Tình thương mến: Trong cách giáo dục của mình, cô Maria đã diễn tả được tình cảm, lòng nhân ái, nhân hậu và tình mẫu tử. “Không phải bằng những cú đấm cú đá, nhưng bằng lòng bác ái hiền từ, con sẽ chinh phục người trẻ”. Một lời nhắn nhủ rất chân thành mà Don Bosco - nhà giáo dục giới trẻ đã nhận được trong giấc mơ khi lên 9 tuổi. Chính câu nói ấy đã làm cho Don Bosco chinh phục được hàng ngàn bạn trẻ đến với Ngài. Cô Maria cũng đã không sử dụng những lời la mắng, chửi rủa để thay đổi các em nhưng cô đã dùng chính tình thương phát xuất từ con tim của mình. Cô đã luôn hiện diện giữa các em, sẵn sàng chịu đựng những bất tiện và những cực nhọc để chu toàn nhiệm vụ của mình. Đây là phương pháp giáo dục thành công của Don Bosco - nhà giáo dục đại tài và cũng là phương pháp giáo dục đem lại sự thành công rất lớn cho cô Maria trong quá trình giáo dục các con cái của ông thuyền trưởng trong khi những gia sư trước đã bỏ cuộc.
14 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2624 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phương pháp giáo dục con cái, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa đất nước, gia đình như một đơn vị kinh tế - xã hội độc lập, đã có vị trí hoàn toàn khác trước, từ đó bộc lộ sức mạnh và chứng minh ưu thế trong sự hòa hợp mục tiêu của đất nước với mục tiêu của gia đình. Nếu so với thời bao cấp, gia đình chỉ là nơi mọi người trở về gặp nhau sau một ngày lao động, dù có hỏi han để biết công việc của nhau, cũng chỉ trong thế bị động. Việc làm của các thành viên trong gia đình thời đó được khép kín trong khuôn khổ của nhà nước đã tổ chức sẵn. Sự gắn kết giữa các thành viên và các thế hệ gia đình thời ấy cũng trở nên lỏng lẻo và không còn bản sắc riêng. Gia đình thời nay hoàn toàn khác, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã đổi thay rất nhanh chóng. Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái trong việc giáo dục cũng được đề cao hơn. Gia đình là ngôi trường đào tạo con người toàn diện nhất, từ kiến thức, tư duy, nhân cách, lối sống, để con người bước vào đời một cách tự tin và vững chắc.
Ngày nay, nhìn chung mối quan tâm lớn nhất được đặt lên hàng đầu của các bậc phụ huynh, đó là vấn đề giáo dục con cái. Sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, trẻ ngày càng bị ảnh hưởng bởi nhiều trò chơi không lành mạnh, nhiều sách báo xấu. Thực trạng xã hội cũng cho thấy ngày càng nhiều trẻ bỏ nhà đi sống lang thang ngoài đường phố. Hằng ngày, báo chí đã đăng tải nhiều tin tức liên quan đến giới trẻ nổi loạn gây ra nhiều vụ phạm pháp như: băng đảng, hút chích xìke ma tuý, trộm cắp, hiếp dâm, giết người v.v… Nguyên nhân do đâu? Theo các nhà chuyên nghiên cứu về giáo dục giới trẻ thì có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính yếu vẫn là từ căn bản mấu chốt của gia đình. Nhất là thời đại hôm nay, nhiều cha mẹ bận bịu với công việc tối ngày, không dành thời gian cho con, từ đó tạo nên một khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó cũng có nhiều cha mẹ rất quan tâm đến con, lo cho con đầy đủ, quản lý con rất chặt chẽ, ngiêm ngặt…. Quan tâm đến việc giáo dục con cái là điều rất quan trọng và cần thiết nhưng giáo dục như thế nào và giáo dục bằng cách nào lại là điều còn quan trọng hơn nữa bởi người ta thường nói rằng, gia đình không chỉ là nơi để con người được sinh ra và lớn lên về thể chất nhưng còn là sự trưởng thành và vững mạnh về mặt tinh thần, phẩm chất đạo đức hầu bước vào đời đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện giữa thời đại hôm nay.
NỘI DUNG
I. TÌM HIỂU SƠ LƯỢC VỀ GIA ĐÌNH VÀ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
1.1. Gia đình
1.1.1. Khái niệm gia đình
Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài.
Gia đình là một thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện chức năng sinh học, kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng…
Gia đình là cái mà ai cũng có thể nhìn thấy, cảm nhận được. Hầu hết mọi người đều lớn lên trong gia đình và thừa hưởng những yếu tố vật chất và tinh thần từ nó.
1.1.2. Phân loại gia đình
Có nhiều cách phân loại gia đình. Xét về quy mô, gia đình có thể phân loại thành:
Gia đình hai thế hệ: (hay gia đình hạt nhân): là gia đình bao gồm cha mẹ và con cái.
Gia đình ba thế hệ: là gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ và con cái còn được gọi là tam đại đồng đường.
Gia đình bốn thế hệ trở lên: là gia đình nhiều hơn ba thế hệ, còn gọi là tứ đại đồng đường.
1.1.3. Chức năng của gia đình
Gia đình có các chức năng cơ bản sau:
Chức năng sinh sản - tái sản xuất ra con người về mặt sinh lý và về mặt xã hội.
Chức năng kinh tế và tổ chức đời sống gia đình
Chức năng thoã mản nhu cầu tâm sinh lý, tình cảm.
Chức năng giáo dục của gia đình
1.2. Giáo dục gia đình
Giáo dục gia đình là hoạt động giáo dục diễn ra trong môi trường gia đình của chủ thể giáo dục lên đối tượng giáo dục nhằm giúp cho đối tượng giáo dục phát triển về mọi mặt cũng như đạt được sự trưởng thành toàn diện của một con người.
Giáo dục gia đình là một chức năng rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho con cái. Chúng ta đều biết rằng, ở tuổi học đường, ngoài trường học, một tác nhân xã hội hóa quan trọng, còn có gia đình. Gia đình với chức năng giáo dục của nó đã can thiệp vào các tác động của trường học, hoặc cùng với nhà trường củng cố và duy trì các hoạt động học tập, vui chơi và phát triển nhân cách đạo đức cho trẻ. Mối quan tâm của cha mẹ trong giáo dục là một nhân tố then chốt chi phối các cơ hội con họ nhận được một chỗ ở trường trung học và thái độ của cha mẹ như là những yếu tố cốt yếu trong thành công giáo dục.
Gia đình là môi trường xã hội hóa quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Nhân cách và năng lực của mỗi cá nhân hình thành hầu hết trong suốt những năm đầu đời cho đến lúc trẻ khoảng 6 tuổi. Chúng ta thường nói rằng, gia đình là mái ấm cho ta lớn lên, là cái nôi cho ta vào đời. Ngôi trường giáo dục đầu tiên là gia đình và những người thầy giáo đầu tiên không ai khác chính là cha mẹ chúng ta. Giáo dục con cái là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển đạo đức nhân cách cho con cái.
Nói đến tầm vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái thì trong Tuyên Ngôn Giáo Dục Công Giáo, có đoạn viết rằng: “Vì đã lãnh nhận ân sủng cũng như bổn phận của Bí Tích Hôn Phối nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ…” (GD3). “Nhiệm vụ và quyền lợi đầu tiên bất khả nhượng của cha mẹ là giáo dục con cái” (GD 6). Vì là người truyền sự sống cho con cái nên việc giáo dục con cái là bổn phận hết sức quan trọng của các bậc cha mẹ. Vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái.
Ngoài ra, như thầy Khổng Tử đã dạy: “Kế một năm là trồng lúa, kế mười năm là trồng cây, kế trăm năm là trồng người”. Giáo dục con cái phải được cha mẹ coi trọng và thực hiện kỹ lưỡng: “Sinh con chẳng dạy, chẳng răn, thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng”.
Về phía xã hội, người ta thường nói: “Con dại, cái mang” để nói lên tầm quan trọng, trách nhiệm nặng nề của các bậc làm cha mẹ. Một đứa con tốt là kho tàng vô giá quý hơn tất cả các kho tàng trên trái đất này. Hơn nữa, gia đình còn là chiếc nôi, là trường học đầu đời của trẻ. Về cơ bản, các thuộc tính tâm lý (tính tình, cá tính) đã được hình thành khi trẻ bước vào 5 tuổi. Như vậy, trong những năm tháng đầu đời đó, trẻ được sống và gần gũi với cha mẹ nhất và như thế, trẻ lớn lên như thế nào thì cha mẹ là người quan trọng nhất. Nhưng giáo dục như thế nào và giáo dục bằng cách nào? Giáo dục để con cái không cảm thấy áp lực nhưng luôn vui vẻ vâng lời với lòng biết ơn chân thành, để chúng cảm nhận được sự gần gũi, quan tâm và yêu thương thực sự của cha mẹ. Don Bosco - một vị thánh được gọi là cha của thanh thiếu niên và cũng là một nhà giáo dục đại tài đã nói rằng: “Giáo dục không chỉ làm cho trẻ được yêu thương mà còn làm cho chúng nhận thấy mình được yêu thương”. Như vậy, cha mẹ có bổn phận giáo dục con cái thôi chưa đủ nhưng còn phải lựa chọn cho mình những phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi, với hoàn cảnh để đạt được hiệu quả cao trong quá trình giáo dục của mình cũng như đem lại sự trưởng thành đích thực cho con cái.
II. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA ÔNG THUYỀN TRƯỞNG VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÓ LÊN NHỮNG ĐỨA CON.
Người cha trong gia đình này là một cựu thuyền trưởng đã về hưu, ông rất có thế lực. Ông có 7 người con. Vì những người con này không còn mẹ nên ông đã phải muớn gia sư về để nuôi những đứa con của ông. Tuy nhiên, việc giáo dục con thì ông vẫn phải đảm nhận vì ông là Bố của chúng. Bên cạnh đó, gia sư của những đứa con của ông thuyền trưởng cũng góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho bọn trẻ bởi họ là người ở gần chúng mỗi ngày và chăm sóc cho chúng. Trước hết, ta nói đến phương pháp giáo dục của ông thuyền trưởng trong câu chuyện.
2.1. Phương pháp giáo dục của ông thuyền trưởng
Với chức vụ là một thuyền trưởng, khi phải điều hành một đội quân làm theo lệnh mình, ông đã tập cho họ tuân thủ theo những quy luật đưa ra. Chính chức vụ thuyền trưởng của ông đã để lại trong ông một tư tưởng gọi là chỉ huy và ông đã áp dụng khi giáo dục con mình. Ông coi con mình như những người phải tuân thủ quy luật một cách triệt để và nghiêm ngặt. Ông mang trong mình một nề nếp rèn luyện theo kiểu quân đội, cứ hô lên một tiếng là cả đoàn tập trung lực lượng và đi đều. Với chức vụ đó, khi giáo dục con, dường như ông đã đặt mình trong vai trò là một người chỉ huy. Phương pháp này thì quyền lực thuộc về người cha và con cái không được cãi lại cha mình, không có sự đối thoại, trao đổi hai bên. Có lúc cũng phải đặt mình thấp hơn người khác một chút để học hỏi nơi họ những điều tốt đẹp mà có thể mình không có được, để phá đổ khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên nhưng tạo được sự gần gũi thân thiện hơn.
Ông thuyền trưởng đã rất đề cao tính kỷ luật đối với các con của mình. Khi cô Maria về làm gia sư, ông đã nói với cô: “Các cô gia sư trước hoàn toàn bất lực, không biết giữ kỷ luật nên không điều hành được ngôi nhà này… Cô phải bảo đảm là lúc nào các con tôi cũng giữ được kỷ luật, tôi trao quyền điều hành cho cô” hay “Luật số 1 trong nhà này là kỷ luật”. Ông đã đặt kỷ luật lên trên với con cái mình, luôn bắt chúng lúc nào cũng phải có kỷ luật.
Phương tiện giáo dục: Ông thuyền trưởng đã dùng cái còi làm phương tiện để quản lý các con của mình mà cái còi ở đây cô Maria lại cho rằng nó là dụng cụ dùng cho con vật chứ không phải để dùng cho người: “Tôi không bao giờ chấp nhận dùng còi, người ta chỉ dùng còi cho chó, mèo hoặc các con vật khác chứ không dùng cho trẻ em và dứt khoát là không dùng cho tôi”. Mỗi lần ông thổi còi là bọn trẻ phải tập trung thành một đội hình và đến với ông, chúng đã biết đó là tiếng còi gọi chúng. Bọn trẻ đều có tên nhưng ông không gọi chúng bằng tên mà ông dùng còi để gọi chúng như vậy thì khác gì ông đang coi những đứa con của mình như những con vật bởi còi là dùng để gọi con vật. Sẽ có lúc trẻ cảm giác rằng, hình ảnh xuất hiện lúc này không còn là hình ảnh người cha nữa mà là hình ảnh của một cái còi biết nói, và như thế thì sự gần gũi cha con sẽ giảm đi rất nhiều và tạo ra một khoảng cách rất lớn trong mối quan hệ đó.
Đối thoại là một phương pháp rất quan trọng trong việc giáo dục con cái vì sẽ giúp chúng ta hiểu con hơn cũng như chúng được nói lên suy nghĩ của mình. Ở đây, ông thuyền trưởng đã sử dụng phương pháp độc thoại hay còn gọi là giáo dục một phía, nghĩa là ông ra lệnh và bọn trẻ tuân theo mà chúng không được nói lên những suy nghĩ của mình, không được trao đổi.
Quan tâm chăm sóc con là một điều rất tốt. Tuy nhiên quan tâm như thế nào cho phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với tâm lý trẻ mới là điều quan trọng. Ông thuyền trưởng mặc dù đã rất quan tâm con cái mình nhưng kiểu quan tâm của ông không tạo được sự gần gũi, ông chưa hiểu được tâm lý của con. Trẻ cần có thời gian vui chơi, giải trí trong khi con cái của ông lại suốt ngày giam mình trong nhà, nếu có đi dạo thì cũng bị hạn chế. Bọn trẻ bị cướp mất sự tự do, sự thả mình trong thiên nhiên, trong bầu không khí trong lành của đất trời mà chúng cần được hưởng. Ông chưa nhận thấy được nhu cầu của trẻ, nhu cầu được vui chơi, được giải thoát khỏi những căng thẳng, mệt mỏi trong con người chúng.
Một điểm hạn chế trong lối giáo dục của ông thuyền trưởng là ông không quan tâm, không để ý tới những suy nghĩ của các con mình. Dù thấy đó một điều rất ngạc nhiên là sau những lời nói của cô Maria “… Biết rằng, đối với cô, để được các em đón nhận là một điều rất quan trọng. Các em thật tử tế, nhã nhặn để làm cô ngay từ giây phút đầu tiên này cảm thấy được quý mến, sung sướng và thú vị”, bọn trẻ đã cùng nhau khóc nhưng ông không quan tâm đến những giọt nước mắt hối hận, những giọt nước mắt thay đổi ấy. Nếu ông thực sự quan tâm thì ông sẽ phải đặt câu hỏi cho vấn đề này: Tại sao chúng lại cùng nhau khóc không phải lúc nào mà lại là sau những lời nói của cô Maria? Chắc chắn ông sẽ nhìn thấy được những giọt nước mắt khác với giọt nước mắt thường, những giọt nước mắt của sự hối hận, của tâm hồn nhận ra lỗi của mình. Thay vì suy nghĩ như vậy thì ông thuyền trưởng lại cho rằng đây là màn kịch mà cô Maria bày ra trong bữa ăn. Ông cũng thắc mắc về những lời mà cô Maria khen con mình. Thật đáng tiếc cho ông thuyền trưởng, vì thiếu sự quan tâm mà ông đã không nhận ra được những giây phút ấy, một khoảnh khắc làm thay đổi tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ, dễ thương.
Tóm lại, phương pháp giáo dục của ông thuyền trưởng là phương pháp giáo dục nghiêm khắc, cứng rắn, luôn đề cao tính kỷ luật, quan tâm con không đúng cách.
2.2. Ảnh hưởng của phương pháp giáo dục đó
· Ngay từ đầu, khi đặt mình như một người chỉ huy trong khi giáo dục con cái, ông thuyền trưởng đã tạo cho con trẻ một khoảng cách rất xa. Từ đó làm cho trẻ không còn cảm thấy được tình cha con gần gũi mà tệ hơn là một sự hụt hẫng rất lớn trong khi trẻ đang thiếu vắng người mẹ hiền.
· Kỷ luật là tốt nhưng đối với ông thuyền trưởng lại đặt kỷ luật lên hàng đầu nên đã làm cho trẻ luôn cảm thấy sợ hãi mà không làm tốt những điều đúng ra chúng có thể làm như cô Maria đã nói với ông thuyền trưởng: “Trẻ em không bao giờ thi hành bổn phận nếu áp đặt chúng sợ hãi”. Chúng có cảm giác mỗi lần chúng làm sai thì sẽ bị phạt, khó tìm thấy sự tha thứ nơi cha mình. Bên cạnh đó còn làm mất đi sự gần gũi giữa cha con với nhau. Và một khi đã không có được sự gần gũi thì khó mà nói chuyện, chia sẻ vui buồn với cha mình. Cô Maria cũng đã cho ông thuyền trưởng thấy được điều này: “Luiza có thể nói với ông nhiều điều nếu ông thân mật với em”.
· Trẻ không có cơ hội để nói lên những suy nghĩ của mình, từ đó làm cho trẻ luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé, nếu có cơ hội nói chúng cũng không muốn nói ra và như thế thì cha mẹ khó có thể hiểu hết được con mình.
· Trẻ luôn cảm thấy một sự gò bó, áp đặt mà không có được sự thoải mái, từ đó làm cho trẻ thiếu tự tin và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này khi trẻ vào đời.
III. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA CÔ MARIA VÀ LÝ DO CÔ THÀNH CÔNG TRONG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA MÌNH.
3.1. Phương pháp giáo dục của cô Maria
Sau những chuỗi ngày tiếp xúc với những gia sư khác, không phải là bọn trẻ bỏ cuộc nhưng lại là chính các gia sư đã bỏ cuộc. Thế thì cô Maria có bỏ cuộc không? Phương pháp giáo dục của cô Maria hoàn toàn ngược lại với những phương pháp giáo dục của ông thuyền trưởng và các gia sư trước.
Cô Maria đã dùng chính con tim của mình để yêu thương bọn trẻ và làm cho chúng cảm thấy mình được yêu thương. Ngay từ những giây phút đầu tiên khi gặp các con của ông (lúc bọn trẻ giới thiệu tên), cô đã dùng ánh mắt rất thân thiện để nhìn chúng, dùng lời nói rất dịu dàng để nói với chúng. Cô không suy nghĩ những lời nghe thật khó chịu mà bọn trẻ nói với cô: “Bộ đồ cô đang mặc trông thật ghê tởm” hay “Em không cần một gia sư” . Nhưng cô Maria đã rất khiêm tốn để cho rằng mình lại cần đến chúng chứ không phải chúng cần đến mình: “Cám ơn em đã nói điều đó, hi vọng chúng ta là bạn thân của nhau”. Trong bất cứ mọi trường hợp, cô Maria đã sử dụng tình thương để làm cho bọn trẻ cảm thấy rằng mình đang được yêu thương. Đây cũng là phương pháp giáo dục của nhà giáo dục đại tài - Don Bosco. Nhờ áp dụng phương pháp này, Don Bosco đã làm cho hàng ngàn thanh thiếu niên nhận ra rằng chúng được yêu thương, kể cả những em cá biệt nhất. Chính Ngài đã nói: “Giáo dục không chỉ làm cho trẻ được yêu thương mà còn làm cho chúng nhận thấy mình được yêu thương”. Cô Maria cũng đã dùng trái tim của mình để đem lại cho chúng tình thương yêu mà từ rất lâu chúng chưa được cảm nếm. Cô nhìn từng em với ánh mắt trìu mến, cô ẵm chúng khi chúng sợ hãi (sợ hãi khi trời sấm sét), cô ngồi bên cạnh chúng khi chúng cần sự gần gũi ấy. Cô dám phá đổ kỷ luật của ông thuyền trưởng để chỉ mong mang lại cho bọn trẻ niềm vui và tình thương yêu thực sự. Cô cầu nguyện cho bọn trẻ. Nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, cô đã làm được điều mà cô mong muốn.
“Cô cám ơn các em vì món quà mà hồi nãy các em bỏ vào trong túi cô”. Mặc dù đó là một cú chọc tức mà bọn trẻ dành cho cô nhưng cô đã đón nhận điều không hay ấy trước mặt các em và làm cho nó trở thành điều tốt bằng một lời cám ơn. Đó là cách cô sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm mà bọn trẻ làm. Từ đó, chúng nhận thấy mình được tha thứ mà có lẽ chúng ít khi nhận thấy nơi cha mình. Cô rất tôn trọng các em, cô có thể nói ra sự việc ấy cho ông bố biết nhưng không, cô đã giấu điều đó và coi đó như là một chuyện riêng tư: “Đó là chuyện riêng giữa các em và tôi” để giữ danh dự cho các em. Cô cũng đã muốn nhận lỗi thay cho các em khi các em chọc tức cô thay vì trách mắng các em: “Tôi bị dị ứng”.
Một phương pháp rất hay mà cô Maria đã sử dụng ở đây là cô đã khích lệ trẻ, nghĩ tốt. Chính cô đã nghĩ hay về trẻ: “Biết rằng, một người lạ như cô khi mới tới ở đây rất bồn chồn, lo âu… các em thật là tử tế, nhã nhặn để làm cho cô ngay từ giây phút đầu tiên này cảm thấy được quý mến, sung sướng và thú vị”. Cô khơi lên tiềm năng nơi trẻ, cho trẻ cảm thấy rằng chúng có thể làm được những điều đó. Cô cho chúng nhận thấy được chúng có lỗi, đúng ra chúng phải làm những điều đó nhưng chúng đã chưa làm nghĩa là cô muốn nhìn thấy cách cư xử trưởng thành noi trẻ. Bọn trẻ đã nhận ra lỗi của mình và đã khóc dù đang trong giờ cơm. Chính phương pháp này đã làm cho bọn trẻ thay đổi hoàn toàn thái độ cũng như cách nhìn của mình đối với cô Maria.
Bên cạnh đó, cô cũng đã rất tế nhị, quan tâm đến nhu cầu của các em. Cô nhận thấy Luiza quần áo bị bẩn sau khi đi dạo về, cô đã nhanh nhẹn đáp ứng điều mà em đang cần để rồi chính Luiza cũng phải thốt lên rằng: “Hôm nay em đã nói với cô là em không cần một gia sư, có lẽ là em lầm đấy”.
Âm nhạc là một thứ rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Cô Maria đã sử dụng âm nhạc để đem niềm vui trở lại với gia đình ông thuyền trưởng. Tập hát cho trẻ chính là lúc cô đem lại cho trẻ một tâm hồn tự do, thanh thản. Cô cho bọn trẻ tận hưởng những giây phút bay bổng, thả hồn trong vũ trụ thiên nhiên trong lành mà bấy lâu nay chúng không được hưởng và có lẽ chúng cũng chẳng hề nghĩ tới. Những tiếng hát du dương của những đứa con không chỉ làm cho chúng hạnh phúc mà còn làm cho ông bố cũng thay đổi cách con người của mình. Từ đó, thay đổi cả lối giáo dục của mình nữa.
Tóm lại, cô Maria đã sử dụng phương pháp dựa trên lý trí và tình thương mến.
Lý trí: Cô cho bọn trẻ nhận ra lỗi lầm của mình bằng những lời gợi ý để chúng suy nghĩ. Cô muốn chúng suy nghĩ, nhận thức về những hành vi của mình và biết phân biệt đúng sai trong hành vi đó. Bổn phận của nhà giáo dục là đưa ra lý lẽ, làm cho chúng hiểu lý do, hành động theo suy nghĩ. Cô Maria cũng đưa ra lý lẽ để giải thích nhưng thay vì giải thích trực tiếp thì cô đã sử dụng cách gián tiếp, dùng những lời tích cực để giải thích và trẻ vẫn có thể hiểu được những điều mình muốn nói với chúng.
Tình thương mến: Trong cách giáo dục của mình, cô Maria đã diễn tả được tình cảm, lòng nhân ái, nhân hậu và tình mẫu tử. “Không phải bằng những cú đấm cú đá, nhưng bằng lòng bác ái hiền từ, con sẽ chinh phục người trẻ”. Một lời nhắn nhủ rất chân thành mà Don Bosco - nhà giáo dục giới trẻ đã nhận được trong giấc mơ khi lên 9 tuổi. Chính câu nói ấy đã làm cho Don Bosco chinh phục được hàng ngàn bạn trẻ đến với Ngài. Cô Maria cũng đã không sử dụng những lời la mắng, chửi rủa để thay đổi các em nhưng cô đã dùng chính tình thương phát xuất từ con tim của mình. Cô đã luôn hiện diện giữa các em, sẵn sàng chịu đựng những bất tiện và những cực nhọc để chu toàn nhiệm vụ của mình. Đây là phương pháp giáo dục thành công của Don Bosco - nhà giáo dục đại tài và cũng là phương pháp giáo dục đem lại sự thành công rất lớn cho cô Maria trong quá trình giáo dục các con cái của ông thuyền trưởng trong khi những gia sư trước đã bỏ cuộc.
3.2. Lý do đem đến sự thành công cho cô Maria trong quá trình giáo dục
Tâm trạng của cô Maria khi được mẹ Bề trên cho biết là sẽ ra ngoài phục vụ trong khi cô rất khao khát ở lại trong Tu viện, hơn thế nữa lại là phục vụ cho gia đình một thuyền trưởng với 7 người con là một tâm trạng lo lắng và dường như lo sợ, thất vọng. Lúc ấy, cô cảm thấy mình không đủ khả năng để làm điều đó nhưng cô đã đón nhận lời mời gọi ấy vì sự vâng lời và lòng yêu mến để can đảm ra đi.
Dù biết rằng đó là một điều rất khó đối với một Thỉnh sinh đã có ước muốn sống trong Tu viện dâng mình cho Chúa nhưng vì vâng lời và lòng yêu mến đã giúp cô can đảm đối diện với thử thách lớn lao này: “Tôi đang đi tìm sự can đảm mà tôi còn thiếu… Hãy cho họ thấy rằng tôi chẳng biết sợ là gì và tôi phải đương đầu với họ, tôi phải can đảm giải quyết tất cả những khó khăn đó”. Cô Maria đã không tìm cách trốn tránh với những khó khăn, thử thách xảy đến với mình nhưng cô đã dám đối mặt với nó dù đó có là một cuộc mạo hiểm.
Với tất cả niềm vui, cô đã rất tự tin vào chính mình: “Tôi sẽ cho họ thấy là tôi làm được mọi sự. Những đứa trẻ kia chúng sẽ theo gương tôi và tôi dám chắc rằng mọi cái rồi sẽ tốt đẹp… Tôi tin tưởng rằng tôi sẽ chiếm được thế giới và bất chấp mọi chuyện, tôi sẽ tin tưởng vào chính mình”. Dù biết rằng việc ra đi phục vụ của mình là một cuộc mạo hiểm nhưng cô Maria vẫn tin tưởng vào chính bản thân mình, cô tin rằng mình sẽ làm được tất cả nếu mình muốn. “Tôi tin tưởng vào chính sự tin tưởng”
Mỗi người có một phương pháp riêng cho mình.Cô Mria cũng thế nhưng với phương pháp giáo dục này, cô đã áp dụng nó với tất cả tình yêu, thực sự mong muốn cho trẻ tốt hơn. Phương pháp của cô xuất phát từ đáy lòng của mình, từ chính con tim của mình, không phải là cô làm nhưng chính trái tim cô đã làm điều đó. Tình yêu thúc đẩy cô sẵn sàng đương đầu với mọi việc dù phải trả giá, tình yêu đã giúp cô vượt qua tất cả. Cô đã áp dụng phương pháp này phù hợp với lứa tuổi và nhất là đúng lúc. Trong lúc bọn trẻ đang thiếu sự gần gũi, thiếu tình thương yêu thực sự của người cha thì cô Maria đã đem đến cho chúng, đã bù đắp cho chúng những thiếu vắng ấy.
Lòng kiên nhẫn đã giúp cô Maria ở lại với bọn trẻ trong khi các gia sư khác đã bỏ cuộc. Don Bosco - nhà giáo dục giới trẻ, trong khi dạy các Nữ tu của Ngài giáo dục giới trẻ cũng đã rất chú trọng đến lòng kiên nhẫn khi nói: “Điều cần thiết là kiên nhẫn, bền lòng và cầu nguyện nhiều, thiếu những điều ấy mọi luật lệ đều vô ích… chưa hề có một mảnh đất khô cằn và sỏi đá nào mà lại không sinh hoa kết quả với lòng kiên nhẫn vô cùng”. Nếu không có lòng kiên nhẫn thì có lẽ cô Maria cũng sẽ giống như các gia sư trước là chỉ ở lại được vài tháng. Nhưng cô Maria đã thay đổi được hoàn toàn cả gia đình ông thuyền trưởng để rồi cả nhà đã cảm thấy buồn vì cô Maria trở về Tu viện mà không còn ở lại gia đình ông nữa. Những đứa trẻ thì suốt ngày chỉ nhắc đến cô Maria, tìm đến nơi tu viện để thăm cô. Mọi người đã cảm thấy rằng mình được yêu thương thực sự. Ông thuyền trưởng cũng cảm nhận được điều ấy và chính ông đã thay đổi cách thức giáo dục của mình. Từ đó, con cái ông cũng đã nhận được tình thương yêu, sự gần gũi nới cha mình.
KẾT LUẬN
Tình yêu có thể biến đổi được cả thế giới, cả vũ trụ này. Cô Maria đã dùng tình yêu thương từ chính trái tim của mình để làm cho các con cái của ông thuyền trưởng không chỉ được yêu thương mà còn cho chúng cảm thấy mình được yêu thương. Đó là một phương pháp giáo dục đã mang lại thành công rất lớn cho cô Maria trong việc giáo dục con cái của ông thuyền trưởng mà ban đầu có thể nói là cô đã cảm thấy như một cuộc mạo hiểm. Nhưng với tình yêu, lòng kiên nhẫn và sự tự tin vào chính bản thân mình đã làm cho không còn sự lo lắng như ban đầu nhưng đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình ông thuyền trưởng mà sau này chính là gia đình của cô.
Gia đình là nơi đào tạo nền móng ban đầu để phát triển về mọi mặt. Gia đình là điểm tựa vững chắc mãi mãi giúp con người đầy đủ nghị lực và ý chí, vượt qua những cám dỗ, những thử thách cũng như vững vàng để bước vào đời.
“Giáo dục là việc của con tim”. Con tim là biểu tượng của tình yêu và tình yêu có thể làm được tất cả, có sức biến đổi cả thế giới này như cô Maria đã nói: “Tôi tin tưởng rằng tôi sẽ chiếm được thế giới”. Cái gì làm cho cô có thể nói và làm được điều đó nếu không phải là tình yêu. Cha mẹ hãy trở nên dễ thương giữa con cái mình là sự giáo dục hết lòng lo cho con nên tốt lành, hiện diện giữa con cái, dành thời gian cho con nhiều hơn, sẵn sàng chịu đựng những bất tiện và cực nhọc để vì tương lai tươi sáng của con và để chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ trong gia đình.
Cha mẹ nào mà chẳng thương yêu con cái, muốn cho con cái nên người nhưng tình thương ấy phải được diễn tả trong cuộc sống, trong cách giáo dục của mình. Tình thương ấy phải làm cho chúng cảm nếm được qua từng ngày, từng giây phút. Từ đó, chính con cái sẽ cùng với cha mẹ giáo dục mình, cùng với cha mẹ xây dựng bầu khí vui tươi trong gia đình, xây dựng một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Có lẽ rằng, ai cũng muốn mình có một tổ ấm gia đình tràn ngập yêu thương bởi tổ ấm gia đình thì không gì sánh bằng. Như vậy, đừng quên rằng mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm giáo dục, giáo dục chính mình và giáo dục người khác. Trên hết, cha mẹ là người có trách nhiệm lớn lao hơn cả trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ phải hiểu được rằng, con cái luôn cần đến sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi thực sự nơi cha mẹ, nhất là đối với những gia đình khá giả, lo làm ăn kinh tế rồi không có nhiều thời gian dành cho con cái. Con cái cần sự động viên, an ủi và nâng đỡ về tinh thần nhiều hơn cả bởi đó chính là điểm tựa vững chắc trong cuộc sống và là nền tảng ban đầu cho một tương lai tươi sáng khi chúng bước vào đời.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- phuong_phap_gd_con_cai_phim_giai_dieu_hanh_phuc_gdgd_3207.doc