Quan niệm về KTNN xuất hiện từ bao giờ? KTNN khác với kinh tế quốc doanh như thế nào? Qua sự kiện Vinashin, bạn có nhận xét gì về vai trò chủ đạo của KTNN và thực trạng kinh doanh ngoài ngành của c

Tập đoàn Kinh tế Vinashin (tên giao dịch tiếng Anh: Vinashin Business Group, viết tắt là VINASHIN) là một tập đoàn kinh doanh của Việt Nam chuyên về hoạt động đóng tàu do Nhà nước Việt Nam nắm quyền sở hữu chi phối. Ngày 15/5/2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 103/QĐ- TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, và quyết định 104 QĐ - TTg về việc thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với mục đích hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước là chi phối bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước

doc16 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2384 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan niệm về KTNN xuất hiện từ bao giờ? KTNN khác với kinh tế quốc doanh như thế nào? Qua sự kiện Vinashin, bạn có nhận xét gì về vai trò chủ đạo của KTNN và thực trạng kinh doanh ngoài ngành của c, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quan niệm về KTNN xuất hiện từ bao giờ? KTNN khác với kinh tế quốc doanh như thế nào? Qua sự kiện Vinashin, bạn có nhận xét gì về vai trò chủ đạo của KTNN và thực trạng kinh doanh ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế? Sự hình thành kinh tế nhà nước Ở Việt Nam, sự hình thành kinh tế quốc doanh được thực hiện bằng chính sách quốc hữu hóa các xí nghiệp tư bản tư nhân và xây dựng mới, trong đó xây dựng mới là chủ yếu. Đại Hội Đảng lần thứ III năm 1960 đã coi nhiệm vụ bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ trung tâm và cấp bách. Thực hiện đường lối đó, thời kỳ 1955 – 1975 mặc dù miền Bắc phải đáp ứng nhu cầu to lớn cho quốc phòng song vẫn cố gắng dành một phần đáng kể ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản mà chủ yếu là xây dựng kinh tế quốc doanh. Đến năm 1975 tài sản cố định của kinh tế quốc doanh ở miền Bắc đã gấp 5 lần so với năm 1960, một số khu công nghiệp lớn đã được hình thành. Tuy nhiên, trong một thời gian dài trước đổi mới ở Việt Nam, khi giải quyết vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, cách làm duy nhất và nhanh chóng nhất là xóa bỏ các thành phần kinh tế tư bản tư nhân, biến chúng thành quốc doanh và công tư hợp doanh, nhưng thực chất là quốc doanh, sớm đưa các thành phần tiểu sản xuất trong các ngành nghề vào các hợp tác xã để trong một thời gian ngắn làm cho quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa với hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể chiếm ưu thế tuyệt đối. Sau một thời gian, đến thời kỳ đổi mới, từ sau đại hôi Đảng lần thứ VI năm 1986, cách làm không phù hợp ấy đã được thay thế bằng cách làm khác, mô hình khác, mô hình phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Đại hội Đảng lần thứ VI đánh dấu bước ngoặt mới trong đổi mới tư duy lý luận. Đại hội khẳng định đặc điểm của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là nền kinh tế với cơ cấu nhiều thành phần, bao gồm: kinh tế quốc doanh; kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức; kinh tế sản xuất nhỏ của nông dân, thợ thủ công , người buôn bán nhỏ và kinh tế tự cấp, tự túc của một bộ phận nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. Mặc dù đến Đại hội Đảng lần thứ VI, khi đưa ra chính sách kinh tế nhiều thành phần vẫn chưa có khái niệm "kinh tế nhà nước", song chủ trương của Đảng vẫn là "đi đôi với phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích luỹ tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn ngoài nước, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác"(1). Đến Đại hội Đảng lần thứ VII, đồng thời với nhận thức về chế độ đa dạng hóa các loại hình sở hữu đã rõ nét hơn, Đảng đã chuyển sang quan điểm công hữu giữ vai trò chủ đạo, nhưng chưa phân biệt rõ doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước, nên còn gọi chung sở hữu nhà nước dưới thuật ngữ “kinh tế quốc doanh”. Văn kiện đại hội VII của Đảng cũng một lần nữa khẳng định: “Khu vực kinh tế quốc doanh phải được sắp xếp lại, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý, kinh doanh có hiệu quả, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác, thực hiện vai trò chủ đạo và chức năng của một công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước”. Cùng với đổi mới quan điểm về chế độ sở hữu, Đại hội Đảng lần thứ VII cũng đưa ra quan điểm rõ ràng hơn về KTTT: "Đổi mới về kinh tế, chuyển nền kinh tế mang nặng tính tự cấp, tự túc với cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”; “Cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”(2); và phân định rõ phạm vi quản lý của Nhà nước và phạm vi tác động của cơ chế thị trường. Đến đại hội VIII tiếp tục khẳng định nền kinh tế quá độ ở nước ta có 5 thành phần kinh tế, nhưng cách xác định thành phần và tên gọi khác với đại hội VII: kinh tế nhà nước thay cho kinh tế quốc doanh; kinh tế hợp tác thay cho kinh tế tập thể; kinh tế tư bản nhà nước thay cho; kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Tới Đại hội Đảng lần thứ VIII, ngoài sự khẳng định rõ ràng mục tiêu vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN do Đại hội VII nêu ra, lần đầu tiên Đảng đưa ra khái niệm kinh tế nhà nước và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước: "Kinh tế nhà nước thực hiện tốt vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế hợp tác xã trở thành nền tảng trong nền kinh tế. Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân chiếm tỷ trọng đáng kể. Kinh tế nhà nước dưới các hình thức khác nhau tồn tại phổ biến”. Nền kinh tế cơ cấu nhiều thành phần là đặc trưng phổ biến của mọi nền kinh tế thị trường. Khác nhau là ở chỗ trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, kinh tế tư nhân nói đúng hơn là kinh tế tư bản tư nhân giữ vai trò thống trị; còn trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như ở nước ta, thì kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể được xây dựng và phát triển để ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Do có sự nhầm lẫn giữa Nhà nước và kinh tế Nhà nước nên có ý kiến cho rằng chỉ có Nhà nước mới làm chức năng chủ đạo, chứ kinh tế Nhà nước thì không thể giữ vai trò chủ đạo được. Cũng do có sự đồng nhất giữa doanh nghiệp Nhà nước và kinh tế Nhà nước nói chung, nên ý kiến khác cho rằng doanh nghiệp Nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo được bởi nó có hàng loạt những khuyết điểm và nhược điểm trong hoạt động. Thật ra, doanh nghiệp Nhà nước là bộ phận trụ cột nhất của kinh tế Nhà nước chứ không phải là toàn bộ kinh tế Nhà nước. Nói đến kinh tế Nhà nước thì phải nói đến tất cả các sở hữu trong tay Nhà nước, kể cả tài nguyên, đất đai, ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia... Kinh tế Nhà nước không làm chức năng quản lý của Nhà nước nhưng chính nó là công cụ quan trọng, là sức mạnh kinh tế mà Nhà nước nắm lấy và đưa vào để làm chức năng quản lý của mình. Theo báo cáo Chính trị viết: "Kinh tế Nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật. Nói tóm lại, kinh tế nhà nước là công cụ quan trọng mà nhà nước sử dụng để định hướng nền kinh tế lên chủ nghĩa xã hội. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, kinh tế nhà nước cũng không thể thiếu được như trong việc cung ứng hàng hóa công cộng mà thành phần kinh tế tư nhân không muốn làm hoặc không có khả năng thực hiện, các lĩnh vực kinh tế kém hiệu quả nhưng cần thiết cho nền kinh tế. 2. Sự khác nhau giữa kinh tế nhà nước và kinh tế quốc doanh. Trước đây, khái niệm thường dùng là kinh tế quốc doanh để chỉ bộ phận kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, do nhà nước trực tiếp quản lý và kinh doanh. Báo cáo chính trị tại Đại hội VII (1991) nêu rõ: “Khẩn trương sắp xếp lại và đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh, bảo đảm kinh tế quốc doanh phát triển có hiệu quả, nắm vững những lĩnh vực và ngành then chốt để phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994), khái niệm kinh tế quốc doanh không được sử dụng nữa mà thay vào đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Lý do: trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nhà nước chỉ nắm giữ quyền chủ sở hữu chứ không trực tiếp nắm quyền kinh doanh và quyền này là thuộc doanh nghiệp. Văn kiện Hội nghị Đại biểu toàn quốc chủ trương phân biệt sở hữu nhà nước với hình thức doanh nghiệp nhà nước như sau: tài sản và vốn thuộc sở hữu nhà nước được sử dụng dưới nhiều hình thức, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội cao, vừa tăng cường khả năng thúc đẩy và kiểm soát trực tiếp của nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, như đầu tư vào khu vực doanh nghiệp nhà nước (gồm những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hay nhà nước nắm một tỷ lệ cổ phần đủ sức khống chế); cho thuê, tô nhượng (hầm mỏ), liên doanh, góp cổ phần, mua cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc những thành phần khác. Từ Đại hội VIII (1996) trở đi, khái niệm kinh tế nhà nước đã được sử dụng phổ biến và hoàn toàn thay thế cho khái niệm kinh tế quốc doanh. Kinh tế nhà nước bao gồm không chỉ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước mà còn có cả một số lĩnh vực khác như tài nguyên quốc doanh (do doanh nghiệp nhà nước sử dụng) ngân sách nhà nước và dự trữ quốc gia… Thực chất ngay trong Đại Hội Đảng lần thứ VI thì khái niệm kinh tế nhà nước vẫn chưa có mà chỉ dựa trên chủ trương của Đảng là “đi đôi với phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tăng cường nguồn tích luỹ tập trung của Nhà nước và tranh thủ vốn ngoài nước, cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác” đến Đại Hội Đảng lần thứ VII quan điểm về KTTT được Đảng xác định rõ ràng hơn. Chính vì thế mà khái niệm KTNN được hình thành và sự dụng rộng rãi. Từ đó cho thấy chắc chắn giữa hai khái niệm này có những sự khác biệt thì mới dẫn đến quá trình hoàn thiện cho phù hợp với tiến trình phát triển. Sau đây là một số sự khác biệt giữa KTNN và KTQD. Kinh tế nhà nước Kinh tế quốc doanh - Tách biệt được chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh: Nhà nước có vai trò đại diện chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng không trực tiếp kinh doanh. - Đồng nhất giữa chức năng quản lý và sản xuất kinh doanh. - Bao gồm không chỉ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước mà còn có cả một số lĩnh vực khác như tài nguyên quốc doanh (do doanh nghiệp nhà nước sử dụng), ngân sách nhà nước và dự trữ quốc gia… - Chỉ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước. - Đã tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý sản xuất – kinh doanh của các đơn vị kinh tế, trên cơ sở có sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu và quyền quản lý kinh doanh (quyền sử dụng). Nhờ đó, đã mở đường cho cải cách cơ chế quản lý các doanh nghiệp nhà nước và cơ chế đảm bảo thực hiện lợi ích của chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước là Nhà nước. Xoá bao cấp, thực hiện chế độ công ty, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp. - Nhà nước đã dần dần thực hiện quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật trên cơ sở đã xây dựng và từng bước hoàn chỉnh hệ thống luật. Nhờ đó, đã từng bước hình thành được môi trường pháp lý tương đối ổn định, tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau vừa hợp tác, vừa cạnh tranh để cùng phát triển, góp phần tích cực phát triển KTTT. - Bằng các cơ chế, chính sách kinh tế, Nhà nước đã thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, giải phóng lực lượng sản xuất. Nhà nước điều tiết nền KTTT thông qua pháp luật, kế hoạch, chính sách, các công cụ kinh tế và lực lượng vật chất mà Nhà nước nắm, kết hợp kế hoạch với thị trường; có sự phân cấp nhiều hơn để phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương; thực hiện tương đối tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý nền kinh tế quốc dân. 3. Vai trò chủ đạo của KTNN và thực trạng kinh doanh ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế qua sự kiện Vinashin. 3.1. Tập đoàn kinh tế Vinashin. 3.1.1. Sơ lược về sự hình thành tập đoàn Vinashin Tập đoàn Kinh tế Vinashin (tên giao dịch tiếng Anh: Vinashin Business Group, viết tắt là VINASHIN) là một tập đoàn kinh doanh của Việt Nam chuyên về hoạt động đóng tàu do Nhà nước Việt Nam nắm quyền sở hữu chi phối. Ngày 15/5/2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 103/QĐ- TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, và quyết định 104 QĐ - TTg về việc thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với mục đích hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin đa sở hữu trong đó có sở hữu Nhà nước là chi phối bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam là một tổng công ty 91 được thành lập từ năm 1996. Khi thực hiện xong Quyết định 104/TTg của Thủ tướng Chính phủ Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam sẽ có 15 Tổng công ty là công ty con thuộc Tập đoàn. Ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề kinh doanh có liên quan của tập đoàn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: - Kinh doanh tổng thầu đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ, thiết bị và phương tiện nổi; Chế tạo kết cấu dàn khoan; Thiết kế thi công công trình thuỷ, nhà máy đóng tàu, phá dỡ tàu cũ; - Sản xuất các loại vật liệu, thiết bị cơ khí, điện, điện lạnh, điện tử phục vụ công nghiệp tàu thuỷ; Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị cơ khí, phụ tùng, phụ kiện tàu thuỷ và các loại hàng hoá liên quan đến ngành công nghiệp tàu thuỷ; - Lập dự án, chế thử, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Công nghiệp Tàu thuỷ; Tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ; Đào tạo, cung ứng xuất khẩu lao động trong ngành công nghiệp tàu thuỷ; - Dịch vụ, khách sạn, cung ứng hàng hải; Dịch vụ Logistic, tàu mẫu, quảng cáo; Tổ chức, khai thác thực nghiệm năng lực các phương tiện vận tải thuỷ mới sản xuất; Vận tải biển; - Sản xuất, mua bán thép đóng tàu, thép cường độ cao; Sản xuất, lắp ráp động cơ Diezel, động cơ lắp đặt cho tàu thuỷ; Sản xuất, lắp ráp trang thiết bị nội thất tàu thuỷ; Mua, bán, vận tải dầu thô, sản phẩm dầu khí; - Lắp ráp, phục hồi, sửa chữa, xuất nhập khẩu và mua bán vật tư, thiết bị giao thông vận tải (trừ vật tư thiết bị, phương tiện giao thông vận tải cấm xuất nhập khẩu do pháp luật quy định); - Khảo sát, thiết kế, cung cấp lắp đặt các hệ thống tự động, phòng cháy, chữa cháy; - Dịch vụ hoa tiêu hàng hải; Dịch vụ hàng hải: Đại lý cung ứng, lai dắt, sửa chữa, vệ sinh tàu biển, môi giới hàng hải, bốc dỡ hàng hoá; Đại lý hàng hoá và môi giới mua bán tàu biển, đại lý vận tải; Dịch vụ cảng, bến cảng, bốc xếp hàng hoá, hoạt động kho bãi và các hoạt động khác hỗ trợ vận tải; - Kinh doanh nạo vét luồng lạch và san lấp, tạo bãi, mặt bằng xây dựng; Kinh doanh vật liệu xây dựng; Kinh doanh hạ tầng cơ sở khu công nghiệp. 3.1.2. Sự kiện Vinashin Từ cuối năm 2003, Vinashin tiến hành đàm phán với đại diện của Công ty đầu tư Graig Investment LTD, Anh Quốc để nhận đóng mới 15 tàu loại Diamont 53 - trọng tải 53.000 DWT trong tổng số 27 tàu mà hãng này đang đặt mua tại Trung Quốc và Việt Nam. Vinashin (VNS) đã có quyết định táo bạo hơn khi ký vào bản hợp đồng đóng tàu với Hãng Graig vào tháng 4.2004. Theo công bố của Vinashin vào năm 2005, mỗi con tàu 53.000DWT có giá 26,5 triệu USD và lợi nhuận thu được khoảng 0,33 triệu USD từ mỗi sản phẩm (khoảng 1,2% doanh thu). Thế nhưng, ngay lúc ký kết xong nhiều nhà kinh tế hàng hải đã hết sức ngỡ ngàng vì Vinashin đã nhận đóng mới với giá quá thấp so với thị trường thế giới lúc đó khoảng 32,6 triệu USD một chiếc. Điều đó có nghĩa là Vinashin “tự nguyện” mất 6,1 triệu USD mỗi con tàu. Nhân với 15 con tàu, Vinashin đã “đánh rơi” 90 triệu USD. Hãng đặt mua tàu với giá hời nhưng lại rất an tâm khi có tới 3 ngân hàng lớn của Việt Nam đứng ra bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Vinashin đóng tàu là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Ngoại thương còn Quỹ hỗ trợ phát triển (DAF) cho Vinashin vay 1.200 tỷ đồng. Sau khi có bản hợp đồng này, Vinashin tiến hành dự thảo lại Chiến lược phát triển ngành đóng tàu và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án điều chỉnh giai đoạn 2005-2010, định hướng đến năm 2015” theo quyết định 1106TTg ngày 18.10.2005. Bản đề án điều chỉnh đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm mau chóng đưa Việt Nam thành quốc gia đóng tàu mạnh trong khu vực và trên thế giới, nội địa hóa sản phẩm tới 60% và có khả năng đóng mới tàu chở hàng 80.000DWT, tàu chở container đến 3.000 TEU, đóng tàu chở dầu 300.000 DWT, sửa chữa tàu 400.000 DWT… Cuối cùng, đề án khẳng định quyết tâm sẽ đạt tổng sản lượng đóng mới vào năm 2010 là 3 triệu T/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD và đến năm 2015 đạt 5 triệu T/năm (chiếm xấp xỉ 10% thị phần đóng tàu thế giới). Nhằm đạt các chỉ tiêu “vĩ cuồng” nêu trên, Vinashin cần vốn đầu tư 3 tỷ USD cho 5 năm (2005-2010). So với dự tính ban đầu cho giai đoạn 2001-2010 là 450 triệu USD, thì nó gấp … 7 lần để gấp gáp thực hiện hàng loạt dự án mới. Sau khi được Thủ Tướng phê duyệt đề án thì lần đầu tiên phương án phát hành trái phiếu Chính Phủ ra thị trường tài chính quốc tế nhận được sự “đồng thuận” cao từ Chính phủ tới Bộ Tài chính và bên thụ hưởng là Vinashin. Thông qua các nhà môi giới tại thị trường chứng khoán Singapore ngày 3.11.2005, Chính phủ quyết định phát hành 750 triệu USD trái phiếu với lãi suất 7,125%/năm. Trước đó, theo Quyết định 914 ngày 1.9.2005, Chính phủ cho Vinashin vay lại số tiền này. Theo thời giá năm 2005, 750 triệu USD tương đương 12.085 tỷ đồng VN nhưng sau khi thanh toán phí phát hành trái phiếu, Vinasin thực nhận có 731,45 triệu USD. Khoản vay này phải trả nợ gốc một lần vào ngày 15.1.2016 và mỗi năm phải trả 51,56 triệu USD tiền lãi chia làm hai lần trong năm (ngày 15.1 và 15.7) thông qua tài khoản của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN. Chính vì vậy, Vinasihn đã phân bổ nguồn vốn trên vào 180 dự án thuộc giai đoạn 2006 – 2010 với tỷ lệ 50% để nâng cấp, mở rộng đầu tư xây dựng mới các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu, 30% đầu tư vào các dự án nhằm nội địa hóa các sản phẩm tàu thủy, sản xuất thép tấm, sản xuất động cơ, sản xuất container… và 20% còn lại dành để phát triển đội tàu nhằm mục đích thu lợi nhuận nhanh. Với số tiền này Vinashin đã tạo được sự tin tưởng của các vị lãnh đạo với hy vọng rằng VNS sẽ sự dụng số tiền này hợp lý để đưa Việt Nam thành cường quốc đóng tàu thứ 5 trên thế giới trong vài năm nữa. Với Khu công nghiệp An Hồng (Hải Phòng) sản xuất các loại động cơ, nồi hơi tàu thủy, trang trí nội thất; Khu công nghiệp Lai Vu – Hải Dương sản xuất container và hy vọng sau một năm sẽ có loại container mang nhãn “Made in Việt Nam” ra lò; Khu công nghiệp Cái Lân thì triển  khai dự án cán nóng thép tấm 500.000T/năm và năm sau sẽ không còn phải nhập thép đóng tàu nữa; Còn Khu công nghiệp Dung Quất sẽ có Nhà máy đóng loại tàu 100.000-150.000 DWT rồi nâng lên thành 300.000 DWT, tiến tới sản xuất các giàn khoan dầu khí … Giữa năm 2006, một thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà với ước tính tổng mức đầu tư 15 tỷ USD được các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu tham gia góp vốn, bao gồm Tập đoàn công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Đầu tư và phát triển Hạ Long, và Vinashin – một thành phần quan trọng nhất làm “hạt nhân” của siêu dự án này. Sau khi nghe báo cáo, tại Thông báo số 1872TB-VPCP ngày 11.8.2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về mặt chủ trương và nguyên tắc cho phép tiến hành nghiên cứu dự án Kinh tế – công nghiệp tổng hợp, hình thành một tổ hợp các nhà máy công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị dựa vào trung tâm là cảng biển. “Siêu dự án” này có phạm vi quy hoạch (trong ý tưởng) chiếm tới 16.000 ha trong phần đất của hai thị trấn, 9 xã thuộc hai huyện Hải Hà và Đầm Hà tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 160 km, cách thành phố Móng Cái 30 km. Dựa vào đảo Hòn Miễu và cửa Đại có độ sâu 20-22m, người ta sẽ xây hệ thống cảng biển rộng 1.000 ha với cảng container đủ sức đón tàu chở 14.500 TEU (super post panamax), xây cảng tổng hợp, cảng dầu đón tàu tới 200.000 DWT, ngoài ra còn có các cảng bốc xếp than, cảng đón tàu du lịch… trong khu vực này, một loạt các nhà máy hoá chất, nhà máy đóng tàu loại 150.000-320.000 DWT, xây nhà máy lọc dầu công suất 10 triệu T/năm, xây nhà máy sản xuất thép 6 triệu T/năm và xây một nhà máy nhiệt điện công suất 1.000 MW. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp, thương mại, đô thị có diện tích 1.400 ha sẽ có các nhà máy sản xuất ô tô, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, công nghiệp điện tử, chế biến thủy, hải sản… tất nhiên, một chuỗi đô thị hiện đại, du lịch sinh thái biển sẽ mọc lên trên một diện tích 10.000 ha, dư chỗ sống và sinh hoạt cho 300.000 cư dân tương lai. Do gần Trung Quốc nên Khu kinh tế Hải Hà sẽ trở thành một đặc khu kinh tế đủ sức phục vụ cả các tỉnh phía Nam Trung Quốc với 400 triệu dân, mở thông cánh cửa nối giữa các quốc gia Asean và “đại lục” láng giềng. Hơn nửa năm sau, vào ngày 23.1.2008, Thủ tướng ký Văn bản số 141 TTg-CN lại đồng ý chủ trương đầu tư KCN-cảng biển Hải Hà trên diện tích 5.000 ha (riêng KCN chiếm 3.900 ha) và chính thức được bổ sung vào “Danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Đây gần như một quyết định làm cơ sở cho tỉnh Quảng Ninh và các bên liên quan tiến hành các công việc cần thiết chuẩn bị khởi động dự án, tạo điều kiện pháp lý cho Vinashin chủ động thành lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà do ông Tô Nghiêm – Tổng giám đốc Công ty CNTT một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (sau đây viết tắt là Cty CNTT Cái Lân) kiêm Tổng giám đốc công ty này. Theo đề nghị của VNS, ngày 12.2.2007, UBND tỉnh phê duyệt mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng sân bãi phục vụ lễ động thổ, khởi công đồng thời ra Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 12.2.2007 “thu hồi và cho Công ty CNTT Cái Lân thuê 3 ha để xây dựng mặt bằng sân bãi phục vụ lễ động thổ dự án Tổ hợp công nghiệp-dịch vụ-cảng biển huyện Hải Hà”. UBND tỉnh mới chỉ có quyết định cho VNS thuê 3 ha hay là 30.000m2 (ba chục ngàn mét vuông). Quyết định này ảnh hưởng đến 44 hộ dân và 2 doanh nghiệp đang hoạt động tại núi võ và núi Lò Chum, việc đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra suốt năm 2007 và sang đầu năm 2008 mới xong, tuy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do VNS và Công ty CNTT Cái Lân chậm chạp thanh toán nhưng nhân dân địa phương vẫn vui vẻ khắc phục khi nghĩ đến một tương lai rực rỡ do VNS sẽ đem lại cho quê hương họ. Ngày 8.3.2007, Ông Phạm Thanh Bình – với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã ký quyết định cho phép Công ty CNTT Cái Lân làm chủ đầu tư và được quyền lập dự án đầu tư: “San lấp giai đoạn 1 Khu kinh tế Hải Hà và làm đường công vụ khởi công Nhà máy đóng tàu Hải Hà” với quy mô san lấp Khu công nghiệp liên hiệp giai đoạn 1 trên diện tích 2.064 ha, dự kiến tổng mức đầu tư 945 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án từ tháng 2 đến tháng 7.2007. Quyết định này thực tế là chỉ cho Công ty CNTT Cái Lân lập dự án đầu tư và theo trình tự, báo cáo đầu tư lập xong phải gửi về Tập đoàn CNTT VNS xin phê duyệt rồi mới triển khai xây dựng. Thế nhưng, ông Tổng giám đốc Tô Nghiêm hiểu theo cách khác. Đây là quyết định cho ông bắt đầu triển khai san lấp mặt bằng trên một diện tích “cực lớn” của vùng biển thuộc huyện Hải Hà rộng tới 2.064 ha. Ngay sau đó chủ tịch Phạm Thanh Bình và ông Tô Nghiêm thực hiện việc thu hồi đất cho dự án xây dựng khu công nghiệp và không thèm để ý tới ông chủ đất Quảng Ninh. Tiếp đến, ông Tô Nghiêm muốn ăn hết mọi lợi nhuận từ trên xuống dưới nên đứng ra thành lập Công ty cổ phần khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long mà ông sẽ giữ chân “Chủ tịch Hội đồng quản trị” bởi ông đại diện cho Công ty CNTT Cái Lân góp vốn (trên giấy tờ) 43,5 tỷ đồng (chiếm 51%). Các thành viên sáng lập khác như Công ty TNHH Thanh Hương góp 15 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hoàng Long góp 15 tỷ, và ba cá nhân khác góp hơn 10 tỷ đồng. Ngày 12.4.2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty cổng phần khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long. Tới ngày 7.5.2007, ông Tổng giám đốc Tô Nghiêm ký Quyết định số 155/CTCL-QĐ-KHĐT “giao nhiệm vụ thực hiện san lấp mặt bằng Khu kinh tế Hải Hà… cho Công ty cổng phần khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long” mà ông là Chủ tịch HĐQT. Ngay sau khi có quyết định giao việc, có hợp đồng kinh tế, nhà thầu chính tìm ngay được 9 nhà thầu phụ bao gồm Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hạ Long, Công ty cổng phần thương mại Phúc Sơn, Công ty TNHH Hà Long, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Mỹ Quyên, Công ty cổ phần Đại Thắng, Công ty TNHH Đức Trọng, Công ty TNHH Đồng Tâm và Công ty TNHH Quảng Phú. Các nhà thầu được giao nhiệm vụ san lấp mặt bằng từ ngày 16.10.2007 đến 16.6.2008 (8 tháng) phải hoàn thành một khối lượng rất lớn nên họ đã tập trung công sức, tiền của, khẩn trương huy động đến công trường gần 500 tàu hút, ca nô, tàu kéo, xà lan, ô tô vận tải và xấp xỉ 3.000 công nhân chia ca kíp lao động suốt ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ. Cuối tháng 1 năm 2008 các nhà thầu nhận được lệnh của ông Tô Nghiêm “tạm dừng thi công”, công nhân, doanh nghiệp ngỡ ngàng, bất ngờ vì các doanh nghiệp đã bỏ vốn liếng, vay mượn ngân hàng, huy động tiền của gia đình, bạn bè… gấp gáp đầu tư, mua sắm hàng chục tỷ đồng thiết bị chưa kịp khấu hao đã phải nằm phơi sương gió. Những doanh nghiệp này lại lo lắng hơn khi chủ đầu tư chưa thanh toán số tiền 190 tỷ đồng trong khi đã đến hẹn. Từ đó đã xuất hiện những điểm đáng ngờ vực, thêm nữa lúc đang thi công thì các vị lãnh đạo VNS và Công ty CNTT Cái Lân lên xuống công trường liên tục, khen lấy khen để. Còn bây giờ, khi các doanh nghiệp gọi điện thoại, gửi công văn đòi tiền… Sau đó ông Tô Nghiêm mới thanh toán cho nhà thầu chính và 9 nhà thầu phụ khoảng 36%, còn nợ 124 tỷ đồng hẹn lần, hẹn lữa “sẽ thanh toán khi có số tiền 1.000 tỷ đồng VNS cấp cho dự án từ nguồn vốn vay nước ngoài 600 triệu USD”.Tuy nhiên, nhà thầu chờ dài cổ chẳng thấy ông Tô Nghiêm có động thái nào khác. Các doanh nghiệp đành cậy nhờ đến Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giúp đỡ nhưng không có kết quả gì mặc dù các cơ quan trên đã cố gắng tiếp cận VNS bằng nhiều cách. Ngày 8.6.2009, lãnh đạo 10 doanh nghiệp và đại diện gần 3.000 công nhân tại dự án Khu kinh tế Hải Hà đã viết đơn cầu cứu gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan thông tấn. Doanh nghiệp vừa không có tiền trả lương công nhân vừa không còn tiền tái đầu tư hay thực hiện dự án mới. Nhiều doanh nghiệp phải bán nhà, trụ sở để trả nợ… Với gần 3.000 công nhân, do khó khăn chồng chất từ phía doanh nghiệp, cật lực làm việc nhưng chưa trả được lương. Nhiều doanh nghiệp phải sa thải công nhân vì không cáng đáng nổi. Hiện nay, đã có 50% cán bộ, công nhân phải nghỉ việc, lang thang đi tìm việc từ Bắc tới Nam. Nếu cứ tiếp tục, sẽ có thêm 20-30% công nhân nữa phải “tay trắng” rời Khu kinh tế Hải Hà vì sự bội tín của VNS. Từ ngày gửi lá đơn đến nay, một năm trôi qua, có tới hàng chục cuộc họp giữa các doanh nghiệp chủ nợ với các đại diện VNS như ông Lê Lộc – Tổng giám đốc phụ trách đầu tư, như ông Trần Quang Vũ – Tổng giám đốc điều hành VNS, cũng không ít lần, cán bộ công nhân của nhiều doanh nghiệp từ Việt Trì, Hải Phòng, Quảng Ninh kéo tới trụ sở của Tập đoàn trên đường Ngọc Khánh – Hà Nội để đòi nợ nhưng VNS vẫn chỉ hứa suông. Dịp gần tết âm lịch 2010, VNS có chuyển trả được hai tỷ rưỡi cho các nhà thầu, con số nợ gốc hơn 120 tỷ chưa có lời giải đáp chính xác đến khi nào, lúc nào VNS sẽ thanh toán cho 10 doanh nghiệp. Nhưng khi đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại huyện Hải Hà, Chủ tịch VNS hồ hởi báo cáo với người đứng đầu Chính phủ rằng VNS đã san lấp được 93 ha với 5,2 triệu m3 cát, đã lập quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp – cảng biển, đã trình Ban quản lý các khu công nghiệp Quảng Ninh hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, chuẩn bị xây cảng khởi động dài 300m. xây nhà máy sửa chữa tàu biển, nhà máy cán thép, nhà máy nhiệt điện than… với số vốn giai đoạn 1 khoảng 1,4 tỷ USD. Nói một hơi về các dự án “chuẩn bị khởi công”, ông Chủ tịch VNS đề nghị Thủ tướng “đưa quy hoạch cảng biển Hải Hà vào danh mục quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam và ông than phiền “chủ đầu tư” (VNS) chưa có 3.200 tỷ đồng (tương ứng 20% số tiền chuẩn bị đầu tư) nên xin vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển”… Thủ Tướng hy vọng “Hải Hà không chỉ phục vụ phát triển kinh tế trong nước mà còn vươn ra hợp tác với Trung Quốc, vì vậy, trong vòng 10 năm tới, Hải Hà sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch của Quảng Ninh và cả nước”.Sau lần thị sát của Thủ Tướng, cái siêu dự án ấy chẳng thấy động tĩnh gì. Phần mặt bằng san lấp được đã bị sóng biển cuốn đi mất một phần. Một số thông tin cho biết chỉ có Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV Công ty cổ) góp 3,6 triệu USD. Vậy thì đến bao giờ mới có 15 tỷ USD để xây xong siêu dự án? Siêu dự án lấy cảng biển làm trung tâm. Nếu theo ý kiến của Bộ GTVT, cái trung tâm ấy không phù hợp thì đầu tư nhiều tiền của vào sẽ không hiệu quả.           Cho đến nay, thực nợ và thực thiệt hại do “con tàu” Vinashin gây nên vẫn chưa biết đích thực bao nhiêu. Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng báo cáo Vinashin nợ 95.148 tỷ 182 triệu đồng, phía Công an thống kê lên tới gần 120 nghìn tỷ, còn Chính phủ thì lại khẳng định chỉ có… 86 nghìn tỷ. Thực trạng nợ nần và làm ăn kém hiệu quả của tập đoàn Vinashin là do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, Tập đoàn đã đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề. Thứ hai, tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản. Ước tính dư nợ hiện lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền. Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. Đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng... Về nguyên nhân khách quan, Bộ Chính trị kết luận rằng mô hình tập đoàn còn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả; thể chế, cơ chế còn thiếu hoặc chưa đồng bộ. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trong đó có Vinashin. Nhưng xét cho cùng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thua lỗ và làm ăn kém hiệu quả này của Vinashin là do trình độ quản lý yếu kém và buông lỏng của Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế này. Trước tình hình này tập đoàn Vinashin đang trên bờ vực phá sản. Nhưng do đây là một tập đoàn kinh tế nhà nước lớn của nước ta, nguồn vốn đã đổ vào siêu dự án này không phải là nhỏ. Nếu cho phá sản tập đoàn kinh tế này thì tất cả hơn 200 dự án của tập đoàn đã ký kết bây giờ thành một đống sắt vụn, và tiền nhà nước bỏ ra để cho tập đoàn này hoạt động không phải là nhỏ. Chính vì vậy mà nhà nước đã có quyết định : “tái cơ cấu” tập đoàn VNS vào ngày 6.2010, dự án Khu kinh tế – cảng biển Hải Hà sẽ chuyển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Chắc chắn là, nhà đầu tư mới sẽ phải cân nhắc lại, xem xét lại toàn bộ quy trình lập và triển khai dự án bởi họ đang có nhiều chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm quản lý hầu hết các cảng biển lớn ở Việt Nam. 3.2. Nhận xét về vai trò chủ đạo của KTNN và thực trạng kinh doanh ngoài ngành của các TĐKT qua sự kiện Vinashin. Kinh tế nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt, điều hòa nền kinh tế trong cả nước nhưng không phải là nó không có hạn chế, bất cứ vấn đề nào cũng đều có tính hai mặt của nó. Thực tế đó là qua sự kiện Vinashin chúng ta đã thấy rõ được trách nhiệm của nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế nói chung và bản thân hoạt động của các tập đoàn nói riêng khi mang theo cái mác “tập đoàn kinh tế nhà nước”. Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty Nhà nước là mô hình doanh nghiệp thể hiện sức mạnh kinh tế của một đất nước. Vấn đề quản lý và năng lực quản lý của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước luôn là vấn đề được quan tâm cả ở phương diện kinh tế và phương diện xã hội. Hiện nay, các doanh nghiệp khổng lồ này đang bị xã hội lên tiếng chỉ trích về xu hướng mở rộng kinh doanh đa ngành xa rời ngành kinh doanh chính. Vấn đề quản lý Nhà nước đối với phần vốn Nhà nước đang bộc lộ sự bất hợp lý. Hệ thống doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay không hiếm các doanh nghiệp có quy mô lớn tồn tại dưới dạng tập đoàn kinh tế hay tổng công ty Nhà nước. Do điều kiện phát triển kinh tế đặc thù của Việt Nam mà các tập đoàn kinh tế hay tổng công ty Nhà nước ở Việt Nam được hình thành trên cơ sở các quyết định hành chính của Nhà nước chứ không phải được hình thành trên nhu cầu tích tụ nội tại hoặc theo nhu cầu của thị trường như ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường khác. Chính vì thế, vấn đề quản lý và năng lực quản lý của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước luôn là vấn đề được quan tâm cả ở phương diện kinh tế và phương diện xã hội. Theo các số liệu thống kê của Bộ Tài chính Việt Nam đến hết năm 2008, vốn đi vay của 70 tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đã là hơn 448 ngàn tỷ VND, gấp 4 lần số vốn chủ sở hữu. Điều đáng chú ý ở đây là vấn đề hiệu quả kinh doanh của hệ thống tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước này như thế nào khi mà họ đã sử dụng vốn đó vào các mục đích kinh doanh ngắn hạn, vào các lĩnh vực nhiều rủi ro, nhạy cảm, đầu tư dàn trải. Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước ở Việt Nam là một trong những hình thức tồn tại của các nhóm công ty – vốn là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Theo quy định của Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam thì tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn và Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý, hoạt động của các tập đoàn kinh tế này. Tuy nhiên, hiện nay vai trò và nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, đặc biệt là quản lý tài chính, nguồn vốn Nhà nước đang còn nhiều bất cập. Còn đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước thì thời gian gần đây, dư luận xã hội lên tiếng chỉ trích tương đối nhiều về việc họ đã đầu tư dàn trải ra ngoài các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, tài chính – chứng khoán, ngân hàng. Thực tế một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã sử dụng vốn vào các mục đích kinh doanh thu lợi ngay trong các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như đã nói. Chính vì vậy việc tìm một cơ chế phù hợp để quản lý các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, quản lý nguồn vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp một lần nữa được đặt ra và thực sự trở thành vấn đề bức thiết. Trách nhiệm của nhà nước. Trước thực trạng kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là qua sự kiện Vinashin đã cho thấy để tránh gây ra những sự kiện lớn như Vinashin vừa qua, chính phủ, nhà nước cần có những chính sách cụ thể để có thể kiểm soát các tập đoàn kinh tế này một cách sát sao hơn. Nếu không làm nghiêm ngặt và có quy định cụ thể có lẽ trong một vài năm tiếp theo sẽ có những tập đoàn khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, như vậy thì nhà nước sẽ phải giải quyết như thế nào. Theo ý kiến chủ quan của nhóm chúng tôi, đầu tư đa ngành không phải là xấu. Bởi lẽ đầu tư đa ngành là một cách thức kinh doanh nhằm tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, thêm nữa đây cũng là hướng để các tập đoàn có thể quay vòng vốn sản xuất một cách nhanh chóng trong khi ngành kinh doanh chủ yếu cần phải hoạt động trong dài hạn mới có lợi nhuận. Chính vì vậy, kinh doanh đa ngành nên được khuyến khích phát triển nhằm tạo ra môi trường kinh doanh năng động hiệu quả cho tập đoàn kinh tế. Nhưng cần phải có ban kiểm soát, thẩm định, kiểm tra mọi hoạt động của tập đoàn để có hướng ngăn ngừa kịp thời nếu thấy dấu hiệu tập đoàn hoạt động không hiệu quả. Trách nhiệm từ phía tập đoàn. Ví dụ như: Vinashin quá lợi dụng sự phát triển đa ngành để đầu tư lung tung. Bởi vì, nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh phần lớn được huy động từ ngân sách quốc gia, từ thu thuế xã hội, chính vì thế mà các tập đoàn này có lẽ không mấy lo lắng về việc huy động vốn chỉ cần chứng tỏ cho các cấp lãnh đạo thấy được khả năng phát triển của tập đoàn là có thể “ muốn bao nhiêu vốn cũng được”. Trong bối cảnh tham nhũng phát triển, lý tưởng bị suy giảm, và cơ chế còn nhiều lỗ hổng, chính việc đầu tư tràn lan là những cơ hội để lợi dụng bỏ tiền nhà nước vào các dự án. Bởi lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước, như Vinashin, là những người được bổ nhiệm có thời hạn và theo lẽ tự nhiên, họ phải thông qua càng nhiều dự án càng tốt, và càng thu lợi cho cá nhân nhiều hơn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docQuan niệm về KTNN xuất hiện từ bao giờ KTNN khác với kinh tế quốc doanh như thế nào Qua sự kiện Vinashin, bạn có nhận xét gì về vai trò chủ đạo của KT.doc
Luận văn liên quan