So sánh phương thức (cách thức thực hiện) và mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa của Cộng đồng kinh tế ASEAN với Tổ chức thương mại thế giới WTO
Tự do hoá thương mại là việc dỡ bỏ những hàng rào do các nước lập nên, với mục đích là làm cho luồng hàng hoá di chuyển từ nước này sang nước khác được thuận lợi hơn trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng. Đối với thương mại hàng hóa thì những hàng rào nói trên có thể là thuế quan, giấy phép xuất nhập khẩu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, yêu cầu kiểm dịch, v.v .
Cả Tổ chức thương mại thế giới WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN hiện nay đều thấy rằng tự do hóa thương mại là cần thiết và có những nỗ lực hết mình để có thể dỡ bỏ những rào cản giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, về phương thức và mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa giữa hai bên lại có những điểm khác nhau nhất định.
Chính vì vậy, trong bài tập nhóm tháng 2 này, nhóm chúng em sẽ “so sánh phương thức (cách thức thực hiện) và mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa của Cộng đồng kinh tế ASEAN với Tổ chức thương mại thế giới WTO” để có được một cái nhìn khái quát nhất về tự do hóa thương mại hàng hóa trong hai tổ chức này.
6 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3688 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu So sánh phương thức (cách thức thực hiện) và mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa của Cộng đồng kinh tế ASEAN với Tổ chức thương mại thế giới WTO, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tự do hoá thương mại là việc dỡ bỏ những hàng rào do các nước lập nên, với mục đích là làm cho luồng hàng hoá di chuyển từ nước này sang nước khác được thuận lợi hơn trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng. Đối với thương mại hàng hóa thì những hàng rào nói trên có thể là thuế quan, giấy phép xuất nhập khẩu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, yêu cầu kiểm dịch, v.v...
Cả Tổ chức thương mại thế giới WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN hiện nay đều thấy rằng tự do hóa thương mại là cần thiết và có những nỗ lực hết mình để có thể dỡ bỏ những rào cản giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, về phương thức và mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa giữa hai bên lại có những điểm khác nhau nhất định.
Chính vì vậy, trong bài tập nhóm tháng 2 này, nhóm chúng em sẽ “so sánh phương thức (cách thức thực hiện) và mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa của Cộng đồng kinh tế ASEAN với Tổ chức thương mại thế giới WTO” để có được một cái nhìn khái quát nhất về tự do hóa thương mại hàng hóa trong hai tổ chức này.
I. Phương thức tự do hóa thương mại hàng hóa.
1. Giống nhau.
Về cách thức thực hiện tự do hoá thương mại hàng hoá, giữa WTO và AEC đều có những điểm khá giống nhau.
Thứ nhất, các quy định về tự do hoá thương mại hàng hoá đều được ghi nhận trong các văn bản chung, thống nhất, áp dụng cho tất cả các thành viên. Các thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các quy định chung nhất này.
Đối với WTO, đó là các văn bản:
Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (GATT);
Hiệp định về nông nghiệp;
Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật;
Hiệp định về hàng dệt và may mặc;
Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại;
Hiệp định về việc thực hiện điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT 1994 (Hiệp định chống bán phá giá);
Hiệp định về việc thực hiện điều VII của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT 1994 (Hiệp định về xác định trị giá hải quan);
Hiệp định về giám định trước khi gửi hàng;
Hiệp định về quy tắc xuất xứ;
Hiệp định về các thủ tục cấp phép nhập khẩu;
Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng;
Hiệp định về các biện pháp tự vệ.
Đối với AEC, đó là Hiệp định ATIGA - là sự kế thừa và hợp nhất các quy định trước định của các văn bản trước đó về Khu vực thương mại tự do ASEAN (bao gồm Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế thành lập AFTA, Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan CEPT và 13 Nghị định thư sửa đổi và bổ sung hai Hiệp định trên) và Hiệp định khung về hội nhập các ngành ưu tiên (APIS).
Đây đều là những hiệp định khung, quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các thành viên viên trong việc cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan cũng như lộ trình để thực hiện.
Ví dụ: biện pháp bảo hộ thương mại cổ điển nhất là thuế quan thì đã được WTO yêu cầu phải cắt giảm. Các thành viên WTO đều phải cam kết không tăng thuế vượt mức đã cam kết đối với phần lớn các mặt hàng trong biểu thuế nhập khẩu. Cam kết này được gọi là cam kết "ràng buộc thuế quan". Điều II GATT 1994 quy định các mức cố định tối đa của thuế nhập khẩu được áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các thành viên WTO khác. Về biện pháp phi thuế quan Điều XI của GATT 1994 là trụ cột quan trọng thứ tư trong GATT 1994 quy định các hạn chế thương mại không được áp đặt dưới hình thức hạn ngạch hoặc các hạn chế số lượng đối với hàng nhập khẩu, trừ khi đáp ứng một trong những ngoại lệ cụ thể được quy định ở các Điều XI, XX hoặc XXI của GATT 1994 . Điều này có nghĩa là trên thực tế các thành viên phải loại bỏ các hạn chế xuất nhập khẩu, các hạn ngạch xuất nhập khẩu, các yêu cầu cấp phép có hệ quả hạn chế số lượng mà các công ty có thể nhập khẩu hoặc xuất khẩu và bất kỳ sự kiểm soát nào khác có tác động đến việc hạn chế hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu.
Còn đối với AEC, các nước ASEAN trong năm 1992, đã ký Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung gọi tắt là CEPT. CEPT là một thoả thuận chung giữa các nước thành viên ASEAN về giảm thuế quan trong nội bộ ASEAN xuống còn từ 0-5%, đồng thời loại bỏ tất cả các hạn chế về định lượng và các hàng rào phi quan thuế trong vòng 10 năm, bắt đầu từ 1/1/1993 và hoàn thành vào 1/1/2003. Đây là thời hạn đã có sự đẩy nhanh hơn so với thời hạn ký Hiệp định ban đầu: từ 15 năm xuống còn 10 năm. Đối với rào cản phi thuế quan, lộ trình Hội nhập của ASEAN quy định rằng các Rào cản Phi Thuế quan cần phải được loại bỏ vào năm 2010 đối với ASEAN – 6 và năm 2015/2018 đối với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam).
Thứ hai, dựa trên các quy định chung như trên, các quốc gia thành viên tự xây dựng và thực hiện theo lộ trình, cam kết riêng của quốc gia mình.
WTO quy định các nước thành viên phải thông qua đàm phán, đưa ra các cam kết với những lộ trình thực hiện cụ thể. Đối với WTO, việc các nước thành viên thoả thuận mở cửa thị trường hàng hoá hoặc dịch vụ đồng nghĩa với việc ràng buộc các cam kết về việc thâm nhập thị trường nội địa. Trong lĩnh vực hàng hoá, sự ràng buộc đó thể hiện ở việc ấn định tổng mức thuế suất thuế quan cam kết trần. Phương pháp đánh thuế quan của tổ chức WTO cũng hướng tới con số thuế quan xuống đến mức thấp nhất. Tổ chức WTO cũng phân chia các loại hàng hóa thành những mặt hàng khác để đánh thuế theo hàng hóa. Tổ chức WTO còn hướng tới mục tiêu khuyến khích cho các nước đang phát triển tham gia nhập tổ chức này và nhận được những ưu đãi so với những nước có nền kinh tế phát triển. Việc đánh thuế quan hiện nay là do pháp luật của các nước điều chỉnh về thuế trong quá trình xuất - nhập khẩu sao cho phù hợp với nội dung về thuế mà tổ chức thương mại thế giới WTO đưa ra. Các thành viên tham gia tổ chức thương mại thế giới cần phải tuân theo các nguyên tắc của tổ chức thế giới như đối xử quốc gia, tự do thương mại.
Đối với AEC, trong số danh mục hàng hóa cắt giảm thuế mà Hiệp định CEPT đưa ra, các thành viên có quyền tự quyết định lựa chọn danh mục hàng hóa cắt giảm thuế của quốc gia mình và đưa ra lộ trình phù hợp với quy định chung. Việc lựa chọn danh mục hàng hóa của quốc gia phải được Hội đồng AFTA chấp nhận.
Thứ ba, tuân thủ các cam kết chung đạt được qua các vòng đàm phán. Trong khuôn khổ hợp tác, các quốc gia thành viên tiến hành các vòng đàm phán nhằm đưa ra các lộ trình mới trong nội dung tự do hoá thương mại hàng hoá. Trong khuôn khổ WTO đã diễn ra 8 vòng đàm phán gồm các vòng đàm phán:
Geneva năm 1947 về cắt giảm thuế quan;
Annnecy năm 1949 về cắt giảm thuế quan;
Torquay năm 1951 về cắt giảm thuế quan;
Geneva năm 1956 về cắt giảm thuế quan;
Geneva năm 1960 – 1961 (Vòng Dillon) về cắt giảm thuế quan;
Geneva năm 1964 – 1967 (Vòng Kenedy) về cắt giảm thuế quan và các biện pháp chống bán phá giá;
Geneva năm 1973 – 1979 (Vòng Tokyo) về cắt giảm thuế quan, xoá bỏ rào cản phi thuế quan và các hiệp định khung;
Geneva năm 1986 – 1994 (Vòng Uruguay) về cắt giảm thuế quan, xoá bỏ rào cản phi thuế quan, các quy tắc, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, nông nghiệp, thành lập WTO…
Như vậy, các nội dung đàm phán đã được mở rộng từ vòng đàm phán thứ nhất đến vòng đàm phán thứ tám. Năm vòng đàm phán đầu chỉ chuyên về cắt giảm thuế quan. Vòng đàm phán Kenedy đã đưa tới việc cắt giảm đến 50% thuế quan của các nghành công nghiệp chủ yếu, chỉ trừ một số ngành đặc biệt. Về mức thuế, vòng đàm phán này đã cắt giảm bình quân được 35%. Vòng đàm phán Tokyo tiếp tục các nỗ lực cắt giảm thuế quan đã đưa vào một công thức cắt giảm thuế quan phức tạp hơn so với Vòng Kenedy với ưu tiên cắt giảm thuế đỉnh. Kết quả là đã cắt giảm bình quân một phần ba mức thuế quan ở 9 thị trường công nghiệp chủ chốt của thế giới, nhờ đó thuế suất bình quân đối với các sản phẩm công nghiệp giảm xuống chỉ còn 4,7%. Bên cạnh đó, một loạt các hiệp định về các biện pháp phi thuế quan cũng đạt được trong vòng đàm phán này. Vòng đàm phán Uruguay kéo dài suốt 8 năm, được coi là vòng đàm phán thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Đối với AEC, sau khi hoàn thành các nghĩa vụ trong CEPT, các quốc gia đã thoả thuận ký kết Hiệp định ATIGA nhằm đưa ra lộ trình cụ thể cho việc tự do hoá thương mại có những quy định rõ ràng hơn CEPT
Như vậy, về nội dung cơ bản thì WTO và AEC đều giống nhau về phương thức thực hiện tự do hoá thương mại hàng hoá.
2. Khác nhau.
Về mặt cơ bản thì AEC sử dụng ba loại văn bản để ràng buộc các nước thành viên đó là các hiệp định khung, cam kết của các thành viên và kết quả của các vòng đàm phán. Còn trong WTO thì có hơi phức tạp hơn một chút, ngoài các hiệp định khung, cam kết của các thành viên và kết quả của các vòng đàm phán thì còn có thêm một loại văn bản nữa là cam kết gia nhập của các thành viên WTO. Cam kết mở cửa thị trường thương mại hàng hóa được thực hiện thông qua việc cắt giảm thuế nhập khẩu và loại bỏ hàng rào phi quan thuế cản trở thương mại.
Ví dụ: Về cam kết giảm thuế nhập khẩu khi gia nhập WTO, Việt Nam đồng ý ràng buộc mức trần cho toàn bộ biểu thuế (l0.600 dòng). Mức thuế bình quân toàn biểu được giảm từ mức hiện hành 17,4% xuống còn 13,4%, thực hiện dần trong vòng 05-07 năm. Mức thuế bình quân đối với hàng nông sản giảm từ mức hiện hành 23,5% xuống còn 20,9%, thực hiện trong khoảng 05 năm. Với hàng công nghiệp, mức bình quân giảm từ 16,8% xuống 12,6%, thực hiện chủ yếu trong vòng từ 05 đến 07 năm. Mức giảm thuế bình quân chỉ có ý nghĩa so sánh đơn giản và hết sức khái quát. Cạnh tranh là trên từng mặt hàng cụ thể, tương ứng với từng dòng thuế cụ thể theo mã HS 08 số. Có mặt hàng giảm nhiều, có mặt hàng giảm ít.
Khoảng hơn 1/3 số dòng của biểu thuế sẽ phải cắt giảm, chủ yếu là các dòng có thuế suất trên 20%. Các mặt hàng trọng yếu, nhạy cảm đối với nền kinh tế như nông sản, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy... vẫn duy trì được mức bảo hộ nhất định. Những ngành có mức giảm thuế nhiều nhất bao gồm: dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, hàng chế tạo khác, máy móc và thiết bị điện - điện tử.
Như tất cả các nước mới gia nhập khác, Việt Nam cũng cam kết tham gia một số hiệp định tự do hoá theo ngành như sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), dệt may và thiết bị y tế v.v.. Thời gian để giảm thuế là từ 03-05 năm. Về hạn ngạch thuế quan, ta bảo lưu quyền áp dụng đối với đường, trứng gia cầm, lá thuốc lá và muối.
II. Mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa.
Nếu như cách giá một cách chung nhất về mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa giữa AEC và WTO thì chúng ta có thể đưa ra nhận xét rằng trong AEC mức độ tự do hóa là sâu và rộng hơn khá nhiều so với WTO.
Đối với WTO thì các loại hàng hóa đã được cắt giảm thuế chủ yếu vẫn nằm ở nhóm hàng công nghiệp, còn đối với nhóm hàng nông nghiệp thì vẫn tiếp tục là nhóm hàng cần được cắt giảm thuế dần dần. Nhưng trong AEC thì việc cắt giảm thuế được thực hiện ở hầu hết các loại hàng hóa – kể cả công nghiệp lẫn nông nghiệp. Ngoài ra, trong AEC thì mức thuế mà các quốc gia thành viên hướng tới cho các mặt hàng là giảm xuống còn từ 0% - 5%, trong khi đó đối với các quốc gia thành viên thì mức thuế hàng hóa thường hướng tới khoảng từ 15% - 20%.
Cụ thể là theo nghị định thư sửa đổi CEPT về xoá bỏ thuế nhập khẩu, ASEAN-6 đã xoá bỏ thuế quan của 60% tổng số dòng sản phẩm trong Danh mục IL trong năm 2003, đến năm 2007, ASEAN-6 đã xoá bỏ thuế quan 80% số dòng sản phẩm trong IL.
Kể từ khi thông qua kế hoạch thực hiện AEC vào tháng 11/2007 đã có những bước tiến hướng tới việc xây dựng AEC. Kể từ 1/1/2010, 99,5% các dòng thuế thuộc Danh mục cắt giảm thuế trong khuôn khổ chương trình ưu đãi thuế quan chung thực hiện khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA) đã giảm xuống mức 0 – 5%, điều này là kết quả có tác động mạnh mẽ và rõ nét tới ASEAN. Thương mại nội khối ASEAN tăng lên gần gấp 3, đạt 458,1 tỷ USD (2008) so với năm 2000 khi cả 10 thành viên ASEAN gia nhập CEPT-AFTA, cùng với những tiến bộ đạt được trong việc dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, những bước tiến này đã thể hiện rõ quyết tâm của ASEAN trong việc thuận lợi hoá các dòng chảy thương mại hàng hoá trong ASEAN.
ASEAN-6 cũng đã hoàn tất việc xoá bỏ thuế quan với 7881 dòng thuế cuối cùng tham gia CEPT, nâng tổng số dòng thuế đạt thuế suất tự do lên 54.457 dòng, đạt 99,11% tổng số dòng thuế của ASEAN-6. Đến 1/1/2010. ASEAN-6 chỉ còn 487 dòng thuế tương ứng 0,89% số dòng thuế các nước này được duy trì trong Danh mục SEL, HSEL, GEL.
Việc hình thành mục tiêu tự do hoá thuế quan của ASEAN-6 đã làm giảm mức thuế quan trung bình của các nước này từ 0,79 (2009) xuống còn 0,05 (2010). Bên cạnh đó ASEAN-4 cũng đã đưa được 98,86% tổng số dòng thuế tham gia CEPT về mức 0 – 5%. Đó là kết quả nổi bật, cột mốc quan trọng của ASEAN.
Còn đối với WTO thì sau Vòng đàm phán Uruguay, các nước phát triển cam kết tiến hành cắt giảm thuế quan hàng công nghiệp từ 6,3% xuống còn trung bình là 3,8% trong vòng 5 năm, tính từ 1/1/1995. Giá trị hàng hoá nhập khẩu vào các nước này được miễn thuế hoàn toàn là 44% (từ 20%). Số lượng các sản phẩm phải chịu thuế suất hải quan cao giảm xuống, số dòng thuế nhập khẩu từ tất cả các nước phải chịu thuế suất trên 15% giảm từ 7% xuống còn 5% (riêng đối với các nước đang phát triển thì mức giảm này là từ 9% xuống 5%). Ngày 26/3/1997, 40 nước chiếm 92% thương mại thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã nhất trí miễn thuế và các loại phí khác cho tất cả các sản phẩm công nghệ thông tin nhập khẩu kể từ năm 2000. Số lượng các dòng thuế được ràng buộc cũng tăng nhanh. Các nước phát triển cam kết ràng buộc 99% dòng thuế của họ (từ mức 77%), các nước đang phát triển ràng buộc 73% (từ 21%), các nền kinh tế chuyển đổi 98% từ (73%).
Tuy AEC là các nền kinh tế “cộng” chứ không phải là một thực thể kinh tế đơn nhất, phương thức hợp tác của AEC vẫn là phương thức liên chính phủ và ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nhưng quan hệ kinh tế giữa các thành viên trong AEC vẫn còn rất hạn chế. Thương mại nội khối ASEAN năm 2008 đạt 458,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2000, nhưng trong điều kiện phát triển nhanh chóng hiện nay và so với các thiết chế hợp tác kinh tế khác thì con số này thực sự chưa tương xứng với tiềm năng.
KẾT LUẬN
Như vậy, thông qua những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù mục tiêu của AEC và WTO đều là nhằm xóa bỏ những rào cản đối với tự do thương mại hàng hóa, nhưng về phương thức và mức độ tự do hóa là rất khác nhau. Điều này có thể giải thích là do tính chất quy mô của hai tổ chức này khác nhau. Đối với một tổ chức lớn như WTO thì một lộ trình chung của nó có thể tác động đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời để đạt được sự đồng thuận trong các vòng đàm phán là rất khó khăn, điều này là trái ngược với AEC với bao gồm chỉ 10 thành viên.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- So sánh phương thức (cách thức thực hiện) và mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa của Cộng đồng kinh tế ASEAN với Tổ chức thương mại thế giới WTO.doc