Sử dụng nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

Nguồn nhân lực (NNL) là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Bài báo chỉ nêu một vài đánh giá về tình hình sử dụng NNL ở nông thôn Việt Nam dưới góc độ xem xét cung cầu trên thị trường lao động ở khu vực này. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của nông thôn Việt Nam.

doc6 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3035 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sử dụng nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC NÔNG THÔN VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP UTILIZATION OF HUMAN RESOURCES IN VIETNAM’S RURAL AREA BÙI QUANG BÌNH Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Nguồn nhân lực (NNL) là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Bài báo chỉ nêu một vài đánh giá về tình hình sử dụng NNL ở nông thôn Việt Nam dưới góc độ xem xét cung cầu trên thị trường lao động ở khu vực này. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của nông thôn Việt Nam. ABSTRACT Human resources are one of the most important forces in a country’s economic development. This paper is to examine the human resource utilization in Vietnam’s rural area in terms of the demand and supply on this area’s labor market. We also propose some solutions to promote the socio-economic development in Vietnam’s rural area. 1. Tình hình cung lao động ở nông thôn nước ta Ở Việt Nam, đại bộ phận dân cư tập trung sinh sống ở khu vực nông thôn, tính đến ngày 1/7/2002, dân số cả nước là 79,93 triệu người, thì dân số nông thôn là 60,05 triệu người (75,13%). Số người trong độ tuổi lao động là 35,44 triệu, khoảng 59% dân số, trong đó 30,9 triệu người tham gia vào lực lượng lao động (LLLĐ). Tốc độ tăng dân số bình quân hơn 10 năm qua là 1,7%, mức tăng trung bình của số người trong độ tuổi lao động là 2,6% năm.(1) Khu vực nông thôn đang tập trung một số lượng lớn lực lượng lao động của cả nước và với tốc độ tăng khoảng hơn 2,5% năm. Nhưng thời gian trung bình chưa sử dụng của cả nước có xu hướng giảm xuống, nếu năm 1998 là 29,12% thì năm 2002 còn 24,46. Với LLLĐ ở nông thôn năm 2002 là 30,98 triệu người và thời gian chưa sử dụng trung bình cả nước là 24,46 %, nếu quy đổi thì sẽ tương đương đương khoảng 7,5 triệu người không có việc làm. 2. Xem xét cầu lao động ở nông thôn nước ta Trong những năm gần đây, ở khu vực nông thôn, cầu lao động tăng chậm làm cho tình hình cung cầu trên thị trường lao động mất cấn đối lớn. Về cơ cấu ngành kinh tế, năm 2002 trong tổng số gần 31 triệu người tham gia LLLĐ ở nông thôn, có tới 75% làm việc trong Nông-Lâm-Thuỷ sản, chỉ 15% làm việc trong công nghiệp và dịch vụ. Trong những người thiếu việc làm ở nông thôn, có tới 80% tập trung trong nông nghiệp. Theo lý thuyết thì tăng trưởng kinh tế sẽ thu hút thêm lao động giải quyết việc làm. Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp lớn là 5,4%, nhưng hệ số co dãn việc làm so với 1% tăng trưởng kinh tế của nông thôn nước ta chỉ là 0,43 trong giai đoạn 1990-2000, nghĩa là mỗi năm khu vực nông nghiệp chỉ tạo thêm được số việc làm mới bằng 2,3% LLLĐ, sự thu hút ít hơn số lượng lao động tăng thêm mỗi năm là gần 1 triệu người. Sự phát triển của nông nghiệp không thể giải quyết hết lao động tăng thêm ở nông thôn những năm qua. Trong nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt. Theo Tổng cục Địa chính, đến năm 1998, Việt Nam mới sử dụng khoảng 67.57% diện tích đất tự nhiên, bình quân đầu người là khoảng 2790 m2. Còn khoảng 10.6 triệu ha đất chưa được sử dụng (32.4%), nhưng phần lớn là đồi dốc, thiếu nước, lại bị sói mòn, thoái hoá, diện tích đất bằng có thể dùng cho trồng trọt hầu hết là đất mặn, phèn ngập úng, muốn khai thác phải có nhiều vốn. Với dân số và NNL ngày càng tăng ở nông thôn, làm cho quỹ đất của VN tính bình quân đầu người vốn đã vào loại thấp nhất thế giới lại càng ít hơn, khó khăn nhiều hơn cho việc tạo công ăn việc làm ở nông thôn. Trong thực tế, tổng diện tích đất nông nghiệp của nước ta lại dành tới 70 % để trồng lúa, nhưng hiện việc thâm canh cây lúa đã đến giới hạn trong việc thu hút thêm lao động so với các cây trổng khác, làm cho hiệu quả sử dụng không cao. Ngoài ra, hiện nay hệ số sử dụng đất bình quân cả nước là 1,4; Miền Bắc là 1,2. Hiện có 445 ngàn hộ nông dân không có đất. Rõ ràng, việc không sử dụng tốt yếu tố đất đai, cũng là một nguyên nhân thiếu việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Đầu tư là chìa khoá của tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với tạo việc làm, lý thuyết đã chứng minh rằng khi tăng đầu tư sẽ bù đắp những thiếu hụt của “cầu tiêu dùng” từ đó tăng việc làm, tăng thu nhập, tăng hiệu quả biên của vốn đầu tư, và kích thích tái sản xuất mở rộng. Trong nông nghiệp, nông thôn, quan hệ đầu tư và tăng trưởng vận động theo chu kỳ: tăng đầu tư => tăng thu nhập=> tăng cầu=> tăng đầu ra; và sang chu kỳ sau với quy mô lớn hơn. Thực tế ở nhiều nước châu Á đã chứng minh cho lý thuyết trên. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 1991-2000 khoảng 632 ngàn tỷ (theo giá năm 1995 là khoảng 57 tỷ USD; trong đó đầu tư cho NN, nông thôn là 65.2 ngàn tỷ (5.9 tỷ USD) chiếm khoảng 10,37%. Tương tự cho CN là 264 ngàn tỷ đồng (23.8 tỷ USD) chiếm 41,85 %, và đầu tư cho giao thông bưu điện là 95.5ngàn tỷ đồng (8.6 tỷ USD) chiếm 15,14%). Nếu so sánh với số lao động thu hút vào công nghiệp là 1,76 triệu, dịch vụ là 4,2 triệu, nông nghiệp là 3,1 triệu mười năm qua, thì rõ ràng việc đầu tư không mang lại hiệu quả cho việc thu hút thêm lao động đặc biệt trong công nghiệp. Nếu tính giá trị vốn đầu tư cho một chỗ làm mới thì một chỗ làm trong công nghiệp gấp khoảng 7 lần so với nông nghiệp. Chỉ thu hút thêm 3,1 triệu lao động này trong 10 năm là quá nhỏ só với nhu cầu tăng thêm của hàng năm của khu vực nông thôn là khoảng gần 1triệu người. (3) Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò lớn với nền kinh tế nước ta hiện nay, song sự tác động của nó với ngành nông nghiệp không nhiều. Trong nông nghiệp, kể từ khi có luật nước ngoài năm 1988 đến hết năm 2002, thu hút được 354 dự án với số vốn là 1,4333 tỷ USD trong đó có 678 triệu USD vốn pháp định, quy mô bình quân của một dự án chỉ khoàng 4 triệu USD vốn đăng ký và 1,9 triệu USD vốn pháp định. Doanh thu từ các dự án FDI này chỉ chiếm 0,4% giá trị tổng sản lượng nông lâm nghiệp (năm 2003). Nhìn chung, quy mô vốn đầu tư không nhiều, đầu tư chủ yếu vào vùng Đông Nam Bộ, còn các vùng khác ít về số lượng và quy mô nhỏ. Ngay đối với những vùng trọng điểm về nông nghiệp tập trung nhiều lao động, với số lượng nông sản lớn như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng cũng rất ít (đặc biệt năm 2003 khu vực này không có dự án nào). Với sự phát triển của các ngành công nghiệp dịch vụ cơ cấu ngành kinh tế có sự thay đổi, NN tăng khá về giá trị tuyệt đối, song tỷ trọng trong GDP giảm từ 40.49% năm 1991 xuống còn 24,3 % vào năm 2000, tương ứng CN tăng từ 23,79% lên 36.61% và dịch vụ là 35,72% lên 39,09%. Nhưng cơ cấu lao động theo ngành kinh tế thay đổi không khả quan lắm, lao động trong nông nghiệp giảm từ 72,6% (1991) tổng số lao động cả nước xuống còn 62,61 % năm 2000. Lao động trong công nghiệp tăng không đáng kể, nếu năm 1991 chiếm 13,6% thì năm 2000 là 13,11%. Sự chuyển dịch lao động chủ yếu từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, năm 1991 tỷ trong lao động trong các ngành dịch vụ là 13,8% thì năm 2000 là 24,28%. Bài toán việc làm cho lao động ở nông thôn nếu chờ đợi cả vào sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ là không giải quyết được, hơn nữa tình trạng thất nghiệp ở các đô thị vẫn cao năm 2000 là 6,34%, nằm 2002 là 6,01%, năm 2003 là 5,78%. Rõ ràng, tình trạng “trì trệ ” kém sôi động của thị trường lao động công nghiệp và dịch vụ ở thành thị không có khả năng thu hút chính lao động ở khu vực thành thị. (4) Trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp 10 năm có sự thay đổi không đáng kể, thời kỳ 91-95, tỷ trọng trồng trọt tăng từ 74,4% lên 80,4%, chăn nuôi giảm từ 24,1% xuống 16,6% và dịch vụ tăng từ 1,5% lên 3%. Giai đoạn 96-2000, tỷ trọng của trồng trọt giảm không đáng kể từ 80,4% còn 80%, chăn nuôi tăng từ 16,6% lên 17,3%, dịch vụ giảm từ 3% còn 2,7%. Nhìn chung, cơ cấu chuyển dịch chậm, khi mà chăn nuôi và dịch vụ quá yếu đã làm hạn chế sự phát triển của trồng trọt và quá trình hình thành nền nông nghiệp hàng hoá lớn ở nông thôn, mặt khác không phát huy được lợi thế của từng vùng, và tạo ra nhiều việc làm hơn từ nông nghiệp. Hiện tại, trong ngành trồng trọt cây lúa vẫn chiếm vị trí quan trọng: hơn 70% diện tích và 90% sản lượng ngũ cốc, cây công nghiệp và cây trồng khác chiếm trên 27% giá trị tổng sản lượng NN, vì thế đa dạng hoá và thay đổi cơ cấu cây trồng sẽ góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn. Cơ cấu của lao động ở nông thôn Việt Nam thể hiện tính thuần nông. Trong tổng số 13,2 triệu hộ dân ở khu vực nông thôn năm 2001 thì có tới 81% làm việc trong lĩnh vực nông-lâm- thuỷ sản, chỉ có 16,1% làm việc ở khu vực phi nông nghiệp. So với năm 1994, sau 7 năm cơ cấu ngành nghề của các hộ và lao động nông thôn chuyển dịch rất chậm, số hộ trong khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 0,65%, bình quân 0,092% /năm. Cơ cấu lao động nông thôn chênh lệch giữa các vùng. Trong 8 vùng của cả nước ngoại trừ vùng Đông Nam Bộ có cơ cấu ngành nghề của các hộ nông thôn khá tiến bộ: 64,2 % nông nghiệp và 35,8% còn lại là phi nông nghiệp. Các vùng Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc cơ cấu ngành nghề của các hộ mang tính thuần nông nặng và chuyển dịch rất chậm. Tỷ lệ giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp của Tây Nguyên là 91,1% và 7,1%, vùng Đông Bắc là 88,4% và 8,6%, Tây Bắc là 93% và 5,97%. Ngay cả hai vùng trọng điểm nông nghiệp hàng hoá là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long tuy có lợi thế gần các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn, nhưng xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động cũng rất chậm và không đều. Vì vậy, lao động dư thừa lại tập trung trong ngành nông nghiệp và khả năng tạo thêm việc làm từ đây là rất khó, vì thế chuyển dịch cơ cấu sẽ là yêu cầu cấp bách trong thời gian tới. (1) NSLĐ trong nông nghiệp là chỉ tiêu chất lượng phản ánh trình độ sử dụng lao động trong lĩnh vực này, gia tăng NSLĐ là điều kiện cho phép thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn. Năng suất lúa bình quân cả năm tăng từ 28,1 tạ/ha năm 1986 lên 45,5 tạ/ ha năm 2002 tăng gần 62% (bình quân tăng hơn 01 tạ/ ha năm). Trong nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 80% giá trị tổng sản lượng nông nghiệp, lúa là cây trồng chính. Do đó, tăng năng suất lúa là yếu tố quan trọng để tăng giá trị tổng sản lượng nông nghiệp (GTTSLNN). Điều đáng chú ý là sản lượng lương thực tăng lên từ 18,4 triệu tấn năm 1986 thì năm 2002 là 36,3 triệu tấn, bình quân tăng khoảng 1,052 triệu tấn 1 năm, trong đó do yếu tố tăng diện tích (từ 5,76 triệu ha năm 1986 lên 8,295 triệu ha năm 2002) khoảng gần 60 % còn do năng suất tăng là gần 40 %. Một trong những nguyên nhân tăng năng suất lúa ngoài yếu tố khoa học kỹ thuật, thì tác động của năng suất lao động trong nông nghiệp tới mức tăng sản lượng là không nhiều. (5) Chất lượng thấp của nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn thể hiện qua tỷ lệ không biết chữ là 4,79%, tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở là 34,59% và tốt nghiệp trung học phổ thông là 11,18%. Nếu đánh giá trình độ văn hoá bình quân theo giới tính có thể thấy số năm đi học văn hoá trung bình của khu vực nông thôn thấp hơn thành thị, của phụ nữ thấp hơn nam giới. Theo các nhà nghiên cứu, năng suất lao động sẽ tăng nếu người nông dân có trình độ học vấn ở mức độ nào đó, và nếu tốt nghiệp phổ thông, mức tăng này là 11%. Ngoài ra trình độ học vấn còn cho người lao động khả năng lĩnh hội những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Với chất lượng của NNL nông thôn Việt Nam như vậy sẽ hạn chế họ trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là tự tạo việc làm. Những năm qua trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn thay đổi không đáng kể, tình trạng thu nhập thấp và thiếu việc làm ở nông thôn, trong lúc đó thu nhập cao hơn ở các đô thị đã tăng sự dịch chuyển lao động, nhất là những lao động kỹ thuật từ nông thôn tới các thành thị, và làm cho tỷ lệ lao động đã qua đào tạo giảm từ 6,91% xuống còn 5,94%. Trong số 8 vùng nông thôn, những vùng có trình độ học vấn thấp cũng chính là những vùng có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn thấp, vùng Tây Bắc chỉ có 2,3%, Tây Nguyên là 3,41%. NSLĐ nông nghiệp thấp còn vì lao động ở đây chủ yếu vẫn là lao động thủ công. Khâu làm đất là khâu nặng nhọc nhất thì quá trình cơ giới hoá (CGH) diễn ra chậm, nếu năm 1990 tỷ lệ cơ giới hoá là 21%, năm 1995 là 26% và năm 2002 là khoảng 30%. Một số khâu khác như vận chuyển, ra hạt, bơm tát nước tỷ lệ CGH có sự cải thiện, như khâu ra hạt hiện đã được CGH 80%. Tuy nhiên, việc CGH trong nông nghiệp gặp những khó khăn nhất định, thứ nhất, quy mô ruộng đất vốn nhỏ lẻ, với bình quân ruộng đất ở đồng bằng sông Hồng chỉ có 544m2, và miền Trung là 611m2, lại manh mún tạo việc sử dụng máy móc cơ khí khó khăn và chi phí cao. Thứ hai, do chăn nuôi gia súc như trâu bò nhiều lên làm cho nhu cầu sức kéo giảm. Thứ ba, yêu cầu hiện đại hoá mâu thuẫn với tình trạng lao động dư thừa, nếu 1 ha đất làm thủ công cần 300 ngày công lao động sống, khi là máy chỉ còn sử dụng 50 ngày công. 3. Phương hướng và giải pháp thời gian tới Do những bất cập không nhỏ về tình hình cung cầu trên thị trường lao động nông thôn nước ta, NNL ở nông thôn vẫn chỉ là dạng tiềm năng chưa được khai thác và sử dụng tốt. Để giải quyết vấn đề đó và sử dụng có hiệu nguồn nhân lực ở nông thôn trong thời gian tới, quan điểm chung: Một là, tận dụng tối đa số lượng lao động, đồng thời không ngừng nâng cao năng suất lao động, nghĩa là sử dụng gắn với phát triển NNL. Hai là, quá trình sử dụng lao động gắn liền với quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Ba là, quá trình sử dụng lao động gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Từ đó cần tiến hành các giải pháp sau: Thứ nhất: Giảm lượng cung lao động Cần tiếp tục duy trì chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Việc đưa chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình về nông thôn nhằm thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,1% vào 2010, từ đó giảm số lượng nguồn nhân lực. Muốn thực hiện được thì trước hết phải hỗ trợ cho họ có thể tiếp cận được các phương tiện truyền thông để họ hiểu được pháp lệnh dân số và biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Cần hỗ trợ cho họ các loại thuốc và dụng cụ tránh thai không phải trả tiền. Cần phải có các chính sách về lợi ích vật chất, để khuyến khích họ sinh đẻ đúng kế hoạch. Thứ hai: Phải sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn lực đất đai Cần hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý đất đai, để biến đất đai thành nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế và tạo thêm việc làm. Mỗi địa phương phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy hoạch dài hạn sử dụng đất. Trong nông nghiệp phải thay đổi cơ cấu về diện tích cây trồng trên cơ sở lựa chọn đúng cơ cấu cây trồng vật nuôi thích hợp, phải đẩy nhanh thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất, tăng nhanh giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích. Phải tiếp tục thực hiện giao đất giao rừng cho nhân dân để gắn đất đai với lao động, đất rừng phải có chủ. Hoàn thành giao đất cho những hộ dân không có đất sản xuất và kèm theo những điều kiện hỗ trợ về khuyến nông để giúp họ sản xuất và khắc phục tình trạng sử dụng kém hiệu quả đất đai của các doanh nghiệp nông lâm nghiệp. Trong xây dựng đô thị và kết cấu hạ tầng quan trọng phải trên cơ sở quy hoạch tránh lãng phí. Tạo ra thị trường đất đai ở khu vực nông thôn sẽ làm cho sự minh bạch về giá, giúp cho quá trình sử dụng nguồn vốn này tốt hơn, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung đất đai, từ đó góp phần thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Thứ ba: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn Xác định chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá lớn. Vì thế cần một là: phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn. Tiếp theo là phát triển mạnh lâm nghiệp và thuỷ sản nhằm thay đổi cơ cấu giữa nông- lâm- thuỷ sản. Trong nội bộ ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, và tất nhiên là thay đổi cơ cấu cây trồng giảm tỷ trọng cây lương thực, tăng tỷ trọng cây màu cây công nghiệp. Hai là: củng cố thị trường đã có, mở rộng thị trường mới để tiêu thụ nông sản phẩm và dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn. Ba là: hoàn chỉnh quy hoạch sản xuất nông lâm thuỷ sản và ngành nghề dịch vụ ở nông thôn theo hướng hàng hoá gắn với thị trường. Bốn là: phát triển kinh tế nhiều thành phần. Thứ tư: Cải tiến và đổi mới cơ chế huy động vốn, sử dụng và quản lý vốn đầu tư Một mặt tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhưng chủ yếu cho kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp nông thôn. Có cơ chế và chính sách phù hợp như chính sách miễn giảm thuế, chính sách tín dụng..., để kêu gọi khuyến khích đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nguồn vốn FDI vẫn là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và chuyển giao công nghệ trong ngành nông -lâm- thuỷ sản. Cần thúc đẩy sự hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng vào khu vực thị trường nông thôn, nơi tỷ lệ rủi ro cao. Tạo ra những thuận lợi nhất để nông dân có thể tiếp cận với các nguồn tài chính. Đẩy nhanh việc cổ phần hoá, hình thành thị trường vốn và vận hành tốt loại thị trường này nhằm nhanh chóng huy động vốn và di chuyển vốn dễ dàng giữa các khu vực, các ngành kinh tế từ đó tạo vốn cho khu vực nông thôn. Tăng nguồn vốn trung hạn và dài hạn hỗ trợ cho nhân dân, đặc biệt với nông dân trong quá trình tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Thứ năm: Thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn cùng với việc xây dựng các khu công nghiệp nhỏ ở nông thôn Quá trình này được thực hiện bằng việc hình thành các thị trấn thị tứ, các khu công nghiệp nhỏ và vừa, gia tăng các hoạt động dịch vụ ở nông thôn. Đây là cơ sở cho việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phân công lao động ở nông thôn. Nhà nước kích thích quá trình này bằng cách hỗ trợ xây dựng các công trình cấu trúc hạ tầng như cấp điện, giao thông, thông tin liên lạc, các trung tâm thương mại dịch vụ. Khuyến khích dân cư nông thôn tự tạo việc làm ngay tại quê hương mình theo phương châm "Li nông bất li hương”. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Chẳng hạn trước đây số lao động trẻ của tỉnh Quảng Nam di chuyển đến các đô thị tìm việc làm rất lớn thì hiện tại với chương trình khôi phục làng nghề truyền thống của tỉnh đã thu hút rất nhiều lao động trẻ. Thứ sáu: Nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực ở nông thôn Cần thực hiện cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm để tăng cường đầu tư cho giáo dục nâng cao trình độ văn hoá cho các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long sớm phổ cập giáo dục cơ sở. Điều chỉnh mạng lưới cơ sở đào tạo cho phù hợp với yêu cầu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng vùng nông thôn. Xây dựng một số cơ sở sản xuất nông nghiệp có trình độ kỹ thuật công nghệ cao trong các vùng nông nghiệp trọng điểm nhằm kết hợp khuyến nông, đẩy mạnh hoạt động phổ biến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Trong việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân cần chú ý cả phương tiện kỹ thuật và kỹ năng quản lý, không chỉ chú trọng các loại hình chính quy trên cơ sở phát triển hệ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, mà đặc biệt quan tâm tới mô hình đào tạo cộng đồng. Tăng cường đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp cho nông dân. Có chính sách khuyến khích và sử dụng tốt sinh viên học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp về phục vụ ở nông thôn. TÀI LIỆU THAM KHẢO Báo cáo kết quả điều tra lao động - việc làm của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, 1/7/2002. Số liệu thống kê Lao động - việc làm 1996-2000 và 2002 của Bộ LĐ-TBXH, NXB Thống kê, 2001 và NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội - 2003. Đánh giá việc thực hiện chiến lược KT-XH, trang Web của Bộ Kế hoạch Đầu tư Thực hiện mục tiêu chuyển dich cơ cấu ngành của của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trang Web của Bộ Kế hoạch Đầu tư Niên giám thông kê việt Nam, Tổng cục Thống Kê 1995, 1996, 1997, 2000, 2002.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docSử dụng nguồn nhân lực nông thôn việt nam- Thực trạng và giải pháp.doc
Luận văn liên quan