Nền kinh tế mà nước ta lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do đó, phát triển kinh tế nhiều thành phần là một trong những nội dung quan trọng nhất của đường lối đổi mới của Đảng. Vậy quan điểm của Đảng về vấn đề phát triển kinh tế nhiều thành phần như thế nào? Quan điểm đó đã tác động ra sao tới nền kinh tế nước ta? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin nghiên cứu về đề tài “Quan điểm của Đảng về kinh tế nhiều thành phần”.
7 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 10526 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan điểm của Đảng về kinh tế nhiều thành phần, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU
Nền kinh tế mà nước ta lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do đó, phát triển kinh tế nhiều thành phần là một trong những nội dung quan trọng nhất của đường lối đổi mới của Đảng. Vậy quan điểm của Đảng về vấn đề phát triển kinh tế nhiều thành phần như thế nào? Quan điểm đó đã tác động ra sao tới nền kinh tế nước ta? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin nghiên cứu về đề tài “Quan điểm của Đảng về kinh tế nhiều thành phần”.
NỘI DUNG
KHÁI NIỆM THÀNH PHẦN KINH TẾ, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VAI TRÒ CỦA NỀN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN
Khái niệm thành phần kinh tế
Thành phần kinh tế là một kiểu quan hệ kinh tế được hình thành trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Trên cơ sở các chế độ sở hữu, ở nước ta đã xuất hiện các thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế này đan xen, tác động lẫn nhau và đều chịu sự quản lí chặt chẽ của nhà nước.
Tính tất yếu khách quan của sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta
Trong thời kì quá độ lên CNXH, nước ta vẫn còn tồn tại một số thành phần kinh tế của xã hội trước, chưa thể cải biến ngay được; đồng thời, trong quá trình xây dựng quan hệ sản xuất mới lại xuất hiện một số thành phần kinh tế mới như kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể... Các thành phần kinh tế cũ và mới tồn tại khách quan và có quan hệ với nhau, tạo thành cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong thời kì quá độ.
Không chỉ vậy, nguyên nhân cơ bản là do quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quy định. Thời kì quá độ ở nước ta, do trình độ của lực lượng sản xuất còn rất thấp, tồn tại ở nhiều thang bậc khác nhau, lại phân bố không đều giữa các ngành, các vùng... nên tất yếu còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế.
Vai trò của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kì quá độ lên CNXH ở Việt Nam
Thứ nhất, sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế, tức là tồn tại nhiều hình thức tổ chức, phương thức quản lý phù hợp với trình độ khác nhau của lực lượng sản xuất. Vì vậy nó có tác dụng thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế trong các thành phần kinh tế và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Thứ hai, nền kinh tế nhiều thành phần làm phong phú và đa dạng các chủ thể kinh tế, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hoá, tạo tiền đề đẩy mạnh cạnh tranh, khắc phục tình trạng độc quyền. Điều đó góp phần vào việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân…
Thứ ba, nó tạo điều kiện thực hiện và mở rộng các hình thức kinh tế quá độ, trong đó có hình thức kinh tế tư bản nhà nước. Đó là cầu nối cần thiết để đưa nước ta từ sản xuất nhỏ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Thứ tư, sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế đáp ứng được nhiều lợi ích kinh tế của các giai cấp tầng lớp xã hội, có tác dụng khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các tiềm năng của đất nước như sức lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên, kinh nghiệm quản lý…, đồng thời cho phép khai thác kinh nghiệm tổ chức quản lý và khoa học, công nghệ mới trên thế giới.
NỘI DUNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN
Trước thời kì Đổi mới
Thời kì này, thành phần kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể (mà chủ yếu là kinh tế quốc doanh) đã trải rộng và bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, ngược lại, các thành phần kinh tế khác bị xem nhẹ và dần thu hẹp lại. Sự bình đẳng thật sự giữa các thành phần không có, sự cạnh tranh giữa các thành phần không được thừa nhận, giá cả bị chi phối bởi cơ chế 2 giá làm cho tính năng động của các chủ thể mất dần. Nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông rối loạn ách tắc. Thực tế đó là kết quả của sự vi phạm các quy luật kinh tế khách quan, các xu thế tất yếu cần tuân theo.
Sau thời kì Đổi mới
Từ Đại hội VI (1986), Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới kinh tế, phát triển các thành phần kinh tế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Sau nhiều kì Đại hội, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định nước ta có 5 thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Kinh tế Nhà nước
Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất. Kinh tế nhà nước bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ dự trữ quốc giam các quỹ bảo hiểm nhà nước và các tài sản thuộc sở hữu nhà nước có thể đưa vào sản xuất kinh doanh.
Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, thể hiện:
Các doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt ở những ngành, những lĩnh vực kinh tế và địa bàn quan trọng của đất nước, các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả kinh tế và chấp hành pháp luật.
Kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết, quản lý vĩ mô nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ và lôi cuốn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo định hướng XHCN.
Kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế bao gồm những cơ sở kinh tế do người lao động tự góp vốn, cùng kinh doanh tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng cùng có lợi. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, không giới hạn quy mô và địa bàn (trừ môt số lĩnh vực có quy định riêng); phân phối theo lao động, theo góp vốn và theo mức độ tham gia dịch vụ, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thành viên trong kinh tế tập thể có thể bao gồm cả thể nhân và pháp nhân.
Kinh tế tập thể có vai trò ngày càng quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước
“ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Thành phần kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân.
Kinh tế cá thể là hình thức kinh tế dựa trên tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất và khả năng lao động của bản thân người lao động và gia đình.
Kinh tế tiểu chủ là hình thức kinh tế dựa trên tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất nhưng có thuê mướn lao động, tuy nhiên thu nhập vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động và vốn của bản thân gia đình.
Trong chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Đại hội IX của Đảng, kinh tế cá thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng, lâu dài. Loại hình kinh tế này xuất hiện và phát huy tác dụng ở cả thành thị và nông thôn, cả trong nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Sự phát triển kinh tế cá thể, tiểu chủ trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa thị trường có vai trò quan trọng trước mắt cũng như lâu dài trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Kinh tế tư bản tư nhân là hình thức kinh tế mà sản xuất, kinh doanh dựa trên cơ sở chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và bóc lột sức lao động làm thuê.
Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế.
Kinh tế tư bản nhà nước
Kinh tế tư bản nhà nước là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu hỗn hợp về vốn giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư nhân trong nước hoặc tư bản nước ngoài, thông qua hình thức hợp tác như hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh...
Kinh tế tư bản nhà nước có những đóng góp không nhỏ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước; vì đây là thành phần kinh tế có tiềm năng to lớn về vốn, công nghệ, khả năng tổ chức quản lí... Hơn nữa, phát triển kinh tế tư bản nhà nước còn là giải phát để nâng cao sức cạnh tranh và kinh doanh có hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay.
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là thành phần kinh tế dựa trên hình thức sở hữu vốn của nước ngoài.
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế nước ta, vì đây là thành phần kinh tế có quy mô vốn lớn, có trình độ quản lí hiện đại và trình độ công nghệ cao, đa dạng về đối tác, cho phép thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta.
KẾT QUẢ CỦA VIỆC THỰC HIỆN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY. MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO NỀN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN MANG LẠI
Thành tựu
Phát triển kinh tế nhiều thành phần có tác động về nhiều mặt: giải phóng sức sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo ra cạnh tranh – động lực của tăng trưởng; thực hiện dân chủ hóa đời sống kinh tế, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế – xã hội; là con đường xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất cho phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất...
Thách thức – giải pháp
Các thành phần kinh tế mâu thuẫn với nhau vì mỗi thành phần kinh tế có một đặc điểm riêng về quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn đó làm cho cạnh tranh trở thành tất yếu. Do đó, nhà nước cần giải phóng tư tưởng cho các chủ thể thành phần kinh tế, tạo "sân chơi" bình đẳng, lành mạnh để các thành phần kinh tế phát huy hết sức mạnh của mình đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Việc phát triển kinh tế nhiều thành phần cùng với phát triển kinh tế thị trường, nếu không có định hướng, dễ làm cho nền kinh tế phát triển một cách tự do quá mức dẫn đến khủng hoảng về kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Do đó, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để định hướng, điều chỉnh, quản lý kinh tế vĩ mô đối với các thành phần kinh tế bằng pháp luật; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, thích hợp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bình đẳng, tự chủ, tự do phát triển lâu dài, đổi mới nội dung, phương thức quản lý sao cho hiệu quả...
Do kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể giữ vai trò quan trọng nhất nên dễ dàng xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong xã hội như đặc quyền đặc lợi, ban phát, chạy chọt, tham nhũng, hối lộ... Vì vậy, cần phải thực hiện công khai, công bằng, dân chủ trong chính sách đầu tư, quản lý, thuế, tài chính, xóa bỏ cơ chế "xin – cho"; ngăn chặn hữu hiệu xu hướng quay lại bao cấp trong một số ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Khắc phục mọi biểu hiện tiêu cực trong các khâu của quá trình vận hành nền kinh tế nhiều thành phần gắn với thị trường.
Nền kinh tế nước ta còn nghèo so với các nước trong khu vực, trình độ quản lý của các cán bộ còn non kém, trình độ khoa học kỹ thuật còn lạc hậu... Đảng và Nhà nước cần chăm lo đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cho các thành phần kinh tế; đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Mở rộng thông tin và tăng khả năng lãnh đạo của Đảng và định hướng của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế để bảo đảm sản xuất, kinh doanh đúng hướng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Trong quá trình thực hiện kinh tế thị trường và kinh tế nhiều thành phần, vấn đề môi trường dễ bị các thành phần kinh tế xem nhẹ để ưu tiên phát triển kinh tế. Nhà nước cần thực hiện các chính sách kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững. Kiên quyết ngăn chặn, xử phạt kịp thời những vi phạm làm ô nhiễm môi trường gây tổn thất cho sản xuất, kinh doanh và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
C. KẾT LUẬN
Tóm lại, các thành phần kinh tế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau là một tất yếu khách quan. Chúng góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và ngoài nước, tạo nhiều vốn, nhiều việc làm, thay đổi bộ mặt của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Do đó, cần phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu của từng thành phần kinh tế để phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
***
Giáo trình đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 11, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
TS Vũ Anh Tuấn, Kinh tế nhiều thành phần trong thời kì đổi mới ở nước ta.
Tạp chí Cộng sản số 70 – 2004.
Các trang web:
Bách khoa toàn thư mở:
Tạp chí Xây dựng Đảng:
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam:
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Quan điểm của Đảng về kinh tế nhiều thành phần.doc