Qii hoạch du lịch tỉnh Quảng Nam

Từ những nghiên cứu về tài nguyên du lịch của Quảng Nam, có thể khẳng định rằng đây là một vùng đất có tiềm năng để phát triển rất lớn. Nhiều loại địa hình thuận lợi cho các hình thức du lịch khác nhau đều tập trung tại đây như núi cao, ven biển. Hơn thế nữa, tỉnh còn nằm ở vị trí trung tâm giao thương của thế giới vào thế kỷ XVI, XVII nên sự giao thoa văn hóa giữa nhiều nước đã diễn ra lâu đời, tỉnh còn trải qua quá trình hoạt động Cách mạng tạo thành nhiều những di sản văn hóa lịch sử - tài nguyên du lịch nhân văn đáng để gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên những tài nguyên đã nhắc đến trên mới chỉ được tận dụng một nửa ở khu vực phía Đông, còn phần tài nguyên phía Tây hầu như ít được khai thác hoặc khai thác chưa có quy hoạch cụ thể. Điều này dẫn đến việc đầu tư cho du lịch chưa được toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh. Bài nghiên cứu đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về tài nguyên và tình hình phát triển của du lịch tỉnh nhằm giúp đưa ra hướng quy hoạch đúng đắn cho Quảng Nam, không để tỉnh trạng lãng phí tài nguyên như vậy tiếp tục tồn tại.

doc26 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3023 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Qii hoạch du lịch tỉnh Quảng Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
_LỜI NÓI ĐẦU_ Đất nước Việt Nam của chúng ta tuy nhỏ bé nhưng tiềm ẩn trong mình một vẻ đẹp tuyệt vời đã làm say đắm biết bao trái tim du khách đã từng đặt chân đến nơi đây. Tham gia vào tổ chức Du lịch thế giới (World Tourism Organization) năm 1981, với tiềm năng đa dạng và phong phú, Việt Nam đã chứng minh được mình xứng đáng trở thành điểm đến của thế giới. Khắp dọc miền Tổ quốc từ Bắc vào Nam, nơi đâu cũng xuất hiện những danh lam thắng cảnh nức lòng người : Sapa, Hạ Long, Huế, Hội An, Đà Lạt, Nha Trang . . . mỗi nơi với mỗi vẻ đẹp khác nhau : yên bình, hùng vĩ, cổ kính . . . Đây là những điều kiện, tài nguyên cốt lõi để du lịch – một ngành kinh tế tổng hợp đóng vai trò quan trọng phát triển. Nhắc đến du lịch, nhiều người quan niệm rằng đây là “ngành công nghiệp không khói”, là “con gà đẻ trứng vàng”. Thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch đem lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội và cả môi trường nếu như biết khai thác hợp lí mọi tiềm năng để phát triển bền vững. Còn ngược lại, nếu không biết khai thác, quản lí phát triển đúng hướng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cho tài nguyên và môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh. Vậy nên qua bài nghiên cứu này, tôi muốn góp một tiếng nói nhỏ để giúp cho nền du lịch Việt Nam được phát triển đúng hướng, bắt đầu từ một tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên Hải Nam Trung Bộ - Quảng Nam. Nhiều nguồn tài liệu lịch sử đã chỉ ra rằng tên gọi Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam". Trước kia Quảng Nam là đất Chiêm Thành, trải qua quá trình phát triển từ thời vua Lê, chúa Nguyễn. Được tách ra và nhập vào nhiều lần, qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Do vậy nên Quảng Nam hiện có rất nhiều tài nguyên du lịch mang giá trị tự nhiên và văn hóa. Vì vậy, việc nghiên cứu để xác lập mục tiêu quy hoạch phát triển du lịch cho địa phương này là rất quan trọng và cần thiết cho việc sử dụng nguồn tài nguyên du lịch dồi dào nơi đây được hiệu quả. Phần một: Nghiên Cứu Về Quảng Nam I. Tổng quan về tỉnh Quảng Nam: Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, được tái lập chính thức vào ngày 1/1//1997. Diện tích tự nhiên 10.406,83 km2. Vị trí địa lí: _Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Nam_ (nguồn: Quảng Nam là một tỉnh Nam Trung bộ nằm ở vị trí địa lý 15034' độ vĩ Bắc, 108040' độ kinh Ðông. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 10.407,47 km2 (số liệu năm 2003), chiếm 3,16% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Quảng Nam ở vào vị trí trung độ của đất nước,  nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường sắt, đường bộ và đường biển và đường hàng không, có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14D, 14B, 14E nối đồng bằng ven biển qua các huyện trung du miền núi của tỉnh đến biên giới Việt - Lào và các tỉnh Tây Nguyên. Tiếp giáp các hướng: - Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa thiên Huế. - Phía Đông giáp biển Đông. - Phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi. - Phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Đây là một vị trí dễ tiếp cận vì tỉnh nằm trên trục giao thông Bắc – Nam của đất nước và còn có sân bay Chu Lai ở huyện Núi Thành vậy nên sẽ rất thuận lợi cho du lịch khi du khách có thể đến Quảng Nam theo đường bộ hoặc đường hàng không. Hơn nữa xét về tiếp giáp các phía, phía Bắc tỉnh giáp thành phố Đà Nẵng nên có thể tiếp nhận được lượng khách du lịch từ Đà Nẵng vào Quảng Nam. Phía Đông giáp với biển Đông nên có đường bờ biển dài, thuận lợi cho phát triển du lịch. Đơn vị hành chính: Tỉnh Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính bao gồm 16 huyện và 2 thành phố. Trong đó: - 09 huyện miền núi : Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nam Trà My, Nông Sơn và Bắc Trà My. -  07 huyện đồng bằng : Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành và Phú Ninh.  - 02 Thành phố: Tam Kỳ và Hội An. Dân cư: Tính đến hết năm 2010, dân số ở đây đạt xấp xỉ 1.5 triệu người. Trong số lượng đó, người Việt (Kinh) chiếm 93,8% . Phân bố ở đồng bằng phía đông. Các tộc người thiểu số chiếm 6,2% phân bố ở vùng đồi núi phía tây của tỉnh. Nhiều nhất là tộc người K’Tu (chiếm 2.31%) và tộc người Xơ Đăng (Chiếm 2,1%). II. Tài nguyên du lịch: 1. Tài nguyên tự nhiên: 1.1 Địa hình: Quảng Nam có hướng địa hình nghiêng và thấp dần từ Tây sang Đông hình thành 3 kiểu hình thái địa hình rõ rệt là kiểu núi cao phía Tây, kiểu trung du ở giữa và dải đồng bằng ven biển. Địa hình chủ yếu là đồi núi. Vì địa hình trải dài thấp dần từ Tây sang Đông nên độ cao của Quảng Nam so với mặt nước biển cũng giảm dần trong khoảng từ hơn 2000m (tính từ nơi cao nhất là núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My) đến 0m (các đơn vị ven biển Tam Kỳ, Hội An). Độ cao trung bình toàn tỉnh là 50m. Dạng địa hình Phân tích 1. Núi cao phía Tây - Diện tích vùng núi là 8.743,57 km2, chiếm 84,01% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (9 huyện miền núi). - Độ cao trung bình khá cao so với địa hình núi, nơi cao nhất là 2598m (đỉnh núi Ngọc Linh). - Giá trị của địa hình với du lịch: là vùng núi cao, đầu nguồn các lưu vực sông, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc ít người. Nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông lâm nghiệp với phương thức canh tác thủ công. Nơi đây sẽ tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cộng với nếp sinh hoạt độc đáo của đồng bào tộc người thiểu số sẽ thích hợp để phát triển du lịch sinh thái và văn hóa thu hút du khách. Ngoài ra nơi đây nhờ núi rừng Trường Sơn hiểm trở nên đã trở thành nơi hoạt động của đồng bào dân tộc giúp bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ; những dấu tích còn lại giờ được sử dụng như những tài nguyên du lịch nhân văn về lịch sử. - Các núi có ý nghĩa với du lịch: + Dãy Trường Sơn, khu vực huyện Tây Giang. + Núi Chúa- Bà Nà (Đông Giang) + Núi Ngọc Linh (Nam Trà My) 2. Trung du - Diện tích vùng trung du là 294,08 km2, chiếm 2,83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (gồm các xã phía Tây huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn). - Độ cao so với mực nước biển thuộc mức trung bình: 50-200m. - Giá trị của địa hình với du lịch: đây còn là vùng có sự đa dạng về khoáng sản như: vàng và vàng sa khoáng. Ở đây còn có nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, cây dược liệu. Vậy nên không có nhiều cảnh quan dành cho du lịch, người dân khai thác và sử dụng nguồn đất này để trồng trọt và canh tác chứ không chú trọng để phát triển du lịch. 3. Đồng bằng - Diện tích vùng đồng bằng là 1.369,82 km2, chiếm 13,16% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (phần diện tích còn lại). - Độ cao so với mực nước biển khá thấp vì là vùng ven biển: 0-30m. - Giá trị của địa hình với du lịch: vùng đồng bằng nhỏ, hẹp thuộc hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, được phù sa bồi đắp hàng năm, nhân dân có truyền thống thâm canh lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm. Vì gần hạ lưu các sông nên có rất nhiều khu dân cư sinh sống với nhiều tập quán văn hóa sinh hoạt lâu đời, tạo nên tài nguyên di sản văn hóa cho du lịch. - Địa điểm có ý nghĩa với du lịch: + Đô thị cổ Hội An (thành phố Hội An). + Các làng nghề truyền thống trong vùng. + Thành phố Tam Kỳ. + Mũi Bàn Than (huyện Núi Thành). Ngoài 3 dạng địa hình đã phân tích trên, tỉnh Quảng Nam còn có một dạng địa hình đặc biệt khác mang giá trị vô cùng lớn cho du lịch, đó chính là dạng địa hình ven biển. - Chiều dài đường bờ biển: Quảng Nam có trên 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm sạch . Ngoài ra còn có 15 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi. Đây là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch QuảngNam. - Chiều rộng của bãi biển ở đây được tính trung bình từ 20- 30m tùy theo vị trí bãi biển. - Độ mặn, độ trong của nước biển: vì không thể tìm được một báo cáo cụ thể, chính xác về nước biển tại Quảng Nam nên có thể suy ra được độ mặn và độ trong của nước biển tại địa phương này nhờ vào báo cáo của vùng Quảng Ngãi và biển Đông (vì Quảng Nam thuộc biển Đông và tiếp giáp khu vực Quảng Ngãi). Nước biển Quảng Ngãi mang đặc trưng của vùng nước biển sâu, màu mặt nước xanh thẳm, độ trong suốt lớn, biển thoáng. Độ mặn nước biển khá cao, có sự thay đổi theo mùa, nhưng biên độ dao động độ mặn giữa mùa khô và mùa mưa không lớn và độ mặn đều lớn hơn 32‰. Mùa gió Tây Nam, độ mặn tầng mặt ven bờ trung bình 32 - 33‰, mùa gió Đông Bắc, nước biển có độ mặn cao khoảng 33,8 - 34‰. Độ mặn trung bình quanh năm của nước biển Đông là 33‰. Từ đó có thể kết luận độ mặn của nước biển khu vực tỉnh Quảng Nam vào khoảng 32-33‰ và có độ trong suốt lớn. - Thời gian khai thác: cũng nhờ vào báo cáo nước biển của vùng Quảng Ngãi, ta có thể suy ra sự tương đồng với nước biển tỉnh Quảng Nam. Nhiệt độ tầng nước mặt đạt giá trị cao nhất vào tháng 5, trung bình 28oC - 29,8oC. Thấp nhất vào tháng 1, trung bình 22oC - 24,7oC. Với nhiệt độ nước như vậy cộng với nhiệt độ trung bình năm tại Quảng Nam là 25,4oC, ta thấy rằng nhiệt độ này thích hợp cho hoạt động vui chơi trên biển của con người quanh năm. Tuy nhiên mùa mưa tại Quảng Nam lại rơi vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, từ đó có thể kết luận rằng các bãi tắm ở Quảng Nam thích hợp để khai thác trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 8. - Các bãi biển, đảo đẹp có giá trị du lịch: + Bãi Bình Minh (huyện Thăng Bình). + Bãi Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ). + Bãi Rạng (huyện Núi Thành). + Bãi Hà My (huyện Điện Bàn). + Quần đảo Cù Lao Chàm và các bãi biển thuộc các hòn đảo nhỏ. + Bãi Cửa Đại (thành phố Hội An). 1.2 Khí hậu: Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, ít chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Mùa khô từ tháng II đến tháng VIII và là mùa thịnh hành của gió tây khô nóng.  Mùa mưa từ tháng IX đến tháng I năm sau và là mùa thịnh hành của mùa gió đông bắc mang theo mưa, lượng mưa khoảng 2000-2500 mm, chiếm 70-80% lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình năm 2000-2500mm. Nhiệt độ trung bình năm 25,4 oC (cao nhất 38 oC, thấp nhất 13 oC) Độ ẩm tuơng đối trung bình là 80-84%. Chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Từ tháng 5 đến tháng 9, gió Tây Nam Ðông Bắc (gió Nồm) mang hơi nước từ vịnh Thái Lan vào, nhưng bị dãy Trường Sơn ngăn lại, nên không mưa (chỉ mưa ở miền Nam, vùng Ðồng bằng sông Cửu Long) và ngược lại, mang hơi nóng của vùng núi Vôi Ðồng Chum của Lào qua, nên rất oi bức (Gió Lào). Từ tháng 10 đến tháng 3; gió Ðông Bắc Tây Nam (Gió Bấc) mang gió buốt từ phương Bắc, cộng thêm hơi nước biển Nam Hải xuống, bị dãy Trường Sơn ngăn lại, nên mưa nhiều, giá lạnh và lụt lội liên miên. Mưa đặc biệt lớn vào tháng 11, vùng cao lượng mưa trung bình là 4000mm. Tần suất lũ lụt, lũ quét 3 lần/ năm; các hiện tượng gió lốc 3-4 lần/ năm, mưa đá 1-2 lần/năm. Hàng năm có 4 tháng ở nhiệt độ trung bình, tháng lạnh nhất là tháng 12; Tần suất sương muối không xảy ra. Từ những căn cứ trên, ta nhận định được rằng ở Quảng Nam thời gian hợp lí nhât để khai thác du lịch là từ tháng 2 đến tháng 8 vì vào thời điểm này thời tiết tại Quang Nam ấm áp và khô ráo. Tuy vào tháng 7, nhiệt độ có đạt giá trị cao nhưng vì địa phương ở ven biển nên hơi nước từ biển thổi vào cũng làm nhiệt độ được giảm bớt, vẫn phù hợp cho việc tham quan du lịch của du khách. Ngoài ra những tháng này thuộc thời điểm sau mùa mưa nên các nguồn thủy văn của địa phương cũng sẽ dồi dào, làm cho nhiều cảnh quan thiên nhiên như suối, hồ thêm đẹp, hùng vĩ. 1.3Nguồn nước: Vì thuộc khu vực có lượng mưa tương đối lớn nên hệ thống sông hồ tại đây khá phong phú. Tạo điều kiện thuận lợi về cung cấp nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác cũng như dân sinh. Nguồn nước Phân tích 1. Sông - Hệ thống sông: Hệ thống sông ngòi nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam được phân bố đều ở các huyện, thị xã. Gồm hai hệ thống sông chính là Sông Thu Bồn và Sông Tam Kỳ. - Tổng chiều dài các sông khoảng 900 km. - Mật độ sông ngòi: 0,5-1,0km/km2 (lấy theo khu vực Bắc Trung Bộ) - Tính chất sông: Sông ngòi ở đây đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn có độ dốc lớn, mùa mưa thường gây lũ lụt, mùa khô thì hay bị cạn (không đáng kể). Các sông có lưu lượng dòng chảy lớn (do địa hình nghiêng và thấp dần từ Tây sang Đông), đầy nước quanh năm. Những sông này phân nhánh chảy ra nhiều phía tạo nên các cảnh quan đẹp như suối, thác, hồ phục vụ cho du lịch. - Một số sông, suối, thác có giá trị cho du lịch: + Thác Grăng (huyện Nam Giang). + Suối nước nóng ở Đắc Pring (huyện Nam Giang). + Sông Thu Bồn. + Thác Ba Tầng (huyện Nam Trà My). + Suối Mơ (huyện Đại Lộc). 2. Hồ - Mạng lưới hồ tại đây bao gồm 10 hồ nước lớn nhỏ khác nhau với 6000 ha mặt nước. Tất cả đều là hồ tự nhiên với cảnh quan thiên nhiên đẹp. - Một số hồ có giá trị về du lịch: + Hồ Phú Ninh (huyện Núi Thành). + Hồ Khe Tân (huyện Đại Lộc) + Hồ Giang Thơm (huyện Núi Thành). 3. Nước khoáng - Tại Quảng Nam hiện có 3 mỏ nước khoáng. Trong đó một mỏ được phục vụ cho công nghiệp là mỏ Phú Ninh. Hai mỏ phục vụ cho du lịch là Bàn Thạch và Kỳ Quế. - Thành phần của những mỏ nước khoáng này không được đề cập nên không thể nói chính xác được về công dụng của chúng. 1.4 Sinh vật: Do có địa hình theo cả ba dạng núi cao, trung và đồng bằng ven biển nên Quảng Nam có sự đa dạng về sinh học. Tình hình thổ nhưỡng tại địa phương gồm 9 loại đất khác nhau : cồn cát và đất cát ven biển, đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất thung lũng, đất bạc màu xói mòn trơ sỏi đá,... vì vậy nên ở đây trồng được nhiều loại cây khác nhau như lương thực, hoa màu, dược liệu, cây gỗ quý. Bên cạnh sự đa dạng của các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái biển của tỉnh cũng hết sức phong phú. Có thể chia tài nguyên sinh vật thành 2 nguồn: tài nguyên sinh vật rừng và tài nguyên sinh vật biển. Tài nguyên rừng: Hiện nay đất đai diện tích rừng tự nhiện tại tỉnh Quảng Nam còn khoảng 388,8 nghìn ha với trữ lượng gỗ khoảng 30 triệu m3. Về thực vât, ngoài gỗ khai thác còn có các loại lâm sản quí như trầm, quế, sâm, trẩu, song mây. Về động vật, tại đây cũng có nhiều loại thú sinh sống như voi, chim, hổ, bò rừng... không có loài đặc hữu tại khu vực này. Tài nguyên biển: Về thực vật, ở các vùng bãi triều có hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nguồn lợi động vật biển Quảng Nam phong phú với hai ngư trường chính là Núi Thành và Hội An. Hai ngư trường này có diện tích rộng 4vạn km2, trữ lượng hải sản gần 9 vạn tấn. Có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá chuồn, tôm hùm, bào ngư, vẹm xanh… Đặc biệt ở Cù Lao Chàm còn có ốc vú nàng, cua đá, yến sào là đặc sản. Ngoài ra còn có các rạn san hô đẹp ở đây. Nổi bật hơn cả ở Quảng Nam còn có Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Cù Lao Chàm là một xã đảo có tên hành chính là xã Tân Hiệp, cách thành phố Hội An 18 Km về phía biển Đông. Xã bao gồm 8 đảo với tổng diện tích là 15 km2, đảo lớn nhất là Hòn Lao. Năm 2006, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm chính thức được thành lập, đến năm 2009 chính thức được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái quan trọng như: rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển với nhiều giá trị nổi bật về đa dạng sinh học. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có diện tích 5.175 ha mặt nước, với khoảng 311 ha rạn san hô, 500 ha thảm cỏ biển với nhiều loài hải sản có giá trị. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học đã xác định được ở Cù Lao Chàm có khoảng 277 loài san hô tạo rạn thuộc 40 giống và 17 họ; 270 loài cá thuộc 105 giống, 40 họ; 5 loài tôm hùm; 97 loài nhuyễn thể và rất nhiều loài có giá trị về mặt sinh thái, giá trị kinh tế và cảnh quan (số liệu năm 2008). Ngoài ra Quảng Nam còn có nhiều điểm tham quan sinh vật như: + Khu bảo tồn thiên nhiên sông Gianh (huyện Nam Giang và Phước Sơn). + Các cánh rừng miền núi phía Tây Quảng Nam (huyện Tây Giang). + Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La (mới thành lập năm 2011). 2. Tài nguyên nhân văn: 1.1 Di tích văn hóa-lịch sử: Có thể nói, Quảng Nam thực sự là vùng văn hóa giàu bản sắc trong tổng thể các vùng văn hóa của Việt Nam. Do trải qua sự hình thành lâu đời và xảy ra nhiều biến động lịch sử nên Quảng Nam có nhiều di tích văn hóa lịch sử có sức hấp dẫn cao đối với du khách. Sau bao thăng trầm biến cố, Quảng Nam vẫn lưu giữ được những tài nguyên văn hóa vô cùng độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc của mình như: kinh đô cổ Trà Kiệu, các tháp chàm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương...ghi lại dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Nổi bật nhất là hai địa điểm cùng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Di sản Đặc điểm Đô thị cổ Hội An - Vị trí: thuộc thành phố Hội An nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Nam. - Đặc trưng: Đô thị cổ Hội An có hơn 1100 di tích, danh thắng được phân thành 11 loại hình gồm: nhà cổ, mộ cổ, miếu thờ, giếng nước… Nơi đây từng là thương cảng quốc tế trong thời gian từ thể kỉ 17 – 19 do ở vào vị trí trung tâm của Đông Dương thời bấy giờ nên có sự giao thoa văn hóa từ rất sớm với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản. Trải qua nhiều quá trình phát triển, đô thị có nhiều bản sắc văn hóa độc đáo, nơi đây vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng; một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình khác nhau và những con đường phố chạy hẹp ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Ngoài giá trị văn hóa vật thể đồ sộ to lớn, Hội An còn lưu giữ một di sản phi vật thể phong phú và cực kỳ đa dạng, biểu hiện qua các lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian cùng với các làng nghề truyền thống khác. - Một số điểm tham quan độc đáo trong khu phố cổ: + Chùa Cầu. + Các ngôi nhà cổ (Tấn Ký - 10 đường Nguyễn Thái Học, Quân Thắng- 77 đường Trần Phú, Phùng Hưng - số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai. + Chùa Ông (24 đường Trần Phú, Hội An). + Quan âm Phật tự Minh Hương (số 7 đường Nguyễn Huệ, Hội An). + Các hội quán của người Hoa (Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông…). + Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh (149 đường Trần Phú, Hội An). Khu đền tháp Mỹ Sơn - Vị trí: thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, nằm cách thành phố Hội An 45km về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 70km về phía Tây Nam. - Đặc trưng: đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, xây dựng liên tục trong suốt hơn 1000 năm. Được khởi công từ thế kỷ IV và kết thúc vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV. Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Đặc biệt, cho đến nay kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn. Do thiên tai, địch họa và sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, đến nay Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Ngoài ra, trong các cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, với địa hình núi cao phía Tây hiểm trở của mình, Quảng Nam trở thành nơi hoạt động bí mật thuận lợi cho các chiến sĩ. Vậy nên có thể coi đây là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng và là vùng chiến trường vô cùng ác liệt; được biết đến là địa phương đi đầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Những điểm tham quan như: địa đạo A Sò, khu di tích Nước Oa, Chợ Được, Chu Lai, căn cứ Hòn Tàu, địa đạo Kỳ Anh, đường mòn Hồ Chí Minh, rừng dừa Bảy Mẫu, tượng đài chiến thắng Cấm Dơi, cứ điểm NGOK-TA-VAK... đã đi vào lịch sử dân tộc, ngày nay trở thành điểm dừng chân của bao du khách. 1.2 Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học: Quảng Nam có địa hình núi cao, là nơi cư trú của khá nhiều tộc người như K’Tu, Xơ Ðăng, Mnông, Giẻ Triêng, Hoa… Chính họ cùng với những tập quán, nếp sinh hoạt và canh tác hàng ngày tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho tài nguyên du lịch nhân văn của Quảng Nam. Trải qua bao biến động của lịch sử, đồng bào các dân tộc vẫn bảo lưu nhiều tài sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu. Nổi trội nhất trong những di sản ấy là nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, âm nhạc, lễ hội, ẩm thực dân gian, trang phục truyền thống cũng như nhiều tri thức bản địa khác, góp phần làm giàu cho kho tàng di sản các tộc người đang sinh sống ở miền núi nơi đây. Những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc K’Tu, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng như kiến trúc nhà làng truyền thống (gươl, rông, ưng), điêu khắc gỗ, lễ hội dân gian, văn học dân gian, âm nhạc dân gian, luật tục... đã làm nên diện mạo độc đáo của văn hóa dân tộc và tiếp tục phát huy, phát triển với một sức sống mạnh mẽ trong  cộng đồng. Thời gian gần đây, bộ máy quản lý tỉnh Quảng Nam cũng đã rất quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn này của tỉnh. Thể hiện bằng những việc làm phát triển nhà làng truyền thống, thiết chế văn hóa làng bản. Ngoài ra còn tổ chức Lễ hội Văn hóa Thể thao - một lễ hội chung của cộng đồng các tộc người miền núi Quảng Nam đã được định hình và trở thành một trong những hoạt động trọng yếu nhằm bảo tồn, phát huy và phát triển vốn văn hóa, nghệ thuật cổ truyền của họ. 1.3 Làng nghề thủ công truyền thống: So với các tỉnh miền Trung, Quảng Nam là nơi tập trung khá nhiều làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm như nghề mộc, nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề dệt chiếu, nghề làm lồng đèn... Sản phẩm của các làng nghề đạt đến độ tinh xảo, điêu luyện; từ xưa không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà các thương nhân Trung Quốc, Nhật, Bồ Ðào Nha đặt mua rất nhiều. Các làng nghề này theo chân những người dân vùng Bắc Bộ mở đất về phương Nam từ những năm đầu của thế kỷ XV –XVI mà phát triển thăng trầm theo thời gian đến ngày hôm nay. Tại Quảng Nam hiện nay thống kê còn lại 20 làng nghề, rải rác ở nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh: làng đúc cồng chiêng Phước Kiều (huyện Điện Bàn), làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng (thành phố Hội An), làng chài Bãi Hương (Cù Lao Chàm), làng dệt Mã Châu, làng dệt chiếu cói Bàn Thạch (huyện Duy Xuyên)… bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm độc đáo của tộc người K’Tu cũng đang dần hình thành, phát triển như một làng nghề. Rất nhiều du khách cho rằng làng nghề truyền thống ở đây có sức hấp dẫn rất lớn, bởi mỗi làng nghề không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất hàng hóa mà còn là nơi ẩn chứa cả tính cách, tâm lý, nét văn hóa của người dân nơi đây. Hiện nay những làng nghề này ngoài việc sản xuất ra các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, một số nơi còn nghiên cứu chuyển sang làm sản phẩm quà lưu niệm bán cho khách du lịch. Đặc biệt trong dịp lễ hội Quảng Nam 2003 - Hành trình di sản, tỉnh Quảng Nam đã chính thức đưa 5 làng nghề truyền thống vào khai thác phục vụ du lịch, gồm làng mộc Kim Bồng, làng đúc Phước Kiều, làng dệt Mã Châu, làng rau Trà Quế và làng chài Bãi Hương. 1.4 Lễ hội: Tại những nơi có truyền thống sản xuất lao động lâu đời, lễ hội là một phần đời sống văn hóa tâm linh không thể thiếu và Quảng Nam cũng không nằm ngoài quy luât đó. Theo thống kê vào năm 2000, tỉnh Quảng Nam có gần 200 lễ hội lớn nhỏ, phần lớn là lễ hội truyền thống. Hầu như vùng nào cũng có lễ hội dân gian, từ miền núi, trung du đến đồng bằng, ven biển. Đó là lễ hội đâm trâu của các tộc người K’ Tu, Co, Xơ Đăng, Giẻ Triêng ở miền núi, đây là lễ thức nông nghiệp của cộng đồng cư dân canh tác nương rẫy thường gọi tên theo từng nghi lễ tín ngưỡng. Ở vùng trung du có nhiều lễ hội gắn với hoạt động sản xuất đặc thù khai thác lâm sản như Lễ hội khai sơn ở Quế Sơn, Lễ hội vây cọp ở Tiên Phước. Vùng đồng bằng là nơi tập trung rất nhiều lễ hội của cư dân nông nghiệp lúa nước như Lễ hội mục đồng ở Duy Xuyên và các lễ hội nghề nghiệp như Lễ hội tổ nghề đúc đồng Phước Kiều, Điện Bàn; tổ nghề mộc Kim Bồng, tổ nghề gốm Nam Diêu, Thanh Hà, tổ nghề yến Thanh Châu ở Hội An. Bên cạnh đó còn hằng trăm lễ hội của các đình làng, lễ hội tín ngưỡng thờ mẫu như Lễ hội Bà Chiêm Sơn, Lễ hội Bà Thu Bồn, Duy Xuyên; Lễ hội Bà Phường Chào, Đại Lộc; Lễ hội Rước cộ Bà Chợ Được, Thăng Bình… hay Lễ hội Cầu ngư, Nghinh Ông theo tục thờ cá Voi, cá Ông của cư dân miền biển, có sự lan tỏa nhất định trong khu vực và trở thành lễ hội quy mô lớn từng nổi tiếng hàng trăm năm trước. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thêm một số lễ hội để phục vụ cho ngành du lịch đang trên đà phát triển của mình như: Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình Di sản", được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, từ đó được tiếp nối định kỳ 2 năm một lần. Lễ hội đêm Rằm phố cổ Hội An, được tổ chức vào những đêm 14 Âm lịch hằng tháng trên khắp Hội An kể từ khi Quảng Nam được công nhận là di sản năm 1999. Carneval Hội An là lễ hội đường phố được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hội An vào Giao thừa năm 2009 (dương lịch). Lễ hội mô phỏng theo các lễ hội Carneval đường phố vốn rất nổi tiếng tại các nước Châu Âu và Mỹ Latinh. 1.5 Các tài nguyên du lịch nhân văn khác: Bên cạnh các tài nguyên du lịch nhân văn kể trên, Quảng Nam còn có nhiều tài nguyên khác có giá trị cho du lịch như các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, ẩm thực. Vì đây là vùng đất có sự giao lưu với nhiều luồng văn hóa khác nhau nên đã để lại những dấu ấn đậm nhạt khác nhau trên mọi mặt sinh hoạt xã hội, thể hiện trong các hình thái văn hóa dân gian. Các hoạt động văn nghệ dân gian ở Quảng Nam mang những sắc thái riêng, không quá sôi động rộn rạng như của miền Nam Bộ, cũng không quá trầm lắng nhẹ nhàng như của Huế. Văn nghệ của xứ Quảng trung hòa, thể hiện sự giao lưu giữa văn hóa Bắc và Nam, giữa văn hóa Việt Nam và Chămpa. Đặc biệt, nổi bât ở đây là hai loại hình diễn xướng bài chòi và hò khoan đối đáp. Bài chòi hay còn được biết đến với tên gọi Hội bài chòi; trước đây chỉ được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, nó hiếm hoi như vậy là vì mỗi lần tổ chức khá tốn kém, việc chuẩn bị dụng cụ cũng phải tỉ mẩn. Từ khi Đô thị cổ Hội An được chính thức công nhận là di sản, loại hình này được tổ chức thường xuyên ở các nhà sinh hoạt trong phố cổ để phục vụ cho khách du lịch. Còn Hội hò khoan thì khác, hò khoan là một loại hình dân ca sinh hoạt dân gian miền sông nước, là "lời ăn tiếng nói" của quần chúng lao động được trải nghiệm, thu nhận qua vốn sống hàng ngày mà biểu lộ ra, qua tài năng của các nghệ nhân được cải biến đi, nâng tầm lên thành vần điệu cho nghệ thuật hơn, làm phương tiện để trao đổi, bày tỏ, chuyển tải tâm tình giữa những cá thể, những tập thể với nhau trong cộng đồng. Ngoài hò khoan, Quảng Nam còn có các điệu hò đặc trưng khác như: hò đi cấy, hò xay lúa, hò tát nước, hò giã gạo, hò giã vôi, hò đạp xe nước, hò ba lý, hát bã trạo, hát nhân ngãi, vè Quảng với thổ ngữ và giọng Quảng chắc nịch, đậm đà. Về ẩm thực, ở Quảng Nam có sự đa dạng về các nguồn nguyên liệu (từ rừng, biển, đồng bằng) nên các món ăn ở đây thực sự phong phú và đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến những đặc sản bình dân như mì Quảng, cao lầu, cơm gà Hội An, bê thui Cầu Mống (huyện Điện Bàn), bánh bao – bánh vạc (hay còn có tên gọi bánh hoa hồng trắng do bánh nặn ra giống bông hồng bạch), bánh ít lá gai, bánh căn trứng cút, bánh su sê… Tiếp đó còn có các đặc sản quý từ thiên nhiên như yến sào Cù Lao Chàm, ốc vú nàng, cua đá, bào ngư (bào ngư Cù Lao Chàm là một loại ốc cực hiếm, được biết đến với nhiều tên gọi như ốc cửu không - do có 9 lỗ trống hay hải nhĩ - do có hình dạng giống cái tai. Để bắt được bào ngư, ngư dân có kinh nghiệm phải lặn sâu xuống biển và khó khăn lắm mới tách chúng ra khỏi những tảng đá vì chúng thường bám chặt vào đây). Ngoài ra phía tây Quảng Nam là vùng cư trú của các tộc người thiểu số nên còn có đặc sản của họ làm phong phú thêm cho nền ẩm thực của vùng như trái Loòng Boong (một loại dâu gia rừng) và  rượu Tavak của người K’ Tu (loại rượu được chế biến từ nước thân cây đoác mọc tự nhiên trong rừng có hình dáng giống cây dừa nhưng thân to hơn). Phần hai: Phân Tích Đánh Giá Về Du Lịch Quảng Nam I. Số liệu liên quan đến du lịch: 1. Nguồn khách đến Quảng Nam: (nguồn số liệu: www.quangnamtourism.com.vn/vn/thongke.asp) Biểu đồ trên cho thấy sự khác biệt giữa lượt khách Nội đia và Quốc tế đến tham quan và lưu trú tại Quảng Nam từ năm 2007 đến năm 2012. Với cái nhìn tổng quát, ở đa số các năm lượt khách Quốc tế cao hơn so với khách Nội địa. Về lượt khách Quốc tế: lượt khách đặc biệt tăng vọt ở năm 2008, như đã nói, thời gian này thế giới xảy ra khủng khoảng kinh tế nhưng sự kiện này chỉ ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực châu Mỹ. Trong khi đó nguồn khách đến Quảng Nam chủ yếu từ Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); khu vực Tây Âu (Pháp, Anh, Đức) và từ các châu lục khác như Mỹ, Úc. Do vậy nên lượt khách quốc tế đến Quảng Nam không những không bị giảm mà còn tăng nổi trội do năm này có sự gia tăng lớn của nguồn khách Hàn Quốc. Từ năm 2009 – 2011, suy thoái kinh tế ảnh hưởng trực tiếp vào các thị trường chính của Quảng Nam là châu Á và châu Âu nên lượt khách giảm đi rõ rệt và cũng không tăng mạnh được như năm 2008. Về lượt khách Nội địa: trong hai năm 2007 và 2008, thị trường Nội địa chưa chú ý đến Quảng Nam mà vẫn đang có nhu cầu về du lịch ngoài nước. Sang đến năm 2009, khủng hoảng kinh tế xảy ra ở châu Á, Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng nên thị trường du lịch nội địa bắt đầu quan tâm đến các điểm đến trong nước. Từ năm 2008 trở đi, tỉnh Quảng Nam cũng quan tâm, đầu tư quảng bá nhiều hơn cho du lịch nên thị trường nội đia bắt đầu quan tâm đến Quảng Nam từ đó. Khi đã được trải nghiệm điểm đến với khá nhiều tài nguyên này, du khách dần yêu thích và quay lại, hoặc giới thiệu cho bạn bè. Vây nên điểm đến có số lượt du khách Nội địa tăng dần, khoảng cách được rút ngắn so với khách Quốc tế. Thậm chí còn có năm vượt khách Quốc tế như năm 2012. 2. Doanh thu từ du lịch: (nguồn số liệu: www.quangnamtourism.com.vn/vn/thongke.asp) Biểu đồ trên thể hiện lượng doanh thu đạt được từ du lịch của tỉnh Quảng Nam giai đoạn từ năm 2007 đến 2012. Có thể thấy doanh thu hai năm 2007 và 2008 kém nhiều lần so với những năm sau đó. Lí do cho điều này như đã nói ở trên, kể từ năm 2008 Quảng Nam chú trọng đầu tư vào du lịch vậy nên lượt khách đến tăng cao kéo theo doanh thu cũng cao. Hơn nữa năm 2007 và 2008 khách du lịch chưa biết đến nhiều điểm đến tại Quảng Nam; với họ nhắc đến Quảng Nam chỉ có hai điểm tham quan chủ yếu là Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn vậy nên lượng du khách lưu trú lại tại đây chưa nhiều mà đối với ngành du lịch, nguồn thu từ dịch vụ bán phòng lưu trú chiếm phần lớn trong tổng doanh thu. Kể từ năm 2009, doanh thu có biến đổi bất ngờ, tăng 147% so với kết quả của năm trước. Thời điểm này một số điểm du lịch phía Tây và vùng biển của Quảng Nam đã được biết đến nhiều hơn và nổi bật với biển Cửa Đại, Cù Lao Chàm, Núi Thành. Sang đến năm 2012, kinh tế đã phục hồi trở lại cộng với đà phát triển của du lịch Quảng Nam nên doanh thu từ du lịch tại đây cũng tăng đáng kể với tỷ lệ tăng là 28%. Như vậy có thể thấy doanh thu từ du lịch của Quảng Nam có thể tăng cao thêm nữa trong những năm tiếp theo vì tại đây còn rất nhiều điểm đến, tài nguyên du lịch chưa được quan tâm khai thác. II. Các tuyến, điểm du lịch tại Quảng Nam: 1. Các tuyến, điểm du lịch cụ thể: Nhìn chung du lịch ở Quảng Nam chủ yếu mới chỉ khai thác vào khu vực đồng bằng ven biển và thường kết nối với thành phố Đà Nẵng đây là một sản phẩm mà chúng ta vẫn biết đến với tên gọi “Con đường di sản thế giới”. Tuyến du lịch chủ đề này có điểm xuất phát và kết thúc là Đà Nẵng, đi qua hai di sản ở Quảng Nam là Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (hai nơi này được gọi là điểm du lịch). Gần đây sản phẩm này đã mở rộng ra tham quan thêm các điểm như Cù Lao Chàm và hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh). Tuyến du lịch tận dụng khá tốt các điểm đến nổi bật của vùng nhưng tài nguyên tỉnh vẫn còn nhiều điểm đến khác cùng khu vực chưa được khai thác triệt để như: tháp Khương Mỹ, Núi Thành, bãi Rạng (huyện Núi Thành); các di tích lịch sử như địa đạo Kỳ Anh, bãi Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ)… Việc khai thác thường xuyên một số điểm du lịch trong tuyến như vậy sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực cho môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh điểm du lịch đó, với thuật ngữ du lịch chúng ta gọi đây là vượt quá sức chứa vật lí, sinh học, tâm lí và xã hội của điểm du lịch. Thực tế này đã xảy ra với biển Cửa Đại và phố cổ Hội An. Vì vậy nên rút ra rằng tỉnh Quảng Nam nếu muốn duy trì lượng khách đến với mình cần giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh bằng cách đa dạng hóa điểm đến trong tuyến du lịch để hạn chế việc quá tải về các khia cạnh của sức chứa như trên. Bên cạnh khu vực đồng bằng ven biển, khu vực miền núi phía Tây của tỉnh cũng đang được quan tâm khai thác trong vài năm trở lại đây. Việc khai thác khu vực phía Tây để phát triển du lịch nhằm tạo hình ảnh du lịch mới cho Quảng Nam, phân chia lại thu nhập đồng đều giữa các vùng với nhau và mục đích cuối cùng là để giảm bớt sức chứa cho những điểm du lịch đang bị quá tải. Sản phẩm du lịch theo khu vực này là tuyến du lịch khám phá tìm hiểu tự nhiên và lịch sử Cách Mạng. Có hai tuyến du lịch chủ yếu ở phía Tây, theo lộ trình: Đà Nẵng – Nam Giang – Tây Giang- Đông Giang – Đà Nẵng và Hội An – Nam Trà My – Phước Sơn – Nam Giang – Hội An. Hai tuyến này chỉ có hoạt động tham quan là chủ yếu nên thời gian lưu lại của du khách ở những điểm du lịch trên thường ngắn hoặc thậm chí không có. Do vậy doanh thu từ du lịch tại khu vực này thấp hơn nhiều so với phía Đông. Một số điểm du lịch thực sự có sức hút như thác Grăng (huyện Tây Giang), suối nước nóng ở Đắc Pring (huyện Nam Giang), thác Ba Tầng (huyện Nam Trà My), làng truyền thống K’Tu (Tây Giang)… nhưng chưa được tỉnh Quảng Nam đầu tư khai thác. Nếu biết tận dụng triệt để những điểm du lịch này, có lẽ doanh thu từ du lịch của khu vực phía Tây sẽ cao hơn nữa. 2. Cơ sở lưu trú phục vụ hoạt động du lịch tại các tuyến, điểm du lịch: Sẽ là thiếu sót nếu như không đề cập đến khả năng phục vụ, đáp ứng du khách như các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nguồn lao động trong ngành, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại khu vực trong đánh giá các tuyến, điểm kể trên. Tuy nhiên vì sự giới hạn của tài liệu tìm được nên tôi xin được đề cập đến nguồn cung về cơ sở lưu trú của tỉnh. Theo niên giám thống kê gần nhất của Cổng thông tin điện tử Quảng Nam về hoạt động thương mại du lịch, sơ bộ đến đầu năm 2008, toàn tỉnh có 201 cơ sở lưu trú trong đó có 93 khách sạn, 108 loại hình khác (nhà nghỉ, homestay,…) với tổng số 4086 phòng nghỉ. Số lượng phòng này tập trung chủ yếu ở vùng ven biển phía Đông như thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và nhiều nhất ở thành phố Hội An. Khu vực phía Tây chiếm số ít phòng nghỉ trong tổng số phòng của toàn tỉnh và chỉ tập trung phần lớn tại hai huyện là Nam Giang và Tây Giang; còn lại rải rác ở một số huyện khác. Thực tế này khiến cho khu vực phía Đông xảy ra tình trạng thừa nguồn cung dẫn đến cạnh tranh nhau trong khi ở khu vực phía Tây lại bị thiếu nguồn cung, chất lượng lại chưa được tốt vì loại hình lưu trú ở đây chủ yếu là nhà nghỉ. Đây cũng là một phần lí do khiến du lịch phía Tây chưa được phát triển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch trong phát triển du lịch như trên là do việc quy hoạch du lịch của tỉnh chưa toàn diện, mới chỉ tập trung vào các tài nguyên sẵn có của mình mà không chủ động khai thác thêm những điểm du lịch khác. Chính vì vậy nên việc đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ du khách chỉ được tập trung vào những khu vực được quy hoạch để phát triển du lịch kéo theo tình trạng thiếu nguồn cung cơ sở lưu trú tại những điểm du lịch tiềm năng. Phần ba: Xác Lập Mục Tiêu Quy Hoạch Du Lịch Cho Tỉnh Quảng Nam I. Mục tiêu chung: Từ nghiên cứu về các tài nguyên du lịch của tỉnh đã liệt kê trên và những gì mà du lịch Quảng Nam đã làm được, tôi xin đưa ra mục tiêu chung cho du lịch của tỉnh như sau: “Đến năm 2020 phát triển toàn diện các tài nguyên du lịch 7 huyện phía tây của tỉnh (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn) để đa dạng hóa hoạt động của du khách khi đến khu vực này. Nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch trong phát triển du lịch giữa khu vực phía Đông và phía Tây”. II. Mục tiêu cụ thể (sản phẩm du lịch trọng tâm): Sản phẩm trọng tâm Địa bàn phát triển Du lịch tham quan di tích lịch sử Cách Mạng. Huyện Đại Lộc: Ái Nghĩa, Thượng Đức. Huyện Phước Sơn: Ngok Ta Vak, Khâm Đức, Đồi E, đường mòn Hồ Chí Minh. Huyện Bắc Trà My: Nước Oa. Du lịch khám phá thiên nhiên, mạo hiểm. Huyên Nam Trà My: Núi Ngọc Linh, thác Ba Tầng. Huyện Nam Giang: thác Grăng Huyện Tây Giang: dãy Trường Sơn. Huyện Đông Giang: Núi Chúa – Bà Nà. Du lịch văn hóa cộng đồng tộc người miền núi. Huyện Tây Giang: làng B’le Huyện Đông Giang: làng B’hờ Hđăng Huyện Nam Giang: làng Rô, Đắc Ôoc, Vinh, Pà Xua. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Huyện Đại Lộc: Khe Lim, Suối Mơ, Khe tân. Huyện Phước Sơn: Nước Lang. _LỜI KẾT_ Từ những nghiên cứu về tài nguyên du lịch của Quảng Nam, có thể khẳng định rằng đây là một vùng đất có tiềm năng để phát triển rất lớn. Nhiều loại địa hình thuận lợi cho các hình thức du lịch khác nhau đều tập trung tại đây như núi cao, ven biển. Hơn thế nữa, tỉnh còn nằm ở vị trí trung tâm giao thương của thế giới vào thế kỷ XVI, XVII nên sự giao thoa văn hóa giữa nhiều nước đã diễn ra lâu đời, tỉnh còn trải qua quá trình hoạt động Cách mạng tạo thành nhiều những di sản văn hóa lịch sử - tài nguyên du lịch nhân văn đáng để gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên những tài nguyên đã nhắc đến trên mới chỉ được tận dụng một nửa ở khu vực phía Đông, còn phần tài nguyên phía Tây hầu như ít được khai thác hoặc khai thác chưa có quy hoạch cụ thể. Điều này dẫn đến việc đầu tư cho du lịch chưa được toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh. Bài nghiên cứu đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về tài nguyên và tình hình phát triển của du lịch tỉnh nhằm giúp đưa ra hướng quy hoạch đúng đắn cho Quảng Nam, không để tỉnh trạng lãng phí tài nguyên như vậy tiếp tục tồn tại. _TÀI LIỆU THAM KHẢO_ 1. Cổng thông tin điện tử Tam Kỳ - Tổng quan về tỉnh Quảng Nam : Website: www.tamky.gov.vn Link trực tiếp: 2. Trần Thục Hiền (12:06 14/06/2010)  – Bài giảng “Địa lý tỉnh Quảng Nam”: Website: www.tranthuchien.violet.vn Link trực tiếp: 3. Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi – Nghiên cứu tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Ngãi: Website: www.quangngai.gov.vn Link trực tiếp: 4. Trang điện tử Ủy ban dân tộc học (07/05/2009) – Tỉnh Quảng Nam: Website: www.cema.gov.vn Link trực tiếp: 5. Trần Thanh Việt – Quảng Nam - Đất nước và Con người, trích từ "Gia Phả tộc Trần phái 7 - Tam Kỳ, Quảng Nam": Website: www.erct.com Link trực tiếp: 6. Cổng thông tin điện tử du lịch Quảng Nam – Giới thiệu về Quảng Nam: Website: www.quangnamtourism.com.vn Link trực tiếp: 7. Cổng thông tin điện tử Chính phủ - Thông tin về tỉnh Quảng Nam: Website: www.chinhphu.vn Link trực tiếp: 8. Trần Văn Anh – Cần quy hoạch không gian du lịch biển Quảng Nam: Website: www.qh-hdqna.gov.vn Link trực tiếp: 9. Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông, Vũ Đình Hòa, Lê Mỹ Dung, Nguyễn Trọng Đức, Lê Văn Tin, Trần Ngọc Diệp (2010) – Chương 6: Vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Địa lý Du lịch Việt Nam,Tr 257. 10. Cổng thông tin điện tử Quảng Nam (17/01/2009) – Giới thiệu về du lịch Quảng Nam: Website: www.quangnam.gov.vn Link trực tiếp: 11. Cổng thông tin điện tử Quảng Nam (12/2008) – Niên giám thống kê 2008: Website: www.quangnam.gov.vn Link trực tiếp: 12. Tấn Vịnh – Văn hóa các dân tộc miền núi ở Quảng Nam: Website: www.dh-hdqna.gov.vn Link trực tiếp: 13. Ths. Đinh Hài (31/1/2012) - Lễ hội Quảng Nam - Từ truyền thống đến bảo tồn và phát triển: Website: www.dtdtqnam.gov.vn Link trực tiếp: 14. Khánh Khôi – Quảng Nam: Làng nghề truyền thống hấp dẫn khách du lịch: Website: www.sgtt.vn Link trực tiếp: 15. Cổng thông tin du lịch Quảng Nam - Ẩm thực Quảng Nam: Website: www.quangnamtourism.com.vn Link trực tiếp: 16. Cổng thông tin văn hóa dân tộc (14/5/2013) – Quảng Nam – Vùng đất văn hóa, vùng địa linh nhân kiệt: Website: www.vanhoadantoc.edu.vn Link trực tiếp: 17. Cổng thông tin điện tử Văn hóa Việt Nam – Tỉnh Quảng Nam: Website: www.vietnamculture.com.vn Link trực tiếp: 18. Cổng thông tin Du lịch Quảng Nam – Thánh đia Mỹ Sơn: Website: www.quangnamtourism.com.vn Link trực tiếp: 19. Cổng thông tin Du lịch Quảng Nam – Tiềm năng du lịch Cách Mạng: Website: www.quangnamtourism.com.vn Link trực tiếp: 20. Tô Thanh Loan, Đặng Thị Thu Thảo, Trần Đình Hưng, Đỗ Quang Minh, Trần Trà Mi, Mai Anh Tân, Trần Văn Thành – Nghiên cứu về Đô thị cổ Hội An (Môn học Tổng Quan Du lịch). Các tài liệu tham khảo đều được trích dẫn trong tháng 11/2013. _PHỤ LỤC_ (nguồn:http//www.quangnamtourism.com.vnvnquangnam.htm/) Một cửa hàng bán đèn lồng ở Hội An trong đêm Giờ Trái Đất 2009 (nguồn: Cù Lao Chàm trong xanh (nguồn: Sớm Hội An (nguồn: Cua đá Cù Lao Chàm

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docquy_hoach_du_lich_tinh_quang_nam_2537.doc
Luận văn liên quan