hoạt động góp phần tích cực vào sự phát triển chung của TTCK Việt Nam.
2.2. Hoàn thiện những quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán
Để tạo thuận lợi cho hoạt động của CTCKcần bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng mở rộng các hoạt động kinh doanh của CTCK bằng cách áp dụng danh sách loại trừ khi định nghĩa về loại hình kinh doanh của các CTCK, thay vì xác định cụ thể từng loại hình kinh doanh như hiện nay. Trong trường hợp này, trừ các công việc không liên quan gì đến chứng khoán như nhận tiền gửi, các CTCK được phép thực hiện tất cả các hoạt động có liên quan đến chứng khoán nhưng chưa được thực hiện ở Việt Nam như: Giao dịch chứng khoán bằng tài khoản tín dụng, cho vay chờ thanh toán, cho vay chứng khoán , thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, cho thuê tài chính…Tuy nhiên, quá trình triển khai cần tiến hành theo lộ trình phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và vai trò giám sát của Nhà nước để đảm bảo an toàn cho thị trường, đồng thời phù hợp với xu thế xây dựng TTCK Việt Nam trong quá trình hội nhập và liên kết với thị trường khu vực và quốc tế.
2.3. Sửa đổi các quy định pháp luật về thuế tăng thêm ưu đãi đối với các Công ty chứng khoán
Trong các ưu đãi thì ưu đãi về thuế được coi là ưu đãi trực tiếp hấp dẫn, tác động đến các CTCK sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình kinh doanh. Sửa đổi các quy định pháp luật về thuế nhằm tăng thêm ưu đãi đối với các CTCK chính là một giải pháp quan trọng, tác động và góp phần thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh chứng khoán phát triển. Thực hiện giải pháp này đòi hỏi giải quyết một số vấn đề sau:
- Sửa đổi một số nội dung về thuế sửa đổi với CTCK tại Thông tư 100/2004/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2004 của Bộ tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doah nghiệp đối với lĩnh vực chứng khoán, theo đó sửa đổi cho phép tác động cho phép các CTCK được hoàn thuế đối với số tiền thuế chênh lệch từ thuế suất 32% (áp dụng đối với thuế thu nhập doah nghiệp của CTCK trước năm 2004) xuống còn 20% (áp dụng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của CTCK từ năm 2004).
- Sửa đổi quy định về thời gian miễn, giảm thuế đối với CTCK cũng tại Thông tư 100/2004/TT-BTC ở trên theo hướng tăng thêm thời gian miễn thuế thu nhập đối với CTCK đồng thời cũng tăng thêm thời gian được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Theo thông tư này thì CTCK mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 3 năm tiếp theo. Pháp luật cần sửa đổi theo hướng công ty chứng khoán được miễn thuế thu nhập trong 5 năm và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo.
2.4. Xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về giải thể, phá sản CTCK
Để đảm bảo quản lý Nhà nước về CTCK, lợi ích hợp pháp của CTCK và các đối tượng liên quan, vấn đề xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về giải thể, phá sản CTCK là hết sức cần thiết. Cụ thể việc sửa đổi cần đạt được những yêu cầu sau:
- Xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về thủ tục giải thể CTCK. Các quy định pháp luật này cần được xây dựng cụ thể chặt chẽ, bảo đảm dung hòa được quyền lợi của nhiều chủ thể liên quan và sự quản lý của nhà nước. Các quy định pháp luật khi được xây dựng cũng cần tính đến vai trò của UBCKNN và Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam trong đó vài trò của UBCKNN là rất quan trọng bởi đây chính là cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh cho CTCK.
- Xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về phá sản CTCK theo đó việc phá sản CTCK cần được xem xét theo một trình tự, thủ tục đặc biệt so với các doah nghiệp thông thường khác. Vì vậy, bên cạnh những quy định chung theo tinh thần của Luật phá sản doanh nghiệp cần có những quy định mang tính đặc thù ngành. Quá trình xây dựng các quy định về phá sản CTCK cũng đòi hỏi sự tham gia đóng góp ý kiến của UBCKNN. Hiệp hội kinh doanh chứng khoán và của chính các CTCK.
2.5. Xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vấn đề bồi thường thiệt hại giữa CTCK và các bên liên quan
Các CTCK trong quá trình kinh doanh của mình phải thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau và các hoạt động này luôn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều đối tượng khác nhau. Và thực tế có rất nhiều tranh chấp, thiệt hại phát sinh hoặc có sự tố cáo, khiếu nại. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra thì sẽ giải quyết như thế nào, các cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Pháp luật Việt Nam về CTCK hiện hành đã có những quy định đề cập đến những vấn đề này nhưng quy định còn rất chung chung chưa cụ thể. Điều này thực tế đã gây ra nhiều khó khăn cho quá trình hoạt động kinh doanh của các CTCK cũng như quyền và lợi ích của các bên liên quan. Để tháo gỡ những vướng mắc trên tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các CTCK và đảm bảo sự quản lý của nhà nước thì cần xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh giữa CTCK và các bên liên quan, theo đó cần xác định rõ nội dung tranh chấp, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
C. KẾT LUẠN
Bài viết trên đây tìm hiểu về trình tự thủ tục thành lập, cấp giấy phép hoạt động cho CTCK. Luật chứng khoán đã quy định cụ thể rõ ràng về các quy định thành lập, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số những sai sót nhất định, việc đưa ra các biện pháp khắc phục nhằm tránh những thực trạng nêu trên và củng cố pháp luật về CTCK một cách chặt chẽ hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Luật chứng khoán 2006, sửa đổi bổ sung 2010
Giáo trình Luật chứng khoán
Luật Đầu tư 2005
Luật doanh nghiệp 2005
Lê Anh Đức, Pháp luật về công ty chứng khoán- Thực trạng và phương hướng hoàn thiện, Luận văn tốt nghiệp, Hà Nội 2006.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Pháp luật về công ty chứng khoán và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về công ty chứng khoán.doc