Về mặt pháp lý, ở Việt Nam, việc lấy và ghép mô, bộ phận của cơ thể người đã được Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 và Điều lệ Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng năm 1991 đề cập đến. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên khó thực hiện trong thực tiễn. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân trong BLDS 2005 và Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 đã góp phần cụ thể hóa quyền này của cá nhân, tạo cơ sở pháp lí vững chắc cho cá nhân thực hiện quyền tự do của mình.
----
Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân được ghi nhận dựa trên những cơ sở lí luận vững chắc, cùng với các quyền nhân thân khác là một sự đảm bảo chắc chắn của Nhà nước để cá nhân công dân thực hiện các quyền của mình. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác thể hiện xu hướng ngày càng mở rộng các quyền tự do của con người nói chung và quyền nhân thân của con người nói riêng.
9 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2766 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu So sánh các quy định về cá nhân trong Tư pháp La Mã và pháp luật Dân sự Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI TẬP NHÓM CHUYÊN ĐỀ 5
Nhóm thực hiện: Nhóm 2. CH18 - Luật Dân sự.
Đề bài tập:
Cơ sở lí luận về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân.
Giải quyết vấn đề:
Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 24 BLDS).
Một xã hội càng tiến bộ, phát triển bao nhiêu thì quyền nhân thân của cá nhân càng được pháp luật tôn trọng và mở rộng bấy nhiêu. Cùng với sự phát triển của đất nước, quyền nhân thân của cá nhân cũng ngày càng được công nhận và bảo vệ cao hơn trong pháp luật Việt Nam. Từ BLDS 1995 đến BLDS 2005, pháp luật đã mở rộng thêm quyền nhân thân của cá nhân từ 20 quyền lên thành 26 quyền nhân thân. Trong các quyền nhân thân được bổ sung có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân được ghi nhận tại Điều 33 và 34 BLDS 2005. Quyền này cũng đã được cụ thể hóa tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006.
Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân thuộc nhóm quyền nhân thân thể hiện sự tự do của cá nhân. Việc ghi nhận quyền này trong BLDS 2005 là hoàn toàn hợp lí, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội hiện đại, đáp ứng đòi hỏi của lí luận và thực tiễn.
1. Khái niệm quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân.
Điều 33 BLDS 2005 quy định như sau:
“Cá nhân có quyền được hiến bộ phận cơ thể của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học.
Việc hiến và sử dụng bộ phận cơ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Điều 34 BLDS 2005 quy định như sau:
“Cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học.
Việc hiến và sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định:
Khoản 1: Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người.
Khoản 2: Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.
Khoản 6: Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.
Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định:
“Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.”
Như vậy, cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể và hiến xác. Sở dĩ có quy định như vậy bởi các nhà làm luật nước ta quan niệm rằng ở tuổi đó, người hiến mới phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý cũng như về mặt pháp lý, họ là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có thể bằng hành vi của mình tham gia xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở lí luận của quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân.
Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân trọng BLDS 2005 không chỉ đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội mà còn phù hợp với các quan điểm lí luận về quyền con người nói chung và quyền nhân thân nói riêng, đồng thời không đi ngược lại truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc. Việc ghi nhận quyền này xuất phát từ những cơ sở lí luận sau đây:
2.1. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân xuất phát từ nhu cầu về việc ghi nhận và mở rộng hơn nữa quyền tự do của con người trong xã hội hiện đại.
2.1.1. Lí luận về quyền tự do của con người.
Tự do của con người là khả năng của con người có thể hành động theo đúng ý chí, nguyện vọng của mình, trên cơ sở nhận thức được quy luật của tự nhiên và xã hội. Tự do của con người là sản phẩm của lịch sử. Có thể nói, lịch sử nhân loại thực chất là một cuộc kiếm tìm tự do. Mỗi bước tiến của xã hội là một bước tiến tới tự do rộng hơn.
Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, nhu cầu đảm bảo và mở rộng hơn nữa các quyền tự do của con người đang ngày càng gia tăng. Con người chỉ thực sự tự do khi được đảm bảo đầy đủ các quyền con người. Và quyền con người cũng chỉ được bảo vệ một cách toàn diện khi nó được pháp luật ghi nhận.
Cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền con người, quyền của cá nhân trong đó có quyền nhân thân ngày càng được tôn trọng và bảo vệ bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Một xu hướng đang diễn ra phổ biến hiện nay là các giá trị nhân thân ngày càng được đề cao và được ghi nhận ngày càng nhiều hơn trong pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế. Sở dĩ như vậy vì xã hội càng phát triển, các quan hệ xã hội càng đa dạng, phức tạp, nhu cầu của con người cũng ngày một tăng lên cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt là nhu cầu về tinh thần.
Vì vậy, việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân chính là một bảo đảm cho sự tự do ý chí lựa chọn hành động của các cá nhân trong lĩnh vực đặc thù và hết sức nhạy cảm này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, quyền hiến của cá nhân không phải là quyền tự do tuyệt đối, không có giới hạn. Việc hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân cần phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật.
Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác trong BLDS 2005 đã mở rộng quyền tự do của con người. Con người có quyền tự do định đoạt việc hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống và hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác sau khi chết. Việc ghi nhận này là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với xu thế chung của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, quyền này không phải là tuyệt đối mà phải tuân theo quy định của pháp luật. Việc hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân chỉ được thực hiện vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học và phải tuân theo trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định. Quy định như vậy nhằm loại trừ hành vi lợi dụng quyền này để thực hiện nhằm mục đích thương mại.
2.1.2. Lí luận về quyền được sống của con người.
Con người là giá trị cao quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách, pháp luật, tất cả là vì con người và cho con người, trong đó, quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, là cơ sở để thực hiện các quyền con người khác. Một trong số các biện pháp bảo đảm quyền sống cho con người chính là tạo điều kiện cả về mặt kỹ thuật, cả về mặt pháp lý để y học có thể cứu sống được ngày càng nhiều bệnh nhân hiểm nghèo. Vì vậy, mục đích chữa bệnh của việc hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác còn nhằm mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học để ngày càng tìm ra các phương thức chữa bệnh hiệu quả hơn, và suy cho cùng cũng là vì con người.
2.2. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân dựa trên cơ sở truyền thống văn hóa, đạo đức, tôn giáo, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam.
2.2.1. Những truyền thống quý báu của dân tộc làm cơ sở cho việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân.
Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân được ghi nhận dựa trên cơ sở những truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc. Những truyền thống đó có nguồn gốc sâu xa và bắt nguồn từ những hoàn cảnh địa lí, môi trường tự nhiên, lịch sử và xã hội cụ thể nhất định. Trên nền tảng của văn hóa bản địa, Việt Nam còn tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ với cốt lõi là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Những yếu tố tích cực của các tôn giáo này như: việc đề cao chữ Nhân, lòng thương người trong Nho giáo; tư tưởng từ bi, bác ái của Phật giáo; tinh thần đoàn kết, hữu ái của Đạo giáo… kết hợp với văn hóa bản địa đã tạo nên những truyền thống đạo đức vô cùng quý báu của dân tộc.
Tình thương yêu con người là giá trị đạo đức đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Đối với người dân Việt Nam, lòng thương người đã trở thành một nếp nghĩ, một cách sống, một giá trị đạo đức trong đời sống của mỗi người. Truyền thống đó được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ vô cùng quen thuộc:
“Thương người như thể thương thân”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
“Lá lành đùm lá rách”
Yêu thương con người, làm việc thiện để tu nhân tích đức là bài học đạo lí mà bất cứ người Việt Nam nào cũng được dạy dỗ từ thuở bé thơ:
“Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức Trời dành phần cho”
“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con”
“Khuyên ai ăn ở cho lành
Kiếp này chưa gặp để dành kiếp sau”
“Đời người hữu tử, hữu sinh,
Sống cho xứng đáng, thác dành tiếng thơm.”
Lòng thương người của dân tộc Việt Nam xuất phát từ tình cảm yêu quý con người – “Con người là hoa của đất". Chính trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cha ông ta đã rút ra triết lí: con người là vốn quý hơn cả, không có gì có thể so sánh được. Khi Phật giáo và Nho giáo thâm nhập vào Việt Nam với những quan niệm từ bi bác ái, thương người thì chúng càng khẳng định, củng cố thêm tư tưởng thương người của dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở đó, có thể thấy rằng việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân là hoàn toàn phù hợp với những truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc Việt Nam. Việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác là nghĩa cử vô cùng cao đẹp – ban tặng niềm hy vọng vào sự hồi sinh, vào cuộc sống mới cho người khác.
Khác với những quyền nhân thân khác, mục đích chủ yếu của việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác không phải đem lại lợi ích cho chủ thể quyền mà nhằm đem lại lợi ích cho chủ thể khác, lợi ích cho toàn xã hội. Lợi ích mà chủ thể quyền đạt được chủ yếu là lợi ích tinh thần, là niềm vui khi cứu sống được người khác đang mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt khi người bệnh lại là người thân thích, ruột thịt của mình; hoặc niềm vui khi thấy mình cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Lợi ích vật chất có thể có nhưng không phải là chính yếu, chẳng hạn như: được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí, được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi người đó có nhu cầu… Lợi ích của chủ thể quyền thực sự rất khiêm tốn so với lợi ích to lớn mà xã hội nhận được từ việc người đó thực hiện quyền của mình. Đặc trưng này chỉ có ở quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân.
2.2.2. Những phong tục tập quán có tác động đến việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân.
Quan niệm “chết phải toàn thây” là quan niệm đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của người Việt Nam cũng như của người dân các nước Á Đông khác. Nguyên nhân chính là do về mặt tâm lý xã hội, mọi người đều muốn có một cơ thể toàn vẹn ngay cả khi đã chết và họ thường rất e ngại khi quyết định hiến bộ phận cơ thể cho người khác, trừ khi đó là người thân thích, ruột thịt của mình. Với nhiều người, nhiều gia đình, việc giải phẫu tử thi, hiến xác, hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người là điều cấm kị. Có trường hợp bản thân người hiến đồng ý hiến nhưng những người thân trong gia đình vẫn kịch liệt phản đối và tìm cách ngăn cản.
Chính vì thế, quán triệt nguyên tắc tôn trọng ý chí tự nguyện của người hiến, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người hiến có quyền thay đổi, hủy bỏ đơn đăng kí hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến xác tại Điều 20.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định trường hợp lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và lấy xác trong trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết hoặc thẻ hiến xác thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó. Quy định như vậy thể hiện sự tôn trọng quan điểm, quan niệm, phong tục tập quán của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi địa phương.
2.3. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam cũng như xu hướng mở rộng quyền nhân thân trong BLDS.
Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng các quyền của con người – trong đó có quyền nhân thân. Hiến pháp là văn bản pháp lí có hiệu lực cao nhất đã khẳng định điều này. Hiến pháp năm 1992 ra đời đã mở rộng hơn nữa quyền tự do dân chủ của công dân. Hiến pháp 1992 lần đầu tiên quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50). Nhà nước ta từ khi thành lập cho đến nay luôn tôn trọng các quyền con người, luôn luôn coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa đươc thể chế hóa trong các bản Hiến pháp trước đây. Với Hiến pháp 1992, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, nguyên tắc tôn trọng các quyền con người được thể chế hóa trong đạo luật cơ bản của Nhà nước. Đây là một bước phát triển quan trọng của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp.
Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc được quy định tại Hiến pháp 1992.
BLDS 2005 với việc mở rộng quyền nhân thân của con người khi bổ sung những quyền nhân thân mới, trong đó có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân thực sự là một bước tiến có ý nghĩa trong việc ghi nhận các quyền nhân thân của cá nhân. Với việc ghi nhận các quyền nhân thân trong BLDS năm 2005, có thể thấy rằng pháp luật dân sự Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân. Đây là sự khẳng định và ghi nhận đồng thời là cơ sở pháp lí quan trọng cho cá nhân trong việc thực hiện các quyền của mình. Các quyền nhân thân của cá nhân được ghi nhận trong BLDS năm 2005 thể hiện sự tôn vinh của pháp luật đối với các giá trị đích thực của con người, điều này đúng với bản chất của Nhà nước ta: Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đó cũng là sự thể hiện mục đích của pháp luật nói chung, pháp luật dân sự nói riêng: Vì con người, lấy con người là trung tâm. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân không nằm ngoài xu hướng đó.
Về mặt pháp lý, ở Việt Nam, việc lấy và ghép mô, bộ phận của cơ thể người đã được Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 và Điều lệ Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng năm 1991 đề cập đến. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên khó thực hiện trong thực tiễn. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân trong BLDS 2005 và Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 đã góp phần cụ thể hóa quyền này của cá nhân, tạo cơ sở pháp lí vững chắc cho cá nhân thực hiện quyền tự do của mình.
----
Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân được ghi nhận dựa trên những cơ sở lí luận vững chắc, cùng với các quyền nhân thân khác là một sự đảm bảo chắc chắn của Nhà nước để cá nhân công dân thực hiện các quyền của mình. Việc ghi nhận quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác thể hiện xu hướng ngày càng mở rộng các quyền tự do của con người nói chung và quyền nhân thân của con người nói riêng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- So sánh các quy định về cá nhân trong Tư pháp La Mã và pháp luật Dân sự Việt Nam.doc