Quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - Xã hội

Trong một quốc gia nhất định, luôn tồn tại những tổ chức thuộc mọi lĩnh vực khác nhau: Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức của những nghiệp đoàn . Sự xuất hiện các tổ chức trong một xã hội nhất định như một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng những nhu cầu, và thậm chí sự hình thành các tổ chức còn là đòi hỏi của xã hội để giải quyết vấn đề xã hội, vấn đề lịch sử . I. KHÁI NIỆM TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI 1. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị. 2. Tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. a. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội II. QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI. 2. Nội dung quyền sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. 2.1. Quyền chiếm hữu: 2.2. Quyền sử dụng 2.3. Quyền định đoạt 3. Các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. KẾT LUẬN

doc20 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3308 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - Xã hội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI. TS. Phùng Trung Lập (Trường Đại học Luật Hà Nội). I. KHÁI NIỆM TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Trong một quốc gia nhất định, luôn tồn tại những tổ chức thuộc mọi lĩnh vực khác nhau: Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức của những nghiệp đoàn... Sự xuất hiện các tổ chức trong một xã hội nhất định như một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng những nhu cầu, và thậm chí sự hình thành các tổ chức còn là đòi hỏi của xã hội để giải quyết vấn đề xã hội, vấn đề lịch sử... Ở Việt Nam, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được hình thành và phát triển như một thực thể của các quan hệ xã hội. Với tư cách là một thực thể trong các quan hệ xã hội, do vậy các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam có tư cách chủ thể trong các quan hệ xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và do nhiều ngành luật điều chỉnh. Bộ luật dân sự năm 1995 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qui định sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tại các Điều từ 214 đến Điều 216, Bộ luật dân sự năm 2005 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, qui định sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội từ Điều 227 đến Điều 229. Theo những qui định trên, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể trong quan hệ về quyền sở hữu tài sản, có các quyền và nghĩa vụ của một chủ sở hữu tài sản. Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là một hình thức sở hữu tồn tại bình đẳng với các hình thức sở hữu khác là sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Là chủ thể của bất kỳ quan hệ xã hội thuộc bất kỳ lĩnh vực nào thì tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hôi đó phải được xác định về tên gọi, mục đích được thành lập, phạm vi hoạt động, tôn chỉ và mục đích hoạt động (thoả mãn các điều kiện của chủ thể trong quan hệ xã hội và pháp luật). Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu tư cách chủ thể của các tổ chức chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội gồm Công đoàn Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bài viết này tập trung phân tích làm sáng tỏ bản chất của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tư cách chủ thể của các tổ chức này trong quan hệ về quyền sở hữu tài sản, tư cách của tổ chức là chủ sở hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu, được Bộ luật dân sự của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều chỉnh. 1. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị. Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức của đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, Đảng gắn bó mật thiệt với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo qui định tại các Chương IX, Chương X Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đảng lãnh đạo Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam... Tại Điều 4 Hiến pháp của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã qui định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, theo Điều lệ Công đoàn thì "Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức và những người lao động trong các thành phần kinh tế, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam, dân chủ và giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động". Theo các qui định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thì các tổ chức chính trị, tỏ chức chính trị - xã hội này là thực thể của quan hệ xã hội về mọi lĩnh vực, do vậy cũng tương tự như các tổ chức khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là một thể thống nhất về tổ chức và tồn tại độc lập về mặt chủ thể. Cơ cấu tổ chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội luôn chặt chẽ ở cơ chế điều hành, cơ chế kết nạp thành viên và cương lĩnh, mục tiêu hoạt động luôn luôn bảo đảm tính thống nhất và phục tùng của cơ quan lãnh đạo cao nhất. Tính thống nhất về cơ cấu, tổ chức, về mục đích hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có những nét đặc thù, khác biệt so với các tổ chức kinh tế và tổ chức xã hội khác. Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị, do vậy sự thống nhất ý chí và mục đích hoạt động trong Đảng luôn luôn được coi trọng. Sự thống nhất đó được khẳng định trên thực tiễn như: - Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; - Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; - Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; - Kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế. Về cơ cấu tổ chức, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện tính thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. 2. Tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. a. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội Theo qui định tại khoản 1, Điều 1 Luật Công đoàn Việt Nam, "Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam (gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động". Công đoàn Việt Nam có hai tính chất là tính giai cấp và tính quần chúng, do vậy Công đoàn hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Mối quan hệ giữa công đoàn Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện ở những hoạt động của Công đoàn không thể thiếu sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo Công đoàn bằng đường lối, bằng chủ trương. Công đoàn với chức năng của mình triển khai đường lối, chủ trương của Đảng thành chương trình công tác của tổ chức mình. Công đoàn còn có mối quan hệ với Nhà nước, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động có hiệu quả nhất về điều kiện vật chất, ban hành các văn bản pháp luật để tạo ra hành lang pháp lý cho Công đoàn hoạt động. Giữa Công đoàn và Nhà nước không có sự đối lập. Với những tính chất nêu trên, vị trí của Công đoàn Việt Nam là chủ thể trong quan hệ xã hội, là mối quan hệ của tổ chức công đoàn với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, xã hội. Công đoàn là tổ chức của giai cấp công nhân, là thành viên trong hệ thống chính trị - xã hội, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện đội ngũ công nhân viên chức và lao động. Theo qui định tại Điều 37 Điều lệ Công đoàn, "Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ sở hữu mọi tài sản của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công đoàn các cấp được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng các tài sản và chịu trách nhiệm trước Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và trước pháp luật về việc sử dụng và quản lý các tài sản đó". Như vậy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội có tư cách chủ thể trong các quan hệ pháp luật và xã hội. + Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thành viên hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước. Hệ thống tổ chức của Đoàn gồm 4 cấp: - Cấp cơ sở (Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở); - Cấp huyện và tương đương; - Cấp tỉnh và tương đương; - Cấp trung ương. Việc thành lập hoặc giải thể một tổ chức Đoàn do Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định (Điều 6, Điều Lệ Đoàn). Nguyên tắc cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn, do Điều lệ Đoàn qui định theo nguyên tắc cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn đều do bầu cử lập ra, thực hiện nguyên tắc tập trung lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn là đại hội đại biểu toàn quốc (Điều 5, Điều lệ Đoàn). Tổ chức cơ sở của Đoàn theo qui định tại Điều 15 Điều lệ Đoàn gồm: Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân. Tổ chức cơ sở Đoàn được thành lập trong doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổ chức Đoàn có thể trực thuộc huyện Đoàn, tỉnh Đoàn hoặc Đoàn khối, Đoàn ngành tuỳ thuộc vào tính đặc thù của từng đơn vị theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn (Theo qui định tại các Điều từ 18 đến Điều 22, Điều lệ Đoàn). II. QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI. Các căn cứ xác lập quyền sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo qui định tại Điều 172 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là một trong những hình thức sở hữu được pháp luật qui định thực hiện. Bên cạnh những hình thức sở hữu trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được pháp luật thừa nhận sự tồn tại bình đẳng trong các quan hệ tài sản và xã hội như đối các hình thức sở hữu khác: sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tại Điều 227 Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 214, Bộ luật dân sự năm 1995) qui định: "Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là sở hữu của tổ chức đó nhằm thực hiện mục đích chung qui định trong điều lệ". "Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng cho chung và từ các nguồn khác phù hợp với qui định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội". Những "tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức đó" (khoản 1, Điều 228 Bộ luật dân sự năm 2005). Như vậy, căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm: 1) Theo qui định tại Điều 46 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, "Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng góp, từ ngân sách nhà nước và các khoản thu khác". Như vậy, căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trên ba căn cứ cơ bản: - Từ ngân sách nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị, Đảng thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của mình trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Để duy trì và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ của Đảng, nguồn kinh phí hoạt động của Đảng phải do ngân sách nhà nước cấp. Đây là một căn cứ cơ bản và có vai trò quyết định đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của Đảng. Tài sản của Đảng do ngân sách nhà nước cấp tùy thuộc vào qui mô hoạt động của Đảng trên các lĩnh vực lãnh đạo: - Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Xây dựng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng tăng cường vai trò lãnh đạo các cơ quan nhà nước kịp thời thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đổi mới thể chế kinh tế, củng cố nâng cao hiệu quả kinh tế của nhà nước, xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa. - Kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác, các tổ chức sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đối với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, các qui định của Nhà nước, về quản lý kinh tế, bảo quản vốn và tài sản của Nhà nước. Nguồn ngân sách Nhà nước cấp theo từng năm hoặc từng quí hoặc theo những cương trình hoạt động chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực cụ thể. Thời điểm có quyết định cấp vốn cho sự hoạt động chỉ đạo của Đảng là thời điểm xác lập quyền sở hữu của Đảng đối với số vốn do ngân sách nhà nước cấp. Ngoài những tài sản có ngân sách nhà nước cấp cho Đảng hoạt động. Nhà nước còn chuyển giao quyền sở hữu những tài sản của Nhà nước cho Đảng, những trụ sở làm việc, những cơ sở vật chất khác để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của Đảng trên nhiều lĩnh vực như tuyên truyền, đào tạo cán bộ, đối ngoại... Ngoài những tài sản do nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho các tổ chức Đảng, thì tổ chức Đảng còn tự mình tổ chức xây dựng, mua sắm những tài sản để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của mình và đây cũng là căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức Đảng. Theo chức năng, mục đích thành lập và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đảng không phải là tổ chức kinh tế, mà là tổ chức chính trị, do vậy việc tổ chức Đảng tạo ra của cải vật chất không phải là căn cứ bắt buộc nhằm xác lập quyền sở hữu của Đảng. + Căn cứ xác lập quyền sở hữu của Đảng từ đảng phí do đảng viên đóng Theo qui định tại khoản 4 Điều 2, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên có nghĩa vụ đóng đảng phí đúng qui định. Về đảng phí, theo Quyết định số 09/QĐ - TW ngày 24 - 9 - 2001 của Bộ chính trị ban chấp hành qui định về chế độ đảng phí và qui định về chế độ đảng phí (ban hành kèm theo Quyết định số 09/QĐ - TW), và theo Hướng dẫn số 724/HD - TCQT ngày 12-10-2001 của Ban tài chính quản trị trung ương (hướng dẫn thực hiện Quyết định số 09/QĐ-TW của Bộ Chính trị về chế độ đảng phí), thì đóng đảng phí là nhiệm vụ của đảng viên theo qui định của Điều lệ Đảng, là vấn đề có tính nguyên tắc và có ý nghĩa chính trị quan trọng. Mục đích sử dụng đảng phí cũng đã được xác định: "Được sử dụng cho hoạt động công tác đảng ở cơ sở và cấp trên cơ sở, không tính vào định mức kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị dự toán ngân sách đảng" (Nghị định về chế độ đảng phí). Theo những quy định tại các văn bản trên, đối tượng và mức đóng đảng phí hàng tháng của đảng viên là căn cứ xác lập quyền sở hữu của tổ chức chính trị. Đối với Đảng viên hưởng tiền lương, sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước (kể cả trong và ngoài nước); đảng viên hưởng tiền lương, tiền công theo cấp bậc, sản phẩm, hoặc theo hợp đồng, có nghĩa vụ đóng đảng phí bằng 1% tiền lương, tiền công, sinh hoạt phí và các khoản phu cấp tiền lương, tiền công, sinh hoạt phía chưa trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản phải nộp (nếu có). Đối với những đảng viên khó xác định được mức thu nhập từ tiền lương, tiền công, thì mức đóng đảng phí tuỳ thuộc vào các loại đối tượng là đảng viên đang ở trong nước hay đảng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài, theo đó mức đảng phí đảng viên có nghĩa vụ đóng được xác định. Đảng viên ở trong nước: Đảng viên lao động, sản xuất thuộc các ngành, nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, là học sinh, sinh viên không có sinh hoạt phí, đảng viên tự tìm việc làm hưởng tiền công theo thoả thuận và các đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thuộc các vùng, miền khác nhau đóng đảng phí theo các mức 1000 đồng, 1.500 đồng hoặc 3000 đồng/tháng. Đảng viên đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài đóng đảng phí theo những phương thức sau: Đảng viên đi đi học tự túc, theo gia đình, đảng viên làm công ăn lương và các đảng viên khác khó xác định được mức tiền lương, tiền công đóng đảng phí mức tương đương 0,5USD hoặc 1 USD/tháng. Đảng viên là chủ hoặc đồng chủ sở hữu các doanh nghiệp, khu thương mại, dịch vụ, cửa hàng... đóng đảng phí mức tối thiểu tương đương 3 USD/tháng. Số tiền đảng phí thu được ở trong nước theo những mức đã đề cập ở trên, được trích nộp theo các mức sau: - Đối với các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở được trích lại từ 30% đến 50%, nộp 50% đến 70% theo qui định lên cấp uỷ cấp trên. Đối với tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn được trích lại 90%, nộp 10% lên cấp uỷ cấp trên. Các tổ chức cơ sở khác của Đảng được trích lại 70%, nộp 30% lên cấp uỷ cấp trên. Các cấp trên cơ sở, mỗi cấp được trích lại 50%, nộp 50% lên cấp uỷ cấp trên. - Đối với đảng phí mà đảng viên đang ở nước ngoài đóng được xác định tỷ lệ trích để lại 30%, nộp 70% lên cấp uỷ cấp trên. Đảng uỷ nước sở tại được trích để lại 50%, nộp 50% về Ban cán sự đảng ngoài nước. Đảng uỷ khối trực thuộc các tỉnh uỷ, thành uỷ nộp 100% số đảng phí thu được về cơ quan tài chính của các tỉnh uỷ, thành uỷ. Các đảng uỷ thuộc khối trực thuộc Trung ương, Đảng uỷ trực thuộc trung ương, Đảng uỷ công an Trung ương được trích để lại 50%, nộp 50% về Ban tài chính quản trị trung ương. Ban Cán sự đảng ngoài nước nộp 100% số đảng phí thu được về Ban Tài chính - Quản trị trung ương. Tỷ lệ từ tổng số tiền đảng phí thu được của từng đảng viên trong tổ chức đảng cơ sở và các cấp trên cơ sở mà các tổ chức đảng đó được trích để lại là căn cứ vào qui định về chế độ đảng phí ban hành theo Quyết định số 09/QĐ - TW, phần còn lại nộp lên cấp uỷ cấp trên, về Ban cán sự đảng ngoài nước, về Ban Tài chính - Quản trị Trung ương. Căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức chính trị đối với đảng phí của đảng viên có nghĩa vụ thực hiện hàng tháng, đã góp phần không nhỏ vào khối tài sản của tổ chức chính trị. Đây là một căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản đặc biệt, nó là yếu tố cá biệt hoá tổ chức chính trị với tổ chức kinh tế khác. Đóng đảng phí không những là nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng phí là tài sản nhằm để góp phần duy trì sự hoạt động chỉ đạo của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hoá, y tế... Ngoài ra, đảng phí được trích để lại còn là điều kiện kinh tế để các tổ chức đảng cơ sở thực hiện những nhiệm vụ chính trị và chức năng chỉ đạo, chức năng xã hội của mình. + Căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức chính trị - xã hội. Trong phần thứ nhất của bài viết này, chúng tôi đã xác định trên cơ sở Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội. Các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của các tổ chức này theo qui định của pháp luật và Điều lệ, được xác định như sau: Theo qui định tại Điều 35 Điều lệ Công đoàn, tài chính của công đoàn gồm các nguồn thu từ: - Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng hàng tháng bằng 1% tiền lương hoặc tiền công. - Các khoản thu từ hoạt động văn hoá, thể thao, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ do công đoàn tổ chức, các khoản tài trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài. - Tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho công đoan là tài sản thuộc sở hữu công đoàn (Điều 37 Điều lệ Công đoàn). Tài sản của công đoàn là điều kiện vật chất của tổ chức công đoàn nhằm để xây dựng tổ chức công đoàn và phục vụ cho các hoạt động của tổ chức công đoàn. Căn cứ vào các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức công đoàn, các mối quan hệ kinh tế giữa tổ chức công đoàn và các công đoàn viên, phát sinh nghĩa vụ đóng công đoàn phí cho tổ chức công đoàn, theo qui định tại Điều 35, Điều lệ Công đoàn. Ngoài mối quan hệ trên, các mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn còn được thể hiện trong những quan hệ sau đây: - Quan hệ tài sản giữa tổ chức công đoàn với các tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính sự nghiệp được xác lập trong trường hợp các tổ chức này trích nộp kinh phí công đoàn, cho tổ chức công đoàn trên cơ sở luật định. - Quan hệ tài sản giữa tổ chức công đoàn với Nhà nước được xác lập khi Nhà nước cấp kinh phí cho tổ chức công đoàn hoạt động. - Quan hệ tài sản giữa các cấp công đoàn được xác lập khi tổ chức công đoàn phân phối, điều hoà kinh phí cho các tổ chức công đoàn hoạt động. - Quan hệ tài sản giữa tổ chức công đoàn với các đơn vị kinh tế do công đoàn tổ chức, quản lý hoặc các cá nhân, tổ chức đóng góp ủng hộ quỹ công đoàn. Quyền sở hữu của tổ chức công đoàn còn được xác lập trong trường hợp tổ chức công đoàn cấp vốn từ ngân sách công đoàn cho các đơn vị kinh tế do công đoàn tổ chức, quản lý hoạt động, huy động vốn từ các đơn vị kinh tế công đoàn vào ngân sách công đoàn. Các căn cứ xác lập quyền sở hữu của tổ chức công đoàn có mối liên hệ mật thiết với ngân sách công đoàn. Ngân sách công đoàn được hiểu là toàn bộ các khoản thu và chi của tổ chức công đoàn trong dự toán đã được cấp công đoàn cấp trên có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong thời hạn một năm để đảm bảo cho tổ chức công đoàn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ Công đoàn có hiệu quả nhất. Ngân sách công đoàn được hình thành từ những nguồn thu chủ yếu sau: Thu kinh phí công đoàn theo qui định của Luật công đoàn và các văn bản dưới luật là 2% tổng quĩ lương phải trả, khoản thu này được hạch toán vào giá thành sản phẩm hay phí lưu thông (đối với các doanh nghiệp) và được ngân sách nhà nước cấp (đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp). Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 76/1999/TTLT - TLĐ ngày 16 - 6 - 1999 giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Tài chính, hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn, được thực hiện theo cách phân loại cơ quan hành chính sự nghiệp và các cơ quan, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế như doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã và các doanh nghiệp khác theo qui định của pháp luật. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thu đủ 2% quĩ tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo qui định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 và Nghị định số 175/1999/NĐ - CP ngày 15 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ. Các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở trung ương do Bộ Tài chính trích chuyển. Mức thu trên cũng được áp dụng đối với Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là thu đủ 2% quĩ lương và phụ cấp lương của các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở địa phương do cơ quan tài chính địa phương trích chuyển. Đối với các cơ quan, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, công đoàn cơ sở trực tiếp thu đủ 2% quĩ tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả của đơn vị. Căn cứ xác định lập quyền sở hữu của tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức công đoàn còn được xác lập từ việc thu công đoàn phí và các khoản thu khác. Đoàn phí công đoàn do các cấp công đoàn cơ sở thu trực tiếp của công đoàn viên theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Thông tri số 06/TC-TLĐ ngày 20 tháng 1 năm 1995 của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn là 1% tiền lương tháng của công nhân. Ngoài khoản công đoàn phí, căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức công đoàn còn là các khoản thu từ hoạt động kinh tế, văn hoá, thể thao, hoạt động xã hội, hoạt động của các dự án trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền Nhà nước các cấp, các khoản thu này phát sinh ở cấp nào thì cấp đó thu. + Các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức chính trị - xã hội Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Theo qui định tại Điều 36 Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tài sản của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được hình thành từ những căn cứ pháp lý sau: - Tài sản của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do ngân sách Nhà nước cấp. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng tổ chức Đoàn không phải là tổ chức kinh tế, do vậy để bảo đảm cho Đoàn hoạt động và phát huy vai trò tiên phong dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng tương tự như tổ chức chính trị - xã hội khác, Nhà nước cấp kinh phí cho Đoàn hoạt động để thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị của Đoàn. Đoàn phí do đoàn viên đóng hàng tháng là căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Các khoản thu hợp pháp khác là căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của tổ chức Đoàn. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là đội quân xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tuổi trẻ, do vậy Đoàn tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, văn hoá, hoạt động của các dự án trong và ngoài nước, các công trình tuổi trẻ để có thu nhập gây quĩ Đoàn. Ngoài ra, Đoàn còn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền Nhà nước các cấp và những khoản thu này cũng là những căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản của Đoàn. Tóm lại, các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có những đặc điểm riêng, và những đặc điểm đặc thù này đã là những căn cứ để xác định bản chất của tổ chức. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những tổ chức mang tính giai cấp và xã hội, và theo bản chất các tổ chức này không phải là tổ chức kinh tế, do tổ chức này không phải là tổ chức kinh tế, do vậy những nguồn thu do hoạt động, sản xuất, kinh doanh của tổ chức không phải là căn cứ cơ bản làm phát sinh quyền sở hữu tài sản của tổ chức. Do chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích được thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chi phối, các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của các tổ chức này được xác định trên các căn cứ phổ biến sau: - Do được Ngân sách nhà nước cấp để hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị và chức năng xã hội của tổ chức; - Những nguồn thu từ nghĩa vụ đóng đảng phí, công đoàn phí, đoàn phí của cá nhân đảng viên, công đoàn viên, đoàn viên hàng tháng theo qui định trong Điều lệ của tổ chức; - Do được tặng cho, nhận được tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; - Những khoản thu từ những hoạt động văn hoá, hoạt động kinh tế, xã hội, hoạt động của dự án trong và ngoài nước, các công trình tuổi trẻ để có thu nhập gây quỹ. Ngoài ra, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội còn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền Nhà nước các cấp và những khoản thu này cũng là những căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với stài sản của tổ chức. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không với mục đích hoạt động để tạo ra tài sản cho tổ chức mình, đồng thời cũng không dùng tài sản của tổ chức để sử dụng vào mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận mà tài sản của tổ chức chỉ là điều kiện kinh tế quan trọng để tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị chức năng xã hội của mình. 2. Nội dung quyền sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. 2.1. Quyền chiếm hữu: Quyền chiếm hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thể hiện ở việc quản lý tài sản theo hệ thống thống nhất từ cơ sở đến Trung ương, do tính chất và đặc điểm của căn cứ xác lập quyền sở hữu chi phối (do ngân sách nhà nước cấp, khoản thu từ đảng phí, công đoàn phí, đoàn phí). Những khoản tiền được trích từ đảng phí, công đoàn phí, đoàn phí cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, thì tổ chức đó có nghĩa vụ quản lý để chi tiêu theo đúng mục đích hoạt động của tổ chức mình, theo hướng dẫn của các cơ quan cấp trên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đó. 2.2. Quyền sử dụng: Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền sử dụng tài sản không nhằm mục đích khai thác lợi ích vật chất của tài sản và cũng không nhằm mục đích sinh lợi về tài sản. Mục đích kinh tế không phải là cơ bản trong việc sử dụng tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản của mình nhằm duy trì hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và mục đích thành lập theo Điều lệ và theo qui định của pháp luật. Việc sử dụng tài sản của tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội mang những nét khác biệt so với việc sử dụng tài sản của các chủ thể khác ở chính mục đích sử dụng tài sản. Hay nói cách khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không sử dụng tài sản với mục đích kinh doanh, mà sử dụng tài sản nhằm thực hiện vai trò chỉ đạo, thực hiện những nhiệm vụ chính trị của tổ chức theo Điều lệ và cương lĩnh hoạt động của tổ chức, đã được pháp luật qui định. Theo hướng dẫn của Ban Tài chính - Quản trị trung ương, đảng phí được trích lại ở cấp nào thì sử dụng cho hoạt động công tác đảng ở cấp đó. Cụ thể, số đảng phí được cấp lại ở các cấp cơ sở để cần được ưu tiên cho các khoản chi phục vụ công tác xây dựng Đảng và mua báo, tạp chí, tài liệu học tập triển khai nghị quyết các cấp, chi cho hội nghị sơ kết, tổng kết công tác đảng, chi bồi dưỡng cấp uỷ viên, đảng viên mới, đối tượng kết nạp đảng. Ngoài những khoản chi trên, tuỳ thuộc vào kinh phí dùng cho hoạt động, các cấp uỷ đượcu sử dụng chi thăm hỏi đảng viên ốm đau, phúng viếng đảng viên từ trần hoặc hỗ trợ cho các đoàn thể quần chúng và các khoản chi hoạt động khác của cấp uỷ. Theo qui định của Bộ chính trị, "tiền thu được từ đảng phí được sử dụng cho hoạt động công tác đảng ở cơ sở và cấp trên sở, không tính vào định mức kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị dự toán ngân sách đảng", "Qui định về thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí này được thực hiện thống nhất trong toàn đảng". + Đối với tổ chức chính trị - xã hội. Đối với tổ chức Công đoàn, việc sử dụng tài sản thực chất là dùng tài sản của công đoàn để chi cho các khoản sau đây: - Chi lương và phụ cấp lương cho cán bộ chuyên trách công đoàn gồm lương cơ bản, phụ cấp lương, trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo qui định. - Phụ cấp cho cán bộ công đoàn hoạt động không chuyên trách. Theo Quyết định số 69/TƯ, ở những cơ quan, doanh nghiệp có biên chế chủ tịch công đoàn chuyên trách, nhưng chức vụ này không hoạt động chuyên trách thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 10% lương cơ bản. Theo qui định tại Công văn 587/TC - TƯ, nơi không đủ tiêu chuẩn có cán bộ chuyên trách thì chủ tịch công đoàn hoạt động không chuyên trách được hưởng một khoản phụ cấp trách nhiệm từ 0,3 đến 0,5 mức lương tối thiểu do cấp trên trực tiếp quyết định. Ngoài những khoản chi trên, các khoản chi cho phụ cấp hoạt động cho uỷ viên ban chấp hành, uỷ ban kiểm tra và trưởng tiểu ban chuyên đề, tổ trưởng công đoàn tùy theo khả năng kinh phí của đơn vị dành cho khoản chi này. Tổ chức công đoàn dùng tài sản của công đoàn trong chi phí hành chính, chi hoạt động phong trào, chi thăm hỏi cán bộ đoàn viên, các khoản chi khác. - Chi phí hành chính là việc chi cho hội nghị tổng kết hàng năm và đại hội công đoàn cơ sở gồm các khoản chi cho việc tuyên truyền cổ động, trang trí khánh tiết, in tài liệu, chi văn phòng phẩm, dụng cụ làm việc của văn phòng công đoàn, công tác phí, chi phí tiếp khách... - Chi phí hoạt động phong trào: Chi tuyên truyền, giáo dục, mua sách báo, tạp chí cho công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn và thư viện hoặc tủ sách công đoàn cơ sở... - Chi các buổi tọa đàm, tiếp xúc, động viên đối với đoàn viên tích cực, các cộng tác viên nhằm thực hiện tốt các chủ trương công tác, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và của tổ chức công đoàn. - Khen thưởng cho cá nhân và tập thể có thành tích trong hoạt động phong trào. - Chi về tổ chức phong trào thi đua từ quĩ khen thưởng của doanh nghiệp, cơ quan chi, nhưng quĩ công đoàn có thể bổ sung để chi trong việc tổ chức các buổi phát động, sơ kết, tổng kết thi đua. Chi phí tổ chức các buổi gặp mặt, toạ đàm với chiến sĩ thi đua, lao động giỏi, những người có thành tích xuất sắc về năng suất, chất lượng hiệu quả, có nhiều sáng kiến, tiết kiệm. - Chi huấn luyện cán bộ, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác công đoàn cho uỷ viên ban chấp hành công đoàn bộ phận, tổ trưởng, tổ phó công đoàn, các uỷ viên ban quần chúng và mạng lưới đoàn viên tích cực hoạt động các mặt công tác công đoàn. - Chi phí về các hoạt động xã hội, từ thiện do công tác đoàn tổ chức, xây dựng nhà văn hoá, khu văn hoá của công nhân, viên chức và lao động; phòng chống các tệ nạn xã hội, phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, giúp người tàn tật... + Tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sử dụng tài sản của mình cũng tuân thủ những nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước và có những việc sử dụng tài sản với những mục đích tương tự như tổ chức công đoàn. Hoạt động của đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngoài quĩ đoàn thanh niên, quĩ công đoàn có thể chi bổ sung cho những phong trào do đoàn thânh niên tổ chức hoặc cùng phối hợp với công đoàn tổ chức. Tóm lại, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền sử dụng tài sản không nhằm mục đích kinh doanh, mà mục đích cơ bản khi sử dụng tài sản của các tổ chức này một mặt là nhằm để duy trì, củng cố sự lớn mạnh của tổ chức trên nhiều lĩnh vực hoạt động, mặt khác là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị và xã hội của tổ chức theo Điều lệ và theo pháp luật. Việc khai thác những lợi ích vật chất của tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện không nhằm thu được những lợi ích về vật chất, không nhằm mục đích sinh lợi về tài sản. Vì tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không sử dụng tài sản với mục đích kinh doanh, mà với mục đích bảo đảm cho tổ chức thực hiện được những nhiệm vụ chính trị và chức năng xã hội của mình. Mục đích sử dụng tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội luôn tuân theo Điều lệ của tổ chức và phù hợp với những qui định của pháp luật về những nguyên tắc chiếm hữu, sử dụng tài sản. 2.3. Quyền định đoạt Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền định đoạt tài sản của mình là nhằm để thực hiện những nhiệm vụ chính trị của tổ chức theo Điều lệ và theo qui định của pháp luật. Tài khoản kế toán tài chính của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng tài khoản kế toán hành chính sự nghiệp theo qui định của Bộ tài chính. Tuy nhiên, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện quyền định đoạt theo Điều lệ và theo nghị quyết của Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu của tổ chức. Các chi uỷ viên, thành viên Ban chấp hành của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nghĩa vụ triển khai thực hiện quyền định đoạt tài sản của tổ chức theo những kế hoạch hoạt động và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức. Ngoài ra, việc định đoạt tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải tuân theo những Chỉ thị, Nghị quyết, Thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng cấp trên thuộc hệ thống chính trị. 3. Các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể của quyền sở hữu tài sản và có quyền định đoạt tài sản của mình. Các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng tuân theo những căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo qui định tại Điều 171 Bộ luật dân sự năm 2005. Quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chấm dứt trong các trường hợp sau: - Tài sản của tổ chức được chi cho những hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và những nhiệm vụ chính trị, xã hội. - Tài sản đã chuyển giao quyền sỡ hữu cho chủ thể khác thông qua các giao dịch dân sự; - Tài sản của tổ chức bị tiêu huỷ do các sự biến pháp lý; - Tài sản được Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, nhưng sau đó tổ chức lại chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản đó cho Nhà nước theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc theo Nghị quyết của Ban bí thư, của Bộ Chính trị. Quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng chấm dứt theo những căn cứ pháp luật qui định, nhưng do có những đặc điểm khác biệt ở một số căn cứ xác lập quyền sở hữu, so với căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản của các chủ thể khác, do vậy trong một số trường hợp thì căn cứ chấm dứt quyền sở hữu tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng có những nét khác biệt tương ứng. KẾT LUẬN Quyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Với tư cách là chủ thể của quan hệ xã hội, đồng thời là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền sở hữu tài sản như các chủ thể khác. Các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản, nội dung quyền sở hữu tài sản, phương thức bảo vệ quyền sở hữu tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không những phải tuân theo Điều lệ của tổ chức, mà còn phải tuân theo những qui định của pháp luật. Hay nói cách khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu tài sản không những phải tuân theo những qui định của pháp luật. Hay nói cách khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu tài sản không những phải tuân theo những qui định của pháp luật, mà còn phải tuân thủ những qui định trong Điều lệ của tổ chức và bị chi phối bởi mục đích thành lập tổ chức. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền sở hữu tài sản nhằm để củng cố sức mạnh, mở rộng ảnh hưởng, tăng cường những hoạt động có hiệu quả, thể hiện rõ sự thống nhất với chức năng chỉ đạo và chức năng xã hội của mình trên phạm vi toàn xã hội. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền sở hữu tài sản không nhằm mục đích kinh doanh, mà thực hiện quyền sở hữu nhằm thực hiện những nhiệm vụ chính trị của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, củng cố và nâng cao sức mạnh tổng hợp của tổ chức, thể hiện rõ vai trò của tổ chức trước lịch sử trong đối nội và hoạt động đói ngoại. Quyền sở hữu tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được củng cố theo qui định của pháp luật. Bởi vì, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể của quan hệ xã hội, đồng thời là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, có các quyền và nghĩa vụ dân sự của chủ thể theo qui định của pháp luật, trong đó quyền sở hữu tài sản là quyền dân sự do pháp luật qui địnhm, mà tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền thực hiện theo năng lực của chủ thể

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docQuyền sở hữu tài sản của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.doc